Kim Dung | Thiên long bát bộ | Chương 39

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

 · 102 phút đọc.

Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.

Hôm sau Hư Trúc tỉnh dậy thì phát hiện mình đang nằm trên giường nệm rất êm, mở mắt nhìn ra ngoài màn thì thấy phòng ngủ rất rộng, cũng ít đồ vật như một thiền phòng trong chùa Thiếu Lâm. Trong phòng bài trí rất trang nhã, mấy cái đỉnh đồng, bình sứ cũng tương tự như chuông đồng lư hương trong chùa. Y nhìn cảnh tượng trước mắt mà mơ mơ hồ hồ mất một lúc, không hiểu mình đang ở đâu.

Một thiếu nữ bưng khay đến bên giường, chính là Lan Kiếm. Nàng nói: Chủ nhân đã dậy chưa? Xin chủ nhân súc miệng. Hư Trúc chưa hết hơi men, miệng đắng ngắt, khát khô cổ. Y thấy trong khay có chén nước trà liền bưng lên uống, chỉ thấy vừa ngon vừa ngọt, bèn uống một hơi cạn sạch. Cả đời Hư Trúc chưa uống sâm thang bao giờ, làm sao nhận ra được? Y chẳng biết là thứ trà gì, rụt rè cười nói: Đa tạ tỉ tỉ! Tại hạ… tại hạ muốn dậy, xin tỉ tỉ ra ngoài!

Lan Kiếm chưa kịp đáp thì ngoài cửa phòng lại có một thiếu nữ bước vào, chính là Cúc Kiếm. Nàng mỉm cười nói: Hai tỉ muội nô tì xin giúp chủ nhân thay áo. Rồi nàng lại đầu giường, với lấy một bộ quần áo lót màu xanh nhạt, đặt vào trong chăn Hư Trúc.

Hư Trúc sợ quá, then đỏ mặt nói: Không, không ta… ta không cần hai vị tỉ tỉ giúp. Ta không bị thương mà cũng chẳng bệnh tật chi hết, chỉ uống rượu quá say mà thôi. Hỡi ôi, ta lại phạm thêm vào giới tửu rồi! Kinh Phật có dạy, uống rượu có ba mươi sáu điều hại. Từ nay nhất định không uống nữa. Tam đệ đâu? Đoàn công tử đâu? Y đi đâu rồi?

Lan Kiếm tươi cười đáp: Đoàn công tử xuống núi rồi. Lúc công tử ra đi có dặn nô tì bẩm lại với chủ nhân, khi chủ nhân sắp xếp yên ổn việc ở cung Linh Thứu thì nhớ đến Trung Nguyên để gặp nhau.

Hư Trúc la lên một tiếng Trời ơi! rồi nói: Ta còn có việc muốn hỏi y, sao y đã vội đi ngay? Hư Trúc trong lòng nóng nảy, lật đật nhảy xuống giường toan đuổi theo Đoàn Dự để hỏi tên họ cùng địa chỉ của cô nương trong mộng. Đột nhiên y thấy mình đã mặc áo lót màu trắng rất sạch sẽ thì la lên một tiếng kinh ngạc, vội kéo chăn đắp lên mình rồi hốt hoảng hỏi: Ta thay áo từ bao giờ? Lúc Hư Trúc rời khỏi chùa Thiếu Lâm chỉ có một bộ áo lót, đã nửa năm chưa thay đổi. Bây giờ y thấy quần áo lót nhẹ nhàng sạch sẽ, tuy chẳng biết là lụa là hay gấm đoạn, nhưng cũng biết là đồ quí.

Cúc Kiếm cười nói: Đêm qua chủ nhân say rượu, bốn tỉ muội nô tì đã phục thị thay đổi y phục, chủ nhân không biết thật ư? Hư Trúc cả kinh ngẩng đầu lên nhìn, thấy Lan Kiếm, Cúc Kiếm người đẹp như ngọc, cười tươi như hoa, trái tim bất giác đập thình thình. Y lại giơ tay lên thì thấy cánh tay mình trắng trẻo mịn màng, rõ ràng bao nhiêu cáu ghét đã được cọ rửa sạch sẽ hết. Y chỉ còn một tia hy vọng, gượng cười nói: Hôm qua ta say quá, may là còn nhớ tắm rửa sạch sẽ rồi mới đi ngủ. Lan Kiếm cười đáp: Đêm qua chủ nhân say túy lúy, ngủ li bì. Bốn tỉ muội nô tì đã tắm gội cho chủ nhân đó. Hư Trúc la hoảng một tiếng suýt ngất đi, rồi lại nằm xuống lẩm bẩm: Hỏng bét! Thật là hỏng bét!

Lan Kiếm, Cúc Kiếm không khỏi giật mình, đồng thanh hỏi: Chủ nhân! Chủ nhân có điều chi không ổn? Hư Trúc cười đau khổ, đáp: Ta là nam nhân, lại bộc lộ thân thể trước mặt bốn vị tỉ tỉ… lại còn không hỏng bét ư? Huống chi thân thể ta dơ bẩn lâu ngày, hôi thối nồng nặc, sao các vị tỉ tỉ lại làm cái việc ô uế đó? Lan Kiếm nói: Bốn tỉ muội đã là nô tì của chủ nhân, dù phải vì chủ nhân mà tan xương nát thịt cũng không dám oán hận. Bọn nô tì đã phạm tội gì, xin chủ nhân trách phạt. Nói xong, cả hai cô lạy phục xuống đất, miệng không ngớt xin tha tội.

Hư Trúc thấy hai nàng sợ sệt, nhớ bọn Dư bà, Thạch tẩu mỗi khi thấy mình lịch sự là run rẩy, nghĩ chắc Lan Kiếm, Cúc Kiếm cũng coi mình như Đồng Mỗ khi trước, cứ ăn nói hiền từ hay nét mặt ôn hòa là sắp sửa đưa ra hình phạt ghê gớm. Y bèn nói: Hai vị tỉ… Hừ! Các ngươi ra ngoài cho ta thay áo, không cần phải phục vụ. Hai nàng Lan, Cúc đứng dậy, nước mắt chảy quanh, lui ra ngoài phòng. Hư Trúc rất làm kỳ hỏi: Ta có gì lầm lỗi với các ngươi? Sao các ngươi lại không vui? E rằng ta đã nói sai gì chăng? Cái đó…

Cúc Kiếm đáp: Chủ nhân đuổi bọn nô tì ra ngoài, không cho phục vụ gội rửa thay áo thì nhất định… là ghét bỏ bọn nô tì… Cô chưa dứt lời, nước mắt đã lã chã rơi xuống. Hư Trúc khoát tay lia lịa nói: Không, không phải thế. Ôi chao, ta không biết nói thế nào cho rõ được. Ta là nam nhân, các ngươi là nữ nhân… cái đó… không tiện… chút nào. Ta không có ý gì khác đâu! Có Phật tổ chứng minh, người xuất gia không biết nói dối. Ta không gạt các ngươi đâu?

Lan Kiếm, Cúc Kiếm thấy Hư Trúc vừa nói vừa vung tay chỉ trỏ, có vẻ vừa nóng nảy vừa thành thực, bất giác phá lên cười rồi đồng thanh nói: Chủ nhân đừng nghĩ ngợi gì. Trong cung Linh Thứu vốn không có nam nhân. Chủ nhân là trời, bọn nô tì là đất, làm gì có chuyện phân biệt nam nữ? Thế rồi hai người lại gần phục thị Hư Trúc thay áo đổi giày. Lát sau Mai Kiếm, Trúc Kiếm cũng bưng gương lược tới, một cô chải đầu, một cô rửa mặt cho Hư Trúc. Y sợ quá, không dám nói tiếng nào, mà cũng không dám bảo họ lui ra đừng phục vụ.

Hư Trúc biết Đoàn Dự đã đi xa, rượt theo cũng không kịp, lại nghĩ tới chưa giải trừ Sinh Tử Phù cho quần hào các đảo các động thì không tiện bỏ đi. Dùng điểm tâm xong, Hư Trúc ra đại sảnh gặp quần hào, đã thấy hai người đang bị Sinh Tử Phù phát tác hành hạ đau đớn khổ sở.

Giải trừ Sinh Tử Phù chỉ nhờ vào chân lực để thi triển Thiên Sơn Lục Dương Chưởng. Trong người Hư Trúc nội lực đầy rẫy, dù có giải trừ cho mười người một lúc cũng không biết mệt. Có điều Đồng Mỗ gieo Sinh Tử Phù mỗi người một chỗ, nghĩ ra cách giải trừ cũng phức tạp. Hư Trúc hiểu biết về kinh mạch huyệt đạo rất nông cạn, nên không dám động thủ bừa bãi, nếu có chỗ sai trật thì càng làm hại thêm. Đến giờ ngọ y mới trị được hai người, phải vào ăn cơm trưa rồi nghỉ ngơi một chút.

Mai Kiếm thấy y vì tìm cách giải Sinh Tử Phù mà hết chau mày lại vò đầu ra chiều mệt trí, liền nói: Chủ nhân! Trong hậu điện cung Linh Thứu có nhiều họa đồ do chủ nhân mấy trăm năm trước khắc vào vách đá. Nô tì đã nghe Đồng Mỗ nói những bức họa đồ đó có liên quan đến Sinh Tử Phù. Chủ nhân thử tới đó coi để nghiên cứu phép giải trừ cho mau chóng hơn. Hư Trúc cả mừng nói: Hay lắm!

Bốn cô Mai, Lan, Cúc, Trúc dẫn Hư Trúc đi vào hoa viên, xoay một hòn non bộ để lộ ra một cửa hầm. Mai Kiếm cầm đuốc đi trước dẫn đường, cả năm người cùng tiến vào. Thỉnh thoảng Mai Kiếm lại phải bấm nút ngăn chặn cơ quan, vì trong đường hầm có bố trí rất nhiều cạm bẫy ám khí cùng độc dược. Đường hầm này khúc khuỷu quanh co, có nhiều chỗ rất rộng rãi, rõ ràng là địa đạo thiên nhiên. Công trình to lớn này mà dùng sức người xây cất thì e rằng mấy trăm năm cũng không xong.

Đi hơn hai dặm trong lòng đất, Mai Kiếm giơ tay ra đẩy một khối đá bên phải, rồi nép sang bên nói: Chủ nhân tiến vào đi. Bên trong là một gian thạch thất, bọn nô tì không vào được. Hư Trúc hỏi lại: Sao các cô không vào? Trong ấy nguy hiểm lắm hay sao? Mai Kiếm đáp: Không có gì nguy hiểm, nhưng đó là trọng địa của bản cung, bọn nô tì không được phép vào. Hư Trúc bèn nói: Chúng ta cùng vào đi, có gì là quan hệ đâu? Đứng ngoài này vừa chật hẹp vừa khó chịu. Bốn tỉ muội nhìn nhau, vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa hoan hỉ.

Mai Kiếm nói: Chủ nhân! Trước kia Đồng Mỗ có bảo rằng: Nếu bốn tỉ muội nô tì hết lòng phục vụ người không phạm lỗi lầm, thì từ năm bốn mươi tuổi, mỗi năm người sẽ cho bọn nô tì vào thạch thất này một ngày để nghiên cứu võ công trên vách đá. Đó là một ân huệ rất lớn, theo lời Đồng Mỗ trước kia thì bọn nô tì phải hai mươi năm nữa mới được vào. Hư Trúc nói: Phải chờ những hai mươi năm, há chẳng buồn đến chết ư? Lúc đó các cô đã già cả rồi thì còn học võ công làm gì nữa? Chúng ta cùng vào thôi! Bốn cô cả mừng, lạy phục xuống tạ ơn, Hư Trúc vội nói: Dậy đi! Dậy đi! Nơi đây chật hẹp, nếu ta trả lễ thì đè lên nhau mất.

Bốn người tiến vào thạch thất thì thấy vách đá bốn phía đều mài nhẵn nhụi, có vô số vòng tròn đều nhau, đường kính chừng hai thước. Trong mỗi vòng tròn đều khắc nhiều đồ hình, cái khắc hình người, cái khắc hình thú vật, có cái khắc văn tự không đủ nét, lại có cái khắc ký hiệu và những đường nét ngoằn ngoèo. Vòng tròn nào cũng ghi số thứ tự bằng những chữ Giáp nhất, Giáp nhị… Tí nhất, Tí nhị… tổng số nếu không đến một ngàn thì cũng tám chín trăm vòng tròn, nhất thời làm sao xem hết được?

Trúc Kiếm nói: Chúng ta hãy xem vòng Giáp nhất trước. Chủ nhân thấy có đúng không? Hư Trúc gật đầu khen phải. Năm người bèn giơ đuốc lên soi vào vòng tròn đánh số Giáp nhất. Hư Trúc lập tức nhận ra vòng tròn này vẽ thủ pháp đầu tiên trong Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, bèn nói: Đây là Thiên Sơn Chiết Mai Thủ. Xem đến đồ hình Giáp nhị, quả nhiên là chiêu thứ hai trong Thiên Sơn Chiết Mai Thủ. Lần lượt xem xuống dưới, hết Thiên Sơn Chiết Mai Thủ thì đến các đồ hình Thiên Sơn Lục Dương Chưởng. Những ca quyết bí hiểm đều có chép rõ trong các vòng tròn.

Hết Thiên Sơn Lục Dương Chưởng thì đến đồ hình vẽ các loại võ công mà Hư Trúc chưa biết. Y bèn căn cứ theo đồ hình để vận động chân khí, mới học được vài chiêu đã thấy thân thể nhẹ nhàng như muốn bay bổng lên không, tựa như có chỗ sai lầm một chút nên mới không bay lên thật sự.

Hư Trúc đang để tâm trí vào đồ hình, không quan tâm gì đến bên ngoài, bỗng nghe hai tiếng la hoảng. Y cả kinh quay lại nhìn thì thấy hai cô Lan Kiếm, Trúc Kiếm ngã lăn xuống đất, còn hai cô Mai, Cúc cũng vịn vào vách đá, sắc mặt nhợt nhạt, lảo đảo muốn té. Hư Trúc vội chạy lại đỡ hai cô Lan, Trúc dậy rồi hỏi: Chuyện gì thế? Mai Kiếm run rẩy đáp: Chủ… chủ nhân! Công lực bọn nô tì kém cỏi, không thể ở đây xem được… xin ra ngoài đợi! Bốn cô dắt díu nhau, vịn vào vách đá, lần mò ra khỏi thạch thất.

Hư Trúc ngẩn ra một chút rồi chạy ra xem, thì thấy bốn cô ngồi xếp bằng trong đường hầm, cô nào cũng run bần bật, nét mặt cực kỳ đau khổ. Y biết là các cô đã bị nội thương trầm trọng, bèn vận Thiên Sơn Lục Dương Chưởng vỗ vào lưng mỗi người mấy cái. Một luồng khí dương hòa hùng hậu truyền vào cơ thể, sắc mặt bốn cô trở lại bình thường, rồi chẳng bao lâu đã toát mồ hôi, mở mắt ra nói: Đa tạ chủ nhân đã hao phí công lực để trị thương. Các cô sụp lạy tạ ơn, Hư Trúc đỡ dậy rồi hỏi: Chuyện… chuyện gì thế? Sao bỗng dưng các cô lại bị thương?

Mai Kiếm thở dài đáp: Chủ nhân! Đồng Mỗ bảo khi bọn nô tì đủ bốn mươi tuổi mới được vào thạch thất mỗi năm một lần để xem đồ hình, lão nhân gia thật đã suy nghĩ kỹ càng. Những đồ hình này khắc toàn võ công vi diệu, bọn nô tì không biết tự lượng, đã chiếu theo đồ hình Giáp nhất luyện tập, nhưng nội lực chưa đủ nên chân khí lập tức chạy loạn lên trong kinh mạch. Nếu chủ nhân không cứu giúp thì bọn tỉ muội nô tì vĩnh viễn không tỉnh lại. Lan Kiếm tiếp lời: Chắc Đồng Mỗ cũng mong tỉ muội nô tì mau đủ bốn mươi tuổi để tập luyện võ công thượng thặng. Nhưng… nhưng bọn nô tì tư chất kém cỏi, luyện tập hai mươi năm nữa cũng chưa chắc đã dám vào lại thạch thất này.

Hư Trúc đáp: Thì ra là thế! Đó là lỗi của ta, không nên để các vị tỉ tỉ vào đây mới phải. Tứ Kiếm lại lạy phục xuống đồng thanh nói: Sao chủ nhân lại nói thế? Đó là chủ nhân gia ân, đáng trách là bọn nó tì càn rỡ không biết lượng sức mình.

