Nguyễn Nam Trân | Đồ Nhiên Thảo | Chương 08
Những tùy bút cổ điển của Nhật Bản mà mình yêu thích vì nhờ đó mà đã đọc được những người Nhật mỗi ngày gặp nhau ngoài đường phố dù không cần trao đổi qua lời nói.
· 84 phút đọc.
Những tùy bút cổ điển của Nhật Bản mà mình yêu thích vì nhờ đó mà đã đọc được những người Nhật mỗi ngày gặp nhau ngoài đường phố dù không cần trao đổi qua lời nói.
Lời Nói Đầu
Những lúc rỗi rảnh đến nhàm chán [92], từ sáng đến chiều, ta đối mặt với nghiên mực, đang nghĩ chuyện này bắt sang chuyện khác, mặc cho ý tưởng trào ra đầu ngọn bút. Thấy mình thật vớ vẩn!
Đoạn 111: Đam mê cờ vây và cờ song lục
Có một nhà tu dạy rằng:
_ – Kẻ sáng chiều mê mải chơi hai loại cờ vây (igo) và song lục (sugoroku)_ [576] cũng có thể bị xem như làm việc ác [577] trên cả các tội tứ trọng ngũ nghịch. [578]
Lời nói ấy vẫn còn văng vẳng bên tai ta và để lại ấn tượng rất sâu đậm [579].
Đoạn 112: Ngày mai cất bước đi xa
Nếu nghe rằng một người ngày mai phải cất bước ra đi về một miền xa, ai là người có thể đòi hỏi anh ta làm một công việc cần tất cả sự trầm tĩnh mới có thể hoàn thành?
Lại nữa, một người đột nhiên phải chuyên chú vào một việc quan trọng hoặc đang than khóc sầu khổ [580] thì sẽ không thể lắng nghe một chuyện gì chẳng liên hệ đến mình cũng như sẽ không phát biểu hay bình phẩm điều chi về niềm vui và nỗi buồn của kẻ khác được. Dù anh ta không cho ý kiến một cách lễ độ, chẳng ai xét nét anh đâu. Trường hợp một người muốn lánh đời, theo thời gian mà có tuổi và mệt mỏi vì bệnh hoạn cũng vậy, nếu người ấy có cự tuyệt việc giao thiệp với kẻ khác thì ta phải hiểu ông ta đã xử sự giống như các thí dụ kể trên mà thôi.
Tập tục xã giao ở đời toàn là những thứ khó tránh né. Nhưng nếu cứ im lặng làm theo lề lối người đời đặt để và xem nó như chuyện đương nhiên thì những việc ta bắt buộc xốc vác sẽ tăng thêm, thân ta đánh mất tự do, lòng ta hết được bình an, trọn đời để cho những thứ nhỏ nhặt rườm rà [581] bủa vây để chỉ còn là những tháng ngày vô nghĩa. Trời đã tối, đường hãy còn xa [582], thân lỡ sa đà. Đây là lúc phải vứt bỏ mọi thứ vướng bận. Ta không cần phải giữ tín nghĩa, không cần lo lắng lễ nghi nữa. Kẻ không thấu hiểu tâm tình này, muốn gọi ta là thằng điên thì cứ gọi. Cho ta là kẻ mất trí khôn, hạng không còn nhân tính cũng được. Dù có bị phê bình, ta chẳng để lọt tai đâu! Ngược lại, nếu có người khen ngợi quyết tâm ấy, ta cũng xin kiếu không nghe!
Đoạn 113: Người qua tuổi bốn mươi
Người đàn ông khi đã qua tuổi bốn mươi [583], cho dù đôi khi có mối tình thầm lén đối với người khác phái, có lẽ cũng không phải là điều đáng chê trách. Tuy nhiên, nếu ông ta lại dùng nó để đùa cợt, không chỉ đưa ra những chi tiết liên quan tới riêng mình mà còn động chạm tới người ta nữa, thì so với tuổi tác thật là thiếu đứng đắn, không sao coi cho được.
Hơn thế nữa, cái khó nghe và khó coi ấy còn được diễn tả ra dưới nhiều hình thức. Ví dụ cái cảnh ông già chen vào giữa đám trẻ và đem chuyện làm quà để chúng cho nhập bọn. Trong khi kể, tên tuổi những người có danh vọng được ông ta nhắc tới với giọng lưỡi khoe khoang như thể bạn thân quen. Cũng khó coi là cái người sống trong cảnh bần bách mà đua đòi mở tiệc rượu để thết đãi khách khứa một cách hào nhoáng.
Đoạn 114: Đại thần Imadegawa trên đường đi Saga
Có một lần, khi ngài đại thần Imadegawa trên đường đi đến Saga.
Ngài đại thần Imadegawa [584] trên đường đi Saga, khi đến con sông Arisugawa, gặp đúng chỗ nước ngập đường cái, (kẻ dắt xe là) Saiômaru [585] thúc bò đi hơi gấp, bò hất chân làm nước bắn rào rào, tưới ướt tận đến tấm ván che trước mũi xe. Tamenori, (người hầu cận), đang ngồi trên ghế đằng sau [586], bảo:
_ – Cái chú chăn bò quái gỡ nhỉ! Ở chỗ như thế này mà thúc bò đi nhanh kiểu đó à?_
Đại thần bực mình mắng:
_ – Nhà ngươi làm sao rành nghề dắt xe bò hơn Saiomaru_ [587]! Chính mi mới là đồ quái gỡ!
Nói xong, nắm đầu Tamenori đập vào thành xe.
Người đánh xe nổi tiếng tên Saiomaru này từng phục vụ ngài Uzumasa [588], lại trông coi việc chăn bò, dắt xe cho hoàng gia nữa [589]. Còn những nữ quan theo hầu ngài Uzumasa thì một người được đặt tên là Hizashi, một người là Kurotsuchi, một người là Hobara, còn một người nữa là Otoshi [590].
Đoạn 115: Ở vùng gọi là Shukugawara
Ở vùng (bãi sông) Shukugawara [591], bọn tăng khất thực sống rày đây mai đó gọi là Boroboro [592] họp lại đông đảo và niệm Phật theo phương thức Kuhon [593]. Một tăng khất thực ở nơi khác đến hỏi thăm:
_ – Xin cho biết trong bọn các ông có người nào tên là Irohoshi không ạ?_
Nói xong, giữa đám Boborobo có người đáp:
_ – Vâng, Irokoishi thì có chứ. Nhưng vị đang hỏi thăm đó quý danh là chi?_
Người ấy nói:
_ – Tôi tên là Shirabonji. Nhân được tin thầy tôi họ Mỗ, người miền Đông, đã bị một tăng boroboro tên là Irohoshi giết chết cho nên tôi muốn gặp người đó để rửa hận cho tôn sư. Do đó mới làm phiền quý ông._
Người tên Irokoishi nói:
_ – Ôi chao, ông chịu khó lặn lội từ xa đến thế cơ à! Đúng như ông nói, chuyện đó thực đã xảy ra cho tôi. Nếu chúng ta thanh toán với nhau ở đây, e rằng sẽ ô uế đạo tràng. Hãy ra bãi sống phía trước mặt kia mà so tài cao thấp. Các bạn ở hai phe xin cứ đứng nguyên mà xem, tuyệt đối đừng về hùa với bên nào cả. Nếu mọi người đều dây dưa vào, sẽ phương hại đến Phật sự._
Nói xong, hai nhà sư bèn ra ngoài bãi quyết đấu, đánh nhau không tiếc tay, đâm qua chém lại, rốt cục đều chết.
Những tăng sĩ khất thực Boroboro này chẳng hiểu là hạng người đã có từ xưa hay không? Gần đây, nghe nói họ họp lại từ các nhóm người gọi là Boroni, Bonji, Kanji [594]. Sao đã chán việc đời bỏ ra đi rồi mà còn cố chấp ngã, hứa nguyện theo con đường Phật dạy mà chỉ toàn nghĩ đến chuyện tranh phong. Thật là kiêu căng hợm hĩnh không biết xấu hổ. Được mỗi cái họ không biết sợ, xem nhẹ cái chết, nên đáng được coi như là những kẻ trong sạch [595]. Vì vậy, nghe người ta kể về họ thế nào, ta cứ chép y nguyên thế ấy.
Đoạn 116: Tên hiệu đền chùa
Thoạt tiên, khi muốn đặt tên cho đền chùa cũng như cho mọi đồ vật khác, người đời xưa không hề dụng công quá đáng. Họ làm công việc đó một cách dễ dàng và đặt tên theo dáng dấp tự nhiên của sự vật đó.
Gần đây, mỗi lần có việc như thế, thiên hạ lại đâm ra thích suy nghĩ lâu la, muốn chứng tỏ tài nghệ của mình qua việc đặt tên nhưng rốt cuộc chỉ thành rắc rối. Tên hiệu của con người cũng vậy, cứ muốn dùng những chữ nghe cho kêu nhưng thật ra chỉ là vô ích [596].
Bất cứ chuyện gì nếu cứ cầu kỳ tìm những thứ khác đời là đã bắt chước việc làm của bọn kiến thức nông cạn và yêu chuộng bề ngoài.
Đoạn 117: Những kẻ không nên làm bạn
Kẻ ta khó chơi có bảy loại [597]. Một là người quyền cao chức trọng [598], hai là đám thiếu niên [599], ba là những ai khoẻ mạnh không biết đau ốm là gì [600], bốn là bọn rượu chè, năm là bọn vũ sĩ bạo tợn [601], sáu là dân khoác lác và bảy là người tham lam keo kiệt.
Giao du được có ba loại [602]: trước hết là bạn bè thảo lảo, hai là mấy ông thầy thuốc và ba là những người thông minh tinh tế
Đoạn 118: Khi ăn canh cá chép
Khi ăn canh cá chép [603] tóc mai của ta sẽ được thẳng mượt. Có lẽ vì cá chép là loài vật có chất giao (quánh như keo) dính nhờn một cách tự nhiên.
Chỉ có cá chép là thức được đem ra nấu nướng [604] trước mặt thiên hoàng [605], quả là giống cá cao sang. Về thịt chim, không có giống nào sánh bằng với chim trĩ. Đem chim trĩ [606] và nấm tùng thơm treo lên trên giá bếp sơn đen [607] của điện Oyudono [608] thì không có gì gọi là không hợp tình hợp cảnh. Ngoài chúng ra, không có vật nào đáng được tôn trọng như vậy.
Khi ngài Kitayama [609], lúc đã xuất gia, thấy một con ngỗng trời (còn nguyên lông cánh) nằm trên giá bếp trong điện Yudono, gần ngự sở của hoàng hậu [610], lúc trở về đến chùa liền viết thư trách:
_ – Con vật như thế mà cứ treo nguyên hình thù trên giá bếp là chuyện xưa nay chưa hề thấy và không thể tha thứ được. Chẳng lẽ vì không có người (nữ quan) rành rọt giúp đỡ công việc (cho con) hay sao?_
Đoạn 119: Cá ngừ vùng biển Kamakura
Loại cá gọi là katsuo (cá ngừ) [611] đánh được ở vùng biển Kamakura gần đây được người ta coi như của quý, vì họ cho là món ngon số một. Thế nhưng các cụ cố lão ở Kamakura lại bảo với ta:
_ – Ngày bọn tôi còn trẻ, không thấy ai đem dọn loại cá này thết đãi các bậc tôn quý cả. Ngay cả đầu của nó, bọn đầy tớ cũng không đụng tới. Chỉ cắt ra rồi đem vứt đi._ [612]
Đến lúc đạo lý tàn mạt như thời này thì cái món ăn thấp hèn đó cũng lọt được vào nhà người sang trọng [613]
Đoạn 120: Những món hàng nhập cảng từ Trung Quốc
Ngoài thuốc bắc, có lẽ những món hàng nhập cảng từ Trung Quốc đều là vật vô dụng [614] Sách vở (của họ) lưu hành đầy dẫy ở nước ta rồi, cần thì sao đi chép lại cũng đủ. Tàu buôn Trung Quốc chịu đựng sóng to gió lớn chỉ để chồng chất những món đồ vô tích sự và lũ lượt đem chúng sang bên ta thì quả là ngốc vậy.
Những câu Đừng xem vật ở xa là tốt [615] hay là Chớ coi trọng cái khó lọt vào tay mình [616] đều đã chép rành rành trong sách cổ.
Đoạn 121: Bò, ngựa và các loại gia súc
Trong các loại gia súc, trước hết có ngựa và bò. Bọn này phải lấy dây mà buộc, quả có tội nghiệp cho chúng nhưng người ta cần chúng quá nên không biết cách nào hơn, đành chịu. Về tài giữ nhà, phòng trộm cướp thì chó còn giỏi hơn người, nhất định phải nuôi. Thế nhưng nhà nào nhà nấy đều nuôi nên dù không kiếm cách nuôi cho bằng được có lẽ cũng chẳng sao.
Ngoài ra, chim chóc hay muông thú đều vô dụng [617] Giống thú sinh ra để chạy thường bị bỏ vào cũi và cột dây xích, giống biết bay bị tỉa bớt cánh và nhốt trong lồng cho nên chúng không lúc nào ngưng thèm muốn được bay giữa không trung hay chạy nhảy tự do giữa núi non đồng nội. Nếu là người có tấm lòng, qua thể nghiệm bản thân [618] thông cảm được với sự bực bội của chúng, làm sao có thể vui thú để chúng chịu như vậy!
Bắt những sinh vật phải lâm vào cảnh khổ, nhìn mà cười được thì chỉ có (bạo chúa cỡ) Kiệt, Trụ [619] thôi. (Nhà thư đạo) Vương Tử Do [620] cho rằng yêu chim thì phải nhìn chim sống vui tươi giữa cảnh núi rừng và xem chúng như là người bạn cùng mình đi tản bộ mới được. Không được bắt lấy và làm khổ chúng.
_ – Phàm những chim quý thú lạ, không nên nuôi trong nước._ [621]
Trong sách xưa từng thấy chép. Về tài giữ nhà, phòng trộm cướp thì chó còn giỏi hơn người.
Đoạn 122: Người có tài năng
Điều kiện thứ nhất để được gọi là người có tài năng, kiến thức là phải thông suốt những tác phẩm cổ điển, hiểu được lời giáo huấn của các bậc hiền nho. Sau tới thư pháp, một điều quan trọng khác. Cho dù không lấy đó làm nghề chuyên môn, cũng phải ra công tập luyện. Bởi vì nó rất tiện lợi cho việc học hành của chúng ta. Thứ đến, kiến thức về y khoa là cái cần có. Chẳng những y học giữ gìn sức khỏe của ta, giúp ta cứu được người khác mà còn làm ta vẹn được bề trung hiếu [622] nữa. Sau thuốc đến thuật bắn cung, cưỡi ngựa, hai món được nhắc đến trong lục nghệ [623].
Chúng ta phải biết thưởng thức hai nghệ thuật ấy. Văn, vũ, y đạo là ba cái ta không thể thiếu một. Người theo đòi những môn này, nhất định không phải là kẻ chạy theo hư vinh. Tiếp theo đó, ăn uống cũng là chuyện thiết thân đối với mạng sống [624]. Người biết nấu nướng phải được xem như kẻ có năng lực đặc biệt. Sau nữa là nghề thủ công vì nó hữu ích cho mọi trường hợp.
Ngoài những điều vừa kể, cái gì cũng biết là điều người quân tử cần phải cảm thấy hổ thẹn [625]. (Ví dụ như) năng lực về thi ca hay âm nhạc tức là hai lĩnh vực (văn hóa) tao nhã và cao siêu, đến nay vẫn được xem như là điều cần thiết trong quan hệ vua tôi, thế nhưng vào giữa thời buổi này, chúng dần dà không còn đủ dùng như phương tiện để thực hiện chính trị được nữa [626]. Chẳng khác nào vàng kia tuy giá trị cao nhưng không nhiều công dụng thực tế như gang thép.
Đoạn 123: Làm việc vô ích
Những ai sống chỉ để làm những việc vô ích đáng bị đánh giá là kẻ ngu muội và lầm lạc xa đường đạo lý. Thường chuyện vì vua, vì nước, người ta bắt buộc phải thực hiện nhưng sau khi đã hiến thân cho những việc đó rồi thì còn lấy đâu thời giờ nhàn hạ.
Thử nghĩ mà xem, đã sống làm người thì những vật phải gắng sức đi tìm trước tiên là cái ăn, sau đến cái mặc rồi thứ ba là chỗ ở. (Nên dùng thời giờ rảnh ít ỏi còn lại để lo cho chừng đó thôi vì) nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống không gì ngoài ba thứ ấy. Con người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi được sống yên lành, không bị đói khát, lạnh cóng, không bị mưa gió động chạm đến thân mình. Tuy nhiên, có một cái khác mà người ta khó lòng tránh được. Đó là bệnh tật. Khi đã mắc bệnh rồi, con người sẽ hứng lấy bao điều điêu đứng khổ sở. Cho nên chớ có nên quên việc chữa trị, nghĩa là sau ba món y, thực, trú kia còn phải thêm món dược là cái cần thiết thứ tư [627]. Những ai cần mà kiếm không ra bốn món nói trên [628] bị gọi là kẻ nghèo khó, còn người không hề thiếu chúng là kẻ dư dật vậy. Ngoài bốn món này mà còn muốn đi tìm thêm cái gì khác nữa là trở thành xa xỉ. Đâu lẽ nào những người biết sống cần kiệm với bốn nhu cầu ấy rồi mà vẫn cảm thấy mình hãy có gì thiếu thốn trong cuộc sống?
Đoạn 124: Pháp sư Zeho không hỗ danh Tịnh Độ Tông
Pháp sư Zeho [629] thuộc tông Tịnh Độ là người về mặt học vấn không hề thua kém ai, thế nhưng ông không bao giờ làm ra vẻ học giả. Thường ngày chỉ niệm Phật và sống đời thanh nhàn an lạc. Thật đáng ngưỡng mộ.
Đoạn 125: Người chết 49 ngày
Có người quá cố, đến bữa lễ cầu siêu khi mãn 7 tuần, gia đình mới mời một nhà sư đến làm pháp sự. Lời thuyết pháp quá cảm động khiến mọi người không cầm được giọt lệ. Đến lúc nhà sư ra về, trong đám người đi nghe có kẻ cảm thán:
_ – Hôm nay lời thuyết pháp đặc biệt nghe hay hơn mọi lần._
Trước lời nói đó, có kẻ khác đáp lại:
_ – Dù sao, (hình dáng ông ta) giống con chó bên Tàu_ [630] như thế thì được kính sợ là chuyện dĩ nhiên!
Không khí bỗng dưng tẻ nhạt và mọi người đều buồn cười thấy anh chàng phát biểu kỳ cục. Ai đời lại có lối khen ngợi người thuyết pháp như thế à?
Lại nữa, cũng cái người đó đã có lần lên tiếng:
_ – Khi mời rượu ai, thường mình uống trước rồi mới thử ép người ta uống theo. Việc này giống như xách kiếm hai lưỡi đi chém người vậy. Lưỡi kiếm ấy vốn hai mặt đều bén. Khi tuốt kiếm đưa lên trước tiên là chém nhằm cổ mình cho nên không chém được cổ người khác. Cũng như mình say trước lăn ra ngủ khò thì làm sao mời được người khác uống rượu…_
Cái anh chàng vừa biện luận như trên thực tế đã vung kiếm chém thử ai chưa nhỉ? Ăn nói sao mà tếu thế! [631]
Đoạn 126: Kẻ thua bạc đậm
Có người bảo thế này:
_ – Đối với kẻ đã bị thua đậm trong khi đánh bạc và đang dồn hết vốn liếng để đánh một tiếng cuối ăn lấy cả ngã về không thì chớ nên làm đối thủ của anh ta. Phải biết rằng từ lúc này trở đi, anh ta sẽ thắng liên tiếp cho coi. Người biết lúc nào thời vận xoay chiều mới là dân cờ bạc lành nghề._ [632]
Đoạn 127: Sự sửa đổi vô ích
Nếu sửa đổi mà không đem lại lợi ích thì không cần sửa đổi. [633]
Đoạn 128: Quan Dainagon Masafusa, con người học thức
Ông Masafusa [634], làm quan chức Dainagon, là người học thức sâu rộng, nhân cách đáng kính. Thái thượng hoàng [635] định bổ nhiệm ông vào chức đại tướng chỉ huy quân cấm vệ [636] Lúc đó một cận thần của ngài mới tâu:
_ – Gần đây thôi, thần trông thấy một cảnh tượng kinh hãi lắm!_
Khi ngài hỏi:
_ – Chuyện gì thế?_
Thì người ấy thưa rằng:
_ – Qua khe hàng dậu nhà ông ấy, thần chứng kiến cảnh ông ta chặt chân một con chó đang sống nhăn để làm mồi nuôi chim ưng._
Ngài lấy làm ghê tởm nên từ đó xa lánh và ghét bỏ Masafusa. Vì làm cho nhà vua thay đổi thái độ về mình nên sự thăng quan tiến chức của Masafusa không phấn phát được.
Một người có chức tước cao như Masafusa mà nuôi chim ưng hầu như là chuyện hiển nhiên chứ cái tin chặt chân chó thì vô căn cứ. Masafusa là nạn nhân của lời dèm pha ấy nhưng nghe chuyện (cư xử tàn nhẫn với súc vật) trên mà đâm ra ghét bỏ ông thì tấm lòng của thái thượng hoàng quả thật đáng tôn kính [637].
Nhìn chung, những ai giết hại sinh vật, gây thương tích cho chúng hay bắt chúng giao đấu với nhau để mua lấy sự vui thích khoái trá nào có khác gì lũ súc sinh [638] tàn hại lẫn nhau. Nếu ta chú tâm quan sát lối sống của tất cả các giống chim muông cho đến các loài nhỏ nhặt như côn trùng, ta sẽ thấy chúng cũng thương con cái, muốn gần cha mẹ, quây quần vợ chồng, và cũng ghen tị, giận dữ, tham lam, sợ hãi cho tính mệnh còn hơn cả loài người bởi vì chúng kém trí khôn so với ta. Bây giờ mà còn gieo khổ cho chúng, cướp đoạt sự sống của chúng thì nhất định là điều quá nhẫn tâm.
Cho nên những ai đứng trước một sinh vật dù là giống nào [639] mà không có chút lòng trắc ẩn thì không đáng mặt làm người [640].
Đoạn 129: Ước nguyện của thầy Nhan Hồi
Nhan Hồi [641] có tín điều là không gây điều gì phiền hà [642] đến người khác. Nói chung, đó là không làm cho họ khổ sở, không hành hạ họ, không tước đoạt những niềm hy vọng của họ, ngay cả đối với những người hèn kém nhất [643]
Ngoài ra, ở đời người ta thường thích thú lừa dối, hăm dọa, chế giễu được trẻ thơ. Đối với người lớn thì họ hiểu ấy là đùa chơi thôi nên dễ dàng bỏ qua. Trẻ em thì không thế, những sự sợ hãi, hổ thẹn và buồn khổ đó sẽ hằn dấu sâu sắc trong tấm lòng ngây thơ của chúng. Những ai khoái trá khi gây phiền não cho lũ trẻ là kẻ chẳng có chút tâm từ bi.
Còn người ở tuổi trưởng thành thì hầu như đều xem những huyển tưởng mê lầm ví dụ hỷ, nộ, ai, lạc như là hiện thực. Do đó, việc làm tổn thương cái tâm, đối với con người, còn tệ hơn là tổn thương thân xác. Nhiều chứng bệnh bắt nguồn từ trong tâm. Bệnh đến từ bệnh ngoài dẫu có nhưng không bao nhiêu. Khi ta uống thuốc để mong cho đổ mồ hôi thường ít thấy hiệu quả nhưng bất chợt mắc cỡ hay khiếp hãi thì nhất định người sẽ xuất hạn dầm dề [644] Phải nhận thức rằng chính cái tâm ta đã điều khiển việc đó. Xưa có truyền lại chuyện người leo lên Lăng Vân Quán [645] để viết bức hoành phi, vì quá sợ hãi nên khi xuống thì tóc đã bạc trắng cả.
Đoạn 130: Chớ có tranh giành
Đừng tranh giành gì với ai, hãy chịu thiệt và thuận theo người. Mình cứ đi sau, nhường cho người vượt qua trước [646]
Trong tất cả các trò chơi có tính cách ăn thua, kẻ chuộng sự thắng phụ thường làm tất cả để đoạt được niềm vui chiến thắng. Họ vui vẻ khi ngón nghề của mình vượt qua đối thủ. Cho nên không có gì đáng làm lạ khi họ bực bội lúc thua cuộc.
Nếu nghĩ rằng sự thất bại của mình sẽ làm cho đối thủ sung sướng thì làm gì tìm thấy niềm vui trong trò chơi cho được. Cũng vậy, thỏa mãn tự ái của mình trong sự tiếc hận của người khác là đi ngược với đạo lý. Khi chơi đùa cùng bạn bè đồng lứa thân thiết, có lúc ta khoái chí vì đánh lừa được người và chứng tỏ trí khôn của mình trội hơn họ. Hành động như thế là vô lễ. Đã có bao nhiêu ví dụ chứng tỏ trong các buổi yến tiệc, lời nói vui đùa đã trở thành đầu mối cho hận thù dai dẳng. Tệ hại này hầu hết đều do cái lòng thích tranh giành gây ra.
Nếu muốn trội hơn người, hãy nghĩ rằng chỉ vượt hơn người khác bằng tri thức của mình bằng con đường học tập. Còn người đi tìm lẽ đạo thì phải giác ngộ một điều, đó là không đem khoe sở trường, không tranh đua với bạn bè của mình. Chỉ có năng lực tri thức qua tu học mới giúp ta có can đảm lấy quyết định rời khỏi những chức vụ quan trọng hay vứt bỏ mọi thứ lợi lộc.
Đoạn 131: Người nghèo đem của tặng
Người nghèo khi muốn đền ơn ai thì đem của cải tặng người, người già khi muốn đền ơn, đem sức lực giúp người [647] và cho đó là lễ nghĩa.
Tuy nhiên, nếu khôn ngoan họ phải tự lượng sức mình và ngừng ngay khi cảm thấy không đủ năng lực. Nếu kẻ nhận không hiểu cho (việc người tặng hay giúp vì sao phải ngừng) thì đó là điều sai lầm của người (nhận) ấy. Còn như không phân biệt hơn thiệt mà cứ tận tụy (tặng / giúp) cho bằng được thì đó là lỗi của người đi tặng hay giúp vậy.
Đã nghèo mà nếu không hiểu điều đó sẽ sinh ra trộm cắp. Già mà không hiểu điều đó, sẽ mất sức, đau ốm.
