Thích Nhất Hạnh | Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy | Chương 03
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 58 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chuyển hóa tam độc
Mong sao cho tôi nhận diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi.
Nhận diện tức là thấy sự có mặt của một vật gì và thấy được cội nguồn là thấy được cái bản chất của nó. Nó có mặt tự bao giờ, nó từ đâu tới và bằng những nguyên cớ nào mà nó đã tìm tới và đang có mặt trong ngày hôm nay? Chúng ta biết rằng đây không phải là một sự tuyên bố nói năng mà là một công trình quán chiếu. Chúng ta có những chất độc trong con người chúng ta. Ba chất độc chính mà Bụt hay nói tới là Sân, Tham và Si. Si tức là sự hiểu lầm, là sự thiếu hiểu biết, là sự u mê. Tham là sự đam mê và chạy theo những thèm khát như danh, lợi, tài, sắc. Sân là những giận hờn trong ta. Ngoài ra chúng ta còn những phiền não căn bản khác như: mạn, nghi… chúng đều là những chất độc trong lòng cả. Khổ đau của chúng ta có mặt căn cứ trên những lượng chất độc ấy. Chất độc ấy ít thì ta khổ đau ít, nhiều thì ta khổ đau nhiều. Trước hết dùng chánh niệm trong đời sống hàng ngày để nhận diện sự có mặt của những giận hờn tham đắm và si mê trong chính bản thân ta. Và ta phải thấy rằng nếu ta khổ đau là tại vì những chất độc đó chứ không phải là tại hoàn cảnh bên ngoài. Hoàn cảnh bên ngoài có thể là những điều kiện trợ giúp, nhưng đó không phải là những điều kiện căn bản. Trong bài Kinh mà chúng ta học kỳ trước có câu: Với kẻ không giận hờn, cơn giận từ đâu tới? Khi chúng ta không có chất độc của sân hận trong tâm thì cái giận không thể tới được. Cùng nghe một câu nói cùng chứng kiến một sự kiện, nhưng có người không hầm hầm nổi giận như những người khác, đó là tại trong tâm họ không có hạt giống của sự giận dữ, hoặc là tại hạt giống đó đã được chuyển hoá. Với kẻ không giận hờn, cơn giận từ đâu tới? Câu kinh này có nghĩa là nguyên do của niềm đau nằm ở chất độc có sẵn trong ta, chứ những cái chúng ta thấy và nghe chẳng qua chỉ là những điều kiện đánh động tới những chất độc đó mà thôi.
Cố nhiên là ta phải thành công rồi thì mới giúp được người khác. Khi chúng ta giận lửa giận phừng phừng cháy lên và thường thường trong những giây phút đó chúng ta không biết trở về để chăm lo và điều phục cơn giận. Chúng ta lại ưa phóng tâm ra ngoài để tranh đấu, để theo dõi cái điều kiện phụ thuộc nó vừa tưới tắm hạt giống của giận hờn trong ta. Cũng như khi nhà ta bị cháy, ta không chịu trở về để tìm cách dập lửa mà lại chỉ mong chạy theo cái người mà ta nghĩ đã đến đốt nhà ta để trừng phạt người ấy. Ta lắng nghe người kia, ta cãi lý với người kia, ta nhìn người kia để rồi cơn giận ta được tưới tắm thêm lên và kết cuộc là đám cháy càng lúc càng lớn. Bụt dạy rằng mỗi khi cơn giận phát khởi, ta phải trở về tự thân, phải dùng năng lượng chánh niệm để bảo hộ, ôm ấp, xoa dịu và quán chiếu bản chất của cơn giận ấy.
Tâm của chúng ta có hai phần: Phần dưới gọi là tàng, phần trên gọi là ý. Cái giận của chúng ta có một cội nguồn, hạt giống của nó nằm ở tàng, cái khối độc của sân hận nằm ở tàng, và có liên hệ với những khối si, tham, mạn và nghi. Những si, mạn, nghi và tham ấy đều có thể nuôi dưỡng cơn giận. Khi một câu nói hay một cử chỉ đánh động tới cơn giận của ta thì hạt giống giận phát hiện lên ý, tức là phần trên của tâm thức. Phần dưới giống như một nhà kho, còn phần trên giống như phòng khách. Từ dưới tàng phát hiện ra một nguồn năng lượng trên ý; nó phừng phừng đốt cháy và quang cảnh của phòng khách này bắt đầu thảm thương: mặt ta đỏ lên, hai con mắt ta sòng sọc, tất cả tươi vui mát mẻ biến đi đâu mất hết. Trong khi đó thì ý cứ phóng theo người kia để mà tranh đấu. Khi ta giận thì ta khổ, và ta cứ ngây thơ tin rằng nếu ta trừng phạt được người đó, nếu làm cho người đó khổ, thì tự nhiên ta sẽ khổ ít hơn. Niềm tin này rất con nít nhưng người lớn nào cũng có. Nói được một câu thật cay hoặc làm được một cái gì khiến cho người kia mất mặt hoặc đau khổ thì cơn giận của ta sẽ hết, và ta sẽ đã giận. Nghĩ như thế là một điều nguy hiểm. Khi ta nói một câu gì rất nặng có thể làm đau người đó, thì người đó sẽ khổ sẽ giận thêm, và người đó cũng sẽ tìm cách tự làm cho bớt khổ bằng cách nói và làm một cái gì cho thật nặng hơn để làm cho ta khổ thêm nữa. Như vậy hai bên tiếp tục leo thang trong việc làm cho nhau giận. Đó là chuyện xảy ra hàng ngày trong xã hội. Chúng ta ai cũng biết đó là một chuyện không nên làm, vậy mà chúng ta vẫn cứ làm. Bụt dạy khi cơn giận phát hiện, ta phải đóng hai cửa mắt và tai lại, và trở về để chăm sóc cái quang cảnh hoang tàn của bản thân do cơn giận tạo ra.
Hiểu biết và thương yêu
Hôm nay là ngày 16 tháng10 năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ trong khoá tu mùa thu. Sáng nay chúng ta học tới bài thực tập thứ hai về phép quán tứ vô lượng tâm.
Trong bài tập thứ nhất chúng ta thấy rằng hai loại năng lượng Từ và Bi đã được phát hiện trong khi chúng ta thực tập thiền quán. Trong bài tập thứ hai này ta cũng sẽ thấy như thế.
- Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu
May I learn to look at myself with the eyes of understanding and love
- Mong sao cho tôi nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong tôi.
May I be able to recognize and touch the seeds of joy and happiness in myself
- Mong sao cho tôi nhân diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi
May I learn to identify and see the sources of anger, craving and delussion in myself
Cũng như bài tập thứ nhất, bài tập này ban đầu cũng có dáng dấp của một sự mong ước. Nhưng sau khi nói ra được những mong ước đó như là những yếu tố nền tảng của hạnh phúc thì chúng ta sẽ bước tới một bước nữa để đi vào thực tập. Đây là những ước mong có thể thực hiện được, và thực hiện theo trình tự hiểu và thương. Hiểu biết và thương yêu là hai yếu tố căn bản trong sự thực tập và chúng ta đã biết rằng hiểu biết là chìa khoá để mở cửa thương yêu. Trong tiếng Pháp chúng ta có chữ connaissance (biết) và Compréhension ( hiểu). Cái biết có khi có tác dụng chận đứng, tại vì đôi khi kiến thức của ta chỉ là những ý niệm và những cái tưởng (tri giác) của chúng ta. Những ý niệm và những cái tưởng ấy lắm khi làm hại chúng ta. Còn cái hiểu thì khác; cái hiểu có tính cách trực tiếp mà không phải là những ý niệm. Cái hiểu là kết quả của kinh nghiệm trực tiếp của ta đối với sự vật, đối với đối tượng hiểu biết. Động từ comprendre của Pháp gồm có tiền từ com và động từ prendre, tức là cầm lấy. Com tức là ta đồng nhất với cái đó, trở thành một với cái dó. Khi mà ta còn là hai đối với cái đó thì ta chưa có cái hiểu biết (compréhension). Khi chủ thể hiểu biết và đối tượng hiểu biết vẫn còn là hai cái riêng biệt, thì lúc đó chưa có hiểu biết thực sự, cho nên ý sâu của comprendre là trở thành một với đối tượng của sự hiểu biết. Muốn hiểu người nào ta phải đi vào trong da thịt của người đó, ta phải trở thành người đó thì cái hiểu biết kia mới là cái hiểu biết sâu sắc và trực tiếp.
Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Bụt luôn luôn nói về quán niệm trong tinh thần đó. Ngài nói quán niệm thân thể trong thân thể, quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm trong tâm và quán niệm pháp trong pháp. Quán niệm có nghĩa là không đứng ngoài nhìn vào. Ta đồng nhất ta với đối tượng quán niệm để có được cái hiểu trực tiếp. Và vì vậy cho nên danh từ hiểu ở đây có nghĩa là cái kinh nghiệm trực tiếp. Nó không phải là những kiến thức thâu thập được từ sự học hỏi. Hiểu đây tức là prajna (bát nhã). Trong đạo Bụt chúng ta phân biệt: trí (prajna) và thức (vijnana). Thức bị ngăn cản bởi những ý niệm những cái tưởng (phần lớn là vọng tưởng), còn trí là đi trực tiếp tới đối tượng và có những kinh nghiệm trực tiếp về đối tượng. Chính cái kinh nghiệm trực tiếp đó, cái hiểu đó là chìa khoá để mở ra cánh cửa của yêu thương… Nó mở được cửa trái tim. Kiến thức không mở cửa trái tim được. Chỉ có sự hiểu biết mới mở được mà thôi. Thương yêu ở đây nghĩa là Từ, Bi, Hỷ và Xả. Nội dung của thương yêu là nội dung của tứ vô lượng tâm, một niềm thương yêu không có kỳ thị, không có vướng mắc, một sự thương yêu đích thực.
Hiểu biết và thương yêu (trí và bi) là yếu tố thực tập căn bản trong đạo Bụt. Khi truyền Tam Quy cho các bé chúng ta không cho các bé tiếp nhận năm giới. Chúng ta chỉ cho các bé tiếp nhận Hai Lời Hứa. Hai Lời Hứa thuộc về hiểu biết và thương yêu. Các bé cũng phải học cả đời mới hiểu được Hai Lời Hứa đó vì hai lời hứa đó cũng bao trùm cả năm giới, cả 14 giới và cả 250 giới. Lời hứa đầu: Con xin hứa mở rộng lòng thương để bảo vệ sự sống khắp mười phương, nguyện che chở cho mọi người và mọi loài. Lời hứa thứ hai: Con xin hứa mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người và mọi loài… Nếu không có hiểu biết thì không có thương yêu và ta sẽ không thể chung sống với các loài. Tuy đơn giản nhưng hai lời hứa bao trùm hết tất cả giáo lý của đạo Bụt. Vì vậy tuy Hai Lời Hứa là pháp môn của thiếu nhi nhưng cũng là sự hành trí của tất cả chúng ta. Muốn mở cửa trái tim thương yêu ta phải có chìa khoá của sự hiểu biết. Chiếc chìa khoá đó phải là một chiếc chìa khoá có thật; Chiếc chìa khoá ta cầm trong lòng bàn tay và chìa khoá đó là sự quán chiếu. Từ Bi quán là một phép quán chứ không phải là một sự chúc tụng, một lời ước nguyện, và vì vậy cho nên ta phải ngồi, phải phóng năng lượng của chánh niệm vào đối tượng để soi sáng để nhận diện, để thấy. Cái đó gọi là quán.
Kinh Thủy dụ
Thầy Xá Lợi Phất – anh cả trong giáo đoàn – có dạy một kinh gọi là Kinh thuỷ Dụ mà chúng ta có thể học hôm nay. Kinh này giúp chúng ta quán chiếu để đối trị hữu hiệu cái giận. Kinh Thuỷ Dụ là một kinh trong bộ Trung A Hàm. Thuỷ là nước. Khi khát ta cần nước để uống, khi nóng bức ta cần nước để tắm gội. Những lúc khát khô cổ, những lúc nóng bức mà không có nước thì chúng ta khổ. Hồi đó Bụt đang ở tại tu viện Cấp Cô Độc, nước Xã Vệ. Thầy Xá Lợi Phất gọi các huynh đệ tới và nói: Này các huynh đệ, có năm phương pháp này có thể giúp ta vượt thắng phiền giận, nếu các huynh đệ muốn nghe thì tôi sẽ nói. Các thầy khác nói: Xin sư huynh nói, thầy Xá Lợi Phát mới nói như sau:
Trường hợp thứ nhất là trường hợp của một người hành động rất dễ ghét nhưng lời nói không đến nỗi dễ ghét. Có người mà khi mới nhìn thấy ta đã không chịu nổi rồi. Cách người đó đi, đứng, hành động và đối xử đã có thể làm ta giận nhưng khi người đó nói năng thì không đến nỗi nào, đôi khi lại nói những câu nghe rất được. Vậy nếu là người có trí (tức là không phải người ngu!), ta phải quán chiếu để đừng giận người đó. Tại vì ta biết rằng tuy thân hành của người đó không thanh tịnh nhưng khẩu hành của người đó còn thanh tịnh. Và thầy dạy đối với những người như thế ta nên tác ý tới khẩu hành của họ mà đừng tác ý về thân hành của họ. Nếu ta chỉ nghĩ tới thân hành của người ấy thì cơn giận của ta sẽ nổi lên. Nhưng nếu ta ngồi đó mà tác ý tới khẩu hành của người ấy thì ta sẽ không còn giận người ấy. Ta tiếp xúc được với khía cạnh tích cực của người kia. Đây là thí dụ mà thầy Xá Lợi Phát sử dụng: có một vị khất sĩ ưa mặc áo bà nạp (y phấn tảo – y được chắp nối bằng những mảnh giẻ rách lượm được trong các đống rác), đi ngang qua một đống rác có phân và nước tiểu, thấy một miếng vải có vẻ lành lặn vứt ở đó. Vị khất sĩ ấy cúi xuống lượm miếng vải lên bằng tay trái và với tay phải căng miếng vải ra để nhận xét. Nếu thấy miếng vải còn tốt, không đến nỗi nào, không rách không sờn và không dính chất dơ, vị khất sĩ đó biết rằng có thể gấp nó lại đem về giặt để may y phấn tảo. Ta cũng quán chiếu như vậy. Người kia tuy rằng thân hành không được dễ thương nhưng khẩu hành còn dễ thương nên chúng ta vẫn có thể chơi được với người đó, vẫn có thể chấp nhận được người đó. tấm vải này tuy đã được vứt vào đống rác gần bãi phân, nhưng nếu được giặt giũ nó vẫn còn có thể dùng được, thành ra ta nhặt nó và đem về.
Trường hợp thứ hai là trường hợp người khẩu hành không thanh tịnh nhưng thân hành thanh tịnh. Miệng người ấy nói ra những lời như rắn độc nhưng người ấy lại có những hành động cũng khá dễ thương; nếu ta là người có trí thì ta có thể tác ý tới những hành động dễ thương của người ấy mà quên đi những lời nói của người ấy để ta có thể thương, chấp nhận và sống chung với người ấy. Thầy đưa ra ví dụ: Này các bạn, như ngoài thôn xóm chúng ta, không xa, có một hồ nước, rất sâu nhưng bị rơm, cỏ, lá, bèo và củi mục che lấp hết. Nếu có người đang bị nóng bức mà không có nơi tắm thì người đó cũng có thể xử dụng cái hồ kia. Người đó cởi áo ra đặt trên bờ hồ, bước xuống hồ dùng hai cánh tay khoát những lá khô những cây bèo, những cọng rêu và những cành củi mục đang che lấp thì nước trong sẽ hiện ra và người đó có thể bắt đầu tắm rửa và bơi lội thoả thích. Vì một ít rêu, bèo, và củi mục trên mặt nước mà bỏ mất hồ thì rất uổng.
