Thiên long bát bộ | Chương 42
Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.
· 87 phút đọc · lượt xem.
Mộ Dung Phục được Đặng Bách Xuyên ném cho trường kiếm, tinh thần liền phấn khởi. Hắn thi triển kiếm pháp gia truyền, xuất chiêu liên miên bất tuyệt, tựa như nước chảy mây trôi, chỉ trong nháy mắt toàn thân được kiếm quang dày đặc che phủ, một giọt nước cũng không thể lọt vào. Trước nay nhân sĩ võ lâm chỉ nghe đồn Cô Tô Mộ Dung vô cùng uyên bác, biết hết võ công các môn các phái, bây giờ mới thấy kiếm pháp nhà này cũng tinh diệu vô cùng. Nhưng dù cho kiếm pháp Mộ Dung Phục có lợi hại đến đâu, hắn cũng không thể tới gần Đoàn Dự trong vòng một trượng được. Hai tay Đoàn Dự vừa đâm vừa chém, bức bách Mộ Dung Phục hết nhảy lên cao lại bò xuống đất, tránh Đông né Tây. Đột nhiên một tiếng choang vang lên, trường kiếm trong tay Mộ Dung Phục gãy vụn ra thành hai ba chục mảnh, bay tứ tán lên không, bạch quang lấp loáng dưới ánh trời chiều.
Mộ Dung Phục tuy kinh hãi nhưng không hoảng loạn, liền vung chưởng đánh ra khiến cho hai ba chục mảnh kiếm gây đều bắn tới Đoàn Dự rào rào như một trận mưa ám khí. Đoàn Dự la lên: Trời ơi!, tay chân cuống quít không biết làm sao, liền nhào sấp xuống đất, mấy chục mảnh kiếm gãy bay lướt qua trên đầu. Nhưng cao thủ tỉ võ mà phục xuống tựa như chó liếm phân thì thật là khó coi. Mộ Dung Phục tuy bị đánh gãy trường kiếm nhưng phản bại thành thắng, nét mặt vẫn khoan thai nhàn nhã, oai hơn Đoàn Dự nhiều.
Phong Ba Ác kêu lên: Công tử nhận đao! rồi ném thanh đơn đao tới. Mộ Dung Phục giơ tay ra đón được thanh đao, thấy Đoàn Dự lồm cồm đứng lên thì bật cười hỏi: Chiêu Ác Cẩu Ngật Xí (chó dữ liếm phân) của Đoàn huynh có phải là tuyệt kỹ gia truyền của họ Đoàn nước Đại Lý không? Đoàn Dự ngẩn người đáp: Không phải! Rồi ngón út chàng lại vung lên, phóng ra một chiêu Thiếu Xung Kiếm.
Mộ Dung Phục múa đao chống lại. Hắn vừa thi triển Ngũ Hổ Đoạn Môn Đao đã biến sang Bát Quái Đao Pháp, rồi đổi sang Lục Hợp Đao. Mới trong khoảnh khắc mà Mộ Dung Phục đã thi triển đến tám chín thứ đao pháp, dường như sẽ còn tiếp tục biểu diễn tất cả các đao pháp trong thiên hạ, mà chiêu thức nào cũng tinh vi khiến cho những danh gia về đao pháp đứng xem đều phải thán phục. Nhưng dù đao pháp của hắn tinh thâm đến đâu, vẫn không thể tiến lại gần Đoàn Dự được. Lát sau Đoàn Dự phóng một chiêu Thiếu Xung Kiếm cực kỳ mãnh liệt, Mộ Dung Phục giơ đao lên đỡ, nghe đánh choang một tiếng, thanh đơn đao lại gãy làm mấy đoạn.
Công Dã Càn lập tức rung tay ném cặp phán quan bút cho Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục vứt thanh dao gãy, đón lấy phán quan bút, vung lên điểm tới tấp. Kình lực từ đầu bút nhọn vọt ra, rít lên những tiếng veo véo ghê người.
Đoàn Dự sau khi trao đổi hơn trăm chiêu dần dần đã điềm tĩnh lại, càng lúc càng hiểu nội công tâm pháp của bá phụ cùng Khô Vinh đại sư đã truyền dạy ở chùa Thiên Long, thi triển Lục Mạch Thần Kiếm mỗi lúc càng thông thạo. Bỗng nghe Tiêu Phong lên tiếng: Tam đệ! Đệ sử dụng Lục Mạch Thần Kiếm chưa thuần thục, nếu đồng thời phát huy cả sáu loại, những lúc thay đổi còn có sơ hở để đối phương né tránh. Đệ thử chỉ dùng một loại kiếm khí xem sao.
Đoàn Dự đáp: Vâng! Đa tạ đại ca chỉ điểm. Chàng liếc nhìn một cái, thấy Tiêu Phong thõng tay nhàn nhã đứng xem, còn Trang Tụ Hiền đã gãy gập cả hai chân, nằm lăn dưới đất lớn tiếng rên la.
Thì ra từ lúc Tiêu Phong không phải lo về Mộ Dung Phục, chàng đơn đả độc đấu với Du Thản Chi, lập tức chiếm được thượng phong. Nhưng mỗi khi song chưởng đối nhau, chàng lại cảm thấy một luồng hơi lạnh buốt truyền thấu vào thân thể, phải vận khí thúc đẩy hàn khí ra ngoài. Tiêu Phong không muốn kéo dài, bèn phóng cả song chưởng tấn công dồn dập, rồi nhân lúc Du Thản Chi đem toàn lực chống đỡ, đột nhiên chàng phóng chân đá quét ngang một cái. Du Thản Chi sở trường về chất hàn độc của băng tằm và về nội công Dịch Cân Kinh, còn công phu quyền cước chỉ hoàn toàn học ở A Tử, hết sức tầm thường. Hắn thấy chân đau điếng, rồi nghe tiếng lắc cắc thì biết là cả hai chân đã gãy rồi ngã lăn ra đất. Tiêu Phong lớn tiếng quát hỏi: Cái Bang vốn lấy nhân nghĩa làm đầu, ngươi đã là Bang chủ, sao lại hòa mình với bọn yêu quái phái Tinh Tú? Thế là ngươi đã làm nhơ danh nghĩa hiệp mấy trăm năm của Cái Bang.
Du Thản Chi được làm Bang chủ Cái Bang là hoàn toàn nhờ võ công cao cường, còn kiến thức khí độ thì không đủ cho người ta khâm phục. Gã còn đeo mặt nạ giả thần giả quỉ, mọi việc lại đều do A Tử cùng Toàn Quan Thanh điều khiển, dĩ nhiên bang chúng Cái Bang không tôn trọng gã chút nào. Hôm nay gã đã chụp chết mấy tên bang chúng, rồi dập đầu lạy Đinh Xuân Thu, gia nhập phái Tinh Tú, quần cái đều không coi gã là Bang chủ nữa. Tiêu Phong đá gãy hai chân Du Thản Chi, bang chúng Cái Bang lại thấy vui mừng, chẳng một ai ra giúp sức. Mấy tên phe đảng Toàn Quan Thanh dù muốn liều chết cứu viện, nhưng thấy Tiêu Phong oai nghi lẫm liệt nên đều co đầu rụt cổ, còn ai dám xông ra chịu chết?
Tiêu Phong đả thương Du Thản Chi, quay lại xem Hư Trúc cùng Đinh Xuân Thu tỉ đấu, thì thấy Hư Trúc đang ở thế thượng phong. Còn Đoàn Dự đang thi triển Lục Mạch Thần Kiếm có lúc tinh diệu nhưng có lúc lại vụng về đến cực điểm, nên bỏ qua rất nhiều cơ hội có thể thủ thắng. Chàng bèn lên tiếng chỉ điểm cho nghĩa đệ.
Đoàn Dự quay đầu nhìn sang Tiêu Phong và Du Thản Chi, vừa phân tâm một chút là Lục Mạch Thần Kiếm liền xuất hiện chỗ sơ hở. Mộ Dung Phục nhạy bén vô cùng, chụp ngay cơ hội phóng cây bút bên tay trái tới, tựa như sắp xuyên qua ngực chàng. Đoàn Dự thấy phán quan bút phóng tới nhanh như chớp, bất gịác chân tay luống cuống, hô hoán: Đại ca, nguy rồi!
Tiêu Phong lập tức phóng ra một chiêu Kiến Long Tại Điền, cây phán quan bút bị chưởng phong đẩy mạnh quá, cong oằn lại rồi chuyển hướng đâm về Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục phải vung cây bút bên phải lên để gạt cây bút phản chủ nghe đánh choang một tiếng, cả hai cổ tay đều tê điếng. Hắn không để cho cây bút cong rớt xuống tới đất, vung tay trái chụp lấy, rồi vung lên như móc câu.
Quần hùng vừa thấy chưởng lực cương mãnh phi thường của Tiêu Phong, lại thấy Mộ Dung Phục biến bút thành câu, ứng biến vô cùng tuyệt diệu. Mọi người bất giác lớn tiếng hoan hô, đều nghĩ rằng hôm nay được thấy những bậc kỳ tài đệ nhất thiên hạ đem toàn lực tranh đấu, thật là được mở rộng tầm mắt, không uổng công đến núi Thiếu Thất.
Đoàn Dự thoát được chiêu bút đâm vào ngực, cố định thần lại rồi giơ ngón tay cái ra sử Thiếu Thương Kiếm. Đường kiếm pháp này đánh ra rất rộng, mỗi chiêu phóng ra đều mãnh liệt đến vỡ đá tan bia, kiếm khí dồn dập như cuồng phong bạo vũ. Mộ Dung Phục sử một bút một câu, dần dần không chống nổi nữa. Đoàn Dự được Tiêu Phong chỉ điểm, chỉ sử một đường Thiếu Thương Kiếm, quả nhiên kiếm pháp cực kỳ nghiêm cẩn không có chỗ sơ hở nữa. Sáu đường Lục Mạch Thần Kiếm nếu biết sử dụng phối hợp, so với đơn kiếm thì oai lực rộng lớn hơn nhiều, nhưng Đoàn Dự chưa thông thạo lắm nên chàng sử đơn kiếm lại hiệu quả hơn. Mới khoảng mười chiêu, Mộ Dung Phục đã toát mồ hôi trán, lùi dần đến một gốc cây hòe, tựa vào cây để chống đỡ. Đoàn Dự sử hết bộ Thiếu Dương Kiếm Pháp, lại thu ngón cái về, đứa ngón trỏ ra, thi triển Thương Dương Kiếm Pháp.
Thương Dương Kiếm dùng ngón trỏ, dĩ nhiên không mạnh mẽ bằng Thiếu Dương Kiếm dùng ngón cái, nhưng so ra lại linh hoạt hơn nhiều. Kiếm thuật linh hoạt hay không là do cổ tay. Nhưng cổ tay linh hoạt đến đâu thì phóng kiếm ra thu kiếm về khoảng cách đến mấy thước, so với kiếm khí vô hình ở ngón tay trỏ chỉ nhích động trong phạm vi vài tấc, dĩ nhiên không thể mau lẹ bằng được. Huống chi Mộ Dung Phục đã bị Đoàn Dự bức bách phải lui lại đến hơn trượng, không có cách nào phản kích. Giả tỉ Đoàn Dự phải cùng Mộ Dung Phục đánh qua đỡ lại thì dĩ nhiên chàng không phải là đối thủ của hắn, chỉ hai chiêu là mất mạng. Nhưng hiện giờ, chàng chỉ có công mà không cần thủ, thi triển Thương Dương Kiếm Pháp của Thiên Long Tự, thật là chiếm thượng phong tuyệt đối.
Vương Ngữ Yên thấy biểu huynh nguy ngập thì trong lòng nóng nảy vô cùng. Tuy nàng hiểu hết các chiêu thức võ công các nhà các phái khắp thiên hạ, nhưng không biết gì về Lục Mạch Thần Kiếm, nên không có cách nào chỉ điểm cho Mộ Dung Phục. Nàng hết sức hoang mang nhưng không biết phải làm sao.
Tiêu Phong thấy Đoàn Dự phát huy vô hình kiếm khí mỗi lúc một thần diệu thì vừa yên lòng vừa khâm phục. Bỗng chàng chợt nghĩ tới A Châu: Trước kia A Châu cam tâm chết thay cho phụ thân, chỉ vì sau khi mình giết ông ta thì họ Đoàn nước Đại Lý sẽ tìm đến báo thù, nàng sợ mình không địch nổi Lục Mạch Thần Kiếm. Kiếm pháp của tam đệ thần diệu đến thế, nếu mình thay vào chỗ Mộ Dung Phục thì cũng không địch nổi. A Châu đã hy sinh tính mạng để mình khỏi chết. Mình… mình chỉ là một tên võ phu Khất Đan, làm sao xứng đáng nhận lấy ân tình như thế?
Quần hùng đang ngẩn ra nhìn Đoàn Dự cùng Mộ Dung Phục tỉ đấu, chẳng ai nghĩ đến chuyện tiến ra giúp đỡ bên nào. Đột nhiên ở hướng Tây Nam có vô số nữ nhân đồng thanh la lên: Tinh Tú Lão Quái! Sao ngươi dám động thủ với chủ nhân cung Linh Thứu trên núi Phiêu Diểu chúng ta? Mau mau quì xuống dập đầu đi! Mọi người quay lại nhìn thì thấy cả một khoảng núi toàn là nữ nhân cả già lẫn trẻ, chia thành tám đội, mỗi đội mặc y phục một màu, trông rất rực rỡ. Ngoài tám đội nữ nhân lại còn mấy trăm hào khách giang hồ, cách phục sức cũng khác hẳn người thường. Bọn hào khách này cũng rầm rộ hô lên: Chủ nhân hãy gieo vào người hắn mấy miếng Sinh Tử Phù. Đối với Tinh Tú Lão Quái thì Sinh Tử Phù lại càng thích hợp.
