Haruki Murakami | Biên niên ký chim vặn dây cót (Chương 57)

Biên niên ký chim vặn dây cót với tiếng hót của con chim vặn dây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín.

 · 45 phút đọc.

Biên niên ký chim vặn dây cót với tiếng hót của con chim vặn dây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín.

Boris Lột da Trong mơ (dù tôi không biết đó là mơ), tôi ngồi uống trà với Kano Malta, mỗi người một bên bàn. Căn phòng hình chữ nhật quá dài và quá rộng đến nỗi ngồi đầu này không thấy đầu kia. Xếp ngay hàng thẳng lối trong phòng là hàng trăm cái bàn vuông – khoảng năm trăm cái, có khi nhiều hơn. Hai chúng tôi ngồi ở một trong những cái bàn ở giữa, ngoài ra không còn ai khác. Dọc suốt trên trần nhà cao vút như trong một ngôi chùa Phật giáo chạy dài vô số những xà gỗ dày nặng, khắp các dầm gỗ đó treo lủng lẳng cái gì hình như là những loại cây trồng trong chậu, nom như những bộ tóc giả. Nhìn kỹ, tôi nhận ra đó là những mảng da đầu người còn nguyên tóc.

Nhìn thấy máu đen sịt bên dưới chúng tôi mới biết. Những mảng da này người ta chỉ mới lột ra xong, đem treo trên xà nhà cho khô. Tôi sợ những giọt máu vẫn còn tươi có thể rỏ vào trà. Máu vẫn còn rỏ tong tong quanh chúng tôi như những giọt mưa, tiếng tí tách vang vọng khắp căn phòng mênh mông hun hút nghe to khác thường. Chỉ những mảng da đầu ngay trên bàn chúng tôi xem ra đã đủ khô để không phải sợ có giọt nào rỏ xuống.

Trà nóng rẫy như nước sôi. Đặt bên thìa uống trà trong đĩa đựng tách của mỗi chúng tôi là ba thỏi đường màu xanh lơ tươi. Kano Malta thả hai thỏi vào tách trà của mình rồi khuấy, nhưng đường không tan. Một con chó chẳng hiểu từ đâu ló ra, ngồi xuống cạnh bàn chúng tôi. Bộ mặt nó là mặt của Ushikawa. Thân thì thân chó, to đùng, chắc nịch, đen trũi, nhưng từ cổ trở lên là Ushikawa, chỉ có điều lớp lông đen bù xù phủ khắp mình kia cũng mọc cả trên mặt và đầu. Xin chào, xin chào, ông Okada phải không? – Ushikawa trong bộ dạng chó nói.

Ông nhìn xem này: cả một cái đầu toàn là lông, ngay khi tôi biến thành chó là mọc ngay tức thì. Giờ hai hòn dái của tôi to hơn, bao tử lại không đau nữa. Lại còn không phải đeo kính! Không phải quần áo gì sất! Vui cha chả là vui! Làm sao mà trước đây tôi không nghĩ tới chuyện này nhỉ? Lẽ ra tôi phải thành chó từ lâu rồi mới đúng. Còn ông Okada thì sao? Sao ông không thử xem?

Kano Malta nhặt thỏi đường xanh lơ còn lại ném con chó. Thỏi đường đập vào trán Ushikawa, máu đen như mực chảy từ vết thương xuống đầy mặt y.

Nhưng dường như Ushikawa chẳng đau gì cả. Vẫn cười toe toét, con chó dựng đuôi lên, chẳng nói chẳng rằng chạy mất. Thật vậy: cặp tinh hoàn của y to khủng khiếp.

Kano Malta mặc áo choàng kiểu áo mưa có thắt lưng. Hai vạt áo khép chặt ở phía trước, nhưng qua mùi hương tinh tế của da thịt đàn bà tôi biết cô ta hoàn toàn không mặc gì ở bên trong. Dĩ nhiên, cô ta vẫn đội chiếc mũ bằng vải vinyl màu đỏ. Tôi nâng tách lên nhấp một ngụm trà, nhưng trà chẳng có vị gì. Chỉ nóng mà thôi, không gì hơn. – tôi rất mừng là ông đã tới, – Kano Malta nói, giọng có vẻ nhẹ nhõm thật tình. Đã lâu không nghe giọng cô, tôi cảm thấy nó như có phần vui vẻ hơn trước. – tôi gọi cho ông suốt mấy ngày song hình như ông đi ra ngoài. Tôi đã bắt đầu lo nhỡ có chuyện gì xảy ra cho ông. Nhờ trời, ông vẫn bình an.

Thật nhẹ cả người khi nghe thấy giọng ông! Dù sao đi nữa, tôi phải xin lỗi đã vắng mặt lâu đến như vậy. Tôi không thể kể chi tiết tất cả những gì đã xảy ra với tôi trong thời gian đó, nhất là trên điện thoại thế này, nên tôi sẽ chỉ tóm tắt những điểm quan trọng. Cái chính là thời gian qua tôi đi đây đi đó suốt. Tôi vừa về cách đây một tuần. Alô! Ông Okada! Ông có nghe tôi nói không?

– Có, tôi đang nghe cô đây, – tôi đáp, chỉ khi đó tôi mới nhận ra mình đang áp ống nghe điện thoại lên tai. Ở đầu bàn bên kia, Kano Malta cũng cầm ống nghe. Giọng cô ta nghe như trong cuộc gọi từ nước ngoài mà kết nối không tốt lắm.

– Suốt thời gian qua tôi không ở Nhật mà ở đảo Malta trên Địa Trung Hải.

Một ngày nọ bỗng nhiên tôi tự nhủ: Ừ phải! Mình phải quay lại Malta, đem thân mình đến bên nguồn nước của Malta. Đã đến lúc rồi!. Chuyện đó xảy ra ngay sau khi tôi nói chuyện với ông, ông Okada ạ. Ông có nhớ lần nói chuyện đó không? Lúc đó tôi đang tìm Creta. Thật ra tôi không định đi lâu đến như vậy. Tôi cứ nghĩ đi chừng hai tuần thôi. Vì vậy tôi mới không liên lạc với ông. Hầu như tôi không nói với ai rằng mình sắp đi, cứ thế lên máy bay, hầu như chẳng mang theo gì ngoài bộ đồ trên người. Tuy nhiên, khi đến nơi, tôi thấy mình không thể ra đi được. Ông Okada đã bao giờ đến Malta chưa? Tôi đáp là không mà nhớ rằng đã nói chuyện này với cô ta từ mấy năm trước rồi.

– Alô? Ông Okada?

