Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh | Chương 11

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 33 phút đọc  · lượt xem.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thi Kệ thiền tập trong đời sống hằng ngày

Thi kệ là những bài thơ nho nhỏ giúp ta nuôi dưỡng ý thức chánh niệm trong đời sống hàng ngày, giúp ta biết nhìn sâu vào mọi vật quanh ta. Thực tập đọc thầm những bài thi kệ khi ăn cơm, rửa bát, đánh răng, quét nhà, đổ rác… giúp ta có được an lạc thảnh thơi khi làm những công việc thường nhật này mà ta thường nghĩ là chẳng có gì đáng quan tâm. Những hình ảnh dùng trong thi kệ rất thiết thực. Ta cũng có thể tự làm ra những bài thi kệ thích hợp với những công việc ta đang làm như đi xe, mặc áo… Thi kệ cũng nhắc nhở cho ta nhớ rằng mỗi ngày đất Mẹ đều hiến tặng cho ta những món quà thật quý giá.

Quơ dép

Đặt chân lên mặt đất Là thể hiện thần thông Từng bước chân tỉnh thức Làm hiển lộ pháp thân.

Ta thực tập bài thi kệ này khi vừa xuống giường và đặt chân lên đất. Ta cũng sử dụng bài thi kệ này khi đi thiền hành hay đi bất cứ đâu. Pháp thân (Dharmakaya) là thân thể (kaya) của pháp (Dharma), là con đường của hiểu biết, thương yêu. Trước khi nhập diệt, Đức Bụt nói với hàng đệ tử của ngài: Chỉ có nhục thân của ta là tan biến, còn pháp thân của ta thì còn mãi với đời. Pháp thân cũng có nghĩa là tinh hoa của vạn hữu. Tất cả mọi hiện tượng trong đời sống như tiếng chim hót, tia nắng ấm, ly trà thơm bốc khói… đều là biểu hiện của pháp thân. Chúng ta cũng cùng một thuộc tính với những mầu nhiệm ấy của vũ trụ. Chúng ta không cần phải đi trên mây hay trên nước để biểu diễn thần thông. Có thần thông thật sự là biết sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết đi từng bước thảnh thơi trên vùng đất xanh tươi, biết trân quí sự sống đang có mặt một cách mầu nhiệm. Lúc ấy pháp thân sẽ không ngừng tỏa rạng khắp nơi.

Vặn nước

Nước từ nguồn suối cao Nước từ lòng đất sâu Nước mầu nhiệm tuôn chay Ơn nước luôn tràn đầy.

Dù ta có biết nước từ đâu đến, từ suối cao hay từ lòng đất sâu, ta vẫn có thói quen xem đó là một sự kiện đương nhiên phải có. Ta vẫn chưa ý thức được một cách sâu sắc là sự sống có được là nhờ có nước. Cơ thể chúng ta hơn 70% là nước. Nhờ có nước ta mới có đủ rau trái và thực phẩm để ăn. Nước là một người bạn thân, một vị Bồ Tát nuôi sống muôn loài sinh vật trên Trái Đất. Nước hữu dụng vô cùng tận. Đọc bài kệ này trước khi mở vòi nước hay trước khi uống nước giúp ta cảm nhận được dòng nước mát mẻ đang lưu chuyển nhẹ nhàng trong suốt châu thân. Đón tiếp ân cần món quà vô giá từ nước là thắp sáng ý thức biết ơn để tiếp tục nuôi dưỡng và giữ gìn sự sống của muôn loài trên Trái Đất.

Rửa tay

Múc nước để rửa tay Xin nguyện cho mọi người Có đôi bàn tay khéo Gìn giữ Trái Đất này.

