Khi nhắp nhang, chúng ta nên nghĩ gì?
Thực hành tôn giáo giúp đời sống an lành, hạnh phúc, giác ngộ và mang lại năng lượng tích cực cho bản thân, giá trị đẹp cho cộng đồng.
· 7 phút đọc · lượt xem.
Cách đây khoảng ba năm, khi mình lên thăm một ni viện trên núi gần nhà, thì gặp một chuyện nhỏ nhỏ thế này. Đó là thấy dọc đường vẫn có những chỗ người ta thắp nén nhang, cả nơi tượng Chúa Giesu, hỏi ra mới biết rằng thắp lên một nén nhang không thuộc một tôn giáo nào hết.
Một nét đẹp tâm linh
Nhang khi thắp tỏa một mùi thơm, trầm ấm trong không gian, đem đến cảm giác thanh tịnh nhẹ nhàng. Bởi có lẽ vì thế mà chẳng trừ tôn giáo nào, người ta vẫn cứ thể hiện lòng thành kính ngoài chuyện tâm hướng về, thì đó là cành nhang đang lững lờ trôi dòng khói.
Kể từ rất lâu rồi mà không ai nhớ rõ khi nào, thắp nhang đã trở thành một nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của người Châu Á. Không chỉ thực hành trong các nghi lễ tôn giáo trên chùa hay cầu khấn thần Phật, thắp nhang như là một cầu nối tâm thức giữa cõi người sống và thế giới tâm linh. Qua nén nhang, người ta gửi gắm những thông điệp, những nguyện ước và cầu mong cho thế giới bên kia của người đã khuất. Những mong ước dù nhỏ hay hay cực kỳ cao cả, cũng rất tròn vẹn trong từng làn khói bay trong gian phòng.
Cũng bởi phần hướng về thế giới tâm thức, nên hình thù của nén nhang khi tàn cũng gắn với không ít ý niệm. Như nén nhang đang cháy mà bỗng nhiên tắt hay rơi tàn lửa thì có điềm không hay. Nén nhang cháy tàn mà để lại hình dáng uốn cong, tro không rời xương nhang thì điềm phúc. Còn trong cúng tế, một nén nhang là thời khắc mà các linh hồn xuất hiện, hưởng những đồ ăn thức uống mà người sống dâng cho.
Hoặc như trong việc giác ngộ, tìm kiếm chân lý hay lời khuyên nơi Phật đường. Thời gian của một cây nhang cháy cũng là thời gian dành cho mỗi người, song hành cùng lúc một cử trà còn đương ấm. Điều này trở nên rõ ràng hơn trong nhà Phật, khi không một sự ước lượng thời gian nào rõ ràng hơn thời khắc một nén nhang cháy xong. Ấy cũng chính là sự đo đếm thời gian thường thấy và thông dụng trong Phật đường thời trước.
Nếu ta để ý có thể thấy rằng các nén nhang khi thắp thường rơi vào số lẻ, và phần đa là số ba. Ba nén nhang lúc này tượng trưng cho Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng hoặc Tam vô lâu học: Giới, Định, Tuệ. Những quan niệm và ý thức về thế giới tâm linh, đã khiến những nén nhang trở nên đặc biệt trong văn hóa dân gian, dường như trở thành một nghi thức tâm linh không thể thiếu và khó có thể thay thế. Dù có thể rằng lộc dâng lên ông bà tổ tiên hay thần Phật là thiếu đủ thế này thế kia, nhưng ba nén nhang là điều bất biến.
Tâm tĩnh lặng trong gian phòng tỏa hương
Ngoài ý thức về thế giới tâm linh, nhiều người tìm đến nén nhang như một hình thức cân bằng thế giới thực. Nén nhang được cấu tạo phần lớn từ gỗ trầm hương – một loại gỗ khi đốt tỏa mùi rất dịu và thơm. Mùi thơm này đem đến sự an định, bình tâm và khoái lạc trong tâm hồn. Bởi thế, một hình thức khác của thắp nén nhang đó chính là đốt trầm hương, đặc biệt khi người ta đang thực hành thiền định.
Một không gian lý tưởng để thiền định thì bao gồm: sự yên tĩnh ở thế giới ngoài kia, sự tập trung ở thế giới nội tại và sự khoan khoái để cảm nhận xung quanh. Bởi vậy những làn hương từ nén nhang tỏa ra sẽ là chất xúc tác để giúp người hành thiền ổn định tinh thần, tập trung cao độ vào sự quán chiếu bản thân. Hương thơm của nhang không chỉ giúp người ta tập trung, mà nó còn đem đến cảm giác mình đang ở trong một không gian của Phật đường – nơi những làn khói nhang luôn tỏa khắp nơi. Chính cảm giác ấy là sự hiện hữu và gợi nhắc, để người hành thiền có thể bình tâm được rằng sự yên tĩnh xung quanh mà mình có là thực tại, để yên vị mà tập trung vào chính mình.
Chưa kể nếu không có tâm ý thiền định, mà chỉ cầu sự tập trung để làm việc. Thì những nén nhang cũng bổ trợ tương xứng. Trong trầm hương có những chất xoa dịu sự căng thẳng của thần kinh, sự xúc tác này đem đến sự tập trung và giảm bớt căng thẳng và thư thái hơn. Nên nếu khi bạn đang làm việc cần sự tập trung cao độ, nhưng không muốn phát ý những suy nghĩ hay hành động mất kiểm soát, lại mong cầu sự bình tĩnh thì hãy thắp lên một nén nhang. Sự an nhiên và bình lặng lúc ấy sẽ tỏa ra khắp gian phòng, giúp bạn ổn định và điều chỉnh hành vi phù hợp và sắc nét hơn.
Sự gấp gáp của thời đại đã phá hủy nén nhang như thế nào?
Những nét đẹp trong dòng chảy văn hóa lịch sử dần bị mai một khi nhịp sống hiện đại cần sự gấp gáp và hối hả. Những nén nhang không còn màu đỏ tươi của gạch đỏ, hương thơm cũng dần hướng mùi công nghiệp. Chưa kể những nguyện ước nay trở nên vật chất hóa, và hình thức hóa việc thắp nén nhang. Nhang giờ đủ hình dáng và kích thước, khi vào những chùa lớn ta có thể thấy cả cây nhang to bằng ngón tay cái, dài gần một mét. Và có những dịp trước ống kính truyền thông, cây nhanh quá khổ của các vị yếu nhân lại khiến những người hướng thiện thuần khiết chạnh lòng.
Sự vật chất và hình thức hóa dần khiến ý nghĩa của việc thắp nhang trở nên mờ nhạt. Nhiều người cảm thấy rằng tâm không còn giữ được sự thiên lương, khi xung quanh luôn có người nhắc về hình thức đủ đầy lúc thực hành. Những điều ấy thực là không sai, nhưng nó không cần thiết. Khi ta thực hành một nghi lễ, chỉ có tâm động tưởng rằng có thần linh chứng giám. Khi ta làm tròn một nghi lễ, tâm cũng động tưởng rằng thần linh biết được điều ấy mà phù hộ. Chứ kỳ thực chẳng có thần linh nào soi xét hết mọi người khi thực hành nghi thức ấy. Chỉ có ta hiểu được hành động của bản thân liệu có đang hướng về thần về Phật, hay là đang mưu cầu lợi lộc cho mình hay không mà thôi.
Thiết nghĩ rằng, để đối chọi với vòng quay của nhịp sống hiện đại, sự vật chất và tầm thường hóa những nghi thức tâm linh. Tâm ta hãy luôn an định và soi xét thật kỹ những điều mình làm, để mong rằng sự hướng đạo ấy sẽ làm tâm trở nên trong sáng và lành mạnh. Không chỉ trong ý niệm và cả trong hành động, bởi chỉ khi có được điều ấy ta mới có thể sống và cảm nhận được mọi điều một cách thiện lương và bình an được.