– Vâng, tôi đây.

Hình như tôi đã định nói gì đó với Kano Malta nhưng không nhớ ra được cái gì. Vắt óc một hồi thì tôi chợt nhớ ra. Tôi chuyển ống nghe sang tai kia rồi nói: – À đúng rồi, có chuyện này tôi đã định nói với cô từ lâu: con mèo đã về.

Malta im lặng chừng bốn năm giây rồi mới nói: – Con mèo đã về à?

– Phải. Cô và tôi quen nhau trước hết là do chuyện tìm mèo, thành thử tôi nghĩ việc này thì phải cho cô biết.

– Con mèo trở về khi nào?

– Hồi đầu xuân năm nay, từ đó đến giờ nó vẫn ở với tôi.

– Bề ngoài nó có gì thay đổi không? Có gì khác so với trước khi nó bỏ đi không?

– Thay đổi á? Nghĩ kỹ thì tôi thấy dường như hình dáng cái đuôi có hơi khác, – tôi nói.

– Khi vuốt đuôi nó đúng hôm nó về, tôi thấy cái đuôi dường như quặp hơn trước. Tuy nhiên, cũng có thể tôi lầm… Dù gì nó cũng bỏ nhà đi gần một năm trời kia mà.

– Ông tin chắc đúng là con mèo đó chứ?

– Hoàn toàn chắc. Tôi nuôi nó từ lâu lắm rồi. Đúng là nó hay không thì tôi phải biết chứ. – tôi hiểu, – Kano Malta nói.

– Tuy vậy, chả giấu gì ông, tôi có cái đuôi thật của con mèo đây.

Kano Malta đặt ống nghe xuống bàn rồi đứng dậy cởi phắt áo choàng ra.

Đúng như tôi đã ngờ, ở bên trong cô ta hoàn toàn không mặc gì. Kính thước cặp vú và hình dáng âm mao của cô ta rất giống của Kano Creta. Chiếc mũ bằng vải vinyl màu đỏ thì cô không bỏ ra. Cô quay lại chìa lưng cho tôi xem. Thật vậy, gắn vào cặp mông cô ta là một cái đuôi mèo. Cái đuôi lớn hơn nhiều so với đuôi mèo thường – để tương xứng với kích thước của thân hình Malta, nhưng hình dáng thì rõ ràng là đuôi của Cá thu. Nó cũng quặp ngay ở chóp đuôi, nhưng cái chỗ quặp này so với của Cá thu thì giống hơn nhiều.

– Xin ông hãy nhìn kỹ, – Kano Malta nói.

– Đây là đuôi thật của con mèo đã bỏ nhà đi. Còn cái đuôi của nó bây giờ là đuôi giả. Trông thì giống, nhưng nếu kiểm tra kỹ, ông sẽ thấy ngay là khác.

Tôi chìa tay ra định sờ cái đuôi, nhưng cô ta đã lôi phắt nó khỏi tay tôi. Thế rồi, vẫn trần truồng, cô ta nhảy lên một trong những cái bàn. Một giọt máu từ trên trần rỏ xuống lòng bàn tay đang chìa ra của tôi. Nó cũng đỏ thắm như chiếc mũ bằng vải vinyl của Kano Malta.

– Ông Okada à, con của Kano Creta tên là Corsica, – Kano Malta đứng trên bàn, vừa vẫy tít đuôi vừa nói.

– Corsica?

– Không ai là một hòn đảo giữa biển khơi… Ấy Corsica, – giọng của con chó mực Ushikawa chẳng hiểu từ đâu vẳng tới.

– Con của Kano Creta? Tôi thức dậy, mồ hôi đầm đìa như tắm.

Đã lâu lắm tôi không gặp giấc mơ nào vừa dài vừa sống động và nhất quán như vậy. Lại kỳ lạ nữa. Thức giấc hồi lâu rồi mà tim tôi vẫn đập thình thịch.

Tôi đi tắm nước nóng rồi thay bộ pijama mới. Mới sau 1 giờ sáng một chút nhưng tôi không buồn ngủ nữa. Để trấn tĩnh, tôi lấy từ trong chạn bếp ra một chai brandy cũ, rót một cốc uống cạn.

Đoạn tôi vào phòng ngủ tìm Cá thu. Con mèo đang cuộc tròn dưới chăn, ngủ như chết. Tôi khẽ kéo tấm chăn ra, cầm cái đuôi con mèo trong tay, nghiên cứu hình dạng của nó. Tôi miết ngón tay dọc theo cái đuôi, đang cố nhớ lại chính xác cái góc quặp của nó trước kia thì con mèo duỗi mình tỏ vẻ bực bội rồi lại ngủ. Giờ thì tôi không còn dám chắc đây đúng là cái đuôi mà con mèo từng có hồi nó còn mang tên Wataya Noboru. Không hiểu sao cái đuôi đằng sau mông Kano Malta dường như lại giống cái đuôi thật của mèo Wataya Noboru hơn nhiều. Hình dáng và mầu sắc của cái đuôi đó trong giấc mơ, tôi vẫn nhớ như in.

Con của Kano Creta tên là Corsica, Kano Malta đã nói vậy trong giấc mơ của tôi.

Ngày hôm sau tôi không đi đâu xa khỏi nhà. Buổi sáng, tôi mua thức ăn ở siêu thị cạnh nhà ga rồi làm bữa trưa. Tôi cho con mèo mấy con cá sardine lớn còn tươi. Buổi chiều tôi đi bơi ở hồ bơi gần nhà. Người đi bơi không đông, hẳn thiên hạ còn bận chuẩn bị đón Năm mới. Loa trên trần phát nhạc Giáng sinh. Tôi thong thả bơi được khoảng nghìn mét thì bị chuột rút ở chân, liền thôi. Bức tường trông ra hồ bơi treo một món đồ trang trí Giáng sinh to.

Về nhà, tôi ngạc nhiên thấy có thư gửi cho mình, một bức thư dày. Không nhìn địa chỉ người gửi, tôi đã biết đó là ai. Người duy nhất viết thư cho tôi bằng những con chữ viết tay nắn nót tuyệt đẹp đó chỉ có thể là trung úy Mamiya.

Đầu thư, ông hết lời xin lỗi về việc đã im hơi lặng tiếng quá lâu kể từ bức thư lần trước. Ông dùng những cách diễn đạt cực kỳ lễ phép đến nỗi tôi hầu như cảm thấy chính mình mới là người phải xin lỗi.

