Tâm tình với đất mẹ | Chương 02

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

 · 96 phút đọc.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.

Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Kính lạy Mẹ, Mẹ là một hành tinh, là Mẹ của tất cả mọi loài, trong đó có loài người chúng con. Các con của Mẹ có đến hàng triệu chủng loại, loài nào cũng có ngôn ngữ của loài ấy. Vì Mẹ là Mẹ của tất cả chúng con nên Mẹ biết hết mọi thứ ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ của loài người, cho nên chúng con rất thoải mái mỗi khi được trò chuyện với Mẹ và dâng lời cầu nguyện lên Mẹ.

Trở về tiếp xúc với cội nguồn để được nuôi dưỡng và trị liệu

Thiền hành

Thiền hành (walking meditation) là một phép thực tập rất dễ chịu, nhất là vào lúc ban mai khi không khí rất trong lành. Trong khi đi thiền chúng ta phải hợp nhất thân, tâm và phối hợp hơi thở với bước chân. Thở vào ta có thể bước hai, ba hay bốn bước; thở ra ta có thể bước nhiều bước hơn. Ví dụ thở vào ta bước hai bước thì thở ra ta bước ba bước, nếu thở vào bước ba bước thì thở ra ta có thể bước năm bước. Nếu thở vào bước bốn bước thì thở ra ta có thể bước sáu bước, thở vào bước năm bước thì thở ra ta bước tám bước. Đó là kinh nghiệm của tôi. Khi chúng ta ngồi thiền thì hơi thở vào và hơi thở ra có thể dài hơn.

Nếu có một cái đồng hồ tích tắc trên bàn ngủ, ban đêm khi nằm xuống, chúng ta ngưng suy nghĩ, thở vào ta đếm ba giây, thở ra ta đếm năm giây… theo dõi hơi thở như thế cho đến khi ngủ. Tiếng tích tắc của đồng hồ giúp ta rất nhiều. Trong thiền đường, nếu có đồng hồ, ta có thể thở theo tiếng tích tắc của đồng hồ. Chúng ta chấm dứt sự suy nghĩ và chỉ thở thôi. Thở như vậy rất dễ chịu.

Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ dùng để đi thiền hành. Ví dụ như thở vào, đi hai bước, ta nói: Đã về, đã tới. Thở ra, đi ba bước, ta nói: Con đã về, con đã tới. Ta thật sự về, thật sự tới, không rong ruổi nữa và ta thích thú với giây phút hiện tại đã về đã tới.

Pháp môn Làng Mai rất đơn giản. Bài thuyết pháp sâu nhất và ngắn nhất của Làng Mai là: Đã về đã tới, đem thân tâm trở về hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại, những mầu nhiệm đang có trong ta và chung quanh ta để được nuôi dưỡng và trị liệu. Ta thấy thoải mái, an ổn, mãn ý với giây phút hiện tại. Ta không còn muốn chạy đi tìm gì khác nữa. Người nào trong khi ngồi hay khi đi mà thấy thích thú, mãn ý với giây phút hiện tại là người đó thành công. Ta không còn đi tìm gì nữa (no more longing).

Thở vào, đi ba bước; thở ra, đi năm bước: Con đã về, con đã về thật sự hoặc mỗi bước chân, con đi vào Tịnh độ hoặc là mỗi bước chân, con trở lại suối nguồn. Khi ngồi chúng ta cũng có thể nói: Mỗi hơi thở, con đi vào Tịnh độ hay là mỗi hơi thở, con trở lại suối nguồn. Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ mình thích, khi thì dùng câu này, lúc thì dùng câu kia.

Thở vào đi bốn bước, thở ra đi sáu bước, ta nói: Đã về đã tới, con đã về con đã tới.

Có những con đường thiền hành rất đẹp, một con đường đất với hai bờ cỏ xanh và màu đất hồng tươi. Ngày xưa tôi có làm một bài thơ tựa là Cẩn trọng:

Qua ngõ vắng

Lá rụng đầy

Tôi theo con đường nhỏ

Đất hồng như môi son bé thơ

Bỗng nhiên

Tôi cẩn trọng

Từng bước chân đi.

Thấy được vẻ đẹp, thấy được sự mầu nhiệm đó, tự nhiên ta tỉnh dậy, thấy ta đang sống trong một thế giới hết sức mầu nhiệm. Nếu tâm bị vướng bận bởi những lo lắng, sầu khổ thì ta sẽ không thể thấy được. Khi tỉnh dậy ta thấy rất trân quí mỗi giây phút mà cuộc đời đã cho ta sống. Tôi trân quí từng bước chân đi và trong mỗi bước chân tôi đều có hạnh phúc.

Vì Trái Đất có lực hấp dẫn (gravity) nên bước chân nào ta cũng phải đi chấm đất. Nếu không ta sẽ bay lơ lửng trên không. Đó là một trong bốn lực (four interaction activities) của Trái Đất. Lực hấp dẫn làm cho bước chân của ta dính vào mặt đất. Với mỗi bước, ta dính vào mặt đất và tiếp xúc với Đất Mẹ, tức là tiếp xúc được với cội nguồn của ta.

Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn mà ta có thể tiếp xúc được bất cứ lúc nào, nhất là khi ta thực tập thiền đi. Mỗi bước chân phải có chánh niệm. Tiếp xúc với Đất Mẹ ta sẽ tiếp nhận được sự nuôi dưỡng và trị liệu. Trong đời sống hằng ngày chúng ta thường đánh mất mình. Có khi ta chúi đầu vào sách hay vào máy tính mỗi ngày trên 10 giờ đồng hồ. Chúng ta bị những tâm hành như lo lắng, sợ hãi, buồn phiền kéo đi. Chúng ta không có mặt, chúng ta quên rằng ta có một hình hài mà Mẹ ban cho, chúng ta đánh mất sự sống. Có những người quên rằng mình có một hình hài. Họ sống trong một thế giới ảo. Thế giới của máy tính là thế giới ảo, thế giới của phiền muộn là thế giới ảo. Trong khi đó hình hài của ta là một cái gì rất thật. Tâm của ta bỏ thân mà đi, nên ta lao đao, ta đánh mất mình, và trở thành bệnh hoạn. Vì vậy, sự thực tập của ta là thở. Thở như thế nào để đem tâm về với thân, để biết ta đang có một hình hài. Chỉ cần một hay hai hơi thở là ta có thể thiết lập được thân tâm trong giây phút hiện tại, tiếp xúc với hình hài và với Đất Mẹ. Chỉ cần một bước chân có ý thức là ta đem tâm trở về tiếp xúc lại với Đất Mẹ. Ta tìm lại bản thân ta và như vậy quá trình nuôi dưỡng và trị liệu lập tức bắt đầu. Thiền ngồi, thiền đi, thiền thở là những pháp môn thực tập rất cần thiết cho tất cả chúng ta.

Trong chuyến đi miền Bắc Hoa Kỳ vừa rồi, chúng ta có cơ hội thực tập với những người làm việc trong hãng Google nửa ngày, trong đó có thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm chánh niệm, buông thư. Ban đầu sư cô Đàn Nghiêm và Hiển Nghiêm tập cho khoảng sáu, bảy trăm người trong trụ sở trung ương Google hát những bài thiền ca như thở vào thở ra để họ ý thức là họ có một hình hài và đem tâm trở về với thân. Sau đó sư cô Tuệ Nghiêm hướng dẫn thiền ngồi. Những nhân viên của Google thực tập rất đàng hoàng. Họ là những người trẻ, có người được thu dụng ngay khi vừa tốt nghiệp từ những trường đại học lớn. Họ rất thông minh, làm việc rất nhiều, có khi làm việc 12-15 giờ đồng hồ mỗi ngày với máy tính. Công việc của họ nặng về đầu óc, vì vậy họ không có thì giờ để sống với hình hài của họ và tiếp xúc với sự sống. Trong hôm thực tập đó ta tập cho họ trở về với thân, sống với những cảm thọ và cảm xúc của họ. Ta khuyên họ khi uống trà thì chỉ nên uống trà, khi ăn trưa thì chỉ nên ăn trưa, khi thở hay đi thì chỉ nên thở hay đi, mỗi lúc chỉ nên làm một việc. Ban quản trị trụ sở của Google rất cưng chiều nhân viên của họ. Họ thuê nhiều chuyên viên xoa bóp và cung cấp miễn phí cho nhân viên rất nhiều thức ăn bổ dưỡng. Ban quản trị cung cấp tất cả những tiện nghi vật chất cần thiết để giúp cho nhân viên của họ được thoải mái. Tuy vậy cũng vẫn không đủ, cho nên họ có nhu yếu thực tập thiền để buông bỏ bớt sự căng thẳng và ngăn ngừa những bệnh tật có thể xảy ra. Khi ăn sáng hay ăn trưa ta phải chấm dứt sự suy nghĩ và ngưng hết mọi công việc. Nhân viên trong đó làm rất nhiều việc và khi đói có thể họ vừa ăn vừa làm. Trong khi phương pháp ta đưa ra là khi ăn thì chỉ ăn thôi. Khi ăn, ta đem tâm trở về với thân để có mặt thật sự và có mặt với thức ăn của mình. Ta phải chấm dứt sự suy tư, chấm dứt sự làm việc, chỉ ăn mà thôi. Khi đi cũng chỉ đi thôi, không suy nghĩ, không làm việc. Chỉ cần làm như vậy cũng đủ để đem lại sự chuyển hóa và trị liệu.

Trong khóa tu cho các dân biểu quốc hội Hoa Kỳ, ta cũng đưa ra phương pháp đó. Chúng ta chia sẻ với họ rằng: Chúng tôi không đòi hỏi quý vị phải để thì giờ riêng ra để thực tập thiền. Những lúc quý vị đi tắm, ăn cơm, ngồi trên máy bay hoặc trên xe hơi, quý vị nên sử dụng thì giờ đó để thở, để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, trong đó có hình hài của quý vị. Như vậy quý vị có thể chống lại sự căng thẳng và bệnh tật, những loại bệnh có thể phát sinh nếu cứ tiếp tục sống cuộc sống quá bận rộn như bây giờ.

Tiếp xúc với những vị Bồ tát để được nuôi dưỡng và trị liệu

Đây là những vị Bụt, những vị Bồ tát có thật mà ta phải lạy xuống. Những vị đó có trong ta chứ không chỉ có ở ngoài ta. Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang chính là những vị Bồ tát đó, chúng ta còn đi tìm đâu nữa? Đi thiền hành chúng ta phải tiếp xúc được với các vị Bồ tát đó. Đất Mẹ là một vị Bồ tát, mặt trời là một vị Bồ tát đã cho chúng ta sự sống và các vị đó không phải ở ngoài ta mà còn ở trong ta. Có được tuệ giác đó thì ta không còn thấy Trái Đất, mặt trời là vật chất, và ta có thể tiếp xúc được thật sự với chúng. Khi tiếp xúc được thật sự ta sẽ nhận được sự nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi bước chân là nuôi dưỡng, mỗi bước chân là trị liệu.

Con người hiện nay bị bệnh rất nhiều, chúng ta phải học cách chữa trị. Đi thiền hành là một trong những phương pháp chữa trị rất hay. Đang ở tại Làng Mai ta phải biết lợi dụng pháp môn thiền hành, tại vì đi thiền hành ở những thành phố lớn như Los Angeles hay thành phố Hồ Chí Minh không sướng chút nào. Ở đây chúng ta có không khí rất trong lành, có cây cối xanh tươi, có những con đường thiền hành rất mầu nhiệm. Vì vậy chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội. Trong khi đi chúng ta dùng cả thân, khẩu, ý để tiếp xúc với đại địa, với Bồ tát Thanh Lương Địa. Trong đất có sức nóng, có không khí và có nước. Bầu khí quyển bao quanh Trái Đất cũng thuộc về Bồ tát Thanh Lương Địa. Đất Mẹ đã cho chúng ta nước để uống, không khí để thở; vì vậy đất cũng là nước, là không khí. Tầng ozon phía trên che chở cho chúng ta, ngăn những tia phóng xạ độc hại đi vào trong Trái Đất. Đất Mẹ chở che, nuôi dưỡng và trị liệu.

Trong khi đi thiền chúng ta có thể đạt tới những cái thấy rất sâu. Nhìn vào Đất Mẹ, ta thấy Đất Mẹ chứa cả tam thiên đại thiên thế giới, có cả vũ trụ trong Đất Mẹ. Các nhà khoa học cũng có thể đóng góp cho cái thấy đó, tại vì họ có một vài ý niệm về sự hình thành của Trái Đất. Họ biết rằng Trái Đất được làm bằng những yếu tố không phải đất, cũng như một bông hoa được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Các hành tinh khác cũng đã gửi tới cho chúng ta những đóng góp. Hành tinh đất cũng là một bông hoa rất đẹp được làm bằng những yếu tố không phải địa cầu. Nhìn vào hành tinh Đất Mẹ, ta thấy được cả vũ trụ. Nhìn vào bông hoa, ta cũng thấy cả vũ trụ trong đó như đám mây, mặt trời… Khi bước chân trên Trái Đất, ta thấy Đất Mẹ đang có mặt trong ta. Ta và Đất Mẹ không phải là hai thực tại tách lìa nhau.

Đi tìm chân-thiện-mỹ

Trong tôn giáo, người ta thường tìm một thần linh, và cần phải có đức tin đối với vị thần linh đó. Đối tượng của niềm tin, cố nhiên phải là một cái gì rất đẹp, rất lành và có quyền lực. Trong khi đau khổ, chúng ta cần tới một cái gì đẹp, lành và có uy lực để giúp ta thoát khỏi khổ đau.

Khi niệm Bụt Thích Ca, chúng ta có nhận thức rằng Bụt Thích Ca là một người có trí tuệ lớn, có khả năng chỉ đường, soi sáng cho chúng ta. Nếu không tin như vậy, thì ta đã không lạy Đức Thích Ca. Khi lạy trước Đức Thích Ca, chúng ta tin rằng Đức Thích Ca có lòng nhân từ, có đại bi, có tình thương lớn. Vì ta đang đau khổ, ta cần tình thương mà ta không có đủ trí tuệ và tình thương nên phải đi kiếm tìm ở một nơi khác. Có tình thương và trí tuệ là có chân, thiện, mỹ. Chân là sự thật, là tuệ giác. Thiện là tình thương, là từ bi và mỹ là cái đẹp. Chân, thiện và mỹ đi chung với nhau. Và đó là đối tượng của tôn giáo, của niềm tin.

