Ỷ thiên đồ long ký | Chương 03
Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.
· 116 phút đọc.
Hoa nở hoa tàn, hoa tàn hoa nở. Chàng thiếu niên năm nào rồi cũng thành bậc tiền bối trên giang hồ; thiếu nữ má hồng rốt cuộc cũng thành lão bà tóc bạc.
Bấy giờ là năm Chí Nguyên thứ hai thời Nguyên Thuận Đế, triều đại nhà Tống bị diệt vong đến lúc này đã hơn năm mươi năm.
Đang giữa tháng Ba, cuối mùa xuân; ở miền duyên hải Giang Nam có một lam y tráng sĩ trạc ba mươi tuổi, chân đi hài cỏ, rảo bước trên đường cái quan. Thấy trời đã ngả hoàng hôn, tráng sĩ không để ý thưởng thức hương sắc tươi thắm của cảnh vật mùa xuân ven đường, mà cứ vừa đi vừa suy tính: Hôm nay hai mươi bốn tháng Ba rồi, đến mồng chín tháng Tư chỉ còn mười bốn ngày, ta phải nhanh chân mới kịp về tới núi Võ Đang mừng đại thọ ân sư chín mươi tuổi.
Tráng sĩ họ Du, tên Đại Nham, là đệ tử thứ ba của tổ sư phái Võ Đang Trương Tam Phong. Đầu năm nay, Du Đại Nham phụng mệnh sư phụ đi Phúc Kiến diệt trừ một bọn đạo tặc chuyên giết hại lương dân. Nghe tin Du Đại Nham tới, chúng liền ẩn náu một nơi, tạm ngưng hoạt động. Du Đại Nham phải tốn hơn hai tháng mới tìm ra sào huyệt của chúng, liền tới khiêu chiến, sử dụng Huyền tư đao pháp do sư phụ truyền dạy, đến chiêu thứ mười một thì giết chết tên đầu đảng, giải tán băng cướp. Lúc đầu dự tính mươi ngày là xong việc, ai ngờ mất đứt hơn hai tháng trời; bấm đốt ngón tay, đã quá gần tới ngày mừng thọ sư phụ chín mươi tuổi, vì thế Đại Nham vội vã từ Phúc Kiến trở về, hôm nay đã tới phía nam sông Tiền Đường, tỉnh Chiết Đông.
Chàng rảo bước một hồi, thấy đường mỗi lúc một hẹp dần, bên phải giáp bờ biển, thấy có nhiều mảnh ruộng vuông vắn mỗi chiều bảy tám trượng, trông phẳng và sáng như gương. Đại Nham đã đi khắp nam bắc Trường Giang, mắt thấy nhiều thứ, song đồng ruộng kỳ dị thế này thì chưa gặp bao giờ. Hỏi dân địa phương, họ Du bất giác phì cười khi biết đó là các ruộng muối. Diêm dân[13] dẫn nước bể vào ruộng, phơi nắng gió cho khô bớt, lại dẫn vào ruộng khác, nước có độ mặn hơn, cuối cùng nước bay hơi hết, họ sẽ cào lấy muối hạt. Du Đại Nham nghĩ thầm: Mình ăn muối ba mươi năm, không ngờ phải tốn bao công sức mới có được hạt muối.
Đang đi, bỗng thấy trên con đường nhỏ phía tây có hơn hai chục người quang gánh đi tới. Du Đại Nham nhìn kỹ, thấy họ đều mặc y phục màu xanh ngắn tay, đội nón lá, gánh hai thúng muối. Chàng biết nhà đương cục bạo ngược, thu thuế muối rất nặng, nên mặc dù ở ngay ven biển nhưng dân chúng cũng không sao mua nổi muối quan mà ăn, phải mua muối của dân buôn lậu (tránh thuế nên rẻ). Du Đại Nham đoán kia là nhóm buôn lậu muối, người nào người nấy vạm vỡ, đòn gánh trên vai họ có cái lạ, không phải bằng tre, đen thui và thẳng đơ, hình như là các cây côn sắt. Gánh muối của họ nặng hơn hai trăm ký mà họ đi cứ vùn vụt. Du Đại Nham nghĩ thầm: Đám buôn lậu muối này tay nào cũng biết võ công. Nghe nói ở Giang Nam có phái Hải Sa buôn lậu muối, thanh thế rất lớn, phái đó có nhiều danh gia võ học nhưng chẳng mấy khi những hơn hai chục cao thủ tụ tập thành một bọn như đám này. Giả sử lúc khác, hẳn Đại Nham quyết tìm cho ra manh mối, nhưng bây giờ chàng còn phải về cho kịp dự lễ chúc thọ sư phụ, chẳng để tâm chuyện trời ơi đất hỡi làm gì. Nghĩ thế, Đại Nham rảo bước thật nhanh.
Gần tối, chàng tới trấn Am Đông, huyện Dư Diêu, từ đây qua sông Tiền Đường là tới Lâm An, rẽ sang phía tây bắc, qua hai tỉnh Giang Tây, Hồ Nam mới về đến núi Võ Đang ở tỉnh Hồ Bắc. Buổi tối không có thuyền đưa khách qua sông, Đại Nham đành vào một tiểu khách điếm trấn Am Đông nghỉ tạm.
Cơm nước xong,chàng vừa định đi nằm, bỗng nghe ồn ào ngoài sân khách điếm – có nhiều người tới trọ. Những người kia toàn nói giọng Chiết Đông, song trung khí rất mạnh, đủ hiểu là dân võ nghệ. Chàng ló đầu nhìn ra, mới hay chính là đám buôn lậu muối đã gặp dọc đường. Du Đại Nham chẳng để ý nữa, lên giường ngồi xếp bằng tròn luyện khí hành công ba lần rồi mới ngủ.
Nửa đêm, bỗng nghe phòng bên cạnh có tiếng lịch kịch nhè nhẹ, Du Đại Nham tỉnh giấc ngay. Có tiếng nói nhỏ: Bọn ta cứ lẳng lặng mà đi, đừng lên tiếng khiến người khách phòng bên hay biết, khỏi sinh rắc rối. Cả đám không nói gì, chỉ khẽ mở cửa đi ra sân. Du Đại Nham nhìn qua cửa sổ, thấy đám buôn lậu muối quảy gánh rời khách điếm. Đại Nham nhớ đến câu nói ban nãy Bọn ta cứ lẳng lặng mà đi, đừng lên tiếng khiến người khách phòng bên hay biết, khỏi sinh rắc rối, thì nghĩ thầm: Đám buôn lậu muối này lén lén lút lút thế này, hẳn định gây trò xấu xa gì đây. Mình đã biết, không thể không ngăn cản. Ví thử ta ngăn cản chúng hãm hại người lương thiện, cứu được vài mạng người, thì dù có lỡ ngày chúc thọ ân sư, ân sư cũng không nỡ trách cứ ta. Nghĩ vậy, Du Đại Nham liền đeo túi binh khí lên vai, vọt qua cửa sổ, nhảy lên bờ tường.
Nghe tiếng chân người đi về hướng đông bắc, Du Đại Nham thi triển khinh công đuổi theo. Đêm nay mây phủ đầy trời, trăng sao mất dạng, trong bóng tối thấp thoáng hơn hai chục bóng người gồng gánh đi như bay trên bờ ruộng muối. Du Đại Nham nghĩ thầm: Đám buôn lậu muối lên đường giữa đêm hôm là chuyện rất thường; nhưng tên nào tên ấy võ công cao cường, nếu chúng định câu kết nhau làm trò phi pháp, đừng nói vào nhà phú ông ăn trộm, có muốn cướp phá ngân khố, quan quân cũng chẳng cản nổi; hà tất chúng phải đi buôn lậu muối, kiếm chút lợi nhỏ? Chắc bên trong có mưu đồ gì đây?
Không đầy nửa canh giờ, đám buôn lậu muối đã đi được hơn hai chục dặm. Du Đại Nham dùng khinh công bám theo, không phát ra một tiếng động; đám buôn lậu kia tựa hồ mải lo việc hệ trọng, cứ mải miết đi không hề ngoái lại, nên chẳng biết có người dõi theo. Lúc này cả bọn đã tới sát bờ biển, tiếng sóng vỗ vào bờ đá ầm ào bất tuyệt.
Đang đi, chợt nghe người dẫn đầu giậm chân một cái, tất cả dừng bước. Người đi đầu hỏi:
– Ai đó?
Trong bóng tối có tiếng khàn khàn hỏi lại:
– Có phải là các bằng hữu có ba chấm thủy?
Người đi đầu đáp:
– Phải. Các hạ là ai?
Du Đại Nham nghĩ bụng: Các bằng hữu có ba chấm thủy là gì nhỉ? Rồi chàng hiểu ngay, đúng là phái Hải Sa rồi. Ba chữ phái Hải Sa, mỗi chữ đều có ba chấm thủy bên cạnh. Giọng khàn khàn nói:
– Vụ thanh đao Đồ Long, ta khuyên các vị đừng nhúng tay vào.
Người đi đầu nói, giọng ngạc nhiên xen lẫn tức giận:
– Các hạ cũng vì thanh đao Đồ Long mà tới đây ư?
Người có giọng khàn khàn cười khinh khỉnh vài tiếng, không trả lời.
Du Đại Nham đang nấp sau một tảng đá, liền vòng ra phía trước, chỉ thấy có một người cao gầy đứng chắn đường. Trong bóng tối nhìn không rõ diện mạo y, chỉ thấy y bận bộ đồ màu trắng; đi đêm mà bận y phục màu trắng, rõ ràng là kẻ rất tự phụ về võ công của mình.
Chỉ nghe thủ lĩnh phái Hải Sa nói tiếp:
– Thanh đao Đồ Long là của bổn phái, bị kẻ gian lấy trộm, đương nhiên bổn phái phải đòi lại.
Kẻ bận đồ trắng lại cười khinh khỉnh ba tiếng hi-hi-hi, vẫn nghênh ngang chắn lối. Người đứng sau kẻ dẫn đường quát lớn:
– Tránh ra, tên ác cẩu! Ngươi muốn chết phải khô… ông…
Hắn chưa dứt câu đã rú lên và ngã ngửa ra phía sau. Cả đám thất kinh, trong bóng tối chỉ thấy cái bóng trắng loang loáng vài cái rồi biến mất liền.
Bọn Hải Sa tới bên kẻ bị đánh ngã, thấy hắn nằm co quắp, đã tắt thở. Ai nấy vừa kinh hãi vừa tức giận, có mấy người đặt gánh xuống, đuổi theo kẻ bận đồ trắng nhưng y biến đi quá nhanh, trời lại tối đen, làm sao tìm ra y?
Du Đại Nham nghĩ thầm: Bạch y quái khách xuất thủ quá lẹ, đó là thủ pháp Đại lực Kim Cương trảo của phái Thiếu Lâm, nhưng trong bóng tối nhìn không rõ lắm. Nghe khẩu âm của y, rõ ràng y là người vùng biên giới tây bắc. Phái Hải Sa gây thù chuốc oán với kẻ thù ở nơi xa xôi thật đó! Chàng vẫn nấp sau tảng đá, không dám cử động mạnh, sợ bọn Hải Sa phát hiện ra mình sẽ vô cùng nguy hiểm. Chỉ nghe người dẫn đầu nói:
– Hãy đặt xác lão Tứ sang một bên, khi quay về sẽ mai táng sau, nhất quyết phải làm rõ vụ này.
Đám buôn lậu đáp ứng, lại gánh muối đi tiếp.
Du Đại Nham đợi họ đi xa mới tới gần tử thi xem xét, thấy cổ họng hắn có hai lỗ thủng nhỏ, máu tươi từ đó vẫn đang trào ra, lỗ thủng hiển nhiên là do ngón tay chộp vào. Chàng cảm thấy vụ này thật khó hiểu, bèn gia tăng cước bộ đuổi theo bọn Hải Sa.
Đám kia đi được mấy dặm thì người dẫn đầu huýt một tiếng sáo, cả đám tản ra tứ phía, chậm rãi tiến lại gần một ngôi nhà lớn ở phía đông bắc. Du Đại Nham nghĩ thầm: Thanh đao Đồ Long mà bọn họ nói đến, chẳng lẽ ở trong tòa nhà kia? Chỉ thấy từ ống khói tòa nhà bốc lên một cột khói đen, khói cứ tụ lại hồi lâu không tản ra. Đám người buôn lậu muối đặt gánh xuống, mỗi tên lấy ra một cái gáo gỗ, múc từ trong sọt ra một thứ gì đó rồi rải tứ phía. Du Đại Nham thấy vật họ rải là chất bột trắng như tuyết, rõ ràng là muối biển, thì nghĩ thầm: Rắc muối xuống đất làm gì nhỉ? Quái lạ thật! Mình về kể chuyện này với các sư huynh sư đệ, chắc họ chẳng tin.
Chàng thấy trong lúc rải muối bọn kia làm rất chậm và nhẹ, tựa hồ chúng sợ bị các hạt muối dính vào người vậy. Chàng chợt hiểu thì ra đấy là loại muối cực độc; bọn kia rải muối xung quanh ngôi nhà, hẳn là để hãm hại người bên trong. Chàng nghĩ thầm: Đôi bên ai phải ai trái ta chưa cần biết, nhưng bọn này hành sự quỷ quái, quá ư mờ ám; dù thế nào ta cũng phải báo cho người trong nhà biết để họ khỏi bị chúng hãm hại mới được. Thấy bọn kia còn rải muối ở phía trước nhà, chàng bèn vòng ra phía sau tòa nhà rồi vọt qua tường vào trong.
Tòa nhà tính từ ngoài vào có năm dãy, tổng cộng ba bốn chục gian. Trong nhà tối om, chẳng thấy một ngọn đèn. Du Đại Nham nghĩ thầm: Mình thấy có khói đặc bốc lên từ ống khói tòa nhà, thế nào cũng có người mới phải, bèn ngẩng lên xác định rõ chỗ ống khói, rồi đi về phía đó, nghe từ trong đại sảnh vọng ra tiếng lửa cháy phừng phừng. Đại Nham vòng qua một cái vách chiếu, tiến vào đại sảnh, chợt lóa mắt và có một luồng khí nóng phả mạnh vào mặt, thì ra giữa sảnh có một lò lửa lớn xây bằng đá; lửa trong lò cháy ngùn ngụt, cạnh lò có ba người đang điều khiển ba cái bễ thổi khí vào lò. Trong lò đặt ngang một thanh đao đen đen dài chừng ba thước.
Ba người kia đều ở tuổi lục tuần, y phục màu xanh, bị thủng lỗ chỗ vì các tàn lửa trong lò bắn ra làm cháy; cả ba lão tro bụi phủ đầy mặt, đang ra sức kéo bễ quạt gió vào lò, khiến ngọn lửa bốc cao năm thước, phát ra tiếng ù ù, liếm quanh thanh đao. Du Đại Nham cách xa lò lửa mấy trượng mà còn thấy nóng rực. Lửa trong lò từ màu đỏ đã chuyển sang màu xanh, từ màu xanh chuyển sang màu trắng, vậy mà thanh đao kia trước sau vẫn đen sì, không hề đỏ hồng lên chút nào.
Giữa lúc ấy, từ trên mái nhà bỗng có tiếng quát lớn:
– Hủy hoại bảo đao, thương thiên hại lý, hãy mau dừng tay!
Nghe tiếng nói, Du Đại Nham nhận ra ngay đó chính là bạch y quái khách. Ba lão già kéo bễ luyện đao làm như không nghe thấy, càng kéo bễ gấp hơn. Chỉ nghe trên mái ba tiếng cười hi-hi-hi khinh khỉnh, ngoài hiên có tiếng động, rồi người kia nhảy vào sảnh.
Trong sảnh lửa đang sáng rực, Du Đại Nham nhìn rõ bạch y quái khách là một người trạc tứ tuần, mặt trắng bệch pha màu xanh nhạt. Người ấy lạnh lùng nói:
– Trường Bạch Tam Cầm, các vị giành được bảo đao Đồ Long sao không giữ gìn, lại cả gan dùng lửa lớn hủy hoại báu vật ấy?
Vừa nói y vừa tiến lên.
Lão già đứng phía tây trong nhóm Trường Bạch Tam Cầm bước tới, giơ năm ngón tay trái bổ thẳng vào mặt gã bạch y mặt trắng. Gã né mặt và tiến thêm một bước. Lão già đứng phía đông trong nhóm Trường Bạch Tam Cầm thấy gã đến gần mình, liền nhặt cây búa lớn cạnh lò, thét một tiếng, bổ mạnh xuống đỉnh đầu đối phương. Gã hơi né mình, cây búa bổ hụt xuống sàn nhà, chỉ nghe bùng một tiếng, đom đóm lửa văng tứ tung. Thì ra sàn nhà không phải được lát bằng gạch tầm thường mà bằng loại đá hoa cương cứng dị thường. Lão già đứng phía tây xáp tới giáp công, hai tay lão cứ như hai cái chân gà, múa lên múa xuống trông rất lợi hại.
Du Đại Nham thấy võ công của gã bạch y hiển nhiên thuộc phái Thiếu Lâm nhưng xuất thủ cực kỳ hiểm độc, khác hẳn thủ pháp cương mãnh mà quang minh chính đại của phái Thiếu Lâm. Đấu qua vài hiệp, lão già sử dụng cây búa quát hỏi:
– Các hạ là ai? Muốn cướp bảo đao cũng phải để lại danh tính cái đã.
Gã bạch y cười nhạt mấy tiếng, không đáp, chỉ thấy gã xoay mình một cái, rắc rắc hai tiếng, hai cổ tay của lão già đứng phía tây đã bị đánh gãy, cây búa của lão già đứng phía đông thì văng lên, xuyên qua mái nhà, rồi rơi xuống sân trước, nghe ịch một tiếng nặng nề. Lão già bèn nhặt cây kìm đưa vào lò lửa gắp thanh đao ra.
Lão già đứng phía nam trong nhóm Trường Bạch Tam Cầm thủ sẵn ám khí trong tay, chờ cơ hội tấn công địch thủ, nhưng gã bạch y xoay trở quá lẹ, khiến lão chưa ra tay được. Lúc này thấy lão già phía đông dùng kìm gắp thanh đao, lão già phía nam bèn thò luôn tay vào chộp lấy thanh đao lôi ra trước, từ bàn tay cầm đao bốc lên một đám khói trắng, ai nấy ngửi thấy mùi thịt khét lẹt, chứng tỏ lòng bàn tay lão ta bị cháy xém, song lão ta không chịu buông cây đao mà lùi vội về phía sau, thân hình lảo đảo chực ngã. Hình như cây đao quá nặng, lão ta phải dùng cả tay trái đỡ lấy sống đao, thế là lại nghe xèo xèo, lòng bàn tay trái của lão ta cũng bị cháy xém luôn.
Mọi người kinh hãi, ngẩn cả ra, song lão ta vẫn hai tay giữ chặt cây đao, lao như điên ra cửa.
Gã bạch y cười nhạt, nói:
– Đâu có chuyện dễ thế!
Đoạn gã duỗi dài cánh tay một cái đã chộp tới vai lão già. Lão già thuận tay chém một đao ngược ra sau lưng; lưỡi đao chưa tới nhưng hơi nóng đã phả vào mặt, tóc và lông mày gã bạch y đều quăn cả lại. Gã không dám chống đỡ, bèn dồn sức vào tay đẩy mạnh một cái, hất lão già về phía lò lửa.
Du Đại Nham từ nãy đứng bên, thấy mấy kẻ kia tên nào cũng hung ác, mà sự việc chẳng dính dáng gì tới mình, nên không can thiệp. Nay thấy lão già cầm đao sẽ hóa thành tro nếu ngã vào lò lửa, phải tức thời ra tay cứu giúp, chàng liền tung mình vọt tới, người đang lơ lửng trên cao đã giơ tay túm tóc lão già nhấc lão lên, rồi chàng nhẹ nhàng khéo léo đặt chân xuống cạnh lò lửa.
Gã bạch y và Trường Bạch Tam Cầm thấy chàng đứng trong sảnh từ lâu, không hề can dự, bỗng nhiên giở môn khinh công thượng thừa kia ra thì cả kinh. Gã bạch y tròn mắt, hỏi:
– Vừa rồi có phải là thủ pháp Thê vân túng lừng danh thiên hạ hay chăng?
Du Đại Nham thấy gã nói trúng biệt danh khinh công của mình thì giật nảy người, song bất giác cũng cảm thấy đắc ý, nghĩ thầm: Võ công của phái Võ Đang ta lừng danh thiên hạ, ai mà chẳng biết, bèn nói:
– Không dám, xin hỏi quý tính đại danh của các hạ là chi? Chút võ công nhỏ mọn của tại hạ đâu có gì đáng nói?
Gã bạch y đáp:
– Hay, hay lắm! Khinh công của phái Võ Đang quả nhiên độc nhất vô nhị.
Giọng điệu của gã tuy khen, song lại ra vẻ khinh mạn, tựa hồ bề trên khen kẻ dưới. Du Đại Nham tuy bực, nhưng nén giận, nói:
– Dọc đường các hạ vung tay một cái đã đánh chết cao thủ của phái Hải Sa, võ công xuất quỷ nhập thần như thế khiến người ta khó bề đoán định.
Gã bạch y giật mình, nghĩ bụng: Hành động của ta hắn thấy rõ cả, trong khi ta không nhìn thấy hắn, chẳng hiểu lúc đó hắn nấp ở đâu? Y lạnh lùng nói:
– Phải, ngón võ công ấy của ta, người ngoài khó bề lĩnh hội; đừng nói các hạ, ngay cả lão già họ Trương chưởng môn phái Võ Đang cũng vị tất hiểu nổi.
Du Đại Nham nghe gã kia sỉ nhục ân sư như vậy, nín nhịn sao nổi? Song đệ tử phái Võ Đang rất chú trọng tu tâm dưỡng tính, nên Đại Nham nghĩ thầm: Y cố tình khiêu khích, chẳng hiểu có dụng ý gì? Người này võ công kỳ dị, ta không nên vì vài lời vô lễ mà gây thù chuốc oán cho phái Võ Đang, bèn mỉm cười, nói:
– Võ học thiên hạ vô cùng vô tận, chính phái với tà đạo nhiều vô số phái. Võ Đang chỉ là một hạt thóc trong vựa thóc võ lâm. Như võ công của các hạ đây, cứ tưởng thuộc phái Thiếu Lâm nhưng không phải là Thiếu Lâm, chỉ e tôn sư bổn phái cũng không biết thật.
Câu nói của chàng tuy khiêm nhường, song ngụ ý rằng phái Võ Đang quả thực chẳng thèm biết đến võ công của bọn bàng môn tả đạo. Gã kia nghe câu cứ tưởng thuộc môn phái Thiếu Lâm nhưng không phải là Thiếu Lâm lập tức tái mặt.
Lão già cầm cây đao, hai lòng bàn tay da thịt đã bị cháy đến tận xương; còn hai lão già kia thì đang sẵn sàng xông tới đoạt lấy thanh bảo đao. Bỗng vù một tiếng, lão già cầm đao vung thanh đao lên xông thẳng ra ngoài. Lão ta vung đao chỉ để dọn đường, không định chém ai, song Du Đại Nham đứng ngay trước mặt lão nên phải vội vàng nhảy vọt lên cao né tránh. Đại Nham không ngờ mình vừa cứu sống lão ta, vậy mà lão ta trở mặt chém chàng.
Lão già hai tay cầm đao cứ vừa vung chém như điên vừa xông ra. Gã bạch y và hai lão già còn lại đều sợ đao thế lợi hại, không dám ngăn chặn, chỉ đuổi theo sau hò hét. Lão già hai tay cầm đao đã lao ra khỏi cổng, đột nhiên vấp chân, ngã bổ nhoài về phía trước, rú lên một tiếng lớn, tựa hồ đã bị trọng thương.
Gã bạch y và hai lão già còn lại cùng chạy tới, giơ tay cướp thanh đao; nhưng không hẹn mà cùng kêu thét lên như bị rắn độc cắn. Gã bạch y vừa ngã đã bật dậy, chạy vội ra bên ngoài; riêng ba lão già thì cứ nằm lăn lộn dưới đất, không sao đứng dậy nổi.
Du Đại Nham thấy thảm cảnh ấy, đang tính ra tay cứu người, bỗng giật mình sực nhớ việc phái Hải Sa rắc muối độc ở bên ngoài tòa nhà, da thịt đụng phải thì nguy. Lúc này quanh tòa nhà toàn là muối độc, bản thân Đại Nham cũng khó bề thoát ra. Đưa mắt nhìn quanh, Đại Nham thấy ở hai bên cổng có hai chiếc ghế dài, bèn dựng hai cái ghế ấy lên theo chiều thẳng đứng, đặt chân bên trên mà đi ra ngoài như đi cà kheo. Lúc đi qua chỗ lão già hai tay cầm đao đang lăn lộn, Đại Nham xé vạt áo bọc bàn tay, cúi xuống chộp lưng lão ta mà đi cà kheo thật nhanh về hướng đông.
Hành động của Du Đại Nham khiến phái Hải Sa bị bất ngờ hoàn toàn. Bọn họ tưởng ba lão già sắp chết thì sẽ dễ dàng đoạt được thanh đao, ai dè bị đối phương cướp đi; bọn họ liền hò hét đuổi theo, vừa đuổi vừa tung mười mấy loại ám khí về phía đối phương.
Du Đại Nham vận sức vào hai chân, hai cái ghế dài làm cho chân tựa hồ dài thêm bốn thước, chỉ dăm sáu bước chàng đã bỏ xa bọn Hải Sa, các thứ ám khí của chúng đều ném hụt. Du Đại Nham thấy bọn họ cứ la hét đuổi theo, bèn hất mạnh hai cái ghế về phía sau; chỉ nghe mấy tiếng la oai oái, hẳn có mấy tên bị ghế văng trúng. Du Đại Nham đã cách xa bọn chúng hơn mười trượng, tuy một tay phải xách lão già, song chàng chạy càng lúc càng nhanh, bọn Hải Sa không thể đuổi kịp được nữa.
Du Đại Nham chạy gấp một hồi, chỉ nghe có tiếng sóng biển chứ không có tiếng chân người đuổi theo, bèn hỏi lão già:
– Nè lão, sao rồi?
Lão già rên rỉ, không trả lời. Du Đại Nham nghĩ bụng: Lão ta bị dính muối độc, phải tắm rửa cho lão cái đã; liền xách lão ra sát mép biển, nhúng lão ta xuống nước. Nước biển gặp thanh đao nóng sôi xèo xèo và bốc khói trắng. Lão già nửa tỉnh nửa mê, được ngâm nước biển hồi lâu, vẫn chưa tự bò dậy nổi. Du Đại Nham đang định kéo lão ta lên thì có một lớp sóng lớn tràn tới đẩy lão ta lên bãi cát.
Du Đại Nham nói:
– Bây giờ lão đã thoát hiểm, tại hạ còn bận việc lớn, vậy chúng ta chia tay ở đây.
Lão già gượng dậy, nói:
– Các hạ… sao không cướp… lấy bảo đao?
Du Đại Nham cười đáp:
– Thanh đao quý thật, song không phải của tại hạ, làm sao tại hạ có thể cướp nó?
Lão già kinh ngạc, không dám tin, nói:
– Các hạ có quỷ kế gì, định làm gì lão phu vậy?
Du Đại Nham đáp:
– Tại hạ và lão không thù không oán, thấy lão thụ thương thì tại hạ cứu giúp, chứ có quỷ kế gì đâu.
Lão già lắc đầu nói to:
– Tính mạng lão phu ở trong tay các hạ, muốn giết thì giết, chứ đừng giở thủ đoạn hiểm độc với lão phu; lão phu mà chết cũng biến thành ma quỷ không buông tha cho các hạ đâu.
Du Đại Nham biết lão ta thụ trọng thương, thần trí bấn loạn nên chẳng buồn cãi vã với lão, chỉ mỉm cười, đang định bỏ đi thì bỗng có một đợt sóng lớn tràn tới, lão già rên rỉ, người ướt sũng, run lên cầm cập.
Du Đại Nham nghĩ thầm, cứu người thì cứu cho trót, lão già này trúng độc rất nặng, nếu ta cứ bỏ mặc mà đi, hẳn lão sẽ chôn thây dưới đáy biển. Thế là chàng túm lấy lão già, xách lên một cái gò nhỏ, đưa mắt nhìn xung quanh, thấy trên sườn núi phía đông bắc có một căn nhà trông như cái miếu, bèn đem lão già tới đó; thấy trước cửa có tấm biển đề ba chữ đã mờ Hải Thần miếu, liền đẩy cửa bước vào, thấy trong miếu rất sơ sài, nền nhà đầy cát bụi, không ai trông coi.
Chàng đặt lão già nằm trên bục gỗ trước bàn thờ thần Biển, đá lửa trong túi chàng đã bị nước biển làm ướt; chàng tới bàn thờ sờ tìm một lát, quả nhiên thấy có đá lửa, liền đánh lửa châm cây nến cháy dở ở đó. Nhờ ánh sáng nến, chàng thấy mặt lão già tím bầm, hiển nhiên chất độc đã ngấm sâu, bèn móc túi lấy ra một viên Thiên tâm giải độc đơn, nói:
– Lão hãy nuốt viên giải độc này đi.
Lão già đang nhắm nghiền hai mắt, nghe vậy liền mở mắt, nói:
– Lão phu không sử dụng thứ độc dược hại người của các hạ đâu.
Dù giỏi nhịn đến mấy, lúc này Du Đại Nham cũng hết chịu nổi, trợn mắt nói:
– Lão nghĩ tại hạ là ai hả? Môn hạ Võ Đang há làm việc gì hại người? Đây là viên thuốc giải độc, nhưng chưa chắc có thể cứu lão thoát chết vì lão trúng độc quá nặng, song chí ít nó cũng giúp lão sống thêm ba hôm nữa, đủ để lão mang thanh bảo đao kia đổi lấy thuốc giải độc của phái Hải Sa, cứu mạng mình đó.
Lão già đột nhiên đứng phắt dậy, nói to:
– Lão phu nhất quyết không cho bất cứ ai lấy thanh đao Đồ Long này.
Du Đại Nham nói:
– Đến tính mạng lão chẳng còn, cố giữ bảo đao phỏng ích gì?
Lão già nói, giọng run run:
– Lão phu thà chết chứ thanh đao Đồ Long phải là của lão phu!
Nói đoạn lão ôm chặt lấy thanh đao, áp má vào nó ra chiều yêu quý vô cùng, vừa nhận viên Thiên tâm giải độc đơn nuốt vào bụng.
Du Đại Nham nảy sinh tính hiếu kỳ, rất muốn biết thanh đao Đồ Long rốt cuộc quý hiếm ở chỗ nào, nhưng thấy cặp mắt của lão già chứa đầy vẻ tham lam hung ác như con dã thú đói khát đang nhắm ăn thịt con mồi, trông thật đáng ghét, chàng bèn quay lưng bỏ đi. Bỗng nghe lão ta quát lớn:
– Đứng lại! Các hạ đi đâu?
Du Đại Nham cười đáp:
– Tại hạ đi đâu thì việc gì đến lão?
Đoạn chàng rảo bước đi liền. Nhưng được vài bước, chợt nghe lão già khóc rống lên, chàng ngoảnh lại hỏi:
– Tại sao lão khóc?
Lão già nói:
– Lão phu cực khổ biết bao mới lấy được thanh đao Đồ Long, nhưng chẳng mấy chốc sẽ bỏ mạng, thì thanh bảo đao còn có ích chi?
Du Đại Nham hừ một tiếng, nói:
– Ngoài việc đem thanh đao ấy đi đổi lấy thuốc giải độc của phái Hải Sa, lão không còn cách nào khác.
Lão già lại khóc:
– Nhưng lão phu không nỡ rời bỏ thanh đao Đồ Long.
Trông thần thái của lão già thật tức cười, Du Đại Nham cười chẳng nổi, lát sau chàng nói:
– Người có võ hoàn toàn dùng võ công của chính mình để khắc địch chế thắng, hành hiệp trượng nghĩa, lưu danh hậu thế. Còn bảo đao bảo kiếm chỉ là vật ngoại thân, được chẳng đáng mừng, mất cũng không đáng buồn, lão trượng hà tất phải phiền não như vậy?
Lão già nổi giận:
– Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng, mấy câu ấy, các hạ đã nghe bao giờ chưa?
Du Đại Nham cười đáp:
– Bốn câu ấy dĩ nhiên tại hạ đã nghe, còn hai câu tiếp nữa, là Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong? Đấy là nói về một chuyện kinh thiên động địa trong võ lâm mấy chục năm về trước chứ không phải nói về thanh bảo đao nào cả.
Lão già hỏi:
– Chuyện kinh thiên động địa nào vậy?
Du Đại Nham nói:
– Là chuyện hồi trước Thần điêu đại hiệp Dương Quá giết hoàng đế Mông Kha của Mông Cổ, khiến ai ai là người Hán chúng ta cũng hả lòng hả dạ. Từ đó, Dương đại hiệp có hiệu lệnh gì, các anh hùng võ lâm đều mạc cảm bất tòng[14]. Chữ Long là chỉ hoàng đế của Mông Cổ, Đồ Long tức là giết hoàng đế của Mông Cổ, chứ thế gian làm gì có rồng để mà giết?
Lão già cười nhạt:
– Lão phu hỏi các hạ, năm xưa Dương đại hiệp sử dụng binh khí gì?
Du Đại Nham ngẩn người giây lát mới đáp:
– Tại hạ nghe sư phụ nói rằng Dương đại hiệp mất một cánh tay, bình thường không sử dụng binh khí. Lão già nói:
– Đúng vậy, thế Dương đại hiệp giết hoàng đế Mông Cổ bằng cách gì?
Du Đại Nham đáp:
– Dương đại hiệp dùng đá ném chết hoàng đế Mông Kha, việc ấy thiên hạ ai chẳng biết.
Lão già có vẻ đắc chí, hỏi tiếp:
– Dương đại hiệp bình thường không sử dụng binh khí, lại giết hoàng đế Mông Cổ bằng cách ném đá, vậy thì câu bảo đao Đồ Long đâu phải nói về chuyện kinh thiên động địa như các hạ vừa nói?
Câu này khiến Du Đại Nham không biết đối đáp ra sao, lát sau mới nói:
– Câu ấy hẳn là do võ lâm thuận miệng nói vậy, chẳng lẽ lại bảo thạch đầu đồ long[15] thì khó nghe quá!
Lão già cười khẩy:
Giải nghĩa như thế nghe chối tai lắm! Lão phu hỏi các hạ, hai câu Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong nghĩa là gì?
Du Đại Nham trầm ngâm, đáp:
– Tại hạ không biết. Ỷ Thiên có lẽ là tên người chăng? Nghe nói võ công của Dương đại hiệp là do Dương phu nhân truyền thụ, vậy thì Ỷ Thiên có thể là tên của Dương phu nhân, hoặc là biệt hiệu của đại hiệp Quách Tĩnh, người tử thủ thành Tương Dương.
Lão già nói:
– Vậy ư? Lão phu nghĩ các hạ không biết, chỉ đoán mò thôi. Để lão phu giảng cho mà nghe. Đồ Long là một thanh đao, tức thanh đao lão phu cầm đây, còn Ỷ Thiên là tên một thanh kiếm. Ý của sáu câu trên là: vật chí tôn trong võ lâm là thanh đao Đồ Long, ai có được nó thì dù phát ra hiệu lệnh gì, các anh hùng hảo hán trong thiên hạ đều phải tuân theo. Một khi thanh kiếm Ỷ Thiên chưa xuất hiện thì thanh đao Đồ Long là thứ khí giới thần diệu nhất thiên hạ.
Du Đại Nham bán tín bán nghi, nói:
– Lão trượng đưa thanh đao đó tại hạ coi thử, xem có gì thần kỳ không nào?
Lão già ôm khư khư lấy thanh đao, cười khẩy:
– Các hạ tưởng lão phu là con nít hay sao mà đòi lừa lấy thanh đao của lão phu.
Lão ta sau khi trúng độc, thần trí và sức lực đều suy nhược, vừa rồi nhờ viên giải độc đơn của Du Đại Nham mới phấn chấn đôi chút, lúc này lại sử dụng nhiều sức nên rên rỉ đau đớn. Du Đại Nham cười nói:
– Không cho xem thì thôi. Lão trượng tuy được thanh đao Đồ Long, nhưng có sai khiến nổi ai đâu? Chẳng lẽ tại hạ thấy lão trượng ôm thanh đao kia mà phải tuân lệnh lão trượng hay sao? Thật nực cười! Lão trượng ngần ấy tuổi rồi mà còn đi tin những lời đồn đại hoang đường, rốt cuộc sắp mất mạng tới nơi vẫn chưa chịu tỉnh ngộ. Lão trượng đã không sai khiến nổi tại hạ, đủ biết thanh đao ấy thực ra chẳng có gì thần kỳ.
Lão già ngẩn người hồi lâu, mới nói:
– Này lão đệ, lão phu ước hẹn thế này: nếu lão đệ cứu lão phu khỏi chết, lão phu sẽ chia cho lão đệ một nửa lợi ích của thanh đao này.
Du Đại Nham ngửa mặt cả cười, nói:
– Sao lão trượng coi rẻ đệ tử phái Võ Đang thế? Cứu nguy giúp người là phận sự của huynh đệ tại hạ, đâu phải muốn trông chờ báo đáp! Lão trượng đã trúng phải muối độc, tại hạ thì không biết cách giải, vậy lão trượng hãy đi mà cầu cứu phái Hải Sa cho thuốc giải.
Lão già nói:
– Thanh đao này, lão phu lấy trộm của phái Hải Sa, bọn chúng căm hận lão phu, đời nào chịu cho thuốc giải?
Du Đại Nham nói:
– Lão trượng trả thanh đao cho họ là hóa giải được ngay oán cừu, như thế họ còn giết hại lão trượng làm gì nữa?
Lão già nói:
– Lão phu thấy võ công của lão đệ rất cao siêu, thừa sức đến lấy trộm thuốc giải của phái Hải Sa về cứu sống lão phu.
Du Đại Nham nói:
– Một là tại hạ có việc cần làm, không thể trì hoãn; hai là lão trượng lấy trộm bảo đao của người ta, là cái sai của lão trượng, làm sao tại hạ có thể hùa theo cái sai kia chứ? Thôi, lão trượng hãy mau đi cầu cứu phái Hải Sa cho thuốc giải! Còn chần chừ, để chất độc phát tác thì không cứu kịp đâu.
Lão già thấy chàng dợm bước định đi, vội nói:
– Thôi được, lão phu hỏi ngươi câu này, lúc ngươi xách người lão phu lên, có cảm thấy gì khác lạ chăng?
Du Đại Nham nói:
– Tại hạ cũng thấy lạ thật, lão trượng gầy ốm như thế, mà sao nặng đến hai trăm cân là ít, lại chẳng thấy lão trượng mang theo vật nặng nào cả.
Lão già đặt thanh đao Đồ Long xuống đất, nói:
– Bây giờ lão đệ thử nhấc lão phu lên coi.
Du Đại Nham nắm vai lão già nhấc lên, quả nhiên thấy nhẹ hẳn, chỉ chừng tám chục cân, nghĩ thầm: Hóa ra thanh đao kia nặng tới hơn trăm cân, quả không phải vật tầm thường bèn đặt lão già xuống và nói:
– Thanh đao Đồ Long quả rất nặng!
Lão già lại vội ôm lấy thanh đao Đồ Long, nói:
– Nó không chỉ nặng thôi đâu. Chẳng hay lão đệ họ Du hay họ Trương?
Du Đại Nham đáp:
– Tại hạ họ Du, tên thường gọi Đại Nham, tại sao lão trượng hỏi vậy?
Lão già nói:
– Trương chân nhân phái Võ Đang có bảy đệ tử, kêu là Võ Đang thất hiệp. Trong đó Tống đại hiệp trạc tứ tuần, nhị vị Ân, Mạc chưa tới hai mươi tuổi, nhị hiệp và tam hiệp cùng họ Du, tứ hiệp và ngũ hiệp cùng họ Trương, trong võ lâm ai chẳng biết. Thì ra lão đệ là Du tam hiệp, thảo nào võ công siêu tuyệt đến thế. Võ Đang thất hiệp danh tiếng vang thiên hạ, hôm nay lão phu được gặp, quả thật danh bất hư truyền.
Du Đại Nham tuy tuổi chưa nhiều nhưng cũng đã lão luyện giang hồ, giờ nghe lão già khen ngợi như thế thì thừa biết chẳng qua lão ta muốn cầu cạnh mình thôi nên trong lòng thầm ác cảm, bèn nói:
– Thế quý tính đại danh của lão trượng là gì?
Lão già đáp:
– Lão phu họ Đức, tên Thành, các bằng hữu vùng Liêu Đông đặt cho lão phu ngoại hiệu Hải Đông Thanh.
Hải Đông Thanh là một loài ác điểu lớn ai cũng biết ở vùng quan ải Liêu Đông, chuyên ăn thịt các loài cầm thú nhỏ.
Du Đại Nham chắp tay lại, nói:
– Ngưỡng mộ lão trượng đã lâu.
Rồi ngẩng lên nhìn trời. Đức Thành biết chàng sắp bỏ đi, nếu không dùng mối lợi lớn quyến rũ chàng ở lại thì khó bề cầu chàng cứu mạng, bèn nói:
– Lão đệ tưởng lầm tám chữ Hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng là ai có thanh đao Đồ Long thì ra lệnh gì, người người đều phải tuân theo. Hiểu như thế thì lầm to, lầm to.
Lão già vừa nói tới đó, Du Đại Nham chợt biến sắc mặt, tay phải giơ ra phẩy một cái, ngọn nến trên bàn thờ tắt phụt, khẽ nói:
– Có người tới!
Nội công của Đức Thành tu luyện không bằng Đại Nham nên lão chẳng nghe thấy gì lạ, còn đang bán tín bán nghi, bỗng có tiếng í ới từ xa vọng tới, rồi có tiếng chân chạy về phía miếu. Lão kinh hãi nói:
– Kẻ địch đã đuổi tới, mau rút ra phía sau miếu!
Du Đại Nham nói:
– Phía sau miếu cũng có người chắn rồi.
Đức Thành nói:
– Có lẽ nào…
Du Đại Nham nói:
– Đức lão trượng, bọn đang tới đây là phái Hải Sa đó, như vậy rất tiện cho lão trượng hỏi xin họ thuốc giải độc. Tại hạ không muốn dính vào chuyện này…
Đức Thành giơ tay trái nắm chặt cổ tay Đại Nham, run giọng:
– Du tam hiệp, lão đệ chớ bỏ lão phu mà đi, chớ…
Du Đại Nham cảm thấy năm ngón tay của lão lạnh như băng, bấu chặt vào da thịt mình, chàng bèn vặn cổ tay, dùng nửa chiêu Cửu chuyển đơn thành xoay một vòng, hất mấy ngón tay của lão ra.
Lúc này chỉ nghe tiếng chân rầm rập chạy thẳng tới miếu, rồi sầm một cái, ai đó dùng chân đạp mạnh đẩy toang cửa miếu, rồi nhiều tiếng chíu chíu, các hạt gì đó tới tấp bay vào. Du Đại Nham vội co người lại, nhún mình nhảy lên nấp sau bức tượng Hải Thần Bồ Tát. Chỉ nghe Đức Thành khẽ kêu ối một tiếng, lão ta đã bị trúng ám khí, ngã khuỵu xuống. Những tiếng chíu chíu vang lên từng chập dồn dập. Du Đại Nham nghĩ thầm: Đó là thứ muối độc của bọn Hải Sa. Rồi nghe trên mái có mấy tiếng lịch kịch, có kẻ dỡ ngói ra để ném muối xuống.
Du Đại Nham đã tận mắt chứng kiến cảnh gã bạch y và Trường Bạch Tam Cầm bị hại bởi muối độc như thế nào. Gã bạch y võ công cao siêu thế mà mới bị dính muối độc đã kêu thất thanh và vội vã đào tẩu, đủ hiểu thứ muối kia độc tới mức nào. Lúc này các hạt muối độc bay tứ tung trong miếu, Đại Nham biết cứ thế này thì chẳng mấy chốc mình sẽ bị dính phải nó, nghĩ cách chống đỡ, chợt gõ nhẹ vào bức tượng, biết là tượng rỗng, bèn đấm mấy quả thủng lưng bức tượng, co mình lại chui vào bên trong, lập tức có cảm giác đang khoác một bộ y phục thật dày bằng đất, muối độc dù nhiều mấy cũng chẳng làm gì được chàng.
Chỉ nghe ở bên ngoài miếu bọn Hải Sa lớn tiếng bàn tán:
– Không thấy kêu la nữa, chắc mê man bất tỉnh rồi.
– Gã trẻ tuổi võ công cao siêu lắm, hãy đợi thêm chút nữa, hà tất phải vội.
– Chỉ sợ hắn đã chuồn xa, không có trong miếu.
Rồi có tiếng quát:
– Này mấy kẻ trong kia, khôn hồn mau đầu hàng đi!
Giữa lúc ấy bỗng nghe xa xa có tiếng vó ngựa, phải tới mười mấy con ngựa đang phi tới, xen lẫn tiếng vó ngựa là giọng người nói lớn:
– Nhật nguyệt quang chiếu, Ưng Vương vỗ cánh.
Bọn Hải Sa bên ngoài miếu lập tức im như thóc, lát sau có kẻ run run nói:
– Đó là Thiên… Ưng giáo, bọn chúng… sắp tới đó…
Lời chưa dứt, tiếng vó ngựa đã tới miếu, có kẻ trong bọn Hải Sa nói:
– Chạy chẳng kịp nữa rồi!
Chỉ nghe tiếng mấy người đi vào miếu. Du Đại Nham giấu mình trong ruột bức tượng, thấy có ánh sáng, chắc bên ngoài có kẻ mang đèn đuốc tới. Một lát sau, có tiếng hỏi:
– Các ngươi biết chúng ta là ai chứ?
Bọn Hải Sa đồng thanh đáp:
– Dạ, dạ, các vị là bằng hữu Thiên Ưng giáo!
Tiếng người kia nói:
– Vị này là Lý đường chủ Thiên thị đường của Thiên Ưng giáo. Lý đường chủ hiếm khi vi hành; hôm nay bọn các ngươi có diễm phúc lắm mới được kiến diện đó. Lý đường chủ hỏi các ngươi: thanh đao Đồ Long hiện ở đâu, khôn hồn hãy dâng ngay ra, Lý đường chủ sẽ đại phát từ bi tha chết cho hết thảy bọn ngươi.
Một kẻ trong bọn Hải Sa nói:
– Là hắn… hắn lấy trộm thanh đao Đồ Long mang đi, bổn phái đuổi theo hắn tới đây, thưa Lý… đường chủ.
Tiếng người Thiên Ưng giáo nói:
– Hừ, vậy thanh đao Đồ Long đâu, ta hỏi ngươi?
Câu này hiển nhiên là nhắm vào Đức Thành, nhưng không thấy Đức Thành trả lời. Chỉ nghe huỵch một tiếng, có người ngã xuống đất. Mấy người cùng ồ lên.
Tiếng người Thiên Ưng giáo nói:
– Hắn chết rồi, hãy khám người hắn xem nào.
Có tiếng xé vải, tiếng lật xác người, rồi tiếng người kia nói:
– Bẩm đường chủ, trong người tên này không có vật gì cả.
Kẻ thủ lĩnh của phái Hải Sa nói, giọng run rẩy:
– Bẩm Lý đường… đường chủ, chính hắn là kẻ lấy… trộm bảo đao; chúng tại hạ quyết không dám nói gạt…
Nghe giọng nói của kẻ đó, rõ ràng là đang bị Lý đường chủ quắc mắt soi mói nên hoảng sợ.
Du Đại Nham nghĩ thầm: Thanh đao ấy rõ ràng Đức Thành ôm khư khư, sao lại biến đâu mất nhỉ?
Chỉ nghe tiếng người Thiên Ưng giáo nói:
– Các ngươi bảo hắn lấy trộm đao, tại sao tìm không thấy trong người hắn? Vậy là các ngươi đã ngầm giấu nó đi. Bây giờ ai nói thật sự việc ra, Lý đường chủ sẽ tha mạng cho. Cả bọn ngươi, chỉ một người được tha mạng, ai nói trước thì được sống.
Trong miếu im phăng phắc, lát sau, thủ lĩnh phái Hải Sa nói:
– Lý đường chủ, chúng tại hạ quả thật không biết. Vật mà Thiên Ưng giáo muốn có, chúng tại hạ quyết không dám giữ…
Lý đường chủ hừ một tiếng, không nói gì, chỉ nghe gã thuộc hạ của y nhắc lại:
– Kẻ nào bẩm báo đúng sự việc sẽ được tha mạng.
Một lát sau, phái Hải Sa vẫn không ai lên tiếng.
Đột nhiên có người nói:
– Chúng ta đến đây lấy đao, còn chưa kịp vào trong miếu thì các vị đã tới; các vị Thiên Ưng giáo cũng là người bước vào miếu trước, làm sao chúng ta lấy được bảo đao. Các vị nhất quyết không tin, đằng nào cũng chết, chi bằng hôm nay chúng ta liều mạng với các vị một phen. Bảo đao ấy cũng chẳng phải của Thiên Ưng giáo, thế mà các vị hoành hành bá đạo, để xem.
Lời chưa nói hết đã im bặt, chắc người đó đã bị hạ sát chết tươi.
Một giọng khác run rẩy nói:
– Ban nãy có một đại hán chừng tam tuần đã cứu lão già kia đưa tới đây, khinh công của hắn vô cùng cao siêu, thoáng một cái đã chẳng ai nhìn thấy hắn biến đi đâu. Bảo đao chắc hẳn bị hắn lấy đi rồi.
Lý đường chủ nói:
– Khám xét từng tên một!
Mấy tiếng dạ đồng thanh, rồi tiếng y phục bị xé rách, hẳn là mấy gã Thiên Ưng giáo đang khám xét từng người phái Hải Sa. Lý đường chủ nói:
– Có lẽ gã đại hán lấy đao đi rồi.
Tiếng mấy người ra khỏi miếu, rồi tiếng vó ngựa xa dần về hướng đông bắc.
Du Đại Nham không muốn tự dưng can dự vào cuộc tranh chấp đôi bên, tính chờ cho bọn Hải Sa cũng đi hẳn rồi mới chui ra, nhưng chờ hồi lâu trong miếu vẫn chẳng thấy động tĩnh gì, tựa hồ phái Hải Sa đã lẳng lặng rút đi cả rồi sao. Từ trong ruột bức tượng, Đại Nham ló đầu nhìn ra, thấy hơn hai chục gã buôn muối thuộc phái Hải Sa vẫn đứng trơ trơ, ai nấy bất động, có lẽ đều bị điểm huyệt.
Du Đại Nham ra khỏi ruột tượng, nhặt bó đuốc bọn kia vứt lại dưới đất lên, soi trong miếu thấy mặt mũi bọn Hải Sa người nào người nấy bầm tím đáng sợ, chàng nghĩ thầm: Thiên Ưng giáo là giáo phái nào sao mình chưa nghe nói bao giờ nhỉ? Xem ra phái Hải Sa không phải là địch thủ của chúng, vừa gặp bọn Thiên Ưng giáo đã sợ hết hồn. Đúng là ác nhân sẽ có ác nhân trị. Đoạn Du Đại Nham giơ tay ấn vào huyệt Hoa Cái của một tên đứng bên cạnh để giải khai huyệt đạo cho hắn.
Ngờ đâu người hắn cứng đờ, ấn mãi hắn cũng không cử động, thử đằng mũi thì thấy đã tắt thở, hóa ra hắn bị điểm vào tử huyệt. Hơn hai chục đại hán phái Hải Sa đều chết ráo, chỉ còn một người đang quằn quại dưới đất, thở thoi thóp, chắc là người nói câu cuối cùng nên được tha mạng. Du Đại Nham ngạc nhiên tự nhủ: Thiên Ưng giáo khi hạ độc thủ không phát ra một tiếng động nào, đủ biết thủ pháp của bọn chúng cực kỳ hiểm độc. Chàng đỡ người sống sót kia đứng dậy, hỏi:
– Thiên Ưng giáo là giáo phái nào? Giáo chủ của chúng là ai vậy?
Nghe hai câu hỏi liên tiếp, gã kia cứ trố mắt ngơ ngác như kẻ mất trí. Du Đại Nham nắm cổ tay gã thăm mạch thì thấy mạch rối loạn; xem ra bọn Thiên Ưng giáo tha mạng cho gã, nhưng đã đánh đứt mất vài kinh mạch để biến gã thành một kẻ ngớ ngẩn.
Lúc này Du Đại Nham không còn ngạc nhiên, chỉ giận dữ nghĩ thầm: Thiên Ưng giáo là thứ giáo phái quỷ quái gì mà hạ thủ tàn ác quá chừng? Lại nghĩ võ công của chúng thực cao siêu, chàng đơn thương độc mã không thể địch nổi. Phải trước hết về núi Võ Đang thỉnh thị sư phụ điều tra rõ lai lịch của Thiên Ưng giáo rồi sẽ tính sau.
Nhìn trong miếu vung vãi muối trắng như tuyết, lại là muối độc, Du Đại Nham nghĩ thầm: Sớm muộn dân chúng cũng tới miếu thờ cúng, họ không biết đây là muối độc, cứ chạm vào ắt sẽ bị họa. Muối độc và các tử thi thu nhặt thật khó, chi bằng phóng hỏa thiêu luôn cái miếu này đi cho khỏi hậu họa. Chàng bèn dìu người bị đứt kinh mạch hóa thành ngớ ngẩn ra khỏi miếu, quay trở vào thì thấy trong khi hơn hai chục cái xác đều đứng trơ như phỗng, lại có một tử thi phủ phục cạnh bàn thờ, lưng đẫm máu. Du Đại Nham cảm thấy hơi lạ, vừa kéo cái xác đó lên xem thử, người chàng liền bị chúi về phía trước, hóa ra cái xác đó quá nặng. Trông thân hình cũng bình thường, đâu có to béo vạm vỡ mà sao lại quá nặng như vậy?
Chàng nhìn kỹ cái xác đó, thấy trên lưng có một vết thương lớn, rờ tay coi thử, chạm phải vật cứng lạnh, lôi ra thì là một thanh đao, nặng chí ít cũng phải trên trăm cân, chính là thanh đao Đồ Long mà bao nhiêu người đã xả thân thí mạng để tranh đoạt bằng được. Chàng chợt hiểu: thì ra khi lão Đức Thành lúc chết ngã xuống, thanh đao trong tay lão đã chém ngập vào sau lưng một gã thuộc phái Hải Sa. Thanh đao quá nặng, lại cực sắc, nên khi rơi xuống đã cắm phập thật sâu vào lưng gã nọ. Bọn Thiên Ưng giáo khi khám xét mọi người đã không phát hiện ra.
Du Đại Nham chống thanh đao xuống đất, nhìn quanh, nghĩ thầm: Thanh đao này có đúng với lời đồn là vật chí tôn của võ lâm hay không chưa rõ, chỉ biết nó là một vật rất xui xẻo. Hải Đông Thanh Đức Thành và mấy chục gã buôn muối phái Hải Sa đã uổng mạng vì nó. Giờ mình cần mang thanh đao này về dâng sư phụ, tùy Người định đoạt. Đoạn chàng nhặt bó đuốc dưới đất lên, châm lửa đốt ngôi miếu, thấy lửa lan rộng, bèn ra khỏi miếu.
Du Đại Nham lau chùi thanh đao, đứng bên đám lửa xem kỹ nó. Thanh đao màu đen nhánh, không phải vàng, không phải sắt, chẳng biết chế bằng chất gì. Thoạt đầu Trường Bạch Tam Cầm thiêu đốt trong lò lửa lớn mà thanh đao không hề hấn gì, quả là một kỳ vật. Chàng lại nghĩ thầm: Thanh đao nặng thế này, lúc giao đấu làm sao sử dụng? Đến như Quan Vũ thần lực hơn người mà cây đao Thanh long yển nguyệt của Người cũng chỉ nặng tám mươi mốt cân. Chàng gói thanh đao vào bọc, rồi hướng về phía Đức Thành đang được hỏa thiêu, thầm khấn: Đức lão trượng, tại hạ hoàn toàn không tham đoạt thanh đao này. Nhưng nó là một kỳ vật trong thiên hạ, nếu lọt vào tay kẻ ác ắt sẽ gây nguy hại cho nhân gian. Sư phụ của tại hạ là bậc đại trí công tâm, tất sẽ có cách xử trí hoàn hảo. Khấn xong, Du Đại Nham vác bao lên vai, rảo bước đi về hướng bắc. Chừng nửa canh giờ, chàng đến bờ sông. Lúc này ánh trăng sao chiếu xuống mặt sông, nhìn dưới nước thấy đầy sao, đưa mắt nhìn quanh thì chẳng có chiếc thuyền nào, đành thả bộ ven sông. Thời gian chừng dùng xong một bữa ăn, chàng thấy xa xa phía trước có ánh đèn nhấp nháy, một chiếc thuyền câu đậu cách bờ vài trượng. Du Đại Nham lên tiếng gọi:
– Ngư phủ đại ca, làm ơn cho qua sông, xin hậu tạ!
Có lẽ vì chiếc thuyền ở xa bờ, ngư phủ tựa hồ không nghe tiếng chàng gọi nên vẫn ngồi yên. Du Đại Nham hít một hơi sâu, gọi đò một tiếng thật dài. Lát sau, từ phía thượng lưu có một chiếc thuyền nhỏ bơi vào phía bờ, người lái đò hỏi:
– Có phải khách định qua sông chăng?
Du Đại Nham cả mừng đáp:
– Phải, phiền đại ca giúp cho.
Người lái đò giục:
– Vậy mời xuống thuyền.
Du Đại Nham nhảy xuống thuyền, chiếc thuyền ngay lập tức bị chúi hẳn xuống. Người lái đò ngạc nhiên hỏi:
– Quan khách mang thứ hàng gì nặng thế?
Du Đại Nham cười đáp:
– Không có thứ hàng gì, tại thân xác tôi vụng về thôi, đi được rồi!
Chiếc thuyền giương buồm lên, vừa thuận gió vừa xuôi dòng chạy xéo về hướng đông bắc, qua sông rất nhanh. Chừng hơn một dặm, bỗng nghe có tiếng sấm ì ầm, tiếng ào ào xa xa, Du Đại Nham hỏi người lái đò:
– Đại ca, trời sắp mưa lớn ư?
Người lái đò cười nói:
– Đấy là tiếng nước triều đêm trên sông Tiền Đường đó, trôi theo nước triều, chỉ một lúc nữa là tới bờ bên kia.
Du Đại Nham phóng tầm mắt sang phía đông chỉ thấy từ chân trời lớp lớp sóng bạc đầu, tựa như thiên binh vạn mã đang ào ạt tràn tới, sóng lớn cứ như những bức tường nước từ xa đổ tới dồn dập không ngừng. Chàng nghĩ thầm: Trong trời đất lại có cảnh hùng tráng thế này, hôm nay mình mới được dịp mở rộng tầm mắt, cũng không uổng một chuyến đi vất vả. Đang ngắm cảnh, chợt thấy có một chiếc thuyền buồm đè sóng lao tới, trên cánh buồm trắng thêu một con chim ưng lớn màu đen, dang rộng đôi cánh như sắp sà xuống, chàng liền nghĩ đến ba chữ Thiên Ưng giáo và thầm phòng bị.
Đột nhiên người lái đò nhảy phắt xuống sông, thoắt một cái đã mất hút trong dòng nước. Chiếc thuyền không người lái, bị dòng nước cuốn bắt đầu xoay tròn, Du Đại Nham vội nhảy tới đuôi thuyền bẻ lái. Lúc ấy chiếc thuyền buồm lớn trờ tới, sầm một tiếng, mũi thuyền bịt sắt của chiếc thuyền lớn đâm vào chiếc thuyền nhỏ làm nó thủng một lỗ to, nước tràn vào ào ào. Du Đại Nham tức giận nghĩ bụng: Thiên Ưng giáo các người xảo trá thật! Thì ra gã lái đò chính là người của chúng bố trí dụ ta vào bẫy. Thấy chiếc thuyền nhỏ sắp chìm, chàng liền nhún chân vọt sang mũi chiếc thuyền lớn.
Vừa lúc ấy có một đợt sóng lớn đánh tới, đẩy chiếc thuyền lên cao hơn một trượng, Du Đại Nham đang lơ lửng trên không, liền rớt xuống lòng thuyền. Trong lúc nguy ngập, chàng hít một hơi, tay trái đẩy vào mạn thuyền lấy đà, thi triển khinh công Thê vân túng tung mình lên cao hơn một trượng, cuối cùng đáp chân xuống mũi chiếc thuyền lớn.
Chỉ thấy cửa khoang thuyền đóng kín, không một bóng người. Du Đại Nham gọi:
– Các bằng hữu Thiên Ưng giáo!
Chàng gọi hai lần, trong thuyền không ai đáp lời; chàng dùng tay đẩy vào cửa khoang, thấy giá lạnh vô cùng, hóa ra nó được đúc bằng gang hết sức vững chắc. Du Đại Nham vận sức vào hai cánh tay, quát to một tiếng, hai tay đẩy thật mạnh, hịch một cái, cửa khoang vẫn đóng, nhưng chưởng lực của chàng làm cho mộng cửa long ra, cánh cửa rung rinh qua lại, chỉ giáng thêm một chưởng nữa là cửa sẽ mở toang.
Từ bên trong có tiếng người vọng ra:
– Khinh công Thê vân túng và chưởng lực Chấn sơn chưởng của phái Võ Đang quả là danh bất hư truyền. Du tam hiệp, hãy để thanh đao Đồ Long trên lưng lại đây, bổn giáo sẽ tiễn Du tam hiệp qua sông tức thì.
Lời lẽ tuy khách sáo, nhưng giọng điệu rất ngạo mạn, nghe như mệnh lệnh vậy. Du Đại Nham nghĩ thầm: Không hiểu sao hắn biết tên mình nhỉ?
Người kia lại nói:
– Du tam hiệp hẳn ngạc nhiên, không hiểu tại sao bổn giáo lại biết đại danh của các hạ chứ gì? Thực ra chẳng có chi lạ, phép khinh công Thê vân túng và chưởng lực Chấn sơn chưởng, trừ các cao thủ của phái Võ Đang, nào ai có thể sử dụng xuất thần nhập hóa như thế chứ? Du tam hiệp đến Giang Nam, Thiên Ưng bổn giáo là chủ nhân đất này, dọc đường chưa bố trí đón tiếp, những mong các hạ lượng thứ.
Du Đại Nham chưa biết đối đáp ra sao cho phải, bèn nói:
– Xin cho biết quý tính đại danh, thỉnh các hạ hiện thân tương kiến.
Tiếng người kia nói:
– Thiên Ưng giáo với quý phái Võ Đang không hề quen biết, cũng chẳng có oán cừu, không thấy mặt nhau thì hơn. Chỉ cần Du tam hiệp đặt thanh đao Đồ Long ở mũi thuyền, bổn phái sẽ đưa Du tam hiệp qua sông liền.
Du Đại Nham tức giận nói:
– Thanh đao Đồ Long đâu phải của quý giáo?
Người kia nói:
– Vẫn biết thế. Nhưng thanh đao Đồ Long là vật chí tôn của võ lâm, các cao thủ trong thiên hạ ai ai cũng muốn chiếm giữ nó.
Du Đại Nham nói:
– Thế thì thanh đao Đồ Long đang ở trong tay tại hạ, tại hạ phải mang về núi Võ Đang để sư tôn định đoạt, chứ tại hạ không thể tùy tiện giao nó cho ai cả.
Người kia nói nhỏ mấy câu gì đó, nghe loáng thoáng như tiếng muỗi kêu, Du Đại Nham nghe không rõ, bèn hỏi:
– Các hạ bảo sao?
Trong khoang thuyền, người kia lại nói mấy câu, thanh âm còn nhỏ hơn lúc nãy, Du Đại Nham chỉ nghe loáng thoáng Du tam hiệp… thanh đao Đồ Long… Chàng liền tiến lên hai bước, hỏi:
– Các hạ bảo sao?
Vừa lúc ấy có một đợt sóng lớn vỗ tới, đẩy mũi thuyền lên cao, chàng chợt cảm thấy chỗ ức và đùi của mình nhói một cái như bị muỗi đốt. Dạo này đang là đầu xuân, lẽ ra không hề có muỗi, song chàng chẳng để ý, chỉ nói to:
– Thiên Ưng giáo vì thanh đao Đồ Long mà sát hại bao nhiêu người, riêng ở miếu Hải Thần để lại mấy chục tử thi, thật là hạ thủ quá tàn ác.
Người kia nói:
– Thiên Ưng giáo xưa nay hạ thủ đều có phân biệt nặng nhẹ. Đối với ác nhân, phải thẳng tay; còn đối với người tử tế, bổn giáo rất nương nhẹ. Như trường hợp của Du tam hiệp nổi danh nghĩa hiệp trong thiên hạ, bổn giáo không nỡ lấy mạng. Du tam hiệp chịu để thanh đao Đồ Long lại, tại hạ sẽ trao cho thuốc giải Văn tu châm[16] tức thời.
Du Đại Nham nghe ba tiếng Văn tu châm thì giật mình, vội đưa tay rờ chỗ ức vừa bị muỗi đốt chỉ thấy tê tê, ngưa ngứa, hệt như muỗi đốt thật, thì liền tỉnh ngộ: Vừa rồi hắn cố ý nói nhỏ để dụ mình lại gần, thừa cơ phóng ám khí. Nhớ lại cái cảnh mấy gã buôn muối thuộc phái Hải Sa sợ Thiên Ưng giáo như sợ độc xà, chàng đoán thứ ám khí này hẳn rất độc, bây giờ phải tóm cổ hắn trước, mới mong buộc hắn trao thuốc giải độc ra. Nghĩ vậy, chàng quát nhỏ một tiếng, tay trái che mặt, tay phải che ngực, tung mình nhảy vào khoang thuyền.
Chân chưa đặt xuống lòng thuyền, Đại Nham đã thấy từ trong bóng tối có kình phong thổi tới, người trong khoang múa chưởng đón đánh. Du Đại Nham cả giận, dồn mười thành công lực vào hữu chưởng giáng mạnh một cái. Hai chưởng đập vào nhau nghe bốp một tiếng, kẻ trong thuyền bay về phía sau, loảng xoảng mấy tiếng, chắc là không ít vật dụng bị gãy vỡ. Du Đại Nham thì cảm thấy lòng bàn tay đau buốt tận xương: thì ra vừa rồi đối phương cầm vật nhọn tua tủa trong tay, khi hai chưởng đập vào nhau, vật nhọn ấy đâm sâu vào lòng bàn tay chàng. Tuy đối phương cũng thụ thương không nhẹ bởi chưởng lực của chàng, song trong khoang tối om, không biết kẻ địch thế nào, nhiều hay ít, chàng không dám mạo hiểm xông vào nữa, đành trở lại mũi thuyền.
Chỉ nghe người kia ho vài tiếng, nói:
– Chưởng lực của Du tam hiệp quả thực lợi hại, tại hạ thán phục, thán phục! Nhưng Thất tinh đinh trong bàn tay tại hạ cũng lợi hại chẳng kém. Đôi bên tám lạng nửa cân, lưỡng bại câu thương.
Du Đại Nham vội lấy mấy viên Thiên tâm giải độc đơn nhai nuốt, đoạn cởi bao lấy thanh đao Đồ Long ra, hai tay cầm cán đao, quát một tiếng, phạt ngang một cái, cánh cửa sắt đứt lìa thành hai mảnh, thanh đao quả thực sắc bén tuyệt luân. Chàng chém luôn bảy, tám nhát; khoang thuyền đúc bằng gang mà gặp phải bảo đao cứ như lau sậy bị chém tơi tả. Người ở trong khoang phải nhảy lùi về phía đuôi thuyền, miệng kêu to:
– Các hạ bị trúng độc hai lần, còn muốn ra oai nữa ư?
Du Đại Nham múa đao xông tới, phạt ngang lưng. Người kia thấy thế công của chàng hung mãnh, tiện tay giơ cái neo sắt lên đỡ, chỉ nghe keng một tiếng nhẹ, cây neo đã đứt đôi, người kia vội né sang bên, nói:
– Muốn giữ mạng sống, hay là muốn bảo đao?
Du Đại Nham nói:
– Được, ngươi đưa thuốc giải cho ta, ta sẽ trao đao cho ngươi.
Lúc này chỗ bị trúng Văn tu châm trên đùi chàng đang ngứa mạnh dần, chàng tự biết Thiên tâm giải độc đơn không giải được chất độc này, mà thanh đao Đồ Long chẳng qua vô tình lượm được, chàng vốn cũng không coi trọng gì nó cho cam, nên chàng bèn ném ngay nó vào khoang thuyền.
Người kia cả mừng, cúi xuống dùng cả hai tay nâng thanh đao đặt lên đùi, lấy vạt áo lau lau chùi chùi ra chiều yêu quý nó vô cùng. Hắn ngồi sấp bóng trăng nên không nhìn rõ mặt, hắn chỉ mải ngắm thanh đao mà không đưa thuốc giải. Du Đại Nham cảm thấy lòng bàn tay đau nhức ghê gớm, bèn giục:
– Thuốc giải đâu?
Người kia cười ha hả, tựa hồ hắn nghe một câu chuyện cực kỳ hoạt kê không bằng. Du Đại Nham nổi giận:
– Ta bảo ngươi đưa thuốc giải thì có gì tức cười?
Người kia giơ ngón trỏ tay trái chỉ mặt chàng mà cười:
– Ha ha, ngươi quá ngốc nghếch, sao không chờ ta trao thuốc giải rồi hãy đưa đao cho ta?
Du Đại Nham tức giận nói:
– Quân tử không nói hai lời, ngựa hay chỉ cần một roi. Ta đã nhận lời ngươi dùng đao đổi lấy thuốc, thì đưa đao trước hay sau có khác gì nào?
Kẻ kia cả cười:
– Ngươi nắm bảo đao trong tay, ta còn nể sợ ngươi vài phần. Giả sử ngươi địch chẳng nổi ta, ngươi ném đao xuống sông, vị tất ta mò lên được. Bây giờ bảo đao đã nằm trong tay ta, ngươi đừng hòng ta trao thuốc giải ra.
Du Đại Nham nghe kẻ kia nói vậy thì cảm thấy một luồng khí lạnh chạy từ sống lưng lên gáy. Chàng tự nhủ, phái Võ Đang và Thiên Ưng giáo vô oán vô cừu, tên kia võ công khá cao, cũng phải là một nhân vật có địa vị, đã nhận được thanh đao Đồ Long rồi, sao lại có thể nuốt lời? Chàng xưa nay vốn hành xử thận trọng, đâu dễ bị dối lừa; có điều phen này chàng bị mất tiên cơ, một mình rơi vào thuyền địch, thầm biết đối phương giăng bẫy sẵn, trong thuyền ắt có đồng bọn tiếp tay, lại hiềm thân mình hai lần trúng độc, chỉ mong mau nhận thuốc giải, cho nên mới bị thua bởi sự xảo trá đê hèn của đối phương, bèn nén giận, hỏi:
– Các hạ quý tính đại danh là chi?
Kẻ kia cười:
– Tại hạ chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trong Thiên Ưng giáo, phái Võ Đang muốn tìm Thiên Ưng giáo báo thù, đã có Giáo chủ và các vị Đường chủ của bổn giáo nghênh tiếp. Kể ra đêm nay Du tam hiệp chết một cách mờ ám thế này, tổ sư Trương Tam Phong của phái Võ Đang dù có tài thông thiên thiết địa, cũng chắc gì biết được Du tam hiệp chết bởi tay ai.
Hắn nói bằng cái giọng tựa hồ Du Đại Nham sắp tắt thở rồi không bằng.
Du Đại Nham cảm giác như có hàng ngàn con kiến cùng nhất loạt đốt lòng bàn tay chàng, buốt ngứa không sao chịu nổi, bèn chộp lấy nửa cái neo sắt mà chàng chém đứt ban nãy, nghĩ bụng: Đêm nay dù ta có chết, ta cũng phải cho ngươi mất mạng luôn thể.
Kẻ kia đang thao thao ra chiều cao hứng thì Du Đại Nham quát to một tiếng, tay trái vung nửa cái neo, tay phải phóng ra một chưởng, nhằm vào mặt và ngực kẻ kia mà đánh tới.
Kẻ kia kêu ối một tiếng, vung thanh đao Đồ Long định chống đỡ, nào ngờ thanh đao nặng đến lạ thường, hắn quen tay vung đao, không ngờ mới được nửa vòng thì cổ tay bỗng trầm hẳn xuống. Nguyên võ công của hắn cũng sử dụng được thanh đao này, có điều là khi vận lực, hắn không ngờ cây đao quá nặng, lực vận không đủ, thanh đao rơi thẳng xuống, chém ngay vào đầu gối hắn; hắn thất kinh, tay cầm đao đang cố nâng thanh đao lên thì cảm thấy kình phong quạt vào mặt, cây neo sắt đang bổ tới. Tình thế muôn phần nguy ngập, hết đường chống đỡ, hắn đành nhún chân lộn người xuống sông.
Kẻ kia tuy tránh được cái neo sắt, nhưng vẫn bị trúng một chưởng giáng vào bụng dưới, hắn chỉ cảm thấy lục phủ ngũ tạng lộn tùng phèo, lúc ngã xuống nước đã bất tỉnh nhân sự.
Du Đại Nham hít một hơi dài, thấy tên kia tuy trúng chưởng nhưng vẫn nắm chặt thanh đao Đồ Long không chịu buông thì chàng cười khẩy, nghĩ thầm: Ngươi lấy được bảo đao, rốt cuộc đem thân làm mồi cho cá.
Bỗng đâu có một dải lụa trắng bay vút xuống sông, cuốn lấy ngang thắt lưng tên kia và cả thanh đao mà kéo lên thuyền. Du Đại Nham kinh ngạc, nhìn theo dải lụa trắng thì thấy ở mũi thuyền có một người gầy gò, mặc áo xanh, hai tay đang thoăn thoắt kéo dải lụa lên thuyền. Chàng định tung mình nhảy về phía đó, nhưng chất độc trong người phát tác, trước mắt tối sầm, chàng ngã vào khoang thuyền, ngất đi luôn.
Không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, khi Du Đại Nham mở mắt ra, vật nhìn thấy trước tiên là một lá cờ của tiêu cục, trên thêu một con cá chép vàng. Chàng nhắm mắt lại một lát, khi mở mắt ra vẫn thấy lá cờ nhỏ ấy được cắm trong một cái bình hoa bằng sứ sứt mẻ. Con cá chép thêu chỉ vàng óng ánh trên lá cờ cứ như đang đùa giỡn với sóng nước, chàng nghĩ thầm: Lá cờ này là của tiêu cục Long Môn phủ Lâm An. Mình bị làm sao thế nhỉ? Lúc này đầu óc Du Đại Nham mê mê tỉnh tỉnh, ý nghĩ rối loạn; phải định thần giây lát, chàng mới phát giác mình đang nằm trên một cái cáng do hai người khiêng, và hình như đang ở trong một tòa đại sảnh. Chàng định quay đầu sang hai bên xem sao nhưng cổ cứ cứng đơ, không sao cử động nổi.
Du Đại Nham cả kinh, muốn ngồi dậy, song chân tay tựa hồ đã không còn là của chàng nữa, dù vận lực thế nào cũng không thể cử động, bấy giờ mới sực nhớ trên sông Tiền Đường mình đã bị trúng hai thứ ám khí tẩm chất độc là Văn tu châm và Thất tinh đinh.
Chợt nghe tiếng nói chuyện giữa hai người, một người giọng sang sảng cất tiếng hỏi:
– Quý tính đại danh của các hạ là gì?
Người kia đáp:
– Khỏi cần biết tính danh của ta, ta chỉ hỏi các vị, có nhận món hàng này hay không?
Du Đại Nham tự nhủ: Giọng người này trong trẻo, có lẽ là một thiếu nữ!
Giọng sang sảng nói có vẻ phật ý:
– Tiêu cục Long Môn không thiếu gì việc. Các hạ đã không chịu cho biết tính danh thì xin mời đến giao dịch với tiêu cục khác.
Giọng thiếu nữ nói:
– Ở phủ Lâm An chỉ có tiêu cục Long Môn làm ăn khá giả hơn các tiêu cục khác. Nếu các hạ không phải là nhân vật quyết định thì mau mời Tổng tiêu đầu ra đây.
Nghe khách hàng nói năng vô lễ, người có giọng sang sảng quả nhiên không vui, nói:
– Tại hạ là Tổng tiêu đầu đây. Bây giờ tại hạ có chút việc bận, không thể hầu chuyện, mong các hạ lượng thứ.
Giọng thiếu nữ nói:
– Ủa, vậy các hạ chính là Đa Tý Hùng Đô Đại Cẩm…
Thiếu nữ nói tới đó, ngừng một lát, mới nói tiếp:
– Đô Tổng tiêu đầu, tại hạ ngưỡng mộ đại danh đã lâu. Tại hạ họ Ân.
Đô Đại Cẩm có vẻ nguôi giận, nói:
– Chẳng hay quý khách có gì sai bảo?
Người khách họ Ân nói:
– Tại hạ trước hết cần hỏi Đô Tổng tiêu đầu, Đô Tổng tiêu đầu có dám nhận bảo tiêu món hàng này không đã, món hàng này không phải tầm thường, tuyệt nhiên không được để lỡ việc.
Đô Đại Cẩm cố nén giận, nói:
– Bổn tiêu cục Long Môn hoạt động đã hai chục năm nay, quan tiêu, diêm tiêu, kim ngân châu báu, món hàng quý giá đến mấy cũng đều nhận bảo tiêu, chưa từng có chuyện để xảy ra thất thoát lần nào.
Du Đại Nham cũng từng nghe danh Đô Đại Cẩm, biết y là đệ tử tục gia của phái Thiếu Lâm, quyền chưởng đơn đao đều cao siêu, nhất là ám khí Liên châu cương tiêu, y có thể phóng đi liền một hơi bảy bảy bốn mươi chín chiếc phi tiêu bằng thép, nên giang hồ đặt cho y ngoại hiệu Đa Tý Hùng[17]. Tiêu cục Long Môn của y cũng nổi tiếng khắp vùng Giang Nam. Chẳng qua đệ tử hai phái Võ Đang và Thiếu Lâm lâu nay không thân cận với nhau, nên tuy nghe danh không quen biết.
Thiếu niên họ Ân mỉm cười, nói:
– Nếu tại hạ không biết thanh danh của tiêu cục Long Môn thì tìm tới đây làm gì? Đô tổng tiêu đầu, tại hạ có một món hàng giao cho các hạ, nhưng với ba điều kiện.
Đô Đại Cẩm nói:
– Bổn tiêu cục cũng có lệ: món hàng nào có tranh chấp, tiêu cục không nhận; món hàng nào lai lịch bất minh, và món hàng nào trị giá dưới năm vạn lượng bạc, tiêu cục không nhận.
Y chưa nghe đối phương nói ra ba điều kiện, đã nói trước điều kiện của mình.
Thiếu niên họ Ân nói:
– Món hàng của tại hạ, thật đáng tiếc, nói ra hơi không phải, lại có tranh chấp, lai lịch cũng bất minh, trị giá bao nhiêu cũng khó nói. Ba điều kiện của tại hạ cũng chẳng dễ đáp ứng. Thứ nhất, phải do Đô tổng tiêu đầu thân chinh áp tải. Thứ hai, từ phủ Lâm An đây tới phủ Tương Dương Hồ Bắc, phải đi gấp cả ngày lẫn đêm để kịp đưa hàng tới nơi nội trong mười hôm. Thứ ba, nếu có gì sơ sảy, thì hì-hì, đừng nói tính mạng của Đô tổng tiêu đầu chẳng còn, mà toàn bộ tiêu cục Long Môn, già trẻ lớn bé sẽ không một ai sống sót.
Nghe ầm một tiếng, chắc là Đô Đại Cẩm đập mạnh tay xuống bàn, rồi nghe y quát:
– Các hạ muốn đùa giỡn thì đi tìm nơi khác, chớ có đến Long Môn bổn tiêu cục! Nể các hạ gầy gò ốm yếu, thân hình chỉ được vài ba lượng thịt, chứ không thì hôm nay Đô mỗ không để cho yên đâu!
Thiếu niên họ Ân cười khẩy mấy tiếng hi-hi-hi, rồi nghe kình kịch mấy tiếng, có vật nặng được quẳng lên mặt bàn, giọng thiếu niên nói:
– Đây là hai ngàn lượng vàng, là tiền thuê bảo tiêu của tại hạ. Đô tổng tiêu đầu hãy nhận trước đi!
Đô Đại Cẩm sửng sốt nghĩ thầm: Hai ngàn lượng vàng, giá trị tới mấy vạn lượng bạc, tiêu cục không biết phải vất vả bao nhiêu năm mới kiếm được món bạc khổng lồ này!
Du Đại Nham cổ gáy bị cứng đờ không thể cử động, chỉ nhìn thấy lá cờ tiêu cục thêu con cá chép cắm trong bình hoa; lúc này trong đại sảnh yên lặng như tờ, chỉ nghe có tiếng con nhặng xanh bay vù qua mặt và tiếng thở nặng nhọc của Đô Đại Cẩm. Du Đại Nham tuy không nhìn thấy mặt Đô Đại Cẩm, nhưng cũng đoán được lúc này y đang trợn mắt há hốc mồm nhìn hai ngàn lượng vàng sáng lóa trên bàn. Từ ngày lập ra tiêu cục, số tài sản lớn ngần này y vẫn thường gặp nhưng toàn là của người khác. Bây giờ bỗng dưng có người mang hai ngàn lượng vàng đặt ngay trước mặt y, y chỉ cần gật đầu một cái, hai ngàn lượng vàng kia sẽ thành của y, bảo sao y chẳng động lòng?
Một lát sau, nghe Đô Đại Cẩm nói:
– Ân đại gia định nhờ bổn tiêu cục bảo tiêu món hàng gì?
Thiếu niên họ Ân đáp:
– Trước tiên Đô tổng tiêu đầu hãy trả lời, có thể đáp ứng đủ ba điều kiện của ta hay không?
Đô Đại Cẩm nghĩ giây lát, rồi vỗ mạnh vào đùi, đáp:
– Ân đại gia đã thù lao hậu hĩnh như thế, Đô mỗ dù có phải bán mạng cho Ân đại gia cũng sẵn lòng. Chẳng hay bảo vật của Ân đại gia khi nào mới đem tới?
Thiếu niên họ Ân nói:
– Thứ mà tại hạ muốn nhờ tiêu cục bảo tiêu chính là người đang nằm trên cáng kia.
Nghe câu ấy, Đô Đại Cẩm cố nhiên ớ lên một tiếng sửng sốt, riêng Du Đại Nham lại càng kinh ngạc hơn, chàng không nhịn được, liền kêu lên:
– Ta… ta…
Chàng há miệng thật lớn, nhưng nói không ra hơi; cứ như kẻ đang ngủ bị bóng đè, dù cố gắng dùng sức đến đâu toàn thân cũng không nghe theo trí óc sai khiến. Hiện tại mình mẩy tứ chi tê liệt, chỉ còn mắt chưa mù và tai chưa điếc mà thôi. Chỉ nghe Đô Đại Cẩm hỏi:
– Là vị… thiếu gia… này ư?
Thiếu niên họ Ân đáp:
– Phải, Đô tổng tiêu đầu phải thân chinh hộ tống, được phép thay xe thay ngựa chứ không thay người. Phải đi suốt ngày đêm, nội nhật mười hôm kịp tới núi Võ Đang ở phủ Tương Dương Hồ Bắc, giao cho tổ sư phái Võ Đang là Trương Tam Phong chân nhân.
Du Đại Nham nghe câu đó mới thở một hơi dài nhẹ nhõm. Đô Đại Cẩm nói:
– Phái Võ Đang ư? Đệ tử phái Thiếu Lâm chúng tôi tuy không có oán thù gì với phái Võ Đang, nhưng… nhưng xưa nay không hề qua lại… Việc này…
Thiếu niên họ Ân lạnh lùng nói:
– Vị thiếu gia này thân có vết thương, chậm trễ giây lát, dù vạn lượng vàng cũng không chuộc được. Món hàng này, Đô tổng tiêu đầu có nhận hay không là tùy. Đại trượng phu cần nói năng dứt khoát, đừng nên ấp úng này nọ.
Đô Đại Cẩm nói:
– Được, nể mặt Ân đại gia, bổn tiêu cục Long Môn xin nhận!
Thiếu niên họ Ân mỉm cười, nói:
– Hay lắm! Hôm nay là hai mươi chín tháng Ba, đến ngày mồng chín tháng Tư, nếu Tổng tiêu đầu không đưa vị thiếu gia này bình an tới núi Võ Đang thì tại hạ sẽ không để cho một ai của tiêu cục Long Môn toàn mạng!
Chỉ nghe chíu chíu vài tiếng, mười mấy chiếc kim bạc nhỏ xíu đã được bắn đi, trúng vào chiếc bình hoa cắm lá cờ tiêu cục, chiếc bình sứ vỡ tan thành mấy mươi mảnh, văng tứ tung.
Tài sử dụng ám khí như thế thật táng đởm kinh hồn. Đô Đại Cẩm thốt lên úi chà! một tiếng. Du Đại Nham cũng rùng mình. Chỉ nghe thiếu niên họ Ân quát:
– Đi thôi!
Hai kẻ khiêng cáng đặt cáng chở Du Đại Nham xuống đất rồi theo thiếu niên họ Ân ra khỏi tiêu cục Long Môn tức thời.
Một lát sau Đô Đại Cẩm mới định thần lại, tới trước mắt Du Đại Nham, hỏi:
– Vị thiếu gia quý tính đại danh là chi, có phải là người của phái Võ Đang hay chăng?
Du Đại Nham chỉ đăm đăm nhìn y, không sao đáp thành lời. Chàng thấy vị Tổng tiêu đầu này tuổi trạc ngũ tuần, thân hình vạm vỡ, cơ bắp ở hai cánh tay vồng lên, tướng mạo oai phong, hiển nhiên là một cao thủ ngoại gia.
Đô Đại Cẩm nói:
– Ân đại gia trông tuấn tú nho nhã, mà võ công siêu việt như thế, không biết là thuộc môn phái nào vậy?
Đô Đại Cẩm hỏi, Du Đại Nham liền nhắm mắt lại, chẳng để tâm tới y nữa. Y tự nghĩ, mình là một hảo thủ sử dụng ám khí nổi tiếng, được giang hồ tặng cho ngoại hiệu Đa Tý Hùng, nhưng thiếu niên họ Ân kia chỉ phẩy tay một cái đã búng mấy chục cây kim bạc nhỏ xíu như sợi tóc làm vỡ tan chiếc bình sứ, tài nghệ như thế mình thật không sao bì kịp.
Đô Đại Cẩm chủ trì tiêu cục Long Môn đã hơn hai chục năm, từng chứng kiến biết bao chuyện lạ lùng trên giang hồ, nhưng trả công những hai ngàn lượng vàng chỉ để thuê vận chuyển một người sống thì đừng nói Đô Đại Cẩm, chỉ e mọi tiêu cục trong thiên hạ cũng chưa từng gặp bao giờ. Đô Đại Cẩm cất vàng đi, sai cáng Du Đại Nham vào phòng nghỉ, rồi lập tức triệu tập các tiêu đầu của tiêu cục, chuẩn bị xe ngựa khởi hành ngay trong ngày.
Ai nấy ăn uống và chuẩn bị xong xuôi, lá cờ lớn thêu cá chép của tiêu cục được cuộn vào cán cờ, khi ra khỏi cổng lớn tiêu cục liền được bung ra, kèm theo tiếng hô to:
– Long Môn lý tam diệu, ngư nhi hóa vi long[18].
Du Đại Nham nằm trong cỗ xe lớn, lòng đầy cảm khái: Du Đại Nham ta bao lâu tung hoành trên giang hồ, bình sinh nhìn đám bảo tiêu bằng nửa con mắt, không ngờ phen này gặp đại nạn, lại phải do họ hộ tống về núi Võ Đang. Lại nghĩ thầm: Vị bằng hữu họ Ân cứu ta không biết là ai, nghe giọng nói giống như một thiếu nữ, song Đô Đại Cẩm lại bảo, trông Ân đại gia dung mạo tuấn tú nho nhã mà võ công trác tuyệt, hành sự khác người, tiếc thay ta không được thấy mặt, cũng chẳng thể đa tạ một câu. Du Đại Nham ta nếu còn sống, nhất định phải báo đáp ơn này.
Đoàn người và xe tiến thẳng về phía Tây, ngoài ba vị tiêu đầu Đô, Chúc, Sử, còn có bốn thiếu niên tiêu sư khỏe mạnh nhanh nhẹn. Họ theo đúng lời dặn của Ân đại gia, dọc đường chỉ thay xe đổi ngựa, chứ không thay người, đi liền một mạch không nghỉ suốt ngày đêm.
Khi ra cửa tây phủ Lâm An, Đô Đại Cẩm cứ ngờ rằng không biết dọc đường sẽ xảy ra bao nhiêu trận ác chiến đây, thế nhưng đã rời khỏi tỉnh Chiết Giang, qua tỉnh An Huy, vào địa phận tỉnh Giang Tây, mấy ngày liền đều bình yên vô sự. Hôm ấy đã qua Phàn Thành, khách điếm Thái Bình, bến đò Tiên Nhân, huyện Quang Hóa, vượt sông Hán Thủy đến Hà Khẩu, còn cách núi Võ Đang chỉ một ngày đường. Hôm sau chưa tới giờ Ngọ đã đến Song Tỉnh Tử, cách núi Võ Đang chẳng qua vài chục dặm. Hành trình tuy vất vả mệt nhọc, nhưng rốt cuộc đúng theo điều kiện thời gian của Ân đại gia, vừa vặn ngày mồng chín tháng Tư thì tới núi Võ Đang. Ngót chục ngày vừa qua cứ cắm đầu mà đi, ai nấy đều lo sợ, mãi đến bây giờ các tiêu sư mới cảm thấy yên tâm.
Đang là cuối xuân đầu hạ, bên đường núi muôn hoa khoe sắc, như nghênh đón viễn khách vậy. Đô Đại Cẩm cầm roi ngựa chỉ lên đỉnh Thiên Trụ ẩn hiện trong mây, nói:
– Chúc tam đệ, mấy năm qua thanh thế của phái Võ Đang rất mạnh, tuy chưa bằng phái Thiếu Lâm chúng ta, song danh tiếng của Võ Đang thất hiệp hiện lừng lẫy khắp giang hồ. Cứ nhìn đỉnh Thiên Trụ cao sừng sững kia thì biết nơi này địa linh nhân kiệt. Phái Võ Đang xem ra đúng là hùng cứ một phương.
Chúc tiêu đầu nói:
– Thanh thế của phái Võ Đang mấy năm qua tuy phát mạnh nhưng chưa có bề dày, không thể nào sánh kịp phái Thiếu Lâm có ngàn năm lịch sử được. Không nói đâu xa, cứ riêng Nhị thập tứ Giáng ma chưởng và tài sử dụng bốn mươi chín cây phi tiêu liên châu của Tổng tiêu đầu, người của phái Võ Đang đã chẳng ai bì kịp.
Sử tiêu đầu tiếp lời:
– Đúng thế. Những chuyện đồn đại trên giang hồ chỉ đáng tin vài phần. Danh tiếng Võ Đang thất hiệp lừng lẫy thật, nhưng sự thực võ công của họ tới mức nào, chúng ta chưa từng chứng kiến. Chỉ sợ một số kẻ trong giang hồ kiến thức non nớt cứ thêm mắm thêm muối, đồn đại bản lĩnh của thất hiệp lên tận mây xanh cũng nên.
Đô Đại Cẩm mỉm cười, hiểu biết của y cao hơn hẳn Chúc, Sử, thầm biết danh tiếng của Võ Đang thất hiệp quyết không phải do đồn đại, chắc chắn họ có võ nghệ kinh hồn. Chẳng qua y hành nghề bảo tiêu hai chục năm nay hiếm gặp địch thủ, y rất tự tin tự phụ về võ công của mình, nay lại nghe Chúc, Sử ca ngợi tài nghệ của y – những lời như thế y nghe không biết bao nhiêu lần – nên bất giác cũng thấy đắc ý.
Đường núi càng lên cao càng hẹp dần, ba người cưỡi ngựa không thể sánh vai nhau như cũ, Sử tiêu đầu phải ghìm ngựa lùi lại vài bước. Chúc tiêu đầu nói:
– Tổng tiêu đầu, lát nữa gặp lão đạo sư Trương Tam Phong của phái Võ Đang thì nên dùng lễ gì chào hỏi?
Đô Đại Cẩm nói:
– Chúng ta khác môn phái, ai nấy bằng vai phải lứa với nhau cả. Có điều Trương lão sư sắp chín mươi tuổi, là bậc đệ nhất cao niên trong võ lâm. Chúng ta tôn trọng bậc võ lâm tiền bối, cúi lạy vài cái là được.
Chúc tiêu đầu nói:
– Theo ý đệ, chúng ta nên cúi mình nói: Trương chân nhân, chúng vãn bối xin kính lạy người! Lão ta nhất định sẽ giơ tay cản lại và nói: Từ phương xa tới là quý khách, khỏi cần đa lễ. Vậy là chúng ta khỏi phải cúi lạy.
Đô Đại Cẩm mỉm cười, vẫn mải nghĩ không biết người đang nằm trong cỗ xe kia rốt cuộc là ai, lai lịch ra sao. Suốt mười ngày qua chàng ta không nói năng cử động, việc ăn uống và đại tiểu tiện đều phải do phu xe giúp đỡ. Đô Đại Cẩm và các tiêu sư đã mấy lần bàn tán với nhau vẫn không đoán nổi thân phận của chàng ta. Chàng ta có phải là đệ tử của phái Võ Đang? Hay là bằng hữu? Hay chàng ta là kẻ thù của phái Võ Đang, bị người ta bắt đưa lên núi? Càng gần đến núi Võ Đang, những nghi vấn ấy càng luôn lởn vởn trong óc Đô Đại Cẩm, chờ khi gặp Trương Tam Phong tất sẽ biết ngay. Nhưng đó là phúc hay họa, y khó đoán biết nên không kém phần lo ngại.
Đang trầm ngâm, bỗng nghe có tiếng vó ngựa trên sơn đạo dãy núi phía Tây, rồi có mấy con ngựa phóng về phía này. Chúc tiêu đầu tế ngựa lên xem xét. Một lúc sau, có sáu người cưỡi ngựa cắt rừng chạy xéo sang, cách đoàn người xe của tiêu cục mươi trượng thì họ gò cương, dàn thành hai hàng giữa đường mà cản lối. Đô Đại Cẩm nghĩ bụng: Không ngờ đến chân núi Võ Đang mà còn gặp chuyện rắc rối. Y nói nhỏ với Sử tiêu đầu: Cẩn trọng bảo vệ cỗ xe! Đoạn y thúc ngựa tiến lên, một tiêu sư cầm lá cờ của tiêu cục thực hiện động tác cuốn cờ và phất cờ là nghi thức kính lễ và nói:
– Tiêu cục Long Môn ở phủ Lâm An đi qua quý địa, lễ giáo thiếu chu đáo, mong các vị hảo bằng hữu lượng thứ.
Đô Đại Cẩm quan sát sáu người chắn đường, thấy hai người đội mũ màu vàng kiểu đạo sĩ, bốn người trang phục kiểu tục gia; cả sáu đều mang bao khí giới, ai nấy trông thật dũng mãnh, hăng hái. Đô Đại Cẩm liền nghĩ thầm: Sáu người này là lục hiệp trong Võ Đang thất hiệp chăng? Bèn giục ngựa tiến thêm vài bước, bao quyền, nói:
– Tại hạ là Đô Đại Cẩm, tổng tiêu đầu tiêu cục Long Môn ở phủ Lâm An, thỉnh vấn quý tính đại danh của sáu vị?
Đứng bên tay phải ở hàng trước là một người cao lớn, má bên trái có một nốt ruồi lớn màu đen với ba sợi lông để dài, người ấy lạnh lùng hỏi:
– Đô huynh lên núi Võ Đang làm gì?
Đô Đại Cẩm đáp nói:
– Bổn tiêu cục nhận lời ủy thác đưa một người bị thương lên quý sơn, muốn được kiến diện chưởng môn quý phái Trương chân nhân.
Người kia nói:
– Đưa một người bị thương ư? Là ai vậy?
Đô Đại Cẩm nói:
– Bổn tiêu cục nhận ủy thác của một vị đại gia họ Ân, đưa một người bị trọng thương lên núi Võ Đang. Còn người bị thương là ai, bị thương như thế nào và tại sao thì bổn tiêu cục không hay biết. Tiêu cục Long Môn nhận sự ủy thác của người, chỉ lo làm tròn phận sự của mình, còn mọi việc riêng tư của khách hàng, bổn tiêu cục xưa nay không bao giờ hỏi tới.
Đô Đại Cẩm lăn lộn mấy mươi năm trên giang hồ, lại chuyên sống bằng nghề bảo tiêu, dĩ nhiên hành sự vô cùng khôn khéo; lời vừa nói cốt để cho thấy rằng Du Đại Nham dù là bằng hữu hay thù địch của phái Võ Đang thì cũng chẳng liên can đến y.
Người mặt có nốt ruồi nhìn hai đồng bọn, rồi hỏi:
– Vị đại gia họ Ân ư? Hình dạng người đó trông như thế nào?
Đô Đại Cẩm đáp:
– Đó là một người trẻ tuổi, dung mạo tuấn tú nho nhã, sử dụng ám khí đại tài.
Người kia hỏi:
– Đô huynh đã động thủ với người ấy rồi sao?
Đô Đại Cẩm vội đáp:
– Chưa, chưa hề, là vị đó tự…
Chưa nói hết câu, thì người hói đầu đứng chắn đường ở hàng trên cướp lời:
– Thanh đao Đồ Long đâu? Hiện giờ ở trong tay ai?
Đô Đại Cẩm ngạc nhiên hỏi lại:
– Thanh đao Đồ Long nào? Có phải là thanh đao vẫn nghe nhắc tới trong câu Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long hay chăng?
Người hói đầu tựa hồ tính khí nóng nảy, kém nhẫn nại, đột nhiên từ trên lưng ngựa nhảy phắt xuống đất, đến bên cỗ xe, vạch tấm vải che mà nhòm vào bên trong.
Đô Đại Cẩm thấy thân pháp của người kia quá ư cứng cỏi và thành thục, nghĩ thầm: Vị tổ sư sáng lập phái Võ Đang Trương Tam Phong từng ngụ trong Thiếu Lâm tự, võ công của phái Võ Đang quả nhiên vẫn chưa thoát khỏi phạm vi của phái Thiếu Lâm, chưa thật sự độc đáo cho lắm! lòng càng hoài nghi, bèn hỏi:
– Chẳng hay các vị có phải là Võ Đang thất hiệp lừng lẫy giang hồ? Vị nào là Tống đại hiệp? Tiểu đệ nghe đại danh đã lâu, lòng vốn ngưỡng mộ.
Người mặt có nốt ruồi nói:
– Chút hư danh ấy, Đô huynh hà tất nhắc tới làm gì, Đô huynh quá khiêm nhường.
Người hói đầu trở lại, lên ngựa, nói:
– Người kia thương thế rất nặng, không nên chậm trễ giây phút nào nữa. Chúng ta tiếp nhận trước đã.
Người mặt có nốt ruồi ôm quyền, nói:
– Đô huynh đi xa như vậy, thật là vất vả, tiểu đệ xin đa tạ.
Đô Đại Cẩm chắp tay đáp lễ:
– Không dám, không dám.
Người kia nói:
– Vị thiếu gia này thương thế không nhẹ, chúng tiểu đệ phải đưa ngay lên núi cứu chữa.
Đô Đại Cẩm chỉ mong sớm thoát trách nhiệm, liền nói:
– Được, như vậy là bổn tiêu cục coi như đã giao người cho phái Võ Đang.
Người kia nói:
– Đô huynh an tâm, cứ trao cho tiểu đệ phụ trách là được. Chẳng hay tiền công bảo tiêu Đô huynh đã nhận đủ chưa?
Đô Đại Cẩm đáp:
– Đã nhận đủ cả.
Người kia lấy trong túi ra một thỏi vàng ròng chừng hai mươi lượng, chìa ra, nói:
– Gọi là chút tiền trà nước, nhờ Đô huynh thưởng cho các vị huynh đệ.
Đô Đại Cẩm khước từ:
– Bổn tiêu cục đã nhận hai ngàn lượng vàng tiền công, đủ cho mọi chi phí rồi, Đô mỗ không phải là kẻ lòng tham không đáy.
Người kia nói:
– Chà, những hai ngàn lượng vàng!
Hai người đồng hành của người kia giục ngựa tiến lên phía trước, một người nhảy lên chỗ của xà ích, tiếp lấy dây cương, quất ngựa kéo xe đi trước, bốn người hộ tống phía sau xe.
Người mặt có nốt ruồi khẽ vẩy tay tung thỏi vàng tới trước mặt Đô Đại Cẩm, cười nói:
– Đô huynh chớ nên khách sáo, xin hãy trở về Lâm An!
Thỏi vàng bay tới trước mặt, Đô Đại Cẩm đành phải giơ tay bắt, định ném trả lại thì người kia đã quay ngựa phóng vội đi, chỉ thấy cỗ xe lớn do năm người cưỡi ngựa hộ tống, quành sang eo núi, lát sau đã mất dạng.
Đô Đại Cẩm nhìn kỹ thỏi vàng, thấy có năm vết ngón tay hằn lõm xuống vài phân. Vàng tuy mềm hơn sắt và đồng, nhưng chỉ lực của người kia mạnh như thế thật đáng sợ. Đô Đại Cẩm ngẩn người nhìn theo, nghĩ thầm: Đại danh của Võ Đang thất hiệp chẳng phải tự dưng mà có. Trong phái Thiếu Lâm ta, chỉ có vài vị sư bá sư thúc luyện tập ‘Kim Cương chỉ lực’ mới có công lực thế này.
Chúc tiêu đầu cũng ngẩn người nhìn năm vết ngón tay hằn lõm trên thỏi vàng, rồi nói:
– Tổng tiêu đầu, đệ tử phái Võ Đang thật không biết lễ giáo gì hết, kiến diện không thèm xưng danh tính, chúng ta từ ngàn dặm xa xôi tới tận chân núi Võ Đang mà họ không mời lên ăn uống nghỉ ngơi. Cùng giới võ lâm với nhau mà đối xử chẳng thân thiện chút nào.
Đô Đại Cẩm trong thâm tâm cũng bất mãn từ sớm, chỉ là không tiện nói ra, nên chỉ cười nhạt, nói:
– Như thế chúng ta càng đỡ phải đi thêm một đoạn đường nữa, chẳng hơn sao? Đệ tử phái Thiếu Lâm mà đi vào đạo quán của phái Võ Đang kể ra cũng bất tiện lắm. Thôi, hai vị hiền đệ, chúng ta quay ngựa trở về thôi!
Chuyến đi bảo tiêu này tuy không xảy ra rắc rối, nhưng việc gì cũng khó hiểu, mình không được biết, lại cứ bị người ta vô tình hay cố ý khinh khi. Như Võ Đang thất hiệp đó, đến danh tính họ cũng chẳng buồn xưng, hiển nhiên là bọn họ chẳng coi y ra gì. Đô Đại Cẩm càng nghĩ càng căm tức, thầm tính cách trả mối hận này. Đoàn người đi ngược trở lại đường cũ, Đô Đại Cẩm lòng không vui, còn các tiêu sư và xà ích thì ai nấy cao hứng, nghĩ tới mười ngày đêm hành trình vất vả nhưng tiêu cục được nhận những hai ngàn lượng vàng, Tổng tiêu đầu vốn là người rộng rãi, hẳn các huynh đệ đều sẽ được hưởng hoa hồng hậu hĩnh.
Chiều tối, còn cách Song Tỉnh Tử chừng hơn mười dặm, Chúc tiêu đầu thấy Đô Đại Cẩm vẻ mặt rầu rĩ, bèn nói:
– Tổng tiêu đầu, chuyện hôm nay Tổng tiêu đầu chẳng cần để bụng. Núi cao sông dài, trên giang hồ rồi sẽ có lúc tương phùng. Để xem uy phong của Võ Đang thất hiệp còn được bao lâu nữa?
Đô Đại Cẩm thở dài:
– Có một việc khiến ta nghĩ lại mà ân hận.
Chúc tiêu đầu hỏi:
– Việc gì vậy?
Bỗng từ phía sau có tiếng vó câu lộp cộp, rồi một con ngựa chạy tới, con ngựa ấy chạy trông rất nhởn nhơ, mà tốc độ nhanh lạ thường, thoáng giây lát đã tới gần. Mọi người cùng quay đầu lại, thấy con ngựa ấy thân cao hơn giống ngựa thường cả thước, có bộ vó đặc biệt dài, nhờ vậy mà chạy cực nhanh. Loài ngựa Thanh Thông[19] này lông xanh trải khắp thân mình và rất mướt.
Chúc tiêu đầu thốt lên tán thưởng:
– Ngựa đẹp quá!
Rồi nói tiếp:
– Tổng tiêu đầu, chúng ta có điều gì thất thố ư?
Đô Đại Cẩm buồn rầu nói:
– Đấy là chuyện của ta hai mươi lăm năm về trước. Bấy giờ ta học võ công ở Thiếu Lâm tự. Ân sư khuyên ta học thêm năm năm nữa sẽ truyền thụ hết bộ Đại Vĩ Đà chưởng; nhưng dạo ấy ta còn trẻ người non dạ, tưởng rằng với bản lĩnh hiện có đã đủ để hành tẩu trên giang hồ, không nghe lời ân sư kiên trì tiếp tục khổ luyện trong Thiếu Lâm tự. Ôi, giả sử dành thêm năm năm khổ học thì hôm nay đâu chịu để Võ Đang thất hiệp khinh khi vũ nhục như vậy…
Nói tới đó thì con ngựa Thanh Thông kia lướt qua đoàn tiêu cục, người ngồi trên mình ngựa liếc nhìn Đô Đại Cẩm và Chúc tiêu đầu bằng ánh mắt rất lạ.
Đô Đại Cẩm thấy có người lạ đi ngang qua, liền dừng lời, nhìn sang. Đó là một thiếu niên chừng hai mươi tuổi, diện mạo tuấn tú, nước da hơi xanh, nhưng thần sắc sáng sủa, thân hình gầy ốm không giấu được vẻ dũng mãnh. Chàng ta ôm quyền, nói:
– Xin phép, mạn phép!
Con ngựa của chàng vọt qua tiêu đội, phi nhanh lên trước.
Đô Đại Cẩm nhìn theo người kia, nói:
– Chúc hiền đệ có nhận ra đó là nhân vật nào không?
Chúc tiêu đầu đáp:
– Người ấy từ trên núi xuống, có lẽ là đệ tử phái Võ Đang. Có điều là không mang theo binh khí, thân hình lại gầy ốm, chẳng giống người có võ công chút nào.
Lời vừa dứt thì chàng thiếu niên kia bỗng nhiên cho ngựa chạy trở lại, rồi còn cách khá xa đã ôm quyền, nói:
– Tiểu đệ xin mạn phép được hỏi một lời, xin các đại huynh chớ cho là lạ!
Đô Đại Cẩm thấy chàng nói năng khách sáo, liền đáp:
– Các hạ muốn hỏi gì?
Chàng thiếu niên nhìn lá cờ thêu cá chép do một phu xe đang giương cao, hỏi:
– Quý cục có phải là tiêu cục Long Môn ở phủ Lâm An chăng?
Chúc tiêu đầu nói:
– Phải!
Chàng thiếu niên nói:
– Thỉnh vấn quý tính đại danh của các vị đại huynh là chi? Đô tổng tiêu đầu của quý cục có mạnh giỏi hay chăng?
Chúc tiêu đầu tuy thấy chàng thiếu niên nói năng lễ độ, nhưng dân giang hồ khó biết lòng dạ thế nào, không thể sơ kiến đã tỏ ra thành thật, bèn đáp:
– Tại hạ họ Chúc, còn quý danh của bằng hữu? Bằng hữu có quen biết Tổng tiêu đầu của bổn tiêu cục ư?
Chàng thiếu niên nói:
– Tại hạ họ Trương, tên thường gọi Thúy Sơn, tại hạ ngưỡng mộ Đô tổng tiêu đầu của quý cục đã lâu, tiếc rằng chưa có duyên hội ngộ.
Vừa nghe chàng thiếu niên xưng danh Trương Thúy Sơn thì Đô Đại Cẩm và Chúc, Sử tiêu đầu đều kinh ngạc. Trong Võ Đang thất hiệp, Trương Thúy Sơn đứng thứ năm; mấy năm qua người trong võ lâm nhắc đến Trương Thúy Sơn đều ca ngợi chàng có võ công cực kỳ cao siêu, không ngờ lại là một thiếu niên nho nhã, mảnh khảnh, gió thổi dễ bay thế này.
Đô Đại Cẩm bán tín bán nghi, tế ngựa tới gần nói:
– Tại hạ chính là Đô Đại Cẩm, chẳng hay các hạ chính là người mà giang hồ vẫn gọi là Ngân Câu Thiết Hoạch Trương ngũ hiệp?
Chàng thiếu niên mỉm cười đáp:
– Đô tổng tiêu đầu quá khen, tại hạ đâu xứng với anh danh đó. Các vị đến núi Võ Đang, tại sao qua cửa không vào? Hôm nay chính là ngày mừng gia sư đại thọ chín mươi tuổi, nếu các vị không bận bịu, xin mời lên núi uống vài chung rượu lạt được chăng?
Đô Đại Cẩm nghe chàng nói chân thành như vậy thì nghĩ thầm: Sao nhân phẩm của Võ Đang thất hiệp lại khác nhau đến thế? Sáu người kia ngạo mạn vô lễ, trong khi Trương ngũ hiệp thật khiêm nhường khả ái. Bèn xuống ngựa, mỉm cười nói:
– Giá lệnh sư huynh cũng quý mến bằng hữu như Trương ngũ hiệp, thì giờ này chúng tôi đã ở trên núi Võ Đang rồi.
Trương Thúy Sơn ngạc nhiên:
– Sao? Đô tổng tiêu đầu đã gặp sư huynh của tại hạ ư? Đã gặp sư huynh thứ mấy vậy?
Đô Đại Cẩm nghĩ bụng: Ngươi thật giảo hoạt, đến lúc này mà còn giả bộ ngây ngô, bèn nói:
– Tại hạ hôm nay thật xui xẻo, trong một ngày bị toàn bộ Võ Đang thất hiệp dối lừa.
Trương Thúy Sơn kêu ớ một tiếng, ngẩn người ra, hỏi:
– Cả Du tam ca của tại hạ, Đô tổng tiêu đầu cũng gặp rồi ư?
Đô Đại Cẩm nói:
– Du Đại Nham Du tam hiệp ấy à? Đô mỗ chẳng biết vị nào là Du tam hiệp. Gặp cả sáu vị một lúc, tất nhiên trong số đó có Du tam hiệp.
Trương Thúy Sơn nói:
– Gặp cả sáu người? Kỳ thật! Làm sao lại gặp cả sáu người kia chứ? Đô Đại Cẩm nói:
– Thì các sư huynh sư đệ của các hạ có chịu xưng danh đâu mà Đô mỗ biết được? Các hạ là Trương ngũ hiệp, sáu vị kia dĩ nhiên là Tống đại hiệp cho đến Mạc thất hiệp chứ gì.
Cứ mỗi chữ hiệp y lại dài giọng, ngụ ý giễu cợt.
Nhưng Trương Thúy Sơn đang mải nghĩ, không nhận ra thái độ đó, lại hỏi:
– Đô tổng tiêu đầu gặp họ thật ư?
Đô Đại Cẩm nói:
– Không riêng tại hạ, mà cả mấy chục con mắt tiêu đội chúng tôi cùng nhìn thấy.
Trương Thúy Sơn lắc đầu:
– Không thể có chuyện đó được. Tống sư ca hôm nay luôn luôn túc trực ở cung Tử Tiêu trên núi chờ lệnh sư phụ, không rời nửa bước. Sư phụ và Tống sư ca thấy Du tam ca quá Ngọ vẫn chưa về tới bèn sai tiểu đệ xuống núi nghe ngóng, làm sao Đô tổng tiêu đầu lại gặp Tống sư ca được kia chứ?
Đô Đại Cẩm hỏi:
– Người mặt có nốt ruồi đen với ba sợi lông mọc dài từ nốt ruồi ra là Tống đại hiệp hay Du tam hiệp? Trương Thúy Sơn ngớ ra, nói:
– Tất cả các sư huynh sư đệ của tại hạ, không ai có nốt ruồi trên mặt cả.
Đô Đại Cẩm nghe câu ấy thì lạnh hết người, nói:
– Sáu vị ấy tự xưng Võ Đang lục hiệp, đã xuất hiện dưới chân núi Võ Đang, trong đó lại có hai vị đội mũ đạo sĩ, chúng tôi dĩ nhiên…
Trương Thúy Sơn ngắt lời:
– Sư phụ tại hạ tuy là Đạo nhân, nhưng Người chỉ thu nhận tục gia đệ tử. Sáu người ấy tự xưng là Võ Đang lục hiệp thật ư?
Đô Đại Cẩm điểm lại tình hình lúc đó, mới nhớ ra rằng vừa mới gặp mình đã tự gọi họ là Võ Đang lục hiệp, chứ đối phương không nói câu nào bộc lộ thân phận cả; bọn họ chỉ không phủ nhận sự ngộ nhận của y thôi. Bất giác Đô Đại Cẩm và Chúc, Sử tiêu đầu đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác một hồi, mới nói:
– Vậy thì chỉ e sáu người kia có ác ý. Chúng ta phải mau đuổi theo!
Đoạn nhảy ngay lên ngựa, ra roi phóng ngược lên núi.
Trương Thúy Sơn cũng giục ngựa phóng theo. Ngựa của chàng chân dài, chạy trông thong thả mà nhanh, lát sau đã tới tới ngang đầu ngựa của Đô Đại Cẩm. Trương Thúy Sơn nói:
– Sáu vị ấy mạo nhận danh tính, Đô huynh đừng chấp nhặt chuyện đó làm gì!
Đô Đại Cẩm nói:
– Nhưng còn người kia nữa? Bổn tiêu cục nhận lời ủy thác phải đưa người ấy lên núi Võ Đang giao cho Trương chân nhân. Nay sáu kẻ kia giả mạo tính danh, đã tiếp nhận người kia, chỉ e… chỉ e sự việc nguy mất…
Trương Thúy Sơn hỏi:
– Đô huynh mang ai tới giao cho sư phụ tiểu đệ? Sáu kẻ kia đã tiếp nhận ai thế?
Đô Đại Cẩm vừa giục ngựa phi nhanh hơn, vừa đem chuyện vận chuyển một người thụ trọng thương lên núi Võ Đang kể cho Trương Thúy Sơn nghe. Trương Thúy Sơn ngạc nhiên, hỏi:
– Danh tính người bị thương là gì? Diện mạo ra sao?
Đô Đại Cẩm nói:
– Cũng không biết danh tính người ấy là gì, người ấy thụ thương sao đó không nói, cũng không cử động được. Người ấy tuổi trạc tam tuần.
Đoạn miêu tả diện mạo của Du Đại Nham.
Trương Thúy Sơn cả kinh, nói:
– Đó… chính là Du tam ca!
Tâm trí bấn loạn cả lên, nhưng chàng lập tức trấn tĩnh, giơ tay tả nắm lấy cương ngựa của Đô Đại Cẩm ghìm lại. Con ngựa đang phi nước đại, bị Trương Thúy Sơn ghìm phắt lại, không thể phi thêm nửa vó, bên mép bật máu tươi, hí to một tiếng đau đớn. Đô Đại Cẩm bị văng khỏi yên ngựa, rơi xuống đất, chỉ nghe xoẹt một tiếng, đã rút thanh đơn đao ra, y thầm sợ, không ngờ chàng thiếu niên mảnh khảnh chỉ giơ tay gò cương mà đã giữ cứng lại một con ngựa đang phi.
Trương Thúy Sơn nói:
– Đô huynh chớ hiểu lầm, Đô huynh vất vả hộ tống Du tam ca từ ngàn dặm xa xôi tới đây, tiểu đệ vô cùng cảm kích, chứ không có ý gì khác.
Đô Đại Cẩm hừ một tiếng, cắm đao vào bao, tay phải vẫn nắm cán đao.
Trương Thúy Sơn nói:
– Du tam ca bị thương như thế nào? Đối thủ là ai? Người nào nhờ Đô huynh mang Du tam ca về đây?
Cả ba câu hỏi ấy, Đô Đại Cẩm đều không thể trả lời. Trương Thúy Sơn cau mày, lại hỏi tiếp:
– Kẻ tiếp nhận Du tam ca hình dạng ra sao?
Sử tiêu đầu nhanh miệng trả lời. Nghe xong, Trương Thúy Sơn nói:
– Tiểu đệ phải đi trước đây.
Đoạn ôm quyền, phóng ngựa đi liền.
Con ngựa của chàng đi thong thả đã nhanh lạ thường, lúc này nó phi thì chỉ nghe gió thổi ù ù bên tai, cây cối hai bên đường vùn vụt lùi về phía sau. Võ Đang thất hiệp, đồng môn học nghệ, chung vai hành hiệp, tình hơn cốt nhục, Trương Thúy Sơn nghe tin Du tam ca thụ trọng thương, lại rơi vào tay những kẻ lai lịch mờ ám thì lòng như lửa đốt, liên tiếp ra roi giục ngựa, giả dụ con ngựa có chết vì kiệt sức, chàng cũng chẳng tiếc.
Phi một mạch tới thảo điếm, chỗ ấy là ngã ba đường, một dẫn lên núi Võ Đang, một chạy về hướng đông bắc đến Vân Dương. Trương Thúy Sơn nghĩ bụng: Sáu kẻ kia mà có hảo tâm chở Du tam ca lên núi thì khi từ trên núi đi xuống mình đã gặp họ rồi, bèn kẹp hai đùi vào lưng ngựa, phóng về hướng đông bắc.
Phi một mạch chừng hơn nửa canh giờ, ngựa quý dù khỏe mấy, sức cũng có hạn, mỗi lúc một chạy chậm dần, nhìn sắc trời sắp tối, mà cả một vùng núi non quạnh vắng, chẳng gặp được ai để hỏi thăm. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Du tam ca võ công trác tuyệt, sao lại bị đánh trọng thương được nhỉ? Nhưng cứ nhìn sắc diện của Đô Đại Cẩm thì chắc không phải y bịa chuyện. Nhìn đường xem chừng sắp tới trấn Thập Yển, bỗng thấy có một cỗ xe lớn lật nghiêng trong bãi cỏ ven đường, lại gần vài bước, thấy một con la kéo xe nằm chết bên cạnh, đầu vỡ toang, não phòi ra ngoài.
Trương Thúy Sơn nhảy xuống ngựa, vạch rèm che cửa xe, bên trong không có ai, quay mình lại, thì thấy trong trong đám cỏ cao có một người nằm sấp bất động, tựa hồ đã chết hàng giờ trước đó. Trống ngực đập thình thình, Trương Thúy Sơn vạch cỏ chạy tới, nhìn kỹ sau lưng đúng là tam sư huynh Du Đại Nham, vội luồn hai tay ôm người kia lên. Trong ánh hoàng hôn chỉ thấy Du Đại Nham hai mắt nhắm nghiền, sắc mặt nhợt nhạt đáng sợ. Trương Thúy Sơn vừa kinh hãi vừa đau đớn, áp má mình vào mặt sư huynh, cảm thấy còn chút hơi ấm. Chàng cả mừng, đưa tay rờ ngực sư huynh, thấy tim còn đập, tuy rất chậm, lúc đập lúc dừng, mạch có thể mất bất cứ lúc nào.
Trương Thúy Sơn trào lệ, gọi:
– Tam ca, tam ca… sao đến nỗi… Ngũ đệ đây…mà…
Trương Thúy Sơn nhẹ nhàng ôm sư huynh đứng dậy, thấy tứ chi của sư huynh thõng thượt mềm nhũn, thì ra tất cả các khớp tứ chi đã bị bẻ gãy, từ các khớp cổ tay, khuỷu tay, các ngón tay, cổ chân chỉ thấy máu tươi ri rỉ chảy ra, hiển nhiên kẻ địch hạ thủ cách đây chưa lâu, hơn nữa hắn hạ thủ tàn bạo như thế khiến chàng kinh sợ không nỡ nhìn.
Trương Thúy Sơn cảm thấy lửa giận bừng bừng, con ngươi mắt như muốn nổ tung, chàng biết kẻ địch đi chưa xa, bằng con tuấn mã, chàng thừa sức đuổi kịp, trong cơn cuồng nộ chàng chỉ muốn băm vằm kẻ địch thành trăm mảnh; nhưng lại nghĩ, sư huynh phải được cứu chữa sớm chút nào hay chút đó, quân tử báo thù mười năm chưa muộn. Lúc xuống núi, chàng chỉ định sẽ trở lên ngay, nên không mang theo binh khí và túi thuốc, giờ nhìn tình cảnh Du Đại Nham thế này, nếu đi ngựa lắc qua lắc lại, mỗi bước đều làm cho sư huynh đau đớn; chàng liền nhẹ nhàng ôm sư ca lên tay, thi triển khinh công chạy nhanh lên núi. Con tuấn mã lẽo đẽo theo sau, thấy chủ nhân không cưỡi mình, có lẽ nó cũng lấy làm lạ.
Hôm nay là ngày mừng đại thọ vị tổ sư phái Võ Đang Trương Tam Phong tròn chín mươi tuổi. Từ sáng, cung Tử Tiêu đã tràn ngập không khí tưng bừng, sáu đệ tử từ đại đệ tử Tống Viễn Kiều trở xuống đều lần lượt bái thọ sư phụ, trong bảy đệ tử chỉ thiếu Du Đại Nham chưa về. Trương Tam Phong cùng mọi người biết rằng Du Đại Nham hành sự thận trọng, xuống phương nam diệt bọn đạo tặc nọ cũng chẳng phải thuộc loại lợi hại gì cho lắm, nên nghĩ thể nào cũng về kịp. Thế nhưng đợi đến chính Ngọ vẫn chưa thấy Du Đại Nham về tới, ai nấy nóng lòng sốt ruột. Trương Thúy Sơn thưa với sư phụ:
– Để đệ tử xuống núi đón tam ca.
Nào ngờ Trương Thúy Sơn đi chán cũng chẳng đem tin về. Con ngựa Thanh Thông chàng cưỡi là loại cước lực cực nhanh, dù có chạy đến tận Lão Hà Khẩu thì cũng phải trở về nhà rồi. Đằng này đã tới giờ Dậu vẫn chưa thấy tăm hơi. Bàn tiệc từ lâu đã bày sẵn sàng trong đại sảnh, cây nến hồng lớn đã cháy quá nửa, hết thảy mọi người đều cảm thấy bồn chồn lo lắng. Đệ tử thứ sáu Ân Lê Đình, đệ tử thứ bảy Mạc Thanh Cốc cứ sốt ruột đi ra đi vào cung Tử Tiêu không biết bao nhiêu lần. Trương Tam Phong biết rõ tính cách hai đệ tử của mình, Du Đại Nham thận trọng, đáng tin cậy, có thể đảm đương đại sự; Trương Thúy Sơn thì thông minh cơ trí, biện sự nhanh nhẹn, lâu nay không hề do dự chậm chạp, đến lúc này vẫn chưa về tới, hẳn phải có biến cố bất thường.
Tống Viễn Kiều nhìn cây nến hồng, nói:
– Sư phụ, tam đệ và ngũ đệ chắc hẳn gặp chuyện bất bình nên phải ra tay can thiệp đấy thôi! Sư phụ vẫn thường giáo huấn chúng con cần tích đức hành thiện, hôm nay là ngày đại hỉ ngàn thu mới có một lần của lão nhân gia, hai sư đệ có làm được việc nghĩa hiệp thì mới là cách mừng thọ hay nhất.
Trương Tam Phong vuốt bộ râu dài, cười:
– Ha ha, sinh nhật lần thứ tám mươi của ta, ngươi có cứu được một quả phụ đâm đầu xuống giếng, thật là hay! Có điều là cách mười năm mới làm được một việc nghĩa hiệp thì bàn dân thiên hạ phải chờ đợi quá lâu, phát ngán mất thôi.
Năm đệ tử cùng cười rộ. Trương Tam Phong tính tình vui vẻ nên sư đồ vẫn thường cười đùa với nhau.
Đệ tử thứ tư Trương Tòng Khê nói:
– Sư phụ tối thiểu sẽ thọ đến hai trăm tuổi, chúng con cứ mười năm làm được một việc nghĩa hiệp, cộng lại cũng chẳng ít đâu.
Đệ tử thứ bảy Mạc Thanh Cốc cười:
– Ha ha, chỉ sợ bảy đệ tử chúng con không sống lâu được đến ngày ấy…
Y nói chưa dứt câu, Tống Viễn Kiều và đệ tử thứ hai Du Liên Châu cùng bật dậy, chạy ra ngoài hiên, hỏi:
– Tam đệ đó phải không?
Chỉ nghe Trương Thúy Sơn nói:
– Là đệ!
Tiếng thưa có vẻ nghẹn ngào, chỉ thấy chàng hai tay bồng một người tiến vào, mặt đầy vết máu lẫn mồ hôi, đến trước mặt Trương Tam Phong thì quỳ xuống khóc không thành tiếng, nấc lên:
– Sư phụ, tam… tam ca bị ám toán…
Mọi người vô cùng kinh hãi, chỉ thấy Trương Thúy Sơn loạng choạng rồi ngã ngửa ra phía sau. Chàng vừa gắng chạy một chặng đường dài, trong lòng lại quá đau thương, cuối cùng về đến chỗ sư phụ và huynh đệ đồng môn thì hết chịu nổi, ngã lăn ra bất tỉnh.
Tống Viễn Kiều và Du Liên Châu biết rằng Trương Thúy Sơn ngất lịm chỉ vì tâm thần xúc động, lại vừa lao lực quá độ mà ra; còn tam sư đệ Du Đại Nham thì chưa biết sống chết thế nào, hai người không hẹn mà cùng giơ tay bế Du Đại Nham lên, chỉ thấy hơi thở thoi thóp, mạng sống mong manh như sợi tơ.
Trương Tam Phong thấy đệ tử yêu của mình bị thương nghiêm trọng tới mức ấy thì bàng hoàng, không kịp hỏi han, vội vào nội đường lấy ra một bình Bạch hổ đoạt mệnh đan. Miệng bình được gắn kín bằng sáp trắng, lúc này chẳng hơi đâu cạy sáp mở nắp, Trương Tam Phong dùng hai ngón tay trái bóp nhẹ, chiếc bình vỡ luôn, lấy ba viên thuốc màu trắng nhét vào miệng Du Đại Nham. Nhưng Du Đại Nham đã mất hết tri giác, làm sao nuốt xuống được?
Trương Tam Phong dùng hai ngón cái và ngón trỏ của cả hai tay hợp lại thành thế Hạc chủy kình, đầu ngón trỏ ấn vào Long dược khiếu cách vành tai ba phân về phía trên, vận nội lực day nhè nhẹ. Với công lực của mình hiện tại, khi sử dụng Hạc chủy kình điểm Long dược khiếu, Trương Tam Phong sẽ làm cho người mới tắt thở cũng phải hoàn hồn giây lát, đằng này Trương lão day đến hai chục lần mà Du Đại Nham vẫn không động đậy.
Trương Tam Phong khẽ thở dài, hai tay đặt thành kiếm quyết, lòng bàn tay úp xuống, cùng ấn vào huyệt Giáp Xa của Du Đại Nham. Huyệt Giáp Xa nằm ở hai bên má, chỗ hai hàm răng cắn chặt lại. Trương Tam Phong âm thủ điểm vào, lập tức ngửa lòng bàn tay lên, chuyển thành dương thủ, một âm một dương đổi cho nhau, đổi qua đổi lại đến lần thứ mười hai, thì Du Đại Nham mới há miệng ra, từ từ nuốt đan dược vào cổ họng.
Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc từ nãy nín thở lo lắng dõi theo, lúc này cùng reo lên một tiếng a.
Nhưng bắp cơ ở cổ họng Du Đại Nham đã cứng đơ, đan dược vào tới đó mà không xuống bụng. Trương Tòng Khê liền vuốt xuôi cổ họng cho Du Đại Nham, còn Trương Tam Phong thì dùng ngón tay đóng bế hai huyệt Khuyết Bồn và Du Phủ trên vai, hai huyệt Dương Quan và Mệnh Môn ở sau lưng Du Đại Nham, để khi chàng tỉnh dậy sẽ không vì đau đớn quá ở tứ chi mà lại ngất đi.
Tống Viễn Kiều và Du Liên Châu quen thấy sư phụ dù gặp đại sự hung hiểm cách mấy cũng vẫn bình thản như không; vậy mà lần này hai tay Trương lão hơi run, mắt lộ vẻ kinh hoàng, thì hai người biết rằng thương thế của tam sư đệ hẳn là vô cùng nguy kịch.
Lát sau, Trương Thúy Sơn mơ mơ màng màng hồi tỉnh, hỏi:
– Sư phụ, có cứu được tam ca hay chăng?
Trương Tam Phong không trả lời vào câu hỏi, chỉ nói:
– Thúy Sơn, thế gian có ai bất tử?
Chợt có tiếng chân người, rồi một tiểu đồng tiến vào bẩm báo:
– Ngoài kia có một tiêu khách xin cầu kiến tổ sư gia, nói là Đô Đại Cẩm của tiêu cục Long Môn phủ Lâm An.
Trương Thúy Sơn bật dậy, mặt đầy vẻ giận dữ, nói:
– Chính hắn đó!
Đoạn chàng chạy ra ngoài, chỉ nghe mấy tiếng loảng xoảng của binh khí bị quăng xuống đất. Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc đang tính chạy ra trợ giúp sư huynh, thì thấy Trương Thúy Sơn tay phải nắm cổ một đại hán đẩy vào, giúi giúi đầu hắn xuống đất, giận dữ nói:
– Chính kẻ này đã làm hỏng hết mọi sự.
Mạc Thanh Cốc nghe nói kẻ kia làm cho sư ca bị trọng thương, bèn co chân đá Đô Đại Cẩm. Tống Viễn Kiều khẽ quát:
– Hãy khoan!
Mạc Thanh Cốc liền thu chân lại.
Từ bên ngoài có tiếng nói vọng vào:
– Phái Võ Đang các người không cần lý lẽ thì phải? Chúng tôi có hảo ý cầu kiến, sao lại sỉ nhục chúng tôi như thế?
Tống Viễn Kiều cau mày, giơ tay vỗ nhẹ vài cái vào lưng và bả vai Đô Đại Cẩm, giải các huyệt đạo do Trương Thúy Sơn vừa điểm, nói vọng ra:
– Khách ở bên ngoài không nên huyên náo, chờ đó một lát sẽ phân định đúng sai!
Hai câu đó ngữ khí uy nghiêm, nội lực sung mãn; Chúc, Sử tiêu đầu vừa nghe đã khiếp phục ngay, ngỡ rằng Trương Tam Phong lên tiếng ngăn chặn, nên không dám ho he gì nữa.
Tống Viễn Kiều nói:
– Tam đệ bị thương ra sao, ngũ đệ hãy từ từ kể lại coi, đừng vội.
Trương Thúy Sơn quắc mắt nhìn Đô Đại Cẩm, rồi kể lại việc tiêu cục Long Môn nhận lãnh hộ tống Du Đại Nham về núi Võ Đang ra sao, đem giao cho sáu kẻ mạo danh như thế nào. Tống Viễn Kiều đã thấy võ công của Đô Đại Cẩm, sớm biết người như thế quyết không đủ bản lĩnh sát hại Du Đại Nham, huống hồ y còn dám lên đây cầu kiến, ắt thực tâm chứ không phải man trá, nên dịu giọng ôn tồn hỏi kỹ Đô Đại Cẩm về sự việc xảy ra.
Đô Đại Cẩm nhất nhất cứ thực tình thuật lại, cuối cùng rầu rĩ nói:
– Tống đại hiệp, họ Đô tôi biện sự không chu đáo, khiến Du tam hiệp bị thảm họa thế này, tội thật đáng chết. Có điều toàn bộ thân quyến của chúng tôi ở phủ Lâm An hiện giờ không rõ tính mệnh ra sao?
Trương Tam Phong liên tiếp dùng song chưởng đặt lên hai huyệt Thần Tàng và Linh Đài của Du Đại Nham, đem nội lực của mình truyền sang cơ thể chàng, nghe Đô Đại Cẩm nói vậy, liền nói:
– Liên Châu, con hãy cùng Thanh Cốc lập tức đi Lâm An bảo hộ mọi người ở tiêu cục Long Môn.
Du Liên Châu đáp lời, tuy chàng ngạc nhiên, nhưng hiểu ngay lòng từ bi, hiệp nghĩa của sư phụ. Vị họ Ân nọ từng nói rằng nếu để việc hộ tống Du Đại Nham xảy ra nửa phần sơ suất, sẽ giết sạch già trẻ lớn bé ở tiêu cục Long Môn. Câu nói đó nghe chỉ như một lời hăm dọa, nhưng Đô Đại Cẩm và các hảo thủ của tiêu cục đều đi bảo tiêu ở bên ngoài cả rồi, nếu quả gặp nguy biến, sẽ không có ai chống đỡ.
Trương Thúy Sơn nói:
– Sư phụ, gã họ Đô này hành sự hồ đồ ngu xuẩn, để tam sư ca đến nông nỗi này, chúng ta không hỏi tội gã thì thôi, lẽ đâu còn cất công đi bảo hộ gia quyến cho gã nữa?
Trương Tam Phong chỉ lắc đầu, không nói gì. Tống Viễn Kiều nói:
– Ngũ đệ sao hẹp lượng như thế? Đô tổng tiêu đầu bôn ba ngàn dặm tới đây là vì ai?
Trương Thúy Sơn cười nhạt:
– Gã vì hai ngàn lượng vàng, chứ đâu phải vì tử tế với Du tam ca?
Đô Đại Cẩm vừa nghe thì mặt đỏ bừng, nhưng ngẫm ra thì y nhận bảo tiêu chuyến này đích thị là vì khoản tiền công hậu hĩnh.
Tống Viễn Kiều quát:
– Ngũ đệ, không được vô lễ với khách, đệ đã vất vả nửa ngày rồi, mau đi nghỉ đi!
Trong phái Võ Đang, sư huynh có uy quyền rất lớn, Tống Viễn Kiều tính lại đoan nghiêm, từ Du Liên Châu trở xuống ai ai cũng đều kính nể. Trương Thúy Sơn nghe Tống Viễn Kiều trách mắng, không dám cãi nửa lời, nhưng vì lo lắng cho thương thế của Du Đại Nham, nên chưa chịu lui vào nghỉ. Tống Viễn Kiều nói với Du Liên Châu:
– Nhị đệ, sư phụ đã có lệnh, nhị đệ cùng thất đệ phải đi suốt ngày đêm, sự việc khẩn cấp, không được chậm trễ.
Du Liên Châu và Mạc Thanh Cốc đáp lời, vội về phòng mình chuẩn bị binh khí và y phục.
Đô Đại Cẩm thấy Du, Mạc hai người phải gấp đi Lâm An bảo hộ gia quyến của y thì vô cùng xúc động, ôm quyền nói với Trương Tam Phong:
– Trương chân nhân, việc của vãn bối thật không dám làm phiền Du, Mạc nhị hiệp, xin cáo từ!
Tống Viễn Kiều nói:
– Các vị đêm nay hãy tạm nghỉ lại đây, chúng tôi còn vài điều cần thỉnh giáo.
Lời lẽ của Tống Viễn Kiều tuy bình thường nhưng có một vẻ uy nghiêm khiến người ta không dám trái lời. Đô Đại Cẩm đành im lặng, ngồi sang một bên.
Du Liên Châu và Mạc Thanh Cốc bái biệt sư phụ, bịn rịn nhìn nhìn Du Đại Nham mấy lần, rồi mới xuống núi. Lòng họ nặng trĩu, chẳng biết lần này là sinh li hay tử biệt, không biết mai ngày còn gặp lại Du Đại Nham nữa chăng.
Lúc này trong đại sảnh không một tiếng động, chỉ nghe tiếng hít thở nặng nề của Trương Tam Phong, lại thấy nhiệt khí từ đỉnh đầu Trương lão bốc lên như từ cái nồi hấp vậy. Chừng hơn nửa canh giờ sau, bỗng nhiên Du Đại Nham kêu A một tiếng rõ to, vang động cả đại sảnh. Đô Đại Cẩm giật mình, đưa mắt nhìn trộm Trương Tam Phong, thấy mặt Trương lão không lộ vẻ buồn hay vui nên không thể đoán tiếng kêu vừa rồi là lành hay dữ.
Trương Tam Phong chậm rãi nói:
– Tòng Khê, Lê Đình, hai ngươi khiêng tam ca vào phòng nghỉ ngơi đi!
Trương Tòng Khê và Ân Lê Đình đưa Du Đại Nham vào trong phòng rồi trở ra. Ân Lê Đình không nhịn nổi, hỏi:
– Sư phụ, võ công của tam ca có thể phục hồi được toàn bộ không ạ?
Trương Tam Phong thở dài, lát sau mới đáp:
– Y có bảo toàn được tính mạng hay không, phải một tháng sau mới rõ. Gân cốt tứ chi đứt gãy cả, không cách gì nối lại được. Ôi cả một đời, cả một đời…
Nói đoạn, Trương lão buồn bã lắc đầu. Ân Lê Đình đột nhiên khóc òa lên.
Trương Thúy Sơn bật dậy, bốp một tiếng, Đô Đại Cẩm bị đánh một cái bạt tai. Lần này chàng ra tay nhanh như chớp, Đô Đại Cẩm vội giơ tay đỡ nhưng tay đưa ra thì mặt đã trúng chưởng rồi. Trương Thúy Sơn không nén được cơn giận, cùi chỏ trái lại xoay qua thúc luôn vào mạng sườn. Chiêu đó cực nhanh, song Trương Tòng Khê đã kịp đưa tay đẩy nhẹ vào vai Trương Thúy Sơn nên cùi chỏ của chàng chệch ra ngoài. Đô Đại Cẩm vội lùi về phía sau tránh né, chợt nghe kịch một tiếng, thỏi vàng từ trong bọc của y rớt xuống đất.
Trương Thúy Sơn dùng chân trái hất thoi vàng lên, giơ tay bắt lấy, cười khẩy:
– Đồ tham tài vô nghĩa, người ta ném cho ngươi một thoi vàng là ngươi liền giao Du tam ca của ta cho chúng hành hạ…
Lời chưa dứt, chàng đột nhiên kêu Ủa! một tiếng, nhìn đăm đăm năm vết ngón tay hằn trên thoi vàng, nói:
– Đại sư ca, cái này là… là công phu Kim Cương chỉ của phái Thiếu Lâm.
Tống Viễn Kiều cầm thoi vàng xem qua, rồi đưa cho sư phụ. Trương Tam Phong lật qua lật lại, xem kỹ thoi vàng mấy lần, đưa mắt nhìn Tống Viễn Kiều, cả hai không nói một lời.
Trương Thúy Sơn nói to:
– Sư phụ, đây chính là công phu Kim Cương chỉ của phái Thiếu Lâm, thiên hạ làm gì có môn phái thứ hai sử dụng công phu này; phải vậy chăng, sư phụ?
Trong chớp mắt, Trương Tam Phong hồi tưởng thuở thơ ấu mình ở trong Tàng kinh các của Thiếu Lâm tự hầu hạ thiền sư Giác Viễn ra sao, đấu chưởng với Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo như thế nào, rồi bị tăng chúng Thiếu Lâm tự truy bắt phải chạy lên núi Võ Đang, chuyện mấy mươi năm cũ thoáng hiện cả về trong trí nhớ. Vẻ mặt Trương lão lộ vẻ hoang mang, cứ theo vết ngón tay hằn trên thoi vàng này, hiển nhiên là Kim Cương chỉ của phái Thiếu Lâm; Trương Thúy Sơn nói không sai, thế gian này không môn phái thứ hai nào có nổi công phu ấy. Phái Võ Đang ta chuyên luyện nội công thâm hậu, không chú trọng đến môn Ngạnh công nén vàng đập đá; còn các môn phái ngoại gia, dù luyện chưởng lực, quyền lực, cước lực, lực cánh tay, lực chân đá, cho đến việc dùng đầu mà đánh, dùng cùi chỏ mà thúc, dùng đầu gối hoặc cạnh bàn chân, cạnh bàn tay thật cao siêu chăng nữa thì riêng công phu Chỉ lực không thể nào sánh kịp phái Thiếu Lâm.
Nghe Trương Thúy Sơn hỏi thẳng như thế, nếu nói ra sự thật thì các đệ tử quyết chẳng chịu để yên cho phái Thiếu Lâm; mà như vậy thì giữa hai đại môn phái lớn mạnh nhất võ lâm sẽ khó tránh khỏi cơn đại phong ba bão táp.
Trương Thúy Sơn thấy sư phụ trầm ngâm không nói, biết suy nghĩ của mình là đúng, lại hỏi:
– Sư phụ, trong võ lâm có kỳ nhân dị sĩ nào tự luyện thành môn Kim Cương chỉ không?
Trương Tam Phong chậm rãi lắc đầu, nói:
– Phái Thiếu Lâm phải tích lũy kinh nghiệm ngàn năm mới luyện thành tuyệt kỹ này, không thể một sớm một chiều mà xong. Dù là người thông minh tuyệt đỉnh cũng không tài nào tự nghĩ ra nổi.
Ngừng một lát, Trương lão tiếp:
– Hồi ta còn nhỏ ở Thiếu Lâm tự, vì chưa hề được truyền thụ võ công, nên đến giờ vẫn không hiểu nổi làm thế nào mà tấm thân bằng xương bằng thịt, chứ không phải bằng gang bằng sắt, lại có thể luyện ngón tay có sức mạnh đến thế?
Mắt Tống Viễn Kiều bỗng lóe lên một tia sáng khác lạ, nói:
– Gân cốt tứ chi của tam đệ chính là bị Kim Cương chỉ làm đứt gãy rồi!
Ân Lê Đình kêu A một tiếng, mắt rưng rưng rồi lệ chảy thành dòng.
Đô Đại Cẩm nghe nói người tàn hại Du Đại Nham rốt cuộc là đệ tử phái Thiếu Lâm thì càng kinh hoảng, há hốc miệng, lát sau mới nói:
– Không, quyết không thể thế được! Tại hạ học nghệ hơn mười năm ở Thiếu Lâm tự, chưa hề thấy mặt kẻ có nốt ruồi đen kia bao giờ.
Tống Viễn Kiều ngưng thần nhìn y, không lộ thái độ gì, thản nhiên nói:
– Lục đệ hãy đưa Đô tổng tiêu đầu và các huynh đệ Long Môn vào hậu viện nghỉ ngơi, sửa soạn cơm rượu, dặn lão Vương tiếp đãi khách phương xa cho chu đáo, không được sơ suất.
Ân Lê Đình vâng lời, dẫn tiêu đội của Đô Đại Cẩm ra hậu viện. Đô Đại Cẩm còn muốn biện bạch vài câu, nhưng trong tình cảnh ấy dù nửa câu cũng chẳng nói nổi.
Ân Lê Đình lo liệu cho đám tiêu sư xong quay trở lại phòng Du Đại Nham, chỉ thấy tam sư ca mắt mở trừng trừng như kẻ mất trí, còn đâu dáng vẻ anh hùng hào sảng mọi khi, chàng đau đớn thốt lên hai tiếng tam ca rồi ôm mặt chạy ra đại sảnh, thấy Tống Viễn Kiều cùng mấy huynh đệ đang ngồi trước mặt sư phụ, bèn lại ngồi bên cạnh Trương Thúy Sơn.
Trương Tam Phong đăm đăm nhìn cây hòe lớn ngoài sân, lắc đầu nói:
– Việc này ta thật khó nghĩ, Tòng Khê, ngươi nghĩ sao?
Trong bảy đệ tử của phái Võ Đang, Trương Tòng Khê là người túc trí đa mưu hơn cả. Thường ngày Tòng Khê trầm mặc ít nói, nhưng suy tính liệu sự đã nói là đúng. Từ lúc Trương Thúy Sơn ôm Du Đại Nham về tới, tuy trong lòng đau đớn, song Tòng Khê vẫn suy xét mọi chuyện xem bên trong có gì, giờ nghe sư phụ hỏi mới lên tiếng:
– Cứ như đệ tử nghĩ, thủ phạm không phải phái Thiếu Lâm, mà là thanh đao Đồ Long.
Trương Thúy Sơn và Ân Lê Đình cùng à lên một tiếng, Tống Viễn Kiều giục:
– Tứ đệ, sự lý bên trong ra sao, tứ đệ đã suy tưởng minh bạch, mau nói ra để còn xin sư phụ định liệu.
Trương Tòng Khê nói:
– Tam ca hành sự thận trọng, vững vàng, đối xử với người rất hữu hảo, chắc không dễ gây thù chuốc oán. Tam ca đi phương nam diệt trừ bọn đạo tặc đầu trộm đuôi cướp vốn là bọn ai ai trong võ lâm cũng căm ghét, phái Thiếu Lâm quyết không phải vì việc ấy mà hạ thủ với tam ca.
Trương Tam Phong gật gù. Trương Tòng Khê nói tiếp:
– Gân cốt ở tứ chi tam ca bị đứt gãy, đó là ngoại thương; nhưng trước đó tại phủ Lâm An tỉnh Chiết Giang đã bị trúng độc nặng. Đệ tử nghĩ rằng chúng ta trước tiên cần đến Lâm An tra xét xem tam ca bị trúng độc ra sao, ai là kẻ hạ độc?
Trương Tam Phong gật đầu, nói:
– Chất độc mà Đại Nham bị trúng rất quái dị, ta vẫn chưa nghĩ ra đó là chất gì. Lòng bàn tay phải của Đại Nham có bảy cái lỗ nhỏ, đùi có mấy vết kim châm li ti. Trên chốn giang hồ chưa nghe nói có cao thủ nào sử dụng hai loại ám khí kịch độc như vậy.
Tống Viễn Kiều nói:
– Vụ này quái dị thật! Theo lẽ thường mà suy, người phát xạ thứ ám khí nhỏ li ti mà tam đệ không tránh nổi phải là một đệ nhất hảo thủ, nhưng đã là hảo thủ hạng nhất đích thực thì sao lại đi tẩm độc dược vào ám khí?
Mọi người im lặng, ai cũng thầm nghĩ xem nhân vật sử dụng ám khí đó là thuộc môn phái nào. Một lúc sau cả năm người chỉ nhìn nhau, không nghĩ được là ai cả.
Trương Tòng Khê nói:
– Tại sao kẻ mặt có nốt ruồi lại đánh gãy gân cốt của tam ca? Nếu hắn có thù oán với tam ca thì chỉ cần một chưởng cũng đủ giết được rồi; còn nếu hắn muốn cho tam ca thêm khổ sở đau đớn, vậy sao không đánh gãy xương sống, xương sườn? Vì sao thì đã rõ: hắn chỉ muốn bức tam ca phải cung khai. Vậy hắn cần hỏi điều gì? Cứ như đệ tử suy tưởng, ắt hẳn là về thanh đao Đồ Long. Đô Đại Cẩm đã kể, một trong sáu người nọ có hỏi Thanh đao Đồ Long đâu? Hiện trong tay ai?
Ân Lê Đình nói:
– Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng, Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong. Câu này lưu truyền đã mấy trăm năm, chẳng lẽ đến nay mới xuất hiện thanh đao Đồ Long hay sao?
Trương Tam Phong nói:
– Không phải mấy trăm năm, cùng lắm chỉ bảy, tám chục năm thôi! Hồi ta còn trẻ chưa từng nghe thấy mấy câu đó.
Trương Thúy Sơn nhỏm dậy, nói:
– Tứ ca nói rất đúng, thủ phạm tàn hại tam ca ắt chỉ ở vùng Giang Nam, chúng ta phải tìm cho ra hắn! Song tên ác tặc phái Thiếu Lâm hạ thủ tàn ác như thế, chúng ta cũng quyết không thể bỏ qua cho hắn.
Trương Tam Phong nói với Tống Viễn Kiều:
– Viễn Kiều, ngươi thấy trước mắt phải tính sao?
Mấy năm gần đây, mọi việc của phái Võ Đang, Trương Tam Phong đều trao cho Tống Viễn Kiều định liệu; vị đại đệ tử này làm việc gì cũng chu đáo mực thước, không để sư phụ phải bận tâm. Nghe sư phụ hỏi, y đứng dậy cung kính nói:
– Việc này không đơn thuần chỉ báo cừu rửa hận cho tam đệ, mà còn liên quan đến đại sự của bổn phái; chỉ cần ứng phó kém thích đáng một chút thôi, e rằng có thể gây ra phong ba bão táp trong võ lâm, kính mong sư phụ chỉ dạy.
Trương Tam Phong nói:
– Được! Ngươi cùng Tòng Khê và Lê Đình mang thư của ta đến Thiếu Lâm tự trên núi Tung Sơn bái kiến phương trượng Không Văn thiền sư, trình bày việc này, thỉnh phương trượng chỉ thị. Vụ này chúng ta khỏi cần nhúng tay, Thiếu Lâm tự quy củ nghiêm cẩn, phương trượng Không Văn là bậc võ lâm vọng trọng, ắt sẽ có cách xử lý thích đáng.
Tống Viễn Kiều, Trương Tòng Khê và Ân Lê Đình ba người cùng đứng nghiêm vâng lệnh.
Trương Tòng Khê nghĩ thầm: Nếu chỉ là mang một lá thư, thì chỉ cần sai lục đệ đi cũng đủ; đằng này sư phụ bảo đại sư ca xuất mã, còn sai ta đi theo, bên trong chắc có thâm ý. Có lẽ đề phòng việc Thiếu Lâm tự muối mặt không nhận, nên để bọn mình tùy cơ hành sự.
Quả nhiên Trương Tam Phong nói tiếp:
– Bổn phái và phái Thiếu Lâm đôi bên có mối liên quan khá đặc thù. Ta vốn là đồ đệ đào tẩu khỏi Thiếu Lâm tự. Bao năm rồi, có lẽ họ nghĩ ta tuổi tác đã cao, nên họ không đến đây bắt về, tuy nhiên đôi bên dầu sao cũng có chỗ không thuận thảo.
Nói tới đây, Trương lão ngừng lại, mỉm cười, rồi tiếp:
– Các ngươi đến Thiếu Lâm tự, đối với phương trượng Không Văn thiền sư dĩ nhiên phải cung kính, song cũng không nên làm mất thanh danh của bổn môn.
Ba đệ tử cùng lên tiếng vâng lệnh.
Trương Tam Phong quay sang Trương Thúy Sơn:
– Thúy Sơn, sáng mai ngươi đi Giang Nam tìm cách tra xét, mọi việc hãy nghe nhị sư ca phân phó.
Trương Thúy Sơn xuôi tay vâng lệnh.
Trương Tam Phong nói:
– Chung rượu thọ đêm nay thôi khỏi uống. Một tháng sau, tất cả sẽ tề tựu về đây, giả dụ không cứu chữa được cho Đại Nham thì sư huynh sư đệ cũng được nhìn thấy y lần cuối.
Nói tới đây, Trương lão không khỏi bùi ngùi, không ngờ mình lừng lẫy võ lâm suốt mấy mươi năm, đến khi tròn chín mươi tuổi, một đệ tử tâm ái lại gặp chuyện bất hạnh nhường này. Ân Lê Đình đưa tay áo gạt lệ, khóc rưng rức. Trương Tam Phong phất tay áo một cái, nói:
– Tất cả đi ngủ.
Tống Viễn Kiều nói:
– Sư phụ, tam sư đệ một đời hành hiệp trượng nghĩa, tích đức thật dày. Cổ nhân dạy rằng ở hiền gặp lành. Trời xanh có mắt, ắt không để sư đệ phải… yểu… mệnh…
Nói đến đó thì lệ chảy ròng ròng, biết rằng có tìm cách an ủi càng làm cho sư phụ thêm thương cảm, bèn cùng các sư đệ chúc sư phụ ngủ ngon rồi chia nhau về phòng.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 01 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 02 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 03 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 04 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 05 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 06 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 07 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 08 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 09 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 10 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 11 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 12 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 13 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 14 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 15 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 16 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 17 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 18 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 19 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 20 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 21 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 22 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 23 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 24 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 25 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 26 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 27 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 28 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 29 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 30 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 31 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 32 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 33 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 34 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 35 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 36 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 37 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 38 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 39 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 40 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 41 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, toàn tập tại đây.