Trái Đất xinh đẹp của chúng ta đang lâm nguy. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị ta khai thác quá mức, sông hồ biển cả bị ô nhiễm, môi trường sinh sống của con người và các loài khác đang bị ta phá hũy, ta tàn phá rừng cây, đất đai, không khí và tầng ozon. Vì vô minh, vì sợ hãi mà ta đi đến chỗ tiêu diệt hành tinh xanh của chúng ta, tiêu diệt môi trường sinh sống của con người. Đất giữ gìn nước và nước cho sự sống. Nhìn vào đôi tay và quán chiếu sâu sắc khi nước chảy trên tay, ta sẽ có đủ tuệ giác sáng suốt để giữ gìn và bảo vệ hành tinh xinh đẹp, đất Mẹ của chúng ta.

Nâng bát không

Tay nâng chiếc bát không Tôi biết rằng trưa nay Tôi có đủ may mắn Để có bát cơm đầy.

Còn rất nhiều người trên Trái Đất đang đói khổ, khi họ nhìn vào chiếc bát không, họ không biết khi nào họ mới có được bát cơm đầy. Cho nên khi nhìn vào chiếc bát không, ta cũng thấy trân quý như đang nhìn vào bát cơm đầy. Ta rất may mắn khi còn có thức ăn, ta đọc bài kệ để nuôi dưỡng lòng biết ơn và thương xót những người đang đói khổ, ta nguyện sẽ tìm cách giúp đỡ họ.

Nâng bát đầy

Tay nâng bát cơm đầy Tôi thấy rõ vạn vật Đang dang tay góp mặt Để cùng nuôi dưỡng tôi.

Nhìn vào bát cơm có thức ăn thơm ngon, ta ý thức được nỗi đắng cay của những người đang đói khổ và thiếu dinh dưỡng. Nhìn vào bát cơm ta có thể thấy được đất Mẹ, thấy được bác nông dân và tình trạng bi đát của sự phân phối thức ăn không đồng đều gây ra. Ở Bắc Mỹ và Châu Âu, người ta thường ăn những thức ăn được nhập khẩu từ các nước khác như cà phê được nhập từ Colombia (Nam Mỹ), sôcôla từ Ghana (Châu Phi), gạo thơm từ Thái Lan. Trẻ em ở các nước này không bao giờ được thưởng thức những món ăn ngon trừ trẻ em con nhà giàu, bởi vì người ta đem đi xuất khẩu tất cả những thứ gì ngon để đổi lấy ngoại tệ. Trước mỗi bữa ăn, ta chắp tay, thở thật sâu và đọc lên bài kệ này để duy trì chánh niệm, ta nghĩ đến những người không có đủ thức ăn để ăn. Ta nguyện sẽ học cách sống đơn giản hơn, để có thêm thời giờ và năng lượng giúp thay đổi những tình trạng bất công vẫn đang còn tồn tại trên thế giới.

Làm vườn

Đất đưa ta ra đời Rồi đất ôm ấp ta Sinh diệt trong hơi thở Sinh diệt như hằng sa.

Đất là Mẹ của chúng ta. Mọi sự sống đều sinh ra từ đất Mẹ, được đất Mẹ chở che và nuôi dưỡng. Mỗi chúng ta là con của Mẹ, sinh ra từ đất Mẹ và một lúc nào đó sẽ trở về cho đất Mẹ ấp ủ. Quán chiếu kỹ, ta sẽ thấy ta không ngừng sinh và diệt trong từng hơi thở. Khi làm vườn, ta hãy để những ngón tay của ta tiếp xúc với đất để cảm nhận được sự mầu nhiệm của đất. Làm vườn giúp ta phục hồi năng lượng rất nhanh. Sống ở thành phố ta ít có cơ hội để cuốc đất trồng rau, chăm sóc hoa cỏ. Ta có thể tìm đâu đó một miếng đất nho nhỏ đủ để cho ta trồng ít cây, ít hoa hay ít rau để chăm sóc và trân quý. Tiếp xúc được với đất là một phương pháp mầu nhiệm giữ cho thân tâm khỏe mạnh.

