Thích Nhất Hạnh | Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày | Chương 04
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 26 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Sách này được viết ra nhằm mục đích đỡ bớt đôi phần mệt ngọc cho quý vị giảng sư và quý vị cán bộ văn hóa xã hội của Giáo hội Phật giáo. Chúng tôi đã y cứ vào huấn chỉ của quý vị lãnh đạo hai viện Tăng Thống và Hóa Ðạo để diễn giải cương lĩnh của nền Phật học nhập thế hiện đại.
Xây dựng từ dưới lên trên
Sự tu dưỡng bản thân, sự xây dựng gia đình và quốc gia tùy thuộc mật thiết vào sự phát triển xóm làng và khu phố. Cố nhiên đời sống xóm làng tùy thuộc đời sống quốc gia và quốc gia có độc lập và tự do thì xóm làng mới dễ phát triển. Nhưng trái lại độc lập và tự do quốc gia một phần cũng do những cố gắng trong phạm vi xây dựng xóm làng. Nếu ta sống trong xóm làng hay khu phố mà chẳng làm được gì tối thiểu cho xóm làng và khu phố thì ta chẳng mong gì có đủ khả năng phụng sự quốc gia. Phải thực hiện tự do, dân chủ và công bình, xã hội ngay trong xóm làng và khu phố của mình, dù rằng sự thực hiện này không được hoàn toàn và tùy thuộc đến tình hình chung của cả nước. Ta phải biết bắt đầu xây dựng TỪ DƯỚI LÊN TRÊN.
Trường học địa phương
Trước hết, ta hãy góp sức xây dựng trường học địa phương về các phương diện trường ốc, chương trình và giáo chức. Giáo dục là một khía cạnh quan trọng của công cuộc phát triển cộng đồng. Ta phải có bổn phận kiểm soát, cải tạo và bồi đắp nền giáo dục của thời đại ta. Nếu ta nghĩ rằng chương trình giáo dục phải để hoàn toàn cho bộ quốc gia giáo dục định đoạt và giao phó tất cả cho bộ thì ta đã thiếu trách nhiệm. Một ông bộ trưởng giáo dục có bằng cấp ngoại quốc, không biết nhiều về tình trạng Việt Nam sẽ không thể lãnh đạo nền giáo dục quốc gia. Ta phải đặt câu hỏi: Nền giáo dục hiện tại ở trường làng, trường quận hay trường khu phố đưa con em ta đến đâu? Chuẩn bị cho chúng những gì để chúng ra đời? Sự học hành của con em ta có liên hệ gì đến đời sống của xóm làng của chúng không? Lâu nay nhiều người trong chúng ta cứ cho rằng mục đích của sự học là nhắm tới một văn bằng với mục đích mưu sinh. Không những điều bậc cha mẹ nghĩ như thế và nhiều người trẻ cũng nghĩ như thế. Trường học trở thành một thứ công cụ để chọn lọc và hạn chế. Không ta phải để cho trường học đóng vai trò quan trọng của nó.
Chương trình học phải liên hệ mật thiết với thực trạng địa phương
Ví dụ trong làng Vân Thủy, trẻ em và người lớn nhiều người bị bệnh đau mắt, mắt đỏ cả lên. Ấy vậy mà trong trường tiểu học làng, suốt năm các thầy giáo chỉ dạy có một bài vệ sinh về bệnh đau mắt; học trò học thuộc lòng và trả bài bệnh đau mắt dài tới một trang giấy học trò. Đến khi thầy giáo chuyển sang dạy bài bệnh thương hàn, thì bệnh đau mắt trong làng vẫn không vì sự giáo dục mà giảm bớt.
