Thích Nhất Hạnh | Trái tim mặt trời
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 4 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Người tập thiền xưa nay vẫn biết nhìn bằng con mắt của mình và sử dụng ngôn ngữ của thế kỷ mình. Sở dĩ như vậy vì tuệ giác là một dòng sống linh động chứ không phải là một cổ vật được cất giữ ở viện bảo tàng. Bằng sự sống của chính mình, người thiền giả khơi nối được dòng tuệ giác và làm cho nó tuôn chảy về những thế hệ tương lai. Công trình nối đuốc là công trình của tất cả chúng ta, tất cả những ai biết khai phá để mà đi tới. Cái thấy của chúng ta và ngôn ngữ của chúng ta không thể tách rời ra khỏi thời đại trong đó chúng ta sống.
Ðã từ lâu Ðông Phương theo gót Tây Phương trên con đường văn minh kỹ thuật đến nỗi bỏ lửng công trình khơi mở và tiếp nối những truyền thống đạo học của mình. Trên thế giới, kỹ thuật vẫn còn là sức mạnh của kinh tế và chinh trị, nhưng khoa học ở tuyến đầu khám phá của nó đã bắt đầu hé thấy những gì mà đạo học Ðông Phương đã từng thực nghiệm từ lâu. Nếu qua cuộc khủng hoảng lớn lao nầy mà nhân loại còn sống sót được thì hố chia cách giữa khoa học và đạo học sẽ được lấp bằng và Ðông Tây sẽ cùng đi chung trên một con đường khám phá mói: đó là con đường khám phá chân tâm.
Ðã có sẵn hạt giống của nền văn hóa này, chúng ta hãy nhìn xa mà đóng góp ngay từ bây giờ bằng đời sống chính niệm hiện thực của chúng ta cho con đường đi lên đó.
Cuốn sách nhỏ này không phải đã được viết ra để phô bày kiến thức của tác giả vì kiến thức ấy không có gì đáng để được phô bày. Nó mong ước được là một người bạn hơn là một cuốn sách. Nó muốn được là người bạn để nhắc nhở và khích lệ người độc giả trên bước đường thiền quán. Trong xe buýt hoặc dưới métro, bạn có thể mang nó theo như mang theo một con chó con hoặc như một cây gậy trúc, hoặc một cái nón hay một chiếc khăn choàng. Nó có thể cho bạn một niềm vui nhỏ bất cứ lúc nào. Bạn có thể đọc năm bảy dòng rồi gấp nó lại, bỏ nó vào túi, để khi nào có hứng thì đem ra đọc thêm vài dòng khác.
Gặp vài đoạn hơi khó bạn cứ lướt qua để đọc đoạn kế kiếp. Chừng nào thật rỗi rảnh, bạn hãy trở lại những đoạn ấy. Bạn sẽ thấy những đoạn ấy không có gì là khó. Chương 5 tức là chương cuối, rất dễ đọc và rất quan trọng, bạn có thể đọc bất cứ lúc nào.
Bạn hãy soi sáng những đoạn trong cuốn sách bầng kinh nghiệm sống của bạn. Ðừng bị văn tự khuynh loát; chế ngự được văn tự mới là bậc trượng phu.
Viết ở Rừng Othes, đầu mùa thu năm Tân Dậu.
Đọc Trái tim mặt trời, chương 01 tại đây.
Đọc Trái tim mặt trời, chương 02 tại đây.
Đọc Trái tim mặt trời, chương 03 tại đây.
Đọc Trái tim mặt trời, chương 04 tại đây.
Đọc Trái tim mặt trời, chương 05 tại đây.
Đọc Trái tim mặt trời, toàn tập tại đây.