Trong chúng ta cũng có một ít chân, một ít thiện và một ít mỹ; nhưng không đủ để làm cho ta hạnh phúc. Chúng ta không biết cách làm cho chân, thiện, mỹ trong ta lớn lên, và chúng ta đi cầu xin ở một đấng nào đó. Trong trường hợp của Đức Thích Ca, Ngài không phải là một đấng thần linh như ta tưởng tượng, mà là một con người có thật trong lịch sử. Ngài đã từng đi qua khổ đau, đã từng tu tập, chuyển hóa và giúp người bớt khổ. Những tư liệu đã ghi lại cho chúng ta biết tuệ giác, tình thương và cái đẹp của Ngài như thế nào. Vì vậy, đức tin của người Phật tử có tính cách cụ thể, và chúng ta có thể tiếp xúc được với đối tượng của đức tin. Tuy hình hài ngày xưa của Sakyamuni không còn nữa, nhưng trí tuệ, tình thương và cái đẹp của Ngài vẫn còn được tiếp tục dưới những hình thức mới. Đám mây không còn trên trời, nhưng ta biết nó không mất; đám mây vẫn còn dưới những dạng khác như nước suối, nước mưa hay tuyết, và nếu khéo léo ta sẽ nhận diện được đám mây trong chén trà của mình. Khi uống trà, tôi thường hay nhìn vào chén trà để thấy được đám mây và mỉm cười với nó. Chúng ta không thấy mây, nhưng thấy trà. Trà là sự tiếp nối của mây. Hình hài của Sakyamuni không còn, nhưng năng lượng của Sakyamuni vẫn tiếp tục và chúng ta có thể tiếp xúc được với năng lượng đó. Đây không phải là một đức tin không có căn cứ.

Thực tập địa xúc để chấm dứt tình trạng phóng thể

Khi đi thiền hành quý vị nên để ý đưa chánh niệm trở về, bước những bước chân có ý thức. Những bước chân đó có khả năng đem lại cho chúng ta sự giác ngộ, có thể cứu được đời ta, cứu được chúng ta ra khỏi tình trạng phóng thể (alienation) hiện nay. Con người hiện nay sống rất cô đơn cách biệt, vì không tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, không tiếp xúc được với cha mẹ, anh chị, tổ tiên, không tiếp xúc được với thiên nhiên. Đó là một tình trạng phóng thể rất lớn. Vì vậy con người mang bệnh rất nhiều, hầu như ai cũng bị bệnh. Chúng ta phải làm thế nào để chữa bệnh? Đông y và Tây y có rất nhiều liệu pháp, nhưng những liệu pháp đó chỉ xoa dịu phần nào những khổ đau về thân và tâm, mà không chữa được tận gốc. Muốn chữa được cái gốc, chúng ta phải làm cách nào đó để trở về tiếp xúc, chấm dứt được tình trạng phóng thể. Vì vậy, thực tập địa xúc rất quan trọng. Ngày xưa, đức Thế Tôn đã làm ấn địa xúc. Chúng ta phải tiếp xúc với đất, tiếp xúc được thì ta sẽ lành bệnh.

Trong những năm gần đây, có rất nhiều người ghi tên tham dự những khóa tu sức khỏe do Làng Mai tổ chức, vì ai cũng có bệnh, bệnh trong thân và trong tâm. Trong thân thể ta có những đau nhức, căng thẳng, mà ta không tiếp xúc được. Ta tìm tới bác sĩ, hy vọng bác sĩ có thể tiếp xúc được với thân của ta để biết những gì đang xảy ra và trị liệu giúp. Ta hoàn toàn trông cậy vào một người khác. Trong tôn giáo cũng vậy, ta hoàn toàn trông cậy vào một vị thần linh.

Trở về tiếp xúc với thân của mình

Trên thực tế, ta phải tiếp xúc được với ta, trước hết là tiếp xúc với hình hài ta. Thở vào, con nhận diện rằng con có một hình hài, đó là bài thực tập thứ ba trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Trong hơi thở vào, ta tìm cách tiếp xúc được với thân của ta, vì tâm của ta phóng thể với thân. Trong xã hội hiện nay, tâm không chịu ở lại với thân. Chúng ta tính thử xem trong 24 giờ đồng hồ một ngày có được bao nhiêu phút tâm ở lại với thân? Mỗi người trong chúng ta để bao nhiêu thì giờ với máy tính trong ngày? Nhiều người để trên 12 tiếng đồng hồ, và trong thời gian đó hoàn toàn quên rằng ta có một hình hài. Ngoài ra, còn có điện thoại, vô tuyến truyền hình… càng làm cho tâm ta không tiếp xúc với thân và ta quên bẵng đi rằng ta có một hình hài. Thử hỏi như vậy làm sao chúng ta không bị bệnh? Muốn hết bệnh, chúng ta phải nương vào hơi thở, thở cho có ý thức và đem tâm trở về với thân để học cách chấm dứt tình trạng phóng thể, tách biệt. Không tiếp xúc được với thân, chúng ta cũng không tiếp xúc được với tâm. Chúng ta phóng tâm ra ngoài, ta không biết những gì đang xảy ra trong tâm. Chúng ta không biết tiếp xúc với những cái lo, cái buồn, cái giận để ôm ấp, hàn gắn. Chúng ta tìm cách khỏa lấp bằng sự tiêu thụ sách báo, âm nhạc, vô tuyến truyền hình, rượu, ma túy hay thức ăn. Chúng ta ăn để quên. Trong khi ăn chúng ta có cảm tưởng quên được cái đau, cái buồn, cái khổ, cái lo của ta và chúng ta mập ra tại vì chúng ta ăn trong lúc không đói. Con người bị bệnh là do không tiếp xúc được với thân và tâm của mình. Như vậy, làm sao ta tiếp xúc được với nguồn gốc của ta là Đất Mẹ? Nếu chúng ta tu tập để trở về tiếp xúc được với thân, ta sẽ có cơ hội trở về tiếp xúc với Đất Mẹ.

Chúng ta không có khả năng trở về xử lý, chăm sóc một cảm xúc đau buồn, một khổ thọ. Ta có khuynh hướng muốn trốn chạy, và ta trốn chạy vào sách báo, âm nhạc, máy tính, thức ăn, dự án tương lai. Chúng ta không tiếp xúc được với thân và tâm, chúng ta phóng thể và chúng ta bệnh.

Khi tổ chức một khóa tu sức khỏe, quý vị giúp người ta hết bệnh bằng cách nào? Khóa tu sức khỏe có mục đích phục hồi lại sự an lạc trong thân và trong tâm. Muốn có an lạc, trước hết ta phải tập trở về với thân để chấm dứt tình trạng phóng thể. Khi trở về với hơi thở, ta đã bắt đầu tới được cửa ngõ của thân. Chính bằng cửa ngõ hơi thở mà ta đi được vào thân. Tiếp xúc với thân, là một với thân thì ta biết cách chăm sóc thân. Tiếp xúc được với thân rồi, ta mới có thể tiếp xúc được với tâm. Không những ta không tiếp xúc được với khổ thọ, mà ta cũng không thể tiếp xúc được với lạc thọ. Ta không nhận diện được lạc thọ, đừng nói tới nhận diện được những xả thọ.

Phương pháp của đạo Bụt rất khoa học. Trong khóa tu sức khỏe, quý vị làm sao để giúp những thiền sinh trở về tiếp xúc và hòa giải được với thân của họ. Lâu nay, họ đày đọa thân mình, họ bỏ bê thân mình, mà lầm tưởng là đang thương mình. Quý vị phải dạy cho họ thở. Nhiều người thở mà không biết là mình thở.

Phép tu của đạo Bụt là chấm dứt tình trạng phóng thể, gọi là chỉ (止), tiếng Phạn là samatha. Ngày xưa, samatha được dịch là tức (息). Tức là sự dừng lại, trong chữ Hán cổ điển tức cũng có nghĩa là hơi thở. Tức có ba nghĩa:

Dừng lại

Làm lắng dịu. Làm lắng dịu hình hài gọi là thân hành tức (身 行息).

Tập trung, có nghĩa là duy trì tình trạng chánh niệm vào một đối tượng. Đối tượng đó có thể là hơi thở, hay hình hài của mình.

Bài tập thứ nhất là nhận diện hơi thở:

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào.

Đây cũng là một sự giác ngộ, không cần phải tu tám năm hay hơn nữa ta mới có giác ngộ. Ngày thường thở vào, ta không biết là ta thở vào. Bây giờ thở vào, ta để tâm và biết là ta thở vào, ta là một cái gì linh động. Ngay hơi thở đầu, tôi biết là tôi đang thở vào, tôi biết có hơi thở vào đang xảy ra, đó là một sự giác ngộ.

Bài tập thứ hai là theo dõi hơi thở:

Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu tới cuối.

Ta sống với sự giác ngộ một cách liên tục. Ví dụ như khi ta thở vào trong bốn giây thì ta có bốn giây giác ngộ. Có giác ngộ và có sự duy trì giác ngộ.

Bài tập thứ ba là nhận diện hình hài, gọi là thân hành giác (身 行覺). Giác là ý thức.

Thở vào, tôi ý thức rằng tôi có một hình hài.

Đó đã là sự giác ngộ rồi, ta không cần phải đi tìm giác ngộ ở đâu xa. Đây là một phương pháp rất khoa học. Ta hòa giải và trở thành một với hình hài, và tình trạng phóng thể bắt đầu chấm dứt.

Mỗi ngày, anh để ra 12 giờ đồng hồ cho máy tính, mà anh quên là anh có một hình hài. Một số thầy và sư cô phải dùng máy tính để làm việc cho chúng, nhưng họ cài vào máy một tiếng chuông. Cứ mỗi 15 phút làm việc thì có một tiếng chuông. Mỗi khi nghe tiếng chuông, ta dừng lại, không làm việc nữa: Thở vào, ý thức rằng ta có một hình hài và làm cho hình hài lắng dịu.

Hôm hướng dẫn cho 600 người của trung tâm Google ở Mountain View, tôi cũng đề nghị phương pháp thực tập này. Ở đó, tôi biết có người phải dùng máy tính trên 12 giờ đồng hồ mỗi ngày. Thỉnh thoảng, nếu có một tiếng chuông đánh thức, ta có cơ hội trở về với hình hài của mình, có mặt, chăm sóc và làm lắng dịu hình hài.

Bài tập thứ tư của kinh An Ban Thủ Ý là làm lắng dịu hình hài của mình:

Thở vào, tôi làm lắng dịu hình hài của tôi.

Hình hài của tôi đang đau khổ, bơ vơ, đang bị chính tôi bỏ bê và đối xử một cách tàn tệ. Bây giờ, tôi trở lại chăm sóc nó. Trước hết, tôi thở như thế nào để hình hài được lắng dịu lại.

Thở ra, tôi buông thư toàn thân.

Dừng lại đã hay rồi, làm lắng dịu còn hay hơn nữa, và khổ đau bắt đầu bớt đi từ từ.

Bài tập thứ năm là trở về tiếp xúc với tâm hành.

Tâm hành ở đây có nghĩa là cảm thọ. Tâm hành đầu tiên chúng ta cần tiếp xúc là niềm vui, hỷ giác (喜 覺). Khi giác ngộ được rằng ta có một hình hài, ta có sự sống và đang tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì tự nhiên trong ta phát sinh ra một niềm vui. Người thực tập phải có khả năng chế tác được năng lượng của niềm vui trong khi thở vào. Khi thân tâm nhất như, ta nhận diện ra bao nhiêu điều kiện hạnh phúc đang chờ ta ở đây. Ta đánh mất mình trong máy tính, trong lo lắng nên không thể thấy được những mầu nhiệm của sự sống. Trở về tiếp xúc được với không khí trong lành, với ly nước trong, với hoa cỏ, với Đất Mẹ, thấy mình có hai mắt, hai tay… tự nhiên hỷ và lạc phát sinh.

Bài tập thứ sáu là nuôi lớn hạnh phúc, gọi là lạc giác (濼覺).

Thở vào, tôi ý thức được là tôi đang có hạnh phúc.

Đây không phải là sự tưởng tượng. Khi trở về, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Sự mầu nhiệm đầu tiên là hơi thở của mình, sự mầu nhiệm thứ hai là hình hài của mình. Khi tâm có mặt với thân, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống ở trong và chung quanh hình hài của mình, tự nhiên sinh ra hỷ giác và lạc giác.

Đây là lời dạy và sự thực tập của Bụt Thích Ca trao truyền lại cho các thầy, các sư cô, các Phật tử thời đó và đã được tiếp tục trao truyền trong 2500 năm nay. Đây mới chính là Bụt, Bụt không phải là hình hài của Sakyamuni ngày xưa mà ta muốn tìm. Sakyamuni đang được tiếp nối bởi những giáo lý và sự thực tập này. Vì vậy, chúng ta có thể tiếp xúc với Bụt ngay trong giây phút hiện tại.

Bài tập thứ bảy là tiếp xúc với tâm, gọi là tâm hành giác (心 行覺). Tâm hành ở đây là một khổ thọ, một cảm giác đau nhức của thân hay của tâm. Chúng ta bắt đầu tiếp xúc với tâm:

Thở vào, tôi ý thức được cảm thọ khổ đau trong tôi.

Thở ra, tôi ý thức được cảm xúc khổ đau trong tôi.

Chúng ta không khỏa lấp, không trốn chạy nữa mà nhận diện và ôm ấp lấy cảm thọ hay cảm xúc đó để chấm dứt tình trạng phóng thể. Tâm tiếp xúc với thân, tâm tiếp xúc với tâm.