Tưới cây

Nước mát và mặt trời Cùng làm nên màu xanh Cam lồ của Bồ Tát Rớt xuống nơi sa mạc Thành biển xanh mênh mông

Nước chính là cam lồ của Bồ Tát có khả năng phục hồi sự sống. Mưa làm tươi mát mùa màng và giúp con người không rơi vào tình trạng nóng bức đói khổ. Đức Bồ tát Quan Thế Âm thường cầm một bình cam lộ trong tay trái và một cành dương liễu trong tay phải. Ngài rải xuống những giọt nước cam lộ có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu, làm hồi sinh những tâm hồn khô héo, mệt mỏi vì khổ đau. Khi tưới cây cũng giống như tưới nước cam lồ, những cơn mưa từ bi rơi xuống làm cho cây cỏ xanh tươi. Khi ta tưới cây là ta tưới toàn bộ Trái Đất. Và khi tưới cây, ta trò chuyện với cây cối cũng như ta đang trò chuyện với chính ta. Ta cùng có mặt với mọi hiện tượng khác vì tất cả đều liên đới mật thiết với nhau. Con người hiện nay cảm thấy xa lạ với nhau vì chưa hiểu được sự tương quan mật thiết này. Ta không thể nào tách mình ra khỏi xã hội hay bất cứ cái gì. Cái này có vì cái kia có, điều này trong kinh Bụt nói rất rõ, đó là bản chất tương tức tương duyên của cuộc đời. Cho nên tưới cây là một thực tập sâu sắc giúp ta thể hiện lòng từ bi, chứng nghiệm lý tương tức và duyên sinh của vạn vật.

Đổ rác

Một thùng rác bẩn Một bông hồng tươi Muôn vật chuyển hóa Thường trong vô thường.

Rác nào cũng có mùi rất hôi, nhất là rác hữu cơ trong giai đoạn phân rữa. Nhưng phân rác dùng để bón cây rất tốt. Một đóa hồng thơm và một thùng rác bẩn chỉ là hai mặt của một thực tại. Không có cái này thì sẽ không có cái kia. Mọi thứ đều được chuyển hóa. Đóa hồng tươi sau sáu ngày sẽ trở thành rác bẩn. Và sau sáu tháng rác bẩn lại trở thành hoa thơm. Khi ta nói vô thường là ta nói trong ý nghĩa đó, cái gì rồi cũng sẽ chuyển hóa cũng sẽ đổi thay. Cái này chuyển thành cái kia, cái kia chuyển thành cái này. Tập nhìn sâu, ta thấy được cái một nằm trong cái tất cả. Hiểu được sự tương quan chằng chịt của vạn pháp, ta không còn bị xao động bởi những biến đổi vô thường của cuộc sống. Ta sẽ thấy được cái thường trong vô thường, và thấy được hoa thơm trong thùng rác bẩn.

Thiền buông thư

Nghỉ ngơi là điều kiện đầu tiên đưa đến trị liệu. Khi những con thú trong rừng bị thương, chúng thường tìm một nơi yên tĩnh để nằm nghỉ. Chúng nằm tĩnh dưỡng trong yên lặng nhiều ngày, không còn nghĩ đến chuyện đi săn mồi, đi kiếm thức ăn hay chuyện gì khác. Chúng chỉ cần nằm yên nghỉ, và những vết thương của chúng có điều kiện để tự chữa lành. Còn chúng ta, khi đầu óc quá căng thẳng, chúng ta thường tìm đến tiệm thuốc tây để mua thuốc an thần. Sau đó ta vẫn tiếp tục làm cho đầu óc thêm căng thẳng. Chúng ta không biết học cách tự chữa cho mình.

Ta tích lũy những căng thẳng lâu ngày trong cơ thể qua cách sống hàng ngày của chúng ta như cách ta ăn uống, và sức khỏe chúng ta dần dần bị hao mòn. Cho nên thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Ta để cho toàn thân được buông lỏng, và ta lần lượt để tâm gửi tình thương đến từng tế bào, đến từng bộ phận trong cơ thể.