Cúc Kiếm nói: Công lực chủ nhân hùng hậu, rèn luyện những môn võ công cao thâm này chắc cũng dễ. Trước kia Đồng Mỗ đôi khi ở trong thạch thất hàng tháng không ra ngoài, chắc là để nghiên cứu tập luyện những đồ hình trên vách đá. Mai Kiếm lại nói: Bọn nô tài ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo đến đánh cung Linh Thứu, bức bách các tỉ muội bộ Quân Thiên phải chỉ nơi cất giấu bảo vật của Đồng Mỗ, nhưng mọi người một dạ trung thành, thà chết không khuất phục. Bọn nô tì đã chuẩn bị, nếu chúng tìm được đường hầm thì phát động cơ quan phá hủy, không để chúng tìm đến thạch thất, học được tuyệt kỹ võ công cung Linh Thứu trên vách đá mà gây họa lớn cho võ lâm. Giả tỉ bọn nô tì sớm biết thế này, thì để chúng vào đây lại còn tốt hơn.

Hư Trúc gật đầu đáp: Đúng là như thế. Người không đủ nội lực mà xem những đồ hình này thì còn tệ hại hơn trúng độc dược hay ám khí, May là họ chưa tiến vào đây. Lan Kiếm mỉm cười nói: Chủ nhân thật là người tốt. Bọn nô tì lại muốn để chúng vào luyện công mà chết, mình thấy càng sướng mắt.

Hư Trúc nói: Ta mới luyện xong mấy chiêu, thấy tinh thần phấn chấn, nội lực đầy rẫy, bây giờ trở ra giải trừ Sinh Tử Phù cho họ. Các cô cũng nên ra ngoài để nghỉ ngơi. Năm người lại theo đường hầm đi ra, Hư Trúc vào đại sảnh giải trừ Sinh Tử Phù cho ba người nữa.

Sau đó, mỗi ngày Hư Trúc tiếp tục dùng Thiên Sơn Lục Dương Chưởng giải trừ Sinh Tử Phù cho quần hào, mỗi khi thấy tinh thần mỏi mệt thì lại vào thạch thất rèn luyện võ công thượng thặng. Bổn nữ tì cũng đi theo, nhưng chỉ đứng ngoài chờ đợi chứ không dám tiến vào nửa bước. Mỗi khi Hư Trúc rảnh rỗi lại chỉ điểm võ công cho bốn cô cùng quần nữ chín bộ.

Cứ thế hai mươi ngày, việc giải trừ Sinh Tử Phù cho quần hào mới xong. Hàng ngày Hư Trúc đều nghiên cứu đồ hình để tập luyện võ công trong thạch thất nên bản lĩnh y tiến bộ rất mau, vượt xa lúc mới lên núi Phiêu Diểu.

Quần hào trước kia phải phục tùng Đồng Mỗ vì mụ gieo Sinh Tử Phù vào người để kiềm chế. Nay cung Linh Thứu đã đổi chủ, Hư Trúc lấy lòng thành mà đối đãi, lấy lễ mà cư xử, tuy họ vốn ngang tàng song đã cảm ơn mến đức, thực lòng kính phục.

Các động chúa đảo chúa dần dần tạ từ cáo biệt, trên núi Phiêu Diểu chỉ còn mình Hư Trúc là nam nhân. Y nghĩ thầm: Mình vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhờ các vị sư phụ trong chùa Thiếu Lâm nuôi dạy nên người, nếu không quay về chùa Thiếu Lâm thì thật là vong ân phụ nghĩa. Ta phải về chịu tội trước phương trượng cùng sư phụ mới là đúng lý. Hư Trúc bèn nói cho bốn nữ tì cùng quần nữ chín bộ hiểu rõ nguyên do, tỏ ý muốn xuống núi ngay, mọi việc trong cung Linh Thứu giao cho thủ lĩnh chín bộ là bọn Dư bà, Thạch tẩu, Phù Mẫn Nghi… xử lý.

Bốn nữ tì muốn đi theo phục vụ, nhưng Hư Trúc nói: Bây giờ ta quay về chùa Thiếu Lâm làm hòa thượng. Trong thiên hạ làm gì có nhà sư nào đem tì nữ theo? Hư Trúc nói hai ba lần, bốn cô vẫn không chịu nghe, y liền lấy dao tự cạo đầu láng bóng. Bốn cô không biết làm sao, đành cùng quần nữ chín bộ tiễn chân Hư Trúc xuống núi, gạt lệ chia tay.

Hư Trúc mặc lại tăng bào, chạy nhanh về núi Tung Sơn. Dọc đường y không động chạm đến ai, mà y mặc áo thầy chùa thì dù gặp đạo tặc cũng chẳng ai đánh y làm chi. Y về đến chùa Thiếu Lâm bình an vô sự.

Hư Trúc vừa trông thấy mái ngói cổ kính của chùa Thiếu Lâm, trong lòng rộn lên bao điều vừa cảm khái vừa áy náy. Y nghĩ tới mấy tháng nay, mình đã phạm vào vô số thanh quy giới luật, nào là sắc giới, sát giới, huân giới, tửu giới, quả là Ba La Di đại giới không thể tha thứ được. Trong lòng y vô cùng hổ thẹn, chẳng hiểu phương trượng và sư phụ có tha thứ mà cho mình trở lại Phật môn hay không.

Vào cửa sơn môn rồi, Hư Trúc tìm đến bái kiến sư phụ Tuệ Luân. Tuệ Luân thấy y trở về đột ngột thì vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, cất tiếng hỏi: Phương trượng sai mi xuống núi đưa thư, sao mãi hôm nay mới trở về? Hư Trúc nằm phục xuống đất, trong lòng tê tái, bất giác khóc rống lên nói: Sư phụ! Đệ tử… đệ tử thật là đáng chết, không biết giữ gìn, đến nỗi… đến nỗi không theo được lời giáo huấn của sư phụ. Tuệ Luân biến sắc hỏi: Sao, sao?Ngươi đã ăn những thứ tanh hôi rồi ư? Hư Trúc đáp: Vâng, nhưng đệ tử không phải chỉ ăn mặn mà thôi! Tuệ Luân cả giận nói: Đáng chết, đáng chết! Mi… mi uống rượu rồi ư? Hư Trúc đáp: Đệ tử chẳng những đã uống rượu, mà còn uống đến say như chết. Tuệ Luân thở dài sườn sượt, hai dòng lệ tuôn rơi nói: Ta thấy mi vốn thực thà trung hậu, thế mà chẳng bao lâu đã chìm đắm trong thế giới phù hoa. Hỡi ôi!… Hư Trúc thấy sư phụ thương tâm thì lại càng sợ hãi, nói: Sư phụ ơi, đệ tử thật là tội lỗi, lại còn phạm… Y chưa kịp nói phạm sát giới, sắc giới thì đột nhiên hai hồi chuông khánh nổi lên, đó là hiệu lệnh triệu tập chư tăng hàng chữ Tuệ.

Tuệ Luân lập tức đứng lên, lau nước mắt nói: Mi phạm giới nhiều quá, ta không che chở cho mi được. Mi… mi tự đến Giới Luật Viện mà chịu tội đi! E rằng chính ta cũng phải vì ngươi mà chịu trách nhiệm. Hỡi ôi… Tuệ Luân lật đật đi ngay.

Hư Trúc đến trước Giới Luật Viện khom lưng bẩm: Đệ tử là Hư Trúc đã vi phạm giới luật Phật môn, xin trưởng lão xử phạt. Y gọi hai lần mới có nhà sư đứng tuổi trong viện bước ra, lạnh lùng nói: Thủ tòa trưởng lão cùng các vị sư thúc chưa rảnh để nghe ngươi nói. Ngươi hãy quỳ xuống đó mà chờ. Hư Trúc Vâng một tiếng rồi quì ngay xuống, từ giữa trưa đến chiều tối mà chẳng ai hỏi tới. May mà nội công y thâm hậu, quì nửa ngày trời chẳng ăn uống gì vẫn chưa mỏi mệt.

Tiếng chuông chiều văng vẳng, khóa cúng Phật buổi tối đã bắt đầu, Hư Trúc lẩm nhẩm tụng kinh sám hối. Bỗng một nhà sư trung niên đi tới nói: Hư Trúc! Trong chùa đang có nhiều việc trọng đại, các vị trưởng lão chưa rảnh để xử ngươi. Ngươi quỳ mọp niệm kinh có vẻ chân thành sám hối, thôi thì hãy tạm thời đến vườn rau giúp gánh nước bón phân. Khi nào các vị trưởng lão rảnh việc sẽ kêu ngươi đến hỏi tội, tùy theo nặng nhẹ mà xử phạt. Hư Trúc kính cẩn đáp: Dạ. Đa tạ sư thúc từ bi. Y chắp tay thi lễ rồi mới dám đứng lên, nghĩ bụng: Mình chưa lập tức bị đuổi khỏi chùa thì hãy còn hy vọng.

Hư Trúc đến vườn rau, tìm đến tăng nhân coi vườn nói: Sư huynh! Tiểu tăng là Hư Trúc phạm giới luật bản môn, được sư thúc ở Giới Luật Viện bảo ra đây gánh phân bón rau.

Tăng nhân coi vườn tên là Duyên Căn, chưa được xuất gia làm hòa thượng Thiếu Lâm nên không được xếp vào hàng đệ tử các chữ Huyền Tuệ Hư Không. Tư chất y tầm thường, chẳng lĩnh hội được nghĩa thiền, mà luyện võ công cũng không tiến bộ, chỉ thích làm những việc vặt. Khu vườn rau này rộng tới hai trăm mẫu, có đến ba bốn chục nhân công. Y cai quản cả bọn này một cách hống hách, mỗi khi gặp nhà sư nào bị Giới Luật Viện xử phạt vào vườn rau làm tạp vụ thì lại càng oai phong láo xược. Y vừa nghe Hư Trúc nói đã cả mừng, hỏi ngay: Ngươi phạm giới luật gì? Hư Trúc đáp: Tiểu tăng phạm rất nhiều giới cấm, một lời không thể nói hết được. Duyên Căn tức giận nói: Sao lại không nói hết được? Ngươi phải mau mau kể thật cho ta biết. Đừng nói ngươi chỉ là một tên tiểu hòa thượng nhỏ xíu, ngay cả thủ tòa Đạt Ma Viện hay La Hán Đường, hễ bị phạt đến vườn rau làm tạp vụ thì ta cũng hỏi cho biết rõ, chẳng ai dám bướng. Ta thấy ngươi hồng hào béo tốt, nhất định đã lén ăn thịt cá, có phải thế không?

Hư Trúc đáp: Phải. Duyên Căn nói: Hừ! Ta đoán không sai mà! Không chừng ngươi còn uống rượu nữa. Ngươi đừng nói láo, gạt ta không phải dễ đâu! Hư Trúc nói: Phải. Một hôm tiểu tăng uống rượu say mèm đến không biết gì nữa. Duyên Căn cười nói: Ha ha, thật là lớn mật! No say rồi tất nảy lòng hươu dạ vượn, quăng mất tám chữ sắc tức thị không, không tức thị sắc ra sau lưng. Chắc ngươi còn nghĩ tới nữ sắc phải không, mà không phải một lần, không chừng nghĩ đến bảy tám lần. Giọng nói hắn rất sắc bén. Hư Trúc thở dài đáp: Tiểu tăng không dám giấu sư huynh, chẳng những nghĩ tới mà lại còn phạm vào sắc giới nữa.

Duyên Căn vừa ngạc nhiên vừa thấy khoái, lớn tiếng quát mắng: Tiểu hòa thượng thật là lớn mật, dám làm bại hoại đến danh dự của chùa Thiếu Lâm ta. Trừ sắc giới, ngươi còn phạm tội gì nữa không? Có ăn cắp tiền bạc không? Có đánh nhau cãi nhau với ai không? Hư Trúc cúi đầu đáp: Tiểu tăng đã giết người, mà không phải chỉ giết một người.

Duyên Căn giật bắn người, mặt tái mét, lùi lại ba bước. Y quen bắt nạt người hiền lành mà sợ hãi kẻ hung ác, vừa nghe Hư Trúc nói đã giết người mà lại còn giết nhiều người, bất giác sợ run lên bần bật, chỉ lo Hư Trúc nổi điên động thủ thì mình không địch nổi. Y cố trấn tĩnh, niềm nở cười nói: Công phu của bản tự là đệ nhất thiên hạ, ngươi đã luyện võ thì khó mà giữ khỏi lỡ tay giết người. Chắc bản lĩnh của sư đệ đã đến mức phi thường. Hư Trúc đáp: Nói ra xấu hổ, võ công bản môn của tiểu đệ đã tiêu tan hết. Hiện giờ trong mình tiểu đệ không còn một chút nào công phu Thiếu Lâm nữa.

Duyên Căn cả mừng nói: Hay lắm, hay lắm! Thật là tuyệt diệu! Y nghe Hư Trúc nói mất hết công phu bản môn, thì cho là các vị trưởng lão đã xử phạt phế bỏ võ công. Hắn đã toan trở mặt, nhưng rồi lại nghĩ: Giả tỉ võ công gã còn sót lại chút ít, thì mình cũng khó đối phó. Duyên Căn bèn nói: Sư đệ đã đến vườn rau làm tạp vụ để sám hối, thế là hay lắm. Nhưng ở đây có lệ, hễ ai vi phạm giới luật, bàn tay đã dính máu tanh, lúc làm việc đều phải đeo xiềng khóa. Đó là quy củ của tổ tôn truyền lại, chẳng hiểu sư đệ có chịu không? Nếu không chịu thì ta sẽ lên Giới Luật Viện bẩm với thủ tòa định đoạt. Hư Trúc nói: Luật lệ đã như vậy, dĩ nhiên tiểu tăng phải tuân theo.

Duyên Căn mừng thầm, lấy xiềng khóa ra đeo vào chân tay Hư Trúc. Thiếu Lâm Tự truyền dạy võ công đã mấy trăm năm, không khỏi có những nhà sư làm điều càn rỡ. Phần nhiều những sư phạm pháp lại võ công cao cường khó lòng chế phục, nên Sám Hối Đường trong Giới Luật Viện cùng các khu vườn rau đều chuẩn bị xiềng xích đúc bằng sắt thép. Duyên Căn thấy Hư Trúc đeo xiềng xích xong, hắn lại yên tâm, lớn tiếng thóa mạ: Tặc hòa thượng! Mi còn nhỏ tuổi mà đã lớn mật làm càn, vi phạm hết mọi giới luật. Hôm nay mà ta không dùng trọng phạt thì không sao hả được lòng căm tức. Hắn liền bẻ một cành cây vụt tới tấp xuống đầu Hư Trúc.

Hư Trúc thu chân khí lại, không dám vận nội lực chống đối, để mặc cho Duyên Căn đánh. Chỉ trong khoảnh khắc, cả đầu lẫn mặt y đầm đìa máu tươi, nhưng y chỉ niệm Phật, tuyệt không oán hận.

Duyên Căn thấy Hư Trúc không né tránh, cũng không chống đối thì nghĩ thầm: Quả nhiên tên tiểu hòa thượng này đã mất hết võ công, ta tha hồ hành hạ. Hắn nghĩ tới Hư Trúc đã được ăn thịt cá phè phỡn, uống rượu say túy lúy, lại hưởng thứ khoái lạc trên đời, còn chính mình đã ngoài bốn mươi tuổi vẫn chưa được nếm mùi vị nữ sắc, thì lòng ghen ghét lại sôi lên sùng sục. Hắn đánh lại càng mạnh tay, gãy luôn ba cành cây mới dừng tay, rồi hùng hổ nói: Mỗi ngày mi phải gánh một trăm thùng nước phân để bón rau, nếu thiếu một thùng thì ta sẽ dùng côn sắt đánh mi què cả hai giò.

Hư Trúc bị đánh mắng lại thấy yên lòng, nghĩ thầm: Mình đã phạm rất nhiều giới luật, dĩ nhiên phải chịu trong phạt. Hình phạt càng nặng thì tội nghiệt của mình càng nhẹ đi. Y kính cẩn Vâng! một tiếng, rồi đi lấy thùng gánh phân tưới rau. Hư Trúc chẳng chút than phiền, gánh gánh tưới tưới đủ một trăm thùng nước phân rồi mới tìm kho chứa củi lăn ra ngủ.

Tờ mờ sáng hôm sau, Duyên Căn đã đến đập y dậy, lại còn nặng lời thóa mạ: Tặc hòa thượng, dậy mau! Trời đã sáng bạch mà còn nằm ngủ ở đây. Mau mau dậy đi đốn củi! Hư Trúc chỉ Vâng! một tiếng, rồi im lặng vào rừng đốn củi. Cứ thế sáu bảy ngày, Hư Trúc ban ngày đi đốn củi, tối về gánh phân tưới rau trăm bể cực khổ, lại bị đánh thương tích đầy người, thật là thảm hại.