Ai mà không có nỗi khổ niềm đau? Vì bệnh, khổ nên ta mới tham dự khóa tu sức khỏe. Tới khóa tu, ta được tiếp xúc với hỷ, lạc và với nỗi khổ niềm đau của ta. Ta phải tập cho quen, vì lâu nay ta có khuynh hướng muốn chạy trốn nỗi khổ niềm đau. Ta không có khả năng tiếp xúc với nỗi khổ niềm đau, nên không có cơ hội trị liệu.

Bài tập thứ tám là làm lắng dịu tâm, gọi là tâm hành tức (心 行 息).

Thở vào, tôi làm lắng dịu niềm đau nỗi khổ trong tôi.

Phương pháp của đạo Bụt rất khoa học, chăm sóc cả thân và tâm, nắm lấy thân và tâm một lần, thân nằm trong tâm và tâm nằm trong thân.

Thực tập được bốn bài tập đầu trong kinh Quán Niệm Hơi Thở giúp ta chấm dứt được tình trạng phiêu lưu.

Trong khóa tu sức khỏe, nếu chúng ta không thực tập như vậy thì không phải là khóa tu sức khỏe. Nguyên tắc của khóa tu là làm chấm dứt tình trạng phóng thể và trở về tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống qua hơi thở và hình hài của ta. Thực tập được như thế, ta mới trở về tiếp xúc với chính tâm của ta. Có hỷ giác và lạc giác, ta sẽ sống dậy. Ta cần được nuôi dưỡng bởi hỷ và lạc. Ta sẽ lành bệnh; không có hỷ, lạc ta sẽ không lành bệnh được.

Ta phải biết trân quí hình hài và sự sống của ta. Khi tổ chức khóa tu sức khỏe, ta phải chỉ cho thiền sinh thực tập như vậy. Phải chọn một chỗ có không khí trong lành, có nước mát và cây cối xanh tươi để tổ chức. Nhưng trước tiên, ta phải thực tập cho được mới có thể giúp được người khác.

Mỗi bước chân thiền hành phải giúp ta tiếp xúc được với thân và tâm. Thân và tâm phải có mặt trong khi ta bước một bước. Tiếp xúc với thân tâm, ta tiếp xúc được với Đất Mẹ. Tiếp xúc được với Đất Mẹ, ta sẽ có một nguồn trị liệu rất lớn không những trị liệu được cho ta, mà còn trị liệu được cho Mẹ. Trong khi thực tập thiền ngồi, thiền đi, hay thiền lạy, ta đều tiếp xúc với đại địa. Ăn cơm cũng là để tiếp xúc với đại địa. Đưa miếng bánh mì lên, ta phải để tâm ở lại với miếng bánh mì, để thấy trong miếng bánh mì này có mẹ, có cha, có Đất Mẹ, có mặt trời, có đám mây… Đó là sự trị liệu. Ngồi ăn mà cứ nhai sự lo lắng, đau khổ, thì không có sự trị liệu. Trong khóa tu sức khỏe, quý vị phải dạy cho người ta cách ăn. Ăn chay đơn giản không đủ để trị liệu, phải ăn có chánh niệm mới có khả năng trị liệu. Bệnh có thể được chữa lành do sự tiếp xúc, trước tiên là tiếp xúc với hơi thở, hình hài, rồi với tâm của ta.

Các vị chuyên tổ chức khóa tu sức khỏe phải ngồi lại với nhau và làm một chương trình cho hay. Những người đứng ra hướng dẫn khóa tu phải nắm cho được kỹ thuật thực tập. Tôi nghĩ, tất cả các thầy, các sư cô đều phải làm công việc này. Tất cả Phật tử cư sĩ cũng phải làm công việc đó cho mình và giúp tổ chức những khóa tu cho người khác. Đó là công việc quan trọng nhất. Có những người muốn đi biểu tình, hay đi tranh đấu nhân quyền, thì cứ để họ làm. Nhưng chúng ta thì phải làm công việc này, vì đó là công việc căn bản. Làm được thì ta mới có thể giúp cho những người kia, tại vì những người kia có thể đang đánh mất họ trong khi hoạt động cho nhân quyền, trong khi làm xã hội, làm chính trị và vì họ cũng bị bệnh nên họ cũng không thành công. Ta mời họ tới thực tập với ta để họ có thể thành công trong những hoạt động mà họ muốn thực hiện.

Sự thành lập của Trái Đất

Trái Đất được thành lập

Chúng ta hay có thói quen nhân cách hóa mọi thứ. Ví dụ như tự do, chúng ta nghĩ tới tự do như một vị thần, nên ta tạc tượng Nữ thần Tự Do. Khi gió thổi mạnh, chúng ta tưởng tượng ra một vị thần đang làm ra gió gọi là thần Gió. Khi nghe tiếng sấm sét, chúng ta nghĩ ra một vị thần gọi là thần Sấm Sét. Văn hóa nào cũng có khuynh hướng đó. Tình thương cũng được nhân cách hóa thành ra một bà mẹ, Mẹ Maria hay Mẹ Quan Âm. Chúng ta có thần Tự Do, thần Công Lý, có Mẹ Maria, Mẹ Quan Âm. Trong nhiều nền văn hóa, chúng ta đã xem Mặt trời là một vị thần linh. Trong văn hóa Ấn Độ, Mặt trời là một vị thần tên Surya, ở Trung Quốc là thần Thái Dương và ở Âu châu là Suna. Chúng ta có khuynh hướng nhân cách hóa mọi thứ.

Khi nghĩ tới sự thành lập vũ trụ, chúng ta nhân cách hóa sự thành lập đó bằng hình ảnh một Thượng đế, một vị hóa công, tức người đã tạo dựng ra thế giới. Hành tinh của chúng ta, ta gọi là Đất Mẹ, ta cũng nhân cách hóa Trái Đất. Chúng ta nghĩ đất là Mẹ như một con người và mặt trời là một ông cha. Trong những ơn ta muốn tỏ lộ có ơn trời che và đất chở (thiên địa phú tài chi ân).

Trái Đất của chúng ta đã có mặt vào khoảng 5 tỷ năm. Lúc đầu nó chỉ là một khối lửa như mặt trời bây giờ. Trong gần 4 tỷ năm trên Trái Đất không có sự sống, tại vì quá nóng. Nhưng từ từ, lửa phun ra tạo thành hơi nước, hơi nước làm cho vỏ ngoài của Trái Đất lạnh và cứng lại. Từ từ bầu khí quyển được hình thành và sự sống bắt đầu xuất hiện dưới nước. Nhờ bầu khí quyển và từ trường phóng ra từ Trái Đất mà có đủ sức ấm, nhờ sức nóng do mặt trời chiếu dọi mà đại dương không đóng thành băng. Bầu khí quyển ngăn cản những tia phóng xạ cực tím nên sự sống từ từ xuất hiện trên mặt đất. Trong một tỷ năm cuối, sự sống được phát hiện dưới hàng triệu chủng loại, từ cây cối đến thú vật. Con người xuất hiện rất trễ trên Trái Đất. Có một lần Trái Đất bị một thiên thể lớn bằng sao Hỏa va chạm, tạo ra một cú sốc rất lớn. Một phần của thiên thể hòa nhập với Trái Đất, một phần hợp với một phần nhỏ của Trái Đất văng ra và trở thành mặt trăng. Mặt trăng xoay chung quanh Trái Đất theo một quỹ đạo. Trái Đất bị tai nạn – bị những thiên thể trong không gian va chạm như vậy bốn năm lần. Tới lần Trái Đất bị va chạm cuối cùng thì những loài khủng long đang sống trên mặt đất bị hoàn toàn tiêu diệt, loài bò sát khổng lồ cũng chết hết, chỉ còn lại những loài động vật có vú sống được và tiếp tục phát triển.

Sự xuất hiện của con người

Con người xuất hiện rất trễ trong lịch sử của sự sống. Lúc đầu có một loài vượn ở Phi châu đứng thẳng lên và hai tay của nó được tự do. Nó bắt đầu biết sử dụng những khí cụ nên trí óc phát triển rất nhanh. Loài vượn đứng thẳng xuất hiện và từ từ trở thành nhiều chủng loại của con người. Nhờ khối óc nên con người trở nên thông minh, sáng tạo ra nông nghiệp, kỹ thuật và ảnh hưởng tới Trái Đất một cách rất hiệu quả. Trong lịch sử của sự sống, chưa có loài nào trên thế giới có thể ảnh hưởng lên Trái Đất một cách lớn lao như vậy. Và con người bắt đầu nhân cách hóa, con người nghĩ rằng: Thượng đế, tức lực lượng tạo ra trời đất, phải có hình dáng của một con người.

Trong kinh điển nói: Thượng đế tạo ra con người dưới hình ảnh của Ngài. Nhưng trên thực tế thì chính con người đã tạo ra Thượng đế. Đó gọi là nhân cách hóa. Trong đạo Bụt, chúng ta nói tới Phật tánh, tức khả năng hiểu, thương và tỉnh thức. Chúng ta nói tới Phật tánh, không những của con người mà còn của những loài khác, vì vậy trong Thiền tông có công án: Con chó có Phật tánh hay không? Chúng ta có tụng một bài kinh, trong đó có câu: Tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo – tất cả các loài, dù hữu tình hay vô tình, đều có thể thành Phật. Không những con chó, con nai, con thiên nga, con cá, con chim có thể thành Phật, mà cây trúc đào, cây xoài, cây chanh cũng có thể thành Phật. Cỏ cây, đất đá đều có thể thành Phật, đó là tình dữ vô tình đồng thành Phật đạo.

Nhưng con người có khuynh hướng muốn coi mình cao hơn hết mọi loài. Con người nhìn mọi loài bằng con mắt phân biệt, nghĩ rằng Phật, Thánh hay Thượng đế chỉ có thể là con người mà thôi.

Mặt trời là một vị Bồ tát lớn

Nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta thấy trước khi con người xuất hiện trên Trái Đất, đã có sự hiện diện của các vị Bụt và Bồ tát. Các vị Bụt và Bồ tát không hẳn phải mang hình thức một con người. Ví dụ như mặt trời mà mỗi ngày chúng ta thấy là một ngôi sao rất lớn trong dải ngân hà có triệu triệu ngôi sao. Mặt trời là một trong những ngôi sao lớn nhất của tinh hà này. Mỗi ngày mặt trời hiến tặng bản thân của mình dưới hình thái ánh sáng. Hành tinh của chúng ta là Trái Đất mỗi ngày tiếp thu một ít ánh sáng mặt trời để có thể chế tác được sự sống.

Nhìn cho kỹ thì mặt trời là một vị Bụt có hào quang vô lượng và thọ mạng vô lượng. Mặt trời lớn gấp 330.000 lần Trái Đất và đường kính gần 1 triệu rưỡi cây số. Mỗi ngày mặt trời lấy hình hài của mình chế thành ánh sáng hiến tặng cho thế gian. Ánh sáng vô lượng và thọ mạng vô lượng, đó là đức Bụt A Di Đà. Mỗi ngày đức Bụt A Di Đà có mặt cho Trái Đất và cho chúng ta trong hình hài của chúng ta. Trong chúng ta có mặt trời, cũng như trong bông hoa có Mặt trời. Lấy mặt trời ra thì chúng ta chết. Trong kinh nói Di Đà là tự tánh, chúng ta đã có được Di Đà trong thân và tâm của mình. Nếu bản chất của A Di Đà là vô lượng quang, vô lượng thọ thì mặt trời đúng là vô lượng quang, vô lượng thọ. Mặt trời là Suna, là thần Thái Dương, là Bụt A Di Đà Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ. Mỗi ngày mặt trời đi chơi từ phương Đông qua phương Tây nên người ta nghĩ rằng nhà của mặt trời hay của Bụt A Di Đà là phương Tây. Chúng ta không cần phải nhớ tưởng hay niệm đức A Di Đà. Đức A Di Đà đang có mặt trong hình hài ta, có mặt với chúng ta trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Muốn nhìn hình hài của mặt trời thì mình nhìn lên, muốn tiếp xúc với năng lượng của mặt trời thì nó có ngay trên Trái Đất và trong hình hài của chúng ta.

Mặt trời là một vị Bụt, một vị đại Bồ tát. Mặt trời không cần phải mang hình hài một con người. Lâu nay trong đạo Kitô người ta quan niệm Thượng đế là đấng tạo hóa có hình hài của một con người. Nhưng sau này nhiều nhà thần học đã đặt vấn đề: Có phải Thượng đế có hình hài của một con người hay không? God is a person or not? Rất nhiều nhà thần học Kitô giáo không đồng ý rằng Thượng đế có hình hài của một con người.

Lúc còn sống, Albert Einstein có đọc một bài diễn văn, trong đó ông nói ông không tin rằng Thượng đế có hình dáng của một con người. Sau đó, những nhà thần học như Paul Tillich cũng nói như vậy: God is not a person.

Trong đạo Bụt chúng ta có danh từ pháp thân (Dharmakāya). Danh từ pháp thân có ít nhất là hai nghĩa:

Trước nhất, pháp thân là sự thực tập của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có pháp thân, tức có sự thực tập. Sự thực tập của chúng ta có thể yếu kém hay hùng mạnh. Nếu sự thực tập của ta vững chãi thì ta có thể xử lý được những nỗi khổ niềm đau và chế tác được niềm vui. Đó là Dharmakāya, là pháp thân của chúng ta. Ta tu tập, hành trì như thế nào để pháp thân càng ngày càng vững, ta có thể chế tác niềm vui và chuyển hóa niềm đau một cách dễ dàng. Có pháp thân là ta có Phật thân, đi đâu hay ngồi đâu trong ta cũng có Bụt.

Sau này, nhất là trong Đại thừa, chữ pháp thân có nghĩa là nền tảng của vạn pháp. Vạn pháp có thiên hình vạn trạng, có muôn ngàn pháp, nhưng tất cả đều nương tựa trên một nền tảng gọi là pháp thân.

Bên Kitô giáo, nhiều nhà thần học cũng nói tới Thượng đế như một pháp thân. Nhà thần học người Đức, Paul Tillich, nói: Thượng đế là nền tảng của hiện hữu. God is the ground of being. Đạo Phật cũng nói: Pháp thân là nền tảng của tất cả các pháp. Cho rằng Thượng đế là nền tảng của hiện hữu cũng gần giống như khi ta nói pháp thân là nền tảng của các pháp. Phật tử sẽ không khó khăn khi chấp nhận một Thượng đế như là bản thể, nền tảng của vạn pháp.

