Thiên long bát bộ | Chương 30
Trong những tinh phẩm thượng thừa, Thiên Long bát bộ luôn được đánh giá là một trong những kiệt tác của Kim Dung.
· 104 phút đọc · lượt xem.
Một lúc sau bỗng có mùi hương thơm ngát thoảng đưa. Huyền Nạn la lên: Địch nhân phóng hơi độc! Mau mau bế khí, ngửi thuốc giải. Nhưng rồi chẳng việc gì xảy ra, mọi người thậm chí còn thấy đầu óc sáng suốt, dường như mùi hương không có chất độc. Phía ngoài lại có người nói: Thất tỉ! Thất tỉ đã đến đấy ư? Trong nhà ngũ ca có một quái nhân tự xưng là An Lộc Sơn! Bỗng nghe thanh âm một phụ nữ: Chỉ có một mình đại ca chưa đến. Nhị ca, tam ca, tứ ca, lục ca, bát đệ ra mặt đi thôi.
Câu nói vừa dứt, bọn Đặng Bách Xuyên đột nhiên thấy phía trước sáng rực lên loa cả mắt, rồi ở cổng lớn xuất hiện sáu người, năm nam một nữ. Một lão già râu đen mặc áo ngắn lớn tiếng gọi: Lão ngũ! Sao ngươi chưa ra đây? tay lão cầm tấm ván vuông tựa như chiếc bàn cờ. Nữ nhân là một thiếu phụ đứng tuổi rất xinh đẹp. Bốn người kia thì hai người ra dáng học trò, một người hình như là thợ mộc trong tay cầm một cây búa, còn người sau cùng mặt xanh răng vẩu, tóc đỏ râu xanh trông rất khủng khiếp, chẳng khác gì một con yêu quái.
Đặng Bách Xuyên chú ý nhìn kỹ thì mặt gã này bôi đầy phấn son như diễn viên trên sân khấu chứ không phải chân tướng kỳ dị, chắc vừa rồi chính y đóng vai Đường Minh Hoàng và Mai Phi. Đặng Bách Xuyên hỏi bọn người mới đến: Tôn tính đại danh các vị là gì? Tại hạ tên gọi Đặng Bách Xuyên.
Đối phương chưa kịp trả lời thì trong đại sảnh có một bóng đen vọt ra, đao quang lấp loáng, nhằm gã kép hát chém luôn bảy tám đao. Người này chính là Nhất trận phong Phong Ba Ác. Thế tấn công rất mãnh liệt, gã kép hát không kịp đề phòng phải tránh tả né hữu cực kỳ nguy cấp, thế mà vẫn lên giọng hát: Lực bạt sơn hề khí cái thế, thời bất lợi hề truy bất thệ, truy bất thệ hề… (Lực nhổ núi mà khí cái thế, thời bất lợi mà ngựa không chạy, ngựa không chạy…). Gã đang hát dở dang câu thứ ba thì bị Phong Ba Ác đánh rát quá không hát tiếp được.
Lão râu đen đứng bên cạnh liền quát mắng: Ngươi thật là vô lý, chưa hỏi cho rõ ràng đã đánh ngay. Nếm một chiêu Đại Thiết Cương của ta đây! Lão vung tấm bảng hình vuông lên, nhắm đầu Phong Ba Ác đập xuống. Phong Ba Ác nghĩ thầm: Ta một đời bôn tẩu giang hồ, đánh nhau mấy trăm trận lớn nhỏ mà chưa thấy ai dùng tấm ván gỗ làm binh khí thế này. Y giơ đơn đao lên chém thẳng vào tấm ván, ai ngờ không sứt mẻ chút nào. Thì ra tấm bảng này đúc bằng gang thép, chỉ có mặt ngoài phủ nước sơn trông như ván gỗ mà thôi. Phong Ba Ác lập tức thu đao về để đánh nữa, không ngờ thanh đao dính chặt không giật ra được, dường như tấm ván này có nam châm. Y cả kinh vận hết kình lực giật thật mạnh mới rút được đao ra khỏi tấm ván, bèn quát lên: Mi là quân tà đạo, dùng nam châm để hút khí giới người ta phải không?
Người kia cười nói: Không dám! Đó là cái mâm cơm của lão phu. Phong Ba Ác để ý nhìn, thì ra trên tấm ván có vạch những đường ngang dọc, chính là một bàn vi kỳ. Gã gặp đối thủ càng kỳ lạ càng thích, liền nói: Thật là khí giới cổ quái, ta đấu chơi với ngươi một lúc nữa. Dứt lời, y múa đao như gió cuốn, càng đánh càng lẹ, nhưng thủy chung không dám để lưỡi đao chạm vào bàn cờ của đối phương.
Gã kép hát thở hồng hộc rồi hát tiếp: Truy bất thệ hề khả nại hà? Ngu hề, Ngu hề nại nhược hà? (Ngựa không chạy thì biết làm sao? Ngu Cơ ơi, làm sao đây?). Gã lại đổi sang giọng đào: Xin đại vương bất tất phải phiền hà, Trận Cai Hạ bữa nay tuy bất lợi, thiếp theo đại vương đột phá trùng vây.
Bao Bất Đồng quát lên: Con mẹ nó! Sở Bá Vương lẫn Ngu Cơ mau mau tự vẫn cho rồi, mỗ danh xưng Hàn Tín. Y sấn lại, vung hai tay dùng thế Cầm Long Thủ chụp xuống vai gã kép hát, Gã này hạ vai xuống tránh khỏi, rồi hát thật to: Đại Phong khởi hề vân phi dương… Ta đây Hán Cao Tổ bắt Hàn Tín đem về xử tử, rồi đưa tay trái ra sau lưng rút nhuyễn tiên đánh soạt một tiếng, nhằm Bao Bất Đồng vụt tới. Huyền Nạn thấy đối phương như làm trò hề mà võ công lợi hại, mình lại không biết họ là ai, bèn nhíu mày lên tiếng: Các vị hãy dừng tay, nói chuyện cho minh bạch rồi hãy đánh nhau cũng chưa muộn.
Nhà sư muốn Phong Ba Ác dừng tay nhưng đâu có được. Phong Ba Ác biết mình đã nhiễm hàn độc, khí lực sút giảm nhiều, vả lại chất độc thất thường không biết bộc phát lúc nào, lại càng nguy hiểm. Vì thế gã múa đơn đao như gió táp mưa sa, chỉ mong nhanh chóng hạ được đối phương.
Bốn người đánh đang hăng thì trong đại sảnh lại thêm một người nhảy ra, cầm hai lưỡi giới đao đập vào nhau loảng xoảng. Người này oai phong lẫm liệt, chính là Huyền Thống đại sư. Nhà sư lớn tiếng nói: Bọn người chuyên dùng thuốc độc hại người, bữa nay lão nạp phải khai sát giới. Nhà sư đã bị chất độc hành hạ mấy ngày, không có chỗ nào để tiết hận, bèn không hỏi han gì nữa, xông vào hai gã đứng tuổi ra vẻ học trò chém tới. Một gã nho sinh thò tay vào bọc móc ra một cây phán quan bút đấu với Huyền Thống. Còn gã kia lắc đầu lia lịa nói: Lạ thật! Người tu hành mà lại nổi nóng, không hiểu lão tu theo kinh điển nào? Gã đưa tay vào bọc vừa sờ vừa nói: Ôi chao, đâu mất rồi? rồi hết nắn túi bên này lại vỗ túi bên kia, cứ lẩm bẩm: Ô hay! Sao tìm hoài không được?
Hư Trúc nổi tính hiếu kỳ liền hỏi: Tiên sinh tìm gì vậy? Gã nho sinh đáp: Vị hòa thượng kia võ công cao cường, huynh đệ của tại hạ địch không lại. Tại hạ muốn tìm binh khí để xông vào thành thế hai người đánh một, chẳng chột cũng què. Nhưng lạ quá, binh khí của tại hạ lại biến đâu mất. Gã vò đầu vỗ trán ra chiều suy nghĩ. Hư Trúc không nhịn được phải phì cười, nghĩ bụng: Ra trận mà không biết khí giới để đâu! Gã này thật là buồn cười chưa từng thấy. Hình như gã gàn dở thật chứ không phải giả vờ. Rồi y hỏi: Tiên sinh dùng loại khí giới gì? Gã nho sinh đáp: Đã là quân tử thì phải tiên lễ hậu binh. Khí giới đầu tiên của tại hạ là một pho sách.
Hư Trúc cố nhịn cười hỏi: Tiên sinh dùng loại sách gì làm binh khí? Là bí quyết võ công hay binh thư đồ trận? Gã nho sinh đáp: Không phải! Không phải! Đó là pho Luận Ngữ. Tại hạ muốn đem lời lẽ thánh hiền để cảm hóa đối phương. Bao Bất Đồng cười mũi hỏi: Tiên sinh đã làu thông kinh sử mà Luận Ngữ còn chưa thuộc, thế thì tiên sinh đọc những sách gì? Gã nho sinh đáp: Huynh đài chỉ biết một mà chưa biết hai. Bất luận là Luận Ngữ, Mạnh Tử, Xuân Thu hay Thi, Thư gì gì đi nữa, tại hạ đều thuộc lòng, nhưng vị tất đối phương đã đọc qua nên phải lấy sách đưa cho họ coi mới hết đường chối cãi. Không có sách họ cho là mình bịa đặt, làm sao thuyết phục được? Bởi thế người ta mời nói rằng: Nói có sách mách có chứng. Gã vừa nói vừa lục tìm, sờ soạn khắp người loạn cả lên…
Bao Bất Đồng hô to: Tiểu sư phụ, mau đánh hắn! Hư Trúc đáp: Đợi cho vị thí chủ này tìm thấy binh khí rồi mới động thủ cũng chưa muộn. Nho sinh nói:Kinh Xuân Thu có chép: Lúc Tống Sở đánh nhau, quân Sở qua sông nửa chừng chưa bày thành trận thế, Tống Mẫn Công nói rằng: Thừa cơ mà đánh thì không phải là quân tử. Cốt cách của vị tiểu sư phụ này cũng quân tử chẳng kém gì Tống Mẫn Công.
Người thợ mộc thấy Huyền Thống sử cặp giới đao như gió táp mưa sa, chiêu thức cực kỳ lợi hại, thêm mấy chiêu nữa thì gã thư sinh sử phán quan bút e rằng khó toàn tánh mạng, liền vung búa xông vào vòng chiến, Công Dã Càn liền phóng chưởng ra chặn lại. Y trông ốm o chẳng khác thầy đồ, vậy mà chưởng lực rất thâm hậu, đã từng đối ẩm rồi đối chưởng với Tiêu Phong ở một tửu lâu tại Giang Nam. Tuy y thua nhưng Tiêu Phong vẫn đem lòng kính trọng vì nội lực y không phải tầm thường. Gã thợ mộc né người tránh khỏi chưởng lực của Công Dã Càn rồi vung búa chém tạt ngang.
Tên đồ gàn vẫn chưa tìm ra pho Luận Ngữ, thấy ông bạn sử phán quan bút luống cuống, không địch nổi cặp giới đao của Huyền Thống đại sư. Gã liền nhìn Huyền Thống châm chọc: Đại hòa thượng! Khổng Tử dạy rằng: Người quân tử không làm điều bất nhân. Đại sư động thủ toan giết tứ đệ tại hạ. Thế là nhân hay bất nhân?
Hư Trúc khẽ hỏi Tuệ Phương: Không hiểu vị này gàn dở thật hay là giả vờ? Tuệ Phương đáp: Trên chốn giang hồ lòng người giả trá rất nhiều, thi hành đủ thứ ngụy kế, ta nên cẩn thận là hơn.
Bỗng nghe tên đồ gàn nói với Huyền Thống: Đại hòa thượng! Tử viết: Nhân giả tất dũng, dũng giả tất nhân (Người nhân tất có dũng, người dũng tất có nhân). Đại sư dũng thì có thừa, nhân lại chưa đủ, như vậy chưa phải là bậc quân tử chân chính. Đức thánh lại dạy rằng: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Điều mình không muốn thì đừng làm cho ai). Chắc hẳn đại hòa thượng chẳng muốn ai giết mình, thì tại sao lại muốn giết người?
Tên đồ gàn này toàn nói chuyện vớ vẩn khuyên can Huyền Thống mà võ công cũng không kém cỏi. Huyền Thống đâm trước chém sau tới tấp, gã né tả tránh hữu thủy chung vẫn cách xa ba thước. Huyền Thống không khỏi e dè, nghĩ thầm: Thằng cha này nói nhăng nói cuội cốt để mình phân tâm, võ công còn giỏi hơn gã sử phán quan bút nhiều. Mình phải đề phòng mới được. Nhà sư nghĩ vậy nên đề phòng gã đổ gàn đến sáu phần, chỉ dùng bốn phần công phu để đánh với gã thư sinh cầm phán quan bút, sức tấn công nhẹ hơn nên tình hình cuộc chiến cũng biến chuyển.
Hai bên trao đổi mươi chiêu nữa, Huyền Thống nổi giận quát lên: Ngươi không tránh ra thì lão tăng không nể mặt đâu!, rồi chuyển thành giới đao sang chém trước ngực tên đồ gàn. Gã né mình tránh khỏi nói: Khổng Tử có dạy: Những kẻ ngang ngược chết đừng hối hận. Tại hạ thấy đại sư võ công cao cường, cùng tứ đệ hợp lực chưa chắc đã địch nổi, nên kiếm lời lẽ khuyên can để hai bên bãi chiến là hơn.
Huyền Thống cả giận, vừa hoành đao chém ngang vừa mắng: Ngươi im đi! Bọn ngươi miệng nói đạo đức nhân nghĩa mà lại giấu thuốc độc trong quan tài để hại người. Nếu chúng ta không cẩn thận một chút thì đã mất mạng rồi. Ngươi bảo Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, vậy ngươi có muốn trúng độc mà chết không?