Võ công cũng như nội lực của Hư Trúc cao hơn Đinh Xuân Thu một bậc, lẽ ra đã thắng lâu rồi. Nhưng một là y còn ít kinh nghiệm lâm địch nên chỉ phát huy công lực bản thân được sáu bảy thành; hai là y vẫn giữ lòng từ bi, có những chiêu thức sát hại được đối phương nhưng y chỉ phóng ra nửa chừng rồi lại thu về; ba là Đinh Xuân Thu chất độc đầy mình, Hư Trúc vẫn úy kỵ nên không dám khinh suất tiến lại gần hắn. Vì thế mà trận đấu vẫn chưa kết thúc. Lúc Hư Trúc nghe những thanh âm hô hoán vang dội, liền ngoảnh đầu nhìn ra thì vừa kinh ngạc vừa mừng thầm. Chín bộ Cửu Thiên cung Linh Thứu đã có tám bộ đến đây, chắc là bộ Loan Thiên ở lại giữ cung, còn bọn nam nhân là các Đảo chúa, Động chúa của ba mươi sáu động, bảy mươi hai đảo. Số người rất đông, nếu bọn Đảo chúa, Động chúa không đến đủ thì cũng phải đến tám chín phần mười.
Hư Trúc gọi lớn: Dư bà bà! Ô tiên sinh! Các vị đến đây làm chi? Dư bà bà đáp: Khải bẩm chủ nhân, bọn thuộc hạ nhận được tin của Mai, Lan, Trúc, Cúc tứ kiếm báo về, được biết bọn trọc đầu chùa Thiếu Lâm muốn làm khó chủ nhân, lập tức triệu tập các động các đảo đi ngày đêm tới đây. Tôn chủ vẫn bình yên, thật là may mắn vô cùng, bọn thuộc hạ vui mừng khôn xiết! Hư Trúc nói: Phái Thiếu Lâm là sư môn ta, các ngươi không được ăn nói vô lễ. Mau mau lại tạ tội với phương trượng Thiếu Lâm đi! Y mở miệng nói chuyện mà vẫn thi triển Thiên Sơn Chiết Mai Thủ, Thiên Sơn Lục Dương Chưởng rất thần diệu, không để sơ hở chút nào.
Dư bà bà lộ vẻ sợ hãi, khom lưng nói: Vâng! Tiện phụ biết tội rồi. Mụ chạy tới trước mặt Huyền Từ phương trượng, quì mọp xuống cung kính dập đầu bốn cái mới nói: Tiện phụ là Dư bà bà ở bộ Hạo Thiên, thuộc hạ của chủ nhân cung Linh Thứu, nói năng vô lễ mạo phạm đến cao tăng Thiếu Lâm, xin dập đầu tạ tội, mong phương trượng đại sư thứ lỗi. Mụ nói mấy câu này cực kỳ thành khẩn, thanh âm dõng dạc chứng tỏ nội lực vào hạng cao thủ bậc nhất giang hồ.
Huyền Từ phất tay áo bào rồi nói: Không dám! Nữ thí chủ đứng lên. Đại sư đã vận đến năm thành công lực để đỡ Dư bà bà đứng lên, nhưng mụ không bị đẩy lên mà chỉ hơi rung người một chút, dập đầu thêm cái nữa rồi nói: Tiện phụ mạo phạm sư môn của chủ nhân, tội đáng muôn thác! Rồi mụ mới từ từ đứng lên lui về chỗ.
Chỉ trừ các vị lão tăng hàng chữ Huyền đã được nghe Hư Trúc kể chuyện về cung Linh Thứu núi Phiêu Diểu, còn các tăng nhân Thiếu Lâm khác và quần hùng đứng xem đều ngạc nhiên tự hỏi: Mụ này nội lực ghê gớm, mà bọn nam nữ kia xem chừng bản lĩnh cũng không phải tầm thường. Chẳng hiểu sao họ đều là bộ hạ của một tiểu hòa thượng Thiếu Lâm, thật đúng là quái sự.
Bọn đệ tử phái Tinh Tú thấy trong tám bộ nữ nhân cung Linh Thứu có rất nhiều người xinh đẹp, liền buông lời trêu ghẹo. Bọn Động chúa, Đảo chúa đa số là những hán tử thô hào, lập tức ngoác miệng thóa mạ lại chúng, gây nên một trường khẩu chiến. Bọn Động chúa, Đảo chúa rút binh khí ra khiêu chiến, nhưng bọn đồ đệ phái Tinh Tú chưa được lệnh của sư phụ nên không dám xuất trận ứng chiến, chỉ già họng văng ra những lời thô tục để thóa mạ. Lại có những tên thấy sư phụ đánh nhau bất lợi, cục diện xem ra không tốt, dáo dác ngó đông ngó tây chuẩn bị tìm đường an toàn nhất để chạy xuống núi.
Đoàn Dự không dám phân tâm, thấy đám thuộc hạ cung Linh Thứu tới nơi mà cũng không mở miệng chào hỏi, chỉ ngưng thần huy động Thương Dương Kiếm Pháp, mỗi lúc càng dồn Mộ Dung Phục vào bước đường cùng. Mộ Dung Phục chống đỡ một lúc nữa rồi không còn nhìn rõ vô hình kiếm khí đánh vào đâu, chỉ còn biết múa tít một bút một câu che kín thân mình, tưởng chừng như mưa gió cũng không lọt vào được.
Đột nhiên nghe véo một tiếng, một đường kiếm khí của Đoàn Dự đã lọt vào, hất mũ Mộ Dung Phục rớt xuống. Đầu tóc hắn rối tung, vẻ mặt cực kỳ hoảng hốt. Vương Ngữ Yên vội la lên: Đoàn công tử! Xin hạ thủ lưu tình! Đoàn Dự nghe tiếng nàng liền thở dài một tiếng, chiêu kiếm tiếp theo không phóng ra nữa. Chàng buông thõng tay xuống, nghĩ thầm: Ta đã hiểu rõ, trong lòng nàng chỉ có biểu huynh mà thôi. Nếu ta lỡ tay giết y thì nàng tất đau đớn vô cùng, chẳng bao giờ thấy nàng cười nữa. Đoàn mỗ đã thương yêu nàng, nhất quyết không để nàng phải bi thương.
Sắc mặt Mộ Dung Phục xám như tro tàn. Hôm nay hắn lên núi Thiếu Thất đấu kiếm bị thảm bại đã là nhục nhã, huống chi lại nhờ một cô gái mở miệng van xin mới được đối phương tha mạng, từ đây còn mặt mũi nào mà đứng trên chôn giang hồ nữa? Hắn bèn quát lên: Đại trượng phu coi chết như về, ai cần ngươi nhân nhượng. Rồi hắn múa tít một câu một bút, nhảy xổ lại tấn công Đoàn Dự.
Đoàn Dự xua hai tay loạn lên, nói: Chúng ta vốn không thù oán, hà tất phải đánh nhau nữa? Không đấu nữa, không đấu nữa!
Mộ Dung Phục bản tính cao ngạo, vốn chỉ coi thiên hạ bằng nửa con mắt. Hôm nay trước mặt anh hùng thiên hạ, hắn bị Đoàn Dự đánh cho tơi bời không trả đòn được, phải nhờ Vương Ngữ Yên năn nỉ cho đối phương nhân nhượng, thì cái hận này làm sao nuốt cho trôi? Hắn vung câu móc vào mặt Đoàn Dự, còn phán quan bút thì đâm tới trước ngực chàng, nghĩ bụng: Mi cứ dùng vô hình kiếm khí để giết ta đi. Bây giờ ta liều mạng với mi cho, đồng qui ư tận, còn hơn là nhục nhã sống thừa trên thế gian này. Y liều mạng nhảy xổ tới, chuyện sinh tử tồn vong bỏ hết ra ngoài.
Đoàn Dự thấy Mộ Dung Phục khí thế hung mãnh mà lại không dám phóng Lục Mạch Thần Kiếm ra, sợ mình lỡ tay giết chết y. Chàng không biết làm thế nào, đứng ngẩn người ra, Mộ Dung Phục đánh liều mạng, dĩ nhiên còn mau lẹ và mãnh liệt hơn lúc bình thường. Bóng người vừa thấp thoáng đã nghe soạt một tiếng, cây bút bên tay phải đã đâm vào người Đoàn Dự. Bất giác Đoàn Dự nghiêng người sang trái, đầu nhọn cây phán quan bút khộng đâm trúng ngực nhưng đã đâm vào vai phải, xuyên từ trước ra sau. Đoàn Dự mới la lên một tiếng: Úi chao!, Mộ Dung Phục lại vung cây câu bên tay trái móc vào đầu chàng. Lúc này Đoàn Dự đã bị cây phán quan bút ghim cứng vào vai, không còn nhúc nhích được nữa. Cây cương câu lại ra chiêu Đại Hải Lao Châm cực kỳ lợi hại trong Ngư Tẩu Câu Pháp của phái Bắc Hải, thật là vừa chuẩn xác vừa độc địa. Đoàn Dự không còn cách nào thoát được nữa.
Đoàn Chính Thuần và Nam Hải Ngạc Thần thấy nguy, đều nhảy xổ vào cứu Đoàn Dự. Lần này Mộ Dung Phục quyết tâm giết chết Đoàn Dự, chấp nhận chết cùng đối thủ, vì thế mà không để ý gì đến Đoàn Chính Thuần cùng Nam Hải Ngạc Thần xông vào công kích. Ngay lúc cây cương câu sắp móc vào gáy Đoàn Dự thì đột nhiên huyệt Thần Đạo trên lưng Mộ Dung Phục tê tái, rồi hắn bị nhấc hẳn lên không. Huyệt Thần Đạo là một yếu huyệt, khi đã bị người nắm được thì lập tức hai tay nhũn ra, Mộ Dung Phục không giữ được phán quan bút và cương câu nữa. Rồi nghe Tiêu Phong quát lên: Người ta đã tha mạng cho ngươi mà ngươi còn hạ độc thủ thì còn gì là anh hùng hảo hán?
Thì ra Tiêu Phong thấy Mộ Dung Phục nhảy xổ tới để toàn thân sơ hở, cứ nghĩ rằng Đoàn Dự sẽ phóng ra một chiêu kiếm khí giết y, không ngờ Đoàn Dự đứng yên không chịu ra tay. Mộ Dung Phục nhảy tới lẹ quá, tuy Tiêu Phong ra tay thần tốc mà cũng không kịp ngăn cản nhát bút đâm vào vai Đoàn Dự. Lúc hắn sử tới chiêu Đại Hải Lao Châm thì Tiêu Phong mới kịp nắm lấy huyệt Thần Đạo ở sau lưng. Kể ra võ công của Mộ Dung Phục tuy kém Tiêu Phong, nhưng cũng không đến nỗi mới một chiêu đã bị kiềm chế ngay. Chỉ vì lúc này hắn căm hận đến cực điểm, quyết giết Đoàn Dự mà không nghĩ gì đến tự vệ nên Tiêu Phong chỉ cần một chiêu cầm nã tuyệt diệu là đã nắm đươc huyệt đạo trọng yếu, khiến Mộ Dung Phục hết đường nhúc nhích.
Tiêu Phong thân thể khôi vĩ, tay chân vừa dài vừa khỏe, nhấc Mộ Dung Phục lơ lửng trên không chẳng khác gì diều hâu bắt gà con. Đặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác, bốn người đồng thanh la lên: Đừng hại công tử ta!, rồi nhất tề nhảy xổ lại. Vương Ngữ Yên cũng la lên: Biểu huynh, biểu huynh! Mộ Dung Phục chỉ giận sao mình không chết ngay lập tức để khỏi chịu nỗi nhục này.
Tiêu Phong lạnh lùng cười nói: Tiêu mỗ đáng mặt nam nhi, không ngờ bị xếp ngang hàng với ngươi! Chàng vung tay một cái liệng Mộ Dung Phục ra. Mộ Dung Phục bay ra bảy tám trượng mới rớt tới đất, toan đứng dậy. Không ngờ lúc Tiêu Phong nắm lấy huyệt Thần Đạo, nội lực chàng đã thấu vào kinh mạch Mộ Dung Phục khiến chân tay hắn tê dại chưa đứng được ngay. Nghe huỵch một tiếng, hắn lại ngã ngửa đập lưng xuống đất, hoảng sợ vô cùng.
Bọn Đặng Bách Xuyên đều xoay người chạy tới chỗ Mộ Dung Phục đang nằm dưới đất, nhưng lúc tới nơi thì hắn đã điều vận chân khí, đứng dậy được rồi. Mặt hắn xám ngắt, vươn tay phải rút lấy trường kiếm sau lưng Đặng Bách Xuyên, rồi vung tay trái gạt một vòng tròn đẩy bọn Đặng Bách Xuyên ra xa mấy thước, xoay tay phải lại đưa lưỡi kiếm lên kề vào cổ. Vương Ngữ Yên la hoảng: Biểu huynh! Không nên…
Bỗng nhiên trên không nổi lên tiếng gió rít, một mũi ám khí từ xa ngoài hai chục trượng bay lướt qua đầu quần hùng, đập vào thanh kiếm của Mộ Dung Phục đánh choang một tiếng. Cánh tay hắn lập tức tê nhức, trường kiếm rời khỏi tay bay ra, hổ khẩu rách toạc chảy máu đầm đìa.
Mộ Dung Phục ngoảnh đầu nhìn về phía ám khí phóng tới, thì thấy trên một tảng đá lớn có một nhà sư áo xám, che mặt bằng khăn xám. Nhà sư này rảo bước đến cạnh Mộ Dung Phục rồi hỏi: Ngươi đã có con chưa? Mộ Dung Phục trả đáp: Ta chưa có vợ, làm gì có con? Nhà sư áo xám nghiêm mặt hỏi tiếp: Ngươi có tổ tiên không? Mộ Dung Phục tức giận lớn tiếng đáp: Dĩ nhiên là có! Ta muốn chết, sao ngươi lại can thiệp? Sĩ khả sát bất khả nhục, Mộ Dung Phục này đường đường nam tử, không thể nghe ngươi ăn nói vô lễ. Nhà sư áo xám nói: Cao tổ ngươi có con, tằng tổ, tổ phụ, phụ thân ngươi đều có con. Sao ngươi lại không có con? Ha ha! Nước Đại Yên ngày trước có Mộ Dung Tuấn, Mộ Dung Khác, Mộ Dung Thùy, Mộ Dung Đức đểu là đấng anh hùng, không ngờ nay biến thành không người nối dõi.
Mộ Dung Tuấn, Mộ Dung Khác, Mộ Dung Thùy, Mộ Dung Đức đều là những vị anh quân của nước Yên, oai danh lừng lẫy thiên hạ, lập nên sự nghiệp hiển hách. Họ đều là tổ tiên Mộ Dung Phục. Mộ Dung Phục đang tức giận nổi điên, nghe nhắc đến tên tuổi bốn vị tổ tiên thì chẳng khác gì bị nước lạnh dội vào mặt. Y nghĩ thầm: Tiên phụ ta trước kia đã hết lời răn dạy, bảo ta phải lấy việc phục hưng nước Đại Yên làm mục đích ở đời. Thế mà hôm nay ta nóng giận nhất thời tự sát, dòng họ Mộ Dung tuyệt tự từ đây. Ta không có lấy một đứa con, thì còn nói chi đến chuyện phục quốc? Bất giác trán hắn toát mồ hôi lạnh, rồi lạy phục xuống đất nói: Mộ Dung Phục kiến thức nông cạn, may nhờ cao tăng thức tỉnh. Đại ân đại đức này suốt đời khó mà quên được.
Nhà sư áo xám cứ để hắn lạy, thản nhiên nói: Xưa nay, những người làm nên nghiệp lớn đều phải trải qua trăm cay nghìn đắng. Hán Cao Tổ cầu hòa ở Bạch Đăng, Đường Cao Tổ đầu hàng rợ Đột Quyết. Giả tỉ những vị đó cũng vung kiếm lên tự tử giống ngươi, thì chỉ có tâm địa hẹp hòi muốn tự giải quyết chuyện mình, chẳng nghĩ gì đến việc dựng nghiệp mở cõi. Đầu óc của ngươi thật là nông cạn, còn thua cả Câu Tiễn, Hàn Tín.
Mộ Dung Phục vẫn quì dưới đất nghe giáo huấn, kinh hãi nghĩ bụng: Dường như vị này biết hoài bão của ta, nên đem những những bậc vua chúa lập quốc như Hán Cao Tổ, Đường Cao Tổ ra làm ví dụ. Hắn liền đáp: Mộ Dung Phục biết lỗi rồi! Nhà sư áo xám bảo: Dậy đi! Mộ Dung Phục kính cẩn dập đầu thêm ba cái nữa rồi mới đứng dậy.
Nhà sư áo xám lại nói: Ngươi chưa học đến nơi đến chốn mà thôi. Nhà Mộ Dung Cô Tô các ngươi cũng có võ công gia truyền thần kỳ tinh diệu, thế gian chẳng ai bằng, có lý đâu lại chịu thua Lục Mạch Thần Kiếm của họ Đoàn Đại Lý? Ngươi hãy coi đây! Đột nhiên lão đưa ngón tay trỏ ra điểm hờ ba cái.
Lúc này Đoàn Chính Thuần cùng Ba Thiên Thạch đứng bên Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần đang dùng Nhất Dương Chỉ để phong tỏa những huyệt đạo chung quanh vết thương của Đoàn Dự, toan rút cây phán quan bút cắm trên vai chàng ra. Không ngờ nhà sư áo xám điểm nhanh như chớp, chuôi bút chỉ lay động một cái là bắn ra ngoài, vẫn còn dư lực để cắm phập vào một cành tùng. Đoàn Chính Thuần cùng Ba Thiên Thạch ngã ra, lập tức chuyển người đứng dậy, đều không khỏi kính hãi. Rõ ràng nhà sư áo xám hạ thủ lưu tình, nếu không thì lão điểm hờ trên không cũng đủ hạ sát hai người rồi.
Bỗng nghe nhà sư áo xám dõng dạc lên tiếng: Đó là Tham Hợp Chỉ của nhà Mộ Dung các ngươi. Ngày trước lão tăng chỉ được tiền nhân nhà ngươi dạy cho một chút vỏ ngoài, còn biết bao nhiêu môn lão tăng chưa hiểu đến. Ha ha! Chẳng lẽ một gã thiếu niên kém cỏi như ngươi mà sáng lập ra phép Gậy ông đập lưng ông danh tiếng của nhà Mộ Dung ở Cô Tô ư?
Quần hùng vốn đều nể sợ oai danh của Cô Tô Mộ Dung, nhưng họ thấy Mộ Dung Phục thảm bại trước Đoàn Dự, rồi lại bị Tiêu Phong kiềm chế thì cho là nhà Mộ Dung Phục chỉ có hư danh, chẳng có gì gọi là quán thế. Bây giờ họ thấy nhà sư áo xám biểu diễn thần công, lại nghe lão nói đó chỉ là một chút vỏ ngoài phép Tham Hợp Chỉ của nhà Mộ Dung, thì bất giác lại sinh lòng kính cẩn bốn chữ Cô Tô Mộ Dung. Nhưng ai cũng nghi ngờ tự hỏi: Nhà sư áo xám kia là ai? Lão có quan hệ gì với nhà Mộ Dung?
Nhà sư áo xám quay lại nhìn Tiêu Phong, chắp tay nói: Tiêu đại hiệp vô công trác tuyệt, quả nhiên danh bất hư truyền. Lão tăng muốn lĩnh giáo mấy chiêu. Tiêu Phong vốn đã đề phòng, thấy nhà sư thi lễ, cũng chắp tay đáp lễ nói:_ Không dám!_ Hai luồng nội lực chạm nhau, cả hai người đều run lên một chút.
Ngay lúc ấy, một người áo đen tựa như chim ưng khổng lồ đột ngột từ trên không xẹt xuống, ngay giữa nhà sư áo xám và Tiêu Phong. Thân pháp người này vừa mau lẹ vừa kỳ quái, mọi người đều kinh hãi la lên. Lúc lão đáp xuống đất, mọi người mới nhìn rõ lão đang cầm một sợi dây dài, đầu dây kia buộc vào một cành cây cách đó hơn mười trượng. Người này cũng là một nhà sư, che mặt bằng khăn đen, chỉ để hở đôi mắt sáng loáng như có thần quang.
Hai nhà sư một áo đen một áo xám đứng nhìn nhau, hồi lâu vẫn không ai lên tiếng. Thân hình cả hai đều rất cao, nhưng nhà sư áo đen thì mập mạp, còn nhà sư áo xám lại gầy gò.
Tiêu Phong vừa vui mừng vừa cảm kích. Chàng thấy nhà sư áo đen dùng sợi dây dài để tung người vào, nhận ra ngay đây là đại hán áo đen đã cứu mạng mình ở Tụ Hiền Trang. Hôm đó đại hán áo đen đội mũ vải, mặc áo tục gia, còn bây giờ lại mặc áo kiểu hòa thượng. Trong quần hùng tụ tập trên núi Thiếu Thất cũng có nhiều người đã từng đến dự Anh hùng hội ở Tụ Hiền Trang, nhưng khi đó đại hán áo đen chỉ xuất hiện trong nháy mắt rồi đi ngay, không ai kịp nhìn rõ nên đều không nhận ra.
Sau một lúc lâu, đột nhiên hai nhà sư đồng thời lên tiếng: Ngươi… Chữ ngươi vừa ra khỏi miệng, cả hai lập tức ngừng lại. Sau một lúc, nhà sư áo xám hỏi: Ngươi là ai? Nhà sư áo đen cũng hỏi lại: Ngươi là ai?
Quần hùng vừa nghe nhà sư áo đen nói mấy tiếng liền nghĩ thầm: Vị hòa thượng này giọng nói khàn khàn, chắc cũng là một vị lão tăng. Tiêu Phong nghe thanh âm thì đúng là đại hán áo đen bữa trước đã giáo huấn mình trên núi hoang. Chàng vô cùng xúc động, chỉ muốn chạy ra để tạ ơn cứu mạng.
Nhà sư áo xám bỗng lên tiếng hỏi: Ngươi ẩn núp tại chùa Thiếu Lâm mấy chục năm để làm gì?
Nhà sư áo đen hỏi lại: Ta cũng muốn hỏi ngươi như vậy. Ngươi ẩn núp trong chùa Thiếu Lâm mấy chục năm để làm gì? Hai nhà sư chỉ nói mấy câu, quần tăng Thiếu Lâm từ Huyền Từ phương trượng trở xuống đều kinh dị, ngơ ngác nhìn nhau tự hỏi: Hai vị lão tăng này đã ở trong bản tự mấy chục năm mà sao mình chẳng biết chút gì? Lại có việc này thật ư?
Nhà sư áo xám đáp: Ta ẩn trong chùa Thiếu Lâm là để tìm kiếm mấy thứ. Nhà sư áo đen nói: Ta ẩn trong chùa Thiếu Lâm cũng để tìm kiếm mấy thứ. Ta đã tìm được rồi, chắc rằng ngươi cũng đã tìm được. Nếu không thì sao chúng ta tỉ thí ba lần mà thủy chung vẫn chưa phân cao thấp? Nhà sư áo xám đáp: Đúng thế! Võ công của các hạ rất cao thâm, bình sinh tại hạ chưa thấy ai bằng. Hôm nay chúng ta lại tỉ thí nữa chăng? Nhà sư áo đen nói: Tại hạ cũng rất bội phục võ công của các hạ. Bây giờ có tỉ đấu nữa, e rằng cũng khó mà phân được thắng bại. Mọi người nghe hai nhà sư gọi nhau bằng các hạ, tại hạ, không đúng ngôn ngữ của người xuất gia thì không sao hiểu được.
Nhà sư áo xám lại nói: Thế thì chúng ta chẳng nên gắng gượng tỉ thí làm gì nữa. Nhà sư áo đen nói: Phải lắm! Hai nhà sư cùng gật đầu, sóng vai đi đến một gốc cây lớn ngồi xuống, nhắm mắt như nhập định, không nói gì nữa.
Mộ Dung Phục vừa hổ thẹn vừa cảm kích nghĩ thầm: Vị cao tăng này biết rõ tổ tiên ta, không hiểu lão là bằng hữu của gia gia hay chính là gia gia? Từ đây, ta phải nhờ vị cao tăng này chỉ điểm cho công cuộc phục hưng đại nghiệp. Hôm nay nhất định ta không thể quấy nhiễu lão. Hắn bèn đứng chờ một bên, quyết định đợi nhà sư áo xám đứng lên rồi mới lại khấu đầu để xin lĩnh giáo.
Vương Ngữ Yên nghĩ tới việc vừa rồi biểu huynh suýt nữa tự vận, nàng vẫn chưa hết kinh sợ liền tới nắm tay áo hắn, nước mắt lã chã. Mộ Dung Phục khó chịu trong lòng, nhưng cũng biết rằng đây là hảo ý của nàng nên cũng không đẩy nàng ra.
Từ lúc hai vị lão tăng xuất hiện đến lúc hai người cùng ngồi dưới gốc cây, Hư Trúc vẫn cùng Đinh Xuân Thu kịch chiến không ngừng. Bây giờ quần hùng mới để mắt theo dõi hai người tỉ thí.
Một tì nữ ở cung Linh Thứu là Cúc Kiếm chợt nhớ ra một việc, liền chạy đến chỗ mười tám võ sĩ Khất Đan nói: Chủ nhân ta đang cùng người tỉ đấu, muốn xin chút rượu để tăng gia khí lực. Một tên võ sĩ nói: Rượu ở đây nhiều lắm, cô nương cứ lấy mà dùng! Gã liền xách hai bì rượu đưa ra. Cúc Kiếm cười đáp: Đa tạ! Chủ nhân ta không uống được nhiều, một bì là đủ lắm rồi. Nàng cầm bì rượu mở nút ra, từ từ lại gần chỗ Hư Trúc cùng Đinh Xuân Thu đang đánh nhau, rồi cất tiếng gọi: Chủ nhân! Chủ nhân lấy rượu mà gieo Sinh Tử Phù vào người Tinh Tú Lão Quái! Nàng xách ngang bì rượu hất mạnh ra, một tia rượu vọt ra lẹ như tên bắn đến chỗ Hư Trúc. Ba cô Mai Lan Trúc đều vỗ tay hoan hô: Cúc muội! Tuyệt diệu!
Bỗng từ sau núi có một giọng nữ cất tiếng hát cao vút: Một cành hồng thắm điểm mùi hương; Mưa gió Vu Sơn luống đoạn trường; Nô gia Dương Quí Phi chính thị; Hảo tửu mềm môi say túy lúy; Trầm Hương Đình chỉ muốn ngủ vùi!
Hư Trúc cùng Đinh Xuân Thu kịch đấu đã lâu mà chưa thủ thắng được, chợt nghe bọn thuộc hạ cung Linh Thứu bảo y dùng Sinh Tử Phù để đối phó. Tuy y vẫn biết môn này tàn ác bá đạo, nhưng thấy Cúc kiếm phóng rượu đến nơi thì cũng đưa tay ra hứng lấy một vốc. Ngay lúc đó từ sau núi có tám người tiến ra, chính là Cầm tiên Khang Quảng Lăng, Kỳ ma Phạm Bách Linh, Thư ngại Cẩu Độc, Họa cuồng Ngô Lãnh Quân, Thần y Tiết Mộ Hoa, Xảo tượng Phùng A Tam, Hoa si Thạch Thanh Lộ, Hí mê Lý Quỷ Lỗi, cả bọn Hàm Cốc Bát Hữu tám người này thấy Hư Trúc cùng Đinh Xuân Thu đang quyền qua chưởng lại chiến đấu hăng hái, liền reo hò trợ oai:Chưởng môn sư thúc! Hôm nay lão nhân gia phải trổ thần thông để giết lão tặc Đinh Xuân Thu, báo thù cho sư tổ cùng sư phụ!
Cúc kiếm phun rượu về phía Hư Trúc, nhưng võ công nàng chưa cao lắm nên cũng có một phần lớn phun về phía Đinh Xuân Thu. Tinh Tú Lão Quái đã ác đấu cùng Hư Trúc đến quá nửa giờ, nhưng đối phương thủ pháp tinh diệu vô cùng nên hắn không có lúc nào rảnh tay để thì triển tà thuật. Đột nhiên, hắn thấy một tia rượu bắn tới liền nghĩ ra một kế, bèn vận kình vào tay áo bên trái phất lên, tức thì một cơn mưa rượu bắn vào Hư Trúc. Lúc này công lực toàn thân Hư Trúc đang vận chuyển ra ngoài, hàng ngàn hàng vạn giọt rượu bay tới chưa dính vào đến áo là đã bị hất ra. Đột nhiên Cúc Kiếm la lên một tiếng úi chao rồi loạng choạng. Thì ra Đinh Xuân Thu phất tay áo làm mưa rượu, trong mỗi giọt đều có chất độc. Cúc Kiếm đứng gần đó, bị mưa độc tạt vào mình, liền ngã lăn ra.
