Thích Nhất Hạnh | Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức (Chương 06)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 47 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tàng thức chúng ta có thể đi thẳng vào thực tại, chân như. Trong tàng thức của mỗi người đều có căn bản trí, căn bản trí có khả năng tiếp xúc trực tiếp với thực tại chính nó. Tàng thức có khả năng đi thẳng vào tất cả các hành nằm trong hữu phần thức. Tuy nhiên, khi một trong các giác quan của chúng ta tiếp xúc với một đối tượng nào, thông thường chúng ta dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ và chúng ta có cảm giác một là tham đắm, hai là chán ghét. Vì vậy chúng ta phân loại các sự vật, sự việc dựa trên những cái hộp đã có sẵn trong tàng thức.
Tri giác của chúng ta có khuynh hướng dựa trên những kinh nghiệm mà chúng ta có trước đó. Chúng ta đã gặp một vài chuyện trong quá khứ và chúng ta so sánh nó với những gì chúng ta đang gặp trong giây phút hiện tại. Chúng ta có cảm giác mình đã biết nó rồi. Chúng ta sơn phết lên nó những sắc màu đã có sẵn trong chúng ta. Vì vậy chúng ta ít tiếp xúc được với bản chất thực tại.
Chúng ta hãy tưởng tượng đến những con sò sống dưới đáy biển. Ánh sáng mà chúng ta thấy ở đây có thể chiếu rọi phần nào xuống đó. Thế nhưng những con sò không thấy được đại dương xanh. Con người chúng ta đang đi trên hành tinh này, khi nhìn lên chúng ta có thể thấy được những chòm sao, các vì tinh tú, thấy được mặt trăng, thấy được bầu trời xanh… và khi nhìn xuống chúng ta thấy được đại dương mênh mông. Chúng ta thấy chúng ta đang ở trên những con sò và có cảm giác chúng ta thấy được mọi thứ, nghe được mọi thứ. Nhưng thực tế chúng ta cũng là một loại sò. Chúng ta chỉ đi vào được một vùng rất giới hạn của chân như mà thôi.
Lý do ngăn cản không cho chúng ta tiếp xúc với thực tại là vô minh, atma avidya. Chúng ta không thấy rằng ngã chỉ được làm bằng những yếu tố vô ngã. Bởi vì chúng ta quá kẹt vào ý niệm ngã nên chúng ta có nhiều mặc cảm về chúng ta, chúng ta nghĩ rằng chúng ta hơn người này, thua người kia hoặc ngang bằng với người nọ. Chúng ta kẹt vào sự tự ái, kẹt vào những ảo ảnh do chính mạt na tạo ra rằng cái này là ta, là tự ngã của ta. Vì vậy mà thức mạt na có cái tên là tình thức. Chính tình thức với nhiều ảo tưởng và vô minh là nền tảng của sự vướng mắc. Tự ái làm cho chúng ta khó tiếp nhận thực tại một cách chính xác. Giả sử khi thương một người nào đó, chúng ta không thực sự thương người đó mà chúng ta chỉ tạo ra một hình ảnh và yêu cái hình ảnh đó. Đối tượng mà chúng ta thương không phải là thực tại của người đó. Nó là đới chất cảnh của thực tại mà không phải là thực tại. Khi chúng ta nhìn một ngọn núi, một vì sao, nhìn thủ đô Paris hay một người nào đó cũng vậy. Thông thường chúng ta chỉ làm việc với đới chất cảnh, samanya.
Thức mạt na sống trong thế giới của vô minh. Tuy nhiên, tiền ngũ thức, ý thức và tàng thức thì lại có khả năng tiếp xúc với thực tại. Điều này cần được luyện tập bởi vì nhiều người trong chúng ta đã đánh mất khả năng đó. Khi thực tập chánh niệm, chúng ta có thể phục hồi được khả năng tiếp xúc với chân như.
Tiền ngũ thức thường có khả năng tiếp xúc trực tiếp với thực tại. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không dùng lối suy luận hay phân tích. Cách nhận thức trực tiếp này gọi là hiện lượng – pratyeksha pramana. Khi nhìn vào một đám mây, chúng ta không cần suy nghĩ hay biện luận gì cả. Chúng ta không cần suy tư, tính toán. Đơn giản chúng ta chỉ biết.
Ý thức cũng có thể tiếp xúc với thực tại qua suy luận, gọi là tỉ lượng – mana pramana. Tâm chúng ta có thể dùng lối suy luận, tính toán, đo lường, phân tích, so sánh, lập luận lan man. Giả sử từ xa ta thấy khói bốc lên và bằng cách suy luận chúng ta biết rằng ở đó có lửa, bởi vì không có lửa thì sẽ không có khói.
Tuy nhiên, hiện lượng đôi khi cũng không đúng. Đôi lúc chúng ta tin chắc về những gì chúng ta nghe, chẳng hạn ta nghe tiếng một em bé đang khóc nhưng thực tế là một con mèo đang kêu. Bởi vì những định kiến và năm thức đầu có thể lường gạt chúng ta. Tỉ lượng cũng thế, cũng thường không đúng lắm.
Kiến thức là một chướng ngại cho sự hiểu biết
Thông thường chính kiến thức là chướng ngại lớn nhất ngăn cản chúng ta, không cho chúng ta tiếp xúc với chân như. Vì vậy điều quan trọng, chúng ta phải học cách buông bỏ những cái thấy của mình. Kiến thức là chướng ngại cho sự hiểu biết. Nếu chúng ta độc đoán trong cách suy nghĩ của mình thì rất khó để ta tiếp nhận những tuệ giác mới, khó để hiểu được những học thuyết mới và khó để hiểu biết về thế giới chung quanh. Đức Bụt đã dạy rằng phải xem những lời dạy của Ngài như chiếc bè giúp mình qua bờ bên kia. Chúng ta cần chiếc bè để vượt dòng qua bờ bên kia. Chúng ta không cần chiếc bè để tôn thờ hay để khiêng nó trên vai và tự hào rằng mình có chiếc bè.
Đức Bụt đã dạy: Pháp mà còn phải buông bỏ, huống là cái không phải pháp. Thỉnh thoảng Bụt còn nhấn mạnh thêm, Ngài nói rằng: Lời dạy của ta như con rắn độc. Rất nguy hiểm. Nếu không biết cách bắt rắn thì nó sẽ quay đầu lại cắn chúng ta.
Một ngày nọ, trong buổi tham vấn có một thiền sư nói: Này quý vị, tôi bị dị ứng với từ Bụt. Chỉ có thiền sư mới dám nói về Bụt như thế. Mỗi khi tôi lỡ phát ra từ Bụt tôi phải đi xuống sông súc miệng ba lần. Mọi người phân vân không hiểu tại sao, bởi vì Ngài là một vị tu sĩ đạo Bụt, đáng lý Ngài phải tán dương Bụt mới phải. Nhưng may thay trong thính chúng đó có người hiểu được Ngài. Người đó đứng lên và nói: Thưa thầy, mỗi khi con nghe thầy phát ra từ Bụt thì con phải xuống sông để rửa lỗ tai con ba lần. Đó là một ví dụ rất hay về hai thầy trò giỏi trong truyền thống đạo Bụt.