Đoạn 132: Con đường mới Toba
Cái tên Con đường mới Toba [648] không chỉ có từ khi điện Toba [649] mới được xây xong mà có từ xưa rồi. Lý do là nó đã được nhắc đến trong nhật ký của ngài Rihoo [650] qua ký sự ghi lại việc lời tâu chúc mừng năm mới vào dịp tết Nguyên Đán của hoàng tử Motoyoshi [651] có âm hưởng quá hùng tráng đến nỗi từ điện Daigoku (Thái Cực Điện, nơi quần thần hành lễ) cho đến Con đường mới Toba ai ai cũng nghe được cả [652]
Đoạn 133: Hướng gối đầu ban đêm trong cung
Trong cung, có tập quán đặt chỗ gối đầu của thiên hoàng hướng về phía đông. Thường thường, nếu gối đầu phía đông sẽ nhận được khí dương [653] nên đó là điều tốt. Đức Khổng Tử khi ngủ cũng quay đầu về hướng đông [654] Phòng ngủ trong gian chính mọi ngôi nhà cũng được thiết kế sao cho chỗ gối đầu hướng về phía đông hoặc phía nam. Thái thượng hoàng Shirakawa khi ngủ đầu quay về hướng bắc [655]. Có người mới tâu lên:
_ – Đó là chuyện chẳng lành bởi vì Đại Thần Cung Ise (tôn miếu của hoàng gia) [656] nằm ở hướng nam. Hoàng thượng lại đặt chân về hướng đó, hỏi xem có được không?_
Có điều là khi bái vọng Đại Thần Cung thì hướng về phía đông nam chứ không phải phía nam (cho nên bảo thế cũng không hẳn đúng).
Đoạn 134: Tăng quan tu ở Pháp Hoa Đường
Có một tăng quan họ Mỗ chức Risshi [657], chuyên tâm tu niệm ở Pháp Hoa Tam Muội Đường trong chùa Seiganji, nơi còn gọi là viện Takakura [658] Một hôm, cầm kính lên săm soi ngắm nghía mặt mình, thấy nó quá đỗi xấu xí không sao thương được, đến nỗi ngán ngẩm cả cái hình ảnh in trên mặt kính. Sau đó, sợ cả kính, chẳng bao giờ cầm trên tay và không hề ló mặt gặp ai nữa.
Ngoại trừ việc tu niệm nghiêm cẩn ở Pháp Hoa Đường, suốt ngày cứ đóng kín cửa nằm trong phòng. Thật là một chuyện lạ lùng hiếm có.
Ngay cả người hiền đức nhiều khi cũng chỉ xét đoán kẻ khác và không hiểu về chính mình. Không hiểu về mình mà nghĩ là hiểu được người khác là chuyện không hợp lý. Cho nên người hiểu về mình mới là kẻ thấu hiểu đạo lý của sự vật.
Con người bình thường đâu biết mặt mày mình xấu xa, bụng dạ mình u tối, tài nghề mình vụng về, địa vị xã hội mình thấp kém, tuổi tác mình già nua, thân xác mình đã bị bệnh tật đục khoét, đời mình gần đất xa trời, đường tu mình chưa vẹn. Không rõ về những khuyết điểm của chính mình thì làm sao rõ được về những gì người ta bình phẩm về mình.
Tuy nhiên, trong những chuyện kể trên thì dung mạo là cái người ta có thể thấy được trên mặt kính. Tuổi tác nếu tính toán cũng sẽ rõ. Do đó, không thể nói là ta hoàn toàn không biết gì về mình. Biết mà không biết xử trí làm sao thì có khác gì không biết. Ta không muốn bảo cố giữ cho nguyên dung mạo và xoay ngược tuổi tác để mãi mãi trẻ trung (là những điều phi lý). (Ta chỉ hỏi) nếu biết tài sơ trí thiển sao không chịu rút lui, nếu biết tuổi tác già nua, tại sao không kiếm cách sống an nhàn để thân thể được nghỉ ngơi, nếu biết công đức tu hành chưa đủ, sao không xem đó như là điều cần phản tỉnh?
Nếu giao du với thiên hạ mà đều bị mọi người ghét bỏ thì đó là điều đáng hổ thẹn. Mặt mũi đã xấu xí, tài năng lại chẳng có gì mà vào chốn quan trường, học thức không ra gì mà giao du với người bác học, tài nghề thô vụng mà ngồi cùng chiếu với người thành thạo, tóc đã bạc màu mà lại đua đòi với bọn trai tráng. Nào có thế thôi đâu, mơ ước những gì sức không với tới, khổ não vì những gì mình làm không nổi, chờ đợi việc chưa hề ra tay thực hiện được, lúc thì oán ghét, lúc lại xu phụ người. Những hành động đó không chuốc lấy những điều hổ thẹn từ phía người khác mà sự hổ thẹn mình tự cảm thấy vì đã để cho dục vọng lôi cuốn. Và nếu con người hãy còn đuổi theo những dục vọng như thế chỉ vì họ không tự giác rằng ở cuối đoạn đường trước mặt, cái chết, điều trọng đại hơn cả, đang chờ sẵn! [659]
Đoạn 135: Người gọi là ngài Suke Suke, Dainagon đã xuất gia
Người được gọi là ngài Suke Suke [660], chức Dainagon đã xuất gia có lần nói với ngài Tomouji no Saisho [661], tướng lãnh trong đội lính cấm vệ:
_ – Cỡ như những câu hỏi ngài đặt ra thì câu nào Suke Suke này chắc chắn cũng giải đáp được cả!_
Tomoji lúc ấy mới bảo:
_ – Thế à! Thật không đấy ngài?_
_ – Cứ việc hỏi thử đi!_ Suke Suke khuyến khích.
Tomouji bèn nói:
_ – Tôi học hành không đến nơi đến chốn nên không dám hỏi gì ngài. Cũng không có điều gì để phát biểu. Tôi chỉ xin ngài giải thích về tôi đôi điều không đáng kể người ta nói mà tôi không sao nắm được nội dung._
Chức Dainagon đã xuất gia lại bảo:
_ – Nếu chuyện thường thức, không sâu xa gì thì lại càng dễ nữa. Chớ ngần ngại, ta sẽ giải thích cho tất!_
Những người hầu cận trong cung và bọn nữ quan nghe thế, tán thưởng:
_ – Cuộc thảo luận của các ông coi bộ thú vị. Sao không đem tới trước mặt thái thượng hoàng [662](để ngài làm trọng tài). Người nào thua phải khao một bữa._
Thế rồi, cả bọn quyết định đưa nhau tới trước mặt thái thượng hoàng. Tomouji đặt câu hỏi:
_ – Từ bé tôi thường nghe một câu mà đến này vẫn không tài nào hiểu nỗi người ta muốn nói gì. Nó như thế này: Mu Ma No Ki Tsu Ri Ya U Ki Tsu Ni No Wo Ka Na Ka Na Ka Ku Bo Re I Ri Ku Ren Do U [663]. Xin ngài vui lòng giải thích._
Quan Dainagon đã xuất gia chợt cứng họng:
_ – Ô, mấy câu đó chẳng có nghĩa lý gì ráo, hơi đâu mất công giải thích._
Tomouji bảo:
_ – Nguyên lai, tôi không hiểu nổi những câu nói hàm súc sâu xa, nên đã ước hẹn với ngài chỉ hỏi những câu chẳng có ý nghĩa gì hết._
Vì vậy, quan Dainagon đã xuất gia bị thua và phải chịu phạt, đành sắm một bữa tiệc thật to chiêu đãi mọi người.
Đoạn 136: Y sĩ Matsushige
Người thầy thuốc tên Matsushige [664] khi vào vấn an cố pháp hoàng [665](thái thượng hoàng xuất gia và nay đã qua đời) gặp lúc người ta sắp dọn cơm cho ngài dùng nên ông ta mới tâu:
_ – Những món ăn người ta đang dọn ra ở đây, nếu thánh thượng hạ cố hỏi đến danh xưng, cách viết cũng như tính năng công dụng của chúng thì kẻ hạ thần sẽ xin thưa ngay mà chẳng cần phải tra cứu ở đâu cả. Và sau đó nếu thánh thượng tham chiếu các sách vở về dược thảo sẽ thấy hạ thần không hề sai một lỗi._
Lúc đó có quan nội đại thần Rokujo Akifusa, bây giờ cũng đã quá cố, lâu lâu cũng vào chầu mới bảo:
_ – Đây cũng là dịp may để Akifusa tôi được mở tầm mắt!_
Rồi bắt đầu hỏi:
_ – Thưa ông, thế thì chữ Hán_ diêm là muối thì viết với bộ thủ nào?
Matsushige trả lời:
_ – Thưa viết với bộ_ thổ._ [666]
Nội đại thần bình phẩm:
_ – Học thức của ông đến đâu, trả lời như thế tôi đã đủ hiểu rồi. Thôi được, ngoài câu hỏi vừa rồi tôi chẳng có gì để muốn biết thêm._
Mọi người có mặt nghe thế đều cười ồ.
Đoạn 137: Anh đào mãn khai và trăng rằm không gợn bóng mây [667]
Có phải ta chỉ nên ngắm anh đào lúc hoa mãn khai hay ngắm vầng trăng rằm lúc ánh sáng không có gì che khuất [668]? Những kẻ thấy vầng trăng dễ thương sau màn mưa che [669] hay những kẻ đóng kín cửa nằm trong căn nhà hẹp [670], không hay bên ngoài mùa xuân đang đi qua, vì không trực tiếp ngắm trăng với hoa ấy, nên mới có mối cảm hoài sâu sắc. Trên ngọn cây hoa đang độ nở [671], và chẳng bao lâu sau, khi hoa kia héo rụng tả tơi trong sân [672], mới chính là những lúc đáng xem.
Trong các thi tập waka, có lẽ nào những bài mang chủ đề _ Khi muốn thưởng hoa thì đã thấy hoa tơi tả mất rồi _ hay _ Vì có việc ngăn trở, không đi ngắm hoa được ,_ lại thua kém về mặt thi vị nếu đem so sánh với chủ đề _ xem hoa _ không thôi? Thông thường con người ta chỉ thấy tiếc thương khi thấy hoa rơi lả tả hay trăng ngả về tây [673] Đó là một tình cảm tự nhiên. Dường như chỉ có những tâm hồn hết sức trần tục mới nói ra những câu như:
_ – Cành nọ cành kia hoa đều rụng hết cả rồi, thôi còn có gì để đáng ngắm nữa!_
Muôn sự muôn vật nếu đáng cho ta lưu tâm là vì chúng có lúc bắt đầu và khi chấm dứt. Chuyện tình cảm giữa nam nữ [674] cũng vậy, không phải mỗi lúc gặp gỡ và hẹn thề với nhau là có ý nghĩa. Đau khổ vì mộng không thành, phải tan vỡ đoạn tuyệt, than thở cho lời ai đó giao ước không thành thực, trong đêm thu một mình vò vỏ tưởng nhớ người yêu đang ở phương trời xa xôi, muốn đi tìm cái chết bên nhau, trở lại mái tranh xưa là chỗ hẹn hò nay là nơi hoang vắng để hoài niệm bóng người xưa… những ai mang tâm sự như thế mới đáng gọi là nòi tình.
Ngắm một vầng trăng tròn vằng vặc không một gợn mây tỏa ra đến ngoài ngàn dặm [675] không thú vị bằng nhìn một vầng trăng mới hé lộ ra khi về sáng [676] sau khi ta đã đợi chờ mãi. Nó càng có thêm thi vị nếu là bóng trăng vương một màu xanh lạnh lẽo trong núi sâu và ta thấy lấp ló trên đỉnh những ngọn tuyết tùng sắp thành hàng, hay là một vầng trăng nấp trong mây lúc có một trận mưa rào bất chợt đi qua [677]. Những lúc ánh trăng xanh soi ướt át trên tàng lá xanh tốt của rặng hồ đào hay sồi trắng, nó như thấm tận hồn ta. Lúc đó, ta thấy nhớ kinh đô khôn tả và muốn tìm về người bạn tâm đầu vẫn thường chia sẻ những cảm xúc với mình.
Chẳng lẽ hoa và nguyệt là những cái ta chỉ có thể nhìn bằng đôi mắt? Không ra khỏi nhà, đóng kín cửa phòng thì sự tưởng tượng, miêu tả trong đầu về cảnh sắc mùa xuân hay một đêm trăng sáng mới đạt đến cực ý. Con người đàng hoàng không bao giờ buông thả trong đam mê mà dẫu có thừa hứng thì chỉ là cái hứng thanh đạm. Còn anh nhà quê [678] thưởng thức cái gì cũng thô bạo. Vẹt mọi người xăm xăm đến dưới gốc hoa, anh ta sẽ đực mặt nhìn hoa không chớp, uống rượu, hè nhau ngâm thơ renga, rồi khi cao hứng, bẻ bừa mấy cành hoa lớn tha đi. Khi muốn có chút hơi mát thì vọc tay vọc chân dưới suối, lúc đi ngắm tuyết thì cố gắng đạp lên trên tuyết để in lại dấu chân [679]. Bất kỳ trường hợp nào, không bao giờ thấy anh ta giữ được một khoảng cách trong việc thưởng thức.