Hư Trúc rất quan tâm đến Cúc Kiếm, lập tức kinh hãi nghĩ thầm: Không biết làm sao để cứu được nàng? Tiết Mộ Hoa bỗng la lên: Sư thúc! Chất độc này lợi hại vô cùng, nhất định phải kiềm chế lão tặc, ép hắn đưa thuốc giải. Hư Trúc la lên: Đúng lắm! Rồi vung hữu chưởng tấn công Đinh Xuân Thu. Y ngấm ngầm vận nội lực vào tả chưởng, vận chuyển Bắc Minh chân khí ngược lại. Chỉ trong khoanh khắc, rượu trong lòng bàn tay đã đông thành bảy tám miếng băng. Tay phải y liền phóng ra veo véo luôn ba chưởng.
Đinh Xuân Thu chợt thấy gió nổi lên lạnh buốt không sao chịu được, bất giác cả kinh nghĩ thầm: Thằng trọc này nội lực vốn dương cương, bỗng dưng lại đổi thành âm hàn, thật là nguy hiểm. Hắn vội vận toàn lực chống đỡ, nhưng đột nhiên thấy giá lạnh ở huyệt Khuyết Bồn, trên vai tựa như có tuyết bám. Rồi đến huyệt Thiên Khu ở bụng dưới, huyệt Phục Thố ở vế đùi, huyệt Thiên Tuyền trên cánh tay, lại thêm ba chỗ đều giá lạnh. Đinh Xuân Thu vội tăng gia kình lực để chống đỡ, thì đột nhiên huyệt Thiên Trụ ở sau gáy, huyệt Thần Đạo và huyệt Chí Thất ở sau lưng cũng lạnh như băng. Đinh Xuân Thu cả sợ nghĩ thầm: Chưởng lực của thằng trọc này biến thành âm hàn, rồi mấy đại huyệt mình bị giá lạnh, chắc là có tà thuật cổ quái gì đây. Mình phải đề phòng mới được. Lão liền phất tay áo ra để che hai chân, rồi phóng cước đá vào Hư Trúc.
Không ngờ đòn cước mới đến nửa chừng thì đột nhiên huyệt Phục Thố và huyệt Dương Giao phát sinh ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, bất giác lão la lên một tiếng: Úi chao! Rõ ràng mũi bàn chân lão đã chạm đến áo Hư Trúc, nhưng hai yếu huyệt đồng thời phát ngứa dữ dội nên phải rụt chân về. Hắn lại kêu một tiếng Úi chao! nữa, rồi sau đó kêu la không ngớt.
Bọn đồ đệ lão vẫn đang ca tụng: Tinh Tú Lão Tiên thần thông quảng đại thiên hạ vô song, tên trọc kia đã trúng phải tiên thuật còn chưa tự biết. Lão nhân gia đá một phát trời long đất lở, phóng một chưởng nhật nguyệt lu mờ. Tinh Tú Lão Tiên tay phất áo bào miệng niệm chân ngôn, bọn tà môn ngưu quỷ xà thần chúng bay chết không đủ đất mà chôn. Những câu ca tụng Tinh Tú Lão Tiên hòa lẫn với tiếng la Úi chao luôn miệng của Tinh Tú Lão Quái thực chẳng ăn nhập chút nào. Mấy tên tinh khôn thì ngẩn người im miệng, nhưng số đông vẫn ráng gân cổ lên mà nịnh hót.
Chỉ trong khoảnh khắc, Đinh Xuân Thu thấy bảy huyệt đạo Khuyết Bồn, Thiên Khu, Phục Thố, Thiên Tuyền, Thiên Trụ, Thần Đạo, Chí Thất đồng thời tê dại, rồi ngứa ngáy như bị muôn ngàn con kiến đốt không sao chịu nổi. Bảy miếng rượu đông cứng thành băng lại có chứa nội lực của Hư Trúc, đã xuyên vào cơ thể hắn. Băng thì tan mất, nhưng nội lực vô hình vẫn còn chạy trong kinh mạch Đinh Xuân Thu. Lão chân tay luống cuống, thò tay vào bọc lấy ra bảy tám thứ thuốc giải độc uống liền một lúc, lại vận nội tức năm sáu lần mà huyệt đạo lại càng ngứa ngáy thêm. Nếu là người khác đã sớm lăn xuống đất rồi, nhưng Đinh Xuân Thu bản lĩnh ghê người vẫn gắng gượng chống đỡ. Chân lão bước loạng choạng như người say rượu, sắc mặt lúc đỏ bừng lúc trắng nhợt, hai tay xua loạn lên coi rất khủng khiếp. Bảy miếng Sinh Tử Phù của Hư Trúc chế biến từ rượu, so với loại bình thường cũng có chỗ đặc biệt.
Bọn môn đồ phái Tinh Tú thấy tình trạng sư phụ khốn đốn như vậy đều yên lặng. Chỉ có mấy gã còn ráng kêu: Tinh Tú Lão Tiên đang vận Đại La Kim Tiên Thần Công, rồi tiểu hòa thượng kia sẽ biết mùi lợi hại. Lão Tiên chỉ niệm lên một tiếng chân ngôn là ba hồn sáu phách của tiểu hòa thượng kia nát ra như cám. Nhưng những câu nói này ra chiều gượng gạo, không hăng hái như trước nữa.
Lý Quỷ Lỗi lớn tiếng hát:Ngũ hoa mã Thiên kim cừu; Gọi trẻ đem đổi lấy rượu ngon; Cùng ngươi giải vạn nỗi buồn; Ha ha! Lý Thái Bạch chính thị là ta! Túy lúy bát tiên thì đệ nhất là Thịnh Đường thi tiên Lý Thái Bạch, đệ nhị là Tinh Tú lão tiên Đinh Xuân Thu. Quần hùng thấy Đinh Xuân Thu loạng choạng như người say rượu mà vẻ mặt hốt hoảng vô cùng, lại nghe Lý Quỷ Lỗi giễu cợt thì cười ầm cả lên.
Chẳng mấy chốc, Đinh Xuân Thu không chi trì được nữa, giơ tay lên bứt những sợi râu bạc dài đến rốn, thả tung bay theo gió. Rồi lão lại xé rách từng mảnh áo, để lộ làn da trắng như tuyết chẳng khác thiếu niên cường tráng, tay lão gãi vào đâu thì rách da chảy máu đến đó. Lão vừa cào cấu vừa kêu lên: Ngứa chết ta rồi! Ngứa chết ta rồi!, rồi lão khuỵu chân xuống kêu gào cực kỳ thảm thiết.
Hư Trúc hối hận nghĩ thầm: Lão này tội ác đã nhiều, song mình bắt lão khổ sở thế này cũng hơi quá! Biết thế thì mình chỉ gieo một hai miếng Sinh Tử Phù cũng đủ rồi.
Phần lớn quần hùng là người biết nhiều hiểu rộng, nhưng thấy một võ lâm cao thủ đồng nhan bạch phát chẳng khác thần tiên chỉ trong khoảnh khắc đả biến thành ma quỷ, tru lên như dã thú, ai nấy đều kinh hãi thất sắc. Cả đến gã Lý Quỷ Lỗi hay cười đùa giễu cợt cũng sợ hãi rụng rời không dám mở miệng. Chỉ có hai vị lão tăng ngồi nhắm mắt nhập định dưới gốc cây là bình thản như không có gì xảy ra.
Đến lúc này Huyền Từ phương trượng mới lên tiếng: Thiện tai, thiện tai! Hư Trúc, ngươi giải trừ khổ não cho Đinh cư sĩ đi! Hư Trúc đáp: Vâng! Xin kính tuân pháp dụ của phương trượng. Huyền Tịch vội nói: Khoan đã! Phương trượng sư huynh! Đinh Xuân Thu tội ác đã nhiều, Huyền Nạn, Huyền Thống hai vị sư huynh đều mất mạng về tay hắn, sao lại buông tha hắn một cách dễ dàng được? Khang Quảng Lăng cũng lên tiếng: Chưởng môn sư thúc! Sư thúc là chưởng môn bản phái, sao lại phải nghe lời kẻ khác? Chẳng lẽ không báo đại thù của sư tổ và sư phụ hay sao?
Đang lúc Hư Trúc không biết làm sao cho phải, Tiết Mộ Hoa nói: Sư thúc! Trước tiên hãy giúp hắn đỡ đau khổ. Hư Trúc gật đầu nói: Phải rồi! Mai Kiếm cô nương! Lấy thuốc trị ngứa cho hắn nửa viên. Mai Kiếm Vâng! một tiếng rồi lấy trong bọc ra chiếc bình nhỏ sắc xanh, móc lấy một viên thuốc to bằng hạt đậu. Nhưng nàng thấy Đinh Xuân Thu tựa như người điên khùng, không dám đến gần.
Hư Trúc cầm lấy viên thuốc, bẻ làm đôi rồi kêu lớn:Đinh tiên sinh! Há miệng ra, tại hạ cho uống thuốc trị ngứa! Đinh Xuân Thu vừa thở hồng hộc vừa cố há miệng cho to, Hư Trúc dùng ngón tay búng nửa viên thuốc vào miệng hắn. Thuốc chưa kịp ngấm, Đinh Xuân Thu lại nhào ra đất mà lăn lộn, sau thời gian chừng ăn xong bữa cơm, mới thấy đỡ ngứa, liền trở mình đứng dậy.
Thần trí Đinh Xuân Thu đã tỉnh táo, hiểu rằng không thể phản kháng được nữa. Lão không đợi Hư Trúc mở miệng, đã lấy thuốc giải ra đưa cho Tiết Mộ Hoa rồi nói: Thoa thuốc đỏ, uống thuốc trắng. Lão đã tru rống đến nửa ngày, khàn cả tiếng nên thanh âm không rõ lắm. Tiết Mộ Hoa biết lão không dám man trá, liền đưa thuốc cho Cúc Kiếm trong uống ngoài thoa.
Mai Kiếm lớn tiếng nói: Tinh Tú Lão Quái! Nửa viên thuốc đó có thể giữ được ba ngày khỏi ngứa. Ba ngày sau thì cơn ngứa lại phát tác, khi đó chủ nhân ta có cho linh dược nữa hay không là tùy ở ngươi. Đinh Xuân Thu toàn thân run lẩy bẩy, nói không ra tiếng.
Trong đám đệ tử phái Tinh Tú có mấy trăm tên tranh nhau chạy đến trước mặt Hư Trúc, khẩn cầu y thu dụng. Có tên nói: Chủ nhân cung Linh Thứu anh hùng vô địch, tiểu nhân thành tâm quy phục, nhất quyết vì chủ nhân mà ra sức khuyển mã. Có tên nói: Ngôi Minh chủ võ lâm trong thiên hạ, ngoài chủ nhân thì không còn ai nữa. Chủ nhân vẫy tay ra lệnh thì tiểu nhân dù phải nhảy vào lửa cũng không nhăn mặt. Lại có mấy tên muốn bày tỏ tấc dạ trung trinh, chỉ thẳng mặt Đinh Xuân Thu mà chửi mắng, nào là: Đom đóm mà dám tranh sáng với nhật nguyệt. Đồ tiểu nhân gian tà độc ác, phản trắc không thể tin được. Có tên lại cầu xin Hư Trúc xử tử Đinh Xuân Thu lập tức để thế gian bớt mùi hôi thối. Bỗng nhiên tiếng chiêng trống cùng đàn sáo lại nổi lên, môn đồ phái Tinh Tú đồng thanh hợp xướng: Linh Thứu chủ nhân, đức ngang trời đất, danh lừng vũ trụ, cổ kim khó sánh. Đây vốn là khúc hát ca tụng Đinh Xuân Thu, chúng chỉ xào xáo bốn chữ Tinh Tú Lão Tiên thành Linh Thứu chủ nhân, còn khúc đuôi giữ nguyên như cũ.
Hư Trúc vốn là người chất phác, nhưng y nghe bọn môn đồ phái Tinh Tú ca tụng cũng bất giác thấy nhẹ nhàng khoan khoái.
Lan Kiếm quát lên: Bọn mi thật là đồ tiểu nhân vô sỉ, dám đem bài hát bậy bạ nịnh bợ Tinh Tú Lão Quái chuyển sang ca tụng chủ nhân ta. Thật là vô lễ đến cùng cực! Bọn môn đồ phái Tinh Tú sợ hãi vô cùng, có kẻ nói: Dạ, dạ! Tiểu nhân xu thời, dĩ nhiên cái gì cũng phải sửa đổi. Xin tiên cô mở lượng bao dung. Có người nói: Bốn vị tiên cô, hoa nhường nguyệt thẹn, đã hơn Tây Tử, lại vượt Quí Phi. Bọn môn đồ phái Tinh Tú sau khi sụp lạy Hư Trúc rồi kéo nhau lại đứng sau lưng các Động chúa, Đảo chúa, tên nào cũng dương dương tự đắc, vênh mặt lên nhìn trời, chẳng thèm để ý đến quần hào Trung Nguyên, bang chúng Cái Bang và các tăng lữ chùa Thiếu Lâm nữa.
Huyền Từ nói: Hư Trúc! Ngươi tự lập môn phái, sau này nên theo chính đạo, dẫn dắt đệ tử không làm điều trái, tạo phúc cho giang hồ. Được như vậy thì tại gia hay xuất gia cũng là một mà thôi. Hư Trúc nghẹn ngào nói: Dạ! Hư Trúc xin nghe lời phương trượng dạy dỗ. Huyền Từ lại nói: Cái tội khai trừ khỏi môn phái thì không thể xóa được, nhưng phạt trượng thì có thể miễn cho.
Bỗng có người cười ha hả rồi nói: Ta cứ tưởng chùa Thiếu Lâm coi trọng giới luật, chấp pháp nghiêm như núi, ngờ đâu cũng chỉ là hạng xuôi chiều gió mà nịnh bợ kẻ mạnh. Ha ha! Linh Thứu chủ nhân, đức ngang trời đất, danh lừng vũ trụ, cổ kim khó sánh. Mọi người quay lại nhìn xem người đó là ai, té ra là quốc sư Cưu Ma Trí của nước Thổ Phồn.