Lâu nay tôi vẫn muốn kể cho ông một phần khác trong câu chuyện của tôi, hàng mấy tháng trời tôi cứ định sẽ viết thư cho ông, nhưng có nhiều việc xảy ra khiến tôi không thể ngồi vào bàn cầm lấy bút. Nay, ngoảnh đi ngoảnh lại thấm thoắt đã gần hết năm. Thế mà tôi ngày một già hơn, chẳng biết chết khi nào. Tôi không thể nấn ná việc ấy mãi. E rằng thư này dài, mong rằng không quá dài đối với ông, thưa ông Okada.

Khi đưa kỷ vật của ông Honda cho ông hồi mùa hè năm ngoái, tôi đã kể cho ông nghe một câu chuyện dài về thời gian tôi ở Mông Cổ, nhưng thật ra chuyện còn nhiều nữa, còn có phần tiếp theo, có thể nói vậy. Có một vài lí do vì sao tôi không kể luôn phần đó cho ông hồi năm ngoái. Trước tiên, nếu kể hết ra thì sẽ quá dài. Ông chắc còn nhớ, khi đó tôi có vài việc gấp nên không có thì giờ kể hết mọi chuyện với ông. Nhưng có lẽ quan trọng hơn là lúc đó tôi vẫn chưa sẵn sàng về mặt cảm xúc để kể hết phần còn lại của câu chuyện cho bất cứ ai, để kể lại câu chuyện một cách trọn vẹn và trung thực.

Tuy nhiên, sau khi rời khỏi nhà ông, tôi nhận ra rằng lẽ ra không nên để những vấn đề thực tế trước mắt ngăn cản tôi. Lẽ ra tôi phải kể cho ông đến cuối cùng, không che dấu.

Tôi bị dính một viên đạn súng máy trong trận đánh ác liệt vào ngày 13 tháng Tám năm 1945 ở vùng ngoại ô Hailar, và trong khi nằm trên mặt đất, bánh xích một chiếc tăng T34 của Liên Xô đã đè nát bàn tay trái tôi. Họ chuyển tôi lúc đó đã mê man bất tỉnh đến quân y viện Xô Viết ở Chita, ở đó các bác sĩ phẫu thuật đã cứu sống tôi. Như tôi đã nói trước đây, tôi được điều động vào cục Bản đồ quân sự thuộc Bộ tổng tư lệnh quân đội Quan Đông tại Tân Kinh, đơn vị này được chỉ thị ngay khi Liên Xô tuyên chiến với Nhật thì phải lập tức lui về hậu phương. Tuy nhiên, vì đã quyết chết, tôi xin được chuyển sang đơn vị ở Hailar gần biên giới, phơi mình trước pháo, mìn trong tay xông lên tấn công xe tăng Xô Viết. Tuy nhiên, như ông Honda đã tiên đoán lúc ở trên bờ sông Khalkha, tôi không thể chết dễ dàng như vậy. Tôi đã mất một bàn tay nhưng mất mạng thì không. Tất cả những người dưới quyền tôi lúc đó hẳn đều chết. Có thể chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng đó là một cuộc tấn công ngu xuẩn, tự sát. Những quả mìn cầm tay nhỏ xíu của chúng tôi chẳng làm gì nổi một chiếc T34 to lớn.

Lí do duy nhất để người Liên Xô cứu chữa tôi là khi nằm bất tỉnh tôi đã nói điều gì đó bằng tiếng Nga. Đó là về sau họ bảo tôi vậy. Như tôi có kể với ông, tôi đã học tiếng Nga căn bản. Công việc ở sở chỉ huy tại Tân Kinh cho tôi rất nhiều thời gian rảnh, thế là tôi tận dụng thời gian đó để nâng cao trình độ tiếng Nga. Tôi học rất chăm chỉ, nên tới khi chiến tranh sắp kết thúc thì tôi đã có thể nói tiếng Nga lưu loát. Ở Tân Kinh có nhiều người Bạch Nga sinh sống, tôi lại có quen biết vài cô hầu bàn người Nga, thành thử tôi chẳng bao giờ thiếu dịp thực tập. Hẳn là khi bất tỉnh, tôi đã buột miệng tuôn tiếng Nga ra một cách hoàn toàn tự nhiên.

Quân đội Xô Viết ngay từ đầu đã có kế hoạch đưa về Siberia bất cứ tù binh nào bắt được ở Mãn Châu để cưỡng bức lao động, cũng như họ đã làm với tù binh Đức sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Người Liên Xô có thể là phe thắng trận, nhưng chiến tranh kéo dài đã khiến nền kinh tế của họ lâm vào khủng hoảng sâu sắc: đâu đâu cũng gặp tình trạng thiếu nhân công.

Dùng tù nhân để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực nam giới trưởng thành được họ coi là nhiệm vụ ưu tiên. Muốn vậy họ cần có thông dịch, mà số lượng thông dịch thì cực kỳ ít ỏi. Khi thấy tôi hình như nói được tiếng Nga, họ liền đưa tôi đến quân y viện ở Chita thay vì để mặc tôi chết. Giá tôi không lắp bắp điều gì đó bằng tiếng Nga thì chắc người ta đã để mặc tôi nằm chết trên bờ sông Hailar rồi. Người ta sẽ chôn tôi vào một nấm mồ không mộ chí, và thế là hết. Số mệnh thật lạ lùng làm sao! Sau đó người ta tiến hành điều tra gắt gao nhân thân tôi và giáo dục tư tưởng tôi trong vòng mấy tháng rồi đưa tôi đến một mỏ than ở Siberia để làm thông dịch viên. Tôi sẽ bỏ qua các chi tiết về thời kỳ đó, duy về việc giáo dục tư tưởng thì xin được nói điều này. Từ hồi sinh viên trước chiến tranh, tôi đã đọc một vài cuốn sách bị cấm của Marx, cố giấu không cho cảnh sát thấy. Tôi không hẳn là hoàn toàn có ác cảm với chủ nghĩa cộng sản, chỉ có điều tôi đã thấy quá nhiều chuyện nên không thể nào nuốt trôi cái chủ nghĩa đó được. Nhờ công việc của nhóm chúng tôi có quan hệ với bên tình báo nên tôi biết rất rõ Stalin và các chế độ độc tài bù nhìn do ông ta dựng nên đã có những hành vi tàn bạo như thế nào ở Mông Cổ. Ngay sau Cách mạng, hàng vạn nhà tu hành, địa chủ và những người chống đối chế độ đã bị đưa vào trại tập trung, ở đó họ bị sát hại một cách tàn bạo. Chuyện như vậy cũng xảy ra ngay tại Liên Xô. Thậm chí dù tôi có thể tin ở ý thức hệ cộng sản, tôi vẫn không thể nào tin ở những con người hay cái hệ thống đang đảm nhận việc biến cải ý thức hệ và các nguyên lý đó thành thực tế.

