Kim Dung | Thần điêu hiệp lữ | Chương 34

Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.

 · 120 phút đọc.

Một trong những tiểu thuyết võ hiệp hay nhất viết về tình yêu. Một mối tình khiến giang hồ dấy động can qua.

Người kia chính là Dương Quá. Mười sáu năm nay chàng khổ công chờ ngày tái hợp với Tiểu Long Nữ, cứ du hành bốn phương, hành hiệp trượng nghĩa, vì có Thần điêu làm bạn nên được người ta đặt cho cái tên Thần điêu hiệp. Chàng tự nghĩ hồi thiếu thời nghiệt duyên phong lưu quá nhiều, khiến cho Công Tôn Lục Ngạc vì chàng mà mất mạng, Trình Anh và Lục Vô Song suốt đời đau khổ, cho nên chàng thường đeo cái mặt nạ mà Hoàng Dược Sư chế tạo, ít khi để lộ chân diện mục cho người ta biết.

Đêm nay chàng hẹn giao đấu với Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ ở Mã Bình, đối phương quá giờ hẹn không tới, chàng bèn tìm đến đây.

Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ bị bầy mãnh thú vây công, tính mạng cả bọn đều như trứng để đầu đẳng, đột nhiên nghe tiếng nói của Dương Quá, lại thêm một cường địch, thì nghĩ: Thôi thế là hết, không còn một chút hi vọng mong manh gì nữa! Lại nghe Dương Quá nói lớn:

– Mấy vị đây là các hiền huynh Vạn Thú sơn trang phải không? Các vị hãy dừng tay, nghe tại hạ nói đã.

Sử Bá Uy nói:

– Bọn ta chính là họ Sử đây. Các hạ là ai? À xin lỗi, các hạ chắc là Thần điêu hiệp chứ gì?

Dương Quá nói:

– Không dám, chính là tại hạ. Hãy mau quát bảo lũ dã thú kia, kẻo chậm chút nữa thì e rằng đám Quỉ giả sẽ hóa thành ma thật.

Sử Bá Uy nói:

– Đợi khi nào cả đám Quỉ giả hóa thành ma thật, ta mới có thời gian nói chuyện với các hạ.

Dương Quá cau mày, nói:

– Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ có hẹn trước với tại hạ, các hạ để bầy ác thú cắn chết họ rồi, thì tại hạ còn ai để nói?

Sử Bá Uy nghe lời lẽ của chàng càng lúc càng vô lễ thì chỉ cười khẩy, suỵt thú công kích mạnh hơn nữa. Dương Quá xẵng giọng, nói:

– Các hạ đã biết Thần điêu hiệp, sao lại không thèm lý gì đến lời nói của tại hạ?

Sử Bá Uy nói:

– Thần điêu hiệp thì sao? Các hạ có bản lĩnh thì cứ việc tự ngăn bầy dã thú!

Dương Quá nói:

– Được, Điêu huynh, chúng ta cùng xuống nào!

Ống tay áo bên phải phất một cái, một người một điêu từ trên cây nhảy xuống.

Bầy dã thú chưa đợi người và điêu chạm đất đã gầm gừ hùa nhau xông tới. Thần điêu dang hai cánh, vỗ bên trái hất bên phải, quạt một luồng kình phong mãnh liệt, lũ chó sói thân hình nhỏ bị gió thổi bạt, đứng không vững, nhảy dạt cả ra. Một con sư tử và một con hổ chồm tới, Thần điêu quét ngang cánh bên phải một cái, hai con thú lăn đi mấy vòng, cánh bên trái đập xuống, trúng ngay đầu một con báo gấm, con báo khuỵu xuống đất, không thấy cựa quậy gì nữa.

Bầy dã thú thấy Thần điêu uy mãnh như thế, không con nào dám tới gần, chỉ mon men đằng xa mà gầm gầm gừ gừ.

Sử Bá Uy cả giận, nhảy vọt tới chỗ Dương Quá, tay thành hình hổ trảo, chộp tới ngực chàng. Vai phải của Dương Quá khẽ động, ống tay áo quất từ trên xuống, trúng hai cổ tay Sử Bá Uy, Sử Bá Uy cảm thấy cổ tay đau nhói như bị đao chém, không kìm được, kêu ối lên một tiếng.

Sử Thúc Cương chậm rãi bước tới, giơ chưởng đẩy ngang ra. Dương Quá khen:

– Hảo công phu!

Chàng giơ tả chưởng ra chống đỡ, mỉm cười, sử ba thành chưởng lực. Chàng hơn mười năm nay luyện công trong sóng biển, nếu vận đủ kình lực, đừng nói thân thể con người, cây lớn tường dày cũng bị phá thủng tức thì. Sử Thúc Cương từng được dị nhân truyền công, nội lực cũng phi phàm, thân hình hơi lắc lư, nhưng chưa phải lùi bước. Dương Quá nói:

– Cẩn thận này!

Chàng tăng thêm hai thành kình lực. Sử Thúc Cương trước mắt tối sầm, biết tính mạng khó toàn, bỗng nghe Dương Quá kêu lên:

– Ồ, các hạ đang có bệnh!

Luồng kình lực bài sơn đảo hải đang dồn đến lập tức biến mất tiêu. Sử Thúc Cương thoát chết, đứng ngây ra không nói nên lời.

Sử Bá Uy, Sử Trọng Mãnh, Sử Quí Cường và Sử Mạnh Tiệp bốn người thấy Sử Thúc Cương đứng ngây ra bất động, đoán là y bị trọng thương thì giận dữ lao tới chỗ Dương Quá. Chỉ thấy chàng hơi rùn người xuống, vừa lúc có một con mãnh hổ vọt qua, chàng đã giơ tay tóm được gáy con mãnh hổ, dùng nó làm một món binh khí sống, gạt ngân quản của Sử Trọng Mãnh và cây đồng chùy của Sử Quí Cường, rồi dùng bốn chân con hổ mà chộp tới ngực Sử Mạnh Tiệp và Sử Bá Uy. Dương Quá hơn mười năm trước từng sử thanh Huyền thiết trọng kiếm nặng bảy tám chục cân, con mãnh hổ này tuy rất to, cũng chỉ nặng vài chục cân là cùng; chàng giơ nó lên cứ như cầm một vật tầm thường nhẹ bẫng. Con hổ bị túm gáy, vừa sợ vừa tức, đâu còn nhận biết chủ nhân, cứ nhe răng múa vuốt mà chộp và cắn huynh đệ họ Sử. Sử Mạnh Tiệp và Sử Bá Uy bình thời tuy vẫn đùa giỡn với hổ, nhưng lúc này cứ luống cuống cả tay chân.

Quách Tương đứng ngoài vỗ tay cười, nói:

– Thần điêu hiệp, hảo công phu, huynh đệ Sử gia đã phục chưa?

Dương Quá nhìn nàng một cái, nghĩ: Tiểu cô nương kia đi theo ai vậy? Đã chơi với lũ báo gấm, sao còn chế giễu huynh đệ họ Sử? Sử Thúc Cương hít thở hai cái thấy bình thường, biết chưa bị thương, Thần điêu hiệp thủ hạ lưu tình, tha chết cho y, nghĩ: Dùng công phu chân thực, cả năm huynh đệ mình cùng hợp lực, cũng không địch nổi Thần điêu hiệp, thấy nhị ca và tứ đệ rút binh khí lao tới tấn công, vội nói:

– Nhị ca, tứ đệ, hãy dừng tay, chúng ta không thể không biết tốt xấu.

Quản Kiến Tử Sử Trọng Mãnh nghe vậy lập tức thu hồi cái ngân quản. Đại Lực Thần Sử Quí Cường là kẻ thô lỗ, nghĩ: Thế nào là không thể không biết tốt xấu? Hãy tiếp một chùy của ta đi đã. Hai tay y nắm cán chùy bổ thẳng xuống đầu Dương Quá, chiêu này gọi là Cự tượng khai sơn, bắt chước tư thế con voi lớn dùng vòi quật. Cây đồng chùy của y đúc giống hình cái vòi voi, trước nhỏ sau lớn, hơi cong cong, trong dương cương có lực âm nhu, một đòn bổ xuống, cực kỳ uy mãnh.

Dương Quá cũng không tránh, chàng ném con hổ đi, đưa tay trái chộp lấy đầu cây chùy, cười nói:

– Chúng ta đấu lực một chút, xem ai mạnh hơn.

Sử Quí Cường dùng lực đè cây chùy xuống, nhưng cây chùy ở phía trên đầu Dương Quá, không tiến xuống nổi một li. Sử Thúc Cương gọi:

– Tứ đệ, không được vô lễ!

Sử Quí Cường giữ chắc cây chùy, chờ thu hồi nó về, nhưng đầu cây chùy bị Dương Quá nắm cứng như đúc thành một khối, Sử Quí Cường ba lần vận sức giằng lại đều không được. Dương Quá phát hiện lực giằng lại của đối phương cực mạnh, nghĩ: Ta không hiển lộ thần công, gã thất phu này sẽ không chịu phục. Chàng đột nhiên hất cây chùy lên trên. Lực hất dồn vào phần giữa cây chùy, vận kình đã khéo lại mạnh, đáng lý cây chùy sẽ vuột khỏi tay Sử Quí Cường. Nào ngờ y cứ giữ cây chùy thật chặt, khiến cây chùy to thô như cái vòi voi bị uốn thành hình cái thước thợ.

Dương Quá quát:

– Hảo!

Chàng chuyển kình đẩy xuống, cạch một tiếng, cây đồng chùy gãy đôi. Sử Quí Cường bị chấn động, hai hổ khẩu rách dài cả tấc, tóe máu tươi, nhưng y vẫn cố giữ cây chùy không buông.

Dương Quá cười ha ha, thuận tay cắm phập nửa cây chùy gãy xuống tuyết mất tiêu. Tuyết dày chưa đầy một thước, đoạn chùy gãy dài ngót ba thước, chàng cắm một cái lút mất tiêu, đủ biết thần công ghê gớm chừng nào. Chàng đưa mắt nhìn quanh, thấy bọn Sử Thúc Cương và Sử Mạnh Tiệp đang quát bảo bầy dã thú ngừng lại, nhưng thú tính của lũ hổ báo đã phát tác, đã thấy máu người, thật không dễ lập tức có thể ngăn chúng lại.

Dương Quá nhìn Quách Tương, làm động tác tay, bảo nàng dùng hai ngón tay đút nút hai lỗ tai. Quách Tương chưa hiểu dụng ý, nhưng vẫn làm theo. Dương Quá há miệng hú dài, tiếng hú như tiếng rồng gầm vang thẳng lên mây xanh. Quách Tương tuy đã đút nút hai lỗ tai, nhưng vẫn bị chấn động, tim đập dồn, thân hình đung đưa như người say rượu, chân đứng không vững. May từ nhỏ nàng đã tu luyện nội công Huyền môn chính tông của phụ thân, võ công tuy chưa cao, song nội công đã có căn cơ hơn hảo thủ võ lâm thông thường, nghe tiếng hú của Dương Quá vẫn chưa bị ngã.

Tiếng hú vang vọng bất tuyệt, ai nghe cũng biến sắc, bầy thú lần lượt ngã xuống, tiếp đến Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ và huynh đệ họ Sử cũng trước sau ngã xuống, chỉ còn hơn chục con voi lớn, Sử Thúc Cương và Quách Tương hai người là gắng gượng đứng được. Thần điêu nghển cổ nhìn quanh, vẻ ngạo nghễ.

Dương Quá nghĩ có một bệnh nhân, tuy nội lực thâm hậu, nhưng nếu chàng hú tiếp, có thể khiến y ngã mà bị nội thương, bèn phất tay áo, ngừng hú. Lát sau, mọi người và bầy thú mới thong thả bò dậy. Lũ thú nhỏ như chó sói vẫn ngất chưa tỉnh, trên tuyết cứt đái do bầy thú vãi ra lung tung. Bầy thú không đợi lệnh của huynh đệ họ Sử, lũ lượt cụp đuôi bỏ chạy vào rừng, không dám ngoái đầu lại.

Huynh đệ họ Sử và Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ bình sinh chưa từng thấy uy thế như vậy, cứ đứng ngây ra, không biết nói chi. Dương Quá nói:

– Mong huynh đệ Sử gia tha lỗi, chỉ vì tại hạ có hẹn với Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ nên phải ngăn đôi bên động thủ. Chờ hoàn tất việc kia xong, đôi bên cứ việc phân cao thấp, tại hạ sẽ tụ thủ quan đấu, không giúp bên nào.

Rồi chàng quay sang Sát Thần Quỉ hỏi:

– Thế nào? Các vị muốn xa luân chiến với ta, hay là tất cả cùng ùa vào một thể?

Sát Thần Quỉ bị chấn động vì tiếng hú của chàng, tuy đã đứng lên, nhưng hồn vía chưa định, nhất thời chưa thể trả lời. Trường Tu Quỉ vái dài, cung kính nói:

– Thần điêu đại hiệp, võ công của đại hiệp cao hơn hẳn chúng tôi, Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ làm sao còn dám động thủ với đại hiệp? Tính mạng chúng tôi là nhờ đại hiệp cứu sống, từ nay đại hiệp có gì sai khiến, chúng tôi sẵn sàng, đại hiệp bảo nhảy vào lửa, chúng tôi cũng không dám trái lệnh. Đại hiệp bảo huynh đệ chúng tôi rời khỏi Sơn Tây, chúng tôi xin lập tức đi ngay, không dám chần chừ một khắc.

Dương Quá nhìn bề ngoài của lão ta đã ngờ ngợ, bây giờ nghe giọng, bèn hỏi:

– Tôn giá có phải họ Phàn, đại hiệu Nhất Ông hay chăng?

Trường Tu Quỉ chính là Phàn Nhất Ông, đứng đầu đám đệ tử của Công Tôn Chỉ ở Tuyệt Tình cốc, từ ngày được Dương Quá cứu mạng, lão đi ẩn cư, mấy năm nay tái nhập giang hồ, nhờ võ công trác tuyệt, trở thành đại ca trong bọn Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ.

Hồi lão gặp Dương Quá, chàng chưa bị mất cánh tay, hiện thời chàng lại mang mặt nạ nên lão không thể nhận ra chàng. Nghe hỏi, lão cúi mình đáp:

– Tiểu nhân chính là Phàn Nhất Ông, xin nghe phân phó của Thần điêu đại hiệp.

Dương Quá mỉm cười, giơ tay nói:

– Không dám! Các vị đã chịu nghe lời tại hạ thì không phải rời khỏi Sơn Tây nữa. Sát Thần Quỉ lão huynh, lão huynh hãy thả cho bốn người thiếp về nhà họ thì được.

Sát Thần Quỉ nói:

– Vâng!

Ngừng một chút, y nói thêm:

– Bốn con tiện nhân ấy mà không chịu đi, tiểu nhân sẽ lấy gậy đánh đuổi chúng đi.

Dương Quá sững lại, nhớ cảnh năm thê thiếp của Sát Thần Quỉ quì xin tha mạng cho y, họ đối với y chân tình như thế, nếu họ tình nguyện đi theo y, chàng lại bắt y phải bỏ bốn người thiếp, không chừng sẽ làm cho họ đau khổ, bèn cười, nói:

– Cũng không cần thế. Nếu bọn họ muốn đi, lão huynh không nên giữ họ; còn nếu họ tình nguyện đi theo, thì còn cách gì khác? Lão huynh nói còn muốn lấy bốn người thiếp nữa, có thật không vậy?

Sát Thần Quỉ nói:

– Tiểu nhân còn mặt mũi nào, năm mụ ở nhà đánh chửi nhau loạn xạ, đã khiến đại hiệp phí tâm rồi, suýt nữa còn hại chết huynh đệ tỷ muội, tiểu nhân sao còn dám làm bậy? Dẫu có dám, đại ca của tiểu nhân cũng quyết không cho làm.

Mọi người nghe vậy, cùng cười ồ.

Dương Quá nói:

– Được rồi. Chuyện của tại hạ đã kết thúc, đôi bên cứ việc động thủ.

Đoạn chàng cùng Thần điêu bước sang một bên, chờ xem Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ và huynh đệ họ Sử tái đấu. Phàn Nhất Ông chắp tay nói với Sử Bá Uy:

– Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ xông qua quí sơn trang, ai nấy đều đã bị thương, hôm nay tạm cáo biệt, không biết các vị có định an nghiệp ở Sơn Tây, hay là trở về Lương Châu? Chúng tôi sẽ ghé thăm các vị.

Sử Bá Uy nghe giọng đối phương, ngụ ý là sẽ tìm đến báo thù, bèn hiên ngang nói:

– Huynh đệ ta cung kính chờ đại giá ở Lương Châu. Nếu tam đệ của ta cuối cùng… cuối cùng vì chuyện này mà không cứu chữa được, há có thể bỏ qua mối thâm cừu đại hận? Chỉ cần các người đại giá Lương Châu, bốn huynh đệ ta sẽ tự tìm đến chỗ các vị.

Phàn Nhất Ông giật mình, nói:

– Sử tam ca vốn có bệnh từ trước, chuyện hôm nay can hệ đến chúng tôi thế nào, xin cho biết?

Sử Bá Uy tức giận đỏ cả mặt, quát:

– Tam đệ ta…

Sử Thúc Cương thở dài, nói:

– Đại ca, việc ấy đừng nhắc đến nữa. Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ cũng không cố ý để sổng, số mạng tiểu đệ như vậy, không nên kết oán một cách vô vị làm gì.

Sử Bá Uy nén giận, nói:

– Thì thôi vậy.

Rồi ôm quyền, nói với Phàn Nhất Ông:

– Non xanh không đổi, nước biếc chảy hoài, bọn ta còn có ngày gặp lại.

Đoạn quay sang phía Dương Quá:

– Thần điêu đại hiệp, huynh đệ chúng tôi có luyện võ công ba mươi năm nữa cũng không phải là đối thủ của đại hiệp; xin nhận thua, đúng là khẩu phục tâm phục. Từ đây chúng tôi cũng chẳng dám gặp lại đại hiệp; đại hiệp tới đâu, chúng tôi sẽ tránh trước đi là xong.

Dương Quá cười, nói:

– Sử đại ca quá lời.

Sử Bá Uy nói:

– Đi thôi!

Y bước lại bên Sử Thúc Cương, đưa tay dìu tam đệ, quay mình đi. Phàn Nhất Ông nghe lời nói của y có chỗ khó hiểu, vội nói:

– Xin Sử đại ca dừng bước, Sử tam ca nói chúng tôi cũng không cố ý để sổng, trừ việc huynh đệ chúng tôi xông qua quí sơn trang, còn có điều gì mạo phạm nữa ư? Nếu quả thật chúng tôi có sai trái, Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ mất đầu còn không sợ, sợ gì việc khấu đầu tạ tội?

Sử Bá Uy ban nãy thấy đối phương bị bầy thú vây công cứ ném mũ da cho nhau, cả bọn đúng là không sợ chết, phải trái phân minh, thì buồn rầu nói:

– Các vị đã làm cho con Cửu vĩ linh hồ của bọn ta sợ hãi chạy mất, khiến nội thương của tam đệ ta hết cách cứu chữa, các vị dù có khấu đầu ngàn lần vạn lần cũng chẳng ích gì.

Phàn Nhất Ông kinh ngạc, nghĩ lúc đầu huynh đệ họ Sử chỉ huy hàng ngàn con thú đuổi theo một con cáo nhỏ, không ngờ con tiểu hồ li ấy lại hệ trọng như vậy.

Sát Thần Quỉ nói:

– Con tiểu hồ li ấy có gì đáng giá kia chứ? Ồ, nếu nó đã liên can đến quí thể của Sử tam ca, thì mọi người hợp lực đuổi bắt nó lại, một con tiểu hồ li đâu có đáng gì?

Sử Quí Cường nói to:

– Sao lại không đáng gì? Chỉ cần các hạ bắt lại được con Cửu vĩ linh hồ, thì Sử mỗ sẵn sàng khấu đầu trước các hạ một trăm, không, một ngàn lần cũng cam lòng.

Giọng nói về cuối hơi nghẹn ngào.

Phàn Nhất Ông nghĩ: Huynh đệ họ Sử giỏi thuần dưỡng dã thú, thời nay không ai sánh kịp. Họ đã bảo khó như vậy, thì người khác còn hi vọng gì? Nghĩ đến đây, lão bất giác nhìn Dương Quá.

Quách Tương không nhịn được, nói xen vào:

– Các vị nói qua nói lại, sao không nhờ Thần điêu hiệp?

Quản Kiến Tử Sử Trọng Mãnh chợt nghĩ: Thần điêu hiệp võ công cao siêu khôn lường, không chừng chàng ta có cách, bèn nói:

– Tiểu cô nương thì biết cái gì? Trừ phi Đại La Kim tiên hạ phàm, ngoài ra không ai có thể bắt nổi Cửu vĩ linh hồ.

Dương Quá mỉm cười, thừa hiểu y nói khích, nhưng chàng im lặng. Quách Tương nói:

– Cửu vĩ linh hồ rốt cuộc có cái gì kỳ lạ, mong Sử nhị thúc nói cho biết.

Sử Trọng Mãnh thở dài, nói:

– Cuối năm ngoái, tam đệ của ta ở Lương Châu có giúp kẻ yếu chống kẻ mạnh, động thủ với đối phương, bị đối phương dùng quỉ kế, tam đệ ta thiếu cẩn thận, bị trọng thương…

Quách Tương lấy làm lạ:

– Vị Sử tam thúc võ công rất cao, kẻ nào lợi hại đến thế?

Sử Thúc Cương nói:

– Cô nương quá khen, tại hạ có một chút bản lĩnh, thật có khác gì ánh sáng đom đóm. Cô nương nói thế, chỉ tổ Thần điêu đại hiệp chê cười tại hạ đó.

Quách Tương nhìn Dương Quá, nói:

– Thần điêu đại hiệp tất nhiên khác người, tiểu nữ muốn biết đó là kẻ nào?

Sử Trọng Mãnh nói:

– Đả thương tam đệ của ta là một vương tử Mông Cổ, tên gọi Hoắc Đô, nghe đâu là đệ tử của Đệ nhất Hộ quốc đại sư Kim Luân pháp vương.

Dương Quá nghĩ bụng: Thì ra hắn, hèn chi võ công lợi hại.

Quách Tương nói với Dương Quá:

– Thần điêu hiệp, xin đại hiệp hãy đánh cho tên vương tử Mông Cổ một trận, trả thù cho Sử tam thúc!

Sử Trọng Mãnh nói:

– Việc đó không dám phiền đến đại giá của Thần điêu hiệp, chỉ cần tam đệ của ta khỏi bệnh, sẽ đi tìm hắn, đấu một trận chính đại quang minh, vị tất đã thua. Có điều là nội công của huynh đệ chúng tôi thuộc một phái riêng, sau khi bị nội thương chữa lâu không đỡ phải uống máu con Cửu vĩ linh hồ mới có thể lành.

Quách Tương và Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ cùng ồ lên:

– Thì ra vậy.

Sử Trọng Mãnh nói:

– Cửu vĩ linh hồ là con vật cực hiếm, cực linh dị trong bách thú. Năm huynh đệ chúng tôi tìm kiếm hơn một năm, mới phát hiện tung tích Cửu vĩ linh hồ ở Tấn Nam. Con vật này ẩn thân ở một nơi cũng rất kỳ dị, trong một cái đầm lầy bùn cách đây hơn ba mươi dặm về phía tây bắc…

Sát Thần Quỉ hỏi:

– Một cái đầm lầy bùn ư? Là đầm Hắc Long phải không?

Sử Trọng Mãnh nói:

– Đúng thế. Các vị ở Tấn Nam lâu, tất nhiên biết đầm Hắc Long rộng vài dặm, chỉ toàn bùn lầy hôi hám, người và thú chẳng thể dung thân. Chúng tôi tốn bao nhiêu công sức mới dụ được Cửu vĩ linh hồ đến cánh rừng này.

Sát Thần Quỉ đại ngộ, nói:

– Ồ, chẳng trách các vị không cho phép chúng tôi xông thẳng qua rừng.

Sử Trọng Mãnh nói:

– Chính vậy. Huynh đệ chúng tôi đến Tấn Nam đây là khách, dù vô lễ mấy cũng không thể bá chiếm đất Tấn Nam, việc này thực là vạn bất đắc dĩ. Cửu vĩ linh hồ chạy nhanh tuyệt luân, ban nãy các vị đều đã chứng kiến tận mắt. Chúng tôi chỉ huy bầy thú đã vây chặt Cửu vĩ linh hồ trong rừng, sắp bắt được nó, không ngờ các vị lại phóng hỏa hai nơi, bầy thú hoảng sợ, Cửu vĩ linh hồ chạy thoát ra mất. Nói thật hổ thẹn, chúng tôi đã dốc toàn lực đuổi theo, nhưng không bắt được nó. Cửu vĩ linh hồ đã chạy thoát về sào huyệt, muốn dụ nó lần nữa thật khó muôn phần. Tam đệ của ta nội thương ngày một trầm trọng, không thể chần chừ, huynh đệ chúng tôi vì quá lo lắng nên hành sự lỗ mãng, nói năng vô lễ, những mong các vị lượng thứ cho.

Nói rồi ôm quyền lắc lắc, mắt chỉ nhìn Dương Quá.

Phàn Nhất Ông nói:

– Việc này đúng là tội mạo phạm của Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ chúng tôi. Nhưng không biết các vị đã dùng cách gì dụ được Cửu vĩ linh hồ tới đây?

Sử Trọng Mãnh nói:

– Loài cáo tính đa nghi, rất khó lừa nó. Cửu vĩ linh hồ giảo hoạt vô tỉ. Chúng tôi phải nướng một ngàn con gà trống, cách vài trượng lại để một con, thổi mùi thơm gà nướng về phía đầm Hắc Long, hôm nay cho nó ăn một con, ngày mai ăn một con, ăn hơn hai tháng liền, nó giảm hẳn sự đề phòng, mới từ từ dụ nó đến cánh rừng này. Bây giờ nó kinh sợ rồi, có dụ mười năm nó cũng chẳng để bị lừa lần nữa.

Phàn Nhất Ông gật đầu:

– Đúng thế. Nhưng nếu chúng ta xông thẳng vào đầm Hắc Long mà bắt, thì sao?

Sử Trọng Mãnh nói:

– Đầm Hắc Long trong vòng mấy dặm toàn là bùn lầy sâu hàng chục trượng, khinh công cao siêu cũng chẳng thể đặt chân; bất kể dùng thuyền bè đều không thể đi vào. Trong khi con Cửu vĩ linh hồ nhân hình nhỏ nhắn, bàn chân lại dày, chạy nhanh như gió, có thể lướt trên mặt đầm.

Quách Tương đột nhiên nghĩ đến đôi chim điêu nhà nàng nuôi, tỷ đệ ba người thường cưỡi điêu bay chơi, Thần điêu này to gấp đôi chim điêu của nhà nàng, có khi hai người cưỡi nó cũng thừa sức, bèn nói:

– Thần điêu hiệp, chỉ cần đại hiệp chịu giúp thì sẽ có cách.

Dương Quá mỉm cười, nói:

– Huynh đệ Sử gia là đại hành gia bắt hổ báo phải hàng phục, mà họ còn bó tay, người khác chỉ mong muốn thôi, đâu có ích gì?

Sử Trọng Mãnh nghe khẩu khí, đoán chàng chịu ra tay cứu giúp, điều này rất hệ trọng đối với sự sống còn của huynh đệ y, thế là chẳng ngại có mặt người ngoài, y liền quì xuống tuyết mà lạy Dương Quá, nói:

– Thần điêu đại hiệp, mạng của xá đệ rất nguy kịch, cúi xin đại hiệp rủ lòng thương.

Sử Bá Uy, Sử Quí Cường, Sử Mạnh Tiệp ba người cũng đều quì xuống.

Dương Quá vội đỡ họ dậy, nói:

– Không dám, không dám.

Mục quang như tia chớp ngó sang phía Quách Tương, nói:

– Cô nương bảo có cách, chúng ta thử nghe cao kiến của tiểu muội xem nào.

Quách Tương nói:

– Đại hiệp cưỡi lên Thần điêu mà bay vào đầm có được chăng?

Dương Quá cười ha hả, nói:

– Vị điêu huynh của ta khác loài chim tầm thường là thân hình quá nặng, không bay được. Đôi cánh sắt của Điêu huynh có thể đập chết hổ báo, song lại chẳng thể bay.

Dương Quá quay sang phía huynh đệ họ Sử, nói:

– Tuy nhiên tiểu đệ cố thử xem sao, nếu không được, xin chư vị đừng trách.

Huynh đệ họ Sử cả mừng, nghĩ vị đại hiệp này lừng danh thiên hạ, một lời đáng giá ngàn vàng, nếu chàng cũng không làm được, thì tức là số mệnh như thế. Sử Bá Uy lại lạy mấy cái, nói:

– Vậy xin mời đại hiệp và chư vị đại ca Tây Sơn vào tệ xá nghỉ một chút, cùng bàn cách.

Phàn Nhất Ông nói:

– Tai họa này do huynh đệ chúng tôi gây ra, chúng tôi xin tuân theo sự sai khiến.

Sử Bá Uy nói:

– Không dám. Mọi người chưa đánh nhau vỡ đầu chưa nhận ra nhau, các vị nếu không ngại, chúng ta hãy kết thành bằng hữu.

Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ và huynh đệ họ Sử đã động thủ quá chiêu, đều biết bản lĩnh đối phương, đôi bên vốn không có thù oán gì, chẳng qua nhất thời ngôn ngữ bất hòa, thế là mỗi bên nói vài câu khách sáo, kết bạn với nhau.

Dương Quá nói:

– Bây giờ tiểu đệ đi đến đầm Hắc Long một chuyến, bất kể thành hay bại, cũng sẽ trở lại quí sơn trang.

Tây Sơn Nhất Khuất Quỉ và huynh đệ họ Sử thấy chàng không rủ ai đi theo, nghe đồn chàng chỉ một mình hành sự, nên tuy họ sẵn sàng xuất lực, cũng không dám tự đề xướng việc trợ giúp.

Dương Quá ôm quyền từ biệt mọi người, quay mình đi về hướng bắc.

Quách Tương nghĩ: Mình đến đây là để gặp Thần điêu hiệp, hiện đã gặp rồi. Chàng tuy dung mạo xấu xí, nhưng võ công kinh nhân, phù nguy tế khốn, lo cho người khác, quả nhiên xứng danh hai chữ đại hiệp, chuyến đi của mình không uổng. Nhưng không biết chàng sẽ dùng cách gì để bắt Cửu vĩ linh hồ, lòng hiếu kỳ trỗi dậy, tự dưng nàng bước theo sau Dương Quá.

Đại Đầu Quỉ định gọi nàng lại, nhưng nghĩ bụng: Cô nương ấy quyết ý đi gặp Thần điêu hiệp, tất có điều muốn nói với chàng ta. Huynh đệ họ Sử không biết lai lịch Quách Tương, càng không tiện nói gì với nàng.

Quách Tương đi theo sau Dương Quá, cách vài trượng, nhất mực muốn xem chàng làm thế nào bắt Cửu vĩ linh hồ; nàng thấy Dương Quá càng đi càng nhanh, Thần điêu sánh vai chàng sải bước, không khác gì ngựa phi. Thoáng chốc Quách Tương đã tụt lại phía sau đến mươi trượng, nhìn ống tay áo phe phẩy của chàng, tựa hồ chàng thong thả đi trên tuyết, song khoảng cách với chàng cứ xa dần. Quách Tương thi triển khinh công gia truyền, ra sức đuổi theo, nhưng sau thời gian uống cạn một tuần trà, Dương Quá và Thần điêu chỉ còn là hai chấm đen trên tuyết.

Quách Tương cuống lên, gọi:

– Ấy, chờ muội với!

Tiếng gọi khiến nội tức bị rối loạn, chân ríu lại, nàng ngã bạch xuống tuyết một cái. Vừa ngượng vừa cuống, bất giác nàng khóc òa lên.

Bỗng nghe một giọng ôn hòa bên tai:

– Sao lại khóc? Kẻ nào khi vũ cô nương?

Quách Tương ngẩng đầu lên, thì ra là Dương Quá, không biết chàng làm thế nào có thể quay lại nhanh đến thế. Nàng kinh ngạc và mừng rỡ, cảm thấy áy náy, cúi đầu rút chiếc khăn tay ra lau nước mắt, không ngờ vừa rồi chạy vội, chiếc khăn đã bị rớt mất.

Dương Quá lấy từ trong ống áo ra chiếc khăn, cầm bằng ngón cái và ngón trỏ, cười nói:

– Cô nương tìm cái này phải không?

Quách Tương nhìn đúng là chiếc khăn tay có thêu một bông hoa nhỏ ở góc, bèn nói:

– Phải, là đại hiệp khi vũ muội đó.

Dương Quá lấy làm lạ:

– Sao lại là ta khi vũ cô nương?

Quách Tương nói:

– Đại hiệp đã lấy chiếc khăn của muội, chẳng phải là khi vũ hay sao?

Dương Quá cười, nói:

– Cô nương tự đánh rơi xuống đất, ta có hảo ý nhặt giùm, sao nói là ta lấy chiếc khăn của cô nương?

Quách Tương cười, nói:

– Muội đi đằng sau đại hiệp, muội đánh rơi chiếc khăn thì làm sao đại hiệp lại nhặt được kia chứ? Rõ ràng là đại hiệp đã lấy từ trước.

Kỳ thực Quách Tương đi theo phía sau, Dương Quá đã biết ngay từ đầu, chàng cố ý đi nhanh, thử xem khinh công của nàng ra sao, thấy cô nương tuy còn nhỏ tuổi, nhưng võ công được danh gia truyền thụ; khi phát hiện nàng ngã, sợ nàng bị thương, vội phi trở lại, thấy phía sau nàng mấy trượng có chiếc khăn rơi, chàng bèn nhặt lên, nhưng vì chàng hành động quá nhanh, nên nàng không nhận biết được.

Dương Quá mỉm cười, nói:

– Cô nương họ gì, tên gì? Tôn sư là ai? Vì sao đi theo ta?

Quách Tương nói:

– Quý tính đại danh của đại hiệp? Đại hiệp cho muội biết trước, rồi muội sẽ nói.

Dương Quá mười mấy năm nay ngay diện mạo thật còn không để người ta biết, dĩ nhiên không nói lộ tính danh với một cô nương xa lạ, nên nói:

– Cô nương hơi kỳ quái đấy, đã không chịu nói thì thôi. Hãy cầm lấy chiếc khăn này.

Nói rồi hất nhẹ chiếc khăn khiến nó trải ra, bay tới trước mặt Quách Tương. Quách Tương lấy làm lạ, giơ tay đón, nói:

– Thần điêu hiệp, công phu gì hay vậy? Đại hiệp dạy cho muội được chăng?

Dương Quá thấy nàng thật thà ngây thơ, không sợ gì bộ mặt nạ đáng sợ của chàng, nghĩ: Mình thử dọa cô nàng xem sao, đột nhiên gằn giọng:

– Cô nương to gan thật! Vì sao không sợ ta? Ta muốn hại cô nương đấy.

Nói rồi tiến lại, vung tay để ra đòn. Quách Tương kinh ngạc, nhưng lập tức cười khanh khách, nói:

– Muội không sợ đâu. Đại hiệp nếu định hại muội thật, không khi nào lại nói trước. Thần điêu hiệp nghĩa bạc vân thiên, ai lại đi hại một tiểu nữ tử?

Người ẩn sĩ thanh cao nghe thấy câu tán dương này cũng còn thích, Dương Quá tuy không ham nghe người ta ca tụng, nhưng nghe Quách Tương nói bằng một giọng chân thành, quả lộ vẻ thán phục, thì mỉm cười, nói:

– Cô nương không quen biết ta, sao đoán là ta sẽ không hại cô nương?

Quách Tương nói:

– Muội tuy không quen biết đại hiệp, nhưng tối qua ở bến Phong Lăng được nghe nhiều người kể sự tích của đại hiệp, nên muội nghĩ: Một nhân vật anh hùng như thế, nhất định phải đi gặp mới được. Cho nên muội mới theo Đại Đầu Quỉ đến gặp đại hiệp.

Dương Quá lắc đầu, nói:

– Ta đâu có gì là anh hùng? Cô nương gặp rồi, nhất định cảm thấy không được như nghe đồn.

Quách Tương vội nói:

– Không, không! Đại hiệp không được coi là anh hùng thì còn ai xứng chữ anh hùng nữa?

Nói xong, Quách Tương liền cảm thấy câu này không ổn, chẳng hóa ra nàng coi phụ thân không bằng Thần điêu hiệp, bèn nói thêm:

– Đương nhiên, trừ đại hiệp ra, thì cũng còn vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt, song đại hiệp là một người trong số đó.

Dương Quá nghĩ: Một cô bé mười mấy tuổi lại có thể biết vài vị đại anh hùng thế ư? Chàng mỉm cười, hỏi:

– Cô nương bảo vài vị đại anh hùng, đại hào kiệt ấy là những ai?

Quách Tương nghe giọng chàng có ý coi thường nàng, bèn nói:

– Muội nói ra mà đúng, đại hiệp phải đem muội đi theo bắt Cửu vĩ linh hồ, được không nào?

Dương Quá nói:

– Được, cô nương nói ta coi.

Quách Tương nói:

– Có một vị anh hùng trấn thủ thành Tương Dương, quên mình chống lại Mông Cổ, bảo cảnh an dân. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá giơ ngón tay cái, nói:

– Được! Quách Tĩnh Quách đại hiệp đúng là một vị đại anh hùng.

Quách Tương nói:

– Còn một vị nữ anh hùng, phò tá phu quân, kháng địch thủ thành, mưu trí vô song, liệu sự như thần. Có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá nói:

– Cô nương định nhắc đến Quách phu nhân Hoàng bang chủ phải không? Ồ, cũng có thể coi là một vị đại anh hùng.

Quách Tương nói:

– Còn một vị lão anh hùng, ngũ hành kỳ thuật, quỉ thần khôn lường, Đạn chỉ thần công, môn nào cũng thạo. Như thế có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá nói:

– Đó là Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư, tiền bối võ lâm, ta hằng kính ngưỡng.

Quách Tương nói ba người, thấy chàng đều thừa nhận, thì rất đắc ý, nói:

– Còn có một vị suất lĩnh Cái Bang, trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân, có được coi là vị đại anh hùng hay chăng?

Dương Quá nói:

– Cô nương định nói về Lỗ Hữu Cước Lỗ bang chủ phải không? Người này võ công không cao lắm, cũng chưa có công lao gì đặc biệt, nhưng với mười chữ trừ gian sát địch, dốc lòng vì nước vì dân, có thể coi là một nhân vật đáng nể.

Quách Tương nghĩ: Đại hiệp tài giỏi, nhãn giới cực cao, mình nói thêm, e rằng chàng sẽ bảo không đúng. Huống hồ, ngoài cha mẹ, ông ngoại, Lỗ lão bá ra, mình không nghĩ ra được ai nữa. Dương Quá thấy vẻ mặt trù trừ của nàng, nghĩ: Quách bá bá, Quách phu nhân, Hoàng đảo chủ, Lỗ bang chủ bốn người là hào kiệt nổi danh thiên hạ, tiểu cô nương kể ra được cũng không có gì lạ, bèn nói:

– Cô nương chỉ cần nói đúng một vị nữa, ta sẽ dẫn cô nương đến đầm Hắc Long bắt Cửu vĩ linh hồ.

Quách Tương định kể đến tỷ phu là Gia Luật Tề, cảm thấy võ công của Gia Luật Tề tuy cao, nhưng chưa xứng ba chữ đại anh hùng, còn hai vị sư huynh Võ Đôn Nhu và Võ Tu Văn thì càng không xứng, đang khó nghĩ, chợt nghĩ ra, nói:

– Được, còn một vị cứu khốn phò nguy, trừ cường phù nhược, ai nấy tán dương, Thần điêu đại hiệp! Vị ấy mà không được coi là vị đại anh hùng, thì đại hiệp khó tính quá trời.

Dương Quá cười, nói:

– Cô nương nói rất hay.

Quách Tương hỏi:

– Đại hiệp sẽ dẫn muội đến đầm Hắc Long chứ?

Dương Quá cười, nói:

– Cô nương đã gọi ta là đại anh hùng, đại anh hùng há có thể thất tín với tiểu cô nương? Nào chúng ta đi!

Quách Tương cao hứng đưa tay phải nắm lấy tay trái của chàng. Nàng từ nhỏ đã bầu bạn với hào kiệt trong thành Tương Dương, mọi người đều coi nàng như một tiểu điệt nữ, nàng ứng xử tự nhiên, hoàn toàn không hiềm nam nữ, lúc này quá mừng, cũng không coi Dương Quá như người xa lạ.

Dương Quá tay trái bị nàng nắm chặt, cảm thấy bàn tay nhỏ nhắn rất êm dịu của nàng thì lại hơi ngượng, nếu gỡ ra, tức là mình vô lễ, chàng liếc nhìn nàng một cái, thấy nàng hồ hởi, chứ không có ý gì khác, bèn mỉm cười, đưa tay chỉ về hướng bắc nói:

– Đầm Hắc Long đằng kia, sắp đến nơi rồi.

Mượn động tác chỉ đó, chàng rút tay ra khỏi bàn tay nàng. Dương Quá hồi thiếu niên cười nói không chút ngại ngần với các thiếu nữ, nhưng từ khi Tiểu Long Nữ bỏ đi, chàng như thu mình lại, mười mấy năm hành tẩu giang hồ, mỗi lần gặp thiếu nữ, chàng đều giữ lễ nghiêm nghị còn hơn cả tiên sinh đạo học. Tuy thấy Quách Tương thuần khiết vô tà, nhưng mười mấy năm cẩn thận đã quen, ngay bàn tay nàng, chàng cũng không dám cầm lâu.

Quách Tương thì hồn nhiên sánh vai chàng mà đi, đi mấy bước, thấy Thần điêu hình dạng tuy xấu, nhưng thân thể hùng vĩ, nàng bèn giơ tay vỗ vỗ nhẹ vào lưng nó. Nàng từ nhỏ vẫn đùa nghịch với đôi chim điêu trắng ở nhà mình, cũng hay vỗ vỗ như vậy. Nào ngờ Thần điêu hơi xù cánh, hất nhẹ tay nàng ra. Quách Tương giật mình, kêu ôi một tiếng.

Dương Quá cười, nói:

– Điêu huynh đừng giận! Hà tất phải giáo huấn một tiểu cô nương nhà khác?

Quách Tương lè lưỡi, lánh sang bên tay phải của chàng, không dám đi cạnh Thần điêu nữa. Nàng đâu biết rằng đôi chim điêu của nhà nàng vẫn là gia súc, còn Thần điêu đối với Dương Quá nửa là thầy, nửa là bạn, nói về tuổi tác, thân phận, lại càng khác xa.

Hai người một điêu đi đến đầm Hắc Long, nơi này rất dễ nhận biết, trong phạm vi bảy tám dặm vuông không có cây cỏ gì hết. Đầm Hắc Long vốn là một cái hồ lớn, nước tù đọng, sau nhiều năm cạn dần, biến thành một đầm lầy khổng lồ. Bằng thời gian ăn xong một bữa cơm, Dương Quá và Quách Tương đã đến bên bờ đầm lầy, nhìn ra xa, trước mắt chỉ thấy tử khí nặng nề, ở giữa đầm lầy nổi lên nhiều đống củi rác, con Cửu vĩ linh hồ chắc ẩn náu ở chỗ đó.

Dương Quá bẻ một cành cây ném xuống đầm. Thoạt đầu cành cây nằm ngang trên mặt tuyết, sau đó chìm dần, tuy thế chìm rất chậm, nhưng không hề dừng, cuối cùng cành cây biến mất tiêu. Quách Tương không khỏi kinh hãi: Cành cây rất nhẹ mà còn như thế, con người làm sao có thể đặt chân trên đầm lầy? Nàng nhìn Dương Quá, chưa biết chàng sẽ có diệu kế gì.

Dương Quá bẻ hai cành cây, mỗi cành dài chừng sáu thước, tước hết các cành nhỏ, buộc bên dưới bàn chân, nói:

– Ta thử xem có được hay không đã.

Chàng chúi người về phía trước, giống như người trượt đi trên tuyết, chỉ thấy chàng chúi người sang bên này bên kia mà lướt đi, không dừng lại chút nào, chàng lượn một vòng trên mặt đầm lầy, rồi trở về chỗ xuất phát.

Quách Tương vỗ tay cười, nói:

– Hảo bản sự, hảo công phu!

Dương Quá thấy ánh mắt nàng đầy vẻ thích thú, biết nàng chỉ mong theo mình vào đầm bắt Cửu vĩ linh hồ, nhưng tự lượng nàng không đủ bản lĩnh khinh công, nên cười, nói:

– Ta đáp ứng đưa cô nương vào đầm lầy bắt Cửu vĩ linh hồ, cô nương có dám không nào?

Quách Tương khe khẽ thở dài, nói:

– Muội không có được bản lĩnh như đại hiệp, dù có dám cũng chịu.

Dương Quá cười không nói, bẻ hai cành cây, mỗi cành dài chừng năm thước, đưa cho nàng, nói:

– Hãy buộc vào dưới bàn chân!

Quách Tương mừng rỡ, buộc chặt cành cây vào dưới bàn chân. Dương Quá nói:

– Hãy hơi chúi người về đằng trước, đừng dồn chút sức nào xuống chân cả.

Tay trái chàng cầm tay phải của Quách Tương, nói:

– Đừng sợ!

Rồi chàng vừa nhấc vừa kéo, Quách Tương không tự chủ được, lướt đi theo chàng trên đầm lầy, thoạt tiên còn hoảng, sau khi trượt đi vài trượng, chỉ cảm thấy người nhẹ lâng lâng như cưỡi gió mà đi, chân không hề dùng sức, miệng nói:

– Thích quá, thích quá!

Hai người lướt đi một hồi, Dương Quá bỗng kêu lên:

– Lạ thật!

Quách Tương hỏi:

– Cái gì kia?

Nàng hơi ngưng thần, dưới chân hơi nặng, chân trái ấn xuống một chút, bùn đã ngập mu bàn chân, nàng vội kêu Ôi chao!. Dương Quá nhấc nàng lên, nói:

– Nhớ luôn luôn di động, nhất thiết không được dừng lại.

Quách Tương nói:

– Phải rồi, đại hiệp vừa nhìn thấy gì vậy? Cửu vĩ linh hồ à?

Dương Quá nói:

– Không phải! Trong đầm lầy hình như có người ở.

Quách Tương lấy làm lạ:

– Con người làm sao sống ở đây được?

Dương Quá nói:

– Ta cũng không hiểu. Nhưng các đống củi có bố trí rất lạ, hoàn toàn không phải vật tự nhiên.

Lúc này hai người đã tới gần các đống củi cỏ, Quách Tương nhìn kỹ, nói:

– Đúng vậy, Ất mộc ở phía đông, Bính hỏa ở phía nam, Mậu thổ ở giữa, phía bắc lại không phải là Quý thủy, mà là tượng Canh kim.

Nàng từ nhỏ nghe mẫu thân đàm luận về sự biến hóa âm dương ngũ hành, cũng học được đôi điều. Tính cách nàng khác hẳn Quách Phù, tuy hào sảng, nhưng không lỗ mãng, lại thông minh hơn tỷ tỷ rất nhiều.

Hoàng Dung thường nói:

– Ông ngoại của con mà gặp con, chắc chắn sẽ thích lắm.

Hoàng Dược Sư rất giỏi các môn tạp học y bốc tinh tướng, cầm kỳ thư họa cùng binh pháp. Quách Tương còn rất nhỏ tuổi, đã có nhiều điểm giống ông ngoại, hay quan tâm nhiều chuyện, võ công tiến cảnh chậm chạp, đồng thời suy nghĩ kỳ quái, hành sự tùy hứng, thường gây bất ngờ, khiến cho Quách Tĩnh, Hoàng Dung hết sức nhức đầu. Ở nhà đặt cho nàng ngoại hiệu Tiểu Đông Tà. Tỷ như việc nàng đem kim thoa đổi lấy bữa tiệc rượu đãi mọi người, rồi theo Đại Đầu Quỉ không quen biết đi gặp Thần điêu hiệp, tiếp đó lại theo Thần điêu hiệp không quen biết đi bắt Cửu vĩ linh hồ, can đảm và tùy hứng đến thế thì ngay Hoàng Dung, Quách Phù hồi trẻ cũng thua xa. Dương Quá nghe nàng nói rõ phương vị bố trí các đống cỏ thì rất ngạc nhiên, hỏi:

– Sao cô nương biết? Ai dạy cô nương vậy?

Quách Tương cười đáp:

– Muội xem sách đấy, cũng không biết có đúng hay không. Nhưng muội cho rằng cách bố trí ở đây cũng bình thường, chẳng có gì lạ, không phải có vị cao nhân ghê gớm nào đâu.

Dương Quá gật đầu, nói:

– Nhưng người ấy có thể sống trên đầm lầy mà không bị chìm, thì lạ lắm đấy.

Thế là chàng cất tiếng gọi to:

– Vị bằng hữu trong đầm Hắc Long, có khách tới đây!

Đợi một lát, trong đầm tĩnh mịch vô thanh… Dương Quá gọi lần nữa, vẫn không ai trả lời. Dương Quá nói:

– Xem ra tuy có người chất cỏ bày trận, nhưng không sống ở đây, chúng ta tới đó xem sao.

Rồi chàng lướt đi hai chục trượng, tới sát khu vực các đống củi cỏ.

Quách Tương bỗng cảm thấy dưới chân vững chắc, tựa hồ đạp trên đất cứng. Dương Quá cũng phát hiện như vậy, cười, nói:

– Thì ra giữa đầm lầy có một tiểu đảo.

Lời vừa dứt, trước mắt đột nhiên từ trong đống cỏ có hai con cáo nhỏ màu trắng chạy ra, chính là một đôi Cửu vĩ linh hồ, một con chạy về phía đông bắc, một con chạy về phía tây nam, chớp mắt đã vọt ra xa.

Dương Quá nói:

– Cô nương đứng yên ở đây, đừng động.

Rồi chàng đuổi theo con linh hồ chạy về hướng đông bắc. Lúc này chàng không phải dìu Quách Tương, nên thi triển khinh công lướt trên mặt đầm đúng là như chim bay. Song con linh hồ chạy cũng nhanh cực kỳ, không khác gì một luồng khói mỏng vút trở lại, qua ngay trước mặt Quách Tương. Bỗng có tiếng gió nhẹ, Dương Quá đã lướt tới, ống tay áo vung ra định cuốn lấy con linh hồ; con linh hồ liền nhảy vọt lên, lộn một vòng trên không trung, khiến ống tay áo của Dương Quá cuốn hụt. Quách Tương thốt lên:

– Tiếc quá!

Chỉ thấy một người một cáo cứ vun vút lướt đi như tia chớp trên mặt tuyết trắng, làm cho Quách Tương đứng nhìn thích thú, không ngớt kêu lên trợ uy cho Dương Quá:

– Thần điêu hiệp, nhanh chút nữa! Cửu vĩ linh hồ, mi rốt cuộc chạy chẳng thoát đâu, chi bằng đầu hàng sớm đi thì hơn!

Con linh hồ thứ hai cứ chui đống cỏ này lại nhảy sang đống cỏ kia, chốc chốc lại chạy gần chỗ Dương Quá.

Dương Quá biết nó cố ý làm rối trí chàng, nên cứ coi như không thấy nó, chỉ đuổi theo con linh hồ thứ nhất, chờ con đó kiệt sức vì chạy. Ai dè linh hồ nhỏ con, nhưng rất dẻo dai, tự biết hôm nay gặp đại nạn, nên cứ ráng sức chạy, không có dấu hiệu gì chứng tỏ sắp kiệt sức.

Dương Quá cảm thấy hưng phấn, càng chạy càng nhanh, thấy con linh hồ thứ hai muốn cứu đồng bọn, lại chạy xéo qua, chàng cười mắng nó:

– Tiểu súc sinh, chẳng lẽ ta không trị nổi ngươi.

Chàng cúi xuống vốc một nắm tuyết, ném vù một cái trúng ngay đầu con linh hồ thứ hai, thấy nó lập tức ngã lăn quay. Dương Quá không muốn giết chết nó, chàng xuất thủ rất nhẹ, con linh hồ lăn vài vòng, rồi đứng dậy, chui vào một đống cỏ, không dám ló mặt ra nữa.

Dương Quá có thể dùng cách tương tự để bắt con linh hồ thứ nhất đang chạy thục mạng, nhưng chàng có ý đua cước lực với nó. Chàng nói:

– Tiểu hồ li, nếu ta dùng tuyết ném mi, mi có chết cũng không tâm phục. Đại trượng phu quang minh chính đại, nếu ta không đuổi kịp mi, ta sẽ tha chết cho mi.

Chàng hít một hơi dài, nhào người về đằng trước, mượn thế lướt nhanh, cuối cùng đã vọt tới trước con linh hồ, quay người đưa tay chộp. Con linh hồ cả kinh, chạy sang bên phải. Dương Quá đã chờ sẵn, phất tay áo cuốn lấy con linh hồ vào trong ống tay áo rỗng, tay trái túm gáy nó nhấc lên, trong lúc đắc ý cười phá lên ha hả.

Nhưng chàng đang cười bỗng ngừng bặt, vì thấy con linh hồ duỗi thẳng cẳng, không cựa quậy gì hết, có lẽ nó chết rồi. Dương Quá nghĩ: Hỏng, mình vung tay áo quá mạnh, con linh hồ không ngờ quá yếu như vậy; không biết máu của con linh hồ đã chết có thể chữa trị nội thương cho Sử tam ca được chăng?

Chàng cầm con linh hồ lướt đến chỗ Quách Tương nói:

– Con này chết rồi, sợ không sử dụng được, chúng ta phải bắt lấy con linh hồ còn sống kia mới được.

Chàng nói và buông rơi con linh hồ xuống tuyết.

Chàng lo nó giả chết, nên sau khi buông nó ra, ống tay áo sẵn sàng, hễ nó động đậy chàng sẽ cuốn nó lại ngay, nhưng con linh hồ không hề cựa quậy, rõ ràng nó đã chết.

Quách Tương nói:

– Con tiểu hồ li trông khả ái thật, không ngờ nó chạy đến nỗi kiệt sức mà chết.

Nàng cầm một thanh củi, nói:

– Để muội đuổi con linh hồ thứ hai chạy ra, đại hiệp cứ chờ ở đây.

Nói đoạn nàng tiến tới mấy bước, thọc que củi vào đống cỏ khô kia.

Nàng thọc vào rồi, định rút ra thọc chỗ khác bên cạnh, thì lạ thay, không thể rút ra được, tựa hồ có con dã thú nào đó nấp bên trong tóm lấy que củi mà giữ chặt. Quách Tương kêu Ơ một tiếng, dùng sức giật mạnh, thì que củi lại tuột khỏi tay mà chui vào trong đống cỏ.

Thế rồi từ trong đống cỏ chui ra một lão thái bà tóc bạc phơ, áo quần lam lũ. Lão phụ hầm hầm nhìn Quách Tương, giơ que củi lên như sắp đánh. Quách Tương cả sợ, vội nhảy lùi về bên cạnh Dương Quá.

Lúc ấy con linh hồ chết nằm dưới đất bỗng bật dậy, chui vào vòng tay của lão phụ, đôi mắt nhỏ long lanh nhìn Dương Quá, thì ra là nó giả chết.

Dương Quá nhìn cảnh ấy vừa tức vừa buồn cười, nghĩ: Hôm nay mình lại thua một con tiểu súc sinh, xem chừng cặp linh hồ kia là do lão phụ nuôi. Người này không biết là ai, giang hồ chưa nghe nói gì về nhân vật này. Muốn bắt con linh hồ, e không dễ với lão phụ, bèn xuôi tay nói:

– Vãn bối mạo muội tới đây, xin tiền bối tha tội.

Lão phụ nhìn cành cây buộc dưới hai người, sắc diện hơi có vẻ kinh dị, nhưng lập tức trở lại bình thường, nói:

– Lão phụ nhân ẩn cư chốn hoang vu không tiếp khách, các người hãy đi đi!

Giọng nói nghe nhỏ nhưng gay gắt, mày hơi cau, lộ rõ vẻ khó chịu.

Dương Quá thấy lão phụ dung nhan đáng sợ, nhưng mi mục thanh tú, thời trẻ hẳn là một mỹ nhân, không biết người này là ai, lại thi lễ, nói:

– Tại hạ có một vị bằng hữu bị nội thương, cần có huyết của Cửu vĩ linh hồ mới chữa được, kính xin lão tiền bối khai ân ban cho, cứu mạng một người, tại hạ và người ấy cùng đội ơn tiền bối.

Lão phụ ngừa mặt cười hô hô, ha ha, hi hi hồi lâu không dứt, trong tiếng cười lại chứa đựng sự thê thảm và độc ác. Lão phụ cười một hồi, rồi nói:

– Bị nội thương à, phải cứu mạng hắn à? Hay đấy, thế tại sao hài nhi của ta bị nội thương, kẻ khác lại nhất quyết không chịu cứu mạng nó?

Dương Quá ngạc nhiên hỏi:

– Không biết lệnh lang bị nội thương thế nào, bây giờ thì cứu có còn kịp chăng?

Lão phụ lại cười ha hả, nói:

– Có còn kịp chăng? Có còn kịp chăng? Nó chết đã mấy chục năm rồi, xương cốt đã thành đất bụi, ngươi còn hỏi có còn kịp chăng?

Dương Quá biết lão phụ đang nhớ lại chuyện xưa, tâm tính dị thường, không tiện nói gì, chỉ nói:

– Tại hạ mạo muội đến cầu xin con linh hồ, lẽ ra không nên. Tục ngữ có câu Vô công bất thụ lộc, lão tiền bối nếu có gì sai bảo mà vừa sức tại hạ, tại hạ xin làm ngay.

Lão phụ đảo mắt qua lại rất nhanh, nói:

– Lão phụ nhân cô cư ở đầm lầy vô thân vô hữu, chỉ có Cửu vĩ linh hồ làm bạn. Ngươi muốn bắt nó đi, cũng được, nhưng hãy để tiểu cô nương ở lại đây với lão phụ mười năm.

Dương Quá cau mày, chưa đáp, thì Quách Tương cười, nói:

– Chỗ này chỉ toàn bùn lầy cỏ khô, chẳng có gì vui chơi. Vãn bối không thích ở đây. Lão tiền bối nếu không ngại một vùng đất rộng chơi đùa thỏa thích, thì hãy đến ở với gia đình vãn bối, ở mười năm cũng được, ở hai mươi năm cũng được, gia gia má má của vãn bối nhất định sẽ coi lão tiền bối như thượng khách, như thế chẳng tốt hơn sao?

Lão phụ sầm mặt lạnh, nói:

– Cha mẹ ngươi là cái thá gì mà mời được ta?

Quách Tương tính nết khoáng đạt đại lượng, người khác dù nói năng thất lễ, nàng cũng chỉ cười, rất ít khi tức giận. Câu nói vừa rồi của lão phụ rõ ràng đắc tội với Quách Tĩnh, Hoàng Dung, nếu là Quách Phù nghe thấy, chắc đã nổi phong ba, đằng này Quách Tương chỉ mỉm cười, nhìn Dương Quá và lè lưỡi.

Dương Quá thấy tiểu cô nương này hiền hòa dễ thân, không hề gây khó dễ gì cho chàng, thì gật đầu nhẹ với nàng, đoạn quay sang lão phụ, nói:

– Được tiền bối để mắt đến tiểu muội muội như thế, vốn là không còn gì bằng, nhưng tiểu muội muội chưa được phụ mẫu cho phép, tự mình lại chưa thể đưa ra chủ ý…

Lão phụ gằn giọng, hỏi:

– Phụ mẫu nó là ai? Ngươi là thế nào đối với nó hả?

Dương Quá hơi lưỡng lự, hai câu nói ấy quả là khó trả lời, thì Quách Tương đã nói:

– Gia gia má má của vãn bối là người thôn quê, có nói tên ra, tiền bối cũng chẳng biết là ai. Còn đây… đây là đại ca ca của vãn bối!

Nói rồi nàng nhìn Dương Quá.

Lúc này Dương Quá cũng đang nhìn nàng. Hai ánh mắt gặp nhau. Dương Quá mang mặt nạ, trông trơ trơ cứng nhắc, không thể hiện vẻ hỉ nộ, nhưng ánh mắt thì lộ rõ ý thân ái trìu mến. Quách Tương xúc động, bất giác nghĩ: Giá mình quả thật có một vị đại ca ca như Thần điêu hiệp, đại ca ca sẽ chiếu cố, giúp đỡ mình, đâu có như tỷ tỷ chỉ luôn miệng mắng mỏ, không được thế này, không được thế nọ. Nghĩ thế, sắc diện lộ rõ vẻ ôn nhu kính phục. Dương Quá nói:

– Vâng! Tiểu muội tử của tại hạ nhỏ tuổi chưa hiểu, tại hạ dẫn đi theo cho biết đây biết đó…

Quách Tương chỉ sợ Dương Quá lên tiếng phủ nhận, nghe chàng nói vậy thì cả mừng, lại thấy chàng nói tiếp:

– Muội tử thấy Cửu vĩ linh hồ thần dị như thế, biết tất là do một vị cao nhân tiền bối nuôi dưỡng, cho nên mới đi theo vãn bối cùng đến bái kiến. Được lọt vào mắt tiền bối, thực là hân hạnh.

Lão phụ cười khẩy, nói:

– Đừng có nịnh bợ vô ích. Các ngươi đánh đuổi rượt bắt con linh hồ của ta như thế mà gọi là tôn trọng tiền bối đấy hả? Hãy mau cút xéo đi cho ta, đừng bao giờ vác mặt đến đây nữa!

Nói xong vung song chưởng lên, một chưởng đẩy về phía Dương Quá, một chưởng đẩy về phía Quách Tương. Ba người cách nhau hơn một trượng, lão phụ lăng không xuất chưởng, vốn không thể đánh tới Dương, Quách hai người, nhưng Quách Tương cảm thấy có một luồn hàn phong ập đến. Dương Quá tay áo phẩy nhẹ, hóa giải ngay chưởng phong đánh đẩy về phía Quách Tương, còn chưởng phong đánh về phía chàng thì chàng chẳng buồn để ý.

Lão phụ vốn không định đả thương hai người, chỉ tính đuổi họ ra khỏi đầm Hắc Long, nên chỉ vận năm thành công lực vào chưởng, thấy hai người bình yên vô sự, thì bất giác vừa ngạc nhiên vừa tức giận, ngưng khí đan điền, tăng gấp đôi kình lực mà đẩy song chưởng ra, bất chấp sự sống chết của đối phương.

Quách Tương vừa cảm thấy chưởng phong ào đến, tức ngực khó thở, nhưng Dương Quá liền phất tay áo, hàn khí tiêu luôn, biết hai người lớn đang tỷ thí nội công, nhìn lão phụ hung hăng, trong khi Dương Quá trầm tĩnh nhàn nhã, rõ ràng chàng chiếm thượng phong.

Lão phụ vọt tới như tên bắn, chỉ nghe bình một cái, song chưởng đã giáng vào ngực Dương Quá. Lão phụ giáng đòn xong lập tức lùi ra, không để cho đối phương đánh trả, thoắt một cái đã ở xa hai trượng.

Quách Tương cả kinh, kéo tay Dương Quá, hỏi:

– Đại ca ca… có bị thương không?

Lão phụ gằn giọng nói:

– Ngươi đã trúng chưởng lực Hàn âm tiễn của ta, không sống nổi đến giờ này ngày mai; đấy là do ngươi tự chuốc lấy, đừng có trách người khác.

Mười lăm năm về trước, võ công của Dương Quá đã cao hơn hẳn lão phụ này, hiện thời chàng nội ngoại kiêm tu, đã đạt cảnh giới tấu nhập thần tòa, chưởng lực Hàn âm tiễn của lão phụ dù tàn ác mấy cũng đả thương chàng sao được? Chẳng qua chàng với lão phụ không thù không oán, lại đang cầu xin con vật yêu thích của lão phụ, nên đành tiếp nhận ba chưởng mà không hoàn thủ.

Lão phụ hơn hai chục năm nay khổ luyện chưởng lực Hàn âm tiễn, một chưởng đã có thể đánh vỡ cả chồng mười bảy viên gạch xanh, kình lực quả thật ghê gớm. Lão phụ thấy Dương Quá đã trúng song chưởng, chắc hẳn nội tạng đã vỡ nát, lại vẫn nhơn nhơn nói cười vô sự thì nghĩ: Tên tiểu tử sắp chết còn ngang ngạnh, nói:

– Hãy nhân lúc còn sống, mau mau đưa con nhóc kia về đi, kẻo chết mất xác trong đầm lầy của ta đấy.

Dương Quá ngẩng đầu, nói:

– Lão tiền bối ẩn cư chốn này, không biết võ học thế gian đa đoan, tu vi của mỗi người đều có sở trường.

Rồi chàng cười to một tràng đầy sảng khoái, rõ ràng trung khí sung mãn, nội lực thâm hậu.

Lão phụ nghe, biết đối phương không hề thụ thương, thì bất giác tái mặt, thân hình loạng choạng, mới biết rằng vừa rồi đối phương nhường cho ba chưởng, mình hoàn toàn không phải là đối thủ của chàng; bèn không đợi chàng cười dứt tiếng, giơ con linh hồ trong bọc lên, huýt gió một tiếng, con linh hồ thứ hai cũng từ trong đống cỏ chui ra, nhảy vào túi của lão phụ.

Lão phụ gằn giọng, nói:

– Tôn giá võ học kinh nhân, khiến người ta thán phục; nhưng muốn ỷ mạnh cướp đoạt con linh hồ của lão bà tử, thì chớ có hòng. Ngươi chỉ bước lên một bước, ta sẽ bóp chết con linh hồ, để ngươi đến tay không, ra về cũng tay không cho coi.

Dương Quá thấy bà lão nói quả quyết, biết tính lão bà ngang ngạnh, thà chết không khuất phục, thành thử chàng rất do dự, nếu chàng xuất thủ điểm huyệt lão bà rồi cướp con linh hồ mang đi, có thể cứu sống Sử Thúc Cương đấy, nhưng lại đả thương một bà lão vô tội hay sao?

Đúng lúc ấy, phía sau bỗng vọng lại tiếng niệm Phật hiệu A Di Đà Phật tiếp đến tiếng người nói:

– Lão tăng Nhất Đăng cầu kiến, những mong Anh Cô chấp nhận.

Quách Tương nhìn tứ phía không người, thầm lấy làm lạ, nghe tiếng nói hoàn toàn không vang to, rõ ràng phát ra rất gần, nhưng bốn phía quanh đây không hề có một chỗ ẩn thân, thì người nói ở đâu? Nàng từng nghe mẫu thân nói Nhất Đăng đại sư là một vị cao nhân tiền bối, từng cứu mạng mẫu thân, lại là sư phụ của Võ Tam Thông, phụ thân của huynh đệ họ Võ, chỉ có điều là nàng chưa từng gặp mặt, lúc này đột nhiên nghe hai tiếng Nhất Đăng thì cả mừng.

Dương Quá nghe tiếng nói của Nhất Đăng đại sư, cũng vô cùng hoan hỉ. Chàng biết Nhất Đăng đại sư vừa sử dụng phép Thiên lý truyền âm. Công phu này tuy gọi là Thiên lý truyền âm, dĩ nhiên không phải là nghìn dặm nghe thấy được, song nếu hoàn toàn không có chướng ngại vật lớn, như núi non ngăn cách, thì người công phu cao thâm có thể truyền âm đi xa vài dặm, hơn nữa, nội công càng thâm hậu, thì âm thanh nghe càng nhu hòa. Dương Quá nghe hai câu nói kia, đã rất khâm phục, tự nghĩ vị cao tăng kia nội công quá thâm hậu, chàng không thể sánh kịp, lại nghĩ: Lão phụ thì ra tên là Anh Cô. Không hiểu Nhất Đăng đại sư muốn gặp lão bà bà có việc gì? Có Nhất Đăng đại sư xuất hiện điều hòa, rất có thể sẽ có được Cửu vĩ linh hồ.

Lão phụ trên đầm Hắc Long đúng là Anh Cô. Năm xưa, khi Nhất Đăng đại sư còn làm vua nước Đại Lý thì Anh Cô là quí phi trong cung, Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông đã tư thông với Anh Cô, sinh hạ một đứa con trai; sau đó Cầu Thiên Nhẫn dùng Thiết chưởng công đả thương đứa bé, Đoàn Hoàng gia do ghen tức không cứu, đứa bé vì vậy bị chết, Đoàn Hoàng gia liền hối hận xuất gia, lấy pháp hiệu Nhất Đăng.

Anh Cô trên đỉnh Hoa Sơn giết Cầu Thiên Nhẫn không được, đuổi theo Chu Bá Thông cũng không xong, từ đó lang bạt giang hồ, cuối cùng định cư ở đầm Hắc Long này. Nhất Đăng đại sư tới đây đã bảy ngày bảy đêm, ngày nào cũng dùng phép Thiên lý truyền âm cầu kiến, nhưng Anh Cô nhớ mối hận mấy chục năm trước Nhất Đăng không cứu con bà, nên không muốn gặp đại sư.

Dương Quá thấy Anh Cô lùi vài bước, ngồi xuống một đống cỏ khô, mục quang lộ rõ thần sắc tàn ác.

Một lát sau, lại nghe Nhất Đăng nói:

– Lão tăng Nhất Đăng từ ngàn dặm lặn lội tới đây, những mong Anh Cô cho được gặp một lần.

Anh Cô cầm hai con linh hồ, chẳng lý gì đến. Dương Quá nghĩ: Nhất Đăng đại sư võ công cao hơn bà lão rất nhiều, muốn đến gặp, bà lão cản sao được, hà tất phải cầu xin khổ sở như vậy? Chỉ nghe Nhất Đăng đại sư lại nói một lần nữa, rồi hoàn toàn im lặng.

Quách Tương nói:

– Đại ca ca, Nhất Đăng đại sư là một nhân vật cao siêu, chúng ta đi gặp đại sư xem sao đi?

Dương Quá nói:

– Đúng, ta cũng đang định như thế.

Chàng thấy Anh Cô từ từ đứng dậy, mắt lộ hung quang, thần sắc rất khó coi, chàng bèn nắm tay Quách Tương, nói:

– Đi thôi!

Hai người cùng lướt đi trên mặt tuyết. Quách Tương được Dương Quá kéo đi mấy chục trượng, hỏi:

– Đại ca ca, Nhất Đăng đại sư ở chỗ nào thế? Muội nghe đại sư nói như ngay bên cạnh mình vậy.

Dương Quá hai lần thấy nàng gọi mình là Đại ca ca, bằng một giọng rất âu yếm, thân thiết, thì chột dạ nghĩ thầm: Quyết không để người khác sa vào tình chướng. Tiểu cô nương này nhỏ tuổi vô tri, ngây thơ hồn nhiên, phải kịp thời chia tay với nàng ta để khỏi sinh thị phi. Nhưng giữa đầm lầy thế này không thể dừng chân giây lát, càng không thể buông tay nàng ra. Quách Tương nói:

– Muội hỏi gì, đại ca ca không nghe thấy ư?

Dương Quá nói:

– Nhất Đăng đại sư ở phía đông bắc, cách chúng ta vài dặm, đại sư nói tưởng ở gần, thật ra ở xa, đấy là dùng phép Thiên lý truyền âm.

Quách Tương nói:

– Đại ca ca cũng biết phép đó chứ? Dạy cho muội với được chăng? Sau này hai chúng ta cách nhau ngàn dặm, muội dùng phép ấy nói chuyện với đại ca ca, chẳng thích lắm sao?

Dương Quá cười, nói:

– Gọi là Thiên lý truyền âm, kỳ thực chỉ nghe được trong vài dặm đã là công phu cao siêu lắm rồi. Muốn luyện được công lực như Nhất Đăng đại sư, người thông minh như cô nương cũng phải luyện đến lúc bạc phơ mái đầu đấy.

Quách Tương nghe chàng khen mình thông minh thì cao hứng nói:

– Muội thì thông minh nỗi gì? Chỉ mong bằng được một phần mười mẫu thân muội, cũng đã tâm mãn ý túc rồi.

Dương Quá chợt thấy nét mặt Quách Tương có vài phần hao hao Hoàng Dung, nghĩ: Bình sinh nhân vật sở kiến, bất luận nam nữ, nói về thông minh cơ biến, không một ai theo kịp Quách bá mẫu, không lẽ cô nương này lại là con gái của Quách bá mẫu? Thế gian làm gì có sự trùng hợp thế được. Nếu quả thực nàng ta là con gái Quách bá mẫu, Quách bá bá nhất định không để cho nàng đi loạn ra bên ngoài thế này, bèn hỏi:

– Lệnh đường là ai?

Quách Tương ban nãy trót nói phụ mẫu là đại anh hùng, lúc này không tiện bảo mình là con gái của Quách Tĩnh, Hoàng Dung, chỉ cười, nói:

– Mẫu thân của muội là mẫu thân của muội, có nói tên ra đại ca ca cũng chẳng biết. Đại ca ca, bản sự của đại ca ca so với Nhất Đăng đại sư, ai cao hơn?

Dương Quá hiện thời đã gần tuổi trung niên, lại từng trải bao đau khổ vì phải chia tay với Tiểu Long Nữ, tuy hào khí không giảm, nhưng tính nết huênh hoang thời trai trẻ đã loại trừ quá nửa, nói:

– Nhất Đăng đại sư vọng trọng võ lâm, mấy chục năm trước đây tề danh cùng Đào Hoa đảo chủ, là một trong năm đại cao nhân, tức Nam Đế, ta làm sao sánh được với Người?

Quách Tương nói:

– Nếu đại ca ca ra đời sớm vài chục năm, thì đương thời sẽ có sáu đại cao thủ. Đó là Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, Thần điêu hiệp. À còn có Quách đại hiệp và Quách phu nhân. Vị chi là tám đại cao thủ.

Dương Quá không nhịn được, hỏi:

– Cô nương đã gặp Quách đại hiệp và Quách phu nhân hay chưa?

Quách Tương nói:

– Muội tất nhiên đã gặp rồi. Hai người đó thích muội lắm. Đại ca ca cũng quen biết họ à? Chờ khi xong việc cho Vạn Thú sơn trang, muội sẽ cùng đại ca ca đi thăm họ được chứ?

Nỗi oán hận của Dương Quá đối với Quách Phù về chuyện chặt tay chàng, sau ngần ấy năm đã nguôi hẳn, nhưng Tiểu Long Nữ bị trúng chất độc, đến nỗi phải xa chàng mười sáu năm, việc đó không thể không làm cho chàng hết sức căm hận Quách Phù, bèn hờ hững nói:

– Sang năm có thể ta sẽ đi bái kiến phu phụ Quách đại hiệp, nhưng phải chờ sau khi ta gặp được thê tử của ta đã, bấy giờ vợ chồng ta sẽ cùng đi với nhau.

Vừa nhắc đến Tiểu Long Nữ, lòng chàng trở nên đại phấn chấn.

Quách Tương cũng cảm thấy lòng bàn tay chàng đột nhiên ấm lên, nàng hỏi:

– Phu nhân của đại ca ca nhất định phải đẹp lắm, võ công cũng cao phải không?

Dương Quá thở dài, nói:

– Trên thế gian không ai xinh đẹp như nàng, ồ, nói về võ công, thì hiện thời chắc cao hơn ta gấp bội.

Quách Tương cảm thấy vô cùng kính nể, nói:

– Đại ca ca, đại ca ca nhất định phải dẫn muội đi gặp phu nhân đấy, có được không đại ca ca?

Dương Quá cười, nói:

– Có gì mà không được? Nội nhân nhất định cũng sẽ thích cô nương, bấy giờ cô nương hãy gọi ta là đại ca ca.

Quách Tương sững lại, hỏi:

– Vì sao bây giờ không được gọi thế?

Nàng dừng lại một chút, bàn chân phải liền chìm xuống bùn. Dương Quá kéo nàng lướt đi hơn chục trượng, nhìn xa xa thấy có một người đứng trên tuyết, râu trắng rủ dài xuống ngực, thân khoác tăng bào màu xám, chính là Nhất Đăng đại sư, bèn cao giọng lên tiếng:

– Đệ tử Dương Quá khấu kiến đại sư.

Rồi hít một hơi, kéo Quách Tương lướt nhanh tới.

Chỗ Nhất Đăng đại sư đang đứng là bờ đầm, bên ngoài đám bùn lầy, nghe bốn chữ đệ tử Dương Quá, Nhất Đăng đại sư vui mừng, thấy chàng vái sát đất, vội đỡ lên, cười nói:

– Dương hiền điệt thần công có tiến cảnh thế này, thật đáng mừng.

Dương Quá đứng dậy, thấy phía sau lưng Nhất Đăng đại sư có một người nằm trên tuyết, sắc diện vàng vọt, hai mắt nhắm nghiền, trông như một tử thi, bất giác ngẩn ra, nhìn kỹ chính là Từ Ân, kinh ngạc hỏi:

– Từ Ân đại sư sao vậy?

Nhất Đăng đại sư thở dài, nói:

– Y bị thương bởi chưởng lực kẻ khác, lão nạp đã tận lực cứu chữa nhưng không cứu nổi. Dương Quá cúi xuống xem mạch cho Từ Ân, thấy mạch đập chậm và yếu, cách quãng lâu mới lại đập khẽ một cái, nếu Từ Ân không có nội công thâm hậu, thì đã chết từ lâu, chàng hỏi:

– Từ Ân đại sư võ công cao thế, không biết sao lại bị kẻ địch hạ độc thủ?

Nhất Đăng đại sư nói:

– Ta cùng Từ Ân ẩn cư tại Nam Hồ, gần đây nghe tin đại quân Mông Cổ đánh thành Tương Dương lâu năm không được, đem quân đi đường vòng tấn công nước Đại Lý, sau đó sẽ đánh vu hồi thành Tương Dương. Từ Ân thấy lão nạp thương nhớ cố quốc mới đi dò la tin tức, dọc đường gặp kẻ địch, đôi bên giao đấu một ngày một đêm, cuối cùng Từ Ân bị hắn đả thương.

Dương Quá liền nói:

– Ồ, thì ra lão tặc Kim Luân pháp vương lại tới Trung Nguyên!

Quách Tương lấy làm lạ, hói:

– Làm sao đại ca ca biết hắn là Kim Luân pháp vương, trong khi Nhất Đăng đại sư chưa nói?

Dương Quá nói:

– Nhất Đăng đại sư bảo Từ Ân đại sư đấu một ngày một đêm, tức là không phải bị kẻ khác dùng gian kế ám toán. Mà thời nay dùng chưởng lực đả thương được Từ Ân đại sư, chỉ có vài ba người thôi, trong số vài ba người ấy, chỉ duy nhất Kim Luân pháp vương là kẻ gian ác.

Quách Tương nói:

– Đại ca ca hãy tìm tên gian đồ ấy mà thanh toán đi, được chăng? Như thế sẽ tra thù được cho lão hòa thượng đây.

Từ Ân nằm ngang dưới tuyết, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở thoi thóp, lúc này đột nhiên mở mắt, nhìn Quách Tương lắc lắc đầu. Quách Tương hỏi:

– Tại sao? Đại sư không cần trả thù ư? Ồ, đại sư muốn nói là Kim Luân pháp vương rất lợi hại, sợ đại ca ca của điệt nhi không địch nổi hắn chứ gì?

Nhất Đăng đại sư nói:

– Tiểu cô nương hiểu nhầm rồi. Đệ tử của lão nạp bình sinh tạo nghiệt quá nhiều, mười mấy năm nay gắng sức chuộc tội, ác nghiệp đã tiêu đi quá nửa; nhưng có một việc y canh cánh mãi, lúc lâm chung không thể nhắm mắt. Việc đó hoàn toàn không phải y mong có người trả thù cho y, đánh chết kẻ thù; mà y chỉ mong được tha thứ, mới có thể an tâm tắt thở.

Quách Tương nói:

– Từ Ân đại sư muốn cầu xin lão thái bà trong đầm lầy phải không ạ? Lão bà bà tâm địa hẹp hòi lắm, ai mà đắc tội với bà ta, bà ta quyết không tha thứ cho đâu.

Nhất Đăng đại sư thở dài, nói:

– Đúng thế! Lão nạp đã cầu khẩn ở đây bảy ngày bảy đêm, lão bà bà cũng chưa chịu cho gặp mặt.

Dương Quá chột dạ, bỗng nhớ đến chuyện lão bà bà kể rằng có đứa bé bị thương không được cứu chữa, nói:

– Có phải là do chuyện đứa bé bị thương không được cứu chữa hay không?

Nhất Đăng đại sư hơi giật mình, gật đầu, nói:

– Thì ra Dương hiền điệt cũng đã biết rồi.

Dương Quá nói:

– Đệ tử không rõ nguyên do chuyện đó. Chỉ mới nghe lão tiền bối trong đầm nhắc đến bằng đôi ba câu.

Rồi chàng thuật lại vắn tắt việc truy đuổi Cửu vĩ linh hồ và việc gặp lão bà bà trong kia.

Nhất Đăng đại sư nhỏ nhẹ nói:

– Tên bà ấy là Anh Cô, trước kia từng là thê tử của lão nạp, Anh Cô tính khí mười phần cương cường. Ôi, kéo dài thế này, chỉ e Từ Ân không chịu nổi nữa.

Quách Tương trong lòng lập tức nảy ra nhiều nghi vấn, nhưng nhất thời cũng không dám hỏi.

Dương Quá khảng khái nói:

– Làm người ai chẳng có lầm lỗi, đã biết hối lỗi, thì nên bỏ qua chuyện cũ. Anh Cô lão bà không được độ lượng cho lắm.

Chàng thấy Từ Ân sắp chết, bất giác nổi lòng hiệp nghĩa, nói:

– Đại sư, đệ tử sẽ có cách buộc Anh Cô lão bà phải tới đây nói cho ra lẽ.

Nhất Đăng đại sư trầm ngâm một lát, nghĩ: Mình và Từ Ân đến đây cầu xin Anh Cô tha thứ, tất nhiên không được dùng vũ lực. Khẩn khoản nhiều ngày nay, Anh Cô trước sau vẫn không chịu diện kiến. Dương Quá nếu có cách gì cứ thử, nếu không được cũng chẳng sao, bèn nói:

– Nếu hiền điệt có thể khuyên Anh Cô ra gặp thì không còn gì bằng, nhưng nhất thiết đừng làm mất hòa khí, kẻo chỉ tăng thêm tội nghiệt của chúng ta mà thôi.

Dương Quá gật đầu đáp ứng, lấy ra một cái khăn tay, xé thành bốn mảnh, hai mảnh nhét vào lỗ tai Từ Ân, hai mảnh đưa cho Quách Tương, Quách Tương hiểu ý, đút nút tai lại. Dương Quá nói với Nhất Đăng:

– Đệ tử múa rìu qua mắt thợ, xin đại sư đừng chê cười.

Nhất Đăng chắp tay, nói:

– Hiền điệt diệu ngộ thần công, hiếm có trên đời, lão nạp chính cần lĩnh giáo.

Dương Quá nói vài lời khiêm nhường, rồi ngưng khí đan điền, tay trái chống nạnh, ngửa cổ mà hú.

Tiếng hú thoạt tiên nghe thanh và rõ, càng lúc càng vang động, như tiếng sấm ì ầm xa xa, rồi đột nhiên đoành đoành như tiếng sấm sét giữa trời, Quách Tương tuy hai tai đã đút nút, vẫn bị tiếng hú làm chấn động tâm trí, tái cả mặt. Nàng cả sợ, chỉ mong Dương Quá sớm ngừng hú, song tiếng sấm sét vẫn nổi lên từng chập không dứt, lại kèm theo tiếng cuồng phong ào ào. Quách Tương kêu lên:

– Đừng hú nữa, muội chịu hết nổi rồi!

Nhưng tiếng kêu của nàng bị át hẳn bởi tiếng hú của Dương Quá, chính nàng cũng chẳng nghe thấy chút gì, chỉ cảm thấy hồn phi phách tán, tựa hồ xương cốt toàn thân đều bị tiếng hú chấn động.

Lúc ấy Nhất Đăng bèn giơ tay nắm lấy bàn tay nàng. Quách Tương định thần, cảm thấy có một luồng khí ấm từ bàn tay Nhất Đăng truyền sang, biết đại sư dùng nội lực giúp nàng trấn tĩnh, thế là nàng nhắm mắt cúi đầu, ngầm tự vận công, tiếng bên tai tuy vẫn ầm ầm như thiên binh vạn mã chạy qua, nhưng đã không khiến người ta kinh hoàng như cũ.

Dương Quá hú rất dài, bằng thời gian ăn xong một bữa cơm, mà âm thanh vẫn chưa có vẻ yếu đi, thậm chí còn mạnh hơn. Nhất Đăng nghe cũng thầm thán phục, tuy thấy tiếng hú quá ư bá đạo, không phải là chính khí thuần dương, nhưng nghĩ thời mình khỏe mạnh nhất cũng không có được nội lực sung mãn thế này, bây giờ tuổi già lực suy, càng thua kém xa; nghĩ bụng Dương Quá nội lực cương mãnh, thật không một cao thủ đương thời nào sánh kịp, không biết chàng đã luyện bằng cách nào. Việc Dương Quá cùng Thần điêu luyện công trong sóng biển, Nhất Đăng hoàn toàn không biết.

Sau thời gian bằng cháy hết nửa nén nhang nữa, có một bóng đen từ đầm Hắc Long lướt tới. Dương Quá phất tay áo, ngừng hú. Quách Tương thở ra một hơi dài, cảm thấy nôn nao chóng mặt. Chỉ nghe bóng đen kia nói bằng giọng the thé:

– Đoàn Hoàng gia, vương gia giở thói bá đạo, bức ta diện kiến, rốt cuộc là để làm gì?

Nhất Đăng nói:

– Đấy là vị Dương hiền điệt hú to mời người.

Trong lúc nói, bóng đen đã tới trước mặt, chính là Anh Cô. Lão bà bà nghe Nhất Đăng nói vậy thì kinh nghi bất định, nghĩ: Thế gian trừ Đoàn Hoàng gia, vẫn có người nội lực cao thâm đến mức đó kia ư? Người này tuy mặt mũi khó coi, nhưng râu tóc vẫn đen, cùng lắm chỉ ngoài ba mươi tuổi, làm sao có được công lực nhường ấy? Ban đầu hắn nhận ba chưởng của ta mà không hề hấn, đã đáng kinh ngạc, tiếng hú vừa rồi thật là ghê gớm. Tiếng hú của Dương Quá khiến lão bà bà tâm thần bất định, biết nếu không ra gặp, tất sẽ bị đối phương làm cho thần trí hỗn loạn, bị nội thương trầm trọng, bị đối phương khống chế, không thể không ra, thần sắc mười phần miễn cưỡng.

Anh Cô định thần, lạnh lùng nói với Dương Quá:

– Cửu vĩ linh hồ ta sẽ cho ngươi, lão bà tử coi như phục ngươi, hãy mau xéo đi cho ta.

Nói đoạn cầm gáy con linh hồ định ném về phía Dương Quá. Dương Quá nói:

– Khoan đã, Cửu vĩ linh hồ là chuyện nhỏ, Nhất Đăng đại sư có việc cầu kiến, xin lão bà hãy nghe đại sư nói.

Anh Cô lạnh lùng nhìn Nhất Đăng, nói:

– Nào thử nghe Đoàn Hoàng gia hạ chỉ!

Nhất Đăng nói:

– Chuyện xưa đã qua như một giấc mộng, còn xưng hô lối cũ làm chi? Anh Cô, lão bà có nhận ra hắn hay không?

Rồi đưa tay chỉ Từ Ân nằm dưới tuyết. Hiện thời Từ Ân đã dùng trang phục của hòa thượng, khác hẳn lần gặp hơn ba mươi năm trước trên đỉnh Hoa Sơn, diện mạo cũng khác hẳn. Anh Cô nhìn Từ Ân, nói:

– Ta không thể nhận ra hắn là ai.

Nhất Đăng đại sư nói:

– Người nặng tay đả thương hài nhi của lão bà là ai?

Anh Cô toàn thân run rẩy, sắc mặt từ trắng chuyển sang đỏ, rồi lại từ đỏ chuyển sang trắng, nói:

– Tên ác tặc Cầu Thiên Nhẫn ấy, dẫu xương thịt thành tro, ta cũng nhận ra hắn.

Nhất Đăng đại sư thở dài, nói:

– Chuyện mấy chục năm trước, lão bà vẫn không quên nỗi oán độc. Người này chính là Cầu Thiên Nhẫn Lão bà ngay đến diện mạo của hắn còn không nhận ra, vậy mà cứ nhớ mối hận ngày xưa.

Anh Cô kêu to một tiếng, sấn tới, mười ngón tay như chùm móc câu định chụp xuống ngực Từ Ân, nhìn qua diện mạo y, thấy quả nhiên hao hao Cầu Thiên Nhẫn, nhưng nhìn kỹ thì hình như không phải, thấy người kia hai má hõm sâu, nằm bất động dưới đất, tựa hồ quá nửa đã chết, liền quát:

– Mi có đúng là Cầu Thiên Nhẫn hay không? Mi đến gặp lão bà nương làm gì?

Nhất Đăng đại sư nói:

– Hắn chính là Cầu Thiên Nhẫn. Hắn tự biết tội nghiệt quá nặng, đã qui y cửa Phật, làm đệ tử của ta, pháp danh là Từ Ân.

Anh Cô hừ một tiếng, nói:

– Cứ gây tội nghiệt, rồi xuất gia thì sẽ hóa giải, chẳng trách thiên hạ sao mà lắm đạo sĩ với hòa thượng đến thế!

Nhất Đăng nói:

– Tội nghiệt rốt cuộc vẫn là tội nghiệt, há có thể xuất gia là hóa giải xong? Từ Ân thân bị trọng thương, mạng hết trong sớm tối, nghĩ năm xưa đả thương hài nhi của lão bà, lòng không yên, chết khó nhắm mắt, nên cố sống, lặn lội ngàn dặm đến đây, cầu xin lão bà tha tội.

Anh Cô trừng trừng nhìn Từ Ân hồi lâu không chớp mắt, vẻ mặt đầy oán hận, tưởng chừng nỗi thống khổ bất hạnh cả đời đều hiển lộ lúc này.

Quách Tương thấy thần sắc Anh Cô đáng sợ như vậy, lại thấy lão bà bà giơ hai tay sắp đánh xuống, nàng tuy sợ, song không nhịn được, vẫn nói:

– Khoan đã! Từ Ân hòa thượng đã bị thương như vậy, lão bà bà còn đánh nữa, thì đạo lí ở đâu?

Anh Cô cười khẩy, nói:

– Hắn giết hài nhi của ta, ta đau khổ mấy chục năm, hôm nay mới được chính tay mình lấy mạng hắn, coi như đã quá muộn. Ngươi còn hỏi đạo lí cái gì?

Quách Tương nói:

– Từ Ân hòa thượng đã hối ngộ, chuyện cũ hà tất khơi lại làm chi?

Anh Cô ngửa mặt cười to, nói:

– Nhãi con, ngươi nói nghe mới dễ làm sao! Giả dụ hắn giết hài nhi của ngươi, thì ngươi sẽ thế nào đây?

Quách Tương ấp úng:

– Vãn bối… vãn bối… vãn bối làm gì có hài nhi?

Anh Cô nói:

– Hừ, giả dụ hắn giết chồng hay tình nhân của ngươi, thì ngươi sẽ thế nào đây?

Quách Tương đỏ mặt, nói:

– Lão bà bà hồ thuyết bát đạo, vãn bối làm gì có chồng hay tình nhân?

Anh Cô càng tức giận thêm, không muốn dây dưa với tiểu cô nương, chăm chú nhìn Từ Ân, song chưởng lại định đánh xuống, bỗng thấy Từ Ân thở dài một cái, khóe miệng cười cười, nói nhỏ:

– Đa tạ Anh Cô thành toàn!

Anh Cô sững lại, không đánh xuống, quát:

– Thành toàn cái gì?

Lão bà bà chợt hiểu ra tâm ý của Từ Ân, nguyên Từ Ân tự biết mình sắp chết, chỉ mong Anh Cô giáng cho một chưởng chết luôn, trả lại một chưởng năm xưa của y, kết liễu sự oan nghiệt. Anh Cô cười lạnh vài tiếng, nói:

– Đâu có tiện lợi cho ngươi như thế! Ta sẽ không giết ngươi, song cũng không tha cho ngươi!

Ba câu ấy được nói bằng một giọng thâm hiểm, khiến người nghe bất giác sởn gai ốc.

Dương Quá biết Nhất Đăng đại sư quyết không cưỡng ép Anh Cô, còn Quách Tương là một tiểu hài nhi, có nói gì cũng không được Anh Cô coi trọng, nếu chàng không can thiệp, việc này khó bề chấm dứt, bèn nói:

– Anh Cô tiền bối, chuyện ân oán giữa các vị, vãn bối cũng không rõ. Nhưng tiền bối nói năng hành sự có phần cạn tàu ráo máng, vãn bối bất tài, song cũng phải xen vào vậy.

Anh Cô ngảnh lại, lão bà đã đánh chàng ba chưởng, lại nghe tiếng hú của chàng, biết chàng võ công cao siêu, mình không thể đối địch, bây giờ chàng lại đứng ra ép buộc, nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy bi thương, liền ngồi phệt xuống đất mà khóc òa lên.

Không riêng Dương Quá và Quách Tương, ngay cả Nhất Đăng đại sư cũng bị bất ngờ, chỉ nghe Anh Cô vừa khóc vừa nói:

– Các người muốn gặp ta, cầu xin không được, liền xuất thủ bắt ép ta. Trong khi có người không chịu gặp ta, thì các người chẳng thèm đếm xỉa.

Quách Tương vội nói:

– Lão tiền bối, là ai không chịu gặp? Chúng tôi sẽ giúp lão tiền bối buộc hắn phải đến gặp.

Anh Cô nói:

– Các người chỉ giỏi khi vũ hạng nữ lưu như ta, chứ gặp nhân vật thật sự lợi hại, liệu có dám động đến hắn hay không?

Quách Tương nói:

– Tiểu nhân dĩ nhiên vô dụng, nhưng có Nhất Đăng đại sư và đại ca ca của tiểu nhân đây, lão tiền bối còn sợ ai kia chứ?

Anh Cô ngẫm nghĩ, rồi đứng dậy, nói:

– Các người chỉ cần đi tìm y tới đây gặp ta, nói chuyện tử tế với ta một phen, thì muốn Cửu vĩ linh hồ cũng có, muốn ta tha tội cho Cầu Thiên Nhẫn cũng xong.

Quách Tương hỏi:

– Người tiền bối muốn gặp là ai mà khó như vậy?

Anh Cô chỉ Nhất Đăng nói nhỏ:

– Ngươi cứ hỏi người kia thì biết.

Quách Tương thấy mặt Anh Cô hơi đỏ lên, thì lấy làm lạ, nghĩ: Bà lão ngần ấy tuổi, sao còn xấu hổ? Nhất Đăng đại sư thấy Dương Quá và Quách Tương cùng nhìn mình, thong thả nói:

– Người lão bà muốn gặp là Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông Chu sư huynh.

Dương Quá mừng rỡ, nói:

– Lão Ngoan đồng à? Lão Ngoan đồng và đệ tử rất hợp nhau, đệ tử đi tìm Lão Ngoan đồng thì được thôi.

Anh Cô nói:

– Tên ta là Anh Cô, ngươi cần nói cho y rõ trước khi đến gặp ta, kẻo vừa nhìn thấy ta, y đã bỏ đi, không thể đuổi theo y được. Chỉ cần y chịu đến, các người bảo gì ta cũng làm theo.

Dương Quá thấy Nhất Đăng đại sư chậm rãi lắc đầu đoán là giữa Chu Bá Thông và Anh Cô tất có chuyện rắc rối nghiêm trọng, nên Chu Bá Thông mới nhất quyết không chịu gặp, nhưng chàng nghĩ Chu Bá Thông tính khí rất trẻ con, không chừng có thể dùng cách gì đó đánh lừa lão đến, bèn nói:

– Thế Lão Ngoan đồng ở đâu? Vãn bối sẽ tìm mọi cách mời lão đến bằng được.

Anh Cô nói:

– Từ đây đi về phía bắc hơn trăm dặm, có một sơn cốc, gọi là Bách Hoa cốc, y ẩn cư ở đó, lấy việc nuôi ong làm niềm vui.

Dương Quá nghe mấy chữ lấy việc nuôi ong làm niềm vui, thì lập tức nhớ đến Tiểu Long Nữ, Chu Bá Thông năm nào từng học Tiểu Long Nữ cách điều khiến bầy ong, bất giác mắt rưng rưng, nói:

– Được! Vãn bối đi ngay, các vị hãy chờ ở đây.

Rồi chàng hỏi Anh Cô về vị trí của Bách Hoa cốc, quay mình đi luôn. Quách Tương liền đi theo.

Dương Quá cúi đầu nói nhỏ: Nhất Đăng đại sư võ học tinh thâm, tính lại hiền từ, cô nương hãy ở lại đây, chỉ cần được đại sư chỉ điểm cho một chút, cũng đủ dùng cả đời không hết đâu.

Quách Tương nói:

– Không, muội muốn theo đại ca ca đi gặp Lão Ngoan đồng cơ.

Dương Quá cau mày, nói:

– Đây là cơ hội hiếm có, sao cô nương lại bỏ lỡ như vậy?

Quách Tương nói:

– Tìm được Lão Ngoan đồng rồi, đại ca ca phải đi, muội cũng phải về nhà, vậy hãy cho muội đi cùng đại ca ca một chút nữa!

Ngụ ý là thời gian ở bên chàng chẳng còn bao nhiêu, được thêm khắc nào hay khắc đó.

Dương Quá thấy Quách Tương lưu luyến với chàng như vậy, nghĩ: Giá mình có một tiểu muội muội như nàng bầu bạn lãng du giang hồ, thì cũng bớt phần tịch mịch, bèn mỉm cười, nói:

– Cô nương đã không ngủ cả đêm, chẳng lẽ không mệt hay sao?

Quách Tương nói:

– Mệt thì có hơi mệt, song muội vẫn muốn đi theo đại ca ca.

Dương Quá nói:

– Thôi được!

Đoạn cầm bàn tay nàng, thi triển khinh công mà chạy như bay.

Quách Tương được chàng kéo đi, thân hình tức thời nhẹ bẫng quá nửa, chân bước không hề tốn sức, cười nói:

– Nếu đại ca ca không kéo, muội cũng có thể chạy nhanh được như thế này mới tốt.

Dương Quá nói:

– Khinh công của cô nương đã có căn cơ, chịu khó luyện tiếp thì sẽ có ngày được như vậy.

Đột nhiên chàng ngẩng đầu, huýt sáo một tiếng.

Quách Tương giật mình, đưa tay trái bịt lỗ tai. Dương Quá không hú, chỉ thấy Thần điêu từ cây đại thụ bên phải bước ra. Dương Quá nói:

– Điêu huynh, chúng ta hãy cùng đi lên mạn bắc, có việc cần làm.

Thần điêu nghển cổ, kêu oắc oắc vài tiếng, cũng chẳng rõ nó có hiểu hay không, song nó đi sánh vai với Dương Quá và Quách Tương.

Đi được hơn một dặm, Thần điêu càng đi càng nhanh, Quách Tương tuy có Dương Quá dắt đi, song cũng dần dần đuổi không kịp. Thần điêu rùn mình thấp xuống, Dương Quá cười, nói:

– Điêu huynh tình nguyện cõng cô nương đấy, cô nương hãy cảm ơn đi!

Quách Tương không dám vô lễ với Thần điêu, trước hết thi lễ với nó, rồi mới cưỡi lên lưng chim.

Thần điêu sải bước, Quách Tương cảm thấy gió thổi ù ù bên tai, cây cối hai bên lùi nhanh về phía sau, tuy không nhanh như cưỡi chim điêu ở nhà bay chơi, nhưng cũng không khác gì phi ngựa. Dương Quá đi như lướt bên cạnh Thần điêu, vừa đi vừa chỉ trỏ sông núi, nghị luận phong cảnh, nói đùa vài câu. Quách Tương thích thú, cảm thấy bình sinh chưa bao giờ vui sướng bằng hôm nay, chỉ mong Thần điêu đi chậm lại một chút, chậm đến Bách Hoa cốc càng tốt.

Đến buổi chiều thì một chim điêu hai người đã đi hơn trăm dặm, Dương Quá theo lối Anh Cô chỉ, qua hai thung lũng, đột nhiên thấy trước mặt sáng lên, có một sơn cốc xanh tươi, đầy hoa nhiều màu, đỏ tím trắng vàng đủ cả, khắp nơi không có tuyết dày, mà chỉ là đất mềm, cứ như lạc vào một thế giới khác.

Quách Tương vỗ tay reo mừng:

– Lão Ngoan đồng thật biết cách tận hưởng, chọn một nơi kỳ diệu. Đại ca ca, sao phong cảnh ở đây đẹp thế?

Dương Quá nói:

– Nơi này sơn cốc hướng nam, núi cao ngăn gió bấc, chắc dưới lòng đất lại có khoáng sản như than, lưu huỳnh, địa khí rất ấm, cho nên mùa xuân đến sớm, trăm hoa đua nở.

Quách Tương nói:

– Điêu bá bá, xin đa tạ!

Nàng tụt khỏi lưng Thần điêu, đi bên cạnh Dương Quá. Hai người tiến vào sơn cốc, qua vài chỗ quành, thấy trước mặt hai bên là vách núi, có ba cây tùng cổ thụ cao chọc trời, như thể hai môn hộ thiên nhiên.

Nghe tiếng vo vo bất tuyệt, những con ong ngọc phong bay qua bay lại giữa cây lá.

Dương Quá biết Chu Bá Thông ở bên trong, bèn gọi to:

– Lão Ngoan đồng, tiểu huynh đệ Dương Quá dắt theo một tiểu bằng hữu, đến chơi đùa với đằng ấy đây.

Chàng và Chu Bá Thông kỳ thực chênh nhau xa về tuổi tác, gọi lão là tổ sư gia cũng chưa đủ, nhưng chàng biết Lão Ngoan đồng tuy rất già song vẫn ham chơi, càng không phân biệt tôn ti lão càng thích thú.

Quả nhiên tiếng gọi vừa dứt, từ phía sau mấy cây tùng đã có một người vút ra, Dương Quá thoạt nhìn giật mình, hơn mười năm trước, lần đầu chàng gặp Chu Bá Thông, lông mày và râu của lão đã bạc như cước; ai dè bây giờ diện mạo hầu như không thay đổi, nhưng tóc, râu, lông mày lại trở thành hoa râm, trông trẻ hẳn lại so với ngày trước. Chỉ nghe lão cười hô hô, nói:

– Dương huynh đệ, sao mãi hôm nay mới đến tìm ta? A ha, huynh đệ đeo mặt nạ để dọa ai thế?

Nói rồi giơ tay giật cái mặt nạ ra.

Một trảo này của Lão Ngoan đồng chộp từ mé trái, Dương Quá vai phải hơi co lại, đầu hơi chếch sang trái, khiến Chu Bá Thông chộp hụt. Năm ngón tay của lão sượt qua cổ Dương Quá, hơi sững lại, tự nhiên lão ngẩng mặt cười to, nói:

– Dương huynh đệ, hảo công phu, hảo công phu! Chỉ e đã hơn thời Lão Ngoan đồng còn trai trẻ.

Nguyên hai người một trảo một né, đã hiển lộ võ công cực cao. Một trảo của Chu Bá Thông, kình lực của các ngón tay đã bao trùm phạm vi một trượng, Dương Quá đừng nói nghiêng đầu né tránh, dù có tung mình nhảy vội, cũng không thể thoát đòn trảo ấy trừ phi đưa tay gạt đi mới có thể hóa giải. Nhưng Dương Quá vai phải hơi co lại, dùng Thiết tụ công đánh vào ngực Chu Bá Thông. Lão Ngoan đồng ngưng thần chống đỡ, kình lực bên trái lập tức yếu đi, Dương Quá chỉ hơi né đầu đã tránh được cường kình của đòn trảo kia.

Quách Tương không hiểu gì đạo lí bên trong, chỉ nghe Chu Bá Thông khen Dương Quá, trong bụng đắc ý, nói:

– Chu lão gia tử, công phu hiện thời của tiền bối cao hơn, hay thời trai trẻ cao hơn?

Lão Ngoan đồng nói:

– Thời trẻ tóc ta bạc, hiện thời tóc ta đen, dĩ nhiên hiện thời hơn ngày trước.

Quách Tương nói:

– Hiện thời tiền bối không thắng nổi đại ca ca tiểu nữ, trước kia lại càng không bằng.

Chu Bá Thông không hề giận, cười hi hi, nói:

– Tiểu cô nương hồ thuyết bát đạo!

Đột nhiên lão giơ hai tay chộp sau lưng nàng, nhấc bổng lên, xoay ba vòng, tung lên cao, rồi đỡ lấy và đặt nhẹ xuống đất.

Thần điêu cùng đến đây với Quách Tương, thấy Chu Bá Thông hí lộng nàng như vậy, thì tức giận, dang cánh quạt về phía Chu Bá Thông một cái. Chu Bá Thông nghĩ: Để xem tên súc sinh nhà ngươi có được bao nhiêu bản lĩnh? Song chưởng vận kình đánh trả. Bình một tiếng, song phương đụng nhau, Chu Bá Thông đứng bất động, cánh chim điêu sượt qua bên người lão. Thần điêu định truy kích, thì Dương Quá quát:

– Điêu huynh không được vô lễ! Đây là một vị cao nhân tiền bối!

Thần điêu cụp cánh đứng ngẩng đầu, thần sắc cao ngạo. Chu Bá Thông thầm phục, cười nói:

– Hảo súc sinh! Lực khí quả không nhỏ, hèn gì cứ vênh mặt lên.

Dương Quá nói:

– Vị điêu huynh này không biết đã mấy trăm tuổi, chắc già hơn Chu huynh nhiều đấy. Ồ, Lão Ngoan đồng, làm thế nào mà huynh cải lão hoàn đồng, tóc bạc như cước lại đen trở lại thế?

Chu Bá Thông cười, nói:

– Râu tóc đâu do người làm chủ, trước kia nó thích biến đen thành trắng thì ta để cho nó biến, bây giờ nó lại biến từ trắng thành đen, ta cũng chả có cách nào ngăn được.

Quách Tương nói:

– Rồi đây tiền bối sẽ biến thành trẻ con, ai gặp tiền bối cũng xoa đầu, gọi chú nhóc, chú nhóc, bấy giờ mới vui đấy.

Chu Bá Thông nghe vậy, đâm ra lo thật, cứ đứng ngẩn người, không nói gì. Kỳ thực trên thế gian làm gì có chuyện cải lão hoàn đồng, chẳng qua tính nết lão quá hồn nhiên, cả đời không lo nghĩ, nội công lại thâm hậu, ở trong núi nhất định nhiều chất đại bổ như hà thủ ô, phục linh, mật ong, nên râu tóc đổi màu. Ngay người không luyện nội công, vẫn có khi răng không rụng còn mọc lại, xương cốt càng già càng dẻo dai. Chu Bá Thông tuy không phải là đạo sĩ, nhưng hiểu rõ tinh yếu phép dưỡng sinh xung hư của Đạo gia, cho nên ngót trăm tuổi mà tinh thần vẫn trẻ trung, quá nửa có thể nói là nhờ thiên tính bẩm sinh.

Dương Quá thấy lão nghe Quách Tương nói mà lo chuyện trời ơi đất hỡi, thì không khỏi tức cười, nói:

– Chu huynh, chỉ cần huynh đi gặp một người, đệ bảo đảm huynh sẽ không bao giờ bị biến thành trẻ con.

Chu Bá Thông hỏi:

– Đi gặp ai?

Dương Quá nói:

– Đệ mà nói tên người ấy ra, huynh không được rũ áo bỏ đi đấy.

Chu Bá Thông chỉ trực tính, chứ chẳng ngốc nghếch chút nào, nếu không đã không luyện được võ công cao cường đến thế. Lão nghe câu trên của Dương Quá, đã lờ mờ đoán ra, bèn nói:

– Trên thế gian có hai người ta không gặp, một người là Đoàn Hoàng gia, người kia là quí phi Anh Cô của y. Trừ hai người ấy, ai ta gặp cũng được.

Dương Quá nghĩ: Xem ra chỉ có cách khích tướng, nói:

– Thì ra Chu huynh từng thua họ, võ công thấp hơn, nên không dám gặp họ.

Chu Bá Thông lắc đầu, nói:

– Không, không phải vậy. Lão Ngoan đồng hành sự thấp hèn hạ lưu, có lỗi với hai người đó nên không còn mặt mũi nào đi gặp họ.

Dương Quá ngẩn ra, không thể nào ngờ Chu Bá Thông không chịu gặp Anh Cô là vì thế, chàng nghĩ rất nhanh, nói:

– Chẳng lẽ hai người ấy sắp bị đại họa, chết đến nơi mà Chu huynh không chịu cứu giúp họ hay sao?

Chu Bá Thông sững lại, đối với Nhất Đăng và Anh Cô, lão mắc tội với họ từ lâu, nếu họ gặp nạn, lão sẵn sàng xả thân cứu giúp, không một khắc trù trừ, nhưng lão thấy Quách Tương cười vui, không có vẻ lo lắng gì hết nên lão cười, nói:

– Huynh đệ đánh lừa ta, Đoàn Hoàng gia võ công xuất thần nhập hóa, làm sao gặp đại họa? Nếu có đối thủ quá lợi hại, y không địch nổi, thì ta cũng chịu.

Dương Quá nói:

– Nói thật với huynh, Anh Cô nhớ huynh quá, nhất định cứ đòi gặp huynh cho bằng được.

Chu Bá Thông đột nhiên tái mặt, xua tay rối rít, gằn giọng nói:

– Dương huynh đệ, huynh đệ chỉ nhắc thêm một câu nữa thì hãy rời khỏi Bách Hoa cốc lập tức, đừng trách Lão Ngoan đồng ta trở mặt.

Dương Quá phẩy tay áo, nói:

– Chu lão huynh, huynh tưởng có thể đuổi đệ khỏi Bách Hoa cốc dễ dàng vậy sao?

Chu Bá Thông cười, nói:

– Hì hì, chẳng lẽ huynh đệ định động thủ với ta chăng?

Dương Quá nói:

– Đệ chính đang muốn lĩnh giáo! Nếu đệ thua, sẽ lập tức rời Bách Hoa cốc, vĩnh viễn không đến đây nữa. Nếu huynh thua, thì phải theo đệ đi gặp Anh Cô.

Chu Bá Thông nói:

– Không đúng, không đúng! Thứ nhất, ta làm sao lại thua một gã nhóc con như huynh đệ? Thứ hai, dù ta có thua, ta cũng sẽ không đi gặp Lưu quí phi.

Dương Quá tức giận nói:

– Huynh thắng, cố nhiên không đi gặp, nhưng nếu thua mà không chịu đi, thì chúng ta còn đánh cuộc làm quái gì?

Chu Bá Thông nói:

– Không gặp là không gặp, có gì để nói với nhau đâu kia chứ. Mau mau động thủ nào.

Dương Quá nghĩ nhẹ nhàng đánh lừa không được, thì phải cưỡng bức, tỷ võ thật sự cũng không chắc thắng, nhưng cứ đấu rồi tùy cơ định liệu.

Chu Bá Thông vốn say mê võ công, tuy ẩn cư ở Bách Hoa cốc, nhưng ngày ngày vẫn không ngừng luyện công; mặc dù công lực của lão như thế, khắp thiên hạ làm gì có đối thủ. Bây giờ thấy Dương Quá tình nguyện tỷ võ thì chân tay lão ngứa ngáy, cứ nhảy nhảy định đấu, chỉ lo nói thêm, đối phương lại không muốn động thủ nữa, sẽ mất cả dịp may. Lão liền giơ tả chưởng, quát:

– Tiếp quyền đi!

Tay phải lão đánh ra một quyền, theo bảy mươi hai lộ Không Minh quyền pháp.

Dương Quá tay trái đánh trả một chưởng, cảm thấy quyền lực của đối phương như có như không, chưởng lực của mình nếu đánh thật thì không đúng, nếu đánh nhứ cũng rất nguy hiểm, bất giác chột dạ, bèn sử dụng thứ chưởng pháp chàng khổ luyện mười mấy năm nay trong sóng biển. Chàng ào ào phách liền ba chưởng, chưởng lực tản ra, khiến hoa lá xung quanh rụng lả tả, vàng đỏ tím trắng, rớt xuống như mưa hoa, trông thật đẹp mắt; phách tiếp ba chưởng, tiếng rắc rắc vang liên tiếp, là các cành cây bị gãy.

Dương Quá thoạt tiên lo Chu Bá Thông tuổi cao lực suy, không chịu nổi chưởng lực cương mãnh của chàng, nên xuất chưởng vừa phát ra đã thu về, nhưng sau sáu chiêu, thì biết nội lực của đối phương vững vàng, quyền pháp xảo diệu hơn hẳn chàng, chỉ cần sơ suất một chút, sẽ lập tức bị bại, chàng mới vận sức xuất chiêu, không e ngại nữa.

Chu Bá Thông cao hứng nói:

– Hảo công phu, hảo chưởng pháp! Đánh thế này mới sướng!

Vòng quyền chưởng của hai người càng lúc càng rộng, Quách Tương cứ lùi ra xa từng bước, từng bước.

Đấu một hồi lâu, Lão Ngoan đồng đã sử hết bảy mươi hai lộ Không Minh quyền, lão tuy chiếm lợi thế về chiêu số, nhưng luận về kình lực thì lão không thể bằng uy thế hùng dũng như sóng thủy triều vô cùng vô tận mà Dương Quá đã luyện được.

Quách Tương đứng ngoài xem, thấy Dương Quá và Chu Bá Thông say sưa giao đấu giữa tơi bời hoa lá, nàng thừa biết hai người không ai có ý đả thương đối phương, nhưng cao thủ tỷ võ, hưng phấn đến mức này, chỉ cần lỡ tay một chút, sẽ lập tức nguy đến tính mạng, nên không khỏi lo cho Dương Quá, hai lòng bàn tay đều toát mồ hôi lạnh.

Chu Bá Thông thấy môn Không Minh quyền mình luyện mấy chục năm vẫn chẳng làm gì nổi Dương Quá thì nghĩ: Tên tiểu tử giỏi thật. Đột nhiên lão biến chiêu, tả quyền hữu chưởng, song thủ sử đồng thời hai công phu khác nhau, chính là thuật phân tâm nhị dụng do lão sáng tạo. Như thế chàng khác gì Lão Ngoan đồng một thân biến thành hai, từ hai bên giáp kích.

Dương Quá dùng một tay đối phó với hai tay, vốn đã núng thế, lúc này càng cảm thấy lúng túng. Năm xưa Tiểu Long Nữ được Chu Bá Thông dạy cho thuật phân tâm nhị dụng, hai tay cùng sử Ngọc nữ tố tâm kiếm pháp, nhờ vậy đánh bại Kim Luân pháp vương, sau đó Dương, Long hai người gặp nhau, Dương Quá đã mất một cánh tay, Tiểu Long Nữ sợ chàng đau khổ, chỉ nhắc qua, không nói kỹ về thuật phân tâm nhị dụng. Bây giờ Chu Bá Thông sử dụng mỗi tay một chiêu số, Dương Quá thầm kinh hãi, đành tăng kình lực ra tay trái, ống tay áo phải cũng tiếp đỡ một phần thế công của đối phương.

Quách Tương tuy không thể lĩnh hội những chỗ tinh vi ảo diệu trong chiêu số của hai người, nhưng từ chỗ đôi bên ngang ngửa, Dương Quá chuyển dần sang thế thua, thì nàng nhận ra. Nàng càng nhìn càng sợ, chợt nhớ phụ thân khi dạy võ công cho nàng, hai tay từng sử dụng đồng thời hai môn võ công để chiết chiêu với nàng và với Quách Phá Lỗ, xem ra Chu Bá Thông lúc này chính đang sử dụng môn công phu của phụ thân nàng. Nàng không biết rằng môn ấy phụ thân nàng có được là nhờ Chu Bá Thông truyền thụ, cứ tưởng Chu Bá Thông học lén của phụ thân, bèn kêu lên:

– Lão Ngoan đồng dừng tay, không công bằng, không công bằng! Đừng đấu với lão ta nữa!

Chu Bá Thông ngẩn người, nhảy ra hai bước, quát:

– Cái gì không công bằng?

Quách Tương nói:

– Quái chiêu của tiền bối là do học lén của phụ thân tiểu nữ, đem ra đấu với đại ca ca tiểu nữ, không biết xấu hổ hay sao?

Chu Bá Thông nghe nàng cứ một điều gọi Dương Quá là đại ca ca, hai điều đại ca ca, nghĩ nàng quả thật là muội tử của Dương Quá, nhất thời chưa nghĩ ra phụ thân nàng là ai, nên cười, nói:

– Tiểu cô nương lại nói bậy, công phu này do ta tự nghĩ ra trong sơn động, sao lại bảo ta học lén của gia gia cô nương?

Quách Tương nói:

– Được cứ coi như tiền bối không học lén, nhưng tiền bối có hai tay, đại ca ca tiểu nữ chỉ có một cánh tay, đánh nhau lâu sao được? Nếu đại ca ca tiểu nữ cũng có hai cánh tay như tiền bối, thì tiền bối đã thua từ lâu rồi!

Chu Bá Thông ngẩn ra, nói:

– Nói thế cũng có lý, nhưng dẫu hắn có hai cánh tay, hắn cũng không thể cùng lúc sử dụng hai loại chiêu số khác nhau!

Nói rồi cười ha hả rất đắc chí.

Quách Tương nói:

– Tiền bối thừa biết cánh tay bị mất của đại ca ca tiểu nữ không thể mọc lại, nên mới huênh hoang như vậy. Nếu tiền bối đúng là anh hùng hảo hán, thì khi tỷ võ quá chiêu, không được chiếm lợi thế, đôi bên giao đấu phải công bằng, mới định rõ ai mạnh ai yếu.

Chu Bá Thông nói:

– Được, cả hai tay ta cùng sử một môn quyền chiêu thì xong.

Quách Tương bĩu môi, nói:

– Nói thế mà không biết ngượng, còn gì là công bằng kia chứ!

Chu Bá Thông nói:

– Chẳng lẽ ta phải học hắn, cũng đi nhờ nữ nhân chém đứt một cánh tay hay sao?

Quách Tương sững lại, nhìn Dương Quá một cái, nghĩ: Thì ra chàng bị mất một cánh tay là do bị nữ nhân chém, không hiểu nữ nhân nào mà độc ác như vậy?

Liền nói:

– Thế cũng vô dụng. Tiền bối chỉ cần giắt một cánh tay vào thắt lưng, đôi bên một tay đấu một tay, vậy mới công bằng.

Chu Bá Thông cảm thấy tỷ võ như vậy cũng rất thú vị, lại nghĩ một cánh tay sử dụng một môn võ công đã luyện thành thạo, vị tất thua kém hai cánh tay, liền giắt một cánh tay vào thắt lưng, nói với Dương Quá :

– Thế này mà huynh đệ thua thì đừng oán thán gì đấy!

Trong lúc Quách Tương và Chu Bá Thông nói với nhau, Dương Quá chỉ nghe, không xen vào. Từ sau khi chàng bị mất một cánh tay, tuy không thích nghe người khác nhắc đến hai chữ cánh tay, song vẫn tự phụ rằng tuy chỉ có một cánh tay, cũng quyết không thua bất cứ ai chân tay đầy đủ trong thiên hạ, giờ thấy Lão Ngoan đồng giắt một cánh tay vào thắt lưng, tỏ ý coi thường chàng, thì tức giận nói:

– Lão Ngoan đồng, huynh làm thế hóa ra khinh thường Dương Quá hay sao? Nếu một cánh tay đệ đánh không lại hai cánh tay của huynh, thì đệ sẽ tự… tự…

Chàng vốn định nói sẽ tự vẫn tại Bách Hoa cốc này, nhưng chợt nhớ Tiểu Long Nữ ước hẹn gặp chàng một ngày không xa, há có thể tùy tiện nói năng? Thế nên chàng dừng lại, không nói tiếp nữa.

Quách Tương rất hối hận, ban đầu nàng lấy tâm tình thiếu nữ lo lắng cho Dương Quá, bây giờ nghĩ chàng là một vị đại hiệp lừng lẫy tiếng tăm, ai lại đi giao đấu với một người tự giắt một cánh tay vào thắt lưng, nên vội nói:

– Đại ca ca, đều tại muội mà ra…

Nàng chạy tới bên cạnh Chu Bá Thông, kéo cánh tay giắt vào thắt lưng của lão ra, nói:

– Đại ca ca của tiểu nữ chỉ dùng một cánh tay, cũng thừa sức đấu với cả hai cánh tay của tiền bối, không tin tiền bối cứ thử xem.

Dương Quá không đợi Chu Bá Thông nói gì, thân hình hơi nghiêng đi, phách ra một chưởng, Chu Bá Thông tay trái đánh trả một quyền, tự thấy không nên chiếm lợi thế, cánh tay phải buông thõng, không xuất chiêu.

Chu Bá Thông tuy dùng một cánh tay ứng chiến, nhưng chiêu số thần diệu vô phương, Dương Quá đối phó không dễ chút nào. Thoáng chốc đã qua hơn hai mươi chiêu, Dương Quá nghĩ thầm, mình tuy có một cánh tay, nhưng đang còn trai trẻ, đã đấu hơn trăm chiêu với một lão nhân ngót trăm tuổi mà vẫn không thắng, thì công phu tu luyện mười mấy năm qua phỏng có đáng gì? Chàng cảm thấy khí dương cương trong kình lực mà Chu Bá Thông phát ra cứ mạnh dần, khác hẳn với khí âm nhu của Không Minh quyền, thì bỗng nhớ đến bộ Cửu âm chân kinh khắc trên vách đá trong tòa cổ mộ, lúc này chiêu số mà Chu Bá Thông đang sử chính là lộ Đại phục ma quyền pháp trong Cửu âm chân kinh. Chàng quát to:

– Đại phục ma quyền pháp có gì đáng kể! Lão huynh hãy dùng cả hai tay mà chống đỡ Ám nhiên tiêu hồn chưởng của đệ này!

Chu Bá Thông nghe chàng gọi đúng tên quyền pháp của mình, đã sững lại, lại nghe chàng nói cái gì Ám nhiên tiêu hồn chưởng, thì càng lấy làm lạ. Chu Bá Thông từ bé đã hiếu võ, có kiến văn cực kỳ quảng bác về các môn pháp võ công trong thiên hạ, nhưng cái tên Ám nhiên tiêu hồn chưởng thì lão chưa nghe lần nào. Chỉ thấy Dương Quá tay đưa ra sau lưng, đưa mắt nhìn ra xa, chân không ở thế vững chãi, hở ngực hở bụng, tư thế toàn thân đại kỵ đối với võ học. Chu Bá Thông tiến lên một bước, tay trái nhứ một chưởng thăm dò. Dương Quá làm như không để ý. Chu Bá Thông liền nói:

– Cẩn thận này!

Rồi tung quyền đánh tới bụng dưới của chàng.

Lão sợ đả thương đối phương, nên chỉ sử dụng ba thành kình lực, nào ngờ nắm đấm vừa chạm vào người Dương Quá, thì đột nhiên cơ bụng rung động, đồng thời ngực đối phương lõm vào, tiếp đó bật ra. Chu Bá Thông cả kinh, vội nhảy sang bên trái, nghĩ cao thủ nội gia lõm ngực bụng để tránh đòn là chuyện bình thường, nhưng dùng cơ ngực bụng đả thương đối phương thì lão chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe kể. Lòng hiếu kỳ trỗi dậy, lão quát:

– Huynh đệ có môn võ công gì vậy?

Dương Quá nói:

– Đấy là chiêu thứ mười ba trong Ám nhiên tiêu hồn chưởng, có tên là Tâm kinh nhục khiêu!

Chu Bá Thông lẩm bẩm:

– Chưa từng thấy qua, chưa từng nghe qua!

Dương Quá nói:

– Đó là mười bảy chiêu chưởng pháp do đệ tự nghĩ ra, lão huynh làm sao biết được.

Dương Quá sau khi chia tay với Tiểu Long Nữ ở Tuyệt Tình cốc, không lâu sau được Thần điêu dẫn ra bờ biển luyện công trong hải triều, mấy năm sau trừ nội công tuần tự nhi tiến, không còn gì để luyện thêm, trong lòng lúc nào cũng chỉ nhớ đến Tiểu Long Nữ, dần dần hình tiêu cốt lập, không còn gì hứng thú. Một hôm đứng lặng trên bờ biển rất lâu, tự dưng hoa chân múa tay, lúc này nội công đã tới mức hỏa hầu, mỗi khi xuất thủ đều có uy lực cực lớn, chỉ đánh nhẹ một chưởng đã làm nát bét một con vích lớn đang bò trên cát. Từ đó chàng ngẫm nghĩ, sáng tạo nên một bộ chưởng pháp hoàn chỉnh, gồm mười bảy chiêu, khi xuất thủ khác hẳn với võ công thông thường, sự lợi hại hoàn toàn dựa vào nội lực.

Chàng bình sinh được không ít danh gia võ học chỉ điểm, học được khẩu quyết nội công chính tông Huyền môn của phái Toàn Chân, học được Ngọc nữ tâm kinh cùng Tiểu Long Nữ, trong tòa cổ mộ được thấy Cửu âm chân kinh, Âu Dương Phong truyền cho Cáp mô công và nghịch chuyển kinh mạch; Hồng Thất Công và Hoàng Dung truyền thụ Đả cẩu bổng pháp, Hoàng Dược Sư truyền thụ Đàn chỉ thần công và Ngọc tiêu kiếm pháp, ngoài Nhất dương chỉ ra, các môn võ công của Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Trung Thần Thông chàng đều học qua, hiện tại dung hội quán thông, đã nghiễm nhiên thành gia. Chỉ vì có một cánh tay, không thủ thắng bằng cách biến hóa chiêu số, mà cố ý tương phản với đạo lý võ học. Chàng đặt tên cho bộ chưởng pháp ấy là Ám nhiên tiêu hồn chưởng, là lấy ý của câu Ám nhiên tiêu hồn giả, duy biệt nhi dĩ hĩ° (°黯然銷魂者,唯別而已矣 – Khuôn mặt u uất vô hồn, chỉ biệt ly mới khiến con người như thế. Giang Yêm, tự Văn Thông, văn học gia đời Tề Lương. Thơ ông hiếm bài hay, nhưng thể phú có thành tựu tương đối cao với gần 30 bài, Biệt phú là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông.)trong bài Biệt phú của Giang Yêm.

Từ khi luyện xong chưởng pháp đến giờ, mới gặp Chu Bá Thông là một đối thủ thật sự.

Chu Bá Thông nghe nói là môn võ công do chàng sáng tạo, thì càng cao hứng, nói:

– Càng cần phải biết, nhất định phải biết!

Lão vung quyền, vẫn chỉ dùng tay trái. Dương Quá ngẩng mặt lên trời, làm như không thấy, vù một chưởng vỗ ngang qua đầu mình, từ trên chéo xuống, chưởng lực hóa thành hình cánh cung, tán lạc tứ phía.

Chu Bá Thông biết chưởng lực kiểu này không thể né tránh, bèn giơ chưởng nghênh tiếp, bộp một cái song chưởng tương giao, thân hình lão chao đảo, chỉ vì lão khinh địch, không biết rằng võ công của mình tuy không yếu hơn đối phương, song chưởng lực của lão không thể hùng hậu bằng của Dương Quá.

Chu Bá Thông thở ra một luồng trọc khí, nói:

– Hay, chiêu này tên là gì?

Dương Quá nói:

– Là chiêu Khởi nhân ưu thiên! Cẩn thận này, tiếp theo sẽ là chiêu Vô trung sinh hữu!

Chu Bá Thông cười hi hi, nghĩ cái tên gọi Vô trung sinh hữu vừa cổ quái vừa lý thú, tên tiểu tử vẫn nghĩ ra được, bèn lại sấn tới. Dương Quá buông tay, hoàn toàn không có ý phòng thủ, đợi khi chiêu quyền của Chu Bá Thông còn cách da thịt mình chừng một tấc đột nhiên chân tay cùng động, tả chưởng, ống tay áo bên phải, hai chân, đầu cổ, ngay cả lưng ngực bụng cũng đều phát ra chiêu thức tấn công đối phương.

Chu Bá Thông tuy sớm đề phòng chàng có tuyệt chiêu, song không thể ngờ chàng lại dùng toàn thân công kích, trong chớp mắt đã có mười mấy chiêu đánh ra, gọi là một chiêu Vô trung sinh hữu, nhưng biến hóa thành mười mấy chiêu thức, ngay võ học tinh thâm như Chu Bá Thông mà cũng luống cuống chân tay. Lão vốn buông thõng cánh tay bên phải không dùng, lúc này đành phải giơ lên toàn lực chống đỡ, mới cản được lộ chưởng pháp này, nói về việc hoàn chiêu, là điều không thể làm được. Chống đỡ rồi, lão nhảy lùi hơn một trượng, đề phòng Dương Quá xuất chiêu quái quỉ gì tiếp đó.

Quách Tương kêu lên:

– Chu lão gia tử, tiền bối sử dụng cả hai tay chưa đủ! Tốt nhất là mọc thêm một cánh tay nữa.

Chu Bá Thông cũng không giận, cười nói:

– Con nhãi ranh, mi bảo ta luống cuống chân tay chứ gì?

Dương Quá thấy Lão Ngoan đồng hóa giải hết các chiêu thức tấn công bất ngờ của chàng một cách kỳ diệu, thì không khỏi thán phục, nói:

– Chiêu tiếp theo là Đà nê đới thủy!

Chu Bá Thông và Quách Tương cùng cười, kêu lên:

– Tên nghe kỳ quá!

Dương Quá nói:

– Tiếp theo còn kỳ hơn! Tiếp chiêu!

Đoạn ống tay áo phiêu động, y như nước chảy, bàn tay trái làm như đang vét lớp bùn nặng ngàn cân. Chu Bá Thông năm xưa từng nghe sư huynh Vương Trùng Dương nói rằng Hoàng Dược Sư sáng tạo một lộ Ngũ hành chưởng pháp, trong chưởng lực ám hợp ngũ hành, lúc này thấy Dương Quá tay áo bên phải là tượng Quý thủy ở phương bắc, tả quyền là tượng Mậu thổ ở trung tâm, vừa khinh linh, vừa trầm mãnh, thì lão không dám xem nhẹ, tay trái sử một chiêu trong Không Minh quyền tay phải sử một chiêu trong Đại phục ma quyền, dùng khinh linh đối phó với khinh linh, dùng trầm mãnh đối phó với trầm mãnh. Quyền chưởng đôi bên đụng nhau, hai người cùng hô lên, cùng lùi lại mấy bước.

Bốn chiêu vừa rồi, một già một trẻ đều thầm thán phục đối phương. Dương Quá nghĩ: Từ khi luyện thành Ám nhiên tiêu hồn chưởng, đến nay mới gặp cường địch nhất là Lão Ngoan đồng, muốn thắng lão quả không dễ. Muốn phân thắng bại thật sự, tất phải tỷ thí nội lực, khi đó không chết cũng sẽ trọng thương, giống như Hồng Thất Công với nghĩa phụ mình cùng bỏ mạng vậy, thì có khổ hay không? Chàng bèn dẹp ngay khí cuồng ngạo, vái dài sát đất, nói:

– Chu lão tiền bối, thán phục thán phục, vãn bối xin nhận thua.

Rồi chàng quay sang phía Quách Tương, nói:

– Tiểu muội tử, vậy là không mời được Chu lão tiền bối đi gặp, chúng ta về thôi.

Chu Bá Thông vội nói:

– Khoan đã, khoan đã nào! Huynh đệ bảo cái món Ám nhiên tiêu hồn chưởng này có những mười bảy chiêu, còn mười ba chiêu huynh đệ chưa thi triển, sao đã bỏ đi?

Dương Quá nói:

– Chúng ta không thù không oán, hà tất phải thí mạng? Chu huynh đối với đệ rất tử tế, đối với thê tử của đệ cũng rất tử tế, đệ luôn luôn cảm kích. Tiền bối võ công cao siêu, vãn bối xin nhận thua mà.

Chu Bá Thông xua tay lia lịa, nói:

– Không đúng, không đúng! Huynh đệ chưa thua, ta cũng chưa thắng. Huynh đệ muốn rời khỏi Bách Hoa cốc, trừ phi thi triển hết mười bảy chiêu chưởng pháp đã.

Lão nghe Dương Quá gọi tên bốn lộ chưởng pháp, nào Tâm kinh nhục khiêu, Khởi nhân ưu thiên, nào Đà nê đới thủy, Vô trung sinh hữu, tên gọi lý thú, chưởng pháp càng lạ, đến người thường còn muốn xem rốt cuộc là thế nào, huống hồ Chu Bá Thông một là hiếu võ, hai là hiếu kỳ, phải biết cho kỳ hết mới được.

Dương Quá nói:

– Buồn cười thật. Đệ đã không mời được lão huynh đi chẳng lẽ bị buộc phải ở lại hay sao?

Chu Bá Thông khẩn khoản:

– Hảo huynh đệ, mười ba chiêu chưởng pháp còn lại của huynh đệ, ta làm sao đoán ra được? Mong huynh đệ đại phát thiện tâm, làm một việc tốt là nói cho ta biết. Rồi huynh đệ muốn học công phu gì, ta cũng sẽ dạy cho.

Dương Quá chợt nảy một ý, nói:

– Lão huynh muốn học bộ chưởng pháp của đệ cũng hoàn toàn không khó. Mà đệ cũng không cần lão huynh dạy võ công; chỉ cần sau khi lão huynh học xong, phải theo đệ đi gặp Anh Cô một phen.

Chu Bá Thông mặt mày nhăn nhó, nói:

– Huynh đệ có cắt đầu ta, ta cũng quyết không đi gặp Anh Cô.

Dương Quá nói:

– Đã vậy thì vãn bối xin cáo từ.

Chu Bá Thông nhảy tới chắn đường, đánh ra một quyền, cười lấy lòng, nói:

– Hảo huynh đệ, thi triển thêm một chiêu nữa di!

Dương Quá đưa chưởng gạt đi, chàng sử dụng võ công phái Toàn Chân. Chu Bá Thông thay đổi quyền pháp, Dương Quá thủy chung chỉ chống đỡ bằng chưởng pháp phái Toàn Chân và võ công nói trong Cửu âm chân kinh.

Dương Quá muốn đánh bại Chu Bá Thông, vốn không phải chuyện dễ, nhưng nếu chỉ tự bảo vệ mình thì Lão Ngoan đồng cũng không làm gì nổi chàng.

Bất kể Chu Bá Thông cố ý để lộ sơ hở, cố ý tỏ ra non kém, chàng thủy chung cũng không mắc lừa. không thi triển thêm các chiêu thức khác của Ám nhiên tiêu hồn chưởng, ngoài bốn chiêu Tâm kinh nhục khiêu, Khởi nhân ưu thiên, Đà nê đới thủy, Vô trung sinh hữu, khiến cho Chu Bá Thông càng háo hức muốn biết. Hai người giao đấu ngót một canh giờ, Chu Bá Thông đã cao tuổi, khí huyết đã suy, nội lực dần dần không còn bằng lúc đầu, biết không thể dụ Dương Quá thi triển Ám nhiên tiêu hồn chưởng, bèn nhảy lùi lại nói:

– Thôi, thôi! Ta khấu đầu trước huynh đệ tám cái, bái huynh đệ làm sư phụ, huynh đệ chịu dạy cho ta đi. Dương sư phụ, đệ tử Chu Bá Thông xin khấu đầu!

Nói đoạn quì xuống đất.

Dương Quá buồn cười thầm, nghĩ bụng thế gian sao lại có người si mê võ công đến thế, vội bước tới đỡ dậy, nói:

– Tiểu đệ đâu dám! Để tiểu đệ nói cho lão huynh đệ biết mười ba chiêu còn lại của Ám nhiên tiêu hồn chưởng vậy.

Chu Bá Thông cả mừng, rối rít nói:

– Hảo huynh đệ! Hảo huynh đệ!

Quách Tương nói:

– Đại ca ca, Chu tiền bối không chịu đi theo chúng ta, thì đại ca ca đừng có dạy!

Dương Quá biết Lão Ngoan đồng là một tay si võ như kiểu người ta si tình, sau khi nghe tên gọi mười ba chiêu kia, lão sẽ càng không thể kháng cự, tất đòi chàng diễn võ, nên chàng mỉm cười, nói:

– Chỉ nghe tên gọi thì có gì đâu.

Chu Bá Thông vội nói:

– Phải rồi, chỉ nghe tên gọi thì có gì đâu, tiểu cô nương chớ có hẹp lượng.

Dương Quá ngồi xuống một tảng đá, nói:

– Chu huynh, mười ba chiêu còn lại của Ám nhiên tiêu hồn chưởng là: Bồi hồi không cốc, Lực bất tòng tâm, Hành thi tẩu nhục, Đảo hành nghịch thi…

Nói đến đây, Quách Tương đã cười ngặt cười nghẽo, Chu Bá Thông thì nghiêm trang lẩm bẩm ghi nhớ, nghe Dương Quá kể tiếp:

Phế tẩm vong thực, Cô hình chích ảnh, Ẩm hận thôn thanh, Lục thần bất an, Cùng đồ mạt lộ, Diện vô nhân sắc, Tường nhập phi phi, Ngai nhược mộc kê.

Quách Tương chợt cảm thấy buồn rầu, không cười được nữa.

Chàng nói tên mười ba chiêu ra rồi, Lão Ngoan đồng càng như si như cuồng, sau một hồi lâu, lão mới nói:

– Cái chiêu Diện vô nhân sắc làm thế nào để khắc địch chế thắng?

Dương Quá nói:

– Tuy là một chiêu, nhưng biến hóa đa đoan, hỉ nộ ai lạc, mọi sắc thái quái dị đều lộ trên mặt, kẻ địch nhìn thấy, lập tức hoảng loạn tâm thần, phải vui buồn theo ta, cuối cùng phải tuân lệnh ta. Đấy là phép vô thanh vô ảnh thắng địch, còn cao hơn một bậc so với phép dùng tiếng hú trấn nhiếp kẻ địch.

Chu Bá Thông mặt mày rạng rỡ, hỏi:

– Còn chiêu Đảo hành nghịch thi?

Dương Quá đột nhiên làm động tác trồng cây chuối, vỗ tay một cái, nói:

– Đây là một trong ba mươi bảy biến hóa của chiêu Đảo hành nghịch thi.

Chu Bá Thông gật đầu, nói:

– Nguyên lai nó bắt nguồn từ võ công của Tây Độc Âu Dương Phong.

Dương Quá trở lại tư thế bình thường, nói:

– Đúng vậy, có điều là môn chưởng pháp của đệ, trong nghịch có chính, chính phản tương xung, tự tương mâu thuẫn, không thể tự hoàn tất.

Chu Bá Thông nghĩ một hồi, chưa hiểu nghĩa là gì, gãi đầu, hỏi:

– Nghĩa là thế nào?

Dương Quá nói:

– Nghĩa lý cụ thể, không thể nói cho người khác biết.

Chu Bá Thông ồ một tiếng, không hỏi thêm, vì biết rằng có hỏi, Dương Quá cũng chẳng chịu nói rõ.

Quách Tương thấy Lão Ngoan đồng gãi đầu gãi gáy, vẻ mặt bối rối, thì bỗng thương thương lão, đến bên cạnh lão, hỏi nhỏ:

– Chu lão gia tử, rốt cuộc nhất định tiền bối không chịu đi gặp Anh Cô ư? Chúng ta sẽ cùng nghĩ cách cầu đại ca ca truyền thụ bộ chưởng pháp ấy cho tiền bối, được chứ?

Chu Bá Thông thở dài, nói:

– Đấy là chuyện hồ đồ thời trẻ của ta, nói ra thật xấu hổ.

Quách Tương nói:

– Sợ gì kia chứ? Tiền bối cứ nói ra, sẽ thấy dễ chịu hơn là cất giữ trong lòng. Vãn bối nói cho tiền bối hay, khi vãn bối làm gì sai, gia gia má má hỏi đến, vãn bối không hề giấu, họ mắng chửi cho một trận là xong. Còn nói dối quanh co, chối cãi dù được, nhưng sau đó trong lòng lại rất khổ sở. Như lần này vãn bối tự đi chơi, gia gia má má nhất định sẽ giận lắm, nhưng đằng nào cũng đi rồi, vãn bối sẽ không giấu họ.

Chu Bá Thông thấy nàng nhất mực hồn nhiên vô tà bèn nhìn nàng, nói:

– Được, để ta kể câu chuyện hồ đồ thời trẻ của ta cho cô nương nghe, nhưng không được cười ta đấy.

Quách Tương nói:

– Ai lại đi cười tiền bối?

Nàng kéo tay Lão Ngoan đồng, thân thiết dựa vào bên người lão, nói:

– Tiền bối cứ coi như đang kể chuyện cổ tích, hoặc chuyện của người.khác vậy. Lát nữa, vãn bối cũng sẽ kể một chuyện xấu vãn bối đã làm cho tiền bối nghe.

Chu Bá Thông nhìn khuôn mặt nhỏ anh tú của nàng, cười nói:

– Cô nương mà cũng làm việc xấu ư ?

Quách Tương nói:

– Dĩ nhiên, tiền bối cho rằng vãn bối không làm gì sai ư ?

Chu Bá Thông nói:

– Được vậy cô nương hãy kể trước một việc ta nghe coi.

Quách Tương nói:

– Đâu chỉ một việc, mười việc tám việc kể cũng được. Đây có một quân sĩ gác thành ban đêm ngủ quên, phụ thân vãn bối sai trói lại, bảo sẽ chém đầu làm gương cho kẻ khác. Vãn bối thấy y đáng thương, nửa đêm mới lén thả y ra, bảo y mau mau trốn đi. Phụ thân cả giận, sai gọi vãn bối tới, định đánh cho một trận. Một chuyện khác, có một nữ hài tử nhà nghèo nọ rất mê cái vòng đeo tay bằng ngọc của mẫu thân vãn bối, vãn bối liền lấy trộm của mẫu thân đem cho người kia. Mẫu thân vãn bối bị mất cái vòng, cứ đi tìm nháo lên, vãn bối buồn cười quá, nhưng không nói ra. Về sau nói ra, mẫu thân cho qua, nhưng tỷ tỷ của vãn bối lại đến nhà kia đòi lại cái vòng.

Chu Bá Thông thở dài, nói:

– Mấy chuyện cô nương kể, so với chuyện hồ đồ của ta, thì chẳng đáng gì.

Rồi lão kể lại chuyện năm xưa theo sư huynh Vương Trùng Dương sang nước Đại Lý, bái kiến Đoàn Hoàng gia, sau đó Lưu quí phi học võ nghệ của lão, rồi hai người cùng làm chuyện hồ đồ với nhau; Lưu quí phi si mê lão, tiếp đó lão tránh mặt; Đoàn Hoàng gia thì nổi giận, bỏ cả ngai vàng, xuất gia đi tu, nhất nhất kể hết cho Quách Tương và Dương Quá nghe.

Quách Tương ngẩn người nghe, thấy Lão Ngoan đồng rất ngượng ngùng, bèn hỏi:

– Đoàn Hoàng gia trừ Lưu quí phi, còn có bao nhiêu phi tần?

Chu Bá Thông nói:

– Đoàn Hoàng gia tuy không có ba ngàn phi tần như thiên tử Đại Tống, nhưng trong tam cung lục viện cũng có đến vài chục nàng hậu phi.

Quách Tương nói:

– Úi chao! Đoàn Hoàng gia có những mấy chục hậu phi, tiền bối thì một vị phu nhân cũng không có, lẽ ra Đoàn Hoàng gia phải nghĩ tình bằng hữu, đem Lưu quí phi tặng tiền bối mới đúng.

Dương Quá gật gật đầu, nghĩ: Tiểu cô nương này không câu nệ lễ giáo thế tục, nói rất hợp ý ta. Chu Bá Thông nói:

– Hồi ấy Đoàn Hoàng gia cũng có nói như vậy, nhưng Lưu quí phi là người y vô cùng tâm ái, vì chuyện ấy mà y chẳng thiết làm hoàng đế, bỏ đi tu, đủ thấy ta có lỗi với y đến mức nào.

Dương Quá đột nhiên nói xen vào:

– Nhất Đăng đại sư xuất gia đi tu là do đối xử không phải với Chu lão huynh, chứ không phải tại lão huynh có lỗi với đại sư, chẳng lẽ lão huynh không biết hay sao?

Chu Bá Thông lấy làm lạ, hỏi:

– Y có gì mà bảo là đối xử không phải với ta?

Dương Quá nói:

– Kẻ khác đả thương nhi tử của lão huynh, Nhất Đăng đại sư thấy chết mà không cứu.

Chu Bá Thông mấy chục năm nay thủy chung không biết Anh Cô từng có con với lão, nghe Dương Quá nói vậy thì lấy làm lạ, vội hỏi:

– Nhi tử nào của ta?

Dương Quá nói:

– Tiểu đệ cũng không rõ lắm, chỉ nghe Nhất Đăng đại sư và Anh Cô nói thế.

Rồi thuật lại lời Nhất Đăng đại sư nói ở bên đầm Hắc Long.

Chu Bá Thông đột nhiên nghe nói lão có một đứa con thì như sét đánh ngang tai, sững sờ không nói nên lời, trong lòng nửa bi thương, nửa hoan hỉ, nghĩ Anh Cô mấy chục năm trời một mình chịu khổ, thì lão càng cảm thấy có tội và thương Anh Cô.

Dương Quá thấy Lão Ngoan đồng như thế, nghĩ thầm: Vị tiền bối này cũng là người chung tình như ta, ta còn tiếc gì mười bảy chiêu Ám nhiên tiêu hồn chưởng? Bèn nói:

– Chu lão tiền bối, đệ sẽ diễn toàn bộ pho chưởng pháp cho lão huynh xem, chỗ nào chưa được, mong lão huynh chỉ điểm cho.

Rồi miệng nói tay múa, diễn liền mười bảy chiêu từ đầu đến cuối, riêng chiêu Diện vô nhân sắc, do chàng đang mang mặt nạ, nên chưa hiển thị, chàng chỉ nói cách biến hóa, Chu Bá Thông thông thuộc Cửu âm chân kinh, có thể lĩnh hội được ngay. Hai chiêu Hành thi tẩu nhụcCùng đường mạt lộ thì lão không ngộ nổi yếu chỉ của chúng.

Dương Quá giảng lại vài lần, Chu Bá Thông vẫn không hiểu. Dương Quá thở dài, nói:

– Chu lão tiền bối, mười lăm năm trước, nội tử và tiểu đệ chia tay, tiểu đệ tuơng tư sầu khổ, mới sáng tạo pho chưởng pháp này. Lão tiền bối vô lo vô nghĩ, tiêu dao khoái lạc, dĩ nhiên không sao lĩnh hội và thấm thía nỗi ưu tư ẩn chứa trong đó.

Chu Bá Thông nói:

– Ồ, phu nhân của huynh đệ sao lại chia tay với huynh đệ? Nàng ta vừa xinh đẹp, vừa tốt bụng, huynh đệ chung tình tương tư, làm sao có thể trách huynh đệ?

Dương Quá không muốn nhắc lại việc Tiểu Long Nữ bị Quách Phù phóng nhầm độc châm, chỉ kể sơ qua việc Tiểu Long Nữ trúng độc, được Nam Hải thần ni mang đi cứu chữa, mười sáu năm mới được tái hợp; chàng đêm ngày một dạ khổ tư, chỉ mong nàng bình an trở về, cuối cùng chàng nói:

– Vãn bối chỉ mong được gặp lại nàng, dù bắt vãn bối phải chịu ngàn vạn nhát dao đâm chém cũng cam lòng.

Quách Tương vốn không ngờ việc tương tư lại khổ sở đến như vậy, bất giác hai hàng lệ ứa ra, nàng nắm tay Dương Quá, dịu dàng nói:

– Cầu trời phù hộ cho đại ca ca cuối cùng được gặp lại đại tẩu!

Dương Quá từ ngày xa Tiểu Long Nữ đến giờ, hôm nay mới được nghe một lời an ủi chân tâm thành ý, trong lòng rất cảm kích, lời này hẳn cả đời chẳng quên, bèn thở dài, đứng dậy, vái Chu Bá Thông một cái, nói:

– Chu huynh, cáo từ!

Đoạn cùng Quách Tương sánh vai đi ra.

Quách Tương đi mấy bước, ngoảnh lại nói:

– Chu lão tiền bối, đại ca ca của tiểu nữ thương nhớ phu nhân của mình như thế nào, Anh Cô của tiền bối cũng thương nhớ tiền bối y như vậy. Tiền bối nỡ lòng nhất quyết không chịu đi gặp Anh Cô hay sao?

Chu Bá Thông giật mình, tái mặt. Dương Quá nói nhỏ:

– Tiểu muội tử, đừng nói nữa. Mỗi người một chí hướng, nhiều lời cũng vô ích.

Hai người một chim điêu, thong thả đi ngược trở lại con đường đã tới.

Quách Tương nói:

– Đại ca ca, nếu muội hỏi chuyện phu nhân, đại ca ca sẽ không đau lòng chứ?

Dương Quá nói:

– Không, vả lại chỉ vài tháng nữa, ta đã có thể gặp lại nàng.

Nói câu này, trong lòng náo nức vô cùng: Chỉ vài tháng nữa thôi, mình quả thật sẽ được gặp Long nhi ư? Quách Tương nói:

– Đại ca ca làm sao quen biết phu nhân?

Dương Quá liền đem chuyện hồi nhỏ mình cô khổ lênh đênh thế nào, tại cung Trùng Dương học nghệ, bị sư phụ cùng đồng môn khi vũ ra sao, làm cách nào chạy vào tòa cổ mộ, được Tiểu long Nữ thu dung, lâu ngày sinh tình, rồi trải qua bao nhiêu gian nan đau khổ mới kết thành phu phụ ra sao, kể lại cho Quách Tương nghe, tránh nhắc đến mấy cái tên Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Lý Mạc Sầu.

Quách Tương im lặng nghe, rất xúc động trước thâm tình của Dương Quá, cuối cùng nàng nói:

– Cầu trời phù hộ cho đại ca ca cuối cùng được gặp lại đại tẩu, không bao giờ phân li nữa.

Dương Quá nói:

– Đa tạ tiểu muội tử, ta vĩnh viễn ghi nhớ mối hảo tâm của muội. Sau này gặp thê tử, ta cũng sẽ nói cho nàng biết.

Nói đến đây, giọng chàng nghẹn ngào.

Quách Tương nói:

– Mỗi năm đến ngày sinh nhật của muội, mẫu thân và muội đều thắp nhang khấn trời, mẫu thân bảo muội khấn thầm ba điều tâm nguyện, muội lắm khi nghĩ chán chẳng ra. Ngày sinh nhật năm nay, muội đã nghĩ ra rồi, sẽ mong đại ca ca sớm được đoàn tụ với phu nhân.

Dương Quá nói:

– Thế còn hai điều tâm nguyện ka?

Quách Tương mỉm cười, nói:

– Muội không thể nói cho đại ca ca biết được.

Đúng lúc ấy, bỗng có tiếng gọi to:

– Dương huynh đệ, đợi ta với!

Chính là giọng của Chu Bá Thông. Dương Quá cả mừng, quay lại, thấy Chu Bá Thông chạy như bay, gọi:

– Dương huynh đệ, ta nghĩ lại rồi, huynh đệ hãy mau đưa ta đi gặp Anh Cô.

Quách Tương vui mừng nói:

– Có thế chứ, lão tiền bối không biết người ta chờ mong tiền bối khổ sở thế nào đâu.

Chu Bá Thông nói:

– Sau khi hai ngươi đi rồi, ta nghĩ lại lời của Dương huynh đệ, càng nghĩ càng đau lòng. Nếu không đi gặp Anh Cô, chắc từ nay sẽ không thể ngủ yên. Ta phải đích thân hỏi Anh Cô cho rõ mọi chuyện mới được.

Dương Quá và Quách Tương thấy Lão Ngoan đồng thật lòng chịu đi, thì cả mừng.

Cứ như tính cách của Chu Bá Thông, thì phải đi gặp Anh Cô ngay lập tức, nhưng trời đã tối, Quách Tương cũng đã mệt mỏi, thế nên ba người một điêu ngồi tựa gốc cây mà ngủ. Sớm hôm sau họ đi, chưa quá giờ Tị, đã đến bên đầm Hắc Long. Anh Cô và Nhất Đăng đại sư thấy Dương Quá quả nhiên mời được Chu Bá Thông đến thì cả mừng. Anh Cô trống ngực đập dồn, xúc động không nói nên lời.

Chu Bá Thông tới trước mặt Anh Cô, nói to:

– Anh Cô, hài nhi của hai ta lúc sinh ra, trên đỉnh đầu có một cái xoáy hay là hai cái?

Anh Cô ngẩn người, không ngờ hai người xa nhau từ thời trẻ, khi về già mới gặp nhau, đầu tiên lão lại hỏi một câu không liên quan gì, bèn đáp:

– Có hai cái xoáy.

Chu Bá Thông vỗ tay sung sướng, nói:

– Hay lắm, vậy là nó giống ta, đúng là một đứa bé thông minh.

Rồi lão thở dài, lắc đầu, nói:

– Tiếc rằng không còn nữa!

Anh Cô nửa buồn nửa vui, không nhịn được nữa, khóc oà lên. Chu Bá Thông vỗ nhẹ lưng Anh Cô, an ủi:

– Đừng khóc, nín đi nào!

Quay sang Nhất Đăng, nói:

– Đoàn Hoàng gia, ta cướp mất thê tử của đại sư, đại sư không chịu cứu sống con ta, vậy là hòa, từ nay không nhắc chuyện cũ.

Nhất Đăng chỉ Từ Ân nằm dưới đất, nói:

– Đây là hung thủ đã giết con của Chu huynh, Chu huynh hãy giáng cho hắn một chưởng, đánh chết hắn đi!

Chu Bá Thông nói:

– Anh Cô, hãy tới mà hạ thủ!

Anh Cô nhìn Từ Ân, nói nhỏ:

– Không có hắn, kiếp này thiếp đã chẳng bao giờ còn được gặp lại tướng công; huống hồ người chết chẳng thể sống lại, vì niềm vui hôm nay, mọi nỗi oán khổ trước đây hãy quên hết cho rồi!

Chu Bá Thông nói:

– Nói rất đúng, vậy chúng ta tha cho hắn!

Từ Ân thương thế cực nặng, chỉ còn một hơi thở cuối cùng, lúc này nghe Chu Bá Thông và Anh Cô đều nói tha cho y tội giết con họ thì rất cảm kích, không còn lưu luyến gì nữa, nói thều thào:

– Đa tạ hai vị.

Rồi nhìn về phía Nhất Đăng, nói:

– Đa tạ sư phụ thành toàn.

Lại nhìn sang phía Dương Quá, nói:

– Đa tạ thí chủ tân khổ.

Rồi nhắm hai mắt, tắt thở.

Nhất Đăng đại sư miệng niệm Phật hiệu, chắp tay cúi mình, nói:

– Từ Ân, Từ Ân, hai ta danh tuy sư đồ, nhưng thực ra là bằng hữu, hơn hai chục năm bên nhau không rời. Cùng nhau tu luyện, hôm nay ngươi vãng sinh cực lạc, lão nạp vừa hỉ vừa bi.

Đoạn cùng Dương Quá, Quách Tương bắt tay đào hố mai táng cho Từ Ân.

Chu Bá Thông và Anh Cô bốn mắt nhìn nhau, thực chưa biết nói từ chuyện gì.

Dương Quá nhìn mộ phần của Từ Ân, nhớ lại tình cảnh trong ngôi nhà tranh giữa núi tuyết, đêm tân hôn của chàng với Tiểu Long Nữ, Từ Ân đã phát điên lên thế nào, một vị đại sư võ học lừng lẫy giang hồ với ngoại hiệu Thiết chưởng công, cuối cùng đã trở về lòng đất, chàng không khỏi cảm khái.

Anh Cô lấy trong bọc ra hai con linh hồ, nói:

– Dương công tử, đại đức sâu nặng, lão phụ nhân thẹn không có gì báo đáp, xin tặng công tử hai con vật này.

Dương Quá nhận một con, nói:

– Chỉ cần một con, xin nhận thịnh tình.

Nhất Đăng nói:

– Dương hiền điệt, hãy nhận cả hai con linh hồ, nhưng đừng giết chúng, chỉ cần chích chân của chúng lấy huyết, mỗi ngày uống một chén nhỏ, lệnh hữu dù bị nội thương nặng mấy, cũng sẽ chóng lành.

Dương Quá và Anh Cô cùng mừng rỡ, nói:

– Nếu không phải giết linh hồ thì hay quá!

Dương Quá nhận hai con linh hồ, bái biệt với Nhất Đăng, Chu Bá Thông và Anh Cô. Anh Cô nói:

– Công tử lấy xong huyết Cửu vĩ linh hồ, cứ việc thả chúng ra, chúng sẽ tự biết đường về.

Chu Bá Thông đột nhiên nói xen vào:

– Đoàn Hoàng gia, Anh Cô, chúng ta hãy cùng đến Bách Hoa cốc của ta, ta sẽ chỉ huy bầy ong cho mà xem; ta lại mới học được một bộ chưởng pháp mới, hi hi, tài tình vô cùng. Dương huynh đệ, sau khi chữa trị cho bằng hữu, huynh đệ cùng tiểu muội tử cũng đến đó chơi cho vui một thể.

Dương Quá cười, nói:

– Lúc ấy nếu không bận việc gì, vãn bối xin đến lĩnh giáo ba vị tiền bối.

Nói rồi cúi mình thi lễ cáo biệt.

Hai con linh hồ đưa mắt long lanh nhìn Anh Cô, kêu líu ríu đáng thương, Anh Cô nói:

– Dương công tử sẽ tha mạng cho các ngươi, làm gì ồn lên thế!

Quách Tương đưa tay xoa đầu hai con linh hồ, mỉm cười an ủi chúng.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 01 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 02 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 03 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 04 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 05 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 06 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 07 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 08 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 09 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 10 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 11 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 12 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 13 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 14 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 15 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 16 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 17 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 18 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 19 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 20 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 21 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 22 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 23 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 24 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 25 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 26 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 27 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 28 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 29 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 30 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 31 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 32 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 33 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 34 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 35 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 36 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 37 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 38 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 39 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, chương 40 tại đây.

Đọc Thần điêu hiệp lữ, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Giận | Chương 07

Thích Nhất Hạnh | Giận | Chương 07

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Thích Nhất Hạnh | Giận | Chương 02

Thích Nhất Hạnh | Giận | Chương 02

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.