Huyền Từ biến sắc mặt nói: Quốc sư lấy đại nghĩa mà trách cứ, lão tăng biết lỗi rồi. Huyền Tịch sư đệ, chuẩn bị pháp trượng. Huyền Tịch Vâng! một tiếng rồi quay lại nói: Pháp trượng đã sẵn sàng! Lão tăng bảo Hư Trúc: Hư Trúc! Hiện giờ ngươi còn là đệ tử chùa Thiếu Lâm, mau nằm xuống thọ hình. Hư Trúc khom lưng đáp: Vâng! Rồi y quì xuống trước mặt Huyền Từ và Huyền Tịch hành lễ, nói: Đệ tử là Hư Trúc, đã vi phạm giới luật bản tự, cung kính nhận hình phạt của phương trượng cùng thủ tòa Giới Luật Viện.
Bọn môn đồ phái Tinh Tú nổi lên la ó om sòm: Tăng lữ chùa Thiếu Lâm lại dám mạo phạm đến quí thể của lão nhân gia ư? Các ngươi mà đụng đến một sợi lông chân của lão nhân gia thì ta quyết cùng các ngươi sống chết một phen. Dù ta có phải tan xương nát thịt, chết vì chủ nhân cũng lấy làm vinh hạnh. Ta lấy chữ Trung làm đầu, quyết dâng hết máu thịt toàn thân cho chủ nhân cung Linh Thứu.
Dư bà bà cả giận quát lên: Sao bọn yêu ma quỷ quái các ngươi dám gọi hai tiếng Chủ Nhân? Câm miệng ngay lập tức! Bọn môn đồ phái Tinh Tú thấy Dư bà bà quát mắng, lập tức im thin thít, kinh hãi đến không dám thở mạnh.
Thủ tòa Giới Luật Viện của chùa Thiếu Lâm là Huyền Tịch quát lên: Dụng hình! Mấy chấp pháp tăng cởi tăng bào của Hư Trúc để hở lưng y ra, một nhà sư giơ côn toan đập xuống. Hư Trúc nghĩ thầm: Ta chịu phạt trượng là vì đã phạm giới luật, mỗi côn đánh vào người là tội lỗi nhẹ đi một phần. Nếu ta vận khí chống chọi cho đỡ đau khổ thì bị đánh mà chẳng được ích lợi gì. Giữa lúc ấy, thanh âm một thiếu phụ lanh lảnh vang lên: Khoan đã! Khoan đã! Ngươi… trên lưng ngươi có gì thế kia?
Mọi người đều nhìn vào lưng Hư Trúc, thì thấy trên lưng y có chín chấm đen. Những nhà sư thụ giới thường đốt hương điểm vào đỉnh đầu, nhưng Hư Trúc không những có nốt tàn hương trên đỉnh đầu, mà sau lưng cũng có. Những vết tàn hương sau lưng y lớn bằng đồng tiền, hiển nhiên đã đốt từ thuở nhỏ, rồi theo người mà lớn lên, bây giờ trông vẫn rất rõ ràng.
Quần hùng còn đang kinh ngạc thì một thiếu phụ đứng tuổi từ đám đông chạy ra, mặc áo màu xanh nhạt, tóc dài xõa xuống vai, hai gò má đều có ba ngấn máu như bị cào, chính là Vô Ác Bất Tác Diệp Nhị Nương trong Tứ Đại Ác Nhân. Mụ nhảy xổ lại, hai tay đẩy hai chấp pháp tăng chùa Thiếu Lâm, rồi túm lấy dây lưng Hư Trúc cởi tuột ra, toan kéo quần y xuống.
Hư Trúc cả kinh, đứng bật dậy, lùi lại mấy bước rồi hỏi: Bà… bà làm gì thế? Diệp Nhị Nương toàn thân phát run, la lên: Ngươi… ngươi là con ta! Rồi mụ giang hai tay ra toan ôm lấy Hư Trúc, Hư Trúc né mình tránh khỏi, thành ra Diệp Nhị Nương ôm vào khoảng không. Mọi người đều tự hỏi: Mụ này điên rồi chăng? Diệp Nhị Nương nhào tới mấy lần nữa, đều bị Hư Trúc tránh được hết. Mụ điên cuồng la lên: Hài nhi! Sao con không chịu nhận mẫu thân?
Hư Trúc chấn động như bị sét đánh trước mặt, hỏi: Bà… bà là mẫu thân của ta ư? Diệp Nhị Nương lớn tiếng: Hài nhi! Lúc ta mới sinh ngươi, đã điểm vào sau lưng và hai bên mông chín nốt tàn hương. Ngươi xem có đúng thế không?
Hư Trúc cả kinh, vì hai bên mông y có chín nốt tàn hương thật. Y đã thấy từ nhỏ nhưng chẳng hiểu lai lịch ra sao, lại vì mắc cỡ nên không kể với ai. Những lúc tắm rửa, y thấy vậy còn cho là mình có duyên với Phật môn nên trời sinh ra thế, vì vậy mà lại càng một lòng theo Phật pháp. Bây giờ y nghe Diệp Nhị Nương hỏi mà tưởng như sét đánh giữa trời quang, run lên đáp: ‘Có, có!… Hai bên… mông ta có chín nốt tàn hương, là do bà… do mẫu… do bà đã châm vào ư?_
Diệp Nhị Nương khóc rống lên nói: Phải rồi! Phải rồi! Nếu không phải ta châm thì làm sao ta biết được? Ta… ta tìm thấy con rồi, tìm thấy đứa con yêu quí của ta rồi! Mụ vừa khóc vừa đưa tay ra vuốt ve mặt Hư Trúc, y cũng không né tránh nữa, để mụ ôm vào lòng. Hư Trúc từ nhỏ đã không cha không mẹ, vốn là một đứa nhỏ bị bỏ rơi được chùa Thiếu Lâm đem về nuôi dưỡng. Hai bên mông y có nốt tàn nhang là chuyện bí mật chỉ có mình y biết, bây giờ Diệp Nhị Nương nói ra thì còn giả làm sao được? Từ nhỏ đến giờ y mới được mẫu thân nâng niu trìu mến, bất giác nước mắt đầm đìa rồi cất tiếng gọi: Mẫu thân… đúng là má má của hài nhi rồi.
Diễn biến đột ngột này làm tất cả mọi người đều kinh ngạc. Hai mẹ con ôm nhau mà khóc, mừng mừng tủi tủi nói sao cho xiết? Quần hùng tuy lòng dạ cứng rắn nhưng đứng trước tình cảnh, này cũng không ít kẻ thấy cay cay nơi khóe mắt.
Diệp Nhị Nương nói: Hài nhi! Năm nay con đã hai mươi bốn tuổi rồi. Hai mươi bốn năm trời, mẹ ngày đêm thương nhớ con chẳng lúc nào nguôi. Con ta bị tên cẩu tặc trời đánh nào bắt đi mất, ta thấy người khác có con mà nổi lòng ghen ghét, rồi cũng đi bắt con người khác. Nhưng… nhưng con của người ta đâu có bằng con chính mình sinh ra?
Nam Hải Ngạc Thần cười ha hả rồi nói: Tam muội! Mụ cứ thấy con nhà ai trắng trẻo dễ thương là mụ bắt trộm về nựng nịu chơi, lúc chán lại bỏ cho chết, thì ra vì con mụ bị người ta bắt trộm nên mụ mới làm vậy. Thế mà Nhạc lão nhị đã hỏi mụ không biết bao nhiêu lần, mụ vẫn không chịu nói. Được lắm! Hư Trúc tiểu tử, má má ngươi là nghĩa muội ta. Ngươi mau kêu ta một tiếng Nhạc lão bá đi! Nam Hải Ngạc Thần thấy Hư Trúc võ công cao siêu khôn lường, lại là chủ nhân cung Linh Thứu, mà mình lại được đứng vào hàng tiền bối của y, thì nỗi mừng vui của lão không cần phải nói. Vân Trung Hạc lắc đầu nói: Không được! Không được! Hư Trúc Tử là nghĩa huynh của sư phụ ngươi, vậy ngươi phải kêu nó bằng sư bá. Còn ta là nghĩa đệ của mẫu thân nó, thế thì ta còn ở trên lão tam hai bậc. Lão tam mau kêu ta một tiếng Sư thúc tổ đi. Nam Hải Ngạc Thần ngẩn người ra suy nghĩ, nhổ một bãi nước bọt rồi thóa mạ: Con mẹ nó! Lão gia không gọi.
Diệp Nhị Nương buông đầu Hư Trúc ra, ôm lấy vai y nhìn trái nhìn phải, mừng vui khôn xiết. Mụ quay lại nói với Huyền Tịch: Nó là con trai ta, lão đừng đánh nó nữa! Rồi mụ quay lại nhìn Hư Trúc, lớn tiếng nói:Không biết tên cẩu tặc trời đánh nào đã bắt trộm hài nhi, làm mẹ con ta phải chia lìa hai mươi bốn năm. Hài nhi! Chúng ta dù đến tận chân trời góc biển cũng phải tìm quân cẩu tặc đó để phân thây muôn đoạn. Dù ta không địch nổi hắn, thì hài nhi võ công cao cường cũng nhất định báo thù rửa hận cho ta.
Nhà sư áo đen vẫn đang ngồi yên dưới gốc cây không nói một lời, lúc này bỗng đứng dậy, chầm chậm hỏi: Con của ngươi bị người ta bắt trộm hay bị người ta cướp mất? Sáu vệt máu trên mặt ngươi do đâu mà có?
Diệp Nhị Nương đột nhiên biến sắc mặt, cao giọng hỏi: Ngươi… ngươi là ai? Sao ngươi lại biết? Nhà sư áo đen hỏi lại: Ngươi không nhận ra ta ư? Diệp Nhị Nương thét lên: Trời ơi! Là ngươi, chính là ngươi! Rồi mụ nhảy xổ lại phía nhà sư áo đen. Lúc còn cách đối phương hơn trượng thì đột nhiên mụ đứng lại, đưa song trảo ra, nghiến răng kèn kẹt ra chiều căm hận vô cùng, nhưng không dám tới gần hơn
Nhà sư áo đen nói: Không sai! Con của ngươi bị chính ta cướp đi, sáu vệt máu trên mặt ngươi do chính ta gây ra. Diệp Nhị Nương kêu lớn: Tại sao? Tại sao ngươi lại cướp con ta? Ta với ngươi vốn chưa từng gặp mặt, không thù không oán. Ngươi… ngươi đẩy ta vào tuyệt lộ. Ngươi hại ta suốt hai mươi bốn năm trời, ngày đêm lòng đau như cắt. Đó là vì sao? Vì… Vì sao? Nhà sư áo đen chỉ Hư Trúc, hỏi lại: Phụ thân của đứa bé này là ai? Diệp Nhị Nương toàn thân run bắn lên, đáp: Là… là… Ta không thể nói được.
Bây giờ Hư Trúc mới nghĩ tới, liền nhảy vọt lại gần Diệp Nhị Nương rồi gọi: Má má! Má má nói cho con nghe đi, phụ thân con là ai? Diệp Nhị Nương lắc đầu quầy quậy, đáp: Mẹ không nói được.
Nhà sư áo đen chầm chậm nói: Diệp Nhị Nương! Ngươi vốn là một cô nương nhan sắc tuyệt vời, đoan trang trinh thục. Năm ngươi mười tám tuổi đã đem lòng yêu thương một chàng trai bản lĩnh cao cường lại có địa vị, rồi ngươi thất thân với hắn mà sinh ra đứa bé này. Có phải thế không? Diệp Nhị Nương cứng đờ như khúc gỗ, hồi lâu mới gật đầu đáp: Đúng thế! Hồi đó không phải y dẫn dụ ta, mà là ta dẫn dụ y. Nhà sư áo đen lại nói: Chàng trai kia chỉ nghĩ tới thanh danh cùng tiền đồ của mình, không nghĩ đến một cô nương nhỏ tuổi chưa chồng đã có con, lâm vào cảnh ngộ cực kỳ thê thảm! Diệp Nhị Nương cãi: _Không, không! Y vẫn săn sóc đến ta, cho ta rất nhiều tiền bạc, sắp xếp sinh kế cho ta._Nhà sư áo đen lại hỏi: Thế thì sao hắn lại để ngươi phiêu bạt giang hồ? Diệp Nhị Nương đáp: Ta không thể làm vợ y. Làm sao y có thể lấy ta làm vợ được? Y là người tốt, đối xử với ta rất tốt. Chính là ta không muốn làm liên lụy tới y. Y… y là người tốt. Nghe mụ nói thì ra vẫn còn quyến luyến người tình đã bỏ rơi mình, mối tình xa xưa không vì cuộc sống khổ não mà tàn phai cùng tuế nguyệt.
Mọi người đều nghĩ: Diệp Nhị Nương tàn ác có tiếng, song tình nghĩa của mụ đối với người xưa thật là thâm trọng. Không hiểu tình lang của mụ là ai?
Cả bọn người Đại Lý gồm Đoàn Dự, Nguyễn Tinh Trúc, Phạm Hoa, Hoa Hách Cấn, Ba Thiên Thạch nghe hai người đối đáp nhau về những chuyện phong lưu xưa cũ, bất giác cùng đưa mắt nhìn trộm Đoàn Chính Thuần. Họ đều nghĩ rằng địa vị, tính tình cùng cách xử sự của tình lang Diệp Nhị Nương rất phù hợp với ông. Có người lại nghĩ: Ngày trước cả Tứ Đại Ác Nhân đều tới Đại Lý, chắc cũng để đòi món nợ ân tình của Trấn Nam Vương. Chính Đoàn Chính Thuần cũng không yên tâm, nghĩ thầm: _Mình quen biết nữ nhân rất nhiều, chẳng lẽ có cả mụ này? Sao mình không nhớ ra? Nếu thật sự là mình làm khổ nàng như thế, cho dù phải đem danh dự vứt xuống đất cho anh hùng thiên hạ phỉ nhổ, dứt khoát Đoàn mỗ cũng không quay lưng với nàng. Nhưng… nhưng… sao ta lại không nhớ nổi chuyện này?
Nhà sư áo đen dõng dạc hỏi: Phụ thân của đứa bé hiện có mặt tại đây. Sao ngươi không gọi hắn ra? Diệp Nhị Nương đáp: Không, không! Ta không nói được. Nhà sư áo đen lại hỏi: Tại sao ngươi lại điểm tàn hương vào lưng và hai mông thằng bé thành hai mươi bảy dấu thọ giới? Diệp Nhị Nương che mặt lại đáp: Ta không biết, ta không biết! cầu xin ngươi, ngươi đừng hỏi ta nữa.