Khi ta ở nhà, ta có thể tập thở có chánh niệm và tập buông thư toàn thân ít nhất là một lần trong ngày. Ta có thể sử dụng phòng khách để tập buông thư, ta có thể buông thư hai mươi phút hoặc hơn thế. Một người nào đó trong gia đình có thể hướng dẫn cho gia đình tập thiền buông thư. Những người trẻ có thể học cách hướng dẫn thiền buông thư cho cả gia đình.

Ở các trường học hiện nay, tôi nghĩ nên có phòng dành riêng cho học sinh tập thiền buông thư. Các thầy cô giáo nên học kỹ phương pháp thiền buông thư để giúp các em học sinh thực tập buông thư trước khi vào lớp hoặc giữa các tiết học. Ta có thể tập buông thư trong tư thế ngồi hay nằm. Thầy cô giáo và học sinh có thể cùng nhau tập thở và tập buông thư để giảm bớt căng thẳng, đồng thời học tiếp xúc với phần tâm linh trong đời sống. Là bác sĩ, ta cũng giúp bệnh nhân tập buông thư. Là bệnh nhân ta cũng tập thở và buông thư để tự chữa lấy mình và hồi phục lại sức khỏe cho nhanh chóng. Các nghị sĩ trong Quốc Hội cũng có thể thực tập thở và buông thư. Ở nghị viện, các cuộc tranh luận thường kéo dài cả ngày đêm, gây rất nhiều căng thẳng. Để làm được những quyết định đúng đắn, các nghị sĩ cần có đầu óc thư giãn thoải mái. Thực tập thư giãn là một thực tập rất khoa học, chẳng có gì là tôn giáo cả. Mỗi lần được thư giãn là đã thấy khỏe rồi, cho nên đây là một sự thực tập cần thiết.

Những lúc không ngủ được, ta có thể tập buông thư để lấy lại sức. Nằm trên giường, ta buông lỏng toàn thân và theo dõi hơi thở. Thực tập như vậy có thể giúp ta lấy lại giấc ngủ dễ dàng. Mà dù không ngủ lại được, tập thở và buông thư vẫn giúp ta được nghỉ ngơi. Ta cũng có thể lắng nghe Kinh, ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng và được nuôi dưỡng. Điều quan trọng là ta để cho thân tâm có cơ hội được yên nghỉ.

Khi thực tập thiền buông thư với nhiều người, ta có thể dùng những bài tập để hướng dẫn họ. Khi thực tập một mình, ta có thể ghi âm những bài tập và lắng nghe để được hướng dẫn.

Bài tập buông thư

Ta nằm trong tư thế thoải mái, hai cánh tay để buông xuôi theo thân thể. Ta để cho thân thể được nghỉ ngơi, thư giãn. Ta ý thức rõ ràng mình đang nằm trên nền nhà, toàn thân đang tiếp xúc với nền nhà. (Dừng một chút) Ta như có cảm tưởng là toàn thân đang mềm ra và lún dần xuống mặt đất (Dừng một chút)

Ta ý thức được hơi thở đang đi vào đi ra. Thở vào, biết mình đang thở vào; thở ra, biết mình đang thở ra. Thở vào, thấy bụng mình đang phồng lên; thở ra, thấy bụng mình xẹp xuống. (Dừng) Phồng lên… xẹp xuống… phồng lên… xẹp xuống. (Dừng)

Thở vào, để tâm vào đôi mắt của mình; thở ra, để cho đôi mắt được thư giãn. Để cho hai mắt chìm sâu vào trong đầu mình… thư giãn mọi cơ bắp ở quanh mắt… đôi mắt thật quý giá vô cùng, đôi mắt cho ta thấy bao nhiêu hình sắc tuyệt vời… hãy để cho đôi mắt có dịp được nghỉ ngơi… ta gởi đến đôi mắt tất cả lòng thương quí và biết ơn. (Dừng)

Thở vào, ta để tâm nơi miệng mình. Thở ra để cho miệng được thư giãn nghỉ ngơi. Ta buông thư tất cả những cơ bắp quanh miệng… đôi môi của ta là những cánh hoa xinh đẹp… hãy nở một nụ cười nhẹ nhàng… mỉm cười để làm rơi rụng tất cả những căng thẳng trên khuôn mặt… dần dần hai má cũng được thư giãn… quai hàm cũng được thư giãn… cổ họng cũng được thư giãn… (Dừng)

Thở vào, ta đưa ý thức xuống hai vai. Thở ra, để cho hai vai được thư giãn. Để cho hai vai lún dần xuống sàn nhà… hãy buông hết xuống sàn nhà tất cả những căng thẳng tích lũy bấy lâu nay… Trong quá khứ, ta đã gánh vác quá nhiều trên đôi vai của mình… bây giờ ta hãy đặt chúng xuống đất, để cho hai vai ta được nhẹ nhõm… Ta gởi đến đôi vai tất cả lòng thương quí và biết ơn.

Thở vào, ta đưa ý thức xuống hai cánh tay. Thở ra, ta buông thư hai tay. Để cho hai tay dần lún xuống sàn nhà… rồi cánh tay… khuỷu tay… cổ tay… các ngón tay… tất cả đều mềm ra, hoàn toàn thư giãn. Có thể cho các ngón tay cọ quậy chút đỉnh để các cơ bắp được thư giãn.

Thở vào, ta đưa ý thức đến trái tim của mình… Thở ra, cho phép trái tim được thư giãn… (Dừng)… Đã từ lâu ta quên chăm sóc cho trái tim của ta, vì ta chỉ lo làm ăn, bận bịu suốt ngày, rồi căng thẳng, bực bội, làm cho trái tim ta mệt mỏi… (Dừng)… Trong khi đó trái tim làm việc cho ta suốt ngày đêm không ngừng nghỉ… Ngay bây giờ hãy nhẹ nhàng ôm lấy trái tim bằng chánh niệm… hãy nói lời xin lỗi với trái tim và hứa từ nay sẽ chăm sóc trái tim với tất cả lòng thương quí và biết ơn.

Thở vào, ta đưa ý thức xuống hai chân. Thở ra, cho phép hai chân được thư giãn. Để rơi rụng tất cả những căng thẳng, để hai chân được hoàn toàn thư giãn… từ bắp đùi… đến đầu gối… đến mắt cá chân… bàn chân…các ngón chân… tất cả đều được hoàn toàn thư giãn. Có thể cọ quậy chút đỉnh các ngón chân. Gởi đến từng ngón chân tất cả lòng thương quí và biết ơn…(Dừng)

Thở vào, thở ra… ta thấy toàn thân nhẹ nhàng làm sao… như những cánh bèo đang trôi êm đềm trên mặt nước… không cần phải đi đâu nữa… không cần phải làm gì cả… ta thấy mình thong dong như mây bay trên bầu trời… (Dừng)

(Hát vài bài hát) (Dừng)

Đưa ý thức trở về với hơi thở… để ý đến bụng đang phình lên, xẹp xuống… (Dừng)

Theo dõi hơi thở. Ý thức về hai cánh tay và hai chân của mình… nhẹ nhàng lay động hai tay hai chân rồi duỗi thẳng. (Dừng)

Ta nhẹ nhàng ngồi dậy. Rồi nhẹ nhàng đứng lên.

Theo bài tập trên, ta có thể đưa ý thức đến từng bộ phận của cơ thể, để tâm chăm sóc từng bộ phận trong khi thở vào thở ra, nhất là những nơi đang đau nhức, để những nơi đó có thêm năng lượng tự chữa trị. Ta gửi theo từng hơi thở tất cả lòng thương quí và biết ơn của ta đến từng bộ phận của cơ thể, vì cơ thể của chúng ta là người bạn đồng hành thân thiết nhất.