Tôi cũng cảm thấy vậy đối với những gì người Nhật chúng ta đã làm ở Mãn Châu. Tôi tin chắc ông không thể nào hình dung có bao nhiêu công nhân Trung Hoa đã bị giết trong quá trình xây dựng căn cứ bí mật ở Hailar, giết để bịt miệng họ, để giữ bí mật cho kế hoạch xây dựng căn cứ.

Ngoài ra tôi đã chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp khi viên sĩ quan Nga cùng các tay chân người Mông Cổ của y lột da một người sống. Tôi đã bị ném xuống một cái giếng ở Mông Cổ, và trong cái ánh sáng kỳ lạ, mãnh liệt đó tôi đã mất hết niềm ham sống. Làm sao một người như tôi có thể tin vào ý thức hệ và chính trị được? Tôi làm thông dịch, tức làm trung gian liên lạc giữa các tù binh Nhật làm việc tại mỏ với những người Liên Xô giam giữ họ. Tôi không biết ở những trại tập trung Siberia khác thì sao, nhưng ở mỏ than nơi tôi làm việc, ngày nào cũng có người chết: đói ăn, làm quá sức, sập hầm, chết đuối khi hầm bị ngập nước, điều kiện vệ sinh tồi tệ khiến bệnh dịch tràn lan; cái lạnh mùa đông khủng khiếp đến không thể tin được; những cai tù hung hãn, chỉ một kháng cự nhỏ nhất là đàn áp tàn bạo. Có cả những trường hợp người Nhật bị hành hình tập thể(13) bởi chính người Nhật, đồng bào của mình. Trong hoàn cảnh đó, người ta chỉ có thể thù ghét, nghi kỵ nhau, sợ hãi và tuyệt vọng.

Mỗi khi số người chết tăng đến mức lực lượng lao động sụt giảm, người ta lại đưa đến hàng đoàn tàu chật ních những tù binh chiến tranh mới. Họ ăn mặc rách rưới, kiệt quệ vì đói khát, một phần lớn sẽ chết trong vòng vài tuần đầu vì không chịu nổi điều kiện khắc nghiệt ở mỏ. Những người chết bị ném vào các hầm lò bỏ không. Không thể đào hố chôn tất cả được. Đất đóng băng quanh năm, cứng ngắc, xẻng không làm mẻ được. Vì vậy các hầm lò bỏ không là nơi lí tưởng để thanh lí xác chết. Chúng vừa sâu vừa tối, và do khí hậu lạnh nên không bốc mùi. Lâu lâu chúng tôi lại phủ một lớp than lên đống xác. Khi một hầm lò đã đầy xác, người ta lấy đất đá bịt kín lại rồi chuyển sang hầm khác.

Không chỉ người chết mới bị ném xuống hầm lò. Đôi khi cả người sống cũng bị ném xuống, để dạy những người còn lại một bài học. Bất cứ người lính Nhật nào có dấu hiệu phản kháng đều bị lính canh Liên Xô bắt đi, đánh thừa sống thiếu chết, bẻ chân tay rồi ném xuống đáy hố đen kịt. Đến giờ tai tôi vẫn còn nghe những tiếng thét thảm thiết đó. Thật là địa ngục trần gian.

Mỏ này được coi là một cơ sở có tầm quan trọng chiến lược, do các phái viên Trung ương Đảng cử xuống điều hành, được quân đội canh gác vô cùng cẩn mật. Nhân vật cao cấp nhất nghe nói là đồng hương với Stalin, một cán bộ đảng còn trẻ đầy tham vọng, nghiệt ngã và lạnh lùng. Mối quan tâm duy nhất của y là nâng cao sản lượng. Việc tiêu hao nhân lực chẳng là gì đối với y. Chỉ cần sản lượng tăng, Trung ương Đảng sẽ công nhận mỏ của y là gương mẫu và thưởng bằng cách bổ sung nhân lực cho y nhiều hơn nơi khác. Thành thử bao nhiêu nhân công bỏ mạng là lập tức có bấy nhiêu người thay thế. Để tăng sản lượng, y cho phép đào cả những vỉa mà nếu trong hoàn cảnh bình thường thì sẽ bị coi là quá nguy hiểm. Đương nhiên là số tai nạn ngày càng tăng, nhưng y không quan tâm.

Tay giám đốc không phải là kẻ nhẫn tâm duy nhất cai quản cái mỏ này. Hầu hết cai tù trong mỏ vốn là tội phạm, vô giáo dục, hung bạo và tàn độc khủng khiếp. Ở họ hoàn toàn không thấy có chút gì là cảm thông hay tình thương, dường như vì đã sống bao nhiêu năm ở chốn tận cùng Trái Đất này, họ đã bị cái lạnh tàn nghiệt vùng Siberia biến thành những sinh vật dưới mức người.

Phạm tội phải ngồi tù ở Siberia quá lâu, đến khi mãn hạn họ không còn nhà cửa hay gia đình nào để quay về. Họ lấy người địa phương, sinh con đẻ cái và cắm rễ vào mảnh đất Siberia.

Bị đưa đến mỏ làm việc không chỉ có tù binh Nhật. Còn có nhiều tội phạm người Nga nữa, là các tù nhân chính trị và cựu sĩ quan quân đội, nạn nhân các chiến dịch thanh trừng của Stalin. Không ít người trong số đó có giáo dục cao, rất có phẩm cách. Trong số người Nga có rất ít phụ nữ và trẻ em, hẳn là thành viên còn sót lại của gia đình các chính trị phạm. Người ta buộc họ làm những việc như hót rác, giặt giũ, vân vân. Các phụ nữ trẻ thường bị bắt làm điếm. Ngoài người Nga, các đoàn tàu còn chở tới người Ba Lan, người Hungari và những nước khác, một vài trong số đó có màu da sẫm, chắc là người Armenia hay người Kurd. Trại chia làm ba khu: khu lớn nhất giam các tù binh Nhật, khu dành cho các tội phạm và tù binh khác, và khu dành cho những người không phải tội phạm. Sống ở khu này là các thợ mỏ bình thường và chuyên gia về mỏ, các sĩ quan và cai tù, một số người có gia đình, và các công dân Nga bình thường khác. Còn có một đồn lính lớn gần nhà ga. Các tù binh chiến tranh và tù nhân khác bị cấm không được rời khỏi khu dành cho họ. Các khu ngăn cách với nhau bằng hàng rào kẽm gai, luôn có lính đi tuần, mang súng máy.

