Những điều cần biết về trầm cảm | Lịch sử trầm cảm

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi và sức khỏe của người bệnh. Trầm cảm có thể gây ra nhiều tác động xấu đến cuộc sống của người bệnh, bao gồm tác động.

 · 47 phút đọc.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi và sức khỏe của người bệnh. Trầm cảm có thể gây ra nhiều tác động xấu đến cuộc sống của người bệnh, bao gồm tác động.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi và sức khỏe của người bệnh. Trầm cảm có thể gây ra nhiều tác động xấu đến cuộc sống của người bệnh, bao gồm tác động đến sức khỏe, mối quan hệ xã hội và năng suất làm việc. Trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tự tử trên thế giới.

Nguyên nhân của trầm cảm không rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến nhiều yếu tố như di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, chức năng của hóc môn thần kinh bị thay đổi và các yếu tố tâm lý xã hội. Các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm có thể bao gồm thay đổi nhiều trong cuộc sống, sử dụng thuốc, vấn đề về bệnh mãn tính, chấn thương tâm lý và thiếu nguồn lực xã hội.

Triệu chứng của trầm cảm có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng thường bao gồm:

– Cảm giác buồn, chán nản, bi quan hoặc tuyệt vọng.

– Mất hứng thú hoặc thích thú với các hoạt động bình thường.

– Cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc uể oải.

– Khó ngủ, ngủ quá nhiều hoặc ngủ không sâu.

– Ăn ít hoặc ăn quá nhiều, gây ra sự giảm hoặc tăng cân.

– Cảm thấy tự ti, vô dụng, tội lỗi hoặc hối hận.

– Khó tập trung, nhớ hoặc ra quyết định.

– Có ý nghĩ tiêu cực, tự hại hoặc tự sát.

Để chẩn đoán trầm cảm, bác sĩ thường dựa vào tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng và các tiêu chuẩn chẩn đoán được quy định trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần (DSM – V) hoặc Hệ thống phân loại bệnh tâm thần quốc tế (ICD-10). Bác sĩ cũng có thể làm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Điều trị trầm cảm có thể bao gồm các phương pháp như:

– Tâm lý trị liệu: Là phương pháp điều trị dựa vào việc nói chuyện với một chuyên gia tâm lý để giúp người bệnh hiểu và giải quyết các vấn đề gây ra trầm cảm. Có nhiều loại tâm lý trị liệu khác nhau, như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), liệu pháp giao tiếp giữa các cá nhân (IPT), liệu pháp hướng dẫn (PT) và liệu pháp nhóm.

– Thuốc chống trầm cảm: Là các loại thuốc có tác dụng làm tăng nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng, như serotonin, norepinephrine và dopamine. Có nhiều nhóm thuốc chống trầm cảm khác nhau, như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) và thuốc tricyclic (TCA).

– Kích thích từ xuyên sọ (TMS): Là một phương pháp điều trị sử dụng từ trường để kích thích các vùng của não bộ liên quan đến tâm trạng. TMS có thể được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc không thể sử dụng.

– Liệu pháp sốc điện (ECT): Là một phương pháp điều trị sử dụng dòng điện để gây ra các cơn co giật nhẹ trong não bộ. ECT có thể được sử dụng khi người bệnh có nguy cơ tự tử cao, không ăn uống hoặc không phản ứng với các phương pháp điều trị khác.

– Thay đổi lối sống và chăm sóc bản thân: Là các biện pháp hỗ trợ điều trị trầm cảm bằng cách cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Các biện pháp này có thể bao gồm tập thể dục, ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội và tham gia các hoạt động yêu thích.

Phòng ngừa trầm cảm là một việc quan trọng để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hoặc tái phát. Các biện pháp phòng ngừa có thể bao gồm:

– Tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

– Tham gia các buổi tư vấn theo dõi hoặc nhóm hỗ trợ.

– Học cách đối phó với các vấn đề và khó khăn trong cuộc sống.

– Xác định và loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm.

– Phát triển và duy trì các mối quan hệ tích cực.

– Tăng cường khả năng chịu đựng và chấp nhận đau khổ.

– Chăm sóc bản thân và duy trì lối sống lành mạnh.

Trầm cảm là một bệnh tâm thần nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và người xung quanh. Tuy nhiên, với sự hiểu biết, chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể khôi phục và sống một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.

Lịch sử trầm cảm

Lịch sử trầm cảm ư? Chẳng phải bệnh trầm cảm vốn tồn tại ở đó giống như ung thư sao? Bạn thực sự không thể viết về lịch sử bệnh ung thư; có lẽ có thể nói về cách ung thư được điều trị hoặc chẩn đoán, nhưng bạn không thể viết về lịch sử một căn bệnh một cách rốt ráo. Nó chỉ tồn tại ở đó, chẳng phải sao?

Ở phương Tây, chúng ta thường nghĩ trầm cảm chỉ là một căn bệnh sinh học khác giống như bất kỳ bệnh lý thể chất nào (và làm thế nào chúng ta suy ra được quan điểm này là những gì chúng ta sẽ khám phá hôm nay.). Phép so sánh này thật dễ làm ta bằng lòng, vì điều đó làm giảm bớt sự kỳ thị về bệnh tâm thần; bạn sẽ không cảm thấy tồi tệ khi điều trị một khối u trên lá lách của mình, vì vậy bạn cũng không nên cảm thấy tồi tệ khi nhận được sự giúp đỡ đối với khối u vô hình trên não của bạn.

Tuy nhiên, dù mong muốn của chúng ta là vậy, bệnh tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng không hoàn toàn đơn giản chỉ có bấy nhiêu. Đó là sự pha trộn giữa gene và môi trường, thể chất và tinh thần, sinh học và tâm lý. Nó mang cả tính cá nhân và văn hóa.

Điều này nói lên rằng cách chúng ta trải nghiệm chứng trầm cảm và cách chúng ta cảm nhận được những gì đang xảy ra với mình, không chỉ xuất phát từ cảm xúc bên trong của chúng ta mà còn là ý nghĩa mà nền văn hóa của chúng ta gán cho nó. Và lăng kính đó đã thay đổi rất nhiều theo thời gian và không gian, và tiếp tục phân hóa cho đến ngày nay. Việc biết được cách thức và lý do điều này xảy ra cũng không kém phần quan trọng.

Tại sao bạn nên thấu hiểu về Lịch sử trầm cảm?

Tôi sẽ thành thật ngay từ đầu khi thừa nhận rằng bài viết này, mặc dù khá thú vị (tôi nghĩ.), nhưng hơi khô và dài. Bạn có thể muốn bỏ qua nó và chờ đợi các bài viết tiếp theo của chúng tôi về nguyên nhân và phương pháp điều trị trầm cảm, nhưng tôi hy vọng bạn sẽ quyết tâm đi sâu vào bài viết hôm nay.