Ba cảnh giới của tri giác
Đức Bụt nói:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệt như điển,
Ưng tác như thị quán.
(Nghĩa là: Mọi sự mọi vật được tạo nên như một giấc mơ, một ảo ảnh, một hạt sương, một tia chớp. Chúng ta phải thường xuyên thiền tập và quán chiếu.)
Trong đạo Bụt có nói về ba cảnh giới mà chúng ta có thể nhận thức được. Thứ nhất là tánh cảnh – cảnh giới thực tại. Cảnh giới này xác định cho chúng ta thấy rằng mắt, tai, mũi của chúng ta có khả năng tiếp xúc được với thực tại, cho dù trong đời sống hằng ngày hiếm khi chúng ta hoạt động trong cảnh giới này.
Cảnh giới thứ hai là đới chất cảnh. Bởi vì cố nắm bắt thực tại nên thực tại biến mất và chúng ta chỉ nhận được đới chất cảnh mà thôi. Chúng ta có ý niệm về một người nào đó như thế này hay thế kia. Chúng ta có ý niệm về người đó là ai, những ý niệm của chúng ta đơn thuần chỉ là một ý niệm mà không phải là thực tại chính nó. Như vậy, ta thường dùng những khái niệm để chứa đựng thực tại. Khi nhìn vào cái bàn, chúng ta có một ý niệm chung chung về cái bàn. Tri giác của chúng ta về cái bàn là đới chất cảnh. Tuy nhiên, nó vẫn mang theo trong đó một ít bản chất của thực tại. Mang theo một ít chất liệu của thực tại nhưng không phải là thực tại.
Cảnh giới thứ ba của tri giác là độc ảnh cảnh. Những gì chúng ta mơ, chúng ta tưởng tượng, chúng ta thấy, chúng ta cảm nhận đều thuộc vào cảnh giới của độc ảnh, là những hình ảnh được cất chứa trong tàng thức. Khi chúng ta thấy một con voi thì hình ảnh con voi đó được cất giữ trong tàng thức. Khi chúng ta nằm mơ về con voi là nhờ ý thức của chúng ta đi xuống dưới tàng thức và nhặt lên hình ảnh một con voi. Con voi mà chúng ta thấy không phải là con voi của thực tại, cũng không phải là con voi của đới chất mà là con voi của độc ảnh cảnh.
Những hình ảnh này tuy không phải là thực tại, song chúng cũng có thể là những công cụ để thiền tập. Khi chúng ta quán tưởng về một sự vật thì vật đó không phải là cái mà chúng ta tiếp nhận được từ các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Vật đó chỉ là đối tượng hoặc kết quả do sự tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Giả sử chúng ta quán tưởng về Bụt, thì đức Bụt trong ta là độc ảnh. Thế nhưng độc ảnh về Bụt có thể giúp ta tập trung và tiếp xúc được với đức Bụt thật, đó là định, là tuệ, là từ bi.
Chúng ta có thể tùy ý chọn một đức Bụt và quán tưởng về đức Bụt trong bản thân mình. Nếu an trú được trong định với hình ảnh quán tưởng đó, chúng ta có thể đạt được sự tĩnh lặng, hỷ lạc và từ bi. Khi còn là một sa di, tôi được học một phương pháp thiền tập có thể minh họa cho điều này:
Trước hết, tôi nói với chính mình: Năng lễ sở lễ tánh không tịch, có nghĩa là tôi có trong Bụt và Bụt có trong tôi, tôi và Bụt không có một cái ngã biệt lập. Đó là bước đầu tiên của việc quán tưởng. Chúng ta cần xóa đi sự khác biệt, tính nhị nguyên giữa Bụt và ta. Tuy nhiên chúng ta không cần phải có một dụng cụ bên ngoài, không cần một cục tẩy để xóa đi cái ranh giới ấy vì tâm chúng ta đã là một công cụ tuyệt vời rồi.
Tiếp tục quán tưởng: Ngã thử đạo tràng như đế châu, thập phương chư Phật ảnh hiện trung. Lưới đế châu được mô tả trong Kinh là một tấm lưới được làm bằng ngọc và trong mỗi hạt ngọc phản chiếu tất cả những hạt ngọc khác. Nhìn vào một ta thấy được tất cả. Nghĩa là tất cả chư Bụt trong vũ trụ đều biểu hiện trong một đạo tràng, ta không còn thấy một đức Bụt nữa mà thấy vô lượng Bụt xuất hiện.
Giả sử chúng ta xây một căn phòng bằng kính. Và chúng ta bước vào với một cây nến trong tay, nhìn vào tấm kính ta thấy mình và cây nến trong đó. Khi quay qua nhìn tấm kính bên kia, ta cũng thấy mình và cây nến trong tấm kính đó đồng thời ta thấy mình và cây nến trong một tấm kính khác phản chiếu lại. Không chỉ có tấm kính này chiếu lên tấm kính kia mà nó chiếu lên tất cả các tấm kính khác, bởi vì trên mỗi tấm kính đều có mình và cây nến. Chỉ cần nhìn vào một tấm kính, ta sẽ thấy được tất cả hình ảnh của mình và cây nến từ tất cả các tấm kính khác phản chiếu lên đó, nhiều đến vô lượng. Có vô số tấm kính, vô số cây nến và vô số mình.
Vì vậy, khi tiếp xúc với Bụt, quán tưởng về Bụt, chúng ta sẽ thấy không chỉ có một đức Bụt mà có vô số chư Bụt xung quanh mình. Ta quán tưởng rằng trước mỗi đức Bụt có ta đang đảnh lễ. Chúng ta không thể đếm được số lượng Bụt và cũng không thể đếm được số lượng mình. Nhiều đến vô lượng! Chúng ta xóa đi ý niệm rằng mình là một thực tại và Bụt là một thực tại khác. Từ đó chúng ta thể nhập được tính tương tức và có thể vượt thoát được ý niệm một và nhiều, giống và khác.
Sự thực tập này hơi khó, khó hơn là xá tượng Bụt và lạy xuống với lòng tôn kính. Đây là sự thực tập về tương tức mà bắt đầu bằng một hình ảnh. Vì vậy, chúng ta đừng xem thường khi nói cảnh giới của tri giác là cảnh giới của độc ảnh. Phải mất nhiều năm lắm mới thực tập được. Và khi thực tập được chúng ta sẽ cảm thấy rất thú vị. Chúng ta có thể buông bỏ được ý niệm có một cái ngã tồn tại biệt lập. Quán tưởng là một phép thực tập rất quan trọng trong đạo Bụt.