Ở làng Cầu Khê ba năm trước đây người ta cũng bị đau mắt nhiều như vậy. Nhưng từ khi thầy giáo Liêm về dạy ở trường tiểu học Tình Thương thì dân làng bắt đầu cộng tác với nhau chống bệnh đau mắt, và trong vòng bốn tháng, bệnh đau mắt bị quét sạch. Thầy giáo Liêm bàn với các thầy giáo khác mở một cuộc vận động (họ gọi là một chiến dịch) chống bệnh đau mắt. Đầu tiên, học sinh trong trường được dạy kỹ lưỡng về bệnh đau mắt, tự nguyện thực hành những điều đã học để chữa lành mắt của chính mình. Ngày nào vấn đề bệnh đau mắt cũng được nói tới ở học đường. Các em học sinh cộng tác với thầy giáo mình về những bích chương, tổ chức một buổi trình diễn nhạc kịch ca vọng cổ về vấn đề bệnh đau mắt. Một em học sinh trước đó bị bệnh đau mắt nay đã lành, đứng lên kể chuyện đau mắt của mình, và tỉ mỉ kể làm sao mà em chữa lành được bệnh đau mắt. Các thầy giáo và học sinh của họ đẩy cuộc vận động cho tới thành công mới thôi. Có nhiều anh và nhiều chị trong làng cộng tác với họ; không những họ chỉ dẫn, làm áp lực tinh thần để mọi người lo trị cho hết bệnh đau mắt mà họ còn tìm đến tận nơi những người có bệnh đau mắt để giúp đỡ săn sóc nữa.
Nhưng trong làng Cầu Khê không phải chỉ có vấn đề bệnh đau mắt. Dân làng ở đây phần lớn sống về ngư nghiệp, đời sống rất cực khổ mà dân làng ít có ai khá giả lên được. Có cậu học sinh nào học khá thi xong tiểu học liền tìm lên tỉnh kiếm việc không chịu ở lại làng đem cái học của mình mà làm cho làng có tổ chức hơn, ít nghèo đói, ít bệnh tật hơn. Các thầy giáo, cô giáo trường Tình Thương đã nghe lời đề nghị của thầy giáo Liêm, chỉ dạy học sinh mình một cách tổng quát về các môn ít có dính líu nhiều đến đời sống dân làng. Ví dụ về sông ngòi họ chỉ dạy sơ qua về con sông Thames ở Anh, dạy nhiều hơn một chút về sông Hồng ở Bắc và dạy rất kỹ về con sông Cửu Long chảy qua làng Cầu Khê. Họ dạy sơ lược về cách trồng cà phê (đất trong làng không trồng cà phê được) trái lại dạy rất kỹ về ngư nghiệp. Cố nhiên trẻ em trong làng biết rất nhiều về nghề đánh cá; có em mười hai tuổi đã phải đi theo ông chú đánh cá suốt buổi sáng, chỉ có thể đi học buổi chiều, và em ấy biết nhiều hơn thầy giáo Liêm về nghề đánh cá. Nhưng các thầy giáo biết nhiều chuyện khác mà dân làng không biết. Ví dụ họ biết về chuyện phát triển ngư nghiệp ở những địa phương nơi đó kỹ thuật đánh cá đã được cải tiến rất nhiều, về chuyện tổ chức hợp tác xã ngư nghiệp trong đó có ngư dân chung sức và chung vốn nữa để đạt được những lợi tức quan trọng hơn. Hợp tác xã là một phương thức để phá vỡ cái vòng tròn nghèo khó. Các thầy giáo được dân làng mến chuộng, những buổi tiếp xúc chuyện trò đang đi dần đến chuyện thành lập hợp tác xã.
Sở dĩ các thầy giáo ở đây có thể thay đổi chương trình học cho thích hợp và lợi ích thiết thực là vì đây không phải là trường của chính phủ lập mà là trường của dân làng tự đóng góp lập nên. Trường này, từ khi thầy Liêm tới, đã thay đổi theo chiều hướng trường TIỂU HỌC CỘNG ĐỒNG, tức là một trường học kiểu mới, học nhiều về các vấn đề có liên hệ đến đời sống cộng đồng. Học trò học xong vẫn có thể thi tốt nghiệp tiểu học như những trường khác, bởi vì hiện nay trường cộng đồng đã được bộ giáo dục công nhận. Các thầy giáo ở trường Tình Thương tổ chức luôn tại trường những buổi học cho các cô bác chưa biết đọc biết viết, các lớp học về y tế, vệ sinh, hợp tác xã… Ta có thể nói rằng đây là một trường học mà chương trình liên hệ mật thiết với đời sống dân làng. Nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong vấn đề giáo dục con em: đôi khi những nguyên nhân ấy nằm ở học đường và ngoài xã hội. Sự liên lạc và cộng tác giữa phụ huynh học sinh, và các giáo chức tại học đường trở nên rất cần thiết trong trường hợp này cũng như trong nhiều trường hợp khác.