Trường hợp thứ ba là trường hợp một người thân hành không thanh tịnh mà khẩu hành cũng không thanh tịnh. Hành động của người ấy không dễ thương chút nào mà lời nói của ông ta cũng rất là dễ ghét, trong trường hợp đó ta phải làm như thế nào? thầy Xá Lợi Phất nói: Ta phải nhìn thật kỹ vì đôi khi trong tâm của người đó còn có những điểm tích cực mà ta chưa thấy. Trong tâm người nào mà lại không có những điểm tích cực? Trong trường hợp này, sự thực tập tuy khó nhưng chúng ta vẫn có thể làm được. Thầy Xá Lợi Phất đưa ra một ví dụ: Này các vị khất sĩ, một người bộ hành đi đường xa, khát đến cháy cổ và gặp được một cái lỗ chân trâu trong đó còn có chút ít nước đọng lại. Người đang bị nóng bức đó nói rằng: nếu ta lấy một tờ lá cuộn lại để múc nước lên thì cũng có thể làm cho nước đó vẩn bùn. Tốt hơn hết là ta quỳ hai gối, chống hai tay và đưa miệng xuống trực tiếp uống nước trong lỗ chân trâu. Và sau khi người bộ hành gần chết khát ấy quỳ xuống chống tay và uống được ba bốn ngụm nước thì thấy trong người dễ chịu hơn rất nhiều. Người ấy sau đó có thể tiếp tục cuộc du hành. Đối với một người có lời nói không dễ thương mà hành động cũng không dễ thương, ta phải quán chiếu để thấy rằng trong tâm họ cũng có những điểm tươi mát còn sót lại, và nếu ta thấy được những điểm ấy thì ta vẫn còn có thể chấp nhận được người ấy và có thể sống với người ấy. Tuy trường hợp này khó hơn trường hợp thứ nhất và thứ hai nhưng ta vẫn có thể chấp nhận được người ấy, và do dó người trí có thể ngăn ngừa tâm mình phát khởi lên cơn giận dữ.
Trường hợp thứ tư là một người thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thanh tịnh và ý hành cũng không thanh tịnh. Ta đã cố gắng hết sức mà không thấy điểm tích cực nào trong tâm ý của người ấy, cũng như trong thân và khẩu của người ấy ta phải làm thế nào? Thầy Xá Lợi Phất đã dùng ví dụ này: Trên đường dài có một người lữ hành mắc bệnh rất nặng. Thôn xóm rất xa, người ấy khốn đốn, héo hắt, cô độc không có bạn đồng hành, không có hy vọng gì sống sót và ra khỏi tai nạn này. Tình cờ có một người đến gần người ấy, dừng lại một bên và thấy được tính trạng thảm thương của người bộ hành ấy. Người này có thể phát khởi lòng thương, biết rằng nếu không được ai giúp thì người bộ hành kia sẽ chết ngay tại chỗ. Thấy như vậy, hiểu như vậy, người này bắt đầu dìu người kia đi từng bước cho tới khi hai người tới được thôn xóm gần nhất. Tới được thôn xóm rồi, người thứ hai này mới tìm nơi chữa trị cho người thứ nhất. Sau một thời gian ba hoặc bốn tuần lễ người bệnh kia vượt thoát cơn khổ bệnh và niềm vui sẽ thuộc về người thứ hai. Khi ta thấy một người thân hành không dễ thương, khẩu hành không dễ thương và tâm hành cũng không dễ thương, ta biết rằng cuộc đời người này thế nào cũng đau khổ đến mức cùng cực. Nếu ta không thương, nếu ta không giúp thì ai có thể giúp người đó? Ở đây thầy Xá Lợi Phất kêu gọi đến tâm Từ Bi của chúng ta. Nếu có lòng Từ Bi chúng ta rất có thể sống được với người thân hành không dễ thương, khẩu hành không dễ thương và ý hành cũng không dễ thương. Chỉ có những người thiếu từ bi mới bỏ trốn thôi, chứ người có tu tập một ít từ bi thì vẫn có thể sống chung và giúp đỡ được người mà cả ba nghiệp thân, khẩu và ý đều không thanh tịnh.
Trường hợp thứ năm là trường hợp người thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh mà ý hành cũng rất thanh tịnh. Chỉ khi ta là một người ngu thì ta mới không ở với người ấy, mới muốn bỏ cái tăng thân của người ấy mà đi thôi. Khi người kia là một người có hành động nho nhã và đẹp đẽ, có lời nói dịu dàng và dễ thương, có tâm địa tốt lành mà ta lại lìa bỏ người đó để ra đi thì quả thật ta là một người ngu si. Chỉ có người ngu si mới làm như thế. Thầy Xá Lợi Phất đưa ra một ví dụ: Ở cạnh làng có một hồ nước, trong đó có những bông sen hồng và trắng nở rất thơm. Bờ hồ xanh mướt cỏ, xung quanh hồ có những hoa viên, những hàng cây rất tươi mát, có chim hót, có bướm lượn, cảnh vật rất thần tiên. Nếu có một cái hồ như vậy mà ta không biết tới ngồi một bên, tới cởi áo xuống bơi lội trong hồ, tới vốc nước trong dưới hồ mà uống thì ta không đáng để được gọi là người biết sống có hạnh phúc. Gặp một người thân hành, khẩu hành và ý hành dễ thương, ta phải quyết tâm ở lại bên người đó. Thực tập lời này của thầy Xá Lợi Phất, khi ta thấy một thiền sinh khách mà thân hành, khẩu hành và ý hành dễ thương ta nên thỉnh cầu người ấy ở lại để làm giàu cho tăng thân ta, và để tăng thân ta trở nên một hồ sen tươi mát và thơm tho làm niềm vui và hạnh phúc cho ta và không biết cho bao nhiêu người khác nữa.
Lá thư tình cho cha
Ta vừa mới học được một điều là phải quán chiếu những nỗi khổ của người kia. Thân hành của người kia có thể dễ thương hay không dễ thương, khẩu hành người kia dễ thương hay không dễ thương, và người đó có thể khổ nhiều hay khổ ít. Và khi ta đã quán chiếu thấy được cái khổ của người kia thì tự nhiên trái tim ta sẽ rung động và chìa khoá của hiểu biết sẽ mở được trái tim của ta. Ví dụ một cô thiếu nữ kia bị cha cô cưỡng hiếp. Ở tây phương chuyện cha hãm hiếp con gái từ khi con gái mới mười một mười hai tuổi đã từng xảy ra. Đứa con gái đó lớn lên đau khổ suốt đời và mang theo trong nó một niềm thù hận không bao giờ nguôi. Người đó là cha mình, nhưng đã làm hại đời mình. Nhưng nếu đương sự biết quán chiếu nỗi khổ và niềm đau của cha mình, thấy được cái cội nguồn của hành động loạn luân đó, thấy được cha mình là một người không lối thoát, một người có tâm bệnh, bị tham giận và si mê làm cho lú lẫn thì người con gái sẽ thấy trái tim của mình mở ra và sự thù hận của mình đối với cha mình từ từ được thuyên giảm.