Nhà sư áo đen vẫn không chút động lòng, điềm nhiên hỏi tiếp: Phải chăng lúc ngươi sinh ra thằng bé này đã định cho nó làm hòa thượng? Diệp Nhị Nương đáp: Không phải, không phải! Nhà sư áo đen lại hỏi: Thế ư? Sao ngươi lại điểm hương vào người nó cho thành dấu vết của Phật môn? Diệp Nhị Nương đáp: Ta không biết, ta không biết! Nhà sư áo đen cao giọng nói: Ngươi không nói thì ta cũng biết. Đó là vì phụ thân nó là đệ tử Phật môn, cũng là một vị cao tăng đắc đạo.
Diệp Nhị Nương phát ra một tiếng rên như xé ruột, rồi không chịu đựng được nữa, ngã ra bất tỉnh.
Quần hùng nhốn nháo cả lên, ai nhìn thần sắc Diệp Nhị Nương cũng biết lời nói của nhà sư áo đen đúng là sự thực. Té ra mụ đã tư thông với một hòa thượng, mà lại là một cao tăng nổi tiếng. Mọi người kề vào tai nhau thì thầm bàn luận.
Hư Trúc đỡ Diệp Nhị Nương dậy, lay gọi rối rít: Má má! Má má mau tỉnh lại. Hồi lâu Diệp Nhị Nương mới hồi tỉnh, khẽ bảo: Hài nhi, mau đưa ta xuống núi. Lão này… đúng là yêu quái, không hiểu sao lão lại biết. Ta không muốn thấy mặt lão nữa, mà mối thù… cũng không cần phải trả nữa. Hư Trúc nói: Vâng! Má má, chúng ta đi thôi.
Nhà sư áo đen nói: Hãy khoan, ta chưa nói hết. Ngươi muốn báo thù, ta cũng muốn báo thù. Diệp Nhị Nương! Tại sao ta lại cướp con của ngươi, ngươi có biết không? Là vì… là vì có người cướp mất con ta, gây ra cảnh nhà tan người mất, vợ chồng cha con tử biệt sinh ly. Ta phải báo thù.
Diệp Nhị Nương hỏi: _Có người cướp mất con ngươi ư? Ngươi muốn báo thù ư? Nhà sư áo đen đáp: Đúng thế! Ta cướp con ngươi, đem bỏ vào vườn rau chùa Thiếu Lâm, để sư Thiếu Lâm nuôi nó lớn lên rồi dạy võ nghệ. Đó là vì con của ta cũng bị cướp mất, cũng được nuôi nấng cho khôn lớn, rồi chùa Thiếu Lâm cũng truyền thụ cho y một thân võ nghệ. Ngươi có muốn nhìn rõ mặt ta không? Lão không đợi Diệp Nhị Nương đáp, đã giơ tay lên kéo tấm khăn che mặt xuống.
Quần hùng đều kinh ngạc la lên một tiếng:úi chao! Lão này mặt vuông tai lớn, râu ria xồm xoàm, tướng mạo rất oai phong, khoảng trên dưới sáu mươi tuổi. Tiêu Phong vừa ngạc nhiên vừa hoan hỉ, tiến đến trước mặt lão, rồi lạy phục xuống đất, hỏi to: Ông… ông… là gia… gia…
Lão cười ha hả nói: _Hảo hài nhi, hảo hài nhi! Ta chính là gia gia ngươi. Cha con ta tướng mạo giống nhau, không cần phải đánh dấu, ai nhìn thấy cũng biết ta là gia gia ngươi. Lão vung tay mở phanh vạt áo trước ngực, để lộ hình đầu chó sói xăm trên ngực, rồi kéo Tiêu Phong đứng dậy.
Tiêu Phong cũng mở phanh vạt áo để lộ ra hình đầu chó sói đang há miệng nhe nanh. Hai người sánh vai đi mấy bước, đột nhiên ngẩng mặt nhìn trời gầm lên một tiếng. Tiếng gầm như cuồng phong bão tố vang vọng đi rất xa, tựa như chấn động cả một khoảng rừng, mấy ngàn hào kiệt nghe thấy đều phải sợ run. Yên Vân Thập Bát Kỵ cũng rút trường đao ra cất tiếng hòa theo, chỉ có hai mươi người mà thanh thế hùng mạnh như thiên binh vạn mã.
Tiêu Phong lấy trong bọc ra một gói nhỏ bằng vải dầu, mở lấy ra một mảnh vải rất lớn. Đây chính là di văn trên vách núi ngoài Nhạn Môn Quan mà Trí Quang hòa thượng đã in lại rồi tặng cho chàng. Trên mặt vải có những chữ Khất Đan màu trắng nổi trên nền đỏ của máu.
Lão già rậm râu chỉ mấy chữ cuối cùng, cười nói: Tiêu Viễn Sơn tuyệt bút, Tiêu Viễn Sơn tuyệt bút! Ha ha! Hài nhi! Hôm ấy ta đau lòng quá, nhảy xuống vực thẳm để tự vận, không ngờ chưa tận số, rơi trúng một cành cây bên vách núi nên không chết. Sau đó ta không muốn chết nữa mà đặt ra mục tiêu rửa hận. Ngày đó ngoài Nhạn Môn Quan, bọn hào kiệt Trung Nguyên chưa hỏi câu nào đã giết chết người mẹ không biết võ công của con. Hài nhi! Con nói đi, mối thù này có nên trả hay không?
Tiêu Phong cũng nói: Mối thù của cha mẹ quyết chẳng đội trời chung, sao lại không trả? Tiêu Viễn Sơn nói: Số người sát hại mẫu thân ngươi, ngay hôm đó đã bị ta đánh chết và bị thương đến quá nửa. Trí Quang hòa thượng sợ tội tự sát, Triệu Tiền Tôn đã bị giết, Bang chủ Cái Bang Uông Kiếm Thông may mắn đã mắc bệnh mà chết. Nhưng Tên Đại ác đứng đầu bọn ác nhân hiện vẫn còn sống. Hài nhi! Con nói đi, phải xử trí hắn thế nào? Tiêu Phong gấp rút hỏi: Người đó là ai? Tiêu Viễn Sơn lại gầm lên một tiếng rùng rợn, rồi quát lớn: Người đó là ai? Mục quang lão như điên đảo qua nhìn khắp quần hào một lượt.
Kẻ nào chạm vào ánh mắt lão cũng run lên. Bọn họ không liên quan gì đến vụ sát hại mẫu thân Tiêu Phong ngoài Nhạn Môn Quan, nhưng đã lỡ nhìn vẻ mặt cha con Tiêu Phong thì đều khiếp sợ, không dám nhúc nhích chân tay, không dám mở miệng nói nửa lời, chỉ sợ tai họa giáng xuống đầu.
Tiêu Viễn Sơn nói: Hài nhi! Hôm ấy ta cùng mẫu thân đưa ngươi sang thăm nhà bà ngoại. Không ngờ tới Nhạn Môn Quan thì mấy chục tên võ sĩ Trung Nguyên đột nhiên xông ra giết sạch bọn tùy tùng, lại giết cả mẫu thân ngươi. Đại Tống với Khất Đan đã có thâm thù, tàn sát lẫn nhau thì cũng chẳng lạ gì. Nhưng trong bọn võ sĩ mai phục phía sau núi lại có kẻ dự mưu, ngươi có biết vì cớ gì không?
Tiêu Phong đáp: Hài nhi có nghe Trí Quang hòa thượng nói, bọn họ được tin báo rằng võ sĩ Khất Đan muốn đến chùa Thiếu Lâm để cướp kinh điển võ học, đem về cho binh tướng nước Liêu luyện tập để sau này chiếm giang sơn Đại Tống. Vì thế mà họ phục kích tấn công đột ngột, lại tàn sát cả mẫu thân của hài nhi.
Tiêu Viễn Sơn cười thê thảm rồi nói:Ngày đó ta không hề có ý cướp đoạt kinh điển võ học của chùa Thiếu Lâm, chính là bọn chúng vu oan cho ta. Được lắm! Tiêu Viễn Sơn này quyết không chịu nhịn, chúng đã vu oan thì ta phải cho chúng biết tay. Ba mươi năm nay, Tiêu mỗ đã ẩn núp trong chùa Thiếu Lâm, kinh điển võ học đã xem kỳ thích. Bọn cao tăng Thiếu Lâm kia! Giả tỉ các ngươi lại ra Nhạn Môn Quan mai phục thì cũng không làm gì được ta đâu.
Quần tăng Thiếu Lâm nghe Tiêu Viễn Sơn nói vậy đều không lạnh mà run. Ai cũng nghĩ rằng lão không nói dối. Võ công bản phái đã bị người Liêu học lén, nếu lão đem về truyền thụ cho bọn võ sĩ Khất Đan thì chúng như hổ thêm cánh, làm sao đối phó được? Hết thảy quần hùng trên núi đều có chung ý nghĩ: Hôm nay nhất định không để cho lão này xuống núi.
Tiêu Phong nói: Gia gia! Năm xưa Tên Đại ác giết mẫu thân của con là do hiểu lầm chứ không phải thực tâm tàn độc. Có điều hắn đã hạ sát phu phụ họ Kiều nghĩa phụ, nghĩa mẫu của con, lại đổ tiếng ác cho con thì nhất định không thể tha thứ được. Hài nhi chưa hiểu hắn là ai, xin gia gia nói cho biết.
Tiêu Viễn Sơn cười ha hả nói: Hài nhi! Con lầm rồi! Tiêu Phong ngạc nhiên hỏi: Hài nhi lầm ư? Tiêu Viễn Sơn gật đầu đáp: Lầm rồi. Phu phụ họ Kiều là do ta giết. Tiêu Phong cả kinh, lạc giọng hỏi: Là gia gia giết ư? Tại… tại sao vậy? Tiêu Viễn Sơn đáp: Ngươi là con ruột của ta, lẽ ra gia đình ta cha con vợ chồng đoàn tụ một nhà vui vẻ biết mấy! Thế mà bọn võ lâm Nam triều coi người Khất Đan không bằng heo chó, chúng ta không động gì đến họ, họ cũng giết vợ ta, bắt con ta cho người khác nuôi. Phu phụ họ Kiều đã mạo xưng là song thân ngươi, đoạt mất hạnh phúc của trời ban cho ta, không chịu nói rõ chân tướng cho con biết. Họ chết là đáng lắm.
Tiêu Phong chua xót trong lòng nói: Nghĩa phụ, nghĩa mẫu có ân nghĩa rất sâu xa với hài nhi. Hai vị lão nhân gia vốn là người rất tốt. Vậy những việc đốt Đơn gia trang, giết chết Đàm công, Đàm Bà, đều do… do…
Tiêu Viễn Sơn đáp: Không sai! Những việc đó đều do ta làm. Bọn này đã biết rõ kẻ chủ mưu giết người ở ngoài Nhạn Môn Quan ngày trước mà không chịu nói ra. Tên nào cũng che giấu cho hắn, lại còn chưa đáng chết ư?
Tiêu Phong lẳng lặng nghĩ thầm: Mình khổ sở điều tra Tên Đại ác là ai, té ra chính là gia gia. Lại còn… lại còn… Chàng chậm rãi nói: Huyền Khổ đại sư chùa Thiếu Lâm đã dạy võ công cho hài nhi, mười năm trời không hề gián đoạn. Hài nhi có được ngày nay, hoàn toàn nhờ ân sư tài bồi… Nói tới đây chàng cúi đầu xuống, bất giác nhỏ lệ.
Tiêu Viễn Sơn nói: Bọn võ lâm Nam triều âm hiểm gian trá, làm gì có ai tử tế? Lão Huyền Khổ cũng bị ta phóng chưởng đánh chết. Quần tăng chùa Thiếu Lâm đồng thanh tụng niệm: A di đà Phật! A di đà Phật!. Tuy chưa có ai tiến ra khiêu chiến với Tiêu Viễn Sơn, nhưng trong tiếng niệm Phật của quần tăng đã lộ vẻ cực kỳ đau khổ, dĩ nhiên quyết không thể bỏ qua chuyện này được. Ai cũng nghĩ: Thật ra thì mình đã nghi oan Tiêu Phong, nhưng cha con như một, phụ thân hung ác thì hài tử gánh tội, cũng không có gì sai trái.
Tiêu Viễn Sơn lại nói: Trong những kẻ đại thù giết chết người vợ yêu quí của ta, cướp đứa con độc nhất của ta, có cả Bang chủ Cái Bang, có cả bọn cao thủ phái Thiếu Lâm. Ha ha! Chúng cứ tưởng vĩnh viễn che giấu được vụ huyết án này không còn ai biết. Chúng biến con ta thành người Hán, bắt con ta gọi kẻ đại thù bằng sư phụ, kế vị kẻ đại thù làm Bang chủ Cái Bang. Ha ha! Hài nhi! Tối hôm ấy ta phóng chưởng đánh Huyền Khổ rồi nấp một bên, một lát sau thấy con về bái kiến lão trọc. Huyền Khổ sắp chết, thấy tướng mạo cha con ta giống hệt nhau thì cho rằng chính con đã hạ thủ, cả chú tiểu cũng không phân biệt được cha con ta. Hài nhi! Người Khất Đan ta bị vu oan giá họa như vậy còn chưa đủ hay sao?
Bây giờ Tiêu Phong mới hiểu tại sao lúc Huyền Khổ đại sư thấy mình lại ra vẻ kinh ngạc, mà chú tiểu cũng nhất định làm chứng là mình đã hạ thủ giết chết đại sư. Thì ra hung thủ là cốt nhục với mình, tướng mạo không giống mình sao được? Tiêu Phong bèn nói: _Những người này bị gia gia giết, thì cũng chẳng khác gì bị hài nhi giết, vậy hài nhi bị gán tội cũng không phải là oan uổng. Còn việc bọn võ lâm ở Trung Nguyên mai phục ngoài Nhạn Môn Quan thì ai là kẻ thủ ác, gia gia đã điều tra minh bạch chưa?
Tiêu Viễn Sơn đáp: Ha ha! Sao ta lại không điều tra minh bạch? Kẻ đó đã tàn hại gia đình mình đến người chết nhà tan. Nếu ta phóng một chưởng đánh chết hắn ngay, thì hóa ra nhẹ nhàng cho hắn quá. Diệp Nhị Nương! Khoan đi đã!