Mẹ của đức Bụt
Trong Kinh Hoa nghiêm – Avatamsaka có một đoạn miêu tả rất lý thú về Thiện tài đồng tử tên là Sudhana đi tìm Hoàng hậu Mahamaya, mẹ của đức Bụt. Thiện tài đồng tử Sudhana đã đến với nhiều thầy để cầu học. Thầy của Thiện tài đồng tử là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Ngài đã khuyến khích đệ tử của mình đến học với nhiều người khác, không phải chỉ với những thầy lớn mà còn học với những thầy trẻ nữa, không những chỉ học với những thầy thuộc truyền thống Phật giáo mà còn học với những thầy thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Một ngày nọ, Thiện tài đồng tử Sudhana nghe tin mình phải đi gặp mẹ của đức Bụt bởi vì chàng có thể học được rất nhiều từ bà. Chàng đã đi tìm, tuy mất rất nhiều năng lượng nhưng vẫn không tìm thấy bà. Bỗng nhiên có ai đó bảo chàng rằng: Ông không cần phải đi đâu cả, ông chỉ cần ngồi xuống, thở cho có chánh niệm và quán tưởng thì mẹ của đức Bụt sẽ xuất hiện. Chàng bèn ngưng cuộc tìm kiếm, ngồi lại và thực tập như vậy. Tự nhiên chàng thấy từ sâu trong lòng đất trồi lên một đóa sen ngàn cánh. Trên mỗi cánh sen có hoàng hậu Mahamaya, mẹ của đức Bụt, đang ngồi đó. Chàng xá chào hoàng hậu và bỗng nhiên chàng thấy chàng cũng đang ngồi trên mỗi cánh sen của cùng đóa sen đó. Mỗi cánh sen lại biến thành một đóa sen ngàn cánh khác. Cái một chứa đựng cái tất cả.
Hoàng hậu Mahamaya đang ngồi trên mỗi cánh sen của đóa sen có ngàn cánh và mỗi cánh sen đó lại biến thành một đóa sen ngàn cánh khác. Chàng thấy mình, một chàng trai trẻ, đang ngồi trên một cánh sen và bỗng nhiên chàng thấy cánh sen của mình cũng biến thành một đóa sen ngàn cánh. Quá sung sướng, chàng chắp tay lại ngước lên. Thế là câu chuyện rất dễ thương giữa mẹ của đức Bụt với chàng trai trẻ Sudhana được bắt đầu. Hoàng hậu Mahamaya nói: Này con, con có biết không, giây phút mà ta mang thai Siddhatha là một giây phút rất mầu nhiệm. Đó là niềm sung sướng lớn nhất của đời ta, niềm sung sướng ấy đã thấm vào toàn bộ con người ta. Sự có mặt của một đức Bụt trong con là một điều rất mầu nhiệm, không gì có thể hạnh phúc hơn thế. Con biết không, chàng trai trẻ, sau khi Siddhatha đi vào tử cung của ta thì có vô số các vị Bồ Tát từ nhiều nơi đến xin phép đi vào thăm con trai ta. Vô số các vị Bồ Tát, bạn của Siddhatha đến thăm để xem thử bạn mình có thoải mái trong bụng ta không. Tất cả đều chui vào bụng ta, nhiều đến hàng triệu người. Tuy nhiên ta có cảm tưởng rằng nếu có thêm những vị Bồ Tát khác muốn đi vào thì vẫn còn chỗ cho họ. Này con, con biết không, ta là mẹ của tất cả chư Bụt trong quá khứ, là Mẹ của tất cả chư Bụt trong hiện tại và sẽ là mẹ của tất cả chư Bụt trong tương lai. Câu chuyện thật lý thú và thâm sâu. Đó là quán tưởng. Quán tưởng giúp ta thấy được tính tương tức, thấy được sự thật cái một chứa đựng cái tất cả. Một nguyên tử nhỏ nhất có thể chứa đựng cả toàn thể vũ trụ.
Ai là hoàng hậu Mahamaya, mẹ của đức Bụt? Hoàng hậu là người ở ngoài ta hay chính là ta? Tất cả chúng ta đều mang trong mình một đức Bụt. Mahamaya rất ý thức về điều này. Khi đi, khi ngồi bà rất cẩn trọng vì bà biết rằng bà đang mang một đức Bụt trong mình. Mỗi loại thức ăn bà ăn, mỗi thứ nước bà uống, mỗi công việc bà làm, mỗi bộ phim bà xem, bà biết đều ảnh hưởng đến đứa con của mình. Bụt Thích Ca Mâu Ni đã nói: Quý vị là một đức Bụt. Và trong mỗi quý vị đều có mang một đức Bụt sơ sinh. Cho dù chúng ta là nam hay nữ, chúng ta cũng mang theo trong mình một vị Bụt. Thế nhưng chúng ta không cẩn trọng như hoàng hậu Mahamaya trong cách ăn uống, hút xách, lo lắng, lập kế hoạch… Chúng ta không phải là người mẹ có trách nhiệm của đức Bụt. Cũng giống như Mahamaya, chúng ta có rất nhiều không gian trong mình, không phải chỉ cho một vị Bụt mà cho vô số các vị Bụt. Chúng ta có thể tuyên bố như Mahamaya rằng chúng ta là mẹ của tất cả chư Bụt trong quá khứ, chúng ta có thể là mẹ của tất cả chư Bụt trong hiện tại và sẽ là mẹ của tất cả chư Bụt trong tương lai.
Hoàng hậu Mahamaya là một thực tại bên ngoài hay bên trong chúng ta? Nếu nhận ra rằng chúng ta là mẹ tương lai của chư Bụt thì tất cả các mặc cảm trong ta sẽ biến mất. Chúng ta có thể hành xử như một người mẹ có trách nhiệm của đức Bụt để đức Bụt trong ta có cơ hội biểu hiện cho chính mình và cho toàn thế giới. Vì thế, quán tưởng là một công cụ rất quan trọng, có thể giúp chúng ta xóa đi tất cả những tri giác sai lầm để thực tại có thể hiển lộ rõ ràng.
Các cảnh giới của tri giác trong mơ và trong khi sáng tạo
Trong mơ, hầu như chúng ta ở trong cảnh giới của tri giác, cảnh giới của độc ảnh. Trong mơ, chúng ta không dùng mắt, tai, mũi, lưỡi nhưng chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn nói. Chúng ta thấy những người bạn, thấy những sinh vật lạ. Chúng ta thấy chiến tranh, thấy bom rơi, thấy người chết. Thậm chí chúng ta có thể hôn, có thể làm tình mà không có một người nào ở đó cả, người đó không có trong thực tại, không có ngay cả trong đới chất. Mình tin rằng giấc mơ là đúng, là một cái gì đó có thật, bởi vì trong mơ chúng ta cũng khóc, cũng cười, cũng phản ứng. Thất vọng, căm thù, giận dữ – tất cả những tâm hành này xảy ra trong suốt giấc mơ khi chúng ta thấy, nghe và tiếp nhận sự vật.
