Thích Nhất Hạnh | Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy | Chương 05
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 59 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Năng lượng
Trong sách Sen Búp Từng Cánh Hé, bản tiếng Việt, có bài thực tập về năm cái lạy. Hôm nay chúng ta học về bài thực tập này vì bài này có liên hệ mật thiết với sự thực tập Từ, Bi, Hỷ và Xả. Chúng ta phải xác nhận sự kiện là không phải chỉ có các vị Bụt và bồ tát mới có Từ, Bi, Hỷ và Xả. Tất cả chúng ta đều có hạt giống của Từ, Bi, Hỷ và Xả trong lòng, điều này có thể chứng minh được. Chúng ta có khuynh hướng tự nhiên của Từ, Bi, Hỷ và Xả và tình thương này là ước vọng thầm kín và sâu sắc nhất của chúng ta. Khi xuất gia, chúng ta phát bồ đề tâm, nghĩa là chúng ta phát tâm muốn thể hiện ước vọng sâu xa nhất của chúng ta, làm sao cho chúng ta có nhiều năng lượng của Từ, Bi, Hỷ và Xả để độ sinh, bởi vì cuộc đời rất cần tới bốn loại năng lượng đó. Tu tập là để chế biến những năng lượng đó cho chính ta cho những người xung quanh và cho mọi loài. Cũng như người ta lập một nhà máy điện là để chế biến điện cho cả thành phố dùng. Bốn chất liệu đó có sẵn trong ta như chất uranium có sẵn trong lòng đất. Chúng ta biết rằng chất uranium nếu biết sử dụng thì có thể tạo thành năng lượng nguyên tử. Chúng ta tiếp xúc và làm phát hiện chất quặng của Từ, Bi, Hỷ, Xả và tinh luyện nên bốn loại năng lượng kia.
Trong khi đó những tập khí và những năng lượng của vướng mắc, đam mê và độc tài cũng có trong chúng ta. Nếu không có chánh niệm chúng ta sẽ khai phát những chất liệu tiêu cực đó. Chỉ cần ta không có chánh niệm là chúng hiển hiện rất dễ dàng. Nhờ quán chiếu nhờ tuệ giác của Bụt của bản thân và của tăng thân ta thấy rằng Từ, Bi, Hỷ và Xả đem lại hạnh phúc và tự do, trong khi chiếm hữu độc tài và vướng mắc đem lại sầu khổ và bi lụy. Thấy như vậy ta phải coi chừng khuynh hướng chiếm hữu độc tài và vướng mắc. Tâm của ta được gọi là nhất thiết chủng thức, tại vì trong tâm ấy có đủ các thứ hạt giống.
Khi ôn lại năm cái lạy chúng ta thấy rằng năm lạy là một trong những hình thức thực tập Từ quán, Bi quán, Hỷ quán, Xả quán và bất xả quán. Có nhiều người tây phương có nội kết với cái lạy, tại vì họ không hiểu tại sao ta phải lạy một cách tội nghiệp như vậy mất nhân cách con người như vậy. Nhưng họ không hiểu lạy là một pháp du già (yoga) rất hữu hiệu và chính trong khi lạy xuống, ta trở về được với cội nguồn của ta, ta trở về đất mẹ, ta đồng nhất ta với đất mẹ, ta thấy ta không còn là một thực thể biệt lập nữa. Đất mẹ tượng trưng cho cội nguồn của ta. Nếu ta cô đơn, nếu ta bị tách rời ra khỏi thiên nhiên dòng họ, tổ tiên, văn hoá và xã hội, đó là vì ta đã đi quá xa trên đà cô lập hoá bản thân. Những người cô lập hoá bản thân là những người khổ đau nhất. Thực tập Từ, Bi, Hỷ và Xả bắt đầu bằng sự phá bỏ ranh giới giữa bản thân, thiên nhiên, xã hội, tổ tiên và văn hoá làm cho sự thông thương được thiết lập trở lại. Sự thông thương được thiết lập trở lại thì ta khôi phục được sức khoẻ và niềm vui. Năm lạy rất mầu nhiệm. Khi ta lạy xuống ta không mất nhân cách của ta mà ta lại khôi phục hoàn toàn được nhân cách của ta. Nhân cách của ta là cả vũ trụ. Trong ta chứa đựng vũ trụ, trong ta chứa các vị Bụt, các vị bồ tát, vì vậy cho nên khi lạy xuống ta trở nên tất cả chứ không phải trở thành con số không như những kẻ bàng quan tưởng tượng. Chỉ có những người đang bị kẹt trong vỏ bản ngã, cô đơn và khổ đau mới nghĩ rằng cái ta của họ quý giá, Nhưng cái ta đó chẳng qua là sự cô đơn, phóng thể và tách rời sự sống và xã hội.
Hồi mới đi tu tôi đã được dạy bài quán tưởng về lạy. Bài này không dễ. Một chú tiểu mười lăm, mười sáu tuổi có thể là chưa hiểu được. Nhưng chú cứ học, học thuộc lòng và làm theo. Đến một lúc nào đó, tự nhiên chú hiểu.
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghi
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ
(Dịch ý: Thấy được sự thật là người lạy và người được lạy nương vào nhau mà có, thì niềm cảm ứng giao tiếp giữa hai bên sẽ trở nên mầu nhiệm vô cùng. Chốn đạo tràng con đang đứng chắp tay này cũng giống như bức rèm ngọc châu của vua trời Đế Thích: tất cả các Bụt trong mười phương đều ảnh hiện nơi đây. Thân con cũng ảnh hiện thành vô số, trước vị Bụt nào cũng có con, năm vóc lạy xuống, đem thân mạng gửi vào nơi Bụt.)
Cảm ứng đạo giao
Nếu quán chiếu thành công thì lạy xuống ta mới thấy có kết quả. Năng lễ sở lễ tánh không tịch, người lạy và người bị lạy cả hai đều không có ngã, đều có tính cách không tịch. Đó là giáo lý bát nhã. Giáo lý bát nhã cho chúng ta biết rằng cái này là do cái kia làm ra, cái này cũng như cái kia đều không có tự tánh biệt lập. Cũng như bông hoa trên bàn đây. Bông hoa là do những yếu tố không phải hoa làm ra, ví dụ như mặt trời, đám mây, hạt cây, hơi ấm khoáng chất trong đất… Nếu không có những yếu tố ấy thì làm sao có bông hoa được. Nhìn vào một bông hoa chúng ta thấy toàn những yếu tố không phải bông hoa và vì thế bông hoa không có tự tánh riêng biệt, không có một bản ngã riêng biệt. Cái đó gọi là không tịch. Không những ta – người lạy – ta có tự tánh không tịch mà Bụt – người bị lạy – cũng có tự tánh không tịch. Tôi được làm bằng những yếu tố không phải là tôi. Bụt cũng được làm bằng những yếu tố không phải là Bụt. Không có hiện tượng nào tự ta có ra được, tự mình tồn tại được; tất cả các pháp đều có mặt trong tương quan nhân duyên. Đó là giáo lý nhân duyên. Trước khi lạy, chúng ta chắp tay quán tưởng: Bạch đức Thế Tôn, con và đức Thế Tôn – người lạy và người bị lạy – cả hai chúng ta đều không có một bản ngã riêng biệt. Quý vị có thấy một tôn giáo nào trong đó tín đồ nói với đức giáo chủ bằng thứ ngôn ngữ đó hay không? Chính ngôn ngữ ấy là lời của Bụt dạy.
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì, chính vì sự kiện cả hai chúng ta – con và đức Thế Tôn – đều không tịch, cho nên sự cảm nhận giữa hai chúng ta không thể nào tưởng tượng và bàn luận được. Nan tư nghì, khó mà suy nghĩ được, khó mà nói ra thành lời được. Nếu không có con thì không có đức Thế Tôn, nếu không có đức Thế Tôn thì không có con. Và chính nhờ tính chất không tịch ấy mà sự cảm thông giữa ta và Bụt mới được thực hiện toàn vẹn. Nếu không có tính cách không tịch ấy thì đó là hai vũ trụ xa cách, cô đơn vẫn hoàn toàn là cô đơn.
Ngã thử đạo tràng như đế châu, nơi con đang hành đạo đây giống như bức rèm trong cung vua Đế Thích. Bức rèm của vua Đế Thích được làm bằng những xâu chuỗi ngọc long lanh, và khi ta tới gần nhìn vào trong thì ta thấy hàng vạn viên ngọc khác của bức rèm được ảnh chiếu trong đó. Chỉ cần nhìn một viên ngọc thì thấy tất cả các viên ngọc khác. Cũng như khi nhìn vào bông hoa ta thấy được cả vũ trụ ở trong đó: có nắng, có mây, có mưa, có đại địa, có tâm thức chúng sanh, có người làm vườn. Chúng ta thấy toàn thể vũ trụ ở trong bông hoa. Bức rèm trong cung vua Đế Thích đã được hằng trăm ngàn viên ngọc kết thành chỉ cần nhìn vào một viên ngọc là ta thấy được sự phản chiếu của tất cả những viên ngọc còn lại.
Thập Phương chư Phật ảnh hiện trung, tất cả các chư Bụt trong mười phương đều có mặt trong giờ phút này, không những trước mặt con mà ở trong con. Vậy anh lạy về hướng nào cho đúng? Trước mặt anh có Bụt và cũng có anh, sau lưng anh cũng có Bụt và có anh, bên trái cũng có Bụt và có anh, bên phải cũng có Bụt và có anh, trên đầu cũng có bụt và có anh, dưới dất cũng có Bụt và có anh và hơn nữa ở trong anh cũng có Bụt và có anh. Nên lạy về phương nào? Chắp tay tôi lạy mười phương. Theo tôi thì phải nói mười một phương: đông, tây, nam, bắc, tứ duy, thượng hạ và phương trung nữa. Cúi đầu kính lạy Bụt, Pháp và Tăng trong khắp mười phương và ở trong con. Tính cả thảy không phải là mười phương mà là mười một phương.
Cúi đầu kính lạy Bụt, Pháp và Tăng
Trong khắp mười phương và ở trong con
Cùng khắp pháp giới thấu suốt ba đời
Con xin phủ phục quay về nương tựa
Đó là một bài kệ trong sách Sen Búp Từng Cánh Hé. Sau khi quán tưởng theo bài đó, ta lạy xuống và thấy rằng sự cảm ứng và lưu thông giữa ta và chư Bụt trở thành một sự thật. Nếu quán chiếu thành công mà lạy xuống được một lạy như thế thì không có nỗi cô đơn và sự xa cách nào còn đứng vững được nữa. Lạy xuống một lạy như thế là để xoá nhoà bản ngã; để làm một cuộc hoà hợp lớn với tất cả các chư Bụt trong mười phương và ba đời – chư Bụt đã thành và chưa thành. Cái lạy đó không làm cho con người mất đi nhân cách, trái lại nó giúp cho ta khôi phục được toàn vẹn nhân cách vĩ đại của một bậc giác ngộ có mặt ở trong ta. Thập Phương chư Phật ảnh hiện trung, các đức Bụt trong mười phương đều có mặt ở trong đạo tràng này.
Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền, trước mỗi đức Phật trong hằng sa các đức Phật đều có tôi đang đứng chắp tay. Có bao nhiêu Bụt là có bấy nhiêu ta. Có khi nào quý vị cúi xuống hồ mà nhìn một đám bọt nước hay không khi cúi xuống hồ mà nhìn một đám bọt nước ta thấy trong tất cả những bọt nước ấy đều có mặt của ta đang cười. Ở đây cũng vậy. Khi quán chiếu ta thấy trong mỗi đức Bụt đều có ta và khi lạy xuống là ta lạy tất cả các Bụt trong mười một phương. Lạy một phương tức là lạy mười một phương.
Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ. Đầu, mặt và tay chân sát đất, con đem hết thân mạng lạy xuống. Lạy có nghĩa là ngũ thể đầu địa. Ngũ thể là năm vóc. Năm vóc sát đất, thật sát, càng sát chừng nào ta càng đồng nhất với đất mẹ chừng đó. Ta hoà tan với Trái Đất, với vũ trụ và chư Bụt. Khi lạy ta phải có một tấm toạ cụ nếu ta không muốn hít thở bụi dưới đất. Trong tư thế phủ phục ta có thể quán chiếu lâu, có khi tới năm phút hay hơn, vì vậy ta nên dùng một toạ cụ sạch. Năm vóc tức là hai tay, hai chân và đầu ta. Lạy phải lạy thật sát, mọp xuống, càng dính mặt đất từng nào càng tốt từng đó. Ta biến ta thành con số không, để ta có thể là tất cả. Đó là nghệ thuật lạy chứ không phải là chuyện mê tín. Có người nói lễ lạy là mê tín vì họ chưa biết được sự mầu nhiệm của cái lạy. Tiếng Anh ta hãy gọi lạy là touching the earth. Trong Sen Búp Từng Cánh Hé, có bài hướng dẫn về năm cái lạy. Sau khi đã thực tập vài ba tuần chúng ta nên viết ra – bằng tâm của ta hay ngòi bút – những lời quán nguyện của riêng ta. Trong khi lạy xuống, nếu thấy cái gì ta nên ghi chép ra cái đó, và khi lạy xuống ta phải hình dung được những điều ấy.
Lạy thứ nhất
Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại.
Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hoá. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ. nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu dù khi sinh tiền có lúc gặp khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con thấy cha ông của con từ lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng bờ cõi, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt nam có thuỷ có chung, có nhân có hậu. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con
Nếu ta là một người khổ đau, nếu ta cảm thấy ta như một thân cây bị bứng gốc, đó là tại ta đã không trở về để tiếp xúc và tiếp nối được với dòng họ và tổ tiên của ta. Ta không có niềm tin, ta sẽ khó tiếp nhận được nguồn sinh lực và năng lượng của tổ tiên dòng họ. Ta như là một máy thâu thanh không có điện lực, không có khả năng bắt được nguồn sóng điện của đài phát thanh. Ta là một vật chết. Khi lạy xuống ta có thể phục hồi được khả năng truyền thông của ta.
Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại. Ta thỉnh một tiếng chuông và lạy xuống, trong khi ấy có một người đọc lên lời quán niệm để giúp ta. Những lời quán niệm có tính cách hướng dẫn thôi, mỗi người chúng ta sau đó phải viết ra lời quán nguyện thích hợp với hoàn cảnh riêng của mình.
Con thấy cha con, con thấy mẹ con. Trong khi phủ phục ta phải thấy được hình dáng của cha, thấy được hình dáng của mẹ ta. Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Ta phải thấy cha ta trong ta, mẹ ta trong ta rất cụ thể, chứ không phải chỉ một hình ảnh. Ta là gì? Ta là sự tiếp nối của cha và mẹ ta. Ta là cha mẹ. Cho nên giận cha, giận mẹ là chuyện vô lý đáng lẽ đã không xảy ra được. Giận cha giận mẹ tức là giận bản thân mình. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Trong khi phủ phục, ta thấy được cha, được mẹ, qua cha mẹ ta thấy ông bà của cả hai bên nội ngoại. Nếu có những hình ảnh thì ta sử dụng những hình ảnh ấy để làm sống dậy sự thật. Trong khi thấy những hình ảnh ấy ta có thể mỉm cười. Ta thấy các vị ấy hiện tại đang sống trong ta và trong lúc đó ta làm cho sự lưu thông giữa ta và các vị trở thành một sự thật. Đây là chữa bệnh, đây là trị liệu. Đối với những người giận cha giận mẹ giận tổ tiên thì cái lạy này là để tự cứu chữa lấy. Ta có đủ yếu tố để cứu chữa ở trong ta. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Sức khoẻ của các vị có trong ta. Nếu ta có ông cố sống tới tám mươi hay chín mươi tuổi thì ta biết rằng ta cũng có thể sống tới tám mươi hay chín mươi tuổi, nếu ta biết cách. Sống được tám mươi hay chín mươi tuổi, đó không phải là chuyện ngẫu nhiên tình cờ mà là sự tiếp thu khả năng của truyền thống. Cách sống của ông cố như thế nào mà đã khiến cho ông cố sống được tám mươi hay chín mươi tuổi? tại sao ta không tiếp nối được. Ta chỉ biết nói rằng ta có thể chỉ chết yểu mà thôi! Vô lý. Trong khi cúi xuống ta nói: ông cố ơi, ông cố về với con đi, giúp con đi, con muốn được sống mạnh khoẻ và lâu dài như ông cố. Tự nhiên liên hệ truyền thống được tái lập và tiếp nhận không biết bao nhiêu năng lượng của tổ tiên. Nụ cười, cách sống đơn giản và mạnh khoẻ của những người đi trước ta, ta có thể thấy được. Ta biết rằng những cái đó có mặt trong ta, nếu ta biết cách làm chúng sống dậy thì chính chúng sẽ nuôi dưỡng ta. Khi thấy những nỗi khổ niềm đau của cha mẹ hay của ông bà, ta cũng biết là những nỗi khổ niềm đau đó cũng có ở trong ta và ta biết rằng nhờ được thừa hưởng tuệ giác của gia đình tâm linh, ta có thể chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau đó của tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Ông bà và cha mẹ đã giao phó cho ta hạnh phúc của họ, nhưng cũng đã giao phó những khổ đau của các vị cho ta để ta chuyển hoá. Có những sự nghiệp mà tổ tiên chưa làm được, đang còn đau đáu ở trong lòng, thì ta và con cháu phải nguyện làm cho được. Ta có năng lượng đó của tổ tiên. Khi ta chuyển hoá được nhưng khổ đau ấy thì ta chấm dứt được những khổ đau cho cả tổ tiên và dòng họ. Ta tu cho tất cả tổ tiên và con cháu của ta nữa. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau được truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hoá. Đó là một lời nguyện. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Trong khi phủ phục, ta tiếp nhận tất cả những năng lượng đó. Ta mở con người của ta ra, không phải chỉ là mở trái tim mà mở cả da thịt của ta để đón nhận. Đón nhận nghĩa là gì, nếu những hạt giống kia đã có sẵn trong người của ta rồi? Nếu ta cho phép, nếu ta mở cửa, tự nhiên những năng lượng ấy từ bên trong tuôn trào ra, chứ không phải là từ bên ngoài đi vào. Cũng vì lý do ta tự bít lấp, tự mình sống cô đơn và tách biệt nên chúng đã không thể biểu hiện ra được. Những năng lượng Từ, Bi, Hỷ và Xả cũng thế. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên, ông bà và dòng họ. Điều này là một sự thật, không phải chỉ là một sự cầu nguyện. Gốc rễ của ta là cha mẹ, tổ tiên và dòng họ. Trong con người của tổ tiên cha mẹ và dòng họ có chất liệu của sự vững chãi, sự an lạc và niềm tin tưởng thì đáng lý ra trong ta cũng phải có chất liệu của sự vững chãi, an lạc và niềm tin đó, tại sao ta không có? Không có là tại vì ta, chứ thật ra những thứ đó đã được trao quyền thầm lặng. Dầu cha ta và mẹ ta không chính thức trao quyền cho ta bằng lời nói, nhưng qua huyết thống họ đã trao truyền những năng lượng đó cho ta. Họ trao truyền nhưng có thể họ không biết là họ trao truyền. Họ cũng đã tiếp nhận chúng âm thầm từ tổ tiên và họ cũng đã trao truyền chúng cho ta một cách âm thầm và ta phải biết tiếp nhận. Về đây tiếp nhận gia tài là vậy. Con chỉ là sự tiếp nối của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Đây là lời khấn, đây là lời nguyện, và đây cũng là phương pháp mở xương thịt ra để tiếp nối nguồn năng lượng ấy, để cho phép nguồn năng lượng ấy – vốn đã có trong máu huyết trong tâm địa của mình – được tuôn chảy. Nói là xin trao quyền nhưng kỳ thực những năng lượng ấy đã được trao truyền.
Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó. Câu này trong văn hoá ta là một câu truyền miệng trải qua bao thế hệ: con cháu ở đâu thì ông bà ở đó. Ta đang ở miền nam nước Pháp thì ông bà ta cũng đang ở miền nam nước Pháp. Các vị ở đâu? Không phải là sát bên cạnh ta mà ngay ở trong ta. Tất cả ông bà tổ tiên ta đều đang sống trong ta. Họ chưa bao giờ từng chết, tại vì ta là sự tiếp nối của họ. Mỗi khi ta cười tất cả đều cười, mỗi khi ta khóc tất cả đều khóc. Đó là tuệ giác của Bụt. Mỗi khi ta ganh ghét tất cả đều ganh ghét, mỗi khi ta chán đời, tất cả đều chán đời. Con biết rằng con cháu ở đâu thì ông bà tổ tiên ở đó. Con biết cha mẹ nào ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cháu dù khi sinh tiền có lúc gặp khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm yêu thương và sự đùm bọc đó. Điều này rất quan trọng. Có những người giận cha, có những người giận mẹ, có những người oán hờn cha mẹ cũng vì cha mẹ có thể rủi ro đã gặp phải khó khăn mà không có khả năng bộc lộ được yêu thương. Nhưng trong chiều sâu của tâm cảm tình thương đó vẫn có. Không có cha mẹ nào mà không thương con, dù bên ngoài họ làm giống như từ con, ghét con, bỏ con. Sự thật là tình thương đó thâm trầm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu cha mẹ ông bà và tổ tiên mà không thương yêu và yểm trợ cho con cháu thì còn ai thương yêu, yểm trợ cho con cháu? Nhìn cây chuối ngoài sân chúng ta thấy rằng khi cây chuối còn non chỉ có hai lá, và khi lá thứ bai tượng hình thì chính hai lá chị đã dồn sức nuôi lá em. Hai lá đầu đã thở, đã hút khí trời, đã dồn năng lượng, đã khiến cho lá thứ ba cuộn tròn, lớn lên và nở ra. Đến khi lá thứ tư tượng hình thì chính lá thứ ba cũng góp phần nuôi lá thứ tư với hai lá chị và cứ như vậy cho đến khi cây chuối lớn. Những lá đầu bắt đầu tàn rã nhưng tất cả tinh lực của chúng đã được dồn vào trong những cái lá kế tiếp. Nhìn kỹ trong lá sau chúng ta thấy lá trước có mặt, không bao giờ mất. Nhìn vào trong ta, ta thấy tất cả những tinh lực của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Nếu năng lượng đó không được dồn vào thì còn được dồn vào đâu nữa và nếu ta cứ tiếp tục thù hận và ghét bỏ cha mẹ chúng ta thì thử hỏi cái vô minh của chúng ta nó lớn tới mức nào. Có thể là cha và mẹ vì đã lâm vào những trường hợp quá khó khăn, không có những điều kiện thuận lợi cho nên đã có lúc la mắng rầy rà từ bỏ và làm khổ chúng ta, nhưng không phải vì vậy mà nói rằng không có sự tiếp nối, không có sự nuôi dưỡng, không có sự hỗ trợ đùm bọc. Những người giận cha, giận mẹ phải quán chiếu về điểm này cho thật kỹ lưỡng. Tây phương đã đi theo đường lối cá nhân chủ nghĩa quá lâu và nhiều người có thể đã trở thành ra quá biệt lập với tổ tiên, dòng họ, cha mẹ và xã hội.
Con thấy cha ông các con từ lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ khai sáng đất nước, mở rộng bờ cõi, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt Nam có thuỷ có chung, có nhân có hậu. Ta thấy được tất cả những điều đó, ta thấy được công trình của bao thế hệ đi trước. Sống trên đất nước này, đứng trên đất nước này, ta thở, ta nhìn thấy cây cỏ, ta thấy được tất cả những thế hệ ấy. Ta làm thế nào mà tách rời ta ra khỏi họ được? Cảm tưởng cô đơn xa cách là một ảo giác, một vọng tưởng, và chính vì vọng tưởng đó cho nên ta đã khổ đau và cô đơn. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Đây là một điều rất rõ ràng. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên, của gia đình huyết thống của con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con. Tới đây nghe một tiếng chuông ta đứng dậy. Trong thời gian phủ phục, chúng ta đã nối tiếp lại được với tất cả dòng họ và tổ tiên và có thể chỉ cần lạy như vậy trong vài tuần lễ là chúng ta sẽ khôi phục được sức khoẻ và cảm giác cô đơn hay bị bỏ rơi kia sẽ biến mất. Có những thiền sinh Tây phương tới học ở Làng Hồng đã công nhận là sau một vài tháng thực tập năm cái lạy họ thấy chuyển hoá, họ bắt đầu thương được cha, thương được mẹ và cảm thấy rằng mình không phải là một thực tại biệt lập cô đơn nữa.
Ta đứng thở độ chừng năm bảy hơi cho khoẻ rồi xướng câu thứ hai. Những người thuộc truyền thống tôn giáo khác đang thực tập đạo Bụt thì có cái lạy thứ sáu, một cái lạy để trở về nối tiếp với truyền thống tâm linh cũ của mình hoặc là Do Thái giáo, hoặc Cơ Đốc giáo, Pháp môn của chúng ta khuyến khích những người đó trở về với cội nguồn, thiết lập sự lưu thông với văn hoá họ, với nếp sống tâm linh của họ. Người Phật tử không phải là những nhà truyền giáo muốn bứng người ta ra khỏi gốc rễ tâm linh của người ta. Phật tử đang hành đạo ở Tây phương phải khuyến khích người ta trở lại gốc rễ tâm linh của họ. Sự thực tập đạo Bụt là một phương tiện rất hay để giúp cho người ta trở lại và nối tiếp lại với dòng họ, với văn hoá, với tổ tiên của người ta. Chúng ta làm như thế vì biết rằng nếu không thì họ sẽ không có hạnh phúc chân thật.
Lạy thứ hai
Trở về kính lạy, Bụt và tổ sư, truyền đăng tục diệm gia đình tâm linh qua nhiều thế hệ.
Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỷ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán; con tiếp xúc được với các vị Bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ 2600 năm nay. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng và năng lượng của Liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hoá cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý Trần. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và gia đình con. Con mở rông trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm tuệ giác tình thương sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị, Con nguyện tu tập để chuyển hoá và để truyền về cho thế hệ tương lại năng lượng của Bụt của tổ và của thầy.
Con thấy thầy con. Trong khi lạy xuống ta phải thấy thầy của ta, ta thấy nét mặt của thầy ta. Nếu thầy ta tịch rồi, mỗi buổi sáng thắp hương ta nhớ thở có chánh niệm và nhìn vào hình của thầy đừng có nghĩ vẩn vơ. Thắp hương trên bàn Bụt, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, thắp hương trên bàn thờ tổ sư là một sự thực tập. Thân ta thanh tịnh, tâm ta thanh tịnh: cầm cây hương ta biết rằng ta đang thực tập xúc tiếp với tổ tiên tâm linh của ta. Nhìn vào mặt thầy ta thấy rằng ta là sự tiếp nối của thầy ta. Đây là dòng họ tâm linh. Có thể thầy ta cũng có khuyết điểm, nhưng dầu sao vị đó cũng là thầy của ta, vì thầy đã mang trong con người của thầy cái tuệ giác của nhiều thế hệ. bàn thờ có trang bị hình ảnh của tổ tiên huyết thống hay tổ tiên tâm linh đó là một điều rất hay. Hình ảnh của một người cũng được, một người đại diện cho tổ tiên mà ta đã được gặp thuở sinh thời. Nhìn gương mặt ấy, ta hình dung lại được biết bao nhiêu kỷ niệm: âm thanh và hình ảnh; chính những kỷ niệm âm thanh và hình ảnh đó giúp ta tiếp nối được với tổ tiên một cách dễ dàng. Ta có thể đặt hai hay ba bức hình trên bàn thờ, nhưng ít nhất là phải có một bức hình. Mỗi khi tới bàn thờ để thắp hương ta phải có chánh niệm. Hai mắt ta phải tiếp xúc với hình ảnh đó và ta hãy mỉm cười với thầy của ta. Thầy ơi con đây, con đang thắp nhang cho thầy đây. Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con. Thấy thầy tức là thấy sư ông. Không có sư ông thì không có thầy. Nếu ta may mắn đã được sống với sư ông của ta một thời gian thì sự quán chiếu của ta rất dễ. Những âm thanh những hình ảnh những kỷ niệm kia làm cho sự quán chiếu trở nên dễ dàng. Người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỷ Ni đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán. Ta kể tên vị nào cũng được nhưng ta phải kể ra một số tên. Nếu ta đã học về các vị tổ sư thì ta sẽ có ý niệm rõ ràng hơn về các vị tổ sư ấy. Ta biết rằng nếu không có các vị tổ sư ấy thì không có ta. Và sở dĩ hôm nay ta được thực tập phương pháp thở, phương pháp cười, phương pháp đi thiền hành và phương pháp chuyển hoá khổ đau là nhờ các vị. Khi đọc tên các vị và quán chiếu về các vị thì tự nhiên ta tiếp xúc được với các vị và năng lượng của họ sẽ được biểu hiện trong huyết quản của ta. Dầu trong số các vị ấy có những vị còn có những khuyết điểm cũng như cha mẹ ông bà ta cũng có khuyết điểm, thì ta vẫn chấp nhận.
Qua các vị, con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con. Bụt là tổ tiên tâm linh của ta. Phải thấy được Bụt là tổ của ta, là một người bà con trong gia đình tâm linh của ta. Phải có một ý niệm thật gần gũi với Bụt mà đừng nghĩ rằng Bụt là một thần linh xa cách. Ta là con của Bụt, ta là cháu của Bụt. Bụt đã truyền cho ta biết bao nhiêu châu báu qua các tổ và các thầy. Phải thấy rõ ràng Bụt ở trong ta. Thấy được thì ta tiếp nhận được năng lượng của Bụt và ta biết rằng chánh niệm là năng lượng của Bụt. Qua các vị, con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ 2600 năm nay. Có khi quán chiếu về Bụt Thích Ca, ta cũng quán chiếu được cả về những vị đã từng làm thầy của Bụt Thích Ca, dầu rằng trình độ tu chứng của những người đó còn thấp hơn Bụt nhưng Bụt cũng đã có lúc nương tựa vào những người đó trong buổi đầu của sự thực tập. Bụt Thích Ca cũng có gốc rễ chứ không phải là không có gốc rễ. Bụt Thích Ca cũng có cha mẹ, cũng có ông bà cũng có thầy tổ như chúng ta. Chính Bụt Nhiên Đăng đã là thầy của Bụt Thích Ca trong một kiếp nào đó và đã thọ ký cho Bụt. Cũng như Thiện tài đồng tử (Sudhana) đã đi học cùng khắp với 53 thầy, trong đó có những thầy ngoại đạo, trong đó có những thầy còn là thiếu nhi. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng và năng lượng của liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Nếu con có một ít chất liệu của bình an, của hiểu biết, của thương yêu là cũng nhờ quý vị. Ta phải thấy được điều đó và khi thấy được thì tự nhiên ta thấy nguồn năng lượng của quý vị lưu nhuận trong con người của ta.
Con biết Bụt đã giáo hoá cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Từ thế kỷ thứ hai, Bụt đã bắt đầu giáo hoá cho đất nước chúng ta: đã làm cho nếp sống tâm linh và văn hoá chúng ta đẹp hơn., mất đi những nét thô lậu, và công trình khai sáng đó của Bụt ta thấy được, ta tiếp nhận được. Có những người Việt tự nói là không theo đạo Bụt, nhưng chính những người đó trong máu huyết cũng có chất liệu của Bụt. Dù họ nói: Tôi không theo đạo Bụt, tôi ghét Bụt thì chúng ta vẫn có thể mỉm cười nhìn họ, tại vì cả dân tộc ta trong 2000 năm qua đã từng học sống với chất liệu từ của Từ Bi, của hiểu biết. Có những bà cụ buổi sáng đi ra vườn thấy những cành cây gẫy mà cũng xuýt xoa và thương xót thì ta biết sự thương xót một cành cây hay sự xuýt xoa đó cũng đã được phát xuất từ dòng máu của Từ và của Bi thấm nhuần qua bao thế hệ. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý và Trần. Lý và Trần là hai thời đại độc lập mà chủ lực tinh thần là đạo Bụt, từ vua cho đến dân ai cũng đều tu tập. Trong đời Lý một người tù binh bị bắt đem từ Chiêm Thành về đã được nhận diện là thiền sư và được tôn làm quốc sư. Đó là thiền sư Thảo đường. Chúng ta biết thái độ ấy rộng mở đến mức nào. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hoá và để truyền về cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của tổ và của thầy. Trong thời gian phủ phục ta phải tiếp nối cho được ta phải tiếp xúc cho được với gia đình tâm linh của ta. Con người không thể có hạnh phúc khi chỉ có gia đình huyết thống. Chúng ta phải có hai gia đình: gia đình huyết thống và gia đình tâm linh. Khi gia đình huyết thống có vấn đề thì gia đình tâm linh tới giúp đỡ; khi gia đình tâm linh có vấn đề thì gia đình huyết thống tới yểm trợ. Thiếu một trong hai gia đình, chúng ta sẽ mồ côi, cho nên một con người văn minh là phải có tới hai gia đình.
Đối với thiền sinh ngoại quốc thì sau cái lạy thứ hai có cái lạy thứ ba về nguồn gốc tâm linh cũ của họ. Đạo Bụt là một phép thực tập có thể giúp họ trở về nguồn gốc tâm linh của họ. Có rất nhiều người tới thực tập với đạo Bụt là tại vì họ chán ghét truyền thống tâm linh của họ. Họ ly khai giáo đường, ly khai giới tăng lữ của họ, vì họ cảm thấy không thoải mái trong thái độ và phương thức trao truyền những chất liệu tâm linh đó. Họ đã khổ cho nên họ đi kiếm một truyền thống khác. Trong trường hợp này họ đi tìm tới đạo Bụt với một mơ ước là có thể lấy một truyền thống tâm linh khác để thay thế cho truyền thống tâm linh của mình và họ nguyện vĩnh viễn đoạn tuyệt với gia đình tâm linh truyền thống của họ. Theo tuệ giác đạo Bụt, thì mơ tưởng đó là hão huyền. Khi con người như một cái cây bị bứng gốc ra khỏi văn hoá truyền thống tâm linh của mình thì con người ấy khó lòng mà có hạnh phúc. Cho nên phương pháp hữu hiệu nhất có thể được cống hiến cho họ là thực tập đạo Bụt như thế nào để có thể trở về hàn gắn, hoà giải và hội nhập được lại với gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của họ, để họ có thể tìm ra lại được những châu báu ẩn tàng trong truyền thống của họ mà trước đó họ chưa thấy. Nhờ thực tập họ thấy rằng giữa truyền thống mà họ đang học với truyền thống cũ của họ có những điểm tương đồng và như vậy, không có cảm giác phải ruồng bỏ truyền thống tâm linh của họ thì họ mới thành công. Họ cần thấy rằng chính trong truyền thống đạo Bụt cũng cần phải có sự chuyển hoá và do đó họ thấy trong truyền thống tâm linh của họ cần có sự chuyển hoá. Không có dòng tâm linh nào, dòng sinh mạng nào dầu là huyết thống hay tâm linh mà không cần sự chuyển hoá. Cũng như một thân cây cần phải được cắt bỏ những cành mọc ngược, không ích lợi, làm mất thăng bằng cho cây và có thể làm cây ngã, một truyền thống tâm linh cũng cần phải được chuyển hoá và chăm sóc để có thể phục hồi được sức mạnh của nó. Thực tập đạo Bụt để trở về chuyển hoá truyền thống tâm linh của ta, để phát kiến những cái hay, cái đẹp, những châu báu cất dấu trong truyền thống tâm linh của mình; đó là chuyện ta có thể khuyến khích các bạn ngoại quốc thực tập. Khi họ thấy được rằng giữa đạo Bụt mà họ đang thực tập với truyền thống tâm linh của họ không có sự chống đối và đạo Bụt có thể làm giàu và làm sáng cho truyền thống tâm linh của họ thì lúc đó họ mới trở thành con người có hạnh phúc. Cũng như chúng ta là những người tu tập trong đạo Bụt vẫn có thể thấy được những cái đẹp cái hay và những châu báu trong các truyền thống tâm linh khác và chúng ta sẵn sàng tiếp thu những cái đẹp đó để làm giàu cho truyền thống của chính chúng ta. Trong 2600 năm lịch sử đạo Bụt đã hành xử như vậy: thu thập và chuyển hoá để cho đạo Bụt càng ngày càng thích hợp với những nhu yếu có thật của từng thế hệ.
Lạy thứ ba
Trở về kính lạy liệt vị tiền nhân, khai sáng đất này, sông núi khí thiêng hàng ngày che chở.
Con thấy con đang đứng trên đất nước này và tiếp nhận công ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này, trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, Tiền Lý, Ngô, Đinh, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn cùng với các thế hệ tổ tiên và biết bao nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ các màu da; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ búa, đã thiết lập nhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học làm cho mức sống được nâng cao. Con tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên. Con sống ở đây, học hoà hợp với thiên nhiên, với con người, và con cảm thấy năng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. con xin nguyện góp phần chuyển hoá những bạo động, căm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Xin phù hộ độ trì cho chúng con.
Ta đang ở xứ nào thì phải lạy xuống và tiếp xúc với đất nước và khí thiêng của xứ đó. Ở bên Đức ta quán chiếu về nước Đức, ở Thuỵ Sĩ ta quán chiếu về nước Thụy Sĩ, ở Pháp ta quán chiếu về nước Pháp, ở Việt Nam ta quán chiếu về nước Việt nam. Địa phương và xứ sở nào cũng có một lịch sử: những khổ đau, những thành công, những vẻ vang của xứ sở ấy. Sống ở đây ta phải tiếp xúc với không khí ở đây, núi sông ở đây, với những rau trái và ngũ cốc ở đây, tại vì những thứ đó đang nuôi dưỡng ta, những thứ đó cũng nằm trong quá trình lịch sử thành lập đất nước này. Con thấy con đang đứng trên đất nước này. Ví dụ ta ở bên Mỹ thì khi ta lạy xuống, ta thấy được những người da đỏ vốn là những người đầu tiên khai sáng đất nước Mỹ và họ là tổ tiên của người Mỹ. Mặc dầu người thực tập là người da trắng, da đen hay da vàng thì những người da đỏ kia vẫn là tổ tiên của họ vì họ là những người đầu tiên khai sáng đất nước Mỹ.
Trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, tiền Lý, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê. Đây là nói về đất nước Việt Nam. Cùng với các thế hệ tổ tiên và với biết bao nhiêu người – có tên tuổi và không có tên tuổi – đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ các màu da. Tại Việt Nam cũng có nhiều dân tộc trong đó có những dân tộc thiểu số. Những dân tộc thiểu số này cũng đã có phần đóng góp khai sáng của họ. Đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ búa, đã thiếp lập nhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học cho mức sống được nâng cao. Ta phải thấy được tất cả những điều này, ví dụ như được uống một viên thuốc mà hết đau bụng, ta phải biết viên thuốc đó không phải từ trên trời rơi xuống, mà là do công trình khảo cứu của bao nhiêu thế hệ. Ta ăn một củ cà rốt ngọt, thì giống cà rốt ấy cũng đã được trao truyền từ bao nhiêu thế hệ. Ổ bánh cũng có lịch sử nhiều ngàn năm sau lưng nó. Cũng như ở Việt Nam khi ta ăn một tô bún, ta biết rằng tô bún đó cũng có lịch sử của nó. Không phải tự nhiên mà các bà mẹ gia vị được như vậy, đó là sự tiếp tục trao truyền của nhiều thế hệ. Bánh dầy, bánh chưng, bánh lá… tất cả đều có lịch sử. Hạnh phúc của tiền nhân đã trở thành hạnh phúc của ta. Tại Mỹ công trình của những người da nâu từ Phi Châu qua trong sự thiết lập xa lộ, trường học, nhà thương… rất lớn. Mỗi khi những người da trắng hay da vàng sống trên đất Mỹ có ý thức thì sẽ thấy được công lao và mồ hôi ấy của những người có gốc Phi châu. Ta phải tiếp xúc với họ, tại vì họ cũng là tổ tiên của ta. Tại Pháp cũng vậy. Nước Pháp không phải chỉ là của người Pháp. Ta không thể tìm ra một người Pháp thuần tuý, bởi vì nước Pháp được làm ra bởi những yếu tố không phải là Pháp. Dân Pháp cũng vậy. Nhà khoa học Marie Curie là người đồng hương của cô Danka, nước Ba Lan, chứ không phải sinh ở Pháp. Ca sĩ nổi tiếng Yves Montand cũng là người Ý qua đây. Dân tộc chúng ta, đất nước chúng ta và tổ tiên chúng ta có nhiều màu sắc, nhiều gốc gác và khi thực tập ta liên hệ được với những tổ tiên đó, sông núi đó, cỏ cây đó, thực phẩm đó. Chúng ta là gì, chúng ta chỉ là sự biểu hiện và sự tiếp nối của tất cả những yếu tố đó. Con tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên. Con sống ở đây, học hoà hợp với thiên nhiên, với con người và con cảm thấy năng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Con xin nguyện góp phần chuyển hoá những bạo động căm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Cố nhiên là ta chấp nhận dễ dàng những gì tích cực, nhưng cũng còn những gì tiêu cực trong xã hội như bạo động, căm thù, kỳ thị chủng tộc v… v…chúng ta cũng phải chấp nhận để chuyển hoá. Ta phải sống sao cho xứng đáng để góp phần chuyển hoá những phần tiêu cực đó. Xin phù hộ độ trì cho chúng con.
Lạy thứ tư
Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia đình độ trì, cho người con thương.
Những nguồn năng lượng vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con, cho mẹ con, cho những người con thương yêu: những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ về con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì hoàn cảnh khó khăn và không may của các vị. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh chị em của con (cho những người thân của con, cho chồng con, vợ con, các con của con ) cho tâm hồn họ lắng dịu lại, cho khổ đau trong lòng (những) người ấy được chuyển hoá, cho (những) người ấy nở được nụ cười, cho (những) người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho (những) người ấy được nhẹ nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho (những) người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có an lạc thì con cũng có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho người con thương, cho những người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không còn là một cái ta riêng biệt mà con đã trở về thành một với những người con thương.
Trong chúng ta ai mà không có người ta thương nhiều hơn những người khác: cha mẹ, anh, chị, chú, bác, cô, dì, con, cháu, những người bạn. Ta muốn cho những người đó được mạnh khoẻ và hạnh phúc. Cái lạy này là cái lạy để truyền đạt năng lượng đó cho người thương. Lạy xuống chúng ta quán niệm như sau: Những nguồn năng lượng vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con. dầu cha ta đã tịch rồi, ta vẫn có thể truyền đạt tại vì cha ít nhất là còn ở trong ta. Con xin truyền đạt cho mẹ con, cho những người con thương yêu. Ta hãy đọc tên các vị ấy ra: trong gia đình huyết thống, trong gia đình tâm linh. Bất cứ người nào ta thương, ta muốn họ có hạnh phúc thì trong khi phủ phục ta đọc tên người ấy. Ta phải thấy mặt của người ấy rất cụ thể, không nên nhắc đến họ một cách tổng quát. Đừng nói: những người con thương phải nói anh Nguyễn Văn A, chị Nguyễn Thị X. Những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ về con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì hoàn cảnh khó khăn và không may của các vị. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh, chị, em của con cho những người thân của con (cho chồng con, vợ con, các con của con). Ta hãy kể ra cho rõ. Là người tu, ta nói: cho thầy con, cho sư ông con, cho sư chị con, cho sư anh con, cho sư em con, cho những người tới thực tập với con; con muốn cho tất cả đều được an lạc, được hạnh phúc, cho những người cộng sự với con trong đời sống hàng ngày, những người đang có khó khăn, những người không có khó khăn, con đều muốn cho họ có hạnh phúc. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh, chị, em của con cho những người thân của con, cho tâm hồn họ lắng dịu cho khổ đau trong lòng người ấy được chuyển hoá, cho những người ấy nở được nụ cười, cho những người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho những người ấy được nhẹ nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho những người ấy có hạn phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có an lạc thì con cũng có an lạc. Con thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những người ấy một mảy may nào. Ta chỉ muốn cho người ấy có hạnh phúc thôi, dầu những người ấy trong quá khứ đã có khi vụng về làm cho ta buồn, ta giận. Dầu sao những người ấy vẫn là người ta thương và ước ao sâu đậm nhất của ta là những người ấy có hạnh phúc. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho người con thương, những người mà con nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không còn là một cái ta riêng biệt mà con đã trở thành một với những người con thương. Khi lạy xuống như vậy ta thấy hạnh phúc của họ là hạnh phúc của ta và ranh giới giữa ta và không ta biến mất. Đây là Từ quán, là Bi quán. Cái lạy này rất dễ làm, vì đối tượng của quán niệm là người ta thương.
Lạy thứ năm
Trở về kính lạy gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, người làm khổ con.
Con mở rộng lòng ra để truyền đi năng lượng hiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã làm con khổ đau và điêu đứng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ đau bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được may mắn có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa được may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc đời và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho người ấy (cho những người ấy) để trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lộ mà nở ra được như một bông hoa. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hoá để người ấy tìm ra được niềm vui sống, để không còn giữ tâm thù hận mà tự làm khổ mình và làm khổ người. Con biết vì những người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con điêu đứng, kể cả những kẻ xâm lăng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Bụt, ơn tổ, ơn tiền nhân mà cải hoá. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ và con không muốn giữ tâm niệm sân hận, oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên, nơi giòng họ huyết thống và giòng họ tâm linh; trái tim con đã nở ra như một đoá hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi hiềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát khỏi vòng tai nạn và đớn đau, để họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền đạt năng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt ,lạy tổ, lạy ông bà chứng minh cho con.
Đây là phạm trù thứ năm trong năm phạm trù: mình, người thân, người rất thân người dưng và người ghét. Trong khi phủ phục ta quán niệm như sau: Con mở rộng lòng ra để truyền đi năng lượng hiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã làm con khổ đau và điêu đứng. Phải nêu tên họ những người ấy ra phải hình dung lại nét mặt họ, những khổ đau của họ, sự giận dữ của họ. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ đau và bực bội của người ấy lên con. Đây là sự quán chiếu. làm sao để thấy được những nguồn gốc của cơn giận và những nỗi khổ của người ấy. Ta đã biết rằng hiểu là chìa khoá để mở cửa trái tim cho nên quán chiếu là quan trọng. Phải thấy được người làm khổ ta đã khổ và đang khổ như thế nào và những gì đã đưa họ tới cái tình trạng như bây giờ. Những người khổ hay làm cho người khác khổ theo. Con biết những người ấy không được may mắn, có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Những người đã khổ đau từ hồi còn bé thơ, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi, những người ấy có nhiều nội kết. Phải thấy được điều đó thì trái tim ta mới mở ra được. Con biết những người như người ấy chưa có may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc đời và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Ta khổ đau thường vì tri giác sai lầm, ta làm khổ ta, ta làm khổ những người xung quanh ta kể cả những người ta thương. Con xin gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho người ấy (cho những người ấy) để trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lộ mà nở ra được như một bông hoa. Ta thật sự muốn như vậy, tại ta không có ác ý muốn cho người ấy khổ. Người ấy khổ ta cũng khổ theo luôn. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hoá để người ấy tìm ra được niềm vui sống, để không còn giữ tâm thù hận mà tự làm khổ mình làm khổ người. Con biết vì người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con điêu đứng, kể cả kẻ xâm lăng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ ích kỷ dối trá và tàn bạo, được nhờ ơn Bụt ơn tổ, ơn tiền nhân mà cải hoá. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ và con không muốn giữ tâm niệm sân hận oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên nơi giòng họ huyết thống và giòng họ tâm linh; trái tim con đã nở ra như một đoá hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi niềm hiềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát vòng tai nạn và đớn đau để họ có thể thấy ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền đạt năng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt, lạy tổ, lạy ông bà chứng minh cho con. Khi ta thấy được khổ đau những hoàn cảnh khó khăn, những tri giác sai lầm của người đã làm ta khổ thì tự nhiên ta thương được và tha thứ được cho người ấy. Lúc đó giòng suối Từ Bi bắt đầu tuôn chảy từ trái tim ta, làm cho tâm ta mát xuống, dịu lại và ta là người được hưởng cái an lạc ấy đầu tiên. Sau này tuỳ theo cách sống của ta, tuỳ theo cách cư xử hàng ngày của ta mà ta chuyển hoá được người kia. Đây là thực tập phép quán tứ vô lượng tâm: thực tập Xả, thực tập Từ, thực tập Bi, yêu kẻ thù như yêu ta. Khi yêu kẻ thù được rồi thì kẻ thù không còn là kẻ thù nữa, kẻ thù là người thương. Người Phật tử chân chính chỉ có người thương thôi, không có người thù Yêu kẻ thù như yêu ta là một câu trong bài Hoa Đã Nở Trên Đường Quê Hương của Phạm Thế Mỹ. Ở Việt Nam chúng ta có truyền thống rất hay là sau khi chiến thắng một vị tướng lãnh xâm lược, ta thường hay lập đền thờ người ấy. Những tướng lớn như là Liễu Thăng, Toa Đô, Ô Mã Nhi v… v… đều có đền thờ. Như thế là ta muốn nói: Chúng tôi bắt buộc phải giết ông, chúng tôi không muốn làm như vậy nhưng chúng tôi bắt buộc phải làm như vậy. Bây giờ ông chết rồi chúng tôi xây đền để thờ ông. Ông làm chuyện đó là tại vì ông vâng theo lệnh của quốc vương ông. Có thể là ông không muốn làm chuyện này nhưng ông đã phải làm, chúng tôi cũng không muốn làm cái chuyện giết ông nhưng chúng tôi đã phải giết ông và bây giờ chúng tôi lập đền này để thờ ông. Đó là chuyện chúng ta đã làm trong hàng ngàn năm. Rất ngộ nghĩnh. Trong cử chỉ đó, chúng ta nhận ra được những dấu tích của Từ, Bi, Hỷ, Xả đã thấm nhuận trong đất nước khá lâu. Tôi tin sau này ở Việt Nam thế nào cũng có một cái miếu để thờ những người G.I., tức là những lính Mỹ qua đánh ở Việt Nam. Truyền thống của ta là như vậy.
Trong khi chúng ta phủ phục, tuỳ theo định lực của chúng ta và khả năng quán tưởng của chúng ta mà chúng ta đi vào Từ quán, Bi quán, Hỷ quán hay Xả quán sâu nhiều hay là sâu ít. Rồi khi chúng ta lạy xuống năm lạy là chúng ta thực sự thực tập, chứ đó không phải là chúc tụng hay là quy lụy hoặc tưởng tượng. Trong tư thế năm vóc sát đất, chúng ta xoá nhoà bản ngã, chúng ta tiếp nối được với tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống tiếp nối với đất nước, tiếp xúc với những người thương và tha thứ được cho những người làm khổ. Tự nhiên cái ngã của chúng ta mạnh khoẻ hơn, nhẹ nhàng hơn, đầy tràn hơn và năm cái lạy rất có giá trị trị liệu, có thể phục hồi cho ta sức khoẻ, có thể đem lại cho ta niềm vui. Thiền tập trong tư thế ngồi, trong tư thế đi hay trong tư thế lạy, ta đều có thể thực tập được thương yêu cả. Như tôi đã nói chúng ta thương hăm bốn giờ đồng hồ mỗi ngày, không ít hơn. Chúng ta hãy biết trở thành dân thường trú trong Từ Bi quán, trong Hỷ Xả quán, suốt ngày.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 01 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 02 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 03 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 04 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 05 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, toàn tập tại đây.