Mặt trời cũng là một vị Bồ tát lớn, là một vị Bụt. Không có mặt trời thì không có ánh sáng, sức nóng và không có sự sống. Mặt trời có tên là Đại Nhật Như Lai, Vairochana Tathagata. Không có mặt trời thì không có sự sống trên Trái Đất. Chúng ta có thể xướng: Nhất tâm kính lễ đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai, Bụt Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang hiến tặng sự sống cho hành tinh đại địa.

Trái Đất là một vị Bồ tát

Mặt trời là một pháp, hành tinh Trái Đất cũng là một pháp. Nếu mặt trời là một vị Bồ tát thì hành tinh của chúng ta cũng là một vị Bồ tát, Đất Mẹ là một vị Bồ tát. Là những người hành trì, chúng ta phải bắt đầu nhìn Trái Đất như một vị Bồ tát, một vị Bồ tát rất xinh đẹp. Các nhà khoa học đã dùng kính viễn vọng để tìm kiếm, nhưng cho tới nay họ chưa tìm được một hành tinh nào xinh đẹp như Trái Đất. Chiếc áo khoác lên người của Đất Mẹ là một chiếc áo rất xinh đẹp, chiếc áo có màu xanh của đại dương, màu xanh của cây cỏ. Nhìn cho kỹ, ta thấy có biết bao nhiêu mầu nhiệm biểu hiện trên mặt đất, trong đó có con người. Con người tự hào mình giỏi về toán học, nhưng khi nhìn một cánh hoa anh đào hay nhìn một vỏ ốc thì con người phải cúi đầu khâm phục. Phải rất giỏi toán mình mới làm ra được một cánh hoa anh đào hay một vỏ ốc như vậy. Muốn xây một ngôi nhà hay một cây cầu vững chãi, chúng ta phải nhờ kiến thức của toán học. Đất Mẹ cũng là một nhà toán học tài tình, đã tạo ra những cái rất mầu nhiệm.

Những nhạc sĩ đã tạo ra những bản nhạc rất hào hùng. Nhưng nếu lắng nghe tiếng hải triều, tiếng gió, tiếng chim, tiếng thông reo thì chúng ta sẽ thấy rằng Bồ tát Thanh Lương Địa của chúng ta là một nhạc sĩ rất tài tình. Không bản nhạc nào hào hùng hơn bản nhạc của đất trời, của mưa, của gió, của hải triều sớm tối. Các họa sĩ đã sáng tạo ra những bức tranh thật tuyệt vời, nhưng không họa sĩ nào có thể sáng tạo ra những bức tranh tuyệt vời như Đất Mẹ. Buổi sáng khi mặt trời lên, đứng trên núi nhìn xuống, chúng ta thấy bức tranh mà Trái Đất thực hiện đẹp hơn những bức tranh của con người rất nhiều.

Không hẳn chỉ con người mới được gọi là Mẹ. Ta có thể nhìn Trái Đất như một vị Bồ tát, gọi là Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Ta có thể chắp tay lại niệm: Nam mô Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Vị Bồ tát này là Mẹ của muôn loài, có khả năng chuyên chở, nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi khi đau ốm, ta đánh mất mình thì ta phải trở lại với bà Mẹ này để được nuôi dưỡng, trị liệu. Vì vậy, thiền hành là một phương pháp thực tập rất hay để chúng ta có thể trở về tìm sự nuôi dưỡng và trị liệu từ Đất Mẹ. Tuy không mang hình thức của một con người, nhưng Đất Mẹ đích thực là một vị Bồ tát, tại vì Đất Mẹ có những đức tính rất lớn như vững chãi và kiên nhẫn. Trong kinh Địa Tạng có câu: Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng (có nghĩa là đất kiên cố, dày dặn và cất chứa được rất nhiều). Đất có khả năng nuôi dưỡng, che chở, trị liệu và có khả năng cho ra đời biết bao nhiêu là mầu nhiệm. Nhiều vị Bụt và Bồ tát đã được đất sinh ra. Chính Chúa Kitô cũng do đất sinh ra. Ta không biết Chúa Kitô có phải do Thượng đế sinh ra thật hay không, nhưng ta biết chắc Chúa Kitô do Trái Đất sinh ra. Có những lúc ta lao đao, cô đơn, lạc hướng hay ốm đau thì ta phải trở lại Đất Mẹ để được nuôi dưỡng.

Trong khóa tu mùa Đông này, chúng ta nên đưa vị Bồ tát Đất Mẹ vào trong danh sách để lạy: Nhất tâm kính lễ Bồ tát Thanh Lương Đại Địa, mẹ của muôn loài luôn luôn chở che, nuôi dưỡng và trị liệu cho chúng con.

Bồ tát là tên gọi tắt của chữ bồ đề tát đỏa. Bodhisattva, đọc phiên âm ra là bồ đề tát đỏa. Bodhi là bồ đề, sattva là tát đỏa. Sattva nghĩa là một sinh vật, một hữu tình (being), bodhi nghĩa là giác ngộ (enlightened). Bồ đề tát đỏa là giác hữu tình (enlightened being).

Bồ tát là một sinh vật có hạnh phúc, có giác ngộ, có chánh niệm, có hiểu và có thương. Bất cứ sinh vật nào có sự tỉnh thức, có bình an, có hiểu và thương thì được gọi là một vị Bồ tát. Không phải chỉ có con người mới làm được Bồ tát. Trong những câu chuyện tiền thân, có khi Bồ tát là một con nai, một con khỉ, một tảng đá hay một cây xoài, tại vì nhìn vào cây xoài đó ta thấy có hạnh phúc, có sự tươi mát. Cây hiến tặng cho đời vẻ đẹp của nó và nuôi dưỡng sự sống, làm chỗ nương tựa cho bao nhiêu chim muông. Ta có thể thấy cây là một vị Bồ tát, vì vậy Bồ tát không hẳn phải là con người. Bồ tát không phải là cái gì xa xôi ở trên mây, mà là những cái ở ngay chung quanh mình. Một người trẻ hơn ta nhưng có tình thương, có sự hiểu biết, có sự tươi mát và hiến tặng cho ta nhiều niềm vui thì người đó là một vị Bồ tát. Cây thông ngoài vườn có thể tạo cho ta nhiều niềm vui, hiến tặng cho ta dưỡng khí và làm đẹp cho cuộc đời. Cây thông đó là một vị Bồ tát.

Vì vậy, chúng ta có thể nói Trái Đất của chúng ta là một vị Bồ tát. Đích thực địa cầu là một vị Bồ tát rất lớn. Địa cầu có nhiều đức tính rất tốt. Trước hết là sự vững chãi. Đất chuyên chở ta, đất có sức chịu đựng rất lớn, rất kiên nhẫn. Đất không kỳ thị. Ta có đổ nước thơm, hương hoa hay đổ phân, nước tiểu xuống, đất cũng chấp nhận được. Đất hiến tặng cho ta không biết bao nhiêu là phẩm vật. Đất đưa ta ra đời, nuôi nấng ta, cho ta không khí để thở, cho ta nước để uống. Như vậy rõ ràng đất là một vị Bồ tát. Khi bước trên mặt đất là ta tiếp xúc với một vị Bồ tát.

Ta đừng nên cho đất là vật chất, tại vì vật chất làm sao giỏi như vậy được? Đất là một vị Bồ tát lớn đã đưa ra đời nhiều vị Bụt và nhiều vị Bồ tát khác. Đất là Mẹ của nhiều vị Bụt và nhiều vị Bồ tát. Đức Thích Ca, thầy của ta, cũng là con của đất. Cha ta, mẹ ta cũng là con của đất. Nhờ mẹ ta, ta nhận diện ra đất cũng là một bà Mẹ, một bà Mẹ lớn. Đất đưa mẹ ta ra đời, đưa ta ra đời qua mẹ ta; vì vậy đi trên mặt đất là ta tiếp xúc được với bà Mẹ đó và ta phải có hạnh phúc. Bà Mẹ này rất xinh đẹp. Trong Thái Dương hệ, đất là hành tinh đẹp nhất. Trái Đất là vị Bồ tát xinh đẹp nhất trong các vị Bồ tát mà ta thấy, gọi là Bồ tát Thanh Lương Địa, một vị Bồ tát vừa trong, vừa mát, vừa xinh đẹp. Vì vậy được bước đi trên địa cầu này là một hạnh phúc rất lớn.

Có những người dại dột xúi ta phải phát tâm nhàm chán Trái Đất này để cầu sinh sang một cõi nào đó không biết có thực hay không. Ta đừng nên nghe họ, ta phải quay về nương tựa nơi đất, ta phải quy y đất. Ta phải thương Đất Mẹ, mỗi bước chân ta biểu lộ tình thương đối với Đất Mẹ, và bước đi như vậy ta không thể không có hạnh phúc. Hạnh phúc là chuyện có thể có được.

Chúng ta phải tập nhìn địa cầu của ta không như một vật vô tri vô giác, địa cầu của ta là một sinh vật (living-being). Nhiều nhà khoa học, nhất là các nhà sinh vật học như Thomas Lewis, thấy rằng Trái Đất là một sinh vật. Ông viết một cuốn sách với tựa đề The Lives of a Cell (Sự sống của một tế bào), ông xem Trái Đất như một tế bào của vũ trụ, một tế bào rất xinh đẹp trong đó có rất nhiều sự sống, rất nhiều mầu nhiệm.

Khi nhìn Trái Đất, chúng ta thấy Trái Đất là một hành (formation), tại vì Trái Đất được làm bằng những yếu tố trong vũ trụ trong đó có Mặt trời và các vì sao. Các vì sao đã gửi tới Trái Đất rất nhiều yếu tố. Nhìn vào bông hoa ta thấy bông hoa được làm bằng nhiều yếu tố, bông hoa là một hành. Ta thấy cả vũ trụ trong một bông hoa, trong đó có mặt trời, có Trái Đất. Trái Đất cũng là một bông hoa rất xinh đẹp, ta thấy trong Trái Đất sự có mặt của toàn vũ trụ (the whole cosmos in the Earth).

Nhìn vào ta, ta thấy Đất Mẹ ở trong ta. Ta đừng tưởng Đất Mẹ ở ngoài ta. Ta mang Đất Mẹ trong ta. Mẹ sinh ra ta ở trong ta và Trái Đất, mẹ của mẹ ta cũng ở trong ta. Ta đừng tưởng Trái Đất ở ngoài ta, Trái Đất cũng ở trong ta. Những người có gốc Cơ Đốc giáo biết rằng trong Thánh Kinh cũng có những câu như vậy. Chính Chúa Jésus đã nói: I am my father, my father is in me. (Tôi là cha tôi, cha tôi có trong tôi). Đó là giáo lý tương tức rất gần với đạo Bụt.

Trong Trái Đất có cả vũ trụ. Nhìn vào trong hình hài của mình, ta thấy Đất Mẹ, nghĩa là có đủ cả vũ trụ trong ta. Đó là tuệ giác. Trong khóa tu cho người Việt ở Washington, có người hỏi:

Chúng con tu theo Tịnh độ. Khi niệm Bụt A Di Đà chúng con biết khi chết chúng con sẽ về đâu. Tăng thân Làng Mai tu chỉ biết thở ra thở vô, không biết mai mốt chết rồi sẽ đi về đâu? Các thầy, các sư cô trả lời như thế nào?

Có một điều rất rõ ràng là: ta được biểu hiện ra từ Trái Đất thì ta sẽ về với Trái Đất. Đất Mẹ đưa ta ra một lần thì Đất Mẹ đón ta trở về, rồi ta sẽ đi-về hàng nghìn lần như vậy, ta có chỗ về rõ ràng. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta chối bỏ giáo lý Tịnh độ. Tịnh độ không phải là cái gì mơ hồ, chỉ có ở nơi khác hay trong tương lai. Tịnh độ có mặt trong giây phút hiện tại. Trong mỗi hơi thở vào và hơi thở ra, ta trở về tiếp xúc với giây phút hiện tại ngay bây giờ, tại vì Đất Mẹ là một Tịnh độ. Đức Thích Ca là con của Đất Mẹ, Đức Thích Ca nhận đây là quê hương, xin nhận nơi này là quê hương. Là học trò của Đức Thích Ca, không lý chúng ta lại đi tìm một chỗ nào khác? Tại sao ta không nhận quê hương của thầy mình là quê hương của mình mà lại đi tìm một chỗ nào khác chưa chắc đã có thật? Chỗ này đang có thật, đang là một hiện thực rất mầu nhiệm. Đi vào thiền đường, chúng ta đi bằng những bước chân có cái thấy đó, có hạnh phúc và có tình thương đó.

Trên xóm Thượng, sau khi ngồi thiền nửa giờ, chúng ta đi kinh hành, thở vào ta đi một bước và thở ra ta đi một bước. Chúng ta đi như vậy để tiếp xúc với đại địa, với Đất Mẹ. Khi tiếp xúc với Đất Mẹ bằng tuệ giác thì mỗi bước chân có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Đi 30 bước là chúng ta có 30 cơ hội để nuôi dưỡng và trị liệu, vì vậy chúng ta đừng đi hình thức mà phải đi cho có nội dung. Mỗi bước chân phải có chánh niệm, phải đem lại sự bình an cho thân và tâm, phải đem lại cái thấy. Cái thấy đó không khó, chỉ cần một chút chánh niệm là ta có thể thấy Đất Mẹ là Mẹ của mình, Mẹ của mẹ mình, Mẹ của thầy mình.

Đất Mẹ không phải là một hành tinh vô tri

Chúng ta rất may mắn được sống trong một đoàn thể, trong đó người nào cũng biết phương pháp thực tập. Bằng hơi thở, bằng bước chân chúng ta luôn luôn trở về với giây phút hiện tại và tiếp xúc với hình hài của mình. Khi tiếp xúc được với hình hài của ta là ta bắt đầu tiếp xúc được với Đất Mẹ. Tình trạng lao đao, phóng thể, đánh mất mình hay thất niệm sẽ chấm dứt. Chúng ta có thể trị liệu và nuôi dưỡng tăng thân. Những người bạn của chúng ta đến từ các nước khác cũng thừa hưởng được sự thực tập đó, cũng có thể đạt được sự trị liệu và chuyển hóa.

