Bài viết trên Instagram ngày 12 tháng 08 năm 2023
nhavantuonglai là kênh chuyên viết lách chia sẻ và hướng dẫn thuần thục khi thực hành viết lách qua những bài chia sẻ trên Instagram chính thức.
· 3 phút đọc · lượt xem.
mình gọi đường về nhà là con đường di sản, bởi xuyên cả tuyến ấy là không biết bao di tích, địa điểm lịch sử. từ sông An Cựu xưa cụ Phan hay ngồi câu cá, men trục Điện Biên Phủ chạy là đến Đàn Nam Giao trước vua hay tế trời; rồi rẽ qua đường Minh Mạng, nếu đi thẳng là lăng vua Khải Định, nếu rẽ ngang là lăng vua Thiệu Trị, rồi vua Minh Mạng và xa hơn nữa là vua Gia Long. giữa cung đường ấy là ngã ba Huế, hợp giữa 2 nguồn nước là Tả và Hữu Trạch, để làm nơi bắt đầu của sông Hương.
xuyên cả tuyến ấy, mình để ý rằng thông mọc nhiều và rất cao. ở 2 bên đường, thông rì rào khi gió thổi; bên vệ đường, hạt thông mọc thành mầm, lẫn và có cây cao hơn bụi dại. ở Đàn Nam Giao, thông trồng theo lối, cũng rì rào khi gió thổi và mát lành mỗi sớm mai lúc chạy bộ đầu ngày. ở đền đài lăng tẩm, thông trồng sát thành, phủ ngoài bìa như tách biệt với xung quanh. chung quy lại, con đường di sản mỗi khi về nhà, thông mọc nhiều và rất cao.
nhưng ngạc nhiên là, nhắc đến thông chẳng mấy ai nhắc đến Huế, người ta nói về Đà Lạt, về những rừng thông phía ngoại ô, được trồng để thu hoạch nhựa chứ phủ quanh đền đài lăng tẩm. một thành phố lãng đãng sương, sáng tinh mơ nắng chiếu xuyên qua những nhành thông có vẻ thi vị hơn là thông rì rào khi gió thổi chăng? mình không thích nghĩ vậy, rằng ở thành phố sâu về văn hóa lịch sử, có cây được vua quan thời trước trồng mỗi lúc giao thời lại chẳng nổi tiếng bằng ở thành phố mờ sương.
đem suy nghĩ mà thắc mắc với người bạn sống lâu ở Đà Lạt, bạn nhìn rồi mỉm cười bảo, cậu biết lịch sử nhưng chưa hiểu về địa lý. thông ở Đà Lạt chưa cần sự thi vị để nổi tiếng, bởi riêng bản thân chúng cũng đã mang dấu ấn về lịch sử. các nhà nghiên cứu cho rằng, Đà Lạt là giao điểm thực vật của trục Trường Sơn và Ấn Độ – Đông Dương, nên hệ thực vật nơi này vô cùng phong phú và đa dạng. một trong số loài phân bổ rộng chính là thông. giai đoạn chiến tranh, thông ở Huế vì bom đạn mà điêu tàn; kết thúc rồi thì người ta mới lấy thông từ Đà Lạt đem về khôi phục. nên giờ thông ở Huế, nguồn cội chính là từ Đà Lạt. dù vậy, muốn tìm thông gốc Huế không khó, cứ lên Đà Nam Giao, ở đó vẫn còn vài cây sót lại từ quá khứ, mọc riêng lẻ sát bờ thành, lặng yên đứng giữa trời mà reo.