Tìm hiểu về lịch sử văn hóa của chứng trầm cảm ở phương Tây đã đưa những trải nghiệm của tôi với nó đến một góc nhìn mới. Đối với những người mới bắt đầu, thật an ủi phần nào khi biết rằng trầm cảm là thứ mà con người đã phải đối mặt trong hàng nghìn năm nay. Một khuynh hướng nhận thức phổ biến xuất hiện ở những người đang trong cơn trầm cảm nghiêm trọng đó là cảm giác rằng hoàn cảnh của họ là duy nhất và không ai biết họ đang trải qua điều gì. Nhưng khi bạn đọc những câu chuyện kể về sự u sầu thẳm sâu của Abraham Lincoln hoặc những dòng nhật ký của Samuel Johnson quằn quại trong tâm trạng chán nản của ông ấy, ảo tưởng về sự độc nhất của bạn của căn bệnh trầm cảm sẽ biến mất.

Hơn nữa, lịch sử của bệnh trầm cảm đem lại một cái nhìn đa sắc hơn về trạng thái tinh thần và cảm xúc mà người hiện đại chúng ta gọi là một căn bệnh. Trong phần lớn lịch sử phương Tây, trầm cảm là con dao hai lưỡi có thể vừa là một lời nguyền vừa là một ân phước.

Cuối cùng, việc nghiên cứu lịch sử của bệnh trầm cảm làm sáng tỏ các trường phái tư tưởng đối lập về nguyên nhân và cách chữa trị đã tồn tại từ thời Hy Lạp cổ đại và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Thay vì là một quá trình tiến bộ ổn định, sự hiểu biết của chúng ta về chứng trầm cảm đã chuyển động giống như một con lắc, với những cách tiếp cận và triết lý khác nhau thăng trầm qua nhiều thế kỷ.

Tôi hy vọng khi kết thúc khóa học cấp tốc về lịch sử của chứng u sầu này, bạn sẽ có được một cái nhìn mới về bệnh trầm cảm. Điều đó cũng sẽ đặt nền tảng cho việc chúng ta khám phá thêm về cách xích con chó đen lại trong cuộc sống của chính mình.

Bắt đầu nào.

Hy Lạp và La Mã cổ đại

Một số tài liệu đầu tiên về thứ mà chúng ta ngày nay gọi là trầm cảm, và thuở xưa mang tên là melancholia (bệnh u sầu), đến từ Hy Lạp Cổ đại. Một trong những sự khắc hoạ đó có thể được tìm thấy trên một chiếc bình từ năm 400 trước Công nguyên, mô tả nhân vật Orestes đang tỏ ra uất ức và u ám khi tham gia một buổi lễ thanh tẩy để thoát khỏi Furies – những linh hồn báo thù sự bất công – đã săn đuổi anh ta sau khi anh giết mẹ mình. Trong Orestes, Euripides mô tả nhân vật chính của bi kịch thể hiện nhiều triệu chứng trầm cảm qua lời kể: chán ăn, ngủ quá nhiều, không có động lực để tắm, liên tục khóc, kiệt sức kinh niên và cảm giác bất lực.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy những mô tả khác về những cá nhân u sầu trong các tác phẩm nổi tiếng khác của Hy Lạp. Ví dụ: Jason thành viên của Argonaut là một anh hùng vĩ đại chuẩn trường ca Homer, người mà bạn mong đợi sẽ không thể hiện gì ngoài hành động và quyết tâm khi đối mặt với nghịch cảnh. Tuy nhiên, khi anh ta bị đắm tàu ở bờ biển Libya, lớp áo hùng mạnh của anh ta rơi mất và anh ta trở nên hoàn toàn bất lực và ủ rũ.

Trong các văn kiện khoa học của người Hy Lạp, bệnh u sầu nổi lên như một căn bệnh trong các tác phẩm của Hippocrates vào thế kỷ thứ 4. Đối với các thầy thuốc cổ đại, bệnh u sầu tạo thành một tính khí u uất, gây ra do sự mất cân bằng của các chất ẩm hoặc chất lỏng trong cơ thể. Hippocrates tin rằng cơ thể con người bao gồm bốn chất: máu, mật vàng, mật đen và đờm. Bất kỳ bệnh tật hoặc rối loạn nào trong cơ thể đều là kết quả của việc dư thừa một trong những chất lỏng này, và công việc của bác sĩ là đưa các chất lỏng trở lại trạng thái cân bằng bằng cách tẩy rửa, trích máu và / hoặc thuốc.

Hippocrates và các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại khác cho rằng chứng u uất trầm cảm là kết quả của việc cơ thể dư thừa mật đen lạnh (mật đen nóng gây hưng cảm hoặc điên loạn). Sự dư thừa của mật đen lạnh càng lớn thì trạng thái trầm cảm càng nghiêm trọng. Để chữa khỏi bệnh cho một bệnh nhân, mật đen của anh ta chỉ đơn giản là phải giảm bớt.

Mặc dù thật dễ dàng để cười vào lý thuyết này, nhưng Hippocrates đã hiểu đúng điều gì đó: ông kết luận rằng các bệnh tâm thần, chẳng hạn như chứng u sầu nghiêm trọng, có liên quan đến não bộ:

Chính bộ não khiến chúng ta trở nên điên loạn hoặc mê sảng, truyền cho chúng ta sự sợ hãi và nỗi kinh hoàng, dù là vào ban đêm hay ban ngày, đều dẫn đến mất ngủ, những sai lầm không đáng có, những lo lắng không mục đích, sự lơ đễnh và những hành vi trái với thói quen. Những thứ mà chúng ta mắc phải này đều xuất phát từ não bộ khi nó không được khỏe mạnh mà trở nên nóng, lạnh, ẩm hoặc khô một cách bất thường.

Ngụ ý trong cách tiếp cận theo hướng chất dịch này đối với bệnh u sầu đó là người ta có thể trải những mức độ khác nhau của nó. Một người nào đó có thể chỉ thừa một chút mật đen và mắc chứng u sầu nhẹ, hoặc một đống dư thừa dẫn đến bệnh tâm thần nghiêm trọng. Các nhà tư tưởng Hy Lạp tin rằng một liều nhẹ của căn bệnh có liên hệ đến thiên tài và sự sáng tạo. Trong Problematic 30, một tác phẩm của Aristotle, nhà triết học cho rằng những anh hùng như Lysander, Ajax, Plato và Socrates có tính khí u sầu nhẹ, và chính nỗi buồn man mác của họ đã cho phép họ thực hiện những công việc lớn lao và suy nghĩ cao cả.

