Bài viết trên Instagram ngày 06 tháng 05 năm 2022
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc.
trong một lần đi phỏng vấn người dân để lấy số liệu cho dự án đang làm tình nguyện, mình được dịp ghé qua vùng quê nọ ở Tây Bắc. đó là một không gian bình lặng, yên ả như những thước phim cũ chiếu trên tivi hồi nhỏ từng xem.
sau vài hôm đi khắp làng, lân la từng ngõ và né tiếng chó sủa để xin phỏng vấn, mình nhận ra nơi đây thiêu thiếu gì đó, một sự thiếu thốn không đúng nghĩa và không thể gọi tên. ở đây thiếu trai tráng thanh niên, mà phải thời chiến đâu mà làng thiếu sinh khí thế này nhỉ? bạn đi cùng đoàn trả lời cho sự vẩn vơ của mình, cũng sau vài hôm lân la khắp làng.
thêm vài hôm và vài cuộc phỏng vấn, mình mới tìm được câu trả lời cho điều bạn thắc mắc. (ở đây) thanh niên người ta đi hết, đi vào nam, đến khu công nghiệp, lên thành phố, kiếm nơi có việc để chúng nó làm, chứ ở quê đây biết làm gì mà ăn, lấy gì mà giàu… câu chép miệng như hiển nhiên của ông bác, có thằng con rời quê khi mới học xong cấp 3 để đổi đời (theo như lời bác kể), gói đủ gọn cho thứ mình cần. vốn dĩ nơi này chẳng có gì cả, một làng quê nghèo – xếp vừa đủ chữ cho câu chó ăn đá gà ăn sỏi thì đâu có gì để níu thanh niên ở lại?
cũng thêm một vài hôm và vài cuộc phỏng vấn khác, mình nghe phong thanh đâu đó, mình nhìn thấy tia hy vọng trong ánh mắt và giọng kể, rằng ở bên kia làng có một nhà máy sắp xây. nhà máy to, có nhiều cổng, đủ cho mọi làng mở đường mà đến, người trong làng kháo với nhau thế. nhưng bác ơi, làng mình nghèo mà cháu thấy đủ sống, rau vườn nhiều và lúa đầy kho, sao lại mừng khi có thêm nhà máy ạ; không phải nó sẽ xới tung mấy mẩu ruộng và hoa màu của nhà hay sao? không giấu được tò mò, buộc mình hỏi trong cuộc bàn. trả lại là im lặng, không vì khó chịu mà dường như không biết diễn tả sao cho phải. đó là sự im lặng đầy bối rối, sự bối rối khiến mình không dám tìm thêm câu trả lời nào khác trong ngôi làng ấy.
mãi sau này, khi nhớ về khuôn mặt và ánh mắt của ba mẹ, khi kể kế hoạch nam tiến lúc sắp rời đi, mình lại thấy chúng tương đồng lạ kỳ với những gì từng thấy ở ngôi làng xa xôi nọ. phải thêm một thời gian dài nữa, mình mới nhận ra chúng, sự bối rối ấy – cũng chỉ vì không biết điều gì sẽ biến mất và điều gì để lại, trong mong muốn những đứa con sẽ ở gần mình hơn…