Kim Dung | Thần điêu hiệp lữ | Chương 01
Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.
· 72 phút đọc.
Ẩn ẩn ca thanh quy trạo viễn,
Ly sầu dẫn trước Giang Nam ngạn,
Bờ thu Việt nữ hái sen,
Vờn tay áo lụa ẩn khoen xuyến vàng.
Hái hoa hoa ánh mặt nàng,
Lòng đây chỉ khốn nỗi quàng tơ vương.
Hỏi dòng Kê Xích phong sương,
Mù thâm khói nhẹ chung đường bạn đâu?
Chèo về ca vẳng bến đầu,
Bờ lan một dải mây sầu Giang Nam.
Tiếng hát nhẹ nhàng uyển chuyển vang vang trên mặt hồ. Tiếng hát phát ra từ một chiếc thuyền nhỏ, có năm thiếu nữ đang vui vẻ vừa cười nói, ca hát, vừa hái sen. Bài ca các nàng đang hát là bài từ Điệp luyến hoa của đại từ nhân Âu Dương Tu thời Bắc Tống sáng tác, miêu tả đúng cảnh thiếu nữ người Việt hái sen, tuy chỉ vỏn vẹn có năm mươi chữ, nhưng thời gian giờ giấc, mùa trong năm, địa điểm, cảnh vật, cùng dung mạo, đồ trang sức, y phục, tâm tình của các thiếu nữ Việt, mọi thứ đều được miêu tả hết sức sinh động, nhất là hai câu sau, trong tả cảnh có kể chuyện, trong chuyện kể có ẩn tình, từ gần đến xa ý tứ vô cùng. Âu Dương Tu làm quan ở miền Giang Nam lâu năm, du sơn ngoạn thủy nhiều nơi, thơ ông rất giàu tình ý. Người đời Tống bất luận quan chức quí nhân hay thường dân xóm nhỏ, khi lấy nước bên bờ giếng, khi bẻ liễu trên bờ sông, khi hái sen trong hồ, đều thường thích thú ngâm ngợi các bài từ của ông.
Bấy giờ vào thời Nam Tống Lý Tông, ở vùng hồ Gia Hưng. Gần tiết Trung thu, lá sen tàn dần, hạt sen chắc mẩy. Tiếng hát vọng tới chỗ một đạo cô đang ngồi bên hồ. Đạo cô lặng lẽ ngồi dưới hàng liễu đã lâu, làn gió lay động tà áo bào màu vàng nhạt của bà ta, thổi tung mái tóc lòa xòa phủ gáy, bao ý nghĩ ngổn ngang trong đầu, thật đúng là trong lòng trăm mối tơ vò. Chỉ nghe tiếng hát xa dần, vẫn là ca từ của Âu Dương Tu, nhưng đã là bài khác, nghe văng vẳng trong gió câu Trăng gió vô tình người đổi dạ, dấu xưa như mộng nát tan lòng…(°) ((°)風月無情人暗換, 舊游如夢空腸斷 – Phong nguyệt vô tình nhân ám hoán, cựu du như mộng không trường đoạn, Điệp luyến hoa – Âu Dương Tu.)
Lời ca chưa dứt, đã nghe tiếng cười khúc khích từng chặp. Vị đạo cô thở dài, giơ tay trái, nhìn lòng bàn tay nhuốm đầy máu tươi, lẩm bẩm một mình: Có gì đáng cười kia chứ? Lũ trẻ hát mà chẳng hiểu nỗi tương tư sầu khổ, cái ý thương cảm trong bài từ. Cách phía sau đạo cô hơn mười trượng, có một lão nhân râu dài, áo bào xanh, cũng ngồi bất động, chỉ khi nghe câu Trăng gió vô tình người đổi dạ, dấu xưa như mộng nát tan lòng… thì mới khe khẽ thở dài. Con thuyền nhỏ lướt trên mặt nước phẳng như gương. Năm thiếu nữ trên thuyền, có ba nàng mười lăm mười sáu tuổi, hai nàng kia đều lên chín. Hai thiếu nữ ít tuổi nhất là chị em họ, cô chị họ Trình tên Anh; cô em họ Lục tên Vô Song, hơn kém nhau nửa tuổi.
Ba thiếu nữ lớn vừa hát vừa chèo thuyền ra khỏi đám lá sen, Trình Anh nói:
– Biểu muội nhìn kìa, vị lão bá kia vẫn còn ngồi ở đó.
Cô bé vừa nói vừa chỉ về phía lão nhân ngồi dưới gốc liễu. Lão nhân đầu tóc rối bù, râu tua tủa như lông nhím, râu tóc còn đen mướt, chứng tỏ tuổi còn trẻ, vậy mà mặt đầy các nếp nhăn sâu như một ông cụ bảy tám mươi, mình bận chiếc áo dài màu lam, trước ngực quàng lên cổ một chiếc yếm dãi của trẻ sơ sinh, trên yếm thêu cảnh con mèo hoa đuổi bướm, chiếc yếm dãi đã sờn rách từ lâu.
Lục Vô Song nói:
– Ông già quái dị ấy ngồi đó đã nửa ngày, sao chẳng thấy động đậy gì hết?
Trình Anh nói:
– Đừng gọi là ông già quái dị, hãy gọi là lão bá bá. Biểu muội mà gọi là ông già quái dị, thì người ta sẽ giận đấy.
Lục Vô Song cười nói:
– Như thế mà còn không phải là ông già quái dị nữa sao? Già thế kia mà còn đeo yếm dãi. Lão ta mà giận, râu tóc dựng ngược lên, trông càng vui mắt.
Nói đoạn cô bé nhặt một cái gương sen trong thuyền ném về phía quái khách.
Chiếc thuyền cách vị quái khách mấy trượng, Lục Vô Song tuy ít tuổi, nhưng sức ném đã không yếu, lại rất chuẩn. Trình Anh vội gọi:
– Biểu muội!
Định ngăn lại, nhưng đã không kịp, chỉ thấy cái gương sen bay thẳng tới mặt vị quái khách. Quái khách hất hàm một cái, đã ngậm được cái gương sen, chẳng buồn giơ tay cầm, dùng lưỡi điều khiển mà nhai cả cái gương sen rau ráu. Năm thiếu nữ thấy quái khách nhai tuốt cả vỏ lẫn hạt sen, chẳng sợ đắng, thì nhìn nhau kinh ngạc rồi cùng cười khúc khích, chèo thuyền vào bờ rồi bước lên bờ hồ.
Trình Anh tới bên cạnh quái khách, giật giật vạt áo của lão ta, nói:
– Lão bá bá, ăn như thế không ngon đâu.
Cô bé lấy trong giỏ ra một cái gương sen, bẻ lấy mười mấy hạt sen, rồi lại bóc vỏ xanh, tách vứt cái tâm đắng, mới đưa cho quái khách. Quái khách nhai vài miếng, cảm thấy thơm ngon hơn hẳn thứ vừa ăn ban nãy, thì nhoẻn miệng cười với Trình Anh, gật gật gù gù.
Trình Anh lại đưa cho quái khách mấy hạt sen nữa, quái khách bỏ tất vào mồm nhai nghiến ngấu, rồi ngửa mặt lên trời, nói:
– Có theo ta chăng?
Đoạn lão sải bước đi về hướng tây.
Lục Vô Song kéo tay Trình Anh, nói:
– Biểu tỷ chúng mình đi theo xem sao đi.
Ba thiếu nữ lớn hơn nhưng nhát gan, vội can:
– Mau về nhà thôi, đừng đi xa mà bị mẹ mắng cho đấy.
Lục Vô Song dẩu môi làm trò quỷ, thấy quái khách đã đi một quãng xa, bèn nói:
– Biểu tỷ không đi thì thôi.
Đoạn buông tay Trình Anh mà đuổi theo quái khách. Trình Anh trước giờ luôn luôn chơi đùa với biểu muội, nay không bảo được nó về thì đành đi theo nó vậy. Ba thiếu nữ lớn hơn mấy tuổi nhưng non gan, chỉ gọi với theo vài tiếng thì quái khách và hai chị em Trình, Lục đã trước sau khuất vào bãi dâu xanh.
Quái khách đi rất nhanh, thấy hai cô bé chân ngắn theo không kịp, đã mấy lần dừng lại chờ, cuối cùng sốt ruột, bèn dang hai cánh tay dài, mỗi tay kẹp một cô bé vào nách mà đi như bay. Hai cô bé chỉ nghe gió ù ù bên tai, cỏ cây đất đá hai bên đường cứ vùn vụt trôi qua trước mắt. Lục Vô Song cảm thấy sợ, vội kêu:
– Đặt điệt nhi xuống, đặt điệt nhi xuống thôi!
Quái khách chẳng buồn lý đến, lại còn lướt đi nhanh hơn.
Lục Vô Song bèn ngẩng lên, há mồm cắn thật mạnh vào cạnh bàn tay lão ta một cái. Cạnh bàn tay của quái khách dai cứng, khiến mấy cái răng non của Lục Vô Song đau tê đi, cô bé đành nhả ra, không cắn nữa, nhưng chẳng chịu yên, cứ la hét ầm lên. Trình Anh thì lẳng lặng không nói gì.
Quái khách chạy một chặng nữa rồi mới đặt hai cô bé xuống đất. Chỗ này là một bãi tha ma, Trình Anh sợ tái mặt, riêng Lục Vô Song thì mặt mày đỏ gay. Trình Anh nói:
– Lão bá bá chúng điệt nhi muốn về nhà thôi, chúng điệt nhi không chơi với lão bá bá nữa đâu!
Quái khách đưa mắt nhìn cô bé một cái, không nói gì. Trình Anh thấy ánh mắt của quái khách chứa đựng một nỗi buồn ảm đạm hết sức đáng thương, thì không khỏi động lòng trắc ẩn, bèn nhẹ nhàng nói:
– Nếu không có ai chơi với lão bá bá thì ngày mai lão bá bá hãy tới bên hồ, chúng điệt nhi sẽ lại bóc hạt sen mời lão bá bá ăn.
Quái khách thở dài, nói:
– Đúng thế, mười năm rồi không có ai chơi đùa với ta.
Đột nhiên lão ta quắc mắt, giận dữ quát to:
– Hà Nguyên Quân đâu? Hà Nguyên Quân đâu rồi?
Trình Anh thấy lão ta bỗng dưng trở mặt, thì sợ hãi, ấp úng nói:
– Điệt nhi…điệt nhi… điệt nhi không biết.
Quái khách túm lấy tay cô bé, lắc lắc thân hình cô bé mấy cái, gằn giọng, hỏi:
– Hà Nguyên Quân đâu?
Trình Anh sợ quá, nước mắt lưng tròng, nhưng cố không để nước mắt trào ra. Quái khách nghiến răng nói:
– Khóc đi, khóc đi! Sao ngươi không khóc hả? Mười năm trước, ngươi bằng ngần này đây. Ta không bằng lòng gả ngươi cho hắn. Ngươi bảo ngươi không nỡ xa ta, nhưng không thể không đi theo hắn. Ngươi bảo ngươi rất cảm kích ân tình của ta, rất đau lòng khi phải xa ta. Hừ, toàn những lời dối trá. Nếu ngươi thật sự đau lòng, tại sao ngươi không khóc hả?
Lão ta hầm hầm nhìn Trình Anh. Trình Anh sợ mất mật rồi, nhưng nước mắt vẫn chưa trào ra. Khi quái khách nắm cánh tay lắc người cô bé, cô bé cắn môi, nghiến răng chịu đau, nghĩ thầm: Ta không khóc, quyết không khóc!. Quái khách nói:
– Hừ ngươi nhất định không chịu rơi một giọt nước mắt vì ta, ta còn sống làm gì kia chứ?
Đột nhiên lão ta buông tay Trình Anh, cúi người xuống, đập đầu vào một tấm bia nghe Bịch một tiếng, quái khách lập tức ngã lăn bất tỉnh. Lục Vô Song gọi:
– Biểu tỷ, chạy mau.
Rồi kéo Trình Anh quay người chạy đi. Trình Anh chạy được vài bước, thấy quái khách đầu bê bết máu, thì trong lòng không nỡ, nói:
– Hình như lão bá bá đập đầu chết rồi, mình lại coi xem sao.
Lục Vô Song nói:
– Người chết biến thành ma thì phải?
Trình Anh giật mình, vừa sợ lão ta biến thành ma, vừa sợ lỡ lão ta đột nhiên hồi tỉnh, lại tóm lấy tay mình mà nói những lời điên khùng kỳ quái, nhưng thấy lão ta mặt mũi chan hòa máu tươi, trông thật đáng thương, thì tự nhủ: Lão bá bá không hóa thành ma đâu mà phải sợ, lão bá bá sẽ không túm lấy mình nữa đâu!, cô bé đánh bạo từ từ lại gần, gọi:
– Lão bá bá, đau lắm phải không?
Quái khách rên một tiếng, không trả lời. Trình Anh bạo hơn, lấy khăn tay chặn chỗ vết thương lại cho lão ta. Nhưng lão ta đập đầu quá mạnh, vết thương quá nặng trong giây lát máu xối ra làm ướt sũng cả cái khăn. Trình Anh bèn dùng tay trái ấn chặt vết thương, một lát sau thì máu ngừng chảy. Quái khách mở mắt he hé, nhìn thấy Trình Anh ngồi bên cạnh, thì thở dài:
– Ngươi lại đi cứu ta làm gì thế? Sao không để ta chết quách cho xong.
Trình Anh thấy lão ta hồi tỉnh, cả mừng, hỏi nhẹ:
– Lão bá bá đầu có đau lắm không?
Quái khách lắc đầu, buồn rầu nói:
– Đầu không đau, nhưng lòng đau.
Trình Anh nghe vậy, lấy làm lạ, nghĩ thầm: Đầu thủng một miếng lớn lại bảo đầu không đau, nhưng lòng đau là sao nhỉ? Rồi chẳng cần hỏi thêm, cô bé bèn cởi dây lưng băng vết thương cho lão ta.
Quái khách thở dài, đứng dậy, nói:
– Ngươi quyết không chịu gặp lại ta, thế thì chúng ta chia tay ở đây hay sao? Ngươi không chịu rơi một giọt nước mắt vì ta hay sao?
Trình Anh nghe giọng lão ta hết sức thương tâm, lại thấy khuôn mặt xấu xí của lão tuy bê bết máu, nhưng đầy vẻ cầu khẩn, thì bất giác mủi lòng, hai dòng nước mắt trào ra. Quái khách thấy nước mắt của cô bé, thì sắc mặt nửa vui sướng, nửa đau buồn òa lên khóc.
Trình Anh thấy ông lão khóc một cách đau khổ, thì nước mắt cô bé cứ ứa ra ròng ròng, cô bé đưa hai tay bíu lấy cổ ông lão. Lục Vô Song nhìn cảnh hai người chẳng hiểu sao đứng ôm nhau mà khóc, thì thấy buồn cười quá, nhịn không được, liền cười phá lên.
Quái khách nghe tiếng cười, ngửa mặt thở dài:
– Phải rồi, miệng bảo vĩnh viễn không xa rời ta, nhưng vừa mới lớn đã quên hết những lời đã nói, chỉ còn nhớ mỗi cái gã mặt trắng mới quen thôi. Ngươi cười sung sướng lắm hả!
Quái khách cúi đầu, chăm chú nhìn Trình Anh, nói:
– Đúng, đúng, ngươi đúng là bé Nguyên Quân của ta. Ta không cho ngươi đi, ta không cho phép ngươi đi theo tên súc sinh mặt trắng ấy đâu.
Nói rồi lão ta túm chặt lấy Trình Anh.
Lục Vô Song thấy lão già nổi cơn kích động, thì không dám cười nữa.
Quái khách nói:
– Nguyên Quân, ta đã tìm được ngươi rồi. Hai cha con ta về nhà thôi. Từ nay trở đi con sẽ mãi mãi ở bên cha.
Trình Anh nói:
– Lão bá bá ơi, cha của điệt nhi chết từ lâu rồi.
Quái khách nói:
– Ta biết, ta biết mà. Ta là nghĩa phụ của con, con không muốn thế hay sao?
Trình Anh khẽ lắc đầu:
– Điệt nhi làm gì có nghĩa phụ.
Quái khách tức giận đẩy cô bé ra, quát to:
– Nguyên Quân, đến nghĩa phụ mà mi cũng không chịu nhận hả?
Trình Anh đáp:
– Lão bá bá ơi, điệt nhi là Trình Anh, chứ không phải là Nguyên Quân của lão bá bá.
Quái khách lẩm bẩm:
– Mi không phải là Nguyên Quân ư? Không phải là Nguyên Quân của ta ư?
Lão ngẩn người một lát, rồi nói:
– Ờ, hai mươi năm trước, Nguyên Quân mới lớn bằng ngươi bây giờ. Nguyên Quân bây giờ lớn quá rồi, đâu cần đến cha nữa. Trong lòng nó chỉ có mỗi mình tên súc sinh Lục Triển Nguyên mà thôi.
Lục Vô Song ồ lên một tiếng, hỏi:
– Lục Triển Nguyên ư?
Quái khách chăm chú nhìn Lục Vô Song, hỏi:
– Ngươi quen biết Lục Triển Nguyên phải không?
Lục Vô Song mỉm cười, nói:
– Dĩ nhiên điệt nhi quen biết vì người ấy là bác ruột của điệt nhi.
Quái khách đột nhiên hầm hầm tức giận, chộp lấy hai vai Lục Vô Song, hỏi:
– Hắn…hắn…tên… súc sinh ấy hiện giờ ở đâu? Mau dẫn ta đến gặp hắn.
Lục Vô Song tuy hoảng sợ, nhưng lại tức cười, nói:
– Bá bá của điệt nhi ở gần đây thôi, lão bá bá muốn gặp bá bá của điệt nhi thật à? Hì hì!
Quái khách nói:
– Phải, phải, ta tìm bên hồ Gia Hưng suốt ba ngày qua chính là để tính sổ với tên súc sinh ấy. Này bé con, ngươi dẫn ta đi, ta sẽ không làm gì ngươi đâu.
Giọng lão ta đã dịu lại, lão ta buông tay ra. Lục Vô Song dùng tay phải xoa xoa vai trái, nói:
– Lão bá bá bóp vai điệt nhi đau quá. Bá bá của điệt nhi ở chỗ nào, điệt nhi quên mất rồi.
Quái khách trợn ngược đôi lông mày, định nổi giận, nhưng nghĩ chẳng nên bắt nạt một đứa bé con, nên đổi giận làm lành, mỉm cười, thò tay vào túi, nói:
– Ồ, là công công không tốt, công công sẽ đền cho điệt nhi. Công công có kẹo cho điệt nhi đây.
Nhưng tay lão ta không rút ra khỏi túi, chắc là không tìm được cái kẹo nào.
Lục Vô Song vỗ tay cười, nói:
– Lão bá bá không có kẹo, nói dối không biết ngượng. Thôi được điệt nhi sẽ cho lão bá biết bá bá của điệt nhi đang ở đâu.
Rồi cô bé chỉ tay về phía có hai cây hòe cao cao ở đằng xa, nói:
– Bá bá của điệt nhi ở chỗ ấy đấy.
Quái khách vươn hai cánh tay dài, lại kẹp hai cô bé vào nách mà đi như bay về phía hai cây hòe. Lão ta đi vội, gặp dòng mương rộng cản đường, lão nhảy phốc qua dễ dàng. Loáng một cái, ba người đã tới bên hai cây hòe. Quái khách đặt hai cô bé xuống, thấy dưới gốc hòe có hai ngôi mộ, một ngôi có tấm bia đề sáu chữ Lục công Triển Nguyên chi mộ tấm bia thứ hai có bảy chữ Lục môn Hà phu nhân chi mộ.
Cỏ trên hai ngôi mộ rất dày và xanh, rõ ràng an táng đã lâu.
Quái khách ngây người nhìn tấm bia, lẩm bẩm:
– Tên súc sinh Lục Triển Nguyên chết rồi ư? Chết khi nào vậy?
Lục Vô Song cười hì hì, đáp:
– Đã ba năm rồi.
Quái khách cười nhạt, nói:
– Chết khéo lắm, chết khéo lắm, chỉ tiếc là ta không thể tự tay lấy đi cái mạng chó của hắn.
Nói đoạn lão ngửa mặt lên trời cười ha hả, tiếng cười vọng đi rất xa, nghe đầy vẻ sầu khổ bi thương, chứ không có chút gì gọi là vui mừng.
Lúc này trời đã sắp tối, một màn sương mờ mờ phủ lên cỏ cây. Lục Vô Song kéo áo Trình Anh, nói nhỏ:
– Chúng mình về thôi.
Quái khách nói:
– Tên súc sinh chết rồi, Nguyên Quân còn ở lại làm gì? Ta phải đón nó về nước Đại Lý. Này bé con, ngươi mau đưa ta đi tìm bà cô… của ngươi, thê tử của bá bá ngươi ấy mà.
Lục Vô Song chỉ tấm bia thứ hai, nói:
– Lão bá chưa đọc à? Bà ấy cũng chết rồi.
Quái khách đứng bật dậy, quát to như sấm:
– Ngươi vừa nói là thật hay giả? Nó cũng chết rồi ư?
Lục Vô Song mặt trắng bệch, run run nói:
– Cha điệt nhi bảo rằng sau khi bá bá của điệt nhi mất, thì cô của điệt nhi cũng chết theo. Điệt nhi không biết đâu, điệt nhi không biết rõ đâu. Lão bá đừng dọa điệt nhi sợ lắm!
Quái khách đấm ngực, kêu to:
– Nó chết rồi, nó chết rồi ư? Đâu có thể như thế, ngươi còn chưa gặp lại ta, quyết không thể chết được. Ta đã hẹn ngươi mười năm sau nhất định ta sẽ tới thăm ngươi kia mà. Tại sao ngươi không… không chịu chờ ta kia chứ?
Quái khách vừa hét vừa nhảy như một con hổ điên, bỗng dưng đá một cái vào gốc hòe, khiến cây hòe lớn lung lay mạnh, cành lá rào rào. Trình Anh và Lục Vô Song nắm tay nhau lùi ra xa, đâu dám tới gần.
Chỉ thấy quái khách đột nhiên ôm vòng thân cây hòe mà lay như định nhổ nó lên. Nhưng cây hòe to chắc thế kia, ai mà nhổ nổi? Quái khách rống lên:
– Ngươi, chính miệng ngươi tự nói mà, chẳng lẽ đã quên rồi sao?
Giọng lão nhỏ dần. Lão ngồi phệt xuống, hai tay vận kình, một luồng khí nóng từ đỉnh đầu từ từ bốc lên như hơi nước sôi, các bắp cơ trên hai cánh tay cuồn cuộn, lão nhổm dậy, tì lưng bốc cây hòe lên, miệng thét Lên này. Nhưng gốc hòe trước sau không hề suy suyển, chỉ nghe rắc một tiếng lớn, nửa thân cây phía trên bị gãy rời. Quái khách ôm nửa thân cây gãy đó, ngây ra, nói:
– Chết rồi, chết rồi.
Đoạn hất nó ra xa, nó bay đi chẳng khác gì một cây dù. Quái khách đứng trước mộ, lẩm bẩm:
– Không sai Lục môn Hà phu nhân chính là Nguyên Quân rồi.
Mắt lão hoa lên, hai tấm bia hóa thành hai bóng người, một là thiếu nữ trắng trẻo tươi như hoa, một là thiếu niên cao lớn, tuấn tú. Hai người sánh vai bên nhau.
Quái khách trừng mắt mắng:
– Mi quyến rũ đứa con gái ngoan của ta, ta phải giết mi.
Lão giơ ngón trỏ tay phải chúi người thẳng tới, chọc mạnh vào giữa ngực gã thiếu niên, chợt cảm thấy đau buốt như gãy ngón tay; thì ra lão chọc đúng vào tấm bia đá, hình bóng gã thiếu niên đã không còn nữa. Quái khách cả giận, quát:
– Mi chạy đi đâu nào?
Rồi song chưởng đánh ra, bộp bộp hai tiếng, trúng vào tấm bia. Lão càng đánh càng giận, càng giận thì chưởng lực càng mạnh, sau hơn mười chưởng, hai bàn tay đã bê bết máu tươi. Trình Anh lòng không nỡ, lên tiếng can:
– Lão bá bá, đừng đánh nữa, càng đánh càng đau tay mình mà thôi.
Quái khách cưới ha hả, nói:
– Ta không đau, ta phải đánh chết tên súc sinh Lục Triển Nguyên mới được.
Lão đang cười, chợt ngừng bặt, ngẩn ra một lát, nói:
– Ta phải nhìn mặt ngươi, ta không thể không nhìn mặt ngươi.
Hai tay lão giơ ra, mười ngón tay như mười cái dùi cắm xuống ngôi mộ có tấm bia Lục môn Hà phu nhân chi mộ. Cánh tay lão gồng lên, móc luôn hai tảng đất khỏi mộ. Rồi chỉ thấy hai bàn tay lão như hai cái lưỡi xẻng cứ liên tiếp hất từng vốc đất của ngôi mộ lên.
Trình Anh và Lục Vô Song sợ mặt cắt không còn hột máu, không hẹn mà cùng quay người bỏ chạy.
Quái khách mải đào mộ, không để ý. Hai cô bé chạy một hồi, qua mấy khúc quành, không thấy lão ta đuổi theo, mới đỡ lo. Hai đứa không biết đường, vừa đi vừa hỏi thăm thôn dân, mãi khi trời tối hẳn mới về tới cổng lớn của Lục gia trang.
Lục Vô Song há miệng gọi to:
– Không hay rồi, không hay rồi! Cha ơi, mẹ ơi, mau ra đi, có lão già điên khùng đang đào mộ vợ chồng đại bá bá đó.
Cô bé chạy vội vào đại sảnh, thấy phụ thân là Lục Lập Đỉnh đang ngẩng đầu, ngẩn ngơ nhìn lên tường.
Trình Anh cùng theo vào đại sảnh, hai cô bé đưa mắt nhìn lên tường, thấy trên đó in rõ ba hàng bàn tay máu, hàng trên hai bàn tay, hàng giữa hai bàn tay, hàng dưới năm bàn tay, tổng cộng chín bàn tay đỏ như máu.
Lục Lập Đỉnh nghe tiếng gọi của con gái, vội hỏi:
– Con bảo sao?
Lục Vô Song nói:
– Thưa cha, có lão già điên khùng đang đào mộ vợ chồng đại bá.
Lục Lập Đỉnh kinh ngạc, đứng dậy quát:
– Nói nhảm!
Trình Anh nói:
– Thưa di trượng, là thật đấy ạ.
Lục Lập Đỉnh biết con mình nghịch ngợm tinh quái, còn Trình Anh thì trước giờ không khi nào bịa chuyện, bèn hỏi:
– Sự việc thế nào?
Lục Vô Song bèn liến thoắng kể lại câu chuyện vừa xảy ra.
Lục Lập Đỉnh thầm biết không ổn, chẳng chờ con kể hết, vội giật lấy cây đơn đao treo trên tường, chạy tới khu mộ phần của huynh tẩu. Đến nơi, Lục Lập Đỉnh thấy chẳng những hai ngôi mộ của huynh tẩu đã bị đào bới, mà ngay hai cỗ quan tài cũng bị bật nắp. Lúc nghe con bảo có kẻ đào mộ, chàng có nghĩ đến chuyện này, nhưng khi tận mắt nhìn thấy, thì bất giác trống ngực đập thình thình. Hai cái xác trong quan tài đều biến mất, các thứ vôi, giấy, bông lót trong quan tài bị bới tung tóe. Lục Lập Đỉnh định thần thấy trên nắp hai quan tài có rất nhiều vết cạy của dụng cụ bằng sắt, không khỏi vừa bi phẫn, vừa kinh nghi, không biết tên ác tặc cướp xác có mối thâm cừu đại oán thế nào với huynh tẩu, mà sau khi họ chết, hắn còn trút giận vào xác họ như vậy. Chàng bèn cầm đao đuổi theo. Toàn bộ võ công của chàng đều do huynh trưởng Lục Triển Nguyên truyền thụ, tính chàng giản dị, gia đạo lại đầm ấm, cả đời an nhàn no đủ, chưa từng hành tẩu giang hồ, có thể nói là chưa hề từng trải, kém tháo vát, chạy tìm tung tích kẻ ăn trộm xác cũng chẳng biết cách, chạy loanh quanh một hồi lại trở về bên mộ đứng ngẩn một hồi, đành trở về nhà.
Chàng vào đại sảnh, ngồi xuống ghế tiện tay đặt cây đơn đao cạnh ghế chăm chú nhìn vết chín bàn tay máu in trên tường, nghĩ thầm: Lúc lâm chung, ca ca từng nói ca ca có kẻ thù là một đạo cô, tên Lý Mạc Sầu, ngoại hiệu Xích Luyện tiên tử, võ công đã cao, hành sự lại tàn bạo như lang sói, dự tính rằng mười năm sau khi ca ca kết hôn Lý Mạc Sầu sẽ đến tìm vợ chồng ca ca báo thù. Lúc lâm chung, ca ca nói: Huynh bị bệnh hiểm nghèo bất trị, mối oán cừu này với Lý Mạc Sầu thế là không báo được. Ba năm nữa khi nàng ta đến báo thù, dẫu thế nào đệ cũng phải khuyên tẩu tẩu tránh đi thật xa. Mình đã nuốt lệ nhận lời, nào ngờ ngay tối hôm ca ca qua đời, tẩu tẩu đã tự vẫn theo chồng. Ca ca mất đã ba năm, xem chừng đã đến lúc đạo cô tới báo thù. Nhưng vợ chồng huynh tẩu cùng chết cả rồi, oán thù coi như xóa sạch, đạo cô còn tới làm gì kia chứ. Ca ca còn bảo, đạo cô trước khi giết người, thường in vết bàn tay máu trên tường hoặc cánh cổng nhà nạn nhân, mỗi bàn tay tức là đạo cô sẽ giết một người. Nhà mình kể cả đầy tớ nam nữ cũng chưa quá bảy người, sao mụ nữ ma đầu ấy lại in những chín bàn tay máu? À, phải rồi, mụ ta in vết bàn tay xong, mới biết huynh tẩu đã chết, bèn sai người đi đào mộ lấy xác chăng? Mụ nữ ma đầu này độc ác quá chừng… Hôm nay mình ở nhà suốt ngày, không hiểu mụ ta in các bàn tay máu lúc nào nhỉ? Mụ ta ra tay bí ẩn như thế, người này…người này…
Nghĩ đến đây, Lục Lập Đỉnh không khỏi lạnh sống lưng. Có tiếng chân rón rén phía sau, rồi hai bàn tay mềm nhỏ bịt hai mắt Lục Lập Đỉnh, tiếng con trẻ hỏi Phụ thân ơi phụ thân đoán xem hài nhi là ai nào? Đấy là trò chơi mà Lục Vô Song từ nhỏ thích đùa với phụ thân. Năm lên ba, một lần Lục Vô Song dùng tay bịt mắt phụ thân, hỏi: Phụ thân ơi, phụ thân đoán xem hài nhi là ai nào? khiến phụ mẫu được một phen cười thoả thích, từ đó, mỗi lần thấy phụ thân buồn rầu cô bé lại chơi trò đó để phụ thân vui. Có khi Lục Lập Đỉnh đang rất tức giận, được đứa con gái yêu bày trò đó, chàng cũng nguôi giận liền. Nhưng tối nay chàng không còn bụng dạ nào đùa với con, chàng gỡ tay nó ra, nói:
– Ta không rỗi, hài nhi ra chỗ khác mà chơi!
Lục Vô Song ngẩn người, từ nhỏ cô bé luôn được phụ mẫu cưng chiều, chưa bao giờ nó bị phụ thân hắt hủi như thế, nó dẩu môi, định mè nheo với phụ thân, nhưng chợt thấy người đầy tớ già A Căn hớt hải chạy vào bẩm báo:
– Thiếu gia, ngoài kia có khách ạ.
Lục Lập Đỉnh phẩy phẩy tay, nói:
– Ngươi ra bảo ta đi vắng.
A Căn nói:
– Bẩm thiếu gia, vị đại nương ấy không phải muốn gặp thiếu gia, mà là người qua đường xin nghỉ nhờ một đêm.
Lục Lập Đỉnh kinh ngạc hỏi:
– Sao, là nữ khách ư?
A Căn đáp.
– Vâng, vị đại nương ấy còn mang theo hai cậu bé rất kháu khỉnh.
Lục Lập Đỉnh nghe nói nữ khách có mang theo hai đứa bé, thì hơi yên tâm, hỏi:
– Bà ta không phải là đạo cô chứ?
A Căn lắc đầu:
– Thưa không ạ. Bà ta ăn vận sạch sẽ, xem chừng là một vị quý phái đấy ạ.
Lục Lập Đỉnh nói:
– Được, người mời bà ta vào phòng khách nghỉ ngơi, hãy mời họ ăn uống tử tế.
A Căn vâng lệnh lui ra. Lục Vô Song nói:
– Hài nhi cũng ra xem sao đây.
Liền chạy theo.
Lục Lập Đỉnh đứng dậy, đang định vào nội thất bàn với nương tử cách ứng phó với kẻ địch, thì Lục nhị nương đã bước ra sảnh. Lục Lập Đỉnh chỉ cho nương tử thấy các vết bàn tay máu, rồi lại kể việc hai ngôi mộ bị đào bới mất xác. Lục nhị nương cau mày hỏi:
– Biết đưa hai đứa nhỏ đi tránh ở đâu bây giờ?
Lục Lập Đỉnh chỉ tay lên tường, nói:
– Hai đứa nhỏ cũng đã bị mụ ma đầu kia liệt vào số bàn tay máu, chỉ e muốn tránh cũng chẳng xong. Ôi, vợ chồng ta luyện võ mấy năm chỉ uổng công, kẻ địch lọt vào nhà mà chúng ta chẳng hay biết, thế… thế…
Lục nhị nương nhìn bức tường trắng, tay nắm lưng ghế nói:
– Sao những chín bàn tay máu? Cả nhà ta hiện chỉ có bảy người.
Vừa nói, chân tay nàng bủn rủn, nhìn phu quân mà nước mắt lưng tròng. Lục Lập Đỉnh giơ tay dìu vợ, nói:
– Nương tử, việc đã thế này, cũng đừng nên lo sợ. Hai bàn tay hàng trên là vợ chồng huynh tẩu, hai bàn tay hàng dưới tất nhiên là ngụ ý hai ta. Hàng dưới, hai bàn tay đầu là Vô Song với Trình Anh, ba bàn tay cuối cùng là A Căn và hai tỳ nữ. Thế là hết sạch cả nhà.
Lục nhị nương run giọng:
– Vợ chồng huynh tẩu ư?
Lục Lập Đỉnh nói:
– Không biết mụ ma đầu ấy với huynh tẩu có oán thù gì lớn, mà huynh tẩu chết rồi, mụ ta còn sai người đào mồ lên làm nhục di thể họ.
Lục nhị nương hỏi:
– Chàng bảo lão già điên khùng là do mụ ta phái tới ư?
Lục Lập Đỉnh nói:
– Dĩ nhiên.
Lục nhị nương thấy mặt phu quân lấm lem bụi đất và mồ hôi, thì dịu dàng nói:
– Chàng về phòng rửa mặt thay áo, nghỉ một lát đi, rồi hãy hay.
Lục Lập Đỉnh cùng nương tử sánh vai đi vào phòng trong, nói:
– Nương tử, cả nhà họ Lục hôm nay dẫu có chết, cũng phải chết sao cho xứng với uy danh của huynh tẩu mới được.
Lục nhị nương lòng chua xót, đáp:
– Chàng nói rất phải.
Hai người đều nghĩ, Lục Lập Đỉnh tuy hoàn toàn vô danh, nhưng vợ chồng huynh trưởng Lục Triển Nguyên và Hà Nguyên Quân nổi tiếng giang hồ hiệp nghĩa, danh tiếng của Lục gia trang ở Gia Hưng được hết thảy mọi người trong võ lâm trước nay kính nể.
Hai vợ chồng đi vào hậu viện, bỗng nghe có tiếng động trên đầu tường bao phía đông. Lục Lập Đỉnh bèn chạy lên che cho nương tử, ngẩng đầu nhìn, thấy trên bờ tường có một cậu bé đang hái hoa lăng tiêu, lại nghe có người ở dưới chân tường nói: Cẩn thận, kẻo ngã. Thì ra là Trình Anh và Lục Vô Song đang cùng một cậu bé khác đứng dưới chân tường. Lục Lập Đỉnh nghĩ thầm: Hai cậu bé kia chắc là con của người đến ngủ nhờ, sao lại biết ra đây chơi đùa nhỉ?
Cậu bé trên bờ tường hái được một bông hoa, Lục Vô Song gọi:
– Cho tớ, cho tớ nào!
Cậu bé trên bờ tường mỉm cười, ném bông hoa xuống chỗ Trình Anh. Trình Anh giơ tay đón bông hoa, rồi đưa cho biểu muội. Lục Vô Song dỗi, vứt luôn xuống đất, lấy chân giẫm lên mấy cái nói:
– Tưởng báu lắm đấy, ta không thèm.
Vợ chồng Lục Lập Đỉnh thấy mấy đứa nhỏ hồn nhiên chơi đùa, chẳng biết đại họa đẫm máu sắp ập xuống Lục gia trang, thì thở dài, cùng đi vào phòng. Trình Anh thấy Lục Vô Song giẫm nát bông hoa, nói:
– Biểu muội tức lắm phải không?
Lục Vô Song dẩu mỏ, nói:
– Muội không cần nó, muội tự hái được.
Đoạn nhún chân một cái, nhảy lên, túm được một cành đằng la có hoa chĩa thấp, lại đánh đu lấy đà bay lên cao mấy thước, túm lấy một cành ngân quế. Cậu bé trên bờ tường vỗ tay gọi:
– Lên đây với tớ đi!
Lục Vô Song hai tay nắm cành quế đánh đu vài lần, rồi buông tay cho người bay lên bờ tường.
Cô bé mới luyện qua một chút khinh công, động tác này quả vô cùng nguy hiểm. Chỉ vì bực cậu bé không tặng hoa cho nó, lại tặng cho Trình Anh, mà nó chạm lòng tự ái hiếu thắng, bất kể ba bảy hai mươi mốt gì hết, đu người phóng lên tường. Cậu bé kia ngạc nhiên, kêu to:
– Cẩn thận!
Rồi chìa tay ra đón. Nếu cậu ta không giơ tay đón, Lục Vô Song chắc có thể bíu lấy bờ tường, nhưng đang lơ lửng trên không, thấy cậu bé giơ tay đón đỡ, Lục Vô Song lại quát: Tránh ra! rồi xoay mình để tránh hai tay cậu bé. Động tác xoay mình trong không trung là một thứ khinh công tuyệt kỹ, cô bé từng thấy cha mình sử dụng, nhưng ngay cả mẹ nó còn chưa làm nổi, thì một cô bé như nó sao đủ khả năng? Nó vừa xoay mình, thì mấy ngón tay đập vào bờ tường, nó kêu lên một tiếng Ôi chao!, rơi thẳng xuống.
Cậu bé ở dưới chân tường thấy Lục Vô Song rơi xuống, vội vọt tới, giơ tay đỡ. Tường cao hơn một trượng thân thể cô bé tuy nhẹ, nhưng lực rơi từ trên cao xuống rất mạnh, cậu bé ở dưới chân tường ôm được ngang người cô bé thì cả hai đứa cùng ngã oạch xuống, nghe rất nặng nề. Nghe cạch cạch hai tiếng, Lục Vô Song bị gãy chân trái, còn cậu bé thì thái dương đập vào một cục đá, lập tức máu chảy loang mặt.
Trình Anh và cậu bé thứ hai thấy chuyện chẳng lành, vội xúm lại giúp. Cậu bé từ từ ngồi dậy, lấy tay bịt vết thương trên trán. Lục Vô Song thì ngất lịm.
Trình Anh ôm biểu muội, gọi to:
– Di trượng ơi, a di ơi, mau ra đây!
Vợ chồng Lục Lập Đỉnh nghe gọi, từ trong nhà chạy ra, thấy hai đứa trẻ bị thương, lại thấy một phụ nữ trung niên từ chái nhà phía tây chạy ra, chắc là ngươi xin ngủ nhờ. Chỉ thấy người ấy bế Lục Vô Song vào trong sảnh, không lo cầm máu trước cho cậu bé, mà lại nắn chỗ xương gãy cho Lục Vô Song. Lục nhị nương lấy chiếc khăn tay băng trán cho cậu bé, rồi lại bên xem vết thương của con gái.
Người thiếu phụ kia điểm huyệt Bạnh Hải ở phía trong cái chân bị gãy và huyệt Ủy Trung ở sau đầu gối để giảm đau cho Lục Vô Song, hai tay thiếu phụ nắn nắn hai bên chỗ xương gãy để chuẩn bị bó kẹp lại. Lục Lập Đỉnh thấy động tác của bà ta lanh lẹ, điểm huyệt thành thạo, thì lòng đầy nghi vấn, hỏi:
– Đại nương là ai, quang lâm tệ trang có gì chỉ giáo chăng?
Người thiếu phụ ấy chỉ chăm chú tiếp cốt cho Lục Vô Song, ậm ậm ừ ừ, không trả lời.
Đúng lúc đó, trên mái nhà bỗng có tiếng cười ha hả, rồi một giọng nữ nói:
– Chỉ tính mấy mạng chín người trong Lục gia trang, những kẻ còn lại hãy mau mau rời khỏi đây.
Ngươi thiếu phụ đang nắn xương nghe tiếng nói trên mái nhà, giật mình, bất giác bóp hai tay một cái, cạch một tiếng nhẹ , Lục Vô Song đau quá kêu tướng lên, lại ngất đi.
Mấy người cùng ngẩng đầu, chỉ thấy cạnh mái hiên có một đạo cô trẻ, ánh trăng chiếu vào khuôn mặt, trông nàng ta trạc mười lăm mười sáu tuổi, sau lưng giắt thanh trường kiếm, kiếm luyện huyết hồng, phát tiếng kêu u u trong gió. Lục Lập Đỉnh nói to:
– Tại hạ Lục Lập Đỉnh, người có phải là môn hạ của Lý tiên cô?
Tiểu đạo cô nhếch mép, nói:
– Ngươi biết thế thì tốt! Ngươi hãy mau giết hết vợ con, nô bộc, rồi tự vẫn, để ta đỡ phí thêm chút sức lực.
Lời này nói ra nhơn nhơn thong thả, thật không còn coi đối phương ra gì.
Lục Lập Đỉnh nghe mấy câu đó thì sợ phát run, nói:
– Ngươi… ngươi…
Nhất thời chưa biết ứng phó thế nào, cũng định nhảy lên mái nhà liều mạng một phen, nhưng nghĩ đối phương còn nhỏ tuổi, lại là nữ giới, thật không tiện động thủ; chàng đang trù trừ, bỗng thấy có người vút qua bên cạnh, chính là thiếu phụ qua đường xin ngủ nhờ, tay cầm trường kiếm, phi thân lên mái nhà tỉ thí với tiểu đạo cô.
Thiếu phụ mặc bộ quần áo màu tro, tiểu đạo cô mặc bộ đạo bào màu hoàng hạnh, dưới ánh trăng chỉ thấy hai vệt màu xám màu vàng bay lượn kèm theo ba đạo hàn quang, đôi lúc phát ra tiếng binh khí chạm nhau. Lục Lập Đỉnh được huynh trưởng truyền dạy võ công, tuy chưa từng giao đấu với kẻ địch, nhưng nhãn quang của chàng cũng khá, có thể nhận biết rõ ràng kiếm chiêu của hai người. Thấy thanh trường kiếm trong tay tiểu đạo cô chợt thủ chợt công, đang công trở về thủ, kiếm pháp vô cùng lợi hại. Thiếu phụ thì ngưng thần đối phó, nhằm chỗ sơ hở của đối thủ mà xuất chiêu. Bỗng nghe keng một tiếng, hai kiếm chạm nhau, thanh trường kiếm của tiểu đạo cô văng lên trời, nàng ta vội lùi ra sau, nói:
– Ta phụng mệnh tới giết cả nhà họ Lục, ngươi là ai mà lại đến đây lo chuyện bao đồng?
Thiếu phụ cười khẩy nói:
– Sư phụ ngươi có giỏi thì phải sớm tìm Lục Triển Nguyên mà tính sổ, nay thừa biết Lục Triển Nguyên đã chết, lại đến tìm người khác để trút giận mà không biết ngượng hay sao?
Tiểu đạo cô vung tay phải, ba chiếc ngân châm bay đi, hai chiếc nhắm vào thiếu phụ, chiếc thứ ba phóng xuống Lục Lập Đỉnh đang đứng dưới sân. Không ai ngờ việc đó, thiếu phụ vung kiếm gạt, Lục Lập Đỉnh thì giơ hai ngón tay kẹp được chiếc ngân châm.
Tiểu đạo cô cười nhạt, nhảy xuống đất, chỉ nghe tiếng chân chạy như bay như biến. Thiếu phụ trở xuống thấy Lục Lập Đỉnh tay cầm chiếc ngân châm, vội nói:
– Mau ném đi!
Lục Lập Đỉnh y lời làm theo. Thiếu phụ dùng kiếm cắt một phần vạt áo của mình, buộc chặt cổ tay phải của Lục Lập Đỉnh.
Lục Lập Đỉnh giật mình, hỏi:
– Ngân châm tẩm độc ư?
Thiếu phụ đáp:
– Là chất cực độc đó!
Rồi lấy một viên thuốc đưa cho Lục Lập Đỉnh bảo nuốt ngay. Lục Lập Đỉnh cảm thấy hai ngón trỏ và giữa tê dại, sưng phù lên. Thiếu phụ bèn dùng mũi kiếm nhể vào đầu hai ngón tay ấy, máu đen nhỏ ra từng giọt từng giọt. Lục Lập Đỉnh cả sợ nghĩ thầm: Ngón tay ta chưa bị sây sát, ta chỉ kẹp chiếc ngân châm mà còn nhiễm độc như thế, nếu để chiếc ngân châm đâm vào người thử hỏi còn gì mạng sống? Bèn thi lễ với người thiếu phụ, nói:
– Tại hạ có mắt không thấy Thái Sơn, xin mạo muội thỉnh vấn quý tính đại danh.
Thiếu phụ nói:
– Quan nhân nhà tiểu phụ nhân họ Võ, là Võ Tam Thông.
Lục Lập Đỉnh giật mình, nói:
– Thì ra là Võ tam nương. Nghe kể Võ tiền bối là môn hạ của Nhất Đăng đại sư ở Vân Nam Đại Lý, có phải vậy chăng?
Võ tam nương đáp:
– Chính thế, Nhất Đăng đại sư là sư phụ của quan nhân nhà tiểu phụ nhân. Tiểu phụ nhân học được chút võ nghệ thô thiển, thật là múa rìu qua mắt thợ, làm trò cười cho Lục gia.
Lục Lập Đỉnh rối rít đa tạ ân đức. Chàng từng nghe huynh trưởng kể rằng bình sinh các cao thủ võ học phải kể trước hết môn đệ của Nhất Đăng đại sư. Nhất Đăng đại sư vốn là quốc quân của nước Đại Lý, sau khi rời ngôi đi tu, có bốn đại đệ tử Ngư Tiều Canh Độc theo hầu, trong đó nông phu (Canh) chính là Võ Tam Thông, là người có hiềm khích với huynh trưởng, nhưng còn việc kết oán thế nào, thì huynh trưởng không nói rõ. Nay Võ tam nương đã không coi chàng như kẻ địch, lại còn ra tay đánh đuổi đệ tử của Xích Luyện tiên tử, duyên do vì sao thật là khó hiểu. Mấy người trở vào sảnh đường. Lục Lập Đỉnh ôm nữ nhi vào lòng, thấy nó đã tỉnh lại, sắc mặt nhợt nhạt, nhưng cố nhịn đau không khóc, thì chàng bất giác thấy thương nó quá. Võ tam nương thở dài, nói:
– Đệ tử của nữ ma đầu kia chạy đi rồi, thì mụ ta sẽ thân chinh đến ngay. Lục gia, không phải là tiểu phụ nhân này coi thường Lục gia, nhưng hai vị dẫu có tiểu phụ nhân trợ giúp, cũng không tài nào địch nổi mụ ta. Song tiểu phụ nhân nghĩ rằng có bỏ chạy cũng vô ích, chi bằng đành phó mặc ý trời, chúng ta cứ chờ mụ ta đến vậy!
Lục nhị nương hỏi:
– Mụ ma đầu ấy rốt cuộc có thâm cừu đại oán gì với nhà chúng tôi vậy?
Võ tam nương nhìn Lục Lập Đỉnh một cái, nói:
– Không lẽ Lục gia chưa kể cho phu nhân biết hay sao?
Lục nhị nương đáp:
– Phu quân bảo chỉ biết việc này có liên quan đến huynh tẩu của chàng, còn chuyện mắc mứu tình ái thế nào, chàng cũng không rõ lắm!
Võ tam nương lại thở dài, nói:
– Thế cũng phải! Tiểu phụ nhân là người ngoài, có nói cũng không sao. Lệnh huynh Lục Triển Nguyên mười năm trước từng qua Đại Lý. Thời ấy Xích Luyện tiên tử Lý Mạc Sầu, người mà ngày nay võ lâm nghe nhắc tới đã kinh hồn táng đởm, còn là một thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng, chưa hề xuất gia. Cũng là oan nghiệt từ kiếp trước, sau khi Lý Mạc Sầu gặp lệnh huynh, đôi bên nảy nở ái tình. Sau đó trải qua nhiều biến cố tranh chấp, lệnh huynh lại thành hôn với lệnh tẩu Hà Nguyên Quân. Nói đến lệnh tẩu không thể không nhắc tới chuyết phu (chuyết phu: lời nói khiêm nhường, chỉ người chồng của mình). Chuyện này kể ra thật ngượng, nhưng hôm nay tình thế quẫn bách, tiểu phụ nhân này đành nói ra vậy. Lệnh tẩu Hà Nguyên Quản vốn là nghĩa nữ của phu phụ tiểu phụ nhân.
Hai vợ chồng Lục Lập Đỉnh cùng ồ lên. Võ tam nương xoa nhẹ vai cậu bé bị thương nhìn ngọn nến, nói:
– Lệnh tẩu Hà Nguyên Quân cô khổ từ nhỏ, phu phụ tiểu phụ nhân đem về nhà nuôi dưỡng, nhận làm nghĩa nữ, vô cùng yêu thương. Sau Hà Nguyên Quân quen biết lệnh huynh, đôi bên tình đầu ý hợp, muốn kết thành phu phụ. Chuyết phu một là không muốn gả chồng xa, hai là tính tình cố chấp, bảo người Giang Nam gian trá giảo hoạt, hoàn toàn không đáng tin cậy, bởi vậy nhất quyết không cho phép. Hà Nguyên Quân bèn trốn nhà đi theo lệnh huynh. Đúng ngày thành hôn, chuyết phu và Lý Mạc Sầu cùng tới gây chuyện với cặp vợ chồng tân hôn. Tại tiệc cưới có một vị cao tăng chùa Thiên Long ở Đại Lý đã ra tay ngăn chặn, buộc hai người phải nể mặt, để cho đôi vợ chồng tân hôn được sống bình yên trong mười năm. Chuyết phu và Lý Mạc Sầu bấy giờ đành phải hứa nội trong mười năm không gây khó dễ với hai vợ chồng họ. Chuyết phu sau đó phẫn uất quá, hóa thành người điên điên khùng khùng, bất kể bạn hữu và tiểu phụ nhân này khuyên can thế nào, cũng không nguôi ngoai, cứ tính từng ngày. Hôm nay chính là hết hạn mười năm, ai ngờ lệnh huynh và lệnh tẩu đã… Ôi hạnh phúc mười năm cũng chưa được hưởng trọn. Nói đoạn cúi đầu, vẻ buồn bã.
Lục Lập Đỉnh nói:
– Như thế, kẻ đào mồ lấy di thể của huynh tẩu ta chính là tôn phu.
Võ tam nương cả thẹn, nói:
– Vừa rồi nghe hai tiểu thư trong phủ kể, thì đúng là chuyết phu rồi.
Lục Lập Đỉnh cao giọng:
– Hành động của tôn phu thật quá ư sai trái. Thù oán đâu có gì ghê gớm, huống hồ huynh tẩu của ta đã chết, dẫu có thâm cừu đại oán, kể như cũng xóa sạch, đằng này lại đi đào bới mộ phần, lấy mất di thể, như vậy đâu phải là anh hùng hảo hán?
Luận về vai vế, vợ chồng họ Võ là bề trên, nhưng Lục Lập Đỉnh trong lúc tức giận, nói năng bất chấp tôn ti. Võ tam nương thở dài:
– Lục gia trách cứ cũng phải, chuyết phu tâm trí thất thường, lời lẽ cử chỉ thường không có tình có lý gì cả. Hôm nay tiểu phụ nhân mang hai con nhỏ tới đây là để phòng chuyết phu ở đây quậy phá. Trên đời này, e rằng chuyết phu chỉ còn nể đôi chút một mình tiểu phụ nhân nữa thôi.
Đoạn quay sang bảo hai đứa con.
– Các ngươi hãy khấu đầu thay phụ thân các ngươi tạ tội với Lục gia và Lục nhị nương đi.
Hai cậu bé sụp xuống lạy.
Lục nhị nương vội đưa tay đỡ dậy, hỏi tên. Cậu bé bị thương vào trán tên là Võ Đôn Nhu, là anh, còn cậu em tên là Võ Tu Văn. Hai anh em hơn kém nhau một tuổi, đứa mười hai, đứa mười một. Hai người con của danh gia võ học lại đều mang cái tên văn chương nho nhã. Võ Tam nương nói, hai vợ chồng bà đứng tuổi mới có con, thấm thía sự hiểm ác trong võ lâm, cho nên chỉ mong các con bỏ võ theo văn, song hai đứa con trai của họ vẫn cứ thích võ, chẳng hợp với cái tên của chúng chút nào.
Võ tam nương kể xong, lại buồn bã thở dài, nghĩ thầm chuyện này chỉ nên dừng ở đây, phần tiếp theo chẳng nên kể cho người ngoài biết. Vốn khi Hà Nguyên Quân mười bảy mười tám tuổi, thì đẹp như tiên nữ, kiều mị khả ái, Võ Tam Thông đối với nàng tựa hồ không đơn thuần chỉ có tình nghĩa phụ nghĩa nữ. Do thân phận hào hiệp trong võ lâm, Võ Tam Thông không thể cho phép mình có cử chỉ lời lẽ vượt quá giới hạn, tâm sự cứ uất kết lại, đột nhiên thấy nàng phải lòng một chàng trai Giang Nam, thì không kìm được cơn cuồng nộ. Còn về câu nói Dân Giang Nam gian trá giảo hoạt, hoàn toàn không đáng tin cậy thì ngoài cái ý chê bai ý trung nhân của Hà Nguyên Quân ra, Võ Tam Thông còn từng bị Hoàng Dung đánh lừa, tuy sau đấy hòa giải với Hoàng Dung, Quách Tĩnh song cái ý nghĩ Dân Giang Nam gian trá giảo hoạt đã hằn sâu trong tâm trí Võ Tam Thông.
Võ tam nương nói:
– Nào ngờ chuyết phu không đến, Xích Luyện tiên tử đã tới phủ này tìm cách báo thù.
Vừa nói đến đây, bỗng nghe trên mái nhà có tiếng gọi:
– Nhu nhi, Văn nhi, ra đây ta bảo!
Tiếng gọi đột nhiên vang lên, trước đó không hề nghe thấy tiếng chân giẫm trên mái ngói, hai vợ chồng Lục Lập Đỉnh cùng giật mình, biết là Võ Tam Thông tới. Trình Anh và Lục Vô Song cũng nhận ra giọng nói của lão quái khách nhai gương sen.
Chỉ thấy một bóng người lướt qua. Võ Tam Thông từ trên mái nhà bay xuống, mỗi tay kẹp một đứa con lại phi thân lên mái nhà. Võ Tam nương kêu to:
– Này, này, tướng công hãy nói qua với Lục gia và Lục nhị nương, tướng công đã mang hai bộ di thể đi đâu thế? Hãy mau mang trả lại.
Võ Tam Thông chẳng buồn ngoái đầu, đã mất hút đằng xa.
Lão chạy loạn một hồi, chạy vào một cánh rừng, đột nhiên bỏ Võ Tu Văn xuống, chỉ cắp Đôn Nhu mà chạy đi mất tăm. Rốt cuộc lão bỏ một đứa con ở giữa rừng.
Võ Tu Văn gọi to:
– Cha ơi, cha ơi!
Cậu bé thấy phụ thân cắp ca ca chạy xa đã mấy chục trượng, chỉ nghe tiếng lão từ xa văng vẳng:
– Ngươi cứ đợi đó, ta sẽ trở lại ẵm ngươi.
Võ Tu Văn biết cha mình hành sự khi mê khi tỉnh, điên điên khùng khùng, nên cũng chẳng lấy làm lạ. Đêm tối một mình ở trong rừng kể cũng sợ, nhưng nghĩ cha sắp trở lại đón mình, nó bèn ngồi xuống một gốc cây chờ. Chờ lâu lắm rồi, vẫn không thấy cha quay lại, nó tự nhủ Mình đi tìm mẹ thôi. Thế là nó lần ngược lại đường tới đây.
Nhưng đường sá ở miền Giang Nam dọc ngang chằng chịt giữa ban ngày còn khó nhận biết, nữa là trong đêm tối. Cậu bé càng đi đường càng hẹp, đã mấy lần bước cả xuống ruộng, hai chân dính đầy bùn, cuối cùng lại tiến vào một cánh rừng, bước cao bước thấp, nhìn bốn phía toàn một màu đen mịt mùng. Nó lo sợ phát khóc, miệng gọi to:
– Cha ơi, cha! Mẹ ơi, mẹ!…
Đêm thanh vắng, nào có ai đáp lời? Chợt nghe có mấy tiếng kêu, ấy là tiếng cú rúc. Cậu bé từng nghe kể rằng loài cú rất thích đếm số lông mày của con người, ai mà bị nó đếm đúng lông mày có bao nhiêu sợi, người ấy sẽ chết liền. Nó bèn đưa đầu ngón tay vào miệng nhúng nước bọt, bôi lên lông mày cho dính vào nhau, để con cú không đếm được.Nhưng tiếng cú cứ kêu mãi, cậu bé bèn tựa vào thân cây, dùng các ngón tay bịt chặt hai hàng lông mày, không dám động đậy, trống ngực cứ đập dồn. Một lát sau thì nó díp mắt lại, ngủ thiếp đi. Ngủ đến sáng hôm sau đang mơ màng thì nghe có mấy tiếng kêu lanh lảnh. Võ Tu Văn mở mắt ra, ngẩng mặt nhìn lên, thấy có hai con chim ưng cực lớn dang rộng cánh bay lượn trên bầu trời. Sải cánh của chim phải tới mấy trượng. Từ nhỏ nó chưa từng thấy có con chim ưng nào lớn ngần này, nó chăm chú ngắm, vừa lạ vừa thích quên rằng nó chỉ có một mình, tưởng ca ca nó vẫn ở bên cạnh buột miệng gọi:
– Ca ca, mau đến xem chim ưng này!
Bỗng nghe phía sau lưng có hai tiếng hú rất trong, là tiếng của một cô bé. Hai con chim ưng lớn lượn vòng rồi từ từ sà xuống. Võ Tu Văn ngoảnh đầu nhìn lại, thấy một cô bé từ sau thân cây bước ra, giơ tay lên trời vẫy vẫy. Hai con chim ưng cụp cánh đậu xuống ngay bên cạnh. Cô bé nhìn Võ Tu Văn, hai tay vuốt lưng hai con chim ưng, nói:
– Điêu nhi giỏi, điêu nhi ngoan lắm!
Võ Tu Văn nghĩ thầm: Thì ra hai con chim ưng này là Điêu nhi đây, chỉ thấy hai con chim ưng nghển cổ, đậu dưới đất mà còn cao hơn cô bé, trông rất hùng dũng.
Võ Tu Văn bước tới gần, nói:
– Hai con điêu nhi này nhà bé nuôi phải không?
Cô bé nhếch mép có vẻ xem thường nói:
– Đây không biết đằng ấy, không chơi với đằng ấy.
Võ Tu Văn cũng chẳng giận, giơ tay vuốt lưng con điêu nhi. Cô bé bỗng huýt một tiếng sáo, cánh bên trái của con điêu nhi đột nhiên hất mạnh ra, Võ Tu Văn không đề phòng, bị ngã sóng xoài.
Cậu lồm cồm bò dậy, nhìn cặp điêu nhi nói:
– Hai con chim này cừ thật, biết nghe lệnh của bé. Ta về nhà cũng phải bảo phụ thân ta bắt một cặp điêu nhi về nuôi chơi mới được.
Cô bé nói:
– Phụ thân đằng ấy mà đòi bắt được điêu nhi?
Võ Tu Văn bị giội liền ba gáo nước lạnh thì hơi ngượng, bây giờ mới nhìn kỹ thấy cô bé mặc áo lụa xanh nhạt, cổ đeo một chuỗi ngọc, mặt trắng mịn như sữa, đôi mắt sinh động, lông mày dài thanh tú. Võ Tu Văn tuy còn nhỏ song cũng cảm nhận được sắc đẹp tuyệt vời của cô bé, bất giác muốn gần gũi, nhưng thấy thái độ lạnh nhạt của cô bé, nó cảm thấy sờ sợ.
Cô bé dùng tay phải vuốt ve lưng điêu nhi, đưa mắt nhìn Võ Tu Văn một lượt từ đầu xuống chân, hỏi:
– Tên đằng ấy là gì? Sao lại đi chơi một mình?
Võ Tu Văn đáp:
– Ta à? Ta tên là Võ Tu Văn, ta đang chờ phụ thân ta. Còn bé tên gì?
Cô bé dẩu môi hừ một tiếng, nói:
– Đây không chơi với trẻ đi hoang.
Đoạn quay người bỏ đi. Võ Tu Văn sững người, nói:
– Ta không phải là trẻ đi hoang.
Vừa nói cậu vừa đi theo cô bé.
Võ Tu Văn thấy cô bé kém mình hai, ba tuổi, người thấp chân ngắn, cậu chỉ cần rảo bước sẽ đuổi kịp; nào ngờ cậu vừa thi triển khinh công, thì cô bé bước nhanh hẳn lên, trong giây lát đã bỏ cậu rớt lại phía sau, xa đến mấy trượng. Cô bé chạy vài bước nữa, đứng lại, ngoảnh đầu hỏi:
– Này, đằng ấy có thể đuổi kịp đây không?
Võ Tu Văn nói:
– Dĩ nhiên là kịp.
Lập tức đuổi theo.
Cô bé vừa chạy vừa ngoái đầu lại, đột nhiên nấp vào sau thân một cây tùng. Võ Tu Văn đuổi tới gần, cô bé liền giơ chân trái ngáng chân Võ Tu Văn một cái. Võ Tu Văn đang chạy, không đề phòng, lập tức người ngã chúi về phía trước. Cậu vội sử chiêu Thiết thụ trang để giữ thăng bằng. Cô bé lại tung chân phải đá vào mông cậu thật mạnh. Võ Tu Văn tức thì ngã sấp mặt xuống, mũi đập vào một hòn đá nhọn máu cháy ròng ròng, loang lổ cả vạt áo.
Cô bé thấy máu thì hoảng sợ, vội bỏ chạy, bỗng đằng sau có tiếng quát:
– Phù nhi, điệt nhi lại bày trò khi dễ người khác phải không?
Cô bé không ngoảnh đầu, chối cãi:
– Ai bảo thế? Hắn ta tự vấp ngã đấy chứ, đâu liên quan gì tới cháu? Công công đừng có mách cha cháu đấy.
Võ Tu Văn xoa xoa mũi, kỳ thực cũng không đau mấy, chỉ là thấy máu tươi dính tay thì hơi hoảng. Cậu nghe cô bé nói, ngoảnh đầu nhìn thấy ông già thọt chống gậy sắt, râu tóc như sương, người gầy, hai mắt toàn lòng trắng, thì ra đã mù.
Chỉ nghe lão nhân lạnh lùng nói:
– Ngươi đừng tưởng ta không nhìn thấy. Ta đã nghe thấy hết. Ngươi còn nhỏ đã xấu tính thế này, lớn lên sẽ hỏng đấy.
Cô bé liền chạy tới đỡ một cánh tay lão nhân, giọng van vỉ:
– Đại công công ơi, đừng mách cha cháu nhé, được không nào? Cậu ta ngã chảy máu mũi, công công chữa cho cậu ta đi!
Lão nhân bước tới, tay trái nắm cánh tay phải của Võ Tu Văn, giơ ngón tay phải day day mấy cái cạnh huyệt Văn Hương. Máu mũi vốn đã sắp ngừng chảy, sau vài cái day liền ngưng hẳn. Võ Tu Văn cảm thấy năm ngón tay của lão nhân nắm cánh tay mình cứ như một cây kìm bằng sắt, vừa dài vừa cứng thì hơi sợ, thử giằng ra, nhưng không cựa quậy được. Cậu bèn sử chiêu tiểu cầm nã thủ mà mẹ cậu đã dạy để thoát ra. Lão nhân không ngờ cậu bé lại có thủ pháp khôn khéo như vậy, tuy bị tuột tay ra song lại chộp ngay được cổ tay cậu bé. Võ Tu Văn vận sức cố giằng ra, nhưng không được.
Lão nhân nói:
– Tiểu huynh đệ đừng sợ, cháu họ gì vậy?
Võ Tu Văn đáp:
– Điệt nhi họ Võ.
Lão nhân nói:
– Giọng nói của cháu không phải của người vùng này. Cháu từ đâu tới đây? Cha mẹ cháu đâu?
Nói rồi vị lão nhân buông cổ tay cậu bé ra. Võ Tu Văn nhớ lại từ đêm qua tới giờ chưa gặp cha mẹ không biết họ đang ở đâu, nước mắt lưng tròng, chỉ muốn khóc òa. Cô bé nhăn mặt trêu cậu:
– Ê xấu quá, mắt đỏ hoe sắp khóc nhè rồi kìa!
Võ Tu Văn hiên ngang nói:
– Không đời nào ta khóc!
Rồi cậu kể qua việc mẹ cậu ở Lục gia trang chờ địch, cha cậu xốc nách anh trai cậu chạy đi, còn cậu bị lạc trong rừng cả đêm qua. Cậu kể khá lộn xộn nhưng lão nhân cũng hiểu được bảy, tám phần. Lão nhân lại hỏi thêm, biết gia đình cậu bé từ nước Đại Lý tới, cha cậu tên là Võ Tam Thông, có môn võ công giỏi nhất là Nhất dương chỉ.
Lão nhân nói:
– Phụ thân cháu là môn đệ của Nhất Đăng đại sư phải không?
Võ Tu Văn mừng nói:
– Vâng, thế ra công công cũng quen biết hoàng tộc chúng cháu ư?
Nguyên trước kia ở nước Đại Lý, Võ Tam Thông làm Tổng quản Ngự lâm quân dưới quyền Quốc công cựu đế Đoàn Trí Hưng. Về sau Đoàn Trí Hưng xuất gia, lấy pháp danh Nhất Đăng. Nhưng mỗi lần kể chuyện cũ với hai đứa con, Võ Tam Thông vẫn cứ dùng câu Hoàng tộc chúng ta thế này thế nọ, nên Võ Tu Văn cũng quen miệng gọi cha là hoàng tộc.
Lão nhân nói:
– Ta chưa có cơ duyên bái kiến lão nhân gia, nhưng có nghe đại danh Nam đế từ lâu, nên rất khâm phục. Cha mẹ cô bé này từng chịu ân huệ rất lớn của lão nhân gia. Như thế, chúng ta không phải là người ngoài. Cháu có biết kẻ địch mà mẹ cháu đang chờ là ai không?
Võ Tu Văn nói:
– Cháu nghe mẹ cháu nói với Lục gia, thì kẻ địch tên là Xích Luyện Xà hay Xích Luyện Sầu gì ấy.
Lão nhân ngẩng đầu, lẩm bẩm:
– Xích Luyện Xà ư?
Đột nhiên dộng mạnh cây gậy sắt, nói to:
– Là Xích Luyện tiên tử Lý Mạc Sầu phải không?
Võ Tu Văn mừng đáp:
– Đúng, đúng rồi! Chính là Xích Luyện tiên tử!
Lão nhân lập tức tỏ vẻ nghiêm trang, nói:
– Hai cháu hãy ở đây chơi, chớ rời khỏi chỗ này nửa bước. Để ta đi xem sao.
Cô bé nói:
– Đại công công, cháu cũng đi.
Võ Tu Văn cũng nói:
– Cháu cũng đi.
Lão nhân vội ngăn:
– Ấy chớ, ấy chớ! Hai cháu không đi được! Mụ nữ ma đầu ấy hung ác lắm, ta không địch nổi mụ. Chẳng qua biết bằng hữu gặp nạn, không thể không đi. Hai cháu phải nghe lời ta.
Đoạn chống nạng, cầm gậy đi rất nhanh.
Võ Tu Văn thán phục nói:
– Lão công công vừa mù vừa thọt mà đi nhanh thật!
Cô bé dẩu môi, nói:
– Thế có gì lạ? Khinh công của cha mẹ ta đây, đằng ấy mà thấy mới giật mình kia.
Võ Tu Văn hỏi:
– Cha mẹ của bé cũng vừa mù vừa thọt à?
Cô bé cả giận, đốp lại:
– Hừ, có cha mẹ đằng ấy vừa mù vừa thọt thì có!
Lúc này trời đã sáng bạch, nông phu đã ra nương rẫy làm việc, nam nữ vừa làm vừa hát sơn ca. Lão nhân là người vùng này, tuy mù hai mắt, nhưng thuộc đường, cứ vừa đi vừa hỏi, không lâu đã tới cổng Lục gia trang. Từ xa đã nghe tiếng binh khí va nhau chan chát. Nhà Lục Triển Nguyên là quan thân thế gia trong vùng, lão nhân chỉ là thường dân, tuy cũng là người có tiếng am hiểu võ học ở Gia Hưng, nhưng không hề qua lại. Lão nhân thừa biết võ công mình thua xa Xích Luyện tiên tử, tới đây chẳng qua chỉ nộp thêm cái mạng già, nhưng nghĩ chuyện này liên quan đến đệ tử của Nhất Đăng đại sư, là người có ân tình lớn với gia đình lão nhân, nên không thể khoanh tay, bèn rảo bước xông tới. Chỉ nghe trên mái nhà có bốn người đang giao đấu. Lão nhân dỏng tai, qua tiếng binh khí chạm nhau, biết một bên có ba người, bên kia có một người nhưng ba không địch nổi một, đã hoàn toàn rơi vào thế hạ phong.
Đêm qua, khi Võ Tam Thông ôm hai đứa con chạy đi, vợ chồng Lục Lập Đỉnh quá đỗi kinh ngạc, không hiểu dụng ý của Võ Tam Thông. Võ tam nương thì có vẻ mừng, nói:
– Chuyết phu thường ngày điên điên khùng khùng, ít khi thông đạt sự lý như lần này.
Lục nhị nương hỏi lý do, Võ tam nương cười không giải thích, chỉ nói:
– Tiểu phụ nhân cũng không biết mình đoán có đúng hay không, nhưng chờ một lúc nữa sẽ rõ.
Đêm đã về khuya, Lục Vô Song nằm ngủ trong lòng người cha; Trình Anh cũng mơ màng díp mắt lại. Lục nhị nương định bế hai đứa trẻ vào buồng ngủ, thì Võ tam nương nói:
– Hãy chờ chút nữa.
Bỗng nghe trên mái có tiếng gọi:
– Tung lên đây.
Chính là giọng nói của Võ Tam Thông. Khinh công của lão ta thật cao siêu, lão đi tới trên mái ngói mà hai vợ chồng Lục Lập Đỉnh chẳng hay biết tí gì.
Võ tam nương đón bé Trình Anh, ẵm ra cửa sảnh mà tung lên. Võ Tam Thông ở trên đón lấy. Vợ chồng Lục Lập Đỉnh còn đang kinh dị thì Võ tam nương lại ẵm Lục Vô Song tung lên.
Lục Lập Đỉnh cả kinh hỏi giật giọng:
– Làm gì thế?
Chàng vọt lên mái nhưng tứ phía tối om, không còn thấy Võ Tam Thông và hai đứa trẻ đâu nữa. Chàng định co giò đuổi theo, thì Võ tam nương gọi:
– Lục gia đừng đuổi theo. Chuyết phu có hảo ý đó.
Lục Lập Đỉnh bán tín bán nghi, nhảy trở xuống, run giọng hỏi:
– Hảo ý thế nào?
Lúc này Lục nhị nương đã hiểu ra, nói:
– Võ Tam gia sợ nữ ma đầu sát hại bọn trẻ, cho nên mới mang chúng tới giấu một chỗ an toàn đó.
Lục Lập Đỉnh là người trong cuộc bị lú lẫn, nghe vợ nói thì tỉnh ngộ, nói:
– Phải rồi, phải rồi!
Nhưng nghĩ đến chuyện Võ Tam Thông mang di thể của huynh tẩu đi mất, thì chàng lại không yên tâm.
Võ tam nương nói:
– Chuyết phu từ ngày Hà Nguyên Quân thành hôn với lệnh huynh, hễ gặp con gái lại nổi giận, không hiểu vì sao, cuối cùng gặp hai vị tiểu thư quý phủ lại không giận nữa, thật là ngoài sở liệu. Lúc chuyết phu đến mang Nhu nhi, Văn nhi đi, tiểu phụ nhân thấy chuyết phu nhìn hai tiểu thư mấy lần, đầy vẻ quan hoài và ưu ái, hệt như đối với Hà Nguyên Quân ngày xưa! Quả nhiên chuyết phu trở lại mang hai tiểu thư đi. Ôi, ước gì từ nay chuyết phu đổi tính, không còn hồ đồ nữa!
Nói đoạn thở dài hai tiếng liền rồi tiếp:
– Hai vị cứ nghỉ một chút đi, mụ ma đầu kia không biết lúc nào đến, cứ ngồi canh cánh chờ mụ thì chỉ tổ mệt mà thôi.
Vợ chồng Lục lập Đỉnh ban đầu lo lắng cho tính mạng của nữ nhi và điệt nhi, nên trong lòng thảng thốt, cử chỉ lời lẽ đều thất thố; bây giờ đã an tâm hơn về chúng, nên chỉ tập trung vào việc chống địch, ý chí đại tăng. Họ mang sẵn binh khí, ám khí bên người; ngồi trong sảnh, nhắm mắt dưỡng thần. Hai vợ chồng sống với nhau mười mấy năm, thường ngày vì chuyện gia đình lắm khi cự nự cằn nhằn lẫn nhau; bây giờ nghĩ rằng cường địch có thể xộc tới bất cứ lúc nào, theo lời Lục Triển Nguyên và Võ tam nương, thì mụ ma đầu võ công cao cường, hành sự tàn bạo, chắc bảy phần là mình khó lòng thoát chết, vợ chồng còn được ở bên nhau không nhiều, bất giác họ tựa sát vào nhau, tay trong tay.
Rất lâu sau, giữa cảnh đêm khuya tịch mịch, bỗng nghe từ xa vẳng lại tiếng hát nhẹ nhàng êm dịu, khoảng cách rất xa, mà nghe rõ từng lời: Vấn thế gian, tình thị hà vật. Trực giáo sinh tử tương hứa? Mỗi tiếng lại đến gần hơn, người hát đi quá nhanh, nghe thấy chữ hứa, thì người hát đã tới ngoài cổng.
Ba người kinh hãi nhìn nhau, bỗng rầm rầm, rắc rắc, các then gỗ cài cổng ngoài cửa trong cùng gãy rời, hai cánh cổng mở toang ra, một đạo cô vô cùng xinh đẹp mỉm cười thong thả bước vào, mình mặc đạo bào màu hoàng hạnh, chính là Xích Luyện tiên tử Lý Mạc Sầu đã tới.
A Căn lúc ấy đang quét sân, bước ra quát hỏi:
– Ai đó?
Lục Lập Đỉnh vội gọi:
– A Căn lui vào ngay!
Nhưng không kịp nữa. Lý Mạc Sầu vung cây phất trần một cái, A Căn đã vỡ đầu, chết không kịp ngáp.
Lục Lập Đỉnh cầm đao xông ra, Lý Mạc Sầu hơi lách mình vọt qua chỗ chàng, vung cây phất trần đánh chết liền hai tì nữ, rồi cười hỏi:
– Hai đứa bé gái kia đâu?
Vợ chồng Lục Lập Đỉnh thấy mụ ta trong chớp mắt đã giết chết ba người, thừa biết đại họa lâm đầu, cùng nghiến răng vung đao kiếm từ hai bên đánh vào. Lý Mạc Sầu định vung cây phất trần đánh trả, thấy Võ tam nương cầm kiếm đứng một bên, bèn cười, nói:
– Có người ngoài nhúng tay vào, thì ta không tiện giết người ở trong nhà!
Giọng nói của đạo cô nhẹ nhàng uyển chuyển, thần thái kiều mị, cộng với đôi mắt sáng, hàm răng trắng, da dẻ nõn nà, quả là một mỹ nhân tuyệt sắc.
Cũng chẳng thấy đạo cô nhún chân thế nào, mà mụ ta đã nhẹ nhàng bay lên mái nhà. Vợ chồng Lục Lập Đỉnh và Võ tam nương cùng phi lên theo.
Lý Mạc Sầu vung cây phất trần gạt vũ khí của cả ba người ra, nhẹ nhàng nói:
– Lục nhị gia, ca ca của các hạ nếu còn sống, chỉ cần chàng ta lên tiếng cầu xin và đoạn tuyệt với con tiểu tặc Hà Nguyên Quân, thì ta sẽ tha chết cho cả gia đình các hạ. Nay thì ôi thôi, vận số của các người không may, các người có trách thì trách ca ca nhà các người, đừng có trách ta!
Lục Lập Đỉnh nói:
– Ai cần ngươi tha?
Chàng vung đao chém. Võ tam nương và Lục nhị nương xông vào giáp công. Lý Mạc Sầu thấy Lục Lập Đỉnh võ công vào loại trung bình, nhưng tư thế bước chân xuất đao, xoay mình phách chưởng thì hệt như ý trung nhân Lục Triển Nguyên ngày nào, trong lòng dịu lại muốn được xem lâu hơn một chút, chứ nếu ra đòn hạ sát ngay, thì trên đời chẳng bao giờ còn được ngắm đao pháp Lục gia Giang Nam nữa. Thế là đạo cô chỉ đánh đỡ lấy lệ, cứ mặc cho ba đối thủ xoay vòng xung quanh, trong lòng còn ngổn ngang bao tình ý.
Đột nhiên Lý Mạc Sầu hú lên một tiếng nhẹ, nhảy khỏi mái nhà, lao xuống chỗ một lão nhân thọt cầm cây thiết trượng đang đứng bên dòng mương. Chân chưa chạm đất, cây phất trần đã nhắm ngay chỗ yếu hại của đối phương mà đánh tới, hoàn toàn không thèm phòng bị, chỉ muốn sát hại đối phương ngay tức thì.
Lão nhân nghe rõ lai chiêu của kẻ địch, cây thiết trượng quét ngang thật lẹ, rồi chọc ngay vào cổ tay đạo cô. Cây thiết trượng là thứ vũ khí thô nặng, vốn chỉ dùng để quét ngang, nay lão nhân lại sử dụng khẩu quyết chữ thích, coi cây thiết trượng như thanh kiếm, xuất chiêu khinh linh phiêu dật. Lý Mạc Sầu khẽ rung cây phất trần, các sợi ngân ti quấn ngay lấy đầu cây thiết trượng, miệng quát:
– Rời tay!
Hàng ngàn sợi ngân ti mượn hết lực đâm của cây thiết trượng để giằng nó đi. Lão nhân thấy hai cánh tay bị chấn động mạnh, suýt nữa để văng mất cây thiết trượng; trong lúc nguy cấp thừa thế vọt lên, thân hình bay chéo trên không, mới hóa giải được xảo kình của cây phất trần, trong bụng nghĩ thầm: Mụ ma đầu này quả nhiên danh bất hư truyền. Chiêu Thái công điếu ngư vừa rồi của Lý Mạc Sầu, mượn ý của tích Tự cắn câu, lấy sức của chính kẻ địch mà đoạt vũ khí của địch, bao lâu nay hễ sử đều được, lần này không ngờ thất bại, mụ nghĩ thầm: Lão già thọt này là ai vậy? Rốt cuộc có công phu gì đây? Mụ nhảy sang bên, thấy hai mắt lão nhân đảo lên toàn lòng trắng, thì ra là người mù, chợt hiểu, nói:
– Các hạ là Kha Trấn Ác!
Lão nhân vừa mù vừa thọt chính là người đứng đầu Giang Nam thất quái, Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác.
Năm xưa Quách Tĩnh, Hoàng Dung sau khi tham gia cuộc luận kiếm trên đỉnh Hoa Sơn, được Hoàng Dược Sư chủ trì lễ thành hôn, tới Đào Hoa đảo qui ẩn.
Hoàng Dược Sư tính nết quái dị, không thích náo nhiệt, ở cùng con gái và con rể vài tháng đã chán, bèn để lại một bức thư, nói rằng muốn tìm một nơi thanh tịnh nhàn cư, rồi lẳng lặng bỏ đi. Hoàng Dung biết tính phụ thân, tuy không muốn xa phụ thân, nhưng cũng chẳng nghĩ ra được cách gì. Lúc đầu còn bảo chỉ vài tháng phụ thân sẽ có tin về, nào ngờ biền biệt cả năm trời vẫn không có tin tức gì. Hoàng Dung nhớ phụ thân và sư phụ Hồng Thất Công, bèn cùng Quách Tĩnh đi tìm. Hai vợ chồng hành tẩu giang hồ mấy tháng liền, chưa kết quả gì đành phải trở về Đào Hoa đảo, bởi lẽ Hoàng Dung đã có thai.
Hoàng Dung tính nết điêu ngoa tai quái, không lúc nào chịu yên, khi có thai làm gì cũng bất tiện, nên càng hay bực dọc, gắt gỏng với chồng. Người phải chịu đựng dĩ nhiên là Quách Tĩnh. Chàng biết tính ái thê, mỗi khi nàng cáu bẳn vô lý, chàng chỉ cười cười không chấp, nếu Hoàng Dung tức quá, thì chàng lựa lời an ủi hoặc trêu chọc cho nàng phì cười mới thôi.
Thấm thoắt mười tháng trôi qua, Hoàng Dung sinh một đứa con gái, đặt tên là Quách Phù. Khi có thai, nàng không thích có con; nhưng sau khi sinh con ra rồi, nàng lại hết mực cưng nựng nó. Thành thử con bé chưa đầy tuổi mà đã bướng bỉnh quá thể. Quách Tĩnh lắm khi thấy chướng mắt, quở trách con thì Hoàng Dung lại bênh nó chằm chặp; thành thử nó càng lớn càng ngang ngạnh khó bảo.
Khi Quách Phù lên năm, Hoàng Dung bắt đầu dạy võ cho con. Từ đây các thứ chim muông, thú vật, côn trùng trên đảo đều gặp tai ương, hoặc bị vặt trụi lông, hoặc bị cắt đuôi. Từ chỗ là nơi thanh tịnh để ẩn sĩ tu tâm dưỡng tính, Đào Hoa đảo cuối cùng hóa thành nơi gà bay chó chạy xáo xác. Quách Tĩnh một là quen chiều vợ, hai là cũng rất yêu đứa con gái ngang ngạnh, mỗi khi nó phạm lỗi, chàng định quở mắng, đánh đòn nó, thấy nó giả bộ nhăn nhó xin tha, chàng lại mềm lòng thở dài, cánh tay đã giơ lên lại từ từ buông xuống.
Mấy năm nay Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công biệt vô âm tín, vợ chồng Quách Tĩnh Hoàng Dung luôn nhớ hai vị lão niên. Quách Tĩnh mấy phen đi đón đại sư phụ Kha Trấn Ác, mời sư phụ tới Đào Hoa đảo an hưởng tuổi già. Nhưng Kha Trấn Ác thích bầu bạn với những người ở phố chợ, lấy trò uống rượu đánh bạc làm vui, không muốn cuộc sống thanh tịnh ở Đào Hoa đảo, lần nào cũng khước từ. Một lần Kha Trấn Ác không chờ Quách Tĩnh tới đón, tự mình đến đảo. Nguyên vì gần đây lão gặp vận xui, càng đánh bạc càng thua, mắc nợ quá nhiều, không có gì trả, đành lánh đến nhà đồ đệ để trốn nợ. Quách Tĩnh Hoàng Dung thấy sư phụ đến thì cả mừng, giữ rịt sư phụ ở đảo, nhất định không để đi đâu nữa. Hoàng Dung dần dần biết rõ nguyên do, ngầm sai người đi trả hết các món nợ bài bạc cho sư phụ. Kha Trấn Ác không hay biết, không dám trở về Gia Hưng, nhàn rỗi chẳng có việc gì, đành chơi đùa với Quách Phù vậy.
Thấm thoắt đã mấy năm, Quách Phù lên chín. Hoàng Dung nhớ phụ thân, muốn cùng Quách Tĩnh rời Đào Hoa đảo đi tìm kiếm. Kha Trấn Ác bảo cũng muốn đi. Quách Phù cũng đòi đi theo bằng được. Sau khi bốn người rời đảo, bàn đến hành trình, Kha Trấn Ác nói:
– Đi đâu cũng được, trừ vùng Gia Hưng.
Hoàng Dung cười, nói:
– Đại sư phụ, các món nợ của sư phụ con đã trả giùm sư phụ xong cả rồi.
Kha Trấn Ác cả mừng, nói:
– Thế thì hãy tới vùng Gia Hưng trước.
Đến Gia Hưng, bốn người trú ở khách điếm. Kha Trấn Ác dò la tin tức qua những người quen cũ, có người kể mấy hôm trước có thấy một lão nhân mặc áo bào xanh ngồi một mình uống rượu ở lầu Ân Vũ, hỏi diện mạo, thì rất giống Hoàng Dược Sư. Quách Tĩnh, Hoàng Dung cả mừng, bèn đi khắp vùng Gia Hưng tìm kiếm. Sáng nay Kha Trấn Ác dẫn Quách Phù mang theo đôi chim điêu vào rừng chơi, bất ngờ gặp Võ Tu Văn ở đó.
Kha Trấn Ác đấu với Lý Mạc Sầu vài hiệp, thì biết mình không phải là đối thủ của đạo cô, nghĩ thầm: Nữ ma đầu này võ công cao thật, chẳng kém gì Mai Siêu Phong hồi trước. Lão vội bảo vệ môn hộ thật kín. Lý Mạc Sầu thầm tán thưởng: Mình từng nghe chàng Lục Triển Nguyên vô lương tâm kể rằng trong các nhân vật tiền bối của chàng ở Gia Hưng, có Giang Nam Thất Quái, võ công cao cường, thu nhận một đệ tử lừng danh là đại hiệp Quách Tĩnh. Lão già này đứng đầu Giang Nam Thất Quái, quả nhiên danh bất hư truyền. Lão già yếu, lại vừa mù vừa thọt, mà vẫn còn tiếp nổi hơn mười chiêu của ta. Chỉ nghe vợ chồng họ Lục cùng Võ tam nương vừa quát tháo vừa đánh tới sau lưng, Lý Mạc Sầu chủ ý đã định: Muốn hạ Kha Trấn Ác không khó, nhưng để vợ chồng Quách Tĩnh hỏi đến thì không ổn. Thôi hôm nay phải tha cho lão già vậy. Bèn giơ cây phất trần chọc thẳng vào giữa ngực Kha Trấn Ác như một mũi thương. Các sợi ngân ti của phất trần tuy mềm, nhưng đã mượn xảo kình, lại nhắm vào đại huyệt yếu hại, thành thử cú đâm này rất lợi hại.
Kha Trấn Ác dộng cây thiết trượng xuống đất, mượn thế nhảy ra sau. Lý Mạc Sầu sấn tới một bước, tưởng là tiến chiêu truy kích, ai ngờ đột nhiên ngửa người cực nhanh ra phía sau, ưỡn lưng rất dẻo. Vai Lý Mạc Sầu còn cách Võ tam nương chưa đầy hai thước. Võ tam nương giật mình, vội vung tả chưởng vỗ xuống mặt Lý Mạc Sầu. Eo lưng của Lý Mạc Sầu nhẹ như một bông hoa cúc khẽ đung đưa trước gió, đã tránh từ sớm, nghe bộp một tiếng, Lục nhị nương liền bị trúng một chưởng vào bụng dưới.
Lục nhị nương trúng chưởng ngã ngửa ra. Lục Lập Đỉnh thấy vợ bị thương, bèn vung tay phải ném cây đơn đao về phía Lý Mạc Sầu rồi giang hai tay lao tới, định ôm chặt lấy mụ ta để cùng chết. Lý Mạc Sầu còn là xử nữ trinh bạch, vốn bị thất tình, rất ghét trò đụng chạm nam nữ, lúc này thấy Lục Lập Đỉnh nhào tới ôm thì nổi cơn lôi đình, dùng cán phất trần gạt rơi đơn đao, rồi thuận thế vung lên đánh chặn; nghe cộp một tiếng, trúng đỉnh đầu Lục Lập Đỉnh.
Việc hạ gục vợ chồng Lục Lập Đỉnh xảy ra trong chớp mắt, Kha Trấn Ác và Võ tam nương muốn cứu cũng chẳng kịp. Lý Mạc Sầu cười hỏi:
– Hai đứa bé gái đâu?
Không đợi Võ tam nương trả lời, Lý Mạc Sầu đã xộc vào gia trang, lục soát khắp nơi, nhưng không tìm thấy Trình Anh và Lục Vô Song. Lý Mạc Sầu lấy cây đuốc trong bếp, mang vào kho củi phóng hỏa, rồi nhảy ra ngoài, cười nói:
– Ta không có gì sai quấy với Đào Hoa đảo và Nhất Đăng đại sư, mong hai vị lui về cho.
Kha Trấn Ác và Võ tam nương thấy Lý Mạc Sầu quá ư hung tàn, thì cả giận, thiết trượng và kiếm thép cùng đánh tới. Lý Mạc Sầu nghiêng mình tránh thiết trượng, vung phất trần quấn lấy thanh kiếm của Võ tam nương. Hai luồng kình lực từ phất trần truyền ra, một kéo vào, một đẩy ra, nghe cách một tiếng; thanh kiếm gãy đôi, phần mũi kiếm đâm về phía Võ tam nương, phần chuôi kiếm thì văng về phía Kha Trấn Ác.
Võ tam nương bị mất kiếm, cả kinh, càng không ngờ mụ ma đầu có thể dùng phất trần làm gãy kiếm, lại dùng ngay hai đoạn kiếm gãy tấn công hai người. Phần mũi kiếm bay nhanh tới, Võ tam nương vội cúi đầu né tránh, chỉ cảm thấy lạnh cả đỉnh đầu, nửa thanh kiếm bay qua, hớt ngọt một mảng tóc. Kha Trấn Ác nghe tiếng rít của kim khí trong không trung, liền giơ trượng gạt văng được đoạn chuôi kiếm đi. Nghe tiếng gọi của Võ tam nương, vị lão nhân xoay tít cây trượng tiến công. Tay trái của lão tuy nắm ba mũi ám khí Độc tật lê, nhưng lão nghĩ, nghe đâu Lý Mạc Sầu có loại Băng phách ngân châm âm độc dị thường, mình mù lòa không nhìn thấy, chớ nên khích mụ ta sử dụng ám khí lợi hại làm gì; vì vậy tuy tình thế nguy ngập, lão vẫn không dám phóng Độc tật lê. Lý Mạc Sầu trước sau đối với lão vẫn hạ thủ lưu tình, nghĩ thầm: Nếu ta không giở thủ đoạn, chỉ e lão già mù này không biết là ta nhường nhịn, liền vặn người dùng các sợi ngân ti phất trần cuốn lấy đầu cây trượng. Kha Trấn Ác chỉ cảm thấy có một sức mạnh ghê gớm tính đoạt lấy cây thiết trượng của lão; lão vội vận sức giằng lại. Nào ngờ sức vận ra tới đầu mút cây trượng, thì lực đoạt đột nhiên biến mất; trong chớp mắt, lão cảm thấy tứ chi bủn rủn không còn chút sức lực nào cả. Lý Mạc Sầu dùng tay trái hất cây trượng sang một bên, bàn tay đã áp nhẹ vào ngực Kha Trấn Ác, cười nói:
– Kha lão gia tử, Xích Luyện Thần chưởng đánh vào ngực lão rồi nè!
Kha Trấn Ác lúc này đã hết bề chống đỡ, giận dữ nói:
– Nữ ác tặc, ngươi cứ việc ra đòn, chớ lắm lời!
Võ tam nương thấy vậy, vội lao tới cứu. Lý Mạc Sầu nhún mình nhảy lên, giơ tay vuốt qua mặt Võ tam nương một cái, cười nói:
– Ngươi dám đánh đuổi đồ đệ của ta, lá gan cũng không nhỏ.
Rồi cười khanh khách, nhún nhẩy vài cái, đã mất hút đằng xa.
Võ tam nương chỉ cảm thấy bàn tay mềm mại của mụ ta vuốt qua mặt rất dễ chịu, rồi cái lưng của mụ ta đã khuất vào phía sau một cây liễu. Võ tam nương vừa rồi tiếp chiêu mụ ta tuy chỉ vài hiệp, nhưng chiêu nào cũng hiểm tử hoàn sinh, phải dốc toàn lực, nên bây giờ chân tay rã rời, không muốn động đậy nữa. Kha Trấn Ác thì vừa rồi tưởng như có tảng đá đè ngực, khó thở vô cùng, phải từ từ hít mấy hơi, mới điều hòa được hô hấp.
Lát sau, Võ tam nương gắng gượng đứng dậy, chỉ thấy khói đen bốc mù mịt, Lục gia trang đã chìm trong biển lửa. Lửa táp hơi nóng mỗi lúc một gần.
Kha Trấn Ác vội đỡ vợ chồng Lục Lập Đỉnh lên, nhưng thấy cả hai chỉ còn thở thoi thóp, thì nghĩ thầm: Nếu di chuyển hai người này, chỉ e họ chóng tắt thở hơn, song cũng không thể bỏ mặc họ ở đây, phải làm sao bây giờ?
Đang lưỡng lự, chợt nghe từ xa có tiếng gọi:
– Nương tử, nàng có sao không?
Chính là tiếng gọi của Võ Tam Thông.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 01 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 02 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 03 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 04 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 05 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 06 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 07 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 08 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 09 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 10 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 11 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 12 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 13 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 14 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 15 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 16 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 17 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 18 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 19 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 20 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 21 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 22 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 23 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 24 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 25 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 26 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 27 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 28 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 29 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 30 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 31 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 32 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 33 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 34 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 35 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 36 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 37 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 38 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 39 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 40 tại đây.
Đọc Thần điêu hiệp lữ, toàn tập tại đây.