Bài viết trên Instagram ngày 23 tháng 12 năm 2020
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc · lượt xem.
hôm rồi trong bài mình có viết một chi tiết là Chi Lăng phố hội điêu tàn, nay mình sẽ giới thiệu về nó.
khoảng 4 năm về trước, khi tham gia một cuộc thi của Trung tâm Học Liệu để xây dựng một tour khám phá thành phố Huế trong 4 ngày, mình tìm hiểu mới hay rằng ngoài Bao Vinh thì Huế còn có một khu phố cổ khác, mang tên Gia Hội. lạ lùng hơn, dấu tích của nơi này không kém gì Bao Vinh, nhưng ít ai biết đến, ít ai gọi nó thành một địa danh rõ ràng như khi nhắc đến lúc review Mắt Biếc (2019).
Gia Hội bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ XIX, khi mà Huế mở cửa với bên ngoài, người Hoa đến làm ăn và sinh sống dần đông. họ tập trung quây quần ở mé phía Đông kinh thành, trải từ Bạch Đằng đến Chi Lăng, kéo dài gần tới chợ Dinh. trong đó, nổi trội là Chi Lăng với những dấu tích hữu hình của thời trước, là đền Chiêu Ứng (207 Chi Lăng) thờ người Hải Nam thiệt mạng trong đại án thời vua Tự Đức; chùa Quảng Đông thờ Quan Công, chùa bà Hải Nam thờ bà Mã Châu; hay chùa Triều Châu (319 Chi Lăng) thờ vong linh phiêu bạt; và cả đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo (399 Chi Lăng)… và còn nhiều kiến trúc thờ xưa cũ khác.
ngoài ra, nếu bạn quan sát thật chậm rãi hai bên đường, sẽ thấy những kiến trúc cũ lọt thỏm giữa những ngôi nhà kiên cố to lớn. trong đợt thi của 4 năm trước, mình nghe được chuyện rằng thành phố cũng đã đồng ý với chính sách bảo tồn, nhưng thiếu vốn nên chưa triển khai được. các hộ dân với tàn tích cũ không thể sống mãi trong một không gian vừa xuống cấp lại ẩm thấp như vậy, nên dần dần cải tạo cho kiên cố và khang trang hơn. đổi lại, mỗi lần đi qua, mình lại thấy Chi Lăng thêm lần mới mẻ và chắc chắn.
nhưng khi những kiến trúc thờ tự dễ tìm thấy ở một nơi nào khác, và những ngôi nhà cũ đang dần biến mất, thì có một thứ khác, vừa độc đáo lại trường tồn ở đây. đó là những cột đèn đường.
nếu lần sau bạn có ghé qua Chi Lăng, cũng hãy đi chậm rãi và ngẩng xíu đầu lên, nhìn những cột đèn – chúng vẫn luôn vững chãi và ổn định giữa thời tiết lẫn con người. những cột đèn ấy, với kiểu dáng rất riêng biệt, ít được thành phố thay mới vì chưa có dấu hiệu xuống cấp, vẫn đang ngầm tạo nên một dấu ấn hết sức riêng biệt trên Con đường di sản như cách người ta mỹ miều gọi Chi Lăng.