Là thông dịch có nhiệm vụ liên lạc, tôi phải đến ban tham mưu hàng ngày nên được phép đi từ khu này sang khu kia nhưng phải trình giấy phép. Gần ban tham mưu là ga xe lửa và một cái gọi là thị trấn nhưng chỉ có một con phố duy nhất, hai bên là dăm ba cửa hàng nhếch nhác, một quán bar, một nhà trọ cho các quan chức và sĩ quan cao cấp đi thị sát. Quảng trường thị trấn bốn phía là những máng nước cho ngựa, chính giữa là một lá cờ đỏ lớn của Liên bang Xô Viết treo trên cột cờ. Dưới lá cờ là một chiếc xe bọc thép, có súng máy, tựa mình lên súng bao giờ cũng có một tay lính trẻ vẻ chán ngán, trang bị tận răng. Quân y viện mới xây nằm ở đầu bên kia quảng trường, trước cổng có một bức tượng Iosip Stalin to tướng.

Có một người mà tôi phải kể với ông. Tôi gặp hắn vào mùa xuân năm 1947, có lẽ vào đầu tháng Năm khi tuyết đã tan hẳn. Một năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi tôi được đưa đến mỏ. Khi tôi gặp người đó lần đầu tiên, hắn đang mặc một thứ đồng phục người ta phát cho mọi tù nhân người Nga. Hắn đang cùng một nhóm khoảng mười người Nga làm công việc sửa chữa ở nhà ga. Họ dùng búa tạ đập vỡ đá rồi trải các mảnh đá vừa đập lên mặt đường. Tiếng búa nện chát chúa vào đá cứng vang rền khắp nơi. Tôi vừa đi nộp báo cáo lên ban tham mưu về thì đi ngang qua nhà ga. Viên trung sĩ đang chỉ huy công việc chặn tôi lại yêu cầu xuất trình giấy thông hành. Tôi rút trong túi ra đưa cho y. Tay trung sĩ, người to lớn dềnh dàng, nhìn soi mói tờ giấy thông hành hồi lâu với vẻ nghi hoặc, nhưng rõ ràng y không biết đọc. Y gọi một trong các tù nhân đang làm việc trên mặt đường, bảo người này đọc to tờ giấy lên. Người tù này không như những người khác trong nhóm: ông ta mang dáng dấp người có học. Và đó chính là hắn. Khi nhìn thấy hắn, tôi cảm thấy như mặt mình đã kiệt hết máu. Tôi hầu như không thở được. Tôi có cảm giác mình đang chết đuối. Muốn thở mà không thở được.

Người tù có học này không ai khác hơn là viên sĩ quan Nga đã ra lệnh cho đám lính Mông Cổ lột da sống Yamamoto trên bờ sông Khalkha. Nay thì hắn gầy yếu, gần như hói trụi, mất một răng cửa. Thay vì bộ quân phục sĩ quan sạch như lau như li, hắn vận bộ quần áo tù bẩn thỉu, và thay vì đôi bốt sáng choang, hắn mang đôi giày vải thủng lỗ chỗ. Cặp tròng kính hắn trầy sướt, đầy cáu ghét, gọng kính cong vẹo. Thế nhưng không nghi ngờ gì nữa, đó chính là hắn. Không thể nào tôi lại nhận lầm hắn. Còn hắn, hắn cũng nhìn chòng chọc vào tôi, rõ ràng hắn tò mò không hiểu sao tôi lại đứng đực ra nhìn hắn như thế. Cũng như hắn, tôi đã già đi, đã tiều tụy đi nhiều trong chín năm qua. Thậm chí tóc tôi còn có mấy sợi bạc. Nhưng dẫu sao hình như hắn cũng nhận ra tôi. Một nét sửng sốt lộ ra trên mặt hắn. Hẳn là hắn cứ tưởng tôi đã chết rục xương dưới đáy cái giếng nào đó ở Mông Cổ rồi.

Còn tôi, dĩ nhiên tôi cũng không thể nào ngờ sẽ lại gặp hắn vận quần áo tù trong một mỏ than ở Siberia.

Chỉ một thoáng sau hắn đã trấn tĩnh lại, điềm nhiên đọc to cho gã trung sĩ cổ đeo súng máy kia nghe nội dung tờ giấy thông hành của tôi: rằng tên tôi là gì, rằng nghề của tôi là thông dịch, rằng tôi được phép đi lại từ khu này sang khu kia, vân vân. Tay trung sĩ trả lại tờ giấy thông hành và hất cằm ra hiệu bảo tôi đi. Tôi bước tới một đoạn thì ngoái đầu lại. Gã đàn ông kia đang nhìn tôi. Dường như hắn thoáng mỉm cười, nhưng có thể ấy chỉ là tôi tưởng tượng ra. Chân tôi run, mãi một lúc tôi không sao đi thẳng được. Cơn ác mộng khủng khiếp tôi từng nếm trải chín năm về trước chỉ trong nháy mắt bỗng sống lại rõ ràng, sống động trước mắt tôi.

Tôi đoán rằng người đó đã bị thất sủng nên mới bị tống vào trại tù Siberia này. Những chuyện như vậy chẳng hiếm ở Liên Xô vào thời ấy. Trong nội bộ chính phủ, đảng và giới quân sự thường xuyên diễn ra những cuộc đấu đá khốc liệt, và Stalin, vốn đa nghi tới mức bệnh hoạn, truy bức những người thua cuộc một cách không thương tiếc. Những người đó bị tước mọi chức vụ, cấp bậc, bị xét xử chiếu lệ ở những phiên tòa cho có, rồi hoặc bị hành hình hoặc bị đưa vào trại tập trung, đường nào tốt hơn thì chỉ có Chúa mới biết. Bởi thoát chết thì cũng chỉ còn nước lao động khổ sai, nghiệt ngã đến không tưởng tượng nổi. Tù binh Nhật chúng tôi ít nhất cũng còn hy vọng được trở về quê hương nếu như sống sót, nhưng đám người Nga bị lưu đày kia không có niềm hy vọng ấy. Cũng như những kẻ khác, người này rồi cũng sẽ chết rục xương trên đất Siberia thôi.

Duy có một điều khiến tôi lo, đó là hắn biết tên tôi, biết tôi ở đâu. Hồi trước chiến tranh tôi đã vô tình tham gia điệp vụ bí mật cùng với tay điệp viên Yamamoto, vượt sông Khalkha vào lãnh thổ Mông Cổ để hoạt động gián điệp. Nếu hắn tiết lộ thông tin này ra thì tôi sẽ rơi vào hoàn cảnh rất bất lợi.

Tuy nhiên, hắn đã không tố giác tôi. Mãi về sau tôi mới biết, lúc ấy hắn đã có những kế hoạch lớn hơn nhiều dành cho tôi.

Một tuần sau tôi lại gặp hắn ngoài nhà ga. Hắn vẫn bị xiềng, vẫn mặc bộ quần áo tù dơ dáy đó, đang dùng búa đập đá. Tôi nhìn hắn, hắn nhìn tôi.

Hắn đặt búa xuống đất rồi đứng dậy quay về phía tôi, vươn thẳng người cao lớn như khi hắn còn mặc quân phục. Lần này, không nghi ngờ gì nữa trên mặt hắn nở nụ cười, tuy chỉ khẽ nhếch nhưng vẫn là nụ cười, trong nụ cười có một ánh tàn độc khiến tôi lạnh xương sống. Đó chính là vẻ mặt khi hắn quan sát Yamamoto bị lột da sống. Tôi bước ngang qua, không nói gì.

Trong số các sĩ quan ban tham mưu quân đội Xô Viết ở trại có một người tôi chơi thân. Cũng như tôi, ông này là chuyên gia địa lý, học ở đại học tại Leningrad. Hai chúng tôi cùng tuổi, cùng yêu thích công việc vẽ bản đồ, nên thỉnh thoảng chúng tôi lại tìm cớ này cớ nọ để trao đổi về nghề nghiệp.

Cá nhân ông ta rất quan tâm đến các bản đồ chiến lược của vùng Mãn Châu mà đội quân Quan Đông đã thực hiện. Dĩ nhiên, chúng tôi không thể nói những chuyện như vậy khi có mặt cấp trên ông ta. Chỉ những khi họ vắng mặt, chúng tôi mới có thể thoải mái bàn đến vấn đề chuyên môn này. Thỉnh thoảng ông ta lại cho tôi đồ ăn hoặc cho tôi xem ảnh vợ con ông đang sống ở Kiev. Ông là người Nga duy nhất mà tôi có thể kết bạn trong suốt thời gian bị giam giữ ở Liên Xô.

Một lần, làm như tình cờ, tôi hỏi ông ta về những người tù làm việc cạnh nhà ga. Tôi thấy trong số đó có một người không giống người tù binh thường, tôi bảo vậy: hình như người đó từng giữ một vị trí quan trọng. Tôi mô tả ngoại hình người đó. Viên sĩ quan – ông ta tên là Nikolai – liền cau mày nói: – Chắc đó là Boris Lột da. Tốt nhất là anh đừng dính dáng gì đến hắn.

– Tại sao? – tôi hỏi.

Nikolai có vẻ ngần ngừ không muốn nói thêm, nhưng ông ta biết tôi còn có thể giúp ích cho ông ta, nên ông miễn cưỡng cho tôi biết vì sao Boris Lột da lại bị đưa tới mỏ này.

– Đừng nói với ai là tôi kể với anh đấy, – ông cảnh cáo.

– Thằng cha đó nguy hiểm lắm. Tôi không đùa đâu. Có cầm sào đứng cách hắn ba thước tôi cũng không dại gì đụng vào hắn.

Nikolai kể như sau. Tên thật của Boris Lột da là Boris Gromov. Đúng như tôi nghĩ, hắn từng là thiếu tá trong NKVD(14). Khi Choybalsan chiếm chính quyền tại Mông Cổ và lên làm thủ tướng vào năm 1938, Gromov được cử đến Ulan Bator làm cố vấn quân sự. Tại đó, hắn tổ chức cơ quan cảnh sát mật của Mông Cổ theo mô hình NKVD của Beria và tỏ ra nổi bật trong việc đàn áp các lực lượng phản cách mạng. Bọn họ tổ chức vây ráp bắt người, ném vào trại tập trung, tra tấn, và chỉ cần một chút nghi ngờ là thủ tiêu lập tức.

Ngay khi trận Nomonhan kết thúc và tình hình khủng hoảng tại Viễn Đông tạm yên, Boris được triệu hồi về Mátxcơva và bổ nhiệm sang miền Đông Ba Lan lúc đó do quận đội Xô Viết chiếm đóng, ở đó hắn đảm nhiệm việc thanh trừng quân đội cũ Ba Lan. Chính ở đó hắn đã có biệt danh Boris Lột da. Hắn có kiểu tra tấn đặc biệt là lột da người sống. Hắn có một bộ hạ chuyên làm việc này, nghe nói đem từ Mông Cổ sang. Khỏi phải nói, người Ba Lan sợ hắn kỳ chết. Bất cứ ai đã tận mắt chứng kiến kẻ khác bị lột da sống đều sẽ khai tuốt tuột không thiếu một cái gì. Khi quân Đức bất ngờ tràn qua biên giới và chiến tranh Xô – Đức nổ ra, hắn rút lui từ Ba Lan về Mátxcơva. Thời đó rất nhiều người bị bắt vì tình nghi cộng tác với Hitler.

Họ bị hành quyết hay tống vào trại giam. Ở đây, một lần nữa Boris nổi lên là cánh tay phải của Beria, chuyên sử dụng đòn tra tấn đặc biệt của mình.

Stalin và Beria phải bịa ra thuyết nội gián nhắm lấp liếm trách nhiệm của chính họ là đã không tiên đoán được cuộc tấn công bất ngờ của phát xít Đức và cũng nhằm củng cố quyền lãnh đạo của họ. Nhiều người đã chết chẳng vì bất cứ cái gì trong những cuộc điều tra tàn bạo. Nghe nói Boris và thuộc hạ của hắn đã lột da ít nhất năm người, lại có lời đồn đại rằng hắn rất kiêu hãnh trưng những tấm da người kia lên khắp các bức tường phòng làm việc của mình.

Boris tàn bạo là thế nhưng cũng là người cực kỳ cẩn trọng, chính vì vậy hắn mới sống sót sau bao nhiêu âm mưu và cuộc thanh trừng. Beria yêu hắn như con. Nhưng có lẽ chính vì vậy hắn quá tự tin mà đi lỡ trớn. Sai lầm ấy quả thật là sai lầm chí mạng. Hắn bắt giam chỉ huy một tiểu đoàn thiết giáp do tình nghi người này đã bí mật liên lạc với một trong các tiểu đoàn thiết giáp của Hitler trong một trận đánh ở Ukraina. Hắn tra tấn anh ta bằng cách lấy thanh sắt nung đỏ chọc vào bất cứ chỗ nào có lỗ trên người: tai, lỗ mũi, trực tràng, dương vật vân vân, rồi giết chết người này. Nhưng hóa ra viên sĩ quan này là cháu ruột một quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản. Chưa hết, khi ban tham mưu Hồng quân tiến hành điều tra đến nơi đến chốn thì mới phát hiện rằng anh ta hoàn toàn vô tội. Dĩ nhiên là vị quan chức kia nổi trận lôi đình, còn lãnh đạo Hồng quân cũng không thể im lặng khi thanh danh mình đã bị một vết nhơ như vậy. Lần này ngay cả Beria cũng không bảo vệ được Boris. Hắn bị cách chức, đưa ra tòa, cả hắn và tên trợ thủ người Mông Cổ bị kết án tử hình. Tuy nhiên NKVD đã làm mọi cách để can thiệp, kết quả là Boris được giảm án thành lao động khổ sai ở một trại tập trung (mặc dù tên tay chân thì bị treo cổ). Beria gửi vào tù cho Boris một bức mật thư hứa sẽ gây tác động trong quân đội và đảng để Boris chỉ cần ngồi trong trại một năm là sẽ được đưa ra và phục hồi địa vị. Ít nhất thì đấy là những gì Nikolai kể.

– Giờ anh biết rồi đó, – Nikolai hạ giọng nói với tôi, – ai cũng nghĩ rằng Boris lúc nào đó rồi cũng sẽ trở về Mátxcơva, rằng chẳng bao lâu nữa Beria sẽ cứu hắn thôi. Đúng là Beria phải thận trọng, bởi trại này vẫn đang được quân đội và đảng điều hành. Nhưng không ai trong chúng ta có thể yên tâm đâu. Gió có thể đổi chiều bất cứ lúc nào. Mà khi gió đã đổi chiều thì kẻ nào trót rắn tay với hắn ở đây sẽ gặp khốn đấy. Trên đời này không thiếu gì thằng ngu, nhưng không ai ngu tới mức tự ký bản án tử hình cho mình.

Thành thử tất cả bọn tôi đi qua hắn đều phải nhón chân. Hắn là khách danh dự ở đây. Dĩ nhiên chúng tôi không thể cho hắn được kẻ hầu người hạ và đối xử với hắn như trong khách sạn. Bề ngoài thì chúng tôi xích chân hắn, cho hắn đập vài hòn đá, nhưng thật ra hắn có phòng riêng, muốn rượu có rượu, muốn thuốc lá có thuốc lá. Nếu anh hỏi hắn là giống gì, tôi sẽ bảo hắn là rắn độc. Để hắn sống chẳng tốt lành cho ai hết. Giá như có ai nửa đêm lén vào cắt cổ hắn đi cho xong.

Mấy hôm sau, khi tôi đi ngang qua nhà ga, tay trung sĩ to xác lại chặn tôi.

Tôi dợm đưa giấy thông hành ra, nhưng y lắc đầu và bảo tôi đến văn phòng trưởng ga. Chẳng hiểu chuyện gì, nhưng tôi vẫn đi, đến nơi thì gặp không phải trưởng ga mà là Boris Gromov. Hắn ngồi uống trà ở bàn đợi tôi tới. Tôi chết điếng trên ngưỡng cửa. Hắn không bị cùm chân nữa. Hắn đưa tay ra hiệu cho tôi vào.

– Xin chào trung úy Mamiya! Bao nhiêu năm rồi mới gặp nhau, – hắn vui vẻ nói, miệng cười toe toét. Hắn mời tôi một điếu thuốc, nhưng tôi lắc đầu.

– Chính xác là chín năm, – hắn vừa nói vừa châm thuốc.

– Hay là tám năm? Mà thôi, có gì khác nhau. Cái chính là anh vẫn sống và khỏe mạnh. Gặp lại bạn cũ mới hạnh phúc làm sao chứ! Nhất là sau cuộc chiến tranh khủng khiếp nhường đó. Anh đồng ý không? Mà làm cách nào anh thoát ra khỏi cái giếng đó vậy? Tôi chỉ đứng đó, không nói gì.

– Thôi được, không sao cả. Quan trọng là anh đã thoát ra được. Rồi anh mất một bàn tay ở đâu đó. Rồi lại học nói được tiếng Nga lưu loát thế kia! Tuyệt lắm, cừ lắm. Mất một bàn tay thì đã sao… Cái chính là anh vẫn còn sống.

– Có phải là do ý tôi đâu, – tôi đáp.

Boris cười ha hả.

– Trung úy Mamiya à, anh là người thú vị lắm. Thật ra anh có muốn sống đâu, thế mà anh đang sống sờ sờ ra ở đây. Phải, đúng là thú vị thật. Nhưng không dễ lừa tôi đâu. Người bình thường không ai thoát khỏi cái giếng sâu đó một mình được, đã thoát mà lại còn biết đường vượt sông trở về Mãn Châu. Nhưng đừng lo, tôi không kể với ai đâu.

Thôi, về chuyện anh thế là đủ rồi. Giờ để tôi kể cho anh về tôi. Như anh biết đó, tôi đã mất chức, giờ chỉ là một tù nhân quèn trong trại tập trung. Nhưng tôi không định ở lại trốn khỉ ho cò gáy này mà đập đá suốt đời đâu. Tôi vẫn có thế lực ở Trung ương Đảng như hồi nào đến giờ, và tôi đang dùng thế lực đó để từng ngày một nâng cao vị thế của tôi ở đây. Vì vậy tôi sẽ nói rất chân thành với anh rằng tôi muốn có quan hệ tốt với các tù binh Nhật. Năng suất của mỏ này tùy thuộc vào các anh, vào quân số và sức làm của các anh.

Nếu không đếm xỉa đến sức mạnh của các anh, trong đó có cả anh, trung úy Mamiya, chúng tôi sẽ không đạt được gì hết. Tôi muốn anh giúp tôi bằng những gì anh có. Anh từng là sĩ quan tình báo của đội quân Quan Đông, là một người rất can đảm. Anh nói tiếng Nga lưu loát. Nếu anh làm người liên lạc cho tôi, tôi sẽ có thể giúp anh và các đồng bào anh. Đề nghị này không đến nỗi tồi đâu. – tôi chưa bao giờ là gián điệp, cũng không bao giờ có ý định làm gián điệp, – tôi tuyên bố. – tôi không yêu cầu anh làm gián điệp, – Boris nói như để trấn an tôi. – tôi chỉ nói rằng tôi có thể giúp cho các anh được dễ thở hơn. Tôi đề nghị cải thiện quan hệ, và anh sẽ là người trung gian giữa hai bên. Nếu hợp sức lại, chúng ta có thể lật đổ cái thằng chó dái người Gruzia Ủy viên bộ chính trị kia. Tôi làm vậy được đấy, đừng có tưởng! Mà tôi biết người Nhật các anh cũng căm thù hắn tận xương tủy. Một khi khử được hắn rồi, phía các anh sẽ có thể được tự quản một phần, có thể thành lập các ủy ban này nọ, có thể có tổ chức riêng của mình. Chừng đó thì ít nhất đám lính canh cũng không còn dám đối xử thô bạo với các anh bất cứ lúc nào tùy thích. Đã bao lâu nay các anh chỉ mong được thế thôi, phải không? Điều đó thì Boris nói đúng. Chúng tôi đã kiến nghị lên ban lãnh đạo trại về những chuyện đó từ lâu nhưng họ luôn luôn bác bỏ thẳng thừng.

– Đổi lại ông muốn tôi làm gì? – tôi hỏi.

– Hầu như chẳng phải làm gì hết, – hắn cười toe toét, giang rộng hai tay ra. – tôi chả cần gì hơn là quan hệ thân thiện với tù binh Nhật các anh. Tôi cần loại bỏ một số đồng chí của mình vì không tìm được tiếng nói chung, mà muốn vậy tôi cần các anh hợp tác với tôi. Chúng ta có nhiều lợi ích chung, vậy tại sao chúng ta không hợp sức để hai bên cùng được hưởng? Người Mỹ nói thế nào ấy nhỉ? Give and take. Có qua có lại. Nếu anh hợp tác với tôi, tôi sẽ không làm gì bất lợi cho anh cả. Tôi sẽ không đâm sau lưng anh đâu. Dĩ nhiên tôi biết, tôi không có quyền yêu cầu anh phải ưa tôi. Giữa chúng ta đã có những chuyện không hay gì, hẳn là vậy rồi. Nhưng tôi trông vậy thôi chứ là người tự trọng. Tôi luôn luôn giữ lời hứa. Chuyện gì đã qua thì cho nó qua đi.

Anh cứ về mà suy nghĩ về đề nghị của tôi đi, mấy hôm nữa hãy trả lời dứt khoát với tôi. Cứ thử xem. Các anh đâu có gì để mất, đúng không nào? Mà này, hãy nhớ rằng chuyện đó chỉ có thể nói với những người anh biết chắc chắn là đủ để tin cậy được. Có vài người trong các anh là chỉ điểm cho tay Ủy viên Bộ chính trị. Đừng để chúng hóng hớt được chuyện này. Nếu lộ ra thì sẽ gay go đấy. Thế lực của tôi ở đây tạm thời chỉ có hạn thôi.

Về lại khu của mình, tôi chọn ra một người để bàn về lời đề nghị của Boris.

Người này nguyên là đại tá trong quân đội, một kẻ gan lì và có đầu óc sắc sảo. Là chỉ huy một đơn vị từng cố thủ trong pháo đài trên núi Khingan, cương quyết không giương cờ trắng ngay cả khi Nhật đã đầu hàng, nay ông là thủ lĩnh không chính thức của các tù binh Nhật trong trại, một thế lực mà người Nga cần phải tính tới. Tôi giấu không kể với ông ta về chuyện Yamamoto bị lột da sống trên bờ sông Khalkha, chỉ nói rằng Boris từng là sĩ quan cao cấp trong lực lượng cảnh sát mật và giải thích về đề nghị của hắn.

Viên đại tá hình như quan tâm đến ý tưởng thanh toán tay Ủy viên Bộ chính trị cầm đầu trại và giành lấy ít nhiều quyền tự trị cho tù binh Nhật. Tôi nhấn mạnh rằng Boris là một tay có máu lạnh, một kẻ cực kỳ nguy hiểm, tay tổ về những trò lừa đảo và mưu ma chước quỷ, kẻ như vậy thì chớ bao giờ nhắm mắt tin. Có thể anh nói đúng – đại tá nói – Nhưng thằng Ủy viên Bộ chính trị thì cũng vậy thôi, ta chẳng có gì để mất. Ông có lý. Dù vụ này có vỡ lở đi nữa thì mọi chuyện cũng chẳng thể nào tồi tệ hơn hiện thời, tôi nghĩ. Song tôi đã lầm to! Địa ngục thì chẳng bao giờ có đáy.

Mấy ngày sau tôi thu xếp được một cuộc gặp riêng giữa Boris và ông đại tá tại một nơi kín đáo. Tôi làm thông dịch. Cuộc thảo luận kéo dài ba mươi phút, kết quả là hai bên đạt được một thỏa thuận bí mật và bắt tay nhau. Tôi không có cách nào biết những gì xảy ra sau đó. Hai bên không tiếp xúc trực tiếp để tránh gây chú ý, chỉ trao đổi thư từ viết bằng mật mã thông qua một kênh bí mật nào đó. Vai trò trung gian của tôi đến đó là hết. Thế cũng tốt đối với tôi. Tôi không muốn dính dáng gì tới Boris nữa. Mãi về sau tôi mới hiểu, gì chứ chuyện đó thì không thể.

Như Boris đã hứa, khoảng một tháng sau Trung ương Đảng triệu hồi tay Ủy viên Bộ chính trị người Gruzia, hai ngày sau thì cử tới một ủy viên mới để thay thế. Sau đó hai ngày nữa thì ba tù binh Nhật bị siết cổ chết giữa đêm khuya. Người ta phát hiện được xác họ treo trên xà nhà để trông tuồng như tự sát, nhưng rõ ràng họ đã bị những người Nhật khác thanh toán. Ba người này hẳn là các tay chỉ điểm mà Boris đã nói. Chẳng ai tiến hành điều tra vụ việc. Đến khi đó thì Boris đã nắm toàn bộ trại trong tay mình.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 01 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 02 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 03 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 04 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 05 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 06 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 07 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 08 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 09 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 10 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 11 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 12 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 13 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 14 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 15 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 16 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 17 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 18 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 19 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 20 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 21 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 22 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 23 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 24 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 25 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 26 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 27 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 28 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 29 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 30 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 31 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 32 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 33 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 34 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 35 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 36 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 37 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 38 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 39 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 40 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 41 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 42 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 43 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 44 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 45 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 46 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 47 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 48 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 49 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 50 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 51 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 52 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 53 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 54 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 55 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 56 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 57 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 58 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 59 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 60 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 61 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 62 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 63 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 64 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 65 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 66 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist