Bài viết trên Instagram ngày 27 tháng 07 năm 2024
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc.
khi còn nhỏ, mình sống cùng ông bà nội. ông là cựu chiến binh, còn bà thì làm hậu cần, vậy nên mình luôn được nghe những chuyện xưa cũ thời chiến. như những ông bà cựu chiến binh khác từng gặp, những câu chuyện họ say sưa kể không biết bao nhiêu lần, lần nào cũng hào hùng như mới trải qua, như con cháu chưa được nghe hết bao giờ.
cũng khi còn nhỏ, nghề rà bom lấy sắt vụn còn phổ biến và ba mình cũng không ngoại lệ, cũng lên rừng với chiếc máy rà sắt để mò kiếm từng mảnh bom vụn nhằm đổi ít đồng nuôi gia đình. thỉnh thoảng những chuyến đi ấy, có người tìm được quả bom chưa kích nổ, họ tháo ngòi rồi cắt từng miếng gia tài để đổi cơm ăn cho mấy tháng trời; nhưng thỉnh thoảng, có người không may mắn đến thế, giữa chừng tháo ngòi thì bom kích nổ. trong ký ức tuổi thơ, chuyện không may thế mình nghe nhiều hơn cả những lần người ta may mắn.
có một lần của dạo ấy, ba kiếm được quả bom còn nguyên liền háo hức đem về. thấy ba vác quả bom đi từ ngoài đường bước vào rồi hớn hở ném uỵch xuống sân, bà ngoại sợ rúm ró rồi chui xuống gầm giường trốn, vừa run rẩy bà vừa cầu xin ba mình vứt cái của nợ ấy đi.
những trải nghiệm trên và thêm nhiều điều khác nữa, mình cảm thấy rằng cảm nhận chiến tranh của mỗi thời, mỗi thế hệ lại khác. ở thời ông bà, họ sống chết cùng nó nên đó vừa là khoảng ký ức hào hùng pha lẫn sợ hãi; còn thời của ba mẹ, đó là giai đoạn hậu chiến, vừa phải mưu sinh vừa chịu nhiều ảnh hưởng.
đến hiện tại, mình cảm giác cả mình lẫn mọi người xung quanh đều hiểu chiến tranh là gì, nhưng thật lòng tất cả chúng mình đều không biết chiến tranh là gì. ngày ông nội mất, người ta đến làm lễ truy điệu và phủ Quân kỳ, khoảnh khắc ấy khiến mình chợt nghĩ, nếu người cựu chiến binh cuối cùng mất đi, ai sẽ kể tiếp những chuyện một thời đã qua?
thắc mắc ấy được giải đáp cách đây khoảng 1 năm, khi mẹ kể rằng sau mấy hồi chần chừ thì ba cũng chịu vào hội Cựu chiến binh của xã. ngạc nhiên tìm hiểu thì mình phát hiện, hội tồn tại trước là tạo không gian sinh hoạt cho các cụ, còn sau là để giáo dục truyền thống với lớp trẻ. nên là giờ, khi một cựu chiến binh mất đi thì những giá trị và cảm hứng từ họ vẫn còn đó, khi đã kịp trao truyền cho những chiến binh kế cận còn đang trẻ.