Nhưng nếu quán chiếu sâu sắc, chúng ta thấy rằng đôi khi đới chất cảnh và tánh cảnh cũng xen vào trong giấc mơ. Nếu quý vị ngủ trong một căn phòng rất nóng, quý vị có thể mơ là mình đang nướng bánh mì. Hoặc nếu phòng quá lạnh, quý vị có thể mơ là mình đang bơi lội trong băng đá. Vì thế hình ảnh bơi lội trong băng đá không chỉ đến từ độc ảnh cảnh mà còn đến từ tánh cảnh.
Nếu quý vị ngủ với một người khác mà trong khi ngủ người đó đã kê đầu hay gác tay lên người quý vị, quý vị có thể mơ là ma đang đè mình và quý vị vùng vẫy để thoát ra. Hình ảnh một con ma có thể liên quan đến thân thể người kia. Trong mơ có thể quý vị thấy mình đang làm tình với một người nào đó và mình bị xuất tinh. Khi thức dậy quý vị cũng thấy tinh dịch trong người tiết ra.
Ba cảnh giới của tri giác tương quan với nhau. Đới chất cảnh được sinh ra trên nền tảng của tánh cảnh và mang theo nó một ít bản chất của tánh cảnh. Độc ảnh cảnh được sinh ra từ đới chất cảnh và tánh cảnh, đồng thời nó cũng mang theo trong nó một ít bản chất của tánh cảnh và đới chất cảnh.
Độc ảnh có hai loại: độc ảnh hữu chất và độc ảnh vô chất. Giả sử trong mơ mình thấy một người bạn mình quen biết đang nói chuyện với mình. Đó là độc ảnh hữu chất. Nhưng nếu trong mơ mình thấy một người mà người này trước đây mình không hề hay biết, người đó có thể là sự kết hợp của vài yếu tố xảy ra đây kia, thì đó là độc ảnh vô chất. Giả sử mình mơ thấy một con voi. Con voi trong giấc mơ của mình là sự sao chép của một con voi, một hình ảnh. Nó rất giống hình ảnh con voi thật mà mình đã thấy. Nhưng giả sử mình thấy một con voi đang bay trên bầu trời thì đó là một sự kết hợp. Mình lấy một ít cái này, một ít cái kia, sử dụng sự tự do, khả năng tưởng tượng và một hình ảnh từ đới chất cảnh để tạo ra một sản phẩm cho tâm thức.
Là một nghệ sĩ, họa sĩ, thi sĩ hoặc một nhà kiến trúc, chúng ta cần phải tưởng tượng nhiều. Chúng ta sử dụng tánh cảnh và đới chất cảnh để tạo ra một tác phẩm mà trước đây chưa có. Những gì chúng ta tạo ra phụ thuộc rất nhiều vào những thứ chúng ta hình dung và tưởng tượng. Nếu là kỹ sư, chúng ta không chỉ vẽ những bản vẽ đã có trước đây mà phải tưởng tượng ra những mô hình kiến trúc mới. Ý thức có khả năng sáng tạo, không những chỉ sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật mà còn sáng tạo cả thế giới chúng ta đang sống.
Bốn phép quán tầm tư (the Four Reflectives Inquires)
Khi nói đến thủ đô Paris, chúng ta tạo ra một hình ảnh Paris trong tâm. Thế nhưng chúng ta có thể nhìn sâu hơn vào độc ảnh cảnh và đới chất cảnh để tiếp xúc được với tánh cảnh trong đó. Để làm được điều này, chúng ta phải quán chiếu (inquire) sâu hơn vào bản chất của sự vật. Đạo Bụt gọi sự thực tập này là bốn phép quán, bốn paryesanah. Quán chiếu nghĩa là không dùng chức năng sáng tạo của tâm thức mà là tiếp xúc và nhìn thẳng vào sự vật chính nó. Nếu nhìn sâu và không bị lường gạt bởi danh từ, chúng ta có thể khám phá ra bản chất của thực tại. Do đó, khi nhìn vào thực tại với danh từ, tên gọi, chúng ta nên nhìn nó như chính nó mà đừng tưởng tượng về nó. Chúng ta thực tập như thế nào để không bị ảnh hưởng bởi danh từ, vì khi bị kẹt vào danh từ, tên gọi thì chúng ta không thể thấy được thực tại.
Khi chúng ta nghe từ mây, tiếng mây mang theo một hình ảnh, một tướng trạng, một bóng dáng, một sắc màu, và tiếng mây cũng có thể mang đến vài cảm thọ, vài suy nghĩ. Trong Kinh nói rằng khi một vị Bồ Tát nhìn vào danh từ, quán chiếu danh từ, Ngài chỉ thấy danh từ và chỉ danh từ mà thôi.
Trong Milindapanha, nhà vua Milinda hỏi tỳ kheo Nagasana: Thức của đứa bé trong bụng có giống với thức của người chết không? Thức của người sắp chết được gọi là Cyuti, tử thức; thức của người tái sinh được gọi là Pratisamdhi, kết sinh thức. Hai thức này giống nhau hay khác nhau? Vấn đề giống và khác được đặt ra ở đây. Anh ta là một với người đã chết trước đây hay anh ta là một người hoàn toàn khác? Đó là câu hỏi mà nhà vua Milinda đặt ra. Nagasama nói: _Xin Ngài hãy nhớ lại khi Ngài còn ba tháng tuổi, Ngài là một đứa bé rất non yếu. Bây giờ Ngài có giống với đứa bé đó không? Ngài sẽ nói: Không, tôi bây giờ cao lớn, khỏe mạnh và có nhiều quyền thế. Tôi không giống với đứa bé đó. – Nhưng Ngài có phải là một người khác không? – Không, tôi không phải là một người khác, bởi vì nếu không có đứa trẻ đó thì bây giờ tôi không thể là một ông vua. Vì vậy, câu trả lời là chúng không giống nhau mà cũng không phải là hai thực thể khác biệt. Đức Bụt dạy: Đừng kẹt vào ý niệm một mà cũng đừng kẹt vào ý niệm khác. Bây giờ chúng ta có cùng tên gọi với khi chúng ta sinh ra nhưng chỉ có cái tên là giống nhau. Chúng ta tạo ra cuộc đời của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải khác đi. Sinh và diệt xảy ra trong mỗi phút giây. Cho nên nhìn vào thực tại chúng ta thấy không có bản chất của một và khác. Nếu hiểu tái sanh bằng cách này thì chúng ta đang ở trong dòng tư duy của đạo Bụt.