Hạng người như thế mà đi xem hội Kamo [680] thì tạo ra những cảnh tượng thật hiếm có. Họ ăn nói kiểu như Đám rước đi gì mà chậm như rùa! Có đợi trên khán đài [681] cũng vô ích!
Thế rồi họ đặt vài người ở lại đó để trông chừng, còn mình thì bỏ vào mấy căn phòng cất tít bên trong, hết ăn đến uống đến chơi cờ vây, song lục [682] Khi người canh hô lên:
_ – Đám rước tới rồi!_
Thì tất cả mới chen lấn leo lên khán đài, từ đằng sau mành nhô đầu ra để xem cho thật tỏ tường, không bỏ sót mục nào, nên xô đẩy nhau thiếu điều rơi xuống. Lần nào thấy được cái gì cứ:
_ – Ô kìa! Ê, kìa!_
Nhặng xị rồi khi đám rước đã đi qua, lại tụt xuống đi vào và bảo với nhau:
_ – Để đám rước sau đến, hẳng xem!_
Hỏi những kẻ như thế có thực bụng chỉ có mục đích đi coi đám rước hay không?
Khác với họ, dân ở kinh đô, đặc biệt là những người thanh lịch, cứ lim dim chứ không bao giờ nhướng mắt nhìn cho thật rõ. Những người trẻ và địa vị còn thấp [683] thì mãi bận bịu phục vụ chủ mình hay đứng nghiêm chỉnh hầu sau lưng họ thì không thể nào có cảnh cố tình nhoài ra bên ngoài để xem lấy được.
Trong ngày lễ hội, không khí như đượm một màu thanh nhã vì không chỗ nào mà không giắt những chùm lá cẩm quỳ [684] Khi trời còn chưa hửng sáng, ta thấy đó đây có những chiếc xe ngự do bò kéo âm thầm tụ tập [685], tự hỏi chủ nhân của chúng là ai và cứ suy đoán có phải vị này hay vị kia nên cứ phải để mắt xem mình có biết mặt anh dắt bò này, người hầu kia không. Nhìn những cỗ xe trang trí phong nhã hoặc hoa lệ muôn màu muôn vẻ đi qua đi lại, ta không hề biết chán.
Khi chiều xuống, (hội tan), đoàn xe đông đảo đứng đậu ven đường và đoàn người đứng xếp hàng không chừa lấy một chỗ trống rồi cũng tản đi đâu mất, chẳng mấy chốc thưa thớt cả. Lúc đường không kẹt xe nữa, những tấm rèm và chiếu ngồi (trên khán đài) cũng được cuốn gỡ mang đi, quang cảnh ngày hội nhìn trước nhìn sau đã trở nên vắng vẻ. Lúc đó, ta mới thấm thía tất cả cái phù du của cuộc đời. Nhìn quang cảnh (tụ tan) trên đại lộ diễn ra trước mắt mới thấy thực sự là cảnh hội hè [686].
Trong đám đông đi qua đi lại trước khán đài, ta nhận thấy có nhiều khuôn mặt quen thuộc, rốt cục hiểu rằng, ở trên đời, nhân số cũng không đến đổi nhiều lắm. Cho dù bọn họ chết đi cả rồi mới đến lượt ta thì cái ngày ta phải chết ắt cũng chẳng phải đợi lâu đâu. Cũng giống như trong một vại chứa nước, nếu ta đục một cái lỗ nhỏ thôi và lượng nước thoát ra từ đó chẳng là bao đi nữa, nếu nó cứ bị dò như thế, nhất định chẳng bao lâu vại sẽ cạn khô [687]. Trong chốn kinh đô, với dân số như thế này, làm gì mà có ngày nào không người chết. Hơn nữa, mỗi ngày đâu chỉ giới hạn trong vòng một, hai người mà thôi. Cánh đồng Toribe, ngọn núi Funaoka [688] và những nơi núi đồng khác nữa, ngày đưa xác người nhiều thì không thiếu, mà chưa hề có ngày nào ngơi việc đi đưa. Cho nên, kẻ bán áo quan không bao giờ có một cỗ thừa. Cái chết không thể dự đoán trước cho dù đó là kẻ trẻ trung hay mạnh mẽ. Sống được cho đến ngày hôm nay có thể xem như là một phép lạ quý hóa rồi. Nếu cứ nghĩ như thế thì có lẽ ta không bao giờ có được giây phút sống mà đầu óc thảnh thơi.
Nếu ta thử chơi trò mamagodate [689] với những quân cờ sugoroku (song lục), lúc dàn quân ra thì không biết quân nào sẽ bị bắt đi trước. Tính một lúc ta sẽ rơi trúng một quân và rút nó ra khỏi bàn cờ. Những quân khác tưởng là thoát nạn nhưng nếu ta lại tính tiếp thì ta sẽ dần dần loại bớt từng quân một cho đến khi không còn quân nào sót lại. Cái chết cũng đến với con người cùng một kiểu như vậy.
Người võ sĩ lên đường đánh giặc biết cái chết sát bên mình, quên cả gia đình lẫn bản thân. Người lánh cõi trần, quay lưng lại cuộc đời, gửi thân nơi am cỏ, vui thú với giòng suối nhỏ và những hòn đá trong vườn, tưởng là cái chết ngoài chiến trường chẳng dính líu gì đến mình. Lầm cả! Cho dầu ở giữa núi sâu thanh vắng, kẻ địch có cái tên là vô thường (cái chết) vẫn có thể tấn công như không. Trên quan điểm đối đầu với cái chết thì giữa kẻ lánh đời và người võ sĩ giữa chiến trường nào có khác gì nhau [690]!
Có phải ta chỉ nên ngắm anh đào lúc hoa mãn khai?
Đoạn 138: Lễ hội qua rồi, đồ trưng bày thành vô dụng
Có người bảo:
_ – Hội (Kamo) đã qua rồi_ [691],_ những cành cẩm quỳ_ [692] (aoi) dùng trong ngày ấy bây giờ không còn được việc nữa.
Rồi gỡ tất cả những chùm lá đang trang hoàng trên mấy tấm rèm. Ta thấy cử chỉ hơi thiếu nho nhã nhưng người làm việc ấy là kẻ có nhân cách nên bèn nghĩ chắc cách xử sự đó phải có lý do.
Thế nhưng bà Suô [693], chức nội thị hầu trong cung, khi thấy những nhánh lá quỳ khô héo vẫn còn treo trên rèm cửa của gian chính trong tẩm điện, có vịnh câu thơ sau trong tập thơ riêng của mình:
Kakuredomo,
Kain Kimono wa,
Morotomo ni,
Mizu no aoi no,
Kareha nari keri. [694]
Không một lần cùng ngắm,
Hoài công ta đem treo,
Chùm lá quỳ trên rèm,
Thôi đành để tàn héo.
Bên lề một bài thơ xưa, thấy có viết: Bài thơ để tặng người, xin buộc lại bằng một chùm quỳ héo. [695]
Trong tập tùy bút Makura no Soshi (Ghi nhanh bên gối của bà Sei Shonagon) cũng có câu: Một trong những vật gợi nhớ những tháng ngày xa xăm là chùm lá quỳ khô héo.
Thật là một sự trùng hợp lý thú. Lại nữa, sa di Kamo no Chomei từng viết trong Shisetsu Monogatari [696](Truyện kể về bốn mùa) (về bà Izumi Shikibu) rằng: Đằng sau rèm, chùm lá quỳ vẫn còn đó khi ngày hội đã đi qua. (Nghĩa bóng: Sau bức rèm, em vẫn đợi chờ ngày gặp lại anh). Ngay cả một chùm lá quỳ tự nhiên tàn héo còn để lại tiếc thương, huống chi gỡ nó đi mà vứt sao đành!
Trong trướng ở tẩm điện, những đãy hương [697] treo từ hồi mồng năm tháng năm (tiết Đoan Ngọ) sang đến ngày mồng chín tháng chín (tiết Trùng Dương) mới được thay bằng hoa cúc, cho nên người ta phải giữ hoa xương bồ (ayame) vẫn treo kèm đãy hương cho đến mùa hoa cúc. Khi hoàng thái hậu Biwa [698] khuất núi, trong trướng cũ nơi ngài ngự vẫn còn thấy theo hoa xương bồ héo khô bên các đàn hương. Bà vú em họ Ben [699] cảm thương mới làm câu thơ
Ori naranu ne wo,
Nao so taketsuru.
Nhìn chùm hoa trái mùa,
Vẫn còn treo nơi đó. [700]
Lúc đó có bà thị tùng họ Gô [701] mới tiếp lời:
Ayame no kusa wa
Arinagara.
Xương bồ một nhánh cỏ,
Vẫn treo (cùng dãy hương). [702]
Đoạn 139: Những loại cây ta thích trồng
Những loại cây ta thích trồng trong nhà là tùng và anh đào. Giống tùng năm cánh cũng được đi! Anh đào thì hoa cánh đơn là tốt. Loại anh đào kép hoa xếp nhiều tầng xưa chỉ thấy ở cố đô Nara thôi nhưng gần đây hình như lan ra khắp nơi. Anh đào (nổi tiếng đẹp) ở vùng Yoshino [703] và ở Sakon [704] đều là loại hoa cánh đơn cả. Anh đào cánh kép là giống đã biến thái, nó rườm rà và điệu bộ quá [705], hơi đâu mà trồng! Loại anh đào nở muộn lại làm ta mất hứng. Trông thấy nó đầy sâu róm mà phát ớn.
Hoa mơ phải là loại trắng nhưng ơi nhuốm hồng chút xíu cũng được. Loại mơ (trắng) cánh đơn nở sớm hơn cả và loại mơ cánh kép màu đỏ có hương thật thơm, đối với ta cả hai đều hấp dẫn. Loại mơ muộn nở một lượt với anh đào nên không lôi cuốn được sự chú ý của mọi người. Bị anh đào (bên cạnh) áp đảo, cành hoa mơ muộn thấy như mất hết sinh khí, trông thật tội nghiệp. Như lời ngài Kyogoku [706], chức Chuunagon, đã xuất gia, có nói:
_ – Ta thích loại mơ cánh đơn vì nở trước rồi tàn trước nên nó là loại hoa chân thực dễ thương._
Và y như lời, ông đã cho trồng loại mơ hoa cánh đơn bên hiên nhà. Phía nam phủ Kyogoku của ông ngày nay hình như vẫn còn thấy có hai cây.
Ta cũng thích vẻ đẹp của liễu nữa. Cây phong non khoảng tháng tư cũng đáng yêu.
Những đọt phong non [707] lúc này còn đẹp hơn mọi thứ hoa, cả lá đỏ của nó lúc vào thu. Các loại cây như quýt hay quế thì cội phải già và khá to mới đẹp.
Về các loại hoa thân thảo ta thích có hoa chùm vàng (yamabuki), đậu tía (tử đằng, fuji), đuôi diều (kakitsubata), cẩm chướng (nadeshiko). Trên hồ thì nên trồng sen (hatsu). Cỏ mùa thu phải kể đến sậy (ogi), lau (suzuki), cây hoa chuông (kiết cánh, kikyo), cây tử đinh hương (hagi), cây nữ lang (ominaeshi), cây cỏ lào (fujibakama), cây cúc sao (tử uyển, shion), địa du (waremoKo), sậy tua (karukaya), long đảm (rindô), cúc (kiku) [708] Cúc vàng cũng tốt. Dây thường xuân (tsuta), sắn dây (kuzu), bìm leo (asagao) hay những loại nào thân không cao quá, không leo chiếm hết chỗ trên một hàng đậu nhỏ nhắn là trồng được cả. Ngoài ra những thứ cây cỏ hiếm có hay đem qua từ tận bên Tàu [709], không những mang toàn tên khó hiểu mà lại chẳng đơm hoa, thì ta không mấy khoái.
Nói chung, cái gì cũng vậy, những kẻ hạ cấp và đần độn rất nhanh tay lẹ chân khi thấy có những món đồ gọi là hiếm có. Những thức đó, ta thì thà chẳng có còn hơn.
Những loại cây ta thích có trong vườn là tùng và anh đào.
Đoạn 140: Chết đi và để của lại
Bậc trí giả không làm những chuyện như để lại của cải sau khi chết. Chắt chiu những thứ nhỏ nhặt đã là điều không nên làm (con cháu sẽ cười cho) mà để dành đồ quý báu thì họ lại tội nghiệp cho mình vì gắn bó với các thứ đó (mà nay không còn được hưởng). Nhưng cái đáng tiếc hơn cả là để lại quá nhiều của cải. Sau khi người ấy chết sẽ có những kẻ (thừa kế) tranh giành:
_ – Cái này cái nọ phần tôi! rồi sinh ra lắm chuyện khó coi. Nếu có quyết tâm để lại cho ai một vật gì sau khi chết thì hãy cho ngay lúc mình còn sống. Một vài món đồ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày thì được nhưng ngoài chúng ra, không nên có của cải chi hết._ [710]
Đoạn 141: Thượng nhân Gyoren ở viện Hiden
Thượng nhân Gyoren ở viện Hidden (Hiden – in, cơ sở chuyên về cứu tế) [711] vốn người họ Mỗ quê vùng Miura, giỏi võ thuật chẳng ai sánh kịp. Một hôm, có người cùng quê lên chơi và trong lúc vui chuyện, bảo:
_ – Người Kantô (miền Đông) nói gì còn có thể tin chứ dân kinh đô chỉ đầu môi chót lưỡi. Hứa thì hứa đấy nhưng bụng chẳng thành thực._
Trước nhận xét đó, ngài Gyoren giải thích:
_ – Ông có quyền nghĩ như thế nhưng ở kinh đô đã lâu, gần gũi thân thiết với họ, tôi thấy họ không tệ đến thế đâu. Người kinh đô nói chung hòa nhã và có tình lắm. Cho nên đối với những ai đã dám mở miệng ra nhờ vả một điều gì, họ không thể nào từ chối thẳng tay. Vì không thể nói toàn những điều gì mình muốn nói, họ đành ậm ừ chấp thuận cho xong. Tuy không cố ý đánh lừa người đối thoại nhưng vì phần đông không giàu có gì_ [712] nên muốn giúp ai cũng không giúp nổi. Tự nhiên, họ hóa ra không thực hiện thiện chí có trước kia là muốn giúp người khác. Còn người Kantô, tuy là chỗ đồng hương với (ông và) tôi đấy, nhưng thật tình đâu có tốt bụng, ăn ở không thiếu tình cảm! Họ chỉ là con nhà võ, ngay từ lúc đầu, nếu thấy điều yêu cầu không hợp lý là gạt phắt ngay nên mọi việc thành ra dứt khoát. Nhân vì thấy họ sống giàu có phong lưu nên rốt cục thiên hạ đâm nể vì tin tưởng đó thôi!
