Đồ Nhiên Thảo | Chương 02
Mình thích tùy bút cổ điển Nhật vì qua đó hiểu cách người Nhật giao tiếp mỗi ngày ngoài đường mà không cần nói lời nào.
· 12 phút đọc.
Trong lịch sử văn học Nhật Bản, Cảm nghĩ trong am (Hojoki, 1212) cùng với Ghi nhanh bên gối (Makura no Soshi, 1000?) và Buồn buồn phóng bút (Tsurezuregusa, 1310 – 1341) được xem như ba tập tùy bút có giá trị lớn nhất. Riêng Hojoki, âm đọc của ba chữ Hán là Phương Trượng Ký (Ghi chép trong, hoặc về cái am vuông vức ), lại là tác phẩm có tính nhất quán, chung đúc, gọn ghẽ hơn cả nếu đem so sánh với Makura no Soshi ra đời trước nó và Tsurezuregusa đến sau. Kamo no Chômei (1155? – 1216), tác giả của Hojoki, đã sử dụng thần tình văn thể pha trộn Hòa Hán nên phát huy được cái sắc cạnh, trong trẻo mà thâm sâu của nội dung, làm người đọc như bị thu hút hoàn toàn.
Cũng như Tsurezuregusa, Hojoki là một tác phẩm quan trọng hàng đầu của dòng văn học ẩn sĩ thời trung cổ Nhật Bản, đặt tên tuổi Chomei bên cạnh cao tăng Saigyo (1118 – 1190), một nhà thơ Waka kiệt xuất, và Urabe KenKo (1283? – 1352?), tác giả Tsurezuregusa. Tuy ra đời cách đây gần tám trăm năm, nội dung thâm trầm của Hojoki vẫn còn hết sức thiết thân gần gũi đối với con người thời đại chúng ta.
Dĩ nhiên một tác phẩm cơ bản và quý giá như Hojoki đã được đem vào chương trình trung học cơ sở ở Nhật Bản và các bản dịch nó từ cổ ngữ của thế kỷ 13 qua kim văn cũng như những tập chú thích, bình giảng về nó nhiều không biết cơ man nào. Chúng tôi chọn bản dịch của Yasuraoka Kosaku (1917 – 2001), do nhà Kodansha xuất bản trong loạt sách bỏ túi làm bản lót. Cố học giả Yasuraoka là chuyên gia môn văn học trung cổ Nhật Bản, tốt nghiệp khoa văn Đại Học Tokyo (Tokyo Teikoku Daigaku), nguyên giáo sư danh dự Đại Học Sư Phạm Tokyo (Tokyo Gakugei Daigaku).
Đây là bản dịch đầy đủ tác phẩm mà chúng tôi đã lược dịch vài đoạn trong Tổng Quan Lịch Sử Văn Học Nhật Bản. Trong khi dịch, chúng tôi cố gắng cẩn thận đối chiếu bản này với vài bản dịch Nhật – Nhật khác cũng như các bản dịch sang các ngoại ngữ như Pháp và Anh mà chúng tôi may mắn có được.
Sơ lược về Phương Trượng Ký
Kamo no Chomei , chính ra phải đọc theo âm thuần Nhật là Kamo no Naga. akira, sinh khoảng năm 1155 và mất năm 1216, thọ 62 tuổi ta. Cuộc đời của ông có thể chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Từ 1155 đến 1191 (1 – 36 tuổi)
Ông là con thứ, sinh ra trong gia đình một ông quan ngũ phẩm giữ đền thần cho hoàng hậu. Cha ông, Kamo no Nagatsugi, chẳng may ngã bệnh, phải từ chức lui về, nhường chỗ cho người trong họ, mấy năm sau thì qua đời. Mất người đỡ đầu, ông từ đó lắm gian nan.
Vì yêu mến văn chương, ông theo học thơ waka với thầy Shun. e năm ngoài hai mươi tuổi. Thơ ông làm trong giai đoạn này còn ghi lại trong thi tập Kamo no Nagaakira – shuu, nói chung là lành mạnh, bình dị và trong sáng nhưng trong phần tạp thi đã thấy có những bài biểu lộ rõ rệt nỗi thất vọng và tình cảm chán đời.
Thơ của ông từng được đặt bên thơ các thi nhân nổi tiếng thời đó như Saigyo, Shun. e, Jittei, Shunzei, Kensho, cũng có bài được tuyển vào Senzai Waka – shuu Thời ấy, chỉ cần một bài thơ được chọn vào thi tập soạn theo chiếu chỉ của thiên hoàng như Senzai là một vinh hạnh rất lớn.
Năm 1185, ông đi chơi vùng Ise và viết tập Ký sự đi Ise (Iseki). Toàn văn nay đã thất truyền nhưng những nhà nghiên cứu cho biết trong đó ông có viết 34 bài waka và một bài renka
Ngoài thơ, ông còn yêu nhạc và đã theo thầy Nakahara Ariyasu học tỳ bà lúc đã hơn ba mươi tuổi. Thầy Nakahara vốn là nhân vật đứng đầu về nhạc ở trong cung, rất quý mến và đặt nhiều kỳ vọng nơi ông.
Giai đoạn thứ hai: Từ 1192 đến 1204 (37 – 49 tuổi)
Sau giai đoạn học tập bồi dưỡng tri thức khá dài, đây là giai đoạn Chomei thực sự góp mặt với làng thơ.
Ông tham gia vào nhiều hội bình thơ (uta. awase), thắng vài giải lớn và trở thành một viên chức (Yori. udo) của Viện Thi Ca (Wakad Okoro), có một địa vị trên thi đàn. Kể từ năm 1200 (46 tuổi) trở đi, hầu như năm nào ông cũng có mặt ở các hội bình thơ quan trọng trong và ngoài cung, được mọi người kể cả thiên hoàng nhìn nhận tài năng. Tuy nhiên, phải nói thơ ông thuộc dòng thơ cổ điển, bình dị, đạm bạc chứ không mới mẻ và có tính cách mộng huyễn, khái niệm và tượng trưng của Teika , một nhà thơ lớn cùng thời.
Nếu đời thơ có vẻ êm xuôi, đời thường ông long đong. Nguyện ước được nối chức cha giữ đền thần không thành vì người trong họ phản đối. Tuy thái thượng hoàng Go Toba, người mến tài ông, đã ra ân can thiệp nhưng không thành công. Nhật ký của Minamoto no Ienaga, một bạn đồng liêu ở Viện Thi Ca chép: Ông mang mối hận sâu sắc trong lòng nên xuất gia lánh đời. Có lẽ từ lâu ông đã suy nghĩ về lẽ vô thường của cuộc đời và sự kiện này chỉ là một cái cớ để ông đi đến quyết định.
Giai đoạn thứ ba: Từ 1205 đến 1216 (50 – 61 tuổi)
Giai đoạn này tương ứng với cuộc sống ẩn dật trong thảo am cho đến ngày chết. Nếu tu hành có hai lối, một là xuất gia từ nhỏ, hai là xuất gia lúc về già thì Chomei nằm vào trường hợp thứ hai. Trường hợp này vẫn bắt buộc người đi tu phải giữ giới sa di nhưng cho phép họ không phải phụ thuộc một chùa chiền hay tôn phái nào.
Chomei đã vào vùng rừng núi ở Ohara, phía bắc Kyoto, một nơi từ xưa vẫn có vô số thảo am mọc quanh các ngôi chùa. Hoàng thân quốc thích, quý tộc Fujiwara và Taira sau khi xuất gia đều về đó ở. Nhiều người là nhân vật nổi tiếng, trong đó có hoàng thái hậu Kenreimonin tức là vợ góa của Thiên Hoàng Takakura mà gia đình bà, tập đoàn Taira, đã vùi thân trong sóng biển miền Tây.
Sau khi Chomei xuất gia được một năm, các nhà tuyển khảo đã chọn 10 bài thơ của ông vào tập thơ soạn theo chiếu chỉ Shin – Kokin Waka – shuu. Nhân vật trung tâm của năm người tuyển khảo là Teika, một nhà thơ chủ trương cách tân. Điều này chứng tỏ thơ cổ điển của Chomei cũng được người khác ý kiến đánh giá cao vì có phẩm chất. Thế nhưng tất cả các bài được tuyển là thơ mà ông đã làm vào giai đoạn thứ hai chứ từ ngày đi tu ở Ohara, không thấy ông có thơ.
Ngoài tập tùy bút Hojoki, Kamo no Chomei còn để lại Ghi chép không tên (Mumyo Sho) , gồm hơn 70 đoạn, viết giữa năm 1211 – 1216, trong đó ông kể lại giai thoại về các nhà thơ, những danh lam thắng cảnh đề tài của thơ, cũng như điều tâm đắc trong khi làm thơ waka. Phần luận về yuugen (u huyền trong thi ca) rất nổi tiếng. Khoảng năm 1214 tức là không bao lâu trước khi mất, ông viết Mở lòng tu (Hosshin shuu ), một tập sách thuyết giáo thuật lại truyện những người trong phái tịnh độ đã phát tâm bồ đề đi tu như thế nào và nhân đó trình bày cảm tưởng của mình.
Tóm lại, qua ba tác phẩm Mumyosho, Hojoki, Hosshinshuu, ta thấy mối quan tâm trong những ngày tháng cuối cùng của Chomei là thi ca, cuộc sống ẩn dật và lòng tin tôn giáo vậy.
Tác phẩm
Chomei có một tập thơ và hai tập văn xuôi khác nhưng nơi ý tưởng được phô bày gọn ghẽ, sâu sắc và mạnh mẽ nhất có lẽ là Cảm nghĩ trong am tức Hojoki (Phương Trượng Ký).
Ký trước đây được xuất hiện dưới nhiều hình thức ở Trung Quốc và Nhật Bản (và ở Việt Nam ) như đường ký, đình ký, du ký, ký sự… Thường người ta dùng nó để ghi chép những điều nghe thấy về một kiến trúc, địa danh hay địa hình. Người đời sau nới rộng nó ra và cho thêm cả phần nghị luận vào đó. Trung Quốc đã tạo ra truyền thống bút ký với Đào Hoa Nguyên Ký (của Đào Tiềm), Túy Ông Đình Ký (của Âu Dương Tu), Yến Hỷ Đình Ký (của Hàn Dũ), Thảo Đường Ký (của Bạch Cư Dị), Nhạc Dương Lâu Ký (của Phạm Trọng Yêm)… Nhật Bản cũng có Fujisanki (của Miyako no Yoshika), Shosaiki (của Kanzô Daishokoku), Teishiin Shiinki (của Ki Nagon), Chiteiki (của Saki no Chuushoo) và một Chiteiki khác nổi tiếng hơn của Yoshishige no Yasutane vốn có liên quan mật thiết với Hojoki này.
Tuy Đình bên ao tức Chiteiki của Yasutane có ảnh hưởng lớn trên Hojoki nhưng văn thể của Chiteiki là Hán văn trong khi Hojoki là Hòa Hán hỗn hợp, bút pháp của Hojoki tích cực sâu sắc, mạnh mẽ, tung hoành hơn, còn chen lẫn tự sự với nghị luận. Tuy kế thừa truyền thống về bút ký đã có, nó được xem như tác phẩm trong văn chương Nhật Bản đầu tiên có tính độc sáng trong thể loại này.