Có một câu chuyện kể rằng: _Có một cô gái mang bình sữa đến cho người hàng xóm và nói: Xin ông giữ giúp tôi bình sữa này, tôi đi một tiếng đồng hồ rồi sẽ quay lại lấy. Nhưng cô ta đã đi nhiều ngày, khi trở lại thì sữa đã trở thành yaourt. Cô ta nói: Không, không, cái này không phải của tôi. Tôi nhờ ông giữ giúp tôi sữa cơ mà, sao bây giờ ông lại đưa tôi yaourt? Như vậy, người đó không thấy được sự thật. Sữa và yaourt tuy không giống nhau nhưng chúng cũng không phải là hai thực thể riêng biệt.
Phép quán thứ nhất: Tầm tư danh
Yếu tố đầu tiên là tầm tư danh, nama paryesana. Chúng ta quán chiếu về danh từ và tên gọi bởi vì chúng có thể khơi gợi lên những hình ảnh, suy tư và cảm thọ trong ta. Mỗi chúng ta ai cũng có một cái tên, hầu hết tên gọi của chúng ta không thay đổi nhưng con người chúng ta lại đổi thay rất nhiều. Vì vậy, có một khoảng cách giữa tên gọi và thực tại. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng vì tên gọi giống nhau nên thực tại cũng giống nhau. Danh từ, tên gọi cũng có thể lường gạt chúng ta. Khi nghe tên một vật gì, chúng ta có cảm giác chúng ta đã biết vật đó rồi.
Khi nói đến Cơ đốc giáo, chúng ta nghĩ rằng mình biết Cơ Đốc giáo là gì rồi. Chúng ta biết danh từ đó và chúng ta nghĩ rằng chúng ta cũng biết được thực tại về Cơ Đốc giáo. Chỉ cần nghe tên là đã mang đến cho ta ý niệm về Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận khi sử dụng danh từ, tên gọi. Thực tại khi đi kèm với tên gọi có thể không phải là thực tại chính nó.
Khi nghe từ Hồi giáo, chúng ta cũng khởi lên những ý niệm, những cảm thọ. Bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta hiểu cái tên này, chúng ta tin rằng chúng ta hiểu đạo Hồi như thực tại đạo Hồi. Nhưng có thể ý niệm về đạo Hồi của chúng ta khác xa với sự thật. Khi có ai đó mô tả cho ta nghe về một người, rằng anh ta là người Pháp. Từ người Pháp liền gợi lên trong ta một ý niệm, một cảm thọ nhưng đó chỉ là danh từ, tên gọi mà thôi.
Khi nghe từ người khủng bố, nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến một người không có trái tim, không có cảm thọ, là người ác độc, sẵn sàng giết người. Chúng ta tin chắc rằng người khủng bố đó hoàn toàn là một người khác mà không phải là mình. Tuy nhiên khi nhìn vào thực tại, chúng ta có thể nhận ra rằng chúng ta là người tạo ra tên khủng bố trong ta và xung quanh ta, vậy mà chúng ta vẫn phân biệt giữa khủng bố và không khủng bố. Chúng ta cho rằng mình thuộc về phía không khủng bố. Khi quán chiếu sự thật, chúng ta sẽ thấy một cách khác.
Danh từ, tên gọi có thể rất nguy hiểm. Tiếp xúc với bản chất của thực tại trong khi quán chiếu về danh từ, chúng ta cần thấy rằng nó chỉ là danh từ để đừng bị lừa gạt. Tên gọi và danh từ (danh, tự) có khuynh hướng mạnh đưa đến cảm thọ, cảm xúc và ý niệm phân biệt. Với ý thức này chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để đừng bị kẹt vào danh và tự.
Phép quán thứ hai: Tầm tư nghĩa
Phép quán thứ hai là tầm tư nghĩa, vastuparyesana: quán chiếu về nghĩa của sự vật như những cá nhân, những thực thể. Cha, con, Bụt, Saddam Hussein, Jaques, quý vị, tôi, chúng ta… Tất cả được gọi là ngã (selves) và mỗi cái ngã sinh ra một tên gọi.
Năm 1966, khi đang đi cùng với một người ở Philadelphia trong cuộc biểu tình kêu gọi hòa bình, có một nhà báo đến hỏi tôi: Ông đến từ miền Bắc hay miền Nam? Nam và Bắc đều là danh từ. Đây là một cuộc biểu tình kêu gọi hòa bình nhằm thể hiện mong muốn ngăn chận chiến tranh ở Việt Nam. Khi nhìn anh ta, tôi thấy trong tâm anh ta có hai hộp khái niệm và anh ta muốn đặt tôi vào một trong hai hộp đó. Nếu tôi nói tôi từ miền Bắc đến, anh ta sẽ nghĩ ngay tôi là cộng sản và sự có mặt của tôi trong cuộc biểu tình này là để yểm trợ cho Chủ Nghĩa Cộng Sản. Còn nếu trả lời tôi từ miền Nam đến thì anh ta sẽ nghĩ rằng tôi là người chống cộng. Là một người thiền tập lâu năm, tôi biết trả lời câu hỏi này rất nguy hiểm. Trả lời Bắc hay Nam cũng chỉ làm cho anh ta kẹt thêm vào ý niệm của anh ta mà thôi. Vì thế tôi mỉm cười và nói: Tôi từ miền Trung đến. Điều đó đã làm cho anh ta bối rối, bởi vì anh ta nghĩ chỉ có hai sự chọn lựa – một là từ miền Bắc đến, hai là từ miền Nam đến. Lúc bấy giờ anh ta bị chới với, bởi vì anh ta không còn tin vào chính mình nữa, nhưng nhờ thế mà anh ta có cơ hội quán chiếu lại sự thật.
Bắt đầu chiến tranh với Iraq, tổng thống Bush đã nói: Một là quý vị đứng về phía chúng tôi, hai là quý vị đứng về phía khủng bố. Rõ ràng, nếu quý vị không đứng về phía chúng tôi thì quý vị là kẻ thù của chúng tôi và quý vị sẽ bị tiêu diệt. Điều này có nghĩa là chỉ có khủng bố và chống khủng bố. Tất nhiên ông ta tin rằng ông ta đứng về phía chống khủng bố. Ông ta có cảm tưởng ông ta đang mang một sứ mệnh cao cả là đem lại hòa bình và văn minh cho thế giới. Khi tin chắc vào điều gì, chúng ta có nhiều năng lượng để làm điều đó. Nhưng chúng ta biết rằng kẹt vào ngôn từ hay quá tin chắc vào những gì mình đã biết rất nguy hiểm. Chúng ta luôn sẵn sàng dán lên sự vật các nhãn hiệu với những tên gọi và khái niệm mà chúng ta đã có sẵn.
