Trồng một nụ cười | Chương 04

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 22 phút đọc  · lượt xem.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt. trong mỗi chúng ta đều có một vị Bụt. Bụt chính là khả năng tỉnh thức, thương yêu và hiểu biết trong ta. Vì vậy, thực tập lắng nghe chuông là lắng nghe tiếng gọi của thương yêu và hiểu biết trong ta, nhắc ta trở về với tự thân, sống bình an với chính mình và với mọi người. Khi tâm tán loạn, ta cần tiếng gọi của Bụt để đưa ta trở về, Bụt gọi: Về nhà đi con, đừng đánh mất mình trong giận hờn, buồn bực.

Khi phải đi đâu xa một thời gian, ta khao khát được trở về nhà. Trong căn nhà của mình, ta cảm thấy bình yên, ta không còn phải rong ruổi, tìm kiếm gì nữa. Ta có thể buông thư và được là chính mình. Được là chính mình, đó là một hạnh phúc lớn. Bạn đã là cái mà bạn muốn trở thành. Bạn không cần phải trở thành một ai khác hay một cái gì khác. Hãy nhìn cây táo này, cây táo chỉ là cây táo thôi đã là một điều tuyệt vời rồi. Cây táo không cần trở thành một cây khác. Tôi chỉ cần là tôi và bạn chỉ cần là bạn thôi. Chúng ta chỉ cần cho phép bản thân mình sống tự nhiên với con người thật của mình. Khi thấy được điều đó, cảm nhận được điều đó thì ta đang ở trong ngôi nhà đích thực của mình. Ai cũng có một ngôi nhà đích thực trong tự thân để trở về.

Ngôi nhà đích thực luôn luôn gọi ta trở về, tiếng nói ấy rất rõ ràng, tha thiết, ngày cũng như đêm. Ngôi nhà đích thực gửi đến chúng ta những làn sóng yêu thương và quan tâm chăm sóc nhưng bởi vì chúng ta quá bận rộn nên chúng ta không nghe được tiếng gọi ấy. Khi nghe chuông, chúng ta hãy buông bỏ mọi thứ – mọi nói năng, suy nghĩ, chuyện trò, chơi đùa, hát ca – để ta trở về ngôi nhà đích thực.

Sở dĩ chúng ta dừng lại mọi suy nghĩ, nói năng và hành động của mình khi nghe chuông là vì chúng ta đang lắng nghe tiếng gọi của một người mà ta rất mực thương yêu và tôn trọng. Ta chỉ cần lặng yên, lắng nghe bằng tất cả trái tim mình và thưởng thức hơi thở trong suốt thời gian nghe chuông. Ta có thể nói thầm: Thở vào, tôi thấy khỏe. Thở ra, tôi thấy hạnh phúc. Thực tập chánh niệm cũng chỉ để giúp ta cảm thấy khỏe nhẹ và hạnh phúc, có phải vậy không? Bởi vì ước muốn sâu sắc nhất trong mỗi chúng ta là được hạnh phúc và mang hạnh phúc đến cho mọi người.

Thở theo tiếng chuông

Dụng cụ: Chuông nhỏ và dùi chuông.

Đối với các em nhỏ dưới 8 tuổi, bạn có thể chọn một hay hai hoạt động trong phần dưới đây để hướng dẫn cho một buổi sinh hoạt. Bạn có thể hướng dẫn một hoạt động vào đầu buổi sinh hoạt và lặp lại hoạt động đó vào cuối buổi để các em ghi nhớ sâu hơn. Hoặc, trong khoảng 5 – 10 phút đầu mỗi buổi sinh hoạt, bạn có thể giới thiệu với các em một bài thực tập thở hoặc nghe chuông khác nhau. Những lời hướng dẫn được in nghiêng. Câu trả lời của các em được đặt trong dấu ngoặc vuông [ ].

Dừng lại khi nghe chuông

Khi đến trường học hay trong các khóa tu ở Làng Mai, trong buổi sinh hoạt đầu tiên với trẻ em, chúng tôi thường giới thiệu với các em phương pháp thỉnh chuông và nghe chuông.

Khi nâng chuông lên, ta hỏi: Các em có biết đây là cái gì không? Ở nhà các em có cái này không? Khi nghe chuông, các em làm gì?

Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt hay tiếng gọi của một người rất thương mình, luôn mong cho mình được bình an và hạnh phúc (nếu mình không thoải mái với danh từ Bụt thì dùng từ năng lượng của hiểu biết và thương yêu hoặc danh từ tình thương không điều kiện hoặc bản chất thiện lành trong ta hoặc Chúa hay thánh Allah). Khi có tiếng chuông, chúng ta ngưng mọi nói năng và công việc đang làm, chỉ cần ý thức về hơi thở vào, hơi thở ra. Đó là cơ hội cho ta được nghỉ ngơi và có mặt cho chính mình.

Ta thỉnh chuông một vài lần cho các em thực tập nghe chuông.

Bây giờ, chúng ta sẽ cùng thực tập dừng lại khi nghe chuông nhé. Các em cứ đi lại trong phòng tự nhiên. Khi nghe tiếng chuông, các em hãy dừng lại và thở ba hơi cho khỏe. Sau đó, các em lại tiếp tục di chuyển, khi nghe tiếng chuông, các em dừng lại và thở.

Nhận diện hơi thở vào và hơi thở ra

Để nhận biết rõ ràng hơn hơi thở của mình như thế nào, các em hãy đặt một ngón tay ngang dưới mũi của mình và cảm nhận hơi thở vào – ra. Hơi thở ra như thế nào nhỉ? Ấm và ẩm phải không? Các em cảm nhận được không? Hơi thở vào như thế nào nhỉ? Mát không? Lúc nào chúng ta cũng thở nhưng ít khi chúng ta ý thức là mình đang thở, mình cho đó là chuyện đương nhiên. Hơi thở quan trọng lắm! Nếu mình không thở được thì chuyện gì sẽ xảy ra các em nhỉ?

Bây giờ, chúng ta đặt một tay lên bụng và cảm nhận khi ta thở vào và thở ra thì bụng của ta như thế nào nhỉ?

[Khi thở vào thì bụng phồng lên, khi thở ra thì bụng xẹp xuống]

Chúng ta hãy cảm nhận nhịp điệu lên xuống của bụng trong vài phút im lặng nhé. Các em cảm thấy thế nào khi mình hoàn toàn chú ý đến hơi thở?

[Em cảm thấy bình an và lắng dịu hơn]

Sự thực tập chú ý đến hơi thở đã giúp thầy/cô vượt qua những giây phút khó khăn (bạn hãy đưa ra một ví dụ cụ thể, nếu được). Thở có ý thức, như cách chúng ta vừa thực tập, có

thể giúp ta làm lắng dịu những cảm xúc như buồn giận hay lo lắng. Hơi thở ý thức còn giúp ta tập trung hơn trong khi học và khi làm bài kiểm tra. Hễ khi nào ý thức về hơi thở, ta sẽ tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong giây phút ấy sâu sắc hơn. Nếu ta đang hạnh phúc, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Nếu ta đang đau khổ, hơi thở ý thức giúp ta lắng dịu và thấy rõ sự việc hơn.

Ý thức chiều dài hơi thở

Bây giờ chúng ta hãy để ý xem hơi thở vào của chúng ta kéo dài bao nhiêu giây và hơi thở ra kéo dài bao nhiêu giây. Chiều dài hơi thở của mỗi người sẽ khác nhau, tùy theo khả năng của lá phổi. Chúng ta để cho hơi thở được tự nhiên. Có thể hơi thở ra sẽ dài hơn hơi thở vào một chút. Chúng ta thở vào tự nhiên, và khi thở ra, ta đẩy hết không khí trong buồng phổi, đặc biệt là phần không khí dơ nằm ở dưới đáy buồng phổi, kéo dài hơi thở ra thêm một chút. Nhưng chú ý, đừng gò ép hơi thở. Khi thở, mình cảm thấy dễ chịu thì mới đúng. Các em cũng có thể kéo dài hơi thở vào thêm một chút, nếu thích. Các em cảm thấy thế nào khi hơi thở vào và hơi thở ra của mình dài hơn?

Chúng ta có thể đặt trước mặt các em một cái đồng hồ chỉ rõ kim giây, để các em có thể tính số giây hơi thở của mình. Đề nghị các em chia sẻ xem hơi thở của các em dài bao nhiêu giây. Các em có thể viết trên một mảnh giấy hoặc lên bảng để viết.

Đếm hơi thở khi nghe chuông

Bây giờ, chúng ta sẽ nghe một tiếng chuông và chú ý xem mình thở được bao nhiêu hơi thở trong vòng một tiếng chuông. Chúng ta bắt đầu đếm hơi thở ra khi tiếng chuông được thỉnh lên, khi không còn nghe tiếng ngân của chuông nữa thì các em hãy giơ tay lên. Chúng ta có thể nhắm mắt hoặc mở mắt. Nhưng nếu nhắm mắt thì các em sẽ dễ tập trung hơn.

Nhấp chuông và thỉnh một tiếng tròn đầy. Khi chuông hết ngân hoàn toàn, ta hỏi các em: Các em dùng ngón tay để nói cho cô biết là các em thở được bao nhiêu hơi trong tiếng chuông vừa rồi. Sẽ không có ai giống ai vì dung tích phổi của mỗi người khác nhau.

Bây giờ, chúng ta hãy xem mình có thể đếm hơi thở ra từ một đến mười không nhé. Thở vào, thở ra, đếm 1. Các em chỉ cần đếm hơi thở ra thôi.

Khi các em đã thực tập xong, ta có thể hỏi: _Các em cảm thấy dễ hay khó khi thở theo phương pháp đếm từ 1 tới 10? Các em có bị phân tâm hoặc bị quên con số mình đang đếm trong khi thở không? Nếu các em bị phân tâm hay quên con số thì cũng không sao, các em chỉ cần tiếp tục thở và đếm lại từ đầu. Chúng ta thực tập thêm một lần nữa nhé.

Thực tập nghe chuông với thi kệ

Đây là một bài kệ hay còn gọi là bài thơ để thực tập khi nghe chuông:

Thở vào, ta đọc thầm: Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Thở ra, ta đọc thầm: Tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương

Thầy/cô sẽ thỉnh lên một tiếng chuông, chúng ta cùng thở và đọc lớn bài kệ này nhé. Đọc lớn bài kệ sẽ giúp cho các em làm quen với việc tự đọc kệ trong khi thở vào, thở ra ba lần sau mỗi tiếng chuông.

Quê hương hay ngôi nhà đích thực của chúng ta là đâu? Trong mỗi chúng ta đều có một nơi luôn bình yên, tươi đẹp và an toàn. Nơi đó nằm trong tự thân của mỗi người và hơi thở chính là chiếc cầu đưa chúng ta về với nơi đó. Vì vậy, thực tập nghe chuông rất quan trọng. Khi nghe chuông, chúng ta có cơ hội tập thở và quay về với quê hương đích thực, với hải đảo tự thân để tiếp xúc với những gì bình an, trong sáng nơi mình. Các em cảm thấy mình về nhà, về với quê hương đích thực khi nào? Giây phút mà các em cảm thấy bình an, lắng dịu và sáng tỏ là khi nào? Ngoài tiếng chuông còn có những điều gì khác có thể giúp ta quay về với quê hương đích thực của mình?

Chúng ta có thể cho các em viết bài kệ nghe chuông trên giấy và trang trí bằng những hình ảnh mà các em nghĩ về quê hương đích thực hay ngôi nhà đích thực trong các em. Hoặc chúng ta chuẩn bị một tấm giấy khổ lớn đã có sẵn bài kệ, cho các em vẽ và trang trí ngôi nhà đích thực của mình lên đó. Treo hình vẽ hoặc tấm tranh lên một chỗ thích hợp để các em nhớ đến sự thực tập mỗi khi nghe chuông.

Học cách thỉnh chuông

Nếu trong nhóm có vài em đã biết cách thỉnh chuông thì mời các em đó chia sẻ cách thỉnh chuông và mời em làm mẫu cho các bạn khác. Yêu cầu cả nhóm ngồi thẳng và đẹp như một vị Bụt. Các em có thể ngồi trên ghế hay trên sàn nhà, ngồi trong tư thế hoa sen hay quỳ gối, nhưng luôn giữ lưng thẳng và toàn thân buông thư.

Ta chỉ nên thỉnh chuông khi tâm ta có đủ bình an và lắng dịu, bởi vì tiếng chuông có khả năng phản ánh được trạng thái của tâm. Khi ta có bình an và lắng dịu thì ta mới có thể giúp cho người khác cũng làm được như vậy. Chúng ta đọc một bài kệ trước khi thỉnh chuông. Thở vào, ta đọc thầm:

Ba nghiệp lắng thanh tịnh.

Ba nghiệp là thân, miệng và ý. Câu này nghĩa là chúng ta có sự tập trung trong giây phút hiện tại. Khi thở ra, ta đọc thầm:

Gửi lòng theo tiếng chuông.

Câu này nghĩa là ta gửi tình thương đến với mọi người, mọi loài trên thế giới. Hơi thở vào tiếp theo, ta đọc thầm:

Nguyện người nghe tỉnh thức.