Cách đây cỡ chừng bốn năm có một thanh niên Mỹ tới tu ở xóm Thượng. Anh ta giận cha anh ta đến nỗi anh ta không chịu đựng được cái ý tưởng viết cho cha anh ta một lá thư. Ở xóm Thượng hồi đó chúng ta thực tập Từ quán và Bi quán và sau khi đã viết cho những người thương một lá thư thì ta thực tập viết thư cho những người ta thù ghét. Người mà anh thù ghét nhất trên đời là cha của anh ta. Trong sách Sen Búp Từng Cánh Hé có bài thực tập về một đứa bé năm tuổi. Thở vào tôi thấy tôi là một em bé năm tuổi, thở ra tôi mỉm cười với chú bé năm tuổi trong tôi. Ta thực tập như vậy một vài ngày để làm quen với chú bé trong ta. Chú bé đó vẫn còn trong ta. Chú bé đã bị thương tích rất nhiều từ hồi năm tuổi. Khi ta thấy được chú bé năm tuổi thì lòng xót thương của ta sẽ tràn ngập. Năm tuổi là tuổi rất dễ bị thương tích, là tuổi rất mong manh, con gái cũng như con trai. Trái tim em bé rất dễ bị thương. Có những người làm cha làm mẹ không có chánh niệm. Họ trút những nỗi đau, niềm giận của họ lên những đứa trẻ. Em bé tuy mới năm tuổi nhưng đã bắt đầu có những nỗi sợ hãi và buồn đau. Em bé tìm cách diễn tả những điều đó cho mẹ, cho cha. Nhưng cha mẹ không có đủ kiên nhẫn để nghe em bé. Em bé chưa đủ ngữ ngôn để nói ra cái niềm đau nỗi khổ của mình. Đang cố gắng lắp bắp để nói một điều gì đó thì em bị nạt – mày câm cái miệng mày đi! Con nít biết gì mà nói! Đối với một người lớn, câu nói đó có thể là bình thường, nhưng đối với một em bé năm tuổi đó là một gáo nước lạnh tưới lên trái tim nóng hổi của em. Có thể từ đó về sau em bé sẽ không bao giờ dám thổ lộ với cha hay mẹ một lần nào nữa cả, tại vì vết thương đã rất nặng. Người lớn không thể ngờ rằng đó đã có thể là một vết thương rất nặng đối với em bé rồi. Và có thể từ đó về sau trái tim của em bé không bao giờ được mở ra với một người lớn nào khác nữa. Hành động đó của cha hay mẹ có thể được lặp lại nhiều lần và sự truyền thông giữa cha con hoặc mẹ con có thể sẽ hoàn toàn bị nghẽn lấp. Đó là do không có chánh niệm. Vì không biết quản lý điều phục và quán chiếu về cái giận của mình, người cha đã chặt đứt cây cầu thông cảm giữa hai cha con và đứa con có thể đau khổ suốt đời. Đối với cha, ta không truyền thông được thì đối với thầy, đối với bạn và đối với những người khác trong xã hội ta cũng có thể khó truyền thông được. Mà đã không truyền thông được thì em bé sẽ khổ suốt đời. Chính với người chồng hay người vợ của mình, mình cũng không có thể truyền thông dễ dàng được, tại vì vết thương trong trái tim đã quá nặng hồi còn thơ ấu.
Người thiền sinh Mỹ thực tập như vậy được khoảng một tuần thì tôi cho bài tập thứ hai: thở vào tôi thấy cha tôi là em bé năm tuổi, thở ra tôi cười với em bé năm tuổi là cha tôi. Ta thường thấy cha ta như một khuôn mặt nghiêm nghị, uy quyền, khó tính, nhưng ta có thể chưa bao giờ thấy cha ta như một em bé năm tuổi rất dễ bị thương tích, rất mong manh như chính ta hồi còn năm tuổi. Nếu cần thì trong khi thực tập ta có thể lấy tập album của gia đình ra để tìm chú bé năm tuổi ngày xưa đã từng là cha ta. Khi ta thở vào, thở ra, thấy được và mỉm cười được với em bé năm tuổi là cha ta ngày xưa thì ta cũng thấy rằng cha ta cũng có thể bị những thương tích giống như ta hồi còn thơ ấu. Và lúc đó tự nhiên ta trở thành cha ta. Ta hãy nhớ lại câu Kinh dạy về tứ vô lượng tâm đồng nhất với tất cả (sabbattaya). Ta trở thành một với đối tượng quán chiếu của ta.Bây giờ đây ta đã trở thành cha ta, ta hiểu cha ta, ta biết cha ta đã từng làm em bé năm tuổi, đã từng bị bầm dập bởi những cư xử bạo hành của người khác. Nếu cha ta đã từng bị bầm dập như vậy hồi bé và không biết cách chuyển hoá thì cố nhiên cha ta không tránh được sự vung vãi những nỗi khổ và niềm đau của cha ta trên kẻ khác, nghĩa là trên đầu của chính ta. Và do đó ta đã trở thành nạn nhân của cha ta, cũng như cha ta đã trở thành nạn nhân của những người khác trong đó có thể có ông nội của ta. Chàng thanh niên Hoa Kỳ đã đặt trên bàn viết của anh ta một tấm hình của người cha. Trước đó anh ta không có can đảm, không bao giờ muốn nhìn vào tấm hình của người cha. Nhưng trong thời gian thực tập mỗi khi đi vào phòng, anh ta tới gần bàn và nhìn vào hai mắt của người cha để tập làm quen với cha, bởi vì anh ta chưa bao giờ thực sự làm quen với cha mình cả. Anh nhìn vào mắt cha để thở, để mỉm cười, để thấy rằng cha mình cũng đã từng là một em bé đau khổ. Mỗi khi bước ra khỏi phòng anh cũng tới nhìn vào hình cha để thở và quán chiếu như vậy. Một hôm nọ, anh ta ngồi xuống và viết được lá thư đầu cho cha. Nên nhớ rằng người cha này đã qua đời rồi mà anh ta vẫn chưa hoà giải được với ông ấy. Viết thư đây là viết thư như một bài thực tập ở Làng Hồng thôi. Trái tim của anh ta bỗng mở ra. Anh cảm thấy nhẹ nhàng, bởi anh thấy được niềm đau nỗi khổ của cha và vì vậy sự tha thứ đã hình thành và Từ Bi trở thành một chất liệu có thật chứ không còn chỉ là cái ý chí muốn thương và muốn tha thứ. Anh ta đã viết được lá thư mà anh đã được giao phó cho viết. Viết xong anh thấy nhẹ hẳn trong người. Trong trường hợp này phương pháp Từ Bi quán đã thành công. Chất độc trong con người được biến chế. Để bổ túc cho Kinh của thầy Xá Lợi Phất, chúng ta có thể đưa vào yếu tố của sự quán chiếu về nỗi khổ niềm đau của đương sự. Chỉ khi nào chúng ta thấy được nỗi khổ và niềm đau của đương sự, thấy được nguồn cơn của những nỗi khổ và niềm đau đó thì chúng ta mới có được cái chìa khoá hiểu biết để mở cửa thương yêu.
Để thực tập bài này trong đời sống hàng ngày chúng ta phải biết nhận diện và tiếp xúc với những hạt giống tích cực – hạt giống của niềm vui và hạnh phúc – trong bản thân ta, rồi chúng ta sẽ giúp những người khác làm như vậy. Trong bước thứ hai, mỗi ngày ta nên thực tập nhận diện những niềm đau trong mình, những gốc rễ của giận hờn, tham đắm và si mê và sau khi nhận diện chúng thì ta tiếp tục dùng năng lượng chánh niệm để thấy được những cội nguồn của những niềm đau đó. Sau khi bản thân đã được uống nước cam lộ của Từ và của Bi, sau khi ta chuyển hoá được ta thì ta mới đem năng lượng của Từ và của Bi ấy để mà giúp chuyển hoá người. Khi ta hướng về người kia để chiếu vào ánh sáng của chánh niệm thì ta cũng nhận diện được những niềm đau của người ấy và thấy được những cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong người ấy. Gốc rễ giận hờn trong ta được chuyển hoá thì ta bắt đầu chấp nhận và thương yêu được người kia. Thương yêu được người kia, chấp nhận được người kia thì niềm đau và nỗi khổ của ta tan biến. Hiểu được gốc cơn giận, đã phát sinh nơi người, tâm ta sẽ thanh tịnh, an lành và thảnh thơi, lời kinh mà ta đã học trong bài thứ nhất rất vắn tắt, nhưng cũng rất sâu sắc.
Xin nhắc: Kinh này trích từ Tương Ưng Bộ, S.1.162.
Quán chiếu tự thân
Mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu
Đối tượng quán chiếu ở đây là bản thân của ta. Chưa chắc ta đã biết thương ta, chưa chắc ta đã hiểu được ta. Đó là trường hợp của hầu hết mọi người.
Kỳ trước chúng ta đã học một kinh ngắn nói về thương yêu tự ngã. Có những người tưởng là mình thương mình nhưng kỳ thực trong đời sống hàng ngày những gì mình nói, nghĩ và làm phần lớn đều trở lại làm hại mình. Mình là kẻ thù của bản thân chứ không phải là người thương của bản thân. Chúng ta có thể đang làm như vậy. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta suy nghĩ, nói năng, và hành động nhưng những tư tưởng câu nói và hành động đó có thể đang làm hại bản thân của chúng ta mà chúng ta không biết. Bài quán chiếu này là để nhìn thấy cái bản thân của ta. Làm thế nào để ta hiểu được ta và như vậy ta mới có thể thương ta. Tây phương cũng có nói connais toi toi même! (anh phải hiểu anh!). Đó là chìa khoá. Chúng ta đã biết rằng nếu chúng ta không hiểu và thương được bản thân thì chuyện hiểu và thương một người khác trở thành rất khó khăn. Hiểu biết được tự thân là thấy được tính trạng sắc thọ tưởng hành và thức của chính mình. Hiểu được thì có thể chấp nhận được và ta bắt đầu có an.
Có an mới có lạc. Có nhiều người suốt đời không chấp nhận được bản thân. Họ luôn luôn đứng về hướng chống đối họ. Họ tự trách cứ họ, họ làm khổ bản thân họ, họ làm tình làm tội bản thân họ, đó cũng là vì họ không hiểu được bản thân họ. Ngồi lại, thắp sáng chánh niệm, chiếu vào năm yếu tố là sắc, thọ, tưởng, hành và thức của mình để thấy được những cội nguồn của tính trạng năm uẩn đang có mặt. Thấy được cội nguồn tức là thấy được bản chất, thấy được tự tánh. Chữ tôi (mong sao cho tôi… ), sau này sẽ được chuyển ra người ấy. Chúng ta nhớ ràng người ấy có bốn loại: người thân, người rất thân, người dưng và người ghét. Tuần trước, chúng ta đã nghe một câu nói rất quan trọng, đó là khả năng thương yêu người khác tuỳ thuộc vào khả năng thương yêu bản thân. Thương ta được tới đâu thì thương người được tới đó. Chúng ta chỉ có thể thương người tới mức chúng ta thương chúng ta. Và vì vậy khi ta còn khước từ bản thân ta, khi ta còn mỗi ngày làm hại bản thân ta thì ta đừng nói đến chuyện thương yêu và chấp nhận những người khác. Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận nói rằng sở dĩ ta bắt đầu bằng người thân trước mà không bắt đầu bằng người ghét trước là tại vì đối với những người thân và rất thân thì ta dễ làm phát sinh tâm Từ và tâm Bi hơn. Ví dụ được dùng trong Thanh Tịnh Đạo Luận là muốn đốt lửa cháy, ta phải dùng rơm cỏ trước, và khi rơm cỏ đã cháy lên thì những cành nhỏ mới cháy, và khi những cành nhỏ đã cháy rồi thì những cành lớn mới cháy, và sau đó ngay tới những thanh củi còn ướt hoặc còn tươi cũng có thể cháy luôn. Bắt đầu bằng những thanh củi ướt thì không bao giờ thành công được.
Trước khi chúng ta quán chiếu về người ấy, dầu là người thân vừa, người rất thân, người dưng hay là người ghét, ta phải tự quán chiếu ta, phải nhìn vào năm uẩn của ta. Với chánh niệm ta có thể nhận diện được tư tưởng hàng ngày của ta, lề lối suy tư của ta, rồi tới những lời nói của ta, sau cùng tới những hành động của ta. Trước hết ta hãy nói về đường lối chúng ta suy tư và nội dung tư tưởng. Đây là sự thực tập chánh tư duy – một trong tám yếu tố của bát chánh đạo. Có khi chúng ta nghĩ quanh nghĩ quẩn, có khi chúng ta yếm thế bi quan, tranh chấp sầu não kỳ thị hoặc ganh ghét. Tư duy như thế thì thế nào lời nói và hành động của chúng ta cũng sẽ biểu lộ những cái tư duy ấy. Kết quả là trong đời sống hàng ngày ta tự làm hại ta và làm hại những người khác. Vì vậy nên dùng chánh niệm để soi sáng vào tư duy hàng ngày là công phu thực tập của chúng ta… Khi một tư tưởng hoặc một ý niệm không đúng chánh pháp xuất hiện, tư tưởng hoặc ý niệm ấy sẽ mang đến những giận hờn, những kỳ thị những tham đắm. Chúng ta phải biết phải nhận diện những tư tưởng và ý niệm đó, và khi nhận diện rồi ta mỉm cười. Tư tưởng đó sẽ ngừng.
Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi nghe hay thấy một điều gì thì chúng ta thường tác ý. Tác ý là chú ý tới một sự kiện, một đối tượng. Tác ý là manaskara, là một trong năm tâm sở biến hành. Nếu không có chánh niệm thì chúng ta đâu biết tác ý đó là tác ý như lý hay là phi như lý. Như lý tác ý (yoniso manaskara) là tác ý tới những đối tượng có thể đem lại an lành, sáng suốt và thương yêu cho chúng ta. Ta phải có tăng thân, phải có chánh niệm thì trong đời sống hàng ngày ta mới thường có như lý tác ý, nghĩa là chúng ta có cơ hội tác ý tới những đối tượng có tác dụng đem lại lợi lạc, giải thoát, niềm vui và hạnh phúc. Còn những loại tác ý khác ngược lại, sẽ làm cho tâm chúng ta buồn khổ, giận hờn và kỳ thị. Những loại tác ý ấy gọi là phi như lý tác ý hay bất như lý tác ý (ayoniso manaskara). Ngày xưa tôi có viết một cuốn truyện với nhan đề Nẻo Về Của Ý. Nẻo Về Của Ý có nghĩa là những nẻo đường của ý đi. Ý (manas) ở trong đạo Bụt thường được ví dụ với một con khỉ leo trèo thoăn thoắt từ cành cây này sang cành cây kia. Ý có thể đưa ta tới một thế giới rất buồn khổ, đau đớn và đen tối; vì vậy nên ta phải biết theo dõi ý, theo dõi con khỉ của tâm ý. Nẻo Về Của Ý là nẻo về của tâm ý. Ta phải thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để thấy được nẻo đi đường về của tâm ý ta, đừng để cho nó mỗi ngày nhiều lần đi về phía phi như lý, không có lợi lạc. Khi chúng ta nghe một câu chuyện hay thấy một sự kiện câu chuyện hay sự kiện đó thường đưa đẩy chúng ta tới một tác ý, và tác ý ấy có thể là như lý hay phi lý như lý. Nếu có chánh niệm ta nhận diện được tác ý ấy liền. Nếu tác ý ấy là như lý thì ta nuôi dưỡng nó. Nếu chánh niệm cho chúng biết tác ý ấy là không như lý thì tự nhiên chúng sẽ buông bỏ liền đối tượng. Ta biết rồi, ngươi là một tư tưởng không có lợi lạc cho ta và cho các bạn ta trong đời sống hàng ngày. Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần. Chánh niệm soi sáng đường đi nẻo về của tâm ý. Khi chúng ta biết duy trì những tâm ý thanh tịnh và an lạc thì ngôn ngữ và hành động của chúng ta sẽ biểu lộ được niềm an lạc và thanh tịnh đó. Ngôn ngữ và hành động ấy làm lợi ích cho bản thân và cho những người xung quanh. Chúng ta là người thương của bản thân và của những người khác, chúng ta không phải là kẻ thù của bản thân và của những người khác.
Sau đó chúng ta lại dùng chánh niệm để soi sáng lời nói của chúng ta. Nói lời nào, ta biết ta đang nói lời đó. Có những cái ta đã tự cam kết là không nói, vậy mà đột nhiên ta thấy ta đang nói. Sở dĩ điều này xảy ra được là do có một sức mạnh ghê gớm bên trong sức mạnh của tập khí. Và những lúc đó chỉ có chánh niệm của ta cứu được ta thôi. Nó giúp ta ngưng lại. Không có chánh niệm thì ta sẽ tiếp tục nói, nói xong thì gây tan vỡ. Gây tan vỡ ở trong ta và ở ngoài ta. Chánh ngữ là một yếu tố khác của bát chánh đạo.