Phép quán thứ ba: tầm tư tự tính giả lập
Phép quán thứ ba gọi là tầm tư tự tính giả lập, svabha prajnapti paryesana. Prajnapti là giả danh, giả lập, nghĩa là chúng ta đồng ý với nhau đặt cho sự vật một cái tên nào đó. Chẳng hạn như giấy khai sanh. Giấy khai sanh là một giả danh. Tất cả chúng ta đồng ý với nhau rằng giấy khai sanh là một tờ giấy chứng nhận đứa bé đã được sinh ra vào ngày đó, tháng đó, năm đó. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu chúng ta biết rằng không có gì được sinh ra cả, đứa bé chỉ là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên, ông bà. Đứa bé chỉ là một sự khởi đầu mới mẻ. Vì vậy, sanh là giả danh. Tất cả chúng ta đều đồng ý là có sanh nhưng chúng ta không bị kẹt vào ý niệm sanh.
Nếu ngồi lại và thiền tập với nhau, chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn. Chẳng hạn, chúng ta đồng ý là trên đầu chúng ta gọi là phương trên và dưới chân chúng ta gọi là phương dưới. Điều này rất đúng. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là chúng ta không nên kẹt vào khái niệm trên và dưới, bởi vì những người Nhật đang ở bên kia hành tinh, cũng ngồi như chúng ta nhưng họ không đồng ý là phương trên của chúng ta là phương trên của họ. Thực ra phương trên của ta là phương dưới của họ và phương trên của họ là phương dưới của ta.
Giả sử ta vẽ một đường thẳng, và gọi đầu này là trái, đầu kia là phải. Rồi chúng ta không thích phía phải và muốn cắt bỏ nó đi. Nhưng khi chúng ta cắt bỏ phần bên phải thì phần kia của đưởng thẳng trở thành phía phải. Cho dù khoảng cách giữa trái và phải chỉ là một phần tỉ mét, nó cũng có bên phải. Như vậy, trái và phải không phải là những thực tại, chúng chỉ là những giả danh, giả lập.
Nếu mình là con thì mình không phải là cha. Chúng ta nghĩ con hoàn toàn khác với cha, con có thể tồn tại ngoài cha, điều đó không đúng. Người con tồn tại là nhờ sự có mặt của người cha. Một ngày nào đó, khi có con, mình sẽ trở thành cha. Vì vậy, cha và con chỉ là giả danh, giả lập. Cả hai nương vào nhau mà có. Giống như ba cây lau nương vào nhau mà đứng được, nếu lấy ra một cây thì hai cây kia sẽ ngã xuống.
Cá nhân và thực thể, tất cả đều là giả danh, giả lập. Chúng không phải là những thực thể có thật, không phải là những thực thể chắc thật có thể tự tồn tại được. Chúng ta có thể gọi Bụt là Bụt, gọi Osama Bin Laden là Osama Bin Laden, nhưng chúng ta phải biết rằng Bụt được làm bằng những yếu tố không phải Bụt, Osama Bin Laden được làm bằng những yếu tố không phải Osama Bin Laden. George W. Bush cũng thế, nhìn vào tổng thống Bush chúng ta phải thấy được bối cảnh lịch sử của ông, ông được sinh ra và lớn lên như thế nào, phải thấy được hoàn cảnh tâm linh (evangelical background), hoàn cảnh địa lý, văn hóa, tôn giáo của ông. Nếu không thấy được những yếu tố này thì chúng ta không hiểu gì về ông Bush cả. Một khi hiểu được những điều kiện, hoàn cảnh của một người thì chúng ta hiểu rằng danh từ, tên gọi mà chúng ta quy ước với nhau (như Tổng thống Bush) chỉ là giả danh, giả lập.
Phép quán thứ ba này cho ta thấy được tính tương tức. Nhìn vào hoa ta thấy hoa được làm bằng những yếu tố không-hoa. Tương tức cũng có một tên gọi khác nữa, là tương nhập. Nghĩa là mỗi cái đều chứa đựng những cái khác và đi vào trong nhau. Nhìn vào cái một ta thấy được sự có mặt của nhiều cái khác, thấy được sự có mặt của tất cả.
Chúng ta biết rằng con người được làm bằng hàng triệu tế bào. Một tế bào lại chứa đựng tất cả những tế bào khác và mang trong nó toàn bộ tính di sản di truyền học (genetic heritage). Chúng ta có thể gọi là đơn bào với điều kiện là chúng ta phải hiểu được tính tương tức của nó. Nói cách khác, chúng ta phải thấy từ đơn bào là một giả danh.
Bụt cũng dùng những ngôn từ và giả danh như chúng ta. Ngài nói với Ananda đệ tử của mình rằng: Thầy Ananda, thầy có muốn leo núi Linh Thứu với ta không? Ngài cũng dùng từ thầy và ta, tuy nhiên Ngài không bị kẹt vào đó. Ngài biết rằng những danh từ này chỉ là giả danh. Từ tánh hay ngay cả tánh tương tức, tánh tương duyên cũng đều là những giả danh. Chúng ta có thể gọi đó là tánh không tánh (the none-nature nature). Cho nên ngay cả ý niệm về tương tức, tương duyên, chúng ta cũng không nên kẹt vào đó. Chúng ta không kẹt vào từ tánh trong cái gọi là thể tánh (entity of nature). Vì thế Bụt phải đi thêm một bước xa hơn, Ngài nói về tánh không tánh. Trong văn học phật giáo có từ tánh không (no-nature) là bản tánh của mọi sự vật. Từ tánh mà chúng ta dùng trong đạo Bụt cũng là một giả danh. Tâm chúng ta có khuynh hướng nắm bắt nên khi tiếp nhận giáo pháp, điều quan trọng là chúng ta đừng để bị kẹt vào đó.
Chúng ta có thể dùng những từ ngữ như: Bụt, tánh, quý vị, tôi… nếu chúng ta có tuệ giác tương tức. Chúng ta có thể xưng mình là ba, là mẹ, là con. Cố nhiên chúng ta phải dùng những danh từ này nhưng khi dùng chúng ta có thể nhắc nhở mình rằng: Ta là cha nhưng đồng thời ta cũng là con.
Phép quán thứ tư: tầm tư sai biệt giả lập
Phép quán thứ tư là tầm tư sai biệt giả lập, vishesha prajnapti paryeshana. Vishesha nghĩa là sai biệt, biệt tướng. Samanya là cọng tướng.
Mọi vật đều có hình tướng của nó. Chẳng hạn, khi nhìn vào bông hoa, chúng ta thấy có một tướng chung là hoa. Chúng ta thấy nó bằng đới chất cảnh, nhưng nếu tiếp tục quán chiếu, chúng ta có thể thấy được những biệt tướng khác (sai biệt tướng – cái riêng) đến với nhau để cho cái cộng tướng (cái chung) là đóa hoa biểu hiện.
