Ỷ thiên đồ long ký | Chương 33
Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.
· 73 phút đọc · lượt xem.
Trương Vô Kỵ đi dắt hai con ngựa tới, cùng Triệu Mẫn phóng vào vùng quan nội. Chàng nghĩ bụng nếu nghĩa phụ quả thực rơi vào tay Cái Bang, Cái Bang muốn dùng ông để khống chế Minh giáo, thì hiện thời chưa dám hãm hại ông, song làm nhục thì khó tránh khỏi. Riêng Chỉ Nhược băng thanh ngọc khiết, gặp phải tay Trần Hữu Lượng gian trá hiểm độc, thêm gã Tống Thanh Thư vô liêm sỉ, nếu bị cưỡng bức chắc chỉ còn đường chết. Bụng nghĩ thế, chàng chỉ hận không có cánh bay thẳng đến Lư Long. Triệu Mẫn thì đang bị thương, nên không thể cứ đi một mạch suốt ngày đêm không nghỉ.
Tối hôm ấy hai người trú trong một tiểu khách điếm, Trương Vô Kỵ nằm trên giường càng nghĩ càng lo, bèn sang bên cửa sổ phòng Triệu Mẫn, nghe tiếng nàng thở đều, chính đang ngủ say. Chàng bèn tới quầy chưởng quỹ lấy bút nghiên, một tờ giấy, viết mấy chữ cho nàng, nói là việc gấp gáp, nhất định phải đi suốt đêm ngày, khi nào xong việc sẽ tìm cách hội ngộ, dặn nàng dưỡng thương cho chu đáo, cứ thư thả đừng vội về nhà. Chàng lấy chiếc nghiên đè lá thư để trên bàn, rồi nhảy qua cửa sổ, chạy về hướng nam.
Sáng hôm sau chàng tìm mua ngựa, dọc đường liên tiếp thay ngựa, suốt ngày đêm rong ruổi trên đường, chỉ vài hôm đã tới Lư Long. Chàng đi nhanh như thế, song dọc đường không gặp Chưởng Bát long đầu, Tống Thanh Thư và Trần Hữu Lượng; chắc là ban đêm khi chàng chạy trên đường thì họ ngủ trong khách điếm, nên không thể gặp.
Lư Long là một đô thị của tỉnh Hà Bắc, đời nhà Đường là nơi đóng dinh của Tiết độ sứ; qua đời Tống Kim mấy phen chiến tranh bị phá hủy nặng nề, nguyên khí chưa được phục hồi, nhưng dân cư khá đông đúc. Trương Vô Kỵ chạy khắp đường lớn đường nhỏ cùng các trà lâu tửu quán của Lư Long, lạ thay không gặp một gã hành khất nào. Chàng lấy làm mừng, nghĩ thầm: Cả một đô thị lớn mà ngoài đường không thấy bóng một gã ăn mày, quả là chuyện không bình thường. Trần Hữu Lượng nói Cái Bang tụ họp ở đây, là nói thực, có lẽ đám hành khất lớn bé đều đi tham kiến bang chủ rồi. Chỉ cần tìm ra nơi bọn họ tụ tập, là sẽ nghe ngóng biết được nghĩa phụ và Chỉ Nhược có bị Cái Bang bắt thật hay không. Chàng sục sạo khắp chỗ, nào miếu mạo, đền đài, từ đường, quảng trường, song không thấy chút manh mối gì, lại rảo khắp các thôn trang ngoại vi, cũng không có động tĩnh gì cả.
Đến gần tối, chàng càng lúc càng nôn nóng, chợt nghĩ đến sự tháo vát của Triệu Mẫn: Giá như có nàng ta ở bên cạnh, thì ta đâu đến nỗi thúc thủ vô sách thế này. Chàng đành đi tới một khách điếm để tá túc, ăn bữa tối xong, ngủ một chút, khoảng cuối canh hai thì dậy, phi thân lên mái nhà, nhìn tứ phía xem sao.
Chàng thấy bốn bề tĩnh lặng, không nơi nào có vẻ là nơi tụ họp của giới giang hồ. Đang buồn phiền bỗng thấy ở trên một tòa lầu cao góc đông nam có đèn sáng, nghĩ bụng: Nhà kia không phải nhà quan thì cũng là nhà giàu, chắc không liên quan gì tới Cái Bang… Vừa nghĩ tới đây, bỗng chàng thấy hình như có một bóng người từ trên lầu nhảy ra, nhưng vì khoảng cách quá xa, nhìn không rõ, nghĩ thầm: Chẳng lẽ có hào khách lục lâm đến trộm cướp nhà giàu đó, mình đang nhàn rỗi, tới đó coi thử.
Bèn thi triển khinh công, chạy tới bên tòa nhà ấy, phi thân qua tường bao, chợt nghe có tiếng người nói:
– Trần trưởng lão thật là nhiễu sự, rõ ràng tất cả đã ước định sẽ tụ tập ở Lão Hà Khẩu vào ngày mồng Tám tháng Giêng, đột nhiên lại báo tin cấp tốc bảo bọn ta chờ ở đây. Lão ta đâu phải là bang chủ mà nói gì là ai cũng phải nghe, thật vô lý quá chừng._
Giọng nói sang sảng, đầy vẻ bực bội, hiển nhiên vừa nói đến chuyện nội bộ của Cái Bang. Trương Vô Kỵ nghe vậy thì cả mừng.
Tiếng nói từ đại sảnh vọng ra, Trương Vô Kỵ rón rén tới gần, nghe giọng nói của bang chủ Cái Bang Sử Hỏa Long:
– Trần trưởng lão tài ra phết, cái tên Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn chó đẻ ấy, hai chục năm qua biết bao nhiêu người trên giang hồ tìm kiếm hắn, đếch ai ngửi được hơi rắm do hắn vãi ra, vậy mà Trần trưởng lão vừa ra tay đã thộp cổ được hắn, đừng nói trong bổn bang không ai bằng, mà khắp cả võ lâm đếch có ai làm nổi.
Trương Vô Kỵ vừa lo vừa mừng, như thế là đã biết tung tích của nghĩa phụ, trong Cái Bang không có cao thủ nào ghê gớm, việc cứu nghĩa phụ không phải là khó khăn, bèn ghé mắt nhìn vào qua khe cửa sổ.
Chỉ thấy Sử Hỏa Long ngồi chính giữa, Truyền công, Chấp pháp hai trưởng lão, Chưởng Bổng long đầu và ba trưởng lão tám túi khác ngồi bên dưới, ngoài ra có một người trung niên to béo ăn mặc sang trọng, y như một kẻ giàu sang, nhưng lại đeo sáu cái túi. Trương Vô Kỵ thầm gật đầu: Phải rồi, thì ra có một đại tài chủ ở Lư Long là đệ tử Cái Bang. Bọn hành khất tụ tập trong nhà một đại tài chủ, thì có ai ngờ được kia chứ?
Lại nghe Sử Hỏa Long nói tiếp:
– Trần trưởng lão đã báo tin cấp tốc, bảo chúng ta chờ ở Lư Long, nhất định là ông ấy có lý do. Chúng ta mưu tính đại sự, mẹ kiếp, cái đó… cái đó cứ phải thận trọng mới được.
Chưởng Bổng long đầu nói:
– Bang chủ minh giám, quần hào trên giang hồ tìm kiếm Tạ Tốn chẳng qua là muốn chiếm đoạt thanh đao Đồ Long võ lâm chí tôn mà thôi. Hiện giờ thanh bảo đao ấy không có trong tay Tạ Tốn, mình đã làm đủ cách uy hiếp, đánh lừa, hắn vẫn không chịu khai ra nơi giấu bảo đao. Chúng ta hóa ra chỉ bắt được một thằng già mù, ngoài việc thết hắn tiệc rượu, đâu có ích gì? Cứ theo ý huynh đệ, mình cứ tra khảo hắn một phen thật nặng, xem hắn có chịu nói không nào.
Sử Hỏa Long xua tay:
– Không ổn, không ổn, dùng phép cứng rắn dễ làm hỏng việc, bọn ta cứ chờ Trần trưởng lão về, bàn tính kỹ hãy hay.
Chưởng Bổng long đầu lộ vẻ bất bình, tựa hồ trách bang chủ chuyện gì cũng đều nghe theo chủ trương của Trần Hữu Lượng.
Sử Hỏa Long lấy ra một phong thư, đưa cho Chưởng Bổng long đầu, nói:
– Phùng huynh đệ, huynh đệ lập tức đi Hào Châu, giao phong thư này cho Hàn Sơn Đồng, bảo con trai y đang ở trong tay bọn ta bình an vô sự, chỉ cần y tuân lệnh bản bang, ta sẽ đối xử với con y tử tế.
Chưởng Bổng long đầu nói:
– Việc đưa thư nhỏ nhặt này, đâu cần huynh đệ phải thân chinh đi kia chứ?
Sử Hỏa Long hơi bực, xẵng giọng:
– Nửa năm nay bọn Hàn Sơn Đồng thanh thế lớn lắm. Nghe đâu dưới trướng y, mẹ kiếp, nào là Từ Đạt, nào Chu Nguyên Chương, nào Thường Ngộ Xuân, toàn những tên có tài trận mạc. Lần này ta cần Phùng huynh đệ thân chinh đi một chuyến, trước là thuyết phục Hàn Sơn Đồng quy thuận bản bang, thật sự tuân theo ta; lại quan sát xem y và các tướng lĩnh của y định làm những gì; thứ nữa thám thính xem lực lượng của Minh giáo, mẹ kiếp, có gì ghê gớm hay không. Công việc Phùng huynh đệ gánh vác nặng nề như thế, sao lại bảo là nhỏ nhặt?
Chưởng Bổng long đầu nói:
– Xin tuân lệnh bang chủ.
Nói rồi nhận phong thư, hành lễ với Sử Hỏa Long, rời khỏi sảnh.
Trương Vô Kỵ nán lại nghe thêm, thấy bọn kia bàn về việc sau này Minh giáo, các phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi quy thuận rồi, uy phong của Cái Bang sẽ hưng thịnh ra sao. Xem chừng dã tâm của Sử Hỏa Long không bằng Trần Hữu Lượng. Sử Hỏa Long chỉ mong Cái Bang độc bá giang hồ, xưng hùng võ lâm, coi như mãn nguyện rồi; chứ không nghĩ tới việc lấy được giang sơn, lên ngôi hoàng đế. Trong cách nói năng, Sử Hỏa Long dùng nhiều lời lẽ nham nhở thô tục. Trương Vô Kỵ nghe một hồi, cảm thấy chán chường, nghĩ thầm: Chắc là nghĩa phụ và Chỉ Nhược bị giam ở đây, ta đến cứu họ ra trước đã, rồi sẽ trừng trị tên ăn mày khoác lác, vô liêm sỉ này một trận.
Chàng nhún chân phải một cái, nhẹ nhàng nhảy lên một cây cao, nhìn bốn phía, thấy dưới lầu cao có mươi đệ tử Cái Bang tay cầm binh khí đi đi lại lại canh chừng, có lẽ đấy là nơi chúng nhốt Tạ Tốn và Chu Chỉ Nhược.
Chàng xuống khỏi cây, tới sát lầu cao, nấp sau hòn non bộ, chờ hai đệ tử Cái Bang đi tuần qua rồi, mới chạy tới dưới lầu mà tung mình nhảy lên. Trên lầu đèn đuốc sáng trưng, chàng nằm phục bên ngoài cửa sổ, lắng nghe động tĩnh bên trong. Nghe một lát, thấy bên trong hoàn toàn yên tĩnh, chàng lấy làm lạ: Sao bên trong không có một người nào thế này? Chẳng lẽ trong ấy có cao thủ nằm phục, nín thở lâu đến thế? Một lát sau vẫn không nghe tiếng hít thở, chàng bèn ghé mắt nhìn vào qua khe hở, thấy một cặp nến lớn ở trên bàn đã cháy quá nửa, trong phòng không có ai cả.
Trên lầu có ba phòng liền nhau, phòng phía đông không có người; chàng lại sang phòng phía tây thăm dò, thấy trong phòng này đèn sáng choang, trên bàn còn ngổn ngang chén đũa của bảy, tám người ăn là ít, rượu trong chén chưa cạn, thức ăn gần như còn nguyên, vậy mà cũng không một bóng người, dường như thực khách vừa ra khỏi phòng chưa lâu. Phòng ở giữa thì tối om không đèn đóm. Chàng đẩy cửa nhẹ, thấy bên trong cài then, bèn gọi khẽ:
– Nghĩa phụ ở trong này phải không?
Không có tiếng trả lời. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Xem chừng nghĩa phụ không có ở đây, tại sao Cái Bang lại canh gác nghiêm mật thế nhỉ? Chẳng lẽ họ giở trò thực thực hư hư để lừa người? Bỗng chàng ngửi thấy mùi máu tanh từ bên trong xộc ra, thì kinh hãi, đặt tay trái trên cánh cửa, đẩy nhẹ một chút, nghe cách một tiếng nhỏ, then cửa đã gãy đôi. Chàng lập tức lẻn vào phòng, bắt ngay lấy hai mẩu then gỗ để nó khỏi rơi xuống phát ra tiếng động.
Chàng mới đi một bước đã vấp phải vật gì mềm mềm như thân người, vội cúi xuống sờ, quả nhiên là một thi thể. Người này đã tắt thở, nhưng mặt còn hơi ấm, tức là chết chưa lâu. Chàng sờ thử, thấy đầu nhỏ, cằm nhọn, không phải là Tạ Tốn, nên cũng yên tâm. Chàng đi bước nữa, lại đụng hai xác người, bèn giơ ngón tay chọc một lỗ thủng nhỏ ở tường phía tây, lấy ánh sáng từ phòng bên chiếu sang. Thấy dưới sàn la liệt xác chết, toàn là đệ tử Cái Bang, ai nấy bị nội thương rất nặng. Chàng dựng một cái xác lên, vạch áo ra, thấy trên ngực có dấu quyền đánh vào, xương gãy vụn, quyền lực uy mãnh phi phàm.
Trương Vô Kỵ cả mừng: Vậy là nghĩa phụ đại triển thần uy, đánh chết bọn canh gác, rồi bỏ đi. Chàng nhìn kỹ trong phòng, thấy ở góc tường có người dùng vật nhọn vạch hình ngọn lửa, chính là ký hiệu của Minh giáo. Lại thấy chốt cửa sổ gãy lìa, cánh cửa sổ chỉ khép hờ, chàng nghĩ thầm: Phải rồi, hồi nãy ta thấy có một bóng đen thoáng qua lầu, chắc là nghĩa phụ thoát thân bỏ đi. Nhưng không biết vì sao bọn Cái Bang lại bắt được ông? Có lẽ ông bị lòa, không nhìn thấy, khó mà đề phòng gian kế của bọn Cái Bang. Bọn chúng không đánh thuốc mê, thì cũng dùng dây chằng, câu liêm, lưới cá gì đó mới bắt được ông.
Trương Vô Kỵ cả mừng, chạy ra khỏi phòng, nép mình bên cửa nhìn xuống bên dưới, thấy bọn đệ tử Cái Bang vẫn tuần tra qua lại, chưa biết chút gì về biến cố ở trên lầu. Chàng nghĩ thầm: Nghĩa phụ đi chưa lâu, mình phải đuổi theo ông, rồi hai cha con quay lại, đánh cho Cái Bang một trận tơi bời, để chúng biết tay Minh giáo. Nghĩ vậy, hào khí trỗi dậy, nhớ lại ban nãy thấy bóng đen chạy về phía tây, chàng bèn tung mình nhảy sang một cành cây cao, vọt ra ngoài tường bao, đề khí nhắm hướng tây mà chạy.
Theo đường cái chạy vài dặm, đến một ngã ba, nhìn quanh quất, thấy sau một tảng đá có ký hiệu hình ngọn lửa của Minh giáo, chỉ về phía một con đường nhỏ phía tây nam. Trương Vô Kỵ cả mừng, nghĩ bụng hành tung của nghĩa phụ đã rõ, chẳng mấy chốc sẽ gặp lại. Ám hiệu liên lạc của Minh giáo, chàng đã được Dương Tiêu chỉ dẫn tường tận, chàng thấy dấu hiệu hình ngọn lửa này tuy chỉ là mấy nét vạch nguệch ngoạc, nhưng kình lực mạnh mẽ, phải là bậc văn võ toàn tài như Tạ Tốn, chứ trong Minh giáo mấy ai làm được như thế.
Lúc này chàng không hồ nghi gì nữa, cứ theo đường nhỏ mà đuổi theo, đến tận trạm dịch Sa Hà, thì trời đã sáng, chàng ghé vào quán mua mấy cái bánh bao ăn qua quýt cho đỡ đói, rồi lại đi về hướng tây, đến trấn Bổng Tử. Chủ yếu thấy dưới chân tường ở góc đường có vẽ ký hiệu của Minh giáo, chỉ về phía một từ đường đổ nát. Chàng mừng thầm, chắc mẩm nghĩa phụ ẩn thân ở đó, bèn chạy tới bên cửa, nghe có tiếng lao xao, bên trong có một đám vô công rồi nghề đang đánh bạc. Thì ra đây là một sòng bạc.
Gã chủ sòng bạc thấy Trương Vô Kỵ ăn mặc sang trọng, tưởng là một vị đại hào khách tới chơi, vội cười hề hề chạy ra đón, nói:
– Công tử gia mau lại đổ vài bàn, công tử gặp vận may thì sẽ vơ sạch cả làng đấy.
Gã quay lại nói với đám con bạc:
– Mau nhường công tử gia làm cái nào, các người hãy đặt tiền cho to, để công tử ẵm về phủ.
Trương Vô Kỵ cau mày, thấy trong đám bạc không có nhân vật nào thuộc giới giang hồ, bèn gọi to:
– Nghĩa phụ, nghĩa phụ! Lão nhân gia có ở đây chăng?
Chờ một chút không có tiếng trả lời, chàng gọi thêm vài lần nữa.
Một tên vô lại thấy chàng đến không phải để đánh bạc, mà chỉ réo gọi ầm ỹ, bèn lên tiếng:
– Con ngoan ơi, thằng cha mi đang ở đây, mau lại đổ vài ván đi nào!
Cả đám bạc cười ầm lên. Trương Vô Kỵ hỏi gã chủ sòng:
– Ông có thấy một đại gia mù lòa, tóc vàng, thân hình cao lớn, tới đây hay không?
Gã chủ sòng thấy chàng đến không phải để đánh bạc, mà để tìm người, thì thất vọng, cười đáp:
– Nói chuyện nực cười, thiên hạ lại có thằng mù đi đánh bạc bao giờ? Chắc lão mù ấy còn bị khùng nữa chứ gì?
Trương Vô Kỵ đi tìm nghĩa phụ không thấy, đang bực sẵn, giờ nghe tên vô lại và gã chủ sòng ăn nói hỗn hào, làm nhục cả đến nghĩa phụ mình, chàng liền vung hai tay chộp cổ hai tên đó, ném cả hai lên nóc nhà. Hai tên đó tuy chưa bị thương, nhưng sợ quá, kêu oai oái như heo bị chọc tiết. Trương Vô Kỵ đẩy giạt bọn cờ bạc ra, cầm lấy hai đĩnh bạc trên bàn, nói:
– Công tử gia thu tiền về phủ đây.
Chàng nhét bạc vào bọc, đường hoàng bước ra khỏi từ đường. Bọn kia sợ xanh mắt, không kẻ nào dám đuổi theo.
Chàng tiếp tục đi về hướng tây, không lâu lại thấy ký hiệu hình ngọn lửa, chiều tối thì đến Phong Nhuận, một đô thị lớn của Ký Bắc, theo chỉ dẫn của ám hiệu, chàng đến một khu nhà tường quét vôi, cổng sơn đen. Chiếc vòng đồng ở cổng sáng loáng, nụ hoa mai trong vườn chìa ra ngoài tường sắp nở, chủ nhân hẳn là người thanh nhã. Chàng cầm cái vòng đồng lắc nhẹ ba lần. Lát sau có tiếng chân bước nhẹ, cánh cổng mở ra khẽ két một tiếng; một mùi thơm nồng xộc vào mũi, một a hoàn mặc quần áo màu hồng, nhoẻn miệng cười, nói:
– Ôi công tử lâu quá mới ghé chơi, thư thư nhớ công tử lắm đó. Mời công tử mau vào dùng trà.
Nói rồi a hoàn lại tủm tỉm cười, nháy mắt với chàng.
Trương Vô Kỵ ngơ ngác chả hiểu gì, hỏi lại:
– Sao ngươi lại biết ta? Thư thư của ngươi là ai?
A hoàn cười, đáp:
– Công tử biết thừa còn giả vờ, thôi vào mau đi cho thư thư khỏi thấp thỏm mong chờ.
Đoạn ả cầm tay chàng kéo vào trong. Trương Vô Kỵ lấy làm lạ, nghĩ thầm: Sao con bé này vừa gặp mình mà làm như quen từ lâu? Nhưng chàng nghĩ ra ngay: Phải rồi, chắc là Chỉ Nhược đang ở đây, biết mình hôm nay sẽ theo ám hiệu tìm đến, nên mới sai a hoàn ngày đêm chực sẵn ở cổng. Ồ, mấy hôm không gặp, Chỉ Nhược thấp thỏm chờ mình là phải rồi. Chàng cảm thấy ấm lòng, liền đi theo a hoàn, qua một con đường nhỏ trải đá dăm, xuyên qua một cái sân mới tới một căn buồng. Một con vẹt ở trên mái hiên cất tiếng:
– Tình ca ca đến kìa! Tỷ tỷ ơi, tình ca ca đến kìa!
Trương Vô Kỵ đỏ mặt, nghĩ bụng: Ngay cả con vẹt cũng biết ta nữa.
Trong buồng ghế ngồi đều bọc gấm, than trong lò đang đỏ hồng, ấm áp như phòng xuân, trên bàn có một lư hương. A hoàn quay mình đi ra, lát sau bưng vào một mâm gồm mấy món điểm tâm đủ màu và một bình trà xanh. A hoàn rót trà, bưng một chén đưa cho chàng, tiện thể bóp nhẹ vào cổ tay chàng một cái. Trương Vô Kỵ cau mày, nghĩ thầm: Sao con a hoàn này dám sỗ sàng như vậy? Nghĩ nể mặt Chu Chỉ Nhược, chàng không tiện trách mắng nó, liền hỏi:
– Tạ lão gia thế nào? Chu cô nương đâu?
A hoàn cười:
– Công tử hỏi Tạ lão gia làm gì? Chẳng lẽ ghen hay sao? Thư thư đến ngay bây giờ đây, làm gì mà công tử sốt ruột thế? Gớm, công tử chẳng có lương tâm chút nào, đã tới đây còn nhớ Chu cô nương, Vương cô nương nào nữa.
Trương Vô Kỵ ngơ ngác, nói:
– Ngươi nói lung tung gì vậy?
A hoàn tủm tỉm cười, quay ra. Lát sau, nghe có tiếng vòng đeo tay kêu loong coong, rồi rèm vén lên, a hoàn đỡ một thiếu nữ trạc hai mươi tuổi đi vào. Thiếu nữ da dẻ trắng trẻo, lông mày cong cong, dáng dấp uyển chuyển, mép bên phải có chấm thêm một nốt ruồi làm duyên, mắt long lanh đưa tình, chưa nói mắt đã cười. Trương Vô Kỵ ngửi thấy mùi hương đậm đà xông vào mũi, người bâng lâng.
Thiếu nữ kia hỏi:
– Tướng công quý tính là gì? Hôm nay có dịp ghé thăm, tiểu nữ thật vinh hạnh.
Vừa nói, thiếu nữ vừa đưa tay trái vịn vai chàng.
Trương Vô Kỵ đỏ mặt, vội tránh ra, nói:
– Ta họ Trương. Có một vị lão gia họ Tạ và một cô nương họ Chu, hai người đó hiện có ở đây không?
Thiếu nữ cười đáp:
– Đây là Lê Hương viện, nếu công tử muốn tìm Chu Tiêm Tiêm thì đến Bích Đào cư. Tướng công đã bị con bé ấy hút mất hồn, đến Lê Hương viện, mà lại hỏi Chu Tiêm Tiêm. Hì hì!
Trương Vô Kỵ chợt hiểu, thì ra đây là một kỹ viện, vội nói:
– Xin lỗi!
Chàng vội quay mình đi ra, a hoàn chạy theo, gọi:
– Thư thư chúng tôi đâu có gì kém Chu Tiêm Tiêm? Công tử nán lại một chút cũng không được sao?
Trương Vô Kỵ xua tay lia lịa, thò tay vào bọc lấy một đĩnh bạc mới cướp ở sòng bạc, ném xuống đất, đi như chạy ra cổng.
Sau vụ lôi thôi đó, tinh thần còn bối rối, thấy trời sắp tối, sợ rằng ban đêm khó nhận biết ám hiệu hình ngọn lửa của Minh giáo, Trương Vô Kỵ bèn tìm một khách điếm nghỉ ngơi, trong bụng hoang mang: Nghĩa phụ sao lại đi vào sòng bạc, rồi lại tới kỹ viện? Bằng hai việc ấy, lão nhân gia muốn nói điều gì? Ngủ đến nửa đêm, chàng đột nhiên tỉnh dậy, nghĩ thầm: Nghĩa phụ lòa cả hai mắt, làm sao dọc đường lưu lại nhiều ám hiệu đến thế? Hay là có Chỉ Nhược ở bên cạnh chỉ dẫn? Hay là kẻ địch cố ý giả mạo ám hiệu của bổn giáo để trêu chọc ta? Thậm chí để dẫn dụ ta vào nơi mai phục? Hừ, dù có là đầm rồng hang hổ, tốt xấu thế nào ta cũng quyết xông vào một phen.
Sáng hôm sau trở dậy, tiếp tục đi, ở ngoại vi thành Phong Nhuận chàng lại thấy có hình ngọn lửa chỉ về hướng tây. Quá trưa chàng tới Ngọc Điền, thấy ám hiệu chỉ vào một nhà giàu có, trước nhà treo đèn kết hoa, chính là đám cưới, trên đèn lồng có dán chữ đỏ Chi tử vu quy, xem ra là con gái đi lấy chồng, có tiếng chiêng trống, khách khứa đầy sân. Trương Vô Kỵ lần này dè dặt, không dám xông vào hỏi về Tạ Tốn, chỉ đi lẫn vào khách khứa nghe ngóng, thấy không có gì lạ, bèn đi ra tìm ám hiệu, quả nhiên thấy có ở một gốc cây lớn.
Ám hiệu lại chỉ đường cho chàng đi từ Ngọc Điền tới Tam Hà, rồi rẽ sang hướng nam đến tận Hương Hà. Lúc này chàng nghĩ rằng người của Cái Bang đã phát hiện tung tích của chàng, chúng dùng kế điệu hổ ly sơn dẫn chàng đi thật xa, để dễ bề thực hiện âm mưu xấu xa. Tuy nóng ruột lắm, song chàng không dám không đi theo chỉ dẫn của ám hiệu, lo rằng lỡ đúng là của Tạ Tốn và Chu Chỉ Nhược lưu lại thì sao? Nếu quả thực hai người đang bị kẻ địch lợi hại truy kích, trong lúc chạy trốn, cố lưu lại dấu vết, mong mình cứu viện mà mình lại tự cho là thông minh, quay về Lư Long, để nghĩa phụ và Chỉ Nhược vì thế bị nạn, thì biết tính sao? Sự đã thế này, thôi thì cứ đuổi theo ám hiệu tới cùng vậy.
Từ Hương Hà chạy đến Bảo Thành, rẽ sang Đại Bạch trang thì đã quay sang hướng đông nam, tới Ninh Hà thì hình ngọn lửa biến mất tăm. Chàng ở Ninh Hà tra xét kỹ càng, không thấy gì khác lạ, nghĩ thầm: Quả nhiên Cái Bang cố ý dẫn dụ ta đến đây, làm cho ta mất công toi mấy ngày.
Chàng bèn mua một con ngựa, cưỡi phi trở về Lư Long, vào tiệm quần áo mua một cái trường bào màu trắng, mượn cây bút son vẽ lên áo một ngọn lửa thật lớn, quyết ý lấy danh nghĩa giáo chủ Minh giáo đường đường chính chính xông vào tổng đàn của Cái Bang.
Chàng mặc áo trường bào, oai vệ đi tới trước cổng tòa nhà của gã đại tài chủ, thấy hai cánh cổng sơn đỏ rất lớn đóng im ỉm, những cái đinh đồng to bằng miệng chén đóng trên cánh cổng sáng bóng lên. Chàng hai tay đẩy một cái, hai cánh cổng lớn bay đổ vào sân nghe loảng xoảng một hồi, làm vỡ tan hai bồn nuôi cá vàng.
Mấy ngày qua chàng thấp thỏm lo cho sự an nguy của nghĩa phụ và Chu Chỉ Nhược, lại bị người ta đùa giỡn, phải chạy đôn chạy đáo một vòng thật lớn ở Ký Bắc, nỗi tức giận, uất ức trong lòng không có chỗ phát tiết, bây giờ trở lại tổng đà Cái Bang, nhất định phải làm tan hoang một trận. Chàng phá tung cổng rồi, hùng dũng bước vào, dọn giọng quát to:
– Người của Cái Bang nghe đây, mau bảo Sử Hỏa Long ra gặp ta!
Trong sân có mươi đệ tử bốn, năm túi, thấy hai cánh cổng lớn bay tung, đã hết hồn; lại thấy một bạch y thanh niên xông vào, liền có bảy, tám đứa hò hét xông ra chặn lại:
– Ngươi là ai? Muốn gì đây?
Trương Vô Kỵ hai tay gạt ra, bảy tám đệ tử Cái Bang đã bị hất văng đi. Chàng đi qua đại sảnh, đánh ra một chưởng lại vỡ tung cửa giữa, thấy trong trung sảnh bày một bàn tiệc, Sử Hỏa Long ngồi chính giữa. Một nhóm thủ lĩnh Cái Bang nghe tiếng huyên náo ngoài cổng, liền sai người ra xem xét. Nhưng Trương Vô Kỵ tiến vào quá nhanh, gã đệ tử bảy túi đang đi ra xem xét thì gặp Trương Vô Kỵ, bị chàng thộp ngực ném ngay về phía Sử Hỏa Long.
Chủ nhân tòa nhà trông như tài chủ đang ngồi bên dưới, thấy gã đệ tử bảy túi bay tới bàn tiệc, vội giơ tay ôm lấy. Vừa chạm được, bỗng cảm thấy một luồng kình lực như bài sơn đảo hải ùa tới, vội xuống tấn Thiên cân trụy để đứng cho vững, nào ngờ cứ thế loạng choạng lùi về phía sau đến bảy, tám bước mới đứng lại được, hai tay buông tên đệ tử bảy túi rơi phịch xuống đất, thở hồng hộc, toàn thân bủn rủn, sụm luôn xuống chân cột. Bọn Cái Bang thấy thế cùng kinh hãi.
Lúc đó Trương Vô Kỵ ồ lên một tiếng, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, thấy ngồi bên trái bàn tiệc là một thiếu nữ, chẳng ai xa lạ, chính là Chu Chỉ Nhược. Ngồi cạnh nàng là Tống Thanh Thư. Chu Chỉ Nhược vui mừng thốt lên:
– Vô Kỵ ca ca!
Nàng đứng dậy, nhưng lảo đảo ngã phệt xuống đất. Trương Vô Kỵ kinh hãi, vội tiến lại, đỡ nàng lên. Chàng chưa kịp đứng thẳng người lại, thì bịch một tiếng, lưng đã trúng một chưởng của Tống Thanh Thư, tiếp đó lại bị thêm một quyền của một cao thủ Cái Bang.
Lúc này Cửu dương thần công của Trương Vô Kỵ đã vận lên khắp người. Một chưởng một quyền kia đánh vào lưng chàng, lực đạo tiêu tán hết. Chàng ôm Chu Chỉ Nhược nhảy ra sân, hỏi:
– Nghĩa phụ đâu?
Chu Chỉ Nhược ấp úng:
– Muội… muội…
Trương Vô Kỵ hỏi lại:
– Lão nhân gia có sao không?
Chu Chỉ Nhược đáp:
– Muội bị họ điểm huyệt…
Trương Vô Kỵ chỉ quan tâm đến Tạ Tốn, hỏi:
– Nghĩa phụ thế nào?
Chu Chỉ Nhược nói:
– Không biết, muội bị họ bắt tới đây, từ đó không biết nghĩa phụ ra sao cả.
Trương Vô Kỵ đưa tay xoa bóp các khớp xương ở chân nàng, rồi đặt nàng đứng xuống. Nào ngờ thủ pháp điểm huyệt trên người Chu Chỉ Nhược rất quái dị, mấy cái xoa bóp của chàng không có tác dụng gì. Nàng đặt chân xuống đất, song không đứng được, ngồi phệt ngay xuống.
Bọn Cái Bang lục tục chạy ra ngoài thềm. Sử Hỏa Long ôm quyền, nói:
– Các hạ có phải là Trương giáo chủ của Minh giáo chăng?
Trương Vô Kỵ nghĩ y là bang chủ một bang, mình chẳng thể bỏ lễ giáo, bèn ôm quyền đáp lễ, nói:
– Không dám, tại hạ mạo muội xông vào tổng đà của quý bang, mong Sử bang chủ tha cho tội vô lễ.
Sử Hỏa Long nói:
– Trương giáo chủ mấy năm nay danh chấn giang hồ, tại hạ nghe… như sấm bên tai. Hôm nay được thấy thân thủ của lão huynh, quả lợi hại, hì hì, bội phục, bội phục!
Trương Vô Kỵ nói:
– Tại hạ đến hơi lỗ mãng, làm trò cười cho Sử bang chủ. Nghĩa phụ tại hạ là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn có ở đây chăng? Làm ơn đưa lão nhân gia ra gặp mặt.
Sử Hỏa Long đỏ mặt, nhưng lại cười ha hả, nói:
– Trương giáo chủ tuổi còn trẻ, sao ăn nói lạ thế? Chúng tôi có thiện chí, mời Tạ Sư Vương… đến đây uống rượu, nào ngờ Tạ Sư Vương ra đi không một lời từ giã, còn ra tay đánh chết tám đệ tử bổn bang, mẹ kiếp, món nợ ấy giờ tính sao đây? Phiền Trương giáo chủ trả giùm cho.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Tám đệ tử Cái Bang quả nhiên bị nghĩa phụ đấm chết. Xem ra lão nhân gia không có ở đây thực, vậy ông đi đâu nhỉ? Bèn hỏi:
– Thế còn Chu cô nương đây thì sao? Tại sao quý bang bắt nhốt nàng ở đây?
Sử Hỏa Long ấp úng:
– Chuyện đó… chuyện đó…
Trần Hữu Lượng ngắt lời:
– Người ta đồn Trương Vô Kỵ của Minh giáo võ công tuy cao siêu, nhưng là một tên tiểu ma đầu ngang ngược bất chấp lý lẽ… ha ha…
Trương Vô Kỵ sầm mặt hỏi:
– Cái gì?
Trần Hữu Lượng nói:
– Hôm nay gặp đây, hì hì, thấy quả là cây có bóng, người có danh, chẳng sai tí nào.
Trương Vô Kỵ hỏi:
– Ta ngang ngược, bất chấp lý lẽ ở điểm nào?
Trần Hữu Lượng nói:
– Chu cô nương kia là chưởng môn phái Nga Mi, một lãnh tụ của danh môn chính phái, đâu có liên quan gì đến bọn bàng môn tả đạo Minh giáo? Còn vị Tống Thanh Thư huynh đệ đây là nhân tài của phái Võ Đang, cùng Chu cô nương trai tài gái sắc, châu bích liên hợp, thật là môn đăng hộ đối, xứng đôi vừa lứa. Hai người ấy đi qua đây, Cái Bang mời vào làm khách, uống chung chén rượu, tại sao Trương giáo chủ lại nhảy vào can thiệp? Thật quá tức cười!
Quần hào Cái Bang cười hô hố phụ họa.
Trương Vô Kỵ nói:
– Nếu bảo Chu cô nương là khách của các người, tại sao các người lại điểm huyệt nàng ta?
Trần Hữu Lượng nói:
– Chu cô nương đang vui vẻ ngồi đây ăn uống, trò chuyện thoải mái, ai bảo là nàng bị điểm huyệt? Cái Bang và phái Nga Mi có mối liên hệ vô cùng sâu xa, đời đời giao hảo. Quách nữ hiệp tổ sư phái Nga Mi chính là con gái của Hoàng bang chủ tệ bang, Gia Luật bang chủ lại là anh rể của Quách Tương nữ hiệp. Trong võ lâm, trừ bọn con nít miệng còn hôi sữa, có ai lại không biết chuyện đó. Làm sao Cái Bang bọn ta lại dám đắc tội với vị chưởng môn hiện thời của phái Nga Mi? Trương giáo chủ bạ đâu nói đó, chẳng sợ anh hùng thiên hạ chê cười cho sao?
Trương Vô Kỵ cười khẩy, nói:
– Nói thế tức là Chu cô nương tự mình điểm huyệt mình à?
Trần Hữu Lượng nói:
– Cái đó chưa hẳn thế đâu. Ai ai cũng thấy Trương giáo chủ nhảy tới, ôm luôn Chu cô nương chạy ra. Chu cô nương giãy giụa không chịu, tôn giá liền thuận tay điểm huyệt nàng. Trương giáo chủ, vẫn biết là anh hùng khó qua cửa ải mỹ nhân, cái tính háo sắc ai mà chẳng có, nhưng giữa chốn sảnh đường đông người, trăm mắt nhìn vào, Trương giáo chủ lại có hành vi ghẹo nguyệt trêu hoa, chẳng đánh mất thanh danh của mình hay sao?
Mồm mép Trương Vô Kỵ vốn không thể bì với Trần Hữu Lượng, bị hắn trâng tráo vu vạ cho như thế, tuy tức lắm nhưng khó giãi bày, đành tái mặt, quát:
– Như thế là các người nhất định không nói cho ta biết nghĩa phụ ta ở đâu phải không?
Trần Hữu Lượng lớn tiếng đáp:
– Trương giáo chủ, Quang Minh sứ giả Dương Tiêu của quý giáo năm xưa đã cưỡng gian và giết hại Kỷ Hiểu Phù của phái Nga Mi, đồng đạo võ lâm thiên hạ ai cũng căm hờn nguyền rủa hắn. Nay ngươi cậy võ công cao cường, lại giở trò đó ra, ắt không thoát khỏi sự phán xử đâu.
Trương Vô Kỵ quay lại nói với Chu Chỉ Nhược:
– Chỉ Nhược, nàng nói một tiếng đi, bọn chúng đã bắt cóc nàng đến đây như thế nào coi?
Chu Chỉ Nhược nói:
– Muội… muội… muội…
Nàng ấp úng ba tiếng muội, rồi đột nhiên thân hình lảo đảo, ngất đi.
Bọn Cái Bang tức thời kêu la ầm ỹ:
– Ma đầu Minh giáo giết người rồi!
– Trương Vô Kỵ cưỡng gian không được, giết chết chưởng môn phái Nga Mi rồi!
– Giết ngay tên dâm tặc Trương Vô Kỵ để trừ hại cho thiên hạ!
Trương Vô Kỵ cả giận, xông tới chỗ Sử Hỏa Long, nghĩ thầm: Bắt giặc phải tóm tên đầu đảng, chỉ cần thộp cổ gã họ Sử, hay dở ở hắn mà ra, sẽ buộc hắn phải nói ra tung tích nghĩa phụ.
Chưởng Bổng long đầu và Chấp pháp trưởng lão cùng tiến ra ngăn chặn. Chưởng Bổng long đầu múa cây thiết bổng, còn Chấp pháp trưởng lão thì tay phải cầm cương câu[125], tay trái cầm thiết quài, hai gã dùng ba món binh khí, vây đánh Trương Vô Kỵ. Chàng hú lên một tiếng, sử dụng tâm pháp Càn khôn đại na di, nghe keng một tiếng, cương câu của Chấp pháp trưởng lão lại gạt phăng thiết bổng của Chưởng Bổng long đầu, còn thiết quài thì đâm luôn vào sườn đồng bọn.
Truyền công trưởng lão đứng cạnh bèn rút kiếm, nói:
– Tên tiểu tử này võ công rất quái dị, mọi người hãy cẩn thận.
Vù, vù, vù ba kiếm liền, thế đánh rất lợi hại, nhắm ngực và bụng dưới của Trương Vô Kỵ mà đâm tới. Trương Vô Kỵ thấy chiêu số hiểm ác, thốt lên:
Hảo kiếm pháp!
Chàng xoay người né tránh, ngón tay trỏ bên trái điểm vào đùi lão ta. Truyền công trưởng lão vòng mũi kiếm về chém ngón tay chàng. Biến chiêu nhanh vô cùng, mũi kiếm không sai một ly, chỉ một chiêu này cũng đã là hiếm có trong võ lâm. Trương Vô Kỵ khen thầm: Cái Bang nổi danh giang hồ, trăm năm không suy, trong bang ngọa hổ tàng long, quả nhiên không hiếm nhân tài kiệt xuất.
Bữa trước trong miếu Di Lặc, chàng đã thấy Huyền Minh nhị lão đấu với các cao thủ Cái Bang, vì chàng phải núp trên cây, không dám ló đầu ra, nên chưa nhìn thấy hết; lúc này chính chàng giao đấu với họ, mới biết Truyền công và Chấp pháp trưởng lão quả có thể xếp vào đệ nhất cao thủ thời nay. Chưởng Bổng long đầu thì hỏa hầu kém hơn một chút mà thôi.
Trong giây lát Cái Bang tam lão đã qua lại với Trương Vô Kỵ hơn hai mươi chiêu. Trần Hữu Lượng đột nhiên kêu to:
– Bày Sát cẩu trận[126]!
Quần hào Cái Bang liền lớn tiếng reo hò, đao quang sáng lóa như tuyết, hai mươi mốt hảo thủ tay cầm loan đao, vây Trương Vô Kỵ vào giữa. Hai mươi mốt người ấy, kẻ thì hát khúc Liên Hoa Lạc, kẻ rên rỉ kêu than, kẻ đấm ngực khóc lóc, kẻ cao giọng van xin:
– Lạy ông, lạy bà, cho con xin chút cơm thừa canh cặn!
Trương Vô Kỵ thoạt tiên kinh ngạc, nhưng hiểu ngay, trò quái dị kia chỉ cốt làm bấn loạn tinh thần đối phương. Chỉ thấy quần hào Cái Bang tuy cước bộ hỗn tạp, nhưng tiến thoái đều có phép tắc chặt chẽ.
Truyền công trưởng lão quát lên:
– Hãy khoan!
Ông ta lùi hai bước, kiếm để ngang trước ngực. Chấp pháp trưởng lão và Chưởng Bổng long đầu cũng đều nhảy ra ngoài. Riêng quần hào bày Sát cẩu trận thì vẫn tiếp tục chạy qua chạy lại không ngừng. Truyền công trưởng lão nói:
– Trương giáo chủ, bọn ta lẽ ra không nên lấy thịt đè người. Nhưng trong Cái Bang không một ai có thể là địch thủ của các hạ. Trừ gian sát tặc không thể khư khư giữ quy củ một đánh một của hiệp nghĩa đạo.
Trương Vô Kỵ mỉm cười, nói:
– Khéo nói, khéo nói lắm!
Truyền công trưởng lão lại nói:
– Bọn ta trong tay ai ai cũng có binh khí, Trương giáo chủ lại tay không, thì Cái Bang được lợi thế quá nhiều. Trương giáo chủ muốn sử dụng loại binh khí gì, cứ cho biết, bọn ta sẽ tuân hành đưa ra.
Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: Vị Truyền công trưởng lão này võ công cao cường, lại có lòng trượng nghĩa, khác hẳn so với tên Trần Hữu Lượng gian xảo, bèn nói:
– Đùa giỡn với các vị một phen, hà tất phải dùng đến đao gậy? Tại hạ muốn dùng binh khí, không biết tự kiếm lấy hay sao?
Chàng nói xong, lắc mình một cái đã nhảy ra ngoài vòng Sát cẩu trận, hai tay chia ra ấn vào vai Tống Thanh Thư và Trần Hữu Lượng, khi rút tay lại đã đoạt được hai thanh trường kiếm của hai kẻ đó, lại lộn người nhảy vào giữa trận. Chàng vọt ra lộn vào như thế mà hai mươi mốt đệ tử Cái Bang đang múa đao chạy vòng quanh không tên nào chạm được vào gấu áo chàng. Mọi người còn đang kinh ngạc, thì đã nghe chàng cao giọng nói:
– Đặt tên trận là Sát cẩu nghe có vẻ hay lắm, nhưng giết chó thì dễ, còn định hàng phục rồng hổ thì trận đồ này vô dụng.
Nói xong chàng rung hai tay một cái, một luồng kình lực truyền vào thân kiếm, nghe rắc rắc hai tiếng, hai thanh kiếm đã gãy đôi.
Chưởng Bổng long đầu hô to:
– Tất cả xông lên!
Thiết bổng của lão chọc vào ngực Trương Vô Kỵ. Một câu một quài của Chấp pháp trưởng lão cũng múa lên thành hai đám hoa tuyết cuồn cuộn áp tới. Trương Vô Kỵ lạng sang bên trái, thân hình lại nghiêng về bên phải, sử dụng tâm pháp Càn khôn đại na di, chỉ thấy bạch quang loang loáng, phập phập phập liên tục, toàn bộ loan đao trong tay bọn Cái Bang trong Sát cẩu trận đều bị chàng đoạt mất, ném lên xà nhà. Hai mươi mốt thanh đao xếp thành một hàng đều tăm tắp, cắm phập vào trong gỗ cả thước.
Bỗng nghe Trần Hữu Lượng gọi to:
– Trương Vô Kỵ, ngươi còn chưa dừng tay hả?
Trương Vô Kỵ ngoảnh lại, thấy Trần Hữu Lượng đang cầm một thanh trường kiếm, mũi kiếm chỉ vào hậu tâm của Chu Chỉ Nhược.
Trương Vô Kỵ cười khẩy:
– Một trăm năm nay giang hồ đều truyền tụng Minh giáo, Cái Bang, Thiếu Lâm. Trong các giáo phái, thì Minh giáo đứng đầu, các bang hội đưa Cái Bang lên hạng nhất, các vị làm thế này không sợ làm nhục uy danh của Hồng Thất Công lão hiệp hay sao?
Truyền công trưởng lão giận dữ nói với Trần Hữu Lượng:
– Trần trưởng lão, mau buông Chu cô nương ra, chúng ta quyết tử chiến với Trương giáo chủ. Cái Bang dốc lực toàn bang, chẳng lẽ không địch nổi một mình giáo chủ Minh giáo. Nếu đi giở trò hạ sách đó ra, thì còn mặt mũi nào làm người nữa.
Trần Hữu Lượng cười nói:
– Đại trượng phu đấu trí, không đấu sức. Trương Vô Kỵ, ngươi chưa chịu xuôi tay chịu trói hay sao?
Trương Vô Kỵ cười to, nói:
– Được, hôm nay Trương Vô Kỵ ta muốn thử xem uy phong của Cái Bang như thế nào.
Đột nhiên chàng lùi hai bước, lộn mình nhảy ngược về đằng sau, từ trên không trung rơi xuống, đã cưỡi ngay trên cổ bang chủ Cái Bang Sử Hỏa Long. Bàn tay phải của chàng úp trên đỉnh đầu Sử Hỏa Long, bàn tay trái thì nắm ngay kinh mạch sau ót.
Chiêu này trong võ công thánh hỏa lệnh được thực hiện dễ dàng ngoài cả dự liệu của Trương Vô Kỵ. Chàng vốn chỉ tính sử dụng một quái chiêu, bất ngờ tới sát Sử Hỏa Long, dợm sẵn ba chiêu nữa để bắt sống Sử Hỏa Long trong nháy mắt, chỉ lo Trần Hữu Lượng tâm địa hiểm độc rất có thể sẽ hạ độc thủ với Chu Chỉ Nhược. Nào ngờ chưa cần sử dụng đến ba chiêu lợi hại, chàng đã chế ngự được Sử Hỏa Long. Chàng cưỡi cổ hắn chả khác gì trẻ con đùa nghịch với người lớn, trông rất bất nhã, nhưng đã chế ngự được các yếu huyệt trên đầu đối phương, nên cũng không muốn nhảy xuống, để khỏi lôi thôi.
Bọn Cái Bang thấy bang chủ bị bắt, cùng ồ lên kinh hãi. Bàn tay phải của Trương Vô Kỵ úp trên huyệt Bách Hội ở đỉnh đầu Sử Hỏa Long, huyệt này là giao điểm của kinh Túc Thái Dương và mạch Đốc, là đại huyệt hệ trọng nhất của cơ thể con người; chàng chỉ cần ấn nhẹ xuống một cái, Sử Hỏa Long sẽ tức thời bị chấn đứt kinh mạch mà chết, không gì cứu nổi. Thành thử quần hào Cái Bang không ai dám động đậy. Sau một hồi hò hét, lúc này đại sảnh đột nhiên im ắng, mọi người trơ mắt nhìn Trương Vô Kỵ và Sử Hỏa Long, không biết phải làm gì.
Giữa lúc đó, bỗng nghe trên mái nhà vọng xuống tiếng đàn hòa cùng tiếng sáo văng vẳng. Dường như có vài chiếc dao cầm và động tiêu hòa tấu với nhau. Tiếng nhạc dìu dặt uyển chuyển, ai nấy nghe rất rõ, có điều khi ở mé đông, khi ở mé tây, không biết từ hướng nào trên mái nhà vọng xuống.
Trương Vô Kỵ lấy làm lạ, không biết tiếng đàn sáo kia ngụ ý gì. Trần Hữu Lượng lớn tiếng nói:
– Cao nhân phương nào giá lâm Cái Bang đó? Nếu là quần ma Minh giáo, sao không hiện thân, hà tất phải giả bộ quỷ thần như thế?
Tiếng đàn tưng tưng tang ba tiếng, rồi có bốn bạch y thiếu nữ từ mái hiên hai phía đông tây nhảy xuống sân, trong tay mỗi nàng ôm một cây dao cầm. So với thất huyền cầm thông thường, loại dao cầm này ngắn và hẹp chỉ bằng một nửa, song vẫn đủ bảy dây. Bốn thiếu nữ nhảy xuống rồi liền chia nhau đứng bốn góc, Liền đó từ ngoài cửa tiến vào bốn hắc y thiếu nữ, mỗi nàng tay cầm một cây sáo dài màu đen, loại tiêu này dài gấp rưỡi các cây sáo thông thường. Bốn thiếu nữ này cũng chia ra đứng bốn góc, mỗi góc một trắng một đen.
Tám thiếu nữ đứng ổn định rồi, bốn cây dao cầm, rồi bốn cây động tiêu, bắt đầu tấu nhạc, tiếng nhạc vô cùng u nhã du dương. Trương Vô Kỵ không hiểu âm nhạc, chỉ cảm thấy tiếng nhạc uyển chuyển êm tai, tuy đang trong cục diện cực kỳ căng thẳng, nhưng vẫn muốn nghe thêm một lát.
Trong tiếng nhạc dìu dặt, một hoàng y thanh nữ khoan thai bước vào, tay trái dắt một nữ đồng mười hai, mười ba tuổi. Thanh nữ trạc hai mươi bảy, hai mươi tám, phong tư tha thướt, dung mạo tuyệt trần, chỉ tội sắc mặt quá xanh xao, nhợt nhạt. Còn nữ đồng thì mặt mày xấu xí, hai lỗ mũi hếch lên trời; cái mồm rộng, lộ ra hai cái răng cửa to tướng, trông có vẻ hung dữ. Nữ đồng một tay nắm tay thanh nữ, tay kia cầm cây gậy trúc xanh.
Quần hào Cái Bang thấy nhị nữ tiến vào, cả bọn không hẹn mà mục quang cùng chằm chằm nhìn cây gậy trúc. Trương Vô Kỵ thấy nhiều thiếu nữ tới đây, mình lại cưỡi trên cổ Sử Hỏa Long, trông thật tức cười, thế nhưng mũi kiếm của Trần Hữu Lượng vẫn đang chĩa vào hậu tâm Chu Chỉ Nhược, thì chàng không thể thả bang chủ Cái Bang ra một cách dễ dàng. Thấy bọn Cái Bang cứ chằm chằm nhìn cậy gậy trúc trong tay nữ đồng, tựa hồ trên đời không còn gì quan trọng hơn cây gậy đó, hết thảy các bạch y, hắc y thiếu nữ, hoàng y thanh nữ lẫn nữ đồng xấu xí đều coi như không có, thì chàng thầm kinh ngạc, cũng nhìn kỹ cây gậy trúc xem sao, thấy nó toàn một màu xanh lục, nhẵn bóng, không biết bao nhiêu năm đã qua tay bao nhiêu người sử dụng, ngoài ra không có gì khác lạ.
Hoàng y thanh nữ đưa mắt như hai tia chớp lạnh, nhìn lướt mọi người một vòng, cuối cùng dừng lại ở mặt Trương Vô Kỵ, lạnh lùng nói:
– Trương giáo chủ tuổi đâu còn nhỏ, việc đứng đắn không làm, lại ở đây đùa giỡn.
Câu nói đó có phần trách móc, nhưng từ ngữ rất thân tình, nghe như chị cả mắng em út. Trương Vô Kỵ đỏ mặt, phân trần:
– Trần trưởng lão của Cái Bang có hành vi đê hèn, chế ngự… đồng bạn của tại hạ, tại hạ đành bắt giữ bang chủ của họ.
Thanh nữ mỉm cười, dịu dàng nói:
– Đem bang chủ của người ta ra làm ngựa cưỡi, chẳng hơi quá hay sao? Ta từ Tràng An tới, dọc đường nghe đồn giáo chủ Minh giáo là một tiểu ma đầu, hôm nay thấy đây, ôi, ôi!
Nàng vừa nói vừa lắc đầu, có vẻ không hài lòng. Sử Hỏa Long đột nhiên kêu lớn:
– Tên tiểu dâm tặc Trương Vô Kỵ, có mau mau tụt xuống không thì bảo!
Y giơ tay định hất chân chàng, nhưng kinh mạch sau ót đã bị nắm giữ, đâu có sử được chút kình lực nào. Trương Vô Kỵ nghe y trước mặt các thiếu nữ lại lớn tiếng chửi chàng là tên tiểu dâm tặc, thì vừa thẹn vừa tức, tay trái bèn ấn nhẹ vào gáy y. Sử Hỏa Long toàn thân tê dại, chịu không nổi phải kêu oai oái.
Bọn Cái Bang thấy Trương Vô Kỵ vô lễ, mà bang chủ của mình lại khiếp nhược như thế, thì ai nấy vừa xấu hổ vừa bực tức. Sử Hỏa Long bị đối phương chế ngự lại mở miệng rên rỉ, thật không còn chút thể diện anh hùng hảo hán gì nữa, đừng nói là bang chủ một bang lớn nhất trên giang hồ, ngay một đệ tử tầm thường của Cái Bang cũng không đời nào chịu tiếng hèn trước địch thủ.
Trần Hữu Lượng nói:
– Trương Vô Kỵ, ngươi thả Sử bang chủ ra, ta thu kiếm về, được chứ?
Hắn không đợi Trương Vô Kỵ đáp ứng, liền đút kiếm vào bao. Hắn đoán rằng giao hẹn như thế ắt được, quả nhiên Trương Vô Kỵ nói:
– Được lắm!
Chàng nhún mình một cái đã đứng ngay bên cạnh Chu Chỉ Nhược, thấy nàng nhíu mày, thần sắc mệt mỏi, trông thật tội nghiệp, bèn dìu nàng tới ngồi trên một cái đôn bằng đá.
Trần Hữu Lượng quay sang hoàng y mỹ nữ, chắp tay nói:
– Phương giá quang lâm tệ bang, không biết có điều chi giáo huấn? Quý tính đại danh có thể cho biết được chăng?
Rồi y lại hỏi cô bé xấu xí:
– Này tiểu cô nương, cây gậy trúc ấy ở đâu ra vậy?
Hoàng y mỹ nữ lạnh lùng nói:
– Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn ở đâu, mời y ra gặp.
Trương Vô Kỵ nghe bảy chữ Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn thì vô cùng kinh ngạc, thấy Trần Hữu Lượng mặt biến sắc, song hắn lập tức trấn tĩnh, thản nhiên đáp:
– Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn ư? Có phải là sư phụ của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn? Cái đó phải hỏi Trương giáo chủ Minh giáo mới biết được.
Hoàng y mỹ nữ hỏi:
– Các hạ là ai?
Trần Hữu Lượng đáp:
– Tại hạ họ Trần, thảo tự Hữu Lượng, là trưởng lão tám túi trong Cái Bang.
Hoàng y mỹ nữ hất hàm về phía Sử Hỏa Long, hỏi:
– Còn gã kia là ai? Trông diện mạo tưởng là anh hùng hảo hán, mà có khác gì cái bị thịt; người ta mới ra tay một tí đã kêu rên oai oái chẳng ra thể thống gì cả.
Bọn Cái Bang tự ngượng ngùng, một số người bây giờ nhìn Sử Hỏa Long bằng ánh mắt có vài phần khinh bỉ và tức giận. Trần Hữu Lượng nói:
– Vị này là Sử bang chủ của bổn bang. Lão nhân gia gần đây bị bệnh nặng mới đỡ, người chưa thật khỏe. Cô nương là khách, chúng tôi nhường nhịn vài phần đấy; nếu còn nói năng vô lễ, có đắc tội cũng đừng trách.
Hắn nói câu cuối bằng giọng hăm dọa.
Hoàng y mỹ nữ thản nhiên nói với một hắc y thiếu nữ:
– Tiểu Thúy, hãy trả lại phong thư cho y.
Hắc y thiếu nữ kia đáp lời:
– Thưa vâng.
Nàng lấy trong bọc ra một bao thư cầm trong tay. Trương Vô Kỵ nhìn thấy trên phong bì viết: Kính gửi Hàn Sơn Đồng đại gia của Minh giáo, bên dưới có hàng chữ nhỏ hơn: Cái Bang Sử kính gửi.
Chưởng Bổng long đầu vừa thấy bức thư, lập tức đỏ mặt tía tai, chửi luôn:
– Con nô tì tiểu tặc, thì ra kẻ bỡn cợt lão gia trên đường, đánh cắp phong thư, chính là con a đầu chết tiệt này!
Lão giơ cây thiết bổng, tính xông lên làm dữ. Tiểu Thúy cười khúc khích, nói:
– Tiểu nữ là a đầu cũng được, nhưng không hề chết tiệt bao giờ. Người già đầu như lão mà có phong thư giữ cũng không xong, không biết ngượng hay sao?
Đoạn thiếu nữ phẩy tay nhẹ một cái, phong thư bay ngay về phía Chưởng Bổng long đầu, lão tiện tay bắt lấy.
Đêm nọ Trương Vô Kỵ nhìn thấy Sử Hỏa Long sai Chưởng Bổng long đầu mang thư đến cho Hàn Sơn Đồng, dùng Hàn Lâm Nhi làm con tin để uy hiếp, buộc Hàn Sơn Đồng đầu hàng Cái Bang, giờ chàng nghe họ đối đáp, thì đoán là mấy bạch y hắc y thiếu nữ đã trêu chọc Chưởng Bổng long đầu dọc đường, ăn cắp mất phong thư, khiến lão phải quay về Lư Long. Chưởng Bổng long đầu võ công cao siêu như thế, mà qua lời kể của lão, đến bây giờ lão mới biết người trêu chọc lão là ai, đủ biết tám thiếu nữ này nếu không cơ trí hơn người, thì võ công cũng rất cao siêu, đằng sau lại có hoàng y mỹ nữ chủ trì, khiến cho một cao thủ Cái Bang loay hoay chẳng biết đường nào mà lần. Nghĩ tới đó, chàng không khỏi thầm cảm kích hoàng y mỹ nữ.
Hoàng y mỹ nữ nói:
– Hàn Sơn Đồng khởi nghĩa ở Hoài Tứ, đánh đuổi Thát tử, dọc đường ta nghe kể y là người nhân hậu trượng nghĩa, không quấy nhiễu trăm họ. Một nhân vật anh hùng như thế, há lại vì một đứa con mà phản bội Minh giáo, đầu hàng Cái Bang hay sao? Các vị dẫu có mang được phong thư này tới chỗ Hàn Sơn Đồng đại gia, chắc cũng chả hay ho gì. Ta thấy vị long đầu đại ca này hồ đồ tức cười quá. Lại nhân vì trong Cái Bang có đại sự, nên ta đích thân tới đây, mới ngăn chặn phong thư này.
Trương Vô Kỵ ôm quyền nói:
– Đa tạ đại tỷ ra tay tương trợ. Trương Vô Kỵ cảm kích vô cùng.
Hoàng y mỹ nữ nói:
– Khỏi cần khách sáo.
Rồi nàng quay sang phía quần hào Cái Bang, nói:
– Các người tưởng rằng bắt được Hàn Lâm Nhi thì có thể buộc Hàn Sơn Đồng đầu hàng ư? Chưởng Bổng long đầu, hôm ấy ở trên đường cái ngươi cứ liên tiếp bị ngăn chặn, phải chuyển sang đường mòn, tưởng tránh nổi được sao? Hì hì, dẫu có mang được phong thư này tới chỗ Hàn Sơn Đồng đại gia, chắc cũng chả hay ho gì cho Cái Bang các người.
Trần Hữu Lượng trong lòng chợt động, cầm lấy phong thư, thấy ngoài bì nguyên vẹn, không có gì khác lạ, vội bóc ra xem, vừa đọc đã biến sắc hẳn. Thì ra phong thư chiêu hàng Hàn Sơn Đồng lại biến thành Cái Bang tình nguyện đầu hàng Minh giáo; lời lẽ trong thư hèn hạ quỵ lụy, tự chửi mình là những gì đã làm thật xấu xa, không thể tha thứ; nguyện từ nay trở đi sẽ thành tâm sám hối, mong sao Minh giáo khoan hồng độ lượng, bỏ qua lỗi lầm, thu nhận Cái Bang làm thuộc hạ, cử đi tiên phong đánh đuổi quân Nguyên.
Hoàng y mỹ nữ cười khẩy, nói:
– Đúng thế, phong thư này ta đã đọc qua, nhưng không phải do ta sửa. Ta xem xong thư, biết ngay Chưởng Bổng long đầu đã bị người ta đùa giỡn, lừa cho một vố đau. Ta nghĩ đến mối quan hệ sâu xa với Cái Bang đời trước, không muốn đại bang lớn nhất thiên hạ có uy danh lừng lẫy, nay lộ ra xấu xa như vậy, nên mới cướp lấy. Các vị thử nghĩ xem, lá thư này do Chưởng Bổng long đầu thân chinh mang đến cho Minh giáo, thì liệu từ rày trở đi Cái Bang còn mặt mũi nào trên giang hồ nữa chăng?
Truyền công trưởng lão, Chấp pháp trưởng lão, Chưởng Bát long đầu, Chưởng Bổng long đầu lần lượt cầm lá thư đọc, đọc xong người nào cũng tức giận, nghĩ thầm: Nhục quá! Quả như hoàng y mỹ nữ nói, lá thư xin hàng lời lẽ đê hèn này mà rơi vào tay Minh giáo thì tiếng xấu về Cái Bang truyền khắp giang hồ, đệ tử Cái Bang thật chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai nữa. Như thế, hoàng y mỹ nữ cướp lấy lá thư, không cho đem đi, đã giúp Cái Bang một việc cực lớn. Nhưng kẻ đánh tráo lá thư là ai vậy?
Hắc y thiếu nữ tên Tiểu Thúy nói:
– Chắc các vị muốn hỏi, ai đã tráo bức thư này phải không?
Quần hào Cái Bang không trả lời, nhưng vẻ mặt ai cũng tỏ ra nóng lòng muốn biết. Tiểu Thúy nói:
– Chưởng Bổng long đầu, ông hãy cởi áo ngoài thì biết ngay thôi.
Chưởng Bổng long đầu đỏ mặt, gân xanh nổi rõ trên cổ từ nãy, nghe vậy bèn hai tay giật phăng hai vạt áo, nghe xoẹt xoẹt hai tiếng, lão lột nốt áo ngoài quẳng đi, nói:
– Thế thì sao nào?
Chỉ các đệ tử Cái Bang đứng phía sau lão cùng ồ lên kinh hãi, hình như họ nhìn thấy cái gì quái dị lắm. Chưởng Bổng long đầu quay lại hỏi:
– Cái gì vậy?
Thấy bảy, tám người chỉ trỏ nơi lưng lão, lão cuống lên, xé vạt áo, lột phăng nốt cái áo trong ra, để lộ tấm lưng cuồn cuộn bắp thịt. Lão giơ cái áo trong lên xem, thấy trên lưng áo vẽ một con dơi lớn màu xanh, hai cánh dang rộng, răng nhe đáng sợ, bên miệng có điểm vài chấm máu đỏ tươi.
Bọn Truyền công trưởng lão, Chấp pháp trưởng lão cùng kêu lên:
– Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu.
Vi Nhất Tiếu ít tới Trung nguyên, nên không mấy ai biết đến tên tuổi; nhưng vài năm qua trên giang hồ lão xuất quỷ nhập thần, đại hiển thân thủ, uy danh ngày càng nổi, không kém gì Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính. Trương Vô Kỵ trong bụng mừng thầm: Không phải người có tài khinh công đến không ai biết, đi chẳng ai hay như Vi huynh, thì làm sao có thể đùa giỡn mà Chưởng Bổng long đầu không hề hay biết.
Chưởng Bổng long đầu sững sờ, cầm chiếc áo ném vào Trương Vô Kỵ, chửi:
– Giỏi nhỉ! Thì ra bọn ma đầu chúng bay trêu chọc lão phu.
Trương Vô Kỵ phất ống tay áo một cái, một luồng gió thổi chiếc áo bay lên móc vào một cái chạc cây ngân hạnh trong sân, gặp gió thổi phồng ra, hình con dơi hút máu vẽ trên áo trông sinh động như thật. Chàng cười, nói:
– Chưởng Bổng long đầu, Vi Bức Vương của tệ giáo ra tay còn lưu tình đó. Chẳng lẽ các hạ không biết, hôm đó nếu Vi Bức Vương muốn lấy mạng các hạ, thì các hạ đã ra sao rồi?
Chưởng Bổng long đầu nghĩ lại, không khỏi lạnh xương sống.
Trần Hữu Lượng thầm nghĩ việc này càng nói thêm càng xấu mặt, chỉ có cách lảng qua chuyện khác là thượng sách, bèn quay qua hỏi hoàng y mỹ nữ:
– Thỉnh vấn quý tính đại danh của cô nương, không biết có quan hệ gì với chúng tôi?
Hoàng y mỹ nữ cười khẩy, đáp:
– Có quan hệ gì với các vị ư? Ta chỉ có quan hệ với cây Đả cẩu bổng này thôi.
Nói rồi chỉ cây gậy trúc xanh trong tay cô bé xấu xí.
Quần hào Cái Bang vốn đã nhận ra đây là tín vật Đả cẩu bổng của bang chủ, không hiểu sao lại rơi vào tay người ngoài, nên ai nấy đều quay nhìn Sử Hỏa Long, chỉ thấy y mặt tái nhợt, chân tay luống cuống. Truyền công trưởng lão hỏi:
– Bang chủ, cây gậy đánh chó trong tay cô bé kia là giả phải không?
Sử Hỏa Long đáp:
– Ta… xem ra quá nửa là giả.
Hoàng y mỹ nữ nói:
– Được, vậy thì ngươi hãy mang Đả cẩu bổng thật ra so sánh thử coi.
Sử Hỏa Long nói:
– Đả cẩu bổng là vật chí bảo của bản bang, đâu có thể đưa cho người ngoài xem được? Ta cũng không mang theo người, lỡ đánh mất thì nguy tai.
Quần hào Cái Bang nghe y nói vậy thật chẳng ra thể thống gì, ai đời thân là bang chủ mà lại sợ đánh mất Đả cẩu bổng?
Cô bé giơ cao cây gậy trúc, nói to:
– Mọi người hãy lại đây coi. Cây Đả cẩu bổng này là của bổn bang, truyền hết đời này sang đời khác, làm sao giả được?
Cả bọn nghe cô bé nói hai tiếng Bổn bang thì lấy làm lạ, lại gần xem kỹ, thấy cây gậy nhẵn bóng như ngọc, cứng rắn như thép, không còn nghi ngờ gì nữa, quả là tín vật Đả cẩu bổng của bang chủ Cái Bang. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, chưa hiểu sự thể ra sao cả.
Hoàng y mỹ nữ nói:
– Ta nghe đồn bang chủ Cái Bang có hai môn đại thần công lừng danh thiên hạ là Hàng long thập bát chưởng và Đả cẩu bổng pháp. Tiểu Hồng, ngươi hãy ra lĩnh giáo công phu Hàng long thập bát chưởng của Sử bang chủ trước. Tiểu Linh, ngươi đợi khi Tiểu Hồng tỷ tỷ thắng rồi, hãy lĩnh giáo công phu Đả cẩu bổng pháp của y.
Hai thiếu nữ cầm trường tiêu nghe lệnh bước ra, đứng hai bên.
Trần Hữu Lượng giận dữ nói:
– Cô nương không chịu xưng danh, đã nhìn Cái Bang bằng nửa con mắt, lại sai hai con hầu khiêu chiến với bang chủ chúng ta, trên giang hồ lại có cái lý thế sao? Sử bang chủ, để đệ tử thanh toán hai con hầu kia trước, rồi sẽ lĩnh giáo cao chiêu của cô nương, xem vị cô nương này là cao nhân phương nào mà dám coi thường Cái Bang như vậy.
Sử Hỏa Long nói:
– Hay lắm, mẹ kiếp, mời Trần trưởng lão cứ việc ra tay cho.
Trần Hữu Lượng rút luôn trường kiếm, thong thả bước ra giữa sân.
Thiếu nữ tên Tiểu Hồng nói:
– Cô nương sai ta ra lĩnh giáo Hàng long thập bát chưởng, các hạ có biết môn võ công ấy chăng? Sử Hàng long thập bát chưởng mà lại dùng kiếm ư?
Trần Hữu Lượng quát:
– Sử bang chủ thân phận cao cả, không lẽ thèm động thủ quá chiêu với một con hầu như ngươi?
Thần công Hàng long thập bát chưởng đâu phải để cho một con hầu ti tiện thưởng thức?
Nói rồi hắn tiến lên một bước.
Hoàng y mỹ nữ nói với Trương Vô Kỵ:
– Trương giáo chủ, ta nhờ giáo chủ một việc.
Trương Vô Kỵ đáp:
– Đại tỷ cứ nói.
Hoàng y mỹ nữ nói:
– Trương giáo chủ hãy đánh đuổi lão họ Trần, rồi lột mặt nạ kẻ mạo danh Sử bang chủ cho mọi người cùng thấy.
Trương Vô Kỵ vừa nãy chỉ một chiêu đã bắt được Sử Hỏa Long, cảm thấy võ công của y sao quá kém cỏi; lại nhớ bữa nọ Hàn Lâm Nhi nhổ bãi nước miếng, Sử Hỏa Long cũng không tránh được, trong bụng đã nghi; rồi thấy nhất nhất mọi việc y đều nghe lời Trần Hữu Lượng, bản thân y không có chủ định gì; cứ võ công như thế, kiến thức như thế, quyết chẳng thể làm bang chủ Cái Bang; giờ chàng nghe hoàng y mỹ nữ bảo chàng lột mặt nạ kẻ mạo danh Sử bang chủ, chuyện trước chuyện sau ăn khớp với nhau, chàng bèn gật đầu, nhảy tới trước mặt Sử Hỏa Long.
Sử Hỏa Long đánh ra chiêu Xung thiên pháo, nghe bình một tiếng, đấm trúng ngực Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ cười ha hả, nói:
– Thần công Hàng long thập bát chưởng gì mà lại kém cỏi thế!
Chàng đưa tay thộp ngực áo y, nhấc bổng lên. Trần Hữu Lượng tự biết mình không phải là địch thủ của Trương Vô Kỵ, không đợi chàng ra tay, đã lui về lẫn trong đám đông.
Cô bé xấu xí kia đột nhiên khóc tướng lên, chạy tới đấm túi bụi vào người Sử Hỏa Long, nói:
– Ngươi hại chết cha ta, ngươi hại chết cha ta, ngươi là tên ác tặc.
Sử Hỏa Long bị Trương Vô Kỵ nắm ngay huyệt đạo ở sau lưng, không cử động được. Thân hình y cao lớn nên cô bé chỉ đấm tới bụng y mà thôi. Trương Vô Kỵ bèn giúi đầu y xuống, cô bé liền túm tóc y mà giật, ai ngờ cô bé vừa giật mạnh, mớ tóc của Sử Hỏa Long bung ra liền, lộ cái đầu trọc nhẵn thín. Hóa ra y hói đầu, đội tóc giả. Cô bé cào cấu, lôi cả một mẩu mũi của y ra mà không thấy chảy máu.
Mọi người hết sức kinh ngạc, nhìn kỹ hóa ra y mũi tẹt, chỗ mũi đắp cao kia cũng là giả nốt. Mọi người ồ cả lên, cùng hỏi:
– Ngươi là ai? Sao dám mạo nhận Sử bang chủ?
Trương Vô Kỵ nhấc thân hình cao lớn của y lên rồi ném y xuống, khiến y đau đớn hồi lâu không nói nổi nửa lời. Trương Vô Kỵ mỉm cười, lui sang một bên, nghĩ thầm người này mạo nhận Sử Hỏa Long, nay chân tướng đã bại lộ, thì cứ để cho Cái Bang tự định liệu.
Chưởng Bổng long đầu tính nóng như lửa, bước tới, xoạc chân, dang tay tát bốp bốp bảy tám cái liền. Gã bang chủ giả kia má sưng đỏ, vội kêu:
– Không phải tôi, không phải tôi đâu, là do Trần… Trần trưởng lão bắt tôi làm đó.
Chấp pháp trưởng lão chột dạ, quát hỏi:
– Trần Hữu Lượng đâu rồi?
Nhưng Trần Hữu Lượng đã biến mất tăm. Chắc hắn thấy sự việc bại lộ, đã lủi đi từ lúc nào. Chấp pháp trưởng lão quát:
– Mau bắt hắn lại!
Mấy đệ tử bảy túi tuân lệnh chạy ra, đuổi theo Trần Hữu Lượng.
Chưởng Bổng long đầu chửi:
– Đồ khốn nạn! Ngươi là cái thá gì mà bắt lão phu phải khấu đầu, gọi ngươi là bang chủ?
Lão giơ bàn tay to như cái quạt lên, lại định vả vào mặt gã bang chủ giả. Chấp pháp trưởng lão vội gạt đi, nói:
– Phùng huynh đệ đừng lỗ mãng. Huynh đệ đánh chết hắn thì không còn tra xét được gì nữa.
Đoạn lão quay sang hành lễ với hoàng y mỹ nữ, cung kính nói:
– Nếu không có cô nương vạch rõ mưu gian, thì đến hôm nay chúng tôi vẫn còn bị bịt mắt. Cô nương có thể cho biết phương danh được chăng? Tệ bang từ trên xuống dưới cảm tạ đại đức này.
Hoàng y mỹ nữ cười, đáp:
– Tiểu nữ sống ở thâm sơn cùng cốc, trước nay không giao thiệp với bên ngoài, có xưng danh cũng chẳng để làm gì. Còn vị tiểu muội muội này, các vị không ai nhận ra ư?
Quần hào Cái Bang chăm chú nhìn cô bé xấu xí, chưa ai nhận biết được. Truyền công trưởng lão chột dạ, tiến lên một bước, nói:
– Cô bé này… cô bé này mặt mũi nhang nhác phu nhân Sử bang chủ… hay là… hay là… Hoàng y mỹ nữ nói:
– Đúng thế, cô bé này họ Sử, tên Hồng Thạch, là con gái duy nhất của Sử bang chủ Sử Hỏa Long. Khi Sử bang chủ lâm nguy, đã bảo phu nhân ẵm con, cầm Đả cẩu bổng tìm đến tiểu nữ, nhờ báo thù rửa hận.
Truyền công trưởng lão hoảng sợ kêu lên:
– Cô nương, cô nương bảo Sử bang chủ qua đời rồi ư? Sử bang chủ… lão nhân gia làm sao mà chết?
Các bang chủ Cái Bang đời trước truyền lại Hàng long thập bát chưởng, đến đời Gia Luật Tề thì học không hết, từ đó các bang chủ nhiều lắm chỉ học được mười bốn chưởng là cùng. Sử Hỏa Long học được mười hai chưởng, nhưng hơn hai chục năm về trước, do khổ luyện môn chưởng pháp này, nội lực không đều, đã bị chứng bán thân bất toại, hai cánh tay hầu như không cử động được. Sử Hỏa Long bèn cùng vợ đi vào những vùng núi non hiểm trở tìm linh dược trị bệnh; giao bang vụ lại cho Truyền công, Chấp pháp hai trưởng lão, Chưởng Bát, Chưởng Bổng hai long đầu cùng đảm trách.
Thế nhưng các vị trưởng lão, long đầu không ai chịu ai, mỗi người một phe cánh, hai phái áo sạch, áo dơ trong bang cũng không hòa thuận, khiến Cái Bang suy yếu dần. Gần đây tên bang chủ giả này đột nhiên xuất hiện, các đệ tử trẻ tuổi thì chưa gặp bang chủ bao giờ; còn bọn Truyền công trưởng lão, Chấp pháp trưởng lão thì xa Sử Hỏa Long đã hai chục năm, thấy người này tướng mạo rất giống bang chủ, có ai ngờ là giả.
Hoàng y mỹ nữ thở dài, nói:
– Sử bang chủ đã bỏ mạng dưới tay Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn.
Trương Vô Kỵ kêu ồ một tiếng, nghĩ thầm trên đỉnh Quang Minh, chàng từng chính mắt thấy Thành Côn chết nằm dưới đất, sao hắn còn đi giết Sử Hỏa Long? Chắc là việc đó xảy ra trước sự kiện trên đỉnh Quang Minh, chàng bèn hỏi lại:
– Xin hỏi, Sử bang chủ từ trần đã bao lâu rồi?
Hoàng y mỹ nữ đáp:
– Ngày mồng Sáu tháng Mười năm ngoái, đến nay đã hơn hai tháng.
Trương Vô Kỵ nói:
– Thế thì lạ thật. Không biết vì lẽ gì cô nương bảo rằng Sử bang chủ bỏ mạng dưới tay tên lão tặc Thành Côn?
Hoàng y mỹ nữ đáp:
– Sử phu nhân kể như sau: Sử bang chủ đấu với một lão già mười hai chưởng liền, lão già kia hộc máu, bỏ đi. Còn Sử bang chủ cũng bị trọng thương vì chưởng lực của lão già nọ. Sử bang chủ tự biết mình bị trọng thương, không chữa được; còn lão già nọ ba ngày sau phục hồi nguyên khí, sẽ trở lại báo thù, nên Sử bang chủ dặn dò Sử phu nhân mọi việc, nói tên lão già nọ là Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn. Hai cánh tay bị liệt của Sử bang chủ bấy giờ đã khỏi được chín phần, lại được chân truyền mười hai chưởng trong Hàng long thập bát chưởng, võ công vào hàng đệ nhất giang hồ, vậy mà dốc toàn lực đánh hết mười hai chưởng, vẫn không thoát khỏi độc thủ của Thành Côn.
Cô bé Sử Hồng Thạch nghe đến đó thì khóc òa lên.
Truyền công trưởng lão vẻ mặt đau buồn và phẫn uất, đưa vạt áo dơ lau nước mắt cho Sử Hồng Thạch, nói:
– Tiểu thế muội, mối thù của bang chủ là mối thù chung của mấy vạn đệ tử từ trên xuống dưới trong bang, bọn ta nhất quyết bắt bằng được Hỗn Nguyên Tích Lịch Thủ Thành Côn, băm vằm hắn vạn mảnh để rửa hận cho bang chủ. Không biết thân mẫu tiểu muội hiện giờ ở đâu?
Sử Hồng Thạch chỉ hoàng y mỹ nữ, nói:
– Mẹ cháu đang dưỡng thương ở nhà Dương tỷ tỷ.
Mọi người đến giờ mới biết hoàng y mỹ nữ họ Dương, song nàng ta là nhân vật như thế nào, thì vẫn chưa biết chút gì.
Hoàng y mỹ nữ thở dài, nói:
– Sử phu nhân cũng bị Thành Côn đánh trúng một chưởng, thương thế không nhẹ, lại vất vả đường xa chạy đến được tệ xá, chỉ còn thở thoi thóp, từ giờ trở đi có khỏi được hay không, kể cũng… khó nói.
Chấp pháp trưởng lão tức giận nói:
– Lão Thành Côn kia không biết có thù oán gì với bang chủ mà lại hạ độc thủ như vậy?
Hoàng y mỹ nữ nói:
– Theo di ngôn của Sử bang chủ mà Sử phu nhân nói lại, thì đôi bên không hề biết nhau, không thể bảo là do thù oán. Thành thử đến lúc chết, Sử bang chủ cũng chẳng biết nguyên do vì sao. Sử phu nhân đoán rằng có lẽ ai đó trong Cái Bang đắc tội với Thành Côn, nên hắn trút giận xuống đầu bang chủ.
Chấp pháp trưởng lão trầm ngâm, nói:
– Lão Thành Côn ấy cố tránh mặt Tạ Tốn, mấy chục năm nay tuyệt tích trên giang hồ, không ai biết lão ở đâu, làm gì có chuyện đệ tử Cái Bang kết thù chuốc oán với lão ta? Chắc bên trong có sự hiểu lầm rất lớn.
Chưởng Bát long đầu từ nãy vẫn đứng nghe không nói một lời, lúc này đột nhiên nhặt một thanh loan đao, kề vào cổ tên hói giả mạo Sử Hỏa Long, quát lớn:
– Ngươi tên gì? Vì sao cả gan mạo làm Sử bang chủ? Mau khai cho thật, nếu nói láo một câu, thì hừm…
Nói đoạn lão vung đao chém phập một cái làm đứt đôi cái ghế, xong lại kề đao vào cổ gã hói. Gã sợ hết vía, khai:
– Tôi… tiểu nhân là Nguyên Lưu Ngao, vốn làm đầu mục trong sơn trại Loạn Thạch Cương ở huyện Giải, tỉnh Sơn Tây; một hôm xuống núi đi buôn, gặp phải Trần Hữu Lượng Trần trưởng lão, có thêm sư phụ của Trần trưởng lão nữa. Trần trưởng lão đá tiểu nhân một cái ngã lăn ra, rồi vung đao toan chém tiểu nhân. Tiểu nhân vội vái lạy xin tha mạng. Trần trưởng lão ngắm nghía tiểu nhân một hồi, rồi bỗng nói: Sư phụ, tiểu tử này giống người hôm trước mình gặp. Sư phụ lão ta lắc đầu: Tuổi chênh lệch, mũi thì tẹt, lại thêm hói đầu. Trần trưởng lão cười, nói: Đệ tử có cách làm cho y giống hệt. Họ liền bắt tiểu nhân đi theo đến huyện Giải, ở tại khách điếm. Trần trưởng lão lấy thạch cao nặn cho mũi tiểu nhân cao lên, lại bắt tiểu nhân đeo tóc giả, hóa trang thành như thế này. Thưa các vị lão gia, tiểu nhân dẫu gan to bằng trời, cũng không dám đến đùa giỡn các vị, chỉ tại Trần trưởng lão bắt phải làm, nên tiểu nhân cố làm. Cái mạng chó của tiểu nhân nằm trong tay lão ta, thật… không còn cách nào khác; ở nhà tiểu nhân còn có mẹ già tám mươi tuổi, mong các vị đại gia tha mạng.
Nói rồi gã quỳ xuống, rập đầu lia lịa.
Chấp pháp trưởng lão ngẫm nghĩ, nói:
– Trần Hữu Lượng xuất thân phái Thiếu Lâm, sư phụ hắn là một cao tăng của Thiếu Lâm tự, hắn… hắn còn sư phụ nào nữa?
Câu đó nhắc Trương Vô Kỵ tỉnh ra, chàng liền nói:
– Không sai, sư phụ của hắn chính là Thành Côn.
Rồi chàng kể qua một lượt chuyện Thành Côn đổi tên là Viên Chân, vào Thiếu Lâm tự bái Không Kiến thần tăng làm sư phụ, chuyện Viên Chân lén lên đỉnh Quang Minh, cuối cùng bị Ân Dã Vương đánh chết, nhưng thi thể lại đột nhiên biến mất. Chưởng Bát long đầu và Chấp pháp trưởng lão cùng nói:
– Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, trên đỉnh Quang Minh, Thành Côn giả chết, sau đó nhân lúc hỗn loạn lẻn đi mất.
Truyền công trưởng lão giận dữ nói:
– Thì ra thủ phạm lại là tên gian tặc Trần Hữu Lượng. Hai thầy trò hắn mang dã tâm độc bá thiên hạ, giết chết Sử bang chủ, cho tên này đóng thế làm bù nhìn cho hắn giật dây; tiến thêm bước nữa khống chế Minh giáo, lung lạc ba phái lớn Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi. Gian kế của chúng thật thâm độc, dã tâm quá lớn. Còn Tống Thanh Thư đâu? Tống Thanh Thư đi đâu rồi?
Mọi người từ nãy chỉ chú ý đến bang chủ Cái Bang, hoàng y mỹ nữ, Sử Hồng Thạch, chả ai để ý tới Tống Thanh Thư đã lẻn đi theo Trần Hữu Lượng từ lúc nào.
Đến bây giờ, đối chiếu mọi sự việc, gian kế của Trần Hữu Lượng rốt cuộc đã hoàn toàn bại lộ.
Truyền công trưởng lão quay sang hoàng y mỹ nữ vái một vái thật dài, nói:
– Cô nương có đại đức với tệ bang, Cái Bang không biết báo đáp cách nào.
Hoàng y mỹ nữ cười nhạt, nói:
– Tiên nhân của tiểu nữ với bang chủ quý bang đời trước có quan hệ sâu đậm, chút công lao nhỏ bé này đâu có gì đáng nói. Cô bé họ Sử này, mong các vị chăm sóc cho.
Nàng cúi mình hành lễ, nhún một cái đã phi thân lên mái nhà.
Truyền công trưởng lão gọi với theo:
– Xin cô nương dừng bước đã!
Bốn bạch y thiếu nữ, bốn hắc y thiếu nữ nhất tề phi thân lên mái nhà, tiếng đàn tình tang, tiếng tiêu réo rắt, trong giây lát đã đi rất xa, khúc nhạc chưa dứt mà người không còn thấy bóng. Họ bất ngờ đến rồi bất ngờ đi, khiến ai nấy đều cảm thấy bồi hồi.
Truyền công trưởng lão cầm tay Sử Hồng Thạch, nói với Trương Vô Kỵ:
– Trương giáo chủ, xin mời vào trong sảnh chuyện trò.
Quần hào Cái Bang cung kính đứng sang một bên, mời Trương Vô Kỵ đi trước.
Trương Vô Kỵ vào trong sảnh, cùng bọn Truyền công trưởng lão phân chủ khách ngồi xuống; Chu Chỉ Nhược ngồi kề bên chàng. Trương Vô Kỵ hỏi họ tên mấy vị chủ chốt, rồi nói:
– Tào trưởng lão, nghĩa phụ của tại hạ Kim Mao Sư Vương nếu có ở quý bang, xin mời ra cho gặp, nếu không xin cho biết lão nhân gia hiện thời ở đâu. Truyền công trưởng lão thở dài, đáp:
– Tên gian tặc Trần Hữu Lượng giở thủ đoạn gian manh, khiến Cái Bang hổ thẹn với anh hùng thiên hạ. Chẳng giấu gì Trương giáo chủ, Tạ đại hiệp và Chu cô nương quả có bị chúng tôi mời đến khi ở quan ngoại; khi đó Tạ đại hiệp thân bị nhiễm bệnh, nằm hôn mê trên giường. Chúng tôi không cần động thủ quá chiêu cũng đưa được Tạ đại hiệp đại giá tới đây. Buổi tối cách nay năm hôm, Tạ đại hiệp đột nhiên đánh chết các đệ tử Cái Bang canh giữ, thoát thân đi mất. Các đệ tử tệ bang bị thiệt mạng, quan tài còn để ở hậu viện chưa mai táng. Trương giáo chủ nếu không tin, xin quá bộ ra sân sau sẽ rõ.
Trương Vô Kỵ nghe giọng nói thành khẩn, huống hồ tối hôm đó đệ tử Cái Bang chết ngổn ngang thế nào, chính mắt chàng nhìn thấy, bèn nói:
– Tào trưởng lão đã nói vậy, lẽ nào tại hạ không tin?
Rồi chàng hỏi tiếp:
– Từ Lư Long sang các vùng phía tây có ám hiệu liên lạc của tệ giáo, tại hạ tra xét, biết không phải do huynh đệ bản giáo thực hiện, không rõ việc này có quan hệ gì với quý bang hay chăng?
Truyền công trưởng lão đáp:
– Chắc là trò gian tặc của Trần Hữu Lượng, kể ra thật xấu hổ, chúng tôi không biết gì cả.
Trương Vô Kỵ gật đầu, ngẫm nghĩ giây lát, hiểu ra: Tên Thành Côn ra vào đỉnh Quang Minh như chỗ không người, ám hiệu của bản giáo, lẽ nào hắn chẳng biết. Hắn chưa chết, thì trò kia chỉ có hắn làm mà thôi. Nếu như nghĩa phụ ta rơi vào tay hắn… Chàng nghĩ tới đây thì vã mồ hôi, vội định thần, hỏi Sử Hồng Thạch:
– Tiểu muội muội, vị Dương tỷ tỷ sống ở đâu? Trước kia muội muội có biết người ấy không?
Sử Hồng Thạch lắc đầu:
– Trước kia tiểu muội không hề biết tỷ tỷ ấy. Khi cha tiểu muội mất rồi, mẹ tiểu muội và tiểu muội mang cây gậy trúc lên xe đi mấy ngày liền, sau đó bỏ xe, đi bộ lên núi. Mẹ tiểu muội mệt quá, đi không nổi nữa, ngồi nghỉ một lúc, rồi bò tới một bìa rừng. Mẹ tiểu muội gọi to mấy tiếng, có một tỷ tỷ mặc áo đen đi ra, rồi Dương tỷ tỷ đi ra, hỏi mẹ tiểu muội đủ chuyện, xong cầm cây gậy trúc đi đâu lâu lắm. Mẹ tiểu muội ngất đi. Sau đó Dương tỷ tỷ dẫn tiểu muội cùng tám tỷ tỷ áo trắng áo đen đi xe tới đây.
Cô bé tuổi nhỏ, kể không rõ đầu đuôi, hỏi địa danh, ngày tháng, cô bé đều không biết, nên khó lần ra manh mối.
Truyền công trưởng lão nói:
– Công tử của Hàn Sơn Đồng đại gia bên quý giáo đang có mặt tại tệ bang.
Rồi lão quay lại sai phái vài câu, một đệ tử Cái Bang hấp tấp chạy đi.
Lát sau đã nghe tiếng chửi bới oang oang của Hàn Lâm Nhi từ hậu đường vọng ra:
– Quân ăn mày ăn nhặt, chết đường chết chợ chúng bay đừng hòng lừa gạt ta! Trương giáo chủ của bọn ta thân phận cao quý, ai thèm đến cái hang chuột của bọn bay làm gì. Bọn bay có giỏi thì cứ việc cho ta chầu trời, đừng giở gian kế ma mãnh, chẳng tích sự gì đâu.
Mấy vị trưởng lão Cái Bang nghe vậy, ai cũng lộ vẻ sượng sùng.
Trương Vô Kỵ kính nể Hàn Lâm Nhi là người khí khái ngang tàng, vội đứng lên bước vào đón, thấy Hàn Lâm Nhi được dẫn từ hậu đường ra, vẻ mặt hầm hầm, thì bèn nói:
– Hàn đại ca, tại hạ đây, mấy hôm nay để đại ca phải bực mình.
Hàn Lâm Nhi kinh ngạc, cả mừng, vội quỳ xuống vái, nói:
– Trương giáo chủ, quả nhiên giáo chủ tới đây thật, tiểu nhân thật không ngờ. Trương giáo chủ hãy mau ra lệnh giết sạch bọn ăn mày thối tha này đi.
Trương Vô Kỵ nhịn cười, đỡ y đứng dậy, nói:
– Hàn đại ca, các vị trưởng lão Cái Bang bị trúng gian kế của người ngoài nên mới hiểu lầm. Bây giờ đã phân giải rõ ràng, đôi bên đều là hảo bằng hữu. Hàn đại ca hãy nể mặt ta, bỏ qua cho họ.
Hàn Lâm Nhi đứng lên, tức giận nhìn bọn Truyền công trưởng lão, toan chửi thêm vài câu cho bõ tức, nhưng giáo chủ đã nói thế, y đành nín lặng.
Chấp pháp trưởng lão nói:
– Hôm nay Trương giáo chủ quang lâm, thực là vinh hạnh lớn cho tệ bang. Hãy mau bày đại tiệc, tất cả mọi người trước là khoản đãi Trương giáo chủ, hai là để xin lỗi Chu chưởng môn phái Nga Mi, ba là để tạ tội với Hàn đại ca.
Các đệ tử Cái Bang nhất tề hưởng ứng.
Trương Vô Kỵ thấp thỏm lo lắng cho sự an nguy của nghĩa phụ, lại có nhiều điều cần hỏi Chu Chỉ Nhược, không còn bụng dạ nào để ăn uống, bèn ôm quyền, nói:
– Mỹ ý của các vị, tại hạ xin đa tạ. Song hiện giờ tại hạ phải đi tìm nghĩa phụ ngay, thể nào sau này cũng có lúc trở lại làm phiền các vị, cáo lỗi, cáo lỗi.
Bọn Truyền công trưởng lão chèo kéo mấy lần nữa, Trương Vô Kỵ thấy họ chân thành, nếu mình một mực bỏ đi, e thất lễ với Cái Bang, đành phải ở lại dự tiệc. Trong bàn tiệc, các cao thủ Cái Bang ai nấy trịnh trọng tạ tội, còn nói đã sai đệ tử đi khắp nơi thăm dò tung tích Tạ Tốn, có tin gì sẽ phi báo ngay cho Minh giáo. Trương Vô Kỵ cảm ơn, cùng các vị trưởng lão, long đầu đính ước, sau đó túy lúy một phen.
Các cao thủ Cái Bang thấy chàng tuy quá trẻ, võ công đã cao siêu song tuyệt nhiên không hề kiêu ngạo, lại tỏ ra khoáng đạt độ lượng, nên nắm tay nhau thề chung sức kháng Nguyên. Đến khi đưa tiễn ai nấy bồi hồi, ra khỏi thành Lư Long mười dặm mới chia tay.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 01 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 02 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 03 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 04 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 05 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 06 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 07 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 08 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 09 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 10 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 11 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 12 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 13 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 14 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 15 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 16 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 17 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 18 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 19 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 20 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 21 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 22 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 23 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 24 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 25 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 26 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 27 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 28 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 29 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 30 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 31 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 32 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 33 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 34 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 35 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 36 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 37 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 38 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 39 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 40 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 41 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, toàn tập tại đây.