Thiền lạy

Thực tập thiền lạy là tập trở về với đất Mẹ, trở về với gốc rễ tổ tiên tâm linh và huyết thống, để nhận ra rằng ta không bao giờ đơn độc một mình, mà ta luôn được nối liền với tổ tiên tâm linh và huyết thống của ta. Ta là sự tiếp nối của tổ tiên và cùng với tổ tiên ta đi về tương lai. Thực tập thiền lạy để buông bỏ ý niệm về một cái ngã riêng biệt, đồng thời tự nhắc nhở mình rằng mình chính là một phần của đất Mẹ, một phần của sự sống.

Khi ta tập lạy năm vóc sát đất, ta thấy mình trở nên nhỏ bé, giản dị và hồn nhiên như một đứa trẻ. Khi lạy xuống tiếp xúc với đất, ta cũng thấy mình bỗng trở nên vĩ đại như một cây cổ thụ với những cái rễ đâm sâu trong lòng đất, và hút được nước từ tất cả các nguồn. Thiền lạy cũng là cơ hội giúp ta tiếp xúc và được nuôi dưỡng bởi sự vững chãi của đất, và nhờ đất chuyên chở chuyển hóa giùm ta những khổ đau ta đang có trong lòng như giận hờn, tham lam, sợ hãi, buồn tủi, bất mãn…

Ta chắp tay búp sen, và từ từ lạy xuống trong tư thế phủ phục, năm vóc sát đất (hai tay, hai chân, và trán). Hãy để cho năm vóc của ta được nghỉ ngơi thoải mái trên sàn nhà. Ta cũng có thể lạy theo kiểu người Tây Tạng, toàn thân nằm dài trên mặt đất. Khi lạy xuống, ta để hai bàn tay mình ngửa ra, để chứng tỏ ta không có gì để dấu diếm với Tam Bảo. Thực tập năm cái lạy một hai lần, ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn, và lòng nhẹ đi rất nhiều khổ đau. Ta thấy có thể hòa giải được với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu và với bạn bè của ta.

Năm cái lạy

Lạy thứ nhất Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại.

Con thấy cha mẹ mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển hóa. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và xương thịt con để mà tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu, dù khi sinh tiền có lúc gặp phải khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con thấy cha ông của con, từ Lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng cõi bờ, gìn giữ núi sông và un đúc nên nếp sống Việt Nam có thỉ, có chung, có nhân, có hậu. Con là sự tiếp nối của liệt vị. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con.

Lạy thứ hai Trở về kính lạy, Bụt và tổ sư, truyền đăng tục diệm, gia đình tâm linh, qua nhiều thế hệ.

Con thấy thầy con, con thấy sư ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy, qua thầy của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh, Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán; con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai sáng gia đình tâm linh của con đã có từ 2600 năm nay. Con biết Bụt là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng và năng lượng của liệt vị đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hóa cho gia đình huyết thống của con, đã làm đẹp, làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý Trần. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hóa và để truyền về cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của tổ và của thầy.

Lạy thứ ba Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, khai sáng đất nước, sông núi khí thiêng, hàng ngày che chở.

Con thấy con đang đứng trên đất nước này và tiếp nhận công ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này, trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, Tiền Lý, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cùng với các thế hệ tổ tiên và biết bao nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ các màu da; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ búa, đã thiết lập nhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học làm cho mức sống được nâng cao. Con tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên. Con sống ở đây, học hòa hợp với thiên nhiên, với con người, và con cảm thấy năng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Con xin nguyện góp phần chuyển hóa những bạo động căm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Xin phù hộ độ trì cho chúng con.

Lạy thứ tư Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì cho người con thương.

Những nguồn năng lượng vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con, cho mẹ con, cho những người con thương yêu: những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ vì con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì hoàn cảnh khó khăn và không may của các vị. Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh chị em của con, cho tâm hồn họ lắng dịu lại, cho khổ đau trong lòng (những) người ấy được chuyển hóa, cho (những) người ấy nở được nụ cười, cho (những) người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho (những) người ấy được nhẹ nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho (những) người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có an lạc thì con cũng có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho người con thương, cho những người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không còn là một cái ta riêng biệt mà con đã trở thành một với những người con thương.