Ngày Bụt Thích Ca thành đạo, Ngài rất phấn chấn, Ngài biết rằng giây phút đó có thể đến bất cứ lúc nào. Đức Thế Tôn nghĩ:

Ta đã thực tập nhiều kiếp, ta đã tiếp xúc, đã quán chiếu và giây phút thành đạo sắp tới rồi.

Khi đức Thế Tôn nghĩ như vậy thì bỗng nhiên ma vương xuất hiện, ma vương đây là sự nghi ngờ. Ma vương hỏi:

Tại sao ông biết chắc như vậy? Tại sao ông biết chắc là ông thực tập đầy đủ và ông sắp đạt đạo? Có ai có thể chứng minh được sự thật đó không, hay đó chỉ là sự tưởng tượng của ông?

Siddharta lấy bàn tay chạm vào đất nói:

Có đất này chứng kiến, đất này sẽ nói cho ngươi biết đây là sự thật.

Đó là địa xúc (bhūmispaśa). Chúng ta cũng phải thực tập địa xúc, chúng ta có Sám Pháp Địa Xúc rất hay. Trong khi ngồi thiền chúng ta thực tập địa xúc, trong khi đi thiền chúng ta cũng thực tập địa xúc. Tiếp xúc với Đất Mẹ, tự nhiên chúng ta sẽ được nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta nương tựa vào Mẹ, chúng ta quy y vào vị Bồ tát lớn này. Đất Mẹ không những là mẹ của ta mà cha mẹ của ta, thầy của ta cũng là con của Đất Mẹ. Đất Mẹ đã tạo ra nhiều vị Bụt và Bồ tát dưới hình thức của con người hay không phải con người. Đức Thích Ca cũng là một đứa con của Mẹ, các vị Bồ tát cũng là những đứa con của Mẹ.

Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện: Một lần có nhiều vị Bồ tát từ các hành tinh khác tới để tham dự pháp hội Pháp Hoa. Nhiều vị hỏi Bụt có cần họ ở lại để giúp Bụt một tay không. Bụt nói:

Quý vị cứ về lo cho trú xứ của mình. Ở đây có đủ Bồ tát để chăm sóc Trái Đất này.

Lúc đó từ dưới đất trồi lên không biết bao nhiêu là Bồ tát Tùng Địa Dũng Xuất. Vì vậy Đất Mẹ là Mẹ của rất nhiều vị Bụt và Bồ tát dưới hình thức của con người hay không dưới hình thức của con người. Chúng ta phải nương tựa vào Mẹ, quy y Mẹ dưới hình thức của sự thực tập địa xúc. Khi đi thiền hành, xin đại chúng thực tập: mỗi bước chân ta tiếp xúc với Đất Mẹ, Đất Mẹ không phải là một hành tinh vô tri. Chúng ta rất dại, bằng đầu óc non nớt của mình, chúng ta phân biệt thực tại ra hai phần: phần vật chất và phần tinh thần, và chúng ta đặt ra những câu hỏi triết học như _có phải vật chất sinh ra tinh thần? hay tinh thần sinh ra vật chất?_Chúng ta chia làm hai phe:

một phe chủ trương duy vật, tất cả chỉ là vật chất, khi vật chất kết hợp lại thì nó sáng tạo ra tâm thức, tâm là do vật sinh ra.

một phe chủ trương duy tâm, tất cả đều là tâm, do tâm sinh ra.

Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta học rằng tâm và vật là hai mặt của cùng một thực tại. Thực tại không phải là tâm cũng không phải là vật, thực tại siêu việt cả tâm và vật. Một đồng Euro có mặt trái và mặt phải, chúng ta phân biệt, cho rằng mặt trái không phải là mặt phải và ta tưởng tượng hai mặt có thể tồn tại riêng biệt. Đó là một sự dại dột, tại vì nếu không có phải thì không có trái và nếu không có trái thì không có phải. Phải và trái đều thuộc về một thực tại. Đưa một tờ giấy lên, chúng ta phân biệt một bên là trái và một bên là phải. Chúng ta nói trái và phải có thể tách rời nhau ra mà vẫn tồn tại. Chúng ta không biết rằng sở dĩ bên trái có được là vì nhờ bên phải và ngược lại bên phải có được là vì nhờ bên trái. Chỗ nào có trái là chỗ đó có phải và chỗ nào có phải là chỗ đó có trái. Có trên là có dưới, có dưới là có trên. Cái thấy của đạo Bụt là cái thấy trung đạo, có nghĩa là con đường chính giữa vượt lên hai thái cực như có và không, sinh và diệt, trái và phải, trên và dưới, vật chất và tinh thần. Vì vô minh nên có hành, vì có hành nên có thức tức nhận thức phân biệt, vì có thức nên có danh sắc tức vật chất và tinh thần. Kỳ thực, vật chất và tinh thần không phải là hai cái riêng biệt, nó là hai mặt của cùng một thực tại.

Đạo Bụt dạy ta quán chiếu để vượt khỏi những cặp đối nghịch như chủ thể và đối tượng, tâm và vật, trong và ngoài, sinh và diệt, có và không. Nhìn một đám mây đang lơ lững trên trời, ta có khuynh hướng diễn tả đám mây đó là có. Có là một ý niệm. Khi đám mây không còn trên trời nữa thì ta nói nó là không. Thật ra nói đám mây là có không đúng mà nói đám mây là không cũng không đúng. Trong phòng này ta không thấy mây, nhưng có hơi nước. Chúng ta thở ra toàn là hơi nước, trong phòng có rất nhiều hơi nước mà ta không thấy được. Nhưng chỉ cần lạnh xuống là ta có thể thấy được hơi nước. Không thấy mà ta cho rằng không có là không đúng, mà khi thấy ta cho là có cũng không đúng. Thực tại vượt thoát có và không. Cùng nhau quán chiếu về đám mây, ta thấy đám mây không thể từ có mà biến thành không. Đám mây chỉ có thể thành mưa hay thành tuyết, nó không thể nào thành không. Và đám mây cũng không thể nào từ không mà trở thành có, tại vì trước khi có đám mây thì đã có hơi nước. Đám mây là sự tiếp nối của hơi nước, đám mây không từ không mà trở thành có. Khi vượt thoát được ý niệm có và không thì đồng thời chúng ta vượt thoát được ý niệm sinh và diệt. Sinh là từ không mà trở thành có và diệt là từ có mà trở thành không. Không có có-không thì làm gì có sinh-diệt. Chúng ta không cần một sự tạo lập vũ trụ, tại vì tạo lập vũ trụ là từ không có vũ trụ mà trở thành có vũ trụ. Phải có tạo hóa để làm cho cái không trở thành cái có, nhưng vì đã vượt thoát ý niệm có và không nên ta cũng vượt thoát được ý niệm sinh và diệt.

Nhiều nhà khoa học hiện nay cũng đang bị kẹt vào ý niệm không và có, họ đang tìm hiểu tại sao vũ trụ từ không mà trở thành có. Họ sáng tạo ra những lý thuyết như thuyết Big Bang, tức là lúc mà vũ trụ, thời gian và không gian được thành lập. Vì có quan niệm về sự sinh thành của vũ trụ nên họ phải nghĩ tới lúc vũ trụ bị tiêu diệt. Vì vậy chữ Big Bang đi đôi với chữ Big Crunch.

Tuệ giác của đạo Bụt vượt thoát những quan niệm đó: vũ trụ không sinh cũng không diệt, không có cũng không không. Nếu tiếp xúc sâu sắc với Đất Mẹ, chúng ta có thể chứng đắc được cái thấy không có không không, không sinh không diệt. Chỉ cần nhìn một cách sâu sắc vào một đám mây hay một tờ lá mùa thu là chúng ta có thể tiếp xúc với tính không sinh không diệt, không có không không của đám mây hay của tờ lá. Bụt Thích Ca là người đã tìm thấy điều đó, và đã trao truyền cái thấy đó cho chúng ta. Chúng ta phải nhìn Đất Mẹ như vậy, Đất Mẹ đã dạy cho chúng ta những bài học rất sâu sắc. Nếu trong quá khứ Đất Mẹ đã đưa ra đời nhiều vị Bụt và Bồ tát thì trong hiện tại và trong tương lai Đất Mẹ sẽ cho ra đời những vị Bụt và Bồ tát khác. Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn, một vị Bụt lớn, rất xinh đẹp và mầu nhiệm. Nơi đây chính là Tịnh độ.

Chúng ta đừng nghe lời thiên hạ phát tâm nhàm chán cõi này để cầu sinh vào một cõi mơ hồ nào đó trong tương lai. Chỗ này là Tịnh độ, chỗ này là Thiên quốc. Chúng ta có bài tụng: Cùng tăng thân xin nguyền ở lại. Ở lại với Đất Mẹ để giữ gìn Đất Mẹ, giúp Đất Mẹ tiếp tục tạo ra thêm những vị Bụt và Bồ tát, làm cho thế giới này ngày càng xinh đẹp, tốt tươi hơn. Chiều nay đi thiền hành, trong mỗi bước chân chúng ta phải ý thức rằng ta đang bước đi trên Đất Mẹ, ta tiếp xúc với Đất Mẹ, Đất Mẹ có trong ta và dưới chân ta. Chúng ta không đi tìm một vị Bồ tát xa vời trên mây, chúng ta có một vị Bồ tát lớn làm nền tảng cho tất cả mọi sự sống trên Trái Đất mà chúng ta có thể tiếp xúc được. Tiếp xúc được thì chúng ta sẽ có bình an, chúng ta sẽ mạnh khỏe và có niềm vui. Đi thiền hành chung với nhau chúng ta sẽ chế tác ra một năng lượng tập thể rất hùng hậu.

Nói tới đất chúng ta thường nghĩ đất chỉ là đất, nhưng Đất Mẹ không phải chỉ là đất. Đất Mẹ là nước, Đất Mẹ ôm lấy nước, sáng tạo ra nước. Đất Mẹ là không khí, là sức ấm. Bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong đều thuộc về vị Bồ tát này, và chất liệu làm ra hình hài của ta cũng là địa, thủy, hỏa, phong. Nhìn một bông hoa, ta phát hiện ra Đất Mẹ. Ta đừng nói bông hoa là vật chất, bông hoa cũng là tinh thần, tại vì bông hoa có cái biết trong nó. Chúng ta gieo một hạt xuống đất, thì trong hạt ấy có chứa cái biết, nếu không thì làm sao hạt lại làm ra được lá, hoa và trái? Vì vậy cho bông hoa là vật chất là không đúng, cho hạt bụi kia là vật chất cũng không đúng. Khoa học đã khám phá ra trong hạt bụi cũng có tâm thức, hạt bụi rất linh động. Hạt bụi kia, nguyên tử kia, điện tử kia không phải là vật chất mà cũng không phải là tinh thần, nó là cả hai.

Giẫm lên Đất Mẹ

Khi giẫm lên Đất Mẹ chúng ta đừng nghĩ đất là vật chất, đất cũng là tâm thức, có tâm thức trong mỗi hạt bụi. Trong hạt bụi có vô số Bụt, mỗi vị an trú chúng hội mình, đó là lời dạy của kinh Hoa Nghiêm. Đi thiền hành với tuệ giác đó, chúng ta đi vào thế giới của Hoa Nghiêm, chúng ta tiếp xúc với một sự sống linh động, đó là Đất Mẹ. Chúng ta là một phần của Đất Mẹ, Đất Mẹ có trong ta, cũng như mặt trời, tức đức A Di Đà, một vị Bụt lớn, cũng có trong ta. Chúng ta phải thực tế, đừng nên viển vông đi tìm Bụt hay Bồ tát ở một nơi xa nào. Bụt và Bồ tát có mặt trong giây phút hiện tại, và Tịnh độ cũng có mặt trong hiện tại. Đi thiền hành như vậy đem lại sự dừng lại, sự bình an, sự vui sống để nuôi dưỡng chúng ta và nuôi dưỡng cả thế giới.

Mỗi bước chân con đi vào Tịnh độ

Mỗi bước chân con trở lại suối nguồn

Thở vào chúng ta đi ba bước: mỗi bước một từ, mỗi-bước-chân. Thở ra đi năm bước: con-đi-vào-Tịnh-độ. Đi thiền hành một mình tôi thường làm như vậy. Mỗi bước chân con đi vào Tịnh độ, tôi tiếp xúc với đất. Mỗi bước chân con trở lại suối nguồn, tôi tiếp xúc với trời.

Hôm nay đi thiền hành, ta nhớ tiếp xúc với đất, đừng cho đất là vật chất, đất cũng là tâm. Vật và tâm là hai mặt của một thực tại, cái này nương vào cái kia mà có mặt, không có cái này thì không có cái kia. Đi thiền như vậy chúng ta có hạnh phúc, mỗi bước chân đều có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu, mỗi bước chân đều có thể chế tác được niềm vui và năng lượng bình an. Ta đi cho ta và cho cả thế giới, đi cho bản thân và làm cho Trái Đất được an lành. Con người có thể trở nên độc ác, có khả năng phá hủy hình hài của mình và phá hủy Trái Đất là do cái thấy phân biệt nhị nguyên: tâm và vật khác nhau, sinh và diệt khác nhau. Vượt thoát được cái thấy nhị nguyên, chúng ta không còn phân biệt, chúng ta có sự chấp nhận, bình an. Nếu tu tập, con người sẽ trở thành những vị Bụt và Bồ tát có khả năng bảo vệ, không những bảo vệ cho con người mà còn bảo vệ cho các chủng loại khác trên Trái Đất và bảo vệ cho Đất Mẹ. Vì vậy sự tu tập của chúng ta rất cần thiết cho sự sống hằng ngày của thế giới.

Ta đi thiền hành không cho riêng ta mà đi cho thế giới và cho Đất Mẹ. Chúng ta đã tổ chức đi thiền hành ở các thành phố lớn trên thế giới.