Ngài Gyoren này nói năng còn trọ trẹ giọng địa phương, cử chỉ thì thô vụng, ta tự hỏi không biết ngài có nắm rõ những đạo lý cao diệu trong kinh điển nhà Phật hay không, nhưng chỉ cần nghe lập luận một câu như thế là ta đã đem lòng kính phục. Số tăng lữ ở đó không ít nhưng người được chọn đứng ra điều khiển được một ngôi chùa (viện tế bần Hiden) như thế chắc cần có thêm một điều kiện là tấm lòng nhu nhuyễn (biết hiểu người khác) như thượng nhân Gyoren.
Đoạn 142: Tưởng là người chai đá
Có người mới thấy tưởng là kẻ thô lỗ, chai đá nhưng lại nói câu đầy ý nghĩa [713]
Một võ sĩ (samurai) nổi tiếng hung hãn kinh khiếp [714] quay sang nói với người bên cạnh:
_ – Bác có nhiều con không?_
Người kia trả lời:
_ – Thưa tôi không có cháu nào cả!_
Nghe thế, ông ta mới bảo:
_ – Như vậy bác không thể nào hiểu được những cái đáng yêu ở trên đời. Điều đáng sợ nhất là con người mình thiếu mất tình người đấy, bác ạ! Phải chi có con cái thì bác sẽ thấu hiểu muôn mặt của tình cảm con người._ [715]
Ta đồng cảm được với những điều ông ấy phát biểu. Nếu không có tình cảm ruột thịt, trong ông ta sẽ không nảy ra chút từ tâm nào cả. Người không hiếu kính với cha mẹ chỉ bắt đầu hiểu về đạo hiếu khi đến phiên mình có một đứa con [716].
Người đã lìa bỏ cuộc đời để sống cô độc góc biển chân trời, khi thấy những ai bận bịu vướng víu, đầy lòng ham muốn lo toan bao nhiêu thứ cho người khác, chắc chỉ biết khinh bỉ mà thôi. Thế là sai! Nếu nhà ẩn sĩ đặt mình vào vị trí người mà ông ta coi thường ấy, ông sẽ thấy rằng họ, vì tình thương đối với cha mẹ, vợ con là những người thân thương, sẵn sàng hứng chịu mọi sự hổ thẹn, ngay cả trở thành trộm cắp. Cho nên khi bắt được kẻ trộm, không chỉ bắt phạt chúng mà thôi nhưng phải thi hành chính trị để làm sao trong nước không còn có kẻ đói, người lạnh nữa mới được.
Con người nếu không có một cơ sở vật chất an định cho cuộc sống thống khổ của mình thì trong không thể nào bình tâm được [717]. Họ sẽ phạm tội trộm cắp khi cuộc sống đuổi theo bức bách [718]. Nếu nước hãy còn chưa trị, đời hãy còn thống khổ thì không có lý gì những kẻ phạm tội hết nhúng tay vào tội ác. Làm cho con người ta phải khổ, xô đẩy vào chỗ phạm pháp rồi lại trừng trị họ thì thật quá đáng.
Thế thì để trả lời câu hỏi phải làm cách nào để ơn huệ thấm nhuần đến người trong nước, nhà lãnh đạo phải biết kiệm ước, thương dân, thúc đẩy được nông nghiệp thì mọi người ở dưới chắc chắn sẽ có hạnh phúc. Những kẻ cơm no áo ấm mà còn đi phạm tội ác mới đáng gọi là đạo tặc vậy [719].
Đoạn 143: Phút lâm chung
Khi ta nghe có ai nói về phút lâm chung của một người nào đó là huy hoàng thì ta luôn nghĩ rằng nếu họ muốn nói người đó qua đời một cách thanh thản khỏi phải hấp hối khổ sở thì đã quý hóa lắm rồi. Kẻ ngu ngốc thường thêm thắt, kể lể về những cảnh tượng lạ lùng, những lời trối trăn và cử chỉ của người sắp chết rồi hướng nó cho phù hợp với ý mình để mà bày chuyện khen ngợi [720] Thực ra, khi người ấy còn sống, không thấy có những suy nghĩ hay hành động tương tự.
Phút lâm chung là thời điểm quan trọng mà ngay các bậc thần phật hóa thân làm người không thể đánh giá được mà các nhà bác học cũng khó tiên liệu [721] những gì sẽ xảy ra. Nếu bản thân người sắp chết (không làm gì quấy) để được ra đi một cách thanh thản thì đó là điều đáng mừng rồi. Nghe làm chi những điều tốt xấu người ta bảo rằng đã diễn ra trong phút lâm chung đó.
Đoạn 144: Truyện về thượng nhân Togano
Thượng nhân Togano (tức danh tăng Myoe [722]) trong lúc đang đi trên đường thấy có một gã đàn ông tắm ngựa dưới sông, miệng hô
_ – Ashi, ashi! Chân, chân, đâu!._
Ý giục con ngựa đưa chân ra để ông ta tắm cho.
Nghe thế, thượng nhân bèn ngừng lại và hỏi thăm:
_ – Ôi chu choa, sao mà quý hóa thế! Người này kiếp trước chắc có thiện căn, tu hành nhiều công đức lắm, bây giờ mới kết quả thành đạo đây. Ông đang niệm Aji, Aji!_ (Chữ A, tiếng Phạn có nghĩa là đầu mối của vạn vật) đó phải không? Con ngựa nhà ai đấy, sao mà quý hóa quá!
Gã đàn ông đó mới trả lời:
_ – Ngựa của ngài Fusho_ [723] đấy ạ!
– Ôi, thế thì càng quý hóa nữa. Ra ông muốn nói là Aji hon fusho (Vạn vật vốn bất sinh (bất diệt)) à? Sao mà ông lại được có nhân duyên với Phật pháp như thế nhỉ?
Truyện kể lại rằng trước cảnh đó, thượng nhân cảm kích đến rơi lệ.
Đoạn 145: Hata no Shigemi, người cận vệ trong cung
Hata no Shigemi [724], chức quan trong đội kỵ mã hộ tống trong cung, từng khuyên Shimotsuke No Shingan [725], một người đã xuất gia, trước kia cũng thuộc đội ngự lâm quân đóng ở dinh Bắc, chuyên hầu hạ Thái Thượng Hoàng:
_ – Ông là người có tướng lạc mã (té ngựa). Xin hết sức cẩn thận cho!_
Thế nhưng Shingan không để ý đến lời ấy lắm. Rốt cuộc, ông ta ngã ngựa chết. Mọi người đều xuýt xoa vì họ thấy hễ người nào đã nắm vững nghề nghiệp của mình thì nói ra lời nào lời nấy linh nghiệm như thần.
Lúc đó, có kẻ mới hỏi:
_ – Tướng lạc mã của ông ấy như thế nào?_
Shigemi trả lời:
_ – Đã không chịu ngồi thẳng thớm_ [726] trên yên mà lại thích cưỡi mấy con ngựa chứng, cho nên tôi mới nói ông ấy có tướng lạc mã. Quý vị thấy tôi có lầm bao giờ đâu! [727]
Đoạn 146: Tọa chủ Meiun và ông thầy tướng
Tọa chủ Meiyun [728] hỏi thăm ông thầy tướng [729] :
_ – Ông xem ta có tướng gặp tai nạn về đường đao kiếm hay không?_
Ông ta mới thưa:
_ – Bạch thầy, quả là thầy có cái tướng ấy đấy ạ!_
Tọa chủ lại hỏi:
_ – Thế cái tướng đó như thế nào?_
Ông thầy tướng mới bẩm:
_ – Ngài là người mà địa vị không có gì để phải lo sợ về đường đao kiếm mà cứ lại bị ám ảnh về chuyện đó đến nỗi đặt câu hỏi với tôi. Đấy chính là cái điềm báo trước ngài có thể bị nguy hiểm._
Quả như lời tiên đoán, về sau tọa chủ trúng phải một mũi tên lạc và mất.
Đoạn 147: Khi đốt ngải cứu lên nhiều chỗ quá
Gần đây thiên hạ bắt đầu loan tin rằng trị bệnh bằng ngải cứu mà đốt lá ấy ở nhiều chỗ quá thì sẽ để lại lắm vết, sinh ra ô uế không xứng đáng để làm việc thờ phượng chư thần. Thế nhưng có thấy chép việc đó trong các sách nói về luật lệ, nghi thức đâu! [730]
Đốt lá ngải cứu để chữa bệnh.
Đoạn 148: Việc châm cứu sau tuổi bốn mươi.
Sau tuổi bốn mươi [731], nếu ta không châm cứu với lá ngải huyệt tam lý [732] thì có khả năng sẽ bị bệnh xung huyết não (xây xẩm mặt mày). Châm cứu huyệt tam lý là điều nhất định phải làm.
Đoạn 149: Ngửi lộc hươu
Chớ nên đưa lộc hươu [733] lên mũi mà ngửi. Trong đó có loại sâu bé xíu, theo đường mũi đi lên sẽ ăn thủng óc [734]
Đoạn 150: Người muốn giỏi một nghệ thuật
Người muốn nắm vững một ngành nghệ thuật nào đó hay có khuynh hướng nói:
_ – Lúc còn chưa giỏi thì không nên cho thiên hạ biết chỗ yếu của mình làm gì. Âm thầm luyện tập cho đến thành thuộc đợi ngày ra trước công chúng, lúc đó thiên hạ mới tán thưởng cái tài của mình._
Tuy nhiên những kẻ ăn nói kiểu đó sẽ không bao giờ học một nghệ thuật cho đến nơi đến chốn. Những người nào trong lúc nghệ thuật của mình hãy còn non kém mà chịu khó chen chân vào đám người giỏi [735], phải nghe thiên hạ chê chỗ này, cười chỗ nọ nhưng không lấy đó làm phiền, kiên tâm đeo đuổi nhiều năm, cho dù không có khả năng thiên phú nhưng không bao giờ chịu bỏ dở nửa chừng, không nổi hứng làm theo ý mình thì sẽ vượt trội những người tuy có tài trời cho nhưng thiếu sự tập trung trong luyện tập. Theo được như thế, cuối cùng sẽ đạt đến độ cao diệu trong nghề, phát triển hết sở trường, được mọi người nhìn nhận và có tiếng tăm.
Cho dù là những bậc đại sư trong thiên hạ, lúc mới vào nghề vẫn thường bị coi là kẻ vụng về, và trên thực tế, họ cũng đầy khuyết điểm. Thế nhưng nếu tuân thủ một cách trung thực những quy phạm của nghề nghiệp, coi nó là quan trọng và không hề tách ra theo ý riêng như ngựa lồng thì đến lúc nào đó, họ sẽ có tiếng nói và trở thành vị thầy của muôn người.
Bất kỳ áp dụng vào lĩnh vực nghệ thuật nào, nguyên lý đó vẫn đúng.
Đoạn 151: Có người bảo khi đến tuổi năm mươi…
Theo ý kiến của một người thì nếu đến cái tuổi năm mươi [736] mà vẫn chưa thành thạo về một nghệ thuật nào đó thì phải vứt bỏ đừng theo nữa. Đến cái tuổi đó, cho dù năng nỗ học tập, ta cũng chẳng còn bao nhiêu thời giờ sót lại [737] Không ai cười người già vì làm không được việc đâu. Chỉ có người đã già mà còn đi lẫn vào trong đám trẻ để giao du thì mới khó coi vì không đúng chỗ.
Nhìn chung, khi đến cái tuổi năm mươi ấy rồi, phải dừng hết mọi công việc, sống cho thanh thản là cái điều đáng mong mỏi và đẹp mắt. Nếu vẫn còn bám víu vào thế tục cho đến cuối đời thì là kẻ ngu ngốc hết nói. Nếu có một điều gì mà mình muốn hỏi ai, thì cứ việc tìm hiểu về nó, nhưng nếu đã được giải tỏa những nghi vấn rồi thì ngừng là tốt. Hơn thế, từ lúc đầu, phải vứt bỏ những lòng ham muốn đó nữa cơ.
Đoạn 152: Thượng nhân Jonnen chùa Saidaiji
Thượng nhân Jolen [738] tu ở chùa Saidaiji [739], lưng còng, mày bạc, đường đường có dáng một vị tăng đạo cao đức trọng. Thượng nhân vào chầu trong cung, gặp quan nội đại thần Saionji [740] Ông này tỏ ra hết sức kính nễ đến nỗi cảm thán:
_ – Ngài có cái tướng thật tôn nghiêm!_
Vừa khi ấy, quan thượng khanh Suketomo [741] nhìn ngài và nói:
_ – Chỉ được cái già chứ có gì!_
Sau đó, Suketomo mới cho dắt một con chó già nua chưa từng thấy, lông lá tả tơi rơi rụng, đến biếu quan nội đại thần và bảo:
_ – Con chó này hình dáng cũng tôn nghiêm đấy chứ!_ [742]
Đoạn 153: Vây bắt quan Dainagon đã xuất gia Tamekane
Bọn võ sĩ đến nhà để bắt quan Dainagon đã xuất gia Tamekane [743] dẫn về phủ Rokuhara [744], quan thượng khanh Suketomo [745] đang ở trên đại lộ Ichijo (nơi có dinh của Tamekane) thấy cảnh võ sĩ bao vây chung quanh ông, mới bảo:
_ – Ôi, ta ghen với cái may mắn của ông ấy đấy. Ít nhất đó là một kỷ niệm đẹp để đem qua thế giới bên kia!_ [746]
Đoạn 154: Núp mưa dưới cổng chùa Đông
Cũng ông Suketomo khi núp mưa dưới cổng (Nam Đại Môn) của Toji [747](Chùa Đông), có một bọn tàn tật cũng tụ tập với nhau ở đó. Bọn này cả tay lẫn chân đều cong queo, quặt ngược về đằng sau, trông vô cùng dị hợm. Thấy hình dáng của họ kỳ quái không người nào giống người nào, Suketomo nghĩ thầm họ là những vật quý giá và hiếm có nên cứ thế mà nhìn chầm chập. Chẳng mấy chốc ông bỗng đâm chán, còn có vẻ ghê tởm vì họ quá xấu xí, mới nghĩ lại con người ta cứ lành lặn bình thường thôi thì mới là vật quý hiếm. Khi trở về nhà, không biết có phải đem so sánh với cái thích (trong chốc lát) của mình khi đứng trước bọn người tàn tật hay không mà ông đâm ra nguội lạnh với những loại cây kiểng có thân và cành uốn éo vặn vẹo mà xưa nay vẫn là thú vui của ông. Ông cho bứng chúng ra khỏi mấy cái bồn [748] và bắt đem vứt kỳ hết. Ta nghĩ ông ta có lý.
Đoạn 155: Muốn sống thuận theo dòng đời
Muốn sống thuận theo dòng đời, trước hết, phải biết xử sự đúng lúc [749]. Một lời nói không đúng lúc có thể làm trái tai [750] và phật lòng người, thành ra không được việc cho nên phải biết chọn lúc thật thích hợp.
Tuy nhiên những trường hợp như ngã bệnh, sinh nở, chết chóc thì không thể biết lúc nào là đúng thời điểm. Dù nó đến phải lúc hay không, ta cũng khó lòng tránh khỏi. Cái chu kỳ của những biến cố trọng đại như sinh thành, tồn tục, biến hóa, diệt vong (sinh, trú, dị, diệt) giống như dòng nước xiết của một con sông không gì ghìm nổi. Nó không ngừng lấy một nháy mắt, chưa gì đã ào đến trước mặt ta. Cho nên dù là việc tu hành đạo Phật hay chuyện thế gian thường tình, đã làm thì phải tiến hành ngay nếu không muốn để lỡ thời cơ. Chớ kiếm cớ chuẩn bị chuyện này chuyện khác để dùng dằng, cũng không được bỏ dở nửa chừng.
Sự chuyển biến của thời tiết không phải hết xuân là đến hè, hết hè lại sang thu đâu. Ngay đang xuân đã thấp thoáng bóng mùa hè, trong mùa hè đã thấy chen vào phong vị của ngày thu. Sau đó, trời thu chẳng mấy chốc mà trở lạnh, nhưng giữa cái ấm áp bất chợt của tiết tiểu xuân [751] giữa tháng mười (âm lịch), cỏ lại xanh ra và đầu cành mơ chớm một vài nụ. Đến khi cây rụng lá cũng vậy. Không phải cây kia đợi cho lá vàng rụng hết rồi mới đâm chồi. Khi mầm non vừa nhú, lá cũ không chịu nổi sự thúc bách nên đã phải lìa cành. Bên trong thân cây đã có sẵn một luồng sinh khí để chuẩn bị cho sự biến hóa đó nên quá trình thay lá đã diễn ra hết sức nhanh.
Sự chuyển tiếp giữa sinh, lão, bệnh, tử [752] trên thực tế còn nhanh hơn cây thay lá bội phần. Bốn mùa tiếng là thay đổi nhanh nhưng hãy còn tuân theo một trật tự chứ không như cái chết, nó đến mà có theo tuần tự nào đâu. Cái chết đâu chỉ đến từ phía trước, nó vẫn thường ập tới từ sau lưng. Con người ta dù có biết mình phải chết nhưng trước khi chưa suy nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc thì cái chết đã bất chợt đến bên mình. Cũng như đang nhìn thấy bãi cạn còn lộ ra đến mãi xa ở ngoài khơi thế mà không biết tự lúc nào thủy triều đã dâng lên bờ và liếm tới gót chân.
Đoạn 156: Đại thần bày tiệc lớn
Thông thường, khi một tân đại thần vừa nhậm chức, phải mượn một chỗ xứng đáng để cử hành bữa tiệc ăn khao [753]. Trường hợp ngài Tả Đại Thần Uji [754], ông đã mượn điện Tosanjo [755]. Tuy rằng nó đang là nhà hành tại nhưng vì có lời thỉnh nguyện của Tả Đại Thần nên đức hoàng thượng phải lánh ra nơi khác.
Tập tục cổ xưa cho phép sử dụng điện của hoàng thái hậu (mẹ thiên hoàng) hay của một công chúa [756] cho dầu tân đại thần không phải là người thân thuộc của họ [757].
Đoạn 157: Cầm bút lên, tự nhiên muốn viết
Khi cầm bút lên, ta tự nhiên muốn viết, cầm nhạc khí lên, muốn nó phát ra âm thanh. Cầm chén lên thì thèm rượu, nắm con xúc xắc trên tay lại ngứa nghề cờ bạc. Những ham muốn trong người muốn lộ ra đều phải có vật gì đó làm môi giới kích thích [758] Cho nên không nên đùa cợt với điều ác cho dù chỉ mảy may.
Nếu ta đọc bất luận một câu kinh Phật nào, ta sẽ thấy những câu đi trước và câu sau đó đập vào mắt ta cho dù ta không chủ tâm nhìn. Nhờ thế mà ta có thể sửa chữa tức khắc một lỗi lầm đeo đẳng ta từ biết bao năm. Giả dụ, nếu ta không mở trang sách đó ra làm thế nào ta biết được lỗi lầm đó. Nói cách khác, đó chính là lợi ích mà sự tình cờ đã mang đến cho ta. Ngay khi ta hoàn toàn không có chút lòng tin tôn giáo, nội cái việc ngồi trước bàn thờ Phật, tay cầm chuỗi bồ đề và một quyển kinh, dù muốn dù không, ta cũng đã thực sự gặt hái được thiện nghiệp. Đầu óc ta tán loạn nhưng chỉ cần ngồi trên tấm bồ đoàn, ta sẽ tự nhiên đạt đến chỗ thiền định lúc nào không biết.
Hiện tượng (sự) và yếu tính (lý) vốn chỉ là một [759] Chỉ cần cái dáng vẻ bên ngoài không ngược lại với đạo lý của nhà Phật là đã đủ điều kiện để đạt được sự giác ngộ [760] Ta không thể phủ nhận lòng thành của ai chỉ vì nghĩ rằng đó chỉ là dáng vẻ bề ngoài [761] Ngược lại, còn phải kính trọng họ nữa.
Đoạn 158: Rảy hết rượu thừa đáy chén
Vì có người thắc mắc:
_ – Tục lệ rảy đi rượu thừa ở đáy chén phải hiểu như thế nào?_
ta mới xin thưa:
_ – Cái cách thức gọi là gyotô ấy có nghĩa là vứt cái phần rượu còn đọng ở đáy chén chăng?_
Lúc đó, người ấy mới bàn rằng:
_ – E rằng không phải vậy. Gyoto không viết bằng chữ ngưng đương_ [762] (như ông nghĩ) mà là chữ ngư đạo [763]._ Người uống dùng mất giọt còn sót lại để tráng cái chỗ mình vừa đặt môi vào (trước khi trao chén cho người khác)_ [764].
Đoạn 159: Nguồn gốc của chữ Mina – musubi
Có một người quý phái bảo ta:
_ – Mina – musubi_ [765],_ tức là cách quấn tơ nhiều tầng, có cái tên đến từ chữ Mina, một loại sò, bởi vì hình dáng dây tơ quấn (musubi) giống như những con sò ấy._
Có người thay vì Mina lại đọc là Nina thì là nhầm lẫn [766].
Đoạn 160: Treo biển lên cửa
Treo một tấm biển [767] lên cửa, nếu mà dùng cách nói đóng lên có thực là sai không nhỉ? Ngài Nihon Senmon tu ở Madenokoji (một nhà thư đạo nổi tiếng) [768] bảo rằng nên dùng chữ treo lên.
Không biết trong trường hợp khi nói về một khán đài để xem hội mà bảo đóng lên [769] thì có thỏa đáng không? Thông thường người ta hay bảo đóng [770] một cái rạp [771] để che nắng… Chắc phải dùng chữ dựng khi nói về khán đài.
Ta không nên nói đốt một ngọn lửa thiêng Goma [772] nhưng phải nói luyện lửa Goma hay hành lễ Goma.
Còn về chữ Gyobo (Hành pháp), thì chữ pháp (trong đó) không được đọc trơn (là Hô và phải đọc là Bô). Ngài trụ trì chùa Seikanji [773] cấm cách đọc Gyoho và cho rằng Gyoho chính xác hơn.
Những kiểu nói thiếu chính xác như thế thì thời này đầy dẫy [774].
Đoạn 161: Thời điểm hoa mãn khai
Người ta thường bảo thời điểm hoa anh đào mãn khai là ngày thứ 150 sau đông chí [775] hay 7 ngày sau xuân phân [776] nhưng nếu bảo là 75 ngày sau lập xuân [777] thì có lẽ không sai mấy.
Đoạn 162: Thầy sãi giúp việc chùa Henjo
Chùa Henjo [778] có một thầy sãi giúp việc tạp dịch, thường ngày đã quen cho chim trong hồ nhà chùa ăn. Một hôm ông ta rải thức ăn làm mồi đến tận phòng trong chùa, chỉ mở một cánh cửa, dụ đàn chim. Thấy thế, không biết bao nhiêu là chim kéo nhau vào. Ông ta cũng vào theo rồi chốt hết cửa lại, bắt lũ chim giết hết con này đến con khác. Sự thể ồn ào gây kinh động. Mấy chú bé cắt cỏ nghe được mới báo cho mọi người. Dân trong thôn bèn tụ họp đông đảo, vào đến nơi mới thấy giữa đám ngỗng trời đập cánh ầm ĩ và kêu quang quác, sải ta đang chụp lấy chúng, ghì xuống vặn cổ giết. Họ bèn bắt lấy thầy sãi và giải từ chỗ đó lên đến nơi quan tuần kiểm. Họ cho treo những con chim bị giết lên trên cổ ông ta rồi tống giam vào ngục. Chuyện này đã xảy ra vào lúc ngài Mototoshi [779] đang làm chức vụ tổng chỉ huy các lực lượng an ninh tuần kiểm [780]
Đoạn 163: Chữ Tai có chấm hay không?
Chữ Tai trong TaiKo [781] có chấm (Thái太) hay không có chấm (Đại大)?
Đó là câu hỏi mà các nhà theo đạo âm dương (bói toán) hay đặt ra để tranh luận. Về việc đó, ngài Morichika [782], đại thần đã xuất gia, bảo như thế này:
_ – Có lời ngự phê chép lại đằng sau văn thư ghi chép việc kiết hung mà (quan bác sĩ về bói toán) Yoshihira_ [783] tự tay mình ghi lại. Văn thư đó hiện còn lưu trữ ở dinh ngài Konoe, chức Kanpaku. Theo đó thì chữ Tai có chấm đấy (tức là Thái chứ không phải Đại). [784]
Đoạn 164: Khi người đời gặp nhau
Người đời khi gặp nhau, họ không có lấy một phút im lặng. Thế nào cũng phải nói chuyện gì đó cho bằng được. Phần lớn là những điều vô tích sự. Nào là những tin đồn đại hay lời thị phi, nói chung toàn những chuyện thế gian vốn ít khi mang đến lợi lộc, nhiều lúc chỉ đem lại sự thiệt thòi cho họ.
Tuy nhiên, khi xoay quanh những đề tài như thế, trong lòng họ không hề có cảm tưởng là đang cùng làm những chuyện vô ích.
Đoạn 165: Khi người miền Đông lẫn vào đám người miền Tây
Người miền Đông khi lên kinh đô để sống lẫn lộn với người miền Tây, người kinh đô (miền Tây) đi về phương đông kiếm chút công danh [785], các nhà sư bỏ chùa, bỏ núi đi kiếm một tông phái khác [786], tất cả đều là kẻ bỏ rơi tập quán cố hữu của mình để chạy theo người lạ. Cảnh tượng như thế trông thật bực mắt.
Đoạn 166: Nhìn những mưu toan của người đời
Khi nhìn những gì người đời mưu toan, ta thấy họ như đang đắp một tượng Phật bằng tuyết giữa ngày xuân, kẹt trên thân tượng bao nhiêu là kim ngân châu ngọc và định dựng nó giữa đền.
Nhưng thử hỏi họ có thể nào đợi được đến lúc ngôi đền hoàn thành để đem tượng đặt an vị trong đó? Cứ tưởng cuộc đời mình hãy còn dài nên ôm ấp quá nhiều mưu toan và hy vọng, nào ngờ mạng sống có khác gì tượng tuyết mong manh, nó dần dần tan biến từ một chỗ không ai nhìn thấy được [787].
Đoạn 167: Thái độ của người thành thạo một ngón nghề
Một người thành thạo một ngón nghề khi chứng kiến một ngón nghề nào khác với lĩnh vực của mình thường nói hay nghĩ thầm trong bụng kiểu như:
_ – Ôi chao, nếu nhằm đúng chuyên môn của tôi thì tôi không chịu ngồi yên một chỗ làm kẻ bàng quang đâu!_
Đó là một thái độ không tha thứ được. Nếu mình ganh tị với kẻ lành nghề trong lĩnh vực mà mình không nắm, đáng lẽ chỉ cần nói:
_ – Ôi, ức quá đi thôi. Sao ta không học lấy cái nghề này nhỉ?_
Và như thế là đủ. Đem cái lanh lợi của mình ra để tranh đua với kẻ khác thì có khác chi chĩa sừng ra húc vào con thú có sừng, nhe nanh ra để đối đầu với con thú có nanh.
Đã là người thì không nên tự đắc về sở trường của mình và không đem nó ra để tranh đua với người khác. Đó mới là có phẩm cách. Muốn thắng người khác, ấy là một khuyết điểm lớn. Dù mình thuộc dòng dõi, giai cấp cao sang, dù tài năng lỗi lạc, dù tổ tiên có danh vọng, người muốn vượt người khác, cho dù không mở miệng nói ra, trong lòng cũng đã phạm sai lầm rồi. Bản thân phải tự chế ngự, phải biết quên đi sở trường của mình. Kẻ bị xem là ngu đần, để người ta người chỉ trích, chuốc lấy tai vạ đều là do thái độ ngạo nghễ của mình mà ra cả.
Một người gọi là thành thạo một ngón nghề thường biết về khuyết điểm của mình trước cả mọi người cho nên lúc nào cũng hướng về những mục đích cao cả hơn và không bao giờ tỏ ra tự mãn [788]
Đoạn 168: Người có tuổi
Người nào đã lớn tuổi và rất có khả năng về một ngón nghề, được thiên hạ trầm trồ như là kẻ mà _ mai mốt cụ ta như có mất đi, mình biết hỏi ai (về lĩnh vực chuyên môn đó) bây giờ?_ là kẻ đã sống không uổng và chứng minh cho mọi người là tuổi già cũng còn được việc. Tuy nhiên, cũng một người đó, cứ mãi mãi như thế, không suy yếu đi mà cứ tiếp tục chuyên lo mỗi công chuyện ấy cho đến cuối đời thì cũng là điều đáng tội nghiệp cho ông ta. Nếu thấy mình già, chỉ cần trả lời:
_ – Tôi quên béng rồi!, chả ai trách đâu!_
Nói chung, cho dù có kiến thức mà cứ ăn nói vung vãi tiền hậu bất nhất, người ta sẽ xem như mình không thực sự giỏi giang, và tự nhiên có lúc sẽ mắc phải lỗi lầm. Người nào nói được cái câu:
_ – Tôi không dám trả lời quả quyết về chuyện đó!_
Thì mới xứng đáng được gọi là bậc đại gia, đúng như thiên hạ trông đợi.
Ngoài ra, khi phải lắng nghe một người có tuổi, trước một việc không biết gì mà lại làm như ta rành rẽ, lên tiếng giảng giải một cách tự mãn, thì vì kính nể tuổi tác, thiên hạ không nỡ khích bác, nhưng không khỏi bụng bảo dạ:
_ – Lại ăn nói linh tinh!_
Đoạn 169: Những gì gọi là nghi thức?
Có người bảo:
_ – Cho đến đời Thái Thượng Hoàng GoSaga_ [789],_ người ta chưa hề biết nghi thức (cung cách) là gì. Danh từ_ nghi thức [790] chỉ là tiếng mới xuất hiện sau này!
Thế nhưng bà Ukyo no Daibu [791], người đã đi theo hầu hoàng thái hậu Kenreimonin [792], sau khi Thiên Hoàng Go – Toba [793](sau này là Thái Thượng Hoàng) tức vị, nhân việc mình lại trở về phục vụ trong cung như một nữ quan, có ghi rằng:
_ – Nghi thức (cung cách) của thời trước cho đến ngày nay cũng chẳng có gì thay đổi._
Đoạn 170: Chẳng có công chuyện gì
Nếu không có công chuyện gì thì không nên đến nhà người khác vì đó là điều không tốt. Cho dầu có việc cần phải đến, khi việc xong rồi nên về ngay. Ngồi lâu chỉ sinh phiền phức.
Khi phải giáp mặt ai nói chuyện lâu la, đã mỏi miệng, mệt xác mà lòng còn bị kích động. Như thế thường nẩy ra việc lôi thôi và nếu ta cứ ngồi dai, sẽ không ích lợi gì cho cả hai bên.
Cũng không nên nói chuyện với ai mà trong lòng chả thích thú gì. Nếu chẳng có hứng muốn tiếp chuyện thì nên nói thật lý do cho người ta biết [794].
Ngược lại, trường hợp người khách tâm đầu ý hợp với ta thì lại khác. Những người đó là kẻ ta muốn ở bên cạnh và là người có thể bảo ta:
_ – Ngồi chơi thêm chút nữa. Hôm nay mình cứ nhẩn nha nói chuyện với nhau đi!_
Ai cũng có thể trở thành Nguyễn Tịch [795], người đem mắt xanh để tiếp tri kỷ.
Một người bạn không có việc gì cần mà đến thăm ta, nói chuyện thoải mái rồi ra về là điều tốt đẹp. Hoặc giả, trong bức thơ, chỉ cần viết một câu giản dị như bởi vì lâu ngày tôi có im hơi vắng tiếng thì đã đủ làm ta vui rồi.
Đoạn 171: Người chơi bài Kaioi
Người chơi bài Kaioi (bài vỏ sò) [796] không chú ý đến những quân đặt trước mặt mình mà lại nhìn đi chỗ khác, đưa mắt vào chỗ khuất dưới tay áo của địch thủ hay dưới đầu gối của họ, thành thử để quân bài ngay trước mặt mình bị ụp mất. Người bắt quân giỏi không bao giờ cố ý đi ụp làm gì những quân ở xa, chỉ ụp những quân nào ở gần mà thôi. Thế nhưng rốt cuộc là nhờ đó mà bắt được rất nhiều quân.
Người đánh cờ Tangi (một kiểu cờ vây) [797] đặt quân ở một góc để nhắm một quân khác ở góc đối diện là người đánh sai. Hãy nhìn cho kỹ quân sát cạnh mình và đặt quân thẳng một đường cho đến điểm trung gian trên bàn cờ gọi là hijirime thì thế nào cũng đánh đúng.
Muôn sự ở đời, không nên đi tìm mãi tận đâu đâu. Chỉ cần xử sự cho đúng việc ở bên cạnh mình là đủ. Ngài Seikenko [798] có dạy:
_ – Phải làm những việc trong hiện tại cho thật tốt. Không nên đặt vấn đề tương lai_ [799].
Trong đạo giữ nước nào có khác chi. Đó là việc không lo nghĩ đến nội chính, xử sự một cách khinh suất, chẳng có phương kế, đến khi những các nước ở xa sinh ra phản loạn mới bắt đầu bàn mưu tính kế để đối phó. Tình trạng ấy cũng giống như lời của vị y sĩ cho rằng:
_ – Người đợi đến khi trúng gió, ngã bệnh nằm ở một nơi ẩm thấp, lúc đó mới khấn nguyện thần phật cứu giúp, đó là kẻ ngu_ [800].
Làm cho kẻ đứng trước mặt hết bất mãn, gia ân cho họ, sửa lại đường lối chính trị thì sức mạnh của sự cảm hóa ấy sẽ lan xa không biết đâu là bến bờ. Hiệu quả của việc vua Vũ [801] khi cất quân đi đánh giặc Tam Miêu cũng không thể nào bằng hiệu quả của việc ban bố chính đức qua việc rút quân về.
Những người chơi bài Kaioi không để ý đến những quân đặt trước mặt họ.
Đoạn 172: Khi còn trẻ, khí huyết phương cương
Khi còn trẻ [802], khí huyết con người sung mãn khắp châu thân, tâm hồn thành ra dễ bị kích động, lòng dục dâng trào. Vì thế dễ đưa chân vào vòng nguy hiểm hay đi đến chỗ tiêu hao, tự diệt một cách dễ dàng, chẳng khác quả cầu lăn nhanh. Có khi thì ham muốn những thứ quần áo lộng lẫy và sẵn sàng phung phí hết tiền của sắm nó để rồi vứt bỏ tất cả, lại nấp sau manh áo thụng đen xơ xác của người đi tu. Lắm khi hăng tiết, họ thành ra muốn tranh đoạt với người để rồi lúc thì đố kỵ, lúc thì hỗ thẹn, tình cảm của họ mỗi ngày một đổi thay, không sao định hướng. Còn như lúc họ sa vào vòng tình ái, mê mệt với chuyện yêu đương thì muốn làm những hành động gây choáng nên có khi làm lỡ làng cả tương lai trăm năm [803] của mình. Không nghĩ đến sự an toàn và lo cho tuổi thọ, cứ bốc đồng trong phút giây thì chỉ làm trò cười cho hậu thế. Những lỗi lầm như vậy thường xảy ra khi người ta trẻ.
Kẻ già nua thì tinh thần suy yếu theo tuổi tác, mọi sự chỉ cần thô sơ đạm bạc. Không còn gì có thể kích thích họ được nữa. Lòng họ hằng ngày vẫn yên ổn tự tại nên không dấn thân vào những chuyện vô ích. Họ biết khéo gìn giữ bản thân, không tạo cho mình sự bất mãn, không rắp tâm gây phiền lụy đến người khác. Cái hiểu biết của tuổi già thâm sâu hơn cái hiểu biết của lớp trẻ cũng tựa như việc cái vóc dáng hồi còn trẻ tươi đẹp hơn vóc dáng lúc về già [804].
Đoạn 173: Tiểu sử bà Ono no Komachi
Sự tích về (nữ thi nhân cung đình và mỹ nhân tuyệt thế) Ono no Komachi [805], có nhiều điểm hết sức mù mờ. Quãng đời già nua suy yếu của bà đã được chép lại trong tác phẩm Tamatsukuri [806] Có thuyết cho rằng người viết nó là Kiyoyuki [807]nhưng tên sách này lại nằm trong mục lục các trứ tác của ngài đại sư núi Koya [808] Đại sư đã qua đời hồi đầu niên hiệu Jowa (Thừa Hòa, 834 – 848) trong khi đó thời nhan sắc huy hoàng của bà Ono no Komachi ít nhất phải là khoảng thời gian sau đó [809](ước định bà sinh ra vào khoảng 820 đến 830). Cho nên tiểu sử của bà Ono no Komachi thật chẳng có gì rõ ràng.
Đoạn 174: Chó để săn chim ưng nhỏ
Nếu dùng chó đặc biệt để săn cặp với chim ưng nhỏ [810] vào việc săn cặp với chim lớn thì sẽ không còn dùng nó vào việc săn với chim ưng nhỏ về sau được nữa. Cho nên, một khi đã lo việc lớn rồi, người ta không còn để tâm đến việc nhỏ nữa. Đó là thường thức.
Con người ta có biết bao nhiêu việc để làm ở đời nhưng trong đó không việc nào làm ta thỏa thuê và thưởng thức một cách sâu xa hơn là sự chuyên tâm tu hành theo con đường của Đức Phật. Đây chính là việc lớn. Nếu người nào được tiếp xúc với đạo Phật, và muốn hướng theo con đường đó thì anh ta sẽ vứt bỏ tất cả những việc mình đã làm cho đến lúc đó. Ngoài đạo Phật ra, thử hỏi còn gì đáng cho ông ta đeo đuổi nữa. Ngay cả người ngu muội nhất cũng khó lòng thua kém một con chó dù là con chó khôn ngoan [811].
Đoạn 175: Đời này nhiều cái không hiểu nỗi!
Đời này thật có nhiều cái không sao hiểu nổi. Trong mọi sự, trước tiên, phải kể đến việc mời mọc và ép uổng người khác uống rượu [812]. Ta không hiểu làm như thế thì họ vui sướng ở chỗ nào!
Người bị người ta kèo nài bắt uống thì mặt mày nhăn nhó như gặp chuyện đau khổ không chịu đựng được, lén lút đợi khi không ai để ý đem rượu trong chén đổ đi. Có khi định chạy trốn nhưng họ chụp lại, không để cho thoát, bị kéo trở lại bàn tiệc và phục rượu tiếp. Người ngày thường vẫn đàng hoàng (vì quá chén) bỗng chốc trở thành kẻ điên, múa may quay cuồng. Kẻ khỏe mạnh mới đó đã lâm trọng bệnh, lăn đùng ra, không còn ý thức được chuyện gì nữa.