Sáng sớm ngày thứ tám, Hư Trúc tưới rau chưa xong thì Duyên Căn đến địu dàng cười hỏi: Sư huynh vất vả quá nhỉ? Rồi hắn lấy chìa khóa mở xiềng xích cho Hư Trúc. Hư Trúc nói: Tiểu đệ chưa mệt lắm. Duyên Căn nói: Sư huynh đừng để ý, cứ vào ăn cơm đã. Mấy bữa nay tiểu tăng đắc tội thật là đáng chết, mong được sư huynh tha thứ.

Hư Trúc thấy hắn đột nhiên thay đổi thái độ thì rất lấy làm kỳ, ngẩng lên nhìn thì thấy mặt mũi hắn sưng bầm, rõ ràng vừa bị đánh rất nặng tay. Duyên Căn lại nhăn nhó nói: Tiểu tăng có mắt mà không thấy Thái Sơn, dám đắc tội với sư huynh. Nếu sư huynh không tha thứ cho thì tiểu tăng… tiểu tăng gặp đại họa đến nơi rồi. Hư Trúc đáp: Tiểu tăng mình làm mình chịu, sư huynh trách phạt như thế là đáng lắm.

Duyên Căn biến sắc giơ tay lên, tát trái tát phải bôm bốp vào mặt mình bốn cái thật mạnh rồi năn nỉ: Sư huynh, sư huynh! Xin sư huynh rộng lượng, đại nhân không chấp tiểu nhân. Tiểu tăng… Tiểu tăng… Hắn nói chưa dứt lời lại giơ tay lên tự tát thêm mấy cái nữa. Hư Trúc cả kinh hỏi: _Sao sư huynh lại làm thế?

Duyên Căn quì cả hai gối xuống đất, nắm vạt áo Hư Trúc nói: Nếu sư huynh không chịu tha thứ cho thì tiểu tăng… tiểu tăng phải mất cặp mắt. Hư Trúc đáp: Tiểu tăng thật tình không hiểu một chút nào. Duyên Căn nói: Nếu được sư huynh tha thứ, tiểu tăng mới khỏi bị móc mắt, kiếp sau xin làm thân trâu ngựa để báo đền đại ân đại đức của sư huynh. Hư Trúc hỏi: Sư huynh nói chuyện gì vậy? Tiểu tăng có nói gì tới chuyện móc mắt sư huynh đâu? Duyên Căn mặt xám xịt như đất, đáp: Nếu sư huynh nhất định không chịu tha thứ, thì tiểu tăng có mắt không tròng, đành tự xử lý còn hơn. Hắn nói xong, đưa hai ngón tay lên toan móc cặp mắt ra.

Hư Trúc vội giữ tay Duyên Căn lại hỏi: Ai bắt sư huynh phải móc mắt? Duyên Căn toát mồ hôi trán, ấp úng đáp: Tiểu tăng… Tiểu tăng không dám nói. Nếu tiểu tăng nói ra thì… sẽ bị họ lấy mạng. Hư Trúc liền hỏi: Là phương trượng ư? Duyên Căn đáp: Không phải. Hư Trúc lại hỏi: Hay là thủ tòa Đạt Ma Viện? Thủ tòa La Hán Đường? Thủ tòa Giới Luật Viện? Duyên Căn không dám trả lời, chỉ đáp: Sư huynh! Tiểu tăng không dám nói đâu, chỉ khẩn cầu sử huynh tha thứ cho. Các vị ấy dặn tiểu tăng muốn giữ cặp mắt thì phải được chính miệng sư huynh tuyên bố tha thứ cho. Hắn nói xong, liếc mắt nhìn sang một bên, vẻ mặt cực kỳ sợ hãi.

Hư Trúc nhìn theo ánh mắt Duyên Căn thì thấy bốn nhà sư đang ngồi quay mặt vào tường, mặc áo đội mũ đều màu xám, không trông rõ mặt. Hư Trúc nghĩ thầm: Chắc là bốn vị sư huynh kia được phái đến để trừng phạt Duyên Căn cái tội chuyên quyền tác oai tác quái, đánh đập những nhà sư phạm giới. Y liền nói: Tiểu tăng không oán trách sư huynh, đã sớm tha thứ rồi. Duyên Căn mừng rỡ khôn xiết, quì ngay xuống dập đầu lạy tạ. Hư Trúc vội trả lễ rồi nói: Sư huynh mau đứng dậy đi.

Duyên Căn lóp ngóp đứng lên, kính cẩn mời Hư Trúc vào phòng ăn, tự tay bưng cơm rót nước hầu hạ. Hư Trúc không thể từ chối được, xem chừng nếu hắn không phục vụ mình thì phải gặp đại họa, nên đành để mặc hắn muốn làm sao thì làm.

Duyên Căn khẽ hỏi nhỏ: Sư huynh muốn dùng rượu không? Nếu muốn dùng thịt chó thì tiểu tăng cũng có thể tìm được! Hư Trúc kinh hãi đáp: A di đà Phật, tội lỗi, tội lỗi! Sao lại làm thế được? Duyên Căn nháy nháy mắt nói: Bao nhiêu tội nghiệt đều do tiểu tăng gánh chịu. Tiểu tăng đi kiếm nhanh nhanh để sư huynh dùng. Hư Trúc khoát tay nói: Không được, không được! Dứt khoát không được!

Duyên Căn cười nói: Nếu sư huynh không có hứng ăn nhậu trong chùa, thì cứ việc tự do xuống núi. Giả tỉ trong Giới Luật Viện có ai hỏi, tiểu tăng sẽ nói là phái sư huynh đi tìm vật dụng, hết sức giấu giếm, bảo đảm vô sự. Hư Trúc nghe Duyên Căn nói càng lúc càng nhảm nhí, lắc đầu đáp: Tiểu tăng thành tâm sám hối tội lỗi, quyết chí giữ nghiêm giới luật không tái phạm. Sư huynh đừng nói những chuyện đó nữa.

Duyên Căn Vâng! một tiếng, tuy ngoài mặt lễ phép nhưng trong bụng mắng thầm: Mi là thầy tu phá giới đam mê tửu sắc, lại còn khéo giả vờ ư? Hắn không dám nói nhiều, hầu hạ Hư Trúc dùng cơm xong, lại mời y về phòng của mình để nghỉ ngơi. Từ hôm ấy Duyền Căn hết sức chiều chuộng Hư Trúc, không dám bất kính nửa lời.

Ba ngày sau, lúc Hư Trúc đang ăn trưa thì Duyên Căn bưng một bình trà Long Tỉnh tới nói: Mời sư huynh dùng trà. Hư Trúc nói: Tiểu tăng là kẻ phạm tội, được sư huynh hậu đãi như vậy, thật là áy náy. Rồi y đứng lên, hai tay đỡ lấy bình trà.

Bỗng nhiên chuông khánh vang lên liên hồi không ngớt, đó là hiệu lệnh gọi toàn thể tăng chúng trong chùa. Trước nay, trừ ngày Phật Đản và sinh nhật Đạt Ma tổ sư, còn trong chùa rất ít khi triệu tập toàn thể như thế này. Duyên Căn có vẻ kinh ngạc nói: Phương trượng đã nổi hiệu chuông tụ tập tăng chúng, chúng ta phải đến điện Đại Hùng ngay. Hư Trúc đáp: Phải lắm. Hai người và mười mấy nhà sư khác trong vườn rau cùng lật đật chạy đến Đại Hùng bảo điện.

Trong điện đã có hơn hai trăm nhà sư tụ tập, lại còn vô số tăng chúng đang lục tục kéo đến. Chỉ trong khoảnh khắc, toàn bộ hơn ngàn tăng chúng trong chùa đã đến đông đủ, chia thứ bậc ra ngồi, tuy rất đông người mà vẫn im lặng như tờ.

Hư Trúc đứng vào chỗ các nhà sư hàng chữ Hư. Y ngẩng lên nhìn thì thấy vẻ mặt những cao tăng tiến bối đều cực kỳ nghiêm trọng, chột dạ nghĩ thầm: Không chừng vì mình phạm tội quá nặng nên phương trượng triệu tập toàn thể tăng chúng để trừng phạt đặc biệt mà răn đe kẻ khác. Không chừng mình sẽ bị đuổi ra khỏi chùa thì biết làm thế nào? Hư Trúc còn đang lo sợ, bỗng ba hồi chuông vang lên, chư tăng đều niệm Phật hiệu: A di đà Phật! A di đà Phật!

Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Huyền Từ đại sư cùng ba vị cao tăng hàng chữ Huyền và bảy nhà sư khác, từ hậu điện thong thả đi ra. Chư tăng trong điện nhất tề khom lưng thi lễ. Huyền Từ cùng bảy nhà sư kia phân ngôi chủ khách ngồi xuống.

Hư Trúc ngẩng lên nhìn thì thấy bảy nhà sư này đều đã lớn tuổi, sắc phục không giống của bản tự, đúng là ở chùa khác mới đến. Nhà sư ngồi đầu bên khách tuổi độ bảy mươi, thân hình vừa bé nhỏ vừa thấp lùn, hai mắt thần quang loang loáng, dáng điệu rất oai nghiêm.

Huyền Từ quay mặt về phía tăng chúng bản tự dõng dạc giới thiệu: Vị này là Thần Sơn Thượng Nhân, phương trượng chùa Thanh Lương trên núi Ngũ Đài, mọi người hãy làm lễ ra mắt. Quần tăng đều sửng sốt, ai cũng lộ vẻ kinh ngạc. Oai danh Thần Sơn Thượng Nhân lừng lẫy trong võ lâm, cùng Huyền Từ đại sư là hai vị la hán Hàng Long, Phục Hổ, người ta đồn võ công Thần Sơn Thượng Nhân có phần trội hơn Huyền Từ đại sư. Chỉ vì Thanh Lương Tự là một chùa nhỏ, không thể so với Thiếu Lâm Tự được, nên danh vọng lão mới không bằng Huyền Từ. Quần tăng đều nghĩ thầm: Nghe nói Thần Sơn Thượng Nhân rất tự cao, hay dính líu vào những việc trần tục trong võ lâm, thế là đi vào đường lối Hạ thừa. Trước nay lão không liên can gì tới chùa Thiếu Lâm, hôm nay thân hành tới đây tất có việc gì quan trọng lắm. Mọi người đều khom lưng hướng tới Thần Sơn Thượng Nhân thi lễ.

Huyền Từ đưa tay chỉ sau nhà sư bên khách, giới thiệu từng người: Vị này là Quán Tâm đại sư chùa Đại Tướng Quốc phủ Khai Phong, vị này là Đạo Thanh đại sư chùa Phổ Độ tỉnh Giang Nam, vị này là Giác Hiền đại sư chùa Đông Lâm núi Lô Sơn, vị này là Dung Trí đại sư chùa Tịnh Cảnh tại Trường An, vị này là Thần Âm đại sư tại chùa Thanh Lương núi Ngũ Đài, cũng là sư đệ của Thần Sơn Thượng Nhân. Bốn vị đại sư Quán Tâm, Đạo Thanh, Giác Hiền, Dung Trí đều đến từ những chùa nổi tiếng, nhưng trước nay các chùa này trọng Phật pháp mà xem nhẹ võ công. Các vị này tuy nổi tiếng trong võ lâm nhưng không thuộc hàng cao cấp trong bản tự. Quần tăng Thiếu Lâm đều khom lưng thi lễ, các vị tăng khách cũng cúi mình trả lễ.

Huyền Từ phương trượng lại đưa tay chỉ vị Hồ tăng giới thiệu: Đại sư này đến từ Phật quốc Thiên Trúc, pháp danh là Triết La Tinh. Quần tăng cùng nhất tề đứng dậy thì lễ. Triết La Tinh trả lễ rồi nói: Chùa Thiếu Lâm thật là lớn, có thật nhiều lão hòa thượng, trung hòa thượng, tiểu hòa thượng. Lão phát âm lơ lớ, dùng những từ trung hòa thượng, tiểu hòa thượng gì gì đầy vẻ coi thường.

Huyền Từ lại nói: Bảy vị đại sư này đều là những bậc đại đức trong cửa Phật. Hôm nay bảy vị đồng thời giáng lâm, thật là vẻ vang cho bản tự, vì thế mà bần tăng triệu tập đông đủ chư tăng bản tự tới đây tham kiến. Bản tăng rất mong bảy vị đại sư khai đàn thuyết pháp để hoằng dương Phật đạo, toàn thể tăng chúng bản tự đều được thụ giáo cho thêm phần đạo đức.

Thần Sơn Thượng Nhân nói: Không dám! Thân hình lão bé nhỏ thấp lùn, không ngờ thanh âm vang dội như sư tử rống, chúng tăng không khỏi kinh hãi. Lão không cố ý nói to, cũng không vận nội lực để uy hiếp, thật là trời cho thanh âm ít thấy. Lão lại nói tiếp: Thiếu Lâm bảo tự là chốn trang nghiêm, tiểu tăng sùng kính đã lâu. Sáu mươi năm về trước, tiểu tăng đã đến đây xin thọ giới, song bị cự tuyệt không vào được sơn môn. Sáu mươi năm sau trở lại, cảnh cũ vẫn như xưa mà nhân sự không giống trước, thật là đáng buồn! Chúng tăng nghe đều phải động lòng, giọng điệu lão đầy vẻ gây hấn. Chẳng lẽ lão quay lại để rửa hận?

Huyền Từ đáp: Thì ra sư huynh ngày trước đã từng đến chùa Thiếu Lâm để xuất gia. Tự viện khắp thiên hạ đều là một nhà, hôm nay sư huynh từ Thanh Lương Tự tới đây, đã là Phật môn đệ tử ai cũng kính ngưỡng. Ngày trước chùa Thiếu Lâm không tiếp nạp nên đắc tội với sư huynh, tiểu tăng xin nghiêng mình tạ lỗi. Song cũng vì thế mà sư huynh tạo lập một cơ sở khác để phổ độ chúng sinh, tạo công đức rất lớn cho cửa Phật. Chuyện xưa cũng chỉ là một đoạn nhân duyên. Huyền Từ nói xong, chắp tay trước ngực cung kính thi lễ.

Thần Sơn Thượng Nhân đáp lễ rồi nói: Trước kia tiểu tăng đến bảo tự để cầu giới, dĩ nhiên rất ngưỡng mộ bảo tự đã đứng đầu võ lâm suốt mấy trăm năm. Thiên hạ đồn rằng chùa Thiếu Lâm vốn nghiêm minh, xử sự công bằng ngay thẳng… Lão đảo mắt nhìn quanh, rồi ngẩng đầu nhìn lên tượng Phật trên Đại Hùng Bảo Điện, lạnh lùng tiếp: Ngờ đâu trên đời, hư danh ít khi đi kèm sự thực. Nếu sớm biết thế này thì năm xưa tiểu tăng đến chùa Thiếu Lâm làm gì cho mất công.

Hơn ngàn nhà sư mặt đều biến sắc, nhưng chùa Thiếu Lâm giới luật rất nghiêm, tuy ai cũng căm phẫn mà chẳng ai dám lên tiếng.

Huyền Từ phương trượng đáp: A di đà Phật! Sao sư huynh lại nói vậy? Nếu trong tệ tự từ trên xuống dưới có ai làm việc sai quấy thì xin sư huynh cứ nói rõ. Có tội phải chịu trừng phạt, có lỗi lầm thì phải sửa đổi. Sư huynh hạ thấp danh dự chùa Thiếu Lâm như vậy, có thái quá chăng? Thần Sơn Thượng Nhân hỏi lại: Xin hỏi phương trượng sư huynh, Phật môn là cửa quan hay là ổ cướp? Huyền Từ đáp: Tiểu tăng chưa hiểu ý sư huynh, xin nói rõ hơn. Thần Sơn nói: Cửa quan thì bắt người để xử tội, còn ổ cướp thì bắt người để lấy tiền chuộc, đó là việc bình thường. Chùa Thiếu Lâm chẳng phải cửa quan, lại không là ổ cướp, sao lại tự ý bắt giam người ngoài không thả cho về? Xin hỏi sư huynh, chùa Thiếu Lâm làm những việc cường hung bá đạo như vậy thì có xứng đáng với bốn chữ Phật Môn Thiện Địa không?

Huyền Từ đưa mắt nhìn vị Hồ tăng Thiên Trúc là Triết La Tinh, đã hiểu vì sao bảy vị tăng này cùng đến chùa Thiếu Lâm, bèn nói: Thượng Nhân chỉ trích bản tự là cường hung bá đạo, bốn chữ này thật quá nặng lời.

Thần Sơn đưa mắt nhìn tượng Như Lai nói: Phật tổ chứng minh, nói dối là trọng giới của Phật môn. Rồi y quay sang nhìn Huyền Từ, nói tiếp: Xin hỏi phương trượng, có phải quí tự đã giam giữ một vị cao tăng Thiên Trúc hay chăng? Sư đệ của sư huynh Triết La Tinh là Ba La Tinh đại sư, có phải đã bị giam cầm chùa Thiếu Lâm mấy năm chưa được thả về hay không? Thần sắc y rất nghiêm trang, giọng điệu đầy vẻ uy hiếp đối phương.

Huyền Từ quay sang bảo Huyền Tịch đại sư, thủ tòa Giới Luật Viện: Huyền Tịch sư đệ! Hãy nói nguyên ủy vụ này cho các vị cao tăng cùng nghe. Huyền Tịch Vâng một tiếng rồi bước lên hai bước. Vị lão tăng này vốn chủ trì giới luật, trước nay thiết diện vô tư, tăng chúng trong chùa gặp lão đều có ba phần sợ hãi. Lúc này Hư Trúc không dám nhìn lão cái nào.

Huyền Tịch đại sư dõng dạc nói: Bảy năm trước đây, một vị cao tăng Thiên Trúc là Ba La Tinh sư huynh có đến bản tự, từ phương trượng sư huynh trở xuống đều rất hoan hỉ, cung kính tiếp đãi, Ba La Tinh sư huynh có nói rằng mấy trăm năm nay ở Thiên Trúc ngoại đạo thịnh hành, Phật pháp yếu kém, kinh sách thất lạc mất nhiều, vì vậy sư huynh của ông ấy là Triết La Tinh sai đến Trung Thổ cầu kinh. Phương trượng bản tự có bảo, Kinh Phật của Trung Nguyên đều bắt nguồn từ Thiên Trúc, hiện nay Phật quốc lại sang Đông Thổ lấy kinh thì thật là nhân duyên to lớn, chúng ta được báo Phật ân, vinh hạnh vô cùng. Phương trượng sư huynh bèn đích thân đưa Ba La Tinh đến Tàng Kinh Các, nói rằng không dưới bảy ngàn cuốn kinh sách ở đây cũng là tam tạng kinh văn đưa từ Thiên Trúc sang, các vị cao tăng đại đức đời trước đã phiên dịch ra. Các bản gốc tiếng Phạn cũng còn không ít, nếu đã có bản sao thì Ba La Tinh sư huynh có thể lấy đi một bản, còn quyển nào chỉ còn một bản thì bản tự sẽ phái ba mươi tăng nhân giúp sao chép lại. Phương trượng còn bảo từ đây sang Thiên Trúc xa xôi vạn dặm, kinh sách lại nhiều, e rằng dễ thất thoát, khi Ba La Tinh lấy kinh về nước thì bản tự sẽ phái mười tăng nhân theo hộ tống, cốt sao để kinh điển về đến Phật quốc Thiên Trúc được bình an.

Đạo Thanh đại sư ở chùa Phổ Độ chắp tay nói: Thế thì phương trượng sư huynh thật là công đức vô lượng, với Cưu Ma La Thập đại sư và Huyền Trang đại sư cùng tỏa hào quang.

Huyền Từ cúi mình đáp: Đó là việc đương nhiên phải làm, sư huynh quá tán dương, thật là thẹn không dám nhận.

Huyền Tịch lại kể tiếp: Vị Ba La Tinh này ở lại Tàng Kinh Các xem kinh sách. Sư huynh Huyền Sám của bản tự phụng mệnh phương trượng mà chỉ huy chúng tăng chép kinh, không dám trễ nãi chút nào. Không ngờ chỉ bốn tháng sau, Huyền Sám sư huynh phát giác vị Ba La Tinh này đêm nào cũng lẻn vào bí các trong Tàng Kinh Các để xem trộm võ công bí kíp của bản môn.

Bốn vị Quán Tâm, Đạo Thanh, Giác Hiền, Dung Trí kinh ngạc, không hẹn mà cùng lên một tiếng. Huyền Tịch lại tiếp: Huyền Sám sư huynh bèn bẩm cáo lên. Phương trượng sư huynh khuyến dụ Ba La Tinh, nói rằng võ công bí kíp ở đây là do cao tăng đời trước của bản tự biên soạn, hoàn toàn không phải truyền từ Thiên Trúc sang, cũng không liên can gì đến Phật pháp. Qui củ mấy trăm năm của bản tự không cho phép người ngoài xem võ công bí kíp. Ba La Tinh sư huynh đã lỡ xem thì thôi cũng bỏ qua, mong rằng từ nay đừng đến bí các nữa. Lúc đó Ba La Tinh ưng thuận ngay, tỏ lời xin lỗi, nói rằng không biết qui củ chùa Thiếu Lâm, từ nay quyết không xem trộm võ công bí kíp nữa. Nào ngờ chỉ được mấy tháng, y lại giả vờ mắc bệnh, lén đào địa đạo vào bí các xem trộm. Mấy năm sau Huyền Sám sư huynh mới phát giác y đã xem trộm không ít kinh văn võ học, bèn động thủ ngăn trở. Té ra Ba La Tinh không những đã xem trộm mà còn tập lén võ công bản tự, đã luyện xong ba môn trong số bảy mươi hai tuyệt kỹ.

Bốn vị đại sư Quán Tâm… đều A một tiếng, nhìn Triết La Tinh ra vẻ trách móc. Huyền Tịch quay sang nhìn Thần Sơn rồi kể tiếp: Phương trượng bèn triệu tập các hòa thượng đời chữ Huyền để thương nghị. Mọi người đều cho rằng võ công phái Thiếu Lâm tuy chỉ bình thường không có chi kỳ ảo, nhưng theo qui củ liệt tổ liệt tông thì không được truyền cho người ngoài phái. Theo qui củ ngàn năm nay trong võ lâm thì lén học trộm võ công phái khác là chuyện cấm kỵ, huống hồ võ công của Trung Thổ ta mà truyền ra Thiên Trúc, không chừng có hậu hoạn vô lường. Việc làm của vị Ba La Tinh này tuyệt nhiên không phải hành động của đệ tử Phật môn, không chừng y không phải là Thích tử mà là tà môn ngoại đạo. Chuyện này bất lợi cho chùa Thiếu Lâm, cũng bất lợi cho võ lâm Trung Thổ, lại càng bất lợi cho Phật môn ở Thiên Trúc. Các vị sư huynh đệ đề ra nhiều chủ trương khác nhau, cuối cùng phương trượng sư huynh cho rằng tệ tự không có cách nào điều tra lai lịch chân chính của Ba La Tinh sư huynh, mà nếu thật là tà môn ngoại đạo thì cũng không thể quá nghiêm khắc. Tệ tự bèn giữ hắn lại để giáo dục theo Phật pháp, một là mong hắn ngộ được chính đạo, hai là tránh được hậu hoạn về sau. Mấy năm nay tệ tự đối xử với Ba La Tinh nhất mực cung kính, chỉ yêu cầu không ra khỏi chùa mà thôi.

Bốn vị Quán Tâm đều gật gật đầu. Thần Sơn bèn lên tiếng: Lời của Huyền Tịch sư huynh chỉ là ý kiến một bên chùa Thiếu Lâm, khó mà phân biệt là thật hay giả. Nhưng chắc chắn là chùa Thiếu Lâm đã giam giữ cao tăng Thiên Trúc trong chùa bảy năm không thả. Triết La Tinh sư huynh có kể với lão nạp, ông ta ở Thiên Trúc đã mấy năm không được tin của Ba La Tinh sư đệ, có phái hai đệ tử sang Trung Thổ hỏi thăm, nhưng chùa Thiếu Lâm cũng không cho họ gặp Ba La Tinh. Việc này có thật hay chăng? Huyền Từ gật đầu đáp: Không sai. Ba La Tinh sư huynh đã học lén võ công bản tự, chắc chắn không thể để y đem truyền cho người khác.

Thần Sơn cười ha hả, chấn động cả mái ngói, ngay cả đại hồng chung trên điện cũng rền lên u u hồi lâu chưa dứt.

Huyền Từ thấy thần sắc y cực kỳ ngạo mạn, nhưng cũng không giận dữ, chỉ nói: Sư huynh! Lão nạp có một việc chưa hiểu rõ, mong sư huynh chỉ giáo. Giả tỉ có người đến chùa Thanh Lương trên Ngũ Đài Sơn xem trộm Phục Hổ Quyền Phổ, năm mươi mốt chiêu Phục Ma Kiếm Kinh, cùng Tâm Ý Khí Hỗn Nguyên Công, Phổ Môn Trượng Pháp cực kỳ ảo diệu của quý tự thì sư huynh xử trí ra sao?

Thần Sơn Thượng Nhân mỉm cười nói: Võ công cao thấp là do từng người tu luyện, quyền kinh kiếm phổ chỉ là hàng thứ yếu. Giả tỉ có vị anh hùng hảo hán nào đến Thanh Lương Tự cướp bí kíp đem đi, thì bọn lão nạp chỉ tự trách mình bất lực chứ không biết nói gì nữa. Chẳng lẽ ai nhìn vào sách vở võ công một cái cũng bị lấy mạng hay xử tù chung thân sao? Ha ha, như vậy thì vô lý thật!.

Huyền Từ chỉ khẽ cười, đáp: Nếu là những võ công bí lục tầm thường chẳng có chi kỳ bí, dù công bố ra khắp thế gian cũng chẳng ngại gì. Nhưng gặp trường hợp quyền kinh kiếm phổ tinh diệu được võ lâm ngưỡng mộ, nếu để người ta lấy cắp truyền ra ngoài, lọt vào tay bọn cuồng vọng tự đại, tâm địa hẹp hòi thì hậu họa vô cùng, nhất định không phải là phúc của võ lâm. Giọng nói hết sức ôn hòa, nhưng mấy chữ cuồng vọng tự đại, tâm địa hẹp hòi hiển nhiên là chỉ Thần Sơn Thượng Nhân. Mọi người biết ngay Huyền Từ vạch ra tâm địa của Thần Sơn, phen này đến đòi thả Ba La Tinh chỉ vì mục đích dòm ngó võ công bí lục của phái Thiếu Lâm. Thần Sơn nghe liền biến sắc. Mấy câu nói của Huyền Từ đã trúng ngay vào tâm sự của hắn.

Năm Thần Sơn mười bảy tuổi, y từng tới chùa Thiếu Lâm xin học. Phương trượng chùa Thiếu Lâm hồi đó là Linh Môn đại sư, trong lúc tiếp kiến đã thấy diện mạo cùng tia mắt y lộ ra vẻ ngạo mạn hẹp hòi, ngày sau không thể truyền y bát được. Nếu để làm một nhà sư tầm thường trong chùa thì y nhất định không chịu ở lâu dưới quyền người khác sai bảo, ngày sau ắt sinh họa hoạn. Vì thế Linh Môn đại sư đã tìm lời uyển chuyển để cự tuyệt, Thần Sơn bèn đến chùa Thanh Lương, năm ba mươi tuổi thì võ nghệ trở thành số một trong chùa, nhảy lên chức phương trượng. Thần Sơn Thượng Nhân tư chất thông minh, kiến thức siêu việt, có thể gọi là một bậc kỳ tài trong võ lâm, chỉ đáng tiếc là võ học uyên nguyên của chùa Thanh Lương hãy còn kém chùa Thiếu Lâm xa. Quyền kinh, kiếm phổ, nội công bí kíp trong chùa đã ít ỏi mà lại thô thiển, không thể liệt vào hạng công phu bậc nhất. Y rèn luyện đã bốn mươi năm, nội lực càng lúc càng cao thâm, công phu quyền kiếm đã vượt qua kinh sách bí lục của đời trước chùa Thanh Lương truyền lại. Nhưng chính lão tự thấy không đầy đủ, mỗi lần nghĩ đến bảy mươi hai tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm lại thấy vừa thèm thuồng vừa phẫn hận.

Một hôm gặp chuyện tình cờ, sư đệ của hắn là Thần Âm dẫn một vị Hồ tăng Thiên Trúc về chùa Thanh Lương, chính là Triết La Tinh. Triết La Tinh đúng là đệ tử nhà Phật, là cao thủ hạng nhất trong võ lâm Thiên Trúc. Có lần y đánh thua người khác, nghĩ đến chùa Thiếu Lâm ở Đông Thổ có bảy mươi hai tuyệt kỹ, liền sinh ra một kế, phái sư đệ Ba La Tinh là người có trí nhớ phi thường đến chùa Thiếu Lâm, danh nghĩa là cầu kinh Phật, nhưng thật ra là âm mưu ăn cắp bí lục võ công. Không ngờ hành vi Ba La Tinh bị phát giác, rồi bị chùa Thiếu Lâm giữ lại. Triết La Tinh có sai đệ tử sang dò xét, nhưng cũng không được gặp mặt Ba La Tinh. Vì thế phen này Triết La Tinh đích thân sang Đông Thổ, chỉ mong nhận lại sư đệ, còn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm lấy không được thì cũng đành chịu.

Hắn vào Đông Thổ, đi thẳng về hướng chùa Thiếu Lâm. Dọc đường hắn gặp một vị lão tăng cầm thiền trượng đúc bằng thép ròng, chăm chú nhìn hắn có vẻ ngạo mạn. Triết La Tinh không hiểu mấy về võ lâm Trung Thổ, cứ thấy hòa thượng biết võ công đều cho là ở phái Thiếu Lâm. Y đang tức tối, liền thét bảo lão tăng kia nhường lối, lời lẽ rất vô lễ. Vị lão tăng kia liền mắng trả, hai bên đấu khẩu một lát rồi chuyển sang đấu võ. Cuộc đấu kéo dài đến một giờ không phân cao thấp. Công lực hai người đều có chỗ sở trường, mà đánh nhau bằng binh khí cũng chẳng ai hơn ai.

Đến lúc hoàng hôn thì lão tăng quát bảo dừng tay rồi nói: Phiên tăng kia! Võ công của ngươi rất cao, đáng tiếc là nóng tính, kém công phu hàm dưỡng. Triết La Tinh mắng lại: Ngươi với ta kẻ bảy lạng người nửa cân, chẳng lẽ tính khí người tốt hơn ta ư?

Mấy câu tiếng Hoa y nói sai bét, đáng lý phải nói kẻ tám lạng người nửa cân thì hắn lại nói kẻ bảy lạng người nửa cân. Vị lão tăng rất lấy làm kỳ bèn hỏi: Kẻ bảy lạng người nửa cân là sao? Triết La Tinh đỏ mặt lên nói: A, ta nói nhầm rồi. Phải kẻ nửa lạng người tám cân mới đúng.

Vị lão tăng liền cười ha hả nói: Ta dạy cho ngươi hay: Tám lạng mới là nửa cân. Có một câu nói thông thường của người Trung Nguyên chúng ta mà người còn chưa rành. Về chịu khó học thêm mấy năm nữa rồi sẽ đến nói chuyện bằng Hoa ngữ với ta cũng chưa muộn. Triết La Tinh bèn đáp: Biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết, chính là biết vậy. Vị lão tăng cười đáp: Thì ra ngươi cũng có đọc sách ít nhiều, khoe khoang chữ nghĩa, thế mà không biết nửa cân có tám lạng. Thì ra Tiết La Tinh và Ba La Tinh cố ý đến Trung Nguyên để ăn cắp võ công bí lục, nên ráng học tiếng Trung Hoa. Nhưng chúng chỉ học theo sách vở, còn những câu thành ngữ ai cũng biết như tám lạng nửa cân chẳng hạn thì chỉ nhớ bập bõm không rành mạch, nên mới nhầm lẫn như thế.

Hai nhà sư đánh nhau nửa ngày, sinh ra mến tài nhau bèn giới thiệu tên họ. Vị lão tăng đó pháp danh là Thần Âm, cũng là sư đệ Thần Sơn phương trượng chùa Thanh Lương. Triết La Tinh biết ông ta không phải ở phái Thiếu Lâm thì lại càng hết nghi kỵ. Thần Âm lại hỏi hắn qua Trung Thổ có việc gì? Triết La Tinh bèn kể vụ sư đệ hắn là Ba La Tinh qua chùa Thiếu Lâm, không hiểu vì lẽ gì lại bị chùa Thiếu Lâm bắt giữ, không thả cho về. Thần Âm là người hiếu sự, thấy uy danh chùa Thiếu Lâm vang dội khắp nơi thì trong lòng không phục. Hắn lại còn có ý khoe khoang với bằng hữu mới kết giao, liền nói: Sư huynh ta là Thần Sơn Thượng Nhân bản lĩnh thiên hạ vô địch, chẳng coi chùa Thiếu Lâm vào đâu. Bây giờ ta đưa ngươi đến yết kiến sư huynh ta, chắc chắn y sẽ có cách cứu được sư đệ cho ngươi. Thần Âm liền dẫn Triết La Tinh về chùa Thanh Lương để gặp Thần Sơn.