Các bác sĩ La Mã cổ đại tiếp tục nghiên cứu và điều trị bệnh u sầu. Galen, một bác sĩ La Mã ở thế kỷ thứ hai, có lẽ đã có một ảnh hưởng đặc biệt lâu dài đến việc điều trị căn bệnh. Giống như Hippocrates, Galen tin rằng chứng u sầu và các bệnh tâm thần liên quan khác là kết quả của sự mất cân bằng thể chất, nhưng ông cũng đưa ra giả thuyết rằng một số cá nhân được sinh ra với tính cách làm cho họ dễ mắc bệnh và y học có thể giúp rất ít cho những người này…

Đối lập với cách tiếp cận theo sinh học liên quan đến chất dịch đối với bệnh trầm cảm là những lý thuyết mang tính triết học và tâm linh hơn. Các thầy tu trong đền thờ Hy Lạp tin rằng trầm cảm hoặc hưng cảm là một lời nguyền tâm linh từ các vị thần; chỉ bằng cách thỉnh cầu các vị thần cứu trợ thì người ta mới có thể khỏi bệnh. Bên cạnh đó, không mấy ngạc nhiên khi Plato có một quan điểm triết học hơn về vấn đề này. Đối với ông, trầm cảm là một căn bệnh tâm hồn có thể được chữa khỏi bằng cách mang lại sự cân bằng cho ba phần trong tâm hồn của một người: lý trí, ham muốn và tâm thái (thumos).

Các nhà Khắc kỷ La Mã cũng áp dụng cách tiếp cận triết học đối với chứng u sầu và cho rằng rối loạn tinh thần và cảm xúc là do nhận thức sai lầm về trải nghiệm và đời sống của một người. Các nhà triết học này tin rằng cách bạn định hình tinh thần những sự kiện thảm khốc hoặc căng thẳng có thể làm tăng cao hoặc dập tắt sự lo lắng của bạn (và do đó tác động đến chứng u sầu của bạn). Do đó, họ lập luận rằng chỉ cần thay đổi nhận thức về hoàn cảnh của bạn có thể làm giảm bớt nỗi đau khổ về tinh thần của bạn.

Các phương pháp điều trị u sầu đã phổ biến ở Hy Lạp trong 400 năm sau đó, và nhiều phương pháp trong số đó đã được sử dụng hết qua thời kỳ Phục hưng. Uống thuốc, cầu nguyện, suy ngẫm triết lý, đi bộ, ngủ trên võng và uống sữa mẹ là tất cả những phương thuốc mà các bác sĩ đã kê trong nhiều thế kỷ cho những bệnh nhân có tâm trạng trầm cảm.

Thời Trung cổ

Thời Trung cổ kế thừa tư tưởng cổ điển về sự chán nản bắt nguồn từ việc một người đánh mất ân sủng từ các vị thần, nhưng lần này các vị thần là của Cơ đốc giáo, thay vì các vị thần Hy Lạp. Đối với các giáo sĩ ở châu Âu thời Trung cổ, u sầu là dấu hiệu cho thấy một người đang sống tội lỗi và cần ăn năn. Trên thực tế, sự u sầu trầm trọng đôi khi được coi là dấu hiệu của sự chiếm hữu của ma quỷ. John Cassian, một tu sĩ nổi tiếng với những tác phẩm thần bí của mình, gọi nỗi sầu muộn là con quỷ của ngày mai, theo đề cập của Thi thiên 91. Ông khuyến nghị những người u sầu nên rút lui khỏi gia đình và bạn bè và lao động chân tay nặng nhọc trong cô đơn như một hình phạt cho tội lỗi của họ.

Bệnh u sầu không chỉ được coi là dấu hiệu của tội lỗi, mà ở trong tình trạng chán nản cũng bị coi là tội lỗi; từ tiếng Latinh cho đại tội Lười biếng (Sloth) đó là acedia, được định nghĩa rộng rãi và bao hàm tất cả mọi thứ từ lười biếng đến u sầu. Trên thực tế, nhiều giáo sĩ viết về những cá nhân bị bao vây bởi acedia đã mô tả họ đang rơi vào trạng thái trầm cảm. Ví dụ, Cassian mô tả một tu sĩ lười biếng theo cách này:

Người anh em kia ngoái nhìn hết hướng này đến hướng khác trong nỗi âu lo, và thở dài khi không có anh em nào đến gặp anh ta, và thường xuyên ra vào phòng của mình, và lắm lúc nhìn lên mặt trời, như thể nó lặn quá chậm, để rồi một loại tâm trí hoang mang vô lý chợt chiếm hữu anh ta như một thứ bóng tối bẩn nhơ nào đó.

Câu chuyện kể về Canterbury, được viết vào thế kỷ 14, cũng mô tả tương tự về người lười biếng như một người tràn đầy tuyệt vọng, mất hy vọng và nỗi buồn dâng trào. Tâm trạng thấp thỏm quá mức này kéo theo sự uể oải và thờ ơ đối với cuộc sống nói chung, từ đó ngăn cản người lười biếng làm tốt công việc. Nếu không ăn năn, lười biếng sẽ trở thành tội lỗi với Đức Thánh Linh. Andrew Solomon, tác giả của The Noonday Demon, gợi ý rằng mối liên hệ giữa sự u uất và tội lười biếng có thể đã làm phát sinh phần lớn sự kỳ thị xung quanh căn bệnh trầm cảm ngày nay.

Thời kỳ Phục hưng

Cùng với việc tham chiếu về thời Hy Lạp cổ đại để tìm hiểu nghệ thuật và triết học của họ, các nhà tư tưởng thời Phục hưng cũng làm điều tương tự để thể hiện quan điểm của họ về sự u sầu. Thay vì coi đó là dấu hiệu của tội lỗi, các nhà văn và triết gia thời Phục hưng nhìn tâm trạng trầm cảm qua lăng kính Aristotle – như một chất xúc tác có thể có của thiên tài và sự vĩ đại. Nhà triết học thời Phục hưng người Ý Marsilio Ficino cho rằng những người sầu muộn sống như vậy bởi vì họ cố gắng tìm hiểu sự bí ẩn và vinh quang của Chúa, nhưng nhận ra rằng họ sẽ không bao giờ có thể có được nó ở đây trên cõi đất này; khoảng cách giữa tiềm năng cao cả và đôi chân như chì của họ khiến họ tuyệt vọng. Ficino đã viết:

Chừng nào chúng ta còn là những đại diện của Đức Chúa Trời trên Trái Đất, thì chúng ta vẫn còn vương vấn bởi nỗi nhớ quê cha đất tổ thiêng liêng.

Đối với những người châu Âu thời Phục hưng, sự u sầu đã trở thành một huy hiệu danh dự biểu thị cho chiều sâu, giàu tâm hồn, và trí tuệ đa chiều.