Cái nhà là một thực thể. Khi nhìn vào cái nhà, chúng ta thấy một tướng chung (cộng tướng) và gọi đó là cái nhà. Nhưng nếu nhìn sâu, chúng ta có thể thấy được những yếu tố như cát, xi măng, gỗ, đinh, kính và tất cả những thứ khác kết hợp lại để hình thành cái nhà.
Như vậy, cái chung được làm từ những cái riêng, cái cộng tướng được làm từ những cái sai biệt tướng. Chúng ta có thể gọi ông đó là Jack hay Jill nhưng Jack được làm bằng năm yếu tố: sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Nếu tiếp tục quán chiếu, chúng ta sẽ thấy nhiều tướng sai biệt (nhiều tướng khác nhau) kết hợp lại để cho cái cộng tướng biểu hiện. Bồ Tát khi nhìn vào những cái sai biệt tướng thì nhận ra rằng cái sai biệt tướng cũng là một giả danh mà không phải là một cái gì chắc thật nằm biệt lập với những cái khác. Khi nhìn vào những tướng riêng của cái ngã hay một thực thể, Bồ Tát không bị tướng đó lừa gạt. Ngài nhận ra rằng không phải chỉ có cái cộng tướng mới giả danh, giả lập mà ngay cả cái sai biệt tướng cũng giả danh, giả lập. Sự thực tập này giúp chúng ta vượt thoát được mọi nắm bắt về danh, về ngã, về thực thể; đồng thời tiếp xúc được với tự tánh paratantra, chân như, tương tức. Nhờ đó chúng ta có thể thấy được nishpana nature
Bất nhị đưa đến bất bạo động
Một số nhà khoa học não bộ có khuynh hướng giải thích sự vật là nhất nguyên (monism) và thấy sự vật là những phần tương quan nhau của cùng một thực tại. Tuy nhiên một số khác lại có khuynh hướng giải thích sự vật là nhị nguyên (dualism). Cuối cùng vấn đề được đặt ra là: Não và tâm là một hay là hai cái khác nhau? Một số tin rằng chúng là hai cái tách rời nhau, và dựa trên cái thấy nhị nguyên ấy họ lại hỏi: Làm sao mà những hoạt động có tính cách máy tính của các tế bào thần kinh thuộc thế giới khách quan lại làm phát sinh ra được tâm thức của thế giới chủ quan? Có những người tin rằng tâm và não là một. Giáo lý của Bụt dạy chúng ta, khi nhìn vào sự vật phải thấy được sự vật không phải là một mà cũng không phải khác. Điều này chúng ta có thể chứng nghiệm được. Khi cha ta sinh ra, cha rất nhỏ bé, nhưng đến khi trưởng thành cha trở nên cao lớn hơn và đổi thay rất nhiều. Cha ta không phải là người trước đây nhưng cha ta cũng không phải là một người khác. Vì vậy, nhìn vào thực tại, chúng ta thấy được sự thật không đồng không khác. Mình là con mình. Chúng ta có thể hỏi: Ta là một với cha ta, hay ta là một người hoàn toàn khác? Rõ ràng, mình không phải một mà cũng không phải khác với cha mình. Mình là sự tiếp nối của cha mình. Vì vậy cái nhìn nhị nguyên là cái nhìn sai lệch, có thể khiến chúng ta tin rằng thiện và ác là hai kẻ thù của nhau. Cái thiện luôn tìm cách tiêu diệt cái ác. Học thuyết này tạo nên nhiều khổ đau và mang đến sự hoại diệt.
Trong giáo lý đạo Bụt, cơn giận có tính hữu cơ, tình thương cũng có tính hữu cơ, khổ đau và hạnh phúc cũng có tính hữu cơ. Chúng tương tức với nhau như hoa và rác. Người làm vườn bằng phương thức hữu cơ không thấy rác là kẻ thù của mình bởi vì người đó thấy rõ về tương tức. Người đó biết rằng mình có thể dùng rác để làm phân bón cho cây và rác có thể được chuyển hóa thành hoa. Ông ta không có quan điểm nhị nguyên. Vì vậy ông ta bình an với hoa và cũng bình an với rác. Ông ta biết rằng không có rác thì ông cũng không thể có những đóa hoa xinh đẹp.
Khi biết khổ đau, buồn giận và sợ hãi của chúng ta mang tính hữu cơ, chúng ta sẽ không chạy trốn. Chúng ta biết rằng nếu thực tập, chúng ta có thể chuyển hóa chúng và chúng có thể nuôi dưỡng hạnh phúc và bình an của ta. Thiền quán phải được dựa trên nền tảng của tuệ giác bất nhị – bất nhị giữa thiện và ác, khổ đau và hạnh phúc. Vì vậy phương pháp để đối trị khổ đau luôn luôn là bất bạo động. Khi chúng ta chấp nhận tánh bất nhị của thực tại thì cách hành xử của chúng ta sẽ trở thành bất bạo động. Chúng ta không cần phải đấu tranh chống lại cơn giận hay nỗi sợ hãi, vì chúng ta thấy rằng giận dữ hay sợ hãi cũng là ta. Chúng ta chăm sóc chúng bằng cách nhẹ nhàng nhất. Không còn đấu tranh nữa. Chỉ thực tập để chăm sóc và chuyển hóa. Chúng ta phải chăm sóc cơn giận và nỗi sợ hãi của chúng ta bằng cách hay nhất để cho chúng có cơ hội chuyển hóa thành từ bi. Như thế, thiền quán dựa trên nền tảng bất nhị sẽ đưa đến con đường bất bạo động. Chúng ta sẽ làm chủ được thân thể, cảm thọ của ta bằng con đường an lành nhất. Nếu kẹt vào cái nhìn nhị nguyên, chúng ta sẽ khổ đau, sẽ giận dỗi cơ thể, cảm thọ của chúng ta và ta sẽ cố tìm cách chạy trốn những khổ đau trong thân tâm. Chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể có được nếu không có khổ đau, trái không thể có được nếu không có phải – không có cái này thì sẽ không có cái kia.
Khi có ai đó nói rằng: Quý vị đứng về phía chúng tôi hay đứng về phía khủng bố? là người đó đang bị kẹt quá nặng vào cái nhìn nhị nguyên. Cũng giống như nói: Nếu anh không phải là Cơ Đốc giáo tức là anh chống lại Cơ Đốc giáo. Đó không phải là một học thuyết. Hoặc nói rằng: Nếu anh không đứng về phía Bụt tức là anh chống Bụt cũng không đúng. Trong giáo lý và sự thực tập của đạo Bụt, chúng ta luôn được nhắc nhở rằng Bụt cũng là một chúng sanh, không có sự phân biệt giữa Bụt và các loài chúng sanh khác. Nếu chúng ta lấy chúng sanh ra khỏi Bụt thì Bụt cũng không còn. Tinh túy của giáo lý này tồn tại trong tất cả các truyền thống.
Nếu nói: Một là anh đứng về phía chúng tôi, hai là anh đứng về phía khủng bố là tự làm cho mình xa lánh với các nước liên minh. Điều này đứng về mặt chính trị cũng không tốt, mà đứng về phương tiện ngoại giao cũng không tốt. Bởi vì không một chính phủ nào muốn nghe điều đó trừ khi họ có cùng chung quan điểm ấy. Không ai thích đứng về phía khủng bố cả.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà thiền quán không còn là vấn đề thực tập cá nhân nữa. Chúng ta phải thực tập với nhau như một tăng thân, một quốc gia, một hành tinh. Nếu muốn có an lạc, chúng ta phải tập nhìn thực tại như chính nó, không có sự tách biệt. Chúng ta phải tập luyện cho mình có cái nhìn bất nhị. Chúng ta đã có kinh nghiệm là nếu người kia không hạnh phúc thì chúng ta khó mà hạnh phúc được. Người kia có thể là con ta, là người bạn hôn phối của ta, bạn bè ta, cha mẹ ta, hàng xóm láng giềng của ta. Người kia có thể là tăng thân Cơ đốc giáo, Do thái giáo, tăng đoàn Phật giáo hay Hồi giáo. Một khi biết rằng bình an không phải là vấn đề cá nhân, chúng ta sẽ hành xử một cách tự nhiên như đó là vấn đề của cộng đồng. Tất cả những gì chúng ta làm để giúp đỡ bè bạn, láng giềng, các nước khác được an ninh, được tôn trọng thì chúng ta cũng được hưởng lợi lạc từ đó. Nếu không, chúng ta sẽ bị kẹt vào cái ngã của mình. Cái nhìn nhị nguyên sẽ thúc đẩy chúng ta đi về hướng càng hành động càng tiếp tục hủy diệt – hủy diệt chúng ta và hủy diệt thế giới.
Hai đóa hoa tím
Tất cả chúng ta đều biết rằng những mầu nhiệm của cuộc sống như trời xanh, mây trắng, nắng hồng, những cơn mưa phùn, những dòng sông xanh, cỏ cây, hoa lá, chim muông, trẻ thơ… luôn luôn có mặt đó. Hôm qua trong lúc đi thiền hành tôi thấy hai đóa hoa tím nho nhỏ đang nằm trên cỏ. Chúng rất xinh đẹp và biểu hiện tròn đầy (very well manifestation). Tôi hái từng đóa một tặng cho hai thượng tọa mới từ Việt Nam qua. Tôi nói với hai vị: Những đóa hoa này chỉ có mặt trong cõi Tịnh Độ. Tôi chắc là quý thượng tọa hiểu được thông điệp ấy. Bởi vì, nếu chúng ta có chánh niệm, có khả năng tiếp xúc sâu sắc với những mầu nhiệm của cuộc sống thì Tịnh Độ và nước Chúa có mặt trong chúng ta. Sự thật là Tịnh Độ luôn luôn có mặt đó. Vấn đề là chúng ta có có mặt cho cõi Tịnh Độ hay không. Có mặt cho cõi Tịnh Độ không có gì khó, miễn là ta có chánh niệm trong khi nhìn, khi đi, khi tiếp xúc. Nếu chúng ta luôn thắp sáng chánh niệm thì chúng ta có khả năng ở trong cõi Tịnh Độ hai mươi bốn giờ một ngày. Chúng ta thường có khuynh hướng tin rằng cõi đời này đầy dẫy khổ đau vì vậy chúng ta muốn đi đến một nơi nào đó không có khổ đau.
Định nghĩa của tôi về Tịnh Độ hay nước Chúa không phải là một nơi không có khổ đau. Bởi vì khổ đau và hạnh phúc tương tức với nhau. Người ta chỉ có thể nhận diện được hạnh phúc khi họ dựa trên những hoàn cảnh khổ đau. Vì vậy, ta cần khổ đau để nhận diện hạnh phúc. Khi nhìn sâu, chúng ta biết rằng hạnh phúc không thể có được nếu không có hiểu biết và thương yêu. Người có hạnh phúc là người có nhiều hiểu biết và thương yêu. Ngược lại không có tình thương và sự hiểu biết, chúng ta sẽ không nói chuyện được với nhau, chúng ta hoàn toàn bị cô lập. Nhìn và quan sát xung quanh ta, chúng ta sẽ thấy rằng người có nhiều hiểu biết, thương yêu là người không đau khổ, người đó rất hạnh phúc. Để được hạnh phúc thật sự, chúng ta phải vun trồng hiểu biết và thương yêu. Không có khổ đau làm sao ta có thể nuôi lớn hiểu biết và thương yêu? Nhờ tiếp xúc với khổ đau mà hiểu biết và thương yêu phát khởi. Hãy thử tưởng tượng một nơi không có khổ đau, làm sao con cái chúng ta có cơ hội phát triển được trí tuệ, làm sao chúng có thể học được những bài học thương yêu?
Nhờ tiếp xúc với khổ đau mà người ta có thêm hiểu biết, thương yêu. Ở nước Chúa, nếu không có khổ đau thì cũng không có hiểu biết, thương yêu. Và nếu không có hai thứ này, chúng ta cũng không thể gọi là nước Chúa hay Tịnh Độ. Rất đơn giản và rõ ràng. Vì thế, tôi định nghĩa về Tịnh Độ của Bụt hay nước Chúa là nơi có nhiều cơ hội cho ta học hiểu, học thương. Khi có nhiều hiểu biết và thương yêu, chúng ta không còn sợ khổ đau nữa. Cũng giống như một người làm vườn giỏi bằng phương thức hữu cơ, chúng ta không sợ rác bởi vì chúng ta biết cách chuyển rác thành hoa. Đó là cái nhìn bất nhị. Hai đóa hoa xinh đẹp mà tôi hái hôm qua tặng quý thượng tọa là những mầu nhiệm của cuộc sống. Nếu không có chánh niệm, chúng ta không thể tiếp xúc được với chúng. Những mầu nhiệm của cuộc sống luôn luôn có đó, ngay trong phút giây hiện tại, trong ta và xung quanh ta. Bộ não của ta là một mầu nhiệm, hai mắt ta là một mầu nhiệm, trái tim ta là một mầu nhiệm, mỗi tế bào trong cơ thể ta là một mầu nhiệm. Mọi thứ xung quanh ta đều mầu nhiệm. Tất cả đều thuộc nước Chúa, đều thuộc cõi Tịnh Độ. Vậy mà chúng ta đã sống hoàn toàn quên lãng, không biết sự có mặt của chúng. Chúng ta bị kẹt vào những lo toan, tính toán, những thất vọng, ganh tị, sợ hãi nên chúng ta đã đánh mất nước Chúa, đánh mất cõi Tịnh Độ.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 01 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 02 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 03 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 04 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 05 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 06 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 07 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 08 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 09 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, chương 10 tại đây.
Đọc Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức, toàn tập tại đây.