Ỷ thiên đồ long ký | Chương 24
Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.
· 109 phút đọc.
Trương Vô Kỵ nghĩ không biết huynh đệ Tống sư bá từ Tây Vực đã về đến núi Võ Đang hay chưa, suốt dọc đường chàng không hề nghe tin gì của họ; nếu họ gặp biến cố, ở trên núi chỉ có thái sư phụ cùng một số đệ tử đời thứ ba, tam sư bá Du Đại Nham tàn phế nằm đó, cường địch kéo tới thì làm sao chống đỡ nổi? Nghĩ đến đó, chàng bất giác thấy trong lòng như bị lửa đốt, bèn lớn tiếng nói:
– Các vị tiền bối, huynh trưởng, phái Võ Đang là nơi tiên phụ xuất thân, thái sư phụ đối với tại hạ ơn nặng như núi. Hiện nay đang gặp đại nạn, cứu binh như cứu hỏa, sớm chừng nào hay chừng đó. Mời Vi Bức Vương cùng bổn nhân đi cứu viện trước, các vị kế tiếp chia ra tới sau, mọi việc phiền Dương tả sứ và ngoại công sắp xếp cho.
Nói đoạn chàng chắp tay từ biệt, vọt luôn ra khỏi cổng chùa.
Vi Nhất Tiếu thi triển khinh công, sóng vai chàng mà đi. Tiếng đáp ứng của quần hào chưa dứt thì hai người đã ra khỏi cổng Thiếu Lâm tự; khinh công của họ đẹp như thế, nhanh như thế, trên đời thật không có người thứ ba sánh kịp.
Hai người không dám hao phí một khắc, chân không ngừng bước, chạy một mạch mấy chục dặm. Ban đầu Vi Nhất Tiếu không thua chút nào, nhưng càng lâu nội lực dần dần giảm sút. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Lộ trình tới núi Võ Đang còn rất xa, không thể cứ chạy mãi không nghỉ thế này, huống hồ còn phải giữ sức đối phó với cường địch, bèn nói với Vi Nhất Tiếu:
– Đến thị trấn đằng trước, mình tìm mua hai con ngựa cưỡi để dưỡng sức.
Vi Nhất Tiếu cũng định như thế từ lâu, chỉ là chưa tiện nói ra, đáp:
– Giáo chủ, mua bán ngựa tốn nhiều thời gian lắm.
Chẳng mấy chốc, hai người thấy từ phía trước có năm sáu người cưỡi ngựa chạy tới, Vi Nhất Tiếu liền tung mình nhảy lên, thộp ngực hai kỵ sĩ, nhẹ nhàng đặt xuống đất, gọi:
– Giáo chủ, lên nào.
Trương Vô Kỵ ngần ngừ, nghĩ bụng chặn đường cướp ngựa thế này có khác gì bọn cường đạo? Vi Nhất Tiếu nói:
– Làm chuyện lớn đừng câu nệ tiểu tiết, họ còn nhiều ngựa mà.
Vừa nói Vi Nhất Tiếu lại quẳng thêm hai kỵ sĩ khác xuống đất.
Mấy người ấy cũng có chút võ nghệ, họ chửi bới ầm ỹ, rút binh khí ra toan động thủ. Vi Nhất Tiếu hai tay cầm cương bốn con ngựa, giơ chân đá bay hết vũ khí của bốn người kia. Một người quát:
– Hảo hán gì mà cậy mạnh cướp đường, có giỏi thì để lại tên tuổi đi!
Trương Vô Kỵ nghĩ nếu còn dùng dằng ắt sẽ càng đắc tội thêm với người ta, bèn nhảy lên lưng ngựa, cùng Vi Nhất Tiếu mỗi người giong thêm một con, quất ngựa phóng thẳng. Bốn người kia hò hét chửi bới, song không dám đuổi theo.
Trương Vô Kỵ nói:
– Chúng ta tuy lâm vào hoàn cảnh chưa có cách nào khác, nhưng không chừng người ta cũng đang có việc gấp, chúng ta hành động như thế, bản thân trong bụng thật không an.
Vi Nhất Tiếu cười, nói:
– Giáo chủ, việc nhỏ này đâu có đáng gì? Hồi trước Minh giáo hành sự cứ gọi là tha hồ hoành hành, khỏi cần e dè gì hết.
Nói rồi cười ha hả. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Minh giáo bị người ta coi là tà ma dị giáo cũng có lý do. Nhưng thế nào là chính, thế nào là tà, cũng khó mà xác luận. Chàng nghĩ mình gánh vác trọng nhiệm giáo chủ, nhưng kiến thức nông cạn, rất nhiều việc chưa quyết đoán được, đơn cử chuyện nhỏ là đoạt ngựa, còn do dự hồi lâu; dù võ công cao cường, nhưng việc thiên hạ há chỉ dựa vào vũ lực là xong ư? Nghĩ đến đó, chàng chỉ mong sớm đón được Tạ Tốn về để chàng có thể trút bỏ gánh nặng trên vai, quả thực cũng không muốn gánh vác trọng trách nữa.
Đúng lúc ấy, bỗng thấy bóng người thấp thoáng, rồi có hai kẻ nhảy ra chặn đường, tay cầm gậy sắt. Vi Nhất Tiếu quát to:
– Tránh ra!
Chiếc roi ngựa xoay vòng tròn, y giục ngựa xông tới. Một tên giơ gậy gạt roi ngựa, tên thứ hai huýt sáo, tay trái vung gậy đánh ngựa. Con ngựa Vi Nhất Tiếu đang cưỡi hoảng sợ, dựng hai vó trước lên. Ngay lúc ấy, từ trong lùm cây có thêm bốn hắc y hán tử nhảy ra, nhìn thân pháp có vẻ đều là các hảo thủ. Vi Nhất Tiếu nói to:
– Giáo chủ cứ đi trước, để lũ chuột nhắt này cho thuộc hạ xử lý.
Trương Vô Kỵ thấy mấy tên kia có ý ngăn chặn cứu binh của phái Võ Đang, dụng tâm ác độc chỉ nhìn thoáng qua là biết; lúc này phái Võ Đang đang nguy nan, chàng biết Vi Nhất Tiếu võ công cũng như khinh công đều xuất chúng, đủ sức thanh toán bọn này, nếu không thắng thì cũng tự thoát đi được; thế là chàng bèn kẹp hai đùi, giục ngựa xông tới. Hai hắc y hán tử giơ gậy sắt chặn trước đầu ngựa. Trương Vô Kỵ cúi xuống, đoạt luôn hai cây gậy sắt, thuận tay quăng đi. Chỉ nghe hai tiếng Ối! Ối! hai hán tử đã bị gậy sắt quật gãy xương đùi, ngã quỵ xuống đất. Chàng thấy bốn tên kia võ công không kém, lo rằng khi mình đi rồi, một mình Vi Nhất Tiếu khó bề xoay xở với cường địch, nên ra tay thanh toán trước hai tên.
Núi Tung Sơn và núi Võ Đang tuy ở hai tỉnh Dự, Ngạc khác nhau, song một ở Dự Tây, một ở Ngạc Bắc, cách nhau không xa. Sau khi qua Mã Sơn Khẩu, đường về phía nam toàn là đồng bằng, ngựa phóng nhanh, chỉ giữa trưa đã tới Nội Hương. Trương Vô Kỵ đói cồn cào, bèn ghé một cái chợ mua bánh bao ăn đỡ, bỗng nghe con ngựa chàng dắt theo hí lên một tiếng thảm thiết, chàng ngoảnh nhìn lại thì thấy một con dao nhọn cắm ngập trong bụng con ngựa, một bóng người thoáng qua ở góc đường rồi biến mất.
Trương Vô Kỵ phi thân đuổi theo, chộp được gã kia, lại là một hắc y hán tử, vạt áo còn ướt máu ngựa. Chàng quát hỏi:
– Ngươi là thủ hạ của ai? Thuộc môn phái, bang hội nào? Đại đội nhân mã của các ngươi đã tới núi Võ Đang hay chưa?
Chàng hỏi liền mấy câu, kẻ kia chỉ nhắm mắt không trả lời. Trương Vô Kỵ không dám dùng dằng, bụng nghĩ thầm cứ đến núi Võ Đang sẽ biết mọi chuyện, bèn giơ tay điểm huyệt Đại Chùy, khiến hắn phải đau đớn khổ sở ba ngày ba đêm cho biết.
Chàng giục ngựa chạy một mạch đến Tam Quan Điện, qua sông Hán Thủy đi xuống phía nam. Thuyền ra giữa dòng, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, chàng lại nhớ năm xưa thái sư phụ đưa mình đến Thiếu Lâm tự cầu chữa bệnh không xong đành phải quay về, trên dòng sông này gặp Thường Ngộ Xuân, lại cứu được Chu Chỉ Nhược. Trong óc chàng hiện lên hình bóng kiều diễm của nàng ta, đôi mắt long lanh nhìn chàng đắm đuối khi ở trên đỉnh Quang Minh, thì bất giác ngẩn ngơ.
Qua Hán Thủy, chàng tiếp tục phóng ngựa xuôi nam. Lúc này trời đã nhá nhem, mọi vật chỉ còn mờ mờ, chạy thêm một canh giờ nữa trong đêm tối không ánh trăng sao, con ngựa kiệt sức khuỵu xuống. Chàng vỗ vỗ lưng nó, nói:
– Ngựa ơi, ngựa ơi, ngươi nghỉ lại một chút, rồi muốn đi đâu thì đi!
Đoạn chàng thi triển khinh công phóng đi.
Chạy bộ đến canh tư, chợt nghe văng vẳng tiếng vó ngựa phía trước, rõ ràng có một đám người khá đông đang đi. Chàng gia tăng cước bộ, lướt ngang qua đám người đó. Thân pháp chàng đã nhanh và nhẹ, lại nhờ đêm tối, nên không ai phát giác được chàng. Nhìn hướng đi của đám này chính là đang lên núi Võ Đang, hơn hai chục người ngậm tăm mà đi, chẳng thể đoán biết lai lịch thế nào, song đều mang binh khí, chắc chắn là đối địch với phái Võ Đang. Trương Vô Kỵ cảm thấy an tâm hơn: Như vậy là mình đuổi kịp bọn chúng, phái Võ Đang vẫn chưa bị tấn công.
Chạy thêm nửa canh giờ, trước mặt lại có một đám người đi lên núi Võ Đang. Cứ thế trước sau chàng vượt qua năm tốp người, tốp nhiều hơn ba chục, tốp ít cũng phải mươi kẻ. Sau khi vượt qua tốp thứ năm, chàng bỗng lo lắng: Không biết đã có bao nhiêu tốp lên đến nơi? Đã có đám nào động thủ với người của bổn phái hay chưa?
Chàng tuy không phải đệ tử phái Võ Đang, nhưng vì gốc tích của phụ thân, nên vẫn coi phái Võ Đang là môn phái của mình. Nghĩ thế rồi, chàng càng chạy nhanh hơn.
Chẳng mấy chốc chàng đã lên gần đến nơi, cũng may không gặp thêm bọn địch nào. Chợt thấy phía trước có một người đang phóng nhanh, đầu trọc, tay áo rộng, là một tăng nhân khinh công cực giỏi. Trương Vô Kỵ bám theo sau cách một quãng, để xem động tĩnh.
Tăng nhân kia lên tới đỉnh núi, thì nghe có tiếng quát hỏi:
– Bằng hữu ở lộ nào đang đêm lên núi Võ Đang?
Tiếng quát chưa dứt, từ sau khe đá vụt ra bốn người, hai đạo sĩ, hai tục gia, đều là đệ tử đời thứ ba và thứ tư của phái Võ Đang.
Tăng nhân kia chắp tay nói:
– Thiếu Lâm tăng nhân Không Tướng, có chuyện khẩn cấp xin cầu kiến Võ Đang Trương chân nhân.
Trương Vô Kỵ hơi ngạc nhiên: Thì ra vị này là đại sư tiền bối thuộc hàng chữ Không của phái Thiếu Lâm, là sư huynh đệ ngang vai với ba vị đại thần tăng Không Văn, Không Trí, Không Tính. Vị này không ngại vất vả chạy lên núi Võ Đang, hẳn là đến báo tin.
Một đạo sĩ phái Võ Đang nói:
– Đại sư đường xa tân khổ, xin quá bộ vào tệ quán dùng trà.
Nói xong đi trước dẫn đường. Không Tướng cởi giới đao đeo bên hông, giao cho đạo sĩ thứ hai, tỏ ý không dám mang theo binh khí.
Trương Vô Kỵ thấy đạo sĩ dẫn Không Tướng vào điện Tam Thanh trong cung Tử Tiêu, chàng bèn nấp bên ngoài cửa sổ. Lại nghe Không Tướng nói to:
– Xin đạo trưởng lập tức bẩm báo với Trương chân nhân là sự việc khẩn cấp, không thể chậm trễ một khắc!
Đạo sĩ nói:
– Đại sư đến không đúng lúc, tệ sư tổ tọa quan từ năm ngoái, đến nay đã hơn một năm, đệ tử bản phái cũng lâu rồi chưa được nhìn thấy dung nhan của lão nhân gia.
Không Tướng nói:
– Nếu vậy, phiền thông báo cho Tống đại hiệp.
Đạo sĩ đáp:
– Đại sư bá cùng chư vị sư thúc liên minh với quý phái, viễn chinh Minh giáo chưa về.
Trương Vô Kỵ nghe câu viễn chinh Minh giáo chưa về thì lo sợ, quả nhiên huynh đệ Tống Viễn Kiều đã gặp biến cố dọc đường.
Chỉ nghe Không Tướng thở dài, nói:
– Nếu thế thì phái Võ Đang cũng như phái Thiếu Lâm, hôm nay khó tránh khỏi kiếp nạn mất thôi.
Đạo sĩ chưa hiểu ý khách, nói:
– Sự vụ trong tệ phái, hiện do Cốc Hư Tử sư huynh chủ trì, bần đạo sẽ đi thông báo ngay, mời Cốc sư huynh ra tham kiến đại sư.
Không Tướng hỏi:
– Cốc Hư đạo trưởng là đệ tử của vị nào vậy?
Đạo sĩ đáp:
– Là đệ tử của Du tam sư thúc.
Không Tướng nhướn đôi mày dài, nói:
– Du tam hiệp tay chân bị thương, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, lão tăng có vài câu thôi, để nói với Du tam hiệp cũng được.
Đạo sĩ đáp:
– Vâng, xin theo lời chỉ giáo của đại sư.
Rồi quay mình đi vào bên trong.
Không Tướng ở trong sảnh, đi đi lại lại, rõ ràng hết sức sốt ruột, chốc chốc lại dỏng tai nghe ngóng, có lẽ đang lo sợ kẻ địch tấn công lên núi. Lát sau đạo sĩ bước nhanh ra, cúi mình nói:
– Du tam sư thúc có lệnh mời, nói là xin đại sư lượng thứ tội không thể ra nghênh tiếp.
Lúc này cử chỉ thần thái của đạo sĩ so với lúc đầu cung kính hơn hẳn, chắc là Du Đại Nham nghe báo có cao tăng thuộc hàng chữ Không của phái Thiếu Lâm tới đây nên dặn đạo sĩ lễ mạo phải thập phần chu đáo. Không Tướng gật đầu, theo đạo sĩ đi vào ngọa phòng của Du Đại Nham.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Tam sư bá tứ chi tàn phế, tai mắt ắt linh mẫn hơn nhiều lần. Nếu ta đến bên cửa sổ nghe trộm, e rằng sẽ bị phát giác. Chàng tới cách ngọa phòng của Du Đại Nham vài trượng bèn dừng lại.
Sau khoảng thời gian bằng uống một chén trà, đạo sĩ kia lật đật ra khỏi phòng Du Đại Nham, gọi khẽ:
– Thanh Phong, Minh Nguyệt, qua bên này!
Có hai đạo đồng tới trước mặt đạo sĩ, nói:
– Sư thúc!
Đạo sĩ nói:
– Chuẩn bị cáng, tam sư thúc cần ra ngoài.
Hai đạo đồng vâng lệnh đi ngay.
Trương Vô Kỵ từng ở trên núi Võ Đang mấy năm, gã đạo sĩ kia là đệ tử Du Liên Châu mới thu nhận nên chàng không biết, song chàng biết rõ hai đạo đồng Thanh Phong, Minh Nguyệt, biết rằng mỗi khi Du Đại Nham sư bá cần ra ngoài đều phải nằm võng do hai đạo đồng ấy khiêng đi. Thấy hai đạo đồng đi tới phòng để võng, Trương Vô Kỵ bèn lặng lẽ theo sau, khi họ vào trong phòng, liền gọi:
– Thanh Phong, Minh Nguyệt, nhận ra ta chứ?
Hai đạo đồng giật mình hoảng sợ, chăm chú nhìn Trương Vô Kỵ, thấy quen quen, nhưng nhất thời chưa nhận ra. Trương Vô Kỵ cười, nói:
– Ta là Vô Kỵ tiểu sư thúc đây, các ngươi quên rồi ư?
Hai đạo đồng liền nhớ ra, cả mừng reo lên:
– Ôi, tiểu sư thúc đã về! Tiểu sư thúc khỏi bệnh rồi ư?
Vô Kỵ và hai người này cùng trạc tuổi, trước kia thường chơi đùa với nhau.
Trương Vô Kỵ nói:
– Thanh Phong, để ta giả làm ngươi đến khiêng tam sư bá, xem ông ấy có nhận ra ta không?
Thanh Phong do dự:
– Việc đó… không được đâu.
Trương Vô Kỵ nói:
– Tam sư bá thấy ta khỏi bệnh trở về, tất sẽ rất mừng, lẽ nào lại trách mắng ngươi?
Hai đạo đồng biết là từ tổ sư Trương Tam Phong trở xuống đến Võ Đang lục hiệp đều rất sủng ái đối với vị tiểu sư thúc này; nay chàng khỏi bệnh trở về, đúng là đại hỉ sự, chàng muốn nghịch ngợm một chút để làm vui lòng Du Đại Nham đang bệnh, cũng không có gì là mạo phạm. Minh Nguyệt cười nói:
– Tiểu sư thúc bảo sao thì cứ làm vậy!
Thanh Phong cười hì hì, cởi đạo bào, giày, xà cạp để Trương Vô Kỵ thay đồ. Minh Nguyệt thì giúp Trương Vô Kỵ tết một cái búi tóc. Trong giây lát chàng đã hóa thành một đạo đồng. Minh Nguyệt nói:
– Nếu tiểu sư thúc mạo nhận Thanh Phong mà tướng mạo không giống thì cứ nói là một đệ tử mới được thu nhận vào đạo quán. Thanh Phong bị ngã trẹo chân nên đi khiêng thay.
Trương Vô Kỵ cười nói:
– Hay lắm…
Đạo sĩ ở bên ngoài quát mắng:
– Hai thằng nhãi còn cười đùa gì trong đó mà lâu thế, có mau ra không thì bảo!
Trương Vô Kỵ và Minh Nguyệt lè lưỡi, nhấc võng lên đi tới phòng Du Đại Nham.
Hai người đỡ Du Đại Nham ngồi vào võng, Du Đại Nham vẻ mặt rất trịnh trọng, cũng chẳng để ý xem đạo đồng này là ai, nói:
– Đến ngôi nhà nhỏ hậu sơn, gặp tổ sư gia gia!
Minh Nguyệt đáp:
– Vâng!
Rồi nâng cáng bước đi, Trương Vô Kỵ khiêng đằng sau. Du Đại Nham chỉ nhìn sau lưng Minh Nguyệt chứ không thấy Trương Vô Kỵ. Không Tướng đi theo ngang bên cáng, cùng ra hậu sơn. Gã đạo sĩ kia không được Du Đại Nham gọi tới nên không dám đi cùng.
Nơi Trương Tam Phong bế quan tịnh tu là một ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong rừng trúc ở hậu sơn, cây lá um tùm, xanh mát, ngoài tiếng chim hót, không có âm thanh gì khác. Minh Nguyệt và Trương Vô Kỵ khiêng Du Đại Nham tới trước cửa ngôi nhà nhỏ, đặt võng xuống. Du Đại Nham sắp lên tiếng cầu kiến thì chợt nghe từ bên trong vọng ra giọng nói già cả của Trương Tam Phong:
– Vị cao tăng nào của phái Thiếu Lâm quang lâm hàn cư, lão đạo không kịp nghênh đón, mong thứ lỗi cho.
Nghe kẹt một tiếng, cánh cửa trúc mở rộng, Trương Tam Phong thong thả bước ra. Không Tướng lộ vẻ ngạc nhiên, Trương Tam Phong làm sao nhận biết được khách tới thăm là người của phái Thiếu Lâm, hay là gã đạo sĩ đã cho người bẩm báo trước rồi chăng? Du Đại Nham thì biết rằng võ công của sư phụ ngày càng tinh thâm; chỉ nghe tiếng bước chân của Không Tướng là đã nhận biết được môn phái và mức độ tu luyện nông sâu.
Nội công của Trương Vô Kỵ vượt xa Không Tướng, từ thực hóa hư, từ chân thuần trở về chất phác, toàn bộ cử chỉ, ánh mắt, bước chân, giọng nói, đều không để lộ chút sơ hở nên Trương Tam Phong không thể nhận biết. Chàng thấy thái sư phụ tuy hồng hào nhưng râu tóc bạc phơ, so với hồi chia tay năm xưa quả đã già thêm vài phần; lòng chàng vừa hoan hỉ, vừa bi thương, nước mắt tự nhiên rưng rưng, phải vội ngoảnh mặt đi.
Không Tướng chắp tay, nói:
– Tiểu tăng Thiếu Lâm là Không Tướng, tham kiến tiền bối Võ Đang Trương chân nhân!
Trương Tam Phong chắp tay đáp lễ, nói:
– Không dám, đại sư khỏi cần đa lễ, xin mời vào đàm đạo.
Cả năm người bước vào nhà, thấy trên bàn có một bình trà, một chén uống trà, dưới đất một cái bồ đoàn, trên tường treo thanh kiếm gỗ, ngoài ra không có gì khác. Trên bàn và dưới nền nhà đầy bụi bặm.
Không Tướng nói:
– Trương chân nhân, phái Thiếu Lâm gặp phải kiếp nạn ngàn năm qua chưa từng gặp, bổn phái từ phương trượng Không Văn sư huynh trở xuống, người thì tuẫn nạn trong cuộc chiến bảo vệ chùa, người thì bị địch bắt hết cả, chỉ còn một mình tiểu tăng liều mạng chạy thoát. Đại đội binh mã Ma giáo đang tiến lên núi Võ Đang, tồn vong vinh nhục của võ lâm Trung nguyên hôm nay chỉ còn trông cậy vào một mình Trương chân nhân mà thôi.
Nói xong Không Tướng khóc ầm lên.
Trương Vô Kỵ bị chấn động mạnh. Chàng biết rõ phái Thiếu Lâm bị tai họa, nhưng cũng không dám ngờ lại đến nỗi toàn phái bị tiêu diệt sạch như vậy.
Ngay cả Trương Tam Phong tu luyện cả trăm năm mà khi nghe tin này cũng cả kinh, hồi lâu không nói nên lời, định thần rồi, mới hỏi:
– Ma giáo ngang ngược như thế thật quá đáng, nhưng phái Thiếu Lâm có rất nhiều cao thủ, sao lại đến nỗi sa hết vào độc thủ của Ma giáo?
Không Tướng nói:
– Không Trí, Không Tính hai vị sư huynh dẫn môn hạ đệ tử cùng năm đại môn phái Trung nguyên ước hẹn tây chinh, vây đánh đỉnh Quang Minh. Tăng chúng ở lại chùa ngày ngày mong chờ tin vui. Hôm đó dưới chân núi báo lên, đoàn quân viễn chinh đại thắng trở về. Phương trượng Không Văn sư huynh nghe tin cả mừng, dẫn đệ tử trong chùa ra nghênh đón; quả nhiên thấy Không Trí, Không Tính hai vị sư huynh đưa môn hạ đệ tử về chùa, lại còn dẫn theo mấy trăm tù binh nữa. Mọi người vào đại viện, phương trượng hỏi han tình hình chiến thắng, Không Trí sư huynh cứ ấp a ấp úng, Không Tính sư huynh đột nhiên kêu lên: Sư huynh hãy cẩn thận, chúng sư đệ đã rơi vào tay người ta rồi, bọn tù binh kia là địch đóng giả đấy… Phương trượng còn đang sửng sốt thì bọn tù binh giả nhất tề rút binh khí tấn công. Đệ tử bổn phái một là trở tay không kịp; hai là các hảo thủ tây chinh bị địch chế ngự rồi, những người ở lại chùa vừa ít vừa yếu, mọi cửa ngõ của đại viện đều bị địch ngăn chặn, sau một hồi chiến đấu ác liệt, chúng tôi bị đánh tơi tả, Không Tính sư huynh tuẫn nạn tại chỗ…_
Nói tới đây, Không Tướng khóc nấc không thành tiếng.
Trương Tam Phong xót xa nói:
– Bọn Ma giáo tàn độc, lại thực hiện ác kế như thế, ai đề phòng cho nổi?
Không Tướng cởi cái bọc màu vàng đeo sau lưng, mở bọc, bên trong là lớp vải dầu, mở lớp vải dầu thì lộ ra một cái thủ cấp, mắt tròn trợn ngược, mặt đầy vẻ phẫn nộ, chính là một trong ba đại thần tăng của phái Thiếu Lâm – Không Tính đại sư. Trương Tam Phong và Trương Vô Kỵ đều biết mặt Không Tính, thoạt nhìn cũng cùng kêu Ối lên một tiếng.
Không Tướng khóc, nói:
– Tiểu tăng liều chết cướp được pháp thể của Không Tính sư huynh. Trương chân nhân, mối đại cừu này ta phải làm sao đây?
Nói xong cung kính đặt thủ cấp của Không Tính trên bàn mà quỳ lạy. Trương Tam Phong buồn rầu cúi mình, chắp tay hành lễ.
Trương Vô Kỵ nhớ lại buổi tỷ võ trên đỉnh Quang Minh, Không Tính thần tăng khẳng khái lỗi lạc, hào khí hơn người, không hổ là đường đường tông sư một đời của phái Thiếu Lâm, đâu ngờ bị kẻ gian hãm hại, đầu một nơi thân một nẻo thế này nên chàng cảm thấy quá đau lòng.
Trương Tam Phong thấy Không Tướng quỳ hồi lâu chưa đứng dậy, cứ khóc lóc thảm thiết, bèn giơ tay đỡ lên, nói:
– Không Tướng sư huynh, Thiếu Lâm Võ Đang vốn là một nhà, thù này không thể không báo…
Mới nói đến chữ báo, bỗng hự một tiếng, hai tay của Không Tướng đã cùng đánh thẳng vào bụng dưới của Trương Tam Phong.
Biến cố đó diễn ra đột ngột. Võ công của Trương Tam Phong tuy đã tới cảnh giới tối cao muốn sao được vậy, nhưng đâu có ngờ một cao tăng Thiếu Lâm mang mối huyết cừu, từ xa đến báo tin, tự dưng lại đột ngột tập kích mình? Thoạt tiên Trương lão còn ngỡ Không Tướng bi thương quá độ đâm ra tâm trí mơ hồ, hỗn loạn, nhìn người thành kẻ thù; nhưng ngay lập tức Trương lão hiểu rằng không phải vậy, chưởng lực đánh vào bụng mình chính là thần công ngoại môn Kim cương bát nhã chưởng của phái Thiếu Lâm, khi ra đòn gã Không Tướng kia đã dốc toàn lực, khóe miệng lộ một nụ cười hiểm độc đắc ý.
Trương Vô Kỵ, Du Đại Nham, Minh Nguyệt ba người hoàn toàn bị bất ngờ về biến cố đó, cứ ngây người ra. Du Đại Nham khổ nỗi thân thể tàn phế, không thể giúp gì cho sư phụ. Còn Trương Vô Kỵ trẻ người non dạ, trong giây lát ấy vẫn chưa thể hiểu rằng Không Tướng toan dùng một chiêu giết chết ngay thái sư phụ. Hai người vừa kêu lên hốt hoảng thì Trương Tam Phong chưởng trái đã vỗ bộp một cái xuống thiên linh cái của Không Tướng. Chưởng này mềm như bông nhưng lại cứng hơn sắt, Không Tướng tức thì vỡ sọ, sụm xuống như một đống bùn, chết tươi không kịp kêu một tiếng.
Du Đại Nham vội gọi:
– Sư phụ, lão nhân gia…
Chỉ thấy Trương Tam Phong ngồi xuống, nhắm mắt, trong giây lát từ đỉnh đầu bốc lên làn hơi trắng mỏng, rồi đột nhiên há mồm thổ ra một ngụm máu tươi.
Trương Vô Kỵ kinh hãi, biết thái sư phụ bị thương không phải nhẹ; nếu là thổ ra máu bầm, thì với nội công vô cùng thâm hậu, Trương lão chỉ sau vài ngày sẽ bình phục; đằng này thổ ra máu tươi, lại phun ồng ộc thế kia, tức là tạng phủ đã bị trọng thương. Lúc này chàng phân vân: Mình có nên nói rõ thân phận để cứu thái sư phụ hay chưa? Làm gì bây giờ?
Ngay lúc ấy nghe có tiếng chân người đến ngoài cửa, có vẻ vội vã, hoảng hốt lắm, song chưa dám bước vào nhà, cũng chưa dám lên tiếng. Du Đại Nham hỏi:
– Linh Hư đó hả? Chuyện gì vậy?
Tri khách đạo sĩ Linh Hư đáp:
– Bẩm báo tam sư thúc, đại đội Ma giáo đã đến bên ngoài cung, đòi gặp tổ sư gia gia, nói ra những lời thô bỉ, bảo sẽ san phẳng núi Võ Đang… Du Đại Nham quát:
– Câm miệng!
Du Đại Nham sợ Trương Tam Phong bị phân tâm thì sẽ nguy hiểm hơn.
Trương Tam Phong từ từ mở mắt, nói:
– Kim cương bát nhã chưởng của phái Thiếu Lâm quả thật lợi hại, có lẽ phải tĩnh dưỡng ba tháng mới bình phục được.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Thì ra thái sư phụ bị thương nặng hơn mình tưởng.
Lại nghe Trương Tam Phong nói:
– Minh giáo kéo đại đội binh mã lên núi. Ôi, không biết Viễn Kiều, Liên Châu bọn nó có bình yên hay không? Đại Nham, con nghĩ cần phải làm sao?
Du Đại Nham im lặng không đáp, thầm biết trên núi ngoài sư phụ và mình ra, chỉ có đệ tử đời thứ ba, thứ tư, võ công chẳng có gì đáng kể, đưa ra chống địch chẳng khác gì đẩy vào chỗ chết. Việc hôm nay chỉ còn cách tự mình liều mạng cho địch muốn làm gì thì làm, để sư phụ lánh đi dưỡng thương, ngày sau tìm cách báo thù. Du Đại Nham nghĩ vậy, bèn cao giọng nói:
– Linh Hư, ngươi ra bảo chúng chờ ở điện Tam Thanh, ta sẽ ra gặp.
Linh Hư vâng lời đi ngay.
Thầy trò Trương Tam Phong và Du Đại Nham sống bên nhau đã lâu, tâm ý tương thông, nghe Du Đại Nham nói vậy thì Trương lão hiểu ngay, nói:
– Đại Nham, sinh tử thắng bại, không đáng để bụng; nhưng tuyệt học của phái Võ Đang thì không thể vì chuyện này mà đứt đoạn. Ta tọa quan mười tám tháng, đắc ngộ tinh yếu võ học, bây giờ ta sẽ truyền cho con một pho Thái cực quyền và một pho Thái cực kiếm.
Du Đại Nham ngẩn người, nghĩ thầm bản thân mình tàn phế đã lâu, làm sao có thể học quyền pháp kiếm thuật gì nữa? Huống hồ lúc này cường địch đã tới nơi, đâu còn thời gian để sư phụ truyền thụ võ công, nên chỉ kêu lên:
– Sư phụ!
Trương Tam Phong cười nhạt, nói:
– Từ khi ta khai sáng phái Võ Đang, hành hiệp giang hồ, làm nhiều điều nhân nghĩa, cứ đại số mà nói, quyết không thể bị đứt đoạn ở đây. Hai pho Thái cực quyền và Thái cực kiếm này khác hẳn so với cái đạo võ học từ xưa đến nay, chuyên lấy tĩnh chế động, hậu phát chế nhân. Sư phụ con đã trên trăm tuổi, nếu không gặp cường địch thì cũng chẳng còn sống được bao năm nữa. Đáng mừng là đến cuối cuộc đời còn sáng chế được pho võ công này. Hiện giờ Viễn Kiều, Liên Châu, Tòng Khê, Lê Đình, Thanh Cốc đều không ở bên ta; trong số đệ tử đời thứ ba, thứ tư, trừ Thanh Thư ra thật không có nhân tài kiệt xuất, mà Thanh Thư hiện cũng đi vắng. Đại Nham, con phải gánh trọng nhiệm truyền lại tuyệt nghệ bình sinh của ta, vinh nhục một ngày của phái Võ Đang đâu có gì đáng nói? Chỉ cần pho Thái cực quyền này truyền lại được cho đời sau thì thanh danh của phái Võ Đang sẽ lưu đến muôn đời.
Trương lão nói đến đây thì thần thái hứng khởi, hào khí dâng lên, thành thử không coi cường địch đang đe dọa ngoài kia ra gì cả.
Du Đại Nham vâng dạ, đã hiểu ý sư phụ muốn mình nhẫn nhục gánh vác trọng nhiệm là làm sao tiếp truyền tuyệt nghệ của bản phái.
Trương Tam Phong từ từ đứng dậy, hai tay buông xuống, mu bàn tay hướng ra ngoài, các ngón tay để tự nhiên, hai chân dang ra ngang nhau. Tiếp đó hai cánh tay từ từ nâng lên ngang ngực, tay trái vòng thành hình bán nguyệt, lòng bàn tay hướng vào mặt thành âm chưởng, bàn tay phải lật ra ngoài thành dương chưởng, nói:
– Đây là thức khởi đầu của Thái cực quyền.
Kế đó Trương lão diễn từng chiêu từng thức một, miệng gọi tên các chiêu thức: Lãm tước vĩ, Đơn tiên, Đề thủ thượng thế, Bạch hạc lượng xí, Lâu tất câu bộ, Thủ huy tì bà, Tiến bộ ban lan chùy, Như phong tự bế, Thập tự thủ, Bão hổ quy sơn…
Trương Vô Kỵ chăm chú nhìn không chớp mắt, lúc đầu biết rằng thái sư phụ cố ý diễn từng tư thế thật chậm để Du Đại Nham nhìn rõ, nhưng đến chiêu thứ bảy Thủ huy tì bà, thì chỉ thấy Trương lão tay trái dương chưởng, tay phải âm chưởng, mắt chăm chú nhìn cánh tay bên trái, hai bàn tay từ từ hợp lại, trông ngưng trọng như núi mà lại nhẹ như lông tơ. Trương Vô Kỵ đột nhiên tỉnh ngộ: Đây là một môn võ công thượng thừa, lấy chậm đánh nhanh, lấy tĩnh chế động; không ngờ trên thế gian lại có thứ võ công cao minh như vậy.
Võ công của chàng vốn cao siêu, một khi đã hiểu thì càng xem càng nhập thần. Chỉ thấy Trương Tam Phong hai tay di chuyển thành hình vòng tròn, mỗi chiêu đều hàm ý âm dương biến hóa của Thái cực thức, tinh vi ảo diệu, quả thực mở ra một khung trời mới cho võ học.
Bằng thời gian ăn xong một bữa cơm, Trương Tam Phong diễn tới các chiêu Thượng bộ cao thám mã, Thượng bộ lãm tước vĩ, Đơn tiên mà hợp Thái cực. Trương lão đứng tại chỗ, thần định khí nhàn, tuy mới bị trọng thương mà sau khi diễn xong quyền pháp, tinh thần xem ra lại sung vượng hơn. Hai tay ôm vòng hình tròn Thái cực, Trương Tam Phong nói:
– Quyết khiếu của pho quyền thuật này gồm mười sáu chữ Hư linh đỉnh kình, hàm hung bạt bối, túng yêu thùy đồn, trầm kiên trụy trửu[104], thuần lấy ý mà đi quyền, tối kỵ dùng sức. Hình thần hợp nhất, đó là yếu chỉ của lộ quyền pháp này.
Đoạn Trương lão giải thích tỉ mỉ một lượt.
Du Đại Nham không nói một lời, chỉ chăm chú nghe, biết rằng tình thế cấp bách, không có thời gian để hỏi, tuy có quá nhiều chỗ chưa rõ, nhưng chỉ chăm chăm ghi nhớ, lỡ sư phụ gặp chuyện chẳng lành, thì các chiêu thức khẩu quyết này chỉ mình ông truyền lại, mai sau có ai thông minh tài trí ắt sẽ tìm ra được sự huyền diệu ẩn trong đó. Còn Trương Vô Kỵ thì lĩnh hội được nhiều hơn, mỗi câu khẩu quyết, mỗi chiêu thức đều khiến chàng nghe như thấy mở ra một con đường mới, lòng vui sướng khôn tả.
Trương Tam Phong thấy vẻ mặt Du Đại Nham có vẻ hoang mang, thì hỏi:
– Con hiểu được mấy phần?
Du Đại Nham đáp:
– Đệ tử ngu độn, chỉ hiểu được vài ba phần, nhưng chiêu thức và khẩu quyết thì nhớ hết.
Trương Tam Phong nói:
– Kể cũng khó cho con. Nếu Du Liên Châu ở đây, nó sẽ hiểu được năm phần. Ôi, ngũ sư đệ của con ngộ tính cao hơn cả, không may nó chết sớm, nếu ta có ba năm công phu chỉ điểm cho nó, thì có thể truyền hết tuyệt kỹ cho nó rồi.
Trương Vô Kỵ nghe Trương lão nhắc đến cha mình, không khỏi cảm thấy chua xót trong lòng.
Trương Tam Phong nói tiếp:
– Quyền kình của môn này tưởng lỏng lẻo mà không lỏng lẻo, sắp bung ra mà chưa bung, kình dứt mà ý chưa dứt…
Trương lão định giải thích tiếp, bỗng nghe từ phía điện Tam Thanh xa xa vọng lại một giọng già nua:
– Nếu Trương Tam Phong lão đạo cứ rụt cổ không ra thì bọn ta hãy đem bọn đệ tử đồ tôn của lão giết sạch trước đã.
Một giọng khác ồm ồm:
– Phải lắm! Cứ cho một mồi lửa đốt tiêu cái đạo quán này rồi tính sau.
Tiếp đó là một giọng the thé:
– Để lão ta chết thui thì tiện cho lão ta quá. Mình phải tóm cổ lão ta, dẫn đi bêu qua các môn phái, để mọi người xem cái lão già sống dai được gọi là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ học mặt mũi ra thế nào.
Ngôi nhà nhỏ ở hậu sơn cách tiền điện phải hơn hai dặm, vậy mà mấy câu nói kia vọng đến nghe rõ ràng, chứng tỏ bọn người kia cố ý khoe khoang công lực, và công lực của chúng quả không tầm thường chút nào.
Du Đại Nham nghe mấy câu vũ nhục tôn sư thì cả giận, mắt như muốn tóe lửa. Trương Tam Phong nói:
– Đại Nham, những lời ta vừa dặn, con đã quên rồi sao? Không biết nhịn nhục, làm sao có thể đảm nhận trọng trách chứ?
Du Đại Nham nói:
– Vâng, con xin theo lời giáo huấn của sư phụ.
Trương Tam Phong nói:
– Con toàn thân tàn phế, địch nhân sẽ không đề phòng con, nhất thiết con chớ nóng vội; nếu như tuyệt nghệ mà ta khổ công sáng chế không truyền lại được cho đời sau thì con sẽ là kẻ có tội với phái Võ Đang ta đó.
Du Đại Nham nghe mà toát mồ hôi lạnh, hiểu dụng ý của sư phụ, dù kẻ địch lăng nhục hai thầy trò thế nào chăng nữa, ông cũng phải cố nhịn nhục để sống mà truyền lại tuyệt nghệ.
Trương Tam Phong lấy bên mình ra đôi La Hán bằng thép đúc, đưa cho Du Đại Nham, nói:
– Gã Không Tướng ban nãy bảo phái Thiếu Lâm đã bị tuyệt diệt, không biết là thật hay giả. Hắn là một cao thủ của phái Thiếu Lâm, đến như hắn mà còn đầu hàng kẻ địch, đến đây ám hại ta thì phái Thiếu Lâm gặp đại nạn cũng phải thôi. Đôi La Hán này là do Quách Tương Quách nữ hiệp tặng ta gần một trăm năm trước. Sau này con hãy gửi trả cho truyền nhân của phái Thiếu Lâm. Mong sao từ đôi La Hán này còn lưu truyền được một môn tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm!
Nói xong Trương lão phất tay áo, đi ra cửa.
Du Đại Nham nói:
– Khiêng ta đi theo sư phụ.
Minh Nguyệt và Trương Vô Kỵ liền nhấc võng lên khiêng Du Đại Nham theo sau Trương Tam Phong.
Bốn người tới điện Tam Thanh, thấy trong điện kẻ đứng người ngồi đông nghịt, phải tới ba bốn trăm người.
Trương Tam Phong đứng giữa, làm hiệu chào khách, nhưng không nói một lời. Du Đại Nham cao giọng:
– Đây là tôn sư Trương chân nhân của chúng tôi. Các vị lên núi Võ Đang, không biết có gì chỉ giáo?
Đại danh Trương Tam Phong uy chấn võ lâm, lập tức mấy trăm cặp mắt đổ dồn vào Trương lão, chỉ thấy Trương lão mặc chiếc đạo bào màu tro cũ kỹ, dơ bẩn, râu và lông mày bạc trắng, thân hình vô cùng cao lớn, ngoài ra không có gì khác thường.
Trương Vô Kỵ nhìn bọn kia, thấy bọn chúng một nửa trang phục theo lối giáo chúng Minh giáo, hơn mười thủ lĩnh thì trang phục mỗi người một kiểu, có lẽ vì chúng nghĩ thân phận cao sang nên không muốn mạo xưng người khác. Tăng tục mấy trăm người cao thấp lố nhố đông nghịt trong điện, nhất thời chàng chưa thể nhìn rõ mặt từng người.
Ngay lúc đó, từ ngoài cửa có tiếng người hô:
– Giáo chủ tới!
Mọi người trong điện nghe vậy liền lập tức im phăng phắc, hơn chục thủ lĩnh đi ra ngoài nghênh tiếp, những kẻ còn lại cũng ùa ra theo. Trong giây lát đại điện không còn một ai.
Lại nghe có tiếng bước chân của hơn chục người từ xa lại gần, tới trước điện thì dừng lại. Trương Vô Kỵ từ cửa điện ngó ra, ngạc nhiên thấy tám người khiêng một chiếc kiệu lớn bọc gấm vàng, bảy, tám người khác đi trước đi sau kiệu ủng vệ. Tám gã khiêng kiệu kia chính là Thần tiễn bát hùng ở Lục Liễu trang.
Trương Vô Kỵ bèn nảy ra một ý, hai tay liền bốc đất dưới chân xoa lung tung lên mặt. Minh Nguyệt tưởng rằng chàng thấy đại địch kéo đến thì quá sợ hãi nên mới làm như thế, nhất thời y cũng hoảng hồn, bắt chước lấy đất trát lên mặt. Hai gã đạo đồng lập tức hóa thành hai ông vua bếp mặt mày lem luốc, không ai nhận ra nữa.
Rèm che kiệu vén ra, từ trên kiệu bước xuống một thiếu niên công tử, mặc áo bào trắng, trên áo thêu một ngọn lửa đỏ, tay cầm quạt lông phe phẩy, chính là Triệu Mẫn cải nam trang.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Thì ra mọi trò đều do Triệu cô nương bày đặt, thảo nào phái Thiếu Lâm bị một phen điên đảo.
Triệu Mẫn bước vào đại điện, có độ hơn chục người đi theo. Một hán tử cao lớn bước lên, khom lưng nói:
– Khải bẩm giáo chủ, người kia là lão đạo Trương Tam Phong của phái Võ Đang, còn kẻ tàn phế kia hẳn là Du Đại Nham, đệ tử thứ ba của lão ta.
Triệu Mẫn gật đầu, bước thêm vài bước, cụp quạt lại, vái Trương Tam Phong một cái thật dài, nói:
– Vãn sinh Trương Vô Kỵ chấp chưởng Minh giáo, hôm nay có dịp diện kiến bậc Bắc Đẩu của võ lâm, thật vinh hạnh biết chừng nào!
Trương Vô Kỵ cả giận, trong bụng chửi thầm: Con tặc a đầu này mạo xưng giáo chủ Minh giáo thì cũng được đi, đằng này lại mạo nhận cả tính danh của ta để lừa dối thái sư phụ ta nữa.
Trương Tam Phong nghe ba chữ Trương Vô Kỵ thì lấy làm lạ: Sao giáo chủ Minh giáo lại là một thiếu nữ tuấn mỹ thế này, lại có tên họ giống hệt hài nhi Vô Kỵ của ta là thế nào? Trương lão liền chắp tay đáp lễ, nói:
– Không biết giáo chủ đại giá quang lâm, không kịp ra xa nghênh đón, xin lượng thứ cho!
Triệu Mẫn nói:
– Không dám, không dám!
Tri khách đạo sĩ Linh Hư dẫn các đạo đồng nhà bếp bưng trà lên. Triệu Mẫn một mình ngồi ghế, các thuộc hạ của nàng ta đứng thõng tay xa xa phía sau, không dám lại gần quá năm thước, hình như là sợ mạo phạm, bất kính đối với nàng.
Trương Tam Phong tu luyện cả trăm năm, đã tới mức thờ ơ với hết thảy mọi sự từ lâu, nhưng tình sư đồ thâm trọng nên vẫn cứ lo lắng cho sự an nguy sinh tử của bọn Tống Viễn Kiều, bèn hỏi:
– Mấy đứa học trò của lão đạo không tự lượng sức mình, có đến quý giáo học hỏi cao chiêu, đến nay chưa về, không biết bọn chúng ra sao, xin được Trương giáo chủ minh thị.
Triệu Mẫn cười hì hì, nói:
– Tống đại hiệp, Du nhị hiệp, Trương tứ hiệp, Mạc thất hiệp bốn vị, hiện đang ở trong tay bổn giáo. Mỗi vị bị thương một chút, tính mạng không có gì đáng ngại.
Trương Tam Phong nói:
– Bị thương một chút ư? Có lẽ nên nói là trúng chút chất độc thì đúng hơn.
Triệu Mẫn cười nói:
– Trương chân nhân quả tự phụ về tuyệt học của phái Võ Đang. Trương chân nhân đã bảo là họ bị trúng độc thì cứ coi như vậy đi.
Trương Tam Phong thừa biết mấy đệ tử của mình là đệ nhất cao thủ đời nay, nếu vì ít không địch nổi nhiều, hẳn cũng có một, hai người thoát thân về báo; chứ nếu cả bọn bị bắt, thì chắc chắn là trúng phải độc dược vô ảnh vô tung, khó bề đề phòng. Triệu Mẫn thấy Trương lão đoán đúng, cứ thản nhiên thừa nhận.
Trương Tam Phong lại hỏi:
– Còn tiểu đồ họ Ân thì sao?
Triệu Mẫn thở dài:
– Ân lục hiệp bị phái Thiếu Lâm mai phục, cũng bị y hệt vị Du tam hiệp kia, tứ chi đã bị gãy nát vì Đại lực kim cương chỉ, chết thì chưa, nhưng không còn cử động được.
Trương Tam Phong nhìn mặt mà xét, thấy lời nàng ta nói là thực thì trong lòng đau đớn, ào một tiếng, lại thổ ra một ngụm máu tươi.
Những kẻ đứng sau Triệu Mẫn lộ vẻ mừng rỡ, biết là Không Tướng đã đánh lén thành công, vị tổ sư gia của phái Võ Đang đã bị trọng thương. Bọn chúng vốn chỉ sợ một mình Trương Tam Phong, lúc này không còn gì phải e ngại nữa.
Triệu Mẫn nói:
– Vãn sinh có một lời khuyên tốt, chẳng biết Trương chân nhân có muốn nghe hay không?
Trương Tam Phong đáp:
– Xin cứ nói.
Triệu Mẫn nói:
– Khắp gầm trời này, chỗ nào cũng là đất của hoàng đế; mọi người trên bờ cõi này đều là phận thần dân. Hoàng đế Mông Cổ uy trùm bốn bể, nếu như Trương chân nhân phục tòng, hoàng thượng sẽ lập tức tấn phong cho ngài, phái Võ Đang đều được vinh sủng, cả bọn Tống đại hiệp đều sẽ an toàn, không có gì phải lo nữa.
Trương Tam Phong ngẩng nhìn xà nhà, lạnh lùng nói:
– Minh giáo tuy làm nhiều điều bất nghĩa, ngang ngược càn rỡ, nhưng xưa nay vẫn chống người Mông Cổ. Không biết Minh giáo quy thuận triều đình từ khi nào vậy? Lão đạo thật là quê mùa kém hiểu biết quá.
Triệu Mẫn nói:
– Bỏ tối theo sáng, xưa nay người thức thời mới là tuấn kiệt. Phái Thiếu Lâm từ Không Văn, Không Trí thần tăng trở xuống, ai nấy đã cùng quy thuận, tận trung với triều đình. Bổn giáo chẳng qua thấy ra xu thế chính, nên đi theo các bậc hiền hào mà thôi.
Trương Tam Phong quắc mắt nhìn Triệu Mẫn, nói:
– Người Nguyên tàn bạo sát hại trăm họ, nên anh hùng thiên hạ mới vùng lên, chính là để đánh đuổi bọn Hồ Lỗ, lấy lại giang sơn. Chúng ta phàm đã là con cháu Viêm Hoàng, ai cũng có chí đánh đuổi bọn Thát tử, đó mới là xu thế chính phải theo. Lão đạo tuy là người xuất gia không lý chuyện đời, song cũng biết đâu là đại nghĩa. Không Văn, Không Trí là các vị thần tăng thời nay, há chịu khuất phục trước thế lực? Sao cô nương lại tới đây nói năng lung tung như vậy?
Từ phía sau Triệu Mẫn đột nhiên xông ra một đại hán, lớn tiếng quát:
– Lão đạo ngu xuẩn kia, nói năng không biết nặng nhẹ gì cả! Phái Võ Đang sắp bị tận diệt trong giây lát thôi. Lão không sợ chết đã đành, chứ hơn một trăm đệ tử trên núi này, đứa nào cũng không sợ chết chăng?
Gã này nói năng mạnh mẽ, thân hình cao to, bắp tay gân guốc, hình tướng hết sức oai vệ.
Trương Tam Phong cất tiếng ngâm:
– Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh![105]
Đây là hai câu thơ của Văn Thiên Tường. Khi Văn Thiên Tường khẳng khái tựu nghĩa thì Trương Tam Phong tuổi còn nhỏ, rất kính ngưỡng vị thừa tướng anh hùng ấy. Về sau Trương lão hay than thở là đương thời võ công chưa thành, nếu không hẳn đã liều chết cứu Văn thừa tướng thoát nạn. Nay đến thời khắc sinh tử, Trương lão tự nhiên ngâm lên hai câu thơ trên. Ngâm xong, Trương Tam Phong nói tiếp:
– Kể ra Văn thừa tướng cũng còn chỗ cố chấp; chỉ cần giữ trọn một tấm lòng son, còn sử sách sau này muốn chép sao thì chép!
Trương Tam Phong liếc Du Đại Nham một cái, nghĩ thầm: Ta mong pho Thái cực quyền được lưu truyền hậu thế, có khác gì Văn thừa tướng muốn lưu tiếng thơm cho mai sau? Thực ra, nếu đã hành sự không hổ thẹn với trời đất rồi, hà tất phải lo pho Thái cực quyền có được truyền lại hay không, phái Võ Đang có tồn tại hay không! Bàn tay ngà ngọc của Triệu Mẫn phẩy nhẹ một cái, gã đại hán kia cúi mình lùi lại. Nàng mỉm cười, nói:
– Trương chân nhân đã cố chấp như thế, tạm thời ta sẽ không nhắc chuyện đó nữa. Vậy thì mời các vị đi theo ta!
Nàng đứng dậy, bốn người ở phía sau liền tiến lên vây quanh Trương Tam Phong. Bốn người đó gồm gã đại hán cao to vừa rồi, một gã mặc quần áo vá chằng vá đụp, một hòa thượng gầy gò, một người Hồ ở Tây Vực mắt xanh râu xồm.
Trương Vô Kỵ thấy mấy người đó thân pháp hoặc ngưng trọng, hoặc phiêu dật, ai nấy phi phàm, trong bụng hơi hoảng: Dưới tay Triệu cô nương sao lắm cao thủ đến thế? Xem chừng nếu Trương Tam Phong không chịu đi theo nàng ta thì bốn gã kia sẽ ra tay, Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Phe địch quá nhiều cao thủ, toàn một lũ gian trá vô sỉ, bất chấp tín nghĩa, khác hẳn sáu môn phái vây đánh đỉnh Quang Minh. Ta thật khó lòng bảo đảm bình an cho thái sư phụ và Du sư bá. Nếu có đánh bại được vài tên, bọn chúng quyết không chịu thua, sẽ ùa lên một lượt. Nhưng việc đến nước này, chỉ còn cách liều chết vậy, tốt nhất là ta phải ra tay thật nhanh bắt giữ Triệu Mẫn để uy hiếp đối phương.
Chàng đang định bước ra ngăn cản bọn kia, bỗng nghe ngoài cửa sổ một tràng cười ghê rợn, một bóng áo xanh bay vụt vào trong điện, thân pháp như ma quỷ, nhanh như tia chớp đã lướt tới sau lưng hán tử cao to mà tung chưởng; gã hán tử không xoay người, đánh ngược tay ra sau, muốn dùng ngạnh công liều mạng. Người áo xanh kia không thích thế, dùng tay trái vỗ vào vai người Hồ ở Tây Vực. Người Hồ nghiêng qua né tránh, tung chân đá lên bụng dưới của người áo xanh. Người áo xanh lúc ấy đã tấn công hòa thượng gầy gò, vội lùi lại, vung tả chưởng đánh sang gã mặc bộ quần áo vá chằng vá đụp. Trong giây lát người áo xanh tung ra bốn chưởng, công kích liên tiếp bốn cao thủ, tuy không đòn nào trúng đích, nhưng thủ pháp thần tốc ngoài sức tưởng tượng. Bốn cao thủ kia biết gặp kình địch, đều nhảy lùi vài bước, ngưng thần tiếp chiến.
Người áo xanh không buồn để ý tới bọn địch, cúi mình vái chào Trương Tam Phong:
– Vãn bối Vi Nhất Tiếu, bộ thuộc của Trương giáo chủ Minh giáo, tham kiến Trương chân nhân.
Người đó đích thực là Vi Nhất Tiếu. Ông ta đã bứt khỏi những kẻ ngăn chặn dọc đường, gấp rút tới đây.
Trương Tam Phong nghe y xưng là bộ thuộc của Trương giáo chủ Minh giáo cứ ngỡ y cùng bọn với Triệu Mẫn, vừa giơ tay đánh bốn kẻ kia, chắc có mưu đồ gì, bèn lạnh lùng đáp:
– Vi tiên sinh khỏi cần đa lễ. Từ lâu đã nghe danh Thanh Dực Bức Vương khinh công tuyệt đỉnh, hiếm có trên đời, hôm nay được thấy, quả là danh bất hư truyền.
Vi Nhất Tiếu cả mừng, vì ít lai vãng Trung nguyên nên chưa nổi danh, nào ngờ Trương Tam Phong cũng biết đến tài khinh công của mình, thế là bèn cúi mình nói:
– Trương chân nhân là Bắc Đẩu của võ lâm, vãn bối được chân nhân khen một câu, thật là vinh hạnh suốt đời.
Rồi y quay sang phía Triệu Mẫn, nói:
– Triệu cô nương, sao cô nương lại mạo danh Minh giáo, làm bại hoại thanh danh bổn giáo, rốt cuộc là có dụng ý gì? Nam tử hán đại trượng phu sao lại độc ác nham hiểm thế?
Triệu Mẫn cười khanh khách nói:
– Ta đâu phải nam tử hán đại trượng phu! Ta độc ác nham hiểm thì ngươi làm gì được nào?
Vi Nhất Tiếu mới nói một câu đã bị bắt bẻ, thành thử không biết đối đáp ra sao, ngẩn ra, nói:
– Các vị tấn công Thiếu Lâm, giờ lại tới đây gây sự với phái Võ Đang, rốt cuộc lai lịch thế nào? Nếu các vị có thù oán với hai phái đó, Minh giáo trước nay cũng không ưa chuyện bao đồng, đằng này các vị lại mạo danh Minh giáo, giả trang giáo chúng bổn giáo, thì Vi Nhất Tiếu này không thể bỏ qua!
Trương Tam Phong vốn biết Minh giáo đối địch với triều đình hàng trăm năm, không tin Minh giáo đầu hàng Mông Cổ, giờ nghe Vi Nhất Tiếu nói thế thì vỡ lẽ, nghĩ thầm: Thì ra cô nương kia mạo xưng. Ma giáo tuy mang tiếng xấu, nhưng chuyện lớn thế này, họ đâu có hồ đồ.
Triệu Mẫn quay sang gã hán tử cao to, nói:
– Nghe hắn huênh hoang cũng khá! Ngươi ra thử xem hắn có tài thật hay chỉ khoác lác.
Hán tử cúi mình đáp:
– Vâng!
Hắn sửa lại dây lưng, đi ra giữa điện, nói:
– Vi Bức Vương, tại hạ muốn lĩnh giáo công phu Hàn băng miên chưởng của các hạ!
Vi Nhất Tiếu giật mình, nghĩ thầm: Làm sao hắn biết ta có môn Hàn băng miên chưởng? Hắn biết mà vẫn ra khiêu chiến, quả thật ta chẳng thể khinh địch, bèn vỗ hai tay một cái, nói:
– Thỉnh giáo quý tính đại danh của các hạ?
Gã kia đáp:
– Bọn ta đã mạo xưng Minh giáo tới đây, không lẽ còn dùng tên thật? Vi Bức Vương hỏi như thế thật ngu ngốc!
Mười mấy kẻ đứng sau Triệu Mẫn cười ồ cả lên. Vi Nhất Tiếu lạnh lùng nói:
– Đúng, ta hỏi ngu thật! Các hạ cam tâm làm ưng khuyển cho triều đình, làm nô tài cho dị tộc, không xưng danh còn đỡ, chứ nói tên ra chỉ làm bôi nhọ tổ tiên.
Gã kia đỏ mặt, lửa giận bốc lên, vù một tiếng đánh một chưởng thẳng vào giữa ngực Vi Nhất Tiếu, đòn ra nham hiểm. Vi Nhất Tiếu xoay chân né tránh, thân hình đã luồn ra sau lưng gã kia, giơ ngón tay điểm vào lưng gã. Vi Nhất Tiếu chưa sử dụng Hàn băng miên chưởng vội, còn muốn thăm dò đối phương nông sâu hư thực thế nào. Hán tử thúc cánh tay trái về phía sau, trong thủ có công. Qua vài chiêu, chưởng thế của hắn nhanh dần, chưởng lực mạnh dần. Vi Nhất Tiếu tuy đã được Trương Vô Kỵ chữa trị nội thương, mỗi khi vận công lâu không cần phải uống máu nóng để chế ngự âm độc trong cơ thể như trước kia nữa, song mới lành chưa lâu, nay gặp cường địch, lại ra tay trước mặt một vị đại tông sư như Trương Tam Phong nên hoàn toàn không dám khinh suất, bèn sử dụng tới Hàn băng miên chưởng. Chưởng thế của đôi bên chậm dần, từng bước đến chỗ tỷ thí nội lực với nhau.
Bỗng vù một tiếng, từ cửa chính có một vật to tướng đen sì được ném mạnh về phía gã hán tử. Vật kia còn to hơn cái bao gạo, thiên hạ làm gì có thứ ám khí nào to như thế, quái lạ thật! Gã hán tử vung tay trái đánh mạnh vào vật kia khiến nó văng ra xa hơn một trượng, chỉ thấy nó mềm mềm, chẳng biết là cái gì. Chỉ nghe một tiếng rú Ối! thảm thiết, thì ra trong túi có người. Người ấy bị trúng một chưởng quá mạnh của gã hán tử, làm sao tránh khỏi gãy xương đứt gân?
Gã hán tử còn đang ngơ ngác, nhất thời chân tay chưa động. Vi Nhất Tiếu lẳng lặng lẻn ra sau, đánh ngay một đòn Hàn băng miên chưởng vào huyệt Đại Truy của đối phương. Gã vừa giận vừa sợ, vội quay lại, dồn sức giáng một chưởng xuống đầu Vi Nhất Tiếu.
Vi Nhất Tiếu cười ha hả, không tránh né, cũng chẳng đỡ gạt. Chưởng của gã kia đánh tới giữa chừng thì cánh tay đột nhiên mềm nhũn không còn sức, bàn tay tuy vỗ xuống đúng thiên linh cái của đối phương nhưng không có chút hơi sức nào, chẳng khác gì động tác đặt tay lên đầu. Vi Nhất Tiếu biết rằng một khi đối phương trúng đòn Hàn băng miên chưởng, kình lực sẽ lập tức mất hết; nhưng đang đấu với cao thủ, ai dám để cho cường địch đánh vào đỉnh đầu mình, liều lĩnh như thế thật chưa từng thấy, mọi người đứng ngoài không khỏi cả kinh. Giả dụ gã hán tử có thuật chế ngự Hàn băng miên chưởng, sức lực nhất thời chưa mất, chưởng kia đánh xuống đỉnh đầu, làm sao Vi Nhất Tiếu tránh khỏi vỡ sọ nát óc? Vi Nhất Tiếu một đời hành sự li kỳ cổ quái, càng những việc không ai dám làm, không chịu làm, hoặc chưa từng làm, ông ta càng khoái làm. Ông ta thừa cơ đối phương đang phân tâm mà ra tay đánh lén, xem ra không được quang minh chính đại cho lắm; nhưng lại dám để cho địch đánh thẳng vào đầu, như thế còn hơn cả quang minh chính đại nữa, phải nói là cả gan đùa giỡn với cái chết.
Người mặc bộ quần áo vá xé chiếc bao, lôi ra một người, thấy người ấy mặt đầy máu, đã bị gã hán tử đánh một chưởng chết tươi. Người chết mặc áo đen, chính là đồng bọn của họ, không biết vì sao bị tống vào bao, ném vào đây? Gã cả giận, quát:
– Đứa nào thập thò…
Lời chưa dứt, một cái bao màu trắng đã chụp xuống đầu gã; gã nhảy lùi lại, tránh cú chụp, thì thấy một hòa thượng béo tốt đứng sừng sững ngay trước mặt gã mà cười hì hì, chính là Bố đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc.
Cái túi Càn Khôn Nhất Khí của Thuyết Bất Đắc bị Trương Vô Kỵ làm vỡ tung trên đỉnh Quang Minh, không còn vũ khí cầm tay, hòa thượng đành dùng tạm mấy cái túi vải thông thường, dĩ nhiên không thể lợi hại bằng cái túi Càn khôn đao kiếm chém không thủng hồi trước. Khinh công của Thuyết Bất Đắc tuy không sánh được với Vi Nhất Tiếu, song cũng rất cao siêu, dọc đường lại không bị ngăn trở nên cũng vừa kịp tới đây.
Thuyết Bất Đắc cúi mình hành lễ với Trương Tam Phong, nói:
– Vãn bối Bố đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc, bộ thuộc của Trương giáo chủ Minh giáo, tham kiến Trương chân nhân, chưởng giáo tổ sư phái Võ Đang!
Trương Tam Phong hoàn lễ, nói:
– Đại sư đường xá xa xôi, vất vả quá.
Thuyết Bất Đắc nói:
– Các bộ thuộc của giáo chủ tệ giáo là Quang Minh sứ giả, Bạch Mi Ưng Vương, Tứ tản nhân, Ngũ kỳ sứ, các lộ nhân mã đều đã lên núi Võ Đang. Xin Trương chân nhân cứ đứng nghỉ, xem Minh giáo chúng tại hạ so tài cao thấp với bọn vô liêm sỉ mạo danh tác ác kia.
Câu này của Thuyết Bất Đắc chỉ là hư trương thanh thế, đại đội nhân mã của Minh giáo làm sao đến nhanh thế được. Nhưng Triệu Mẫn nghe vậy liền nhíu mày, nghĩ thầm: Bọn họ đến nhanh như thế, là do kẻ nào tiết lộ cơ mật? Nàng nhịn không nổi, buột miệng hỏi:
– Trương giáo chủ của các vị đâu? Bảo y ra gặp ta?
Nàng nhìn Vi Nhất Tiếu, ánh mắt lộ vẻ nghi ngờ, như muốn hỏi giáo chủ hiện đang ở đâu.
Vi Nhất Tiếu cười ha hả, nói:
– Thế bây giờ cô nương không mạo xưng nữa ư?
Nghĩ thầm: Giáo chủ chắc đã tới rồi, không biết lúc này đang đứng đâu đây thôi.
Trương Vô Kỵ nãy giờ đứng nấp sau lưng Minh Nguyệt, biết Vi Nhất Tiếu và Thuyết Bất Đắc chưa nhận ra mình, nhìn trước hai thuộc hạ đắc lực ở bên cạnh thì cả mừng.
Triệu Mẫn cười khẩy, nói:
– Một con dơi độc, một nhà sư thối thì làm nên trò gì?
Lời nàng ta chưa dứt thì bỗng trên mái điện phía đông vang lên một chuỗi cười dài, rồi có tiếng gọi:
– Thuyết Bất Đắc đại sư, Dương tả sứ đã tới hay chưa?
Giọng nói của người kia sang sảng, hào hùng, chính là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính. Thuyết Bất Đắc chưa trả lời thì từ mái điện phía tây đã vang lên tiếng cười của Dương Tiêu, rồi tiếng nói:
– Ưng Vương! Huynh quả là lão đương niên ích tráng, đã tới trước đệ một bước.
Ân Thiên Chính cười, nói:
– Dương tả sứ đừng khách sáo, hai ta tới đây cùng lúc, chẳng ai sớm hơn ai. Chắc là Dương tả sứ nể mặt Trương giáo chủ, nên nhường huynh vài phần đấy thôi.
Dương Tiêu nói:
– Gặp việc nhân nghĩa, không ai nhường ai! Đệ đã gắng hết sức, vẫn không nhanh bằng Ưng Vương!
Hai người thi nhau về cước lực xem ai hơn ai, Ân Thiên Chính nội lực cao thâm, Dương Tiêu có phần nhanh nhẹn hơn một chút, đôi bên khởi hành cùng lúc, đến đích cũng vậy. Cả hai cùng cười hà hà, từ trên mái điện cùng nhảy xuống.
Trương Tam Phong nghe danh Ân Thiên Chính từ lâu, huống hồ Ân Thiên Chính còn là nhạc phụ của Trương Thúy Sơn; còn Dương Tiêu là nhân vật lừng lẫy tiếng tăm trên giang hồ, Trương lão liền tiến lên ba bước, chắp tay nói:
– Trương Tam Phong cung nghênh Ân huynh, Dương huynh đại giá.
Trương lão trong bụng có điều không hiểu: Ân Thiên Chính hiển nhiên là giáo chủ Thiên Ưng giáo, sao ông ta lại nói nể mặt Trương giáo chủ là thế nào?
Ân, Dương hai người cúi mình đáp lễ. Ân Thiên Chính nói:
– Đã từ lâu nghe uy danh của Trương chân nhân, vô duyên bái kiến; nay được thấy tôn nhan, đúng là tam sinh hữu hạnh.
Trương Tam Phong nói:
– Hai vị đều là tông sư một đời, lại cùng đại giá quang lâm, quả thật hiếm có.
Triệu Mẫn càng lúc càng tức giận, thấy các cao thủ của Minh giáo đến mỗi lúc một đông, tuy Trương Vô Kỵ chưa xuất hiện, nhưng e rằng lời của Thuyết Bất Đắc không phải dọa suông, Trương Vô Kỵ đúng là đang đứng trong bóng tối sắp đặt một trận thế lợi hại hơn. Mưu kế của nàng bố trí đâu ra đấy, xem chừng hôm nay khó thành công; nhưng việc lén đánh trọng thương Trương Tam Phong đâu phải dễ dàng, là cơ hội ngàn năm có một, hôm nay nếu không thừa cơ đánh tan phái Võ Đang, để lão ta chữa khỏi nội thương thì mình đến phải bó tay. Nàng liếc mắt qua lại, cười nhạt, nói:
– Giang hồ vẫn bảo Võ Đang là danh môn chính phái, nhưng tai nghe sao bằng mắt thấy? Thì ra phái Võ Đang ngấm ngầm câu kết với Ma giáo, do Ma giáo đỡ đầu, chứ võ công bổn môn thì chẳng ra gì.
Thuyết Bất Đắc nói:
– Triệu cô nương, nói như cô nương đúng là giọng điệu và kiến thức của đàn bà con nít. Hồi Trương chân nhân uy chấn võ lâm, chỉ e ông nội cô nương cũng chưa ra đời, chứ hạng con nít như cô nương thì biết quái gì?
Mười mấy người đứng sau Triệu Mẫn hùng hổ tiến ra, hầm hầm nhìn lão. Thuyết Bất Đắc mặt nhơn nhơn cười nói:
– Các vị bảo ta không được nói câu vừa rồi hả? Thì tên ta là Thuyết Bất Đắc mà. Cái gì nói được thì ta nói, các vị tính làm gì ta đây?
Hòa thượng gầy gò là thuộc hạ của Triệu Mẫn tức giận nói:
– Chủ nhân, để thuộc hạ xử thằng cha già mồm này!
Thuyết Bất Đắc nói:
– Hay lắm, hay lắm! Ngươi là sư đi hoang, ta cũng là sư lang thang, hai đứa mình thử một keo xem nào. Mời tông sư Võ Đang Trương chân nhân chỉ điểm cho những chỗ sai sót, hơn là tự chúng ta khổ luyện cả chục năm đó.
Nói xong hai tay vẩy ra, từ trong bọc lão rút ra cái túi nữa. Người ta thấy lão lôi hết cái túi này đến cái túi khác, không biết trong bọc rốt cuộc giấu được bao nhiêu cái túi.
Triệu Mẫn hơi lắc đầu, nói:
– Hôm nay bọn ta lên đây học hỏi tuyệt nghệ của phái Võ Đang, bất kể vị nào thuộc phái Võ Đang hạ trường, bọn ta đều vui lòng phụng bồi. Phái Võ Đang có chân tài thực học không, hay chỉ là cái tiếng hão, một trận hôm nay cả thiên hạ sẽ biết hết. Còn món nợ giữa Minh giáo với bọn ta, để ngày sau tính sổ với nhau cũng chưa muộn. Gã tiểu quỷ Trương Vô Kỵ gian trá xảo quyệt, bổn cô nương chưa rút gân, lột da y, thì chưa tiêu được mối hận trong lòng, song cũng chưa vội gì một hôm nay.
Trương Tam Phong nghe câu gã tiểu quỷ Trương Vô Kỵ thì lấy làm lạ: Giáo chủ Minh giáo không lẽ tên là Trương Vô Kỵ thật ư? Sao lại là gã tiểu quỷ nhỉ?
Thuyết Bất Đắc cười hi hi, nói:
– Trương giáo chủ của bổn giáo tuổi trẻ tài cao, Triệu cô nương e rằng còn thua giáo chủ của bọn ta vài tuổi, chi bằng lấy quách Trương giáo chủ cho xong, hòa thượng ta thấy cũng xứng đôi ra phết…
Lời chưa dứt, bọn đứng sau Triệu Mẫn cùng gầm lên:
– Đừng nói bậy!
– Câm miệng!
– Gã sư đi hoang nói thối lắm!
Triệu Mẫn hai má đỏ bừng, dung mạo càng thêm kiều diễm, thần sắc chỉ có ba phần tức giận, nhưng đến bảy phần e ấp, từ một đại thủ lĩnh quần hào oai vệ phút chốc biến thành một thiếu nữ thẹn thùng. Nhưng nàng trấn tĩnh được ngay, mặt trở lại lạnh như tiền, nói với Trương Tam Phong:
– Trương chân nhân, nếu lão tiền bối không chịu ra tay, chỉ cần nói một câu cũng được, hãy nói rằng phái Võ Đang lâu nay toàn là khi thế đạo danh, bọn ta sẽ vỗ tay đi liền; bọn tiểu tử Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu sẽ được thả về đây, đâu có mất gì?
Vừa lúc đó, Thiết Quan đạo nhân Trương Trung, Ân Dã Vương cùng tới, một lát sau Chu Điên và Bành Oánh Ngọc cũng đến nơi, Minh giáo thế là có thêm bốn cao thủ. Triệu Mẫn xác định hình thế, đôi bên quyết chiến thì chưa chắc thắng nổi, sợ nhất là Trương Vô Kỵ còn ở trong bóng tối, sẽ giở trò gì chưa biết. Nàng đưa mắt nhìn mọi người trong Minh giáo khắp lượt, nghĩ thầm: Trương Tam Phong sở dĩ thành mối họa trong gan ruột đối với triều đình, chẳng qua vì lão có uy danh quá lớn, được mọi người trong võ lâm coi như Thái Sơn Bắc Đẩu. Lão mà đối địch với triều đình thì võ lâm Trung nguyên cũng không ai chịu hàng phục triều đình cả. Song lão già nua như ngọn đèn trước gió, liệu còn sống thêm được bao lâu? Hôm nay chưa cần lấy mạng lão, chỉ cần làm nhục lão một phen, cho thanh danh phái Võ Đang tiêu ma, cũng coi là thành công lớn lắm rồi, bèn lạnh lùng nói:
– Bọn ta đến thăm núi Võ Đang, chỉ muốn lĩnh giáo võ công Trương chân nhân xem thật hay giả, còn nếu muốn diệt trừ Minh giáo, chẳng lẽ không biết tìm đường đến đỉnh Quang Minh? Việc gì phải tỷ thí với Minh giáo trên núi Võ Đang? Không lẽ trên thế gian chỉ một mình Trương chân nhân có tài bình phẩm cao thấp, thắng bại hay sao? Thôi thế này vậy. Trong nhà bổn cô nương có ba tên gia nhân, một tên luyện được vài bữa môn kiếm pháp giết heo mổ chó; một tên biết sơ qua chút nội công; một đứa học được vài đường quyền mèo cào. A Đại, A Nhị, A Tam đâu, mau đứng ra đây! Trương chân nhân chỉ cần đánh bại ba tên gia nhân vô tích sự này, là bọn ta thán phục võ công của phái Võ Đang là thực, chứ không phải giả. Bằng không thì giang hồ sẽ phán xét, bổn cô nương cũng chả cần nhiều lời.
Nói xong nàng vỗ tay một cái.
Từ sau lưng nàng có ba người thong thả bước ra.
Chỉ thấy A Đại là một lão già gầy khô như que củi, hai tay ôm một thanh trường kiếm, chính là bảo kiếm Ỷ Thiên. Lão này vừa gầy vừa cao, mặt đầy nếp nhăn, dúm dó khổ sở, tựa hồ mới bị chửi bới đánh đập một hồi, nếu không cũng là vợ con mới chết; ai nhìn mặt lão cũng mủi lòng, muốn rơi nước mắt thương cảm. A Nhị cũng gầy khô như thế, song thấp hơn, đầu nhẵn thín, hói đến mức không còn sợi tóc nào, hai bên huyệt Thái Dương lõm sâu đến nửa tấc. A Tam lại có thân hình chắc nịch, đầy vẻ oai vệ, trên mặt, trên tay, trên cổ, phàm chỗ nào lộ da thịt cũng thấy bắp thịt cuồn cuộn, săn chắc, tựa hồ tinh lực toàn thân quá dồi dào, sắp bật tung ra ngoài. Trên má trái hắn có một nốt ruồi đen, từ nốt ruồi mọc ra một sợi lông dài. Trương Tam Phong, Ân Thiên Chính, Dương Tiêu… nhìn thấy ba gã kia, đều thầm kinh hãi. Chu Điên nói:
– Triệu cô nương, ba vị kia đều là cao thủ tuyệt đỉnh trong võ lâm, Chu mỗ ta đấu với vị nào cũng không nổi, sao họ lại muối mặt đóng vai đầy tớ, tới bỡn cợt với Trương chân nhân như vậy?
Triệu Mẫn hỏi:
– Có thực họ là cao thủ tuyệt đỉnh trong võ lâm không mà sao bổn cô nương lại không biết? Thế tên họ là gì nào?
Chu Điên bí quá, nhưng liền cười hà hà, nói dóc:
– Một vị là Nhất kiếm chấn thiên hạ, Xu mi thần quân; một vị là Đan khí bá bát phương, Thốc đầu thiên vương; còn vị này thiên hạ ai chẳng biết, ai lại không hay, chính là, hì hì hà hà, là… Thần quyền cái thế, Đại lực tôn giả.
Triệu Mẫn nghe Chu Điên nói phịa quấy quá, không khỏi tức cười, nói:
– Ba tên này ở nhà bổn cô nương chuyên nấu cơm pha trà, lau bàn quét nhà, làm quái gì có Thần quân, Thiên vương, Tôn giả nào ở đây? Trương chân nhân, lão tiền bối hãy đấu quyền cước với A Tam trước.
A Tam tiến lên một bước, ôm quyền, nói:
– Mời Trương chân nhân!
Chân trái hắn dậm một cái, ba hòn gạch vuông màu xanh dưới nền nhà lập tức nát vụn. Hòn gạch dưới bàn chân hắn bị vỡ nát cũng không lạ, nhưng lạ là hai hòn gạch ở hai bên cạnh cũng vỡ nát theo.
Dương Tiêu và Vi Nhất Tiếu nhìn nhau, cùng nghĩ thầm: Tay này ghê thật!
Hai gã A Đại, A Nhị thong thả lùi ra sau, đầu cúi gằm, không nhìn một ai. Ba tên này từ lúc vào trong điện đến giờ chỉ đứng sau lưng Triệu Mẫn, lúc nào cũng cúi gằm mặt, thần sắc u ám, chẳng ai thèm để ý tới; nào ngờ bọn chúng vừa mới bước ra đã sừng sững như đỉnh núi cao, có ngay khí thế của một đại tông sư, nhưng khi lui về lại co ro rụt rè y như dáng điệu của bọn đầy tớ.
Tri khách đạo sĩ của phái Võ Đang là Linh Hư từ đầu vẫn lo lắng cho thương thế của thái sư phụ, lúc này không nhịn nổi nữa quát lên:
– Thái sư phụ ta bị thương vừa mới thổ huyết, các người không thấy hay sao? Các người sao lại… sao lại…
Nói tới đây, giọng y nghẹn ngào như sắp khóc. Ân Thiên Chính nghĩ thầm: Thì ra Trương chân nhân bị thương vừa mới thổ huyết, không biết kẻ đả thương là ai? Dẫu Trương lão không bị thương thì tuổi tác cũng đã quá cao, làm sao có thể tỷ thí quyền cước với tên kia cơ chứ? Võ công tên này có lẽ thuần một lộ cương mãnh, để ta thử xem sao. Ông bèn cao giọng nói:
– Trương chân nhân vai vế thế nào lại thèm động thủ với hạng kẻ ăn người ở cơ chứ? Nói nghe sao mà tức cười quá! Chưa cần Trương chân nhân phải ra tay, hạng đầy tớ như ngươi, hà hà, không chịu nổi một quyền một cước của Ân lão mỗ này đâu.
Ân Thiên Chính biết rõ A Đại, A Nhị, A Tam hoàn toàn không phải hạng tầm thường, nhưng vẫn cố ý khinh miệt cốt để buộc chúng đấu với mình.
Triệu Mẫn nói:
– A Tam, việc mới làm gần đây nhất là gì, hãy nói cho họ nghe đi, xem có xứng để tỷ thí với cao nhân phái Võ Đang hay không?
Mọi lời lẽ của nàng đều nhất mực nhằm lôi phái Võ Đang vào cuộc.
A Tam nói:
– Tiểu nhân gần đây cũng không làm được việc gì đáng kể. Ở vùng Tây Bắc, tiểu nhân có động thủ với một hòa thượng Thiếu Lâm tự tên là Không Tính, chỉ lực đấu chỉ lực, đã phá được Long trảo thủ của hòa thượng đó, tiện tay cắt luôn thủ cấp của lão ta.
Nghe xong câu ấy, mọi người trong đại sảnh đều rúng động. Trên đỉnh Quang Minh, Không Tính thần tăng từng dùng Long trảo thủ đấu với Trương Vô Kỵ, có lúc đã chiếm thượng phong, các cao thủ của Minh giáo người nào cũng chứng kiến, không ngờ vị cao tăng ấy táng mạng dưới tay tên A Tam này. Đã giết được vị thần tăng phái Thiếu Lâm, thì hắn đủ tư cách tỷ thí cao thấp với Trương Tam Phong.
Ân Thiên Chính lớn tiếng nói:
– Được lắm! Ngay đến Không Tính thần tăng của phái Thiếu Lâm còn bị ngươi đánh chết, vậy để Ân lão mỗ đấu với ngươi một trận mới khoái!
Nói rồi ông bước lên hai bước, xoãi chân xuống tấn, lông mày trắng dựng ngược, thần uy lẫm lẫm.
A Tam nói:
– Bạch Mi Ưng Vương, lão là tà ma ngoại đạo, A Tam ta cũng là ngoại đạo tà ma, hai ta cùng một lò, phe mình lẽ nào đánh phe ta? Nếu lão muốn đấu, vậy cứ hẹn ngày đi, ta sẽ tiếp lão. Hôm nay chủ nhân chỉ ra lệnh ta thử xem võ công phái Võ Đang hư thực thế nào thôi.
Hắn quay sang nói với Trương Tam Phong:
– Trương chân nhân, nếu các hạ không muốn hạ trường, chỉ cần nói một câu là xong, bọn ta cũng không bức ép gì. Phái Võ Đang chỉ cần nhận thua là được, bọn ta đâu cứ nhất thiết phải lấy mạng các hạ?
Trương Tam Phong mỉm cười, nghĩ bụng tuy mình bị trọng thương, nhưng nếu thi triển pháp môn võ học thượng thừa dĩ hư ngự thực trong pho Thái cực quyền mới sáng chế thì chưa chắc đã thua hắn. Nhưng cái khó là sau khi đánh bại A Tam, tên A Nhị thể nào cũng đòi đấu nội lực, việc đó không thể mượn sự khôn khéo mà được; cửa ải đó khó bề vượt qua. Nhưng tình thế lúc này như lửa cháy lông mày, hiện tại cứ phải đánh bại tên A Tam trước đã, rồi sẽ tính sau. Nghĩ thế, Trương lão bèn bước ra giữa điện, nói với Ân Thiên Chính:
– Mỹ ý của Ân huynh, bần đạo tâm lĩnh. Bần đạo gần đây có sáng tạo một pho quyền thuật, gọi là Thái cực quyền, tự nghĩ không giống như nhiều môn võ công khác. Vị thí chủ kia muốn ấn chứng công phu phái Võ Đang, Ân huynh có đánh bại y, y cũng không cam chịu. Vậy để bần đạo đem vài chiêu số trong pho Thái cực quyền ra đấu xem sao, âu cũng là dịp tốt để bần đạo trình các vị xem pho quyền tâm huyết nhiều năm.
Ân Thiên Chính cảm thấy vừa vui mừng vừa lo ngại khi nghe Trương chân nhân nói đến pho Thái cực quyền bằng một giọng đầy tự tin. Trương Tam Phong là người đã nói sao, hẳn có chủ định, đã nắm chắc cả rồi, có lẽ nào làm mất uy danh một đời? Nhưng Trương chân nhân vừa bị thương thổ huyết, chỉ sợ quyền kỹ tuy tinh, song nội lực khó chịu nổi. Tuy nhiên ông cũng không tiện nhiều lời, đành ôm quyền nói:
– Vãn bối cung kính chiêm ngưỡng thần kỹ của Trương chân nhân.
A Tam thấy Trương chân nhân điềm nhiên hạ trường, trong bụng cũng có phần khiếp sợ, nhưng lại nghĩ thầm: Hôm nay chỉ riêng một việc ta cùng lão đạo này tỷ thí lưỡng bại câu thương, cũng đủ làm chấn động võ lâm rồi. Hắn bèn nín thở ngưng thần, hai mắt chăm chăm nhìn vào mặt Trương Tam Phong, lẳng lặng vận nội tức, xương cốt toàn thân phát ra tiếng lách cách không ngừng. Mọi người nghe thế đều nhìn nhau kinh hãi, biết đây là võ công tối thượng thừa của Phật môn chính tông, từ ngoài vào trong không nhuốm chút tà khí nào cả, chính là Kim cương phục ma thần thông.
Trương Tam Phong thấy thần tình đối phương như thế, cũng thầm kinh hãi: Người này lai lịch không tầm thường! Không biết pho Thái cực quyền của ta có đối phó nổi chăng? Rồi Trương lão từ từ giơ hai tay lên, ngụ ý nhường A Tam xuất chiêu.
Đột nhiên một đạo đồng đầu bù tóc rối, mặt mày lem luốc từ sau lưng Du Đại Nham bước ra, nói:
– Thái sư phụ, vị thí chủ kia nếu muốn biết quyền kỹ của phái Võ Đang ta thì hà tất thái sư phụ phải mất công đại giá? Để đệ tử diễn vài chiêu cho y xem cũng đủ rồi.
Đạo đồng đầu bù tóc rối kia chính là Trương Vô Kỵ. Cánh Ân Thiên Chính, Dương Tiêu mới chia tay với chàng chưa lâu, tuy lúc này hình dáng, y phục của chàng hoàn toàn thay đổi nhưng vừa nghe giọng nói là nhận ra liền. Quần hào Minh giáo thấy giáo chủ đã ở đây từ sớm thì cả mừng.
Còn Trương Tam Phong và Du Đại Nham làm sao nghĩ ra được? Trương Tam Phong nhất thời chưa nhận ra chàng, nhìn áo quần lại đoán là Thanh Phong, liền nói:
– Vị thí chủ kia chuyên về Kim cương phục ma thần thông ngoại môn của phái Thiếu Lâm, hẳn là một cao thủ của chi phái Thiếu Lâm Tây Vực. Trẻ như con, chỉ một chiêu thôi cũng đủ bị đứt gân gãy xương, đâu phải chuyện đùa?
Trương Vô Kỵ tay trái kéo vạt áo Trương Tam Phong, tay phải cầm bàn tay trái của Trương lão lắc nhẹ, nói:
– Pho Thái cực quyền mà thái sư phụ dạy cho con, con chưa hề sử dụng, nên không biết mình đã luyện thành hay chưa. May sao gặp vị thí chủ đây là cao thủ ngoại gia, xin để con ra đấu, xem có thể lấy nhu khắc cương, lấy hư chế thực được không, chẳng hay lắm sao?
Vừa nói, chàng vừa dùng Cửu dương thần công truyền một luồng khí cực kỳ hồn hậu và nhu hòa qua bàn tay sang cơ thể Trương Tam Phong.
Trong khoảnh khắc ấy, Trương Tam Phong cảm nhận được một luồng lực đạo vô cùng mạnh mẽ qua lòng bàn tay đi vào người mình, tuy còn kém xa nội lực của Trương lão về mặt thuần nhất, nhưng dồn dập dồi dào, liên miên bất tuyệt, tưởng như vô cùng vô tận. Trương lão kinh ngạc, nhìn kỹ sắc mặt Trương Vô Kỵ, thấy ánh mắt chàng không lộ quang hoa mà ẩn chứa sự trong sáng ôn nhuận, chứng tỏ nội công đã đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh; bình sinh trong đời Trương lão chỉ gặp vài người, như Giác Viễn đại sư, Quách Tĩnh đại hiệp là đạt tới mức đó mà thôi. Còn thời nay, trừ bản thân Trương lão ra, chưa có người thứ hai đạt tới cảnh giới đó. Trong giây lát, lòng Trương lão nổi lên bao mối hồ nghi, nhưng nội lực của chàng thiếu niên này truyền cho Trương lão rõ ràng là để giúp trị thương, không hề có tà ý. Trương lão bèn mỉm cười nói:
– Ta già nua lẩm cẩm, đâu có môn gì hay dạy cho con đâu? Con muốn lĩnh giáo công phu ngoại môn tuyệt đỉnh của vị thí chủ này cũng được, nhưng phải thận trọng đó.
Trương lão đoán rằng đạo đồng này là cao thủ của một môn phái tới tiếp viện, cho nên mới dùng lời lẽ khiêm nhường khách sáo.
Trương Vô Kỵ nói:
– Thái sư phụ đối với hài nhi ơn nặng như non, dẫu hài nhi có tan xương nát thịt cũng không trả nổi đại ân của thái sư phụ và các vị sư bá sư thúc. Võ công của phái Võ Đang ta tuy không dám nói là vô địch thiên hạ, song quyết không thua thủ hạ của Thiếu Lâm Tây Vực, xin thái sư phụ cứ yên tâm.
Mấy câu này chàng nói hết sức thành thực, ba tiếng thái sư phụ nghe vô cùng tự nhiên, không chút ngập ngừng giả bộ, khiến Trương Tam Phong cũng ngạc nhiên: Hay y đúng là đệ tử bổn môn, đã bí mật gắng công tập luyện, hệt như bản sư Giác Viễn đại sư năm xưa? Trương Tam Phong chậm rãi buông tay Trương Vô Kỵ, lùi về chỗ cũ, ngồi xuống ghế, liếc sang phía Du Đại Nham, thấy người học trò cũng ngơ ngác chưa hiểu thế nào.
A Tam thấy Trương Tam Phong cho một gã tiểu đạo đồng xuất chiến, tức là tỏ ra khinh miệt hắn đến cực điểm nên hắn định bụng sẽ giáng cho gã tiểu đạo đồng một đòn chết tươi, để khích Trương lão tức giận động thủ với hắn, như thế hắn càng chắc thắng hơn. Nghĩ vậy, hắn cũng không nhiều lời, chỉ giục:
– Tên oắt con, ra chiêu đi!
Trương Vô Kỵ nói:
– Pho quyền thuật này là do thái sư phụ vãn bối Trương chân nhân trải qua nhiều năm tâm huyết để tạo ra, gọi là Thái cực quyền. Vãn bối mới học, chưa kịp tập luyện, vị tất đã nắm được tinh yếu của quyền pháp, trong vòng ba mươi chiêu, e rằng chưa đánh ngã nổi tiền bối. Nếu chuyện đó xảy ra thì cũng là do vãn bối học nghệ chưa tinh, chứ không phải vì pho quyền thuật này không hay, chuyện đó tiền bối cần hiểu cho rõ.
A Tam không giận nổi phải cười phá lên, ngoảnh lại nói với A Đại, A Nhị:
– Đại ca, nhị ca, thiên hạ sao lại có tên tiểu tử ngông cuồng đến thế không biết!
A Nhị cũng cười theo. Riêng A Đại nhận thấy gã tiểu đạo đồng này không phải hạng dễ đối phó, nên nói:
– Tam đệ, đừng khinh địch!
A Tam tiến lên một bước, vù một tiếng, tay phải đánh thẳng tới ngực Trương Vô Kỵ, chiêu này nhanh như chớp, hữu quyền mới đến nửa chừng nhưng tả quyền còn nhanh hơn, phát sau mà đến trước, giáng thẳng vào mặt Trương Vô Kỵ, chiêu thuật kỳ dị hiếm thấy.
Trương Vô Kỵ từ lúc nghe Trương Tam Phong diễn giảng về Thái cực quyền, trong hơn một canh giờ qua, chàng chỉ suy ngẫm về quyền lý của pho quyền thuật này; giờ đây thấy tả quyền của A Tam đánh ra, chàng lập tức sử chiêu Lãm tước vĩ trong pho Thái cực quyền, chân phải thực, chân trái hư, vận dụng yếu quyết chữ Tễ mà nương theo đối phương, bàn tay phải đã nắm được cổ tay trái của hắn, dùng sức đẩy ngang. Thân hình A Tam tức thì bổ nhào về đằng trước, loạng choạng hai bước mới đứng lại được. Mọi người thấy thế cùng ngạc nhiên ồ lên.
Chiêu Lãm tước vĩ này đây là lần đầu tiên được đem ra đối phó với kẻ địch kể từ khi pho Thái cực quyền được sáng chế. Trương Vô Kỵ có Cửu dương thần công, lại thiện dụng thuật Càn khôn đại na di, đột nhiên sử dụng yếu quyết chữ Niêm trong pho Thái cực quyền, tuy chàng được học chưa đầy hai canh giờ, song cũng bằng người ta khổ luyện cả đời.
A Tam bị chàng vuốt một cái, kình lực ngàn cân của đòn quyền kia như rơi tõm vào biển cả, không còn chút tăm hơi, chính mình lại bị quyền kình của mình đẩy đi hai bước. Hắn kinh hãi, cả giận, cứ đánh ra liên tiếp, tựa hồ hắn có hàng chục cánh tay, hàng chục quả đấm cùng tung đòn một lượt.
Mọi người thấy thế công của hắn như cuồng phong bạo vũ, đều kinh hãi nghĩ thầm: Thảo nào võ công cao cường như Không Tính đại sư cũng phải bỏ mạng dưới tay hắn. Trừ đồng bọn đi theo Triệu Mẫn, còn lại ai cũng lo lắng cho Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ có ý hiển dương uy danh phái Võ Đang nên chàng không sử dụng võ công của mình, mọi chiêu thức đều sử dụng pho Thái cực quyền do Trương Tam Phong sáng tạo, như Đơn tiên, Đề thủ thượng thế, Bạch hạc lượng sí, Lâu tất câu bộ. Đến lúc chàng sử dụng chiêu Thủ huy tì bà, tay phải vòng ra, tay trái thu vào, trong giây lát ngộ ra chỗ tinh vi huyền diệu của pho Thái cực quyền, thành thử chàng sử chiêu này vô cùng tự nhiên nhàn nhã cứ như thể nước chảy mây trôi.
A Tam chỉ cảm thấy toàn bộ lộ thượng bàn đã bị song chưởng của đối phương bao phủ như nhốt trong lồng, không thể nào né tránh, cũng không thể chống đỡ, đành vận kình ra lưng chịu để chàng đánh một chưởng; cùng lúc đó hắn tung hữu quyền, cốt sao mỗi người chịu một chiêu, thành cục diện lưỡng bại câu thương. Nào ngờ Trương Vô Kỵ hai tay tạo vòng tròn như ôm Thái cực vào lòng, một luồng lực đạo vô cùng mạnh mẽ tạo thành cơn gió lốc cuốn đối phương xoay tròn tại chỗ bảy tám vòng như con quay, khiến hắn phải vất vả xuống tấn sử chiêu Thiên cân trụy mới đứng lại được, song mặt thì đỏ gay, cực kỳ bẽ bàng.
Quần hào Minh giáo lớn tiếng reo hò. Dương Tiêu nói:
– Công phu Thái cực quyền của phái Võ Đang thật thần diệu, quả làm cho người ta sáng mắt.
Chu Điên cười, nói:
– A Tam lão huynh, ta khuyên lão huynh nên đổi tên đi, gọi là A Quay thôi!
Ân Dã Vương bồi thêm:
– Quay thêm vài vòng nữa cũng chả có gì bẽ mặt, cổ nhân chẳng từng nói Ba mươi sáu chước, chước quay là hơn đó sao?
Thuyết Bất Đắc cũng nói:
– Ngày trước hảo hán Lương Sơn Bạc có gã Hắc Toàn Phong, toàn phong nghĩa là cứ xoay như gió lốc!
A Tam tức giận, mặt từ màu đỏ chuyển sang tím, rồi hắn rống lên một tiếng, nhảy chồm tới, tay trái lúc quyền lúc chưởng, biến ảo khôn lường; còn tay phải chỉ sử dụng công phu chỉ lực, chộp cào đâm chọc, vồ móc cấu gảy, năm ngón tay dùng như phán quan bút, như điểm huyệt quyết, như đao như kiếm, như thương như kích, tấn công cực kỳ hung hãn.
Trương Vô Kỵ vì pho Thái cực quyền chưa thạo nên tức thời chân tay luống cuống, ứng phó không nổi, bỗng soạt một tiếng, tay áo bị xẻ một đường; chàng đành thi triển khinh công, cốt chạy nhanh để né tránh công phu chỉ lực ghê gớm chưa từng thấy kia. A Tam gầm lên đuổi theo, nhưng không sánh kịp khinh công phiêu dật của đối phương, mười ngón tay vồ lần nào cũng hụt.
Trương Vô Kỵ vừa né tránh, vừa nghĩ bụng: Nếu ta chỉ chạy không đấu, chẳng hóa ra thua ư? Pho Thái cực quyền này ta chưa thạo lắm, chi bằng sử dụng công phu Càn khôn đại na di đấu với hắn vậy, bèn quay lại, hai tay ra chiêu Dã mã phân tông trong pho Thái cực quyền, nhưng tay trái lại sử dụng thủ pháp Càn khôn đại na di. Một ngón tay bên phải của A Tam đâm vào vai đối phương, chẳng hiểu bị lôi kéo thế nào, lại đâm luôn vào bắp tay trái của chính mình khiến hắn bị đau đến nổ đom đóm mắt, cánh tay trái cơ hồ không nhấc lên nổi.
Dương Tiêu biết đó không phải công phu Thái cực quyền, bèn nói lấp đi:
– Thái cực quyền quả là tuyệt diệu!
A Tam vừa đau vừa tức, quát:
– Thứ đó là tà thuật yêu pháp chứ Thái cực quyền nỗi gì?
Rồi hắn chọc liền ba chỉ. Trương Vô Kỵ tung mình né tránh, lại thấy A Tam vươn tay ra, hai ngón chọc tới, chàng bèn sử dụng tâm pháp Càn khôn đại na di vừa kéo vừa dẫn, nghe cộp một tiếng, hai ngón tay của A Tam chọc luôn vào cây cột gỗ lớn trong đại điện, lút sâu vào gỗ. Mọi người vừa cả kinh, vừa tức cười.
Trong khi ai nấy đang cười ồ, Du Đại Nham bỗng quát lên:
– Dừng tay! Ngươi vừa sử dụng Kim cương chỉ lực của phái Thiếu Lâm phải không?
Trương Vô Kỵ tung mình nhảy tránh ra, nghe mấy tiếng Kim cương chỉ lực của phái Thiếu Lâm thì lập tức nhớ lại Tam sư bá Du Đại Nham chính là bị đả thương bởi Kim cương chỉ lực của phái Thiếu Lâm, hơn hai chục năm nay mọi người trong phái Võ Đang vẫn vì chuyện đó mà giữ lòng thù oán phái Thiếu Lâm, xem ra hung thủ hiện đang ở ngay trước mặt.
Chỉ nghe A Tam lạnh lùng nói:
– Kim cương chỉ lực thì đã sao? Ai bảo ngươi cứng đầu không chịu nói nơi cất giấu thanh đao Đồ Long? Được nếm mùi tàn phế hai chục năm có thích không?
Du Đại Nham xẵng giọng:
– Đa tạ ngươi hôm nay nói rõ chân tướng, thì ra ta bị tàn phế là do chi phái Thiếu Lâm Tây Vực hạ độc thủ. Chỉ tiếc cho… cho ngũ sư đệ ta.
Nói đến đó, giọng ông nghẹn ngào. Năm xưa Trương Thúy Sơn tự vẫn mà chết cũng chỉ vì Du Đại Nham bị Ân Tố Tố dùng ngân châm đả thương, nên không còn mặt mũi nào nhìn sư huynh. Thực ra Du Đại Nham sau khi trúng phải ngân châm đã được Ân Tố Tố thuê tiêu cục Long Môn đưa về núi Võ Đang, chạy chữa chừng một tháng sẽ khỏi; còn tứ chi của ông bị gãy nát chính là do độc thủ Kim cương chỉ lực của phái Thiếu Lâm. Nếu bấy giờ tìm ra hung thủ, phu thê Trương Thúy Sơn đâu đến nỗi phải chết thảm như thế? Du Đại Nham đã thương sư đệ chẳng tội tình gì phải chết oan, lại hận cho mình thành kẻ tàn phế, mắt nhìn kẻ kia như muốn tóe lửa.
Trương Vô Kỵ nghe hai người đối đáp, lập tức hiểu rõ tiền nhân hậu quả. Hồi nhỏ chàng từng nghe cha kể chuyện chùa Thiếu Lâm có tên hỏa công đầu đà học lén võ nghệ, đánh chết thủ tọa Đạt Ma đường Khổ Trí thiền sư, rồi các cao thủ trong phái Thiếu Lâm tranh chấp lớn đến nỗi Khổ Tuệ thiền sư phải bỏ sang Tây Vực lập ra phái Thiếu Lâm Tây Vực, xem chừng người này là truyền nhân của Khổ Tuệ thiền sư.
Quả nhiên nghe Trương Tam Phong nói:
– Thí chủ tâm địa tàn ác quá, ta không ngờ trong số các truyền nhân của Khổ Tuệ thiền sư lại có một kẻ như thí chủ.
A Tam cười gằn:
– Khổ Tuệ là cái quái gì chứ?
Trương Tam Phong thấy hắn hỏi thế thì chợt hiểu. Năm xưa, khi Du Đại Nham bị Kim cương chỉ lực đả thương, phái Võ Đang đã cho người sang chất vấn phái Thiếu Lâm, chưởng môn phái Thiếu Lâm kiên quyết không thừa nhận, nên cũng đã nghi ngờ cho phái Thiếu Lâm Tây Vực. Nhưng nhiều năm nghe ngóng, biết rằng chi phái ấy ít người, các đệ tử chỉ chuyên tâm nghiên cứu Phật học, không giỏi võ công, lúc này Trương lão nghe A Tam hỏi Khổ Tuệ là cái quái gì? thì biết ngay hắn nếu là truyền nhân của phái Thiếu Lâm Tây Vực thì không đời nào lại nhục mạ tổ sư khai sáng, bèn nói:
– Thảo nào! Thảo nào! Thì ra thí chủ là truyền nhân của tên hỏa công đầu đà, chẳng những học được võ công của hắn, mà còn nhiễm luôn cái tính hiểm độc ấy nữa! Thế còn cái gã Không Tướng gì đó là sư huynh đệ của thí chủ phải không?
A Tam đáp:
– Phải, y là sư đệ của ta, nhưng pháp danh của y không phải là Không Tướng, mà là Cương Tướng. Trương chân nhân, Bát nhã kim cương chưởng của Kim cương môn so với chưởng pháp của phái Võ Đang thì thế nào?
Du Đại Nham xẵng giọng đáp:
– Còn thua xa! Đầu hắn bị một chưởng của sư phụ ta đánh đã vỡ sọ nát óc chết tươi rồi. Dám đánh trống qua cửa nhà sấm, đáng kiếp!
A Tam rống lên, chồm tới. Trương Vô Kỵ dùng chiêu Như phong tự bế của pho Thái cực quyền chặn hắn lại, nói:
– A Tam, hãy đưa Hắc ngọc đoạn tục cao ra đây.
Vừa nói chàng vừa chìa bàn tay phải.
A Tam cả kinh, nghĩ thầm: Thần dược chữa gãy xương của bản môn cực kỳ bí mật, ngay đệ tử bình thường của bản môn còn chưa biết, tên đạo đồng này nghe ở đâu mà biết thế nhỉ?
Hắn đâu biết trong Y kinh của Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu có chép rằng ở Tây Vực có một lộ võ công ngoại gia, nghi là bàng chi của phái Thiếu Lâm, thủ pháp cực kỳ kinh dị, bẻ gãy tứ chi người ta mà không thuốc nào trị được, chỉ có bí dược bổn môn Hắc ngọc đoạn tục cao cứu nổi mà thôi; còn loại thuốc ấy phối chế như thế nào thì không truyền ra ngoài. Trương Vô Kỵ nhớ đến chi tiết ấy, thuận miệng nói ra, vốn chỉ thử xem có đúng hay không, thấy A Tam mặt biến sắc, liền biết là mình đoán đúng, lại quát:
– Đưa đây!
Chàng nghĩ đến cái chết của cha mẹ, sự tàn phế của hai vị Du, Ân sư bá sư thúc, hận không thể lập tức giết chết hắn, nên cũng không muốn nhiều lời với hắn.
Còn A Tam vừa rồi giao đấu với Trương Vô Kỵ, tuy có lúc bị núng thế, nhưng khi sử dụng Đại lực kim cương chỉ thì đối phương chỉ có nước né tránh chứ không có cách gì trả đòn. Chỉ cần chú ý đừng để bị lôi kéo bởi thủ pháp quái dị của gã đạo đồng, đấu tiếp thì thể nào mình cũng thắng, thế là hắn tiến lên một bước, quát:
– Thằng lỏi con, mi quỳ xuống lạy ta ba cái, ta sẽ tha cho mi, nếu không mi sẽ bị như gã Du Đại Nham kia.
Trương Vô Kỵ quyết ý lấy bằng được Hắc ngọc đoạn tục cao, nhưng đối phó thế nào với Kim cương chỉ lực thì nhất thời chàng chưa nghĩ ra. Thủ pháp Càn khôn đại na di có thể đả thương A Tam, song không thể ép hắn đưa thuốc ra. Chàng đang ngẫm nghĩ thì Trương Tam Phong nói:
– Hài tử, hãy lại đây!
Trương Vô Kỵ đáp:
– Vâng, thái sư phụ!
Trương Tam Phong nói:
– Dùng ý chứ không dùng lực, thái cực xoay vòng, không hề đứt đoạn. Khi đắc cơ đắc thế sẽ khiến đối thủ tự đứt gốc. Từng chiêu từng thức phải liền mạch với nhau như trường giang đại hà, chảy hoài không dứt.
Trương lão thấy Trương Vô Kỵ đối địch ra chiêu đã phần nào hiểu được tinh hoa của pho quyền, nhưng vì võ công của chàng vốn quá cao cường, quyền chiêu quá rạch ròi nên chưa thể hội được cái ý xoay vòng không dứt của Thái cực quyền.
Trương Vô Kỵ võ công đã cao, thấy được điểm mấu chốt, nghe Trương Tam Phong nói mấy câu ấy là tức thời lĩnh ngộ được ngay, nghĩ đến cái ý xoay vòng không dứt, biến hóa âm dương của Thái cực đồ.
A Tam cười khẩy, nói:
– Lâm trận học võ, chẳng muộn quá sao?
Trương Vô Kỵ lông mày dựng lên, nói:
– Có muộn hay không, ngươi cứ thử khắc biết.
Nói rồi chàng quay lại, tay phải đưa vòng ra phía trước, nhắm vào mặt A Tam, chính là chiêu Cao thám mã trong Thái cực quyền. A Tam năm ngón tay phải liền chụm lại thành hình lưỡi đao chém xuống. Trương Vô Kỵ biến chiêu Song phong quán nhĩ, hai tay ra đòn thành hình vòng tròn; lối biến chiêu này đúng là đã lĩnh hội được tinh nghĩa xoay vòng không dứt mà thái sư phụ vừa chỉ giáo. Rồi cứ thế vòng tròn bên trái vòng tròn bên phải, hết vòng tròn này đến vòng tròn khác, vòng tròn to vòng tròn nhỏ, vòng tròn ngang vòng tròn đứng, vòng tròn xéo, các vòng tròn Thái cực cứ liên tiếp công kích khiến A Tam lật đật lắc lư, chân đứng không vững, trông hắn như một kẻ say rượu.
Đột nhiên năm ngón tay của A Tam xỉa mạnh tới, Trương Vô Kỵ sử chiêu Vân thủ, tay trái trên cao, tay phải dưới thấp, làm thành vòng tròn chặn cánh tay hắn lại, cương kình Cửu dương thần công vận ra, chỉ nghe rắc rắc hai tiếng, xương bả vai, xương cánh tay và xương cẳng tay của A Tam cùng gãy rời. Cương kình Cửu dương thần công quả thật lợi hại, riêng cái xương bả vai của A Tam đã gãy vụn thành dăm mảnh, trông không còn hình thù cái vai nữa. Chỉ về phần kình lực mà nói thì pho Thái cực quyền lấy nhu kình làm chính còn lâu mới sánh kịp.
Trương Vô Kỵ hận A Tam tàn ác, chiêu Vân thủ chàng sử dụng liên miên không dứt như áng mây trắng bay ngang trời, vòng tròn này chưa xong, vòng tròn khác đã kế tiếp, lại nghe rắc rắc, tay trái của A Tam gãy nốt; rồi mấy tiếng rắc rắc liền nhau, cả hai đùi của hắn cũng gãy vụn. Trương Vô Kỵ bình sinh động thủ với người chưa bao giờ hạ độc thủ như thế; nhưng kẻ này đã hại chết cha mẹ chàng, hãm hại tam sư bá và lục sư thúc, nếu không phải còn cần lấy Hắc ngọc đoạn tục cao, thì chàng đã đánh chết tươi hắn rồi.
A Tam hự lên một tiếng, gục xuống. Trong đám thủ hạ của Triệu Mẫn có một kẻ chạy ra xốc hắn mang về chỗ cũ.
Mọi người chung quanh thấy thần công của Trương Vô Kỵ như thế, thảy đều kinh hãi, cả đến các cao thủ Minh giáo cũng quên cả việc hò reo.
Gã hói A Nhị liền vọt tới, hữu chưởng nhắm ngực Trương Vô Kỵ đánh nhanh, chưởng của gã chưa chạm tới mà Trương Vô Kỵ đã cảm thấy tức ngực, liền sử chiêu Tà phi thế dẫn chưởng lực lệch sang một bên. Gã hói này chẳng nói chẳng rằng, hạ bàn vững chãi như được đóng đinh xuống đất, cứ chăm chú tung hết chưởng này đến chưởng khác, nội lực hùng hậu vô cùng.
Trương Vô Kỵ thấy chưởng lộ của hắn cùng một kiểu với A Tam, nhìn lứa tuổi chắc là sư huynh của A Tam, tuy võ công không nhanh nhẹn bằng nhưng trầm ổn hơn hẳn; chàng bèn sử dụng các chiêu thức niêm, dẫn, tễ, án trong Thái cực quyền, định đẩy hắn nghiêng đi, nào ngờ nội lực của hắn quá mạnh, chàng lại bị hắn kéo tới một bước.
Hùng tâm của Trương Vô Kỵ trỗi dậy, nghĩ thầm: Để ta tỷ thí với ngươi một phen, xem nội công của Thiếu Lâm Tây Vực lợi hại hay Cửu dương thần công của ta ghê gớm hơn. Chàng thấy tên kia tung chưởng ra, bèn múa chưởng đón đường, tức là lấy cứng chọi cứng, không cần chút khéo léo gì bên trong. Hai chưởng đụng nhau, nghe bùm một tiếng lớn, cả hai cùng lảo đảo.
Trương Tam Phong kêu ây dà một tiếng, nghĩ thầm: Không hay rồi! Đánh thô lỗ kiểu này, ai mạnh thì thắng, trái ngược hẳn với quyền lý của Thái cực quyền. Gã hói này nội lực thâm hậu hiếm thấy trong võ lâm, sợ rằng đấu thêm một chưởng nữa, tiểu hài nhi sẽ bị trọng thương. Vừa lúc đó thì chưởng thứ hai của đôi bên lại đụng nhau, bùm một tiếng, A Nhị lảo đảo lùi một bước, trong khi Trương Vô Kỵ thản nhiên đứng tại chỗ, vẻ nhởn nhơ.
Cửu dương thần công và nội công của phái Thiếu Lâm nếu luyện tới cảnh giới tối cao thì có thể nói chẳng bên nào kém bên nào. Nhưng Kim cương môn của Tây Vực do gã hỏa công đầu đà sáng tạo ra vốn là thứ võ nghệ gã học lén ở chùa Thiếu Lâm. Quyền cước binh khí cố nhiên có thể học lén, còn nội công là cách vận hành khí tức trong cơ thể, dẫu có tận mắt trông thấy người ta đả tọa tịnh tu tám năm, mười năm thì cũng chẳng thể biết được phương pháp điều quân, vận hành khí tức như thế nào. Thành thử ngoại công có thể học lén, còn nội công không sao học lỏm được. Ngoại công Kim cương môn rất mạnh, không thua gì Thiếu Lâm chính tông; còn nội công lại thua xa.
A Nhị là một dị nhân trong Kim cương môn, bẩm sinh có thần lực, từ ngoại công đi vào nội công bằng một con đường riêng, luyện thành một nhân vật có nội công thâm hậu hơn cả hỏa công đầu đà tổ sư, có thể nói là trời phú. Dưới tay gã, ít có ai tiếp nổi ba chiêu, vậy mà lúc này cùng đối phương đấu chưởng thẳng thừng với nhau gã lại bị chưởng lực của Trương Vô Kỵ đẩy lùi một bước; gã vừa sợ vừa tức, hít một hơi dài, song chưởng cùng đánh thẳng vào Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ kêu lên:
– Ân lục thúc, sư thúc hãy xem điệt nhi rửa hận cho sư thúc đây.
Thì ra lúc này Ân Lê Đình đã được Dương Bất Hối, Tiểu Chiêu hộ tống, ngồi trong võng do hai giáo chúng Minh giáo khiêng tới đây.
Trương Vô Kỵ nói xong, hữu quyền tung ra, nghe hịch một tiếng, A Nhị phải lùi ba bước, hai mắt trợn trừng, khí huyết nhộn nhạo trong ngực. Trương Vô Kỵ nói to:
– Ân lục thúc, trong đám vây đánh sư thúc, có gã hói này hay không?
Ân Lê Đình đáp:
– Chính hắn, hắn là tên đầu sỏ đó!
Chỉ nghe gã hói A Nhị toàn thân xương cốt kêu lách cách, là gã đang vận kình. Du Đại Nham biết tên này nội lực cương mãnh, vận nội kình như thế, chưởng lực sẽ vô cùng lợi hại, khó bề chống đỡ, bèn lên tiếng:
– Qua sông chưa xong, đánh vào giữa dòng.
Ý là mách nước cho Trương Vô Kỵ đừng đợi A Nhị hoàn tất việc vận kình, hãy tấn công luôn khiến gã trở tay không kịp.
Trương Vô Kỵ đáp:
– Vâng.
Chàng tiến lên một bước, song chưa ra đòn. A Nhị hai tay đánh ra, một luồng lực đạo bài sơn đảo hải tràn tới. Trương Vô Kỵ hít một hơi, chân khí trong cơ thể lưu chuyển, hữu chưởng đẩy ra, một đỡ một đón, đem toàn bộ chưởng lực của đối phương hất trả lại. Hai luồng chưởng lực gộp làm một, A Nhị rú lên một tiếng, thân người gã y hệt một viên đá bắn ra từ cung nỏ, thân hình đụng vỡ toang bức tường mà bay ra khỏi sảnh.
Ai nấy còn đang kinh hãi thất sắc thì thấy có một người chui qua lỗ hổng trên tường kia mà vào, xách theo A Nhị ném xuống đất. Người ấy béo tròn và thấp như cái cối đá, hình dạng tức cười, nhưng thân pháp hết sức linh hoạt, chính là chưởng kỳ sứ Hậu Thổ kỳ của Minh giáo, tên là Nhan Viên. Gã hói A Nhị hai xương cánh tay, xương lồng ngực, xương sườn, xương đòn gánh đều bị gãy hết vì chưởng lực cương mãnh hùng hậu của chính gã. Nhan Viên quẳng A Nhị rồi, cúi mình chào Trương Vô Kỵ, lại qua lỗ hổng trên tường mà chui ra, trông y như một con chuột chũi béo mập.
Triệu Mẫn thấy tiểu đạo đồng liên tiếp đánh bại hai đệ nhất cao thủ của nàng, sớm đã sinh nghi, giờ thấy Nhan Viên hành lễ, nàng bèn nhìn kỹ, thì nhận ra, tự trách: Đáng chết, đáng chết! Mình đến trước làm chủ, cứ tưởng gã tiểu quỷ này ở bên ngoài bố trí, đâu ngờ gã giả làm đạo đồng, ở đây phá bĩnh làm hỏng đại sự của mình. Triệu Mẫn lạnh lùng nói:
– Trương giáo chủ, sao giáo chủ chẳng giữ thể diện, lại đi đóng giả đầy tớ như thế? Cứ luôn mồm thái sư phụ này, thái sư phụ nọ, không biết ngượng hay sao?
Trương Vô Kỵ thấy Triệu Mẫn nhận ra mình, liền cao giọng đáp:
– Tiên phụ Trương Thúy Sơn chính là đệ tử thứ năm của thái sư phụ, ta không gọi là thái sư phụ thì gọi thế nào?
Rồi chàng quay sang, quỳ xuống khấu đầu trước Trương Tam Phong, nói:
– Hài nhi Trương Vô Kỵ khấu kiến thái sư phụ và tam sư bá. Sự việc cấp bách, hài nhi chưa kịp bẩm rõ, xin được tha cho tội giấu giếm.
Trương Tam Phong và Du Đại Nham vừa kinh ngạc vừa vui mừng, không thể ngờ chàng thiếu niên vừa đánh bại hai đại cao thủ Thiếu Lâm Tây Vực lại chính là đứa cháu ốm o bệnh tật, chết đi sống lại năm nào. Trương Tam Phong cười ha hả, đưa tay đỡ chàng dậy, nói:
– Hảo hài tử, con chưa chết, Thúy Sơn đã có người nối dòng!
Trương Vô Kỵ võ công trác tuyệt, điều đó chỉ là phụ; điều Trương Tam Phong mừng hơn cả chính là vì Trương lão cứ tưởng chàng chết rồi, không ngờ vẫn còn sống, thành thử y như trời ban cho, sung sướng như mở cờ trong bụng, quay sang nói với Ân Thiên Chính:
– Ân huynh, cung hỉ Ân huynh có được đứa cháu ngoại tốt thế này!
Ân Thiên Chính cười đáp:
– Trương chân nhân, cung hỉ Trương chân nhân dạy được một đồ tôn giỏi nhường này.
Triệu Mẫn đốp lại liền:
– Cái gì mà cháu ngoại tốt với chả đồ tôn giỏi! Hai lão già sống dai, nuôi được một gã tiểu quỷ gian trá giảo hoạt thì có. A Đại, ngươi ra thử kiếm pháp của y xem nào.
Gã có vẻ mặt sầu khổ tên A Đại lớn tiếng vâng dạ, nghe soạt một tiếng, rút ra thanh kiếm Ỷ Thiên, mọi người thấy thanh quang loang loáng, tựa hồ có làn khí lạnh tỏa lan, quả là thanh kiếm báu.
Trương Vô Kỵ nói:
– Kiếm Ỷ Thiên là vật sở hữu của phái Nga Mi, sao lại rơi vào tay cô nương?
Triệu Mẫn đáp:
– Tiểu quỷ ngươi biết gì mà nói? Diệt Tuyệt lão ni ăn cắp thanh kiếm này của nhà ta, bây giờ vật về chủ cũ, kiếm Ỷ Thiên có dính dáng gì tới phái Nga Mi nào?
Trương Vô Kỵ không biết lai lịch của kiếm Ỷ Thiên ra sao, nên vừa bị nàng ta hỏi vặn lại là không trả lời được, bèn nói lảng:
– Triệu cô nương, mong cô nương cho ta Hắc ngọc đoạn tục cao, để ta trị thương cho tam sư bá và lục sư thúc, mọi chuyện đã qua, chúng ta xí xóa.
Triệu Mẫn nói:
– Hừ, xí xóa mọi chuyện à? Nói dễ nghe thế? Ngươi có biết Không Văn, Không Trí của phái Thiếu Lâm cùng bọn Tống Viễn Kiều, Du Liên Châu của phái Võ Đang hiện giờ ở đâu không?
Trương Vô Kỵ lắc đầu nói:
– Ta không biết, mong cô nương cho biết.
Triệu Mẫn cười khẩy, nói:
– Việc gì bổn cô nương phải nói cho ngươi biết? Chưa băm vằm ngươi thành trăm mảnh thì chưa phạt xong cái tội ngươi khinh mạn làm nhục ta trong thiết lao ở Lục Liễu trang!
Nói tới mấy chữ khinh mạn làm nhục, Triệu Mẫn chợt nhớ lại tình cảnh trong hầm tối hôm đó, bất giác mặt đỏ bừng, vừa tức vừa thẹn.
Trương Vô Kỵ nghe bốn chữ khinh mạn làm nhục cũng hơi đỏ mặt, nhớ đến việc hôm đó để cứu quần hào Minh giáo đang bị trúng độc, bất đắc dĩ chàng phải giở hạ sách lấy tay cù gan bàn chân nàng, thực ra không hề có ý khinh mạn làm nhục; nhưng nam nữ thụ thụ bất thân, tuy được tòng quyền, song chuyện ấy hoàn toàn chưa cho ai biết, nếu người ta biết được chàng đùa giỡn với thiếu nữ thì nguy to. Hiện tại chưa thể biện bạch, chàng đành nói lảng:
– Triệu cô nương, Hắc ngọc đoạn tục cao cô nương có chịu cho ta không thì bảo?
Triệu Mẫn liếc một cái, cười hi hi, nói:
– Ngươi muốn lấy Hắc ngọc đoạn tục cao, cũng không khó gì. Chỉ cần ngươi bằng lòng nhận làm ba việc cho ta, ta sẽ dâng cả hai tay cho ngươi.
Trương Vô Kỵ hỏi:
– Là ba việc gì?
Triệu Mẫn nói:
– Ba việc đó hiện giờ ta chưa nghĩ ra. Sau này ta nghĩ ra được việc gì, ngươi phải làm việc đó.
Trương Vô Kỵ nói:
– Như thế sao được? Không lẽ cô nương bảo ta tự sát, bảo ta làm heo làm chó, ta cũng phải theo hay sao?
Triệu Mẫn cười, đáp:
– Bổn cô nương không bảo ngươi tự sát, càng không bảo ngươi làm heo làm chó, hì hì, vì dẫu có nhận làm cũng chẳng làm heo chó được.
Trương Vô Kỵ nói:
– Cô nương cứ nói trước đi, nếu không trái đạo hiệp nghĩa mà ta có thể làm được, ta sẽ làm theo ý cô nương.
Triệu Mẫn đang định nói, chợt thấy trên mái tóc Tiểu Chiêu có đính một đóa hoa kết bằng ngọc, chính là đóa hoa nàng đã tặng Trương Vô Kỵ, thì không khỏi buồn bã; lại thấy Tiểu Chiêu mắt sáng miệng tươi, mặt mày rạng rỡ, tuổi còn nhỏ nhưng cứ mơn mởn như một đóa phù dung, vô cùng khả ái dễ thương, thì trong bụng căm hận, nghiến răng bảo A Đại:
– Ra chém đứt hai cánh tay gã tiểu tử họ Trương cho ta!
A Đại vâng lệnh, cầm thanh kiếm Ỷ Thiên tiến lên một bước, nói:
– Trương giáo chủ, ta được lệnh của chủ nhân chém đứt hai cánh tay của giáo chủ đó.
Chu Điên trong bụng ấm ức đã lâu, lúc này không nhịn thêm được nữa, ngoạc mồm chửi:
– Mẹ kiếp, nói thối quá! Lão hãy chém chính tay lão đi thì có!
A Đại nhăn nhó nói, giọng khổ sở:
– Nói thế cũng có lý!
Chu Điên nghe vậy khoái trá, giục to:
– Thế thì mau chặt đi!
A Đại nói:
– Chẳng làm gì phải vội.
Trương Vô Kỵ cảm thấy lo lo, thanh kiếm Ỷ Thiên sắc bén dị thường, binh khí nào đụng vào nó đều bị gãy; cách duy nhất là phép Càn khôn đại na di dùng tay không đoạt lấy thanh kiếm mà thôi. Nhưng một khi đưa tay vào gần thanh bảo kiếm sắc bén ấy, chỉ cần đối phương có kiếm chiêu hơi lạ, biến hóa khó lường một chút là toàn bộ cánh tay từ ngón đến vai sẽ bị tiện đứt, dù đụng phải chỗ nào trên lưỡi kiếm. Chàng chưa biết đối phó cách nào, bỗng nghe Trương Tam Phong nói:
– Vô Kỵ, pho Thái cực quyền ta sáng tạo ra, con đã học rồi, còn pho Thái cực kiếm, ta truyền cho con luôn bây giờ để con đấu với vị thí chủ kia.
Trương Vô Kỵ mừng nói:
– Đa tạ thái sư phụ.
Rồi quay sang nói với A Đại:
– Này vị tiền bối, vãn bối kiếm thuật non kém, cần nhờ thái sư phụ chỉ điểm một phen, sau đó sẽ đấu với tiền bối.
A Đại vốn thầm ngán sợ Trương Vô Kỵ, tuy có bảo kiếm trong tay, chiếm được ưu thế, nhưng thắng bại khó lường, nghe chàng bảo cần học chiêu thức mới, thì mừng hết chỗ nói, nghĩ thầm kiếm chiêu mới dù tinh diệu đến mấy, vừa học xong làm sao tránh khỏi cảnh ngượng nghịu chưa quen. Đạo kiếm thuật cốt yếu là nhẹ nhàng linh hoạt, tối thiểu cũng phải luyện một vài chục năm thì khi lâm địch mới có thể đắc tâm ứng thủ, thuần thục tự nhiên. A Đại bèn gật đầu, nói:
– Trương giáo chủ đi học chiêu, ta ở đây chờ. Học hai canh giờ liệu xong hay chưa?
Trương Tam Phong nói:
– Không cần đi đâu xa, ta dạy ngay tại đây, Vô Kỵ học ngay tại đây thôi, học xong hành luôn, chưa đến nửa canh giờ là xong pho Thái cực kiếm.
Trương lão nói thế, ngoại trừ Trương Vô Kỵ, còn ai nấy đều kinh hãi, tưởng tai mình nghe nhầm, nghĩ thầm: Cứ coi như Thái cực kiếm pháp của phái Võ Đang thần kỳ huyền diệu đi, nhưng lại dạy chiêu thức công khai ngay ở đây, đối phương nhìn thấy rõ ràng, thì còn gì bí mật nữa? A Đại nói:
– Thế cũng được. Vậy ta ra ngoài điện đứng chờ.
Lão già tựu trung không muốn giành lợi thế, tuy là phận tôi tớ, nhưng hành vi cứ như một vị tông sư trong võ lâm. Trương Tam Phong nói:
– Cũng không cần như thế. Pho Thái cực kiếm này ta mới sáng tạo ra, cũng chưa biết có dùng được hay không. Các hạ là danh gia kiếm thuật, chính ta đang mong được các hạ coi thử, chỉ cho thấy những chỗ sơ hở, khiếm khuyết.
Lúc này Dương Tiêu chợt nhớ ra, nói to:
– Có phải các hạ chính là Bát tí thần kiếm Phương trưởng lão đó chăng? Các hạ đường đường đứng đầu các trưởng lão Cái Bang, sao lại cam chịu làm tôi tớ cho kẻ khác thế này?
Quần hào Minh giáo nghe vậy liền cả kinh. Chu Điên hỏi:
– Lão chẳng phải đã chết rồi ư? Sao lại sống dậy, sao lại có… chuyện thế này?
A Đại rầu rĩ thở dài, cúi đầu, nói:
– Lão hủ trăm lần chết cũng chưa đủ, chuyện đã qua còn nhắc lại làm chi? Lão hủ không còn là trưởng lão Cái Bang từ lâu rồi.
Những ai nhiều tuổi một chút đều biết Bát Tí Thần Kiếm Phương Đông Bạch là người đứng đầu trong bốn vị đại trưởng lão Cái Bang, kiếm thuật tinh xảo, danh vang thiên hạ, nổi tiếng xuất kiếm cực nhanh, chẳng khác gì người có tám cánh tay nên được mang ngoại hiệu Bát tí thần kiếm. Hơn mười năm trước nghe đồn lão bị bệnh nặng qua đời, bấy giờ ai cũng thương tiếc, nào ngờ lão vẫn sống sờ sờ.
Trương Tam Phong nói:
– Pho Thái cực kiếm của lão đạo nếu được Bát tí thần kiếm chỉ điểm cho vài chiêu thì quả thật vinh hạnh. Vô Kỵ, con có mang thanh kiếm nào theo không?
Tiểu Chiêu bèn bước lên mấy bước, đưa cho Trương lão thanh kiếm Ỷ Thiên giả bằng gỗ mà Trương Vô Kỵ lấy được ở chỗ Triệu Mẫn. Trương Tam Phong cầm thanh kiếm, cười nói:
– Là kiếm gỗ ư? Bần đạo có vẽ bùa bắt quyết, tróc quỷ trừ tà đâu?
Rồi Trương lão đứng dậy, tay trái cầm kiếm, tay phải trình kiếm quyết, hai tay ôm thành vòng tròn, từ từ nâng lên, đó là thức khởi đầu; kế đến các chiêu Tam hoàn sáo nguyệt, Đại khôi tinh, Yến tử sao thủy, Tả lan tảo, Hữu lan tảo… từng chiêu từng chiêu diễn ra. Đến thức thứ năm mươi ba Chỉ nam châm, hai tay Trương lão cùng vẽ hình vòng tròn, trở thành thức thứ năm mươi tư Trì kiếm quy nguyên.
Trương Vô Kỵ không nhớ chiêu thức, chỉ quan sát kỹ để nhận biết cái ý Thần tại kiếm tiên, miên miên bất tuyệt trong kiếm chiêu mà thôi.
Trương Tam Phong diễn xong pho kiếm pháp, không thấy một ai reo hò, bởi người nào cũng thất vọng nghĩ bụng: Thứ kiếm pháp gì chậm như con rùa, mềm như cọng bún thế kia, làm sao dùng để ra chiêu đối địch kia chứ? Song họ lại nghĩ thầm: Chắc là Trương chân nhân cố ý múa thật chậm để Trương Vô Kỵ có thể nhìn rõ.
Trương Tam Phong hỏi:
– Hài nhi, con có nhìn rõ không?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Con nhìn rõ rồi.
Trương Tam Phong hỏi:
– Con có nhớ được chăng?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Con đã quên non nửa rồi.
Trương Tam Phong nói:
Tốt, kể cũng khó cho con. Con hãy tự suy ngẫm thêm đi.
Trương Vô Kỵ cúi đầu ngẫm nghĩ, lát sau Trương Tam Phong hỏi:
– Bây giờ thế nào?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Đã quên già nửa.
Chu Điên thất thanh kêu lên:
– Nguy rồi, càng lúc càng quên nhiều hơn! Trương chân nhân, món kiếm pháp này huyền diệu quá, nhìn có một lần làm sao nhớ nổi? Xin Trương chân nhân diễn lại một lần nữa cho giáo chủ chúng tôi xem lại.
Trương Tam Phong mỉm cười, nói:
– Được, để ta diễn lại một lần nữa.
Trương Tam Phong cầm kiếm xuất chiêu, diễn lần thứ hai; mọi người mới xem vài chiêu đã kinh ngạc, vì lần này không có chiêu nào giống như lần thứ nhất.
Chu Điên lại kêu lên:
– Ôi chao, ôi chao, thế này thì càng khiến cho người ta rối trí!
Trương Tam Phong vạch kiếm thành vòng tròn, hỏi:
– Hài nhi, thế nào rồi?
Trương Vô Kỵ đáp:
– Còn ba chiêu chưa quên được.
Trương Tam Phong gật đầu, trở về chỗ ngồi.
Trương Vô Kỵ đi thong thả một vòng trong điện, trầm tư hồi lâu, đi thêm nửa vòng nữa thì ngẩng đầu lên, mặt rạng rỡ, nói:
– Con đã quên sạch rồi, quên toàn bộ rồi!
Trương Tam Phong nói:
– Không dở, không dở! Quên nhanh như vậy, con có thể mời Bát Tí Thần Kiếm chỉ giáo được rồi!
Đoạn trao thanh kiếm gỗ cho Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ cúi mình tiếp nhận, quay sang nói với Phương Đông Bạch:
– Xin mời Phương tiền bối!
Chu Điên vò đầu bứt tai, vô cùng lo lắng.
Phương Đông Bạch vươn mình đâm kiếm ra, nói:
– Xin mạo muội.
Một kiếm đâm ra chỉ thấy thanh quang loang loáng, phát ra tiếng vù vù, nội lực mạnh mẽ chẳng khác gì gã hói A Nhị. Mọi người rùng mình kinh hãi, nghĩ bụng đừng nói bảo kiếm Ỷ Thiên sắc như nước, dù lão ta chỉ cầm trong tay một thanh đồng nát sắt gỉ nhưng với nội lực thế kia cũng khó bề chống đỡ lắm rồi. Hai chữ Thần kiếm quả nhiên danh bất hư truyền.
Trương Vô Kỵ tay trái đặt chéo kiếm quyết, thanh kiếm gỗ đưa ngang qua vạch thành nửa vòng tròn, đè lên sống kiếm Ỷ Thiên, truyền kình lực ra, thanh bảo kiếm lập tức bị dìm xuống. Phương Đông Bạch thốt lên:
– Hảo kiếm pháp!
Lão ta xoay cổ tay hất kiếm, mũi kiếm liền ngóc lên đâm tới sườn bên trái đối phương. Trương Vô Kỵ hồi kiếm vòng về, nghe cộc một tiếng, hai kiếm đụng nhau, cả hai cùng phi thân nhảy lùi ra.
Bảo kiếm Ỷ Thiên trong tay Phương Đông Bạch bị chấn động, cứ rung bần bật mãi không dứt, phát ra tiếng u u hồi lâu.
Hai thứ binh khí, một bảo kiếm, một kiếm gỗ, chạm vào nhau mà chẳng bên nào hơn bên nào. Chiêu đó của Trương Vô Kỵ đã lấy cái cùn nhụt của mình đụng vào chỗ không sắc bén của địch, quả thực đã nắm được điểm tinh túy của Thái cực kiếm. Nên nhớ Trương Tam Phong truyền cho chàng là truyền kiếm ý chứ không phải dạy kiếm chiêu, muốn chàng quên hết sạch mọi kiếm chiêu đã nhìn thấy, như thế đến khi lâm địch sẽ tùy ý sử kiếm, thiên biến vạn hóa, vô cùng vô tận. Nếu còn một hai chiêu kiếm pháp chưa quên được, chắc chắn trong lòng còn vướng mắc, kiếm pháp sẽ không thể tinh thuần. Ý tứ đó các cao thủ như Dương Tiêu, Ân Thiên Chính lờ mờ hiểu được, chứ Chu Điên còn thấp hơn một bậc nên mới lo sốt vó như vậy.
Lúc này tiếng vù vù trong điện càng lúc càng to, kiếm chiêu của Phương Đông Bạch cực kỳ lợi hại, lại thêm nội lực hùng hậu cộng với bảo kiếm sắc bén, chiêu thuật vô cùng tinh diệu, thanh quang lấp loáng, kiếm khí bao trùm, mọi người trong điện có cảm giác một khối tuyết đang chuyển động phía trước mình, tỏa ra một luồng khí lạnh thấu xương. Thanh kiếm gỗ của Trương Vô Kỵ vạch một vòng tròn trong luồng hàn quang kia, mỗi chiêu đều thành hình vòng cung đâm ra, lại theo hình vòng cung thu vào, trong lòng chàng không mảy may vương vấn, chỉ lấy ý sử kiếm, thanh kiếm gỗ phát mỗi chiêu lại như phóng ra một sợi tơ mỏng mảnh quấn lấy kiếm Ỷ Thiên; các sợi tơ ấy mỗi lúc một dày, tưởng chừng đã tích thành một khối bông bao chặt lấy thanh bảo kiếm. Khi hai bên đấu tới hơn hai trăm chiêu thì kiếm chiêu của Phương Đông Bạch dần dần trì trệ, thanh bảo kiếm cứ nặng dần lên, năm cân, sáu cân, bảy cân… mười cân, hai mươi cân, có lúc vận lực đâm ra đuối sức, lại bị thanh kiếm gỗ lôi theo vài vòng.
Phương Đông Bạch càng đấu càng hoảng, đến hơn ba trăm chiêu mà hai lưỡi kiếm vẫn chưa đụng vào nhau, là chuyện bình sinh lão ta chưa từng gặp bao giờ. Đối phương tựa hồ tung ra một cái lưới lớn, từng bước thắt dần vào giữa. Phương Đông Bạch thay đổi liên tiếp sáu bảy pho kiếm thuật khác nhau, biến hóa ngang dọc, kỳ ảo vô cùng, người xung quanh nhìn đã phải hoa mắt. Trương Vô Kỵ trước sau vẫn cứ vạch kiếm thành vòng tròn, mọi người trừ Trương Tam Phong ra không ai biết các chiêu của chàng rốt cuộc là công hay thủ. Pho Thái cực kiếm pháp này chỉ là các vòng tròn đủ loại to nhỏ, cái xuôi cái ngược, cái thẳng cái chéo, nếu bảo là chiêu số thì có thể nói chỉ gồm một chiêu thôi, nhưng chiêu đó biến hóa khôn cùng.
Bỗng nghe Phương Đông Bạch hú lên một tiếng dài, râu tóc dựng ngược, lấy hết sức bình sinh dồn toàn lực đâm nhanh kiếm tới trung cung. Trương Vô Kỵ thấy thế đâm ác liệt, thu kiếm về đỡ gạt. Phương Đông Bạch hơi xoay cổ tay, kiếm Ỷ Thiên chệch sang bên một chút, nghe cách một tiếng nhỏ, thanh kiếm gỗ bị tiện đứt một đoạn chừng sáu tấc. Bảo kiếm Ỷ Thiên không còn gì ngăn chặn, xọc thẳng vào ngực Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ kinh hãi, tay trái bật ra, dùng hai ngón trỏ và giữa kẹp lấy thân thanh bảo kiếm, còn tay phải dùng nửa thanh kiếm gỗ chém xuống cánh tay phải của Phương Đông Bạch. Đoạn kiếm gãy tuy chỉ làm bằng gỗ, nhưng có Cửu dương thần công vận vào nên chẳng khác gì đao thép. Phương Đông Bạch cố giật thanh kiếm Ỷ Thiên về, nhưng nó đã bị hai ngón tay của đối phương kẹp chặt như cái kìm thép, không nhúc nhích gì được. Trong tình thế đó, chỉ còn cách buông kiếm, nhảy lùi lại, chứ không còn cách nào khác.
Chỉ nghe Trương Vô Kỵ quát:
– Rút tay mau!
Phương Đông Bạch nghiến răng, không chịu buông, trong sát-na ấy, nghe bịch một tiếng, cánh tay lão ta đã bị thanh kiếm gỗ chém đứt chẳng khác gì một thanh kiếm sắc bén vậy. Phương Đông Bạch không chịu buông ra là có ý hi sinh cánh tay để bảo vệ binh khí; tay trái đã giơ ra chộp thanh bảo kiếm, không đợi cánh tay bị chém đứt rơi xuống; cánh tay phải đứt rời rồi mà năm ngón vẫn nắm chặt chuôi kiếm Ỷ Thiên. Trương Vô Kỵ thấy lão ta quả cảm như thế nên cảm thấy ái ngại, có phần ân hận, không muốn đoạt lấy thanh bảo kiếm nữa.
Phương Đông Bạch tới trước mặt Triệu Mẫn, cúi mình nói:
– Chủ nhân, tiểu nhân bất tài, cam chịu trách phạt.
Triệu Mẫn không thèm nhìn lão, nói:
– Hôm nay ta nể mặt Trương giáo chủ Minh giáo, bỏ qua cho phái Võ Đang.
Nàng phẩy tay một cái, nói:
– Thôi ta đi!
Các thuộc hạ của nàng dìu Phương Đông Bạch, khiêng A Nhị, A Tam ra khỏi điện.
Trương Vô Kỵ nói:
– Hãy khoan! Không để lại Hắc ngọc đoạn tục cao thì đừng mong rời khỏi núi Võ Đang.
Chàng vọt tới, giơ tay chộp lấy vai Triệu Mẫn.
Bàn tay Trương Vô Kỵ còn cách vai Triệu Mẫn chừng một thước, bỗng cảm thấy có hai luồng chưởng phong lặng lẽ từ hai bên đánh tới, trước đó không thấy bất cứ dấu hiệu gì. Trương Vô Kỵ giật mình, hai tay đẩy ra, tay phải đỡ chưởng đánh tới từ bên phải, tay trái đỡ chưởng đánh tới từ bên trái. Bốn chưởng đụng nhau, chỉ cảm thấy kình lực đánh tới mạnh mẽ dị thường, chưởng lực hàm chứa một luồng hàn khí cực kỳ âm độc. Luồng hàn khí này chàng đã quá quen thuộc, chính là chưởng lực Huyền Minh thần chưởng từng khiến chàng có một tuổi thơ chết đi sống lại.
Trương Vô Kỵ kinh ngạc, Cửu dương thần công trong người lập tức nảy sinh; cùng lúc đó hai bên mạng sườn bị hai kẻ địch đánh trúng mỗi bên một chưởng. Chàng hự lên một tiếng, ngã ngửa ra phía sau, thấy hai kẻ đánh lén mình là hai lão già cao gầy. Hai lão già ấy đánh ra hai chưởng bị Trương Vô Kỵ đỡ được, còn hai đòn sau thì đều trúng người chàng.
Dương Tiêu và Vi Nhất Tiếu cùng tức giận quát lên, xông tới. Hai lão già kia lại tung chưởng đánh ra, bình bình hai tiếng, Dương Tiêu và Vi Nhất Tiếu loạng choạng lùi lại mấy bước; cảm thấy khí huyết trong ngực nhộn nhạo, khí lạnh thấu xương. Hai lão già kia cũng lảo đảo. Lão già bên phải cười khẩy, nói:
– Minh giáo lừng danh đến thế, hóa ra cũng chỉ có vậy!
Rồi quay mình, hộ tống Triệu Mẫn đi luôn.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 01 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 02 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 03 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 04 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 05 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 06 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 07 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 08 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 09 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 10 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 11 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 12 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 13 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 14 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 15 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 16 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 17 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 18 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 19 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 20 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 21 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 22 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 23 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 24 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 25 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 26 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 27 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 28 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 29 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 30 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 31 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 32 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 33 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 34 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 35 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 36 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 37 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 38 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 39 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 40 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 41 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, toàn tập tại đây.