Tỉnh thức tức là chánh niệm, là không còn sống trong quên lãng. Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt, giúp chúng ta quay về với giây phút hiện tại, quay về trong tỉnh thức. Hơi thở tiếp theo, ta đọc thầm:

Vượt thoát nẻo đau buồn.

Khi thỉnh chuông, nếu các em quên đọc kệ cũng không sao, nhưng cố gắng nhớ làm điều đó thì rất hay.

Chúng ta có thể dạy các em một bài kệ khác:

Thở vào, tâm tĩnh lặng.

Thở ra, miệng mỉm cười.

Nếu ta sử dụng bài kệ ngắn thì đọc hai lần. Nên cho các em thở vào, thở ra ít nhất là hai lần trước khi nâng chuông lên. Nếu có thời gian thì cho các em tự sáng tác bài kệ thỉnh chuông và nghe chuông để các em áp dụng dễ dàng hơn.

Vừa theo dõi hơi thở vừa đọc thầm bài kệ sẽ giúp cho thân và tâm chúng ta hợp nhất. Với sự chú tâm, chúng ta cầu chúc cho những ai nghe được tiếng chuông này có thể quay về với hơi thở và mỉm cười để thoát ra khỏi những buồn giận, khổ đau và lo lắng của họ. Thở vào, thở ra hai lần với bài kệ, các em có đủ phẩm chất để làm một vị thỉnh chuông giỏi, dù các em chỉ mới 6 hay 7 tuổi.

Chúng ta dùng từ thỉnh chuông chứ không dùng từ đánh chuông hay gõ chuông, vì ta tôn trọng chiếc chuông, ta biết là tiếng chuông có thể giúp ích cho rất nhiều người. Bây giờ, chúng ta chắp hai tay lại; thân và tâm hợp nhất, ta xá chuông để bày tỏ sự cung kính đối với chuông. Chúng ta đặt chuông trong lòng bàn tay duỗi thẳng, nâng tay lên ngang bình diện trái tim. Với tay còn lại, ta nhấc dùi chuông lên và nhấp chuông để báo cho mọi người biết là sắp có một tiếng chuông vang lên, để mọi người có thời gian dừng lại, chuẩn bị thân tâm để thưởng thức trọn vẹn tiếng chuông mà không bị bất ngờ. Sau khi nhấp chuông, ta thở vào, thở ra một lần trước khi thỉnh chuông. Tiếng chuông phải tròn đầy và rõ ràng. Nếu chúng ta lỡ thỉnh một tiếng chuông quá yếu thì ta nên thỉnh lại một tiếng chuông khác mạnh hơn. Chúng ta thưởng thức ba hơi thở vào, ra. Sau đó, đặt chuông xuống và xá.

Cho tất cả các em được lần lượt thỉnh chuông. Thông thường, các em rất thích thỉnh chuông và yên lặng thưởng thức hơi thở trong khi bạn khác thỉnh chuông. Chúng ta cần nhắc nhở các em nhớ nhấp chuông trước khi thỉnh vì các em thường hay quên nhấp chuông. Đôi khi các em lo lắng nên thỉnh chuông không đúng cách. Hãy nhẹ nhàng khuyến khích các em thỉnh lại một lần nữa. Chúng ta cũng có thể hỏi các em cảm thấy thế nào khi được thỉnh chuông. Chỉ cho các em biết là hơi thở của người lớn dài hơn của các em, vì vậy khi các em thỉnh chuông cho người lớn thì phải để thêm vài giây cho người lớn thở thong thả ba hơi.

Khi các em đã biết thỉnh chuông, chúng ta yêu cầu các em thỉnh chuông khi bắt đầu và kết thúc buổi sinh hoạt. Ta nhắc các em bình tâm và nhớ thở vào, thở ra hai lần trước khi thỉnh chuông. Khuyến khích các em nên có một cái chuông tại nhà. Mỗi khi không khí trong gia đình căng thẳng, bất hòa, giận hờn nhau, các em có thể thỉnh chuông để nhắc ba mẹ trở về với hơi thở. Nhiều em đã thực hành như vậy tại nhà.

Nhiều giáo viên đã áp dụng thành công phương pháp thỉnh chuông tại lớp học. Chúng ta có thể cho các em được thay phiên nhau thỉnh chuông giữa các tiết học hoặc những lúc không khí trong lớp không được bình an. Nếu không có chuông, chúng ta có thể sử dụng những phương tiện khác thay thế cho tiếng chuông. Có những lớp học, giáo viên cử một học sinh trong lớp cứ mỗi mười lăm phút thì đứng lên vỗ tay ba lần thay cho tiếng chuông để giáo viên và các bạn dừng lại nghỉ ngơi và theo dõi hơi thở. Ngoài ra, các học sinh trong lớp cũng có thể đề nghị dùng một âm thanh khác mà các em thích.