Với quan điểm mới (một lần nữa) coi u sầu là nguồn gốc của thiên tài, chán nản đã trở thành một xu hướng thời thượng ở Châu Âu thời Phục hưng. Giới quý tộc và trí thức rất tự hào về việc mô tả bản thân với một chút tính khí u sầu và một số bài luận đầy tâm huyết và toàn bộ những cuốn sách đều nói về trạng thái tâm trí như vị thần hai mặt Janus. Ví dụ, học giả người Anh thế kỷ 15 và cuốn sách dài hơn 1.000 trang của Robert Burton, Giải phẫu học về nỗi u sầu, xem xét lịch sử, nguyên nhân và các phương pháp điều trị khả thi có của tình trạng này. Trong khi Burton cung cấp thuốc giải độc cho sự u sầu, ông cũng nhấn mạnh những phước lành đầy sáng tạo đi kèm với nó.

Ý tưởng về sự u sầu thời thượng này cũng thể hiện trong văn hóa đại chúng. Các vở kịch thường có các nhân vật ủ rũ, tuyệt vọng và sầu muộn như những cá nhân có cái nhìn sâu sắc về thân phận con người, nổi tiếng nhất có lẽ là Hamlet của Shakespeare.

Thời kỳ Khai sáng

Cùng với những tiến bộ của khoa học và công nghệ ra đời trong thời đại Khai sáng đã làm thay đổi ý tưởng về sự u sầu. Sự gia tăng của các máy chạy bằng hơi nước vào thế kỷ 18 đã truyền cảm hứng cho các phép loại suy cơ học về cách cơ thể và tâm trí con người hoạt động; các bác sĩ thời kỳ này coi sầu muộn như một sự trục trặc của bộ máy con người. Các giả thuyết đã được nâng cấp lên rằng nguyên nhân có thể được tìm thấy trong hệ thống thủy lực bị lỗi (lưu lượng máu) hoặc sự suy giảm tính đàn hồi của các sợi cơ của cơ thể hoặc do các dây thần kinh bị chùng. Ý tưởng rằng chứng rối loạn này có thể được truyền từ cha mẹ sang con cái cũng trở nên thịnh hành.

Bác sĩ người Anh ở thế kỷ 18 George Cheyne đã đưa ra giả thuyết rằng sự u uất là do sự tiện nghi và xa xỉ ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hóa tạo ra. Để chống lại những tác động bệnh tật của sự suy đồi đang gia tăng này, Cheyne đã chỉ định một chế độ ăn chay kiểu spartan (mặc dù bản thân ông ấy đã rất khó tuân thủ nó; người đàn ông này rất thích ăn thịt). Các nhà tư tưởng và nhà khoa học khác đồng ý với lý thuyết của Cheyne, và nhận được sự chấp nhận đặc biệt mạnh mẽ trong tầng lớp quý tộc, những người mà sự xa hoa vừa là nguồn vui vừa là một sự khó chịu. Edmund Burke đã nói rằng: u sầu, chán nản, tuyệt vọng và thường là tự sát, là hậu quả của cái nhìn u ám mà chúng ta nhìn nhận về mọi thứ trong trạng thái cơ thể an nhàn này. Biện pháp khắc phục tốt nhất cho tất cả những tệ nạn này là tập thể dục hoặc lao động. Samuel Johnson, một người hay u sầu, tin rằng sống thôn dã tạo ra những con người nhiệt thành và mạnh mẽ về mặt cảm xúc, trong khi cuộc sống thành phố làm mất đi sự bền bỉ của họ và khiến họ dễ bị trầm cảm.

Sự phát triển quan trọng khác trong quan điểm của phương Tây về sự u uất khi xuất hiện từ thời Khai sáng có thể bắt nguồn từ việc thời kỳ này đề cao lý trí. Các nhà tư tưởng Khai sáng đánh giá cao lý trí và tránh suy nghĩ u sầu; phần nào giống như những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ, họ xem trạng thái là kết quả của tư duy sai lầm. Như một số triết gia thời Phục hưng đã nhìn nhận, trầm cảm không phải là nguồn gốc của sự sáng tạo, mà chỉ là một sự điên rồ phi logic.

Chủ nghĩa lãng mạn

Trong khi quan điểm về sự u sầu như một thứ hoàn toàn tồi tệ đã hoàn toàn nằm trong ý thức văn hóa phương Tây, những người theo trường phái Lãng mạn đã lật ngược tình thế một lần nữa vào nửa đầu thế kỷ 19, làm sống lại ý tưởng rằng tâm trạng u tối là mảnh đất cho thiên tài sáng tạo và trí tuệ nhạy bén…

Trong cái mà Emerson gọi là Thời đại của sự hướng nội, tính khí u ám chỉ được xem như một tính cách bẩm sinh trong số một số tính cách, và mỗi tính cách đều có ưu điểm và nhược điểm. Trong Nỗi buồn của Lincoln, Joshua Wolf Shenk lưu ý rằng tính cách u sầu được định hình không chỉ bởi sự u ám, chủ nghĩa khổ hạnh, và sự lầm lạc, mà còn là sự chiêm nghiệm sâu sắc, sự kiên trì và năng lực hành động phi thường… Kẻ nghiêm nghị và nhạy cảm – để cảm nhận sâu sắc nỗi thống khổ và mồ hôi từ tinh thần con người đáng khâm phục đến nhường nào – thậm chí còn được tôn vinh. Sự u uất nặng nề suốt đời của Lincoln (ở tuổi 32, ông tự nhận mình là kẻ khốn khổ nhất trên đời) đã thúc đẩy ông dấn thân phục vụ cộng đồng và thu hút nhân dân đến với ông như một con người bằng xương thịt, Shenk viết, với việc chạm đến những con kênh sâu thẳm của linh hồn – vùng nước của nỗi buồn, đáy sâu của sự kiên định, mỏ vàng của sự hỷ lạc. Ông thực sự là con người của những nỗi buồn, kẻ thấu hiểu được những thống khổ của thế nhân.

Do đó, việc chấp nhận và tận dụng tối đa tâm trạng u uất của một người, thay vì chiến đấu chống lại nó, là một phần của việc sống thật. Khai thác đúng cách, những người theo chủ nghĩa Lãng mạn cảm thấy nó có thể dẫn đến hành động anh hùng, và tất nhiên là cả những sản phẩm của nghệ thuật. Các nhà thơ như John Keats và Samuel Taylor Coleridge đã viết những bài thơ ca tụng sự u sầu và tuyệt vọng. Lord Byron gọi tâm trạng u tối của mình là một món quà đáng sợ, và các triết gia như Schopenhauer và Kierkegaard cũng lấy đó làm an ủi, thậm chí vui mừng trong nỗi tuyệt vọng và lo lắng của họ. Kierkegaard đã viết: Trong nỗi sầu muộn lớn lao của mình, tôi đã yêu cuộc đời, vì tôi đã trót yêu sự u sầu của tôi.

Những người theo chủ nghĩa lãng mạn tôn vinh cảm xúc và trực giác, và cảm thấy cả hai có thể được tìm thấy không chỉ trong niềm vui, mà còn trong việc tìm hiểu sâu thẳm và góc tối của tâm hồn. Việc cố ý tạo ra tâm trạng u ám bằng cách đọc thơ buồn hoặc lang thang ở một nơi ảm đạm và thê lương được cho là một bài tập hữu ích để khám phá ra trí tuệ về bản thân.

