Hiểu đúng chữ Khổ trong Phật giáo
Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành, hạnh phúc, giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, giá trị đẹp cho cộng đồng.
· 6 phút đọc.
Khi nhắc đến Phật giáo, nhiều người cảm thấy đây là một tôn giáo của sự bi lụy, bế tắc. Bởi hình ảnh một người tu sĩ cầm chuỗi hạt niệm kinh mà quên sự đời. Là lựa chọn xuất gia để tránh bụi trần của một vài người. Và hơn hết chính là chữ Khổ đứng đầu trong Tứ diệu đế. Nhưng thực tế chữ Khổ ấy không chỉ bao hàm sự khổ đau phiền não, cụ thể như thế nào mời các bạn đọc bài viết dưới đây.
Khổ trong Tứ diệu đế không chỉ là khổ đau
Tứ diệu đế là bốn chân lý cốt lõi trong nhà Phật, trong đó Khổ chiếm vị trí đầu tiên. Nội dung cơ bản của Khổ đó chính là mọi thứ tồn tại trên đời này đều có sự khổ đau của riêng nó. Một đứa trẻ khi sinh ra đã bắt đầu chuỗi đau khổ ấy bằng tiếng khóc. Rồi sinh lão bệnh tật, chán nản trước những điều không như ý.
Thực tế, Khổ ở đây không chỉ là sự khổ đau. Khổ trong nguyên gốc tiếng Pali là không tròn vẹn, không chắc chắn, không vĩnh viễn… Đây chính là những điều vô thường trong cuộc sống mà bất kỳ ai cũng gặp phải và trải qua. Nếu dùng chỉ riêng một từ để diễn giải thì khó có một từ ngữ nào phù hợp và trình bày được hết cốt lõi ý nghĩ của nó. Bên cạnh đó, nếu nghĩ rằng Phật giáo chỉ toàn sự bi thương, khổ ải, giải thoát thì ta đã nhìn nhận chưa thực sự đúng đắn. Đức Phật từng nói rằng hạnh phúc sẽ không tồn tại nếu ta không cảm nhận được khổ đau. Bởi lẽ một điều giản dị, nếu ta biết cái gì là khổ cái gì là đau, ta mới hiểu và trân trọng những giây phút thật sự hạnh phúc mà bản thân mình có được tầm tay.
Đồng thời, Đức Phật cũng nói nhiều về những hạnh phúc của người tu tập và người tu tại gia, như là:
Hạnh phúc của cuộc sống gia đình và hạnh phúc của cuộc sống độc thân.
Hạnh phúc nơi khoái lạc nhục dục và hạnh phúc khi từ bỏ được những điều ấy.
Hạnh phúc của sự vướng mắc và hạnh phúc lúc buông bỏ.
Hạnh phúc từ vật chất và hạnh phúc ở tinh thần.
Bởi vì rằng trong Khổ còn có không vĩnh viễn, cho nên không có gì là tồn tại mãi mãi. Khổ đau rồi cũng sẽ có lúc ngưng lại, hoặc nhạt nhòa. Hạnh phúc rồi cũng sẽ có lúc lụi tàn hay bị lấn át. Nếu ta cứ vướng mắc vào hạnh phúc gia đình, thì khi lỡ tay đánh rơi nói sẽ khổ đau vô cùng. Cũng như thế với những ham muốn của bản thân, sẽ tuyệt vời nếu được thõa mãn nhưng cũng như ở địa ngục nếu không được nguyện thành.
Nguyên nhân của Khổ
Cốt lõi gây nên sự Khổ là ái dục. là ham muốn, là tham lam về phần mình. Chính sự ham muốn làm ta bất chấp, mưu cầu thuộc về sở hữu của bản thân. Nếu tròn vẹn ta sẽ sống trong sự đau khổ rằng liệu có ngày nó biến mất. Chính suy nghĩ ấy khiến ta trở nên ích kỷ, không muốn chia sẻ với ai về điều ta có. Còn nếu ta không thể chạm đến điều cầu mong, thì sẽ đau khổ vì không có được điều ta muốn. Sự đau khổ ấy một phần gây ra bởi sự tranh giành với người khác. Chính những điều này khiến bản thân mỗi người trở nên khó khăn trong việc chia sẻ và khó mở lòng để đón nhận một ai đó vào lòng.
Sâu xa gây nên sự Khổ là vô minh. Vô minh là trạng thái mù quáng, không hiểu rõ, không nhận ra bản chất của mọi sự vật hiện tượng trên đời. Bởi nếu ta biết biết về một thứ gì đó, ta cũng sẽ hiểu luôn được rằng cái điều ấy là bất biến, rồi một ngày nó sẽ lụi tàn. Chấp nhận việc lụi tàn, hay chấp nhận nó không còn thuộc về mình là một sự buông bỏ, giải thoát bản thân mình không bị neo vào một điểm. Chính cái điểm neo ấy dường như khiến bản thân mình khó vượt qua cái cũ, vươn lên để phát triển chính mình. Cũng bởi vô minh, nên ta hiểu sai mọi điều mọi thông điệp. Chính thế mới tạo nên những hiểu lầm, bực dọc, giận hờn ghen tuông… Đó chính là cốt lõi của sự rạn vỡ và xa cách của người với người.
Hiểu Khổ để thoát Khổ
Khổ đau là thế, hiểu về nó không phải một sớm một chiều. Nhưng để thoát khỏi sự khổ đau, tránh vướng mắc vào nó ta có thể lưu tâm những điều sau:
Ngôn từ đúng đắn: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Không đem sự khổ đau đến với người khác qua lời nói, hãy chuyển hóa và thể hiện yêu thương trong từng thông điệp.
Hành động đúng đắn: Không giết hại, lừa gạt, trộm cắp… Tránh đi những hành động gây thù oán, sân hận hay tham lam giữa người với người.
Sinh nhai đúng đắn: Hành nghề tại tâm, không làm nghề phi pháp, độc ác gian trá.
Tư duy đúng đắn: Không vướng mắc, không chứa chấp những muộn phiền khổ đau trong người.
Hiểu biết đúng đắn: Trang bị kiến thức, quan điểm đúng đắn và hướng thiện. Hiểu và cảm thông mọi điều trong cuộc sống.
Nếu bản thân quá vướng mắc vào Khổ, thì người khổ nhất chính là bản thân. Người khổ tiếp theo là những người xung quanh. Những điều ấy không tạo nên sự trọn vẹn và liền mạch khi cảm nhận cuộc sống này. Hãy tránh xa sự sân hận và tham lam, có như thế bạn mới có thể chạm đến hạnh phúc của chính mình.