Lão thấy Diệp Nhị Nương được Hư Trúc dìu đi mỗi lúc một xa, bèn quát mụ dừng lại để hỏi tiếp: Cha đứa nhỏ là ai, nếu ngươi không nói ra thì ta cũng biết. Ta đã ở trong chùa Thiếu Lâm ba mươi năm, có chuyện gì qua mắt được ta? Bọn ngươi hò hẹn nhau trong động Từ Vân thế nào, rồi hắn kêu Kiều bà bà đến đỡ đẻ cho ngươi ra sao, ta đều thấy rõ hết, ngươi có muốn ta kể hết cho mọi người nghe không?
Diệp Nhị Nương quay người lại, lê đến gần Tiêu Viễn Sơn thêm mấy bước, rồi bỗng quỳ xuống nói: Tiêu lão anh hùng! Ông là bậc đại nhân đại nghĩa, nên bỏ qua cho y. Hài nhi của ta đã cùng quí công tử lạy nhau tám lạy, kết thành huynh đệ kim lan. Y… y là người có thanh danh trong võ lâm, địa vị tối cao mà niên kỷ cũng lớn rồi, xin đừng bắt y phải chịu tai tiếng. Tiêu anh hùng muốn giết, muốn mổ ta thế nào cũng được, chỉ xin… chỉ xin đừng làm khó dễ y.
Quần hùng trước đã nghe Tiêu Viễn Sơn nói phụ thân Hư Trúc là một cao tăng đắc đạo, sau lại nghe Diệp Nhị Nương bảo y có thanh danh trong võ lâm, lại có địa vị tối cao. Mấy việc này kết hợp lại, rõ ràng người đó là một lão tăng có địa vị cao tại chùa Thiếu Lâm. Ai nấy đều đưa mắt nhìn các vị lão tăng râu mày bạc phơ ở Thiếu Lâm Tự nghìn năm lịch sử.
Đột nhiên Huyền Từ phương trượng lên tiếng: Thiện tai, thiện tai! Đã gây nghiệp nhân thì phải chịu nghiệp quả. Hư Trúc! Ngươi lại đây! Hư Trúc chạy lại trước mặt phương trượng quỳ xuống. Huyền Từ nhìn ngắm y hồi lâu, rồi đưa tay ra khẽ xoa đầu y, nói: Ngươi đã ở trong chùa hai mươi bốn năm, thế mà thủy chung ta vẫn không biết ngươi chính là con ta!
Câu này vừa nói ra, quần tăng và quần hùng nhốn nháo cả lên. Sắc mặt người nào cũng tỏ vẻ kinh dị, hãi hùng, căm giận, khinh bỉ, bi thương, mỗi người mỗi cảm xúc riêng, đủ các trạng thái. Huyền Từ phương trượng đạo cao đức trọng, trong võ lâm chẳng ai là không ngưỡng mộ, ngờ đâu lộ ra việc này khiến ai nấy đều sửng sốt. Phải đến nửa ngày, tiếng bàn tán huyên náo mới lắng xuống.
Huyền Từ lại lên tiếng, giọng nói vẫn trầm tĩnh: Tiêu lão thí chủ! Thí chủ phải xa cách lệnh lang ba mươi mấy năm, tuy không được gặp nhưng vẫn biết con trai võ công tinh tiến, thanh danh lừng lẫy, trở nên anh hùng hảo hán bậc nhất giang hồ, như vậy trong lòng thí chủ chắc cũng được an ủi phần nào. Còn ta thì hàng ngày được thấy hài nhi, mà cứ tưởng đã bị cường đạo cướp mất, còn sống hay đã chết cũng không biết, ngày đêm mong nhớ canh cánh bên lòng.
Diệp Nhị Nương vừa khóc vừa nói: Ngươi… ngươi đừng nói nhiều nữa! Bây giờ biết làm thế nào đây? Huyền Từ dịu dàng trả lời: Nhị nương! Chúng ta đã tạo nên ác nghiệp, có hối hận cũng vô ích. Mấy chục năm nay, ngươi thật là đau khổ! Diệp Nhị Nương vẫn khóc: Ta không đau khổ. Ngươi đau khổ mà không nói ra được, mới thật sự là đau khổ.
Huyền Từ chầm chậm lắc đầu, rồi nhìn Tiêu Viễn Sơn nói: Tiêu lão thí chủ! Ngoài Nhạn Môn Quan ngày trước, lão nạp đã phạm vào đại tội. Các huynh đệ đã vì lão nạp mà tham gia vào việc này đều chết cả rồi. Lão nạp đến nay mới chết, kể ra cũng đã quá muộn, nhưng trong lòng có một điều vẫn chưa hiểu rõ. Đột nhiên, đại sư cất cao giọng nói: Mộ Dung Bác thí chủ! Ngày ấy, chỉ vì thí chủ phao tin rằng võ sĩ Khất Đan định tấn công vào chùa Thiếu Lâm đoạt kinh điển võ học, nên mới có sự hiểu lầm to lớn như vậy. Trong lòng thí chủ có đau khổ áy náy hay chăng?
Mọi người nghe đến ba chữ Mộ Dung Bác đều giật mình kinh hãi. Đa số quần hùng đều biết phụ thân của Mộ Dung Phục tên là Bác, nhưng lão đã tạ thế lâu rồi, sao bây giờ Huyền Từ đột nhiên gọi đến tên? Vậy Mộ Dung Bác thật ra là ai? Mọi người đều nhìn theo mục quang Huyền Từ, thì thấy đôi mắt lão tăng đang chăm chú nhìn nhà sư áo xám ngồi dưới gốc cây.
Nhà sư áo xám bật cười rồi đứng dậy nói: Phương trượng đại sư! Nhãn quang đại sư thật là lợi hại, đã nhận ra tại hạ! Rồi lão đưa tay kéo tấm khăn bịt mặt xuống, để lộ khuôn mặt tụấn nhã, đôi mày bạc phơ dài rủ xuống má.
Mộ Dung Phục vừa kinh ngạc vừa vui mừng, la lên: Gia gia! Gia gia… chưa chết ư? Lúc đó trong lòng y nổi lên rất nhiều nghi vấn. Ngày phụ thân tạ thế, chính tay y sờ xem hơi thở mấy lần, chính tay y khâm liệm an táng. Bây giờ phụ thân còn sống sờ sờ, tất nhiên khi đó đã vận thần công để bế khí giả chết. Sao lão nhân gia lại giấu giếm cả đứa con ruột thịt để làm gì?
Huyền Từ nói: Mộ Dung lão thí chủ! Ta cùng thí chủ giao hảo lâu năm, dĩ nhiên tất tin tưởng lời thí chủ. Ngày trước, thí chủ báo với ta cái tin đó, ta chẳng nghi ngờ gì. Sau khi giết lầm người tốt, lão nạp không tìm thấy thí chủ nữa, rồi được tin thí chủ mắc bệnh qua đời. Lão nạp đau xót vô cùng, cứ nghĩ rằng thí chủ cũng như bần tăng sơ ý tin lời người khác gây nên tội lỗi, hối hận rồi uất khí không tan được mà nên nỗi. Ngờ đâu… Hỡi ôi!… Đại sư thở dài, tỏ ra vừa hối hận vừa oán trách Mộ Dung Bác.
Tiêu Viễn Sơn cùng Tiêu Phong đưa mắt nhìn nhau, bây giờ hai người mới hiểu kẻ phao tin để Đại Tống và Khất Đan chém giết nhau chính là Mộ Dung Bác. Tiêu Phong chợt nghĩ: Chuyện bi thảm ngoài ải Nhạn Môn Quan là do Huyền Từ cầm đầu, nhưng lão là phương trượng chùa Thiếu Lâm, dĩ nhiên phải quan tâm đến sự tồn vong của giang sơn Đại Tống và kinh điển võ học bản môn, phải theo đại nghĩa mà làm. Về sau lão phát giác ra mình đã sai lầm, bèn đem hết sức bù đắp lại. Thế thì kẻ đại ác là Mộ Dung Bác chứ không phải Huyền Từ.
Còn Mộ Dung Phục thì nghe Huyền Từ nói, lập tức hiểu ra: Gia gia phao tin giả là muốn châm ngòi cho Tống, Liêu đánh nhau, Đại Yên ta đứng giữa hưởng lợi. Sau đó dĩ nhiên Huyền Từ phải nghi ngờ chất vấn, gia gia làm sao trả lời được? Gia gia vốn mang thân phận đại anh hùng hào kiệt, dĩ nhiên không thể nhận lỗi đó mà hủy hoại thanh danh. Lão nhân gia hiểu rõ Huyền Từ, nếu người giả chết thì Huyền Từ tất không tiết lộ ra để tổn hại đến danh dự người quá cố. Vì thế gia gia phải giả chết để bảo toàn uy danh nhà Mộ Dung, ta vẫn có thể tiếp tục mưu đồ đại sự. Nếu gia gia không làm vậy thì anh hùng hào kiệt Trung Nguyên tất kéo đến hỏi tội nhà Mộ Dung, gia gia toàn mạng là khổ rồi, còn nói gì đến chuyện phục quốc? Chỉ vì lúc đó ta còn quá trẻ, nếu biết gia gia trá tử thì không chừng để lộ chuyện, nên gia gia phải giấu cả ta. Y nghĩ đến tâm ý của phụ thân, vứt bỏ tất cả nhằm khôi phục Đại Yên, cảm thấy trách nhiệm trên vai mình càng nặng nề hơn.
Huyền Từ chầm chậm hỏi: Mộ Dung lão thí chủ! Hôm nay lão nạp nghe mấy lời thí chủ khuyên bảo lệnh lang, mới biết được dòng họ Mộ Dung là hậu duệ đế vương, mưu đồ rất lớn. Như thế có thể hiểu năm xưa thí chủ phao tin giả là để làm gì. Nhưng mưu đồ của thí chủ đến nay vẫn chưa thành công, mà không biết bao nhiêu sinh linh đã thiệt mạng một cách oan uổng. Mộ Dung Bác đáp: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.
Huyền Từ đổi sắc mặt, nói: Tệ sư đệ là Huyền Bi đã từng vâng mệnh lão nạp đi đến Cô Tô để hỏi thăm thí chủ. Không hiểu sư đệ đã nói năng đắc tội, hay đã thấy được vết tích gì trong quí phủ mà đoán được ý đồ tạo phản, nên thí chủ muốn giết người bịt miệng. Nhưng sao thí chủ lại nhẫn nại thêm mấy năm, lúc Huyền Bi đến Đại Lý mới ra tay. Ái chà! Thí chủ lại toan gây tranh chấp giữa Đại Lý với Thiếu Lâm Tự, vì thế mà lúc thí chủ ra tay ám toán đã sử dụng Nhất Dương Chỉ của Đoàn gia. Chỉ vì thí chủ học Nhất Dương Chỉ chưa đến chỗ tinh vi, cuối cùng cũng phải dùng tuyệt kỹ gia truyền Gậy ông đập lưng ông để sát hại sư đệ Huyền Bi của ta.
Mộ Dung Bác cười khẩy, lắc mình vung quyền đánh vào thân cây lớn kế bên. Nghe tiếng răng rắc, mấy cành lớn gãy rơi xuống. Hắn đánh vào thân cây, nhưng lại chấn động gãy hai cành cây ở cao hơn một trượng, thần công quả thật phi phàm. Mười mấy vị lão tăng Thiếu Lâm đồng thanh hô lên: Vi Đà Chử! Trong thanh âm đầy vẻ kinh hãi.
Huyền Từ gật đầu nói: Thí chủ lén lút ở trong bản tự nhiều năm, quả nhiên đã luyện thành môn Vi Đà Chử trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của Thiếu Lâm. Nhưng tuyệt chiêu Thiên Linh Thiên Liệt của phái Phục Ngưu ở Hà Nam, chắc thí chủ không khỏi tốn nhiều công phu mới luyện được. Tại sao thí chủ giết Kha Bách Tuế lại phải sử dụng võ học gia truyền?
Mộ Dung Bác cười đầy vẻ âm hiểm, lên tiếng đáp: Lão phương trượng quả nhiên tinh minh tột bậc, không rời khỏi sơn môn mà hiểu rõ mọi việc trên giang hồ chẳng khác lòng bàn tay, khiến cho người khác phải khâm phục. Chuyện này mà phương trượng lại đoán… Y chưa dứt lời thì có hai người hét to lên, nhắm vào y xông tới, chính là Kim toán bàn Thôi Bách Tuyền và sư điệt Quá Ngạn Chi. Mộ Dung Bác chỉ phất tay áo bào, hai người Thôi, Quá đã văng ra hơn một trượng, nằm dưới đất không nhúc nhích gì nữa. Chỉ trong nháy mắt lão đã phóng Tụ Trung Chỉ trúng vào huyệt đạo hai người.
Huyền Từ nói: Kha thí chủ gia tài ức vạn, hành sự cẩn thận tỉ mỉ. Ái chà! Thí chủ muốn chiếm lấy gia tài đó để tính chuyện chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thảo. Nhưng chắc là Kha thí chủ không chịu, lại còn muốn báo lên quan phủ.
Mộ Dung Bác cười ha hả, giơ ngón tay cái lên nói: Lão phương trượng thật là sáng suốt. Tiếc rằng phương trượng không rõ đầu đuôi câu chuyện, cũng chưa rõ những chuyện đã từng xảy ra, nên tại hạ cùng vị Tiêu huynh này đã trốn trong quí tự mấy chục năm, mà phương trượng cũng chẳng biết gì.
Huyền Từ chầm chậm lắc đầu, thở ra một hơi rồi đáp: Hiểu rõ người khác thì dễ, hiểu rõ chính mình thì khó. Muốn khắc chế địch thì dễ; còn muốn khắc phục tam độc tham sân si trong lòng mình thì khó hơn không biết mấy lần.
Mộ Dung Bác nói: Lão phương trượng! Niệm tình hai ta giao kết nhiều năm, ta sẽ trả lời thẳng thắn. Lão còn gì muốn hỏi ta không? Huyền Từ đáp: Cứ theo cách đối nhân xử thế của Tiêu Phong thí chủ, thì ba vị Mã Đại Nguyên, Mã phu nhân, Bạch Thế Kính của Cái Bang chắc chắn không phải Tiêu Phong sát hại. Không biết là Mộ Dung lão thí chủ hay Tiêu lão thí chủ đã hạ thủ?
Tiêu Viễn Sơn đáp: Mã Đại Nguyên thì bị vợ y cùng với Bạch Thế Kính âm mưu giết chết. Bạch Thế Kính thì do ta giết. Tình hình lúc ấy, chính Đoàn Vương gia của Đại Lý đã mắt thấy tai nghe. Phương trượng muốn hiểu rõ thì lát nữa cứ hỏi Đoàn Vương gia sẽ biết.
Tiêu Phong tiến lên hai bước, chỉ vào mặt Mộ Dung Bác quát lên: Mộ Dung lão tặc! Ngươi là người đã gây ra đại họa này, mau bước lên đây chịu chết! Mộ Dung Bác cười khẩy một tiếng, buông tay Mộ Dung Phục ra rồi theo đường lên núi mà vọt đi cực kỳ mau lẹ. Tiêu Viễn Sơn cùng Tiêu Phong quát lên: Đuổi! Dứt lời hai người chia hai bên tả hữu đuổi theo. Cả ba người này đều là những tay võ công trác tuyệt, chỉ trong nháy mắt đã chạy rất xa, một người chạy, hai người đuổi, đều chạy về phía chùa Thiếu Lâm. Chỉ trong giây lát một bóng xám hai bóng đen, đã khuất sau tường vàng ngói biếc của Thiếu Lâm Tự.
Quần hùng thấy diễn biến ly kỳ đều nghĩ thầm: Mộ Dung Bác cùng Tiêu Viễn Sơn công lực ngang nhau không phân cao thấp. Có thêm Tiêu Phong thì họ Mộ Dung không thể địch nổi. Không hiểu sao lão không chạy xuống núi để trốn mà lại chạy lên chùa Thiếu Lâm?
Bọn Đặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác và mười tám võ sĩ Khất Đan đều toan chạy lên núi để tiếp tay cho chủ nhân, nhưng họ vừa cất bước thì Huyền Từ đã quát lên: Lập trận ngăn cản. Hơn trăm nhà sư chùa Thiếu Lâm đều dạ ran, lập thành trận thế ngay giữa đường lên núi, người cầm thiền trượng, kẻ cầm giới đao cản mọi người lại. Huyền Tịch lên tiếng: Chùa Thiếu Lâm là nơi Phật môn thiện địa, không phải là nơi để đánh nhau. Xin các vị thí chủ đừng tự tiện lên nữa.
Bọn Đặng Bách Xuyên thấy chùa Thiếu Lâm người nhiều thế mạnh, biết không thể xông lên được, nếu cố gây chuyện thì chỉ tổ thêm cừu địch, tuy họ băn khoăn lo lắng cho chủ nhân nhưng đành phải dừng bước. Bao Bất Đồng nói: Không sai, không sai! Chùa Thiếu Lâm là nơi Phật môn thiện địa… Câu cửa miệng của gã là Sai bét, sai bét! mà bây giờ lại Không sai, không sai! Không ít người liền ngạc nhiên nhìn gã, nhưng bỗng nghe tiếp:… chuyên nhận nuôi những đứa con hoang tội nghiệp.
Gã vừa nói câu này, liền bị mấy trăm cặp mắt nhìn trừng trừng vào mặt đầy vẻ căm hận. Bao Bất Đồng là người lớn mật, tuy gã biết rõ quần tăng chùa Thiếu Lâm có rất nhiều cao thủ vào hàng chữ Huyền, bất luận là ai gã cũng không địch nổi, thế mà gã muốn nói là nói chẳng kiêng nể chút nào. Gã thấy quần tăng chùa Thiếu Lâm hằn học nhìn mình, thì cũng hầm hầm nhìn lại không chớp mắt.
Bỗng nghe Huyền Từ lớn tiếng nói: Lão nạp phạm vào đại giới của Phật môn, làm nhơ danh chùa Thiếu Lâm. Huyền Tịch sư đệ! Theo giới luật bản tự thì phải trừng trị thế nào? Huyền Tịch ngập ngừng đáp: Chuyện này… Sư huynh… Huyền Từ nói: Nước có phép nước, nhà có luật nhà. Bất luận là môn phái bang hội nào, tôn tộc chùa chiền nào cũng khó tránh khỏi có những đệ tử bất kham. Muốn bảo toàn thanh danh bản tự, răn đe để vĩnh viễn không có người phạm pháp, phải chiếu luật mà trừng trị, không thể nhân nhượng dược. Chấp pháp tăng! Đem Hư Trúc ra đánh một trăm ba chục côn. Một trăm côn phạt tội chính y, còn ba chục côn là y chịu thay cho sư phụ.
Chấp pháp tăng đưa mắt nhìn Huyền Tịch. Huyền Tịch gật gật đầu, còn Hư Trúc quì xuống để chịu phạt. Chấp pháp tăng vung côn lên đánh, lưng và mông Hư Trúc da thịt nát nhừ, máu bắn tứ tung. Diệp Nhị Nương trong lòng đau xót nhưng thấy Huyền Từ oai nghiêm nên sợ không dám van xin.
Hư Trúc lãnh xong một trăm ba mươi trượng, không vận nội lực chống đỡ chút nào, đau quá không ngồi dậy được. Huyền Từ lại nói: Kể từ lúc này, ngươi rời chùa hoàn tục, không được quay lại làm tăng lữ chùa Thiếu Lâm nữa. Hư Trúc sa lệ đáp: Vâng!
Huyền Từ lại nói: Huyền Từ phạm vào sắc giới, cũng phải chịu tội như Hư Trúc. Phương trượng mà phạm tội thì phải phạt nặng gấp đôi, chấp pháp tăng phải đánh Huyền Từ hai trăm côn thật nặng. Chùa Thiếu Lâm có được thanh danh là nhờ ở giới luật nghiêm minh, không được vị nể mà sinh tệ nhũng. Huyền Từ nói xong, quay về phía Phật tượng trong Đại hùng bảo điện, quì phục xuống rồi tự cởi tăng bào, để hở lưng ra.
Quần hùng ngơ ngác nhìn nhau. Phương trượng Thiếu Lâm thụ hình trước mặt công chúng, thật là chuyện xưa nay chưa từng có.
Huyền Tịch nói: Sư huynh! Người… Huyền Từ lớn tiếng nói: Thanh danh ngàn năm của Thiếu Lâm Tự không thể bị tiêu diệt vì ta! Huyền Tịch sa lệ nói: Vâng! Chấp pháp tăng! Dụng hình! Hai nhà sư chấp pháp chắp tay khom lưng nói: Phương trượng! Xin đắc tội!, rồi hai người đứng thẳng lên, vung côn đập xuống lưng Huyền Từ. Hai vị này biết rằng phương trượng thụ hình thì đau khổ nhất là nỗi nhục nhã trước mặt công chúng, còn cái đau khổ về xác thịt không đáng kể, nếu họ hạ thủ dung tình, để người ngoài phát hiện rồi xuyên tạc thêm, thì phương trượng thụ hình thật là vô ích, không có kết quả gì. Vì thế mà mỗi côn đập xuống lưng và mông Huyền Từ đều vang lên những tiếng rùng rợn, máu đẫm tăng bào. Quần tăng nghe nhà sư chấp pháp vừa đánh vừa đếm số côn… _ bảy mươi mốt, bảy mươi hai…_ ai cũng cúi đầu nhắm mắt, âm thầm niệm Phật.
Đạo Thanh đại sư chùa Phổ Độ chợt lên tiếng: Huyền Tịch sư huynh! Quí tự tôn trọng giới luật Phật môn, chính phương trượng cũng phải thụ hình, bần tăng rất khâm phục. Nhưng Huyền Từ sư huynh già nua tuổi tác, lại không vận nội lực chống đỡ, thì làm sao chịu nổi hai trăm côn? Bần tăng mạo muội có lời năn nỉ, hiện giờ phương trượng đã chịu tám mươi côn rồi, số còn lại xin để lại sau.
Rất nhiều người trong quần hùng cũng la lên: Đúng thế, đúng thế! Bọn tại hạ cũng xin năn nỉ.
Huyền Tịch chưa kịp trả lời, Huyền Từ đã lên tiếng: Đa tạ hảo ý của các vị, nhưng giới luật bản tự nghiêm như núi, không thể khoan thứ được. Chấp pháp tăng! Mau mau dụng hình! Hai nhà sư chấp pháp đang ngừng tay, nghe phương trượng hạ lệnh, đành tiếp tục đánh xuống.
Thêm bốn chục côn nữa thì Huyền Từ không gượng nổi, hai tay đang chống xuống đất bỗng nhũn ra, mặt gục xuống đất dính đầy cát bụi. Diệp Nhị Nương la khóc: Việc này không thể trách phương trượng, mọi sự đều do ta không tốt, đều do ta cố ý dẫn dụ phương trượng. Số… số côn phạt còn lại, để ta nhận lấy. Mụ vừa khóc la vừa xông đến chỗ Huyền Từ đang thụ hình. Huyền Từ đưa ngón tay trỏ điểm đánh véo một tiếng, phong tỏa huyệt đạo của mụ rồi mỉm cười nói: Con người si mê kia! Ngươi không phải là nữ ni trong Phật môn, không phạm vào giới luật, thì làm gì có tội? Diệp Nhị Nương đứng cứng đờ không nhúc nhích được, nhưng hai hàng nước mắt vẫn nhỏ xuống như mưa.
Huyền Từ lại quát lên: Dụng hình! Chấp pháp tăng tiếp tục đánh cho đủ hai trăm côn, Huyền Từ máu me đầm đìa mặt đất, phải cố gắng đề khí hộ tâm cho khỏi ngất đi. Hai chấp pháp tăng dựng côn lên, quay lại bẩm với Huyền Tịch: Thưa thủ tòa, Huyền Từ phương trượng chịu đòn đã đủ số. Huyền Tịch gật gật đầu, không biết nói gì cho phải.
Huyền Từ cố gắng ngồi dậy, đưa tay điểm cách không để giải huyệt cho Diệp Nhị Nương. Không ngờ đại sư bị thương nặng quá, không ngưng tụ chân khí được, phóng chỉ vô hiệu. Hư Trúc thấy vậy bèn giải khai huyệt đạo cho mẫu thân. Rồi Huyền Từ vẫy vẫy tay gọi Diệp Nhị Nương cùng Hư Trúc lại gần. Hư Trúc vẫn ngần ngừ không biết nên gọi Huyền Từ bằng gia gia hay bằng phương trượng.
Huyền Từ đưa tay ra, tay phải nắm tay Diệp Nhị Nương, tay trái nắm tay Hư Trúc, lên tiếng nói: Hai mươi mấy năm nay, ngày đêm nào ta cũng nhớ đến mẹ con ngươi. Ta biết mình phạm vào đại giới, nhưng lại không dám công khai sám hối trước chúng tăng. Hôm nay được giải thoát mọi sự, từ nay không còn lo lắng sợ hãi gì nữa, trong lòng mới được an lạc. Rồi lão đọc kệ:Người trên thế gian; Có muốn có yêu; Phiền não khổ nhiều; Giải thoát mới an. Sau đó lão từ từ nhắm mắt lại, trên khóe miệng đọng nụ cười đầy vẻ bình yên.
Diệp Nhị Nương cùng Hư Trúc không dám nhúc nhích, để ý nghe xem lão còn nói gì nữa không. Không ngờ tay lão mỗi lúc một lạnh dần, Diệp Nhị Nương giật mình, đưa tay ra sờ mũi, thì đã tắt hơi rồi. Mụ biến sắc la lên: Ngươi… ngươi… bỏ ta mà đi ư? Đột nhiên, mụ nhảy lên cao đến hơn trượng, rơi xuống nằm cạnh Huyền Từ đánh huỵch một tiếng, giãy giãy mấy cái rồi không nhúc nhích nữa.
Hư Trúc la hoảng: Má má! Má má không thể… Y vội đưa tay ra đỡ mụ dậy, thì thấy một lưỡi trủy thủ đã cắm vào tim rồi. Hư Trúc hốt hoảng điểm các huyệt đạo xung quanh vết thương mụ, lại vận chân khí truyền vào thân thể Huyền Từ, đồng thời muốn cứu cả hai người nên chân tay luống cuống.
Tiết Mộ Hoa chạy lại giúp đỡ, nhưng thấy cả hai người tim đã ngừng đập, mũi tắt hơi, hết đường cứu chữa, liền cất lời khuyên nhủ: Sư thúc nên bình tĩnh lại. Hai vị lão nhân gia không thể cứu được nữa.
Hư Trúc vẫn chưa chịu thôi, y vận Bắc Minh chân khí đến nửa giờ mà song thân vẫn không thấy động tĩnh gì. Y đau đớn quá không nhịn được, khóc rống lên. Suốt hai mươi bốn năm trời, y chưa biết thế nào là cha mẹ bồng bế nâng niu, chưa được hưởng nửa ngày gia đình đoàn tụ. Hôm nay y vừa gặp cha sinh mẹ đẻ thì chỉ được một lúc là song thân đã nối nhau thảm tử.
Quần hùng vừa được biết cha ruột Hư Trúc là Huyền Từ phương trượng chùa Thiếu Lâm, ai cũng khinh bỉ lão không giữ thanh qui giới luật, đến khi lão thản nhiên thụ hình trước công chúng để duy trì thanh danh bản tự thì mới thấy dũng tâm của lão hơn người. Ai cũng tưởng lão chịu cực hình là đền xong tội, không ngờ sau đó lại tự đoạn kinh mạch mà chết để chuộc lỗi. Hành động của Huyền Từ hiển nhiên là lão tự thấy hai trăm côn chưa đáng tội, chỉ có chết đi thì trăm việc đều xong. Giả tỉ Huyền Từ tự vận sớm hơn thì khỏi chịu hai trăm côn vừa đau vừa nhục, nhưng lão chịu đánh đòn rồi mới chết thì thật là hành vi của anh hùng hảo hán. Quần hùng đem lòng kính phục Huyền Từ, nhiều người tới quì lạy trước thi thể lão.
Nam Hải Ngạc Thần nói: Nhị tỉ! Ngươi chết rồi, bây giờ Nhạc lão tam không tranh ngôi thứ với ngươi nữa, ngươi cứ làm lão nhị. Mấy năm nay, lúc nào lão cũng muốn tranh ngôi với Diệp Nhị Nương, cho rằng ai có võ công cao hơn thì được làm Thiên Hạ Đệ Nhị Ác Nhân. Bây giờ lão tự rút lui thật không phải chuyện dễ dàng, chỉ vì đau xót cái chết của Diệp Nhị Nương và bội phục tiết nghĩa của mụ.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.