Cẩm nang du lịch Hà Nam
Cẩm nang du lịch sau sẽ giúp người đọc có thêm hiểu biết hữu ích, giúp chuyến di lịch của mình trở nên ấn tượng và thú vị hơn bao giờ hết.
· 11 phút đọc.
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65 km. Đây là mảnh đất phù hợp để du lịch tâm linh, văn hóa và ẩm thực khi có các di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng.
Du lịch Hà Nam mùa nào
Hà Nam có khí hậu giống các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng: mùa hè nóng ẩm và mùa đông lạnh. Nơi đây phù hợp để ghé thăm vào cả 4 mùa nhưng nếu không chịu được nóng, bạn nên tới vào mùa thu hoặc đông. Mùa lễ hội vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. Rằm tháng 4 có lễ hội Phật đản, phù hợp để tham quan những ngôi chùa.
Di chuyển
Hà Nam nằm về phía cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội với thủ phủ là thành phố Phủ Lý. Nếu từ Hà Nội đi các tỉnh thành khác như Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa thì rất có thể bạn phải đi qua địa phận Hà Nam.
Ngoài các phương tiện cá nhân, nếu chọn xe khách tới Hà Nam, bạn có thể tham khảo xe Sao Việt chạy từ 10h đến 21h30, giá vé 80.000 đồng, đi mất một tiếng. Lựa chọn rẻ hơn là xe Việt Trung và xe Thiên Trường, giá vé 50.000 đồng, đi mất 1,5 đến 2 tiếng. Muốn riêng tư và tiện nghi hơn, bạn nên đi limousine với giá 90.000 đồng một vé, có thể tham khảo xe thời đại 4.0 hoặc Cường Phát.
Ga Phủ Lý là một trong những ga trọng yếu trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Giá vé từ 60.000 một người và thời gian di chuyển hơn 1 tiếng từ Hà Nội. Đi tàu đúng giờ và giá rẻ nhưng bất tiện về thời gian vì chỉ có những khung giờ cố định, song bạn có thể thong thả ngắm cảnh dọc đường và trải nghiệm cảm giác đi tàu hỏa.
Hiện nay Hà Nam chưa có sân bay dân dụng, du khách ở những địa phương xa hơn bay tới Hà Nội rồi di chuyển.
Khám phá
Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện liêu trai, sự tích kì lạ xoay quanh sự vắng vẻ nổi tiếng của mình; mà tâm điểm là tượng Bà Đanh (thần Pháp Vũ). Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ vắng như chùa Bà Đanh. Có nhiều lý giải cho điều này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến.
Cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.
Nhà Bá Kiến
Làng Vũ Đại trong Chí Phèo có nguyên mẫu là làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – quê hương của nhà văn hiện thực Nam Cao. Nhắc đến làng Vũ Đại là nhắc tới các nhân vật văn học là Chí Phèo, Bá Kiến, Thị Nở. Hiện tại ngôi nhà ba gian của Bá Kiến trong nguyên mẫu vẫn còn đó và là điểm đến tham quan thu hút.
Ngôi nhà vốn thuộc sở hữu của ngụy viên Bắc kỳ Bá Bính. Người này có tên thật là Trần Duy Bính (không rõ năm sinh, mất năm ) – được cố nhà văn Nam Cao xây dựng thành nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo.
Kẽm Trống
Kẽm Trống là danh thắng quốc gia được công nhận năm 1962. Kẽm Trống là nơi dòng sông Đáy chảy qua hai ngọn núi, bên tả có núi Rùa, núi Cổ Động thuộc tỉnh Hà Nam; bên hữu có núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia thuộc tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, khi đến Kẽm Trống bạn có thể tham quan một số địa điểm đẹp như: núi Bồng, núi Vọng, núi Rồng ở phía bên phải bờ. Bên kia sông Đáy lại có núi Rùa, núi Cổ Động, núi Trinh Tiết… Trên ngọn núi Trinh Tiết có một ngôi chùa cổ. Người dân nơi đây quan niệm rằng, ngôi chùa ấy tụ hợp linh khí của đất trời.
Đền Trần Thương
Ngôi đền nằm bên bờ sông Hồng, tọa lạc tại thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân. Đền Trần Thương là một ngôi đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng lên ngay trên phần đất khi xưa ông dùng làm kho lương phục vụ cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần 2. Ngôi đền thường tổ chức lễ phát lương vào tháng Giêng lấy may đầu xuân để tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền, ngài cho đặt 6 kho lương thực để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai. Địa điểm đền Trần Thương hiện nay là kho lương chính.
Chùa Tam Chúc
Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km và là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều du khách nhất cả nước, nối giữa khu du lịch chùa Hương, khu du lịch Bái Đính và khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.
Vườn cột kinh là những cột kinh phục dựng giống bảo vật quốc gia cột kinh của chùa Nhất Trụ, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện có 32 cột kinh cao 13,5 m, rộng khoảng 2 m, nặng khoảng 200 tấn.
Điện Tam Thế cao 39 m, sàn rộng 5.400 m2, đủ cho 5.000 phật tử hành lễ cùng một lúc. Trong điện đặt 3 bức tượng Phật bằng đồng tượng trưng cho Quá khứ, hiện tại, tương lai. Mỗi bức có trọng lượng hơn 200 tấn, phía sau mỗi bức tượng là lá bồ đề dát vàng.
Chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh được làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, bên trong thờ tượng Đức Phật bằng hồng ngọc nặng 4.000 kg. Để lên chùa, du khách phải leo lên 299 bậc thang đá. Từ đây, bạn có thể ngắm toàn cảnh chùa Tam Chúc.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan Điện Quán Thế Âm Bồ Tát, nơi đặt pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn hay điện Pháp Chủ với tượng đồng nguyên khối 150 tấn. Các điểm tham quan khác là đình Tam Chúc và khu vực hồ Lục Nhạc.
Làng kho cá Vũ Đại
Làng kho cá Vũ Đại bao đời nay vẫn nức tiếng gần xa bởi công thức cá kho đặc biệt, vị cá đậm đà được tẩm ướp cẩn thận cùng gừng, riềng, nước cốt chanh, nước cốt cua đồng, ớt, hành khô… Tổng cộng có tới 16 loại gia vị. Du khách đến mua cá được kho trong nồi đất, phù hợp nhất là dịp cận Tết khi nhiều hộ dân đỏ lửa kho cá, đeo mặt nạ phòng độc rất thú vị.
Đặc sản
Bánh cuốn Phủ Lý
Bánh cuốn Phủ Lý là đặc sản nổi tiếng nhất của Hà Nam. Bánh cuốn ở đây được làm bằng gạo tẻ tám xoan ngon và chất lượng. Gạo tám xoan sau khi được ngâm nước từ 3-4 tiếng sẽ được xay ra thành bột nước sau đó được tráng trên nồi hấp. Bánh cuốn được tráng có độ mỏng vừa phải, giòn và là bánh chay, không thịt cũng chẳng mộc nhĩ. Nổi bật trên nền bánh trắng là những lớp hành phi vàng ươm, thơm nức, thêm vài giọt mỡ để tăng thêm vị béo ngậy cho bánh.
Thực khách ăn cùng nước chấm mắm chua ngọt, có thêm dưa góp làm từ su hào, cà rốt và thịt nướng tẩm gia vị vừa ăn. Thịt nướng không quá khô, cũng không nhiều mỡ mà thơm mềm, ngon ngọt. Nhiều du khách cho rằng, bánh cuốn Phủ Lý là sự kết hợp giữa bánh cuốn Thanh Trì và bún chả Hà Nội. Món ăn có nét độc đáo trong hương vị, khiến nó trở nên khác biệt với những loại bánh cuốn khác trên cả nước.
Bạn có thể thưởng thức món này ở mọi hàng bánh cuốn trên địa bàn Hà Nam với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng một suất.
Bún, bánh đa cá rô đồng
Đất Hà Nam thuộc vùng chiêm trũng, nên nhiều cá rô đồng tự nhiên. Nếu đến Phủ Lý vào thời điểm cá đang có trứng, bạn sẽ có cơ hội thường thức những miếng cá rô đồng thơm phức, cùng trứng cá béo ngậy.
Bún cá rô ở Hà Nam nổi tiếng là bởi hương vị nước dùng ninh từ xương cá rô ngon ngọt. Ăn kèm với bún và cá rô rau cải, rau thơm để dậy mùi. Rau cải phải là cải ngọt hoặc cải canh thì mới dung hòa được độ béo ngậy từ thịt cá rô mang lại.
Bánh đa cá rô có sợi nhỏ, màu trắng đục chứ không to bản hoặc có màu vàng như những nơi khác. Bánh có độ dai, để lâu trong nước dùng không bị nát. Người bán sẽ xếp cá lên giữa bát bánh đa, xung quanh là rau cải thái nhỏ đã chín rồi chan nước dùng. Nước canh không tanh, ngọt thanh và có mùi thơm từ gừng tươi. Món ăn được mang lên cho thực khách khá đầy đặn, nhiều bánh và cá. Một người lớn ăn khỏe mới có thể dùng hết suất. Một tô có giá khoảng 30.000 đồng.
Cá kho làng Vũ Đại
Cá kho Vũ Đại được mệnh danh là món đặc sản Hà Nam nổi tiếng nhất là bởi nguyên liệu đầu vào chất lượng kết hợp với công đoạn chế biến rất cầu kỳ. Một nồi cá kho phải trải qua 14 tiếng đun liên tục, khi cạn thì tiếp nước và lửa đun không quá to, nếu không cá sẽ bị cháy. Những con cá được chọn để khô là trắm đen nặng từ 4 đến 6 kg trở lên, nuôi tự nhiên hoặc thu mua về để kho cá. Ngoài cá tươi ướp muối thì trong nồi kho còn có thêm thịt ba chỉ và các loại gia vị đồng quê đặc trưng khác. Nồi cá đạt chuẩn là thịt chắc, xương mềm, gia vị quyện vào từng thớ cá, khi ăn có vị đậm, cay ngọt, không mặn.
Mắm cáy Bình Lục
Món mắm cáy Bình Lục sau khi thành phẩm có màu cánh gián rất đẹp, có vị thơm bùi của giềng, vị mặn mòi của muối và vị cay nóng của gừng… rất phù hợp với các món chấm hoặc chế biến các món ăn khác. Khách có thể mua trực tiếp tại huyện Bình lục với giá tham khảo từ 50.000 đồng một chai 500 ml.
Vọc Long Tửu
Người nấu rượu ở làng Vọc luôn trung thành với một công thức chưng cất rượu. Đó là nấu bằng loại gạo đặc sản ngon đem ủ với men ta gồm 36 vị thuốc bắc. Từ lúc úp men phải đợi từ 2 đến 3 ngày chờ khi men dậy mới được mở. Cơm rượu cũng chỉ nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men, sau đó cho vào vò sành ủ suốt 48 tiếng, khi thấy có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì mới đem nấu rượu. Một nậm có giá từ 120.000 đồng.
Chuối ngự Đại Hoàng
Chuối ngự Đại Hoàng còn được dân gian gọi là chuối tiến vua do vỏ ngoài màu vàng, cuống xanh tươi, quả đều tăm tắp trông rất đẹp mắt. Người dân Đại Hoàng ghi lại trong sách sử địa phương, một lần vua Trần cùng đoàn tùy tùng xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường nghỉ chân tại Lý Nhân đã ăn thử giống chuối địa phương. Thấy loại quả ngon, vua ban thưởng và truyền cho người dân nhân giống.
Chuối Đại Hoàng rất kén đất, đặc tính chỉ phù hợp với dải đất ven sông Châu Giang chảy qua địa phận một số xã huyện Lý Nhân. Do vậy quy trình trồng và chăm sóc loại chuối này cũng tốn rất nhiều công sức. Chuối có giá 30.000-50.000 đồng một kg.