Lạy thứ năm Trở về kính lạy, gia đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì người làm khổ con.

Con mở rộng lòng ra để truyền đi năng lượng hiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã làm con khổ đau và điêu đứng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ đau và bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được may mắn, có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa được may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc đời và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho người ấy, (cho những người ấy) để trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lộ mà nở ra được như một bông hoa. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hóa để người ấy tìm ra được niềm vui sống, để không còn giữ tâm thù hận mà tự làm khổ mình và làm khổ người. Con biết vì những người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con điêu đứng, kể cả những kẻ xâm lăng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Bụt, ơn tổ, ơn tiền nhân mà cải hóa. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ và con không muốn giữ tâm niệm sân hận, oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên, nơi giòng họ huyết thống và giòng họ tâm linh; trái tim con đã nở ra như một đóa hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi hiềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát khỏi vòng tai nạn và đớn đau, để họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền đạt năng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt, lạy tổ, lạy ông bà chứng minh cho con.

Hiệp ước sống chung an lạc với đất Mẹ

Hiệp ước này đưa ra một số đề nghị mà ta có thể thực tập để làm giảm thiểu những vấn đề gây ra cho Trái Đất hiện nay. Ta hãy xem qua và nếu muốn đóng góp tham gia, ta có thể đánh dấu v vào chỗ trống để cam kết thực hiện. Nếu có điều nào ta đang hiện nay thực tập thì đánh dấu x. Khi làm xong, ta mang theo một bảng bên mình để tự nhắc mình thực tập.

Tôi tên là:_ xin cam kết:

– Đi bộ hoặc đi xe đạp đến sở làm việc_ ngày trong tuần.

– Đi bộ hoặc đi xe đạp đến những nơi có đoạn đường từ ba kilômét trở xuống.

– Kết hợp cùng đi xe với nhiều người khác hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

– Hạn chế việc đi lại bằng máy bay, ít nhất_ giờ bay mỗi năm.

– Thực tập không sử dụng xe hơi một ngày trong tuần.

– Thực tập không sử dụng xe hơi một ngày trong tháng.

– Thực tập làm việc tại nhà một ngày trong tuần.

– Hạn chế việc đi lại bằng xe hơi_phần trăm.

– Dùng cầu thang, không dùng thang máy.

– Thực tập không dùng điện một ngày trong tuần.

– Kiểm tra nghiêm túc việc sử dụng điện trong nhà và cải thiện năng xuất của nó

– Mua và đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời ở trong nhà.

– Lắp đặt hệ thống điện bằng nguồn năng lượng tự nhiên (gió, địa nhiệt).

– Phơi quần áo ngoài nắng gió (không dùng máy sấy).

– Hạn chế sử dụng máy sấy tóc và những đồ dùng bằng điện trong gia đình.

– Mua thực phẩm trồng tại địa phương để yểm trợ người nông dân, hạn chế mua những thức ăn vận chuyển từ xa.

– Trồng hoa màu tại nhà.

– Không sử dụng thuốc trừ sâu và diệt cỏ.

– Mua_ phần trăm thức ăn trồng theo lối hữu cơ.

– Tham gia những nhóm yểm trợ ngành canh nông gần nhà.

– Thay thế những bóng đèn thường bằng đèn compact huỳnh quang.

– Không sử dụng máy điều hòa không khí ở nhà.

– Giảm nhiệt độ máy điều hòa ở nhà xuống_ độ.

– Giảm máy sưởi ở nhà xuống _ độ.

– Đặt hệ thống kiểm soát nhiệt độ trong nhà.

– Lắp đặt cửa sổ và hệ thống cách nhiệt có hiệu năng cao.