Nếu gặp lúc hội hè lễ lạc, sự thể còn kinh gấp bội. Ngày hôm sau, đầu hãy còn đau nhức, không buồn ăn, chỉ biết nằm rên rĩ, như là người dở chết dở sống, không nhớ ngay cả chuyện vừa mới xảy ra hôm qua. Kẻ như thế, đã không làm tròn nghĩa vụ công tư mà còn gây phiền toái cho mọi người xung quanh.
Những ai đưa người khác đến cảnh này là kẻ thiếu lòng từ bi và lễ độ. Không ai gặp cảnh này mà sau đó không thấy oán hận hay hối tiếc. Bảo rằng tập tục uống rượu này do người nước ngoài đem vào và chúng ta trước đó không hề biết đến thì ta thấy đó là một luận điệu vô lý và kỳ quái không tả được.
Về hình dạng của người say thì ngay cả khi ta không quen biết, đã thấy khó chịu rồi. Huống chi người mà ta vẫn xem là biết suy nghĩ và đàng hoàng, nay lại cười lên hô hố, miệng nói tía lia, mũ mãng [813] xô lệch, dây cột áo sổ tuột, gấu quần xắn lộ cả bắp chân trần, không còn biết giữ ý giữ tứ trước con mắt người khác lạ. Còn mấy bà (khi say thì) tóc vẹt ra hai bên lộ hết khuôn mặt, không chút hổ thẹn ngửa cổ lên cười sằng sặc, đeo dính tay người cầm chén. Hạ cấp hơn nữa là hạng gái bóc thức ăn đút vào miệng những người trên tiệc rồi sau đó lại ăn tiếp. Cảnh tượng như thế trông thật tởm!
Thế rồi họ lại cao giọng hát đinh tai và xúm lại nhảy múa. Có cả lão pháp sư [814] được mời đến vào dịp ấy cũng xoay trần để lộ thân hình đen đúa bẩn thỉu đến nổi mình phải quay lưng không muốn nhìn. Ta không những khinh bỉ nhà sư đang ngọ ngoạy trình diễn mà còn chán ghét đám quan khách đang theo dõi một cách hào hứng cảnh tượng đó.
Có kẻ khi say khoe khoang về mình đến nỗi ngay cả lỗ tai người nghe hoặc nửa chừng òa ra khóc. Bọn hạ cấp lại sinh trò cãi cọ, gấu ó trông thật xấu hổ và kinh khiếp. Chuyện xảy ra lúc say sưa toàn là những điều đáng thẹn và đáng tởm. Có lúc vì muốn tranh cho được vật người ta không cho nên nhoài người ra lan can, rơi xuống đất, lúc thì ngã từ trên xe bò hay từ trên mình ngựa mà bị thương. Còn những kẻ thuộc giai cấp không có xe hay vật để cưỡi thì đi lảo đảo ngoài đường cái, nhắm các bức tường và mấy cánh cổng mà làm một cách thoải mái những chuyện mà ta chẳng dám nói ra nơi đây. Có cả một ông sư già, mặc áo cà sa (đàng hoàng), tay vịn vào vai một gã thiếu niên (chú tiểu) đồng hành, chân nam đá chân xiêu, mồm lảm nhảm những gì không ai hiểu. Những cảnh tượng đó không sao coi cho được.
Nếu hành động như thế mà trong cuộc đời này hay kiếp lai sinh được hưởng một điều lợi ích gì thì ta cũng uống rượu thôi. Nhưng khổ nỗi, trong thực tế, say sưa chỉ đưa đến những lỗi lầm, làm tán gia bại sản và chuốc lấy bệnh tật. Thiên hạ bảo rượu là liều thuốc công hiệu nhất [815] nhưng chính ra nó là đầu mối của muôn ngàn chứng bệnh. Người ta bảo uống rượu để tiêu sầu [816] nhưng người ta mỗi lần say thường nhớ về nỗi khổ trong quá khứ mà khóc lóc. Cái say sưa làm lú cả trí khôn, tiêu hết công đức tu hành, không khác gì mồi lửa thiêu rụi đồ vật. Nó còn chất đầy thêm ác nghiệp, phá tan mọi giới luật, và khi chết đi, người say rượu làm sao tránh khỏi sa xuống địa ngục. Đức Phật đã từng dạy:
_ – Ai cầm chén rượu mà mời mọc người khác thì trọn 500 kiếp sẽ thác sinh làm kẻ cụt tay_ [817].
Như đã trình bày, rượu quả là cái đáng ghét nhưng đôi khi, nó cũng có lúc hợp tình hợp cảnh. Đêm trăng rằm, sáng trời tuyết, dưới gốc anh đào, nâng chén nhàn nhã cùng nhau đàm luận thì trong lòng sẽ dạt dào bao nhiêu là cảm hứng. Gặp ngày nhàn rỗi, bất chợt có bạn bè từ xa đến chơi, bày ra mâm rượu cũng là cách để giải muộn. Từ bên trong bức rèm của một nhà quý phái mà ta không có hân hạnh quen biết, bỗng có một chén rượu và món nhắm được đưa ra để mời ta với tất cả vẻ thanh nhã (làm ta có thể phỏng đoán được phẩm cách người ấy), thì có gì ngọt ngào hơn. Giữa mùa đông, trong một gian nhà nhỏ, cùng vài người bạn thân tình, nướng vài món ăn trên ngọn lửa rồi chén chú chén anh với nhau, thú vị biết chừng nào! Trong khi đi đường, tạm dừng chân bên quán lá giữa núi rừng hoang dã, ngồi lên bãi cỏ mà nâng chén và lấy làm tiếc:
_ – Chỉ thiếu mỗi món đưa cay, thì cũng thật là vui._
Người không biết uống rượu nhưng vì có vì ai ép mà phải nhấp một hai hớp, cũng nên thông cảm cho họ. Ta thích nghe một trang danh sĩ nào đó tỏ ra ưu ái với mình mà lên tiếng khuyên mời:
_ – Kìa, uống đi chứ, chén của bác hãy còn đầy!_
Ta cũng vui nếu người mà ta muốn kết bạn tỏ ra biết uống, và qua chén rượu, hai bên sẽ bộc bạch được tâm tình.
Dù thế nào đi nữa, những người biết uống rượu thường hồn nhiên và đáng được tha thứ. Sau khi say mèm, họ lăn ra ngủ và ngày hôm sau còn đang nằm nướng thì chủ nhà đã đến mở toang cánh cửa. Với gương mặt còn ngái ngủ và chỏm tóc bật ra đằng trước, họ không đủ thời giờ để lồng quần áo vào người nên phải lật đật xách nó trên tay chạy trốn. Một tay kia còn nắm cái quần đang xăn lên không che nỗi cặp chân lông lá gầy guộc. Buồn cười không chịu được, cái kết thúc hợp lý của một bữa rượu!
Đoạn 176: Ngự sở gọi là Kurodo của Thiên Hoàng Komatsu
Trong ngự sở (điện Seiryo) có gian phòng mang tên Kurodo. Đây là nơi mà vị Thiên Hoàng xuất thân từ điện Komatsu [818] hay tự nấu nướng để nhớ hồi mình chưa lên ngôi và hãy còn là phận thần hạ, ngài vẫn thường làm (cái việc không phù hợp với địa vị mình) như thế. Người ta bảo gian phòng tên là Kurodo (căn phòng đen) bởi vì khói của củi nhóm bếp đã phủ lên tất cả một màu muội đen.
Đoạn 177: Trung Thư Vương Kamakura
Lúc tổ chức đá cầu (kemari) ở dinh Trung Thư Vương Kamakura [819], trời trút mưa và sau đó sân vẫn chưa ráo được. Không biết phải làm sao, phải bàn với mọi người. Thì lúc đó, ngài Sasaki, trấn thủ vùng Oki [820] lúc đó đã xuất gia đề nghị lấy xe đem chở tới thật nhiều mạt cưa. Rồi sau đó, đem phủ mạt cưa lên khắp sân thì sẽ không sợ bị bùn lầy. Mọi người xuýt xoa bảo nhau:
_ – Ông nhà tu này biết lo xa đi thu nhặt lắm mạt cưa thật đấy nhưng chưa bao giờ thấy ai làm ăn kiểu như ông ấy._
Về sau, ở Kyoto, có kẻ kể lại chuyện đó, chức Chuunagon là Yoshida [821] mới nói:
_ – Chứ bộ lúc đó không sẵn cát khô à?_
Anh chàng mới bật ngửa ra và khen ngợi. Mọi người khi nghe nói dùng mạt cưa để sân khỏi úng nước thì nghĩ là chuyện hay nhưng nếu đem mạt cưa mà lót trên sân thì bất tiện và không thích hợp tí nào. Hình như từ xưa cho đến nay những người giữ việc trông coi sân đều có chuẩn bị cát khô cả.
Mạt cưa được khuân tới để phủ lên sân đá cầu đang sũng nước mưa.
Đoạn 178: Đám gia nhân một gia đình quý tộc
Có đám gia nhân một gia đình quý tộc vừa được xem cảnh diễn Kagura, điệu vũ tế thần, ở Sushidokoro [822](nơi giữ ba báu vật hoàng gia là tấm kính, viên ngọc và thanh bảo kiếm) về kể chuyện lại cho người nọ, nói rằng:
_ – Ông nọ ông kia đang cầm thanh bảo kiếm đấy!_
Một bà trong bọn nữ quan đang ở trong rèm nghe được lời đó, mới xầm xì:
_ – Khi đức kim thượng đi thăm một biệt điện_ [823],_ ngài không bao giờ cho mang bảo kiếm theo mà chỉ dùng thanh kiếm ngày thường._
Sự kín đáo của bà ta làm ta hết sức vui. Chắc là một nữ quan đã có kinh nghiệm hầu hạ lâu năm trong cung.
Đoạn 179: Thượng nhân Dogen du học bên nhà Tống
Thượng nhân Dogen (Đạo Nhãn) là một sa môn [824] sang (du học) bên nhà Tống [825], khi về có mang theo một tạng kinh sách đầy đủ [826] đem đến tàng trữ ở một vùng gọi là Yakeno gần phủ Rokuhara. Ông thường giảng Kinh Surangama (Thủ Lăng Nghiêm) và đặt tên chỗ mình ở là chùa Naranda (Na Lan Đà). Thượng nhân có lần bảo:
_ – Nghe nói nguyên súy Oe (no Masafusa)_ [827] dạy rằng cánh cổng chính của chùa Naranda quay về hướng bắc nhưng ta không thấy điều đó ở chỗ nào trong những sách vở như Đại Đường Tây Vực Ký hay Pháp Hiển Truyện [828] Ông Oe học hành ở đâu ra mà lại nói thế. Ta không hiểu nổi! Chuyện ngôi chùa Tây Minh Tự [829] bên Trung Quốc mặt quay về hướng bắc thì đúng rồi! [830]
Đoạn 180: Sagicho có nghĩa là…
Sagicho [831] là tục lệ (Mật giáo) đem những cây chùy gỗ dùng để chơi trò đánh cầu vào ngày Tết nguyên đán từ viện Shingon đến vườn Shinsen để đốt cho kỳ hết [832] Lúc ấy, vừa đánh nhịp vừa hát Chính trong hồ này, lời cầu xin đã thành tựu [833] Cái hồ ấy nằm ở ngay trong vườn Shinsen.
Đoạn 181: Rơi rơi đi, tuyết phấn!
Có một khúc đồng dao như sau:
Fure fure koyuki,
Tanba no koyuki.
Rơi rơi đi, tuyết phấn, [834]
Tuyết phấn xứ Tanba [835]!
Có người thông thạo giải thích rằng người ta gọi là koyuki (tuyết phấn) là bởi vì nó bắn ra như bột phấn khi giã gạo. (Còn câu sau) đáng lẽ ra phải đọc Tamare koyuki (Rơi ngập đi, tuyết phấn) [836] nhưng lại bị đọc nhầm thành Tanba no koyuki. Sau phần này, bài hát lại tiếp tục với câu:
Kaki ya ki no mata ni.
Trên hàng rào, trên chạc cây.
Không biết từ ngày xưa người ta vẫn hiểu theo nghĩa đó hay sao? Trong nhật ký của bà Sanuki no Suke [837] có chép việc thái thượng hoàng Toba [838] khi hãy còn thơ, có lần ngài thấy cảnh tuyết rơi, buột miệng hát câu đó [839]
Đoạn 182: Ngài Shijo Takachika, chức Dainagon
Quan Dainagon Shijo Takachika [840] đem cá hồi (sake) khô dâng lên nhà vua để người dùng. Có kẻ phê bình:
_ – Ai lại đem những thứ của hạ tiện như thế mà dâng lên cho hoàng thượng thời bao giờ!_
Quan Dainagon mới nói:
_ – Nếu ông bảo_ cá hồi nằm trong số những thức ăn không được dâng lên cho ngài ngự, nhưng đây là cá hồi khô cơ mà, ông có gì để chê trách? Hoàng thượng cũng không ăn cá hương (ayu) phơi khô à? [841].
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 01 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 02 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 03 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 04 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 05 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 06 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 07 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 09 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, toàn tập tại đây.