Hành động của thân thể cũng là sự biểu lộ của tư duy ta, và khi ta làm gì dầu là một cái nhìn, một cái hất tay hay là một sự đứng dậy, tất cả đều biểu lộ tư duy của ta, biểu lộ cái giận, cái buồn, cái thương, cái ghét, cái chánh niệm hay cái thiếu chánh niệm của ta cả. Chánh niệm được thắp lên để ta thấy là ta đang làm gì, đang đứng lên như thế nào, đang ngồi xuống như thế nào đang nhìn như thế nào, đang cau mày như thế nào… Chỉ có chánh niệm, chỉ có Bụt mới soi sáng cho ta được. Khi được soi sáng, ta mới biết rằng hành động ấy có lợi ích cho bản thân hay đang làm hại bản thân. Làm hại bản thân cũng là làm hại những người khác, và làm hại những người khác cũng là làm hại bản thân. Và vì vậy cho nên câu đầu của bài tập này là nguyên tắc quán chiếu: mong sao cho tôi biết nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu (May I learn to look at myself with the eyes of understanding and compassion). Khi ta sử dụng được chiếc chìa khoá của hiểu biết để mở được cửa yêu thương thì tự nhiên ta chấp nhận được ta và chấp nhận được những người xung quanh. Nếu chưa chấp nhận được những người xung quanh nghĩa là ta chưa chấp nhận được chính mình. Nếu ta có tranh chấp có chiến tranh với những người xung quanh, điều đó cũng có nghĩa là ta đang có một cuộc tranh chấp, một cuộc chiến tranh tiềm tàng bên trong bản thân.
Từ nhãn thị chúng sanh nghĩa là lấy con mắt thương yêu nhìn mọi người. Chúng sanh đây bao gồm cả bản thân. Ngạn ngữ Việt Nam có câu thương người như thể thương thân, câu đó nếu xét lại cho kỹ ta sẽ thấy rằng tác giả tự coi như đã thương thân rồi cho nên mới khuyên rằng phải thương người như mình đã tự thương. Nhưng chưa chắc ta đã đi tới được điểm đó, tức là điểm tự thương. Chưa thương thân thì đừng nói chuyện thương người. Cái người làm khổ ta nhiều nhất là ai? Là chính ta. Vì vậy cho nên thương thân là một phép thực tập rất lớn. Kinh Pháp Hoa chỉ nói từ nhãn thị chúng sanh mà không nói bi nhãn thị chúng sanh. Từ bao gồm Bi và bao gồm cả Hỷ và cả Xả. Từ cũng bao gồm cả trí, tức là sự hiểu biết. Vì phải phân tích để quán chiếu cho nên ta cần gọi tên trí và bi cho rõ ràng: đó là hiểu biết và thương yêu. Thật ra hiểu biết và thương yêu là hai mặt của cùng một thực tại. Một mặt là hiểu biết một mặt là thương yêu. Bỏ một mặt đi thì không còn mặt kia nữa. Cũng giống như đồng xu, có bên sấp bên ngửa. Bỏ bên sấp đi thì không còn bên ngửa. Bi và trí đi đôi với nhau.
Quay về thủ hộ ý
Chúng ta có một bài kệ để thực tập: Cái giận làm tôi xấu, biết vậy tôi mỉm cười, quay về thủ hộ ý, từ quán không buông lơi. Mỗi câu kệ năm chữ đi theo một hơi thở. Cái giận làm tôi xấu, điều này do chính Bụt nói. Bụt nói khi ta giận con người ta hết đẹp. Đọc câu đó ta nghe như một tiếng chuông chánh niệm. Có ai muốn mình xấu đâu? Con trai cũng vậy, con gái cũng vậy, người lớn cũng vậy, trẻ em cũng vậy, không ai muốn mình xấu hết. Ta có ý thức là ta đang xấu, đó là tiếng chuông chánh niệm, và vì vậy ta mỉm cười… Cái cười có thể còn méo xẹo, nhưng cũng đã làm cho mặt ta bớt xấu đi nhiều lắm. Cái giận làm tôi xấu, biết vậy tôi mỉm cười. Mỉm cười được (phải cố gắng lắm mới mỉm cười được!) thì mấy trăm bắp thịt ở trên mặt ta thư giãn ra. Bây giờ mặt mình ngó được hơn nhiều! Trước đó nó căng ra giống như trái bom sắp nổ. Quay về thủ hộ ý là đóng cửa hai giác quan: mắt và tai, trở về để lo dập cái đám cháy. Từ quán không buông lơi là phải thực tập liên tục Từ quán. Ta có thể ngồi đây ngay tại đó để quán chiếu, hoặc ta mở cửa đi ra ngoài (nếu ta còn yếu) để đi thiền hành mà quán chiếu.
Phương pháp chánh thống là sử dụng năng lượng chánh niệm. Ta trở về và tiếp xúc với năng lượng chánh niệm trong ta, ta làm cho năng lượng ấy phát triển. Chánh niệm không thể là chánh niệm suông không có đối tượng. Cũng như giận là giận ai, giận gì. Chánh niệm là chánh niệm về một cái gì. Tôi đang uống nước và tôi có ý thức rằng tôi đang uống nước, đó là chánh niệm về uống nước. Tôi đang bước một bước bằng chân trái và tôi biết rằng tôi đang bước một bước bằng chân trái, đó là chánh niệm về bước chân. Có chánh niệm về tiếng chuông, có chánh niệm về hơi thở. Ở đây ta phát khởi chánh niệm về cái giận của ta. Thở vào, tôi biết tôi đang giận. Thở ra, tôi biết tôi là tôi đang chăm sóc cái giận của tôi. Trước hết có một vùng năng lượng trong ta, gọi là năng lượng giận… Bây giờ ta phát khởi một nguồn năng lượng thứ hai nữa là nguồn năng lượng của chánh niệm và nguồn năng lượng thứ hai này có phận sự ôm lấy cái giận. Nguồn năng lượng thứ hai ôm lấy nguồn năng lượng thứ nhất để chăm sóc, để làm cho tĩnh lặng lại, và cuối cùng để quán chiếu. Chúng ta đã biết rằng chánh niệm phát sinh không phải để xua đuổi hay để tranh đấu với cái giận mà là để chăm lo cho nó.