Không chỉ than vãn thở than cho kiếp người bèo bọt như những văn nhân thi sĩ thời xưa, Chomei còn đưa ra những bằng cớ hùng hồn như 5 tai ách đã xảy ra trước mắt ông với nhiều tình tiết cụ thể. Trong phần sau, ông đã lập một tương quan đối lập tâm – thân và nói lên sự quan trọng của cái tâm rồi dẫn đến kết luận là việc chọn lựa cuộc sống an lạc trong thảo am thanh tĩnh trên núi Hino. Tuy nhiên điểm độc đáo của Hojoki là Chomei đã không ngừng suy nghĩ dù khi đã chọn cuộc sống ẩn dật vì vẫn cảm thấy có vấn đề giữa cái tâm và cái hành như ta thấy trong đoạn 12. Đi ở ẩn có thực sự là tu hay không vì tu như thế vẫn chưa triệt để. Lánh đời có nghĩa là giữ một thái độ ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự cứu rỗi của riêng mình. Chính hành động tự phê này bộc lộ cái tính nhân bản mà ta ít thấy nơi ai khác.
Lối hành văn của Chomei rất sinh động. Ông sử dụng nhiều phương pháp tu từ như điệp ngữ, phản đề, nghịch đảo, thêm vào đó, sử dụng khéo léo những điển cố, đối cú mạnh mẽ và hoa lệ.
Riêng về vai trò của tác phẩm trong dòng văn học thời trung cổ, cũng cần đặt Hojoki vào bối cảnh lịch sử, tôn giáo. Đó là một thời đại chiến tranh loạn lạc, tai ách liên tiếp, mạng người rẻ rúng, cuộc sống cơ hàn. Người ta đã tìm nguồn an ủi trong lòng tin tôn giáo nên đạo Phật chưa bao giờ được phát triển mạnh mẽ như thế. Văn học với Hojoki cũng mở thêm một cánh cửa khác đi vào thế giới nội tâm, để giải quyết những vấn đề của con người.
Về mặt văn bản, Hojoki có nhiều truyền bản. Bản nhiều chữ gọi là quảng bản, bản ít chữ gọi là lược bản. Ngoài ra, tùy theo nội dung và cách hành văn lại chia ra làm cổ bản (bản cũ) và lưu bản (bản lưu hành). Do đó, quảng bản có một hay nhiều cổ bản và lưu bản; còn lược bản thì lại có 3 là bản năm Chôkyo thứ hai (Trường Hưởng, 1487 – 1489) bản năm Entoku thứ hai (Diên Đức, 1489 – 1492) và bản mana tức bản viết bằng chữ Hán. Trong 3 bản cổ thì bản giữ ở chùa Daifuku Koji được xem như do chính tay Chomei chép lại. Tuy còn nhiều điểm hồ nghi nhưng đây là bản được giữ gìn trân trọng nhất. Bản Daifuku Koji cũng là bản mà dịch giả (sang kim văn) Yasuraoka Kosaku sử dụng như tư liệu chính.
Tham Khảo:
Yasuraoka Kosaku chú dịch Kamo no Chomei, 1980, Hojoki, Kodansha Gakujutsu Bunko xuất bản, Tokyo, bản in lần thứ 40 năm 2006.
R. P. Sauveur Candau dịch Kamo no Chômei, 1987, Notes de ma cabane de moine, Gallimard, Unesco, bản in năm 2002.
Yanase Kazuo chú dịch Kamo no Chomei, 1967, Hojoki, Kadokawa Sophia Bunko, bản in lần thứ 52 năm 2006.
Moriguchi, Yasuhiko & David Jenkins dịch Kamo – no – Chômei, Michael Hofmann minh họa, 1996, Hojoki, visions of a torn world, Stone Bridge Press, Berkeley, California.
Nguyễn Nam Trân, 2007, Tổng Quan Lịch Sử Văn Học Nhật Bản. Chương 7: Dòng văn học nhật ký và tùy bút, phần nói về Kamo no Chomei và Hojoki. Tư liệu trên mạng, chưa xuất bản.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 01 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 02 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 03 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 04 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 05 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 06 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 07 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 09 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, toàn tập tại đây.