Phần lớn trong chúng ta chỉ mong cho con cháu thi đậu, có bằng cấp, chớ ít để ý đến nội dung của nền học vấn con em. Con em học toán giỏi, Anh văn Pháp văn giỏi, thế là tốt rồi, chúng ta nghĩ. Chúng ta nên biết làm mất mười mấy năm trời ở học đường chỉ với một mục đích là kiếm một văn bằng thì đó là một sự phung phí thời gian rất lớn. Có bao nhiêu người có bằng cấp cao mà nhân cách và đời sống rất thô lậu và thấp hèn. Con cái chúng ta đi học không phải chỉ vì để có bằng cấp mà là để nên người. Do đó giáo dục học đường phải đáp ứng lại hoài vọng của ta, ta phải lưu tâm và tìm mọi cách để ảnh hưởng tới đường lối giáo dục học đường. Những tổ chức phụ huynh học sinh có thể ảnh hưởng tới trường học và đường lối của bộ quốc gia giáo dục. Tham dự vào những tổ chức ấy, đồng thời giữ liên lạc với các giáo chức tại trường và theo dõi sự học hành của các con, ta sẽ ảnh hưởng giáo dục học đường. Nếu phòng xá và trường ốc thiếu, ta bàn nhau trong xóm làng hay trong khu phố, tìm cách xây dựng thêm, dù là đơn sơ, miễn có chỗ cho con cháu học hành. Nếu chương trình quá xa cách với sự sống, ta bàn nhau cùng tỏ ý với ban tổ chức tìm cách thích ứng chương trình với sự sống. Nếu giáo chức không xứng đáng, ta can thiệp để đổi thay. Tóm lại ta phải có trách nhiệm về học đường trong xóm làng hay khu phố ta ở.
Công tác xã hội
Tại trường học, tại phòng thông tin hay trong trung tâm thanh niên hoặc nhà việc ta nên cộng tác với các giáo sư để tổ chức những lớp học về vấn đề thực hiện vệ sinh công cộng, bài trừ cờ bạc, bài trừ văn chương và phim ảnh đồi trụy. Ta cũng nên cộng tác trong việc tổ chức và tham dự vào những sinh hoạt lành mạnh như thiết lập phòng đọc sách công cộng trình diễn ca kịch, du ngoạn, cắm trại, thể thao, hội chợ, hội chùa… Nếu người lớn và trẻ em đi tìm những loại giải trí có hại như uống rượu, đánh bạc… đó là vì xóm làng hay khu phố không có những tổ chức giải trí lành mạnh. Ta chớ nên lấy cớ là không có thì giờ để từ chối đóng góp công của vào các sinh hoạt lành mạnh như thư viện, cắm trại, thể thao, hội chợ… Trẻ con trong làng cứ mong có dịp bỏ làng lên tỉnh cũng vì chúng không có giải trí lành mạnh. Vì sinh khí của làng, vì thế hệ tương lai, phải lưu tâm nhiều đến những hoạt động này. Giáo sư và học sinh trong các trường học địa phương nên khởi xướng và tổ chức sinh hoạt giải trí lành mạnh, kêu gọi sự tham gia của mọi người trong thôn làng hay khu phố để tạo nên không khí vui tươi lành mạnh cần có của cộng đồng.
Trong một làng nghèo, ta vẫn có thể tổ chức được thư viện. Một căn phòng tại nhà việc, tại trường học, tại chùa hay tại trung tâm thanh niên, một cái tủ đựng sách báo và một người phụ trách cho mượn sách mỗi tuần vài lần là đủ. Sách báo có thể xin ở từng gia đình. Thầy giáo Liêm đã tổ chức một phòng đọc sách rất đặc biệt. Với sự giúp sức của các bạn giáo viên và học sinh, thầy đã mượn và xin được hơn ba trăm cuốn sách và gần một trăm tờ báo, chưa cũ lắm. Thầy xin phép ông Tám để đặt phòng đọc sách nơi nhà ông. Nhà ông Tám rộng, mát cả ngày không có ai. Vườn sau trồng rất nhiều cây xanh và mát. Thầy Liêm mua tới sáu cái võng. Mỗi chủ nhật, thầy tới thư viện mắc võng sau vườn, đọc sách. Các thầy giáo khác và một ít học sinh cũng làm như thế, và họ khuyến khích nam nữ trong làng làm như thế. Có nhiều sách rất dễ đọc, nhiều hình ảnh, nhiều hí họa. Ai muốn tới đọc sách thì tới thứ năm hay chủ nhật, có người giữ tủ sách, biên tên họ người mượn sách. Nếu người nào không muốn đọc ngay tại chỗ mà muốn mượn đem về nhà một tuần hay mươi bữa thì ký tên vào sổ và hẹn ngày đem trả.
Trong thôn xóm, ta nên thành lập gia đình Phật tử. Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thiếu niên và nhi đồng theo tinh thần thương yêu (bi) hiểu biết (trí) và can đảm (dũng). Các giáo viên học sinh và các con em khác của chúng ta đều nên tham dự tổ chức này. Về thể thức tổ chức Gia Đình Phật tử, ta nên liên lạc với Giáo Hội Phật Giáo địa phương để tìm hiểu. Gia đình Phật tử, ngoài công việc học tập tu dưỡng, rất có khả năng tổ chức các sinh hoạt văn nghệ, ca kịch, du ngoạn, cắm trại, thể thao, hội chợ, hội chùa vân vân… Các thầy giáo trong trường mà cộng tác với Gia đình Phật tử thì chắc chắn sẽ gây được nhiều sinh khí lành mạnh vui tươi trong thôn xóm.
Chấm dứt thái độ thụ động
Thầy giáo Liêm thường nói với đồng bào cô bác trong làng _TA KHÔNG NÊN THỤ ĐỘNG NGỒI ĐÓ MÀ CHỜ CHÍNH QUYỀN GIÚP TA THOÁT KHỎI TÌNH TRẠNG NGHÈO TÚNG, BỆNH TẬT VÀ THIẾU HỌC. Chúng ta chờ đợi đã quá lâu rồi; chúng ta nên tự mình xây dựng cho mình trước. _Tinh thần tự lực này quả là đúng tinh thần Tự mình thắp đuốc mà đi của đạo Phật. Thầy giáo Liêm lại nói: Bà con cô bác mình nên HỢP SỨC VỚI NHAU NGAY TỪ BÂY GIỜ ĐỂ BẮT ĐẦU THỰC HIỆN NHỮNG DỰ ÁN PHÁT TRIỂN XÓM LÀNG VỀ MỌI MẶT Y TẾ, GIÁO DỤC, KINH TẾ.
Thật vậy, vì nghèo nên con cháu trong làng thiếu học, thua sút người ta. Càng thiếu học thì càng nghèo, bởi vì chỉ khi nào ta có học thức ta mới biết cách cải tiến đời sống, chống lại nghèo đói. Rồi cũng vì nghèo mà con cháu ta lại không được đi học, cho nên vì nghèo mà sinh ra thiếu học, vì thiếu học mà cứ nghèo mãi. Đó là một cái vòng lẩn quẩn. Bệnh tật cũng do nghèo và thiếu học mà ra; bởi vì do nghèo nên không có đủ tiền đi bác sĩ và thuốc men, do thiếu học mà không biết cách ngăn ngừa bệnh tật. Bệnh tật cũng nằm chung trong cái vòng lẩn quẩn với nghèo và thiếu học. Đây cũng là một cái vòng luân hồi cần phải đập vỡ. Sau đây là những phương pháp đập vỡ cái vòng lẩn quẩn thiếu học-nghèo-bệnh tật, căn cứ trên giáo lý duyên sinh và tứ diệu đế của đạo Phật.
Kiểm điểm tình trạng
Học tập để kiểm điểm và thấy rõ tình trạng kinh tế xã hội và văn hóa trong thôn xóm và tìm cách đối trị. Đây là áp dụng sự thực thứ nhất (khổ đế) và sự thực thứ hai (đạo đế) trong tứ diệu đế. Trong các buổi học tập như thế, tổ chức tại trường học, chùa hay nhà việc, thường thường ta tìm ra những nguyên nhân sau đây của sự chậm tiến:
– Người dân ít học, ít biết về các vấn đề y tế, kinh tế, văn hóa và xã hội.
– Người dân chưa biết cách tổ chức các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ.
– Người dân có thái độ thụ động và trông chờ.
– Người dân không biết tổ chức tương trợ.
– Người dân chưa dứt bỏ những tập tục và thói quen có hại.
Tổ chức hợp tác xã
Tổ chức và tham dự vào các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ. Đây là phương pháp thần hiệu nhất để thắng vượt tình trạng nghèo khổ. Một cá nhân đơn độc khó mà có thể vùng vẫy thoát ra vòng tròn nghèo khổ nhưng, nếu nhiều cá nhân cộng tác với nhau, thì tình trạng sẽ khác hẳn. Có rất nhiều hình thức hợp tác xã, nhưng tựu trung hợp tác xã nào cũng là những nổ lực chung của nhiều người về các phương diện như: vốn liếng, đất đai, nhân lực và phương tiện. Một nông dân không đủ sức mua nổi một máy cày, và dù cho có mua máy cày thì cũng phí, bởi vì nông dân này đất ít nên để cho máy cày nằm không. Nhiều nông dân hợp lại làm một tổ hợp máy cày: Mỗi nông dân chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ thích ứng với diện tích canh tác của mình, và máy cày phục vụ cho tất cả mọi hội viên của tổ hợp. Hợp tác xã là như vậy. Vần công cũng là một hình thức hợp tác xã. Phân công cũng là một hình thức hợp tác xã. Góp vốn để khai thác hay canh tác chung cũng là hình thức hợp tác xã. Tổ chức mua sỉ và chuyên chở hàng hóa về làng rồi bán lại cho dân làng bằng giá vốn (kể tiền chuyên chở và lương nhân viên) cũng là một hình thức hợp tác xã. Hợp tác xã phục vụ cho mọi người, tạo nên sức mạnh chống lại gian thương, chống lại bóc lột. Làng Trà Lộc có một hợp tác xã phân bón; dân chúng ai cũng được mua phân bón với giá rẻ mà lại được mua ngay tại chỗ, khỏi phải đi xa chuyên chở về. Dân làng lại được chỉ dẫn cách thức xử dụng phân bón nữa. Còn ở làng Bảo Liên, từ ngày có hợp tác xã, thím Tư bán trà được giá cao hơn trước mà khỏi phải đi xa. Cũng ở làng này, từ ngày có quỹ tín dụng, bà Sáu đã mượn được hai lần tiền vốn để phát triển trại gà của bà hiện có tới hơn ba trăm con. Gà của bà bây giờ nuôi theo kiểu mới, không chết nữa, bởi vì bà cũng tham dự hợp tác xã nuôi gà. Gà con mua của hợp tác xã, dựng bằng tre cho gà ăn uống cũng mua của hợp tác xã, rất rẻ: Thực phẩm cho gà ăn cũng mua của hợp tác xã. Đến khi bán gà, bà chỉ cần bán cho hợp tác xã, khỏi phải đi xa mà lại bán được giá. Nhà giữ trẻ làng Vĩnh Phước thật đáng là niềm tự hào của cả làng. Khu đất thì rộng, cây cối xanh tốt, xa các chuồng trâu, chuồng heo, chuồng bò nên không khí rất tinh khiết. Buổi mai trước khi ra đồng, các cô bác ghé nhà giữ trẻ để gửi con. Bốn người được hợp tác xã trả lương để giữ tất cả trẻ em nhỏ tuổi trong làng, tập chúng chơi, dạy chúng học. Từ khi có nhà giữ trẻ, cô bác trong làng thông thả hơn và yên tâm hơn để lo việc canh tác sản xuất. Buổi chiều khi đi làm về, họ ghé tìm con. Đứa nào mặt mũi chân tay cũng đều sạch sẽ. Áo quần không lấm lem như trước. Lại được học chữ học số nữa. Có em nào đau bụng hay nhức đầu thì đã có tủ thuốc của nhà giữ trẻ có chuyện cần hơn thì một trong bốn người giữ trẻ đi tìm cô y tá xã. Nhà giữ trẻ cũng là một hình thức hợp tác xã.
Nhất định là chúng ta phải tổ chức và tham dự hợp tác xã. Nỗ lực về mọi mặt phát triển chung là một hướng đi rất thích hợp với giáo lý đạo Phật vốn chủ trương vượt ra khỏi cái vỏ cứng của bản ngã cá nhân và điều hợp với những người khác để tạo nên y báo tốt đẹp. Giáo lý lục hòa (sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp) là nền tảng vững chãi cho đời sống tập thể cộng đồng. Giáo lý lục hòa hướng đến một thể chế có tính cách xã hội, nhân bản và tự nguyện. Thực hiện hợp tác xã là thực hiện giáo lý lục hòa theo tinh thần duyên sinh.
Cải tiến và phát triển
Tham dự vào những buổi học về cải tiến nông nghiệp, phát triển tiểu công nghệ, cải tiến kỷ thuật chăn nuôi và ủng hộ mọi dự án thực hiện các công trình này để phát triển kinh tế địa phương. Nông nghiệp cần được cải tiến để lượng sản xuất tăng gia. Đứng về phương diện hạt giống, phân bón, nông cơ và thị trường cần có nhiều sự đổi mới thì lượng sản xuất mới gia tăng được. Vấn đề chăn nuôi cũng vậy. Ngoài việc canh tác và chăn nuôi, ta có thể thiết lập những ngành tiểu công nghệ nông thôn như làm nón, làm bánh tráng, trái cây khô, đan tre, đan mây… Những công nghệ này dựa trên sản phẩm địa phương như tre, mây, đá, đất sét… một khi phát triển sẽ tăng gia ngân quỹ gia đình. Muốn cho các công nghệ này phát triển mạnh, chúng ta cũng cần tổ chức thành hợp tác xã. Ta phải tham gia các hợp tác xã này bằng vốn liếng, vật liệu hay nhân công.
Tổ chức nghiệp đoàn
Tham dự vào các tổ chức nghiệp đoàn để bênh vực quyền lợi của nông dân và lao động. Ở các nước tiến bộ, các nghiệp đoàn tổ chức rất chặt chẽ. Các nghiệp đoàn này có đủ sức chống lại tư bản bóc lột, gian thương và áp chế bằng cách đoàn kết, tương trợ và đình công. Nông dân và thợ thuyền nếu không tổ chức thành nghiệp đoàn thì không thể nào chống lại được những áp chế và bóc lột. Ta phải tìm hỏi những phương pháp và nguyên tắc tổ chức nghiệp đoàn và khuyến khích những người quen biết gia nhập các tổ chức nghiệp đoàn.
Tổ chức tương trợ
Sống trong cùng một cộng đồng, ta phải tương trợ nhau những khi khó khăn, lỡ bước. Nhưng sự tương trợ này phải được tổ chức hẳn hoi, chớ không phải gặp đâu làm đó. Sự tương trợ nên được tổ chức trên căn bản hợp tác xã: Nhiều người cùng giúp một người. Sự tương trợ có thể thực hiện bằng nhân công, phẩm vật hay tiền bạc. Cô Ba ở An Cửu, sau khi trở thành góa bụa, không đủ sức nuôi con đi học. Hợp tác xã tìm cho cô một việc làm, và cấp hàng tháng số tiền cần thiết cho hai đứa con của cô có thể tiếp tục theo học. Bù lại cho vốn hợp tác xã, mỗi hội viên đóng năm đồng một tháng trong vòng hai năm (chẳng bao nhiêu). Những hội viên hợp tác xã nào không đóng tiền thì đóng góp mỗi tháng nửa ngày công cho hợp tác xã. Khi chú Tám bị mất mùa dưa, hợp tác xã cho vay vốn làm mùa khác và cấp tiền cho chú chi dụng trong vòng ba tháng. Các hội viên hợp tác xã cũng đóng góp hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng nhân công cho hợp tác xã để bù lại khoản chi tiêu tương trợ của hợp tác xã. Như vậy trong một cộng đồng ai cũng góp phần vào sự cứu trợ những gia đình đang ở vào tình trạng quẩn bách nhất trong tình trạng khó khăn cũng được giúp đỡ qua cơn thiếu thốn.
Hướng về nếp sống cộng đồng
Phật tử không sống một cuộc sống khép kín, nhắm mắt trước khó khăn cực nhọc của những người chung quanh. THEO LÝ DUYÊN SINH ĐỜI SỐNG MỌI NGƯỜI CÓ LIÊN HỆ MẬT THIẾT VỚI NHAU. Nếp sống xã hội cộng đồng rất thích hợp với người Phật tử. Ta phải chấm dứt thái độ chỉ biết lo cho mình ta, thái độ nhắm mắt tai ngơ đối với những vấn đề chung của xóm làng hay khu phố. Nạn cờ bạc, những đống rác lớn, những đám du đảng và bao nhiêu tệ đoan khác trong thôn làng, ta phải xem là vấn đề của chính ta. Trách nhiệm thuộc về mọi người trong thôn xóm. Thái độ phó mặc, ai chết mặc ai là thái độ trái chống hoàn toàn với tinh thần đạo Phật. Chừng nào ta biết đau cái đau của kẻ khác, biết vui cái vui của kẻ khác, chừng đó ta mới xứng đáng là một Phật tử. Đạo lý duyên sinh (mọi người nương nhau) và đạo lý lục hòa (sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp) cho ta thấy đạo Phật quí trọng nếp sống cộng đồng, chia xẻ vui buồn, hạnh phúc và khó nhọc với kẻ khác. Đạo Phật hưởng về nếp sống cộng đồng trong tinh thần tự nguyện, bởi vì đạo Phật chủ trương không ép buộc kẻ khác theo mình bằng bạo lực. Phật tử tham dự nếp sống cộng đồng vì nhận thấy nếp sống này biểu lộ được tình thương yêu và ý hướng tiến bộ. Những nguyên tắc lãnh đạo nếp sống cộng đồng, theo Phật tử, là ý thức trách nhiệm, tinh thần tự nguyện và tình thương yêu mà không phải là những giáo điều hoặc luật lệ sắt thép của những đảng phái chính trị. Cũng vì vậy mà người Phật tử phải chú trọng đến đời sống tâm linh, bởi vì nếu thiếu thương yêu, trách nhiệm và tự nguyện, thì dù có tham dự nếp sống cộng đồng đi nữa nếp sống cũng trở nên khô khan, bó ép và khó thở.
Thắp đuốc mà đi
Về phương diện quản trị thôn làng hay khu phố, người Phật tử cần thực sự để tâm vào việc bầu cử hội đồng xã hay hội đồng khu phố. Nếu nhận thấy có sự mờ ám gian lận khi bầu cử, phải biết can đảm hợp sức cùng nhau để phản đối. Nên bàn luận, tìm hiểu và chọn lọc những ứng cử viên. Khi ta đã bầu xong một ban lãnh đạo xóm làng, ta phải ủng hộ cho ban ấy làm việc. Nhất định là ta phải tìm đủ cách cho ban ấy thực sự làm việc cải tiến đời sống địa phương. Không những ta có thể góp ý kiến xây dựng, ta còn có thể đóng góp kiến thức chuyên môn của ta, và khi cần thì có thể đóng góp cả công lao của ta để hỗ trợ cho ban này làm việc phụng sự cho xóm làng. Trong trường hợp đặc biệt, để công việc không ngưng trệ, ta có thể xúc tiến sự thành lập những ủy ban tư nhân gồm có những người có thiện chí để tổ chức học hỏi các vấn đề trong làng và tìm cách phát khởi những công tác, cải tiến và phát triển thôn xóm. Chúng ta đừng buông xuôi tay khi thấy hội đồng xã, hội đồng khu phố hay hội đồng tình bất lực. Ta đừng nói: Nếu tôi là họ thì tôi sẽ… Ta nên tự hỏi mình: Họ đã như thế, thì mình với tư cách người dân, mình phải làm gì? Tự hỏi như thế để bắt tay vào việc tự lực xây dựng. Đó mới thực là đi vào con đường bát chánh, con đường tự thắp đuốc mà đi của đạo Phật.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 01 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 02 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 03 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 04 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 05 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 06 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, chương 07 tại đây.
Đọc Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, toàn tập tại đây.