Trong khi khái niệm u sầu như một sự hiểu đời một lần nữa được hồi sinh, nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những sự phát triển trong tâm lý học và sinh học vào giữa và cuối thế kỷ 19 có lẽ đã đặt nền tảng cho quan niệm hiện đại của chúng ta về trầm cảm như một căn bệnh tâm thần cản trở, thay vì tạo điều kiện, để một người trở thành con người thật họ.

Thời đại Victoria: Cuộc trỗi dậy của chứng suy nhược thần kinh

Vào giữa thế kỷ 19, tâm lý học đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, tách biệt với y học sinh học. Những nhà tâm lý học buổi sơ khai thúc đẩy một lý thuyết rằng sự u sầu được gây ra bởi một hệ thần kinh quá tải. Nhiều người cho biết họ cảm thấy bồn chồn, bần thần và trầm cảm, và nhà thần kinh học người Mỹ George Miller Beard cho rằng những triệu chứng này là do tốc độ công nghiệp hóa ngày càng tăng và sự nổi lên của công nghệ mới. Ông đã đặt ra thuật ngữ suy nhược thần kinh để mô tả tình trạng có vẻ mới phát sinh từ sự phấn khích thần kinh của cuộc sống hiện đại.

Để tránh bị suy nhược thần kinh, người Mỹ và người châu Âu vào giữa và cuối thế kỷ 19 được khuyên nên quản lý nguồn lực thần kinh của họ để tránh nó bị sử dụng quá mức, và kéo theo đó là tình trạng suy sụp trầm trọng. Những bệnh nhân được yêu cầu tránh uống rượu và thịt, thức khuya và những mối quan hệ xấu. Những chuyến đi bộ và cuộc trò chuyện ý vị cũng được coi là có lợi trong việc giữ cho tâm hồn của một người luôn thoải mái.

Đàn ông, đặc biệt là những người làm công việc cổ cồn trắng, được cho là dễ gặp các cú sốc và suy nhược thần kinh hơn bởi vì Beard cho rằng họ tiếp xúc nhiều hơn với nhiều nguồn hưng phấn não bộ giữa sự lo lắng và bất ổn của thế giới. Bởi vì những người đàn ông cổ cồn xanh đã tham gia lao động thể chất hàng ngày, họ được cho là đã được miễn dịch. Nhân viên văn phòng nam được yêu cầu giảm hoạt động tình dục của họ, bao gồm cả thủ dâm (mặt khác, phụ nữ có thể được bác sĩ chỉ định giải phóng tình dục). Họ cũng được khuyên không nên sử dụng não quá nhiều để tránh làm suy kiệt lực thần kinh, đồng thời tham gia vào các môn thể thao và tập thể dục để vận dụng năng lượng một cách lành mạnh.

Trong những trường hợp suy nhược thần kinh nghiêm trọng, người bệnh sẽ đến một viện điều dưỡng, nơi họ được thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, không khí trong lành và nhiều thuốc bổ để bổ sung lực thần kinh. Những kẻ đục nước béo cò nhìn thấy cơ hội kiếm tiền nhanh chóng, thậm chí còn pha chế những viên thuốc bổ não và thần kinh để bán cho những người bị căn bệnh hiện đại dày vò.

Việc con người thời Victoria chú trọng vào chứng suy nhược thần kinh là một phần của sự thay đổi lớn hơn trong suy nghĩ về bản chất của sự u sầu. Cho đến thời điểm này, tình trạng này được coi là một khiếm khuyết về trí tuệ, não bộ hoặc cơ thể. Nhưng bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, nó bắt đầu bị coi là rối loạn cảm xúc. Mặc dù lúc đầu, sự thay đổi về mối quan tâm này có thể có vẻ khá âm thầm, nhưng nó thực sự khá quan trọng. Quan điểm mới này đã thay đổi cơ bản cách các bác sĩ và nhà tâm lý học tiếp cận điều trị trầm cảm; thay vì chỉ cơ thể và tâm trí ảnh hưởng đến cảm xúc, hay chính xác hơn là tâm trạng, cảm xúc của một người được coi là ảnh hưởng đến cơ thể và tâm trí. Quan điểm này sẽ tạo ra khoa học tâm trạng vào thế kỷ 20 và có ảnh hưởng đáng kể đến cách tiếp cận hiện đại đối với bệnh trầm cảm.

Cùng với việc chuyển sang coi u sầu như một chứng rối loạn tâm trạng, đã có một sự thay đổi trong danh pháp được sử dụng để mô tả các biểu hiện của nó. Trong thế kỷ 19, một trong những triệu chứng của bệnh u sầu (và người chị em họ hàng gần của nó, suy nhược thần kinh) là tinh thần chán nản hay cảm xúc u uất. Dần dần, các bác sĩ bắt đầu mô tả một người mắc chứng u sầu giống như bị trầm uất về tin thần hay cảm xúc. Mặc dù trầm cảm không thay thế từ u sầu như một cách để mô tả chứng rối loạn tâm thần này cho đến giữa thế kỷ 20, quá trình này đã được tiến hành trước đó một thế kỷ.

Cuối cùng, vào năm 1895, bác sĩ tâm thần người Đức Emil Kraepelin đã có những đóng góp đáng kể và lâu dài trong việc tiếp cận và điều trị sức khỏe tâm thần bằng cách trở thành người đầu tiên phân biệt rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt cũng như chính thức phân loại các loại u sầu dựa trên mức độ nghiêm trọng. Ông cũng đề xuất cơ sở di truyền và sinh học cho trạng thái trầm cảm và lập luận rằng việc điều trị chứng u sầu cần phải có sự can thiệp của y tế.

Học thuyết Freud đầu thế kỷ 20

Cạnh tranh với quan điểm tâm lý học của Kraepelin về sự u sầu là cách tiếp cận phân tâm học của Freud. Trong bài luận Mourning and Melancholia (Đau buồn và nỗi u sầu), Sigmund Freud lập luận rằng mặc dù sự đau buồn (được định nghĩa là nỗi đau sau mất mát) và u sầu có cùng các triệu chứng của tâm trạng chán nản, nhưng u sầu là tâm trạng chán nản không có nguyên nhân, hoặc ít nhất là không rõ nguyên nhân và xảy ra vô thức. Đau buồn có thể được phục hồi mà không cần can thiệp bằng cách cho phép người đó trải qua quá trình khổ đau tự nhiên. Mặt khác, nỗi u sầu đòi hỏi phải có phân tâm học để tìm ra những gốc rễ căn nguyên của nó.

Các nhà phân tâm học theo trường phái Freud khác lập luận rằng cốt lõi của sự u sầu là một kiểu ái kỷ. Sandor Rado tin rằng sự u sầu chỉ đơn giản là sự khao khát được chấp thuận và được yêu thương từ nhiều đối tượng tình cảm khác nhau, và sự u sầu đó là kết quả khi tình cảm đó không được đáp lại. Melanie Klein và những người khác đưa ra giả thuyết rằng sự u sầu là kết quả của sự từ chối của người mẹ; sự thù địch từ mẹ càng dữ dội thì chứng trầm cảm càng nghiêm trọng hơn.

Người bắc cầu nối giữa quan điểm phân tâm học của Freud về chứng trầm cảm và quan điểm tâm sinh học của Kraepelin chính là Adolf Meyer. Meyer đề xuất rằng những trải nghiệm thời thơ ấu cũng như di truyền có thể khiến ai đó dễ bị u sầu hơn. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng kinh nghiệm trong quá khứ và di truyền không phải là định mệnh; một người có thể sống cuộc sống của họ để ít gặp nguy cơ mắc bệnh tâm lý hơn. Ông cũng đề xuất rằng trầm cảm chứ không phải u sầu nên được dùng để mô tả tình trạng tâm trạng trầm uất nghiêm trọng và kéo dài. Vì vậy, nhờ Meyer, trầm cảm đã trở thành thuật ngữ lâm sàng được sử dụng ngày nay.

Giữa thế kỷ 20 đến ngày nay

Vào giữa thế kỷ 20, những tiến bộ trong khoa học thần kinh đã mang lại cho các bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học những hiểu biết sâu sắc chưa từng có về cách thức hoạt động của tâm trí. Ví dụ, họ tìm ra rằng cả hóa chất và dòng điện tạo nên hoạt động của não, rằng các phần khác nhau của não chịu trách nhiệm cho các hành vi khác nhau và việc điều chỉnh những thứ này có thể thay đổi cách một người hành động và cảm nhận. Với sự hiểu biết này, các phương pháp điều trị như liệu pháp sốc điện và phẫu thuật cắt đốt sống đã được thực hiện với hy vọng chữa khỏi hoặc ít nhất là làm giảm tâm trạng trầm cảm.

Một bước phát triển lớn khác của thế kỷ 20 đó là việc tạo ra các danh mục chính thức để phân loại các bệnh tâm thần khác nhau. Để giúp tiêu chuẩn hóa và điều trị bệnh tâm thần giống với bệnh sinh lý hơn, các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đã cùng nhau đưa ra Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê Hoa Kỳ về Rối loạn Tâm thần vào năm 1952. Trong ấn bản đầu tiên của DSM, thuật ngữ u sầu đã được thay thế bằng phản ứng trầm cảm để mô tả Tâm trạng trầm uất nghiêm trọng do xung đột nội tâm hoặc một sự kiện có thể xác định được như mất việc làm hoặc ly hôn.

Cùng lúc các nhà tâm lý học đang phân loại các bệnh tâm thần, các công ty dược phẩm tình cờ phát hiện ra các loại thuốc có thể làm thay đổi tâm trạng. Trong suốt những năm 1950, thuốc an thần đã trở thành một phương pháp điều trị phổ biến cho chứng lo âu, và Miltown và Valium đã trở thành nét chấm phá trong văn hóa ở Mỹ vào giữa thế kỷ. Ý tưởng rằng thuốc có thể được sử dụng để thay đổi trạng thái tinh thần không mong muốn đã mở đường cho sự phát triển và chấp nhận của họ trong việc điều trị trầm cảm.

Tuy nhiên, trước khi những khám phá về dược phẩm như thế được thực hiện, phương pháp phân tâm học của Freud vẫn là cách tiếp cận chủ yếu đối với bệnh tâm thần. Trong suốt những năm 1970, nếu bạn gặp rắc rối với chứng trầm cảm, bạn sẽ nằm trên chiếc ghế dài của nhà tâm lý học đúng như khuôn mẫu và tham gia vào liệu pháp trò chuyện.

Xảy ra cùng một lúc trong nền văn hóa của thời kỳ hậu chiến là một sự trỗi dậy của những ý tưởng, ít nhất là những ý tưởng mang tính thi vị, rằng trầm cảm không phải là thứ cần được chữa khỏi bằng thuốc hoặc liệu pháp mà thay vào đó là một phần bản tính chân thực, tự nhiên một người. – một phương tiện đưa người ta đến cảm hứng và sự khám phá bản thân. Các nhà văn giữa thế kỷ như Sylvia Plath, Thomas Szasz, RD Laing, và Michel Foucault đã bác bỏ ý kiến cho rằng bệnh tâm thần đại diện cho một sự lệch lạc không lành mạnh cần được san lấp bằng với nền tảng tiêu chuẩn bình thường được chấp nhận về mặt văn hóa.

Tuy nhiên, quan điểm đối kháng này và cả phân tâm học cũng sớm bị lu mờ bởi sự phát triển vượt bậc của phương pháp tiếp cận tâm lý học đối với bệnh tâm lý. Các công ty dược phẩm và các nhà nghiên cứu tâm lý bắt đầu đưa ra bằng chứng rằng trầm cảm chỉ đơn giản là một sự mất cân bằng hóa học trong não mà các loại thuốc cụ thể có thể khắc phục. Họ thường lý giải bệnh trầm cảm với một bệnh sinh lý như bệnh tiểu đường. Vấn đề liên quan đến sinh học và hoàn toàn rõ ràng; cũng giống như bệnh nhân tiểu đường cần dùng insulin để cân bằng lượng đường trong máu, thì người trầm cảm cũng phải dùng thuốc để cân bằng não.

Những người ủng hộ cho các hai phái phân tích tâm lý và tâm sinh học nhận thấy họ đang ở trong cuộc xung đột ngày càng gia tăng, và cuộc tranh luận giữa họ đặc biệt gay gắt dẫn đến việc phát hành DSM – III vào năm 1980. DSM – III nhằm cải thiện tính thống nhất và tính hợp lệ của chẩn đoán tâm thần cũng như làm cho chẩn đoán thiên về triệu chứng hơn là thiên về nguyên nhân. Những người theo trường phái Freud quan tâm hơn đến việc điều trị các nguyên nhân tâm lý cơ bản của bệnh tâm thần, trong khi trường phái tâm lý học lập luận rằng họ có thể điều trị các triệu chứng bằng thuốc. Mỗi bên muốn thấy DSM tập trung vào cách tiếp cận của họ.

Người ta cũng tranh luận về các loại bệnh tâm thần mới được tạo ra để hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng đưa ra chẩn đoán rõ ràng cho mục đích bảo hiểm. Các công ty dược đã thúc đẩy các danh mục mới bởi vì theo quy định của FDA, các công ty dược phẩm chỉ có thể tiếp thị và bán các loại thuốc nhắm vào một bệnh cụ thể. Với nhiều danh mục được công nhận là bệnh, các công ty dược phẩm có thể sản xuất và bán nhiều loại thuốc hơn. Và kết quả đó là: các loại thuốc nhắm vào serotonin trong não đã xuất hiện hàng loại sau khi DSM – III được phát hành. Prozac bắt đầu được bán ở Mỹ chỉ bảy năm sau khi công bố; Zoloft năm 1991, Paxil năm 1992 và Celexa năm 1998. Chỉ trong hơn 30 năm, số người Mỹ dùng thuốc chống trầm cảm đã từ khoảng 2,5 triệu người năm 1980 lên bốn mươi triệu người hiện nay. Đó là mức tăng 1500%.

Phiên bản cuối cùng của DSM – III thường được các nhà sử học tâm lý coi là một chiến thắng cho các nhà tâm lý học và một thất bại nặng nề cho các nhà phân tâm học. Rối loạn trầm cảm nặng đã được thêm vào như một thứ tách biệt và khác biệt với lo âu hoặc rối loạn thần kinh. Để được chẩn đoán mắc MDD, một bệnh nhân phải đáp ứng ba tiêu chí: 1) tâm trạng khó chịu (buồn, cảm thấy tuyệt vọng), 2) ít nhất bốn triệu chứng từ một danh sách bao gồm những thứ như không có cảm giác đói, buồn ngủ, năng lượng thấp, mất hứng thú vào các hoạt động bình thường, và cảm giác tội lỗi quá mức, và 3) các triệu chứng phải kéo dài ít nhất hai tuần (trong bản thảo ban đầu các triệu chứng cần kéo dài trong một tháng, sau đó đã được thay đổi thành hai tuần mà không có lời giải thích nào). Ngoài MDD, các danh mục trầm cảm khác cũng được chấp nhận bao gồm rối loạn rối loạn tâm thần, đặc trưng với tâm trạng trầm uất nhẹ, nhưng kéo dài.

Với DSM – III, chẩn đoán trầm cảm trở thành một vấn đề đơn giản chỉ cần kiểm tra các tiêu chí được liệt kê. Giờ đây, bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ gia đình (thay vì bác sĩ tâm thần) và được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm và ra về với đơn thuốc để giúp giảm bớt các triệu chứng. Tuy việc chẩn đoán trầm cảm trở nên dễ dàng hơn, nó cũng có thể đã trở nên quá dễ dàng. DSM – III không phân biệt rõ ràng giữa nỗi buồn bình thường và trầm cảm, và nó không tính đến các tình huống trong cuộc sống như ly hôn hoặc mất việc thường khiến ai đó rơi vào mớ hỗn độn. Do đó, nhiều người bắt đầu tìm cách điều trị chứng trầm cảm trong khi họ có thể đã xem tâm trạng chán nản của họ như một nỗi buồn bình thường. Ngay cả với các tiêu chí chẩn đoán rõ ràng hơn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bác sĩ vẫn đưa ra các kết luận khác nhau về cách chẩn đoán bệnh nhân trong môi trường thực nghiệm (trong đó bác sĩ được đưa ra một danh sách giả định về các triệu chứng và được yêu cầu chẩn đoán).

Cuối cùng, trong khi việc y học hóa bệnh trầm cảm đã giúp giảm bớt một số kỳ thị xung quanh con chó đen, nhưng có thể điều đó đã vô tình biến những cảm xúc và hành vi bình thường thành bệnh lý và khiến hàng triệu người Mỹ phải dùng thuốc không cần thiết. (Trong bài đăng cuối cùng của chúng tôi về các phương pháp điều trị trầm cảm, chúng tôi sẽ đi sâu hơn về hiệu quả của thuốc chống trầm cảm; câu trả lời ngắn gọn: nó có hiệu quả với một số người, nhưng không phải tất cả mọi người.)

Cùng với sự gia tăng của dược phẩm để điều trị trầm cảm, các hình thức trị liệu mới cũng phát triển trong thời gian này. Thay vì cách tiếp cận phân tâm học trừu tượng và kéo dài hơn thường mất nhiều năm, các lý thuyết mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 20 ngắn gọn hơn và hướng đến kết quả tức thì. Liệu pháp mới nổi bật nhất được phát triển bởi bác sĩ tâm thần Aaron Beck của Đại học Pennsylvania vào những năm 1960. Được gọi là liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), hình thức trị liệu nói chuyện này dựa trên tiền đề rằng trầm cảm là do nhận thức sai lầm, tiêu cực. Mục tiêu của CBT là giúp người trầm cảm thách thức những suy nghĩ sai lầm đó và thay thế chúng bằng những suy nghĩ phù hợp hơn với thực tế. Trong khi CBT và các liệu pháp trò chuyện khác đã được công chúng biết đến, rất ít người Mỹ bị trầm cảm tìm đến chúng vì chúng tốn kém về thời gian và tiền bạc. Đối với nhiều người, thuốc tiện lợi và hiệu quả hơn.

DSM – IV, được phát hành vào năm 2000, đã có một số thay đổi trong chẩn đoán trầm cảm bằng cách thêm các cấp độ. Vì vậy, một người có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nhẹ nếu họ gặp hai trong số các triệu chứng của bệnh trầm cảm nặng thay vì bốn triệu chứng. Nó cũng loại trừ một người khỏi chẩn đoán mắc chứng MDD khi họ báo cáo tình trạng trầm uất do mất người thân. DSM – V, được xuất bản vào năm 2013, đã thực hiện một số phân loại lại để giúp giảm thiểu khả năng chẩn đoán trầm cảm quá mức, mặc dù các nhà phê bình nói rằng nó đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu đó vì một số lý do. Ban đầu, việc loại trừ người có tang không còn hiệu lực, vì vậy giờ đây những người đau buồn vì mất người thân có thể được chẩn đoán là trầm cảm lâm sàng (ý tưởng liệt kê sự buồn khổ vì mất mát như một chứng rối loạn tâm lý đã được đề xuất và tranh luận, nhưng cuối cùng không được đưa vào). DSM – V cũng tái phân loại rối loạn nhịp tim (trầm cảm cấp độ thấp, kéo dài) là tiền rối loạn trầm cảm.

Và đây là chỗ đứng hiện tại của chúng ta.

Kết luận

Như bạn có thể thấy từ cuộc vận động của chúng ta xuyên suốt lịch sử của bệnh trầm cảm ở phương Tây, quan điểm của xã hội về bản chất và phương pháp điều trị về trầm cảm đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, và thường chuyển động qua lại như một con lắc. Việc cân bằng các chất dịch đã chuyển thành việc cân bằng chất dẫn truyền thần kinh. Tư duy đúng đắn thông qua chủ nghĩa Khắc kỷ đã trở thành tư duy đúng đắn thông qua liệu pháp hành vi nhận thức. Quan niệm về trầm cảm như một phương tiện để thấu hiểu về thân phận con người, qua những giai đoạn thăng trầm, giờ đây đã trở lại. Sự hiểu biết của chúng ta về bệnh trầm cảm hầu như không ổn định, dứt khoát hoặc tiến triển theo tuyến tính.