Thần Sơn biết phương trượng Huyền Từ chùa Thiếu Lâm vốn rộng rãi hiền hòa, sao lại bắt giữ Ba La Tinh, hẳn có nguyên nhân trọng đại chi đây. Y liền trọng đãi Triết La Tinh, lựa lời thăm hỏi dần dần. Chưa đầy nửa tháng thì Triết La Tinh đã kể hết ra, chỉ có điều vẫn giấu chuyện trộm bí kíp võ công, chỉ nói là muốn xem kinh Phật để hoằng dương Phật pháp tại Thiên Trúc mà thôi.

Thần Sơn nghĩ thầm: Ba La Tinh đến chùa Thiếu Lâm cốt để ăn cắp kinh sách, nếu lộ chuyện thì cũng bị lấy kinh lại là cùng. Hiện nay chùa Thiếu Lâm bắt hắn giam giữ không chịu thả, thì không những hắn đã ăn cắp được kinh, mà không chừng đã thuộc lòng hết rồi. Nếu lão Phiên tăng chỉ muốn trộm kinh sách về Phật pháp, thì chùa Thiếu Lâm chẳng những không làm khó dễ, lại còn sao chép, dịch ra để gửi tặng nữa là khác. Hắn đã bị nhốt bảy năm, nhất quyết không phải là ăn cắp kinh Phật mà là bí lục võ công. Thần Sơn nghĩ tới những bí lục võ công của Thiếu Lâm thì lại càng ngứa ngáy trong lòng. Sau mấy ngày y bèn quyết định chủ ý: Bây giờ ta cứ ra mặt giúp hắn đến đòi Ba La Tinh. Dù trong chùa Thiếu Lâm có nhiều cao thủ, nhưng việc trong thiên hạ phải lấy lý lẽ làm đầu. Phái Thiếu Lâm là lãnh tụ võ lâm, cũng là đệ tử nhà Phật, chẳng lẽ lại cậy thế mạnh để uy hiếp người ư? Khi mình nắm được Ba La Tinh rồi, thế nào hắn cũng chia sẻ với mình những bí lục võ công của chùa Thiếu Lâm.

Y liền sai đệ tử cầm danh thiếp mời bốn vị cao tăng trọng vọng là Quán Tâm đại sư chùa Đại Tướng Quốc phủ Khai Phong, Đạo Thanh đại sư chùa Phổ Độ tỉnh Giang Nam, Giác Hiền đại sư chùa Đông Lâm núi Lô Sơn và Dung Trí đại sư chùa Tịnh Ảnh thành Trường An, cùng đến chùa Thiếu Lâm cãi lý đòi thả người.

Huyền Từ nghĩ bụng: Nếu mình kiên quyết không cho Ba La Tinh ra gặp thì rõ ràng chùa Thiếu Lâm đuối lý, mấy vị cao tăng ở chùa Phổ Độ, Đông Lâm… đem lòng bất phục. Đại sư liền truyền lệnh: Mời Ba La Tinh sư huynh ra đây!

Chấp sự tăng truyền lệnh ra ngoài, chẳng bao lâu bốn vị lão tăng đưa Ba La Tinh lên điện. Hắn nhìn thấy sư huynh thì vừa bi thương vừa vui mừng, nhảy lại ôm chầm lấy, nước mắt đầm đìa. Hai người nghẹn ngào nói với nhau bằng tiếng Thiên Trúc một hồi. Người ngoài nghe chẳng hiểu gì hết, nhưng cũng đoán là Ba La Tinh kể lại chuyện lấy kinh bị bắt, rồi chùa Thiếu Lâm không chịu thả về.

Triết La Tinh gật đầu lia lịa rồi dùng tiếng Hoa nói lớn: Phương trượng chùa Thiếu Lâm bịa chuyện. Ba La Tinh sư đệ của tiểu tăng không hề lấy cắp bí lục võ công, chỉ xem lén kinh sách nhà Phật. Kinh sách nhà Phật vốn là của nước Thiên Trúc chúng tôi truyền sang, xem đến cũng là phạm luật ư? Hơn nữa Đạt Ma tổ sư cũng là người Thiên Trúc đã truyền võ công cho các vị, mà các vị lại giam cầm người Thiên Trúc, thì thật là vong ơn bội… bội gì gì đó, thế là không tốt.

Hắn nói tiếng Hoa tuy không trôi chảy, nhưng đầy đủ lý lẽ khiến tăng chúng chùa Thiếu Lâm không sao cãi được. Ba La Tinh cũng nhất quyết không thừa nhận đã lấy cắp kinh sách về võ học, không có tang chứng thì thực khó mà buộc hắn phải thú nhận.

Huyền Từ nói: Người xuất gia không được nói dối. Ba La Tinh sư huynh không sợ khi xuống địa ngục bị rút lưỡi ư? Ba La Tinh đáp: Ta không nói dối. Huyền Từ hỏi: Ngươi đã xem trộm pho Đại Kim Cương Quyền Kinh của bản tự chưa? Ba La Tinh cãi: Không có! Ta chỉ mượn coi bộ Kim Cương Kinh thôi. Huyền Từ lại hỏi: Pho Bát Nhã Chưởng Pháp của chùa Thiếu Lâm, ngươi đã xem trộm chưa? Ba La Tinh lại cãi: Không có! Ta chỉ mượn bộ Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh để xem qua. Huyền Từ nói: Thế thì Ma Ha Chỉ Quyết của phái Thiếu Lâm, chẳng lẽ ngươi cũng chưa coi trộm? Hôm ấy năm vị sư đệ bắt gặp ngươi vào Tàng Kinh Các coi lén bộ chỉ quyết này, rồi từ Tàng Kinh Các trốn ra. Ngươi bảo sao?

Ba La Tinh đáp: Tiểu tăng vào Tàng Kinh Các chỉ để mượn coi bộ Ma Ha Tăng Chí Luật, Đời nhà Tần, năm Long An thứ ba, cao tăng Pháp Hiền sang nước Thiên Trúc chúng tôi, đã thỉnh được rất nhiều kinh sách, trong đó có bộ Ma Ha Tăng Chỉ Luật. Tiểu tăng mượn pho đó để xem, không hiểu đã phạm vào giới luật gì của quý tự? Ba La Tinh đã thông minh cơ trí lại học vấn uyên thâm, nên mới được sư huynh giao cho trọng trách đi lấy cắp kinh sách. Bây giờ hắn chối hết những chuyện xem trộm bí lục võ công, xem chừng chùa Thiếu Lâm hoàn toàn đuối lý.

Huyền Từ chau mày, khẽ cất tiếng niệm: A Di Đà Phật!. Bỗng nhiên một luồng gió nhẹ thổi lướt qua. Nhân ảnh thấp thoáng, có người phóng quyền ra đánh vào sau lưng Ba La Tinh, quyền phong vừa thần tốc vừa mãnh liệt, nhằm đúng huyệt Chí Dương.

Thoi quyền này phóng ra đột ngột, tựa như không có cách nào giải cứu. Ba La Tinh bỗng xoay tay lại, tay trái che huyệt Thần Đạo, tay phải nắm lấy huyệt Cân Xúc, lòng bàn tay đều hướng ra ngoài, tức thời nhả chưởng lực ra. Huyệt Thần Đạo ở trên huyệt Chí Dương, huyệt Cân Xúc ở dưới huyệt Chí Dương, song chưởng kết lại thành một tấm bình phong để che đỡ chỗ huyệt Chí Dương, thủ pháp cực kỳ xảo diệu.

Những cao thủ trên Đại Hùng bảo điện thấy y xuất chiêu mau lẹ, giải phá được thế đánh bất ngờ, tựa như sư huynh sư đệ đồng môn chiết chiêu luyện tập. Chưởng pháp y phô diễn thật là tuyệt diệu. Nhiều người không nhịn được, bất giác reo lên: Hảo chưởng pháp!

Ba La Tinh vừa dùng song chưởng để cản trở thoi quyền, người kia liền biến quyền thành chưởng chém vào sau cổ Ba La Tinh. Lúc này mọi người đã nhìn rõ người đánh lén là một nhà sư trung niên ở chùa Thiếu Lâm mặc áo cà sa đỏ. Nhà sư đó biến chiêu thần tốc tựa như đã biết Ba La Tinh sẽ dùng song chưởng để đỡ quyền như thế nào. Ba La Tinh lại phóng ngón tay trái ra đâm vào cườm tay đối phương. Nếu nhà sư kia không thu chiêu về thì sẽ bị điểm vào huyệt Hậu Khoát, giả tỉ Ba La Tinh vận nội lực toàn thân vào đầu ngón tay thì không chừng bàn tay nhà sư kia phải tàn phế. Phát chỉ này mới trông rất bình thường chẳng có chi kỳ dị, nhưng thật ra tuyệt diệu vô cùng. Lại có người reo lên: Hảo chỉ pháp!

Nhà sư kia lập tức thu chưởng về, rùn người xuống, đảo sang mé tả Ba La Tinh phóng song quyền như chày máy, chỉ trong chớp mắt đã đánh luôn bảy quyền. Bảy quyền này chia ra đánh vào trán, cằm, cổ, ngực và lưng Ba La Tinh một cách thần tốc phi thường. Ba La Tinh không còn cách nào né tránh được, cũng phóng luôn bảy quyền đáp lại. Chỉ nghe bảy tiếng binh binh liên tiếp, bảy quyền của Ba La Tinh đỡ trúng bảy quyền của nhà sư trong chớp nhoáng. Rõ ràng quyền pháp này y đã tập luyện tinh thục vô cùng, nếu không thì dù võ công cao thâm đến đâu cũng không thể đón đỡ thần tốc như vậy.

Ba La Tinh vừa đỡ xong bảy quyền, đột nhiên nhớ ra một việc, lên một tiếng rồi nhảy lùi lại phía sau. Nhà sư trung niên cũng không tấn công nữa, lùi lại ba bước, chắp tay quay về phía Huyền Từ cùng Thần Sơn thi lễ rồi nói: Tiểu tăng vô lễ, xin được thứ tội.

Huyền Từ cười ha hả, chắp tay đáp lễ. Thần Sơn thì giận dữ Hừ một tiếng, không nói gì. Huyền Từ quay về phía bốn vị cao tăng Quán Tâm, Đạo Thanh, Giác Hiền và Dung Trí nói: Xin bốn vị sư huynh chủ trì công đạo. Đại điện tức thời im bặt, không một tiếng động.

Từ lúc Thần Sơn Thượng Nhân nhắc đến việc chùa Thiếu Lâm bắt giữ Ba La Tinh, Hư Trúc biết chuyện hôm nay không liên quan gì đến mình, đã thấy yên tâm. Lát sau y lại thấy một vị sư thúc tổ trong bản tự tấn công, Ba La Tinh hóa giải được hết. Y không hiểu sao hai người chỉ trao đổi ba chiêu rồi lại lùi ra, cũng chưa thi triển võ công thượng thặng, cũng không hiểu vì sao mà phương trượng bản tự vui tươi, còn đối phương bực tức. Y thấy ba chiêu vừa rồi Ba La Tinh chưa lép vế chút nào.

Quán Tâm đại sư đằng hắng một tiếng rồi hỏi: Ý kiến ba vị nên thế nào? Đạo Thanh đại sư đáp: Vừa rồi Ba La Tinh sư huynh sử ba chiêu, dường như chiêu thứ nhất là Thiên Y Vô Phùng trong Bát Nhã Chưởng, chiêu thứ hai là Di Dật Đãi Lao trong Ma Ha Chỉ, chiêu thứ ba là Thất Tinh Tụ Hội trong Kim Cương Quyền.

Thần Sơn Thượng Nhân cười ha hả rồi nói: Phật môn ở Trung Thổ quả nhiên đã chịu nhiều ơn huệ của Thiên Trúc. Dĩ nhiên Đạt Ma tổ sư đã sáng lập các tuyệt kỹ từ Thiên Trúc, đem về đây lập ra Thiếu Lâm Tự. Những tuyệt kỹ đó cũng được Thiên Trúc lưu truyền đến ngày nay. Hai vị cao tăng Thiếu Lâm cùng Thiên Trúc ra chiêu rất xứng hợp với nhau. Bát Nhã, Ma Ha vốn là tiếng Phạn, Kim Cương cũng là danh từ Phật học, vậy thì đông tây là một, vạn pháp cùng nguồn. Ha ha, đủ thấy võ học trong thiên hạ chẳng nên phân biệt xuất xứ làm gì. Ha ha, ha ha!.

Quần tăng chùa Thiếu Lâm nghe câu này đều lộ vẻ tức giận. Vừa rồi Ba La Tinh nhất quyết không chịu thú nhận đã xem trộm bí lục võ công của chùa Thiếu Lâm. Nhà sư trung niên vừa rồi pháp danh là Huyền Sinh, sư đệ Huyền Từ, võ công cao cường, tính khí lại cương trực. Huyền Sinh đã tính sẵn, bất ngờ tập kích Ba La Tinh bằng những chiêu số bắt buộc Ba La Tinh phải dùng Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ và Kim Cương Quyền để giải khai. Giả tỉ Ba La Tinh chưa học qua những môn đó, dĩ nhiên phải đem công phu bản môn ra hóa giải, nhưng mấy năm nay y toàn suy nghĩ và luyện tập công phu của phái Thiếu Lâm, nên trong lúc không kịp suy nghĩ đã tiện tay dùng ba chiêu tiện lợi nhất để đối phó. Ngờ đâu Thần Sơn lại cưỡng từ đoạt lý, cho đó là võ công Thiên Trúc. Thực ra thì võ công phái Thiếu Lâm đúng là bắt nguồn từ Đạt Ma tổ sư. Đạt Ma là một vị tăng Thiên Trúc, qua Trung Thổ để giảng luận Phật pháp cho Lương Võ Đế. Hai bên nói chuyện không hợp nên Đạt Ma tổ sư mới dựng chùa Thiếu Lâm, truyền dạy tâm pháp Thiền tông cùng võ công tuyệt thế. Chuyện này khắp thiên hạ ai ai cũng biết. Thần Sơn Thượng Nhân thông minh cơ trí, cãi luôn rằng mấy môn Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ, Kim Cương Quyền của phái Thiếu Lâm cũng từ Thiên Trúc truyền sang. Thế thì Ba La Tinh biết sử dụng mấy môn đó là chuyện bình thường, không thể vì thế mà kết luận hắn đã ăn cắp bí lục của chùa Thiếu Lâm được.

Huyền Từ bình thản nói: Phật pháp cũng như võ công của bản tự đều do Đạt Ma tổ sư truyền lại, đó là chuyện thực. Thế thì trả kinh sách của Thiên Trúc về cho Thiên Trúc là hợp tình hợp lý. Giả tỉ Ba La Tinh sư huynh đến để đòi lại những kinh văn của Đạt Ma tổ sư, bản tự sẽ kính cẩn hoàn trả. Nhưng Bát Nhã Chưởng do phương trượng đời thứ tám của bản tự là Nguyên Nguyên đại sư sáng chế, Ma Ha Chỉ do bốn mươi năm tâm huyết của Thất Chỉ Đầu Đà trong bản tự nghiên cứu, còn Đại Kim Cương Quyền Pháp thì sáu vị cao tăng bản tự đời thứ mười một cùng hao tổn công phu trong ba mươi sáu năm mới hoàn thành. Ba môn này là võ công thuần túy Trung Nguyên, không dính líu gì đến Thiên Trúc. Các sư huynh đều võ học cao thâm, chỉ nhìn là biết, lão nạp bất tất phải nói nhiều.

Quán Tâm đại sư và Dùng Trí đại sư biết Huyền Từ nói đúng, liền quay lại hỏi Thần Sơn Thượng Nhân: Sư huynh nghĩ sao? Thần Sơn Thượng Nhân mỉm cười đáp: Ý kiến của phương trượng Thiếu Lâm tất nhiên là cao minh, nhưng không khỏi phân biệt những môn phái ở Trung Thổ cùng Thiên Trúc. Thật ra theo nhãn quan nhà Phật thì chẳng có gì khác nhau, Trung Thổ cùng Thiên Trúc chỉ là giả danh hư vọng. Hôm trước Triết La Tinh sư huynh cùng tiểu tăng bàn luận về võ Công Thiên Trúc và Trung Hoa giống khác thế nào, cũng đã nhắc đến các chiêu số của Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ và Đại Kim Cương Quyền. Y bảo chiêu Thiên Y Vô Phùng trong tiếng Phạn gọi là A Phạt Hi Gia, nghĩa là không thể mệnh danh. Chiêu này hữu chưởng nhẹ nhàng mà thực, tả chưởng trầm trọng mà hư. Hư thực khó mà phân biệt, địch nhân không để ý rất dễ bị lừa. Phương trượng sư huynh! Triết La Tinh sư huynh nói vậy chẳng hiểu có đúng không? Huyền Từ hơi biến sắc rồi bình tĩnh đáp: Nhãn quang của sư huynh thật là tinh tế. Bội phục, bội phục!.

Thần Sơn Thượng Nhân vừa thông minh vừa uyên bác, vừa trông Ba La Tinh cùng Huyền Sinh, đối nhau một chưởng đã hiểu được chỗ sâu sắc của chiêu Thiên Y Vô Phùng, liền bịa ra lời phân tích của Triết La Tinh để chứng minh những chiêu thức đó là của Thiên Trúc. Từ lúc Thần Sơn được thấy Ba La Tinh cùng Huyền Sinh trao đổi ba chiêu, trong lòng lão lại càng ngứa ngáy khó chịu, thèm khát võ công phái Thiếu Lâm. Lão nghĩ bụng: Bọn hòa thượng Thiếu Lâm hiện nay đều tư chất tầm thường, e rằng chỉ lĩnh hội được vài phần các môn võ học cao minh của tiền bối truyền cho. Nếu mình được nghiên cứu thì trở thành thiên hạ vô địch chẳng khó khăn gì.

Huyền Từ cũng biết lão chỉ xem chiêu số của Ba La Tinh rồi nhận xét, còn câu nói của Triết La Tinh chỉ là bịa đặt lừa dối mọi người. Nhưng lão nhìn thoáng qua mà thấy được chỗ ảo diệu của chưởng pháp, thì thật là thông minh tuyệt thế, nhãn lực phi thường trên đời ít có. Huyền Từ đại sư trầm ngâm một chút rồi bảo: Huyền Sinh sư đệ! Phiền sư đệ đến Tàng Kinh Các, lấy bí lục ba môn võ công vừa rồi cho các vị sư huynh xem.

Huyền Sinh Vâng một tiếng rồi chuyển thân vọt đi, chỉ chốc lát đã trở về cầm bí lục trao cho Huyền Từ. Đại Hùng Bảo Điện cách Tàng Kinh Các đến ba dặm, thế mà chỉ trong khoảnh khắc Huyền Sinh đã lấy được sách về thì đủ biết thân pháp y mau lẹ phi thường. Người ngoài không biết nội tình thì không để ý, nhưng tăng chúng chùa Thiếu Lâm ai cũng khen thầm.

Ba quyển kinh sách kia giấy đã ngả màu chỗ vàng chỗ đen, rõ ràng đã rất lâu năm. Huyền Từ cầm kinh sách để lên bàn nói: Mời các vị sư huynh xem thử. Ba pho kinh này đều có ghi rõ thời gian cùng danh hiệu người sáng lập. Các vị sư huynh có thể không tin lời lão tăng, nhưng chẳng lẽ những phương trượng và cao tăng đạo đức đời trước của chùa Thiếu Lâm cũng đều có hành động vô sỉ, bịa chuyện lừa dối hay sao?

Thần Sơn Thượng Nhân vờ như không hiểu ẩn ý ngoài lời nói, cầm lấy cuốn Bát Nhã Chưởng Pháp mở ra xem. Quán Tâm đại sư xem cuốn Ma Ha Chỉ Bí Yếu, còn Đạo Thanh đại sư đọc cuốn Đại Kim Cương Quyền Thần Công. Quán Tâm và Đạo Thanh chỉ đọc bài tựa rồi trao cho Giác Hiền, Dung Chí. Bốn vị cao tăng này đều biết đây là võ công bí mật của phái Thiếu Lâm, còn mình là cao thủ phái khác, mà Huyền Từ đại sư là cao tăng đời này quyết không giả dối, nếu xem kỹ thì tỏ ra mình ngờ vực Huyền Từ đại sư, như vậy thật là bất kính.

Nhưng Thần Sơn Thượng Nhân lại xem rất kỹ, lật từng trang một, tựa như cố tìm ra những chỗ sơ hở để bài bác Huyền Từ. Trong đại diện chỉ có tiếng hô hấp nhẹ nhàng và tiếng lật sách loạt soạt, ngoài ra không còn tiếng động gì khác, không khí tĩnh lặng phi thường.

Quần tăng chùa Thiếu Lâm chăm chú nhìn Thần Sơn Thượng Nhân, xem thử lão có tìm ra được chứng cớ gì trong ba bản kinh sách để cãi nữa không, nhưng mặt lão vẫn trơ như gỗ đá, không vui mừng mà cũng không thất vọng chi hết. Sau cùng, lão gấp cuốn Đại Kim Cương Quyền Thần Công trả lại Huyền Từ phương trượng, nhắm mắt lại ngẫm nghĩ không nói câu gì.

Huyền Từ thấy thế cũng không đoán được lão đang nghĩ gì.

Sau một lúc lâu, Thần Sơn Thượng Nhân mở mắt ra, nhìn Triết La Tinh rồi nói: Sư huynh! Ngày trước sư huynh đã đọc những yếu quyết về Bát Nhã Chưởng bằng tiếng Phạn cho tiểu tăng nghe. Tiểu tăng còn nhớ mấy câu: Nhân khổ nãi la ti, Bát nhã cam nhi tinh, Kha la ba cơ tư tinh, binh na tư ni, phạt nhĩ bất thân la… dịch sang Hoa ngữ nghĩa là: Ban đêm tịch mịch nghĩ vẩn vơ thì làm cách nào để chế phục? Yếu quyết đầu tiên về nội công của Bát Nhã Chưởng là ở chỗ đó, có đúng thế không? Triết La Tinh ngẩn ra một chút rồi hiểu ý, liền đáp: Đúng rồi! Sư huynh dịch rất chính xác!

Quần tăng chùa Thiếu Lâm ngơ ngác nhìn nhau, ai cũng kinh hãi thất sắc. Cả những tiểu tăng hậu bối cũng lắng tai nghe.

Thần Sơn lại nói lý lố một hồi tiếng Phạn rồi tiếp: Những câu tiếng Phạn như thế, tiểu tăng tạm dịch như sau: Chuyện phức tạp thì phải đem ý nghĩ phức tạp mà suy nghiệm. Suy nghiệm ra được thì chẳng còn ý nghĩ phức tạp nữa. Quay lại tự hỏi lòng mình thì biết suy nghiệm vào đâu? Không suy nghiệm vào đâu được thì lòng mình thành mờ mịt. Mờ mịt mà không phải mờ mịt, thì không thể để mờ mịt. Muốn soi sáng cũng không có chỗ để soi sáng. Cảnh trí mờ mịt thì lo nghĩ sẽ yên. Bên ngoài không tác động thì bên trong tất phải yên. Trong ngoài đều yên thì tính tình cũng phải yên. Đó là yếu quyết về luyện nội công của Bát Nhã Chưởng.

Bây giờ Triết La Tinh đã hiểu hoàn toàn dụng ý của y, vội đáp ngay: Phải lắm! Phải lắm! Hôm ấy tiểu tăng cùng sư huynh đàm luận Phật pháp tại chùa Thanh Lương núi Ngũ Đài, rồi bàn luận sang võ công. Yếu quyết luyện nội công Bát Nhã Chưởng của Thiên Trúc đúng là như vậy.

Thần Sơn Thượng Nhân lại nói: Hôm ấy sư huynh cũng có nói về yếu chỉ của Đại Kim Cương Quyền và Ma Ha Chỉ, tiểu tăng cũng còn nhớ. Đoạn lão lại đọc ra mấy tràng, thao thao bất tuyệt.

Huyền Từ cùng các cao tăng Thiếu Lâm đều sợ tái mặt, vì Thần Sơn Thượng Nhân đọc thuộc không sai một chữ, đúng là bí quyết ghi trong ba pho kinh sách đó. Không ai ngờ được, lão chỉ giở sách một lần mà thuộc lòng ngay được. Vừa rồi lão lẳng lặng lật từng trang xem kỹ là để học thuộc lòng các yếu quyết võ học trong ba bộ bảo kinh. Thần Sơn vốn tinh thông Phạn ngữ, lão dịch những yếu quyết đó ra tiếng Phạn, rồi lại đọc thuộc lòng kinh văn bằng tiếng Hoa, tựa như những pho sách này gốc ở Phạn văn, rồi có người dịch sang Hoa văn. Thế là không những lão phủi sạch tội Ba La Tinh ăn trộm kinh sách, mà lại tố cáo Nguyên Nguyên đại sư, Thất Chỉ Đầu Đà cùng mấy vị cao tăng tiền bối chùa Thiếu Lâm cái tội lén dịch sách rồi ký tên mình vào. Giả tỉ phái Thiếu Lâm tiếp tục cãi lý về việc này, thì cũng khó mà thắng nổi tài ăn nói của Thần Sơn. Lửa giận của Huyền Từ đã bốc lên, nhưng nhất thời đại sư chưa biết phải đối phó thế nào.

Huyền Sinh lại từ đám đông bước ra, nhìn Triết La Tinh nói: Đại sư có nói những môn Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ và Đại Kim Cương Quyền đều do Thiên Trúc truyền lại cho bản tự, chắc đại sư đã tinh thục lắm rồi. Muốn xem việc này thực hay giả cũng không khó. Bây giờ tiểu tăng xin lãnh giáo đại sư mấy cao chiêu, nhất quyết tiểu tăng chỉ thi triển ba môn đó, cũng xin đại sư chỉ điểm trong phạm vi ba môn đó mà thôi.

Huyền Từ tự thấy xấu hổ: Mình ngốc thật! Như vậy là rõ trắng đen ngay, thế mà mình không nghĩ ra. Thần Quan Thượng Nhân không khỏi run lên:Biện pháp này thật là lợi hại. Dĩ nhiên Triết La Tinh không hiểu Bát Nhã Chưởng, bây giờ hắn biết trả lời ra sao?

Triết La Tinh giả vờ hổ thẹn đáp: Võ công nước Thiên Trúc bao la bát ngát, chỉ những môn nổi tiếng đã có đến ba trăm sáu mươi tuyệt kỹ. Tiểu tăng tuy có biết qua đại khái, nhưng không thể tinh thục hết được. Tiểu tăng nghe nói chùa Thiếu Lâm có bảy mươi hai tuyệt kỹ, vậy xin hỏi sư huynh: Sư huynh có tinh thông hết bảy mươi hai tuyệt kỹ không? Nếu tiểu tăng chỉ định ba môn cho sư huynh diễn thử, sư huynh có dám nhận lời không?

Quả nhiên Huyền sinh nghe vậy phải ngẩn người ra. Phái Thiếu Lâm có bảy mươi hai tuyệt kỹ, nhưng mỗi vị cao tăng chỉ học được năm sáu môn, nếu phải chỉ định ba môn bất kỳ thì bất luận là ai cũng không biểu diễn được. Huyền Sinh tuy võ công tinh thâm, hiểu biết rộng rãi, nhưng trong bảy mươi hai tuyệt kỹ thì y chỉ biết sáu môn. Câu hỏi của Triết La Tinh rất hữu lý, khó mà ứng đối được.

Bỗng nghe một giọng nói dõng dạc từ xa xa vọng lại: Đại đức Thiên Trúc cùng cao tăng Trung Thổ tụ hội tại chùa Thiếu Lâm để đàm luận võ công, thật là hảo sự. Tiểu tăng may mà gặp dịp, có thể vào nghe hai bên cao luận chăng? Từng chữ đều rành mạch lọt vào tai mọi người, thanh âm lại nghiêm nghị, bình hòa. Nói được như vậy đã phải có nội lực cao thâm, người này ở xa mà lại nghe rõ được câu chuyện trong đại điện thì không chừng nội công của y đã luyện đến mức Thiên Nhĩ Thông của nhà Phật.

Huyền Từ đại sư hơi kinh ngạc, vận nội lực trả lời: Cùng là Phật môn đồng đạo, xin mời đại sư quang lâm. Rồi lại nói: Xin hai vị sư đệ Huyền Minh và Huyền Thạch đại diện cho ta ra đón khách. Huyền Minh, Huyền Thạch cúi người Vâng một tiếng, vừa toan quay ra thì người kia đã cất tiếng nói: Không dám để các vị nghênh tiếp. Hôm nay được diện kiến các vị cao tăng, thật may mắn vô cùng.

Y cứ nói một tiếng là lại đến gần thêm mấy trượng, hết câu thì đã xuất hiện trước cửa đại điện. Mọi người nhìn ra, thì thấy một nhà sư trung niên vẻ mặt trang nghiệm, hai tay chắp trước ngực, tươi cười nói: Sơn tăng nước Thổ Phồn là Cưu Ma Trí xin tham kiến phương trượng chùa Thiếu Lâm.

Quần tăng thấy thân pháp y đã kinh dị, khi nghe báo danh thì đồng thanh lên một tiếng, nghĩ thầm: Thì ra Đại Luân Minh Vương quốc sư nước Thổ Phồn giá lâm!

Huyền Từ đứng dậy, tiến lên hai bước, chắp tay nghiêng mình nói: Quốc sư từ xa xôi giá lâm Đông Thổ, thật là có cơ duyên. Hôm nay tệ tự có một việc khó giải quyết, mong được quốc sư chủ trì công đạo, phân biệt đúng sai. Huyền Từ nói xong, liền giới thiệu Thần Sơn, huynh đệ Triết La Tinh, cùng bọn Quán Tâm đại sư.

Mọi người làm lễ tương kiến xong, Huyền Từ sai đặt ghế chính giữa điện mời Cưu Ma Trí ngồi. Cưu Ma Trí khiêm tốn mấy câu rồi cũng ngồi xuống, ngay phía trên Thần Sơn. Người khác thì thấy là chuyện dĩ nhiên, nhưng Thần Sơn tức tối mắng thầm: Tên Phiên tăng này giả thần lộng quỉ, chưa chắc đã có bản lĩnh chân thực. Lát nữa ta phải thử xem.

Cưu Ma Trí nói: Phương trượng muốn tiểu tăng chủ trì công đạo để phân biệt đúng sai, tiểu tăng không dám. Chỉ vì lúc nãy tiểu tăng tình cờ dừng chân trên sườn núi, được nghe Huyền Sinh đại sư cùng Triết La Tinh đại sư đàm luận võ công, nghĩ rằng cả hai vị đều có chỗ phi lý.

Quần tăng đều bực tức nghĩ thầm: Lão này ăn nói lớn lối quá. Huyền Sinh lên tiếng: Kính xin quốc sư chỉ điểm.

Cưu Ma Trí mỉm cười đáp: Vừa rồi Triết La Tinh sư huynh chất vấn đại sư, nói rằng bảy mươi hai tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm không có ai tinh thông hết được, câu đó không đúng. Còn đại sư nói rằng những môn Ma Ha Chỉ Bát Nhã Chưởng, Đại Kim Cương Quyền là bí truyền của phái Thiếu Lâm, trừ đệ tử chính tông của quý phái còn người ngoài không ai biết, câu đó cũng sai lầm. Lão chê trách cả hai người một lúc, quần tăng đều ngơ ngẩn, không ai hiểu lão đang muốn gì.

Huyền Sinh dõng dạc hỏi: Theo lời quốc sư thì có người tinh thông hết bảy mươi hai tuyệt kỹ của tệ phái ư? Cưu Ma Trí gật đầu đáp: Không sai! Huyền Sinh hỏi: Xin hỏi quốc sư, vị đại anh hùng đó là ai? Cưu Ma Trí đáp: Thật không tiện nói ra. Huyền Sinh biến sắc hỏi: Là quốc sư chăng? Cưu Ma Trí gật đầu, chắp tay nghiêm trang đáp: Chính phải! Hai chữ này vừa ra khỏi miệng, quần tăng đều biến sắc nghĩ thầm: Lão này khoác lác quá, chẳng hiểu có bị điên khùng không?

Bảy mươi hai tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm thì có môn luyện về hạ bàn, có môn chuyên về khinh công, có môn tập quyền chưởng, có môn phóng ám khí. Lại còn những tuyệt kỹ luyện đao luyện kiếm, sử côn sử bổng, mỗi môn đều có đặc điểm riêng. Nói chung ai chuyên dùng trường kiếm thì không thể sử thiền trượng, người chuyên về đại lực thần quyền thì lại không giỏi thu phát ám khí. Tuy có người tinh thông được năm sáu môn, nhưng phải là những môn không xung khắc nhau. Tương truyền đời trước có một vị cao tăng luyện được mười ba môn, được xưng tụng là Thập Tam Tuyệt Thần Tăng. Phái Thiếu Lâm đã sáng lập mấy trăm năm, mới có được một người như vậy. Một người tuyên bố kiêm luyện hết bảy mươi hai tuyệt kỹ thì không thể tin được, quần tăng Thiếu Lâm, kể cả Thần Sơn, Đạo Thanh… đều phải lắc đầu.

Trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm lại có mười ba, mười bốn môn cực kỳ khó luyện, dù là bậc thiên tư cực cao, suốt đời khổ luyện một môn chưa chắc đã thành tựu. Hiện thời tổng số tăng nhân chùa Thiếu Lâm có đến hơn ngàn, cả ngàn hòa thượng hợp lại cũng chưa tinh thục được hết bảy mươi hai tuyệt kỹ. Cưu Ma Trí mới ngoại tứ tuần thì giả tỉ y vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã bắt đầu luyện võ công, rồi mỗi năm luyện được một môn, thì cũng chưa đủ số bảy mươi hai tuyệt kỹ. Mà đã gọi là tuyệt kỹ thì môn nào cũng phức tạp phi thường, làm thế nào mà một năm luyện được mấy môn?

Huyền Sinh cười thầm, nhưng vẫn cố cung kính nói: Quốc sư không phải là người trong phái Thiếu Lâm, vậy mà cũng tinh thông những môn Ma Ha Chỉ, Bát Nhã Chưởng, Đại Kim Cương Quyền chăng? Cưu Ma Trí cười đáp: Không dám! Mong Huyền Sinh đại sư chỉ giáo cho. Y nghiêng người đi một chút, tay trái đưa ngang ra, quyền bên phải đánh ra vù một tiếng. Chiếc đỉnh đồng đặt trước bàn thờ Phật bỗng kêu boong boong rồi bật tung hẳn lên. Đó là một Lạc Chung Đông Ứng trong Đại Kim Cương Quyền. Quyền không đụng vào mà đỉnh đồng phát ra tiếng cũng chưa khó, chỉ xảo diệu ở chỗ quyền phong đánh ngang ra phía trước mà đỉnh đồng lại bật thẳng lên, đúng là đã luyện đến chỗ bí ảo của Đại Kim Cương Quyền.

Cưu Ma Trí không chờ cái đỉnh đồng rớt xuống, lại phóng tay trái đánh ra một chiêu Nhiếp Trượng Ngoại Đạo trong Bát Nhã Chưởng. Một tiếng choang vang lên, trong đỉnh đồng có một vật rớt ra, tàn hương trong đỉnh đồng tung tóe mù mịt nên không nhìn rõ là vật gì. Lúc này dư lực của chiêu Lạc Chung Đông Ứng đã hết, đỉnh đồng bắt đầu rớt xuống. Cưu Ma Trí lại đưa ngón tay cái ra bật một cái, chỉ lực đẩy chiếc đỉnh đồng trệch đi nửa thước. Cưu Ma Trí lại bật ngón tay luôn hai cái nữa, đỉnh đồng lui xa thêm một thước rưỡi rồi mới rớt xuống đất.

Các vị cao tăng Thiếu Lâm đều phải thán phục. Ba cái bật ngón tay của Cưu Ma Trí coi rất tầm thường, thế mà bên trong chứa đựng nội kình đến độ siêu phàm nhập thánh. Đó là một chiêu trong Ma Ha Chỉ, tên là Tam Nhập Địa Ngục. Cái tên này ý nói muốn luyện xong một cái bật ngón tay phải chịu khổ sở như một lần vào địa ngục.

Lúc này tàn hương đã lắng xuống dần dần, vật rơi xuống đất đã lộ ra, quần tăng trông thấy bất giác lại la lên. Thì ra vật đó là một miếng đồng hình bàn tay năm ngón rất rõ, viền ngoài thì sáng lấp loáng như vàng, bề mặt lại màu xanh xám.

Cưu Ma Trí phất tay áo một cái rồi cười nói: Chiêu Cà Sa Phục Ma Công này tiểu tăng luyện chưa được tinh thục, mong phương trượng sư huynh chỉ giáo cho. Y vừa dứt lời, chiếc đỉnh đồng ở phía trước cách chừng bảy thước đột nhiên nhúc nhích mấy cái, lúc đứng yên lại thì đã quay nửa vòng, mặt trong bây giờ hướng ra ngoài. Chính giữa thân đỉnh đã bị khoét mất một miếng hình bàn tay, chỗ đỉnh đồng bị cắt lấp loáng ánh vàng. Bấy giờ những hòa thượng võ công bình thường mới hiểu Cưu Ma Trí vừa sử chiêu Nhiếp Phục Ngoại Đạo trong Bát Nhã Chưởng, chưởng lực sắc bén như bảo đao cắt đỉnh đồng ra một miếng hình bàn tay. Kỳ lạ nhất là chỗ bị cắt lại không ở phía đối diện Cưu Ma Trí mà lại ở phía sau.

Huyền Sinh thấy Cưu Ma Trí xuất thủ ba lần, hiển lộ bản lĩnh cao thâm không tưởng nổi, bất giác chán nản nghĩ thầm: Không chừng vị thần tăng này nói thật, bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm là từ Thiên Trúc truyền đến. Y luyện tập đúng từ gốc, lại còn ảo diệu cao thâm hơn võ công ở Trung Thổ nhiều. Huyền Sinh bèn chắp tay nghiêng người nói: Hôm nay thần kỹ của quốc sư đã cho tiểu tăng được mở rộng tầm mắt. Bội phục, bội phục!

Cái phất tay áo sau cùng của Cưu Ma Trí là một chiêu Cà Sa Phục Ma Công. Môn công phu này chính Huyền Từ đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ để luyện tập, vì nó mà trễ nãi cả việc tu luyện thiền học. Đại sư vẫn thường hối hận về chuyện này, thực là cái được không đủ bù cái mất, nhưng nghĩ rằng mình đã luyện được môn tụ công đệ nhất thiên hạ thì cũng thấy tự an ủi. Bây giờ Huyền Từ thấy Cưu Ma Trí phất tay áo một cách nhẹ nhàng, vẻ mặt vẫn tươi cười, miệng vẫn nói mà không sợ chân khí phát tiết ra ngoài, thật mình không sao bằng được. Đại sư bất giác đau lòng vô kể.

Lúc này trong đại điện không một tiếng động, ai nấy đều bị thần công của Cưu Ma Trí trấn áp. Sau một lúc lâu, Huyện Từ thở dài nói: Hôm nay lão tăng mới biết, ngoài trời còn có trời, trên người còn có người. Lão tăng khổ học mấy chục năm trời nhưng chưa đủ làm trò cười trong mắt quốc sư. Ba La Tinh sư huynh! Chùa Thiếu Lâm như đầm cạn không đủ để rồng vùng vẫy, địa phương phúc bạc chẳng dám lưu quý khách. Xin sư huynh tự tiện.

Huyền Từ vừa nói ra, Triết La Tinh cùng Ba La Tinh lộ vẻ vui mừng. Thần Sơn Thượng Nhân thì nửa vui nửa buồn, vui là vì quả thực Ba La Tinh đã tinh thông mấy tuyệt kỹ Thiếu Lâm và đã được Huyền Từ phương trượng đồng ý cho về. Còn lão buồn là vì vụ này lão chẳng có bao nhiêu công trạng, nhờ vào thần kỹ của Cưu Ma Trí là phần lớn. Cưu Ma Trí võ công cao thâm khôn lường, khống chế cục diện, thì Thần Sơn muốn được Ba La Tinh dạy cho mấy tuyệt kỹ Thiếu Lâm cũng còn là chuyện khó.

Nét mặt Cưu Ma Trí vẫn thản nhiên, chắp tay trước ngực nói: Thật là phúc đức! Phương trượng sư huynh hà tất phải quá khiêm.

Quần tăng chùa Thiếu Lâm đều cúi đầu buồn bã. Huyền Từ vừa bị ép buộc phải nói mấy câu thừa nhận võ công phái Thiếu Lâm không bằng người khác. Phái Thiếu Lâm tiếng tăm lừng lẫy, mấy trăm năm là thủ lĩnh võ lâm Trung Nguyên, chưa bao giờ mất thể diện như hôm nay. Phen này chẳng những phái Thiếu Lâm nhục nhã, các phái võ Trung Nguyên đều mất mặt với người ngoại quốc. Mấy vị Quán Tâm, Đại Thanh, Giác Hiền, Dung Trí, Thần Âm cũng buồn bã ra mặt, sự việc diễn biến ngoài dự liệu của họ khi lên chùa Thiếu Lâm.

Huyền Từ đại sư đã suy nghĩ tới ba lần mới nói Thiếu Lâm Tự giam giữ Ba La Tinh cốt để các môn tuyệt học không bị tiết lộ ra ngoài. Bây giờ đại sư thấy Cưu Ma Trí đã kiếm thông bảy mươi hai môn tuyệt kỹ, có giữ Ba La Tinh lại cũng chẳng ích gì. Ba La Tinh thuộc lòng nhiều lắm là bảy tám môn, so với Cưu Ma Trí chưa thấm vào đâu. Võ công của Cưu Ma Trí thì trong bản tự dĩ nhiên không ai địch nổi, giả tỉ cả ngàn nhà sư cùng nhảy vào tấn công, lấy số đông để thủ thắng thì đâu có phải hành vi của phái Thiếu Lâm vang danh thiên hạ? Hôm nay Ba La Tinh xuống núi, chỉ trong một tháng là trên giang hồ sẽ có lắm chuyện đồn đại, phái Thiếu Lâm không còn là lãnh tụ võ lâm, Huyền Từ cũng không còn mặt mũi nào làm phương trượng chùa Thiếu Lâm nữa. Nhưng nếu đại sư không xử sự như vậy, thì còn cách xử sự nào khác đâu?

Những việc xảy ra Hư Trúc đều thấy rõ hết, đến lúc phương trượng nói mấy câu sau cùng, các vị tiền bối bản tự đều sầu thảm, sư phụ Tuệ Luân chảy nước mắt như mưa, lại có mấy vị sư thúc đấm ngực khóc rống lên. Hư Trúc không hiểu rõ chi tiết trong chuyện này, nhưng cũng biết đại khái Cưu Ma Trí biểu diễn võ công, bản tự không có ai địch nổi, đành thả Ba La Tinh đi.

Cưu Ma Trí sử Đại Kim Cương Quyền, Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ chiêu thức trúng hay trật, Hư Trúc chưa học qua thì không có cách nào hiểu được. Nhưng nội lực trong quyền pháp, chưởng pháp, chỉ pháp thì Hư Trúc nhìn rất rõ ràng, đúng là Tiểu Vô Tướng Công, nên rất thắc mắc.

Hư Trúc đã được Vô Nhai Tử truyền cho Tiểu Vô Tướng Công. Về sau, Thiên Sơn Đồng Mỗ dạy y ca quyết của Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, phát giác ra y có công phu Tiểu Vô Tướng Công thì rất đỗi thương tâm, vì công phu này sư phụ bà ta chỉ truyền cho một mình Lý Thu Thủy, mà Hư Trúc lại học được ở Vô Nhai Tử. Thế thì rõ ràng giữa Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy đã thân thiết với nhau, nên bà ta nổi cơn ghen tức. Lát sau Đồng Mỗ hết giận, có nói cho y nghe về phép vận dụng Tiểu Vô Tướng Công, nhưng hiểu biết của bà cũng có giới hạn. Khi về cung Linh Thứu, Hư Trúc nghiên cứu đồ hình trong thạch thất, đã hiểu Tiểu Vô Tướng Công tới chỗ ảo diệu.

Tiểu Vô Tướng Công là võ học của Đạo gia. Đạo gia dạy phải giữ lòng dạ thanh tĩnh, thần trí phiêu diêu, so với lý thuyết vô sắc vô tướng của nhà Phật, mới nhìn thì giống nhau, bên trong lại khác hẳn. Lúc Cưu Ma Trí còn ở ngoài sơn môn đã dùng trung khí để truyền tiếng nói ra xa, Hư Trúc nghe đã biết ngay người này luyện Tiểu Vô Tướng Công đến mức cao thâm, bèn đem lòng kinh ngạc. Về sau Cưu Ma Trí thi triển quyền pháp, chưởng pháp, chỉ pháp, tụ pháp, bề ngoài biến ảo khôn lường, nhưng bên trong hoàn toàn là Tiểu Vô Tướng Công. Lúc sư thúc tổ Huyền Sinh và Ba La Tinh sử chiêu Thiên Y Vô Phùng từ trong đến ngoài đều là công phu của Phật môn. Bát Nhã Chưởng có nội công của Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ có nội công của Ma Ha Chỉ, Đại Kim Cương Quyền cũng có nội công của Đại Kim Cương Quyền, mỗi môn đều rành mạch phân minh, không pha trộn chút nào.

Bây giờ Hư Trúc nghe Cưu Ma Trí tự xưng tinh thông hết bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, song lúc thi triển chiêu thức Bát Nhã Chưởng, Ma Ha Chỉ, Đại Kim Cương Quyền thì rõ ràng đã sử dụng Tiểu Vô Tướng Công uy mãnh đến cực điểm để trấn áp mọi người hiện diện. Những người chưa hiểu Tiểu Vô Tướng Công đều phải tin là hắn đã tinh thông tuyệt kỹ Thiếu Lâm, thật là khó mà phân biệt. Thực ra thì uy lực của Tiểu Vô Tướng Công cũng chẳng kém gì những tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, nhưng hắn đã chỉ hươu mà nói ngựa để lừa gạt mọi người. Hư Trúc rất ngạc nhiên ở chỗ Cưu Ma Trí sử dụng Tiểu Vô Tướng Công giả mạo làm tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, mà cả ngàn nhà sư từ Huyền Từ phương trượng trở xuống chẳng ai lên tiếng phản đối.

Hư Trúc không hiểu được cốt lõi vấn đề, Tiểu Vô Tướng Công đã quảng đại tinh thâm lại là võ học của Đạo gia. Những người trong đại điện toàn là Phật môn đệ tử, dù võ công cao đến đâu cũng chưa từng luyện nội công của Đạo gia. Huống hồ Tiểu Vô Tướng Công đã lấy vô tướng làm yếu chỉ, không có hình tướng thì còn vết tích đâu mà lần? Nếu không phải là cao thủ đã luyện qua thì không thể nhận ra được. Huyền Từ và Huyền Sinh cũng có thấy nội công của Cưu Ma Trí không hoàn toàn đúng là nội công Thiếu Lâm, nhưng nghĩ rằng võ học ở Thiên Trúc và Trung Thổ cũng phải có chỗ sai biệt, về không gian thì xa nhau vạn dặm, về thời gian thì cách nhau mấy trăm năm, tuyệt kỹ ở chùa Thiếu Lâm lại đã được cao tăng đời trước biến hóa cải cách ít nhiều, nếu giống hệt nhau thì mới là đáng ngạc nhiên. Vì thế mà hai vị cao tăng đều không nghi hoặc gì.

Hư Trúc thấy mỗi vị cao tăng đều có tâm sự, nhưng y mới là hòa thượng đời thứ ba trong chùa, làm sao dám tự tiện bước ra? Khi thấy tình hình xấu đi rất nhanh, các vị sư trưởng vừa buồn vừa giận mà không làm gì được, rõ ràng bản tự đang gặp phải kiếp nạn trọng đại, y cũng muốn tiến ra để nói rõ võ công của Cưu Ma Trí không phải tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Nhưng y ở chùa Thiếu Lâm hai mươi năm nay chưa dám nói một câu nào với người trên, huống chi không khí trong đại điện cực kỳ thâm nghiêm, câu nói chưa ra tới miệng đã lại nuốt vào.

Bỗng nghe Cưu Ma Trí lại lên tiếng: Phương trượng đã nói như vậy, tức là nhìn nhận bảy mươi hai tuyệt kỹ của quý phái chính thức không phải do quý phái sáng lập ra. Thế thì sao gọi là tuyệt được? Huyền Từ im lặng không nói gì, ruột đau như dao cắt.

Một vị lão tăng cao lớn hàng chữ Huyền hằn học lên tiếng: Quốc sư đã chiếm được thượng phong, phương trượng bản tự cũng để nhà sư Thiên Trúc tự tiện rời đi, sao quốc sư còn không nể mặt mà cố đẩy người vào bước đường cùng?

Cưu Ma Trí mỉm cười nói: Tiểu tăng bất quá chỉ xin phương trượng tuyên bố một câu để truyền bá cho đồng đạo võ lâm khắp thiên hạ. Theo ý tiểu tăng thì chùa Thiếu Lâm nên giải tán, các vị cao tăng sẽ chia nhau gia nhập vào các chùa Thanh Lương, Phổ Độ… phấn đấu làm lại tiến độ, chẳng hơn cố bám lấy danh hiệu đệ tử Thiếu Lâm cho yên thân ư?

Y vừa dứt lời thì quần tăng chùa Thiếu Lâm không thể nhẫn nại được nữa, nhao nhao cả lên. Bây giờ ai nấy mới hiểu rõ, hôm nay Cưu Ma Trí lên núi Thiếu Thất là muốn lấy sức một người trấn áp phái Thiếu Lâm, không những để lưu danh thiên cổ mà từ nay võ lâm Trung Nguyên như rắn không đầu, thật là chuyện tốt đối với nước Thổ Phồn.

Y lại dõng dạc nói tiếp: Tiểu tăng một mình đến Trung Thổ thăm chùa Thiếu Lâm, bản ý là học hỏi phong độ của Thái Sơn Bắc Đẩu trong võ lâm, đinh ninh sẽ được mở rộng tầm mắt. Nhưng bây giờ nghe lời nói cùng cử chỉ của các vị cao tăng thì… ha ha, tựa hồ kém cả Thiên Long Tự ở nước Đại Lý xa tít phương Nam! Ôi thôi, tiểu tăng thất vọng không thể tưởng!

Một vị đại sư hàng chữ Huyền lên tiếng: Khô Vinh đại sư cùng Bản Nhân phương trượng ở Thiên Long Tự nước Đại Lý quả nhiên Phật pháp cao thâm, đã là Thích tử thì ai cũng ngưỡng mộ. Người xuất gia không quan niệm chuyện hơn thua, quốc sư nói chùa Thiếu Lâm không bằng Thiên Long Tự thì cũng có sao đâu? Đại sư vừa nói vừa từ từ tiến ra, sắc diện hồng hào, chụm ngón giữa và ngón cái bên tay hữu vào nhau. Miệng đại sư thoáng một nụ cười, thần sắc rất ôn hòa.

Cưu Ma Trí cũng tươi cười nói: Công phu Niêm Hoa Chỉ của Huyền Độ đại sư đã luyện tới chỗ xuất thần nhập hóa, tiểu tăng hâm mộ đã lâu. Hôm nay được nhìn thấy, thật là may mắn. Y nói xong cũng chụm ngón cái và ngón giữa bên tay hữu vào nhau, tựa như đang cầm một bông hoa. Tay trái cả hai nhà sư đồng thời từ từ đưa ra, búng về phía đối phương ba cái.

Ba tiếng veo véo rít lên, chỉ lực đụng nhau. Huyền Độ đại sư rung người lên một cái rồi ba tia máu vọt từ ngực ra, bắn xa đến mấy thước. Thì ra chỉ lực của Huyền Độ không địch nổi, bị ba luồng chỉ lực sắc nhọn như đao của Cưu Ma Trí đâm vào trước ngực.

Huyền Độ đại sư là người rất ôn hòa, được hết thảy các nhà sư hậu bối kính mến. Năm Hư Trúc mười sáu tuổi đã được phục vụ hầu trà Huyền Độ trong tám tháng, Huyền Độ đối xử rất thân thiết, lại chỉ điểm La Hán quyền cho y. Về sau Huyền Độ đóng cửa tham thiền, Hư Trúc ít khi gặp mặt nhưng bản tính y vốn trung hậu, vẫn không quên tình cảm ngày xưa. Bây giờ Huyền Độ bị chỉ lực Tiểu Vô Tướng Công của Cưu Ma Trí đả thương. Hư Trúc biết rằng nếu cứu chậm một chút là nguy đến tính mạng. Y đã được Lung Á lão nhân Tô Tinh Hà dạy phép trị thương, rồi lại được học bí quyết phá giải Sinh Tử Phù, nên rất rành việc cứu thương giữ mạng. Hư Trúc thấy máu tươi trước ngực Huyền Độ đang phun ra, không nghĩ ngợi gì nhiều, lạng người một cái ra trước mặt Huyền Độ rồi phóng ra một chưởng.

Ba tia máu đang vọt ra chưa kịp rớt xuống đất, lập tức được chưởng lực của y đẩy vào lại trong ngực Huyền Độ. Tay trái Hư Trúc búng mấy cái như gảy đàn tì bà, điểm hờ ra khoảng không, chớp mắt đã phong bế mười một chỗ huyệt đạo quanh vết thương của Huyền Độ, máu tươi không phun ra nữa. Hư Trúc lại lấy một viên Cửu Chuyển Hùng Xà Hoàn của cung Linh Thứu nhét vào miệng đại sư.

Ngày trước Hư Trúc được Đoàn Diên Khánh chỉ điểm phá thế Trân Lung của Vô Nhai Tử, Cưu Ma Trí đã gặp y một lần. Lúc này y từ đám đông tiến ra, điểm cách không để phong bế huyệt đạo cho Huyền Độ, chỉ pháp đã tuyệt diệu mà công lực lại càng thâm hậu. Bình sinh Cưu Ma Trí chưa từng thấy ai bản lĩnh như vậy, không khỏi giật mình kinh hãi.

Ngày trước, sáu nhà sư bọn Tuệ Phương thấy Hư Trúc vung chưởng đánh chết Huyền Nạn, lại thấy y làm chưởng môn phái khác, chẳng biết làm thế nào đành đem thi hài Huyền Nạn về chùa Thiếu Lâm. Huyền Từ phương trượng cùng các vị cao tăng đã xem kỹ thì biết Huyền Nạn chết về Tam Tiếu Tiêu Dao Tán kịch độc của Đinh Xuân Thu. Các vị chờ mãi không thấy Hư Trúc về, lại phái mười mấy nhà sư Thiếu Lâm đi tìm kiếm mà thủy chung vẫn chẳng thấy tông tích.

Lúc Hư Trúc về tới chùa Thiếu Lâm thì lại đang xảy ra biến cố trọng đại. Bang chủ Cái Bang là Trang Tụ Hiền đưa thiếp đến phái Thiếu Lâm, ý muốn xưng làm minh chủ của võ lâm Trung Nguyên. Huyền Từ cùng những vị đại sư vào hàng chữ Huyền, chữ Tuệ thương nghị mấy ngày liền, chẳng ai biết Trang Tụ Hiền là hạng người nào, chưa từng nghe tên trên giang hồ. Cái Bang là bang hội lớn nhất võ lâm, thực lực hùng mạnh, nổi tiếng nghĩa hiệp, vốn cùng phái Thiếu Lâm giúp đỡ nhau làm điều hiệp nghĩa, chủ trì công đạo cho võ lâm. Thế mà đột nhiên Cái Bang đòi ngồi trên phái Thiếu Lâm, các vị cao tăng đều không biết phải đối phó như thế nào. Sư phụ Hư Trúc là Tuệ Luân, thấy phương trượng cùng các sư bá sư thúc đang bận tâm giải quyết đại sự nên không dám nói đến chuyện Hư Trúc về chùa, dĩ nhiên cũng chưa báo cáo những việc y phạm giới. Vì thế mà Hư Trúc gánh phân tưới rau, các vị cao tăng không hề hay biết. Bây giờ đột nhiên y thi triển thân thủ tuyệt diệu, quạt được máu tươi Huyền Độ quay về nội thể, ai nấy đều hết sức ngạc nhiên.

Hư Trúc nói: Sư bá tổ đừng vận khí, để vết thương khỏi ứa máu ra. Rồi y xé áo mình băng bó vết thương trước ngực. Huyền Độ nhăn nhó cười nói: Niêm Hoa Chỉ… của Đại Luân Minh Vương… tinh diệu… tinh diệu vô cùng. Lão tăng bội… bội phụ… Hư Trúc nói: Đại sư bá! Đó không phải Niêm Hoa Chỉ, mà cũng không phải võ công của Phật môn.

Quần tăng nghe vậy đều kinh ngạc. Chỉ pháp của Cưu Ma Trí giống y như Huyền Độ, vẻ mặt hai người cũng ôn hòa tươi cười như nhau, thế mà không phải tuyệt kỹ Niêm Hoa Chỉ của phái Thiếu Lâm thì là gì nữa? Mọi người đều biết Cưu Ma Trí là hộ quốc pháp sư nước Thổ Phồn, được sắc phong Đại Luân Minh Vương, cứ năm năm một lần lại khai đàn thuyết pháp ở chùa Đại Luân trên Đại Tuyết Sơn. Cao tăng, cư sĩ bốn phương đến nghe rất đông đảo, ai cũng khen hắn Phật pháp uyên thâm, quả là một vị cao tăng cửa Phật vang danh thiên hạ. Thế mà Hư Trúc lại bảo võ công của hắn không phải là võ công của Phật môn, mọi người đều không khỏi sửng sốt.

Cưu Ma Trí lại càng kinh hãi, tự hỏi: Sao gã tiểu hòa thượng này lại biết chiêu thức của mình không phải là Niêm Hoa Chỉ? Không phải võ công nhà Phật? Sau một lúc, hắn nghĩ thầm: Phải rồi! Niêm Hoa Chỉ là một công phu bình hòa nhân ái, cốt để điểm huyệt kiềm chế địch nhân chứ không phải để giết người. Lúc nãy ta nóng lòng thủ thắng nên phóng chỉ lợi hại quá, đâm lão tăng kia thủng ba lỗ trước ngực, không đúng với bản ý Niêm Hoa Vi Tiểu của Gia Diệp tôn giả. Chắc vì thế mà gã tiểu hòa thượng này nhận ra.

Trời sinh hắn thông minh cơ trí, từ thuở nhỏ đã gặp kỳ duyên, chưa từng thua ai bao giờ. Hắn vừa rời Thổ Phồn đến chùa Thiên Long nước Đại Lý đã đánh bại mấy cao thủ là Khô Vinh, Bản Nhân, Bản Tướng. Hôm nay Cưu Ma Trí đơn thương độc mã đến chùa Thiếu Lâm, muốn đem một thân võ công mà đánh gục ngôi chùa cổ kính ngàn năm này. Hắn thấy Hư Trúc xuất chiêu Luân Chỉ Phong Huyệt đến chỗ tuyệt diệu, nhưng chỉ chừng hai mươi tuổi, thì nghĩ rằng võ công cũng chưa có gì đáng kể, bèn mỉm cười hỏi: Tiểu sư phụ bảo chiêu Niêm Hoa Chỉ của ta không đúng đường lối Phật môn, thế thì những tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm theo đường lối nào?

Hư Trúc không biết cái lý, chỉ ấp úng đáp: Chiêu Niêm Hoa Chỉ của Huyền Độ sư bá tổ dĩ nhiên đúng là của nhà Phật… Còn… cái đó… của… Minh Vương… không phải… Hư Trúc vừa nói vừa giơ tay trái lên bắt chước Huyền Độ búng ba cái, phát động công phu Tiểu Vô Tướng Công. Y không dám vô lễ búng thẳng vào Cưu Ma Trí, mà hướng ra chỗ không người. Quả chuông đồng trên đại điện kêu ba tiếng boong boong rất lớn. Thì ra ba đạo chỉ lực của Hư Trúc đều trúng phải chuông, mạnh chẳng khác gì cầm dùi mà đánh vào.

Cưu Ma Trí la lên: Hảo công phu! Hãy tiếp một chiêu Bát Nhã Chưởng của ta! Lão bèn chắp hai bàn tay như để hành lễ, nhưng hai bàn tay không khép lại. Một tiếng rít lên, chưởng lực giữa hai bàn tay xô về phía Hư Trúc. Đó chính là chiêu Giáp Cốc Thiên Phong trong Bát Nhã Chưởng.

Hư Trúc thấy luồng chưởng lực cực kỳ hung hãn, bắt buộc phải chống đỡ. Y bèn xuất một chiêu Thiên Sơn Lục Dương Chưởng để hóa giải chưởng lực của đối phương.

Cưu Ma Trí thấy chưởng phong của mình mất tăm mất tích, rõ ràng trong chưởng lực của Hư Trúc có sức hút, đã huy động Tiểu Vô Tướng Công đến tột độ. Hắn ngấm ngầm sợ hãi, nhưng vẫn cố tươi cười hỏi: Tiểu hòa thượng! Chiêu thức của ngươi có phải là theo đường lối Phật môn không? Hôm nay ta đến đây để lĩnh giáo thần kỹ phái Thiếu Lâm, sao ngươi lại thi triển những công phu bàng môn tả đạo? Chẳng lẽ phái Thiếu Lâm đứng nhất nhì Đại Tống chỉ có hư danh, bắt buộc phải dùng võ công phái khác để chống đỡ hay sao? Cưu Ma Trí quả là xảo quyệt, mới một chiêu đã biết nội công của Hư Trúc có điểm đặc biệt. Hắn không nắm chắc phần thắng nên dùng lời nói mỉa mai, bắt buộc đối phương phải dùng võ công Thiếu Lâm.

Hư Trúc không hiểu dụng ý của hắn, bèn đáp: Tiểu tăng tư chất ngu muội, nên võ công bản phái mới học được hai môn La Hán Quyền và Vi Đà Chưởng. Đó là những công phu vỡ lòng lúc nhập môn, thì làm sao chống đỡ nổi chiêu thức của quốc sư? Cưu Ma Trí cười ha hả nói: Nói vậy thì ngươi đã tự biết mình không phải là đối thủ của ta. Mau mau rút lui đi! Hư Trúc đáp: Vâng! Tiểu tăng xin rút lui. Y bèn chắp tay thi lễ, rồi lui về chỗ chư tăng hàng chữ Hư.

Huyền Từ phương trượng là người rất tinh minh, tuy không hiểu nguồn gốc võ công của Hư Trúc, nhưng vừa thấy y thi triển mấy chiêu thức xảo diệu mà nội lực lại rất thâm hậu, có thể đối chọi được với Cưu Ma Trí. Phương trượng biết hôm nay chùa Thiếu Lâm gặp đại nạn quan hệ đến sự vinh nhục tồn vong, nên để Hư Trúc đánh thử một trận, nếu thua thì Cưu Ma Trí cũng phải tổn thất nội lực, bớt kiêu ngạo phần nào. Huyền Từ nghĩ vậy liền nói: Quốc sư tự xưng là tinh thông bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, tài cao vô kể, mọi người phải bội phục, chắc quốc sư chẳng coi những môn võ nông cạn lúc nhập môn của đệ tử tệ phái vào đâu. Pháp danh của tăng chúng trong bản tự đặt theo bốn chữ Huyền Tuệ Hư Không. Hư Trúc! Ngươi là đệ tử hàng thứ ba trong bản phái, vốn không đủ tư cách để động thủ với quốc sư nước Thổ Phồn, nhưng quốc sư chẳng quản đường xa muôn dặm tới đây, thật là cơ duyên ít gặp. Vậy ngươi đem La Hán Quyền và Vi Đà Chưởng ra nhờ Minh Vương chỉ điểm cho! Huyền Từ nghĩ rằng Hư Trúc chỉ là một gã tiểu hòa thượng hàng chữ Hư, nếu thua Cưu Ma Trí thì uy danh phái Thiếu Lâm cũng chẳng sứt mẻ gì. Đại sư chỉ mong Hư Trúc ráng chống đỡ được một vài khắc thì sẽ ra lệnh dừng tay, lúc đó Cưu Ma Trí cũng chẳng còn mặt mũi để ra oai nữa.

Dĩ nhiên Hư Trúc phải tuân lệnh phương trượng, liền khom lưng đáp: Vâng! rồi tiến lên mấy bước, chắp tay nói: Xin quốc sư hạ thủ lưu tình. Y nghĩ rằng đối phương là cao nhân tiền bối, dĩ nhiên không ra chiêu trước, liền giơ hai tay lên lạy xuống. Đó là chiêu Linh Sơn Lễ Phật, chiêu khởi điểm trong Vi Đà Chưởng. Hư Trúc đã ở chùa Thiếu Lâm mười mấy năm trời, cứ nửa ngày niệm kinh nửa ngày luyện võ, nên đã thuộc lòng La Hán Quyền và Vi Đà Chưởng. Linh Sơn Lễ Phật vốn là một chiêu để thi lễ, chỉ để tỏ lòng kính cẩn địch thủ, chứng minh đệ tử nhà Phật lấy lễ nhượng làm đầu, không phải là hạng hung hăng hiếu dũng. Không ngờ Hư Trúc đã thừa hưởng nội lực của ba tay đại cao thủ phái Tiêu Dao, được Đồng Mỗ tận tâm truyền dạy, lại còn học được mấy tháng trong thạch thất ở cung Linh Thứu núi Phiêu Diểu, nên chiêu thức xã giao này lại biến thành uy lực phi thường. Hai tay Hư Trúc vừa lạy xuống, tăng bào trên người liền bật lên những tiếng phành phạch, chân khí trong người lưu chuyển để hộ vệ toàn thân.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.

Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Thích Nhất Hạnh | Giận

Thích Nhất Hạnh | Giận

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân khai sáng chánh niệm giúp…

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.