Khi đi thiền hành, chúng ta không chỉ đi bằng thân mà phải đi bằng cả tâm của mình, gọi là thân tâm nhất như (the oneness of body and mind). Miệng (khẩu) của ta cũng phải đi theo. Cho nên trong khi thiền hành ta không được nói chuyện. Thân, khẩu, ý hợp nhất gọi là tương ưng. Trong khi giẫm lên mặt đất chúng ta không thấy đất là vật chất. Cho đất là vật chất tức là theo chủ trương duy vật luận (matérialisme). Nếu thấy đất là ý niệm, là tâm thì đó là duy tâm luận (idéalisme). Duy vật luận là một cực đoan và duy tâm luận là một cực đoan khác, căn cứ trên ý niệm vật và tâm là hai cái khác nhau. Nhiều nhà khoa học cho rằng tâm là do vật chất tạo ra, thức là một sản phẩm của não bộ. Khuynh hướng này rất gần với chủ nghĩa duy vật. Nhiều người khác lại cho rằng chính tâm tạo ra vật chất. Nhưng khi quán chiếu về thân thể, ta thấy rằng hình hài của ta không phải chỉ là vật chất. Trong hình hài có tâm, có cái biết và có sự thông minh của nó. Một tế bào cơ thể là một thực tại linh động có tâm trong đó, nếu lấy tâm đi thì nó trở thành một tế bào chết. Trong cơ thể của chúng ta có hàng tỷ tế bào và mỗi tế bào có sự thông minh, có cái biết rất sâu sắc. Vì vậy nói hình hài chỉ là vật chất, hay chỉ là sinh lý là không đúng.

Nhìn vào thế giới, ví dụ như một cọng cỏ hay một cái cây, ta thấy đó không phải là vật chất vô tri mà trong đó có cái biết. Ta không thể nói hạt bắp là vật chất, tại vì trồng hạt bắp xuống đất thì hạt bắp biết nẩy mầm, lên cây, làm lá, làm hoa và làm ra trái bắp. Như vậy, hạt bắp có cái biết. Nếu nói hạt bắp là vật chất là sai. Nhìn Trái Đất, ta thấy Trái Đất là một thực tại mầu nhiệm như những tế bào trong cơ thể. Trái Đất có cái biết trong nó. Hành tinh đất có khả năng hiến tặng và nuôi dưỡng sự sống. Cho rằng hành tinh đất là một khối vật chất là sai. Hành tinh đất có sự thông minh, sáng tạo trong đó. Hành tinh này đã sản xuất ra những điều hết sức mầu nhiệm. Loài người là một trong bao nhiêu loài mà hành tinh này đã sản sinh ra. Bụt Thích Ca hay Chúa Jésus cũng là con của hành tinh này. Ta và mẹ ta cũng là những đứa con của hành tinh này. Nếu thấy được ta là con của mẹ ta thì ta cũng thấy được ta và mẹ ta cũng là con của Trái Đất. Trái Đất là một thực tại mầu nhiệm, tuy không phải là con người nhưng Trái Đất cũng là một bà mẹ, gọi là Đất Mẹ.

Rất nhiều nền văn minh đã nhìn Trái Đất như một bà mẹ. Nhà sinh vật học người Mỹ, Thomas Lewis viết một cuốn sách về hành tinh Trái Đất, trong đó ông nói: theo ông thì Trái Đất giống như một tế bào trong cơ thể con người. Trong Trái Đất có sự sống, có sự thông minh, tại vì khi nghiên cứu về tế bào trong cơ thể, ông thấy mỗi tế bào đều mầu nhiệm vô cùng. Nhìn Trái Đất ông thấy Trái Đất cũng là một sinh vật biết đau, biết buồn, biết suy tư, có thông minh, có trí tuệ, có tài năng. Khi đi thiền hành chúng ta phải sử dụng trí bất nhị để thấy, đừng cho là ta đang giẫm lên trên vật chất. Ta phải thấy ta đang tiếp xúc với Đất Mẹ, với một thực tại vô cùng mầu nhiệm.

Tạ ơn Đất Mẹ

Hồi còn nhỏ, có lúc ta đi tiểu hay đi cầu lên thân của mẹ ta nhưng mẹ không giận, mẹ đi tắm giặt cho ta. Bây giờ cũng vậy, Trái Đất cũng là một bà Mẹ. Dù ta có làm những lầm lỗi, có đổ lên trên mặt đất những chất dơ bẩn kể cả những chất phóng xạ nguyên tử thì Mẹ đất cũng vẫn tha thứ, tại vì Mẹ có đức độ lượng và kiên nhẫn rất lớn. Mẹ có thể sử dụng một triệu năm để tiêu hóa những sản phẩm độc hại, những chất nguyên tử phế thải đó. Rất nhiều từ bi, rất nhiều kiên nhẫn, đó là đức tính của vị Bồ tát lớn này.

Khi tu học, chúng ta phải có cái thấy. Chúng ta ngồi có chánh niệm, đi có chánh niệm, ăn cơm có chánh niệm, uống trà có chánh niệm thì tự nhiên ta sẽ có cái thấy. Cái thấy đó làm phát sinh ra tình thương. Với cái thấy đó chúng ta nhận ra được sự có mặt của Mẹ, của vị Bồ tát lớn. Bấy lâu nay chúng ta hờ hững, khinh thường, bất hiếu đối với Mẹ đất. Chúng ta không biết trân quí, không thương Mẹ. Trái lại chúng ta đã khai thác, đã hủy hoại, đã làm cho Mẹ bị tổn thương. Chúng ta không có tình thương, không có cái thấy. Có thấy, có hiểu mới có thương. Vì vậy nếu thấy được như Thiện Tài Đồng Tử, thấy bà Mẹ của chúng ta và của tất cả chư Bụt cùng chư vị Bồ tát thì tự nhiên ta sẽ chắp tay cúi đầu kính ngưỡng và trở về nương tựa nơi Đất Mẹ.

Trong đời sống hằng ngày ta phải có chánh niệm; ta phải đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, uống nước trong chánh niệm. Mỗi khi nâng chén trà lên ta phải có chánh niệm. Ta phải thấy được nước này là của Mẹ cho ta uống. Đất Mẹ cho ta không khí để thở, nước để uống, thực phẩm để ăn. Đất Mẹ chuyên chở, ôm ấp ta những lúc ta khổ đau, thiếu thốn, lao đao, lận đận. Trở về thực tập địa xúc làm phát sinh ra tình thương, có tình thương thì ta sẽ bớt khổ đau ngay. Nâng chén trà lên ta phải thấy Mẹ, thấy một đám mây trong ly trà. Thấy mây trong trà không phải là vấn đề tưởng tượng, mây chính là trà. Mây trà cũng là đất. Đi thiền hành ta tiếp xúc với Đất Mẹ, uống trà ta cũng tiếp xúc với Đất Mẹ, thở ta cũng tiếp xúc với Đất Mẹ tại vì không có Mẹ thì không có không khí cho ta thở, không có nước cho ta uống, không có cơm cho ta ăn. Chúng ta có phải là những đứa con có hiếu, có tình thương hay không? Chúng ta đi tìm gì? Đi tìm nơi trở về ở đâu? Chúng ta phải gạt bỏ những hoang tưởng để trở về với sự thật đầy những nhiệm mầu. Tiếp xúc với hình hài của ta, ta thấy hình hài này là của Mẹ và Mẹ có đầy đủ trong hình hài mình. Hình hài này không phải chỉ là vật chất, nó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; nó có tuệ giác, có không gian. Trong ta có sự có mặt của vũ trụ, có sự có mặt của các vị Bụt và Bồ tát giống như trong lòng của địa cầu. Nhà bác học Einstein nói: Tôn giáo của ngày mai không phải là tôn giáo của tín điều (dogma) mà là tôn giáo có tính vũ trụ (cosmic religion). Tôn giáo của ngày mai dựa trên những gì được thật sự trải nghiệm mà không dựa trên những hoang tưởng. Đạo Bụt có thể đóng góp để giúp đưa tới một tôn giáo như vậy cho thế giới.

Hướng về Trái Đất, chúng ta thấy rõ ràng Trái Đất là một bà Mẹ. Bà Mẹ này đã sinh ra Đức Thích Ca, nhiều vị Bồ tát ma ha tát (Bồ tát đại nhân) và không biết bao nhiêu loài khác nữa. Trong ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day), chúng ta trưng bày những hoa trái mà Trái Đất đã làm ra, như trái cam, trái bưởi, những trái bí rất lớn, những chùm nho rất đẹp… Đất Mẹ đã cho ra đời không những con người, các vị Bụt và Bồ tát, mà còn cho ra đời những bậc Thánh nhân như đức Khổng Tử, đức Kitô, Mẹ Maya, Mẹ Maria…

Tại Làng Mai, chúng ta cũng ăn mừng lễ Tạ Ơn, tuy đây là một ngày lễ của truyền thống Cơ Đốc giáo. Trong khi ăn mừng lễ Tạ Ơn, chúng ta không hướng lời tạ ơn về những thần linh mà ta không tiếp xúc được. Ta hướng về Đất Mẹ, tại vì không ai có thể chối cãi được rằng những tặng phẩm đó không phải là của Đất Mẹ. Ăn một trái cam, hay uống một ly nước dừa, chúng ta biết rất rõ đó là những tặng phẩm của Đất Mẹ. Mỗi khi ăn cơm, chúng ta đọc: Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời. Không có Mặt trời làm sao có sự sống? Ăn như vậy chứng tỏ chúng ta cũng đang thực tập tạ ơn.

Nhìn lại thật kỹ, chúng ta thấy Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn có khả năng sáng tạo, ôm ấp và cho ra đời những thực tại rất mầu nhiệm, trong đó có các vị Bụt, các vị Bồ tát, các vị Thánh nhân, những bậc tài năng và biết bao nhiêu loài khác. Khi uống nước, chúng ta biết nước này do Đất Mẹ cung cấp. Khi thở, chúng ta biết không khí này do Đất Mẹ cung cấp. Khi ăn cơm, chúng ta biết thức ăn này cũng do Đất Mẹ cung cấp. Vì vậy, hướng về Đất Mẹ, lạy xuống một lạy là chuyện dĩ nhiên: Nam mô đức Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Đất Mẹ không phải là vật chất vô tri (la matière inerte). Vì nếu là vật chất vô tri thì làm sao có tài năng như vậy? Làm sao có thể sản sinh ra các vị Thánh nhân có trí tuệ tuyệt vời?

Ta lạy xuống, tiếp xúc với Đất Mẹ và xướng: Con xin kính lễ đức Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Bồ tát Thanh Lương Đại Địa không phải là một ý niệm, mà là một thực tại không ở ngoài ta mà ở trong ta. Đó là điều xác thực. Đi trên con đường này, chúng ta cống hiến cho đời một tôn giáo không căn cứ trên đức tin và tín điều, mà căn cứ trên những gì chúng ta có thể tiếp xúc được. Không phải chỉ người Phật tử mới thấy được Đất Mẹ là một vị Bồ tát, mà bất cứ người nào có một chút trí tuệ cũng thấy được như vậy. Ai mà không có trí tuệ? Thấy được tất cả những nhiệm mầu của Đất Mẹ, thấy được tài năng, trí tuệ, đức kiên nhẫn và tình thương của Đất Mẹ thì ta có thể thấy Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn, mẹ của các vị Bồ tát, các vị Bụt, các vị Thánh khác. Tại sao chúng ta cúi đầu làm lễ trước đức Thích Ca và Chúa Kitô, mà ta không cúi đầu làm lễ trước vị Bồ tát Mẹ của hai vị đó? Dù theo bất cứ truyền thống nào, hay thuộc bất cứ quốc tịch nào, chúng ta cũng có cái thấy chung rằng Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn. Một vị Bụt hay một vị Bồ tát không hẳn phải có hình thức của một con người. Vấn đề mà Thiên Chúa giáo đặt ra gần đây: Thượng đế có phải là một con người hay không? sẽ được giải quyết. Vài nhà thần học đã nói được: Tuy Thượng Đế không phải là một con người, nhưng cũng không phải là cái gì ít hơn con người. (God is not a person, but not less than a person also).

Một chỗ quay về

Trong kinh Hoa Nghiêm, mẹ Maya đã được đồng nhất với Mẹ địa cầu. Bà mẹ huyết thống đã trở thành một với bà mẹ tâm linh, bà mẹ trí tuệ và bà mẹ thiên nhiên. Trái Đất của chúng ta, tuy bé nhỏ so với mặt trời, nhưng chứa đựng cả vũ trụ trong đó. Cái một chứa đựng cái tất cả. Trái Đất không hề có mặc cảm. Tuy là một tinh cầu nhỏ bé đứng về phương diện hình thức, nhưng Trái Đất chứa đầy cả vũ trụ.

Nếu không phải là một vị Bồ tát thì không thể nào sinh ra một vị Bồ tát. Nếu không phải là một vị Bụt thì không thể nào sinh ra một vị Bụt. Vì vậy chúng ta phải nhìn Trái Đất bằng con mắt kính cẩn, con mắt trí tuệ. Chúng ta phải nhìn địa cầu như một vị Bồ tát. Mỗi khi có vấn đề, mỗi khi lao đao, đánh mất mình, ta có thể trở về cầu cứu với vị Bồ tát Mẹ của chúng ta. Trong suốt mùa thu, mỗi khi đi thiền hành, chúng ta giẫm lên những chiếc lá vàng. Ai trong chúng ta mà không giẫm chân trên lá vàng trong mùa thu này? Ở Thénac lá chỉ mới rụng 50%, khu rừng trước thất Ngồi Yên vẫn còn nhiều lá rất đẹp. Nếu giẫm lên lá một cách có ý thức, chúng ta sẽ có được tuệ giác. Lá đã được biểu hiện vào tháng ba, tháng tư năm nay dưới một hình thái xanh non. Lá đã lọc được ánh sáng mặt trời, đã tung tăng vui chơi, đã làm việc để tự nuôi mình và nuôi cây. Một lá cây có chức năng tự nuôi mình và nuôi toàn thể cây. Đến mùa Thu, lá già chín. Nó biết thế nào nó cũng rụng vào đầu mùa Đông, nhưng nó không lo lắng, sợ hãi. Một chiếc lá có phải là một vật vô tri hay không? Lá cũng là sự sống, hoa lá cũng có cảm giác. Mấy tuần nay ở miền nam nước Pháp rất ấm, cây cỏ cũng cảm được điều đó nên có vài cây hoa bồ công anh đã nở. Chúng ta cho cây cỏ là vật vô tri là không đúng. Cây cỏ cũng có tâm thức của nó. Vì vậy chúng ta đừng nên cho chiếc lá là một vật vô tình. Lá cũng là vật hữu tình có cảm xúc, có tri giác. So sánh thân phận của ta với thân phận của chiếc lá, ta có cảm tưởng ta sống lâu hơn chiếc lá, ta sống tới 70 năm hay hon nữa trong khi một chiếc lá chỉ sống có 6 hay 7 tháng. Nhưng chiếc lá không đo thời gian bằng tháng năm như ta, có thể chiếc lá thấy thời gian sáu, bảy tháng đó rất dài. Ta có cảm tưởng chiếc lá vô tư hơn ta, ít lo lắng, ít khổ đau hơn ta. Loài người văn minh phải chịu đựng cái gọi là ưu tư (anxiété), đó là cái giá mà loài người phải trả. Có lẽ vì đau khổ, lo lắng nhiều nên có những thi sĩ ao ước kiếp sau Đất Mẹ sẽ cho ta ra đời dưới một dạng khác hơn là một con người. Thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã nói:

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Cây thông hình như vô tư hơn, không có lo lắng, sầu khổ. Làm cây thông đứng reo trong gió là một hình ảnh rất đẹp. Chúng ta có ước muốn làm một chiếc lá hay làm một cây thông hay không? Chúng ta hãy nói với Mẹ Trái Đất: Mẹ ơi, kiếp sau Mẹ đừng cho con làm người nữa, Mẹ hãy cho con làm cây thông hay một con hạc, một con nai. Tùy theo ý ta lựa chọn, Mẹ đất đã đưa ta ra đời thì Mẹ đất có thể đưa ta ra đời nhiều lần nữa.

Thực tập địa xúc, ta biết mình thuộc về Mẹ, ta là một phần của Mẹ. Bản chất của ta là không sinh không diệt, ta đã biểu hiện dưới hình thức này nhưng ta cũng có thể biểu hiện dưới những hình thức khác. Nếu Mẹ đã cho ta ra đời một lần thì Mẹ cũng có thể cho ta ra đời hàng triệu lần. Trong khi đi thiền hành, ta cứ chọn lựa đi, ta nói chuyện với Trái Đất đi. Khi quán chiếu, chúng ta thấy ta luôn luôn có chỗ để trở về. Chúng ta ai cũng cần có một chỗ về. Có người nghĩ đó là cõi Phạm Thiên, có người nghĩ đó là cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà, có người nghĩ đó là Thiên quốc. Về Thiên quốc ta có thể ngồi dưới chân Thượng đế, về nước Cực Lạc ta có thể đi thiền hành với đức A Di Đà.

Chúng ta có nhu yếu muốn có một chỗ về và chúng ta đi tìm những con đường trở về:

Hãy cùng ta tới hỏi bé tìm chi và đang đi đâu

Đâu là uyên nguyên?

Đâu là quy xứ?

Đường về có những ngả nào?

(Uyên nguyên – thơ Nhất Hạnh)

Nếu đi thiền hành vững chãi thì chúng ta thấy rõ chỗ về của ta là Đất Mẹ. Điều này rất khoa học, rất thực tế. Tất cả những tế bào, những nguyên tử trong cơ thể ta đều trở về đất. Đó là điều không thể chối cãi được. Đất Mẹ là nơi chúng ta sẽ trở về, Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn và chúng ta nương tựa nơi Đất Mẹ. Nam mô Bồ tát Thanh Lương Đại Địa. Đó là sự thực tập của chúng ta. Đất Mẹ rất linh thiêng, Đất Mẹ không phải là vật chất như một số nhà khoa học đã tưởng. Phần lớn các nhà khoa học vẫn còn cái nhìn lưỡng nguyên về vật chất và tâm thức. Nhưng chúng ta, những người học Phật, đã tìm ra tâm và vật là hai khía cạnh của một thực tại, thực tại đó không phải là tâm cũng không phải là vật. Vì vậy, khi đi thiền hành trên mặt đất chúng ta phải tập thấy rằng Đất Mẹ là một vị Bồ tát linh thiêng chứ không phải là vật chất vô tri. Chúng ta hãy nhìn một bông hoa, bông hoa là sự biểu hiện của Đất Mẹ. Nếu không phải là một vị Bồ tát linh thiêng làm sao Đất Mẹ cho ra đời được những mầu nhiệm đó, và chính cơ thể mình đây cũng là một mầu nhiệm. Chúng ta phải tập nhìn địa cầu với một con mắt khác, phải thấy Mẹ là một vị Bồ tát lớn, là Mẹ của muôn loài, là Mẹ của các vị Bụt và Bồ tát. Mẹ là chỗ mà chúng ta sẽ trở về một cách chắc chắn và khoa học, và chúng ta có thể nương tựa nơi Mẹ. Quán chiếu cho sâu sắc chúng ta sẽ thấy: Các hiện tượng bề ngoài có sinh, có diệt, có có, có không, nhưng tiếp xúc cho sâu thì bản chất của thực tại là không sinh, không diệt, không có, không không. Quán sát cho kỹ một đám mây, ta thấy đám mây không có sinh, không có diệt, đám mây thoát ra khỏi ý niệm có và không. Tất cả những sợ hãi, lo lắng không còn nữa. Vì vậy ta có thể rong chơi với tư cách một chiếc lá hay một bông hoa hay một con nai. Khi ta trở lại với Mẹ, Mẹ sẽ đưa hai cánh tay thương yêu đón tiếp ta về. Dù cho trong thời gian rong chơi ta có gây ra nhiều lầm lỗi thì mẹ vẫn đón tiếp và tha thứ cho ta vì Mẹ là một vị Bồ tát.

Đại địa không phải là vô tri, vô giác. Tuy vị Bồ tát này không được nhận thức dưới hình thái một con người, nhưng chính vị Bồ tát đó đã sinh ra con người. Đây là một cuộc trở về. Chúng ta đi tìm nguồn gốc của ta, ta đi tìm cha, tìm mẹ ở những nơi khác mà không biết rằng cội nguồn của ta nằm ngay tại nơi đây. Chúng ta thấy được Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn có đầy đủ trí tuệ, tài năng, tình thương, sự kiên nhẫn và không kỳ thị. Đó là một vị Bồ tát có nhiều đức lớn, có đại trí, đại bi, đại nguyện, đại hạnh. Các vị Bồ tát mà chúng ta thường kính lễ như Bồ tát Văn Thù (đại trí), Phổ Hiền (đại hạnh), Quan Âm (đại bi), Địa Tạng (đại nguyện) đều là con của vị Bồ tát lớn Đại Địa. Không chỉ người Phật tử mới thấy được điều này, mà những người Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo… cũng không khó khăn gì để thấy được Đại Địa là một vị Bồ tát lớn. Chúng ta có thể trở về cội nguồn của ta, ta không còn xem Trái Đất là một vật vô tri vì đó là một thực tại mầu nhiệm. Như thế, không những chúng ta giải quyết được vấn đề Thượng Đế có phải là một con người hay không? mà chúng ta còn tiếp xúc được với đối tượng của sự kính ngưỡng và tiếp xúc được với cội nguồn của ta đang nằm ngay trong ta. Thái độ của chúng ta đối với địa cầu sẽ thay đổi. Ta sẽ bước những bước chân thương yêu và kính ngưỡng trên mặt đất.

Nhận thấy Đất Mẹ là một vị Bồ tát có nhiều đức lớn, chúng ta đi trên mặt đất bằng thái độ cung kính. Chúng ta sẽ không đối xử với Trái Đất một cách tàn tệ hay gây những tàn hại thảm khốc cho Đất Mẹ như chúng ta đã từng làm trong những năm qua. Như vậy, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề sinh môi. Trái Đất không phải là môi trường của ta, Trái Đất là ta. Vấn đề là chúng ta có cái thấy đó hay không? Một hôm nào đó đi thiền hành, quý vị thấy được Trái Đất không phải là vật chất vô tri, mà là một thực tại mầu nhiệm, linh động, một vị Bồ tát. Tự nhiên, trong tâm quý vị liền sinh ra sự kính ngưỡng muốn lạy xuống và quý vị cảm thấy có sự thương yêu. Đó là một sự giác ngộ, quý vị đừng đi tìm sự giác ngộ ở nơi khác. Sự giác ngộ đó sẽ đưa quý vị tới sự chuyển hóa rất lớn, quý vị sẽ có hạnh phúc, tình thương và trí tuệ nhiều hơn. Giác ngộ, an lạc, hạnh phúc không phải là những ước mơ cho tương lai, mà là cái có thật trong hiện tại.

Đạt được tuệ giác đó chúng ta có thể đạt tới đức vô úy không sợ hãi, ta thấy ta với Đất Mẹ là một. Nếu Đất Mẹ đưa ta ra thì Đất Mẹ sẽ tiếp nhận ta về, không có gì mất đi, không có sinh không có diệt. Ta không bị kẹt vào ý niệm một cái ngã, rồi đặt vấn đề: Sau khi xác thân này tan hoại ta sẽ đi về đâu? Còn hay không còn? Không phải chỉ khi nào xác thân ta tan hoại và những tác dụng tâm lý của ta không còn biểu hiện nữa thì ta mới về với Đất Mẹ. Sự thật là ta đang về với Đất Mẹ trong từng giây từng phút. Mỗi khi thở, mỗi khi bước đi là chúng ta đang trở về. Khi chúng ta gãi, những tế bào khô rớt xuống đất là ta đã trở về Đất Mẹ. Luôn luôn có những cái cho vào và cho ra (input và output) đang xảy ra, vì vậy chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ sau khi xác thân tan hoại rồi ta mới trở về. Chúng ta đang trở về và trở ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày.

Con người tự hào mình là những chiến sĩ dũng cảm, nhưng Trái Đất mới là một chiến sĩ dũng cảm đã trải qua 4 tỷ năm kiên nhẫn, hào hùng chờ đợi cho tới khi sự sống phát hiện. Nói về tình thương, chúng ta thấy Đất Mẹ đã cho ra đời không biết bao nhiêu chủng loại và đã tìm cách để nuôi dưỡng các chủng loại đó. Đất Mẹ cho ta ra đời, cho ta không khí để thở, cho ta nước để uống, thực phẩm để ăn, cho ta cây cỏ để trị liệu, tình thương đó là một tình thương rất lớn. Ta có thể nhận diện hành tinh của ta là một bà mẹ. Đất Mẹ luôn luôn có đó và đón ta trở về với hai bàn tay từ mẫu, để rồi sẽ đưa chúng ta ra đời trở lại. Chúng ta có một bà mẹ tuyệt vời và xinh đẹp như vậy mà không biết trân quí, chúng ta đi tìm một bà mẹ khác trong đầu óc tưởng tượng của chúng ta.

Đất Mẹ đã đưa chúng ta ra đời một lần, khi chúng ta trở về, đất mẹ sẽ đưa hai tay ra ôm lấy và sẽ đưa chúng ta ra đời muôn vạn lần khác. Không có gì mà ta phải lo sợ.

Chúng ta có Cha và có Mẹ, Cha đang ở trong Mẹ và đang có mặt trong mỗi chúng ta.

Cái một chứa cái tất cả

Trong cái một có cái tất cả

Thiền đường của chùa Sơn Hạ tên là thiền đường Thánh Mẫu Maya. Maha Maya là Mẹ của Bụt. Bên Cơ Đốc giáo, Mẹ của Chúa Jésus là thánh nữ Maria và người ta thờ phụng Mẹ Maria rất nhiều. Trái lại, bên Phật giáo, người ta ít thờ phụng Mẹ Maya mà thờ phụng Mẹ Quan Âm nhiều hơn.

Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có một bà mẹ ruột (genetic mother). Nhưng chúng ta cũng có những bà mẹ khác như mẹ đỡ đầu, mẹ nuôi, hay mẹ kế. Bây giờ ta có một kiểu mẹ khác gọi là mẹ gửi (mère porteuse) – mẹ mình không mang thai được nên nhờ một người đàn bà khác mang thai và sinh giùm.

Trong đạo Bụt, Maha Maya là mẹ ruột của Đức Thích Ca, nhưng bà không sống lâu. Sau khi sinh ra, Siddharta được em ruột của bà Maha Maya là bà Prajapati nuôi lớn. Siddharta có mẹ đẻ và mẹ nuôi tức dì của Bụt. Dì của Bụt sau này đi xuất gia làm đệ tử của Ngài, tức làm con tinh thần của Bụt. Maha Prajapati là vị Tỳ kheo ni đầu tiên của giáo đoàn, là đệ nhất Ni trưởng Kiều Đàm Di. Tuy bà là đệ tử của Bụt nhưng Bụt vẫn xem bà là mẹ của mình.

Trong văn học Phật giáo, Mẹ của tất cả các vị Bụt là Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajñā-paramita). Bát Nhã Ba La Mật Đa là trí tuệ, là Mẹ của các vị Bụt. Ở Ấn Độ, người ta tạc tượng Prajñā, mẹ của Bụt, gọi là Phật Mẫu. Trí tuệ được nhân cách hóa thành người đàn bà như Phật Mẫu Đại Chuẩn Đề.

Nhìn cho kỹ, Trái Đất chúng ta đang ở đây cũng là một bà Mẹ, Bụt Thích Ca cũng là một đứa con của địa cầu. Địa cầu tươi mát này, tức Bồ tát Thanh Lương Địa, cũng là Mẹ của Bụt. Bụt có nhiều mẹ và mình cũng có nhiều mẹ. Nhưng có sự liên hệ gì giữa mẹ ruột, mẹ nuôi, mẹ tinh thần và mẹ địa cầu hay không? Chúng ta nên tìm hiểu điều này. Trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka-sutrā), chúng ta thấy Mẹ Maya trở thành địa cầu, trở thành hành tinh xanh. Bà Mẹ này không phải là Mẹ của một vị Bụt mà là Mẹ của tất cả các vị Bụt, tại vì địa cầu của chúng ta cho ra đời nhiều vị Bụt và Bồ tát. Chúa Jésus cũng là một người con của Trái Đất, Mẹ Maria cũng là con của địa cầu này. Chúa là con của Mẹ Maria và Chúa cũng là con của Trái Đất là chuyện có thật. Jesus is the son of God and the son of man. Chúa là con của loài người, và vì loài người là con của Trái Đất nên chúa Jésus cũng là con của Trái Đất.