Lắng nghe tính bụt trong ta

Các em có biết là Bụt đã gọi chúng ta từ lâu lắm rồi không? Hôm nay, chúng ta sẽ xem thử là mình có nghe được tiếng Bụt gọi không nhé. Hãy cùng lắng nghe nào, Bụt đang gọi chúng ta đó!

Đọc lớn bài kệ thỉnh chuông và thỉnh một tiếng chuông. Các em có nghe thấy tiếng Bụt gọi không? Khi nghe tiếng chuông, chúng ta đang lắng nghe tiếng gọi của Bụt! Đó là lí do vì sao chúng ta dừng lại và bày tỏ lòng thành kính của mình đối với Bụt trong tiếng chuông ấy. Chúng ta dừng lại mọi hành động, nói năng và cả suy tư của mình để lắng nghe tiếng gọi của Bụt. Tiếng gọi ấy không phải là tiếng gọi của một vị Bụt cách chúng ta hàng ngàn năm về trước mà chính là vị Bụt trong tự thân mỗi chúng ta, là tự tính của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy mỉm cười khi lắng nghe tiếng Bụt gọi. Thở vào, ta nói với vị Bụt trong ta, lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Thở ra, tiếng chuông huyền diệu đưa về quê hương.

Đôi khi tiếng gọi của Bụt là tiếng chuông. Đôi khi đó là tiếng chim hót trong vườn, có khi là tiếng khóc của một em bé hay tiếng điện thoại reo. Tiếng gọi của Bụt còn biểu hiện trong nhiều âm thanh khác mang lại cho ta cảm giác bình an và hạnh phúc mỗi khi nghe thấy. Các em có thể nghĩ ra âm thanh nào khác mà Bụt trong các em có thể sử dụng để gọi các em trở về với bản chất tốt đẹp bên trong các em không?

Tiếng ba em gọi em; tiếng cười; tiếng đồng hồ báo thức; tiếng sấm chớp; tiếng gió lùa qua ngọn cây; tiếng gà gáy; tiếng suối chảy; tiếng máy bay bay ngang nhà em; tiếng còi xe; tiếng con mèo kêu meo meo…

Những âm thanh ấy cũng là tiếng gọi của Bụt, là âm thanh của sự tỉnh thức giúp ta trở về với sự bình an và lắng dịu bên trong mỗi chúng ta.

Các em đã nghe được những âm thanh nào trong ngày và các em cảm thấy như thế nào khi nghe những âm thanh ấy? Âm thanh nào có thể giúp em trở về hơi thở của mình? Các em có thể nghĩ ra được cách nào khác ngoài âm thanh mà Bụt có thể sử dụng để gọi ta trở về với chính mình không? Những gì các em nhìn thấy, ngửi, hay xúc chạm có thể nhắc các em trở về với tính Bụt trong các em không?

Cảnh hoàng hôn; tìm ra món đồ chơi bị thất lạc; một cơn bão; một đóa hoa; nấu bữa tối cho gia đình; con mèo cưng bò lên bắp đùi của em; con chó cưng của em vẫy vẫy cái đuôi; con thú nhồi bông yêu thích của em

Tại sao các em nghĩ là Bụt trong các em – tính Bụt trong các em – muốn các em chú ý đến?

Để nhắc nhở em sống vui vẻ hơn; để nhắc nhở em thương yêu những người xung quanh; để nhắc nhở em sống dễ thương hơn.

Dù các em đang ở đâu, thật tuyệt vời nếu các em có thể nhận ra tiếng gọi của Bụt qua những gì các em thấy, nghe và xúc chạm bằng các giác quan của mình.

Chuông chánh niệm ở trường học

Chia sẻ của E. D. Glauser, Georgia, Hoa Kỳ.

Tôi là một chuyên gia tư vấn học đường tại một thị trấn thuộc tiểu bang Georgia, khu vực được gọi là Vành đai Kinh Thánh (Bible Belt), nơi có dân cư theo đạo Cơ đốc rất sùng tín. Tôi đã đem chuông chánh niệm vào lớp học và thỉnh chuông cho mọi người tập thở. Tôi nhận thấy rằng, trong những năm học vừa qua, cả giáo viên và học sinh đều rất yêu thích tiếng chuông, do đó chất lượng dạy và học của trường được cải thiện nhiều. Tiếng chuông chánh niệm còn góp phần làm giàu có thêm cho nếp sinh hoạt của cộng đồng nơi đây.

Tôi biết mình đã đi đúng hướng khi một học sinh lớp Hai tự hào khoe đã dạy em trai 2 tuổi của mình cách thở chánh niệm và nhớ nghĩ đến tiếng chuông khi có xung khắc với bạn bè trong lớp. Lần đó, cậu em trai bị bạn đập vào mũi nhưng thay vì đánh trả lại thì em theo dõi hơi thở và nghĩ đến tiếng chuông. Lần khác, một em học sinh lớp Bốn tìm đến văn phòng của tôi, em nói rằng em đang giận. Em chỉ muốn thỉnh chuông để thở. Cách này đặc biệt hiệu quả đối với em. Em thỉnh ba tiếng chuông và thở vào, thở ra. Em nói: Em cảm ơn cô, em cảm thấy nhẹ hơn rồi. Sau đó, em đã có thể quay lại lớp để tiếp tục bài học của mình.

Vào những tuần cuối của năm học, tôi nhận thấy có nhiều biểu hiện cho thấy tiếng chuông đã làm thay đổi bầu không khí trong trường. Trường hợp đầu tiên là một giáo viên nhờ tôi tải tiếng chuông chánh niệm trên trang nhà của cộng đồng thực tập chánh niệm thuộc tiểu bang Washington D. C. (mindfulnessdc.org) để mở cho cả trường nghe, để học sinh có thể thực tập dừng lại, tập thở và khôi phục lại sự tươi mát của mình.

Một trường hợp khác, hôm đó có một phụ huynh đến văn phòng để chia sẻ những bức xúc của mình. Trong lúc không khí đang nóng lên, tôi đã mở tiếng chuông chánh niệm được cài đặt trong máy vi tính của tôi. Cả hai bên cùng tạm ngừng và theo dõi hơi thở, sau đó vị phụ huynh đã chia sẻ nỗi bức xúc của mình một cách cẩn trọng và lễ độ hơn.

Cuối cùng, ông hiệu trưởng, một giáo sĩ đạo Baptist miền Nam Hoa Kỳ, đã nhờ tôi tải tiếng chuông chánh niệm vào máy vi tính cho ông. Ông đã đem theo tiếng chuông chánh niệm vào những cuộc họp với giáo viên để mọi người có cơ hội thở trong chánh niệm. Ông cũng thường nhắc nhở tôi nhớ đến tiếng chuông chánh niệm và nhắc tôi trở về theo dõi hơi thở mỗi khi bị căng thẳng.

Thật vui khi chứng kiến tiếng chuông chánh niệm và hơi thở ý thức có khả năng biến đổi không khí của một trường công lập thành một môi trường chánh niệm và tôn trọng cho tất cả mọi người, ngay cả trong một thị trấn nhỏ thuộc khu Vành đai Kinh Thánh ở Georgia. Amen!

Thiền sỏi

Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa

Thở ra, tôi cảm thấy tươi mát.

Thở vào, tôi thấy tôi là một trái núi

Thở ra, tôi cảm thấy vững vàng.

Thở vào, tôi trở nên mặt nước tĩnh

Thở ra, tôi im lặng phản chiếu trời mây đồi núi.

Thở vào, tôi trở nên không gian bao la

Thở ra, tôi cảm thấy tự do thênh thang.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 01 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 02 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 03 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 04 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 05 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 06 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 07 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 08 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 09 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 10 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, chương 11 tại đây.

Đọc Trồng một nụ cười, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Sợ hãi | Chương 03

Sợ hãi | Chương 03

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Hiểu về trái tim | Chương 36

Hiểu về trái tim | Chương 36

Hiểu về trái tim giúp hiểu và chữa lành trái tim tâm hồn của mình để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương.

Gián điệp mạng | Chương 15

Gián điệp mạng | Chương 15

Gián điệp mạng kể về nhà khoa học chuyển nghề thành chuyên gia mạng truy tìm hacker tại Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley California Mỹ.

Bây giờ mới thấy | Chương 02

Bây giờ mới thấy | Chương 02

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Đạo Phật của tuổi trẻ | Chương 01

Đạo Phật của tuổi trẻ | Chương 01

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Hiệu lực cầu nguyện | Chương 01

Hiệu lực cầu nguyện | Chương 01

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist