Kim Dung | Ỷ thiên đồ long ký | Chương 04
Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.
· 60 phút đọc.
Trương Thúy Sơn lòng đầy đau thương, căm giận, mà không phát tiết ra được, nằm trằn trọc hơn một canh giờ thì rón rén trở dậy quyết định tìm bọn Đô Đại Cẩm để trút giận. Chàng e ngại đại sư huynh, tứ sư huynh ngăn cản, không dám gây tiếng động, rón rén đi ra, khi tới đại sảnh lại thấy một bóng người hai tay chắp sau lưng đang đi đi lại lại.
Trong ánh sáng mông lung mờ ảo, thấy người kia thân dài lưng rộng, bước chân ngưng trọng, chính là sư phụ. Trương Thúy Sơn nấp sau cột, không dám đi lại, tuy chàng thầm biết phải về phòng ngay, nhưng như thế tất sư phụ sẽ hay biết, nếu bị lục vấn chàng ắt phải nói thực thì khó tránh khỏi bị sư phụ trách cứ.
Chỉ thấy Trương Tam Phong đi lại một hồi, ngẩng đầu ngẫm nghĩ, bỗng nhiên giơ tay hữu lên không trung làm cây bút mà viết chữ. Trương Tam Phong văn võ toàn tài, ngâm thơ viết chữ đều thông, các đệ tử ai cũng biết nên không lấy làm lạ. Trương Thúy Sơn dõi theo nét bút của ngón tay, hóa ra sư phụ viết đi viết lại hai chữ tang loạn mấy lần, rồi viết hai chữ đồ độc. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Thì ra sư phụ đang nghĩ đến ‘Tang loạn thiếp’. Chàng có ngoại hiệu Ngân Câu Thiết Hoạch, bởi lẽ tay trái chàng sử dụng Lạn ngân hổ đầu câu, tay phải sử dụng Tân thiết phán quan bút mà ra. Từ khi mang ngoại hiệu ấy, chàng sợ mang tiếng danh bất phó thực, sợ giới văn nhân chê cười, nên một mực chăm chỉ học thư pháp, các kiểu chữ Chân, Thảo, Triện, Lệ, kiểu nào chàng cũng tập viết. Lúc này sư phụ dùng ngón tay làm bút, viết không có nét nào duỗi ra mà không thu vào, không nét nào đi rồi mà không trở lại, chính là bút ý của Vương Hy Chi trong Tang loạn thiếp.
Bài Tang loạn thiếp, hai năm trước Trương Thúy Sơn cũng từng xem qua. Tuy cảm nhận được cách dụng bút phóng túng, thanh cương tiêu bạt của người viết, song nghĩ rằng nó không được nghiêm trang, tràn đầy khí tượng như hai bài Lan đình thi tự thiếp và Thập thất thiếp. Lúc này chàng nấp sau cột, nhìn sư phụ dùng tay thay bút viết lên không trung liền một mạch mười tám chữ Hi Chi đốn thủ: Tang loạn chi cực, tiên mộ tái li đồ độc, truy duy khốc thậm, nét nào nét ấy đều toát ra vẻ uất ức bi phẫn, chàng lập tức hiểu ra tâm tình của Vương Hy Chi khi viết bài Tang loạn thiếp.
Vương Hy Chi là người thời Đông Tấn. Thời bấy giờ vùng Trung nguyên cực kỳ rối ren, rơi vào tay dị tộc. Họ Vương, họ Tạ đầy thế lực phải di cư xuống phía nam tránh giặc, trong cơn tang loạn ấy, phần mộ của tổ tiên cũng bị đào bới, giày xéo; những nỗi đau thương uất ức chất chứa trong lòng đều ẩn tàng trong bài Tang loạn thiếp. Trương Thúy Sơn dạo trước tuổi còn niên thiếu, vô tư vô lự, làm sao có thể lãnh hội thâm ý trong bài thiếp? Lúc này gặp cái cảnh sư huynh bị đại họa chưa biết sống chết thế nào, chàng mới hiểu hai chữ tang loạn, hai chữ đồ độc, bốn chữ truy duy khốc thậm.
Trương Tam Phong viết đi viết lại mấy lần, thở một tiếng thật dài, bước ra giữa sân, trầm ngâm một hồi, rồi lại giơ ngón tay lên viết. Lần này kiểu chữ khác hẳn trước. Trương Thúy Sơn dõi theo nét bút, thấy chữ đầu tiên là chữ võ, chữ thứ hai là chữ lâm, tiếp theo tổng cộng hai mươi bốn chữ, chính là mấy câu được nhắc tới ban nãy Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng, Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong? Tựa hồ Trương Tam Phong đang cố xác định thâm ý ẩn chứa trong hai mươi bốn chữ kia, suy tưởng xem vì lẽ gì Du Đại Nham bị trọng thương? Vụ này có liên quan gì tới hai loại binh khí thần kỳ nói trong truyền thuyết là đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên hay chăng?
Chỉ thấy Trương Tam Phong viết một lần hai mươi bốn chữ, rồi viết lần thứ hai, nét bút mỗi lúc dài thêm, nhưng đưa tay mỗi lúc một chậm, sau đó đóng mở ngang dọc hệt như đang thi triển quyền cước. Trương Thúy Sơn ngưng thần quan sát, trong lòng vừa sợ vừa mừng, hai mươi bốn chữ sư phụ viết kia hợp lại với nhau hiển nhiên là một pho võ công thật cao minh, mỗi chữ gồm vài chiêu, mỗi chiêu lại có vài cách biến hóa. Chữ long và chữ phong nhiều nét nhất, chữ đao, chữ hạ ít nét hơn cả, nhưng chữ nhiều nét mà không rườm rà, chữ ít nét mà không thô lậu, lúc thu vào như con sâu co mình, lúc bung ra thì như con thỏ vuột chạy, sảng khoái lâm ly, cương kiện hùng hồn; nét phóng túng thì như gió vờn tuyết múa, nét hậu trọng như hổ bước voi đi. Trương Thúy Sơn định thần chú tâm ghi nhớ. Trong hai mươi bốn chữ ấy có hai chữ bất, hai chữ thiên; song hai chữ ấy viết ra hình giống nhau mà ý không đồng, khí từa tựa nhưng thần thì không, biến hóa kỳ diệu, quả là một công phu.
Những năm vừa qua Trương Tam Phong ít khi hiển thị võ công. Võ công của hai tiểu đệ tử Ân Lê Đình và Mạc Thanh Cốc phần lớn do Tống Viễn Kiều và Du Liên Châu thay sư phụ truyền thụ; còn Trương Thúy Sơn tuy danh nghĩa là đệ tử thứ năm của Trương Tam Phong, nhưng đích thực là quan môn đệ tử, được sư phụ đích thân truyền dạy. Dạo trước Trương Thúy Sơn học chưa đến nơi đến chốn, nhiều khi nhìn sư phụ thi triển quyền kiếm mà chàng chưa lĩnh hội được những chỗ bác đại tinh thâm. Mấy năm gần đây võ học của chàng tiến bộ vượt bậc, đêm nay hai sư đồ lại tâm ý tương thông, tình chí hợp nhất, cùng gặp cảnh tang loạn mà bi phẫn, gặp cảnh đồ độc mà uất ức. Trương Tam Phong bèn đem cái tình xúc động mà viết hai mươi bốn chữ kia thành một pho võ công. Lúc đầu viết chữ, Trương lão chưa có ý đó, mà Trương Thúy Sơn nấp sau cột cũng chỉ là cơ duyên xảo hợp. Tâm thần hai sư đồ cùng say sưa chìm đắm vào cảnh giới kết hợp võ công với thư pháp, quên hết cả người lẫn ta.
Pho quyền pháp này, Trương Tam Phong diễn đi diễn lại suốt hơn hai canh giờ. Khi trăng đã lên tới đỉnh đầu, Trương lão hú một tiếng dài, hữu chưởng vạch một nét từ trên thẳng xuống như ánh kiếm loáng vung, như mũi tên lao vút, nhanh hơn cả tia chớp, chính là nét sổ cuối cùng trong chữ Phong.
Trương Tam Phong ngẩng nhìn trời, hỏi:
– Thúy Sơn, đường thư pháp đó, ngươi thấy sao?
Trương Thúy Sơn giật mình, không ngờ chàng nấp sau cây cột, sư phụ không hề quay đầu lại mà vẫn biết từ lâu, vội chạy ra thưa:
– Đệ tử có phúc được coi lén tuyệt kỹ của sư phụ, thật là no mắt thỏa lòng. Đệ tử đi gọi các sư ca ra cùng ngưỡng mộ, có được không ạ?
Trương Tam Phong lắc đầu, nói:
– Hứng của ta hết rồi, chỉ e có viết lại cũng chẳng thể đẹp như thế. Viễn Kiều, Tòng Khê không hiểu thư pháp, dẫu họ có coi cũng chẳng lĩnh hội được bao nhiêu.
Đoạn Trương lão phất tay áo đi vào nội đường.
Trương Thúy Sơn không dám đi ngủ, sợ sau một giấc sẽ quên mất những chiêu thuật tinh diệu vừa được xem, liền ngồi xếp bằng, cố nhớ lại từng nét bút, từng chiêu thức. Lúc nào nổi hứng, chàng lại đứng lên biểu diễn vài đường. Cũng không biết bao nhiêu lâu sau chàng mới ghi nhớ hết mọi biến hóa của hai mươi bốn chữ gồm hai trăm mười lăm nét đó.
Chàng đứng dậy tập một lần, tự cảm thấy các động tác thư pháp cứ như nhạn bay ưng lượn, khi xoãi cánh, lúc vươn cổ, thế tựa mây bay, toàn thân nhẹ lướt hệt như đằng vân giá vụ. Chưởng sau cùng chàng chém thẳng xuống, nghe bụp một tiếng, đánh rách ngay một mảng vạt áo của mình. Trương Thúy Sơn vừa kinh ngạc vừa vui mừng, ngoảnh đầu lại thấy vầng dương đã ở bức tường phía đông. Chàng đưa tay dụi mắt, chỉ sợ mình nhìn lầm, định thần cho kỹ mới hay quả nhiên đã quá Ngọ. Thì ra chàng mải mê luyện công, không ngờ đã qua hơn nửa ngày trời.
Trương Thúy Sơn lấy tay áo lau mồ hôi, chạy vào phòng tam sư ca, thấy Trương Tam Phong đang đặt hai bàn tay áp lên ngực và bụng Du Đại Nham mà vận công trị thương. Thúy Sơn hỏi ra mới biết Tống Viễn Kiều, Trương Tòng Khê, Ân Lê Đình ba người đã lên đường từ sáng sớm; họ thấy chàng lúc ấy đang tĩnh tọa mặc tưởng, nên không quấy rầy việc chàng luyện công. Đám tiêu sư Long Môn tiêu cục cũng đã xuống núi. Lúc này toàn thân Trương Thúy Sơn đầm đìa mồ hôi, nhưng nóng lòng báo thù cho sư huynh nên chàng không kịp tắm rửa thay quần áo, lấy ngay binh khí, y phục, vài chục lượng bạc tùy thân, lại qua phòng Du Đại Nham, nói:
– Sư phụ, đệ tử đi đây!
Trương Tam Phong gật đầu, mỉm cười như có ý khích lệ.
Trương Thúy Sơn đến bên giường, thấy Du Đại Nham sắc diện xám xịt, lưỡng quyền nhô cao, hai má lõm sâu, cặp mắt nhắm nghiền, ngoại trừ mũi còn thở nhè nhẹ, nếu không thì trông chẳng khác gì xác chết. Chàng đau nhói trong lòng, nghẹn ngào nói:
– Tam ca, tiểu đệ dẫu tan xương nát thịt cũng sẽ báo thù cho tam ca.
Đoạn chàng quỳ xuống lạy sư phụ rồi ôm mặt chạy ra ngoài.
Trương Thúy Sơn cưỡi con ngựa Thanh Thông vó dài, phi nhanh xuống núi. Lúc ấy trời đã xế chiều, chạy được hơn năm chục dặm là trời tối. Chàng vừa vào khách điếm, thì mây đen ùn ùn kéo tới, rồi mưa đổ xuống ào ào như trút nước. Mưa mỗi lúc một mạnh, mãi tới khuya vẫn không tạnh. Sáng hôm sau thức dậy, chàng thấy tứ phía mờ mịt, trời vẫn mưa rả rích. Chàng gọi chủ quán mua một chiếc áo tơi, rồi chàng đội mưa mà đi. Cũng may con Thanh Thông quả là thần mã, đường lầy lội, trơn trượt nhưng nó vẫn phóng như bay.
Khi tới Lão Hà Khẩu, qua sông Hán Thủy, chỉ thấy sóng nước đục ngầu, băng băng cuồn cuộn chảy xuôi, trông thật nguy hiểm. Ngang qua Tương Phàn, chàng nghe người đi đường kháo nhau, rằng bên dưới hạ lưu đê bị vỡ, người bị thương không đếm xuể. Hôm đến Nghi Thành, thấy dân chúng chạy lụt bồng bế con trẻ, tay xách nách mang, lũ lượt từng đoàn mà trời vẫn mưa tầm tã, ai nấy ướt như chuột lột, tình cảnh thật đáng thương.
Trương Thúy Sơn đang đi, chợt thấy phía trước có một đoàn người ngựa, tiêu kỳ giương cao, chính là đám tiêu sư Long Môn tiêu cục. Chàng thúc ngựa chạy lên, vượt qua tiêu đội, quay đầu ngựa lại chặn ngay giữa đường.
Đô Đại Cẩm thấy Trương Thúy Sơn đuổi tới, giật mình sợ hãi, ấp úng nói:
– Trương… Trương ngũ hiệp có điều chi chỉ giáo?
Trương Thúy Sơn nói:
– Dân chúng bị thủy tai, Đô tổng tiêu đầu thấy chứ?
Đô Đại Cẩm không ngờ Trương Thúy Sơn lại hỏi y như vậy, ngẩn người hỏi:
– Sao kia?
Trương Thúy Sơn cười khẩy:
– Ta muốn Đô tổng tiêu đầu rộng lòng đem một số vàng ra cứu tế dân bị nạn.
Đô Đại Cẩm tái mặt, nói:
– Chúng tôi làm nghề bảo tiêu, đem tính mạng mình đặt trên đường đao mũi kiếm để kiếm sống, lấy đâu ra tiền của cứu tế dân bị nạn?
Trương Thúy Sơn hạ thấp giọng nói:
– Ngươi mau đem hai ngàn lượng vàng trong bọc ra đây, đưa cả cho ta!
Đô Đại Cẩm tay nắm cán đao, nói:
– Trương ngũ hiệp, có phải hôm nay Trương ngũ hiệp nhất quyết gây khó dễ với Đô mỗ chăng?
Trương Thúy Sơn nói:
– Không sai! Ta phải cho ngươi biết tay.
Hai tiêu đầu Chúc, Sử đều rút khí giới, đứng sóng vai với Đô Đại Cẩm. Trương Thúy Sơn vẫn hai tay không, cười nhạt mấy tiếng, nói:
– Đô tổng tiêu đầu, ngươi đã nhận vàng của người ta thì phải làm tròn việc người ta ủy thác chứ? Hai ngàn lượng vàng kia, ngươi mặt mũi nào mà nhận?
Đô Đại Cẩm tím mặt, nói:
Du tam hiệp chẳng đã về đến núi Võ Đang đó sao? Khi người ta giao y cho chúng tôi, y đã bị trọng thương trước rồi, hiện giờ vẫn còn sống đó thôi!
Trương Thúy Sơn cả giận, quát:
– Ngươi còn dám cãi, Du tam ca của ta khi rời phủ Lâm An, chân tay có bị gãy hay không?
Đô Đại Cẩm im lặng. Sử tiêu đầu xen vào:
– Trương ngũ hiệp, người rốt cuộc muốn gì, cứ nói toạc ra đi.
Trương Thúy Sơn nói:
– Ta muốn bẻ gãy xương tứ chi các ngươi từng cái một.
Vừa nói, chàng vừa nhảy xuống, phi thân đến. Sử tiêu đầu vung côn định đánh, Trương Thúy Sơn liền giơ tay trái chộp lấy, dùng luôn môn võ công vừa học được, chính là yếu quyết nét phẩy trong chữ Thiên. Cây côn tuột khỏi tay Sử tiêu đầu, y cũng văng khỏi yên ngựa. Chúc tiêu đầu muốn co mình lùi lại, nhưng làm sao kịp? Trương Thúy Sơn thuận tay sử nét nhấn của chữ Thiên, ngón tay quét ngang trúng ngay xương sườn Chúc tiêu đầu, nghe bụp một tiếng, hất luôn y cả người lẫn yên ngựa ra xa hơn một trượng. Thì ra hai chân Chúc tiêu đầu quặp chặt vào yên, trong khi kình lực của nét quét kia quá mạnh khiến cái đai buộc yên ngựa cũng bị đứt lìa, Chúc tiêu đầu chân vướng trong ngàm, nên ngã lăn ra không dậy nổi.
Đô Đại Cẩm thấy chàng xuất thủ quá nhanh, sợ hãi giật cương thúc ngựa xông lên. Trương Thúy Sơn quay người, quyền trái đấm ra, chính là nét chấm trong yếu quyết chữ Hạ, nghe hự một tiếng, trúng vào hậu tâm Đô Đại Cẩm. Đô Đại Cẩm thân hình rung động, võ công của y so với hai tiêu đầu Chúc, Sử thì cao hơn nhiều, nên không bị ngã ngựa. Đô Đại Cẩm nổi giận, nhảy xuống ngựa định giao đấu, bỗng thấy cổ họng mằn mặn, ọe một tiếng, ộc ra một ngụm máu tươi. Hai chân Đô Đại Cẩm loạng choạng, y vội hít một hơi, chỉ cảm thấy trong ngực máu nóng dồn lên, cố giữ vẫn không sao chịu nổi, hai gối nhũn ra, ngồi bệt luôn xuống đất.
Trong tiêu đội còn ba tiêu sư và một số phu xe, trông thấy thế chỉ biết há hốc mồm, trơ mắt đứng nhìn, không ai dám chạy tới đỡ.
Trương Thúy Sơn thoạt đầu lửa giận bừng bừng, những tưởng sẽ bẻ gãy chân tay từng người trong bọn Đô Đại Cẩm cho bõ tức. Nhưng chàng thấy mình vừa thuận tay một quyền một chưởng đã đánh ba gã tiêu đầu bò lê bò càng, Đô Đại Cẩm còn bị trọng thương, thì chàng bất giác thầm kinh dị, không ngờ hai mươi bốn chữ trong bộ Ỷ Thiên Đồ Long công vừa học được lại có uy lực lớn mức ấy. Trong lòng mừng rỡ, chàng không muốn ra tay tàn nhẫn, bèn nói:
– Họ Đô kia, hôm nay ta xuống tay lưu tình, đánh ngươi như vậy là đủ. Ngươi hãy mang hết hai ngàn lượng vàng trong túi ra đem cứu tế dân bị nạn. Ta sẽ kín đáo theo dõi, nếu ngươi giữ lại dù chỉ một lượng, ta sẽ đến tiêu cục Long Môn các ngươi giết sạch già trẻ lớn bé cho coi.
Câu cuối cùng là lời chàng từng nghe Đô Đại Cẩm thuật lại, lúc này chợt nhớ đến nên thuận miệng nói ra.
Đô Đại Cẩm từ từ đứng dậy, nhưng thấy giữa lưng đau nhói, hễ cử động mạnh lại thổ ra một ngụm máu tươi. Sử tiêu đầu chỉ bị sây sát ngoài da, tự biết mình không phải là đối thủ của Trương Thúy Sơn, cũng không dám mạnh miệng nói cứng nữa, y nói:
– Trương ngũ hiệp, chúng tôi tuy có nhận tiêu kim của người ta, nhưng chuyến này làm không nên việc, tất phải đem số vàng đó hoàn trả họ. Hơn nữa, số vàng đó lại để hết ở tiêu cục phủ Lâm An, chúng tôi ở chốn tha hương xa xôi này lấy đâu ra tiền cứu tế dân chúng bị nạn?
Trương Thúy Sơn cười khẩy, nói:
– Bộ ngươi coi ta là con nít chăng? Tiêu cục Long Môn các ngươi có gì quý đều dốc mang theo cả, ở phủ Lâm An chẳng còn hảo thủ nào giữ nhà, số vàng đó dĩ nhiên các ngươi phải đem theo đây.
Chàng nhìn qua tiêu đội vài lượt, bước tới một cỗ xe lớn, vung chưởng lên đánh một cái, thùng xe vỡ toang rơi ra mấy chục thoi vàng.
Các tiêu sư ai nấy tái mặt, kinh hãi nhìn nhau, không rõ tại sao chàng biết chỗ giấu vàng. Họ đâu biết rằng Trương Thúy Sơn tuổi tuy còn rất trẻ, nhưng đã cùng các sư huynh hành hiệp khắp thiên hạ, chuyện trên chốn giang hồ chứng kiến đã nhiều. Chàng thấy bánh cỗ xe này lún xuống bùn đất sâu hơn cả, còn ba gã tiêu sư lực lưỡng ban nãy thấy Đô Đại Cẩm bị thương ngã xuống mà không chạy tới cứu, lại đến bên cỗ xe này canh chừng, thì chàng đủ biết trong xe ắt giấu thứ gì quý giá. Thấy các thoi vàng rơi vung vãi trên mặt đất, chàng cười khẩy mấy tiếng, nhảy lên ngựa phóng đi.
Trương Thúy Sơn rất khoái chí về việc vừa làm, nghĩ rằng Đô Đại Cẩm lo sợ tính mạng già trẻ lớn bé trong tiêu cục nên gã nhất định sẽ phải đem hai ngàn lượng vàng ra cứu tế dân chúng bị nạn. Chàng vừa phi ngựa trên đường, vừa nghĩ tới sự biến hóa chiêu số của hai mươi bốn chữ mới học được. Đêm chàng học lỏm pho võ công này, chỉ cảm thấy sư phụ xuất chiêu biến hóa kỳ diệu mà thôi, đâu ngờ khi đem thi triển mới thấy quả là thần uy nên trong lòng sung sướng gấp mười lần so với việc nhặt được báu vật. Song vừa chợt nghĩ đến Du Đại Nham sống chết chưa biết ra sao, chàng bất giác thở dài não nuột.
Mưa lớn suốt mấy ngày đường, con ngựa Thanh Thông tuy tráng kiện nhưng cũng không chịu nổi, đến địa phận tỉnh Giang Tây, miệng nó bỗng sùi bọt trắng, thân sốt nóng bừng bừng. Trương Thúy Sơn thương cho con vật, đành đi chậm lại. Hôm chàng đến phủ Lâm An thì đã là chiều tối ngày ba mươi tháng Tư.
Trương Thúy Sơn vào một khách điếm, nghĩ thầm: Mình đi đường chậm thế, không biết bọn Đô Đại Cẩm đã về tới tiêu cục chưa? Nhị ca và thất đệ hiện giờ không biết ở đâu nữa? Mình đã làm cho bọn tiêu đầu mất mặt, không tiện đến gặp họ, đêm nay mình thử đến tiêu cục thám thính xem sao.
Ăn xong bữa tối, chàng hỏi thăm chủ quán thì biết tiêu cục Long Môn nằm trên bờ Tây Hồ. Chàng ra phố mua một bộ khăn áo, thêm một chiếc quạt xếp vốn nổi tiếng của đất Hàng Châu, về tắm gội sạch sẽ, chải đầu gọn ghẽ, thay y phục mới, soi gương thấy mình đã trở thành một công tử điển trai, chẳng còn vẻ gì một hiệp sĩ uy chấn võ lâm. Chàng mượn bút mực, định đề thơ lên chiếc quạt, nào ngờ vừa cầm bút lên, tự nhiên không chủ ý mà viết liền bốn chữ Ỷ Thiên Đồ Long nọ, nét nào nét ấy cứ như muốn xuyên qua lớp giấy mà đi. Viết xong, chàng giơ lên ngắm, không khỏi đắc ý nghĩ thầm: Học được sư phụ pho quyền pháp, ngay cả thư pháp của mình cũng tiến bộ hơn hẳn. Chàng phe phẩy chiếc quạt, tha thẩn dạo bước, nhắm hướng Tây Hồ mà đi.
Hồi đó nhà Tống đã bị diệt, phủ Lâm An rơi vào tay quân Nguyên. Lâm An vốn là kinh đô cũ của triều Nam Tống, người Mông Cổ sợ dân chúng còn nhớ tiền triều, lưu luyến chúa cũ, nên đặt trọng binh trấn áp. Để ra oai, quân Mông Cổ ở đây tỏ ra tàn bạo hơn những nơi khác, nên trong thành mười nhà thì đến chín bỏ trống, dân chúng đã dời đi vùng khác. Trăm năm trước, phủ Lâm An chốn chốn đàn sáo, nhà nhà liễu rủ, cảnh tượng phồn hoa nay chẳng còn.
Dọc đường Trương Thúy Sơn đi qua, chỗ nào cũng ngói vỡ tường xiêu, cảnh vật tiêu điều, đô thành hoa lệ nổi danh một thời của miền Giang Nam nay chỉ còn là hư phế. Trời chưa tối hẳn mà nhà nào cũng cửa đóng then cài, ngoài đường hiếm người qua lại, chỉ thấy kỵ binh Mông Cổ phi ngang phi dọc tuần tra.
Trương Thúy Sơn không muốn bị phiền nhiễu, mỗi khi nghe tiếng quân thiết kỵ tới gần là chàng lại náu mình vào một góc tường hoặc hẻm nhỏ để tránh né.
Thời trước cứ vừa chập tối là trên hồ đã đầy đèn đóm; nhưng bây giờ khi Trương Thúy Sơn tới mặt đê, chỉ thấy vùng hồ tối đen, không một bóng du khách. Theo lời chỉ dẫn của điếm tiểu nhị, chàng tìm đến tiêu cục Long Môn.
Tiêu cục Long Môn là một tòa nhà lớn gồm năm dãy, mặt hướng ra Tây Hồ, trước cổng có một đôi sư tử bằng đá trắng, khí thế oai phong. Trương Thúy Sơn từ xa nhìn tới, thong thả lại gần, thấy trên mặt hồ đối diện với tiêu cục có một du thuyền, mũi thuyền treo hai cái đèn lồng bằng vải sa màu xanh, dưới ánh đèn có một người đang ngồi tựa án uống rượu.
Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Người kia kể cũng có nhã hứng thật. Lại thấy cái lồng đèn lớn treo ngoài cổng tiêu cục không đèn nến gì, cánh cổng có vòng đồng sơn màu đỏ đóng im ỉm, hẳn là người trong tiêu cục đã ngủ cả rồi.
Trương Thúy Sơn đến trước cổng, nghĩ thầm: Hơn một tháng trước có người đưa tam ca qua cổng này vào bên trong, không biết người ấy là ai? Lòng dạ bùi ngùi, chàng bỗng nghe sau lưng có tiếng thở dài.
Trong bóng đêm tĩnh lặng, tiếng thở dài não nuột kia nghe như tiếng của hồn ma, Trương Thúy Sơn quay phắt lại, thấy sau lưng không có ai hết, chàng đảo mắt nhìn quanh, trừ người khách ngồi một mình trên chiếc thuyền nhỏ kia, bốn phía tịnh không một bóng người. Trương Thúy Sơn lấy làm lạ, liếc xéo du khách trên thuyền kia, thấy y áo xanh khăn vuông giống hệt chàng, cũng trang phục theo lối văn nhân, dưới ánh sáng mờ mờ chẳng nhìn rõ diện mạo, nhìn nghiêng chỉ thấy mặt y xanh như tàu lá. Ánh đèn lồng chiếu vào mặt y, màu nước hồ xanh lục hắt lên, nước lạnh thuyền đơn, tối tăm lạnh lẽo, trông như không phải người trần thế. Chỉ thấy y ngồi trên thuyền hồi lâu, rất lâu, trừ việc để gió thổi vào áo quần phơ phất, y tuyệt nhiên không hề động đậy.
Trương Thúy Sơn vốn định chọn chỗ tối vượt tường vào tiêu cục, nhưng thấy có người trên thuyền, cảm thấy đêm hôm làm như vậy không được quang minh chính đại cho lắm, bèn tới bên cổng cầm cái vòng đồng gõ vào cánh cổng coong coong ba tiếng. Trong đêm vắng, ba tiếng đó kêu rất to và vang đi rất xa. Đợi một lát, bên trong không có ai ra mở cổng, Trương Thúy Sơn lại gõ thêm ba tiếng nữa, lần này kêu to hơn, chàng dỏng tai nghe, bên trong vẫn không thấy tiếng chân người. Chàng lấy làm lạ, dùng tay đẩy cổng một cái, cánh cổng liền mở ra không một tiếng động. Thì ra cửa không cài then. Chàng bước vào gọi to:
– Đô tổng tiêu đầu có nhà không?
Rồi tiến vào đại sảnh.
Trong sảnh tối mò mò, không đèn đuốc gì cả. Ngay lúc đó bỗng nghe sình một tiếng, cánh cổng đóng sập lại.
Trương Thúy Sơn càng thấy lạ, vội nhảy ra cổng thì thấy cánh cổng đã đóng chặt, lại cài then ngang hẳn hoi, hiển nhiên trong nhà có người. Chàng cười hì hì mấy tiếng, nghĩ thầm: Người ta giở trò quỷ gì đây? Rồi mạnh dạn đi thẳng vào đại sảnh.
Vừa bước vào cửa sảnh, chợt nghe hơi gió từ trước sau phải trái thổi tới, có bốn người cùng ập tới tấn công. Trương Thúy Sơn nghiêng mình nhảy qua. Trong bóng tối hơi loáng qua một đạo bạch quang, thấy cả bốn người kia đều sử dụng khí giới. Chàng xoay sang trái một bước, tiến qua phía tây, hữu chưởng từ trái chém ngang sang phải, nghe bốp một tiếng, trúng vào huyệt Thái Dương của một người, kẻ đó lập tức ngã lăn ra bất tỉnh; tiếp đó tả chưởng từ góc phải phía trên đánh chéo xuống góc trái bên dưới, trúng mạng sườn một người khác. Hai chiêu đó là một nét ngang, một nét phẩy của chữ Bất. Hai cú đòn vừa xong, tay trái gạt xuống, tay phải đấm ra, đủ bốn nét của chữ Bất, đánh ngã luôn bốn đối thủ.
Chàng không biết bọn mai phục trong sảnh để tập kích hạng người nào nên ra tay không lấy gì làm nặng, mỗi chiêu chỉ sử chừng ba thành kình lực. Người thứ tư bị cú đấm phải lùi lại mấy bước, nghe rắc rắc, đã làm gãy một chiếc ghế gỗ cứng, liền quát to:
– Ngươi tàn ác, hạ độc thủ như vậy; nếu là nam tử hán đại trượng phu thì hãy nói rõ tính danh.
Trương Thúy Sơn cười đáp:
– Nếu ta thực sự hạ độc thủ, liệu ngươi còn sống được chăng? Tại hạ là Trương Thúy Sơn phái Võ Đang đây.
Người kia kêu ồ một tiếng tựa hồ vô cùng kinh ngạc, nói:
– Có thực người là Trương ngũ… Trương ngũ… Ngân Câu Thiết Hoạch Trương Thúy Sơn phái Võ Đang? Ngươi không mạo danh đó chứ?
Trương Thúy Sơn mỉm cười, đưa tay vào bên hông lấy ra hai thứ binh khí, Lạn ngân hổ đầu câu và Tân thiết phán quan bút, đánh hai thứ vào nhau loong coong một chập, tia lửa bắn ra tung tóe.
Các tia lửa ấy giúp Trương Thúy Sơn nhận ra cả bốn người kia đều mặc tăng y màu vàng, hóa ra họ là hòa thượng. Có hai người ở ngay đối diện nên chàng nhìn thấy diện mạo họ. Chàng thấy hai người đó mặt đầy vết máu, ánh mắt lộ vẻ oán độc, tựa hồ họ muốn băm thịt lột da chàng mới hả. Chàng ngạc nhiên hỏi:
– Bốn vị đại sư là ai?
Chỉ nghe một tăng nhân kêu lên:
– Mối huyết hải thâm cừu này hôm nay chưa trả được, đi thôi!
Đoạn bốn hòa thượng cùng đứng dậy chạy ra cửa, trong đó một người chân khập khiễng, được vài bước đã ngã lăn, tựa hồ bị đòn của Trương Thúy Sơn quá nặng. Hai hòa thượng quay lại đỡ lên, dìu y ra khỏi sảnh.
Trương Thúy Sơn nói với theo:
– Bốn vị hượm đã! Cái gì mà huyết hải…
Lời chưa nói hết, bốn hòa thượng đã vượt tường chạy mất.
Trương Thúy Sơn thấy chuyện tối nay hết sức lạ lùng, suy nghĩ một hồi vẫn không hiểu nổi nguyên do tại sao trong tiêu cục Long Môn lại có bốn hòa thượng mai phục? Chàng vừa bước vào đã bị họ tập kích, lại còn nói cái gì huyết hải thâm cừu? Chàng nghĩ thầm: Chuyện này phải hỏi người trong tiêu cục mới giải được nghi nan, bèn cao giọng gọi:
– Đô tổng tiêu đầu có nhà hay không? Đô tổng tiêu đầu có nhà hay không?
Đại sảnh trống không, vang vọng tiếng chàng dội lại, song tuyệt nhiên không có ai trong tiêu cục trả lời.
Chàng nghĩ thầm: Chắc chắn không phải họ ngủ say đến thế. Chẳng lẽ họ sợ ta nên trốn hết cả rồi sao? Lẽ nào mọi người trong tiêu cục đều trốn đi cả, không còn một ai? Chàng thò tay vào bọc lấy bùi nhùi đánh lửa, thắp sáng lên, thấy trên bàn trà có một cái chân nến cháy dở, liền châm vào đó, đi ra phía hậu đường, đi được vài bước thì thấy một phụ nữ nằm sấp dưới đất, không hề động đậy. Trương Thúy Sơn gọi:
– Đại thư, sao nằm đó?
Người phụ nữ vẫn không cựa quậy. Trương Thúy Sơn cúi xuống lay vào vai, soi nến vào mặt chị ta, bất giác kêu lên kinh ngạc.
Người phụ nữ kia mặt tươi cười, nhưng các cơ lạnh cứng, đã chết từ lâu. Khi chàng lay vai chị ta, chàng đã nghi rằng có lẽ chị ta đã chết, nhưng tại sao còn cười? Ban đêm tự dưng nhìn thấy thế thì không khỏi giật mình. Chàng đứng thẳng lên, thấy sau cây cột bên trái cũng có một người nằm thẳng cẳng, tới gần thấy đó là một ông già trang phục như một nô bộc, mặt cũng mỉm cười ngô nghê, nằm chết ở đó.
Trương Thúy Sơn rất hồi hộp, tay trái chàng rút cái Hổ đầu câu bên thắt lưng, tay phải giơ cao cây nến, từng bước từng bước đi xem xét, chỉ thấy chỗ này một người, chỗ kia một người, cả trong lẫn ngoài đến mấy chục mạng người nằm chết la liệt, xem chừng tiêu cục Long Môn có lẽ không còn ai sống sót. Trương Thúy Sơn hành tẩu giang hồ, bình sinh những cảnh thảm khốc từng chứng kiến không ít, nhưng nhìn cái cảnh sát diệt mãn môn bày trước mắt thế này thì chàng không khỏi trống ngực đập thình thình, chỉ thấy bóng mình trên tường cứ lập lòe, hóa ra tay chàng cầm nến run run làm cho bóng in lên tường rung theo.
Chàng dừng lại, nhớ đến câu Dọc đường nếu để xảy ra sơ suất, ta sẽ giết sạch già trẻ lớn bé của tiêu cục Long Môn không chừa một ai. Cảnh tượng trước mắt mọi người ở tiêu cục Long Môn đều chết, rõ ràng là do Đô Đại Cẩm hộ tống Du Đại Nham không chu đáo. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Kẻ hạ độc thủ như thế này hẳn là vì Du tam ca, vậy thì kẻ đó phải là hảo bằng hữu của tam ca. Kẻ đó đã có bản lĩnh cao hơn Đô Đại Cẩm rất nhiều, lại biết dọc đường có thể xảy ra hung hiểm, sao không thân chinh hộ tống tam ca về núi Võ Đang? Tam ca là người nhân hậu chính trực, ghét kẻ ác như kẻ thù, sao lại giao du với kẻ có tâm địa hiểm độc như vậy? Càng nghĩ càng thêm nhiều nghi nan, chàng cất bước từ sảnh phía tây đi ra. Dưới ánh nến thấy có hai hoàng y tăng nhân tựa lưng vào tường, mắt mở trừng trừng, cười nhe hết cả răng.
Trương Thúy Sơn vội lùi hai bước, giơ Hổ đầu câu lên, hỏi to:
– Hai vị làm gì ở đây?
Hai hòa thượng kia cứ ngồi yên bất động, chàng chợt hiểu hai người ấy cũng đã chết từ lâu; bỗng chàng lạnh toát cả người, thốt lên:
– Nguy tai! Huyết hải thâm cừu, huyết hải thâm cừu…
Lúc này chàng mới hiểu tại sao bốn hòa thượng ban nãy lại nói Ngươi tàn ác, hạ độc thủ như vậy; nếu là nam tử hán đại trượng phu thì hãy nói rõ tính danh, rồi Mối huyết hải thâm cừu hôm nay chưa trả được. Xem ra món nợ máu mấy chục mạng của tiêu cục Long Môn đều bị trút xuống đầu chàng. Lúc ấy vì không hiểu chuyện này nên chàng chẳng những xưng rõ tính danh, lại còn để lộ món binh khí thành danh là Ngân câu thiết hoạch của mình. Nhưng lai lịch của bốn hoàng y hòa thượng ấy là thế nào nhỉ ?
Trương Thúy Sơn xuất thủ quá nhanh, chỉ bằng bốn nét bút của tự quyết chữ Bất đã đánh ngã cả bốn tăng nhân, không kịp nhận biết gia số võ công của đối phương; nhưng kình lực của bốn tăng nhân khi tấn công đều rất cương mãnh, rõ ràng là phong cách ngoại gia của phái Thiếu Lâm. Đô Đại Cẩm là đệ tử phái Thiếu Lâm, mấy tăng nhân kia hẳn là do y mời đến cứu viện cho tiêu cục Long Môn; vậy không biết Du nhị ca và Mạc thất đệ hiện giờ ở đâu, sư phụ đã sai họ tới bảo hộ già trẻ lớn bé trong tiêu cục Long Môn, với tài năng của nhị ca sao lại để người ta hạ độc thủ như thế này?
Trương Thúy Sơn trầm ngâm suy nghĩ, lát sau hiểu một phần nguyên do, nghĩ thầm: Bốn hòa thượng kia bỏ đi, phái Thiếu Lâm thể nào cũng đổ tội lên đầu ta nhưng cuối cùng chân tướng sẽ lộ rõ hung thủ là ai; hai phái Võ Đang và Thiếu Lâm liên thủ tra xét, nhất định sẽ lần ra manh mối. Hiện tại hãy cứ để nguyên như thế này, mình phải đi tìm nhị ca và thất đệ trước đã. Đoạn chàng thổi tắt nến, đi tới bên tường, nhảy ra ngoài.
Chân chưa chạm đất, bỗng nghe vù một tiếng thật lớn, một thứ binh khí nặng đánh ngang qua thắt lưng, kèm theo tiếng quát:
– Trương Thúy Sơn, ngã này!
Trương Thúy Sơn lơ lửng trên không, chẳng có cách gì né tránh, cú đánh của đối phương đã hiểm lại mạnh, trong lúc nguy ngập, chàng giơ tả chưởng đè xuống binh khí của địch, mượn sức đẩy của nó nhẹ nhàng nhảy trở lên bờ tường. Chiêu này chính là nét mác trong tự quyết chữ Võ, đúng như câu Sai trì yến khởi, chấn tốc hồng phi, lâm nguy chế tiết, trung hiểm đằng ky[21], trong đường tơ kẽ tóc đã chuyển nguy thành an.
Trong lúc lâm vào tình thế hết sức hung hiểm, chàng không ngờ pho võ công mới học được khi thì nặng như đá lở, lúc lại nhẹ tựa sương khói, không tốn sức mà hóa giải được đòn sấm sét của đối phương. Chân trái vừa đặt trên bờ tường, tay phải đã rút phán quan bút ra; biết rằng ngón đòn vừa rồi của đối phương vừa hiểm vừa mạnh là của một hảo thủ chẳng thể coi thường.
Người vừa xuất thủ tập kích thấy Trương Thúy Sơn có thể nhẹ nhàng khéo léo tránh thoát, thật ngoài dự liệu, không nén nổi cũng phải thốt lên ái chà! rồi nói:
– Hảo tiểu tử, ngươi quả chẳng vừa!
Trương Thúy Sơn tay trái cầm móc câu, tay phải cầm bút, mũi câu và ngọn bút đều chĩa chếch xuống phía dưới, là chiêu Cung linh giáo hối, biểu thị thái độ khiêm nhường cung kính khi đối địch với bậc tiền bối võ lâm. Vừa rồi đối phương xuất thủ mạnh và hiểm, Trương Thúy Sơn giả dụ chưa tình cờ học được pho võ công được biến hóa từ thư pháp ra thì có lẽ chàng đã gãy lưng nát xương; trong bụng tuy rất tức giận, song chàng nhớ lời sư huấn, không dám thất lễ với hảo thủ võ lâm.
Trong bóng đêm, chàng thấy ở dưới chân tường, hai bên phải trái có hai hoàng y tăng nhân án ngữ, mỗi vị cầm một cây thiền trượng to chắc. Vị đứng phía trái dộng mạnh cây thiền trượng xuống đất nghe hịch một cái, nói:
– Trương Thúy Sơn, Võ Đang thất hiệp các ngươi cũng được coi là nhân vật thành danh trên chốn giang hồ, sao lại hành sự tàn ác như vậy?
Trương Thúy Sơn nghe đối phương gọi thẳng tên chàng, không gọi là Trương ngũ hiệp, cũng không gọi là Trương ngũ gia thì trong bụng hơi bực, lạnh lùng nói:
– Đại sư chẳng buồn hỏi duyên do, phải trái gì hết đã nấp ngay sau tường mà lén lút tập kích, như thế đáng gọi là hành vi của anh hùng hảo hán chăng? Vẫn nghe võ công phái Thiếu Lâm lừng danh thiên hạ, ai ngờ thủ đoạn ám toán cũng có bí quyết độc đáo khác người.
Tăng nhân đó gầm lên, cầm ngang cây thiền trượng nhảy lên bờ tường, người chưa tới nhưng đầu thiền trượng đã chọc tới. Trương Thúy Sơn cảm thấy một luồng kình phong đâm thẳng trước ngực, liền vung hổ đầu câu ngăn chặn thế đến của thiền trượng; phán quan bút lập tức điểm ra, cạch một tiếng, ngọn bút trúng ngay thân cây thiền trượng. Tăng nhân chỉ thấy cánh tay bị chấn động, người không thể đứng lên bờ tường nữa mà nặng nề rơi phịch xuống đất. Nhưng sau chiêu vừa rồi, Trương Thúy Sơn cũng cảm thấy hai cánh tay tê chồn, tức là lực cánh tay của tăng nhân rất mạnh; chàng bèn quát:
– Hai vị là ai, hãy xưng pháp hiệu đi!
Tăng nhân đứng bên phải từ tốn nói:
– Bần tăng là Viên Âm, còn kia là sư đệ Viên Nghiệp.
Trương Thúy Sơn chúc mũi binh khí xuống, vòng tay nói:
Hóa ra là hai vị đại sư thuộc hàng chữ Viên của phái Thiếu Lâm. Tại hạ ngưỡng mộ thanh danh đã lâu, không biết các vị đại sư có điều chi chỉ giáo?
Viên Âm nói, giọng nghe yếu ớt, hơi thở hổn hển:
– Chuyện này liên quan đến đại sự môn hộ của hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang, sư huynh đệ bần tăng không đủ tư cách để nói, song vụ việc xảy ra tối nay, bần tăng muốn hỏi: trai gái mấy chục mạng người ở tiêu cục Long Môn, trong đó có cả hai sư điệt của bần tăng, đều chết dưới tay Trương ngũ hiệp. Cổ nhân có câu Nhân mệnh quan thiên[22], sao cho an lành về sau, thử hỏi Trương ngũ hiệp định thế nào?
Câu nói của hòa thượng tựa hồ khiêm hòa từ tốn, nhưng lời lời kết tội, xem ra vị này lợi hại hơn Viên Nghiệp nhiều. Trương Thúy Sơn cười nhạt nói:
– Án mạng ở tiêu cục Long Môn do kẻ nào gây ra, chính tại hạ cũng đang lấy làm lạ. Đại sư mở miệng liền gán ngay là do độc thủ của tại hạ, đại sư có tận mắt chứng kiến hay không?
Viên Âm gọi:
– Tuệ Phong, ngươi hãy ra đối chất với Trương ngũ hiệp.
Từ sau các gốc cây bước ra bốn hoàng y tăng nhân, chính là bốn người bị Trương Thúy Sơn đánh ngã bên trong tiêu cục ban nãy bằng một chiêu trong tự quyết chữ Bất. Người có pháp danh Tuệ Phong khom lưng nói:
– Khải bẩm sư bá, mấy chục mạng người ở tiêu cục Long Môn, trong đó có cả hai sư đệ Tuệ Thông, Tuệ Quang, đều là… do tên ác tặc họ Trương kia hạ độc thủ.
Viên Âm hỏi:
– Hai ngươi có tận mắt chứng kiến hay không?
Tuệ Phong đáp:
– Đích thực chứng kiến tận mắt, nếu bốn đệ tử chúng con không chạy nhanh thì cũng bỏ mạng bởi tay tên ác tặc này rồi.
Viên Âm nói:
– Đệ tử Phật môn không được bịa đặt. Việc này liên quan đến hai đại môn phái Thiếu Lâm chúng ta và phái Võ Đang, ngươi tuyệt nhiên không được nói bậy.
Tuệ Phong liền quỳ xuống, chắp tay nói:
– Có Đức Phật ở trên, đệ tử Tuệ Phong xin thưa, quả thực chân tình, quyết không dám lừa dối sư bá.
Viên Âm nói:
– Ngươi chứng kiến những gì, hãy kể lại đầu đuôi xem nào.
Trương Thúy Sơn nghe tới đó, liền từ trên bờ tường nhảy xuống. Viên Nghiệp ngỡ chàng định sát hại Tuệ Phong, bèn vung thiền trượng quét ngang đầu chàng. Trương Thúy Sơn rùn mình xuống, vọt lên trước, thoáng cái đã vòng ra sau lưng Tuệ Phong. Viên Nghiệp một đòn chưa trúng, theo chiêu số của Phục Ma chưởng, vốn phải hồi chuyển đầu cây trượng đâm tới vai của Trương Thúy Sơn, nhưng lúc này chàng đã ở sau lưng Tuệ Phong, nếu hồi chuyển cây thiền trượng, ắt sẽ đánh vào Tuệ Phong trước, bởi thế Viên Nghiệp phải thu thiền trượng về, quát:
– Ngươi định giở trò gì?
Trương Thúy Sơn nói:
– Ta cần nghe thật rõ, xem hắn kể hắn thấy ta sát hại người trong tiêu cục Long Môn như thế nào.
Tuệ Phong thấy Trương Thúy Sơn đã đứng cách mình không đầy hai thước, chỉ cần vung binh khí một cái là y sẽ táng mạng tức thời, dù có hai vị sư bá ở đó cũng chẳng kịp cứu; nhưng y trong lòng giận dữ nên chẳng sợ hãi, lớn tiếng nói:
– Sư thúc Viên Tâm ở Giang Bắc nhận được thư cáo cấp của sư huynh Đô Đại Cẩm, liền phái hai vị sư huynh Tuệ Thông, Tuệ Quang gấp đi cứu nguy, sau lại lệnh cho đệ tử đem theo ba sư đệ đến tiêu cục Long Môn. Chúng con vừa đến tiêu cục thì Tuệ Quang sư huynh nói đêm nay chỉ e có cường địch tấn công, nên sai bốn người chúng con phục ở chân tường phía đông, đón địch, còn dặn phải cẩn thận đề phòng kẻ địch dùng kế điệu hổ li sơn, không được tự ý rời khỏi nơi đó.
Viên Âm giục:
– Rồi thế nào, nói mau đi!
Tuệ Phong kể tiếp:
– Trời tối một lúc, thì nghe có tiếng sư huynh Tuệ Thông chửi mắng và động thủ với ai đó ở hậu sảnh, rồi nghe sư huynh rú lên thảm thiết, tựa hồ bị trọng thương. Đệ tử vội chạy về phía đó, chỉ thấy Tuệ Thông đã… đã viên tịch, tên ác tặc họ Trương này…
Nói tới đó, Tuệ Phong giậm chân, giơ tay chỉ thẳng mặt Trương Thúy Sơn, nói:
– Chính ta thấy ngươi dùng một chưởng đánh Tuệ Quang sư huynh văng vào tường chết tươi. Ta tự biết không phải là đối thủ của tên ác tặc, nên nằm phục ở bên ngoài cửa sổ, thấy ngươi chạy thẳng ra hậu viện giết người, sau thấy có tám người của tiêu cục từ hậu viện chạy ra, ngươi đuổi theo họ, dùng chỉ[23] điểm chết từng người một, già trẻ lớn bé không còn một ai, bấy giờ ngươi mới nhảy qua tường đi mất.
Trương Thúy Sơn lẳng lặng đứng nghe. Tuệ Phong nói, nước bọt bắn ra, văng cả vào mặt chàng. Chàng cũng không né tránh, không động thủ, chỉ lạnh lùng hỏi:
– Rồi sau thế nào?
Tuệ Phong phẫn uất nói:
– Rồi thế nào ư? Rồi ta trở lại bức tường phía đông, bàn với ba vị sư đệ, cùng thấy ngươi võ công quá mạnh, bốn người chúng ta địch không nổi, chỉ còn cách xem xét tình hình, sau sẽ tính. Ai ngờ đợi chưa lâu thì ngươi lại đạp cửa xông vào, còn gọi đích danh Đô tổng tiêu đầu ra đối đáp. Bốn người chúng ta biết ra là chết, song cũng liều sống mái với ngươi một phen. Ta hỏi tính danh của ngươi, ngươi chẳng phải đã tự báo danh hiệu, là Ngân Câu Thiết Hoạch Trương Thúy Sơn đó ư? Ta lúc đầu chưa tin, nghĩ rằng Võ Đang thất hiệp có khi nào lại tàn ác giết người không chớp mắt như thế, nhưng khi ngươi tự lộ binh khí thì còn là giả được sao?
Trương Thúy Sơn nói:
– Ta tự báo tính danh, để lộ binh khí, việc đó không phải là giả, bốn sư huynh đệ các ngươi cũng đúng là do ta đánh ngã. Nhưng ngươi hãy nói lại một lần nữa coi: án mạng mấy chục người trong tiêu cục này, đích thị ngươi tận mắt chứng kiến họ Trương ta ra tay giết hại?
Lúc ấy Viên Âm phất tay áo một cái, kéo Tuệ Phong ra xa vài thước, nghiêm nghị nói:
– Ngươi hãy nhắc lại một lần nữa, để cho vị Trương ngũ hiệp lừng danh thiên hạ kia không còn cách gì chối cãi.
Viên Âm kéo Tuệ Phong ra khỏi nơi nguy hiểm, là đề phòng Trương Thúy Sơn trong cơn giận dữ có thể đột nhiên sát nhân diệt khẩu, không còn ai đối chứng.
Tuệ Phong nói:
– Được, để ta nhắc lại lần nữa chính mắt ta chứng kiến, thấy ngươi xuất chưởng đánh chết hai vị sư huynh Tuệ Thông và Tuệ Quang, thấy ngươi xuất chỉ điểm chết tám người trong tiêu cục.
Trương Thúy Sơn nói:
– Ngươi có nhìn rõ diện mạo của ta hay không? Y phục của ta như thế nào?
Đoạn chàng đánh lửa châm đuốc, chiếu ngay vào mặt mình. Tuệ Phong chăm chú quan sát diện mạo của chàng, hậm hực nói:
– Y phục của ngươi đúng như thế này, áo dài khăn vuông, không sai. Lúc ấy tay trái ngươi cầm một cái quạt xếp, cái quạt đó hiện đang gài sau gáy ngươi kia.
Trương Thúy Sơn giận như điên, không hiểu vì sao kẻ kia lại vu hãm cho chàng như thế, liền giơ cao cây đuốc, tiến thêm hai bước, quát:
– Ngươi có dám nhắc lại một lần nữa kẻ giết người là Trương Thúy Sơn ta đây chứ không phải ai khác?
Tuệ Phong bỗng nhiên đôi mắt phát ra ánh kỳ dị, tay chỉ về phía chàng, miệng ú ớ:
– Ngươi… ngươi… ngươi không…
Đoạn ngã vật xuống đất, nằm lăn ra. Viên Âm và Viên Nghiệp cùng hoảng hốt kêu lên, chạy tới đỡ y dậy, chỉ thấy y hai mắt mở trừng trừng, đầy vẻ kinh hoàng, khí đã tuyệt hoàn toàn.
Viên Âm nói:
– Ngươi… ngươi đánh chết hắn rồi ư?
Sự việc xảy ra quá nhanh, Viên Âm và Viên Nghiệp dĩ nhiên vừa kinh sợ vừa tức giận, Trương Thúy Sơn cũng bị bất ngờ, vội quay đầu lại, chỉ thấy lùm cây phía sau rung động nhẹ. Trương Thúy Sơn quát:
– Không được chạy!
Chàng tung mình nhảy tới, biết trong lùm cây có người ẩn núp, xông vào đó vô cùng nguy hiểm, nhưng trong tình thế này nếu không bắt được hung thủ vừa sử dụng ám khí giết người thì chàng khó thoát khỏi liên can.
Nào ngờ thân còn lơ lửng trên không, chàng nghe có tiếng ù ù phía sau, hai cây thiền trượng từ hai bên tả hữu đánh tới, đồng thời nghe hai hòa thượng quát:
– Ác tặc đừng hòng bỏ chạy!
Trương Thúy Sơn quét bút và câu xuống, đưa tay ra sau sử tự quyết chữ đao, ngân câu móc vào đầu cây thiền trượng của Viên Nghiệp, phán quan bút điểm vào cây thiền trượng của Viên Âm, thân hình mượn sức nhảy lên bờ tường, đưa mắt chăm chú nhìn vào lùm cây, chỉ thấy tán cây hơi rung động, còn người nấp trong đó đã biến mất tăm.
Viên Nghiệp liên tiếp gầm lên, vung thiền trượng định nhảy lên bờ tường liều mạng giao đấu. Trương Thúy Sơn quát:
– Đuổi theo hung thủ là cần kíp hơn cả, hai vị chớ có ngăn cản.
Viên Âm hổn hển nói:
– Ngươi… ngươi giết người ngay trước mắt ta, còn định chối cãi nữa ư?
Trương Thúy Sơn vung quét hổ đầu câu, không để cho Viên Nghiệp nhảy lên bờ tường.
Viên Âm nói:
– Trương ngũ hiệp, hôm nay chúng ta cũng không cần lấy mạng của ngươi, ngươi hãy hạ khí giới, theo chúng ta về Thiếu Lâm tự là được.
Trương Thúy Sơn nổi giận nói:
– Hai vị làm vướng chân vướng tay ta, để cho hung thủ chạy mất, đến bây giờ vẫn còn chưa rõ đầu đuôi thế nào, đòi ta theo các vị về Thiếu Lâm tự làm gì?
Viên Âm nói:
– Về Thiếu Lâm tự nghe phương trượng bổn tự phán định, ngươi sát hại liền một lúc ba mạng người của bổn tự, chuyện tày đình thế này, bần tăng chẳng dám định đoạt.
Trương Thúy Sơn cười khẩy:
– Uổng cho đại sư là hảo thủ thuộc hàng chữ Viên của phái Thiếu Lâm, để hung thủ đào tẩu ngay trước mắt mà chẳng hay biết.
Viên Âm nói:
– Thiện tai, thiện tai! Ngươi sát hại nhân mạng, quyết không thể để cho ngươi đào tẩu.
Trương Thúy Sơn nghe Viên Âm cứ khăng khăng coi chàng là hung thủ thì càng lúc càng phẫn nộ, vừa đấu khẩu với y vừa ngăn chặn không cho Viên Nghiệp nhảy lên bờ tường, cuộc giao đấu mỗi lúc một mãnh liệt, chàng cười khẩy, nói:
– Hai vị đại sư có bản lĩnh thì bắt ta xem có nổi chăng?
Viên Nghiệp chống cây thiền trượng xuống đất đẩy một cái, mượn sức nhảy lên cao, Trương Thúy Sơn cũng nhảy lên, khinh công của chàng cao hơn hẳn Viên Nghiệp, từ trên đánh xuống, khác gì cưỡi gió. Viên Nghiệp giơ ngang thiền trượng định đỡ, hổ đầu câu của Trương Thúy Sơn chuyển qua, nghe xoẹt một tiếng, đã móc trúng vai Viên Nghiệp, máu tươi chảy ròng ròng. Viên Nghiệp kêu rống lên, ngã huỵch xuống đất. Đấy là Trương Thúy Sơn hạ thủ lưu tình, nếu không chỉ hướng móc câu xéo qua một chút, móc vào yết hầu Viên Nghiệp thì y bỏ mạng tại chỗ rồi.
Viên Âm kêu lên:
– Viên Nghiệp sư đệ, bị thương nặng không?
Viên Nghiệp giận dữ nói:
– Không sao cả! Sư huynh mau xuất thủ, khỏi cần nhiều lời!
Viên Âm ho một tiếng, vung thiền trượng đánh lên. Viên Nghiệp vẫn hùng hổ, bất chấp vết thương ở vai, cứ múa trượng như gió, hai bên cùng xáp lại công kích. Trương Thúy Sơn thấy lực cánh tay của hai hòa thượng rất mạnh, họ sử dụng thứ khí giới cứng nặng, nếu để họ nhảy lên được bờ tường, một mình chàng chống đỡ đôi bên sẽ khó bề thủ thắng, liền phòng bị môn hộ cực kỳ nghiêm mật, từ trên cao đánh xuống, hai hòa thượng chẳng có cách gì đánh lên được. Ba hòa thượng thuộc hàng chữ Tuệ võ công thấp hơn nhiều, thấy hai vị sư bá đánh mãi chẳng ăn thua gì, cũng muốn nhảy vào trợ lực, nhưng biết chen vào chỗ nào?
Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Hiện tại cách hay nhất là phải điều tra ra hung thủ, chẳng nên luẩn quẩn ở đây mãi, bèn giơ bút và câu chéo ra trước mặt để ngăn chặn mọi thế công đánh tới, hú một tiếng, đang định nhảy vọt đi, bỗng nghe phía bên trong tường có người rống to như sấm, từ sau lưng có một luồng kình phong đánh tới. Trương Thúy Sơn nhảy xuống đất, thấy một tăng nhân cao lớn vọt qua tường, giơ cả hai tay ra đoạt binh khí của chàng. Trong bóng đêm không nhìn rõ diện mạo người ấy, chỉ thấy mười ngón tay y như móc câu, trảo cứng mà đoạt cũng mạnh, chính là Hổ trảo công cực kỳ lợi hại của phái Thiếu Lâm. Viên Nghiệp nói:
– Viên Tâm sư huynh, dẫu thế nào cũng đừng để tên ác tặc ấy chạy thoát.
Trương Thúy Sơn từ khi học võ thành công, hiếm khi gặp đối thủ; nửa tháng trước chàng lại học thêm được Ỷ Thiên Đồ Long công nên võ nghệ càng cao hơn. Nay thấy tăng nhân kia công kích uy mãnh, để chọc tức đối phương, chàng bèn giắt hổ đầu câu cùng phán quan bút vào lưng, nói:
– Hỡi ba đại sư Thiếu Lâm tự, hãy cùng liên thủ xông tới đây, Trương Thúy Sơn ta đâu có ngán!
Thấy tay trái của Viên Tâm trảo tới, hữu chưởng của chàng vờn ra thăm dò thật nhanh rồi ngoắt ngón tay chộp lại, nghe soạt một tiếng đã xé rách một mảnh tay áo tăng bào của Viên Tâm. Thủ trảo của Viên Tâm đang định chộp tới vai Trương Thúy Sơn, thì chân trái của chàng đã đá lên trúng ngay đầu gối của y.
Nào ngờ hạ bàn công của Viên Tâm cực kỳ vững chắc, đầu gối bị trúng một cước rất nặng, nhưng y chỉ loạng choạng chứ không ngã. Viên Tâm gầm lên như hổ, tay phải lại chộp tới. Đồng thời hai cây thiền trượng của Viên Âm và Viên Nghiệp cũng đánh tới, một thọc vào sườn, một bổ xuống đầu. Viên Âm nói năng yếu ớt, lại húng hắng ho như đang bị bệnh nặng, song thực ra trong ba hòa thượng kia, y là vị có võ công cao nhất. Cây thiền trượng bằng đồng nặng mấy chục cân mà y sử dụng linh hoạt như thứ đao kiếm bình thường, đâm đỡ chém gạt nhẹ nhàng như không.
Trương Thúy Sơn gặp được đối thủ, nghĩ thầm: Võ Đang ta và phái Thiếu Lâm những năm gần đây cùng lừng danh trong võ lâm, song ai cao ai thấp, chưa hề có dịp so sánh. Hôm nay chính là một dịp hay để thử xem thủ pháp của các cao tăng Thiếu Lâm tới mức nào. Chàng liền thi triển hai tay không đối phó với hai cây thiền trượng, một đôi hổ trảo, chàng cứ tung hoành tới lui, chém chặt chộp phạt, chỉ chọc chưởng tạt, tuy là một địch ba mà dần dần lại chiếm thượng phong.
Võ công của hai phái Võ Đang và Thiếu Lâm mỗi bên có sở trường sở đoản riêng. Phái Võ Đang có được bậc kỳ tài cái thế Trương Tam Phong, thì phái Thiếu Lâm có hơn ngàn năm truyền thụ tu chính, nào phải loại thường. Chẳng qua hiện thời võ công của Trương Thúy Sơn thuộc hàng đệ nhất cao thủ trong phái Võ Đang, còn ba hòa thượng Viên Âm, Viên Tâm, Viên Nghiệp tuy võ công cũng cao, song chỉ thuộc hàng thứ hai ở Thiếu Lâm tự mà thôi. Giao đấu càng lâu, Trương Thúy Sơn càng thần định khí túc, động tác nhẹ nhàng. Chàng tay phải vươn ra sử thế móc trong tự quyết chữ Long, chộp lấy thiền trượng của Viên Nghiệp, thuận tay hất ra trúng vào thiền trượng của Viên Âm đang đánh tới, tức là mượn lực đánh địch, chỉ nghe choang một tiếng lớn điếc cả tai, lực khí của Viên Âm, Viên Nghiệp đều mạnh, cộng thêm lực đạo của Trương Thúy Sơn, khiến cho hổ khẩu của hai hòa thượng bị chấn động ứa máu. Viên Tâm vội xông tới tiếp cứu. Trương Thúy Sơn đưa chân ra móc một cái, lật chưởng vỗ vào lưng y, lại là mượn lực đánh địch, mượn sức y đang xông tới trước mà đẩy y ngã chúi xuống. Trương Thúy Sơn cười khẩy, nói:
– Muốn bắt ta đem về Thiếu Lâm tự, chỉ e các vị phải khổ luyện vài năm nữa.
Đoạn quay lưng bỏ đi. Viên Tâm bật dậy quát:
– Hung đồ chớ hòng đào tẩu!
Viên Âm và Viên Nghiệp cũng đuổi theo chàng. Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Ba lão hòa thượng này cứ quấn lấy chân mình mãi thế này, chẳng lẽ phải đánh chết họ? Liền đề khí thi triển khinh công vọt đi.
Viên Tâm và Viên Nghiệp hò hét ầm ĩ đuổi theo. Khinh công của họ không bằng Trương Thúy Sơn, chỉ vừa hét to:
– Bắt lấy hung thủ giết người! Ác tặc đừng hòng tẩu thoát!
Vừa chạy đuổi theo chàng trên bờ hồ. Trương Thúy Sơn cười thầm trong bụng, nghĩ: Các ngươi đuổi sao cho kịp ta! Bỗng nghe Viên Tâm và Viên Nghiệp không hẹn mà cùng kêu:
– Ối!
Viên Tâm cũng rú lên một tiếng đau đớn, tựa hồ bị trúng thương nặng.
Trương Thúy Sơn kinh ngạc ngoảnh lại, chỉ thấy ba hòa thượng lấy tay ôm mắt bên phải, tựa hồ mắt đó bị trúng ám khí. Quả nhiên nghe Viên Tâm lớn tiếng quát:
– Họ Trương kia, ngươi có giỏi thì đánh mù nốt mắt trái của ta đi!
Trương Thúy Sơn càng ngạc nhiên hơn: Chẳng lẽ mắt phải của y đã bị người nào làm mù rồi ư? Rốt cuộc là ai ám trợ mình chứ? Chợt nghĩ ra, bèn gọi:
– Thất đệ, thất đệ, đệ ở đâu?
Trong Võ Đang thất hiệp, Mạc Thanh Cốc là người sử dụng ám khí tài tình hơn cả nên Trương Thúy Sơn mới đoán là thất đệ đã tới.
Chàng gọi mấy tiếng nhưng không thấy ai trả lời. Trương Thúy Sơn vội chạy một vòng quanh mấy cây liễu lớn ven hồ, song chẳng thấy một bóng người.
Viên Nghiệp bị bắn mù một mắt, tức giận điên cuồng, bất kể sống chết muốn xông lên liều mạng với Trương Thúy Sơn. Nhưng Viên Âm biết dù có lành lặn cả hai mắt, ba người họ cũng chẳng thể địch nổi Trương Thúy Sơn, nên níu giữ Viên Nghiệp lại:
– Viên Nghiệp sư đệ, việc báo thù đâu phải chuyện nhất thời. Vụ này dù ta và sư đệ có bỏ qua thì phương trượng và hai vị sư thúc cũng chẳng bỏ qua đâu.
Trương Thúy Sơn thấy ba hòa thượng không đuổi theo chàng nữa thì lòng đầy nghi hoặc: Người náu mình trong bóng tối ám trợ ta là ai? Chàng không dám ở lại lâu bên bờ hồ, vội rảo bước trở về khách điếm, được hơn mười trượng bỗng thấy đám lau sậy bên hồ không ngừng chao động.
Lúc này không có gió, lau sậy chao động, hẳn là có người nấp bên trong. Trương Thúy Sơn nhẹ bước tới gần, đang định lên tiếng hỏi, thì từ trong đám lau sậy có một người nhảy vụt ra, vung đao bổ xuống đầu chàng, miệng thét to:
– Ngươi không chết thì ta chết!
Trương Thúy Sơn né nghiêng người, chân đá lên, trúng cổ tay kẻ kia, cây đao vuột khỏi tay y, nhoáng một vệt sáng, cây đao đã rơi tõm xuống hồ. Nhìn kẻ kia thấy mặc tăng bào, đầu trọc, lại là hòa thượng Thiếu Lâm tự. Trương Thúy Sơn quát:
– Ngươi làm trò gì ở đây?
Chỉ thấy trong đám lau còn ba người nữa, không biết là người chết hay bị thương. Chàng nghĩ hòa thượng này võ công tầm thường, chẳng có gì đáng ngại, bèn bước lên mấy bước, cúi xuống nhìn cho rõ, thì ra ba người kia chính là Đô Đại Cẩm và hai tiêu đầu Chúc, Sử của tiêu cục Long Môn.
Trương Thúy Sơn kinh ngạc, nói:
– Đô tổng tiêu đầu, ngươi… ngươi làm sao…
Lời chưa dứt, y đã nhảy lên, hai tay túm chặt lấy ngực áo của Trương Thúy Sơn, nghiến răng nói:
– Ác tặc, ta chẳng qua giữ lại có ba trăm lạng vàng, vậy… mà ngươi cũng hạ độc thủ!
Trương Thúy Sơn nói:
– Ngươi làm gì vậy?
Chàng định thi triển Cầm nã pháp để thoát ra, thấy Đô Đại Cẩm ở khóe mắt, khóe miệng đều có máu tươi, lúc này tuy trời tối, nhưng hai người cách nhau chưa đầy nửa thước, chàng nhìn khá rõ, ngạc nhiên hỏi:
– Ngươi bị nội thương hay sao vậy?
Đô Đại Cẩm quay sang hòa thượng kia, nói:
– Sư đệ, sư đệ hãy nhìn cho rõ, đây là Ngân Câu Thiết Hoạch Trương Thúy Sơn, chính là… hung thủ giết người. Sư đệ mau chạy đi, chạy ngay đi, chớ để hắn đuổi kịp!
Đoạn hai tay y nắm chặt ngực áo Trương Thúy Sơn, dùng đầu đập thật mạnh vào trán chàng, cho cả hai cùng vỡ đầu mà chết.
Trương Thúy Sơn vội hai tay xoay qua, đẩy vào vai Đô Đại Cẩm, chỉ nghe soạt một tiếng, vạt áo chàng bị rách toạc một mảnh lớn, Đô Đại Cẩm thì ngã văng xuống đất.
Trương Thúy Sơn tuy rất gan dạ, nhưng tối nay gặp bao nhiêu chuyện quái dị, thần sắc của Đô Đại Cẩm lại trông cực kỳ đáng sợ, nên bất giác tim chàng đập thình thịch, cúi xuống nhìn, thấy hai mắt Đô Đại Cẩm đã trợn trừng, khí đã tuyệt, vậy là y bị nội thương quá nặng từ trước, chứ một cái đẩy của chàng vào vai làm sao đủ giết chết y.
Vị hòa thượng kia thất thanh kêu lên:
– Ngươi… ngươi… lại giết Đô sư huynh…
Đoạn quay mình chạy thục mạng, nhưng vì kinh hoảng và vội vã, mới được vài bước đã ngã sóng soài.
Trương Thúy Sơn lắc đầu, thấy hai tiêu đầu Chúc, Sử chân ngâm trong nước hồ, chết đã lâu. Nhìn ba thi thể, bất giác thương cảm. Chàng với Đô Đại Cẩm tuy không có giao tình, việc tiêu cục Long Môn hộ tống Du Đại Nham cũng không chu đáo khiến chàng rất căm giận, song nhìn ba người họ chết một cách oan ức khó hiểu như thế, chàng khó tránh khỏi thương cảm. Chàng đứng bên bờ hồ giây lát, bỗng nghĩ thầm: Đô Đại Cẩm có nói Ác tặc, ta chẳng qua giữ lại có ba trăm lạng vàng, vậy… mà ngươi cũng hạ độc thủ! Mình bảo y đem hai ngàn lượng vàng cứu tế dân bị nạn, chắc y tiếc của nên giữ lại ba trăm lượng. Đừng nói là mình hoàn toàn không hay biết, mà dẫu có biết thì mình cũng chỉ cười một tiếng, có lẽ nào vì chuyện đó mà làm khó cho y?
Chàng nhấc thử cái bọc sau lưng Đô Đại Cẩm, quả nhiên thấy nó nặng chình chịch, mở ra, có mấy thoi vàng lăn ra cạnh mặt Đô Đại Cẩm. Lúc này chàng chợt nhận thấy nhân sinh vô thường, vị Tổng tiêu đầu này suốt đời vất vả, ngàn dặm bôn ba, liều thân trên đường đao mũi kiếm, chẳng qua cốt kiếm được một số vàng bạc, giờ thì vàng bạc lăn lóc ngay trước mặt đó nhưng y nào được hưởng dụng. Lại nghĩ mới rồi chàng dốc sức kịch chiến với ba hòa thượng Thiếu Lâm, tuy toàn thắng, được tiếng anh hùng nhất thời, nhưng một trăm năm nữa, so với Đô Đại Cẩm thì cũng có khác gì đâu. Nghĩ đến đó, chàng bất giác thở dài buồn bã.
Bỗng dưng có tiếng đàn tình tang từ mặt hồ vẳng tới. Trương Thúy Sơn ngẩng đầu lên, thấy người đang gảy đàn trên thuyền chính là thiếu niên văn nhân mà chàng đã thấy ở dưới hồ trước cửa tiêu cục Long Môn ban đầu. Nhìn ba thi thể dưới chân, nếu chiếc du thuyền kia lại gần, người kia trông thấy ắt kinh hoảng kêu lên, tuần binh Mông Cổ nghe được sẽ khó tránh khỏi phiền toái. Chàng đang định bỏ đi, bỗng nghe văn nhân trên thuyền gảy nhẹ ba tiếng đàn, rồi y ngẩng lên nói:
– Huynh đài đã có nhã hứng du ngoạn trên hồ canh khuya, sao không xuống thuyền chơi?
Đoạn vẫy tay một cái. Từ phía lái thuyền có một người chờ sẵn nhỏm dậy đẩy hai mái chèo, đưa thuyền bơi vào gần bờ.
Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: Người kia từ đầu tới giờ vẫn ở trên hồ, có lẽ y nhìn thấy gì chăng, tại sao mình không hỏi thăm y thử xem. Nghĩ vậy, chàng đi lại phía mé nước, đợi chiếc thuyền tới gần liền nhẹ nhàng nhảy xuống mũi thuyền.
Chàng thư sinh trên thuyền đứng dậy, mỉm cười, chắp tay hành lễ, tay trái chìa ra phía đối diện, mời khách ngồi. Dưới ánh đèn lồng che bằng vải sa màu xanh, trông thư sinh tay trắng ngần, trắng hơn cả tuyết, mặt ngọc hơi gầy, mi cong mũi thẳng, lúc cười thì má trái lúm đồng tiền, nhìn xa ngỡ là một công tử phong lưu nhàn nhã, bây giờ đối diện mới thấy rõ là một mỹ nữ giả trai.
Trương Thúy Sơn tuy là người phóng khoáng tự nhiên, nhưng theo quy củ sư môn, chuyện nam nữ ngăn cách rất chặt chẽ. Võ Đang thất hiệp hành tẩu giang hồ, về phương diện nữ sắc ai nấy đều nghiêm cẩn, nay thấy đối phương là một thiếu nữ, chàng liền ngạc nhiên, hai má đỏ bừng, đứng ngay dậy nhảy trở lại bờ, chắp tay nói:
– Tại hạ không biết cô nương cải nam trang, vô ý mạo muội.
Thiếu nữ không nói gì. Chỉ nghe tiếng mái chèo khuấy nước, con thuyền lặng lẽ bơi ra giữa hồ, thiếu nữ thì gảy đàn hát:
Nhã hứng kia đêm nay đã tận, mong đêm mai lại đến cùng nhau, Lục Hòa tháp, dưới chân cầu, bên cây liễu rủ thuyền câu đón chờ. Quân tử hỡi, nếu chàng không ngại, tới nơi kia du ngoạn một phen.
Con thuyền xa dần, lời ca cũng nhỏ dần, chỉ thấy sóng nước chao động, ngọn đèn chỉ còn bằng hạt đỗ, chìm lẫn vào sắc nước trong đêm.
Sau một phen kịch chiến giữa kiếm ảnh đao quang, gió tanh mưa máu, bỗng dưng gặp cảnh lả lướt phiêu diêu như thế, Trương Thúy Sơn lặng người đứng tần ngần trên bờ hồ, bất giác lòng thấy nao nao, hơn nửa canh giờ sau mới trở về khách điếm.
Hôm sau trong thành Lâm An truyền ra vụ đại huyết án mấy chục nhân mạng ở tiêu cục Long Môn lan truyền ra, ai ai cũng biết. Trương Thúy Sơn dáng người nho nhã nên không một ai nghi ngờ chàng. Từ sáng tới chiều chàng nhàn du khắp phố phường, đền miếu, nghe ngóng tin tức của nhị sư huynh Du Liên Châu và thất đệ Mạc Thanh Cốc, nhưng đi cả buổi cũng chẳng tìm được ký hiệu liên lạc nào của Võ Đang thất hiệp.
Đến chiều tà, trong lòng lại rộn lên tiếng hát của người thiếu nữ: Nhã hứng kia đêm nay đã tận, mong đêm mai lại đến cùng nhau, Lục Hòa tháp, dưới chân cầu, bên cây liễu rủ thuyền câu đón chờ. Quân tử hỡi, nếu chàng không ngại, tới nơi kia du ngoạn một phen. Hình ảnh thiếu nữ cứ chập chờn ẩn hiện trong óc chàng. Chàng nghĩ thầm: Mình giữ đúng lễ, thì gặp nàng một lần cũng có sao đâu? Giá có nhị sư ca và thất sư đệ đi cùng thì hay quá, nhưng lúc này, trừ việc hỏi thăm thiếu nữ kia, không còn nơi nào khác có thể nghe ngóng để tìm ra chân tướng án mạng đêm qua.
Dùng bữa tối xong, Trương Thúy Sơn nhắm hướng tháp Lục Hòa bên sông Tiền Đường đi tới.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 01 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 02 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 03 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 04 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 05 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 06 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 07 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 08 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 09 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 10 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 11 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 12 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 13 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 14 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 15 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 16 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 17 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 18 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 19 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 20 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 21 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 22 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 23 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 24 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 25 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 26 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 27 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 28 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 29 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 30 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 31 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 32 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 33 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 34 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 35 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 36 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 37 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 38 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 39 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 40 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, chương 41 tại đây.
Đọc Ỷ thiên đồ long ký, toàn tập tại đây.