Aldo Leopold | Niên lịch miền gió cát (Chương 22)

Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.

 · 52 phút đọc.

Niên Lịch Miền Gió Cát như một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học. Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin.

Khi Odysseus tựa như thánh nhân trở về sau cuộc chiến thành Troy, ông cho treo cổ hết một tá tỳ nữ mà ông nghi ngờ đã có hành động bất kính trong lúc ông vắng mặt.

Việc ra lệnh treo cổ này không liên quan đến phải trái. Những tỳ nữ đó là tài sản sở hữu. Việc vứt bỏ tài sản, thời đó và bây giờ, đều là vấn đề thiết thực chứ không phải vấn đề đạo đức.

Tuy vậy, các chuẩn mực đúng sai không hề vắng bóng trong đất nước Hy Lạp của Odysseus: hãy cứ nhìn sự thủy chung của vợ ông ấy trong suốt những năm dài đằng đẵng trước khi những chiến thuyền buồm đen của ông vượt sóng gió trên mặt biển màu rượu chát để cập bến bờ quê hương.

Khung xương đạo đức thời ấy bao gồm đức hạnh người vợ, nhưng lại chưa bao gồm cách thức sở hữu đất đai của con người. Trong ba nghìn năm sau đó, những tiêu chuẩn đạo đức đã mở rộng ra tới nhiều mảng khác nhau trong cuộc sống, nhưng thường sẽ thiếu hụt teo tóp đi trong những mảng bị sự tiện ích vụ lợi chi phối.

Trình tự đạo đức Sự tiếp nối phát triển của đạo đức này, mới chỉ được các triết gia nghiên cứu, thực chất là một quá trình tiến hóa sinh thái. Các bước tiến lần lượt của nó có thể được lý giải bằng cả ngôn ngữ sinh thái học và triết học.

Đạo đức, hiểu theo nghĩa sinh thái, là một giới hạn đặt lên quyền tự do hành động trong cuộc mưu sinh. Đạo đức, hiểu theo nghĩa triết học, là sự khác biệt giữa một hành vi nhân đạo và vô đạo. Đây là hai định nghĩa cho cùng một khái niệm. Nó có nguồn gốc từ xu thế của một nhóm các cá thể phụ thuộc lẫn nhau, cùng nhau tiến hóa các hình thức phối hợp. Nhà sinh thái học gọi đây là cộng sinh. Chính trị và kinh tế là những hình thức cộng sinh cao cấp, nơi việc đấu tranh cá lớn nuốt cá bé buổi ban đầu phần nào nhường chỗ cho những cách thức kết hợp dựa trên nguyên tắc đạo đức.

Sự phức tạp của các cách thức phối hợp tăng lên cùng mật độ dân số và sự tiện dụng của công cụ. Ví dụ, sẽ dễ dàng hơn để ta định nghĩa công năng vô đạo của gậy gộc và sỏi đá trong thời voi ma mút hơn là công năng vô đạo của súng và bảng hiệu trong thời đại của ô – tô cơ giới.

Hình thái đạo đức đầu tiên xoay quanh quan hệ giữa người với người, với ví dụ điển hình là Mười điều răn của Chúa. Sau này, hệ quy chiếu đạo đức phát triển lên mức quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Nguyên tắc Vàng (The Golden Rule) cố gắng để hòa nhập cá nhân vào xã hội, còn dân chủ thì để hòa nhập thể chế xã hội vào trong từng cá nhân.

Cho đến giờ, ta vẫn chưa có nguyên tắc đạo đức nào để phân định mối quan hệ giữa con người với đất đai, cũng như với các loài muông thú cỏ cây sinh trưởng trên đó. Đất, như những nữ nô lệ của Odysseus, vẫn chỉ là tài sản. Mối quan hệ của chúng ta với đất vẫn nặng tính kinh tế, bao hàm các đặc quyền chứ không phải trách nhiệm ràng buộc.

Việc mở rộng vấn đề đạo đức đến nguyên tố thứ ba trong môi trường sống của loài người, nếu tôi diễn giải chính xác, là một khả thể trong tiến hóa và một điều cần thiết với sinh thái. Nó là bước thứ ba trong một chuỗi trình tự. Hai bước đầu tiên đã được thực hiện rồi. Những nhà tư tưởng độc lập kể từ thời Ezekiel và Isaiah đã phát biểu rằng việc chiếm đoạt đất đai không những không thiết thực mà còn sai trái nữa. Tuy nhiên, xã hội nhìn chung vẫn chưa công nhận ý nghĩ này của họ. Còn tôi thì vẫn coi cuộc vận động ngày nay cho bảo tồn được phôi thai từ nhận định như trên.

Đạo đức có thể được xem như một mô hình hướng dẫn cách tiếp cận các hiện trạng sinh thái mới mẻ hay phức tạp, hoặc chậm rãi trong cách nó phản ứng. Ta cũng nên nhớ rằng con đường đến với sự thiết thực trong xã hội thường không dễ mở ra cho những người bình dân. Trong trường hợp ấy, bản năng loài vật lại sẽ là mô hình định hướng cho mỗi cá nhân. Còn đạo đức có lẽ là một dạng bản năng cộng đồng vẫn đang trong quá trình nhào nặn.

Khái niệm Cộng đồng Tất cả các nguyên tắc đạo đức cho đến nay đều phát triển dựa trên một tiền đề duy nhất: rằng mỗi cá nhân là một phần trong một cộng đồng tương hỗ. Bản năng kích thích mọi người tranh giành vị trí trong cộng đồng đó, nhưng đạo đức giúp người đó có thể cộng tác (có lẽ để cùng người khác đấu tranh cho một vị trí nào đó).

Vì thế, đạo đức về đất đai đơn thuần chỉ nới rộng đường biên của cộng đồng để bao hàm trong đó thổ nhưỡng, nguồn nước, cây cối, muông thú – tất cả được gọi chung là vùng đất.

Điều này nghe thì có vẻ dễ dàng: chẳng phải chúng ta đã đang ngợi ca tình yêu và trách nhiệm của mình với nước Mỹ của những con người tự do và hào hùng rồi đó sao? Đúng là thế, nhưng tình yêu của chúng ta dành cho ai và cái gì? Hẳn không phải là đất đai, vì chúng ta đang xoáy cho đất trôi tan tác về hạ nguồn. Hẳn không phải là nước, thứ mà chúng ta cho là chỉ để quay tua – bin, làm nổi xà lan, hay xả thải. Hẳn không phải là cỏ cây, những cộng đồng mà chúng ta đã thẳng tay tiêu diệt. Hẳn không phải là muông thú, vì chúng ta đã làm tuyệt giống rất nhiều những loài thú to lớn đẹp đẽ nhất. Đạo đức đất đai tất nhiên không thể ngăn chặn việc biến đổi, quản lý, hay sử dụng các nguồn lực này, nhưng nó giúp đảm bảo quyền được tiếp tục tồn tại, và có thể là chính sự sống còn của chúng trong môi trường tự nhiên.

Nói chung, đạo đức đất đai biến loài người từ kẻ khuất phục các cộng đồng trong một vùng đất thành một thành viên không hơn không kém của vùng đất đó. Nó ngầm thể hiện sự tôn trọng mà con người dành cho các thành viên khác và cho chính cộng đồng của mình.

Trong lịch sử loài người, chúng ta đã học (hay chí ít tôi mong như thế) rằng kẻ xâm lăng rốt cuộc sẽ tự đào hố chôn mình. Tại sao ư? Vì vai trò của một kẻ thống trị khi đương quyền đòi hỏi hắn phải hiểu biết về cách vận hành của cộng đồng, nắm bắt được ai hoặc cái gì có giá trị hay vô giá trị trong đời sống cộng đồng đó. Rốt cuộc thì hắn chẳng biết điều gì trong hai điều đó, và đế chế của hắn sẽ tự diệt vong.

Trong quần xã sinh vật cũng tồn tại một tình huống tương tự. Ông tổ Abraham biết chính xác mình sẽ dùng đất đai để thu hoạch hoa thơm trái ngọt. Hiện nay, mức độ xác tín trong suy nghĩ này tỷ lệ nghịch với trình độ nhận thức của chúng ta.

Một công dân thông thường ngày nay cho rằng khoa học biết chính xác cách vận hành của một cộng đồng, trong khi chính các nhà khoa học lại chắc chắn điều ngược lại. Họ biết rằng cơ chế của quần xã sinh vật phức tạp đến độ chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết về các cách nó vận hành.

Một diễn giải lịch sử theo hướng sinh thái học cho thấy con người thực ra chỉ là một thành viên trong một quần xã sinh vật mà thôi. Rất nhiều sự kiện lịch sử vốn từ trước đến nay chỉ được giải thích thông qua hành động của con người thực ra lại là những tương tác giữa đất và người trong quần xã ấy. Đặc tính của đất đai cũng chi phối hoàn cảnh thực tại nhiều như đặc tính của nhóm người sống trên vùng đất đó.

Ta hãy xem xét ví dụ về quá trình định cư ở thung lũng Mississippi.

Trong những năm ngay sau Cách mạng Mỹ (American Revolution), có ba nhóm người tranh giành quyền kiểm soát nơi này: người thổ dân châu Mỹ, các thương gia Anh và Pháp, và những người Mỹ đi khai hoang. Các sử gia băn khoăn về việc điều gì sẽ xảy ra nếu lúc đó người Anh ở Detroit đã tiếp thêm sức cho phe thổ dân châu Mỹ để đẩy cán cân tranh chấp bấp bênh này, mà hệ quả của nó ảnh hưởng trực tiếp lên cuộc di cư của thực dân da trắng sau này vào Kentucky và thiết lập vùng trồng mía. Giờ là lúc chúng ta xem xét thông tin rằng sau khi những người khai hoang bắt đầu can thiệp vào vùng trồng mía bằng cách nuôi bò, cày xới đất, đốt đồng, và đốn cây, nơi này trở thành nhà cho loài cỏ lá sả. Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu loài cỏ tiếp quản vùng đất xáo trộn này lại là một loài cây bụi hay cỏ dại vô dụng? Liệu Boone và Kenton có trụ lại được nơi này? Liệu sau đó sẽ có những dòng người di cư tràn sang Ohio, Indiana, Illinois, và Missouri? Liệu sau đó Hoa Kỳ có mua lại vùng cấu địa Louisiana? Liệu sẽ có liên minh các tiểu bang mới trên khắp châu lục? Liệu cuộc Nội Chiến có nổ ra? Kentucky chỉ là một câu thoại trong vở kịch của lịch sử. Chúng ta vẫn thường nghe về những gì các diễn viên trong vở kịch này cố gắng thực hiện, nhưng hiếm khi nào chúng ta nghe ai nói rằng thành công hay thất bại của họ phụ thuộc phần lớn vào cách đất đai phản ứng lại với cố gắng chiếm đóng của họ. Trong trường hợp của Kentucky, chúng ta còn không biết loài cỏ lá sả này đến từ đâu, và liệu nó là một giống cây bản địa hay là một kẻ nhảy tàu từ châu Âu.

Ta hãy đặt vùng trồng mía này đối trọng với khu vực tây nam, nơi những người khai khẩn đất đai cũng không kém phần dũng cảm, đa mưu túc trí, và kiên cường. Việc định cư của họ không khiến loài cỏ lá sả nảy mầm, hay thậm chí bất kỳ một loài cây nào thích hợp để chống chịu được việc sử dụng đất đai thường xuyên. Sau một thời gian bị gia súc gặm nhấm, khu vực này trải qua một chuỗi các loài cỏ dại cây bụi vô dụng cho đến lúc trở thành một vùng đất cằn cỗi bất ổn định. Cứ mỗi loài cây vô dụng hơn lại làm gia tăng xói mòn đất, và cứ mỗi lần đất xói mòn thêm thì lại làm nảy mầm một loài cây vô dụng hơn nữa. Hậu quả bây giờ là cả đất và cây đều cùng nhau từ từ thoái hóa, và điều này còn ảnh hưởng lên cả quần thể động vật ở đây nữa. Những người khai hoang mới đầu không tiên liệu được việc này: người ta thậm chí còn đào hào rãnh trong các bãi lầy ở New Mexico để tăng tốc cho quá trình thoái hóa này. Tiến trình này diễn ra từ từ đến độ ít người nào sống trong khu vực này nhận thức rằng cảnh quan đang dần biến đổi. Và những du khách thì hẳn nhiên không nhìn thấy gì ngoài những cánh đồng màu sắc duyên dáng (và quả thực nó rất mê hoặc lòng người, nhưng có điều là cảnh quan bây giờ không có chút liên quan gì so với năm 1848).

Quang cảnh này cũng đã từng được phát triển trước kia, nhưng với kết quả hoàn toàn khác. Những người thổ dân châu Mỹ Pueblo định cư ở vùng tây nam này trước thời Columbus, nhưng khi ấy họ không mang theo gia súc chăn thả diện rộng. Thời kỳ văn minh của họ tuy đã chấm dứt nhưng không phải vì đất đai của họ đã cạn kiệt.

Ở Ấn Độ, trong các vùng không còn cỏ tạo lớp mùn đất, người ta vẫn định cư mà không phá hủy đất đai bằng cách cắt cỏ và mang về cho đàn bò, thay vì thả rông cho chúng gặm cỏ. (Liệu đây là kết quả của trí tuệ khai sáng, hay đơn thuần là vận may? Tôi cũng không biết nữa.) Nhìn chung, những lớp cây nối tiếp nhau mọc lên sẽ định hướng lịch sử. Những người khai hoang chỉ góp phần hé lộ loài nào (dù tốt hay xấu) sẽ thừa kế một vùng đất mà thôi. Liệu lịch sử có đang được dạy theo hướng này không? Sẽ sớm thôi, một khi khái niệm về đất đai như một cộng đồng thực sự ăn sâu vào não trạng lý trí của chúng ta.

Lương tâm sinh thái Bảo tồn là một trạng thái hòa hợp giữa đất và người. Bất chấp gần một thế kỷ tuyên truyền vận động, quá trình bảo tồn vẫn ì ạch tiến với tốc độ sên bò, và kết quả thu được chủ yếu vẫn là các tiêu đề khoa trương và những hiệp ước nói miệng. Tại các vùng nội địa, chúng ta vẫn cứ lùi hai bước sau khi tiến được một bước.

Câu trả lời thông thường cho vấn nạn này là cần thêm giáo dục về bảo tồn. Đây là điều không ai bàn cãi, nhưng liệu rằng chỉ có thời lượng giảng dạy cần được gia tăng? Có phải chúng ta đang thiếu hụt điều gì đó trong nội dung giáo dục nữa hay không? Thật khó để có một bản tóm tắt công bằng mà đầy đủ, nhưng theo tôi hiểu thì nội dung giáo dục có thể được gói gọn như sau: chấp hành luật pháp, bầu cử đúng người, tham gia một vài hội đoàn nào đó, và thực hành các cách thức bảo tồn có ích cho mảnh đất nơi bạn sống. Phần còn lại cứ để chính phủ lo liệu.

Chẳng phải công thức này là quá dễ dàng để giúp ta đạt được bất cứ thứ gì đáng giá sao? Nó không định ra phải trái, không áp đặt trách nhiệm, không đòi hỏi hy sinh, và không ám chỉ đến một thay đổi nào trong hệ tư tưởng hiện nay về các giá trị. Về mặt sử dụng đất đai, nó chỉ khuyến khích mọi người tự tìm kiếm sự khai sáng cho mình. Liệu một thứ giáo dục như thế sẽ đưa chúng ta đi được bao xa? Có lẽ ví dụ dưới đây phần nào sẽ cho ta câu trả lời.

Đến năm 1930 thì chỉ những kẻ không biết chút gì về môi trường mới không nhận ra rằng lớp đất dinh dưỡng bề mặt ở vùng tây nam Wisconsin đang dần trôi về phía biển. Vào năm 1933, chính quyền bang tuyên bố với các nông dân rằng nếu họ chấp nhận áp dụng các phương pháp phục hồi đất trong năm năm, thì tiểu bang sẽ quyên góp nhân lực từ Cục Bảo tồn để giúp họ thực hiện chúng, kèm theo các máy móc và vật liệu cần thiết. Lời đề nghị này được đông đảo mọi người chấp nhận, nhưng việc áp dụng nó thì chìm vào quên lãng nhanh chóng sau khi hết thời hạn hợp đồng năm năm. Những người nông dân tiếp tục những biện pháp canh tác trước kia vốn cho họ lợi nhuận kinh tế trước mắt.

Điều này dẫn đến ý tưởng rằng người nông dân sẽ tiếp thu nhanh hơn nếu chính họ là người đặt ra luật lệ bảo tồn. Thể theo đó, Ủy ban tư pháp ở Wisconsin vào năm 1937 đã thông qua Đạo luật Bảo tồn Đất (Soil Conservation District Law). Luật này tuyên bố với người nông dân rằng: Chính quyền sẽ trang bị cho các bạn các dịch vụ kỹ thuật và máy móc chuyên dụng miễn phí, nếu các bạn tự tay viết điều luật sử dụng đất đai.

Mỗi hạt sẽ viết nên đạo luật riêng, và chúng sẽ có sức nặng pháp lý. Gần như tất cả các hạt đều hưởng ứng và chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận trợ giúp, nhưng sau một thập kỷ vận hành, vẫn chưa có một hạt nào đề ra nổi một đạo luật. Đã có những bước tiến thấy rõ trong các biện pháp canh tác như phân luống hoa màu để giảm xói mòn đất, tái tạo dòng cỏ chăn thả, và bón vôi, nhưng chưa có tiến triển gì trong việc rào các khoảng rừng để chống gia súc hay ngăn chặn máy cày và đàn bò tiến vào các vùng đồi dốc.

Tóm lại, đám nông dân đã lựa chọn các biện pháp hồi phục có lợi cho cả đôi bên, thay vì những biện pháp có lợi cho cộng đồng nhưng không hẳn mang lại lợi nhuận cho họ.

Khi được hỏi tại sao chưa có đạo luật nào được chấp bút, các hạt đều trả lời rằng cộng đồng ở đây chưa sẵn sàng để ủng hộ họ, và rằng việc giáo dục phải đi trước luật lệ. Nhưng việc giáo dục hàng ngày vẫn không hề đề cập đến trách nhiệm với đất đai, ngoại trừ những điều khoản liên quan đến lợi ích cá nhân. Kết quả là chúng ta giáo dục nhiều hơn trong khi đất càng ngày càng ít đi, rừng ngày càng thưa, và lũ quét ngày càng phổ biến trong cùng kỳ năm 1937.

Điều khó hiểu trong các trường hợp này là người ta cho rằng các cộng đồng nông thôn này sẽ coi trọng việc đề cao trách nhiệm lên trên lợi ích cá nhân, như cách họ coi trọng việc xây đường sá, trường học, nhà thờ, hay đầu tư cho đội bóng chày. Cuộc sống mưu sinh của họ không được đề cập đến hay bị xem nhẹ trong công cuộc cải thiện nguồn nước hay giữ gìn khung cảnh hay sự trù phú đa dạng của thôn quê. Đạo đức sử dụng đất đai vẫn hoàn toàn bị chi phối bởi lợi ích kinh tế cá nhân, giống như đạo đức xã hội ở thế kỷ trước.

Tóm tắt lại, chúng ta đòi hỏi người nông dân làm những gì thuận tiện nhất để cứu đất đai, và anh ta đã làm đúng những điều đó, và chỉ những điều đó mà thôi. Người nông dân đốn hạ khu rừng trên một con dốc 75%, người đã lùa đàn bò vào gặm cỏ trên đồng, rồi sau đó để cho mưa lũ cuốn trôi đất đá xuống con suối chảy qua làng, vẫn là một thành viên được mọi người kính trọng. Nếu anh ta bón vôi lên các cánh đồng và trồng cây quanh đường viền, anh ta vẫn được hưởng các đặc quyền và tiền thù lao từ Quỹ Bảo tồn Đất đai. Mặc dù đây là một cỗ máy tinh xảo, nó đang ì ạch vận hành chỉ với hai mã lực vì chúng ta quá nhát gan để đạt được thành công nhanh chóng, quá lo âu để dám nói thẳng với người nông dân về tầm cỡ trách nhiệm thực sự của anh ta. Trách nhiệm không có nghĩa lý gì nếu không đi đôi với nhận thức, và vấn đề chúng ta đang đối mặt là việc mở rộng nhận thức xã hội từ con người đến đất đai.

Chúng ta sẽ không đạt được một thay đổi quan trọng nào về đạo đức mà không đòi hỏi một thay đổi nội tại trong những mối quan tâm lý trí, lòng trung thành, tình cảm, cũng như niềm tin. Bằng chứng cho thấy việc bảo tồn vẫn chưa chạm tới được các giá trị này nằm ở chỗ chính triết học và tôn giáo cũng chưa hề nghe đến khái niệm bảo tồn. Trong tiến trình biến bảo tồn thành chuyện dễ dàng, chúng ta đã làm cho nó trở nên tầm thường.

Thay thế cho Đạo đức Đất đai Khi logic của lịch sử đòi hỏi một miếng bánh mì và ta đưa cho nó một cục đá, ta sẽ mất rất nhiều công sức giải thích xem tại sao hòn đá đó lại giống miếng bánh mì. Giờ tôi sẽ miêu tả một số hòn đá đã được sử dụng thay thế cho đạo đức đất đai.

Một trong các sai lầm cơ bản của một hệ thống bảo tồn dựa trên động cơ kinh tế đó là các thành viên trong một cộng đồng đất đai thường không có giá trị kinh tế. Hoa dại và chim hót là hai ví dụ điển hình. Trong số 22.000 loài cây cỏ chim muông bản địa của Wisconsin, tôi đồ rằng chắc không được hơn 5% trong số chúng có thể được khai thác để tiêu thụ và phục vụ kinh tế. Dù vậy, các sinh vật này vẫn là thành viên trong quần xã sinh vật, và nếu sự ổn định của quần xã này phụ thuộc vào tính toàn vẹn sinh học của nó, thì các giống loài này cũng có quyền tiếp tục sinh tồn.

Khi một trong các phạm trù phi kinh tế này bị đe dọa, và nếu chúng ta yêu quý nó, chúng ta sẽ đưa ra các luận điệu để chứng minh giá trị kinh tế của nó. Ở đầu thế kỷ này, các loài chim biết hót đáng ra đã biến mất hết.

Các nhà điểu học tham gia vào cuộc giải cứu với bằng chứng khó thuyết phục rằng các loài sâu bọ sẽ ăn hết mùa màng nếu chim chóc không có mặt để kiểm soát chúng. Bằng chứng này cần phải có giá trị kinh tế để được coi là xác đáng.

Thật khổ tâm khi phải đọc những luận điệu quanh co luẩn quẩn ngày nay. Dầu vậy, tuy chúng ta vẫn chưa hình thành được đạo đức đất đai, nhưng chí ít chúng ta đã chạm đến cột mốc chấp nhận rằng chim chóc có quyền tiếp tục sinh tồn, bất chấp chúng có mang lại lợi ích kinh tế cho chúng ta hay không.

Các loài thú săn mồi, chim săn mồi, và chim bắt cá cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đã từng có một thời các nhà sinh học bỏ qua bằng chứng rằng các loài vật này giữ cho các con thú bị săn khỏe mạnh bằng cách giết bớt những cá thể yếu hơn, hay chúng giúp nông dân kiểm soát số lượng thú gặm nhấm, hay chúng chỉ săn bắt các giống loài vô giá trị. Một lần nữa, bằng chứng cần phải có giá trị kinh tế để được coi là xác đáng. Chỉ vài năm gần đây thì ta mới bắt đầu nghe những ý kiến chia sẻ chân thành rằng các loài thú ăn thịt là thành viên của cộng đồng, và không một cá nhân vụ lợi nào có quyền tiêu diệt chúng vì mục đích lợi nhuận, dù mối lợi đó là thực tế hay giả tưởng. Đáng tiếc thay, quan điểm khai sáng này vẫn dừng ở mức thảo luận. Trong thực tế, việc tiêu hủy các loài ăn thịt vẫn tiếp diễn như thường: chúng ta hãy chứng kiến cuộc thanh trừng loài sói lông xám dưới sắc lệnh của Quốc hội, các ban bảo tồn, và vô số cơ quan lập pháp của các tiểu bang.

Một vài loài cây đã bị các cán bộ lâm nghiệp đầu óc kinh tế khai trừ vì chúng phát triển quá chậm chạp, hay không có giá trị kinh tế cao như cây lấy gỗ: cây tuyết tùng, cây thông rụng lá, cây bách, cây sồi, và cây độc cần đều là ví dụ. Ở châu Âu, nơi ngành lâm nghiệp đã tiến bộ hơn về mặt sinh thái, các giống cây không có tính thương mại vẫn được nhìn nhận là thành viên của cộng đồng thực vật bản địa và vì thế được bảo tồn một cách hợp lý. Hơn nữa, người ta phát hiện ra một vài loại cây (như sồi) có chức năng làm tăng độ màu mỡ cho đất. Điều này cho thấy mối liên thông tương hỗ trong rừng giữa các loài cây thân gỗ, thảm thực vật, và động vật vẫn bị chúng ta xem là nghiễm nhiên phải có.

Giá trị kinh tế thấp là một đặc điểm đôi khi không chỉ dành cho các loài hay nhóm, mà còn cả các quần xã sinh vật: đầm lầy, đồi cát, hay sa mạc đều là ví dụ. Cách chúng ta xử trí với các trường hợp này là phó thác việc bảo tồn chúng cho Nhà nước như những nơi ẩn náu, mốc tiêu, hay công viên. Khó khăn nảy sinh ở chỗ các cộng đồng này thường nằm xen lẫn với các khu đất tư có giá trị hơn, và chính quyền thì không thể sở hữu hay kiểm soát các khu vực rải rác như vậy. Hệ quả sau cùng là chúng ta đã đẩy một số quần xã sinh vật này đến sự tuyệt diệt trên diện rộng. Nếu người chủ sở hữu là người có tầm nhìn sinh thái, họ sẽ tự hào là người bảo vệ cho một khu vực đáng giá như vậy và làm tăng thêm nét đẹp đa dạng cho trang trại và cộng đồng của họ.

Trong một số trường hợp, người ta đã nhầm khi coi rằng các vùng sinh vật bỏ đi này là vô giá trị, nhưng họ chỉ phát hiện ra điều đó sau khi một diện tích lớn cùng sinh vật đó đã tiêu tan. Cuộc chạy nước rút hiện nay để xả ngập lại các đầm lầy có chuột xạ hương là một ví dụ điển hình… Có một xu hướng thấy rõ trong việc bảo tồn ở nước Mỹ là chủ sở hữu đất sẽ đùn đẩy phó thác những nhiệm vụ cần thiết mà mình làm không đến nơi đến chốn sang cho nhà nước. Việc quốc hữu hóa các hoạt động, trợ cấp, hay quản lý đang trở nên vô cùng phổ biến trong lâm nghiệp, quản lý núi non, quản lý đất và lưu vực sông, bảo tồn công viên quốc gia và thiên nhiên hoang dã, ngư nghiệp, quản lý chim di cư, và sẽ còn nhiều mảng khác nữa. Phần lớn sự phát triển của việc bảo tồn qua tay nhà nước này là hợp tình hợp lý, đôi khi còn là điều không tránh khỏi. Thái độ đồng thuận của tôi với diễn tiến này cũng thể hiện qua việc tôi đã dành cả đời làm việc cho các ban bảo tồn nhà nước. Tuy vậy, câu hỏi vẫn cần đặt ra là: đâu là giới hạn của cuộc bành trướng này? Liệu nền tảng tiền thuế có khiến cho nó cuối cùng sẽ phân chia tẽ nhánh hay không? Khi nào thì việc bảo tồn do nhà nước, như loài voi ma mút, sẽ sụp đổ dưới sức nặng của chính nó? Nếu có câu trả lời thì nó sẽ nằm trong đạo đức đất đai, hay một thứ quyền lực nào đó khiến cho các chủ sở hữu đất phải tiếp nhận trách nhiệm.

Những chủ sở hữu và người sử dụng đất công nghiệp, đặc biệt là thợ gỗ và người chăn gia súc, thường kêu ca phàn nàn về việc quốc hữu hóa và quản lý đất đai. Tuy nhiên, ngoại trừ vài trường hợp, hết thảy bọn họ đều không muốn động chân động tay thực hiện lựa chọn còn lại: tự nguyện bảo tồn khu đất của chính họ.

Ngày nay, khi người chủ đất được đề nghị thực hiện một việc không mang lại lợi nhuận kinh tế vì lợi ích cộng đồng, họ sẽ chấp thuận ngay tức thì. Nếu việc này đòi hỏi tiền bạc thì anh ta sẽ coi đó là công bằng và hợp lẽ; tuy nhiên, nếu việc này chỉ đòi hỏi việc suy tính, một tâm trí mở, hay thời gian, thì nó lại khiến anh ta chần chừ do dự. Việc gia tăng đột biến các khoản trợ cấp sử dụng đất đai trong các năm gần đây phần lớn là do chính sách của nhà nước về giáo dục bảo tồn dành cho các ban ngành quản lý đất đai, các trường đại học nông nghiệp, và các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa tìm ra một trường học hay viện nào có giảng dạy về trách nhiệm đạo đức với đất đai.

Tựu trung, một hệ thống bảo tồn chỉ dựa trên lợi ích kinh tế cá nhân là hoàn toàn bấp bênh xiêu vẹo. Nó thường bỏ qua, và sau đó tiêu diệt, các thành tố không có giá trị thương mại trong một vùng đất, nhưng thực chất lại đóng vai trò tối quan trọng (như sau này chúng ta đã biết) trong việc duy trì sức khỏe vùng đất đó. Hệ thống này suy nghĩ một cách sai lệch rằng các phần kinh tế của một quần xã sinh vật sẽ vận hành tách biệt khỏi những phần phi kinh tế. Nó thường đùn đẩy vào tay nhà nước các nhiệm vụ quá đồ sộ, phức tạp, và dàn trải so với tầm cỡ nhà nước có thể thực hiện.

Một trách nhiệm đạo đức từ phía người sở hữu đất là phương thuốc cứu vãn duy nhất cho tình trạng này.

Kim tự tháp đất đai Một quy chuẩn đạo đức nhằm định hướng và bổ trợ cho mối quan hệ kinh tế với đất đai cần phải làm tiền lệ cho hình ảnh trong đầu chúng ta về đất đai như một cơ chế sinh thái. Chúng ta chỉ có thể ứng xử có đạo đức với những gì ta có thể nhìn, sờ, hiểu, yêu, hay tin tưởng.

Hình ảnh thường xuyên được sử dụng trong giáo dục về bảo tồn là cân bằng tự nhiên. Kể ra thì dài dòng, nhưng hình tượng này luôn thất bại trong việc miêu tả đích xác kiến thức hạn hẹp của chúng ta về cơ chế vận hành của đất đai. Một hình ảnh chính xác hơn được vận dụng trong sinh thái học: kim tự tháp quần xã sinh vật. Trước hết, tôi sẽ phác thảo kim tự tháp này như biểu trưng cho đất đai, rồi sau đó sẽ phát triển những hàm ý của nó trong việc sử dụng đất đai.

Cây cối hấp thụ năng lượng từ mặt trời. Năng lượng này sau đó tuần hoàn chảy qua một chuỗi mạch nối tiếp gọi là một quần xã sinh vật, có thể được tượng trưng bằng một kim tự tháp đa tầng. Tầng dưới cùng là đất, tiếp đó là tầng thực vật, rồi tầng côn trùng, rồi tầng chim chóc và thú gặm nhấm, và cứ thế tiếp tục qua nhiều nhóm động vật nữa cho đến tầng cao nhất bao gồm các loài thú ăn thịt cỡ lớn.

Các loài được phân loại vào chung một tầng không dựa trên chúng đến từ đâu hay chúng trông như thế nào, mà dựa trên chúng ăn cái gì. Mỗi tầng nối tiếp nhau lại phụ thuộc vào nguồn thức ăn và các nguồn cung ứng khác từ tầng bên dưới và cung cấp thức ăn và nguồn đáp ứng cho tầng bên trên.

Theo chiều hướng đó, cứ mỗi tầng đi lên lại giảm dần về số lượng cá thể.

Bởi vậy, cứ một con thú ăn thịt sẽ tiêu thụ hết hàng trăm con mồi, hàng nghìn con mồi của những con mồi đó, hàng triệu con côn trùng, và hằng hà sa số những cây những cỏ. Khối hình kim tự tháp thể hiện sự tăng tiến về số lượng này từ đỉnh xuống đáy. Con người nằm ở tầng giữa cùng với gấu, gấu trúc Bắc Mỹ, và sóc – những loài ăn tạp.

Những đường thể hiện sự lệ thuộc về thức ăn và sự đáp ứng này được gọi là chuỗi thức ăn. Chuỗi thức ăn đất – sồi – hươu – thổ dân châu Mỹ giờ đây đã được chuyển hóa hầu hết sang đất – ngô – bò – nông dân. Mỗi loài, bao gồm cả chúng ta, đều là một mắt xích trong rất nhiều chuỗi như thế. Loài hươu ngoài cây sồi ra thì còn ăn cả trăm loại cây khác, và loài bò ngoài ngô thì cũng ăn tồi trăm loại cỏ khác. Cả hai vì thế đều là mắt xích trong một trăm chuỗi khác nhau. Kim tự tháp thoạt đầu nhìn giống như một mớ bòng bong phức tạp các chuỗi thức ăn, nhưng sự cân bằng của cả hệ thống chứng tỏ nó là một khối cấu trúc rất có trật tự. Sự vận hành của nó phụ thuộc vào việc hợp tác và cạnh tranh của các phần tố đa dạng bên trong.

Thời khởi thủy, kim tự tháp đời này còn thấp và bé, với những chuỗi thức ăn ngắn và đơn giản. Quá trình tiến hóa đã làm tăng thêm số lượng các lớp cũng như các chuỗi. Con người là một trong hàng ngàn những lớp bồi đắp để tăng thêm chiều cao và độ phức tạp cho kim tự tháp. Khoa học đã khiến ta hoài nghi nhiều thứ, nhưng nó đã cho ta biết ít nhất một điều chắc chắn: xu hướng của tiến hóa là mở rộng và đa dạng hóa hệ sinh thái.

Đất đai vì thế không chỉ là thổ nhưỡng; nó là suối nguồn năng lượng tuôn chảy qua một chuỗi gồm đất, cây cối, và muông thú. Các chuỗi thức ăn là những kênh chuyển tải năng lượng đi lên trong kim tự tháp; còn cái chết và sự phân hủy đưa năng lượng quay trở về với đất. Vòng tròn năng lượng này không khép kín: vài dạng năng lượng mất đi trong lúc phân hủy, một vài lại được không khí hấp thụ, số khác được dự trữ trong đất, than bùn, và những cánh rừng cổ thụ. Tuy nhiên, đây là một vòng tròn bền vững, như một nguồn quỹ tín dụng cuộc đời liên tục tích lũy và luân chuyển. Việc hao tổn luôn tồn tại khi đất bị xói mòn rửa trôi, nhưng thông thường những tổn hao này rất nhỏ và được các lớp đá phân hủy bù đắp lại. Phần đất xói mòn lại đổ ra đại dương, và theo vòng quay địa chất sẽ lại tích tụ dần lên để tạo nên các vùng đất mới và các kim tự tháp mới.

Vận tốc và đặc tính của dòng chảy ngược lên tùy thuộc vào cấu trúc phức tạp của quần thể động thực vật, giống như cách dòng chảy nhựa cây đi ngược lên phụ thuộc vào cấu trúc tế bào phức tạp của cây. Nếu không có cấu trúc phức tạp này, quá trình tuần hoàn thông thường sẽ khó lòng diễn ra. Cấu trúc được tạo nên từ số lượng các loài cũng như công năng đặc trưng của chúng. Sự tương trợ qua lại giữa cấu trúc phức tạp của đất và sự vận động nhịp nhàng của nó như một đơn vị năng lượng là một trong các đặc tính cơ bản của đất.

Khi một phần của chuỗi sinh học này thay đổi, rất nhiều phần khác phải tự biến đổi để hòa hợp với nó. Sự thay đổi không phải lúc nào cũng chặn đứng hay đổi chiều dòng chảy năng lượng. Tiến hóa là một chuỗi kéo dài các quá trình tự phát, kết quả tổng hòa của chúng là sự mở rộng cơ chế dòng chảy và sự kéo dài chuỗi sinh học. Sự thay đổi về mặt tiến hóa, tuy nhiên, thường diễn ra chậm và mang tính cục bộ. Các công cụ mà con người phát minh đã tạo đà cho chúng ta gây ra các thay đổi thô bạo, nhanh chóng, và ở tầm cỡ chưa từng thấy.

Có một sự thay đổi nằm trong cách cấu thành hệ động thực vật. Do các loài ăn thịt lớn đang biến mất khỏi đỉnh kim tự tháp, lần đầu tiên trong lịch sử, các chuỗi thức ăn đang ngắn đi thay vì dài ra. Các loài thú thuần hóa từ nơi khác đến dần thế chỗ thú hoang, trong đó các loài thú hoang thì bị chuyển đến nơi sinh sống mới. Trong hệ động thực vật toàn cầu ngày nay, nhiều loài phát triển vượt mức cho phép và trở thành loài gây hại hay gây bệnh, trong khi số khác thì đang tuyệt chủng. Các hiệu ứng này hiếm khi xảy ra có chủ đích hay lường trước được: chúng đại diện cho những sự tái điều chỉnh khó lường và thường không truy nguyên được trong cấu trúc.

Khoa học nông nghiệp thường là cuộc chạy đua giữa sự xuất hiện của các loài gây hại mới và công nghệ mới để kiểm soát chúng.

Còn một sự thay đổi khác chạm đến dòng chảy năng lượng giữa cây cối và loài vật, cũng như cách năng lượng trở về với đất. Độ phì nhiêu là khả năng đất tiếp thu, dự trữ, và giải phóng năng lượng. Nếu ngành nông nghiệp bào mòn đất quá mức, hay thay thế một cách vô tội vạ các giống loài bản địa bằng các giống thuần hóa trong siêu cấu trúc sinh thái này, nó có thể làm thoái hóa những dòng chảy năng lượng và làm cạn kiệt nguồn dự trữ. Khi cạn kiệt năng lượng dự trữ hay các vật chất hữu cơ nền tảng, đất sẽ bị rửa trôi ở mức nhanh hơn mức tái tạo. Đây được gọi là quá trình xói mòn đất.

Nước, cũng giống như đất, là một phần của chuỗi sinh học. Khi làm ô nhiễm hay chặn dòng chảy tự nhiên của nước, nền công nghiệp sẽ chặn đứng đường sống của các loài động thực vật cần để duy trì vòng tuần hoàn năng lượng.

Giao thông vận tải tạo ra một thay đổi căn bản khác: các loài động thực vật vốn sinh trưởng trong một khu vực thì giờ đây được tiêu thụ và trả về với đất ở một khu vực khác. Ngành giao thông đã đào vào nguồn năng lượng trữ trong đá và không khí, sau đó vận chuyển chúng đi nơi khác để sử dụng. Đây là lý do hiện nay chúng ta bón phân cho vườn cây của mình bằng chất ni – tơ chiết xuất từ phân chim hay từ xác cá biển phía bên kia Xích đạo. Vì thế, những vòng sinh học vốn trước kia gói gọn trong từng khu vực thì nay đã hòa chung vào nhau khắp nơi trên thế giới.

Quá trình biến đổi kim tự tháp nhằm phục vụ con người đã giải phóng nguồn năng lượng dự trữ. Trong thời kỳ khai hoang mở đất, điều này đã khiến chúng ta tưởng lầm về một thời kỳ sinh sôi trù phú trong thế giới động thực vật, cả các loài hoang dã và thuần hóa. Những đợt giải phóng năng lượng sinh học dự trữ này thường che phủ và trì hoãn những hậu quả khủng khiếp cận kề.

  Bản phác họa sơ bộ của một chuỗi năng lượng bao gồm ba ý tưởng cơ bản: (1) Rằng đất đai không chỉ có nghĩa là thổ nhưỡng.

(2) Rằng các loài động thực vật bản địa giúp duy trì chuỗi năng lượng nói trên, trong khi các loài ngoại lai thì có thể có có thể không.

(3) Rằng những thay đổi do con người mang lại rất khác so với các thay đổi thuận theo tiến hóa, và thường có những hệ quả toàn cục khó lường trước được.

Những ý tưởng này tổng hòa lại khiến ta đặt ra hai vấn đề: Liệu đất đai có thể tự điều chỉnh theo trật tự thế giới mới? Liệu những thay đổi mong muốn có thể được thực hiện một cách ôn hòa? Các quần xã sinh vật dường như có khả năng chịu đựng những thay đổi thô bạo ở mức khác nhau. Ví dụ, Tây Âu ngày nay có một kim tự tháp sinh học khác xa với thời Caesar. Một vài loài thú lớn đã tuyệt chủng, trong khi các khu rừng đầm lầy đã trở thành thảo nguyên hay ruộng cày. Nhiều loài cây và thú mới được mang đến, một vài trong số chúng trốn thoát và trở thành vật gây hại. Các loài vật bản địa còn lại đã thay đổi nhiều về mật độ phân bố và số lượng. Tuy nhiên đất đai vẫn còn ở đó, và vẫn phì nhiêu màu mỡ nhờ sự trợ giúp của nguồn dinh dưỡng ngoại nhập. Nguồn nước vẫn chảy đều đặn, và trật tự mới dường như vẫn đang vận hành và bám trụ.

Chuỗi sinh học không có vẻ gì là sẽ dừng lại hay thoái hóa đi.

Tây Âu vì thế được coi là một vùng sinh vật có sức chống chịu. Cơ chế nội hàm của nó bền bỉ, dẻo dai, và chịu được sức ép. Bất luận những can thiệp thay đổi thô bạo thế nào xảy ra, kim tự tháp sinh thái ở đây đã phát triển các cách tồn tại mới để bảo toàn môi trường sống cho con người và hầu hết các giống loài bản địa khác.

Nhật Bản là một ví dụ khác về một cuộc cải biến triệt để quyết liệt mà không trở nên hỗn loạn.

Đa phần các nền văn minh khác, thậm chí cả một vài vùng chưa từng có ánh sáng văn minh soi rọi, đều trải qua vô số giai đoạn hỗn độn, từ những triệu chứng sơ khỏi đến tình trạng thoái hóa cấp. Ở Tiểu Á và Bắc Phi, việc chẩn đoán bệnh cho vùng sinh vật thường bị nhầm lẫn với biến đổi khí hậu (đây có thể là nguyên do hoặc hệ quả của tình trạng thoái hóa cấp tính). Ở nước Mỹ, mức độ hỗn loạn thay đổi theo khu vực: tình trạng này tồi tệ hơn ở vùng tây nam, khu vực Ozark, vài phần ở phía nam, và ít nhất là ở New England và khu tây bắc. Ở một vài nơi ở Mexico, Nam Mỹ, Nam Phi, và Úc, việc thoái hóa đang diễn tiến một cách thô bạo và nhanh chóng, nhưng tôi không thể thẩm định được mức độ của nó.

Sự hỗn loạn ở cấp gần như toàn cầu này khá giống với bệnh dịch ở loài vật, chỉ khác ở chỗ nó không dẫn đến sự hủy hoại hoàn toàn hay chết chóc. Đất đai sau đó dần hồi phục, nhưng mức độ phức tạp sinh học của nó sẽ giảm xuống kéo theo sức chứa con người, cây cối, và loài vật cũng suy yếu. Rất nhiều quần xã sinh vật được xem là đất hứa giờ đây thực chất đang tồn tại nhờ vào nền nông nghiệp bóc lột, nghĩa là sức chứa của chúng đã vượt ngưỡng cho phép. Hiểu theo nghĩa này, phần lớn đất đai Nam Mỹ đã vượt mức dân số cho phép.

Ở những vùng khô hạn, chúng ta cố gắng trì hoãn quá trình thoái hóa này bằng cách cải tạo đất, mặc dù ta có thể nhận thấy rõ rằng những dự án cải tạo này thường chết yểu. Ở Phương Tây chúng ta, dự án cải tạo tốt nhất cũng không kéo dài được nổi một thế kỷ.

Các bằng chứng tích hợp từ lịch sử và sinh thái học thường chỉ đến một kết luận chung: những can thiệp của con người càng ít thô bạo thì khả năng tái điều chỉnh thành công của kim tự tháp sinh học càng cao. Mức độ thô bạo này cũng tùy thuộc vào mật độ dân số: dân số đông đúc đòi hỏi việc cải tổ thô bạo hơn. Về mặt này, Bắc Mỹ có cơ hội cải tạo đất đai tốt hơn châu Âu, nếu châu lục có thể cố gắng kiểm soát mật độ dân số.

Kết luận này đi ngược lại với triết lý sống hiện tại của chúng ta, rằng nếu sự gia tăng nhỏ trong mật độ dân số sẽ khiến cuộc sống thêm phong phú, thì việc gia tăng liên tục sẽ khiến cho cuộc sống trở nên phong phú không ngừng. Sinh thái học không hề biết đến một mô hình mật độ dân số nào tồn tại trong những khoảng giới hạn vô cực. Luôn luôn tồn tại mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa nhưng lợi ích đến từ mật độ dân số và những gì dân số đó đóng góp lại cho vùng sinh vật.

Bất luận mối quan hệ qua lại giữa con người và đất đai là như thế nào, chúng ta giờ đây vẫn không thể nắm bắt hoàn toàn những điều khoản trong giao kèo này. Những khám phá gần đây về khoáng chất và vitamin dinh dưỡng đã hé lộ một sự phụ thuộc lẫn nhau chưa từng biết đến trong chuỗi vận chuyển năng lượng đi lên: chất lượng mối quan hệ giữa đất đai và cây cối, hay giữa cây cối và động vật, phụ thuộc vào số lượng rất nhỏ nhưng chất nhất định. Vậy còn chuỗi vận chuyển đi xuống thì sao? Còn những giống loài đang biến mất mà chúng ta đang coi việc bảo tồn chúng như một thú vui xa xỉ thì sao? Những giống loài giúp tạo nên dinh dưỡng đất này, liệu chúng sẽ giúp duy trì đất theo những cách nào? Giáo sư Weaver đề xuất chúng ta sử dụng các loài hoa thảo nguyên để giúp kết tụ những phần đất thoái hóa đang tan rã trong khu lòng chảo sa mạc. Vậy thì ai có thể nói trước được loài sếu và kền kền khoang, loài hải ly và gấu xám có thể sẽ đóng vai trò gì trong tương lai? Sức khỏe đất đai và Phân nhánh A và B Một quy chuẩn đạo đức với đất đai phản chiếu sự tồn tại của một tri giác về sinh thái, và qua đó cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cá nhân với sức khỏe của đất đai. Sức khỏe là khả năng tự tái tạo của đất. Bảo tồn là cố gắng của chúng ta trong việc hiểu và duy trì khả năng này.

Các nhà bảo tồn vốn nổi tiếng trong việc chia rẽ nội bộ. Nhìn trên bề mặt thì điều này chỉ đơn thuần làm chuyện bảo tồn trở nên rối rắm, nhưng nếu soi xét kỹ hơn thì ta sẽ nhận thấy một xu thế phân nhánh tương tự như trong nhiều chuyên ngành khác. Trong ngành bảo tồn, tồn tại một nhóm (A) luôn coi đất đai chỉ như thổ nhưỡng và chức năng của nó là tạo ra sản phẩm tiện nghi, trong khi nhóm (B) coi đất đai như vùng sinh vật, với chức năng vĩ mô hơn. Vĩ mô hơn bao nhiêu thì thú thật vẫn là một câu hỏi mù mờ và khiến ta hồ nghi.

Trong ngành lâm nghiệp của tôi, nhóm A sẽ thỏa mãn với việc chỉ trồng các loại cây như cái bắp, với chất xơ như sản phẩm cơ bản của rừng.

Nhóm này không phản đối các chính sách thô bạo; tư tưởng của họ hoàn toàn phục vụ nông nghiệp. Trái lại, nhóm B coi lâm nghiệp như một ngành hoàn toàn khác so với nông nghiệp vì nó dung nạp các giống loài tự nhiên, đồng thời trông nom một môi trường tự nhiên thay vì nhân tạo. Nhóm này về nguyên tắc thì ưu tiên việc sản xuất thuận tự nhiên. Họ lo lắng về ảnh hưởng của các giống loài đã biến mất (cây hạt dẻ) và các giống loài bên bờ tuyệt chủng (cây bạch dương) lên hệ sinh thái cũng như nền kinh tế. Họ lo lắng về một loạt các chức năng phụ cấp của rừng như thiên nhiên hoang dã, giải trí tiêu khiển, lưu vực sông, và các vùng tự nhiên. Theo ý tôi, nhóm B là nhóm manh nha có tri giác về sinh thái.

Trong mảng thiên nhiên hoang dã, một sự phân nhánh tương tự đang xảy ra. Với nhóm A thì các sản phẩm đơn thuần từ thiên nhiên hoang dã là mồi săn và thịt, còn thước đo cho năng suất là sản lượng gà lôi và cá hồi.

Việc gây giống nhân tạo được họ chấp nhận như một giải pháp lâu dài lẫn tạm thời – nếu họ cần giấy phép để săn bắt các loài mà họ nhân giống.

Ngược lại, nhóm B thì lo lắng trước một loạt các vấn đề liên quan đến khía cạnh sinh thái. Điều gì sẽ xảy ra với các loài thú săn mồi nếu chúng ta biến một loài thú bị săn thành một thứ lâm sản để thu hoạch? Liệu chúng ta có cần các biện pháp dành cho các loài ngoại lai? Làm cách nào để các bên quản lý thiên nhiên có thể phục hồi các giống loài đang dần tiêu biến như loài gà gô, vốn đã gần tuyệt chủng do săn bắn? Làm sao đổ các bên quản lý có thể giải cứu các loài quý hiếm bên bờ tuyệt chủng như thiên nga kèn hay loài sếu? Liệu các nguyên tắc quản lý có được áp dụng cho cả các loài hoa dại? Ở đây, chúng ta lại nhìn thấy sự phân nhánh A – B rõ rệt như trong ngành lâm nghiệp.

Trong một ngành rộng hơn như nông nghiệp, tuy vốn hiểu biết của tôi ít hơn để có thể phát biểu, nhưng dường như ở đó cũng đang xảy ra việc chia phe tương tự. Ngành khoa học nông nghiệp đã phát triển từ rất lâu trước khi ngành sinh thái học ra đời; điều này khiến có các khái niệm sinh thái học mất thời gian lâu hơn để thâm nhập vào đời sống. Hơn nữa, do bản chất ngành nghề, người nông dân phải can thiệp triệt để vào quần xã sinh vật hơn là người kiểm lâm hay người quản lý thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, chính trong ngành nông nghiệp cũng diễn ra vô vàn tranh cãi về một mô hình canh tác thuận tự nhiên mới.

Có lẽ bằng chứng quan trọng nhất của tiến trình này là việc chất lượng nông sản không thể được đo bằng kilogram hay tấn, và chất lượng nông sản trên đất đai phì nhiêu thì vượt trội cả về chất và lượng. Chúng ta có thể đạt được sản lượng cao từ những khu đất cằn cỗi bằng cách bón phân, tuy nhiên việc này không đồng nghĩa với việc cải thiện chất lượng nông sản.

Các hệ quả sau cùng của việc bón phân bồi đất này quá to lớn đến độ tôi phải để nó cho những người có bút lực hơn bóc tách.

Cộng đồng bất mãn mang tên nông nghiệp hữu cơ kia, mặc dù mang dáng dấp của một giáo phái, vẫn ưu tiên đặt sinh thái lên đầu, đặc biệt thể hiện qua việc họ tập trung vào tầm quan trọng của đất đai và động thực vật trong nông nghiệp.

Công chúng hoàn toàn mù mờ về các điều cơ bản về sinh thái học trong nông nghiệp, giống như với các mảng khác trong sử dụng đất. Ví dụ, rất ít người có học nhận ra rằng những tiến bộ kỳ diệu trong nông nghiệp gần đây là nhờ sự cải tiến máy bơm chứ không phải bản thân giếng khoan.

Cứ lần lượt từng héc – ta một, họ ngày càng thiếu đi công cụ ngăn chặn việc đất đai suy giảm mức độ phì nhiêu.

Trong tất cả các trường hợp phân nhánh này, ta có thể thấy một sự đôi nghịch xuyên suốt: kẻ thôn tính đối chọi với công dân sinh thái; khoa học như công cụ mài khí cụ để đối chọi với khoa học như ngọn đèn soi rọi tri thức về vũ trụ; đất đai như nô lệ phục tùng đối chọi với đất đai như một sinh thể tổng hòa. Lệnh huấn thị của Robinson dành cho Tristram có thể được áp dụng ở đây cho Loài người tinh khôn trong kỷ địa chất này: Dù muốn hay không Anh vẫn là Đế vương, Tristram, bởi nhẽ anh là một trong số ít khiến cho thế giới không còn như trước, sau khi anh lìa đời.

Hãy ghi dấu ấn lên những gì anh để lại.

Nhìn về tương lai Tôi không thể hình dung ra một mối quan hệ trên nền tảng đạo đức giữa đất và người mà lại thiếu vắng tình yêu, sự tôn trọng, cũng như lòng mến mộ dành cho đất đai và các giá trị nó mang lại. Ở đây, tôi không chỉ nói đến giá trị kinh tế không, mà còn nói rộng hơn đến các giá trị triết lý.

Có lẽ trở ngại nghiêm trọng nhất trên chặng đường tiến hóa của đạo đức với đất đai nằm ở chỗ hệ thống kinh tế và giáo dục của chúng ta đang rời xa khỏi sự tri ngộ về đất. Giữa con người hiện đại và đất tồn tại quá nhiều kẻ trung gian cùng những trang thiết bị điện tử. Anh ta không sống dựa vào đất; với anh ta, đất chỉ là khoảng trống giữa các thành phố nơi họ thu hoạch mùa màng. Thả anh ta vào trong một khu đất hoang, đặc biệt nếu chỗ đó không phủi là một sân golf hay nơi có cảnh đẹp, thì anh ta sẽ chán phát ngấy lên. Nếu hoa màu có thể được trồng thủy canh thay vì canh tác trên đất, anh ta sẽ càng mừng rỡ hơn. Những hợp chất thay thế cho gỗ, len, da, và các sản vật tự nhiên khác phù hợp với anh ta hơn là các chất liệu nguyên bản. Nói cách khác, đất đai đã trở nên lỗi mốt với con người hiện đại.

Một trở ngại không kém phần nghiêm trọng khác là thái độ của người nông dân với đất đai, thứ mà họ vẫn coi là vật cản – một lãnh chúa giữ họ trong kiếp nô dịch. Trên lý thuyết, việc cơ giới hóa nông nghiệp đáng ra sẽ phá cũi sổ lồng cho người nông dân, nhưng thực tế có đúng như vậy hay không thì còn phải xem xét.

Một trong các tiền lệ làm nên sự hiểu về sinh thái đất đai là kiến thức về sinh thái học, thứ không hề đi đôi với cái ta gọi là giáo dục. Thực tế, càng học lên cao thì các chương trình học dường như càng cố tình lẩn tránh các khái niệm sinh thái học. Sự thông hiểu về sinh thái học không hẳn bắt nguồn từ các môn học dán mác sinh thái học: nó hoàn toàn có thể bắt nguồn từ địa lý, thực vật học, nông học, lịch sử, hay kinh tế. Đây là việc đáng lý phải xảy ra; tuy nhiên, bất luận mác nhãn là gì thì các khóa học đào tạo về sinh thái học vẫn còn rất khan hiếm.

Việc đấu tranh cho đạo đức đất đai có vẻ đang đi vào ngõ cụt, ngoại trừ đối với những nhóm thiểu số chống lại các xu thế hiện đại ngày nay.

Ổ khóa cần phải được khai mở để giải phóng cho quá trình xây dựng đạo đức nằm ở chỗ chúng ta cần phải ngừng nghĩ về việc sử dụng đất đai phù hợp như một vấn đề thuần kinh tê. Hãy xem xét mỗi câu hỏi dưới cái nhìn đúng đắn về đạo đức và thẩm mỹ, bên cạnh lợi ích kinh tế. Một hành động là đúng đắn khi nó hướng tới việc bảo tồn được tính toàn vẹn, ổn định và vẻ đẹp của cộng đồng sinh vật. Hành động đó là sai nếu không bảo tồn được những điều vừa nói.

Dĩ nhiên là tính khả thi về mặt kinh tế sẽ giới hạn phạm vi giữa cái có thể và cái không thể làm được cho đất đai. Nó đã và sẽ luôn là trở ngại. Cái ngụy biện mà những người sử dụng chiêu bài kinh tế đã tròng lên cổ chúng ta, và giờ đây chúng ta cần cùng nhau rũ bỏ, là suy nghĩ rằng kinh tế có toàn quyền quyết định việc sử dụng đất đai. Điều này chưa bao giờ chính xác. Một cơ số hành vi và thái độ, cấu thành nên phần lớn các mối quan hệ với đất đai, được quyết định bởi gu thẩm mỹ cũng như sở thích của người sử dụng đất chứ không phải ví tiền của anh ta. Phần lớn các mối quan hệ giữa đất và người neo đậu vào việc đầu tư thời gian, suy tính, kỹ năng, và niềm tin thay vì tiền bạc. Cách người sử dụng đất suy nghĩ thể hiện con người anh ta.

Tôi đã cố tình thể hiện đạo đức với đất đai như một sản phẩm của tiến hóa xã hội vì những điều quan trọng như đạo đức chưa bao giờ được đặt bút viết xuống. Chỉ có người học sử nông cạn nhất mới cho rằng Moses viết nên Mười điều răn của Chúa. Trái lại, chúng phát triển từ các suy nghĩ hợp nhất của cả một cộng đồng, và Moses chỉ là người tóm gọn lại các ý chính tạm thời cho một bài thuyết giảng. Tôi nói tạm thời ở đây vì việc tiến hóa sẽ không bao giờ ngừng lại.

Chặng đường tiến hóa của đạo đức đất đai đòi hỏi trí tuệ và cảm xúc.

Bảo tồn là con đường được lát bởi thành ý, và đó là lý do tại sao nó trở nên vô dụng, thậm chí là nguy hiểm, vì nó hoàn toàn thiếu vắng sự hiểu biết sâu sắc cả về đất đai lẫn khía cạnh kinh tế trong việc sử dụng đất đai. Tồn tại một chân lý hiển nhiên rằng, trong lúc đạo đức mở rộng phạm trù từ cá nhân đến cộng đồng thì nội hàm trí tuệ của nó cũng tịnh tiến lên theo.

Cơ chế vận hành cho mọi nguyên tắc đạo đức là như nhau: chấp thuận các hành vi tích cực và bài trừ các hành vi tiêu cực.

Nhìn chung lại thì vấn đề hiện giờ của chúng ta nằm ở thái độ và cách thực hiện. Chúng ta đang trùng tu cung điện Alhambra bằng xẻng xúc chạy nhờ hơi nước, cà chúng ta tự hào về chiều dài các cung đường mình cày xới được. Tuy chúng ta sẽ không từ bỏ cái xẻng, vì rốt cuộc nó cũng có nhiều lợi ích, nhưng chúng ta cần có những tiêu chí dịu nhẹ và khách quan hơn cho cách sử dung nó trong tương lai.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 01 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 02 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 03 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 04 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 05 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 06 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 07 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 09 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 10 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 11 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 12 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 13 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 14 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 15 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 16 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 17 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 18 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 19 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 20 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 21 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, chương 22 tại đây.

Đọc Niên lịch miền gió cát, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Akutagawa Ryunosuke | Cháo khoai

Akutagawa Ryunosuke | Cháo khoai

Cũng như nhiều nhà văn Nhật Bản Akutagawa Ryunosuke thường mượn bối cảnh và đề tài Trung Quốc cho tác phẩm của ông.

Liên lạc thông qua Instagram

Instagram là tài khoản chính thức của @nhavantuonglai, nên thông qua kênh này bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ tác giả.

  • Tức thời và nhanh chóng

    Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

  • Thân thiện và gần gũi

    Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Instagram là kênh trao đổi công việc chính thức của @nhavantuonglai, phù hợp với các thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

  • Tin cậy

    Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

  • Chuyên nghiệp

    Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

Một vài sản phẩm đã dựng

Ép tiêu bản hoa khô

Cồn Hến sông Hương

Hoàng hôn đầm Lập An

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist