Kim Dung | Thiên long bát bộ | Chương 22

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

 · 91 phút đọc.

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Đại hán đó râu ria tua tủa, thần thái uy mãnh nhưng đôi mắt ngờ nghệch, hành động như điên cuồng, rõ ràng là đang mất trí. Tiêu Phong thấy đôi đại phủ trong tay y đúc bằng thép ròng rất nặng. Thế mà y vung lên nhẹ nhàng, công thủ đúng phép tắc, rõ ràng có phong độ danh gia. Tiêu Phong biết rất nhiều nhân vật võ lâm ở Trung Nguyên nhưng không nhận ra người này là ai, nghĩ thầm: Thủ pháp của gã này khá lắm, sao mình chưa nghe thấy tiếng tăm bao giờ?

Đôi búa của người kia vung lên mỗi lúc một nhanh, miệng kêu rầm lên: Mau! Mau đi bẩm báo chúa công, địch nhân đã tới rồi. Y đứng ngay giữa đường phố đông đúc, đôi phủ sáng choang vung ngang chém dọc, khiến người đi đường đều tránh cho xa, không ai dại dột đến gần. Tiêu Phong thấy y thần sắc hoảng hốt, đường búa xem chừng đã kiệt lực nhưng vẫn cố chống chọi, miệng cứ kêu: Các vị huynh đệ tránh ra, để mặc ta, mau mau chạy đi bẩm báo chúa công.

Tiêu Phong nghĩ thầm: Người này trung nghĩa hết lòng vì chủ, quả là một hảo hán, nhưng tinh lực tổn hao như thế, chắc là nội thương rất nặng. Chàng bèn đi tới trước mặt người kia nói: Lão huynh, dừng tay một chút uống chén rượu được chăng? Đại hán kia trừng mắt nhìn, đột nhiên kêu lớn: Tên đại ác! Đừng hòng hại chủ nhân ta. Y vung búa lên chém vào đầu Tiêu Phong. Người chung quanh thấy nguy hiểm, ai nấy kêu toáng cả lên. Tiêu Phong nghe thấy ba chữ tên đại ác cũng chột dạ: Ta và A Châu đang đi tìm Tên Đại Ác để báo thù, hán tử này cũng gọi địch thủ là tên đại ác, nhưng chưa chắc là kẻ mình đang tìm. Thôi thì cứ cứu y trước rồi sẽ tính sau. Ông nghĩ thế, bèn lẻn vào sát người y, giơ tay điểm vào mạng sườn.

Không ngờ thần trí gã hôn mê nhưng võ công chưa mất, chiếc búa bên phải liền xoay ngược lại, thúc cán búa vào bụng dưới Tiêu Phong. Chiêu đó vừa tinh xảo vừa bất ngờ, giả tỷ võ công Tiêu Phong không cao cường gấp bội y thì thế nào cũng bị đánh trúng. Lập tức chàng vươn tay trái ra, chộp được cán búa rồi giằng lấy. Đại hán kia gân cốt đã rũ rượi, làm sao mà gượng nổi? Toàn thân gã rung chuyển, rồi lập tức ngã nhào vào người Tiêu Phong. Xem ra gã không màng sống chết, muốn đồng qui ư tận.

Tay phải Tiêu Phong lại vươn ra ôm chặt lấy gã, rồi hơi vận kình cho gã hết cục cựa. Những người đứng ngoài thấy Tiêu Phong đã khống chế được gã điên khùng, đều reo hò ầm ĩ. Tiêu Phong ôm gã đại hán lôi xệch vào quán rượu, ấn y ngồi xuống rồi nói: Lão huynh! Uống vài chén rượu rồi nói chuyện. Nói xong, chàng gọi tửu bảo đem rượu đến.

Đại hán nọ giương đôi mắt điên khùng nhìn Tiêu Phong trừng trừng một hồi lâu mới hỏi: Ngươi… ngươi là hảo nhân hay là ác nhân? Tiêu Phong nhất thời chưa biết nói sao cho phải.

A Châu cười nói: Ông ta dĩ nhiên là người tốt, ta cũng là người tốt. Chúng ta là bằng hữu, cùng đi đánh Tên Đại Ác. Đại hán giương mắt nhìn nàng một hồi, lại quay sang nhìn Tiêu Phong một hồi, dường như nửa tin nửa ngờ, một lúc sau mới hỏi lại: Đánh tên… tên đại ác ư? A Châu nhắc lại: Chúng ta là bằng hữu, cùng đi đánh Tên Đại Ác…

Người kia đột nhiên đứng phắt dậy, lớn tiếng nói: Không Không! Tên đại ác ghê gớm lắm, mau mau đi bẩm với chúa công để người tìm đường tránh đi. Ta ở đây chặn tên đại ác lại, còn ngươi đi báo tin. Y vừa nói vừa cầm đôi búa toan xông ra.

Tiêu Phong đưa tay ra ấn vai gã xuống, hỏi: Này lão huynh! Tên Đại Ác chưa đến, vội gì? Chúa công của lão huynh là ai? Đang ở nơi nào? Đại hán cứ kêu lên: Tên đại ác kia! Mau lại đây quyết đấu ba trăm hiệp, đừng hòng gia hại chúa công ta.

Tiêu Phong nhìn A Châu không biết phải làm thế nào, A Châu đột nhiên la to: Chao ôi! Không xong rồi! Chúng ta phải mau đi báo với chúa công. Chúa công đang ở đâu? Chúa công đi hướng nào, chớ để cho tên đại ác biết. Đại hán liền hùa theo: Phải lắm, phải lắm! Ngươi mau mau đi báo tin. Chúa công đến Phương Trúc Lâm ở Tiểu Kính Hồ, ngươi… ngươi mau đi Phương Trúc Lâm ở Tiểu Kính Hồ bẩm báo chúa công. Đi đi, đi đi! Gã giục luôn mồm cuống quít cả lên.

Tiêu Phong và A Châu còn chưa biết tính sao, bỗng nghe tên tửu bảo nói: Đi Tiểu Kính Hồ ư? Đường khá xa đấy. Tiêu Phong thấy quả đúng có địa danh Tiểu Kính Hồ, vội hỏi: Ở chỗ nào? Cách đây bao xa? Gã tửu bảo nói: Ví như quí khách hỏi người khác thì chưa chắc đã có ai biết. May mà hỏi đúng tiểu nhân, thật là may mắn. Quê tiểu nhân chính ở ngay bên cạnh Tiểu Kính Hồ. Trên đời này thật khó mà có chuyện trùng hợp như vậy, đúng là…

Tiêu Phong nghe tên tửu bảo mồm miệng liến thoắng, nói mãi chẳng vào chính đề liền giơ tay đập bàn một cái, quát: Ngươi nói mau lên! Gã tửu bảo vốn định vòi chút tiền thưởng rồi mới nói, bị Tiêu Phong nạt một cái không dám vòng vo thêm, vội đáp: Ối chà, sao vị đại gia này nóng tính thế? Hì hì, nếu không gặp tiểu nhân thì có vội cách mấy cũng đâu có được, phải không nào? Y định nói bông phèng mấy câu nhưng liếc thấy mặt Tiêu Phong có vẻ chẳng hiền lành gì, liền tiếp: Tiểu Kính Hồ ở phía tây bắc. Quý khách ở quán này ra trước hết đi về hướng tây, đi được chừng bảy dặm rưỡi thì đến một khu trồng chừng mươi cây liễu, mỗi hàng bốn cây, cả thảy bốn hàng, một hàng là bốn, hai hàng là tám, ba hàng là mười hai, bốn hàng là mười sáu, cả thảy mười sáu cây liễu lớn, thì đi lên hướng bắc. Đi thêm chín dặm rưỡi nữa, thấy một chiếc cầu bằng đá xanh, phải nhớ kỹ đừng qua cầu này, nếu qua sẽ bị lạc đường. Nhưng không qua cầu thì làm thế nào qua được bên kia? Quý khách cũng phải đi qua, không đi qua chiếc cầu đá xanh ở mé tả mà phải qua cây cầu gỗ ở mé hữu. Qua chiếc cầu gỗ rồi thì có một ngã ba, một đường rẽ qua hướng tây, một đường đi lên hướng bắc, phải đi con đường hướng tây mới đúng. Đi như thế hai mươi mốt dặm rưỡi nữa thì gặp một cái hồ mặt nước sáng như gương, đó chính là Tiểu Kính Hồ. Ai cũng bảo là tổng số chừng bốn mươi dặm, thực ra chính xác chỉ có ba mươi tám dặm rưỡi, nói bốn mươi dặm là không đúng đâu.

Tiêu Phong cố nhẫn nại ngồi nghe gã tửu bảo nói cho xong. A Châu cười bảo: Ôi chà, vị đại ca này nói năng rành mạch quá, Một dặm đường thì một đồng tiền thưởng, đáng lẽ chúng ta lì xì đại ca bốn mươi đồng, nhưng như thế là không chính xác, chi bằng đừng cho, nhưng lại không cho không được. Tám lần một là tám, hai lần tảm là mười sáu, ba lần tám là hai mươi bốn, bốn lần tám là ba mươi hai, năm lần tám là bốn mươi, bốn mươi dặm đường trừ đi một dặm rưỡi thế là ba mươi tám dặm rưỡi, quy ra ba mươi tám đồng rưỡi. Nàng đếm ba mươi chín đồng tiền, cầm một đồng lên khía vào lưỡi búa cho có vết, rồi bẻ ra làm đôi, đưa cho gã tửu bảo ba mươi tám đồng rưỡi.

Tiêu Phong không nhịn cười được, nghĩ thầm: Cô tiểu a đầu này gặp cơ hội lại tinh nghịch đùa giỡn một phen.

Đại hán kia mắt vẫn trừng trừng nhìn Tiêu Phong cùng A Châu, miệng không ngớt giục: Mau đi báo tin, chậm là không kịp đâu. Tên đại ác ghê gớm lắm. Tiêu Phong hỏi lại: Thế chủ nhân của huynh đài là ai? Đại hán kia ấp úng nói: Chúa công ta là… là… không thể cho người ngoài biết được. Thôi ngươi đừng đi nữa Tiêu Phong lớn tiếng hỏi: Thế còn huynh đài họ gì? Gã kia buột miệng đáp: Ta họ Cổ, ối trời, ta không phải họ Cổ.

Tiêu Phong đem lòng ngờ vực, tự hỏi: Không lẽ tên này giở trò ma giáo, cố ý dụ mình đến Tiểu Kính Hồ chăng? Sao lại họ Cổ rồi lại không phải họ Cổ? Chàng nghĩ lại: Giả tỷ như kẻ địch dụ ta tới đó thì cũng tốt, ta đang muốn đi kiếm y đây. Dù Tiểu Kính Hồ là nơi đầm rồng hang cọp chăng nữa, Tiêu mỗ phỏng có sợ gì? Chàng quay sang A Châu bảo: Chúng ta đến Tiểu Kính Hồ xem có động tĩnh gì không. Nếu như chủ nhân của vị huynh đài này có ở đó, thì mình thế nào cũng kiếm được.

Gã tửu bảo lại xen vào nói: Chung quanh Tiểu Kính Hồ toàn là nơi hoang dã, chẳng có gì để xem cả. Hai vị nếu như muốn du sơn ngoạn thủy, ngắm phong cảnh đẹp thì nên đi đến các đình đài phủ các ở đây, có thế mới mở rộng tầm mắt… Tiêu Phong xua tay bảo y đừng nhiều chuyện nữa, nói với đại hán kia: Lão huynh mệt lắm rồi, hãy ở đây nghỉ ngơi. Để tại hạ thay mặt đi báo với lệnh chủ nhân là Tên Đại Ác sắp tới.

Người kia mừng rỡ: _Đa tạ! Đa tạ ! Cổ mỗ cảm kích vô cùng. Để tại hạ ở đây ngăn cản tên đại ác._Y nói xong đứng dậy, định cầm đôi búa lên nhưng khí lực kiệt quệ, hai tay đau đớn như dần, cầm cán búa mà không sao nhấc lên được.

Tiêu Phong nói: Lão huynh phải nghỉ một lúc để lấy sức đã. Chàng thanh toán tiền khách điếm xong liền cùng A Châu rảo bước đi ra, theo lời dặn của tên tửu bảo đi về hướng tây chừng bảy tám dặm, quả nhiên thấy ở bên đường có bốn hàng mỗi hàng bốn cây, cả thảy mười sáu cây dương liễu. A Châu cười nói: Tên tửu bảo đó tuy mồm miệng liến thoắng, song cũng có cái hay. Thế này thì không thể nào nhầm được, phải không đại ca? Ồ, cái gì thế kia? Nàng đưa tay chỉ một cây liễu, dưới gốc cây có một gã nông phu ngồi tựa lưng, chân thò xuống cái rãnh bùn bên cạnh. Cảnh tượng đó rất thông thường ở nhà quê, nhưng người nông phu đó máu me đầy mặt, vai lại vác một cây thục đồng côn sáng loáng, phân lượng không phải là nhẹ.

Tiêu Phong đi đến trước mặt gã nông phu đó, thấy y thở hổn hển, hiển nhiên đã bị nội thương khá nặng. Chàng liền hỏi: Này đại ca! Vị bằng hữu sử búa nhờ bọn ta đến Tiểu Kính Hồ nhắn tin. Xin hỏi đây có phải là đường đi Tiểu Kính Hồ không? Nông phu ngẩng lên hỏi lại: Huynh đệ sử búa còn sống hay chết rồi? Tiêu Phong đáp: Y hao tổn nhiều khí lực, nhưng không đáng ngại. Nông phu thở phào một cái, nói: Tạ ơn trời đất. Xin nhị vị đi về hướng bắc, cái ơn đưa tin quyết chẳng dám quên. Tiêu Phong nghe y nói năng lịch sự, quyết không phải hạng nhà quê tầm thường, bèn hỏi: Tôn tính lão huynh là gì? Có phải là bạn của người sử búa chăng? Nông phu đáp: Tại hạ họ Phó. Xin các hạ mau mau đến Tiểu Kính Hồ, tên đại ác đã vượt qua đây rồi. Tại hạ không ngăn nổi y, nói ra thật là hổ thẹn.

Tiêu Phong nghĩ thầm: Người này bị thương nặng không phải giả vờ. Nếu quả kẻ đối đầu thuê y để dụ ta vào rọ thì phải bỏ ra không ít tiền. Chàng bèn hỏi: Phó đại ca! Tên đại ác dùng khí giới gì đả thương đại ca nặng như vậy? Nông phu đáp: Y dùng thiết trượng.

Tiêu Phong thấy máu tươi trên ngực y chảy ra không ngớt, vội vạch áo ra xem, thấy trên ngực có một cái lỗ sâu hoắm to bằng ngón tay. Chàng giơ tay điểm vào mấy đại huyệt chung quanh, giúp y cầm máu, bớt đau. A Châu xé áo y ra, băng bó vết thương lại.

Hán tử họ Phó nói: Đại ân của hai vị, Phó mỗ không thể lấy lời mà cảm tạ được. Chỉ xin hai vị mau đến Tiểu Kính Hồ, đưa tin cho chủ nhân của chúng tôi. Tiêu Phong hỏi: Thế chủ nhân của đại ca tên là gì, tướng mạo ra sao?

Người kia đáp: Các hạ đến bên Tiểu Kính Hồ, sẽ thấy bên phía tây có một rừng trúc, cây trúc hình vuông. Giữa rừng có mấy gian nhà tre, xin đến bên ngoài nhà gọi to mấy tiếng: Thiên hạ đệ nhất đại ác nhân đã đến, mau mau tránh đi. Như thế là được, tốt nhất là nhị vị đừng vào trong nhà. Tên họ của chủ nhân, xin thứ lỗi Phó mỗ chưa thể nói ra.

Tiêu Phong nghĩ thầm: Thiên hạ đệ nhất ác nhân ư? Không lẽ đó là Đoàn Diên Khánh, tên đứng đầu Tứ Đại Ác Nhân hay sao? Hình như người này không muốn nói nhiều, ta cũng chẳng nên hỏi nữa. Thế nhưng bây giờ chàng không còn nghi kỵ nữa, nghĩ bụng: Nếu quả là kẻ địch dụ ta vào tròng thì mỗi câu mỗi chữ phải cho hợp tình hợp lý, không để nghi ngờ. Người này ấp a ấp úng, không dám nói thực, tuyệt không có lòng đen tối. Chàng bèn nói: Được rồi, xin theo lời dặn dò của các hạ. Đại hán kia cố gượng đứng lên rồi quỳ xuống cảm ơn. Tiêu Phong nói: Hai chúng ta tuy mới gặp nhau lần đầu mà tựa hồ quen đã lâu. Phó huynh bất tất phải đa lễ. Chàng đỡ người kia dậy, đưa tay lên xoa mặt một cái, bỏ hết những đồ hóa trang để lộ bộ mặt thật của mình, nói: Tại hạ là Tiêu Phong người Khất Đan, sau này có phen tái ngộ. Không đợi hán tử trả lời, chàng nắm tay A Châu rảo bước đi ngay.

A Châu hỏi: Chúng ta không cần cải trang nữa ư? Tiêu Phong đáp: Không hiểu sao, ta bỗng dưng cảm mến hán tử thô hào kia, muốn cùng y kết giao. Thành thử ta không muốn dùng bộ mặt giả để đối xử với người ta. A Châu nói: Được lắm! Vậy để thiếp mặc lại quần áo nữ nhân. Nàng đi đến bên khe suối, vã nước lên rửa mặt, cởi mũ ra để lộ mái tóc mềm óng như tơ, cởi bỏ áo bào rộng khoác ngoài, bên trong là y phục phụ nữ.

Hai người đi một mạch chín dặm rưỡi, nhìn xa xa thấy một chiếc cầu xây bằng đá xanh. Đến gần thêm chút nữa đã thấy một thư sinh nằm phục ngay giữa cầu, trước mặt trải một tờ giấy, dùng đá lát cầu làm nghiên, mài một vũng mực lớn. Thư sinh tay cầm bút, viết lên tờ giấy. Tiêu Phong và A Châu rất lấy làm kỳ, ai ngờ trên một chiếc cầu ở nơi hoang dã thế này lại có một người lôi giấy mực ra viết chữ?

Hai người tiến gần lại chút nữa mới biết không phải y đang viết mà là đang vẽ cảnh vật chung quanh, chiếc cầu nhỏ trên khe suối, cây cổ thụ trên núi biếc xa xa đều có cả. Y nằm phục trên cầu, mặt quay về phía Tiêu Phong và A Châu, nhưng lạ lùng ở chỗ cảnh trong tranh cũng quay về phía hai người, thì ra mỗi nét bút đều là vẽ ngược chiều.

Tiêu Phong thì mù tịt về thư họa, còn A Châu đã ở trong nhà Mộ Dung công tử lâu năm, các loại bút thiếp cùng hội họa xem đã nhiều, thấy thư sinh chưa đến mức đan thanh tuyệt bút, nhưng vẽ ngược mà được như thế đã là khó rồi. Nàng đang toan tiến lên hỏi mấy câu thì Tiêu Phong đã kéo nhẹ áo, lắc đầu, đi qua chiếc cầu gỗ phía bên phải.

Thư sinh thốt nhiên hỏi: Nhị vị trông thấy tại hạ vẽ ngược sao không để mắt đến? Chẳng lẽ cái công phu nhỏ mọn của tại hạ làm bẩn mắt nhị vị hay sao? A Châu đáp: Khổng Phu Tử thấy chiếu trải không ngay thì không ngồi, thịt cắt không vuông thì không ăn. Chính nhân quân tử lẽ nào lại xem vẽ ngược bao giờ? Người kia cười ha hả, cuộn tờ giấy lại nói: Lời cô nương quả hữu lý, xin mời qua cầu.

Tiêu Phong đã đoán được dụng ý của y đem giấy trải trên cầu cốt để cho người khác chú ý, trước là kéo dài thời gian, sau là lấy hư làm thực, cố ý dụ người ta đi qua chiếc cầu đá. Chàng bèn nói: Bọn tại hạ muốn đến Tiểu Kính Hồ, nếu qua cầu đá là sai đường. Thư sinh đáp: Qua cầu đá là đi đường vòng, xa thêm năm sáu chục dặm rồi cũng đến nơi. Nhị vị cứ lên cầu đá, chẳng sao cả. Tiêu Phong hỏi lại: Tại sao không đi đường thẳng mà phải đi thêm năm sáu chục dặm? Thư sinh kia cười nói: Dục tốc bất đạt, không lẽ hai vị không biết ư?

A Châu cũng biết gã này cố tình kéo dài thời gian nên không lôi thôi với y nữa, bước ngay lên chiếc cầu gỗ, Tiêu Phong cũng đi theo. Hai người đi đến giữa cầu, đột nhiên dưới chân nghe lách cách mấy tiếng, ván cầu gãy đôi, cả hai tựa hồ. sắp rơi xuống sông. Tiêu Phong vươn tay trái ôm ngang lưng A Châu, chân phải điểm vào tấm ván đang rơi mượn tức nhảy vọt tới trước, bay qua tới bờ bên kia, lại tiện tay phóng ngược lại một chưởng đề phòng kẻ địch đánh lén phía sau.

Thư sinh kia cười ha hả nói: Hảo công phu! Nhị vị vội vã đến Tiểu Kính Hồ chẳng hay có chuyện gì? Tiêu Phong nghe giọng cười của y có vẻ sợ sệt, nghĩ thầm: Thằng cha này mặt mày thanh nhã mà lại là đồng đảng với Tên Đại Ác. Chàng không lý gì tới y, cứ tiếp tục cùng A Châu đi thẳng.

Được mấy trượng lại nghe thấy tiếng chân người phía sau, quay đầu nhìn lại chính là thư sinh đó đang đuổi theo. Tiêu Phong xoay hẳn người lại, sa sầm nét mặt hỏi: Dục tốc bất đạt. Các hạ có điều chi dạy bảo? Thư sinh đáp: Tại hạ cũng định đến Tiểu Kính Hồ, muốn được cùng đi với nhị vị cho có bạn. Tiêu Phong đáp: Thế thì tốt lắm. Nói rồi ôm vòng ngang hông A Châu, đề khí kéo nàng đi vèo vèo, lướt êm ru, chân không tung bụi. Thư sinh nọ cắm cổ chạy theo, nhưng mỗi lúc cách hai người một xa. Tiêu Phong thấy y võ công bình thường không coi vào đâu, cứ tiếp tục chạy tới, tuy phải kéo theo A Châu nhưng vẫn nhanh hơn người kia nhiều. Chỉ khoảng một bữa cơm đã không thấy bóng dáng y đâu nữa.

Qua khỏi cây cầu gỗ đường càng lúc càng hẹp, có đoạn cỏ mọc đến ngang lưng thật khó mà nhìn ra đường lối. Giả tỷ không được gã tửu bảo chỉ rành mạch rõ ràng thì không thể nào tìm được. Lại chạy thêm nửa giờ nữa thì thấy một hồ nước. Tiêu Phong đi chậm lại, đến bên cạnh thấy nước hồ trong như ngọc, mặt lặng như gương, thật không thẹn với ba chữ Tiểu Kính Hồ.

Chàng đang định đi tìm khu rừng trúc vuông, bỗng nghe bên trong bụi hoa bên cạnh có tiếng cười khúc khích, rồi một viên sỏi bắn ra. Tiêu Phong nhìn theo hướng viên sỏi, thấy bên bờ hồ có một ngư phủ đội nón lá đang ngồi đó. Cần câu của y vừa giật được một con cá xanh biếc, viên sỏi bắn trúng ngay sợi dây câu không sai một li, nghe phựt một tiếng dây câu đứt đôi, con cá lại rơi tõm xuống hồ.

Tiêu Phong hơi kinh ngạc nghĩ thầm: Thủ kình người này thật là cổ quái. Dây câu vừa mềm vừa dai, nếu phóng phi đao hay tụ tiễn để cắt đứt thì chẳng nói làm gì. Nhưng dùng một viên sỏi tròn ném đứt được dây câu thì phải dùng kình lực âm nhu, hình như không có ở Trung Thổ. Người bắn viên sỏi đó võ công chưa chắc đã cao nhưng đầy tà khí, thủ pháp rõ ràng là của bàng môn tả đạo. Tiêu Phong nghĩ thầm: Chắc y là đệ tử hay thuộc hạ của Tên Đại Ác, nghe tiếng cười dường như là một cô gái nhỏ tuổi.

Lúc ngư phủ thấy dây câu bị viên sỏi cắt đứt, y giật mình lên tiếng hỏi: Ai đùa cợt với Chử mỗ đấy? Xin ra mặt coi nào! Có tiếng sột soạt, một cô gái rẽ bụi hoa bước ra, toàn thân vận quần áo màu tím, chỉ chừng mười lăm mười sáu tuổi, nhỏ hơn A Châu một chút, đôi mắt đen láy đầy vẻ tinh nghịch. Cô chợt nhìn thấy A Châu, không để ý đến ngư phủ nữa, chạy đến trước mặt nàng, nắm tay cười nói: Tỷ tỷ xinh đẹp quá, muội thích tỷ tỷ ghê. Cô gái phát âm nghe hơi lơ lớ, tựa như người nước ngoài học tiếng Trung Thổ.

A Châu thấy cô gái hoạt bát ngây thơ, cười nói: Sau này muội tử lớn lên cũng xinh lắm. Tỷ cũng thích muội. A Châu ở Cô Tô đã lâu, bây giờ nói giọng quan thoại thật là dịu dàng, nhưng cũng không chuẩn xác lắm.

Ngư phủ đang bực mình, nhưng thấy chỉ là một thiếu nữ hoạt bát dễ thương, vui tính, lửa giận bỗng tiêu tan hết. Gã nói: Cô bé này nghịch ngợm quá. Nhưng công phu đánh đứt dây câu quả là giỏi thật.

Cô bé nói: Câu cá có gì thích đâu, đợi lâu chán chết đi được. Nếu ông thích ăn cá, lấy cái cần câu mà đâm có phải tiện hơn không? Nói rồi, cô cầm lấy chiếc cần trong tay ngư phủ, thuận tay đâm xuống nước một cái rồi rút lên, đầu cần câu đã xỉa trúng một con cá. Khi cô nhấc lên nó vẫn còn giãy giụa, máu từ vết thương trên cái bụng trắng hếu nhỏ xuống ròng ròng, màu đỏ loang trên mặt nước biếc, trông thật là đẹp đẽ nhưng đầy vẻ tàn nhẫn.

Tiêu Phong thấy khi cô gái vung tay đâm xuống, tay phải thoạt đầu hơi nghiêng đi một chút, vạch thành một vòng nhỏ, rồi mới từ bên phải phất xuống dưới. Thủ pháp xảo diệu, tư thế đẹp đẽ, nhưng để ứng chiến khi lâm địch thì có phần chậm trễ. Chàng không sao đoán được cô ta ở môn phái nào.

Cô gái cứ nhấc cần câu lên lại đâm xuống, liên tiếp viên trúng sáu con cá bạc thành một chuỗi, sau đó rung tay một cái hất cả sáu con xuống dưới hồ, vẻ mặt vẫn tươi cười. Mặt ngư phủ lộ sắc không vui, nói: Ngươi còn nhỏ tuổi mà đã hành sự tàn ác. Nếu ngươi muốn bắt cá thì không nói làm gì, nhưng đâm chết cá mà không ăn, vô cớ sát sinh thì còn đạo lý gì nữa?

Cô gái vỗ tay reo lên: Ta vô cớ sát sinh thì ngươi làm gì được ta nào? Hai tay cô dùng sức định bẻ gãy chiếc cần của ngư phủ, ngờ đâu chiếc cần đó cực kỳ chắc chắn, bẻ không gãy được. Ngư phủ cười nhạt, nói: Ngươi tưởng bẻ gãy được chiếc cần của ta ư? Đâu có dễ như thế. Cô gái chỉ về phía sau lưng ngư phủ, hỏi: Ai đến thế kia? Ngư phủ quay đầu lại nhìn không thấy ai, biết là mắc mưu vội vàng xoay lại, nhưng đã chậm mất rồi. Chiếc cần của ông bị ném vụt ra ngoài mấy trượng, nghe tõm một tiếng đã chìm xuống giữa hồ, biến mất không còn tăm tích gì nữa. Gã nổi giận quát lên: Con nhãi mất dạy này ở đâu tới đây? Y vừa quát chộp vào vai cô gái.

Cô gái vừa cười vừa kêu lên: Cứu mạng! Cứu mạng! Rồi nấp sau lưng Tiêu Phong. Ngư phủ chạy vòng qua đuổi bắt, thân pháp rất mau lẹ. Chỉ trong nháy mắt, Tiêu Phong đã thấy cô gái móc đâu ra một vật không hiểu là cái gì, dường như là một mảnh vải trong suốt rất khó nhìn thấy. Ngư phủ đang nhảy xổ tới, không biết tại sao bỗng trượt chân một cái lăn ra đất, thân hình co lại thành một cục. Tiêu Phong bấy giờ mới nhìn rõ, vật mà cô gái cầm trong tay là một cái lưới đan bằng tơ cực mảnh. Sợi tơ trong suốt, nhỏ như sợi tóc nhưng chắc chắn dị thường, đụng vào vật gì liền rút lại. Ngư phủ bị mắc trong cái lưới, càng giãy giụa chiếc lưới càng thắt chặt thêm, chỉ trong giây lát y đã bị bó tròn như khúc giò không nhúc nhích được nữa.

Ngư phủ lớn tiếng quát mắng: Con nhãi ma quỷ kia, ngươi dám giở trò yêu pháp tà thuật để bắt ta.

Tiêu Phong ngấm ngầm kinh hãi, biết cô gái này không dùng yêu pháp tà thuật gì, nhưng chiếc lưới cá kia mới thật là yêu tà.

Ngư phủ chửi mắng om sòm không ngớt miệng. Cô gái cười nói: Ngươi mà còn chửi nữa là ta đánh vào đít cho té đái vãi phân. Gã giật mình, vội vàng nín bặt nhưng mặt tím lại.

Bỗng bên phía tây hồ có tiếng người nói: Chử hiền đệ! Có chuyện gì thế? Từ con đường nhỏ bên cạnh hồ một người thoăn thoắt đi tới. Tiêu Phong nhìn thấy người kia mặt vuông chữ quốc, tuổi ngoại tứ tuần, tướng mạo uy võ nhưng trang phục có vẻ tiêu sái nhẹ nhàng.

Người kia đến gần, thấy ngư phủ bị trôi bèn kinh ngạc hỏi: Sao thế? Ngư phủ đáp: Cô bé này sử dụng yêu pháp… Người trung niên quay sang nhìn A Châu, Cô bé kia cười nói: Không phải tỉ tỉ đó, là ta đây. Người trung niên.Ủa một tiếng, cúi xuống nhấc tấm thân to lớn của ngư phủ lên nhẹ như không, giơ tay toan tháo chiếc lưới ra, Ngờ đâu cái lưới thật là cổ quái, càng kéo mạnh thì lại càng thắt chặt vào, loay hoay cách nào cũng không gỡ ra được. Cô gái kia cười nói: Chỉ cần y nói ba lần: Xin đầu hàng cô nương, thì ta sẽ thả y ra. Người trung niên nói: Ngươi đắc tội với Chử huynh đệ của ta, kết quả ra sao cô có biết không? Cô gái lại cười: Có thật không? Kết quả càng tệ hại thì lại càng hay

Người kia vươn tay trái ra, chụp lấy vai cô gái. Thiếu nữ co người lại, lách qua né tránh, ngờ đâu cô ta tuy nhanh nhưng người kia lại còn nhanh hơn, hất tay theo đã nắm ngay được cô ta.

Thiếu nữ cố giật ra những bàn tay của người kia tựa hồ như dính chặt lấy vai, liền kêu lên oai oái: Bỏ tay ra! Cô ta vung tay lên định đánh nhưng quyền mới đưa ra chừng một thước thì cánh tay đã kiệt lực, xuôi ngay xuống. Thiếu nữ kinh hãi kêu lên: Ngươi dùng yêu pháp tà thuật gì đó? Mau buông ta ra! Người đàn ông mỉm cười: Vậy cô nói ba lần: Xin đầu hàng tiên sinh, sau đó mở cái lưới cho vị huynh đệ kia, thì ta sẽ thả cô ra. Cô gái giận dữ nói: Ngươi đắc tội với bản cô nương, kết quả ra sao ngươi có biết không? Người trung niên mỉm cười: Có thật không? Kết quả càng tệ hại thì lại càng hay.

Thiếu nữ lại hết sức vùng vẫy nhưng không sao thoát được, thấy toàn thân ê ẩm, bèn cười nói: Chỉ biết bắt chước người ta, thật là xấu hổ. Thôi được rồi, để ta nói: Xin đầu hàng tiên sinh, xin đầu hàng tiên sinh, xin đầu hàng tiên sinh. Cô hô liền ba câu, nhưng giở trò quỷ quái gọi chữ tiên lơ lớ thành chữ súc, nghe mang máng như Xin đầu hàng súc sinh. Thế nhưng người trung niên kia không phát giác, buông tay khỏi vai cô gái rồi nói: Mau mở lưới ra! .

Cô gái cười nói: Cái đó dễ lắm. Rồi đi tới cạnh ngư phủ, cúi xuống vờ như tháo tấm lưới đang quấn chặt lấy ông ta, tay trái hơi đưa lên, một lằn sáng lấp lánh màu xanh biếc xẹt tới người đàn ông trung niên. A Châu kinh hoảng kêu lên, thấy thủ pháp bắn ám khí của cô ta cực kỳ độc địa, cự ly lại quá gần, xem ra thể nào cũng trúng. Thế nhưng Tiêu Phong chỉ mỉm cười. Chàng biết người đàn ông trung niên này vừa ra tay đã chế ngự ngay được cô gái hết cục cựa, hiển nhiên nội lực thâm hậu, võ công cao cường. Mũi ám khí nhỏ bé đó làm sao đả thương ông ta được? Quả nhiên người kia phất tay áo một cái, một luồng kinh lực phát ra thổi dạt đám kim lả tả rơi xuống vũng bùn bên cạnh hồ.

Người trung niên vừa nhìn thấy màu những cây kim kia, đã biết ngay có tẩm thuốc độc ghê gớm thuộc loại kiến huyết phong hầu, chạm vào máu là người chết ngay lập tức, Y tự hỏi: Mình cùng cô bé này mới gặp nhau lần đầu, không thù không oán, sao lại hạ độc thủ đến thế? Ông ta cực kỳ bực tức, định tâm cho con nhãi này một bài học, liền vung tay áo bên phải, tụ lực hất cô gái tung lên, nghe tõm một cái đã rơi ngay xuống dưới hồ. Sau đó ông nhún chân nhảy vọt vào một chiếc thuyền nhỏ ở dưới gốc cây liễu, cầm giầm chèo mấy cái đã đến chỗ cô gái rơi xuống, đợi cô ta trồi lên sẽ nắm tóc kéo lên thuyền.

Không ngờ cô gái chỉ kêu được một tiếng _ Ối chao!_ rơi xuống hồ rồi mất tăm luôn. Thông thường người chết đuối bao giờ cũng trồi lên hụp xuống mấy lần, uống no nước rồi mới chìm hẳn không trồi lên nữa. Thế nhưng cô gái này chẳng khác gì một cục đá, rơi xuống rồi chìm nghỉm, chờ mãi không thấy nhô lên,

Người đàn ông trung niên kia càng lúc càng nóng ruột, ông vốn không có ý định đả thương, chỉ vì thấy cô ta tuổi nhỏ mà hành sự độc ác nên muốn răn dạy một phen. Nếu cô ta chết đuối thật thì quả thực y rất ân hận. Gã ngư phủ bơi lội rất giỏi, có thể nhảy xuống hồ cứu người, nhưng lại đang bị mắc trong lưới không cách nào thoát ra được. Tiêu Phong và A Châu đều không thạo thủy tính nên cũng không biết làm cách nào. Người trung niên kêu to: A Tinh! A Tinh, ra đây mau!

Từ trong khu rừng trúc xa xa có tiếng đàn bà truyền ra: Chuyện gì vậy? Thiếp chẳng ra đâu.

Tiêu Phong nghĩ thầm: Người này thanh âm trong trẻo nhưng lại có ba phần ngang ngạnh, cùng với A Châu và cô gái mới rơi xuống hồ đúng là một bộ ba.

Người trung niên lại kêu lên: Có người chết đuối, ra vớt mau lên! Người đàn bà lại nói ra: Có phải chàng chết đuối không? Người trung niên gắt lên: Đừng đùa nữa, nếu ta chết đuối sao lại còn nói được? Mau ra cứu người đi nào! Người đàn bà lại nói: Nếu chàng chết đuối thì thiếp cứu, còn như ai khác thì mặc xác, cứ để thế cho vui. Người trung niên hỏi gặng: Nàng có ra hay không thì bảo? Ông ta vừa nói vừa dậm dậm chân xuống ván thuyền, ra chiều nóng nảy. Người đàn bà lại nói: Nếu là nam nhân thì thiếp mới cứu, còn nữ nhân thì chết đuối càng nhiều càng thích, thiếp chỉ vỗ tay reo hò, không cứu đâu. Giọng nói mỗi lúc nghe một gần, một loáng đã ra đến bờ hồ.

Tiêu Phong và A Châu nhìn thấy một phụ nữ tuổi chừng ba mươi lăm ba mươi sáu, mặc một bộ áo chẽn màu xanh nhạt bó sát người lộ rõ chiếc eo thon. Dung nhan bà mỹ lệ, lúc nào cũng như tủm tỉm cười, đôi mắt to đen lóng lánh như ánh sao, khóe mắt cực kỳ linh hoạt, tưởng chừng chỉ một đôi mắt đã nói được muôn ngàn lời. Lúc Tiêu Phong nghe giọng nói thì tưởng nhiều lắm cũng chỉ hăm mốt hăm hai, hóa ra lại là một thiếu phụ đứng tuổi. Bộ quần áo chẽn của nàng vẫn rất chỉnh tề, chắc là khi nghe gọi đi cứu người tuy miệng thì trêu chọc, nhưng vẫn nhanh chân lẹ tay thay đổi áo quần.

Người đàn ông trung niên thấy bà ta đến thì hết sức vui mừng, kêu lên: A Tinh! Lẹ lên! Ta lỡ tay xô một người xuống hồ, nào ngờ không thấy nổi lên nữa. Thiếu phụ xinh đẹp nói: Thiếp phải hỏi cho rõ đã, nam nhân thì mới cứu, còn nữ nhân thì thây kệ chàng.

Tiêu Phong và A Châu đều cảm thấy lạ lùng, nghĩ thầm: Giả tỷ bà ta không chịu cứu đàn ông con trai, để khỏi xảy ra chuyện đụng chạm lôi kéo dưới nước làm mất thân phận, thì là chuyện thường. Sao lại có chuyện ngược đời, chỉ cứu đàn ông không cứu đàn bà?

Người trung niên dậm chân, bực bội nói: Trời ơi! Đây chỉ là cô bé chừng mười bốn… mười lăm tuổi, nàng đừng có nghĩ lẩn thẩn. Thiếu phụ xinh đẹp đáp: Hứ! Cô bé thì sao? Hạng nam nhân như chàng, con bé mười bốn, bà già tám chục cũng chẳng… Nàng ta định nói cũng chẳng tha nhưng chợt nhìn thấy Tiêu Phong và A Châu, mặt hơi đỏ lên vội bụm miệng lại không nói hết câu, nhưng ánh mắt đầy vẻ tinh quái.

Người đàn ông trung niên đứng trên thuyền vái dài một cái, nói: A Tinh! Nàng mau mau cứu cô ta lên, rồi nàng muốn gì ta cũng bằng lòng. Thiếu phụ hỏi lại: Có thật là thiếp muốn điều gì chàng cũng bằng lòng không? Người đàn ông vội đáp: Thật thế! Trời ơi, bây giờ mà cô bé còn chưa nổi lên, không lẽ chết thật… Thiếu phụ lại hỏi: Thiếp muốn chàng ở lại mãi mãi, chàng có bằng lòng không? Người trung niên vẻ mặt sượng sùng, ấp úng nói: Cái đó… cái đó… Thiếu phụ nói: Đừng nghe chàng nói, hãy nhìn chàng làm kìa. Chỉ giỏi đầu môi chót lưỡi đánh lừa người khác vui lòng trong chốc lát cho qua chuyện. Có thế mà chàng cũng không chịu. Bà nói tới đây, đôi mắt rưng rưng, phụng phịu, pha chút nghẹn ngào.

Tiêu Phong và A Châu đưa mắt nhìn nhau lấy làm lạ, hai người này tuổi tác chẳng còn trẻ trung gì, mà nói năng hành động thật chẳng khác gì đôi tình nhân trẻ. Đôi này xem ra không phải vợ chồng, thế mà bà kia nói năng trước mặt người ngoài cũng chẳng cần giữ ý, trong lúc có người đang thập tử nhất sinh bà vẫn ăn nói nhấm nhẳn, chẳng gấp gáp gì.

Người trung niên thở dài một tiếng, chèo thuyền quay lại đáp: Thôi được, chẳng cần cứu nữa. Cô bé này độc địa dùng ám khí bắn lén ta, có chết cũng đáng kiếp, Thôi, mình đi về. Thiếu phụ xinh đep kia chưng hửng: Sao lại không cứu nữa, thiếp phải cứu. Cô ta dùng ám khí bắn chàng ư, thế thì hay lắm. Mà sao chàng lại không chết, thật là đáng tiếc. Bà ta cười khúc khích, nhún một cái lao luôn xuống hồ. Động tác thật là tuyệt, chỉ nghe tõm một tiếng, nước không thấy văng lên, người đã lặn xuống sâu. Tiếp đó nghe thấy tiếng nước rẽ ra, thiếu phụ thò đầu lên, hai tay nâng cô gái áo tím. Người đàn ông trung niên mừng rỡ, vội chèo thuyền lại đón.

Ông ta chèo đến gần liền giơ tay đón lấy cô gái, thấy hai mắt nhắm nghiền dường như đã tắt thở rồi, sắc mặt không khỏi lo âu. Thiếu phụ la lên: Không được đụng vào cô ta. Chàng là con quỷ hiếu sắc, không thể tin tưởng được. Người đàn ông làm bộ tức tối nói: Chỉ nói bậy bạ! Trong đời ta đã bao giờ hiếu sắc đâu? Thiếu phụ cười khúc khích, ôm cô gái nhảy vọt vào thuyền rồi nói: Phải rồi, phải rồi! Chàng có bao giờ hiếu sắc đâu, chỉ thích hạng người xấu xí như Chung Vô Diệm thôi… Ối chao! Bà vừa sờ vào ngực cô gái, thấy tim đã ngừng đập, mũi không còn thở nữa nhưng bụng vẫn chưa căng hiển nhiên chưa uống nhiều nước. Thiếu phụ vốn tinh thông thủy tính, vẫn tưởng rằng thời gian ngắn chưa thể chết người, ngờ đâu cô gái thân thể yếu ớt nên tắt thở rồi. Trên mặt bà không khỏi lộ vẻ ăn năn, ôm cô gái nhảy ngay lên bờ kêu rối rít: Mau lên, mau lên! Mình phải tìm cách cứu cô ta. Bà ta bồng cô gái chạy như bay về phía rừng trúc.

Người trung niên cũng cúi xuống ôm gã ngư phủ lên, quay sang Tiêu Phong hỏi: Tôn tính đại danh huynh đài là gì? Không hiểu huynh đài đến đây có việc gì không?

Tiêu Phong thấy ông ta khí độ ung dung, mắt thấy cô gái kia thảm tử nhưng vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, trong lòng ngầm kính phục liền nói: Tại hạ vốn người Khất Đan, tên gọi Tiêu Phong, nhận lời ủy thác của hai vị bằng hữu đến đây báo một cái tin.

Tên tuổi Kiều Phong trên giang hồ thì không ai không biết, nhưng bây giờ ông xưng tên họ thật là Tiêu Phong, lại nói trắng lai lịch người Khất Đan của mình ra. Người trung niên không biết cái tên Tiêu Phong nên vẫn thản nhiên, mà nghe đến ba chữ người Khất Đan cũng không lạ lùng gì, bèn hỏi: Không hiểu vị bằng hữu nào nhắn gửi Tiêu huynh thế? Báo tin chuyện gì? Tiêu Phong đáp: Một người sử đôi búa, một người sử cây thục đồng côn tự xưng là họ Phó, cả hai đều bị thương…

Người trung niên kia giật mình hỏi lại: Hai vị đó thương thế ra sao? Hiện đang ở đâu? Tiêu huynh, hai người đó là bạn tri giao của tại hạ, xin chỉ điểm cho. Ta… ta phải đi cứu ngay mới được. Ngư phủ đang bị trói cũng nói: Cho thuộc hạ theo với. Tiêu Phong thấy hai người trọng nghĩa khí, trong bụng kính phục liền nói: Hai vị đó thương thế tuy có nặng nhưng không đến nỗi nguy đến tính mạng, đang ở thị trấn gần đây. Người trung niên vái một cái thật sâu rồi nói: Xin đa tạ! Ông ta không nói nữa, tay xách ngư phủ lên, chạy về phía con đường Tiêu Phong mới tới lúc nãy.

Bỗng thiếu phụ từ trong rừng trúc gọi vọng ra: Lại đây mau! Mau lên! Chàng xem… xem cái gì đây này. Giọng nói ra chiều hốt hoảng lạ thường. Người trung niên dừng bước, còn đang do dự bỗng thấy một người chạy như bay từ ngoài vào, miệng kêu: Chúa công! Có người đến sinh sự chăng? Chính là gã thư sinh vẽ ngược trên cầu đá, Tiêu Phong nghĩ thầm: Cứ tưởng y ngăn trở ta không cho đến báo tin, hóa ra lại cùng phe với hai người sử song phủ và thục đồng côn. Chúa công của bọn họ chắc là người trung niên này.

Khi đó gã thư sinh đã thấy Tiêu Phong và A Châu đứng cạnh người trung niên, không khỏi ngạc nhiên, đến lúc tới gần lại thấy ngư nhân bị trói chặt, vừa kinh hãi vừa tức giận hỏi: Sao… sao thế?

Từ trong rừng trúc, tiếng người thiếu phụ kia gọi càng thêm hoảng hốt: Sao chàng còn chưa vào, trời ơi, thiếp… thiếp… Người trung niên liền đáp: Để ta vào xem chuyện gì. Ông ta xách cả ngư phủ rảo bước đi về phía rừng trúc, bước đi nhẹ nhàng mà lại hết sức nhanh nhẹn, xem ra công lực phi phàm. Tiêu Phong đưa tay đỡ ngang hông A Châu, cũng thản nhiên đi ngang với ông ta. Người trung niên kia liếc mắt nhìn ra vẻ khâm phục.

Chỉ trong khoảnh khắc đã đến bên rừng trúc, quả nhiên những cây trúc đó thân đều hình vuông, đi thêm vài trượng đã thấy ba gian nhà nhỏ cũng làm bằng tre, kiến trúc tỉ mỉ xinh xắn.

Thiếu phụ vừa nghe thấy tiếng chân người đã kêu lên: Chàng… chàng mau lại đây mà xem, cái gì thế này? Trong tay bà cầm một sợi dây chuyền vàng.

Tiêu Phong nhìn thấy đó chỉ là một món trang sức tầm thường của phụ nữ, không có gì đặc biệt, hôm trước A Châu bị thương Tiêu Phong thò tay vào túi nàng tìm thuốc, cũng thấy nàng có một sợi dây tương tự như thế này. Ngờ đâu người trung niên kia vừa cầm chiếc dây chuyền, lập tức mặt biến sắc, run run hỏi: Ở… ở đâu ra thế này? Người đàn bà đáp: Tháo ở cổ nó ra đấy. Trên cánh tay nó còn có cả ký hiệu thiếp vạch vào. Chàng… chàng lại mà xem.

Người đàn ông vội vàng tiến vào trong phòng, A Châu lướt theo, còn nhanh hơn thiếu phụ một bước. Tiêu Phong cũng theo sau, vào trong thấy đây là phòng ngủ của phụ nữ, bài trí tinh nhã. Tiêu Phong không tiện nhìn kỹ, chỉ thấy cô gái áo tím kia nằm trên giường không động đậy, xem ra đã chết rồi.

Người trung niên vén tay áo cô gái lên, nhìn vào vai cô ta, rồi lập tức bỏ ngay xuống. Tiêu Phong đứng sau lưng ông ta không nhìn thấy ký hiệu gì, chỉ thấy lưng người đàn ông run lên bần bật, đủ biết y đang cảm xúc mãnh liệt.

Thiếu phụ níu áo người trung niên, vừa khóc vừa nói: Chàng giết con rồi. Chính chàng ra tay giết chết nó! Chàng không nuôi nó lại còn giết nó! Trời ơi! Chàng thật là người cha lòng lang dạ sói…

Tiêu Phong lạ lùng: Cái gì thế này? Cô gái đó là con hai người này sao? À, đúng rồi, chắc là cô bé này vừa sinh ra đã đem gửi người khác nuôi, chiếc dây chuyền và ký hiệu gì đó trên vai là dấu tích cha mẹ cô ta để lại cho dễ nhận. Đột nhiên A Châu mặt đầy nước mắt, xiêu người đi ngã xuống giường. Tiêu Phong kinh hãi, vội đưa tay ra đỡ, lúc cúi xuống thấy mi mắt cô gái nằm trên giường hơi rung rung. Đôi mắt cô ta nhắm nghiền nhưng tròng mắt chuyển động, có thể nhận ra được qua lần da mi mắt. Tiêu Phong chỉ quan tâm đến A Châu, hỏi ngay: Sao thế? A Châu đứng dậy lau nước mắt, gượng cười đáp: Thiếp thấy cô bé này không may thảm tử, trong lòng đau xót.

Tiêu Phong đưa tay ra bắt mạch cô gái, thiếu phụ lại khóc òa lên: Tim đã ngừng đập, mũi đã tắt thở, còn cứu sao được nữa? Chàng hơi vận nội lực dồn vào cổ tay cô gái rồi lập tức buông lỏng, thấy từ bên trong cơ thể cô ta có sức đẩy ra, hiển nhiên đang vận nội công để phòng vệ.

Tiêu Phong cười ha hả nói: Một cô bé cứng đầu nghịch ngợm như thế này, quả thực trên đời ít thấy. Thiếu phụ tức giận nói: Ngươi là ai? Bước ngay! Con gái ta đã chết rồi, ngươi còn vào đây nói năng bậy bạ. Tiêu Phong cười đáp: Phu nhân có bằng lòng cho tại hạ cứu cô nương này sống lại không? Chàng đưa tay điểm luôn vào eo cô gái.

Phát chỉ đó điểm trung huyệt Kinh Môn ở đầu xương sườn cụt, chàng lại dùng nội lực day đi day lại khiến cho ngứa ngáy chịu không nổi. Cô gái không chịu được, từ trên giường nhảy vọt lên, cười khanh khách, giơ tay níu vào vai Tiêu Phong.

Cô gái chết đi sống lại, trong phòng ai nấy vừa mừng rỡ, vừa ngạc nhiên. Người trung niên kia cười nói: Hóa ra là ngươi dọa ta… Thiếu phụ đang khóc cũng lau nước mắt, nói: Con gái tội nghiệp của ta! Bà giang hai tay, bước tới toan ôm lấy cô gái.

Ngờ đâu Tiêu Phong vung tay tát một phát văng cô gái ra, lại vươn tay nắm ngay cổ tay trái, cười nhạt nói: Ranh con mà đã độc ác thế? Thiếu phụ la lên: Sao các hạ lại đánh con ta? Nếu không nể mặt Tiêu Phong mới cứu sống con gái thì chắc bà ta đã động thủ rồi.

Tiêu Phong xoay bàn tay cô ta ra nói: Các vị xem này! Mọi người nhìn thấy trong kẽ tay cô gái có kẹp một mũi kim ánh xanh biếc, thoáng nhìn đã biết ngay là kịch độc. Cô ta vờ đưa tay vịn vào vai Tiêu Phong, thật ra là định đâm chiếc kim này, cũng may chàng nhanh tay lẹ mắt không trúng độc thủ, nhưng thật là nguy hiểm vô cùng.

Thiếu nữ bị tát sưng vù mặt, dĩ nhiên Tiêu Phong còn nhẹ tay chứ không thì đã vỡ đầu nát óc. Tay cô ta đã bị nắm chặt, có muốn giấu chiếc kim cũng không kịp, nửa người bên trái ê ẩm không còn hơi sức. Đột nhiên cô khóc òa lên: Ngươi hiếp đáp ta! ngươi hiếp đáp ta! Người trung niên kia bèn nói: Thôi nín đi, đừng khóc nữa! Bị đánh thế là nhẹ lắm rồi. Ngươi động tí là dùng ám khí kịch độc hại người, dạy bảo cho là phải lắm.

Cô gái vẫn khóc, nói: Bích Lân Châm này có gì là lợi hại đâu? Ta còn nhiều loại ám khí khác chưa dùng đến. Tiêu Phong lạnh lùng hỏi: Sao người không dùng Vô Hình Phấn, Tiêu Dao Tán, Cực Lạc Thích, Xuyên Tâm Đinh? Cô gái nín bặt, kinh ngạc, run run hỏi: Sao… sao ngươi lại biết? Tiêu Phong nói: Ta đã biết sư phụ ngươi là Tinh Tú Lão Quái, dĩ nhiên biết rõ những loại ám khí âm độc của ngươi.

Câu đó vừa nói ra, mọi người đều giật mình. Tinh Tú Lão Quái Đinh Xuân Thu là một cao thủ tà phái trong võ lâm, là kẻ vô ác bất tác, giết người như ngóe, ai nghe tiếng cũng phải cau mày. Y chuyên sử dụng Hóa Công Đại Pháp để tiêu hủy công lực người khác, là điều đại kỵ trong võ lâm. Võ công y tuyệt cao, không ai làm gì được, nhưng cũng may lão ít khi vào Trung Nguyên nên chưa trở thành đại họa.

Người đàn ông trung niên vẻ mặt vừa thương xót, lại vừa quan tâm, ôn tồn hỏi: A Tử! Sao con lại bái Tinh Tú Lão Quái làm thầy? Cô gái giường đôi mắt tròn xoe, đen lay láy nhìn người trung niên, hỏi lại: Sao ngươi lại biết được tên của ta? Người trung niên thở dài, nói: Chúng ta vừa nói chuyện với nhau, con không nghe gì sao? Thiếu nữ lắc đầu, nhoẻn cười đáp: Ta đang giả chết, tim ngừng đập, hơi ngừng thở, tai mắt đều bế tắc nên không nhìn thấy, không nghe thấy gì cả.

Tiêu Phong buông tay cô gái ra nói: Hừ, đó là Qui Tức Công của Tinh Tú Lão Quái. A Tử lườm Tiêu Phong nói: Hứ, cái gì ngươi cũng biết cả. Cô nàng nói xong lại le lưỡi nhăn mặt trêu.

Thiếu phụ chăm chú ngắm nghía A Tử, mặt mày rạng rỡ, xem ra vui sướng không kể xiết. Người đàn ông trung niên cũng mỉm cười hỏi: Sao con lại giả chết? Làm ta sợ hết hồn. A Tử ra chiều đắc ý nói: Ai bảo ngươi hất ta xuống hồ? Ngươi chẳng tử tế gì hết. Người trung niên nhìn Tiêu Phong ra chiều bẽn lẽn, gượng cười nói: Con nhỏ này ngang ngạnh quá!

Tiêu Phong biết phụ tử trùng phùng, chắc phải có nhiều chuyện không muốn người ngoài nghe, bèn kéo áo A Châu đi ra rừng trúc. Chàng thấy nàng hai mắt đỏ hoe, thân hình run rẩy bèn hỏi: A Châu, nàng không khỏe ư? rồi đưa tay bắt mạch, thấy mạch nhảy thật nhanh đủ biết tâm thần đang xúc động mãnh liệt. A Châu lắc đầu nói: Thiếp không sao cả rồi lập tức tiếp ngay: Đại ca! Chàng ra ngoài trước đi, thiếp… thiếp muốn đi tiểu tiện. Tiêu Phong gật đầu đi ra xa.

Tiêu Phong đến bờ hồ đợi một hồi vẫn chưa thấy A Châu ra, bỗng nghe tiếng chân, có người rảo bước đi tới, trong lòng chợt động: Phải chăng đây là Tên Đại Ác? Chàng nhìn ra thấy ba người đi men theo đường nhỏ bên bờ hồ, trong đó hai người trên lưng có cõng người khác, còn một người thấp bé nhưng đi nhanh như bay, dường như chân không chạm đất. Y đi một quãng lại phải đứng chờ hai người kia. Hai người kia bước chân bình ổn, hiển nhiên võ công cũng khá. Họ đến gần hơn, Tiêu Phong nhìn ra hai người được cõng trên lưng chính là gã điên sử búa và đại hán họ Phó đã gặp trên đường. Người thấp bé gọi to: Chúa công, chúa công! Tên đại ác sắp đến, chúng ta mau mau chạy đi thôi!

Người trung niên kia một tay dắt thiếu phụ, một tay dắt A Tử từ trong rừng trúc đi ra. Hai người lớn trên mặt có ngấn nước mắt, còn A Tử thì cười hì hì, mặt nhởn nhơ như không. Kế đó A Châu cũng đi ra, đến bên cạnh Tiêu Phong.

Người trung niên buông thiếu phụ và cô gái ra, bước đến cạnh hai người bị thương đưa tay thăm mạch. Ông thấy cả hai không có gì nguy hiểm đến tính mạng, trên mặt lộ vẻ vui mừng nói: Ba vị thật là vất vả. May mà nhị vị hiền đệ Cổ Phó không có gì đáng ngại, ta mới yên lòng. Ba người kia khom lưng hành lễ, thần thái cực kỳ cung kính.

Tiêu Phong nghĩ thầm: Bọn này võ công khí độ không phải tầm thường, nếu không phải ở địa vị chúa tể một phương thì cũng phải là thủ lãnh một môn phái, sao đối với người trung niên này lại cung kính đến như vậy. Không biết lai lịch y đến thế nào.

Hán tử thấp bé nói: Chúa công! Hạ thần đã bố trí nghi trận bên cạnh cầu đá xanh để ngăn trở tên đại ác. Nhưng e rằng y sẽ khám phá cơ quan ngay, xin chúa công lập tức khởi giá đi nơi khác là hơn. Người trung niên kia đáp: Dòng họ ta chẳng may sinh ra một tên ác độc phản nghịch như thế, đã gặp y nơi đây thì có muốn tránh cũng không tránh được. Thôi đành cùng y một phen sống mái cho xong. Một đại hán mày rậm mắt to nói: Việc cự ác chống địch, bọn thần tử sẽ chia nhau ra đảm trách. Xin chúa công lấy xã tắc làm trọng, sớm trở về Đại Lý để hoàng thượng khỏi trông chờ. Một người thân hình tầm thước nói: Chúa công! Việc hôm nay không thể đem cái dũng nhất thời mà đối phó. Giả tỷ chúa công sẩy tay một tí, bọn hạ thần còn mặt mũi nào trở về Đại Lý khấu kiến hoàng thượng? Chắc phải cùng nhau tự vẫn thôi.

Tiêu Phong nghe tới đây trong lòng hồi hộp, tự hỏi: Họ nói những gì thần tử, chúa công, hoàng thượng, quay về Đại Lý. Không lẽ bọn này là người nhà họ Đoàn nước Đại Lý chăng? Tim chàng đập thình thình, nghĩ bụng: Biết đâu lưới trời lồng lộng, hôm nay tên tặc tử Đoàn Chính Thuần lại rơi vào tay ta.

Tiêu Phong còn đang suy nghĩ, bỗng nghe đằng xa có tiếng rống lên, rồi có tiếng loảng xoảng như kim loại chạm nhau vọng đến: Con rùa họ Đoàn kia! Ngươi chạy không thoát đâu, mau ngoan ngoãn bó tay chịu trói. Không chừng lão gia nể mặt con người, sẽ tha mạng cho ngươi đó.

Có tiếng một người đàn bà the thé: Làm gì đến lượt Nhạc lão tam quyết định tha hay không tha y? Chẳng lẽ lão đại không biết đứng ra phát lạc hay sao? Lại có một giọng lạnh lẽo nói: Gã tiểu tử họ Đoàn kia! Nếu người biết phải quấy thì thể nào cũng dễ chịu hơn là không biết điều. Thanh âm tên này trung khí bất túc, dường như bị thương chưa khỏi.

Tiêu Phong nghe bọn kia mở miệng ra là gọi họ Đoàn lại càng nghi thêm, đột nhiên có một bàn tay nhỏ nhắn đưa ra nắm lấy tay chàng. Tiêu Phong đưa mắt nhìn lại thì ra A Châu đứng bên cạnh mình, mặt mày trắng bệch, bàn tay lạnh ngắt đầy mồ hôi. Chàng hỏi nhỏ: A Châu! Nàng sao thế? A Châu run rẩy đáp: Thiếp sợ lắm. Tiêu Phong mỉm cười hỏi: Nàng ở bên cạnh đại ca mà còn sợ nữa sao? Chàng bĩu môi nhìn về phía người đàn ông trung niên, thì thầm vào tai A Châu: Gã kia hình như là người họ Đoàn nước Đại Lý. A Châu chỉ mấp máy môi chứ không nói gì.


Người đàn ông trung niên kia chính là Đoàn Chính Thuần, hoàng thái đệ nước Đại Lý. Hồi còn niên thiếu ông hay du lịch Trung Nguyên, phong lưu hoa nguyệt đi đến đâu vương tình đến đó. Thời đó những bậc phú quí thường là năm thê bảy thiếp, Đoàn Chính Thuần là một hoàng tử địa vị cao sang, đáng ra có nạp nhiều cung phi thì cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng họ Đoàn xuất phát từ võ lâm, tuy đã xưng đế nơi Đại Lý nhưng các việc ăn uống thức ngủ vẫn tuân theo tổ huấn, không quên nguồn gốc hào kiệt Trung Nguyên. Nguyên phối của Đoàn Chính Thuần là Đao Bạch Phượng, con gái một đại thủ lãnh người Bài Di ở Vân Nam. Họ Đoàn kết thân cốt để liên kết thế lực, bảo vệ ngôi vị hoàng đế. Thời đó người Hán ở Vân Nam không nhiều, nếu không được người Bài Di ủng hộ thì ngôi vua của họ Đoàn khó mà lâu dài được. Người Bài Di vốn theo tập tục một vợ một chồng. Đao Bạch Phượng từ nhỏ vốn được tôn quí nên nhất định không cho Đoàn Chính Thuần nạp thiếp, cũng chỉ vì chuyện lang quân đi đến đâu trăng hoa đến đó, mà bà tức mình xuất gia làm một đạo cô. Đoàn Chính Thuần với mẹ của Mộc Uyển Thanh là Tần Hồng Miên, vợ của Chung Vạn Cừu là Cam Bảo Bảo, mẹ của A Tử là Nguyễn Tinh Trúc, mỗi người đều có một thiên tình sử.

Lần này Đoàn Chính Thuần phụng mệnh hoàng huynh, tới chùa Thân Giới ở châu Lục Lương tra xét xem Huyền Bi đại sư bị ám hại như thế nào. Ông thấy có nhiều điểm đáng ngờ, chưa chắc đã là Cô Tô Mộ Dung ra tay, nhưng đợi ở đó hơn nửa tháng vẫn không thấy vị cao tăng Thiếu Lâm nào đến để thương nghị. Đoàn vương gia bèn cùng Tam Công là Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Ba Thiên Thạch và Tứ đại hộ vệ đến Trung Nguyên điều tra hư thực thế nào, nhân tiện đến thăm Nguyễn Tinh Trúc đang ẩn cư ở Tiểu Kính Hồ. Mấy bữa nay hai người chắp lại tình xưa, vui thú chẳng khác thần tiên.

Đoàn Chính Thuần đang cùng cố nhân ôn lại tình nồng, có cả Tam công Tứ vệ chia ra bốn bề hộ giá, thì ngờ đâu đại địch thủ tìm được đến nơi. Đoàn Diên Khánh võ công lợi hại, lần lượt đả thương Cổ Đốc Thành và Phó Tư Qui, Chu Đan Thần lại tưởng Tiêu Phong là địch, ở trên cầu đá xanh ngăn lại không xong đành phải chạy về báo. Chử Vạn Lý thì lại bị cái lưới của A Tử trói lại. Còn Tư mã Phạm Hoa, Tư đồ Hoa Hách Cấn, Tư không Ba Thiên Thạch ba người cứu được Cổ, Phó xong liền quay về chung sức chống trả cường địch.

Chu Đan Thần vẫn đang cố gắng tháo Chử Vạn Lý ra, nhưng chiếc lưới này dao cắt không đứt, tay mở không xong, mồ hôi đầm đìa mà vẫn không làm gì được. Đoàn Chính Thuần quay sang nói với A Tử: Ngươi mau thả Chử thúc thúc ra. Đại địch sắp tới rồi, đừng nghịch ngợm nữa. A Tử cười hỏi: Thế gia gia thưởng cho hài nhi cái gì đây? Đoàn Chính Thuần nhíu mày: Ngươi không vâng lời, ta bảo mẫu thân ngươi đét vào lòng bàn tay. Ngươi mạo phạm Chử thúc thúc, còn chưa biết mau mau tạ tội? A Tử đáp: Gia gia vứt con xuống hồ làm con phải giả chết một hồi lâu, sao không tạ tội với con? Con kêu má mà đét vào lòng bàn tay gia gia bây giờ.

Bọn Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch thấy Trấn Nam Vương bỗng nhiên lại có thêm một cô con gái bướng bỉnh ngang chướng, ăn nói với phụ thân chẳng còn ra thể thống gì, ai nấy đều dè chừng nghĩ thầm: Cô nương này không phải là con chính thất, nhưng cũng là quận chúa trong vương phủ. Nếu như ả có xúc phạm đến mình, cũng đành chịu chẳng dám làm gì, phải ráng nhịn thôi. Chử huynh đệ bị cô ta trói lâu như thế chắc là khổ sở lắm.

Đoàn Chính Thuần giận dữ đáp: Ngươi không nghe lời gia gia, để xem ta có còn thương ngươi nữa không? A Tử cong cớn nói: Trước nay gia gia có thương gì con đâu, nếu thương thì đâu có bỏ bê con mười mấy năm chẳng thèm nhìn tới? Đoàn Chính Thuần đắng họng không biết phải nói sao, chỉ lặng lẽ thở dài. Nguyễn Tinh Trúc khuyên con: A Tử cưng ơi, má má có cái này hay lắm. Con mau cởi trói cho Chử thúc thúc đi nào. A Tử chìa tay ra nói: Má má đưa con coi trước để xem có thật hay không đã.

Tiêu Phong kính trọng Chử Vạn Lý là một trang hảo hán, đứng ngoài thấy con bé này ngang ngược hỗn láo đã bực mình, nghĩ thầm: Ngươi là gia thần của y nên không nổi cáu được, còn ta nào phải nể nang gì? Chàng cúi xuống, nhấc Chử Vạn Lý lên nói: Chử huynh! Ta xem chừng loại dây tơ này gặp nước sẽ giãn ra, để nhúng Chử huynh xuống nước thử xem.

A Tử giận quá kêu lên: Tên trời đánh kia! Sao cứ rắc rối xía vào chuyện người ta? Thế nhưng cô nàng mới bị Tiêu Phong cho một bạt tai nên cũng hơi sợ, không dám ra tay ngăn cản.

Tiêu Phong xách Chử Vạn Lý đến cạnh hồ, nhúng y xuống nước. Quả nhiên cái lưới bằng tơ mềm kia liền nhũn lại, chàng đưa tay gỡ ra. Chử Vạn Lý nói khẽ: Đa tạ Tiêu huynh giúp đỡ. Tiêu Phong mỉm cười: Con nhãi cứng đầu này thật là khó dạy, ta đã cho nó một cái tát để Chử huynh hả giận rồi. Chử Vạn Lý lắc đầu ra chiều buồn bã.

Tiêu Phong cuộn chiếc lưới lại thành một cục chỉ to bằng nắm tay, thật là kỳ lạ. A Tử chạy tới chìa tay ra đòi: Trả lại cho ta! Tiêu Phong vung tay lên dọa đánh, A Tử sợ quá lùi luôn mấy bước. Tiêu Phong chỉ dọa cô ta thôi, nhét luôn chiếc lưới và bọc. Ông đoán chừng người trung niên kia hẳn là địch thủ của mình, A Tử là con gái y, chiếc lưới này là một món lợi hại không nên trả lại cho cô ta.

A Tử chạy đến kéo áo Đoàn Chính Thuần, kêu lên: Gia gia! Gã kia đoạt mất tấm lưới của con rồi.

Đoàn Chính Thuần thấy Tiêu Phong thái độ khác thường, nghĩ là ông chỉ muốn răn đe A Tử một phen, chứ người bản lĩnh như vậy lẽ nào lại tham đồ vật của trẻ con.

Đột nhiên Ba Thiên Thạch lên tiếng: Vân huynh đến phải không? Người ta luyện võ công mỗi ngày một giỏi mà Vân huynh lại mỗi ngày một kém đi là nghĩa làm sao? Xuống ngay đi. Nói xong gã liền phóng chưởng vào một cái cây lớn. Nghe răng rắc mấy tiếng, một cành cây bị đánh gãy rơi xuống, đồng thời một người cũng nhảy xuống theo. Người đó vừa gầy vừa cao, chính là Cùng hung cực ác Vân Trung Hạc. Hôm Tụ Hiền Trang y bị Tiêu Phong đánh cho một chưởng trọng thương, tưởng đâu mất mạng. Gã chữa khỏi vết thương rồi, song công lực suy giảm rất nhiều. Trước đây ở Đại Lý y cùng Ba Thiên Thạch tỉ thí khinh công thì hơn kém không bao nhiêu, nhưng hôm nay Ba Thiên Thạch chỉ nghe tiếng bước chân đã biết khinh công của y kém trước nhiều.

Vân Trung Hạc đảo mắt trông thấy Tiêu Phong, giật mình kinh hãi, xoay lưng toan co giò chạy trốn. Từ con đường mòn bên cạnh hồ lại thêm ba người đi tới. Người bên trái đầu bù tóc rối, áo quần cũn cỡn, chính là Hung thần ác sát Nam Hải Ngạc Thần, còn bên phải là một người đàn bà bồng một đứa trẻ, chính là Vô ác bất tác Diệp Nhị Nương. Người ở giữa mặc áo bào xanh, hai tay chống hai cây trượng sắt nhỏ, mặt trơ trơ như quỷ nhập tràng, chính là người đứng đầu trong Tứ Ác, tên gọi Ác quán mãn doanh Đoàn Diên Khánh.

Đoàn Diên Khánh ít khi lộ diện ở Trung Nguyên, nên Tiêu Phong không biết tên Thiên Hạ Đệ Nhất Ác Nhân này. Còn bọn Đoàn Chính Thuần đã chạm trán lão tại nước Đại Lý, biết rằng Diệp Nhị Nương cùng Nhạc Lão Tam tuy lợi hại thật nhưng không khó đối phó, đến Đoàn Diên Khánh mới thật không sao lường nổi. Y sở trường cả hai mặt chính tà, đã tinh thông Nhất Dương Chỉ của Đoàn gia, lại luyện thêm công phu tà phái, chính tà ngang ngửa. Những cao thủ như Hoàng Mi Tăng còn không địch lại y, Đoàn Chính Thuần tự biết mình không phải là đối thủ.

Phạm Hoa lớn tiếng nói: Chúa công! Tên Đoàn Diên Khánh này chẳng tử tế gì, chúa công nên lấy xã tắc làm trọng, mau mau đi mời các cao tăng của chùa Thiên Long đến đây cứu viện. Chùa Thiên Long ở mãi tận Đại Lý, làm sao gọi cứu viện cho kịp? Chẳng qua là trước mắt chúa tôi nước Đại Lý lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh, Phạm Hoa xin Đoàn Chính Thuần mau mau chạy trốn về Đại Lý, đồng thời hư trương thanh thế để Đoàn Diên Khánh tưởng là các cao tăng chùa Thiên Long ở gần đây mà kiêng nể. Đoàn Diên Khánh là dòng dõi chính thống họ Đoàn Đại Lý, ắt phải biết các cao tăng chùa Thiên Long lợi hại đến thế nào,

Đoàn Chính Thuần cũng biết tình hình nguy hiểm, nhưng ông là tay võ công cao nhất trong đám người Đại Lý ở đây, nếu bỏ chạy một mình thì còn mặt mũi nào nhìn anh hùng thiên hạ? Huống chi tình nhân và con gái cũng đang ở cạnh đây, ai lại để mất mặt đến thế? Ông mỉm cười nói: Ha ha! Thật đáng tức cười. Chuyện trong nhà của họ Đoàn Đại Lý lại phải dắt nhau đến Đại Tống mà giải quyết hay sao?

Diệp Nhị Nương cười nói: Đoàn Chính Thuần! Mỗi lần ta gặp ngươi lại thấy mấy ả dung nhan mỹ lệ cận kề. Ngươi thật là diễm phúc. Đoàn Chính Thuần nhếch mép cười đáp: Diệp Nhị Nương! Dung nhan nàng cũng mỹ lệ lắm đấy chứ! Nam Hải Ngạc Thần cả giận nói: Con rùa kia sao hưởng phúc đã nhiều, thế mà có thằng con không chịu bái ta làm thầy, thật không biết đẻ con. Để lão gia thiến ngươi cho xong. Lão vừa nói vừa lấy cây ngạc chủy tiên ra, xông vào Đoàn Chính Thuần.

Tiêu Phong thấy Diệp Nhị Nương gọi người kia là Đoàn Chính Thuần mà y không phủ nhận, quả là mình đã đoán trúng. Ông quay sang nói nhỏ với A Châu: Đúng là hắn rồi. A Châu run run hỏi: Đại ca định… định nhân lúc người ta nguy cấp mà hai mặt giáp công chăng? Tiêu Phong tâm tình khích động, vừa phẫn nộ lại vừa vui mừng, đáp ngay: Mối thù phụ mẫu thân sinh, ân sư, nghĩa phụ nghĩa mẫu, lại thêm còn vì hắn mà ta chịu oan khuất bấy lâu, thật là thù sâu tựa biển. Còn phải bàn đến nhân nghĩa đạo đức, qui củ giang hồ nữa sao? Mấy câu đó chàng chỉ nói khẽ nhưng đầy oán độc, tưởng như chém đinh chặt sắt không bằng.

Phạm Hoa thấy Nam Hải Ngạc Thần xông tới, nói nhỏ:Hoa đại ca, Chu hiền đệ ra hiệp công gã thất phu này. Đánh thật mau thật mạnh, kết thúc lẹ chừng nào hay chừng ấy, để bẻ nanh bẻ vuốt Tên Đại Ác trước, sau đó sẽ hợp lực để đối phó với chính hắn. Hoa Hách Cấn và Chu Đan Thần vâng lời bước ra. Hai người biết rằng lấy hai địch một thật là mất mặt, huống chi một mình Hoa Hách Cấn cũng không kém gì Nam Hải Ngạc Thần, chẳng cần ai giúp. Nhưng Phạm Hoa nói rất có lý, Đoàn Diên Khánh ghê gớm quá, lấy một đánh một thì bất luận là ai cũng không địch nổi, chỉ có cách tất cả ùa lên một lượt mới có cơ sống sót. Hoa Hách Cấn lập tức cầm cương sạn, Chu Đan Thần rung động thiết bút, chia ra đánh vào hai bên tả hữu Nam Hải Ngạc Thần.

Phạm Hoa lại tiếp: Ba huynh đệ đến gặp gỡ ông bạn già, ta và Chử huynh đệ đối phó với con mụ kia. Ba Thiên Thạch vâng lời tiến ra, xông vào Vân Trung Hạc. Phạm Hoa và Chử Vạn Lý cùng nhảy ra theo. Chử Vạn Lý vốn sử chiếc cần câu bằng sắt nhưng đã bị A Tử ném xuống hồ rồi, y bèn cầm cây đồng côn của Phó Tư Qui hậm hực xông lên,

Phạm Hoa lao thẳng vào Diệp Nhị Nương. Mụ thấy thân pháp của họ Phạm biết là kình địch, không dám coi thường, liền toét miệng cười ném huỵch đứa trẻ trong tay xuống đất, lúc xoay tay lại đã cầm một thanh đao vừa mỏng vừa rộng, không biết giấu sẵn ở chỗ nào.

Chử Vạn Lý la hét vang trời, lại xông thẳng vào Đoàn Diên Khánh. Phạm Hoa kinh hãi kêu lên: Chử huynh đệ, Chử huynh đệ! Trở lại đây! Chử Vạn Lý coi như không nghe thấy, vung cây đồng côn lên dùng hết sức quật ngang.

Đoàn Diên Khánh cười nhạt không coi vào đâu, điểm thiết trượng bên trái vào mặt y. Thế trượng đó nhẹ nhàng như không, nhưng thời khắc bộ vị không sai một mảy, tới đích trước cây đồng côn của Chử Vạn Lý. Lão hậu phát chế nhân, ra tay thật là lợi hại. Thế đó lấy công làm thủ, chỉ một chiêu đã phản khách vi chủ, Chử Vạn Lý bắt buộc phải tránh né. Ngờ đâu Chử Vạn Lý làm như không trông thấy cây trượng, đồng côn vẫn tiếp tục vụt ngang lưng địch thủ. Đoàn Diên Khánh kinh hãi, nghĩ thầm: Không lẽ gã này điên rồi sao? Y không muốn cùng Chử Vạn Lý lưỡng bại câu thương, dù cây trượng có đâm chết y ngay tại chỗ nhưng lưng mình trúng một côn thể nào cũng bị thương, vội vàng điểm hữu trượng xuống đất, tung mình vọt lên tránh né.

Chử Vạn Lý liền dựng thẳng cây côn lên đâm vào bụng dưới Đoàn Diên Khánh. Cây thục đồng côn của Phó Tư Qui nặng nề, vừa dài vừa to, công phu sử dụng món binh khí này cốt ở trầm trọng ổn định. Võ công của Chử Vạn Lý lại lấy nhẹ nhàng linh hoạt làm sở trường, sử dụng đồng côn không thuận tay, huống chi lại ra tay liều lĩnh, chiêu nào cũng nhắm thẳng vào chỗ yếu hại của Đoàn Diên Khánh, việc sống chết của chính mình chẳng hề quan tâm. Người đời thường bảo Một người liều mạng muôn người khôn địch, Đoàn Diên Khánh võ công cao cường nhưng gặp kẻ điên khùng đánh kiểu thí mạng thế này cũng phải liên tiếp thối lui.

Đám cỏ xanh trên bờ Tiểu Kính Hồ trong chốc lát đã lấm tấm máu tươi. Thì ra Đoàn Diên Khánh tuy phải lùi nhưng vẫn liên tiếp ra chiêu, trượng nào cũng đâm trúng vào người Chử Vạn Lý thành một lỗ sâu. Thế nhưng gã này dường như không biết đau, cây đồng côn vũ lộng càng lúc càng nhanh.

Đoàn Chính Thuần kêu lên: Chử huynh đệ lui ra, để ta đấu với tên ác đồ. Ông đón lấy thanh kiếm trong tay Nguyễn Tinh Trúc, xông lên toan hai người đánh một mình Đoàn Diên Khánh. Chử Vạn Lý kêu lên: Chúa công lui ra đi! Đoàn Chính Thuần khi nào chịu nghe, vung kiếm lên đâm vào Đoàn Diên Khánh. Cây trượng bên phải của Đoàn Diên Khánh chống xuống đất, cây trượng bên trái gạt đồng côn của Chử Vạn Lý, rồi theo khe hở đâm vào giữa hai lông mày Đoàn Chính Thuần. Ông phải lạng người qua, lùi một bước.

Chử Vạn Lý gầm rống như mãnh thú bị thương, đột nhiên chuyển thế đánh, hai tay nắm một đầu côn vung tít lên thành một vòng tròn màu vàng, từ từ nhích gần tới Đoàn Diên Khánh. Lối đánh này chẳng còn ra chiêu số võ học gì nữa.

Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Chu Đạn Thần cùng lớn tiếng kêu lên: Chử huynh đệ! Chử đại ca! Lui lại nghỉ một chút. Chử Vạn Lý vẫn gầm lên, vung côn đập loạn vào Đoàn Diên Khánh. Lúc này cả bọn Phạm Hoa lẫn Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần thấy tình hình quái đản cũng ngưng chiến, chăm chú xem sao. Chu Đan Thần kêu lên: Chử đại ca! Mau lui xuống! Y xông lên toan ôm lấy Chử Vạn Lý nhưng lại bị thúc một khuỷu tay vào mặt, lập tức sưng vù lên rồi tím bầm.

Đoàn Diên Khánh cũng không muốn gặp một đối thủ liều lĩnh như thế. Lúc này y và Chử Vạn Lý đã qua lại hơn ba mươi chiêu, đâm thủng đối phương hơn chục lỗ trên người, nhưng Chử Vạn Lý vẫn gầm thét xông vào. Cả Đoàn Diên Khánh và mọi người bàng quan đều kinh hãi, thấy việc này quả thật khác thường. Chu Đan Thần biết rằng còn đánh nữa thì Chử Vạn Lý không thể nào thoát chết, bất giác dòng lệ tuôn rơi, muốn xông ra trợ chiến nhưng vừa dợm chân thì đã nghe vụt một tiếng, Chử Vạn Lý đem hết sức bình sinh phóng cây đồng côn vào kẻ địch. Thiết trượng của Đoàn Diên Khánh điểm ra thật là tinh xảo, trúng ngay giữa thân cây côn, hất nhẹ một cái bay về phía sau. Cây côn chưa rơi tới đất, mười ngón tay Chử Vạn Lý đã xòe ra nhắm thẳng vào Đoàn Diên Khánh chộp tới.

Đoàn Diên Khánh cười nhạt, nhắm giữa ngực y đâm mạnh một trượng. Đoàn Chính Thuần, Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Chu Đan Thần bốn người đồng thanh kêu rú lên, toan xông vào cứu. Thế nhưng cây trượng của Đoàn Diên Khánh phóng ra nhanh quá, nghe sột một tiếng đã xuyên qua ngực Chử Vạn Lý từ trước ra sau. Trượng bên phải vừa rút ra thì cây trượng bên trái đã điểm xuống đất, thân hình lão đã tà tà bay ra ngoài xa mấy trượng.

Vết thương của Chử Vạn Lý vọt máu tươi ra cả trước ngực lẫn sau lưng. Y vẫn cố đuổi theo Đoàn Diên Khánh nhưng chỉ được một bước thì đã kiệt lực, quay đầu lại nói với Đoàn Chính Thuần: Chúa công! Chử Vạn Lý thà chết không chịu nhục, đem tính mạng báo đáp ân nghĩa Đoàn gia Đại Lý.

Đoàn Chính Thuần quì gối xuống, nước mắt lã chã: Chử huynh đệ! Ta không biết dạy con, đến nỗi đắc tội với huynh đệ. Chính Thuần này hổ thẹn vô cùng!

Chử Vạn Lý quay sang Chu Đan Thần gượng nở một nụ cười: Hảo hiền đệ! Ta làm anh dĩ nhiên phải đi trước. Hiền đệ… Y nói chưa hết câu đột nhiên ngừng lại, thì ra đã tuyệt khí chết rồi, thân hình vẫn còn đứng trơ trơ chưa chịu ngã xuống.

Mọi người nghe y lúc lâm chung nói đến thà chết không chịu nhục, biết rằng Chử Vạn Lý bất kể sống chết tấn công Đoàn Diên Khánh, chỉ vì bị cái nhục A Tử trói vào trong lưới, vốn đã quyết tìm cái chết rồi. Người trong võ lâm đều biết câu: Cao nhân tất hữu cao nhân trị, võ công mình thua kém người không phải là cái nhục, khổ luyện mười năm cũng có lúc báo được thù. Thế nhưng Chử Vạn Lý là gia thần của họ Đoàn, bị A Tử là con gái chủ nhân làm nhục, mãi mãi không sao rửa nhục được, thôi đành chết dưới tay ngoại địch còn hơn. Chu Đan Thần khóc òa lên. Phó Tư Qui và Cổ Đốc Thành tuy trọng thương chưa khỏi mà cũng lăm le đứng lên thí mạng với Đoàn Diên Khánh.

Đột nhiên có một giọng thiếu nữ trong vắt nổi lên: Gã này đúng là đồ ngốc, võ công tệ quá, toi mạng là phải rồi. Người nói câu đó chính là A Tử.

Bọn Đoàn Chính Thuần đang đau lòng, nghe một câu ra chiều khinh bạc, ai nấy giận đến điên người. Bọn Phạm Hoa hầm hầm nhìn A Tử, có điều lại là ái nữ chúa công nên không tiện nổi khùng. Đoàn Chính Thuần tức khí xông lên, vung tay nhắm ngay mặt cô ta tát một cái. Nguyễn Tinh Trúc đưa tay ngăn cản, giận dỗi nói: Chàng đem vứt con cho người khác mười mấy năm nay chẳng ngó ngàng gì tới, sống chết chẳng biết ra sao. Hôm nay mới được trùng phùng, chàng lại nhẫn tâm đánh nó hay sao?

Đoàn Chính Thuần vốn dĩ cũng hổ thẹn vì đã đối xử với Nguyễn Tinh Trúc chưa hết lòng, thêm nữa, trước nay vẫn chiều chuộng nàng hết mực, Ông lại không muốn tranh chấp trước mặt người ngoài, phát chưởng sắp chạm vào tay Nguyễn Tinh Trúc bèn thu về, hầm hầm mắng A Tử: Chử thúc thúc vì ngươi mà chết, ngươi có biết không? A Tử nhếch mép đáp: Bọn chúng gọi gia gia là chúa công, thì tất nhiên con là tiểu chủ nhân của chúng. Làm chết một vài tên nô bộc thì có đáng gì đâu? Vẻ mặt cô ta tỏ ra cực kỳ khinh miệt.

Vào thời đó đạo quân thần rất nghiêm ngặt, Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Bọn Chử Vạn Lý là phận thần tử ở triều đình Đại Lý, đối với Đoàn gia cực kỳ kính trọng. Thế nhưng họ Đoàn xuất phát từ võ lâm Trung Nguyên, trước sau vẫn giữ qui củ giang hồ. Bọn Hoa Hách Cấn, Chử Vạn Lý… tuy là bầy tôi nhưng Đoàn Chính Minh, Đoàn Chính Thuần vẫn coi họ như huynh đệ. Đoàn Chính Thuần thường qua lại giang hồ Trung Nguyên từ lúc còn trẻ, Chử Vạn Lý theo ông vào sinh ra tử, từng trải phong ba không biết bao nhiêu, đâu phải là một kẻ nô bộc tầm thường? Câu nói của A Tử làm bọn Phạm Hoa hết sức bất mãn. Nếu không phải ở chỗ cần nghi lễ, Bảo Định Đế đối với bọn họ vẫn thường hô huynh gọi đệ, huống chi Đoàn Chính Thuần chưa lên ngôi cửu ngũ, A Tử chẳng qua là một đứa con tư sinh, danh phận chưa rõ mà đã đối xử khinh bạc.

Đoàn Chính Thuần vừa đau lòng về cái chết của Chử Vạn Lý, lại xấu hổ với anh em vì đứa con như thế. Ông đưa trường kiếm lên thản nhiên bước ra, chỉ vào mặt Đoàn Diên Khánh mà nói: Nếu ngươi muốn giết ta thì cứ động thủ đi. Họ Đoàn lấy nhân nghĩa trị nước, nếu tàn sát người vô tội thì dù được nước cũng chẳng bền lâu.

Tiêu Phong cười thầm trong bụng, lẩm bẩm: Ngươi nói thật dễ nghe quá, đến nước này còn giở trò ngụy quân tử.

Đoàn Diên Khánh điểm cây thiết trượng xuống đất, vọt người một cái đã đến bên cạnh Đoàn Chính Thuần, nói: Phải chăng ngươi muốn đơn đả độc đấu với ta, không liên quan đến người ngoài? Đoàn Chính Thuần đáp: Đúng vậy! Ngươi giết ta xong rồi hãy đến Đại Lý giết Hoàng huynh ta, xem có được như ý nguyện hay không? Thuộc hạ cùng thân thích của ta không liên quan gì đến chuyện này. Ông biết Đoàn Diên Khánh võ công cao quá, hôm nay chắc mình mất mạng, chỉ mong y đừng làm khó Nguyễn Tinh Trúc, A Tử cùng bọn Phạm Hoa. Đoàn Diên Khánh đáp: Thuộc hạ ngươi thì tha, thân thích ngươi thì phải giết. Năm xưa chỉ vì phụ hoàng nhân đức không giết hai anh em ngươi nên mới có cái họa soán nghịch hôm nay.

Đoàn Chính Thuần nghĩ thầm: Đoàn Chính Thuần này phải đường hoàng mà chết, không thể để người đàm tiếu. Ông quay sang thi thể Chử Vạn Lý, chắp tay nói: Chử huynh đệ! Hôm nay Đoàn Chính Thuần cùng huynh đệ sóng vai kháng địch. Ông quay lại dặn Phạm Hoa: Phạm tư mã! Sau khi ta chết hãy chôn ta ngang với Chử huynh đệ, không phân biệt chúa tôi. Đoàn Diên Khánh cười khẩy: Ha ha! Giả nhân giả nghĩa! Đến nước này ngươi còn cố thu phục nhân tâm, mong người ta liều chết vì ngươi nữa sao?

Đoàn Chính Thuần không trả lời, tay trái bắt kiếm quyết, tay phải ra chiêu Kỳ Lợi Đoạn Kim, chính là chiêu mở đầu trong Đoàn gia kiếm. Đoàn Diên Khánh biết rõ biến hóa trong chiêu này, thản nhiên trả lại một trượng. Hai người xuất thủ đều sử dụng võ công tổ truyền của nhà họ Đoàn. Đoàn Diên Khánh lấy trượng thay kiếm, định bụng sẽ dùng Đoàn gia kiếm pháp để giết Đoàn Chính Thuần. Y muốn giết Đoàn Chính Thuần không phải vì thù oán riêng tư mà vì tranh đoạt ngôi vua nước Đại Lý, trước mắt có cả Tam công trong triều, nếu như y dùng công phu tà phái giết Đoàn Chính Thuần, chắc chắn quần thần Đại Lý không phục. Còn nếu y dùng bản môn công phu Đoàn gia kiếm pháp để thủ thắng, thật là danh chính ngôn thuận, không ai dị nghị được. Huynh đệ họ Đoàn tranh chấp ngôi vua không liên quan gì đến quần thần, sau này lên ngôi báu cũng tiện lợi hơn nhiều.

Đoàn Chính Thuần thấy y dùng thiết trượng sử dụng công phu bản môn, trong bụng hơi yên tâm, liền ngưng thần nín thở, bộ pháp vững vàng, kiếm chiêu nhẹ nhàng khinh khoái, chiêu nào tung ra cũng công thủ đúng phép tắc. Đoàn Diên Khánh dùng thiết trượng sử Đoàn gia kiếm pháp cũng thật tuyệt vời, chiêu số khinh linh phiêu dật không hề để mất khí tượng đế vương.

Tiêu Phong nghĩ thầm: Hôm nay quả là dịp may khó gặp. Ta vẫn băn khoăn không biết Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn ghê gớm đến thế nào, may sao Đoàn Chính Thuần lại có cường địch tìm đến. Đối thủ lại cùng họ với y, tuyệt kỹ của Đoàn gia đến mức độ nào, chỉ chốc lát là ta biết.

Xem đến hai chục chiêu, cây thiết trượng trong tay Đoàn Diên Khánh dường như trầm trọng hơn, trì trệ hơn lúc đầu, mỗi khi đụng phải kiếm của Đoàn Chính Thuần, hai món binh khí dội ra càng lúc càng xa. Tiêu Phong gật gù, nghĩ bụng: Tuyệt nghệ dần dần hiển lộ, chỉ dùng một cây thiết trượng nhẹ nhàng mảnh khảnh mà sử được như thiền trượng sáu bảy chục cân, công lực lão quả thực phi phàm. Người võ công cao cường đều có thể cử trọng nhược khinh, dùng binh khí nặng một cách nhẹ nhõm, nhưng đến mức cử khinh nhược trọng, dùng binh khí nhẹ một cách trầm trọng thì công lực phải cao hơn một mức. Tuy nhiên, sử như nặng mà không phải nặng thật, nghĩa là phải uy mãnh như một món binh khí nặng, nhưng cũng phải giữ cái khéo léo linh hoạt của binh khí nhẹ. Tiêu Phong thấy Đoàn Diên Khánh sử dụng cây gậy nhỏ bé chẳng khác gì cương trượng, càng lúc càng như nặng thêm không biết đâu là bờ bến, phải khen thầm nội lực lão thật kinh người.

Đoàn Chính Thuần ra sức nghênh tiếp, thấy mỗi lúc thiết trượng của kẻ địch càng nặng thêm, áp lực khiến ông phải ngộp thở. Võ công họ Đoàn quan trọng nhất là nội kình, hơi thở không thông là kém thế rồi. Thế nhưng Đoàn Chính Thuần không sợ hãi chút nào, vốn đã biết mình không thắng được, tự an ủi cuộc đời hưởng phúc đã nhiều, hôm nay bỏ mạng bên Tiểu Kính Hồ cũng không uổng một kiếp người. Huống chi lại có Nguyễn Tinh Trúc xinh đẹp đứng bên cạnh nhìn mình đầy vẻ tình tứ, có chết cũng thành con quỷ phong lưu.

Ông đi đến đâu vương tình đến đó, đối với Nguyễn Tinh Trúc cũng chẳng quyến luyến gì hơn nguyên phối Đao Bạch Phượng hay những người khác. Thế nhưng tính ông ở cạnh ai cũng chân tâm đối xử, dù có phải chết vì người tình cũng không oán hận. Còn khi đã dứt áo ra đi vui vầy duyên mới rồi, thì lại là chuyện khác.

Đoàn Diên Khánh truyền nội lực vào thiết trượng mỗi lúc một nặng, hai bên qua lại hơn sáu mươi chiêu, Đoàn gia kiếm pháp đã thi triển hết rồi. Lão thấy đầu mũi Đoàn Chính Thuần đã lấm tấm mồ hôi nhưng hơi thở vẫn giữ điều hòa thong thả thì nghĩ thầm: Ta nghe gã này là tên hiếu sắc, vô số nhân tình, vậy mà nội lực vẫn còn dai dẳng như thế. Ta không thể coi thường hắn được. Lúc này cây thiết trượng đã phát huy nội lực đến cực độ, phát ra tiếng gió vù vù. Mỗi lần Đoàn Chính Thuần đỡ được một chiêu lại lảo đảo người một cái.

Hai người đều sử dụng những kiếm chiêu đã thuộc lòng từ hồi mười ba mười bốn tuổi, ngay như bọn Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch coi suốt mấy chục năm cũng đã quen, thành ra trận đấu này không phải tỉ thí chiêu số, mà là tỉ thí nội lực. Bọn Phạm Hoa xem đến đây đã thấy rõ Đoàn Chính Thuần không chịu nổi, đưa mắt cho nhau, lăm lăm binh khí toan xông lên tương trợ.

Đột nhiên có tiếng thiếu nữ cười khanh khách rồi nói: Buồn cười, thật là buồn cười! Họ Đoàn Đại Lý tự xưng anh hùng hào kiệt, vậy mà cả bọn toan xông lên lấy đông đánh ít, chẳng hóa ra tiểu nhân vô liêm sỉ hay sao? Mấy câu đó từ miệng A Tử phát ra, thật tình mọi người không ai hiểu nổi. Người đang gặp nguy chính là phụ thân, thế mà cô ta đã không lo lắng mà còn buông lời giễu cợt chê bai.

Nguyễn Tinh Trúc giận dữ mắng con: A Tử! Ngươi biết gì mà nói láo lếu? Cha ngươi là Trấn Nam Vương nước Đại Lý, còn địch thủ là kẻ phản nghịch của họ Đoàn. Những bằng hữu đây đều là thần tử nước Đại Lý, đều có trách nhiệm diệt quân cuồng bạo; giữ yên đất nước. Bà ta chỉ thông thạo thủy tính, còn võ công thì bình thường, thấy tình lang gặp phải nguy cơ liền nóng ruột kêu lên: Các vị xông vào cả đi! Đối phó với hung đồ phản nghịch còn nói gì đến qui củ giang hồ?

A Tử cười nói: Má má nói vậy càng đáng buồn cười! Gia gia phải là bậc anh hùng hảo hán thì con mới nhìn nhận. Nếu là hạng vô liêm sỉ, đánh nhau cần đến người tiếp sức, thì con nhìn nhận cái thứ gia gia đó làm gì? Mấy câu đó giọng nói oang oang, ai cũng nghe rõ. Phạm Hoa và bọn Ba Thiên Thạch, Hoa Hách Cấn ai nấy bần thần, cảm thấy xông lên tương trợ thì bẽ mặt, mà đứng yên thì cũng không xong.

Đoàn Chính Thuần tuy là kẻ phong lưu đa tình, nhưng cũng thích bốn chữ anh hùng hảo hán. Ông vẫn thường tự nhạo mình: Anh hùng nan quá mỹ nhân quan, dẫu không qua được cửa ải mỹ nhân vẫn là anh hùng. Hạng Bá Vương có Ngu Cơ, Hán Cao Tổ có Thích Cơ, Lý Thế Dân có Võ Tắc Thiên đó thì sao? Thành thử ông quyết không làm những việc hèn hạ tệ hại, nhút nhát khiếp nhược. Ông đang chiến đấu kịch liệt chợt nghe A Tử nói thế, lập tức lớn tiếng: Sống hay chết, thắng hay bại phỏng có chi đáng kể? Bất cứ ai tiến lên tương trợ, là coi Đoàn Chính Thuần này chẳng ra gì.

Ông mở miệng nói khiến nội lực gián đoạn, nhưng Đoàn Diên Khánh không thừa cơ bức bách mà lui lại một bước, chống cả song trượng dưới đất, đợi ông nói xong mới đánh tiếp. Bọn Phạm Hoa đều kinh hãi, thấy Đoàn Diên Khánh phong độ ung dung nhàn nhã, chẳng qua biết mình thắng thế nên không thèm nhân cơ hội chiếm lấy tiện nghi.

Đoàn Chính Thuần mỉm cười nói: Ta lại xuất chiêu nữa đây. Tay áo ông phất một cái, trường kiếm lại đâm ra.

Nguyễn Tinh Trúc nói: A Tử! Con xem kiếm pháp gia gia lợi hại biết chừng nào, nếu quả ông ta muốn lấy mạng con quỷ nhập tràng kia thì thừa sức. Có điều cha con thân phận vương gia, nên mới giao cho thuộc hạ kết liễu hắn, không cần phải tự mình ra tay. A Tử đáp: Gia gia chưa chắc đã thanh toán y được. Con chỉ sợ má má mồm lim dạ sứa, ngoài miệng nói cứng mà trong bụng run như cầy sấy. Mấy câu đó quả đúng tâm sự mẫu thân. Nguyễn Tinh Trúc hầm hầm lườm con, nghĩ thầm: _Con nhãi ranh này thực là ngu xuẩn, nói năng vô ý vô tứ.

Đột nhiên Đoàn Chính Thuần đâm ra liên tiếp ba chiêu thật nhanh, nhưng nội lực Đoàn Diên Khánh mỗi lúc một tăng, chiêu nào của ông cũng bị hất ngược lại. Chiêu thứ tư của Đoàn Chính Thuần là Kim Mã Đằng Không, trường kiếm lượn ngang qua, thiết trượng trong tay Đoàn Diên Khánh liền ra chiêu Bích Kế Báo Hiểu đón lấy, trường kiếm vừa gặp nhau lập tức dính chặt lấy. Cổ họng Đoàn Diên Khánh kêu lên ùng ục, hữu trượng điểm mạnh trên mặt đất một cái, thân hình vọt lên không, nhưng đầu tả trượng vẫn dính vào mũi kiếm của Đoàn Chính Thuần.

Tinh thế trở nên một bên hai chân bám sát xuống đất vững như núi, không chịu nhúc nhích, còn một bên toàn thân lơ lửng trên không, dật dờ vô định như cành liễu trước gió.

Người đứng chung quanh đều Ối chà một tiếng, biết rằng hai người đã vào giai đoạn khẩn yếu tỉ đấu nội lực. Đoàn Chính Thuần đứng dưới đất, hai chân có chỗ tựa để vận kình, như thế có lợi hơn, thế nhưng Đoàn Diên Khánh từ trên cao ép xuống, trọng lượng toàn thân dồn cả vào mũi kiếm đối phương, cũng có chỗ tiện nghi. Chỉ trong giây lát, trường kiếm từ từ cong lại biến thành hình cánh cung, còn thiết trượng vẫn thẳng băng như mũi tên.

Tiêu Phong thấy trường kiếm trong tay Đoàn Chính Thuần chỉ cong thêm chút nữa là gãy đôi, nghĩ thầm: Tại sao cả hai vẫn chưa sử dụng tuyệt kỹ Lục Mạch Thần Kiếm? Không lẽ Đoàn Chính Thuần biết công phu của mình không bằng đối phương nên không dám phô cái vụng về ra? Nhưng xem cách y vận dụng nội lực thì hình như đã cạn vốn rồi, chẳng còn bản lĩnh nào chưa dùng đến.

Đoàn Chính Thuần thấy trường kiếm trong tay lúc nào cũng có thể gãy đôi, vội hít một hơi dài, ngón trỏ bên trái điểm ra, chính là công phu Nhất Dương Chỉ. Công phu của ông còn chưa bằng được hoàng huynh là Đoàn Chính Minh, chỉ lực không xa quá ba thước. Trượng đang nối vào kiếm, cộng lại phải đến tám thước, phát chỉ đó không thể nào đả thương được đối phương. Ông phóng chỉ không phải nhằm vào Đoàn Diên Khánh, mà là đâm vào thiết trượng của y.

Tiêu Phong nhíu mày nghĩ thầm: Xem chừng gã này không biết sử dụng Lục Mạch Thần Kiếm, có lẽ còn kém cả nghĩa đệ ta. Chỉ pháp này chẳng qua là một môn công phu cách không điểm huyệt cao minh, có gì kỳ diệu đâu? Thế nhưng chỉ lực vừa đụng vào, cây trượng của Đoàn Diên Khánh rung lên, trường kiếm duỗi thẳng ra được một chút. Đoàn Chính Thuần liên tiếp điểm ra ba chỉ, trường kiếm duỗi ra được ba lần, tạm thời thẳng thắn như cũ.

A Tử lại liến thoắng nói: _Má má ơi! Gia gia đã dùng trường kiếm, lại còn phóng chỉ ra nữa, mà mới ngang sức được với một cây trượng của người ta. Giả sử đối phương sử dụng luôn cây trượng kia thì không biết gia gia làm sao mọc đủ ba tay để chống lại? Không chừng chỉ còn cách nằm xuống giơ chân đá lên, tuy khó coi cũng còn hơn để người ta đâm cho chết ngoẻo.

Nguyễn Tinh Trúc đã nghĩ đến chuyện đó, trong bụng đang lo, mà cô con gái đứng kế bên lại nói toàn những lời xúi quẩy khó nghe như chọc vào tai. Bà ta chưa kịp trả lời đã thấy hữu trượng của Đoàn Diên Khánh vung lên nghe véo một tiếng, điểm luôn vào ngón trỏ bên trái của Đoàn Chính Thuần.

Thủ pháp cùng nội lực của Đoàn Diên Khánh cũng chính là Nhất Dương Chỉ, có điều lấy trượng thay ngón tay còn lợi thế hơn. Đoàn Chính Thuần không tránh né, ngón tay đụng vào đầu trượng ê ẩm lên đến tận vai. Ông rụt tay về, đang vận nội kình chuẩn bị điểm ra tiếp, ngờ đâu cây trượng chuyển động, Đoàn Diên Khánh đã tiếp tục đâm tiếp. Đoàn Chính Thuần kinh hoàng nghĩ thầm: Y vận nội lực nhanh đến thế, chẳng khác gì muốn sao được vậy. Công phu Nhất Dương Chỉ của lão tinh điệu phi thường, ta còn thua xa. Ông vội vàng đâm ngón tay ra nhưng đã chậm mất một chút, thân hình lảo đảo.

Đoàn Diên Khánh thấy đánh nhau đã lâu, e rằng đêm dài lắm mộng để lâu sinh chuyện, nếu như phe địch xông cả lên thì mình lại càng hao phí hơi sức. Lão bèn vung trượng như gió cuốn, chớp mắt đã điểm luôn chín lần. Đoàn Chính Thuần hết sức chống đỡ, đến trượng thứ chín thì chân khí không liên tục nữa, nghe sột một tiếng, đầu trượng đã đâm vào vai. Thân hình ông lắc lư, lại nghe cắc một tiếng, trường kiếm bên tay phải lại gãy đôi.

Trong cổ họng Đoàn Diên Khánh phát ra một tiếng quái gở, thiết trượng bên tay phải đâm luôn vào sọ đối phương. Y sử dụng toàn lực xuất chiêu này quyết lấy mạng Đoàn Chính Thuần, tiếng gió rít vù vù.

Tam công Đại Lý là Phạm Hoa, Ba Thiên Thạch, Hoa Hách Cấn thấy nguy hiểm cùng nhảy tới, chia ra hai bên tấn công Đoàn Diên Khánh. Họ muốn cứu Đoàn Chính Thuần thì không kịp nữa, chỉ còn cách vây Ngụy cứu Triệu, tấn công vào những nơi yếu hại của Đoàn Diên Khánh, ép y phải quay về tự cứu mình. Lão cũng đã tính trước chuyện đó rồi, tả trượng chống xuống đất đỡ thân mình, hữu trượng vận hết nội kình tạt ngang ra đánh giạt cả ba món binh khí, sau đó quay lại đâm vào đầu Đoàn Chính Thuần.

Nguyễn Tinh Trúc kêu lên thất thanh vội vàng nhào đến. Xem ra nếu tình lang chết ngay tại chỗ, thì nàng cũng chẳng muốn sống làm gì.

Thiết trượng của Đoàn Diên Khánh chỉ còn cách huyệt Bách Hội trên đầu Đoàn Chính Thuần chừng ba tấc, đột nhiên thân hình ông bay tạt qua một bên, phát trượng điểm vào chỗ không. Khi đó Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Ba Thiên Thạch lại ép cho Đoàn Diên Khánh phải thu trượng trở về. Ba Thiên Thạch động thủ chớp nhoáng, lật tay một cái nắm ngay được cổ tay Nguyễn Tinh Trúc lôi về để bà ta khỏi uổng mạng dưới tay Đoàn Diên Khánh. Lúc đó mọi người đều quay sang nhìn Đoàn Chính Thuần.

Đoàn Diên Khánh không điểm trúng đối phương, lão thấy một đại hán thò tay nắm gáy Đoàn Chính Thuần, nhẹ nhàng kéo ông ta ra trong đường tơ kẽ tóc, lực đạo đã phi thường lại vô cùng xảo diệu. Công phu đó quả thật khó lường, Đoàn Diên Khánh tuy võ nghệ tuyệt luân, mà cũng tự nghĩ mình không làm được như thế. May mà toàn bộ da thịt trên mặt lão đã bị cứng đờ, tuy hết sức kinh ngạc nhưng vẫn không biến sắc, chỉ khịt mũi một tiếng.

Người ra tay cứu Đoàn Chính Thuần chính là Tiêu Phong. Trong khi hai người họ Đoàn kịch đấu, chàng đứng bên ngoài chăm chăm quan sát. Đến khi Đoàn Chính Thuần sắp bị đối phương giết chết, chàng thấy cây trượng của Đoàn Diên Khánh mà điểm xuống thì mối huyết hải thâm cừu của mình không sao tự tay báo phục nữa. Mấy ngày qua, Tiêu Phong đã thề nguyền không biết bao nhiêu lần, dù sao cũng phải trả bằng được mối thù này. Bây giờ cừu nhân ở ngay trước mắt, lẽ nào lại để y chết về tay kẻ khác? Chàng bèn tung mình nhảy tới, túm lấy Đoàn Chính Thuần lôi vèo ra ngoài.

Đoàn Diên Khánh tâm cơ linh mẫn, không để Tiêu Phong bỏ Đoàn Chính Thuần xuống. Y vung hữu trượng như gió táp mưa sa, điểm liên tiếp vào những yếu huyệt trên người Đoàn Chính Thuần. Lão nhất quyết trừ khử vật chướng ngại trên đường lên ngôi hoàng đế, còn đối phó Tiêu Phong cách nào thì sẽ tính sau.

Tiêu Phong vẫn xách Đoàn Chính Thuần né tả tránh hữu, luôn theo những khe hở giữa hai chiêu trượng mà tránh được hết. Đoàn Diên Khánh xuất luôn hai mươi bảy chiêu mà vẫn không đụng tới chéo áo Đoàn Chính Thuần. Lão ngấm ngầm kinh hãi, biết mình không phải là địch thủ của Tiêu Phong liền hú lên một tiếng quái dị, tung người ra ngoài mấy trượng rồi hỏi: Các hạ là ai? Sao lại xen vào việc này?

Tiêu Phong chưa kịp trả lời, Vân Trung Hạc đã lên tiếng: Lão đại! Y chính là Kiều Phong, tiền nhiệm bang chủ Cái Bang. Đồ đệ của đại ca là Truy hồn trượng Đàm Thanh chết vì tên ác ôn này. Vân Trung Hạc vừa dứt lời, không chỉ Đoàn Diên Khánh chấn động mà cả đám họ Đoàn Đại Lý cũng rùng mình. Tên tuổi Kiều Phong lừng lẫy khắp thiên hạ, Bắc Kiều Phong Nam Mộ Dung, trong võ lâm chẳng ai không biết. Có điều khi chàng báo danh với Đoàn Chính Thuần và Phó Tư Qui đều tự xưng là Tiêu Phong người Khất Đan, nên không ai biết chàng chính là Kiều Phong vang danh bốn bể. Đến bây giờ nghe Vân Trung Hạc nói thế, ai nấy đều nghĩ thầm: Thì ra là y! Võ công tuyệt thế, giàu lòng nghĩa hiệp, quả nhiên danh bất hư truyền.

Đoàn Diên Khánh đã nghe Vân Trung Hạc kể lại rõ ràng việc tên đệ tử đắc ý của mình là Đàm Thanh ở Tụ Hiền Trang hại người không được, lại bị Kiều Phong giết chết. Bây giờ lão nghe nói người đứng trước mặt kia là kẻ giết đệ tử mình, trong lòng vừa căm tức vừa sợ hãi, liền đưa thiết trượng ra viết lên trên nền đá xanh: Các hạ có thù gì với ta mà đã giết đệ tử, lại đến đây làm hỏng đại sự?

Tiếng rào rào vang lên không dứt tưởng chừng như viết lên đống cát, chữ nào cũng hằn sâu vào đá. Môn phúc ngữ của y mà đem kết hợp với nội công thượng thừa có thể làm người ta hồn phách mê man, thần trị rối loạn, là một thứ tà môn cực kỳ lợi hại. Có điều môn tà thuật này đem tâm lực khắc chế đối phương, nếu địch nhân nội lực thắng mình, thì lại bị khắc chế ngược lại. Lão đã rõ về cái chết của Đàm Thanh, lại xem thân thủ Tiêu Phong cứu Đoàn Chính Thuần, nên không dám mạo hiểm dùng thuật phúc ngữ để tự hại mình.

Tiêu Phong đợi lão viết xong, không nói một lời, tiến lên lấy gót chân di di mấy cái, xóa sạch những chữ trên nền đá. Người viết dùng thiết trượng viết trên nền đá xanh đã là khó lắm rồi, nhưng còn có thể dồn nội lực vào đầu trượng. Người xóa dùng gót chân di sạch tự tích thì đương nhiên khó khăn gấp bội. Hai người một viết một xóa, coi phiến đá xanh lót đường ven hồ chẳng khác gì bãi cát nơi bờ biển.

Đoàn Diên Khánh thấy đối phương lấy chân xóa hết chữ của mình, biết rằng ông ta một là phô trương bản lãnh, hai là tuyên bố không thù không oán, chuyện cũ bỏ qua, nếu không truy cứu thì hai bên ngừng tay. Đoàn Diên Khánh biết mình không phải đối thủ, lùi sớm đi là hơn để khỏi phải thất bại nhục nhã. Lão bèn đưa thiết trượng bên phải gạch một đường từ trên xuống dưới rồi lại móc lên một cái, một nét sổ toẹt như xóa hết mọi chuyện, sau đó điểm đầu trượng một cái, bay ngược về sau, xoay mình lặng lẽ đi mất.

Nam Hải Ngạc Thần giương cặp mắt ti hí nhìn Tiêu Phong một chặp ra chiều không phục, mắng: Con mẹ nó, có cái quái gì đâu mà thằng chó đẻ… Y nói chưa dứt câu, đột nhiên thân hình vọt lên trên không, rơi tõm xuống giữa hồ nước văng tung tóe, rồi chìm lỉm trong Tiểu Kính Hồ.

Thì ra Tiêu Phong giận nhất ai chửi chàng là đồ chó đẻ, tay trái vẫn nhấc Đoàn Chính Thuần, xông đến dùng tay phải chụp lấy Nam Hải Ngạc Thần quẳng xuống dưới nước. Chàng hạ thủ nhanh như chớp, Nam Hải Ngạc Thần không sao kháng cự được.

May mà lão sống lâu nơi Nam Hải, lại tự xưng là cá sấu thần nên bơi lội rất giỏi, hai chân đạp vào đáy hồ một cái người đã vọt lên khỏi nước, kêu lên: Ngươi làm cách nào… Lão mới nói một phần ba câu, thân hình lại chìm xuống dưới đáy hồ. Lão lại nhảy lên khỏi mặt nước, gào lớn:… ,_ ám toán lão gia…_ Nói chưa hết câu lại chìm nghỉm. Đến lần thứ ba lão mới nói hết câu:… _ lão gia không tha đâu._ Nam Hải Ngạc Thần tính nóng như lửa, tức quá không thể đợi đến lúc lên bờ rồi hãy mắng Tiêu Phong, nên vừa nhô lên hụp xuống vừa chửi mấy câu cho hả giận.

A Tử cười nói: Mọi người xem kìa! Lão này trồi lên hụp xuống dưới nước, trông giống hệt một con rùa. Vừa lúc đó Nam Hải Ngạc Thần nhảy lên khỏi mặt nước nghe thấy cô ta nói thế, liền chửi: Ngươi mới là một con rùa… A Tử vung tay ném ra một mũi phi chùy nghe đánh véo một tiếng.

Khi ám khí bay tới nơi, Nam Hải Ngạc Thần lại chìm mất tăm rồi. Lão bơi tới bờ hồ rồi leo lên, người ướt như chuột lột nhưng không sợ hãi cũng không xấu hổ chút nào, vác mặt đi đến trước Tiêu Phong, ngoẹo cổ giương đôi mắt ti hí nhìn chàng hỏi: Ngươi dùng thủ pháp gì vứt ta xuống hồ thế? Công phu đó lão gia chưa biết. Diệp Nhị Nương đứng cách bảy tám trượng kêu lên: Lão tam đi thôi, đừng ở đây mà xấu hổ thêm. Nam Hải Ngạc Thần giận dữ đáp: Ta bị ném xuống hồ, mà người ta dùng thủ pháp gì cũng chưa biết, mới thật là xấu hổ. Ta phải hỏi cho minh bạch mới được.

A Tử nghiêm nghị nói: Được lắm! Để bản cô nương nói cho nghe. Tuyệt kỹ đó của ông ta tên là Trịch Qui Công (công phu bắt rùa). Nam Hải Ngạc Thần nói: Ồ, hóa ra môn đó gọi là Trịch Qui Công! Ta biết được tên công phu đó rồi, sẽ đi kiếm người dạy rồi khổ luyện một phen, sau này sẽ không bị bẽ mặt nữa. Nói xong lão xoay người chạy đi, lúc đó Diệp Nhị Nương và Vân Trung Hạc đã chạy xa rồi.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 20

Thích Nhất Hạnh | Sợ hãi | Chương 20

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.