Kinh Hoa Nghiêm có kể một câu chuyện rất hay: Một người trẻ nọ tên Thiện Tài Đồng Tử (Sudana), là một đệ tử rất trẻ của Bồ tát Văn Thù. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi muốn đệ tử của mình đi học với nhiều thầy. Thiện Tài Đồng Tử đã có cơ hội học với 53 vị thầy, trong đó có mẹ của Bụt là bà Maha Maya. Sau khi Thiện Tài Đồng Tử đi tham vấn các vị thầy, có một vị nói:

Em đã gặp bà Maya chưa? Nếu em chưa gặp bà thì chưa đủ. Em phải gặp bà vì bà là một giáo sư rất giỏi.

Thiện Tài Đồng Tử hỏi:

Con đi tìm bà Maya bằng cách nào? Biết đâu mà đi tìm mẹ Maya?

Vị giáo thọ nói:

Em không cần phải đi đâu hết! Em chỉ cần ngồi tại đây, ngay trên mặt đất và thực tập địa xúc. Em ngồi trên mặt đất và ý thức rằng mình đang ngồi trên mặt đất. Em đi vào thiền định địa xúc thì sẽ gặp được Mẹ Maya.

Thiện Tài Đồng Tử nghe lời, ngồi xuống tại chỗ, đem chánh niệm và chánh định tiếp xúc với Trái Đất một cách rất sâu sắc. Tự nhiên Thiện Tài Đồng Tử thấy một đóa sen ngàn cánh từ dưới đất đi lên, và mình đang được ngồi trên một cánh của đóa sen đó. Chưa hết ngạc nhiên, Thiện Tài ngẩng đầu lên thì thấy có một người đang ngồi trên một cánh sen khác và nhận ra người đó là mẹ của Bụt, Maha Maya phu nhân. Bà Maya đang ngồi trên một cánh sen khác và nhìn Thiện Tài mỉm cười. Kinh Hoa Nghiêm đã dùng những hình ảnh huyền thoại và thi ca để diễn tả những tư tưởng rất uyên áo. Khoa học dùng toán học, còn Phật học thì dùng huyền thoại, hình ảnh và thi ca để diễn tả tuệ giác của mình. Thiện Tài Đồng Tử thấy bà Maya, trong lòng rất hoan hỷ: Thì ra tìm bà Maya dễ như vậy sao! Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi yên và đi vào thiền định là thấy được mẹ của Bụt. Thiện Tài Đồng Tử chắp tay đảnh lễ và cầu xin bà dạy cho mình. Maha Maya phu nhân nói:

Này người trai trẻ, con có biết không, ngày mà ta có mang Siddharta, ta hạnh phúc vô cùng, chưa bao giờ ta được hạnh phúc như vậy. Ta có cảm tưởng là có một vị Bụt trong bụng mình. Không có niềm vui nào lớn bằng. Ta cảm thấy mình không còn ước muốn, không còn lo lắng gì nữa cả. Ta thấy đầy đủ và rất hạnh phúc tại vì ta biết trong ta có một vị Bụt.

Chuyện này chúng ta cũng có thể làm được, tại vì ta biết rằng có Phật tánh (Buddha nature) trong con người của mình. Chúng ta phải đọc kinh với trí tuệ. Đây không phải là chuyện của bà Maya hay của Thiện Tài Đồng Tử; đây là chuyện của anh, của chị, của tất cả chúng ta. Ta có đang hạnh phúc không? Ta có biết ta có một vị Bụt trong tự thân hay không? Ta đang mang thai một vị Bụt, cho dù ta là đàn ông hay đàn bà. Ta có khả năng thành Bụt, đó là Phật tánh.

Trái Đất của ta là một bà Maya, Mẹ của rất nhiều đức Bụt. Trái Đất của ta cũng đang có hạnh phúc, trong bụng của bà không phải chỉ có một vị Bụt mà có rất nhiều vị. Nhiều khi tôi cũng thấy như vậy, trong bụng của tôi có rất nhiều con, có thể có hàng trăm, hàng ngàn người, và người nào cũng có thể thành Bụt. Đây không phải chỉ là chuyện của bà Maya, của Trái Đất, của Thiện Tài Đồng Tử mà là chuyện của anh, của chị, của tôi. Mỗi người trong chúng ta đều là một bà mẹ có những đứa con trong lòng mình. Câu chuyện bà Maya nói với Thiện Tài Đồng Tử rất thú vị, bà nói:

Này người trai trẻ, lúc đó có rất nhiều vị Bồ tát từ cõi trời tới và muốn chui vào trong bụng ta để thăm Siddharta, để xem con ta có thoải mái trong đó hay không?

Đây là một huyền thoại thi ca rất hay có thể diễn tả được tính tương tức, tương nhập của đạo Bụt:

Này người trai trẻ, ta chưa kịp đồng ý thì những vị Bồ tát đó đã chui vào trong bụng ta. Con có biết không, trong đó có rất nhiều không gian, ta biết rằng không những hàng trăm vị Bồ tát có chỗ ngồi trong đó, mà nếu có cả triệu Bồ tát tới thăm Siddharta thì cũng có không gian cho họ.

Một hình ảnh huyền thoại thi ca rất đẹp đã diễn tả được sự bao la của cái tất cả trong cái một, cái vô cùng lớn trong cái vô cùng nhỏ. Thiện Tài Đồng Tử khi nghe câu nói đó chắc chắn là hạnh phúc vô cùng.

Này Sudana, con có biết ta là Mẹ của Bụt không? Ta không phải chỉ là Mẹ của các vị Bụt trong hiện tại, mà ta còn là Mẹ của các vị Bụt trong quá khứ và trong tương lai.

Cái nhìn bất nhị

Chúng ta phải tập nhìn bằng con mắt bất nhị. Ta có tuệ giác gọi là bất nhị mà ta không biết sử dụng. Ý thức của chúng ta có tính cách phân biệt, chia sự vật ra thành từng cặp đối lập. Đó gọi là phân biệt trí (分 別 智), vikalpa-jñāna. Ví dụ như chúng ta cho rằng tay trái không phải là tay phải và tay trái có thể tồn tại ngoài tay phải. Đó là sự phân biệt (discrimination). Nhưng ta không biết rằng tay trái nương vào tay phải để hình thành. Chúng ta phân biệt tâm và vật, danh thân và sắc thân. Danh thân (名 身), nāmakāya là tâm, là thọ, tưởng, hành, thức của mình. Sắc thân (色 身), rūpakāya, là hình hài của mình. Chúng ta phân biệt một bên là hình hài (sắc) và một bên là tâm lý (danh). Danh từ khoa học gọi là psychosoma. Psycho là tâm và soma là vật. Sự thật là tâm không thể có được nếu không có vật, tâm và vật là hai mặt của một thực tại. Không có vật thì không có tâm và không có tâm thì không có vật.

Trong khi đó, khoa học chia thành hai ngành, một ngành chuyên về tâm, gọi là tâm lý học và một ngành nghiên cứu về thân, gọi là sinh lý học, giống như tâm và thân là hai cái tồn tại ngoài nhau. Thực ra nếu lấy tâm đi thì không có thân và nếu lấy thân ra thì tâm cũng không còn. Thân và tâm dựa vào nhau mà thành lập như mặt trái và mặt phải, lấy một mặt đi thì mặt kia cũng không còn. Vì vậy chúng ta phải thấy tâm ở trong vật và vật ở trong tâm, đó gọi là Vô Phân Biệt Trí (無 分 別 智), nirvikalpa-jñāna. Có Vô Phân Biệt trí, chúng ta biết tâm và vật nương nhau mà có, như trái và phải, như trên và dưới. Có khi Vô Phân Biệt trí còn được gọi là Bất Nhị Trí, advaya-jñāna, tức tuệ giác không chia chẻ làm hai: trong và ngoài, vật chất và tinh thần. Hiện nay nhiều nhà khoa học vẫn còn vướng vào ý niệm: tâm thức là cái ở trong và thế giới được nghiên cứu là vật ở ngoài, tức tâm thức là chủ thể và thế giới khách quan là đối tượng. Khi nào còn sự phân chia giữa chủ thể và đối tượng, giữa tâm và vật thì khi đó còn sự kỳ thị, phân biệt. Muốn đi được xa, nhà tu hành cũng như nhà khoa học phải biết sử dụng Bất Nhị Trí hay Vô Phân Biệt Trí. Trong lĩnh vực khoa học, người ta đã bắt đầu thấy được điều đó. Nếu không buông bỏ sự phân biệt thì khó mà đi vào khám phá được thực tại.

Tâm mình có thể làm thay đổi cục diện

Tuy Đất Mẹ có sự vững chãi, có tài ba, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu nhưng có khi Đất Mẹ cũng đau khổ. Cũng như bà mẹ của mình, tuy có rất nhiều tình thương nhưng có khi mẹ cũng đau khổ. Hành tinh đất cũng có khi đau khổ giống như một bà mẹ, vì vậy có khi có núi lửa phun ra, có khi có bão tố, địa chấn hay hải chấn. Ta rất đau khổ mỗi lần xảy ra như vậy và ta cho đó là trời phạt. Nhưng thật ra chúng ta cũng có phần trách nhiệm về những gì xảy ra cho Trái Đất.

Ví dụ như trong vùng đất này gần cả năm không có mưa, chúng ta than phiền tại sao Đất Mẹ không cho mưa; còn ở Thái Lan thì mưa đến ngập lụt khiến cho 500-600 người chết. Chúng ta trách trời trách đất tại sao bất công như vậy. Đó là tại vì cái nghiệp, tại hành động của chúng ta đã làm mất đi thế cân bằng. Hôm trước có một vị đề nghị chúng ta nên gửi năng lượng để cầu mưa cho vùng này. Chúng ta cầu mưa không phải bằng cách hướng về một vị thần ở đâu đó. Tôi nghĩ cầu mưa ở đây cũng rất khoa học: Chúng ta ngồi đây như một tăng thân, tập trung tâm ý và gửi năng lượng tập thể cho Đất Mẹ. Trong năng lượng tập thể có chất liệu của từ bi, của tuệ giác, ý thức được rằng con người đã làm mất đi sự cân bằng và có tâm niệm muốn hối cải, muốn sống lành mạnh. Khi chúng ta ngồi với nhau và gửi năng lượng tới Đất Mẹ thì Đất Mẹ có thể sắp đặt trở lại để mưa có thể rơi xuống vùng này của Trái Đất. Chuyện đó có thể xảy ra được. Lực lượng tâm ý của chúng ta cũng là một năng lượng có thể làm thay đổi cục diện. Cầu mưa không phải mê tín mà có thể rất khoa học, tại vì tâm của mình có thể thay đổi được tình trạng. Tâm mà có từ bi, có tuệ giác, có năng lượng an lành thì tâm có khả năng chữa trị, thay đổi. Nếu tâm có hận thù, bạo động, tuyệt vọng thì sẽ tạo ra những khổ đau trên thế giới.

Đây là lời cầu nguyện:

Lạy Mẹ, Bồ tát Thanh Lương Đại Địa! Có những lúc chúng con đau khổ thật nhiều vì thiên tai xảy ra. Chúng con ý thức rằng trong lúc chúng con khổ thì Mẹ cũng đang khổ. Có khi chúng con hướng về Mẹ và hỏi: Chúng con có thể trông cậy và nương tựa vào Mẹ hay không? Nhưng lúc ấy Mẹ không trả lời ngay cho chúng con. Sau đó Mẹ nhìn chúng con bằng con mắt xót thương và nói: Cố nhiên là các con có thể nương tựa vào Mẹ, tại vì Mẹ sẽ luôn luôn có mặt đó cho các con, nhưng các con cũng nên tự hỏi câu hỏi này: Liệu Mẹ có thể tin tưởng và trông cậy vào các con hay không?

Lạy Mẹ! chúng con đã thức nhiều đêm không ngủ vì cái công án đó. Và bây giờ đây, với những khuôn mặt đầm đìa nước mắt, chúng con đến quỳ dưới chân Mẹ và dâng lên Mẹ câu trả lời chân thành này: Mẹ từ bi và thánh thiện của chúng con ơi, Mẹ có thể trông cậy và tin tưởng ở chúng con.

Khi đi thiền hành, chúng ta cũng thấy được phần trách nhiệm của mình. Ta phải thức dậy, phải biết vai trò của mình và bảo hộ Mẹ chứ không thể hoàn toàn chỉ trông cậy ở Mẹ. Ta là một phần của Mẹ, ta là Mẹ. Khi có Bất Nhị Trí ta sẽ thoát khỏi phiền não như sợ hãi, hận thù, thèm khát và tuyệt vọng. Ta sẽ không gây đổ vỡ hay tàn hại cho chính mình, cho các chủng loại khác và cho Đất Mẹ.

Đọc Tâm tình với đất mẹ, chương 01 tại đây.

Đọc Tâm tình với đất mẹ, chương 02 tại đây.

Đọc Tâm tình với đất mẹ, chương 03 tại đây.

Đọc Tâm tình với đất mẹ, chương 04 tại đây.

Đọc Tâm tình với đất mẹ, chương 05 tại đây.

Đọc Tâm tình với đất mẹ, toàn tập tại đây.

Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Liều thuốc độc mang tên tham lam

Liều thuốc độc mang tên tham lam

Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành hạnh phúc giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân giá trị đẹp cho cộng đồng.

Khi thấy buồn, em cứ đến chơi…

Khi thấy buồn, em cứ đến chơi…

nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.

Thiên long bát bộ | Chương 06

Thiên long bát bộ | Chương 06

Trong những tinh phẩm thượng thừa Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 27

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 27

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.