Thích Nhất Hạnh | Đạo Phật của tuổi trẻ | Chương 04

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

 · 27 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Chúng ta thuộc về truyền thống đạo Bụt, chúng ta cũng có những phương pháp thực tập như tụng kinh, hộ niệm, niệm Bụt.

Tú Uyên

Vào thế kỷ thứ 15 ở Việt Nam có một anh chàng sinh viên tên là Tú Uyên. Chàng Tú Uyên rất đẹp trai, thông minh nhưng đời sống của anh ta rất cô đơn, không có hạnh phúc. Anh ta có những tập khí, những thói hư tật xấu nên không liên hệ được với ai kể cả những người thân nhất của anh ta. Một trong những tập khí ấy là không bao giờ biết lắng nghe cha mẹ; luôn cho mình là đúng. Cha mẹ của Tú Uyên không cảm thấy thoải mái với thái độ ấy của Tú Uyên nên họ thường có những phản ứng rất mạnh đối với con trai họ. Tú Uyên nghĩ rằng cha mẹ mình không thực sự thương mình. Thực ra cha mẹ của Tú Uyên đâu có muốn như thế, nhưng muốn nói chuyện với Tú Uyên không phải dễ. Tú Uyên thông minh, đẹp trai như vậy, nhưng không ai nói chuyện được với chàng ta.

Chàng ta không có khả năng lắng nghe, lại rất cứng đầu, luôn luôn nghĩ rằng cái gì mình làm, điều gì mình nói là đúng. Đã không biết lắng nghe, mà lời nói mỗi khi nói ra đều mang tính chất cộc cằn, phàn nàn và trách cứ, làm mất đi sự hòa khí và hạnh phúc trong gia đình. Trong khi đó thì Tú Uyên cứ nghĩ rằng trong gia đình không có ai thương mình cả, từ cha mẹ cho đến anh, chị, em. Ở trường học thì Tú Uyên cũng bị lâm vào tình trạng như vậy. Tú Uyên nghĩ là thầy và bạn học cũng không thương mình. Tú Uyên có rất nhiều bạn, nam cũng như nữ, họ rất dễ thương nhưng không ai làm bạn lâu bền được với anh ta, chỉ vài tháng sau là mọi người đều nghỉ chơi với anh ta chỉ vì chịu không nổi những tật xấu của Tú Uyên.

Tuy rằng Tú Uyên rất thông minh, học giỏi, đẹp trai, nhưng chàng thường bộc lộ những tật xấu như không biết lắng nghe và không biết nói những lời dễ thương, hòa nhã, luôn cho mình là số một, nên chẳng ai muốn nói chuyện hoặc kết bạn lâu được với Tú Uyên. Vì thế, càng ngày Tú Uyên càng trở thành một người rất cô đơn, lạc lõng. Vào đại học, Tú Uyên thuê một căn phòng nhỏ và vì không có bạn nên chàng sống thui thủi một mình. Anh ta cố gắng đọc sách, học bài nhưng vì chán nản nên học cũng không vô. Tuy nhiên chàng cứ nghĩ rằng nếu mình thi đậu thì vạn sự sẽ êm đẹp và sẽ không có ai khinh khi, ruồng bỏ mình nữa. Đó chỉ là ảo tưởng. Vì sự thật là có rất nhiều người có bằng cấp cao nhưng họ vẫn không có hạnh phúc. Nếu Tú Uyên có đậu tiến sĩ đi nữa, thì chàng vẫn không có hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực không thể tìm thấy nơi địa vị hay bằng cấp.

Ái tình làm cho mê mờ

Có một lần vì quá cô đơn nên Tú Uyên đi chùa với hy vọng có thể tìm được bạn mới. Anh tự hứa thầm rằng lần này nếu kết được bạn mới thì anh sẽ ráng hết sức sống cho dễ thương với bạn, sẽ không lập lại những tập khí cũ nữa. Anh ta đã học được bài học của quá khứ. Và anh ta cầu mong Trời, Phật chứng minh cho lòng thành của anh ta. Sáng hôm đó lẫn trong đoàn người hành hương, anh ta thấy có một cô thiếu nữ thật là xinh đẹp. Chỉ thoáng nhìn mà tự nhiên hình ảnh của cô thiếu nữ xinh đẹp kia in sâu vào tim của Tú Uyên và anh ta quên cả ý định đi vào chùa lễ Phật. Đây rõ ràng là ma đưa lối, quỷ dẫn đường… Anh ta đi theo đoàn người hành hương ấy để mong làm quen được với cô thiếu nữ xinh đẹp kia. Nhưng rủi thay, sáng hôm đó người ta đi chùa rất đông, đoàn người hành hương cũng đông đảo nên anh ta mất dấu cô thiếu nữ. Tú Uyên thất vọng, rồi lủi thủi trở về cư xá của mình.

Từ giây phút ấy, hình dáng của cô thiếu nữ xinh đẹp kia không rời khỏi tâm trí của Tú Uyên. Anh đã thầm yêu trộm nhớ cô gái ấy. Anh ta đã bị tiếng sét ái tình làm cho mê mờ. Anh không học hành gì được nữa, ngày đêm chỉ nghĩ cách tìm gặp cho được cô gái ấy. Tới đêm thứ ba trong khi nằm ngủ, anh mơ thấy một ông già râu tóc bạc phơ, ông lão nói với Tú Uyên rằng: Con thật sự muốn gặp cô gái đó hả? Vậy sáng mai thức dậy con hãy đi về chợ phía Đông thì con sẽ được gặp cô ta. Anh ta thức dậy và lúc đó chỉ mới có ba giờ sáng. Trời tối, nhưng anh ta không ngủ lại được nữa. Anh ngồi dậy uống trà và khi trời bắt đầu tờ mờ sáng thì anh đi tới chợ phía Đông. Lúc đó chợ chưa mở cửa. Tú Uyên cứ ngồi chờ. Tú Uyên chờ cho tới rạng sáng thì có một tiệm sách mở cửa. Tú Uyên ghé vào để mua một ít giấy về đóng tập vở học và mua thêm vài cây bút lông với mực tàu.

Ngày xưa việc thi cử rất cực nhọc và khó khăn. Đậu cao là Cử Nhân, đậu thấp là Tú Tài. Nếu đậu tú tài thì được gọi là ông Tú. Cậu thư sinh tên Tú Uyên đi vào tiệm sách với ý định mua bút và giấy. Nhưng trong khi tìm kiếm giấy bút, thì anh ta thấy trên tường có một bức tranh cô thiếu nữ rất xinh đẹp mà trông giống hệt như cô thiếu nữ mà anh đã gặp ở ngoài cổng chùa. Cũng hai con mắt đó, cũng nụ cười đó, cũng mặc bộ trang phục đó, anh ta không bỏ sót một chi tiết nào. Đúng là cô gái hôm kia rồi. Chắc là ông lão trong mộng đã báo cho mình đến đây để gặp nàng. Mừng quá, thay vì mua giấy, bút và mực như đã dự định, Tú Uyên đã dốc hết tiền để mua bức tranh đó đem về treo trong phòng của mình. Anh không có bạn, không biết chơi với ai cả thành ra bây giờ anh chơi với người trong tranh. Đó là niềm an ủi duy nhất cho anh ta. Có những người trong xã hội chúng ta rất cô đơn nên họ mua mèo hoặc chó về nuôi, mua những thức ăn sang trọng cho chúng ăn rồi vuốt ve, cưng chiều chúng hơn cả con người. Sở dĩ họ làm vậy là vì đời sống quá cô đơn, lạc lõng. Vả lại chơi với mèo, chó… dễ chịu hơn chơi với người. Nếu mình lỡ nói câu gì không dễ thương thì con mèo hay con chó không biết cãi lại. Trong xã hội chúng ta hiện có rất nhiều người như vậy, thật đáng thương. Họ chỉ muốn làm bạn với chó, với mèo thôi.

Giáng Kiều, người đẹp trong tranh

Kể từ hôm đó Tú Uyên lúc nào cũng nói chuyện với người trong tranh. Quý vị đã từng nghe một người nói chuyện với chính mình chưa? Có những người nói lẩm bẩm một mình suốt ngày. Tự mình hỏi rồi tự mình trả lời. Đó là vì họ cô đơn quá. Trong trường hợp này, Tú Uyên nói chuyện với cô gái trong tranh. Mỗi khi anh ta chuẩn bị thức ăn thì anh chuẩn bị cho hai người ăn. Giống như người ta cúng vậy. Người này có mặt nhưng không phải người thiệt, chỉ có mặt trong tranh thôi. Tú Uyên vốn là một người thư sinh, lại làm biếng nữa nên không biết nấu ăn, anh ta chỉ biết làm một thứ thôi là chế mì gói. Hàng ngày Tú Uyên chỉ ăn mì gói: mì gói bữa trưa, mì gói bữa chiều và mì gói bữa tối. Cha mẹ thì ở xa, nên ngày này qua ngày nọ anh ta đều ăn như vậy, ăn riết ngán luôn.

Một hôm anh ta bày ra hai cái chén với hai tô mì và anh mời cô gái trong tranh ăn chung. Anh vừa ăn vừa nói chuyện với cô gái trong tranh. Bỗng nhiên anh ta cảm thấy cô gái trong tranh đang nháy mắt với anh ta. Anh ta dụi mắt nhìn lên xem thử mình có bị hoa mắt không, nhưng cô gái vẫn còn đang ở trong tranh bất động. Anh thầm nghĩ: mình đang tỉnh hay đang mơ? Một lát sau nhìn lên, anh lại thấy cô ấy mỉm cười. Anh ta lại dụi mắt và thấy rất rõ là cô đang thật sự mỉm cười với anh ta. Anh ta nửa mừng nửa sợ, không biết thực hư như thế nào. Ngày hôm sau anh ta vẫn dọn ra hai tô mì gói và vẫn nói chuyện với người trong tranh như thường lệ trong khi ăn.

Nhưng hôm đó thấy ngày nào cũng ăn mì gói ngán quá, anh chỉ ăn được nửa tô, phân nửa còn lại anh nuốt không vô nữa. Tú Uyên bỏ đũa xuống rồi lại ngước lên ngắm bức tranh. Trong khi nhìn, anh kinh ngạc thấy cô gái trong tranh đang động đậy, rồi mầu nhiệm thay cô bước ra khỏi bức tranh. Cô gái trong tranh này đúng là người thiếu nữ xinh đẹp mà Tú Uyên đã trông thấy ngoài cổng chùa ngày trước. Tú Uyên mừng khôn xiết. Tự nhiên trời ban cho anh một người bạn bằng xương bằng thịt chứ không phải là hình vẽ trên bức tranh nữa. Đây là câu chuyện đã được ghi chép trong sách vở thuộc các truyện cổ Việt Nam. Đó là chuyện của Tú Uyên và Giáng Kiều.

Hạnh phúc không lâu

Sau khi bước ra khỏi bức tranh, Tú Uyên chào hỏi và cô ấy thưa với anh ta rằng tên của cô là Giáng Kiều. Chào hỏi xong, câu đầu tiên Giáng Kiều nói với Tú Uyên là: Trời ơi! Mì như vậy mà anh cũng ăn được từ ngày này qua ngày nọ, em đây phục anh quá. Thôi, anh hãy ngồi đợi đây, em xuống bếp làm cho anh một tô mì thơm ngon hơn trăm ngàn lần. Rồi trong nháy mắt cô đi mất. Ba phút sau cô trở lại với một cái giỏ gồm có đủ các loại rau: nào là rau tần ô, tía tô, quế, hành hoa, ngò… Cô gái giống như có phép lạ của một nàng tiên giáng trần, chỉ vài phút sau cô đưa lên hai tô mì với đầy đủ gia vị, nóng hổi, mùi thơm bốc lên nghi ngút. Tú Uyên sung sướng ngây ngất. Vừa có bạn mới xinh đẹp lại vừa có thức ăn ngon nữa. Ta có thể tưởng tượng anh chàng Tú Uyên hạnh phúc tới ngần nào.

Sau đó không lâu, Tú Uyên đã xin cưới Giáng Kiều làm vợ. Giáng Kiều chấp thuận. Hai người sống chung với nhau rất hạnh phúc. Giáng Kiều đã khích lệ anh ta học hành đàng hoàng. Thế nhưng niềm hạnh phúc của Tú Uyên đã kéo dài không được lâu. Như chúng ta đã biết, Tú Uyên vốn có tật xấu là không biết lắng nghe người khác và hễ có gì không vừa ý thì anh ta nổi giận đùng đùng, lời nói trở nên thô bạo. Và cơn giận của anh ta đã làm tan nát hết tình nghĩa. Anh ta lại có thói quen uống rượu. Mỗi khi uống rượu về thì anh ta muốn ôm hôn Giáng Kiều. Giáng Kiều đẩy anh ta ra vì cô không chịu nổi mùi rượu. Rồi anh ta nói những lời không dễ thương và thỉnh thoảng anh ta còn đánh Giáng Kiều nữa. Tuy thế, Giáng Kiều vẫn một lòng thương yêu Tú Uyên và hy vọng rằng một ngày kia anh ta sẽ sửa đổi. Nhưng Tú Uyên không thấy được điều đó.

Ba tháng sau vì chịu không nổi nên Giáng Kiều bỏ đi. Một buổi sáng thức dậy, Tú Uyên thấy trên bàn có một lá thư của Giáng Kiều để lại nói rằng: Em xin lỗi anh, em phải đi vì em không có khả năng sống hạnh phúc được với anh. Anh vốn tánh nào tật nấy, không chịu sửa đổi. Em đã bao phen kiên nhẫn cho anh cơ hội để chuyển hóa, nhưng anh đã làm cho em quá thất vọng. Em nghĩ rằng không ai có thể sống được lâu với anh. Sau khi đọc lá thơ của Giáng Kiều, Tú Uyên thấy trào dâng một niềm thất vọng. Anh ta tự trách rằng: Mình thật quá tệ, với một người dễ thương như nàng Giáng Kiều mà mình không sống chung được thì thử hỏi mình còn có thể sống chung hạnh phúc được với ai? Bây giờ cả Giáng Kiều cũng giận mình thì thử hỏi mình còn sống làm sao được? Trong niềm khổ đau, tuyệt vọng như thế, anh ta nghĩ đến chuyện tự tử. Anh ta kiếm một sợi dây thòng lọng để treo cổ.

Thưa quý vị, mỗi ngày ở nước Mỹ có biết bao nhiêu chàng thanh niên, nàng thiếu nữ tự tử và nghĩ đến chuyện tự tử. Thật đáng thương cho những người trẻ không có lối thoát, không nơi nương tựa. Họ rất cô đơn, mất hướng đi và không cảm thấy đang thuộc vào vị trí nào trong xã hội. Họ giận cha, giận mẹ, giận anh, chị, em, bạn bè của họ và họ chán ghét học đường, tôn giáo và xã hội của họ. Khi Tú Uyên sắp tròng sợi dây vào cổ thì chàng chợt nhớ tới một hôm nọ chàng ta cùng Giáng Kiều đi chùa lễ Phật và nghe pháp. Giáng Kiều là người con gái Phật tử thuần thành, rất ưa đi chùa vào những dịp cuối tuần và hay rủ Tú Uyên đi chùa với hy vọng Tú Uyên sẽ được nghe pháp, tu tập để sửa đổi tánh nết của mình. Tú Uyên đã nhiều lần viện cớ này cớ nọ để tránh đi chùa, nhưng có một lần, vì muốn chiều vợ và cũng thấy rằng nếu mình làm như thế hoài thì kỳ cục quá nên đã cố gắng nghe lời Giáng Kiều tới chùa lễ Phật, nghe giảng.

Đốt nén tâm hương

Hôm đó đề tài của bài thuyết pháp là tâm hương, tức là khi thắp nhang cúng Bụt thì phải thắp bằng hương của trái tim mình. Thầy trụ trì giảng rằng theo truyền thống văn hóa Đông Phương thì từ xưa đến nay mỗi nhà đều có bàn thờ tổ tiên. Mỗi buổi sáng khi đốt nhang dâng lên ông bà tổ tiên thì mình thiết lập một sự liên lạc giữa mình và tổ tiên. Bây giờ người ta liên lạc bằng điện thoại, điện thư (fax), email, chứ ngày xưa người ta đốt nhang để tạo sự cảm thông giữa con cháu và ông bà, tổ tiên. Thắp nhang thì phải thắp bằng cả tấm lòng. Đó gọi là tâm hương. Ngày nay với những kỹ thuật tối tân, người ta có thể truyền tin với nhau rất mau chóng, nhưng sự truyền thông giữa vợ chồng, con cái, bạn bè… với nhau vẫn bị bế tắc trầm trọng. Tại vì đôi bên không biết lắng nghe nhau và không biết sử dụng lời nói dịu dàng, hòa ái. Họ chỉ biết trách móc, than phiền và trừng phạt nhau chứ không biết lắng nghe nỗi khổ, niềm đau của nhau để hiểu, để thương và thông cảm. Thầy trụ trì biết được tâm trạng ấy nên hôm ấy thầy giảng về nghệ thuật thiết lập truyền thông.

Thầy dạy rằng khi mình muốn truyền thông, muốn cầu nguyện với Bụt, với ông bà, tổ tiên, thì mình dùng hương để thực hiện sự truyền thông. Cố nhiên loại hương mà thầy trụ trì nói đây là hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến. Sau khi nghe pháp xong, trên đường về nhà, Giáng Kiều biết chồng mình trong giờ nghe pháp đã ngủ gà ngủ gật nên nàng mới nói nửa đùa nửa thật: Anh ơi, em thấy anh có những thói hư tật xấu mà đã bao nhiêu năm rồi anh không chịu tu tập để sửa đổi. Có thể một ngày nào đó khi em chịu không nổi nữa thì em sẽ rời bỏ anh. Và khi em đi rồi, mà nếu anh muốn truyền thông với em thì anh cũng phải thực tập đốt hương như thầy trụ trì đã dạy. Anh nhớ kỹ đó nghen. Khi sắp tự tử thì Tú Uyên chợt nhớ lại câu nói đó và nghĩ rằng nếu mình mua một bó nhang về đốt thì có thể Giáng Kiều sẽ trở về với mình. Anh ta buông sợi dây thòng lọng, chạy ra chợ mua nhang về đốt. Vì nóng lòng muốn Giáng Kiều sớm trở về nên thay vì đốt một cây hương, anh ta đốt cả bó hương. Rồi anh ta ngồi đợi, đợi mãi. Mười lăm phút trôi qua, rồi nửa giờ, rồi một giờ, nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Giáng Kiều đâu cả. Anh ta thất vọng nghĩ rằng chuyện này không thể xảy ra được. Giáng Kiều đã gạt mình. Trong cơn tuyệt vọng, anh ta chợt nhớ lại lời thầy giảng về phương pháp đốt hương: đốt hương là phải đốt bằng tâm hương.

Tâm hương là gì: hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến. Những loại hương này mới thật sự là tâm hương. Là người con Phật, chúng ta đều nên biết năm loại tâm hương này. Mỗi lúc dâng hương cúng Bụt, thầy đều dâng bằng năm loại hương ấy. Khi Tú Uyên nhớ lại bài giảng về tâm hương thì Tú Uyên đã ngồi yên, lắng tâm và nhìn lại (quán chiếu) về quãng đời đã qua của mình, anh ta bắt đầu hé thấy về những tập khí và hành động thiếu trách nhiệm, thiếu trí tuệ của mình; anh ta nhận ra rằng mình đã đối xử tệ bạc với cha, với mẹ, với anh, chị, với thầy bạn và đặc biệt với Giáng Kiều. Tú Uyên thấy rõ mình chưa bao giờ thật sự biết lắng nghe và sử dụng lời nói dịu ngọt, hòa ái thì làm sao mình có tâm hương để dâng lên Bụt, dâng lên ông bà tổ tiên được. Giới Thứ Tư trong Năm Giới là sự thực tập ái ngữ và lắng nghe. Nếu mình không thực tập giới đó, thì làm sao mình có tâm hương được. Và Giới Thứ Năm là tiêu thụ có chánh niệm, nghĩa là không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không tự đầu độc mình bằng những chất liệu bạo động, thèm khát và hận thù…

Nếu mình không thực tập thì làm sao có tâm hương để đốt! Nhìn lại, Tú Uyên thấy được rằng mình đã gây ra bao lầm lỗi, đã gây khổ đau cho chính mình và cho những người thân của mình và tự nhiên anh khóc sướt mướt. Đó là những giọt nước mắt của sự hối hận, của ước muốn được làm mới (sám hối) trở lại. Tâm hồn của Tú Uyên trở nên dịu lại giống như những giọt nước cam lộ của Bồ Tát Quán Thế Âm rót vào trong tim. Tâm Tú Uyên trở nên lắng yên và anh ta phát lời nguyện rằng từ nay trở về sau anh sẽ tập lắng nghe sâu và sử dụng lời nói dịu dàng, hòa ái để có thể hòa giải được với cha, mẹ, anh, chị, em và bạn bè. Thực tập tới ngang đó thì Tú Uyên nghe tiếng gõ cửa. Tú Uyên chạy ra mở cửa thì thấy Giáng Kiều xuất hiện.

Nàng bước vào và nói: Anh giỏi quá, mới thực tập được nửa giờ mà đã có sự chuyển hóa lớn lao như vậy. Nếu anh tiếp tục thực tập chuyên cần và tham dự các khóa tu thì anh sẽ mang lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Và em sẽ cùng thực tập chung với anh. Từ đó Giáng Kiều cùng với Tú Uyên thực tập chung với nhau và đạt được nhiều tiến bộ. Hạnh phúc của hai người mỗi ngày mỗi tăng tiến. Giáng Kiều đã giúp Tú Uyên hòa giải với cha, mẹ, anh, chị, em và khôi phục lại tình bạn với những người bạn mà ngày xưa Tú Uyên đã đánh mất.

Giáng Kiều đâu?

Cách đây khoảng bốn năm trong khóa tu mùa Hè tại cốc Ngồi Yên, Xóm Thượng, Làng Mai, tôi ngồi ăn sáng với sư chú Pháp Cảnh. Hồi đó sư chú mới có mười bảy hoặc mười tám tuổi và sư chú là thị giả của tôi. Sáng hôm đó sau giờ ăn sáng, tôi phải đi Xóm Hạ để giảng pháp và thầy trò còn tới 20 phút trước khi đi nên tôi đã kể chuyện Tú Uyên và Giáng Kiều cho sư chú nghe. Các sư chú và sư cô trẻ phần đông là những người lớn lên ở Mỹ, không được học nhiều về văn hóa Việt Nam thành ra thỉnh thoảng tôi dạy cho các sư chú, sư cô trẻ về văn hóa Việt Nam để cho các sư chú, sư cô thấy được những cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam. Sau khi kể xong câu chuyện, tôi nhìn sư chú bằng con mắt chánh niệm và hỏi sư chú: Này con, con có biết con là Giáng Kiều của thầy không? Con đã từ trong bức tranh bước vào cuộc đời của thầy, con đã đem lại cho thầy rất nhiều hạnh phúc và thầy sẽ không bao giờ làm những điều dại dột để cho Giáng Kiều của thầy rời bỏ ra đi như Giáng Kiều của anh chàng Tú Uyên.

Tôi thấy sư chú rất cảm động và trả lời một cách ngây thơ rằng: Nhưng thưa thầy, con đâu có biết nấu mì gói hay hủ tiếu ngon như Giáng Kiều? Câu nói rất dễ thương. Tôi nói: Không, con không cần phải nấu mì gói hay hủ tiếu ngon như Giáng Kiều, con chỉ cần lái xe có chánh niệm, đưa thầy từ Xóm Thượng đến Xóm Hạ như con đã làm là thầy hạnh phúc lắm rồi. Tại vì con đã có các sư anh, sư chị khác nấu mì gói ngon như Giáng Kiều rồi. Tại Sơn Cốc, gần Xóm Mới chùa Làng Mai, tôi có một tấm hình Giáng Kiều. Không phải chỉ một Giáng Kiều mà là hàng trăm Giáng Kiều của tôi, hình màu đàng hoàng. Mỗi lần tôi thắp nhang, tôi tới trước tấm hình xá một cái rồi mới bắt đầu thiền định, bởi vì tôi không muốn bất cứ một Giáng Kiều nào của tôi bỏ đi cả.

Tất cả những đệ tử sống thường trú tại làng đều là Giáng Kiều của tôi hết. Và bây giờ tôi muốn hỏi tất cả quý vị rằng Giáng Kiều của quý vị đang ở đâu? Đang còn ở với quý vị hay là bỏ đi rồi? Quý vị đã đối xử với Giáng Kiều của quý vị như thế nào? Quý vị có biết lắng nghe Giáng Kiều của quý vị không? Quý vị có làm khổ Giáng Kiều của quý vị không? Quý vị có đánh đập, đầy đọa Giáng Kiều của quý vị không? Giáng Kiều của quý vị là ai? Có phải là mẹ, là cha, là vợ, là chồng, là con của quý vị không? Giáng Kiều đã bước từ trong tranh ra, quý vị đã đón tiếp, đối xử với Giáng Kiều như thế nào? Và quý vị đã gây ra những niềm đau, nỗi khổ cho Giáng Kiều của quý vị hay không? Đó là câu hỏi mà tôi muốn quý vị quán chiếu và trả lời bằng trái tim của mình. Giáng Kiều đã bỏ đi chưa? Và nếu đi rồi thì quý vị có biết đốt tâm hương để cho nàng trở lại hay không? Bởi vì tuy có giận hờn, trách móc nhưng tình thương vẫn còn sâu thẳm trong trái tim của Giáng Kiều. Nếu quý vị biết đốt lên nén tâm hương và thực tập giới thứ tư và thứ năm thì Giáng Kiều sẽ trở lại, quý vị sẽ phục hồi được mối quan hệ của quý vị với Giáng Kiều. Sự thực tập này không nằm ngoài sự thực tập năm giới.

Thiếu phụ Nam Xương và tri giác sai lầm

Chàng Trương đang sống với vợ rất hạnh phúc thì đất nước bị chiến tranh. Chàng phải lên đường ra trận. Khi đi thì vợ chàng đang mang thai. Ba năm sau, được giải ngũ, chàng về lại làng xưa. Gặp lại người vợ trẻ và đứa con bầu bĩnh chàng vô cùng hạnh phúc. Hai người mừng mừng tủi tủi. Sau đó người vợ đi ra chợ mua thức ăn về nấu cúng tổ tiên để mừng ngày chàng trở về bình an. Ở nhà, chàng Trương chơi với con. Nhưng khi chàng bảo con gọi chàng là bố thì đứa con ngúc ngắc đầu: Ông không phải bố tôi đâu. Bố tôi ban đêm mới tới. Bố tôi nói chuyện với mẹ tôi lâu lắm. Rồi mẹ tôi khóc. Khi mẹ tôi ngồi thì bố tôi cũng ngồi. Và khi mẹ tôi nằm xuống thì bố tôi cũng nằm xuống. Người chàng lạnh toát. Tim chàng bỗng chốc cứng lại như hóa đá. Ai mà ngờ được chuyện này. Tục ngữ có câu Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Lời nói của trẻ thơ thì còn gì mà nghi ngờ. Thế là bao nhiêu hạnh phúc tan biến. Chàng Trương nghi liền là mỗi đêm có một người đàn ông khác tới nhà trong lúc mình đi khỏi. Chàng Trương đau khổ vô cùng vì tin chắc rằng có một người đàn ông khác đã đi vào cuộc đời của vợ mình. Người vợ đã phản bội mình. Từ đó về sau chàng không nhìn vợ nữa, không nói chuyện với vợ nữa vì tin rằng đây là một người ngoại tình, phản bội. Vì vậy, khi dâng mâm cơm cúng lên bàn thờ thì chàng Trương trải chiếu ra, thắp hương khấn vái và khóc; khóc vì nghĩ mình đã bị phản bội. Rồi chàng lạy xuống bốn lạy.

Lạy xong, chàng cuốn chiếu lại, không cho phép vợ lạy vì chàng nghĩ rằng vợ mình là người đàn bà ngoại tình, không có tư cách để trình diện trước mặt ông bà. Người vợ rất là khổ đau và cảm thấy nhục nhã mà không hiểu tại sao. Hỏi gì chàng cũng không trả lời. Sau khi cúng xong, chàng Trương không ăn cơm. Chàng ta bỏ nhà đi vào xóm, ngồi suốt ngày trong quán rượu để muốn nhận chìm nỗi đau khổ của mình trong ly rượu tới 2, 3 giờ sáng mới về. Ngày nào cũng vậy, chàng ta bỏ nhà đi từ khi thức dậy và chỉ trở về nhà lúc 2, 3 giờ sáng, không thèm ăn cơm, nói chuyện với vợ, hay chơi với con. Vài ngày sau, người vợ chịu không nổi nữa nên đâm đầu xuống sông tự tử. Chàng Trương phải trở về nhà chăm sóc con. Cố nhiên đêm đầu tiên, khi chàng thắp đèn lên thì đứa bé chỉ lên tường reo to: Bố tôi đây, ông biết không, bố tôi mỗi đêm đều tới, mẹ tôi cứ khóc hoài và nói chuyện với bố tôi hoài. Mỗi khi mẹ tôi ngồi xuống thì bố tôi cũng ngồi xuống. Khi đó thì chàng Trương đã hiểu, đã biết mình sai lầm nhưng thiếu phụ Nam Xương đã chết.

Sự thực thì khi ở nhà, có một ngày kia đứa con về nhà khóc và hỏi thiếu phụ Nam Xương: Cha con đâu? Tại sao đứa nào cũng có cha mà con không có? Lúc đó sẵn bóng mình in trên vách, thiếu phụ Nam Xương chỉ vào bóng và bảo con: Cha con đó. Và mỗi đêm, thiếu phụ khóc vì nhớ chồng: Anh ơi, anh đi lâu quá, ở nhà làm sao em có thể một mình nuôi dạy con. Chỉ có vậy. Nhưng bi kịch đã xảy ra.

Quý vị nhìn xem có lần nào ta đã như chàng Trương chưa? Và chuyện chàng Trương không phải chỉ có ở thuở xa xưa mà chàng Trương, thiếu phụ Nam Xương đều đang có mặt ở đây. Chúng ta cũng vậy, chúng ta còn bị kẹt vào những tri giác sai lầm của chúng ta nhiều lắm và chúng ta cứ ôm lấy những mối nghi ngờ, những nỗi hờn giận không căn cứ để rồi ta thành nạn nhân của những tri giác sai lầm đó. Những tri giác, những giận hờn đều đưa tới sự bế tắc trong việc truyền thông và đều có thể tạo ra đau khổ nếu ta không biết cách thực tập để thoát ra khỏi tình trạng đó.

Đây là một vài bài pháp thoại cho thiếu nhi, cũng như cho những người trẻ. Nếu quý vị huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử có thể dạy các em những bài pháp thoại như thế thì các em sẽ biết đem Phật Pháp áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của các em.

Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 01 tại đây.

Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 02 tại đây.

Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 03 tại đây.

Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, chương 04 tại đây.

Đọc Đạo Phật của tuổi trẻ, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.