Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát (Chương 13)
Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.
· 54 phút đọc.
Bản tráng ca miền đầm lầy một cơn gió buổi sớm gợn nhẹ trên đầm lầy. Nó chầm chậm cuộn một màn sương ngang qua đầm lầy rộng lớn, di chuyển từ tốn đến độ gần như không nhận ra. Như bóng ma của một tảng băng trôi trắng toát, màn sương tiến về phía trước, cưỡi trên những hàng ngũ cây thông rụng lá hình chữ V và lướt qua những cánh đồng đầm lầy còn đẫm sương đêm. Một sự tĩnh mịch bao trùm từ chân trời này đến chân trời khác.
Từ phía đằng xa nơi đường chân trời, tiếng những chiếc chuông nhỏ bé leng keng nhẹ nhàng lan tỏa trong đất trời đang nghe ngóng. Rồi lại đến sự im lặng ngự trị. Giờ thì lại vang lên tiếng sủa văng vẳng của vài con chó săn, tiếp nối bằng những tiếng sủa đáp lời của một bầy chó khác. Sau đó là đến những tiếng tù và đi săn rành rọt như từ trên trời đáp xuống màn sương mù.
Hết tiếng tù và cao đến thấp, rồi lại im lặng, và cuối cùng là một đàn hỗn âm những tiếng rống inh tai, tiếng rung lách cách, tiếng kêu ọp ọp, và tiếng kêu lạ tưởng chừng làm náo động đầm lầy, nghe thì như gần bên tai nhưng lại không biết phát ra từ đâu. Cuối cùng thì một tia nắng mỏng cũng soi sáng một phi đoàn cầm điểu đang tiến tới. Chúng lướt trên làn sương bằng đôi cánh bất động, lượn một vòng cuối trên bầu trời, trước khi xoay vòng lảnh lót sa xuống bãi kiếm ăn. Một ngày mới lại bắt đầu trên đầm lầy của những con sếu.
Khái niệm thời gian nơi đây dường như đông đặc trong từng lớp nặng nề. Từ kỷ băng hà đến nay, cứ độ xuân về, đầm lầy lại bừng tỉnh trong tiếng kêu chói tai của đàn sếu. Trên nền một hồ nước cổ xưa, lớp than bùn cứ thế bồi tích viết nên lịch sử khu đầm lầy, còn những con sếu thì vẫn đứng trên chính những trang sử sũng nước ấy như tự ngàn xưa. Lớp than bùn này vốn là phần lưu cữu dồn nén của đám rong rêu từng làm nghẽn dòng chảy, của những cây thông rụng lá đổ rạp trên nền rêu, và của những con sếu từng kêu những tiếng như tù và thổi trên các ngọn thông từ khi kỷ Băng Hà chấm dứt. Chúng hòa quyện tạo nên một đoàn lữ hành vô tận của hàng ngàn thế hệ đã xây cầu nối đến tương lai bằng chính xương cốt của mình và tạo nên đầm lầy này – một vùng sống nơi các thế hệ sau này tiếp tục cư ngụ, sinh nở, và chết đi.
Và mục đích của công cuộc này là gì? Ngoài kia nơi đầm lầy, một con sếu vừa nuốt trộng một con ếch xấu số nào đó, sau đó lóng ngóng bật người lên không trung, rồi đập đôi cánh vĩ đại về phía ban mai. Tiếng kêu tù và xác quyết của nó vang vọng lại giữa những cây thông rụng lá. Nó dường như hiểu rõ mục đích nêu trên hơn cả.
Cũng như với nghệ thuật, khả năng cảm thụ thiên nhiên của chúng ta bắt đầu với cái đẹp. Từ cái đẹp hiển nhiên, khả năng ấy bắt đầu trải dài ra thành từng giai đoạn nối đuôi nhau đến tận những giá trị thẩm mỹ mà ngôn từ chưa nắm bát được. Những nét đẹp của loài sếu, theo ý tôi, có lẽ nằm ở tầng cao hơn này, vượt lên khỏi tầm với của ngôn ngữ.
Tuy nhiên, ta có thể nhận định rằng: sự trân trọng của chúng ta với loài sếu cũng lớn dần theo quá trình lần giở từng trang sử của đất trời tự nhiên.
Dòng dõi của chúng, theo như bây giờ ta đã biết, có gốc gác từ thế Thủy Tân xa xôi. Những thanh viên khác cùng chi họ cầm điểu với chúng từ lâu đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Khi lắng nghe tiếng kêu của chúng, ta đang không chỉ nghe tiếng một con chim tầm thường. Ta đang nghe tiếng kèn trumpet trong dàn hợp xướng của tiến hóa. Con sếu là biểu tượng cho quá khứ dữ dội của chúng ta, của những con sóng thời gian hàng thế kỷ vẫn ầm ào lan tỏa và khuấy động những mối dây quan hệ đời thường giữa chim chóc và con người.
Và chúng cứ thế sống: sự tồn tại của chúng – những con sếu – không bị bó buộc vào hiện tại, mà kéo dài nới rộng ra theo biên độ của thời gian tiến hóa. Cuộc hành hương về đầm lầy mỗi năm của chúng là tiếng tích tóc của chiếc đồng hồ địa chất. Chúng ban cho nơi chốn quê hương của chúng một phong vị kỳ thú. Giữa những tẳn mẳn vụn vặt thường ngày, một đầm sếu toát lên nét quý phái được chứng thực qua cái nhìn khảo cổ học và tạo hình qua cuộc chạy đua tư trong lịch sử xa xôi – một vẻ huy hoàng chỉ có thể bị bác bỏ bởi tiếng súng nổ. Có lẽ vẻ u sầu bao trùm lên một số đầm lầy đến từ việc những con sếu không còn về ngụ ở đó nữa. Giờ đây chúng đứng lặng thinh, chìm lấp dưới sóng nước lịch sử.
Phẩm chất đẹp này của loài sếu dường như đã được những người thợ săn và nhà cầm điểu học ở mọi lứa tuổi cảm nhận. Hoàng đế La Ma Frederick đã từng thả những con chim ưng đi săn cua minh đuổi theo loài sếu. Những con diều hâu của Hốt Tất Liệt cũng đã từng tung cánh truy sát những bóng sếu trên nền trời. Marco Polo kể với chúng ta: _Ngài ấy tận hưởng niềm sung sướng tột đỉnh từ việc đi săn với chim ưng và diều hâu.
Ở Changanor, vị Đại hãn có một cung điện bao quanh là một cánh đồng rộng lớn nơi có rất nhiều sếu. Ngài ấy ra lệnh cho kê cùng các thứ ngũ cốc khác phải được gieo trồng sao cho bầy sếu sẽ muốn ăn chúng._ Nhà điểu học Bengt Berg, trong một lần trông thấy một đàn sếu trên đồng cỏ Thụy Điển mênh mông, đã quyết định chọn chúng làm mục tiêu theo đuổi cả đời mình, ông theo dấu chúng đến châu Phi và khám phá ra nơi trú đông của chúng ở bên sông Nile Trắng. Ông nói về lần đầu tiên gặp gỡ một đàn sếu: Đó là một khung cảnh còn tuyệt vời hơn cả cảnh bầy chim roc khổng lồ bay lượn trong truyện cổ Nghìn lẻ một đêm. Khi sông băng trôi xuống từ phương Bắc, nghiền nát những quả đồi và nạo vét các thung lũng, một vài tảng băng mê phiêu lưu đã băng qua khu đồi Baraboo và trượt xuống hẻm núi nơi hạ nguồn sông Wisconsin. Lượng nước chảy ra từ tảng băng sau đó đã hình thành một hồ nước với chiều dài bằng nửa tiểu bang, tiếp giáp với những vách đá băng tuyết bao phủ về phía đông và được tiếp nước từ những dòng suối chảy xuống từ đỉnh núi băng tan. Đường viền của bờ hồ vẫn còn nhìn thấy được cho đến ngày nay, trong khi đáy hồ cũng chính là đáy của đầm lầy rộng lớn này.
Mực nước hồ tiếp tục dâng qua từng thế kỷ, và sau cùng thì tràn qua bờ đông về phía rặng núi Baraboo. Tại đó, nó đào một đường kênh mới cho con sông, và tự động thoát hết nước đi. Và những con sếu xuất hiện trên những vùng đầm phá còn lại, kêu vang những tiếng tù và báo hiệu rằng mùa đông chiến bại đã thoái lui, đồng thời triệu hồi đàn đàn lũ lũ các giống loài để bắt đầu công cuộc dựng xây đời sống chốn đầm lầy. Những đám rong rêu trôi nổi bắt đầu lấp đầy và bóp nghẽn những vũng nước nông. Những cây cỏ lách, cây thạch nam đầm lầy, cây thông lá rụng và cây vân sam lần lượt lấn sân vào vùng đầm lầy, dùng rễ tạo ra những ống mỏ neo hút sạch nước và biến đầm phá trước kia thành vũng bùn lầy. Tuy vũng đầm phá đã biến mất, những đàn sếu thì vẫn còn neo lại đó. Tại những cánh đồng rêu mọc lên thay thế những dòng nước cổ xưa, bầy sếu lại quay về mỗi mùa xuân để nhảy múa, kêu vang những tiếng tù và, và nuôi dưỡng bầy sếu con khẳng khiu màu nâu đỏ. Chúng không được gọi là chicks – chim con, mà được gọi là colts – ngựa non, và chính tôi cũng không lý giải được tại sao. Nhưng vào một buổi sáng tháng Sáu ngậm sương, nếu bạn ngắm nhìn chúng nhảy nhót nô đùa quanh vó chân những con ngựa cái trên cánh đồng của tổ tiên chúng, thì bạn sẽ hiểu tại sao.
Vào một năm nào đó cách đây khá lâu, một tay bẫy thú người Pháp đã đội da hươu và chèo ca – nô vào một trong những nhánh sông đầy rong rêu đan xen tạo nên khu đầm lầy rộng lớn. Bầy sếu đã lớn tiếng bỉ bai chê cười cố gắng để xâm nhập vào thành trì lầy lội mà vững chắc của chúng.
Một hai thế kỷ sau, những người Anh đến trong những cỗ xe kéo mui kín.
Họ chặt cây gỗ mọc trên những vùng băng tích kế bên khu đầm lầy, và bắt đầu trồng ngô và lúa kiều mạch. Tuy nhiên, khác với vị Đại hãn ở Changanor, họ không có ý định cho bầy sếu ăn. Tuy nhiên, những con sếu thì chẳng bao giờ bận tâm về ý định của các sông băng, các vị hoàng đế, hay những người đi khai khẩn đất hoang. Chúng cứ thế ăn những hạt ngũ cốc, và khi một người nông dân cáu bẳn nào đó không chịu thừa nhận quyền hưởng hoa lợi của chúng, thì chúng lại cất lên những hồi kèn cảnh báo rồi đập cánh bay qua đầm lầy để tiến đến một trang trại khác.
Thời đó còn chưa có cỏ linh lăng, và những trang trại bên đồi này sản xuất ra rất ít cỏ khô, đặc biệt là vào những năm ráo trời. Một mùa khô nọ, ai đó đã phóng hỏa đốt những đám cây thông rụng lá. Từ nền đất cháy này mọc lên những thân cỏ sậy, và sau khi người ta phát quang hết những cây lớn đã chết thì nơi này biến thành một cánh đồng sản xuất cỏ khô hữu dụng. Từ sau đó, cứ vào tháng Tám là những người nông dân lại đến cắt cỏ khô. Vào mùa đông, sau khi bầy sếu đã bay về phương Nam, họ chở những chiếc xe kéo trên nền đầm lầy đóng băng và kéo những đám cỏ khô về trang trại nằm trên đồi. Hàng năm, họ lại miệt mài đốt đồng chặt cây quanh khu đầm lầy, và chỉ sau hai thập kỷ ngắn ngủi thì các cánh đồng cỏ bắt đầu lấm tấm loang ra trên cả khu đầm lầy bao la.
Cứ mỗi tháng Tám khi những người làm cỏ khô đến dựng trại, ca hát uống rượu và chọc ghẹo bông đùa với nhau, những con sếu lại lên tiếng gọi bầy con lùi sâu hơn về phía bên kia pháo đài đầm lầy của chúng.
Những người làm cỏ khô gọi chúng là những con diệc đỏ, phần vì vào mùa đó trên bộ lông màu xám vỏ chiến hạm của bầy sếu sẽ ánh lên tông màu gỉ sắt. Sau khi các đám cỏ đã được chất thành đống và đầm lầy một lần nữa lại thuộc quyền sở hữu của chúng, bầy sếu quay trở lại và cất tiếng gọi những đàn chim di cư từ Canada. Sà xuống từ những đám mây tháng Mười, chúng đào bới những gốc rạ vừa cắt và lùng sục những bụi ngô cho đến khi băng giá báo hiệu đã đến lúc cho cuộc di cư vào mùa đông.
Quãng thời gian của các đồng cỏ khô này là thời kỳ những người chăn thả gia súc sống hòa hợp với thiên nhiên nơi đầm lầy. Người và thú, cây và đất cùng chung sống với nhau trong sự đồng thuận vì lợi ích chung cho tất cả. Đáng lẽ ra đầm lầy đã có thể tiếp tục sản sinh ra cỏ khô cùng gà gô đồng cỏ, hươu và chuột xạ hương, âm nhạc từ loài sếu cùng những trái nam việt quất.
Những lãnh chúa liếp quản sau này lại không hiểu điều đó. Họ không đếm xỉa gì đến đất đai, cây cối hay chim chóc trong khái niệm đồng thuận của mình. Phần cổ tức lời lãi từ một nền kinh tế cân bằng như vậy quá khiêm tốn so với họ. Họ đặt ra kế hoạch xây trang trại không chỉ xung quanh đầm lầy mà ngay trên đầm lầy, kéo theo đó là một đại dịch của căn bệnh nạo bùn và lấp đất. Đầm lầy bị các con kênh thoát nước nướng chả, và dần bị vùi lấp bởi những cánh đồng và trang trại mới xây.
Nhưng những đợi băng tuyết làm giảm năng suất mùa màng, và những kênh dẫn nước đắt đỏ chỉ góp phần làm tăng thêm món nợ sau vụ mùa thất bát. Những người nông dân rời đi. Những lớp than bùn khô cong lại, bén lửa, và nguồn năng lượng mặt trời tích tụ trong chúng từ thế Canh Tân tỏa ra bao trùm lên vùng đồng quê theo những bụm khói cay sè. Không ai lên tiếng than phiền vẻ lớp chất thải, mà chỉ chun mũi vì mùi than bùn xộc lên hăng nồng. Sau một mùa hè khô hạn, ngay cả những đợt tuyết mùa đông cũng không thể nào dập tắt những đám cháy âm ỉ trong đầm lầy. Chúng để lại những mảng rỗ loang lổ trên mặt đầm lầy mà sau đó sẽ biến thành những đồng cỏ. Những vết sẹo này ăn sâu xuống tận tầng cát trên nền cái hồ cũ, vốn được che phủ bởi than bùn trong hàng thế kỷ qua. Cỏ dại mọc túa lên trên nền tro tàn, và sau đó một năm thì đến lượt những bụi cây dương lá rung. Những con sếu trở nên tuyệt vọng, bóng dáng của chúng cứ mất hút dần cùng những mảng đầm lầy ngày càng thu hẹp. Với chúng, nhưng thanh âm từ chiếc máy xúc kia chẳng khác gì một bài điếu văn bi thảm. Những tay thầy pháp hô hào phát triển kinh tế chẳng biết gì về loài sếu, và cũng chẳng hơi đâu bận tâm. Với những ngài kỹ sư thì một loài chim liệu có nghĩa lý gì? Vả chăng một đầm lầy chưa hút cạn thì cũng đâu có giá trị sử dụng gì đâu? Trong khoảng một hai thập kỷ sau đó, cứ mỗi năm thì năng suất hoa màu lại thấp hơn, những đám cháy lan xuống sâu hơn, những đồng cỏ mở rộng hơn, và số lượng những con sếu trở nên ít ỏi hơn. Dường như chỉ có việc tái dẫn ngập đầm lầy mới có thể giữ cho than bùn không tiếp tục cháy.
Trong khi đó, những người nông dân trồng cây nam việt quất đã chặn các mương thoát nước, nhờ thế giúp cho một số nơi ngập nước trở lại và thu về được sản lượng tốt. Còn những chính trị gia ở nơi xa xôi nào đó thì vẫn kêu gào về đất đai khó trồng trọt, sản xuất quá độ, giảm thiểu thất nghiệp, và bảo tồn thiên nhiên. Các nhà kinh tế học và định hướng quy hoạch đến xem xét khu đầm lầy. Các giám định viên, kỹ thuật viên, cùng các thành viên của CCC (Civilian Conservation Corps, tạm dịch Nhóm Thường dân Bảo tồn thiên nhiên) lượn lờ xung quanh. Một đại dịch đối ngược lại bắt đầu khi người ta ra sức tái dẫn ngập đầm lầy. Chính phủ mua lại đất, tái định cư nông dân, và chặn toàn bộ các mương thoát nước. Dần dà các đầm lầy lại ướt át trở lại. Các vết sẹo rỗ từ những đám cháy trở thành ao hồ.
Những đám cỏ vẫn tiếp tục cháy, nhưng giờ đây chúng bị kiềm tỏa bởi các khu đất ướt.
Một khi toán CCC đã rời đi thì tình hình nhìn chung đã khả quan hơn cho bầy sếu, ngoại trừ những bụi cây dại rậm rạp vẫn tiếp tục mọc lan tràn trên khắp những vết cháy cũ, và mê lộ những con đường mới xây theo đường hướng bảo tồn của chính phủ. Và việc xây đường xây cầu thì đơn giản hơn nhiều việc ngồi nghĩ xem một quốc gia thực sự cần những gì.
Một đầm lầy không đường sá có vẻ như cũng vô dụng đối với một nhà bảo ẳ tồn của các cơ quan đặc trách với trùng trùng tên viết tắt, chẳng khác gì một đầm lầy chưa hút nước thì cũng vô dụng với những người ôm mộng xây dựng đế chế. Sự cô độc tịch mịch là nguồn tài nguyên thiên nhiên duy nhất có vẻ vẫn chưa bị ràng buộc bởi quy chế tên viết tắt, đáng tiếc thay chỉ được các nhà điểu học và bầy sếu trân trọng.
Lịch sử vẫn luôn là nghịch lý, cho dù là lịch sử của đầm lầy hay thị trường. Giá trị then chốt của các đầm lầy nằm ở sự hoang dã, và bầy sếu chính là hiện thân của giá trị ấy. Nhưng tất cả các nỗ lực để bảo tồn thiên nhiên hoang dã đều phản tác dụng, vì loài người chỉ có thể trân trọng sự hoang dã nếu ta nhìn và năm được nó, và khi ta đa nhìn và nắm đủ rồi thì cũng chẳng còn lại gì đáng là hoang dã để mà trân trọng nữa.
Một ngày nào đó, có lẽ giữa cơn lốc làm điều thiện nghĩa của chúng ta, ở cuối một diễn thế địa chất, con sếu cuối cùng sẽ thốt lên tiếng kêu từ biệt và cất cánh xoay vòng lên trời xanh từ phía đầm lầy. Ở trên những tầng mây sẽ là tiếng tù và đi săn, tiếng sủa văng vẳng của bầy chó săn, tiếng rung nhè nhẹ của những quả chuông bé xíu, và một sự im lặng không gì phá vỡ, chỉ họa hoằn khi ở một trảng cỏ xa xôi nào đó nơi Dải Ngân Hà.
Những hạt Miền Gió Cát Mỗi ngành nghề đều có một đàn nhỏ các bộ từ vựng chuyên môn, và cần một đồng cỏ để chăn thả chúng. Các nhà kinh tế học vì thế cần phải tìm nơi nào đó rộng lớn để nuôi dưỡng nhưng cụm từ phỉ báng như dưới mức tối thiểu cần thiết (submarginality), suy thoái (regression), và sự cứng nhắc về tổ chức (institutional rigidity). Trong phạm vi các hạt Miền Gió Cát, những ngôn từ chỉ trích vĩ mô này đã tìm thấy điều kiện thuận lợi, nơi chăn thả tự do, thậm chí còn được miễn dịch khỏi những lập luận phản biện vo ve xung quanh như loài ruồi muỗi.
Tương tự như vậy, các chuyên gia thổ nhưỡng cũng sẽ khó sống nếu không có sự hiện diện của các hạt Miền Gió Cát. Liệu có nơi nào sẽ dung chứa những cụm từ hoa mỹ của họ như đất potzon (podzol),tầng đất giãy (gley), hay kỵ khí (anaerobics)? Những nhà quy hoạch xã hội, trong các năm gần đây, cũng bắt đầu sử dụng các hạt Miền Gió Cát cho một mục đích khác, nhưng vẫn có nét tương đồng với các quý ngài kể trên. Vùng đất cát pha này với họ giống như một vùng trống nhạt nhòa với những hình thù kích thước vui mắt. Họ vẽ ra những tấm bản đồ chấm bi nơi mỗi chấm tượng trưng cho mười cái bồn tắm, hay năm chi hội phụ nữ, hay một cây số rưỡi đường rải nhựa, hay phần chia chác một con bò đực thuần chủng. Những tấm bản đồ đó sẽ trở nên thật đơn điệu nếu các chấm được vẽ một cách đồng đều.
Nhìn chung, các hạt Miền Gió Cát là những nơi nghèo.
Tuy nhiên, vào những năm 1930, khi những dự án phát triển nhảy vọt lần lượt phi nước kiệu qua thị trấn Big Flats, hô hào những người nông dân tái định cư đi nơi khác, những con người tưởng như ngu muội này lại không muốn dời đi, từ chối ngay cả miếng mồi nhử ba phần trăm tiền bán đất từ ngân hàng đất đai liên bang. Tôi tự hỏi vì sao điều này lại xảy ra, và cuối cùng để tìm ra câu trả lời thì chính tôi đã tự mua một trang trại trên miền đất gió cát này.
Đôi khi vào tháng Sáu, khi tôi nhìn thấy những khoản tiền lãi cổ tức trong những giọt sương đọng trên mỗi bông hoa mõm sói, tôi lại nghi ngờ về tính thực chất của cái gọi là đói nghèo của miền gió cát. Trên những mảnh đất trang trại với mục tiêu lợi nhuận, hoa mõm sói thậm chí còn không mọc nổi, huống gì có thể ngậm sương và ánh lên bảy sắc cầu vồng.
Nếu chúng có mọc chăng nữa, thì nhân viên quản lý cỏ dại, người có lẽ chưa từng nhìn thấy một bình minh đầy sương sớm, chắc chắn sẽ yêu cầu cắt bỏ chúng đi. Còn các nhà kinh tế học thì có nghe đến cây mõm sói bao giờ chưa? Có lẽ những người nông dân nọ có những lý do thâm căn cố đế, bắt rễ sâu trong lịch sử, để chọn ở lại thay vì dời đi khỏi các hạt Miền Gió Cát.
Cứ mỗi tháng Tư về lại gọi nhớ cho tôi lý do của họ, khi hoa bạch đầu ông nở trên mọi dải đất toàn sỏi cuội. Những cây bạch đầu ông vốn kiệm lời, nhưng tôi đồ rằng lý do chúng ưa thích vùng đất này đã có từ thời sông băng bắt đầu mang những hòn cuội tới đây. Chỉ có những dải đất đầy đá sỏi này mới đủ nghèo nàn để cho hoa bạch đầu ông tưng bừng nở rộ dưới ánh mặt trời chói chang tháng Tư. Và chứng nhẫn nhịn chịu đựng băng tuyết, mưa đá, và những cơn gió tê tái để đổi lấy đặc quyền được đứng ngạo nghễ ra hoa một mình.
Có những loại cây khác cũng không đòi hỏi thiên quyền gì từ trời đất, mà chỉ mong có không gian sinh trưởng. Cây tảo xuyết là một loài cây như thế, phủ một lớp voan trắng lên những ngọn đồi cằn cỗi nhất trước khi nhường chỗ cho những thảm hoa sói màu xanh tím. Cây tảo xuyết kiên quyết khước từ cuộc sống trong những điền trang màu mỡ, không chấp nhận cả những trang trại tươi tốt nhất với khu vườn đá và cây thu hải đường. Và còn cả cây liễu ngư mảnh khảnh với những đốm hoa xanh, nhỏ bé đến độ bạn thậm chí không nhìn thấy nó cho đến tận khi nó nằm ngay dưới gót giày bạn. Đã bao giờ có ai nhìn thấy một cây hoa liễu ngư ngoại trừ trên một vùng cồn cát khô cằn gió cháy chưa? Cuối cùng là loài cây cải báo xuân, thậm chí còn mảnh dẻ và nhỏ bé hơn cả cây liễu ngư. Tôi chưa từng gặp một nhà kinh tế học nào biết đến cây cải báo xuân; nhưng nếu là một học giả ngành kinh tế, tôi sẽ dành trọn thời gian suy nghĩ về kinh tế trong khi nằm dài trên bãi cát, mũi khẽ chạm vào những cánh hoa báo xuân tí hon.
Có những loài chim đặc biệt chỉ tìm thấy trong những hạt Miền Gió Cát, với những lý vừa dễ vừa khó đoán. Con chim sẻ nâu ở đó, hiển nhiên bởi vì nó phải lòng cây thông lùn, cũng như cách cây thông lùn đem lòng yêu miền đất cát. Những con sếu đồi cát cũng ở đây, dĩ nhiên vì chúng yêu sự cô độc, và quanh đây thì chẳng còn nơi nào đủ cô độc với chúng. Nhưng tại sao loài dẽ gà lại ưa làm tổ trong những vùng gió cát? Lựa chọn của chúng không dựa trên những lý do đời thường như thức ăn (giun đất sinh sống ở những vùng đất màu mỡ hơn). Sau nhiều năm nghiên cứu, giờ thì tôi nghĩ mình đã biết được lý do. Con chim dẽ gà trống, trong lúc mở màn điệu thiên điểu vũ của mình bằng những tiếng giao duyên pin pin, cũng giống như một quý bà chân ngắn đi cao gót vậy: sẽ rất bất lợi nếu nó phải nhảy múa trên nền đất tươi tốt rậm rì cây cỏ. Nhưng trên những dải cát nghèo nàn nhất của những cánh đồng khô cằn nhất trong các hạt Miền Gió Cát, ít nhất là trong tháng Tư, thì không hề có cây cối nào che phủ nền đất ngoại trừ thảm rêu, hoa cải báo xuân, cải dại lá đắng, cây chua me đất và hoa chân mèo – tất cả đều không phải là chướng ngại quá to lớn cho một con chim chân ngắn. Ở đồi cát này, chàng dẽ gà có thể thỏa sức vươn vai, khệnh khạng, uốn éo khoe lông cánh mà không sợ cản trở, thậm chí còn tạo tầm nhìn toàn diện cho khán giả (dù có thật hay tưởng tượng). Điều kiện nho nhỏ này, vốn chỉ có tầm quan trọng khoảng một tiếng một ngày, một tháng trong năm, có lẽ chỉ quan trọng với một trong hai giới, và chắc chắn là không liên đới gì đến tiêu chuẩn sống theo góc nhìn kinh tế, lại chính là lý do quyết định việc lựa chọn nơi ở của con chim dẽ gà.
Những nhà kinh tế học thì vẫn chưa cố gắng tái định cư những con dẽ gà.
Cuộc phiêu lưu Nguyên tử X vẫn luôn đánh dấu thời gian trên những gờ đá vôi kể từ khi các đại dương trong đại Cổ Sinh tràn lên phủ ngập đất liền. Đối với một nguyên tử ngủ vùi trong một tảng đá, thời gian dường như cũng đóng băng theo.
Giấc ngủ đó cuối cùng cũng chấm dứt khi rễ của một cây sồi trắng len lỏi vào một khe nứt trên tảng đá và bắt đầu sục sạo hút chất màu. Trong tích tắc, một thế kỷ trôi qua và hòn đá tiêu tán di, nguyên tử X được rễ cày hút tuột ra ngoài và bước vào thế giới sinh động của muôn loài. Nó giúp một bông hoa bừng nở, rồi hoa trở thành một hạt sồi, hạt sồi đó lại vỗ béo một con hươu, con hươu lại thành bữa ăn của một người thổ dân châu Mỹ, và toàn bộ chu kỳ này diễn ra chỉ trong vòng một năm.
Từ chỗ neo đậu bên trong xương cốt người thổ dân, nguyên tử X lại đồng hành cùng anh ta trong cuộc đuổi bắt và trốn chạy, khi sung túc hay đói kém, trong hy vọng cũng như tuyệt vọng. Nó cảm nhận những thay đổi này qua lực kéo đẩy đã có tự bao đời nay – những đợt triều lên triều xuống từ các chất hóa học. Khi người thổ dân rời khỏi thảo nguyên, nguyên tử X tạm thời phân rã dưới lòng đất, trước khi bắt một chuyến du hành thứ hai qua những huyết mạch của đất đai.
Lần này thì đến lượt bộ rễ của một cây cỏ lam hút ngược nó lên và ép nó vào một chiếc lá làm nên những đợt sóng xanh nhấp nhô trên thảo nguyên tháng Sáu, dự phần vào việc cóp nhặt ánh nắng mặt trời. Chiếc lá này cũng đảm nhận một chức vụ lạ lùng: hắt bóng phất phơ lên những quả trứng của con chim choi choi. Trong lúc đó, con choi choi hân hoan bay lượn phía trên, cất lên những tràng ca tụng một thứ gì đó hoàn hảo; có lẽ là những trái trứng, những cái bóng, hay có thể là những đóa trúc đào trông như những gợn mây hồng trên thảo nguyên.
Khi những con choi choi cất cánh bay về Argentina tránh rét, tất cả những cành cỏ làm vườn những cụm hoa hình đuôi sóc mới mọc lén vẫy chào. Khi con ngỗng đầu tiên bay tới từ phương Bắc và tất cả những lá cỏ lam rừng lên một màu đỏ rượu nho, một con chuột hươu đã thuận tay bứt chiếc lá có chứa nguyên tư X và chôn nó dưới cái ổ bên dưới lòng đất, như thể muốn giấu đi một chút thu muộn khỏi bàn tay cướp bóc của mùa đông băng giá. Nhưng một con cáo đã xơi tái con chuột, để lại cái ổ cho nấm mốc hoành hành, và nguyên tử X lại trở về nằm trong đất, rộng cẳng vô tư và không lo nghĩ.
Kế tiếp, nó cư ngụ bên trong một cây cỏ lúa mì răng lược, một con bò rừng, một cục phân bò, và rồi lại quay về với đất. Sau đó thì nó tá túc trong một cây rau trai, một con thỏ, rồi đến một con cú. Sau nữa thì đến một bụi cỏ may.
Mọi chu kỳ rồi cũng đến hồi kết. Chu kỳ này của X thì kết thúc với một đám cháy trên thảo nguyên, hóa kiếp cho những loài cây trên thảo nguyên trở thành khói, khí ga, và tro bụi. Các nguyên tử lân và bồ tạt (potash) nằm lại trong mớ tro tàn, nhưng các nguyên tử nitơ thì nhẹ bay đi theo cơn gió. Một người quan sát đến thời điểm này có lẽ đã dự đoán một cái kết sớm cho màn kịch sinh thái này, vì sau khi lửa làm bay hơi hết khí ni – tơ thì đất đai cầm như mất hết dinh dưỡng để nuôi dưỡng cây cối.
Nhưng thảo nguyên vẫn còn những chiêu bài ẩn giấu khác. Đám lửa có thể đã cắt xén bớt những thân cỏ, nhưng nó lại kích thích các loài thân thảo họ đậu sinh trưởng: cỏ ba lá thảo nguyên, cỏ ba lá bụi, đậu dại, đậu tằm, đậu bông tím, và cây đậu chàm – mỗi cây lại mang trong mình các loại vi khuẩn riêng ẩn chứa trong những nốt rễ. Mỗi nốt có vai trò bơm khí nitơ từ ngoài môi trường vào trong thân cây và sau đồ tỏa ra trong lòng đất.
Nhờ thế, lượng khí ni – tơ mà các ngân hàng tích lũy trên thảo nguyên nhận vào từ các cây họ đậu còn nhiều hơn là lượng khí chúng mất đi trong các đám cháy. Mặc dù đến cả con chuột hươu nhỏ bé nhất cũng biết về sự giàu có của thảo nguyên, nhưng lý do tại sao thảo nguyên lại giàu có như vậy lại là một câu hỏi hiếm thế hệ nào nghĩ tới.
Giữa mỗi chuyến phiêu lưu qua thế giới muôn loài, nguyên tử X lại nằm trong đất và chảy trôi từng chút một xuống chân đồi theo những cơn mưa. Những cây còn sống làm chậm dòng chảy bằng cách hấp thụ các nguyên tử trong nước; các cây đã chết thì giảm các nguyên tử vào trong thân xác đang rửa dần đi. Các loài thú ăn cây và trở thành vật chủ tạm thời cho các nguyên tử, mang chúng lên đồi hay xuống đồi (tùy theo chúng đại tiện hay nằm chết ở một nơi thấp hơn hay cao hơn chỗ chúng đã ăn cái cây). Không con vật nào ý thức rằng cao độ nơi chúng trút hơi thở cuối cùng lại quan trọng hơn cả cách chúng ra đi. Và khi một con cáo bắt được một con chuột vàng trên thảo nguyên, nó đã giúp chuyên chở nguyên tử X lên đồi về cái ở bên gờ một đỉnh dốc, nơi một con đại bàng sà xuống và quắp nó đi. Con cáo hấp hối cảm nhận cuộc đời mình sắp chấm dứt, nhưng nó không thể hình dung cái chết của nó lại là một khởi đầu mới trong cuộc viễn chinh của một nguyên tử.
Một người thổ dân cuối cùng lại thừa hưởng những chiếc lông của con đại bàng, trong một nghi lễ làm xoa dịu các vị thần Số Phận (mà anh ta vẫn nghĩ rằng luôn đặc biệt quan tâm đến các bộ lạc thổ dân). Anh ta không ngờ rằng bọn họ đang bận rộn gieo hạt xí ngầu vận mệnh, rằng chuột và người, đất đai và ca từ, cũng chỉ là những cách làm chậm lại dòng chảy đưa các nguyên tử về với biển khơi mà thôi.
Một năm nọ, trong khi đang nương náu trong một cây bông gòn bên bờ suối, nguyên tử X bị một con hải ly nuốt vào bụng, một con vật luôn kiếm ăn ở vị trí cao hơn chỗ nó chết. Con hải ly sau đó chết đói khi hồ nước của nó cạn khô trong một đợt băng giá khắc nghiệt. Nguyên tử X cùng cái xác của con vật xuôi theo dòng nước đứng lên khi băng tan, và cứ mỗi giờ thì nó lại giảm độ cao so với từ trước đến nay trong cả một thế kỷ. Nó mắc kẹt lại ở một khe rãnh trong một nhánh sông nước đọng, và rồi lại chu du qua dạ dày của một con tôm hùm đất, một con gấu trúc Mỹ, và rồi đến một người thổ dân nữa – người ru nó vào giấc ngủ cuối cùng trong một nấm đất bên bờ sông. Một mùa xuân nọ, một dòng nước băng tan uốn cong làm lở đất bên bờ, và chỉ vỏn vẹn một tuần sau đó thì nguyên tử X lại lần nữa nằm trong nhà tù từ thời sơ khởi của muôn loài: đại dương.
Một nguyên tử trong hệ sinh quyển có quá nhiều tự do để hiểu tự do là gì, trong khi một nguyên tử bị cầm tù trong đại dương thì đã quên đi khái niệm tự do. Cứ mỗi một nguyên tử bị cuốn trôi ra biển cả, thảo nguyên lại hút lên một hạt nguyên tử mới từ trong những hòn đá đang phong hóa.
Chân lý duy nhất tồn tại ở đây là những sinh vật trên đồng cỏ phải hút thật mạnh, sống thật nhanh, và chết cũng thật thường xuyên, phòng khi số lượng các nguyên tử mất đi vượt quá ngưỡng các nguyên tử đạt được.
Bản tính của rễ cây là len lỏi vào các kẽ hở ngóc ngách. Khi nguyên tử Y được phóng thích khỏi lớp đá mẹ, một loài vật mới đã xuất hiện và bắt đầu thiết lập tôn ti trật tự của riêng nó trên thảo nguyên. Một đàn bò đã cày xới lớp đất mặt của thảo nguyên, khiến cho Y bắt đầu một chuỗi những chuyến du hành thường niên qua các thân cây trong một giống cỏ mới mang tên lúa mì.
Thảo nguyên trước kia sống nhờ vào sự đa dạng các loài động thực vật, mỗi loài đều có chức năng riêng vì sự tổng hòa của các mối quan hệ cộng sinh hay tranh giành giữa chúng tạo nên sự bền vững tiếp nối cho thảo nguyên. Nhưng người nông dân trồng lúa mì lại là một kẻ kiến tạo theo hạng mục, và với anh ta thì chỉ có lúa mì và trâu bò mới được coi là hữu ích. Anh ta coi những con bồ câu xà quần thành từng đám mây trên ruộng lúa mì là vô dụng, và nhanh chóng xóa sổ chúng khỏi bầu trời. Sau đó, anh ta nhận thấy con rệp bắt đầu tiếp nối công việc mót trộm lúa của đám bồ câu, và nổi điên lên vì gặp trúng một thứ vô dụng quá nhỏ để giết. Anh ta đã không nhìn thấy lớp đất sét pha bị rửa trôi chất màu do trồng lúa mì quá độ, nằm phơi mình cằn cỗi vào mùa xuân dưới cơn mưa xối xả. Khi đất xói mòn và lũ rệp bọ cuối cùng cũng kết liễu việc trồng trọt lúa mì, nguyên tử Y và bè bạn của nó lúc đó đã trôi đi rất xa về phía lưu vực sông.
Khi đế chế lúa mì sụp đổ, người khai hoang học được một bài học từ thảo nguyên uyên thâm: anh ta tìm cách tăng khả năng sinh sản của bầy gia súc, thổi nitơ vào đất thông qua những cây cỏ linh lăng, và tìm dinh dưỡng ở những tầng đất bên dưới lớp đất sét pha bằng những thân ngô rễ đâm sâu.
Nhưng cũng như những vũ khí chống xói mòn khác, anh ta dùng cỏ linh lăng không chỉ để duy trì những thửa ruộng cũ, mà còn để tăng gia sản xuất trên các thửa ruộng mới mà rồi chính bản thân chúng cũng cần được duy trì.
Vì thế, bất chấp cố gắng của cỏ linh lăng, lớp đất sét pha màu mờ cứ ngày một mỏng dần đi. Các kỹ sư chống xói mòn cho xây đập nước và ruộng bậc thang để níu giữ nó. Kỹ sư quân sự thì lại cho đắp đê và đập nước bậc thang để xả nó ra khỏi các dòng sông. Tuy nhiên, các dòng sông lại không xả đất sét pha, mà lại bồi đắp cho lớp phủ dưới lòng sông thêm cao lên khiến cho giao thông nghẽn mạch. Vì thế, các kỹ sư lại cho xây các hồ chứa nước ngoại cỡ mang hình dáng cái hồ do hải ly xây, và nguyên tử Y lọt vào một trong các hồ này. Hành trình từ lòng đá đến lòng sông của nó hoàn tất sau một thế kỷ ngắn ngủi.
Khi chạm tới hồ nước, nguyên tử Y tiếp tục chu du qua cơ thể nhiều loài cây thủy sinh, cá, và thủy điểu. Nhưng các kỹ sư ngoài xây đập nước thì còn xây cả cống rãnh, và đó là nơi tích tụ những của nả trấn lột được từ các ngọn đồi và đại dương xa xôi. Những nguyên tử trước kia từng nuôi lớn cây bạch đầu ông để chúng trổ hoa vẫy chào những con choi choi trở về từ phương Nam, giờ đây nằm bất động, bối rối, vù bị cầm tù trong những vũng nước thải loang dầu nhầy nhụa.
Rễ cây vẫn sục sạo giữa những hòn đá. Mưa vẫn xối xả trên các cánh đồng. Chuột hươu vẫn cất giấu những món đồ lưu niệm gợi nhớ mùa thu muộn. Những ông già từng góp tay tiêu diệt loài bồ câu giờ đây ngồi hồi tưởng về thời huy hoàng của những cánh chim tung bay rợp trời. Lũ bò đen và trắng vẫn đi ra đi vào các trang trại sơn đỏ, như những cuốc xe miễn phí cho các nguyên tử tạm trú.
Một tượng đài cho chim bồ câu[5] Chúng ta đã xây một đài tưởng niệm để tưởng nhớ về sự cáo chung của một giống loài. Nó biểu tượng cho nỗi đau của chúng ta. Chúng ta sầu muộn bởi vì kể từ nay sẽ không có ai được nhìn thấy cảnh những phi đội bồ câu ngạo nghễ xếp thành hình chữ V, bay lượn dẹp đường cho mùa xuân nhón gót trên nền trời tháng Ba, xua đuổi mùa đông chiến bại ra khỏi các khu rừng và thảo nguyên Wisconsin.
Vẫn còn những người lưu giữ ký ức về bầy bồ câu thời trai trẻ. Những cái cây vẫn lưu giữ ký ức về những cơn lốc lông cánh ào qua rung lay cành lá. Nhưng sau một thập kỷ nữa thôi, có lẽ chỉ những cây sồi đại thụ là còn nhớ, và cuối cùng thì ký ức về loài bồ câu sẽ nằm lại với những ngọn đồi câm lặng.
Những con bồ câu vẫn sẽ luôn tồn tại trong sách vở và bảo tàng, nhưng chúng chỉ là những hình ảnh và mô hình, hoàn toàn không gợi chút niềm vui sướng hay đau khổ. Những con bồ câu trong sách không thể lao xuống từ một đám mây khiến cho bầy hươu hoảng loạn tìm chỗ trú, hay vỗ cánh tạo ra những tiếng sấm động rền vang trong những thảm rừng trải đầy trái sồi. Những con bồ câu bằng giấy không thể nào nhấm nháp những ruộng lúa mì mới gặt ở Minnesota cho bữa sáng, rồi sau đó ăn tối bằng trái việt quất ở Canada. Chúng sẽ chẳng biết về cái gọi là tiếng gọi hối thúc của các mùa; chúng không cảm nhận những nụ hôn của mặt trời, những nhát cắt của gió lạnh và thời tiết. Sự tồn tại bất tử của chúng kỳ thực là sống mà cũng như chết.
Cha ông chúng ta không đủ ăn, đủ mặc, và có nhà cửa tiện nghi như chúng ta. Những cố gắng của họ để có một cuộc sống tốt hơn cũng chính là thứ đã cướp đi những con bồ câu trong thời chúng ta. Có lẽ giờ đây ta ca thán sầu muộn vì sâu thẳm trong tim chúng ta không chắc chắn rằng chúng ta đã thực sự đạt được gì từ việc đánh đổi trong quá khứ. Những máy móc công nghiệp mang đến cho chúng ta sự thoải mái nhiều hơn là những con bồ câu, nhưng liệu chúng có điểm xuyết được thêm gì vào vẻ đẹp rực rỡ của mùa xuân? Đã một thế kỷ trôi qua kể từ khi Darwin vén màn bí mật về nguồn gốc muôn loài. Chúng ta giờ đây đã biết những điều mà nhùng thế hệ đi trước không hề hay biết: con người chỉ là những người bạn đồng hành cùng các loài vật khác trong chuyến phiêu lưu tiến hóa. Nhận thức mới này đáng lẽ giờ này đã phải khiến chúng ta có một tình anh em khăng khít với các sinh vật khác, một mong ước được sống và cùng sống, một tâm thế ngưỡng mộ trước sự đường bệ và chiều dài tiến hóa của cả cộng đồng sinh thể.
Và trên hết, một thế kỷ đã trôi qua, chúng ta đáng lẽ đã phải nhận ra, rằng mặc dù con người giờ đây đã trở thành thuyền trưởng lèo lái con tàu phiêu lưu này nhưng chúng ta không phải là hành khách duy nhất, và những lầm tưởng về vị thế của chúng ta đều bắt nguồn từ sự mông lung ngu muội.
Và tôi nhấn mạnh rằng chúng ta đáng lẽ đã phải nhận ra điều này, vì tôi sợ rằng nhiều người trong chúng ta vẫn còn chưa tỉnh ngộ.
Ý nghĩ rằng một giống loài có thể khóc than cho cái chết của một giống loài khác dường như vẫn còn quá mới mẻ. Khi cầm lao đâm chết con voi ma mút cuối cùng, người tối cổ ở Cro – Magnon lúc đó chỉ nghĩ đến món bít – tết. Gã thợ săn bắn chết con bồ câu cuối cùng chỉ nghĩ đến quyền uy của bản thân. Người thủy thủ dùng dùi cui quật chết con chim anca cuối cùng có lẽ cũng không mảy may suy nghĩ gì đến nó. Nhưng thế hệ đi sau chúng ta, những người đã vĩnh viễn đánh mất những con bồ câu, thì lại xót thương trước mất mát này. Nếu tình thế đảo ngược, tôi đồ rằng những con bồ câu sẽ chẳng thêm nhỏ một giọt lệ nào cho chúng ta. Và chính điều này, chứ không phải là phát kiến ra nylon của Ngài DuPont hay những quả bom của Ngài Vannevar Bush, mới là bằng chứng cho thấy chúng ta là giống loài thượng đẳng hơn các con vật khác.
Neo đậu cheo leo trên vách đá như một con chim bồ cắt, đài tưởng niệm này nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng, quan sát vạn vật hết ngày này qua năm khác. Cứ mỗi tháng Ba, nó sẽ lại ngắm những con ngỗng bay ngang, báo hiệu rằng những dòng sông chảy qua vùng lãnh nguyên sẽ trở nên trong hơn, lạnh hơn, và cô liêu hơn. Cứ mỗi tháng Tư, nó sẽ nhìn thấy những cây hoa tử kinh nở rộ lên rồi nhanh chóng tàn phai, và mỗi khi tháng Năm về thì nó sẽ chứng kiến những biển hoa sồi bạt ngàn phủ khắp các ngọn đồi. Những con vịt Carolina sẽ sục sạo tìm kiếm những thân gỗ rỗng trong những rừng cây gỗ đoạn, còn những con chim chích bông sẽ làm rung những rặng liễu ven sông đến độ những hạt phấn vàng rơi lả tả. Loài diệc bạch sẽ trú ngụ trong những đầm lầy vào tháng Tám; những con choi choi sẽ huýt sáo trên trời tháng Chín. Những hạt cây mại châu sẽ rơi xuống thảm lá mùa thu tháng Mười, và mưa tuyết sẽ lây rây trong những cánh rừng tháng Mười một. Nhưng không một con bồ câu nào sẽ bay qua cả, vì chúng không còn tồn tại nữa, ngoại trừ con cuối cùng không biết bay được tạc bằng đồng trên mỏm đá này. Khách du lịch sẽ đọc những lời khắc trên đó, nhưng trong những suy nghĩ của họ sẽ chẳng có sự mảy may rung động nào.
Những nhà đạo đức trong ngành kinh tế sẽ nói rằng chúng ta đang sống trong quá khứ khi bày tỏ niềm thương xót những con bồ câu, rằng nếu những người săn bồ câu không tận diệt chúng thì cuối cùng những người nông dân cũng sẽ làm điều đó để tự vệ.
Đây là một trong những thực tế lạ kỳ, nhưng không phải vì lý do được gán ghép ở trên.
Loài bồ câu giống như một cơn bão sinh học. Nó giống như tia chóp qua lại giữa hai nguồn năng lượng đối nghịch với cường độ mãnh liệt tiềm ẩn: dinh dưỡng trong đất đai và oxy trong không khí. Hàng năm, cơn lốc lông vũ này lại xoáy cuộn lên xuống, càn quét qua các châu lục, ngốn ngấu những hoa trái của rừng già và thảo nguyên, và hút cạn mọi thứ trong cơn xoay vần tìm kiếm sự sinh tồn. Giống như bất kỳ phản ứng chuỗi nào, con bồ câu không thể sống sót nổi nếu cường độ cuồng nhiệt của nó bị giảm bớt. Khi những người săn bồ câu tỉa dần số lượng của chúng, và những người khai hoang thì khoét xén bớt nguồn nhiên liệu để chúng tiếp tục sống, ngọn lửa mà chúng mang theo dần dà leo lét đi, thậm chí không để lại một đốm nhỏ hay một bụm khói sặc.
Ngày nay, những tán sồi vẫn giương cao cành lá lên trời xanh, nhưng cơn bão lông vũ xưa kia đã không còn càn quét. Những con giun và mọt giờ đây phải thực hiện trọng trách sinh học của cơn bão bồ câu rền vang sấm động xưa kia một cách im lặng và chậm rãi.
Điều đáng kinh ngạc không phải là việc những con bồ câu đã biến mát, mà là việc chúng đã sống sót qua từng ấy thế kỷ trước thời đại của tầng lớp Trung lưu.
Loài bồ câu yêu mến vùng đất này: chúng sống nhờ vào ham muốn mãnh liệt được nếm những chùm nho chín mọng và trái dẻ gai căng nứt, cũng như sự chối ghét của nó với những dặm bay đường trường và sự chuyển mùa. Bất cứ thứ gì mà Wisconsin không thể ban tặng cho nó hôm nay, ngày mai nó sẽ tìm được ở Michigan, hay Labrador hoặc Tennessee.
Tình yêu của nó dành cho những thứ thời trân sẵn có (và chúng luôn sẵn có ở nơi nào đó). Và để tìm được những thức ấy, con bồ câu chỉ đòi hỏi một khung trời tự do và ý chí đập cánh bay không biết mỏi.
Để yêu một thứ đã qua là cái gì đó còn mới mẻ với đa số chúng ta và cả những con bồ câu. Để nhìn nhận lịch sử nước Mỹ, để nghĩ về số phận như cái gì đang thành hình, để ngửi mùi gỗ cây mại châu qua những khoảng lặng của thời gian – tất cả những việc này đều khả dĩ, và chỉ đòi hỏi chúng ta có một bầu trời tự do và ý chí tung cánh vẫy vùng. Chính những điều kỳ diệu này mới là bằng chứng cho thế thượng đẳng của chúng ta so với muôn loài, chứ không phải những trái bom của Ngài Bush hay mớ bịch nylon của Ngài DuPont.
Sông Flambeau Những người chưa từng chèo ca – nô trên một con sông dữ, hay mới chỉ chèo trên sông cùng với một người hướng dẫn, sẽ nhanh nhảu cho rằng giá trị của hành trình đó nằm ở sự mới lạ, thêm vào đó là bài tập thể dục có ích.
Tôi cũng từng suy nghĩ như vậy, cho đến khi tôi gặp hai cậu sinh viên trên sông Flambeau.
Sau khi rửa xong bát đĩa, chúng tôi ngồi bên bờ sông ngắm nhìn một con vịt lặn ngụp trong mớ cây thủy sinh ở bờ xa bên kia. Một con hươu gần đó bổng ngẩng đầu và dỏng tai nghe ngóng, trước khi bổ nhào đi tìm nơi ẩn nấp.
Quanh khúc cua sông, chúng tôi nhìn thấy lý do đằng sau sự hoàng hốt của nó: hai cậu trai trẻ trên một chiếc ca – nô. Nhác trông thấy chúng tôi, họ tạt ca – nô vào bờ hỏi han và giết thời giờ.
Bây giờ là mấy giờ rồi? là câu hỏi đầu tiên của họ. Họ giải thích rằng đồng hồ đeo tay của họ đã hết pin, và lần đầu tiên trong đời họ không có đồng hồ, còi báo hiệu, hay radio để theo dõi giờ giấc. Trong suốt hai ngày, họ đã sống theo khung giờ mặt trời và lấy làm hoan hỉ hết sức về điều đó. Chẳng có kẻ hầu người hạ nào phục dịch họ: họ tự tìm bữa ăn từ con sông, hay bỏ bữa nếu không tìm được gì. Chẳng có cảnh sát giao thông thổi còi chỉ đường cho họ lèo lái tránh những tảng đá ngầm dưới con nước xiết. Không có mái nhà ấm êm nào giữ họ khô ráo khi họ tính toán nhầm rằng có nên dựng trại ở bãi sông này hay không. Không có hướng dẫn viên nào chỉ cho họ cách phân biệt giữa chỗ cắm trại nơi họ có thể đánh một giấc ngon lành qua đêm và nơi nào có bầy muỗi sẽ làm họ bứt rứt khổ sở, hay loại gỗ nào sẽ cháy ngon lành thành tro và loại gỗ nào sẽ chỉ nhả khói khét lẹt.
Trước khi những nhà thám hiểm trẻ của chúng ta du hành tiếp xuống hạ nguồn, họ kể với chúng tôi rằng cả hai sẽ gia nhập Quân đội sau chuyến đi này. Giờ thì ý đồ của họ đã rõ ràng. Đầy là chuyến đi đầu tiên và cuối cùng để họ nếm trải hương vị tự do, một chặng chuyển giữa hai trung đoàn: trường học và trại lính. Vì lẽ đó, họ cảm thấy phấn khích trước thiên nhiên hoang sơ và bình dị, không chỉ bởi nó mang đến điều gì đó mới lạ mà còn vì nó cho họ sự tự do để có thể thoải mái phạm sai lầm. Thiên nhiên hoang dã cho họ nếm trải lần đầu tiên những phần thưởng cũng như hình phạt cho mọi hành động dù thông minh hay xuẩn ngốc, một quá trình rất đỗi đời thường với bất cứ người đi rừng nào nhưng lại bị xã hội văn minh ra sức ngăn sông cấm chợ. Theo nghĩa ấy, thì những cậu trai này đang phải tự lực cánh sinh.
Có lẽ mọi người trẻ thỉnh thoảng cần một chuyến đi như vậy vào trong hoang dã, để học được ý nghĩa của sự tự do đặc biệt này.
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe cha tôi ví von rằng tất cả các điểm cắm trại, chỗ câu cá, và các khu rừng chỉ tốt gần bằng sông Flambeau mà thôi.
Khi cuối cùng tôi cũng đẩy chiếc ca – nô của mình xuống con sông huyền thoại này, thì sự hoang sơ của nó đã dần chạm đến hồi kết, mặc dù nó vẫn giữ được phong vị của một dòng sông thông thường. Những căn nhà gỗ ngoại ô, các khu nghỉ dưỡng, và những cây cầu nối đường cao tốc đã cắt xẻ dòng chảy hoang sơ trước kia thành từng nhánh ngày một ngắn hơn.
Xuôi thuyền xuống sông Flambeau cũng giống như ai đó đang thoăn thoắt chuyển cảnh trong đầu bạn: khi đầu óc bạn vừa mới bước vào ảo giác rằng bạn đang thực sự ở trong một miền hoang dã thì ngay lập tức bạn sẽ nhìn thấy một cầu tàu, nối tiếp bằng những khóm mẫu đơn trong khu vườn của một căn nhà ngoại ô nào đó.
Khi đã chèo qua khỏi khu vườn mẫu đơn, một con hươu nhún chân phóng tới bên bờ sông lại giúp chúng ta phục hồi lại cảm giác hoang sơ, và sau đoạn thác ghềnh kế tiếp thì ta đã hoàn thành một trải nghiệm thiên nhiên đúng nghĩa. Thế nhưng, bên kia bờ của vùng nước trũng bên dưới ngọn thác lại là một nhà cabin bằng gỗ nhân tạo với mái từ chất liệu tổng hợp, gắn kèm theo biển quảng cáo Bide – A – Wee và đường đi dạo với giàn dây leo thô kệch.
Paul Bunyan là một người đàn ông quá bận rộn để suy nghĩ về hậu thế.
Nhưng nếu được hỏi ông sẽ chọn giữ nơi nào để hậu thế sau này có thể cảm nhận phong cảnh những cánh rừng phương Bắc, thì chắc hẳn ông ấy sẽ chọn khu rừng quanh sông Flambeau, một nơi mà những trảng rừng thông trắng chia sẻ từng héc – ta đất với cây thích ngọt, cây bu lô vùng, và cây độc cạn. Sự hòa trộn này giữa cây thông và cây gỗ cứng cho đến nay vẫn là chuyện hiếm gặp. Vốn sinh trưởng trên loại đất giàu dinh dưỡng chỉ dành cho cây gỗ cứng, những cây thông Flambeau đạt đến kích cỡ khổng lồ và có giá trị đến mức chúng bị khai thác từ rất sớm (một phần vì vị trí của chúng nằm ngay bên một dòng sông chở gỗ). Ta có thể thấy điều này qua tình trạng mục rữa từ lâu của các gốc cây còn lại. Chỉ những cây thông khiếm khuyết là sống sót, nhưng chỉ nội những cây này thôi cũng đủ để xuyên thủng đường chân trời Flambeau như những đài tưởng niệm xanh cho một thời đã qua.
Việc cắt xỏ cây gỗ cứng rất lâu sau đó mới diễn ra: công ty khai thác gỗ cứng cuối cùng giải thể đường ray chở gỗ cuối cùng vào khoảng mười năm về trước. Tất cả những gì còn lại của công ty này là một văn phòng đại diện trong một thị trấn hoang phế, cố gắng trong tuyệt vọng để bán đất đai ủy thác lại cho những người khai hoang còn ít nhiều hy vọng. Đó cũng là lời cáo chung trong một thời đại của lịch sử nước Mỹ: thời đại của cắt xẻ rồi cuốn gói.
Như một con sói đồng cỏ lục lọi trong đống rác để lại sau khi đoàn người cắm trại đã dời đi, nền kinh tế hậu – đốn – gỗ của Flambeau tiếp tục sống nhờ vào việc ăn mày dĩ vãng. Những kẻ cắt gỗ làm giấy mang danh Gypo rình mò sục sạo quanh những khu đốn gỗ để mót lượm một vài cây độc cần nhỏ còn sót lại. Một toán thợ cưa di động nạo vét lòng sông để tìm những thân gỗ cho không, phần lớn đã chìm xuống đáy nước trong thời hoàng kim khi ngành xẻ gỗ còn đang phi nước dại. Hàng đống những xác gỗ lấm lem bùn đất này được kéo lên bờ ở những khu vực cắt gỗ trước kia – tất cả đều còn nguyên vẹn, và đặc biệt có giá trị là nhưng thân cây thông vì giống thông đó gần như đã tuyệt chủng trong các cánh rừng phía bắc.
Những người cắt cây làm cột đỡ tiếp tục cắt tỉa những thân cây tuyết tùng trắng mọc trong đầm lầy, và bầy hươu thì theo gót họ để ăn chực chồi non trên những cây bị đốn hạ. Vạn vật đều tiếp tục sống dựa vào những gì còn sót lại.
Những chuyên lượm mót này được thực hiện rốt ráo đến độ khi những người xây nhà gỗ hiện nay muốn đóng một căn cabin, họ phải dùng các phiến gỗ giả – thông cưa ở Idaho hay Oregon, và sau đó được kéo về Wisconsin trên tàu chở hàng hóa. So với câu chuyện nực cười này thì chuyện đi buôn than ở Newcastle vẫn chưa thấm tháp vào đâu.
Dù vậy, dòng sông vẫn còn đó, một vài chỗ vẫn giữ nét nguyên sơ kể từ thời của Paul Bunyan. Khi bình minh dâng lên, trước khi những chiếc xuồng máy tỉnh giấc, ta vẫn có thổ nghe tiếng hát của dòng sông, vẫn còn đâu đó những khoảng rừng cây gỗ chưa bị đốn hạ, may mắn nằm dưới sự bảo trợ của bang. Ở đó, ta vẫn tìm thấy một số lượng đáng kể các sinh vật hoang dã còn sót lại: cá chó, cá vược và cá tầm bơi lội dưới sông; vịt cát, vịt đen và vịt Carolina đẻ trứng trong đầm lầy; chim ó biển, chim đại bàng và chim quạ bay lượn trên không. Bầy hươu thì có mặt ở khắp nơi, có phần hơi quá lố: tôi đếm được 52 trong vòng hai ngày trên sông. Một vài con sói vẫn rong ruổi ở thượng nguồn sông Flambeau, và có một người bẫy thú quả quyết rằng anh ta đã nhìn thấy một con chồn thông châu Mỹ, mặc dù từ năm 1900 thì đã không còn bộ lông chồn thông nào được xuất đi từ vùng Flambeau nữa rồi.
Sử dụng những vùng hoang dã còn sót lại này làm hạt nhân, vào năm 1943, Bộ Bảo tồn của Bang (State Conservation Department) bắt đầu cải tạo một khúc sông kéo dài hơn 80 cây số thành một khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, nhằm phục vụ giới trẻ ở Wisconsin. Khu bảo tồn này bao gồm một mạng lưới rừng quốc gia, nơi việc khai thác bị cấm ở khu vực bờ sông và chỉ một số ít đường sá được xây dựng. Chậm rãi và kiên nhẫn, Bộ Bảo tồn đôi khi chi rất nhiều tiền bạc để mua lại đất, di dời các căn nhà gỗ, chặn bớt những tuyến đường không cần thiết, và nhìn chung cố gắng quay kim đồng hồ ngược trở về thời kỳ thiên nhiên hoang sơ trước kia càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Chất đất màu mỡ từng góp sức cho vùng Flambeau sản sinh ra những thân gỗ thông trắng thượng hạng cho Paul Bunyan, thì trong những thập kỷ gần đây cũng giúp hạt Rusk gây dựng một nền công nghiệp bơ sữa. Vì muốn có giá điện rẻ hơn so với giá của các công ty địa phương, những người nông dân ở đây đã họp lại thành một hợp tác xã năng lượng REA.
Vào năm 1947, họ đã trình đơn đề xuất việc xây một đập thủy điện, mà nếu được phê duyệt sẽ ăn bớt vào phần sông trong khu bảo tồn đáng ra sẽ được tái tạo lại thành nơi cho du khách chèo ca – nô.
Một cuộc chiến chính trị gay gắt nổ ra sau đó. Cơ quan lập pháp của bang, vốn e dè trước sức ép của nông dân nhưng hoàn toàn mù tịt trước các giá trị của thiên nhiên, không chỉ phê chuẩn kế hoạch xây đập của REA, mà còn tước quyền lên tiếng của Hội Bảo tồn kể từ nay về sau trong vấn đề xây dựng và phân bổ nguồn năng lượng. Có vẻ như vùng dành cho việc chèo ca – nô trên sông Flambeau, cũng như mọi con sông hoang sơ còn lại của bang, cuối cùng cũng sẽ bị tận dụng triệt để cho việc sản xuất năng lượng.
Có lẽ con cháu chúng ta, những thế hệ chưa từng nhìn thấy một con sông tự nhiên, sẽ không bận tâm lắm đến việc mất đi cơ hội được chèo canô trên dòng nước.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.
Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.