– Chỉ dùng thức ăn chay tịnh.

– Sử dụng xe dùng chất đốt không gây ô nhiễm.

– Tránh mua những sản phẩm đóng gói nhiều bao bì.

– Thay khăn, dĩa giấy bằng những thứ có thể dùng lại được.

– Nên đọc sách ở thư viện, thay vì mua sách.

– Sử dụng túi vải hoặc những túi xách có thể dùng lại được để đi chợ.

– Sử dụng những sản phẩm lau chùi không hại cho môi sinh. Chuyển hóa thành phân bón những thức ăn dư thừa của nhà bếp.

– Khuyến khích các cơ quan, trường học đóng góp vào việc tái chế rác.

– Đem tặng cho các bệnh xá những tạp chí đã dùng.

– Tái chế để dùng lại những thứ có thể dùng lại được.

– Mua quần áo ở những tiệm bán quần áo cũ, rẻ tiền.

– Trồng những cây quen thuộc của địa phương, và ít cần tưới nước.

– Trồng _ cây quanh thôn xóm.

– Thiết kế các ổ cắm điện riêngcho các thiết bị gia dụng để tránh thất thoát điện.

– Tắt máy vi tính khi không sử dụng.

– Cài đặt chương trình tắt máy vi tính sau mười phút không sử dụng.

– Giảm dùng nước nóng _ phần trăm.

– Không tắm quá lâu khi tắm nước nóng.

– Lắp đặt hệ thống sưởi nước bằng năng lượng mặt trời.

– Tìm cách tái xử dụng nước thải sau khi đã lọc sạch

– Đi vệ sinh, chỉ dội cầu khi cần thiết.

– Tắt vòi nước khi đang đánh răng hay cạo râu, tóc.

– Hạn chế việc dùng nước_ phần trăm.

– Xây hồ chứa và dự trữ nước mưa.

– Nhặt rác trên đường đi.

– Khuyến khích bạn bè cam kết thực hiện một vài mục trong bảng đề nghị này.

– Tìm cách học hỏi về môi sinh.

– Viết báo hay viết truyện để giúp người khác tiếp xúc với vấn đề môi sinh.

– Tập quán chiếu một lần trong tuần về mối quan hệ giữa ta và môi trường nơi ta đang sống.

– Một lần trong tuần tập nhìn sâu để tìm cách giảm mức tiêu thụ và thực hành cho được.

– Viết thư cho các nhà chức trách địa phương và trong nước, yêu cầu họ ban hành những đạo luật bảo vệ môi sinh cho có hiệu quả hơn.

– Yểm trợ những tổ chức bảo vệ môi sinh trong địa phương.

Sau đây là những đề nghị cam kết của cá nhân tôi:

Xin vui lòng gởi điện thư để nhắc nhở tôi thực hiện những mục mà tôi đã cam kết, đồng thời cho tôi biết tin thêm về những dự án dành cho môi sinh của tu viện Lộc Uyển.

Điện thư_

Tôi xin cam kết thực tập những mục mà tôi đã đánh dấu ở trên để cải thiện lối sống của tôi hiện nay, nhằm đóng góp vào việc giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đã gây ra cho hệ sinh thái của chúng ta.

Ký tên:_

Ngày:_

Thư đến: Deer Park Monastery, 2499 Melru Lane, Escondido, CA 92026.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 01 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 02 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 03 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 04 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 05 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 06 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 07 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 08 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 09 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 10 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, chương 11 tại đây.

Đọc Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Gián điệp mạng | Chương 31

Gián điệp mạng | Chương 31

Gián điệp mạng kể về nhà khoa học chuyển nghề thành chuyên gia mạng truy tìm hacker tại Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley California Mỹ.

Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức

Bụt là hình hài Bụt là tâm thức

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 44

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 44

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Tư duy xanh để sống an lành

Tư duy xanh để sống an lành

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành hạnh phúc giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân giá trị đẹp cho cộng đồng.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist