Ô Lâu nước chảy thành dòng và câu chuyện cổ vật dưới đáy sông
Ô Lâu nước chảy thành dòng, khoét từng đoạn và bồi từng khúc, uốn lượn chia đất bên này của người sống và bên kia là người chết.
· 3 phút đọc · lượt xem.
Ô Lâu nước chảy thành dòng, khoét từng đoạn và bồi từng khúc, uốn lượn chia đất bên này của người sống và bên kia là người chết. Mỗi năm một lần, phước tích bên người sống lại bày hội làng, nghe chừng thú vị nên mình với bạn ghé qua chơi. Làng nhỏ nên hội cũng nhỏ, mọi huyên náo chỉ cần xúm một góc ở trung tâm là vừa đủ; làng lâu đời nên lễ cũng sâu, yên lặng bày đủ lễ nghi, nghiêm trang kính cẩn từng cử chỉ trong đình đủ trọn tinh thần.
Chăm chú được nửa chừng rồi để mọi thứ ở đó, tụi mình men lối lát gạch cũ để vào sâu trong làng mà khám phá. Có lẽ bận đi hội, nên càng đi thì làng lại càng vắng, nhưng đây không phải làng hoang bởi luôn có tiếng chó sủa chặn người lạ ngay lối vào nhà, và tất nhiên cũng chặn luôn ý định của tụi mình.
Dẫu vậy, tiệm gốm nhỏ cuối làng lại không có chó canh cổng mà chỉ có lò nung tổ ở ngoài – gọi thế bởi chúng trông quá cũ và gần nát. Đến đó, anh chủ tiệm kể, đất sét ở đây tương đối hoàn hảo, được lấy từ dưới lòng sông đem lên, nặn thành hình và đem nung để tạo ra gốm phước tích trứ danh, nhưng nay thì chẳng còn bao nhà làm gốm nữa.
Chuyện làng gốm vẫn chưa kết thúc ở đó, khi mấy hôm rồi trở lại Huế, tụi mình lại cùng nhau ghé Lan Viên cố tích – một bảo tàng gốm tư nhân rất thú vị bên Kim Long, nếu được dịp thì bạn nên ghé. Trong muôn điều được nghe ở đó, mình ngạc nhiên nhất là chuyện gốm ở đây đa phần được vớt từ dưới sông đem lên, với rất nhiều mẫu vật còn vết hàu bám trên thành như minh chứng.
Nguyên do là vì ngày trước, gốm làm ở phước tích hay làng gốm nào khác, muốn đem lên Kinh thành Huế bán phải đi đường sông. Mà đường sông nguy hiểm trăm bề, cướp bóc hải tặc thì hiếm nhưng mưa bão lại nhiều, thuyền không hỏng không chìm thì sóng cũng đánh cho chìm. Thành quả sáng tạo từ đất sét, chắt lọc dưới lòng sông nay đem trả lại cho sông, yên lặng ở đó suốt bao đời để một ngày kia người ta vớt lên đem trưng bày.
Theo thời gian, các làng gốm xưa nay không còn nữa, và gốm của ngày ấy giờ chẳng trở lại hình dạng đất sét ban đầu. Mọi vết tích của quá khứ vì thế được lưu giữ trong từng lần thuyền chìm thuyền hỏng, để khi người ta xếp những mẫu vật lên giá lại có cơ sở đối sánh, nghiên cứu xem tư duy thẩm mỹ từng thời ấy là thế nào.