Phương pháp của đạo Bụt là bất nhị và bất bạo động. Tại sao bất nhị? Tại vì chánh niệm này là ta mà cái giận kia cũng là ta. Một vùng năng lượng này ôm lấy một vùng năng lượng khác. Ta đừng giận cái giận của ta, ta đừng có ý muốn xua đuổi hoặc đàn áp nó, bởi vì ta biết rằng nếu nó có mặt ở đây là tại vì dưới tàng thức kia (cái kho) nó đã có. Ta phải săn sóc lấy ta. Khi lá gan ta đau, ta đâu có giận lá gan của ta. Ta phải ôm lấy lá gan của ta để mà chăm sóc. Ví dụ mà tôi thường dùng trong các khóa tu là một bà mẹ đang làm việc dưới bếp, nghe em bé khóc ở trong phòng thì bỏ công việc xuống và chạy vào ẵm lấy em bé lên trong vòng tay. Một bà mẹ không bao giờ cho em bé là kẻ thù của mình. Nó là con của mình. Hễ nó khóc là mình phải ôm lấy nó. Mẹ chưa biết vì lý do gì mà em bé khóc nhưng việc đầu tiên mẹ làm là bế em bé lên và ôm nó. Em bé không phải tự nhiên mà khóc đâu. Em bé khóc là có lý do nào đó, có một sự không tiện nghi nào đó đang xảy ra trong thân hay trong tâm. Trong khi ta thực tập quán chiếu cái giận của ta, ta phải coi cái giận của ta là em bé của ta, là chính ta và ta phải chăm sóc nó. Ta không thể ghét bỏ, thù hận và coi nó là kẻ thù. Thiền quán không phải là biến mình thành một chiến trường có hai phe: một phe chánh, một phe tà: phe chánh phải đánh phe tà cho tả tơi. Trong thiền quán ta không có cái nhìn nhị nguyên (dualistic). Vì chánh niệm là ta mà cái giận kia cũng là ta, cho nên chánh niệm ôm lấy cái giận cũng như là bà mẹ ôm lấy đứa con. Trong khi đó ta dùng hơi thở chánh niệm để bảo hộ và làm lắng dịu cơn giận của ta. Nếu ta tiếp tục thở và thực tập như thế thì nguồn năng lượng thứ hai là chánh niệm bắt đầu đi vào trong nguồn năng lượng thứ nhất là cái giận. Hai nguồn năng lượng khi tiếp xúc với nhau sẽ đưa tới một sự biến chuyển. Cũng như khi thấy căn phòng của ta lạnh thì ta biết rằng ta phải đốt lò. Lò đốt thì mười lăm phút sau hơi nóng sẽ đi tới và hơi nóng đó sẽ ôm lấy hơi lạnh. Hơi nóng không nói: cái lạnh ơi, mày đi nơi khác chơi đi. Không. Cái lạnh không cần phải ra khỏi phòng. Cái lạnh được cái nóng ôm lấy. Một thời gian sau thì hơi lạnh trở thành hơi ấm. Có sự chuyển hoá. Chúng ta không cần phải liệng ra ngoài cửa sổ bất cứ cái gì hết, ngay cả cái giận của chúng ta. Cái giận cũng là năng lượng. Cơm và sữa ta ăn cũng góp phần làm ra cái giận đó. Cơm và sữa cũng góp phần làm ra chánh niệm. Nhưng chánh niệm là loại năng lượng rất tốt trong khi cái giận lại là thứ năng lượng có công năng phá hoại… Tất cả đều là năng lượng do chúng ta chế biến. Tu học là nghệ thuật sử dụng một nguồn năng lượng này để chuyển hoá một nguồn năng lượng khác. Ta không cần xua đuổi và đánh dẹp. Phút đầu, khi bà mẹ ôm lấy đứa con bà chưa biết cái gì đã xảy ra cho em bé. Nhưng từ giờ phút bà ôm lấy đứa con thì năng lượng của sự dịu dàng và của sự thương yêu đã bắt đầu đi vào cơ thể của em bé. Một bà mẹ, theo nguyên tắc, được làm bằng chất liệu của sự dịu dàng, của sự thương yêu và của chánh niệm. Khi được mẹ ôm trong hai cánh tay, ta thấy niềm đau giảm bớt ngay. Sự thuyên giảm bắt đầu xảy ra: tuy cái giận đang còn đó, nhưng nó đã dịu xuống. Ta chưa thấy được nguồn cơn của nó, ta chưa chuyển hoá được nó, nhưng vì ta đang ôm nó trong vòng tay chánh niệm thành ra nó không có tác hại nữa mà lại bắt đầu êm dịu xuống.
Đây là bài tập trong Kinh An Ban Thủ Ý: tôi đang thở vào và làm cho tâm hành tôi lắng dịu xuống (an tịnh tâm hành). Tâm hành đây là một hiện tượng tâm lý. Hiện tượng đó có thể là giận, là buồn, là ghen hoặc là sợ hãi. Khi ta thở vào và thở ra có chánh niệm ta ôm lấy cái tâm hành đó để làm cho nó dịu xuống: đó gọi là an tịnh tâm hành. An tịnh tâm hành, tôi thở vào; an tịnh tâm hành, tôi thở ra. Khi ta ý thức rằng ta đang có cái tâm hành gọi là giận thì ta phải lập tức thực tập để an tịnh cái tâm hành đó. Phương pháp gần như duy nhất là phát khởi chánh niệm, dùng năng lượng của chánh niệm đó để ôm lấy cái tâm hành kia: thở vào, tôi biết là tôi đang giận; thở ra tôi biết là tôi đang làm an tịnh cơn giận của tôi. Trong khi đó ta có thể hoặc ngồi thiền hoặc đi thiền hành. Mười phút sau cường độ của cái giận giảm bớt. Trong lúc đó năng lượng của chánh niệm chiếu soi vào năng lượng của cái giận và chỉ cho ta thấy nhiều điều rất ngộ nghĩnh và kỳ diệu… Như bà mẹ sau khi ôm lấy đứa con và ru vài câu, đứa bé êm dịu lại và bà mẹ tìm ra được nguyên do đã khiến đứa bé khóc. Nguyên do đó có thể là đứa bé đang sốt hoặc đang lạnh, hoặc cái tã của nó bị siết hơi chặt, hoặc là nó đang khát nước. Và khi đã thấy được sự thật bà mẹ không cần thời gian nhiều và có thể chuyển hoá được tính trạng rất mau. Nếu cái tã quá chật thì bà mở ra, cột lại cho nó nhẹ nhàng; nếu bé đói thì làm cho nó bình sữa; nếu bé sốt thì cho nó uống aspirine có đường v… v… Điểm chính yếu là thấy được nguồn cơn, được căn nguyên. Nhận diện và tìm được về cội nguồn của hiện tượng là công phu của quán chiếu.
Tôi đang thở vào và biết rằng tôi đang giận, tôi đang thở ra và biết rằng cái giận đang còn trong tôi
Đó là thực tập nhận diện. Giận ơi chào mi! Cái giận của ta là một người bạn rất xưa cũ của ta. Mỗi khi nó xuất hiện thì ta nhận diện nó. Trong khi ta đi thiền hành hay ngồi thiền để chăm lo cho tâm hành của ta bằng năng lượng chánh niệm thì ta bắt đầu thấy ta. Ban đầu ta chỉ cần chấp nhận nó, nhận diện nó; tiếp đến, ta nhìn sâu thêm để thấy được cội nguồn của nó. Tại sao ta giận? Điều ta thấy đầu tiên có thể là điều này: niềm đau khổ của ta có nguồn gốc sâu xa dưới tàng thức, đó là chất độc của sân hận có sẵn trong tâm ta dưới hình thức nội kết hoặc hạt giống. Với kẻ không giận hờn, cơn giận từ đâu tới? Cái giận tới được vì đã có gốc rễ trong lòng ta. Lúc đó ta mới thấy rằng thủ phạm chính của niềm đau ta là cái khối nội kết có liên hệ tới si mê, tới kiêu mạn, tới nghi ngờ, tới tham đắm của ta. Kẻ kia không phải là chánh phạm. Kẻ kia chỉ là một nguyên do thứ yếu. Điều thứ hai mà ta có thể thấy là người kia cũng đang khổ. Trước đó ta chỉ thấy một mình ta khổ thôi. Một người khổ thường làm hay làm cho người khác khổ. Người khổ có độc tố rất nhiều trong lòng và không thể nào tránh khỏi cái chuyện làm vung vãi những độc tố ấy lên những người xung quanh. Và dầu người ấy có làm những điều dữ dằn và sai quấy hay là nói những điều rất thất đức thì mục đích của người ấy cũng chỉ là tìm cách làm cho mình bớt khổ. Người ấy không biết thực tập như ta. Khi khổ quá người ấy chỉ nói vung ra hay làm vung ra để tiết hận, hy vọng cho bớt khổ. Làm như thế người ấy chỉ làm cho bản thân và những người chung quanh khổ thêm. Ta thì ta đã học và biết cách hành xử rồi, thành ra mỗi khi giận ta biết quay về thủ hộ tâm ý, biết sử dụng hơi thở chánh niệm, biết đi thiền hành, biết làm dịu xuống nỗi khổ của ta. Còn người kia thì đang đứng ở trong địa ngục. Và người kia là ai? Người kia có thể là chị của ta, có thể là anh của ta, có thể là em của ta, có thể là cha của ta, có thể là mẹ của ta. Khi ta thấy được điều đó thì tự nhiên dòng suối Từ Bi trong lòng ta sẽ tuôn chảy. Hiểu biết là chìa khoá mở cửa trái tim là như vậy. Nhờ ta thực tập chánh niệm, cái giận sẽ trở về nguyên quán nơi tàng thức và lần này hạt giống sẽ nhỏ đi hơn một chút. Nếu cơn giận trở lại, ta cũng sẽ tiếp tục thực tập như thế. Mỗi lần thực tập ta lại làm cho hạt giống giận yếu đi cho đến lúc hạt giống ấy không đủ sức làm chúng ta nổi sùng lên như ngày xưa nữa. Đó là phương pháp đối trị cái giận.
Xin nhắc lại; trước hết ta nhận diện cái giận bằng cách ấp ủ nó, nâng niu nó. Tiếp theo, ta soi ánh sáng chánh niệm vào nó để tìm ra những nguyên nhân và bản chất của nó. Khi ta thấy và biết được rằng người kia đang khổ, và khi ta đã thấy nhẹ nhàng trong lòng sau hai mươi phút thiền hành rồi, ta có thể có ý định trở về để giúp người ấy cho người ấy bớt khổ thi lúc đó cái giận của ta đã biến thành cái thương rồi. Ta có thể nói: nếu ta không giúp người đó thì ai sẽ giúp người đó? Người đó có thể là cha của ta, là mẹ của ta, là chồng của ta, là vợ của ta, là anh, chị, em của ta… Ước muốn trở về để giúp người đó là ước muốn phát xuất từ lòng thương. Tất cả đều do chánh niệm. Chánh niệm chế tác ra nguồn năng lượng Từ và Bi.
Tưới tắm hạt giống hạnh phúc
Mong sao cho tôi nhân diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong tôi.
Đây cũng là phép thực tập hàng ngày. Có những người nghĩ rằng trong họ không hề có niềm vui, không hề có hạnh phúc, tất cả những gì họ có chỉ là khổ đau và nước mắt mà thôi. Trong khi đó Bụt dạy rằng tâm thức của chúng ta chứa đủ tất cả những loại hạt giống, có hạt giống khổ đau nhưng cũng có hạt giống hạnh phúc, có hạt giống của thù hận nhưng cũng có hạt giống của thương yêu, có hạt giống của si mê nhưng cũng có hạt giống của trí tuệ. Có thể chưa có ai giúp chúng ta nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc đó vì vậy cho nên chúng ta mới cần tới thầy, tới bạn và tới sự thực tập.
Thực tập đây là thực tập nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc tiềm ẩn trong chúng ta. Hạt giống của niết bàn, của giải thoát, của an lạc, của Từ, của Bi, của Hỷ và của Xả đều có đầy đủ trong ta. Tâm ta sở dĩ được gọi là nhất thiết chúng thức, nghĩa là tâm thức có đầy đủ tất cả mọi hạt giống, là vì lý do đó. Chúng ta phải xử sự như một người làm vườn. Người làm vườn có khả năng tiếp xúc nhận diện gieo trồng và tưới tắm những hạt giống tốt. Trong đời sống hàng ngày, người hành giả dùng chánh niệm của mình để quán chiếu, để nhân diện và để tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc, và mỗi ngày đều tưới tắm và chăm bón chúng. Ta làm công việc ấy với sự hỗ trợ của thầy và của các bạn tu. Ta phải có một niềm tin, niềm tin đó là ta có ở trong ta những hạt giống tốt. Và với phương pháp tác ý như lý ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc và với niềm vui của chúng ta. Chúng ta có thể đánh động tới, chúng ta có thể tiếp xúc, chúng ta có thể làm sợi dây đàn của những hạt giống đó phát ra âm thanh chứng tỏ sự có mặt của chúng. Khi chúng ta ăn cơm im lặng, đi thiền hành, ngồi thiền, hay pháp đàm chúng ta có những cơ hội để đánh động tới, tiếp xúc và nhận diện những hạt giống ấy và nếu đã tiếp xúc được với chúng một lần rồi, ta biết rằng ta có thể tiếp xúc được với chúng lần thứ hai, lần thứ ba… Càng tiếp xúc ta càng làm cho chúng lớn lên.
Nếu muốn thương ai, nếu muốn làm cho ai đó bớt khổ và có hạnh phúc ta cũng phải làm như vậy. Ban đầu ta nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống trong ta và khi ta đã thành công được 10%, 20%, ta đã có thể giúp cho người ấy (mong sao cho tôi giúp người ấy nhận diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong người ấy). Dù người kia chỉ biết khóc, chỉ biết khổ, chỉ biết than thở, ta biết rằng người kia cũng có hạt giống của hạnh phúc; và vì ta đã biết làm công việc tưới tắm cho ta rồi, nên ta có thể ngồi với người đó để giúp người đó thực tập: Nếu chị làm như thế này… nếu em làm như thế này… nếu anh làm như thế này… thì anh (chị, em) có thể tiếp xúc được với niềm vui ở trong bản thân. Bằng lời nói bằng cái nhìn, bằng bàn tay bằng sự chăm sóc của ta, ta có thể đánh động được hạt giống đó nơi người kia và ta cứu được người kia. Trong khoá tu dành cho các giới tâm lý trị liệu, tôi thường hay nói điều này: khi một thân chủ tới tham vấn, ta đừng chỉ nói tới những chuyện tiêu cực như ông có vấn đề gì, bà có vấn đề gì, ông bà đau khổ như thế nào. v… v… Nhà tâm lý trị liệu phải có khả năng đánh động tới hạt giống của hạnh phúc và niềm vui nơi người thân chủ. Nếu ta biết uống trà, nếu ta biết đi thiền hành, nếu ta biết tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh ở trong ta và xung quanh ta thì ta cũng sẽ giúp cho những thân chủ của ta làm được chuyện ấy. Rồi ta tập cho người ấy làm một mình. Tại sao nhà trị liệu tâm lý không dắt thân chủ của mình đi thiền hành và dạy cho người đó bước những bước chân thành thảnh thơi để tiếp xúc với trời xanh và mây trắng, biết dừng lại và nuôi dưỡng mình bằng những niềm vui trong giờ phút hiện tại. Nếu cứ ngồi đó mà nói về niềm đau của mình thì có thể có hại.
Ta hãy bắt đầu bằng người mà ta thương. Vì ta thương người đó cho nên ta muốn cho người đó có niềm vui và hạnh phúc. Ta đề nghị một vài phép thực tập để người đó cũng làm được như ta. Ta phải thành công cho ta rồi ta mới giúp được những người ta không quen biết, và cuối cùng ta cũng có thể giúp cả những người đã từng làm cho ta đau khổ và giận hờn. Bản chất của hai bài thực tập này là Từ. Nếu không quán chiếu, nếu không biết thực tập những điều đó thì đó không phải là hành Từ, không phải là sự thực tập tình thương chân thật. Kim nhân bất năng như thị hành từ., người đời bây giờ không biết thực tập tình thương như vậy, đó là một câu trong luật sa di. Ngồi pháp đàm với nhau ta chia sẻ cho nhau về kinh nghiệm thực tập. Ta đã thành công như thế nào, ta thành công tới mức nào, ta có những trở ngại nào, những khó khăn gì. Tôi đã nhận diện và tiếp xúc được với những niềm vui và hạnh phúc của tôi như thế nào? Mỗi ngày tôi đã làm gì để tưới tắm các hạt giống của niềm vui và hạnh phúc trong tôi? Vốn liếng kinh nghiệm là cái quý nhất mà ta có thể chia sẻ với các bạn trong buổi pháp đàm. Một người nói cho hai chục hay ba chục người nghe về kinh nghiệm của mình, cái đó đã là hành Từ. Một người được nghe kinh nghiệm của hai chục hay ba chục người khác. Do đó ta tiếp xúc và thừa hưởng không biết bao nhiêu mà kể trong một buổi pháp đàm. Pháp đàm như thế mới thực sự có lợi ích.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 01 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 02 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 03 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 04 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, chương 05 tại đây.
Đọc Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy, toàn tập tại đây.