Điều này không có nghĩa là trầm cảm là một sản phẩm văn hóa, mà văn hóa ảnh hưởng đến cách một xã hội nhìn nhận và tiếp cận với trầm cảm. Nghiên cứu về sự phổ biến của bệnh trầm cảm ở các khu vực khác nhau trên thế giới cho thấy điều này. Ví dụ, nhà tâm thần học Nassir Ghaemi nói trong cuốn sách Về trầm cảm của mình rằng chỉ 1% dân số ở Đài Loan có thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nghiêm trọng [sử dụng các tiêu chuẩn do DSM – IV đặt ra], tức là họ đã có một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng trong đời, gần 20 phần trăm dân số ở Paris phù hợp với định nghĩa đó. Đó là khoảng 1% ở Iran, khoảng 5% ở Hoa Kỳ, 10% ở Canada. Sự khác biệt này rõ ràng là rất nổi bật, hơn thế nữa khi bạn cho rằng các bệnh tâm thần khác, như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực chỉ xảy ra ở 1% dân số cho dù ở bất kỳ quốc gia nào.

Còn nữa, mức độ trầm cảm ở Mỹ đã tăng lên đột ngột trong thế kỷ qua. Trong 1905, chỉ một phần trăm người Mỹ đã báo cáo họ mắc một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng ở độ tuổi 75. Vào năm 1955, 6% người dân đã trải qua một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng ở tuổi 24. Ngày nay, theo một số báo cáo, 10% người Mỹ trưởng thành, hoặc khoảng ba triệu người, mắc trầm cảm tại một thời điểm nào đó trong một năm nhất định. Trong khi có nhiều lý do khả dĩ cho sự tăng đột biến của bệnh trầm cảm (và chúng ta sẽ giải mã trong chương tiếp theo), sự thay đổi cách tiếp cận trong văn hoá của chúng ta với bệnh tật (và những tâm trạng buồn bã chung) chắc chắn là một yếu tố. Có phải nhận thức mới về trầm cảm giúp nhiều người nhận được sự giúp đỡ mà họ có lẽ không nhận được nếu họ sống vào hàng trăm năm trước? Hay cuộc sống hiện đại quá đáng chán? Có phải một phần đơn giản là vì văn hóa chúng ta quá chú trọng vào hạnh phúc và sự hướng ngoại tạo cho người ta cái cảm giác rằng họ đang mắc chứng trầm cảm lâm sàng vì họ không thể hân hoan vui sướng mọi lúc mọi nơi?

Điểm mấu chốt đó là có vẻ như có điều gì đó đang diễn ra ở cấp độ văn hóa khiến tỷ lệ trầm cảm được báo cáo tăng lên. Và đó là một phần bởi vì chúng ta vẫn đang vật lộn với những câu hỏi tương tự mà mọi người đã vật lộn trong hàng nghìn năm qua. Trầm cảm là do sinh học hay tâm lý hay môi trường? Việc thay đổi suy nghĩ của bạn có thể chữa khỏi chứng trầm cảm của bạn không? Mối liên hệ giữa tâm trí, cơ thể và tinh thần là gì? Bệnh trầm cảm có phải là một điều xấu không thể chữa khỏi hay bên trong nó còn những điều an ủi khác? Có phải trầm cảm là một phần bản ngã nội tại của một người, một công cụ để tìm ra con người thật của họ, hay một trở ngại để trở thành con người thật của chính mình?

Ngày nay, chúng ta nghiêng về những câu trả lời chú trọng đến yếu tố sinh học và di truyền, và chấp nhận quan điểm rằng trầm cảm phải bị tấn công và diệt trừ ngay lập tức như thể nó là một loại vi rút xâm nhập. Nhưng ngay cả khi tôi viết điều này, các lý thuyết đã thống trị lĩnh vực này trong hai thập kỷ qua đang bị lật tẩy. Sau đó, chúng tôi sẽ cảm thấy an ủi hơn khi nhớ rằng các chuyên gia trong mọi thời đại đều cảm thấy chắc chắn về lý thuyết của họ như chúng ta đã cảm thấy về lý thuyết của mình. Hàng nghìn năm sau, ý tưởng về việc uống một viên thuốc hoặc trò chuyện trên ghế dài để giảm bớt chứng trầm cảm có vẻ buồn cười cũng giống như việc cố cân bằng mật đen của một người mà thôi.

Tất cả những điều không chắc chắn này có vẻ khá đáng buồn. Nhưng nó cũng có thể giải phóng tư tưởng ta. Điều thật sự gây trầm cảm đó là khi ta được cho biết rằng có một cách chuẩn chỉ để nhìn nhận và xử lý chứng trầm cảm của mình, và ta thử cách tiếp cận đó mà chẳng chút thành công. Thay vì bị trói buộc vào một con đường và một quan điểm, chẳng lẽ không tốt hơn khi ta áp dụng một cách tiếp cận đa phương diện và đoạt lấy quyền tự do thử nghiệm những gì phù hợp với ta? Chẳng phải sẽ tốt hơn khi ta bước ra ngoài ảo tưởng rằng mọi thứ trước đây đều sai, và rằng cách chúng ta nhìn nhận bệnh trầm cảm bây giờ có phải là cách duy nhất để nhìn nhận nó?

Bởi lẽ chẳng phải chúng ta không biết gì, mà là chúng ta đã mò mẫm và hoàn toàn mù tịt từ thời cổ đại. Suy nghĩ đúng đắn, tập thể dục thể thao, đi bộ đường dài, trò chuyện ý vị, sống điều độ, sống đơn giản, thuốc, hay thậm chí là cắt máu (.), có thể chỉ là những thứ bác sĩ đã chỉ định; và sự thông thái của người xưa cùng với cái nhìn sâu sắc hiện đại có thể là con đường tốt nhất để hướng tới. Nhưng chúng ta đang vượt lên chính mình phải không? Bây giờ chúng ta hãy để quá khứ của con chó đen phía sau chúng ta và sẵn sàng chuyển sang suy nghĩ hiện tại về nguồn gốc khả dĩ của nó.

Danh mục bài viết

Những điều cần biết về trầm cảm (Phần 1: Lịch sử trầm cảm)

Những điều cần biết về trầm cảm (Phần 2: Nguyên nhân gây ra trầm cảm)

Những điều cần biết về trầm cảm (Phần 3: Những triệu chứng của trầm cảm)

Những điều cần biết về trầm cảm (Phần 4: Kiểm soát trầm cảm)

Tài liệu tham khảo

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Link đặt sách giấy

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Đăng ký nhận bảng tin hàng tuần

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.