Gã đồ gàn lùi lại hai bước nói: Lạ nhỉ! Quan tài là vật để chứa xác chết, ai lại bỏ thuốc độc vào bao giờ? Nếu để thuốc độc trong quan tài thì ra muốn đầu độc cái thây ma hay sao? Thây ma tất nhiên là đã chết rồi, đầu độc làm gì nữa?
Bao Bất Đồng xen vào: Sai bét, sai bét! Trong quan tài của bọn ngươi không có tử thi mà chỉ có thuốc độc. Bọn ta đều là người còn sống nhăn, dĩ nhiên có thể đầu độc được. Gã đồ gàn lắc đầu nói: Các hạ đem bụng tiểu nhân để đo lòng quân tử rồi. Ở đây đã không có quan tài, lại càng không có thuốc độc. Bao Bất Đồng nói: Khổng Tử có dạy rằng: Phụ nữ và tiểu nhân thì khó dạy. Ngươi là tiểu nhân, còn thiếu phụ xinh đẹp kia là phụ nữ, bọn ngươi quả nhiên khó dạy. Lời nói của Khổng Tử đâu có thể sai được? Gã đồ gàn chưng hửng một chút rồi đáp: Có câu rằng: Vương Cố tả hữu nhi ngôn dã. Câu nói của các hạ thuộc loại không cần lưu ý, cũng không cần đáp lại.
Tên đồ gàn đang bận đối đáp với Bao Bất Đồng, nên Huyền Thống không cần để ý đến gã, múa tít song đao tấn công rất gấp, gã thư sinh sử cây phán quan bút lập tức lâm vào tình thế nguy cấp. Tên đồ gàn liền xoay ra phía sau Huyền Thống cất tiếng hỏi: Con người mà bất nhân thì không đủ lễ nghĩa. Đại hòa thượng vung đao muốn giết người tức là bất nhân, đã bất nhân thì dù có dũng mãnh cũng chẳng ra gì.
Huyền Thống tức giận nói: Ta là đệ tử nhà Phật, bọn nho gia gàn dở có nói quanh nói quẹo gì gì đi nữa thì ta cũng chẳng bận tâm. Tên đồ gàn đưa tay gõ gõ lên trán, nói: Phải rồi! Phải rồi! Tại hạ đọc sách nhiều thành ra lơ đãng, không trách bị tặng cho hai chữ gàn dở. Đại hòa thượng rõ ràng là đệ tử nhà Phật, tại hạ đem thuyết nhân nghĩa của Khổng Mạnh mà lý luận thì chỉ như nước đổ đầu vịt mà thôi!
Phong Ba Ác đánh với lão sử dụng chiếc bàn cờ thép đã lâu mà không sao thủ thắng được. Y đánh thêm một lúc nữa thì bụng dưới ngấm ngầm đau, dường như chất hàn độc lại bắt đầu phát tác. Còn Bao Bất Đồng tỉ thí với gã kép hát, nhận thấy võ công đối phương không cao cường lắm, nhưng chiêu thức biến hóa luôn luôn. Lúc y đóng vai Tây Thi thì miệng thỏ thẻ thốt ra những lời ỏn thót, nghe mà nao nao lòng dạ, bước chân di chuyển thướt tha, điệu bộ chẳng khác gì giai nhân tuyệt mỹ. Lúc gã giả làm thi tiên Lý Thái Bạch thì ra vẻ say sưa túy lúy, chân này vấp phải chân kia. Tuyệt diệu ở chỗ gã đem áp dụng những điệu bộ này vào võ học, cây nhuyễn tiên trên tay khi thì mềm mại như tay áo mỹ nhân, khi lại văn nhã như quản bút của văn sĩ, khiến cho Bao Bất Đồng vừa buồn cười vừa bực tức, không biết làm thế nào.
Tên đồ gàn tự trách mình một lúc, rồi đột nhiên cất tiếng ngâm vang: Có phế bỏ thất tình, Mới mong tròn quả phúc. Tâm thần tàn tụ hoài, Chưa thoát vòng trần tục. Huyền Nạn cùng Huyền Thống đều giật mình lẩm bẩm: Thằng cha này kiến thức uyên thâm, thuộc cả mấy câu kệ của một vị cao tăng đời Đông Tấn là Cưu Ma La. Gã lại ngâm tiếp: Thế sự thành không tưởng, Còn vui thú nỗi gì? rồi hỏi: Đại hòa thượng: Sau cùng còn hai câu gì nữa, tại hạ quên mất rồi. Huyền Thống đọc tiếp: Hỏi gì người đắc pháp, Nhân giả phải tinh vi.
Tên đồ gàn cười ha hả nói: Đúng rồi! Đúng rồi! Đại sư là đệ tử nhà Phật mà cũng vừa nói đến nhân giả là gì? Vậy thì đạo lý trên thiên hạ đều giống nhau hết. Tại hạ khuyên đại sư nên ra khỏi bến mê, quay đầu trở lại, buông đao đồ tể.
Huyền Thống tựa hồ có sét đánh trong lòng, hốt nhiên đại ngộ, thấu triệt lẽ huyền vi, bèn nói: Phật pháp vô biên! Cho tròn thiện quả! Nhà sư niệm hai câu rồi buông cặp giới đao xuống đất, trên mặt thấp thoáng một nụ cười rồi nhắm mắt không nói gì nữa.
Gã thư sinh kia đang lúc đánh nhau kịch liệt bỗng thấy biến chuyển đột ngột không khỏi giật mình, cây phán quan bút trong tay cũng dừng phắt lại.
Hư Trúc la gọi: Sư thúc tổ! Hàn độc lại phát tác rồi sao? Y giơ tay ra định đỡ thì Huyền Nạn quát lên: Đứng yên!, rồi để tay lên mũi Huyền Thống xem thử, quả nhiên hơi thở đã tuyệt rồi. Đại sư bèn chắp hai tay trước ngực niệm chú vãng sinh. Mấy nhà sư hàng chữ Tuệ thấy sư thúc viên tịch thì khóc rống lên, rồi rút giới đao cùng thiền trượng ra toan liều mạng với hai gã nho sinh, Huyền Nạn nói: Không được động thủ! Sư thúc các ngươi giác ngộ chân lý, tu thành chính quả, về nơi cực lạc, nên mừng mới phải.
Mọi người đang đánh nhau, thấy diễn biến ly kỳ đều ngừng tay nhảy ra ngoài vòng chiến. Tên đồ gàn cất tiếng hô hoán: Lão ngũ! Tiết ngũ đệ! Mau ra đây mà coi! Có người bị ta nói khích một câu bất tỉnh, mau ra cứu mạng! Ôi chao, mãi không thấy lão Tiết Thần Y ra đây cứu người, đáng giận thật! Đặng Bách Xuyên nói: Tiết Thần Y không có trong nhà, tiên sinh… Tên đồ gàn trong lúc cấp bách không nghe thấy lại gân cổ lên mà gào: Tiết Mộ Hoa! Tiết ngũ lão! Diêm Vương Địch Tiết Thần Y! Mau mau ra cứu người! Tam ca nói khích để người ta chết rồi, người ta không để yên đâu.
Bao Bất Đồng tức giận mắng: Mi đã giết người lại còn giả vờ nữa ư? Nói xong y vung chưởng ra, tay trái luồn qua tay phải xuất chiêu Lão Long Thám Châu toan nắm lấy chòm râu đối phương. Phong Ba Ác cùng Công Dã Càn đang chiến đấu tới lúc cao hứng, đều chạy đi tìm đối thủ để đánh tiếp.
Đặng Bách Xuyên quát lên: Ngã ra đi!, rồi vươn tay trái chụp trúng lưng gã kép hát, thuận tay ném xuống đất. Đặng Bách Xuyên ở Tham Hợp Trang trong Yến Tử Ổ tại Cô Tô, là thuộc hạ số một của nhà Mộ Dung. Y võ công tinh thuần, nội lực thâm hậu, tuy không nổi tiếng trên giang hồ nhưng ai đã biết y đều đem lòng kính trọng. Gã kép hát thân pháp rất mau lẹ, vai trái vừa chấm đất, thân người liền xoay đi nửa vòng, quét ngang chân phải nhằm đá vào đùi Đặng Bách Xuyên. Phát đá mau lẹ phi thường, Đặng Bách Xuyên lại to béo, không được linh hoạt lắm. Y thấy khó mà né khỏi, bèn vận khí vào chân để đón lấy đòn cước. Bỗng nghe đánh rắc một tiếng, rõ ràng trong hai cái chân chạm nhau đã có một cái gãy rồi.
Gã kép hát lăn mấy vòng ra ngoài mấy trượng rồi quát mắng: Mi là tên gian tặc Mao Diên Thọ mưu hại trung lượng. Chao ôi! Chân ta sao thế này? Thì ra lúc hai chân chạm vào nhau, gã kép hát không chống lại được sức mạnh của Đặng Bách Xuyên nên bị gãy xương.
Thiếu phụ đứng tuổi xinh đẹp, mặc áo màu hồng nhạt, nãy giờ vẫn nghiêm trang đứng một bên chưa nói câu nào. Bây giờ thì thấy gã kép hát gãy chân, còn đồng bạn đều gặp nguy hiểm, bèn cất tiếng nói: Thế này là nghĩa lý gì? Các ngươi đã chiếm nhà ngũ ca ta, rồi chẳng hỏi cho minh bạch đã ra tay đả thương người, thật là kỳ quái! Mụ chất vấn đối phương, mà thanh âm vẫn ra vẻ dịu dàng.
Gã kép hát đang nằm dưới đất, ngẩng mặt lên nhìn cặp đèn lồng treo trên cửa chính, giật mình la lên: Trời ơi! Sao trên lồng đèn lại viết: Tiết Mộ Hoa chi tang? Tiết ngũ ca xuống suối vàng rồi ư?
Gã sử bàn cờ, hai gã thư sinh và cả tên thợ mộc cầm búa cùng thiếu phụ đứng tuổi đều nhìn theo tay gã kép hát, nhưng không thấy rõ vì đèn bên trong đều tắt hết. Bọn này vừa đến đã đánh nhau ngay nên không ai để ý, mãi đến lúc gã kép hát lăn ra đất ngửa mặt lên mới thấy đèn lồng.
Gã kép hát rống lên rồi hát: Ối ca ca là ca ca? Anh em ta đào liên kết nghĩa, bên Cổ Thành hò hẹn cùng nhau, qua năm ải sáu tướng bay đầu, xiết bao nỗi oai phong lẫm liệt! Đây là mấy câu khóc Quan Vũ, gã đang xúc động mạnh, hát không đúng điệu lắm. Năm người kia nhao nhao cả lên Ai đã giết ngũ đệ? Ai giết ngũ ca? Ngũ ca ơi! Kẻ nào là hung thủ? Một người lớn tiếng quát: Hôm nay thế nào cũng phải liều mạng với các ngươi!
Huyền Nạn cùng Đặng Bách Xuyên nhìn cảnh nhốn nháo này, đều nghĩ thầm: Trong đám này trừ thiếu phụ thì tên nào cũng có vẻ điên khùng, dường như là huynh đệ kết nghĩa với Tiết Thần Y. Đặng Bách Xuyên lên tiếng trình bày: Bọn ta có người bị thương, đến đây cầu Tiết Thần Y cứu chữa, nào ngờ… Thiếu phụ ngắt lời: Nào ngờ Tiết Thần Y không chịu chữa, các ngươi liền giết y đi, có phải thế không? Đặng Bách Xuyên nói: Không phải… chưa dứt lời thì thiếu phụ đã phất tay áo một cái. Đột nhiên y ngửi thấy một mùi thơm ngát xông vào mũi rồi đầu váng mắt hoa, chân đứng không vững. Thiếu phụ hô lên: Ngã này!
Đặng Bách Xuyên cả giận quát mắng: Đồ yêu phụ!, vừa nói vừa phóng chưởng ra đánh. Thứ hương Bách Ma Hoa Tiên của thiếu phụ dược lực rất mạnh, trước nay đối phương hít phải là ngã ra ngay. Thị thấy Đặng Bách Xuyên đã lảo đảo, không ngờ y công lực thâm hậu còn đủ sức đánh ra một chưởng, toan né tránh thì đã không kịp nữa. Một luồng kinh lực nghiêng non dốc biển xô đến khiến cho thị nghẹt thở, nghe tiếng răng rắc dường như đã gãy mấy cái xương sườn. Thị lập tức bất tỉnh, không tự chủ được, ngã lăn ra. Đặng Bách Xuyên cũng thấy choáng váng rồi ngã xuống.
Mỗi bên đều mất một người, số còn lại vẫn động thủ đánh nhau. Huyền Nạn nghĩ thầm: Trong vụ này còn có điều rắc rối. Chỉ còn cách bắt hết đối phương thì hai bên mới khỏi có người mất mạng. Nhà sư nghĩ vậy liền gọi đồ đệ phái Thiếu Lâm: Lấy thiền trượng cho ta!
Tuệ Kính vội lại bên cửa, cầm cây thiền trượng trao qua. Gã thư sinh sử phán quan bút nhảy xổ đến phóng bút đâm vào ngực Huyền Nạn, nhà sư bèn phóng tả chưởng đánh ra. Tay chưa đến mà chưởng lực đã tới trước, gã thư sinh té ngay xuống đất. Huyền Nạn cười lớn, bước sang bên hai bước, vung trượng đánh vào gã sử bàn cờ.
Gã này thấy thiền trượng chưa đến mà kình phong mãnh liệt đã chụp đến người mình, liền vận hết nội công, cả hai tay đưa bàn cờ lên đỡ. Một tiếng choảng vang lên, lửa tóe ra bốn mặt, gã thấy cánh tay tê nhức, hổ khẩu toạc ra. Huyền Nạn đại sư nhấc mạnh thiền trượng lên, lôi theo cả cái bàn cờ. Nguyên cái bàn cờ này có chất nam châm rất mạnh, trước nay vẫn được sử dụng để hút khí giới địch thủ, ai ngờ hôm nay gặp phải tay kình địch mạnh hơn nhiều, liền bị đoạt mất. Huyền Nạn vung cả thiền trượng lẫn bàn cờ lên, nhắm đầu gã kia chụp xuống. Gã vội kêu: Tại hạ không đỡ nổi đâu., vừa nói vừa chuồn nhanh về phía trước.
Huyền Nạn quát lên: Tên đồ gàn kia, nằm xuống đi thôi! Nhà sư nói xong, vung thiền trượng quét ngang cực kỳ mãnh liệt! Gã đồ gàn nói: Đức Phu Tử thành thánh nhân là vì hiểu được thời cơ, gió thổi cỏ phải lướt theo chiều. Nằm xuống thì nằm, có sao đâu? Câu nói chưa dứt, người gã đã phục xuống đất rồi. Sáu nhà sư Thiếu Lâm hàng chữ Tuệ liền nhảy xổ lên đè xuống bắt lại.
Thủ tòa Đạt Ma Viện chùa Thiếu Lâm quả nhiên võ công phi thường, vừa xuất thủ đã hạ luôn ba cao thủ đối phương, thế là toàn thắng. Gã sử búa đấu với Bao Bất Đồng và Phong Ba Ác, phải chống tả đỡ hữu cũng sắp bại trận đến nơi. Gã sử bàn cờ nói: Hỏng rồi! Lục đệ ơi, chúng ta dừng tay chịu thua thôi! Rồi gã quay sang hỏi Huyền Nạn: Đại hòa thượng! Tại hạ xin hỏi ngũ đệ đã phạm lỗi gì mà bị các vị giết chết? Sao các vị lại lấy lửa hiệu để lừa bọn tại hạ đến đây? Huyền Nạn đáp: Đâu có…
Chưa nói xong, bỗng nghe tiếng đàn tình tang từ đằng xa vọng lại. Hai tiếng đàn này nổi lên, mọi người đều thấy trái tim bị kích động nhảy theo hai cái. Huyền Nạn còn đang kinh ngạc thì hai tiếng đàn nữa lại vang lên, lần này đã gần hơn, trái tim mọi người đập loạn lên. Phong Ba Ác cảm thấy nhức đầu khó chịu, tay phải lỏng ra rồi thanh đơn đao rơi xuống đất đánh keng một tiếng. Nếu Bao Bất Đồng không vội vàng cho đỡ cho thì gã đã bị đối phương đập trúng bả vai rồi, Gã đồ gàn hô to: Đại ca! Đến mau lên! Không được rồi, sao cứ tà tà như thế, lại còn lo đàn địch. Khổng Tử đã dạy rằng: Lệnh vua đã gọi thì không được chậm trễ.
Tiếng đàn liên tiếp vang lên, một ông già tay áo rộng thùng thình từ từ bước trong rừng ra. Lão này trán cao hầu lộ, nét mặt tươi cười ra vẻ hòa nhã, cốt cách thanh kỳ, tay ôm cây đàn tranh.
Tên đồ gàn cùng cả bọn đồng thanh hô: Đại ca!. Lão quay về phía Huyền Nạn chắp tay thi lễ, hỏi: Đại hòa thượng đây chắc là một vị cao tăng chùa Thiếu Lâm, tiểu lão thật là thất lễ! Huyền Nạn chắp tay trước ngực đáp: Bần tăng là Huyền Nạn. Lão reo lên: Trời ơi! Đây là Huyền Nạn đại sư ư? Huyền Khổ đại sư là sư huynh hay sư đệ của đại sư? Tiểu lão cùng người đã có duyên hội ngộ mấy lần, thật là ý hợp tâm đầu. Lâu nay người vẫn mạnh khỏe chứ? Huyền Nạn buồn rầu nói: Huyền Khổ là sư huynh bần tăng, chẳng may gặp phải nghịch đồ ám toán nên đã viên tịch rồi.
Lão kia nghe tin, thộn mặt ra một lúc rồi đột nhiên nhảy vọt lên cao hơn một trường, lúc còn lơ lửng trên không đã cất tiếng khóc rống lên nghe rất bi ai. Huyền Nạn cùng bọn Công Dã Càn đều giật mình, không ngờ lão đã già mà lại khóc lóc thảm thiết hệt như trẻ nít. Người lão vừa chấm đất liền ngồi chệch xuống, nắm lấy râu mà giật mạnh, giậm chân xuống đất thình thịch như đánh trống. Lão khóc kể om sòm: Huyền Khổ lão huynh ơi! Sao lão huynh chẳng dặn dò tiểu đệ một câu nào đã bỏ đi ngay? Khúc Phạn Âm Phổ Tấu của tiểu đệ đã có biết bao nhiêu người nghe mà chẳng ai hiểu gì ráo, chỉ mình lão huynh biết trong khúc đó bao hàm ý tưởng nhà Phật, có thể khiến cho công lực tinh tiến thêm lên, lão huynh nghe đi nghe lại mà không biết chán. Cái ông Huyền Nạn đây chưa chắc đã có ngộ tính được như huynh, tiểu đệ e rằng tấu khúc này cho ông ta nghe thì chẳng khác gì đàn gảy tai trâu! Hỡi ơi! Trâu thì nghe đàn sao được, gảy làm gì cho uổng công? Vận số tiểu đệ sao mà xui xẻo đến nước này?
Ban đầu Huyền Nạn nghe khóc lóc cũng tưởng lão là người chí tình với Huyền Khổ, vì xót thương mà bật tiếng kêu gào, nhưng nghe một hồi mới rõ là không phải thế. Lão khóc đây là sợ trên đời không có tri âm, sau cùng lại bảo đánh đàn cho mình nghe chẳng khác gì đàn gảy tai trâu. Huyền Nạn là một bậc cao tăng đắc đạo, tuy nghe lão già khóc kể có ý coi thường mình, nhưng không tức giận, mà chỉ mỉm cười nghĩ thầm: Bọn này ai cũng dở điên dở dại, chẳng nên lý luận với họ làm gì. Nội lực lão này thâm hậu hơn người, song tính khí có lẽ còn gàn dở hơn mấy tên huynh đệ. Chẳng trách người ta thường nói ngưu tầm ngưu mã tầm mã.
Lão kia lại vừa khóc vừa nói: Huyền Khổ lão huynh ơi! Tiểu đệ đã khổ tâm sáng tác ra khúc nhạc Nhất Vi Ngâm tặng lão huynh để đáp ơn tri ngộ. Khúc nhạc này tuyên dương công đức Đạt Ma Lão Tổ đã thả bè lau qua sông lập nên chùa Thiếu Lâm, Sao sư huynh chẳng sống mà nghe? Đột nhiên lão quay lại nhìn Huyền Nạn hỏi: Huyền Khổ lão huynh an táng ở đâu? Đại sư dẫn tại hạ đến đó lẹ lên, càng lẹ càng tốt! Tại hạ sẽ gảy khúc đàn này cho y nghe, không chừng nghe xong có thể khích động tâm thần mà sống lại!
Huyền Nạn đáp: Thí chủ sao lại hồ đồ đến thế? Di thể của sư huynh bần tăng đã đem hỏa táng thành nắm tro tàn, làm gì có mộ phần?
Lão kia đứng thộn mặt ra một lúc rồi đột nhiên vừa nhảy vừa reo mừng, la lên: Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Đại sư đưa tại hạ đi lấy một nắm tro của Huyền Khổ lão huynh, tại hạ sẽ dùng keo dán vào đáy cây đàn. Từ đây trở đi, mỗi khi tại hạ tấu nhạc là y lại được nghe. Đại sư xem thế có tuyệt diệu không? Ha ha! Sáng kiến của tại hạ thật là tuyệt vời! Lão càng nói càng cao hứng, rồi vỗ tay cười rộ như người điên, đột nhiên trông thấy thiếu phụ xinh đẹp đang nằm dưới đất thì thất kinh hỏi: Ôi chao! Thất muội làm sao thế? Ai đã đả thương thất muội?
Huyền Nạn nói: Vụ này bên trong có chỗ hiểu lầm, may mà có lão thí chủ đến đây! Lão kia hỏi: Hiểu lầm cái gì? Ai hiểu lầm mà đánh thất muội bị thương vẫn là kẻ chẳng ra gì. Chao ôi! Bát đệ cũng bị thương ư? Kẻ đánh bát đệ bị thương tất không phải là người tốt. Ai là thủ phạm hãy báo danh đi, ta lấy lẽ công bằng phân xử thì không kêu ca vào đâu được nữa!
Tên kép hát lại gọi: Đại ca! Bọn chúng đã đánh chết ngũ ca rồi, đại ca mau mau ra tay báo thù. Lão cầm đàn biến sắc mặt, la lên: Chuyện này không hợp lý chút nào. Lão ngũ là Diêm Vương Địch, Diêm Vương còn chưa làm gì được, ai hại y nổi? Huyền Nạn đáp: Tiết Thần Y chỉ trá tử thôi. Trong quan tài chỉ có thuốc độc, không có thi thể. Lão cầm đàn và cả bọn cả mừng nhao nhao hỏi lại: Sao lão ngũ lại giả chết? Thi thể hiện để ở đâu? Lão ngũ không chết thì sao lại có thi thể?
Đột nhiên từ xa có tiếng gọi nho nhỏ vọng đến: Tiết Mộ Hoa! Tiết Mộ Hoa! Sư thúc ngươi đã đến rồi, mau ra đây nghênh tiếp. Thanh âm này như có như không, khoảng cách rất xa mà lại nghe rất rõ, dĩ nhiên phải do người có nội công cực kỳ thâm hậu phát ra.
Tên kép hát, gã đồ gàn, người thợ mộc đồng thanh la lên một tiếng đầy vẻ kinh hãi. Lão cầm đàn cũng hô lớn: Đại họa! Đại họa! Lão hốt hoảng nhìn tả nhìn hữu, vẻ mặt cực kỳ sợ hãi, giục luôn miệng: Phải trốn mau kẻo không kịp! Toàn thể quý vị vào nhà đi! Lẹ lên! Lẹ lên!
Bao Bất Đồng vốn ưa tranh luận, thấy lão già sợ run cả giọng, liền lớn tiếng hỏi: Cái gì mà đại họa? Trời sập hay sao? Lão già vẫn hối hả giục: Lẹ lên! Lẹ lên! Vào nhà đi! Bao Bất Đồng nói: Lão tiên sinh cứ tùy tiện. Bao Bất Đồng này không vào đâu.
Đột nhiên lão già vươn tay ra nắm trúng huyệt đạo trước ngực Bao Bất Đồng. Lão xuất thủ mau lẹ vô cùng, Bao Bất Đồng lại không đề phòng nên bị kiềm chế ngay. Lão nhấc Bao Bất Đồng bổng cả hai chân lên khỏi mặt đất, cứ thế chạy qua cổng lớn vào nhà.
Huyền Nạn cùng Công Dã Càn đều kinh ngạc toan lên tiếng hỏi, thì gã đứng tuổi cầm bàn cờ khẽ nói: Đại sư phụ cùng mọi người vào nhà lẹ lên, trong chớp mắt lão đại ma đầu cực kỳ lợi hại sẽ đến đây. Huyền Nạn tiếng tăm lừng lẫy giang hồ, trong võ lâm ít có đối thủ, chẳng sợ gì đại ma đầu với tiểu ma đầu, liền hỏi lại: Đại ma đầu nào vậy? Kiều Phong phải không? Gã này lắc đầu đáp: Không phải! Không phải! Lão này còn lợi hại gấp mấy Kiều Phong, chính là Tinh Tú Lão Quái! Huyền Nạn đáp: Tưởng ai chứ Tinh Tú Lão Quái thì tốt quá, lão tăng đang muốn tìm y đây! Gã nói: Võ công của đại sư cao cường dĩ nhiên chẳng sợ gì y, nhưng mấy người ở đây chắc sẽ bị y ám toán chết hết, chỉ một mình đại sư là sống được. Như vậy mới thật từ bi!
Gã nói mấy câu châm chọc này quả nhiên có công hiệu, Huyền Nạn nghe liền nghĩ bụng: Nói có lý lắm!, liền gật đầu: Được rồi! Vậy thì chúng ta vào nhà thôi.
Lúc này lão cầm đàn đã xách Bao Bất Đồng bỏ vào trong nhà, lại chạy ra giục luôn miệng: Lẹ lên! Lẹ lên! Còn đợi gì nữa? Lão đưa mắt nhìn thấy Phong Ba Ác có vẻ bướng bỉnh nhất, liền xoay tay trái quét ngang cổ gã.
Lúc này khi hàn độc trong người Phong Ba Ác lại bắt đầu phát tác, càng khó chống trả. Gã trông thấy tay lão quét tới, vội vàng cúi đầu xuống né tránh, không ngờ bàn tay đột nhiên vòng về bên hữu rồi chụp xuống nắm được gáy mình. Lão xách Phong Ba Ác như xách con gà chạy như bay vào nhà, miệng không ngớt giục: Lẹ lên! Vào nhà đi!. Công Dã Càn thấy lão này tuy không có ác ý mà chỉ một chiêu đã kiềm chế được hai người huynh đệ của mình, liền kinh hãi la lên toan động thủ, nhưng thân pháp lão già như mây như khói, nháy mắt đã bay tuốt vào nhà. Lúc đó tên thư sinh thì ôm gã kép hát, người thợ mộc thì ôm thiếu phụ xinh đẹp, tất cả chạy hết vào trong.
Huyền Nạn cũng cho rằng mọi việc đều rất kỳ dị, chưa thấy chút manh mối nào. Đại sư không dám manh động làm rối thêm, liền bảo Công Dã Càn: Công Dã thí chủ! Chúng ta hãy vào nhà rồi sẽ bàn định kế hoạch.
Hư Trúc cùng Tuệ Phương khiêng thi thể Huyền Thống, Công Dã Càn thì ẵm Đặng Bách Xuyên chạy lẹ vào nhà.
Lão cầm đàn lại chạy ra lần nữa để thúc giục, thấy mọi người đã chạy vào hết rồi liền đóng sập cửa lại, toan đóng cổng cài then. Gã sử bàn cờ nói: Đại ca! Ta cứ để ngỏ cổng hay hơn. Bên địch chưa rõ thực hư, có khi không dám ngang nhiên sấn vào. Lão kia đáp: Cũng được, ta nghe lời ngươi, giọng nói không có vẻ tự tin chút nào.
Huyền Nạn cùng Công Dã Càn nhìn nhau, đều tự hỏi: Lão này võ công cao cường mà sao lâm sự lại hoang mang như vậy, chẳng bình tĩnh để xét đoán. Cái cửa mỏng manh này không ngăn được cả bọn đạo tặc tầm thường, đối với lão ma đầu như Tinh Tú Lão Quái, thì đóng cửa có ăn thua gì? Chắc là lão giống như kinh cung chi tiểu, được tin Tinh Tú Lão Quái đến gần là hồn vía bay mất hết.
Bỗng nghe lão gảy đàn giục luôn miệng: Lục đệ! Lục đệ tính sao đây?
Huyền Nạn tuy là một vị cao tăng đắc đạo cực kỳ trầm tĩnh, nhưng thấy lão kinh hãi quá cũng không khỏi bực mình, bèn lên tiếng: Lão thí chủ! Người ta thường nói, nước chảy thì đất lấp, quân đến thì tướng ngăn. Tinh Tú Lão Quái có lợi hại đến đâu, tất cả chúng ta hợp sức lại vị tất đã thua hắn. Sao lão thí chủ lại hoang mang mà… lo xa đến thế?
Lúc này trên khách sảnh đã thắp đèn. Huyền Nạn đưa mắt nhìn thì chẳng những lão gảy đàn sợ sệt mà cả đến gã sử bàn cờ, gã đồ gàn, gã cầm phán quan bút cũng run lên bần bật. Huyền Nạn đã mục kích bọn này động thủ, biết bản lĩnh họ không phải tầm thường, mà lại dở điên dở dại, bất luận việc gì cũng có thể cho là trò tiêu khiển. Thế mà lúc này cả bọn hoang mang lo lắng, chẳng khác những người vô dụng tầm thường.
Bỗng nhiên gã thợ mộc gật gật đầu, lấy trong bọc ra một cái thước. Mọi người để ý xem gã làm gì, thì thấy gã đo bốn góc đại sảnh. Gã tung người nhảy lên đo cả xà nhà, rồi lại lắc đầu nhảy xuống. Gã chạy vào nhà trong đến trước cỗ quan tài giả của Tiết Thần Y, đưa mắt nhìn mấy lần rồi nói: Đáng tiếc! Thực là đáng tiếc! Lão gảy đàn hỏi: Không… không dùng được ư? Gã sử búa đáp: Không được rồi, nhất định sư thúc sẽ nhận ra. Lão gảy đàn tức mình nói: Ngươi… ngươi còn gọi y là sư thúc ư? Gã sử búa lắc đầu rồi không nói gì nữa, lại đi ra phía sau nhà.
Công Dã Càn lẩm bẩm: Thằng cha này lắc đầu mãi, hình như không biết làm gì nữa.
Gã sử búa lại đo góc tường phía sau, rồi vừa đi vừa đếm bước chân, tựa hồ đang tính toán để xây nhà cửa phòng ốc. Gã cầm cây nến ra sân sau, ngưng thần suy nghĩ rồi đi vào dãy hành lang có đặt năm cái cối đá, trầm ngâm một lúc đặt cây nến xuống đất, đến cái cối thứ hai bên trái. Gã lấy một ít trấu và mấy nắm đất bỏ vào trong cối đá, cầm cái chày đá lớn ở bên cạnh mà giã nghe thình thịch. Cái chày đá này rất nặng, mỗi lần giáng xuống sức mạnh vô cùng.
Công Dã Càn khẽ thở dài một tiếng, nghĩ thầm: Chuyến này mình thật xúi quẩy, gặp phải bọn điên rồ. Lúc này chúng còn đi giã gạo được mới kỳ. Nếu quả trong cối có gạo thì chẳng nói làm chi nhưng mình thấy rõ ràng họ bỏ trấu cùng đất vào cối giã chơi! Hỡi ơi! Bao Bất Đồng cùng Phong Ba Ác đang lúc hàn độc trong người dịu xuống, cũng chạy ra vườn sau.
Những tiếng chày giã bình bịch vang lên không ngớt. Bao Bất Đồng nói: Lão huynh đang giã gạo để nấu cơm ăn phải không? Lúc này đâu có gạo để giã? Ta xem chừng trước tiên chúng ta phải đi cày bừa rồi xuống giống, đợi nảy mầm ra mạ rồi mới nhổ đi cấy… Gã đang hứng chí thao thao bất tuyệt thì đột nhiên cách chừng bảy tám trượng về hướng đông nam bỗng có tiếng lách cách khe khẽ nhưng nghe rất rõ. Bọn Huyền Nạn và Công Dã Càn đưa mắt nhìn, chỉ thấy chỗ đó có trồng bốn cây quế.
Bình bình, gã sử búa giã thêm hai chày nữa. Thật là kỳ lạ, cây quế thứ nhì ở mé đông bỗng lung lay cành lá, hình như bắt đầu nhích ra ngoài. Một lúc nữa mọi người đều nhìn rõ, thì ra cứ mỗi chày nên xuống cối thì cây quế lại xê dịch một tấc hay nửa tấc. Lão cầm đàn cất tiếng hoan hô rồi chạy về phía cây quế, khẽ nói: Đúng rồi! Đúng rồi!. Mọi người cũng đi theo, thì thấy chỗ cây quế dời đi, lộ ra một phiến đá lớn. Trên phiến đá này có một cái vòng sắt để cầm.
Công Dã Càn vừa kinh ngạc vừa thán phục, tự thấy xấu hổ. Y nói: Cơ quan ở dưới đất này được an bài tuyệt diệu khó mà lường được. Thế mà vị huynh đài này chỉ trong khoảnh khắc đã phát giác ra, quả là thông minh tài trí chẳng kém gì người đã bố trí ra cơ quan này. Bao Bất Đồng cãi: Sai bét, sai bét! Sao nhị ca biết không phải là y đã bố trí cơ quan? Công Dã Càn cười đáp: Ta nói tài trí của y không kém người bố trí, nếu chính là y bố trí thì tài trí của y không kém chính y, có gì là sai đâu? Bao Bất Đồng đáp: Sai bét, sai bét! Không kém tức là có hơn, tài trí của y sao lại hơn cả chính y được?
Gã sử búa giã thêm mười mấy chày nữa thì cả phiến đá hoàn toàn lộ ra. Lão gảy đàn nắm lấy vòng sắt kéo mạnh lên, nhưng không nhúc nhích được tí nào. Lão toan vận hết nội lực để kéo nữa, bỗng gã sử búa la lên: Đại ca! Dừng tay! Gã tung người nhảy đến cạnh một chiếc cối đá khác, vạch quần ra tiểu tiện vào trong, miệng hô lớn: Các vị mau lại đi tiểu vào đây! Lão gảy đàn kinh ngạc, vội bỏ ngay vòng sắt ra chạy đến. Trong chớp mắt, gã sử bàn cờ, gã đồ gàn, gã sử phán quan bút cũng theo gương lão gảy đàn cùng gã sử búa tiểu tiện vào trong cối đá.
Nếu ở vào hoàn cảnh khác mà bọn Công Dã Càn thấy năm người này hành động như lũ điên rồ, thì tất nhiên không thể nhịn cười được, nhưng trong khoảnh khắc, mọi người đều ngửi thấy mùi thuốc súng xông lên. Gã sử búa mừng rỡ nói: Hay lắm! Không có gì nguy hiểm nữa! Lão gảy đàn tiểu tiện dai hơn cả, mãi vẫn chưa hết nước, miệng vẫn nói lảm nhảm: Suýt chết! Thế là phá xong một cơ quan. Lục đệ! Nếu lục đệ tính chậm một chút thì hết thảy chúng ta đều bị nổ nát ra như cám.
Bọn Công Dã Càn cũng sợ đến run người. Vừa ngửi thấy mùi thuốc súng khét lẹt, ai cũng hiểu rằng vừa thoát khỏi đại nạn. Hiển nhiên dưới vòng sắt đã bố trí các thứ hỏa đao, hỏa thạch, ngòi nổ cùng thuốc nổ. Ban nãy ngòi đã cháy lên, chỉ chốc lát là thuốc súng sẽ nổ tung. May mà gã sử búa nhanh trí huy động mọi người đi tiểu làm ướt ngòi nổ nên mới thoát khỏi tai kiếp.
Lại thấy gã sử búa đi tới cái cối đá đầu tiên ở bên phải, vận nội lực xoay cái cối sang phải ba vòng. Gã ngẩng mặt nhìn trời, miệng lẩm bẩm tính toán một lúc, rồi xoay chầm chậm cái cối sang trái nửa vòng, bỗng nghe thấy những tiếng lách cách, một tảng đá lớn trụt xuống để lộ ra một cửa động. Lần này lão gảy đàn không dám hấp tấp, nhìn gã sử búa vẫy tay ra hiệu dẫn đường. Gã sử búa quì xuống đất, để ý quan sát cái cối đá ở bên trái.
Đột nhiên trong lòng đất vọng lên tiếng người thóa mạ: Con mẹ đồ cẩu tặc Tinh Tú Lão Quái! Mi thật là lợi hại mới tìm thấy ta. Mi độc ác đã quen, tất nhiên sẽ có ngày chịu quả báo. Vào đây! Vào đây giết ta đi!
Huyền Nạn nghe rõ thanh âm Tiết Thần Y thì mừng thầm trong bụng. Bỗng nghe lão gảy đàn gọi: Ngũ đệ! Chúng ta đến cả rồi! Thanh âm trong lòng đất ngưng một lát, rồi hỏi lại: Có thật đại ca đó chăng? Lão gảy đàn đáp: Nếu không có lục đệ thì không tài nào mở được cơ quan này.
Bỗng nghe vèo một tiếng, một người nhảy vọt từ trong thạch động ra, chính là Diêm Vương Địch Tiết Thần Y.
Tiết Thần Y không ngờ ngoài lão gảy đàn cùng mấy huynh đệ kết nghĩa lại còn vô số người ngoài, không khỏi giật mình. Lão nhìn Huyền Nạn hỏi: Đại sư! Đại sư đã đến đấy ư? Mấy vị này là bằng hữu cả đấy chứ?
Huyền Nạn ngần ngừ một lát rồi đáp: Phải rồi, là bằng hữu cả. Thật ra chùa Thiếu Lâm vốn nhận định rằng Huyền Bi đại sư chết về tay họ Mộ Dung ở Cô Tô, vậy thì nhà Mộ Dung đều là cừu địch. Nhưng lần này nhà sư đi với bọn Đặng Bách Xuyên đến đây để xin chữa thuốc, dọc đường Đặng Bách Xuyên và Công Dã Càn đã hết sức trần tình rằng Huyền Bi đại sư quyết không phải bị Mộ Dung công tử hạ sát, Huyền Nạn đại sư đã tin đến sáu bảy phần. Hơn nữa, chuyến này bọn họ cùng gặp tai nạn với mình, là bạn cùng hội cùng thuyền, nên nhà sư nhìn nhận bọn Đặng Bách Xuyên cũng là bằng hữu. Công Dã Càn nghe Huyền Nạn nói vậy thì không nói gì, chỉ nhìn nhà sư gật đầu tỏ ý đồng tình.
Tiết Thần Y nói: Các vị đều là bằng hữu thì tốt rồi, xuống đây cả đi. Mời Huyền Nạn đại sư đi trước! Tuy nói vậy nhưng y tiến vào trong hầm trước tiên. Nên biết rằng đường hầm tối mò này có vẻ nguy hiểm, người trên chốn giang hồ lại xảo trá khôn lường, chẳng ai tin được ai, chủ nhân tự vào trước mới đúng phép lịch sự.
Tiết Thần Y vào rồi, Huyền Nạn không ngần ngại gì xuống theo, rồi mọi người cũng lục tục theo sau, cả thi hài Huyền Thống đại sư cũng được khiêng xuống hầm. Tiết Thần Y bấm nút cơ quan, phiến đá đóng lại. Y còn chuyển động cơ quan cho mấy cây quế đã dời ra chỗ khác lại chuyển về chỗ cũ ngay trên phiến đá.
Bên trong là một đường hầm mới đào, mọi người phải cúi lom khom mới khỏi đụng đầu. Một lát sau, đường hầm cao lên dần dần rồi tới địa đạo thiên nhiên, chừng hai mươi trượng nữa thì đến một thạch động rộng rãi. Trong góc thạch động đã có hơn hai mươi người ngồi bên ánh lửa, đủ cả nam phụ lão ấu. Những người này nghe tiếng bước chân đều ngoảnh mặt nhìn ra.
Tiết Thần Y giới thiệu: Đây là gia quyến tại hạ, trong lúc nguy hiểm không ai dám ra ngoài bái kiến. Đại ca! Nhị ca! Các vị đến có việc chi? Y vẫn giữ bản sắc đại phu, không chờ lão gảy đàn đáp lời, đã lại xem thương thế mọi người. Đầu tiên Tiết Thần Y coi Huyền Thống đại sư rồi nói: Vị đại sư này giác ngộ mà viên tịch, thật là một việc đáng cung hỉ! Y xem tới Đặng Bách Xuyên bèn mỉm cười: Y hít phải phấn hương của Thất muội tại hạ nên say té lăn ra, nhưng chỉ chốc lát là tỉnh lại chứ không có chất độc gì cả. Thiếu phụ xinh đẹp cùng gã kép hát đều bị ngoại thương trầm trọng, nhưng Tiết Thần Y xem xong cũng cho là tầm thường. Y tới bắt mạch Bao Bất Đồng cùng Phong Ba Ác, nhắm mắt lại trầm ngâm suy nghĩ.
Một lúc sau Tiết Thần Y lắc đầu mà nói: Kỳ lạ thật! Ai đã đả thương hai vị huynh đệ này? Công Dã Càn đáp: Đó là một thiếu niên hình dung rất cổ quái. Tiết Thần Y lại lắc đầu nói: Thiếu niên ư? Võ Công người này kiêm cả sở trường của hai phái chính tà, nội lực lại càng thâm hậu, rèn luyện ba mươi năm chưa chắc đã được thế. Sao lại là thiếu niên được? Huyền Nạn nói: Đúng là một thiếu niên, nhưng gã này cực kỳ lợi hại. Huyền Thống sư đệ của lão nạp chỉ đối một chưởng với gã là bại ngay, lại bị hàn độc hành hạ cực kỳ khổ sở. Gã chính là đồ đệ của Tinh Tú Lão Quái.
Tiết Thần Y kinh ngạc nói: Đồ đệ của Tinh Tú Lão Quái lợi hại đến thế sao? Lão lắc đầu nói tiếp: Thật là xấu hổ. Tại hạ thật không biết làm sao chữa trị hàn độc cho hai vị huynh đài này. Hai chữ Thần Y từ nay về sau không dám nhận nữa.
Bỗng một giọng nói vang lên, dội như tiếng chuông: Tiết tiên sinh! Nếu vậy thì chúng tôi xin cáo từ thôi! Người nói chính là Đặng Bách Xuyên. Y bị trúng phấn hoa, chỉ mê man một lúc, bây giờ đã tỉnh lại, vừa kịp nghe câu nói sau của Tiết Thần Y. Bao Bất Đồng tiếp lời: Phải rồi! Chui rúc ở dưới hầm làm quái gì nữa? Đại trượng phu phải coi sinh tử là hữu mạng, sao lại bắt chước loài rùa loài chuột mà nấp trong hang trong hốc?
Tiết Thần Y cười nhạt nói: Thí chủ nói chuyện lớn lối quá. Có biết ai đang ở trên kia không? Phong Ba Ác đáp thay: Các vị sợ Tinh Tú Lão Quái, chứ tại hạ không sợ lão đâu. Bản lĩnh cao cường như các vị thật là uổng, mới nghe cái tên Tinh Tú Lão Quái đã bay mất cả hồn vía! Lão cầm đàn nói: Ngươi đánh còn chưa thắng nổi ta. Tinh Tú Lão Quái là sư thúc ta đó, ngươi nói thử xem lão có lợi hại hay không?
Huyền Nạn không muốn hai bên cãi nhau làm mất hòa khí, bèn chuyển đề tài, hỏi: Hôm nay lão nạp được mắt thấy tai nghe nhiều điều chưa hiểu, rất muốn thỉnh giáo.
Tiết Thần Y nói: Bọn huynh đệ chúng tôi có tám người, gọi đùa là Hàm Cốc Bát Hữu. Y trỏ lão gẩy đàn nói tiếp: Vị này là đại sư huynh, tại hạ đứng hàng thứ năm nên gọi là lão Ngũ. Còn những điều khác thì câu chuyện quá dài, lại không tiện nói với người ngoài. Mong các vị…
Y đang nói dở câu, bỗng nhiên có thanh âm rất nhỏ vẳng vào: Tiết Mộ Hoa! Sao ngươi không ra yết kiến ta?
Tiếng nói rất nhỏ, thấp thoáng như có như không, nhưng người trong động đều nghe rõ mồn một. Thanh âm này tưởng chừng như một sợi chỉ nhỏ li ti xỏ qua lớp đất dày mười trượng, hoặc luồn theo đường hầm quanh co mà chui vào tai mọi người.
Lão gảy đàn la lên một tiếng: Ôi chao! rồi nhảy chồm chồm lên nói: Đúng là Tinh Tú Lão Quái rồi. Phong Ba Ác cũng đứng phắt dậy lớn tiếng nói: Đại ca! Nhị ca! Tam ca! Chúng ta quyết một trận tử chiến với hắn đi! Lão gảy đàn vội can: Không được! Không được! Ngươi mà xông ra thì toi mạng một tên thất phu cũng chẳng có chi đáng kể, nhưng làm tiết lộ bí mật thạch thất này thì mấy chục người ở đây cũng bị chết lây hay sao? Bao Bất Đồng cãi lại: Ngươi đúng là con rùa rút đầu rút cổ. Thanh âm của hắn đã lọt vào được, lẽ nào hắn không biết chỗ này hay sao? Thế nào hắn cũng tìm tới nơi, muốn trốn cũng không được đâu! Lão gảy đàn nói: Y có tìm ra thì sau ba khắc hay một giờ chưa chắc đã vào được, Mình lợi dụng thời gian để bày kế hoạch thì hơn.
Gã sử búa im lặng nãy giờ, bây giờ mới lên tiếng: Tuy sư thúc bản lĩnh cao cường, nhưng muốn khám phá cơ quan dưới hầm này ít ra cũng mất hai giờ, lại phải tìm phương pháp tối ưu mất thêm hai giờ nữa. Lão gảy đàn hỏi: Theo hiền đệ thì chúng ta còn được bốn giờ nữa phải không? Gã sử búa đáp: Còn được bốn giờ rưỡi. Lão gảy đàn lại hỏi: Nửa giờ ở đâu ra? Gã sử búa đáp: Trong vòng bốn giờ, chúng ta bố trí được thêm ba cơ quan, ngăn trở đối phương được nửa giờ nữa.
Lão gảy đàn nói: Tốt lắm! Huyền Nạn đại sư! Khi lão đại ma đầu tới đây, bọn huynh đệ tại hạ khó lòng thoát khỏi độc thủ, còn các vị là người ngoài thì không lo lắm, vì lão chỉ chuyên tâm đối phó với bọn tại hạ thôi. Các vị có rất nhiều hy vọng trốn được, nên nhớ là đừng có bày đặt anh hùng hảo hán đánh nhau với lão. Ai đã gặp phải Tinh Tú Lão Quái mà toàn mạng trốn thoát, là anh hùng hảo hán lắm rồi!
Bao Bất Đồng tự nhiên la lên: Thối quá! Thối quá! Mọi người đều hít mạnh mà chẳng thấy hôi thối gì, đều lộ vẻ nghi ngờ, nhìn Bao Bất Đồng chòng chọc. Bao Bất Đồng trỏ lão gảy đàn nói: Lão này rắm thối quá, không ngửi được. Y nghe lão gảy đàn nói, trong lòng rất tức tối. Bản tính y quật cường không biết sợ trời sợ đất là gì, nhưng cũng biết bản lĩnh lão này giỏi hơn nhiều, đánh không lại. Bây giờ y vớ được cơ hội liền chửi đổng.
Gã sử bàn cờ liếc xéo Bao Bất Đồng nói: Ngươi không thoát khỏi bàn tay đại sư huynh ta, còn nói gì đến chuyện đối phó với sư thúc ta? Bản lĩnh lão còn gấp mười đại sư huynh ta. Vậy thì ai rắm thối? Bao Bất Đồng đáp ngay: Sai bét, sai bét: Võ công cao thấp không có liên hệ gì đến rằm thối hay không. Người có võ công cao cường chẳng lẽ lại không đánh rắm? Người không đánh rắm thì đã chắc đâu có võ công cao cường? Khổng Phu Tử không biết võ công, chẳng lẽ lão nhân gia cả đời không đánh rắm hay sao?
Đặng Bách Xuyên nghĩ thầm: Người này nói rất có lý, mà Bao tam đệ cứ cãi bướng hoài làm mất thời giờ quý báu. Y liền xen vào: Bọn tại hạ chưa được nghe qua lai lịch các vị nên vừa rồi có sự hiểu lầm, làm bị thương nương tử đây, tại hạ rất áy náy. Bây giờ chúng ta như người một nhà, lát nữa cường địch vào đây thì bọn thủ hạ Cô Tô Mộ Dung chúng tôi quyết không chịu trốn tránh. Nếu cường địch ghê gớm quá thì mình cùng chết với nhau là xong.
Huyền Nạn gọi: Tuệ Kính, Hư Trúc! Nếu có cơ hội thì các ngươi phải ráng mà trốn thoát chạy về chùa Thiếu Lâm báo cho phương trượng sư bá, đừng để cho loài yêu quái giết sạch, không có người đưa tin về chùa. Sáu nhà sư chắp tay bẩm: Bọn tiểu điệt xin tuân pháp chỉ của sư bá. Tiết Mộ Hoa cùng bọn Đặng Bách Xuyên nghe Huyền Nạn nói đều biết nhà sư đã quyết liều chết chống lại Tinh Tú lão ma, còn có chống nổi hay không thì trong lòng không tin tưởng chút nào.
Lão gảy đàn ngẩn ngơ một hồi đột nhiên vỗ tay cười nói: Mọi người đều muốn chết thì ta còn thương tâm gì nữa? Hỡi ôi! Người ta thường bảo Khang Quảng Lăng là gàn dở. Trước nay ta vẫn bực tức, nhưng bây giờ mới thấy mình gàn dở thật. Bao Bất Đồng nói: Ngươi đúng là đồ gàn dở, đồ điên khùng, đồ ngu xuẩn! Lão gảy đàn tức Khang Quảng Lăng cả giận nói: Ta gàn cũng chưa bằng ngươi. Bao Bất Đồng cãi: Ngươi gàn gấp mười ta. Khang Quảng Lăng quắc mắt lên nói: Ngươi gàn gấp vạn ta. Bao Bất Đồng không chịu thua, cũng lớn tiếng: Ngươi gàn gấp mười vạn lần, trăm vạn lần, ngàn vạn lần, vạn vạn lần ta!
Tiết Mộ Hoa nói: Hai vị đừng cãi nhau một cách vô vị nữa. Các vị sư huynh về chùa Thiếu Lâm, giả tỉ phương trượng đại sư có hỏi đến tiền nhân hậu quả thì e rằng không biết trả lời. Việc này là một chuyện xấu xa trong môn phái bọn tại hạ, lẽ ra không nên nói với người ngoài. Nhưng việc trừ diệt đại họa cho võ lâm mà không được các cao tăng chùa Thiếu Lâm chủ trương đại cuộc thì khó bề thành công được. Tại hạ xin nói rõ là rất mong hai vị bẩm vụ này riêng với một mình phương trượng quý tự, đừng tiết lộ cho người khác biết.
Tuệ Kính, Hư Trúc đồng thanh nói: Những lời Tiết Thần Y đã dặn, bọn tiểu tăng nhất định vâng theo, khi về chùa chỉ bẩm cáo với phương trượng, quyết không nói lộ nửa câu với người khác.
Tiết Mộ Hoa quay sang Khang Quảng Lăng hỏi: Đại sư huynh! Tiểu đệ xin được phép nói rõ nguyên ủy bên trong mọi chuyện.
Trong đám sư huynh đệ này thì Khang Quảng Lăng là đại sư huynh, võ công cũng vượt xa bọn sư đệ. Nhưng lão là người đầu óc thô sơ, Tiết Mộ Hoa hỏi lão một câu chẳng qua không muốn lão bẽ mặt trước người ngoài mà thôi. Khang Quảng Lăng đáp: Kỳ lạ chưa! Miệng ngươi dính vào đầu ngươi, ngươi muốn nói gì thì nói chứ hỏi ta làm gì?
Tiết Mộ Hoa nói: Huyền Nạn đại sư, Đặng lão huynh! Vị ân sư dạy dỗ bọn tại hạ được bằng hữu giang hồ gọi là Thông Biện tiên sinh!…
Huyền Nạn cùng Đặng Bách Xuyên sửng sốt, đồng thanh hỏi: Sao? Nguyên Thông Biện tiên sinh tức là Lung Ác lão nhân (ông già câm điếc), đồ đệ trong môn phái đều bị lão chọc thủng màng nhĩ cho điếc, cắt đầu lưỡi cho câm. Trên chốn giang hồ ai cũng biết rõ, đệ tử lão không có một người nào là không câm điếc. Thế mà bọn Khang Quảng Lăng đều mắt tinh tai thính, nói năng hoạt bát hơn cả người thường, nên mọi người rất lấy làm kỳ!
Tiết Mộ Hoa nói: Các đệ tử câm điếc dưới trướng gia sư chỉ mới nhập môn trong ba mươi năm nay thôi, còn trước kia gia sư không điếc mà cũng không câm. Chỉ vì gia sư bị sư đệ người là Tinh Tú lão quái Đinh Xuân Thu khiêu khích mà biến thành câm điếc. Bọn Huyền Nạn cùng A lên một tiếng. Tiết Mộ Hoa kể tiếp: Tổ sư tại hạ vốn thu nạp hai đồ đệ: Đại đệ tử họ Tô tên gọi Tinh Hà, chính là gia sư. Nhị đệ tử là Đinh Xuân Thu. Ban đầu võ công cả hai suýt soát nhau, nhưng về sau thì có kẻ hơn người kém.
Bao Bất Đồng xen vào: Ha hà! Nhất định lão sư thúc Đinh Xuân Thu của tiên sinh có bản lĩnh giỏi hơn sư phụ tiên sinh rồi, khỏi nói cũng biết. Tiết Mộ Hoa đáp: Nói đúng ra thì không phải vậy. Chỉ vì sở học của tổ sư tại hạ thật là bao la bát ngát, bao trùm cả trời đất đến nhân gian… Bao Bất Đồng lại cắt lời: Không thấy thì làm sao mà tin được? Tiết Mộ Hoa biết tính Bao Bất Đồng vốn hay bắt bẻ nên lão không dại gì cãi lý với y, cứ việc kể tiếp: Ban đầu sư phụ tại hạ cùng Đinh Xuân Thu đều học chuyên về võ công. Nhưng về sau sư phụ tại hạ phân tâm học thêm ngón đàn của tổ sư nữa.
Bao Bất Đồng nhìn Khang Quảng Lăng nói: Ha ha! Té ra tiếng đàn của Khang tiên sinh học được ở quỷ môn tà đạo.
Tiết Mộ Hoa nói: Giả tỉ sư phụ tại hạ chỉ học thêm âm nhạc thì cũng không đáng ngại lắm. Nhưng tổ sư tại hạ tinh thông đủ thứ cầm kỳ thi họa, y bốc tướng số cùng mọi nghề tạp nhạp, chẳng môn gì không biết, chẳng nghề nào không tinh. Sư phụ tại hạ học đánh đàn chẳng bao lâu lại học thêm đánh cờ, rồi chuyển qua học thư pháp cùng hội họa. Các vị thử nghĩ xem, môn nào mà chẳng hao phí tâm lực cùng thời gian? Đinh Xuân Thu cũng giả vờ học các ngoại môn, nhưng chỉ mười ngày nửa tháng rồi thoái thác là ngu độn không học nổi, chỉ chuyên tâm về võ học mà thôi. Cứ thế tám năm, mười năm, rốt cuộc thời gian càng lâu thì võ công hai vị sư huynh sư đệ càng sai biệt.
Huyền Nạn đại sư gật đầu nói: Chỉ môn đánh đàn cùng chơi cờ cũng đã hao tổn đến nửa phần tinh lực của con người, thế mà Thông Biện tiên sinh kiêm thông được bấy nhiêu thứ thì quả là hiếm có. Còn Đinh Xuân Thu nhất tâm chuyên học võ thì bản lĩnh giỏi hơn sư huynh cũng chẳng có chi là lạ.
Khang Quảng Lăng nói: Lão ngũ! Còn có một chuyện quan trọng, sao không kể nốt đi? Tiết Mộ Hoa kể tiếp: Đinh Xuân Thu chỉ chuyên học võ thì cũng là chuyện tốt, nhưng… Hỡi ôi! Chuyện này thật là vạch áo cho người xem lưng, chẳng tốt đẹp gì cho sư môn. Đại khái là Đinh Xuân Thu còn lén học những thủ đoạn đê hèn của mấy môn phái tà đạo bỉ ổi, rồi đột nhiên quay về đánh tổ sư tại hạ đến trọng thương. Lão cố ý sát hại, song tổ sư tại hạ là một bậc kỳ nhân, dù không kịp đề phòng nên ở thế hạ phong nhưng Đinh Xuân Thu muốn hạ sát cũng không phải dễ. Tổ sư bị trọng thương, phải vất vả lắm mới chống đỡ được, may mà sư phụ tại hạ đến kịp thời, nhưng bản lĩnh cũng không bằng lão. Ác chiến hồi lâu sư phụ tại hạ cũng bị thương, còn tổ sư lăn xuống vực thẳm không hiểu sống chết thế nào. Tiết Mộ Hoa ngừng một lát nén xúc động, lại nói: Sư phụ tại hạ chểnh mảng võ công vì ham học nhiều môn, nhưng kể ra học rộng cũng không hoàn toàn vô dụng. Gặp lúc nguy nan, lão nhân gia trổ thuật ngũ hành bát quái cùng kỳ môn độn giáp, bày cát đá làm loạn tai mắt Đinh Xuân Thu rồi trốn thoát được.
Tiết Mộ Hoa ngẫm nghĩ một lát rồi tiếp: Về sau Đinh Xuân Thu bảo sư phụ tại hạ, nếu không mở miệng nói với ai thì lão sẽ không tìm đến nữa. Hồi đó dưới trướng gia sư có tám người bọn tại hạ là đệ tử chưa thành tài, lão nhân gia bèn viết giấy đuổi chúng tôi ra khỏi môn phái, từ đó giả vờ câm điếc không nghe không nói gì nữa. Về sau hễ gia sư thu nạp đệ tử đều chọc tai cắt lưỡi hết, lập ra một môn phái riêng là Lung Á Môn. Chắc lão nhân gia hối hận đã phân tâm đi học những môn tạp nhạp, đến nỗi võ công không bằng Đinh Xuân Thu. Sau khi câm điếc, dĩ nhiên những môn tạp học đều bỏ hết.
Tiết Mộ Hoa thở dài rồi kể tiếp: Bọn sư huynh đệ tại hạ tám người, khi còn thụ nghiệp ân sư thì ngoài việc luyện võ đều học thêm một môn khác. Trước khi Đinh Xuân Thu phản thầy, gia sư chưa thấy cái hại phân tâm học nhiều môn. Người đã không ngăn cấm lại còn khuyến khích, chỉ điểm cho đại sư huynh Khang Quảng Lăng học đánh đàn.
Tiết Mộ Hoa lại trỏ gã cầm bàn cờ nói: Nhị sư huynh là Phạm Bách Linh thì học đánh vi kỳ, và đã trở thành kỳ thủ giỏi nhất thiên hạ. Bao Bất Đồng đảo mắt nhìn Phạm Bách Linh rồi nói: Chẳng trách tiên sinh dùng bàn cờ làm binh khí, có điều bàn cờ lại đúc bằng thứ thép có chất nam châm chuyên môn hút binh khí của người ta. Như vậy cũng chỉ là khôn vặt, không phải hành vi của bậc chính nhân quân tử. Phạm Bách Linh cãi: Nghệ thuật đánh cờ có thế trận đường hoàng, binh tướng hẳn hoi, tuyệt diệu ở chỗ kỳ bí, không cấm kỵ mưu kế.
Tiết Mộ Hoa cũng nói giúp: Phạm nhị ca đúc bàn cờ bằng thép có nam châm, nguyên là để chơi cờ. Bất luận là đang đi đường hay nằm ngồi, đột nhiên y nghĩ đến thế cờ nào là có thể bày quân cờ sắt hút chặt vào bàn cờ có nam châm, dù lắc lư mạnh cũng không xê dịch. Về sau y mới thấy dùng bàn cờ làm binh khí, dùng quân cờ làm ám khí lại càng thuận tiện. Thực ra không phải y cố ý đúc bàn cờ nam châm để đè đầu cưỡi cổ người ta.
Bao Bất Đồng tính tình cổ quái, trong lòng cũng đồng tình nhưng ngoài miệng vẫn bài bác. Y nói: Thật là biện bác miễn cưỡng, lý lẽ chưa xuôi. Phạm lão nhị bản lĩnh cao cường, nếu dùng bàn cờ gỗ mà ấn quân cờ sắt xuống như khảm sâu vào, thì cũng đâu có rớt ra được? Tiết Mộ Hoa nói: Như vậy không tiện bằng bàn nam châm, quân sắt. Rồi lão lại kể tiếp: Tam sư huynh tại hạ là Cẩu Độc, tính thích đọc sách, bách gia chư tử đều thuộc lòng. Y thật là một vị túc nho học vấn uyên thâm, tưởng các vị cũng đã biết rồi.
Bao Bất Đồng nhớ đến cố sự Gia Cát khẩu chiến quần nho ở Đông Ngô, liền châm chọc: Cái nho của kẻ tiểu nhân có chi là đáng kể? Cẩu Độc tức giận hỏi: Sao? Ngươi bảo ta là nho tiểu nhân, chẳng lẽ tự nhận là nho quân tử ư? Bao Bất Đồng nói: Tại hạ không dám, không dám đâu.
Tiết Mộ Hoa sợ hai người này mà cãi lý thì ba ngày ba đêm cũng không xong, liền cắt ngang câu chuyện. Lão trỏ gã sử phán quan bút nói: Vị này là tứ sư huynh của tại hạ, một tay nho nhã chuyên về hội họa, thích du sơn ngoạn thủy. Y họ Ngô, trước khi nhập môn đã làm đến chức tướng quân tại triều đình Đại Tống, vì vậy mọi người gọi y là Ngô Lãnh Quân.
Bao Bất Đồng nói: Chỉ sợ Lãnh Quân đánh đâu thua đấy, còn môn hội họa thì vẽ người chẳng ra người, quỷ chẳng ra quỷ! Ngô Lãnh Quân đáp: Vẽ hình quỷ là dễ nhất, chẳng có ai biết dung mạo quỷ sứ ra sao mà chê người vẽ không giống. Bao Bất Đồng cười ha hả nói: Lúc nào lão huynh có hứng, thì cứ lấy cái mặt Bao lão tam ta làm mẫu để vẽ. Chỉ cần thêm thắt một tí thì ra hình quỷ ngay, thật là tuyệt diệu!
Tiết Mộ Hoa nói: Bao tiên sinh dung mạo anh tuấn, hà tất phải khiêm nhường như vậy? Tại hạ đứng hàng thứ năm, học về nghề thuốc, kể ra cũng có chút hư danh trên chốn giang hồ nên không bao giờ quên ơn sư phụ đã truyền dạy cho mình.
Bao Bất Đồng lại xen vào: Cảm mạo phong hàn sơ sơ thì tiên sinh còn chưa được, tại hạ trúng phải hàn độc tiên sinh đành chịu bó tay. Ha ha! Ngoại hiệu Thần Y quả nhiên danh bất hư truyền.
Khang Quảng Lăng vuốt râu, ngước mắt lên nói: Lão huynh đây tính tình cổ quái, đặc biệt khác người. Bao Bất Đồng cười ha hả nói: Tại hạ họ Bao tên gọi Bất Đồng, dĩ nhiên không giống người khác. Khang Quảng Lăng cũng cười to hỏi lại: Tiên sinh có thực tên là Bất Đồng không? Bao Bất Đồng đáp: _Còn giả được nữa ư? Ái chà! Còn vị lão huynh này chuyên nghề chế tạo cơ quan, chắc hẳn thờ Lỗ Ban làm tiên sư?
Tiết Mộ Hoa nói: Chính thị! Lục sư đệ tại hạ là Phùng A Tam, xuất thân là thợ mộc, trước khi nhập môn học võ đã là thợ khéo, sau khi theo học gia sư, nghề thợ lại càng khéo thêm. Còn Thất sư muội tại hạ ở họ Thạch, rất tinh vi về hoa cỏ. Bao nhiêu kỳ hoa dị thảo trong thiên hạ nàng đều có thể trồng được tươi tốt.
Đặng Bách Xuyên nói: Thạch cô nương dùng được vật làm cho tại hạ té xỉu mà không có chất độc, chắc là lấy ở phấn hoa chứ gì? Thiếu phụ họ Thạch tên gọi Thanh Lộ rất xinh đẹp, tủm tỉm cười nói: Mới rồi tiểu nữ đắc tội, mong được Đặng lão gia tha thứ cho. Đặng Bách Xuyên nói: Tại hạ là người lỗ mãng, cũng xin cô nương lượng cả bao dung.
Tiết Mộ Hoa lại trỏ đến tên kép hát mà nói: Bát đệ tại hạ là Lý Quỷ Lỗi, suốt đời chỉ thích vẽ mặt diễn trò, tính tình dở điên dở dại. Về võ học y không khỏi chểnh mảng. Ôi chao, chỉ trừ bát đệ ra còn bọn sư huynh đệ tại hạ đều được sư phụ dạy cho những môn võ công cả đời luyện cũng không xong, hà tất phải tham lam học rộng những tuyệt chiêu của người khác làm gì. Đến cuối cùng… hừ…
Lý Quỷ Lỗi đang nằm dưới đất đột nhiên lên tiếng: Kiêu dũng quần hùng khiếp vía, Tôn Úc chính thị cô vương. Chẳng thích giang sơn chỉ thích điên cuồng, cho phỉ chí con người tuấn kiệt…
Bao Bất Đồng bắt chước hát theo: Mỗ đây Tần Thủy Hoàng chính thị, phần thư khanh nho nổi tiếng muôn đời. Các loại nho tiểu nhân để sống làm gì, vào tay trẫm là đem chôn hết. Gã hát xong, nhìn thư sinh Cẩu Độc cười đắc chí.
Tiết Mộ Hoa nói: Bọn sư huynh đệ tại hạ tám người tuy bị đuổi khỏi sư môn nhưng không dám quên công ơn sư phụ rèn luyện bấy lâu. Bọn tại hạ tự mệnh danh là Hàm Cốc Bát Hữu để nhớ ngày trước sư phụ truyền nghề tại ải Hàm Cốc. Thiên hạ không biết bọn tại hạ là sư huynh đệ, chỉ cho rằng thanh khí tương cầu, cùng mộ tiếng thơm mà tới.
Bỗng dưng Bao Bất Đồng hít hít mấy cái rồi la lên: Thối quá, thối quá! Cẩu Độc bèn trả đũa gã: Thiên Hệ Từ trong Kinh Dịch có viết: Lời nói của bạn đồng tâm, dù thối cũng giống như hoa lan (Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan). Mùi thối cũng có thể là thơm, Bao lão huynh chẳng có học vấn chi hết. Bao Bất Đồng đáp: Lời nói của Cẩu lão huynh, dù thơm cũng giống như rắm thối.
Tiết Mộ Hoa mỉm cười rồi nói tiếp: Bọn tại hạ phải đề phòng Tinh Tú Lão Quái trở lại Trung Nguyên giăng lưới quét sạch, nên cứ năm năm mới tụ hội một lần, còn bình thời mỗi người ở mỗi nơi.
Bọn Huyền Nạn, Đặng Bách Xuyên nghe Tiết Mộ Hoa thuật xong lai lịch tám anh em, thì lòng ngờ vực đã giảm đi một nửa.
Công Dã Càn hỏi: Tiết tiên sinh trá tử, rồi bố trí thuốc độc trong quan tài phải chăng là đối phó với Tinh Tú Lão Quái? Sao Tiết tiên sinh biết lão sắp đến đây?
Tiết Thần Y đáp: Kể ra thì cũng lạ! Hai hôm trước, tại hạ đang rảnh rỗi đóng cửa ở trong nhà thì có bốn người cưỡi ngựa đến xin trị bệnh. Chữa bệnh cứu người vốn là phận sự của y gia, chỉ lạ ở chỗ một bệnh nhân là hòa thượng béo tròn, bị chưởng lực của phái Thiếu Lâm đánh gãy tám cái xương sườn. Xương gãy đều được nối lại rồi, sau này sẽ tự khỏi không nguy hiểm gì, nhưng trong lục phủ ngũ tạng gã lại có chất hàn độc, không có liên hệ gì đến ngoại thương. Nếu không chữa trị thì chẳng bao lâu hàn độc sẽ phát tác mà chết.
Huyền Nạn nói: Hổ thẹn! Hổ thẹn! Đó chính là Tuệ Tịnh hòa thượng chùa Thiếu Lâm. Y không giữ giới luật tu hành, trốn khỏi chùa làm nhiều chuyện bậy bạ. Bản tự cho người đi bắt về để xử lý, nhưng y đã không chịu về mà còn xuất thủ đả thương nhiều người, rốt cuộc bị sư điệt của lão nạp đánh cho bị thương. Thì ra gã còn trúng phải hàn độc, chuyện này không liên quan gì đến tệ phái. Không hiểu là ai đã đưa y đến xin chữa trị?
Tiết Thần Y đáp: Y cùng đi với một bệnh nhân còn kỳ dị hơn. Đầu gã đội một cái lồng sắt…
Bao Bất Đồng cùng Phong Ba Ác cùng nhảy lên lớn tiếng chửi mắng: Con mẹ nó! Đúng là thằng lỏi đó rồi! Không hiểu trời xui đất khiến cho gã mắc bệnh gì? Tiết Thần Y đáp: Gã muốn tháo cái đầu sắt ra, nhưng tại hạ xem kỹ thì cái lồng này dính chặt vào đầu, không thể lấy ra được. Bao Bất Đồng vỗ tay nói: Kỳ tuyệt! Kỳ tuyệt! Chẳng lẽ cái đầu sắt đã có từ lúc gã mới sinh ra? Tiết Thần Y lắc đầu đáp: Không phải thế! Lúc người ta chụp cái lồng sắt vào đầu gã đã nung nóng lên, làm da thịt gã nhũn ra. Đến khi máu ngưng chảy, vết thương đã đóng thành sẹo, thì cái lồng dính liền vào đầu óc cùng mặt mũi gã, nếu ráng giật mạnh thì lột luôn cả da mặt, mặt mũi sẽ không ra hình thù gì nữa. Bao Bất Đồng lạnh lùng hỏi: Gã muốn tiên sinh tháo lồng sắt, sao tiên sinh không tháo cho gã? Dù ngũ quan cùng mặt mũi gã có bị lột đi hết, gã cũng không trách được tiên sinh kia mà?
Tiết Thần Y nói: Tại hạ còn đang ngẫm nghĩ thì hai tên đưa gã đến lại lớn tiếng quát tháo, giục ra tay lập tức. Tiết mỗ bình sinh có tật xấu, ai muốn đến trị bệnh thì phải khẩn cầu tử tế, ai mà cậy thế áp bức thì tại hạ thà chịu chết dưới đao kiếm cũng quyết không chịu chữa. Tại hạ nhớ lại cuộc anh hùng đại hội ở Tụ Hiền Trang, gã Kiều Phong liều mình vạn tử nhất sinh đưa một vị tiểu cô nương đến cầu tại hạ chữa thuốc. Gã thật là dã man, hung hăng đến cực điểm, nhưng cũng khẩn cầu tại hạ rất mực lễ độ, tuyệt không hỗn xược chút nào. Lão kể tới đây, nhớ lại về sau mắc lừa A Châu để nàng điểm trúng huyệt đạo, cạo sạch râu ria, thật là một cái nhục lớn nhất trong đời, bèn im lặng.
Bao Bất Đồng nói: Sao tiên sinh phách lối thế? Bao mỗ lại có cái tính kỳ khôi là ai muốn chữa bệnh cho Bao mỗ thì phải khẩn cầu tử tế, Bao mỗ mới để cho chữa. Còn nếu cậy thế áp bức bắt phải chữa trị, thì Bao mỗ thà mang bệnh chết đi cũng quyết không chịu.
Khang Quảng Lăng cười ha hả nói: Bao tiên sinh cứ làm như mình quý giá lắm, ai mà mất công trị bệnh cho tiên sinh lại phải năn nỉ, trừ khi… Bao Bất Đồng nói tiếp: Trừ khi người đó là con ta! Khang Quảng Lăng tức đến sững người, nhưng lại nghĩ rằng: Gã nói thế cũng phải. Giả tỉ phụ thân mình mắc bệnh mà gàn dở không chịu uống thuốc, thì mình cũng phải năn nỉ thôi. Lão chưa chịu thua, liền kiếm lời đáp: Phải rồi! Nhưng ta không phải con ngươi. Bao Bất Đồng nói: Ngươi có phải là con ta hay không, chỉ có má má ngươi mới biết chắc, chứ ngươi biết thế nào được? Khang Quảng Lăng lại tức run lên, nhưng rồi gật đầu nói: Quả đúng thế thật! Bao Bất Đồng vỗ tay cười ha hả, nghĩ thầm: Lão này thật là ngốc quá!
Công Dã Càn hỏi Tiết Thần Y: Tiết tiên sinh! Hai người đó ăn nói vô lễ rồi bị tiên sinh cự tuyệt không chữa phải không? Tiết Thần Y gật đầu nói: Đúng thế! Tiết mỗ trả lời họ rằng: Tại hạ y thuật kém cỏi không chữa nổi, các vị phải đi kiếm người nào cao minh hơn. Gã đầu sắt thì rất mực khiêm cung, nói rằng: Tiết tiên sinh Y đạo của tiên sinh đến mức tuyệt vời, được bằng hữu giang hồ tặng cho ngoại hiệu Diêm Vương Địch, ai mà chẳng kính phục? Gia phụ lại cùng tiên sinh có quan hệ sâu xa. Tiểu điệt khẩn cầu tiên sinh từ bi cứu vớt cho đứa con của người bạn cũ.
Mọi người đều muốn hiểu lai lịch gã đầu sắt Du Thản Chi, nên đồng thanh hỏi: Phụ thân gã là ai?
Lý Quỷ Lỗi thốt nhiên xen vào: Gã là con ai, chỉ có má má gã mới biết chắc, chứ gã biết thế nào được? Tên kép hát học lỏm Bao Bất Đồng, đáp lại vừa buồn cười vừa đúng lúc, Bao Bất Đồng cười nói: Giỏi lắm! Ngươi học theo ta giỏi lắm, e rằng không phải người ngoài mà mà chính ngươi là kẻ thừa kế chân truyền của ta.
Tiết Thần Y tủm tỉm cười nói: Bát đệ! Bao tiên sinh tính ưa nói giỡn, chẳng nên để bụng. Lý Quỷ Lỗi lại cất giọng hát: Trẫm hiệu xưng Hoàng Đế, Quyền Hoa Hạ trong tay. Muôn dân đội đức cao dày, Trăm họ là con là cháu. Gã ưa đóng vai cổ nhân, trong bụng nghĩ đến nhân vật nào là hát đúng điệu ngay lập tức.
Tiết Thần Y kể tiếp: Tại hạ nghe gã đầu sắt tự giới thiệu là con của cố nhân, liền hỏi phụ thân gã là ai thì gã đáp: Tiểu nhân gặp chuyện không may làm nhục đến tiền nhân, không dám nêu tên tuổi phụ thân ra. Nhưng tiên phụ ngày trước quả là có thâm giao với tiên sinh, tiểu nhân không dám đem tiên phụ ra mà lừa gạt. Tại hạ thấy gã rất thành khẩn, quyết không phải chuyện bịa. Có điều tại hạ giao du rất rộng, bạn bè vô số, chỉ biết thân phụ gã đã qua đời, không đoán nổi là ai.
Lúc tại hạ còn đang trầm ngâm thì người cùng đi với gã quát tháo: Sư phụ ta đã có pháp chỉ, việc khẩn yếu là phải chữa thương cho Tuệ Tịnh hòa thượng. Còn gã này có tháo lồng sắt hay không cũng chẳng can hệ gì. Tại hạ tức lộn ruột, liền hỏi lại: Sư phụ ngươi là ai? Pháp chỉ của hắn ràng buộc ta thế nào được? Gã liền làm mặt hung dữ mà nói: Ta mà nói tên sư phụ ra thì e rằng ngươi sợ đến vỡ mật. Người dặn ta bảo ngươi chữa trị cho vị hòa thượng này lập tức, nếu ngươi chần chừ làm lỡ việc thì phải cho ngươi xuống gặp Diêm Vương.
Ngừng một lát, lão tiếp: Ban đầu tại hạ nghe y ăn nói hỗn xược thì căm giận vô cùng, nhưng sau nghe kỹ thấy thanh âm gã tựa hồ như của người Hồ ở Tây Vực, lại tóc quăn, mắt sâu hoắm không giống người Trung Nguyên. Tại hạ chợt nhớ ra một người, liền hỏi: Phải chăng người ở Tinh Tú Hải đến đây? Gã biến sắc mặt nói: Hừ! Nhãn quang ngươi sắc bén lắm. Đúng ta ở Tinh Tú Hải đến đây, ngươi đã đoán ra thì phải tận tâm chữa mau đi! Tại hạ thấy gã là môn đồ Tinh Tú Lão Quái liền nghĩ thầm: Thâm thù lẽ nào không báo, liền giả bộ khiếp sợ hỏi lại gã: Lâu nay tại hạ vẫn kính ngưỡng thần thông của Đinh Lão Tiên ở Tinh Tú Hải vô cùng. Tại hạ chỉ giận mình vô duyên chưa được bái kiến, chẳng hiểu lão tiên có đến Trung Nguyên không?
Bao Bất Đồng ngắt lời: Thật là xấu hổ! Tiên sinh phải kêu lão bằng Tinh Tú Lão Quái hay Tinh Tú Lão Ma mới phải, sao lại hạ mình kêu bằng Lão Tiên? Nhục nhã! Nhục nhã! Đặng Bách Xuyên vội giảng hòa: Tam đệ! Đây là Tiết tiên sinh cố ý do thám, tất nhiên phải xưng hô cho chúng vừa lòng mà tìm hiểu tin tức. Bao Bất Đồng cãi: Đương nhiên tiểu đệ hiểu rồi! Nhưng giả tỉ tiểu đệ dò la thì phải kêu bằng Lão Yêu hay Lão Tặc để chọc cho gã nổi hung la hét, tất cũng lộ ra…
Tiết Thần Y nói: Bao tiên sinh nói rất có lý. Tại hạ không quen lừa bịp, miệng kêu Lão Tiên mà không giấu được vẻ bất bình. Gã yêu nhân giảo quyệt lắm, sinh nghi liền nắm lấy cổ tay của tại hạ rồi quát hỏi: Ngươi dò la hành tung sư phụ ta để làm gì? Tại hạ thấy bại lộ, liền phóng chỉ điểm vào tử huyệt cho gã chết ngay. Gã yêu nhân thứ hai móc trủy thủ ra đâm tại hạ. Trong tay tại hạ không có khí giới mà võ công gã cũng không vừa, lúc nguy cấp thì gã đầu sắt đột nhiên đoạt lấy lưỡi trủy thủ rồi nói: Sư phụ sai chúng ta đến xin chữa trị chứ có sai đi giết người đâu? Gã yêu nhân tức mình nói: Ngươi không thấy thập nhị sư đệ bị y giết chết rồi sao? Ngươi… ngươi… là con của bằng hữu y, bây giờ theo phe người ngoài. Gã đầu sắt lại nói: Ngươi muốn giết Thần Y thì kệ ngươi, nhưng nhà sư mập này không được chữa mà chết thì lấy ai dẫn đường đi tìm băng tằm?
Tại hạ thừa lúc hai gã cãi nhau, liền lấy khí giới cầm tay. Gã yêu nhân kia thấy giết tại hạ cũng chẳng dễ gì, lại nghĩ gã đầu sắt nói cũng có lý. Gã liền bảo: Thế thì ngươi bắt tên lang băm này về yết kiến sư phụ. Gã đầu sắt nói: Được lắm!, rồi xoay tay phóng chưởng ra trúng ngực gã kia chết ngay lập tức!
Mọi người nghe Tiết Thần Y kể đến đây đều sửng sốt la lên một tiếng. Bao Bất Đồng nói: Có gì lạ đâu? Gã đầu sắt có việc cần đến tiên sinh, nên giết đồng môn để tâng công. Tiết Mộ Hoa thở dài nói: Nhất thời tại hạ cũng không hiểu gã muốn tâng công, hay nghĩ đến tình nghĩa của tại hạ với tiên phụ gã. Tại hạ đang định hỏi rõ, thì xa xa có tiếng hú vọng lại. Gã nhớn nhác nói: Sư phụ tiểu nhân giục tiểu nhân về gấp. Tiết bá phụ nên trị cho nhà sư mập này đi. Sư phụ tiểu nhân mà vui lòng, không chừng bỏ qua việc giết hai tên đồ đệ. Tại hạ đáp: Ta cùng Tinh Tú Lão Quái có mối thù sâu tựa bể, nhất định không chữa trị cho người có liên quan đến y. Nếu ngươi có bản lĩnh thì cứ giết ta đi. Gã đầu sắt bèn nói: Tiết bá phụ! Tiểu điệt quyết không dám đắc tội đâu. Dường như gã còn muốn nói gì nữa, nhưng đột nhiên có tiếng sáo hiệu của Tinh Tú lão yêu vọng tới. Gã lật đật đem nhà sư béo chùn béo chụt đi ngay.
Tinh Tú lão tặc đã đến Trung Nguyên, lại mất hai tên đệ tử trong nhà tại hạ thì sớm muộn cũng tìm đến đây. Tại hạ phải trá tử và giấu thuốc độc trong quan tài, hy vọng lừa lão vào bẫy. Cả già trẻ lớn bé trong nhà tại hạ nấp trong huyệt động này được hai ngày thì ngẫu nhiên gặp kỳ năm năm họp mặt một lần của tám sư huynh đệ đồng môn. Mọi người còn ở quanh ải Hàm Cốc thì liệt vị đến tệ xá. Tên lão bộc của tại hạ tuy trung thành, nhưng rất ngu ngốc, lại tưởng lầm các vị là bọn đối đầu ghê gớm kia.
Bao Bất Đồng cười phá lên ngắt lời: Ha ha! Chắc lão bộc tưởng Huyền Nạn đại sư là Tinh Tú Lão Quái, còn bọn tại hạ là đồ tử đồ tôn lão. Bằng hữu của Bao mỗ tướng mạo cùng tính nết đều kỳ dị, bảo là bọn tiểu yêu phái Tinh Tú còn có lý phần nào, còn Huyền Nạn đại sư thanh nhã hiền hòa mà nhận lầm là Tinh Tú Lão Quái thì hỗn xược quá. Mọi người nghe nói đều cười ồ.
Tiết Thần Y cũng cười, nói: Đúng thế, lầm như thế thật đáng đánh đòn. Lão bộc lúc nào cũng lo sợ toàn gia tại hạ mắc phải độc thủ Tinh Tú Lão Quái, hốt hoảng quá bèn đốt ngay lưu tinh hỏa pháo để báo tin cho các bạn đồng môn. Thứ lưu tinh hỏa pháo này do lục sư đệ tại hạ chế tạo rất tinh xảo, đốt lên thì cách mấy dặm cũng nhìn thấy. Bọn huynh đệ tại hạ tám người, dùng hỏa pháo khác nhau đôi chút để dễ phân biệt, cứ trông thấy pháo hiệu là biết ngay ai đến, kể ra thì có lợi mà cũng có hại. Lợi ở chỗ Hàm Cốc Bát Hữu khi gặp nguy biến có thể gọi nhau đến cùng kháng địch. Nhưng trong trường hợp này khiến cho Tinh Tú Lão Quái biết mà quét sạch, thì lại rất tai hại.
Bao Bất Đồng nói: Bản lĩnh Tinh Tú Lão Quái dù lợi hại đến đâu cũng chưa chắc hơn được Huyền Nạn đại sư. Lại còn đám quân tôm tép bọn ta đứng ngoài reo hò trợ giúp, sống mái một trận vị tất đã biết ai thắng ai bại. Sao phải… phải… Gã chưa nói hết câu thì run lên cầm cập, hai hàm răng khua lách cách, hàn độc trong người phát tác không nói được nữa.
Lý Quỷ Lỗi lại cất giọng hát tuồng: Mỗ Kinh Kha chính thị, sang thích khách Tần Hoàng. Gió heo may thổi buốt can trường, kẻ tráng sĩ khôn đường mở miệng. Bất thình lình một người từ dưới đất bật lên hất đầu vào ngực Lý Quỷ Lỗi, gã rú lên một tiếng Ôi chao! rồi ngã ngửa ra, người kia liền túm lấy đánh đấm túi bụi. Mọi người nhìn lại thì chính là Nhất trận phong Phong Ba Ác vừa tỉnh dậy. Đặng Bách Xuyên vội chạy lại can: Tứ đệ không được lỗ mãng!, rồi vươn tay kéo gã ra.
Giữa lúc ấy thanh âm nhỏ li ti lại truyền vào trong sơn động: Bọn đồ tử đồ tôn Tô Tinh Hà! Mau mau ra đầu hàng mới có thể bảo toàn tính mạng! Nếu còn chần chừ thì đừng trách lão gia không nể tình nghĩa đồng môn. Khang Quảng Lăng nói: Ái chà! Lão còn mặt dày nói đến tình nghĩa đồng môn ư?
Phùng A Tam quay sang hỏi Tiết Mộ Hoa: Ngũ ca! Tòa động này dường như kiến trúc đã lâu, không biết tay thợ nào mà khéo thế? Tiết Mộ Hoa đáp: Sơn động này để làm nơi lánh nạn, là cơ nghiệp tổ tiên truyền lại. Ta cũng không hiểu ai đã xây nên.
Khang Quảng Lăng nói: Hay lắm! Lão ngũ đã có cái tổ rùa này mà vẫn giữ được bí mật, không ai thông tỏ đường lối! Tiết Mộ Hoa ra chiều hổ thẹn nói: Đại ca lượng thứ cho! Cái hầm này chẳng vẻ vang gì, đừng bàn đến nữa…!
Lão chưa dứt lời bỗng nghe đánh sầm một tiếng, mọi người đều cảm thấy mặt đất dưới chân rung chuyển không ngừng. Phùng A Tam thất sắc nói: Nguy rồi! Đinh lão quái dùng thuốc nổ phá hầm thì chỉ chốc lát là vào đến đây.
Khang Quảng Lăng cả giận nói: Thực là hèn hạ vô sỉ đến cùng cực! Tổ sư cùng sư phụ tại hạ giỏi nghề thổ mộc, những cơ quan biến hóa này là bản lĩnh của bản môn, thế mà Tinh Tú Lão Quái mặt dày đem chất nổ phá vỡ cơ quan. Vậy thì còn gọi là sư thúc bản môn thế nào được? Bao Bất Đồng nói: Lão đã sát hại sư tổ, đả thương sư phụ, tiên sinh còn nhìn nhận lão làm sư thúc nữa ư? Khang Quảng Lăng đáp: Cái này…
Lại nghe một tiếng nổ vang trời, cát bụi bay mịt mù khiến mọi người không mở mắt ra được. Sơn động này kín cửa không có lối thông hơi, không khí bị chấn động quá mạnh làm mọi người cảm thấy màng nhĩ đau nhói.
Huyền Nạn nói: Lão đã dùng chất nổ phá hầm thì chúng ta ra trước đi còn hơn. Đặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Bao Bất Đồng, Phong Ba Ác bốn người đều khen phải.
Phạm Bách Linh biết Huyền Nạn là một vị cao tăng Thiếu Lâm mà phải chui rúc dưới hầm để trốn tránh là một việc rất tổn thương đến oai danh môn phái. Đến nước này thì ẩn nấp trong hầm cũng không yên được, lão liền nói: Phải đó! Chúng ta cùng ra để liều sống chết với lão quái một phen. Tiết Mộ Hoa nói: Huyền Nạn đại sư cùng lão quái kia vốn không thù oán, nhưng đã bị lôi cuốn vào vòng hỗn độn chắc cũng không chịu thõng tay đứng nhìn.
Huyền Nạn nói: Mọi việc liên quan đến võ lâm Trung Nguyên, phái Thiếu Lâm đều nhúng tay vào, xin các vị miễn trách. Huống hồ Huyền Thống sư đệ của lão nạp cũng do trúng độc thủ của đồ đệ Lão Quái mà viên tịch, phái Thiếu Lâm cùng phái Tinh Tú không thể nói là không có oán thù.
Phùng A Tam nói: Đại sư đã có lòng nghĩa hiệp, huynh đệ tại hạ cảm kích vô cùng! Chúng ta cứ theo đường cũ tiến ra, đánh cho lão quái khiếp vía một phen Mọi người gật đầu khen phải.
Phùng A Tam lại nói: Gia quyến Tiết ngũ ca cùng hai vị Bao, Phong nên ở lại đây, chắc lão quái không tìm thấy đâu. Bao Bất Đồng hầm hầm nhìn lão lục nói: Ngươi ở lại thì tốt hơn.
Phùng A Tam vội nói: Tại hạ không dám coi thường, nhưng nhị vị đang bị thương mà phải động thủ e rằng bất tiện. Bao Bất Đồng nói: Ta bị thương càng nặng thì đánh nhau càng hăng. Bọn Phạm Bách Linh đều chau mày, biết Bao Bất Đồng tính tình bướng binh, không thể nói chuyện lý lẽ với gã được.
Phùng A Tam thân thủ cực kỳ mau lẹ, phát động cơ quan, nghe lách cách vài tiếng cửa động đã mở ra một lỗ nhỏ. Gã ném ba quả pháo nổ đùng đùng, khói trắng mù mịt, để đề phòng bọn Tinh Tú Lão Quái đứng rình ngoài cửa động bắt người. Phiến đá từ từ chuyển động, mở ra một đường đủ người đi lọt. Phùng A Tam lại ném ba quả pháo nữa, rồi nhảy ra.
Chân gã chưa chấm đất, trong làn khói trắng mờ mịt đã thấy một người từ sau lưng vọt ra ngoài, la lên: Tinh Tú Lão Quái là tên nào, cho Phong mỗ gặp mặt. Người đó chính là Phong Ba Ác.
Gã thấy một hán tử mặc áo vải đứng sừng sững trước mặt liền quát to: Ngươi không phải Tinh Tú Lão Quái, nhưng cũng nếm một quyền của ta đây., rồi xuất thủ nhanh như chớp đấm vào ngực hắn một quyền đánh bịch một tiếng. Hán tử này là đệ tử thứ chín của Tinh Tú Lão Quái, bị đánh bất ngờ nên trúng một quyền khá nặng, nhưng chỉ lạng người đi một cái rồi vung quyền đánh trả, cũng trúng Phong Ba Ác nghe chát một tiếng. Thế rồi quyền qua chưởng lại nghe binh binh, dường như đều trúng vào người đối phương, nhưng không trầm trọng lắm nên chưa đến nỗi chí mạng. Bỗng nghe những tiếng vù vù liên tiếp, Huyền Nạn, Đặng Bách Xuyên, Khang Quảng Lăng, mọi người trong động nhảy ra.
Làn khói trắng vẫn còn mờ mịt, nhưng đã nhìn rõ một lão già cao lớn đứng trong đám cây rậm ở phía tây nam. Bọn đệ tử xếp hàng quanh lão, kẻ cao người thấp không đều, Khang Quảng Lăng la lên: Đinh lão tặc! Ngươi chưa chết ư? Còn nhận ra ta không?
Lão già này chính là Tinh Tú lão Quái Đinh Xuân Thu. Lão liếc qua một lượt đã nhìn rõ đối phương, không trả lời Khang Quảng Lăng mà hỏi Tiết Thần Y: Tiết Mộ Hoa hiền điệt! Mau mau đầu hàng đi, ta tha chết cho. Nhưng ngươi phải gia nhập phái Tinh Tú, rồi trị thương cho nhà sư Thiếu Lâm béo chùn béo chụt kia. Tinh Tú Lão Quái chỉ mong Tiết Mộ Hoa chữa lành nhà sư Tuệ Tịnh để dẫn lão lên núi Côn Luân kiếm băng tằm.
Tiết Mộ Hoa nghe giọng lưỡi lão này không đếm xỉa gì đến những người khác, tựa hồ như lão muốn họ sống hay chết là được ngay. Y đã biết vị sư thúc này ghê gớm, trong lòng sợ hãi nhưng ngoài miệng vẫn nói cứng: Đinh lão tặc! Trên đời này ta chỉ nghe lệnh một người mà thôi, người đó bảo ta chữa cho ai là ta chữa ngay. Ngươi giết ta thì dễ như trở bàn tay, nhưng muốn ta trị bệnh cứu người thì phải đến xin người đó bảo ta mới được. Đinh Xuân Thu nói: Chắc người chỉ nghe lệnh Tô Tinh Hà, có phải thế không?
Tiết Mộ Hoa đáp: Chỉ có loại ác ôn không bằng cầm thú mới phản sư diệt tổ. Y vừa dứt lời thì từ Khang Quảng Lăng, Phạm Bách Linh đến Lý Quỷ Lỗi đều lớn tiếng hoan hô.
Đinh Xuân Thu nói: Hay lắm! Hay lắm! Bọn mi đều là đồ đệ Tô Tinh Hà, nhưng lão Tô đã phái người đến báo cho ta hay là trục xuất bọn mi ra khỏi môn phái rồi, không kể là đệ tử nữa. Chẳng lẽ lời nói của lão Tô lại không đáng đếm xỉa, lão còn ngấm ngầm lưu bọn mi làm đồ đệ hay sao?
Phạm Bách Linh đáp: Một ngày làm thầy, suốt đời làm cha. Sư phụ bọn ta quả đã đuổi chúng ta ra khỏi môn phái, bao nhiêu năm nay dù bọn ta dốc sức tìm kiếm cũng không được gặp người, nhưng tấm lòng kính ái sư phụ quyết không giảm chút nào. Đinh lão tặc kia! Ta nói cho ngươi biết, sở dĩ bọn ta biến thành cô hồn dã quỷ không có sư môn nương tựa, hoàn toàn là do ngươi cả.
Đinh Xuân Thu mỉm cười đáp: Mi nói đúng lắm. Tô Tinh Hà sợ ta thi triển độc thủ giết bọn mi từng tên một, lão đuổi bọn mi ra khỏi môn phái là có ý bảo tồn mấy cái mạng nhỏ xíu, lão lại không nỡ chọc tai cắt lưỡi bọn bay là cũng tình nghĩa lắm rồi. Hà hà! Tình cảm ướt át kiểu đàn bà như vậy thì sao mà làm chuyện đại sự được? Hay lắm! Các ngươi tự nói rõ đi, hiện nay Tô Tinh Hà còn là sư phụ của bọn ngươi nữa không?
Bọn Khang Quảng Lăng nghe vậy, hiểu rằng nếu mình thừa nhận Tô Tinh Hà là sư phụ, lập tức lão sẽ ra tay giết chết. Nhưng một là không thể vì lâm nguy mà bỏ nghĩa thầy trò, hai là hôm nay mình đã đối đầu với lão quái tàn ác này thì chẳng còn mong sống nữa. Bọn tám người Hàm Cốc Bát Hữu trừ thiếu phụ bị trọng thương nằm lại trong động, còn bảy người đồng thanh hô lên: Bọn ta bị sư phụ trục xuất, song tình nghĩa thầy trò không hề sứt mẻ.
Đột nhiên Lý Quỷ Lỗi lớn tiếng nói: Ta là mẹ của Tinh Tú Lão Quái, năm xưa thông dâm với con chó Hạo Thiên Khuyển của Nhị lang thần Dương Tiễn mà mang thai, đẻ ra tên tiểu súc sinh này. Bây giờ ta phải đập gãy cái đùi chó của ngươi. Gã bắt chước tiếng nói của một bà già, nói xong lại giả tiếng chó sủa gâu gâu ba tiếng. Bọn Khang Quảng Lăng, Bao Bất Đồng cùng phá lên cười.
Đinh Xuân Thu vốn phong thái ung dung, cũng không khỏi biến sắc mặt, hai mắt chiếu ra những tia sáng kỳ dị. Lão phất tay áo bên trái một cái, đột nhiên một tia lửa xanh lè vọt ra như sao băng, bắn vào Lý Quỷ Lỗi. Gã né tránh không kịp, quần áo bốc cháy ngay, vội nằm lăn xuống đất nhưng càng lăn lộn thì lửa càng bốc to. Phạm Bách Linh dùng cả hai tay bới đất cát hất lên mình gã.
Lúc ấy Đinh Xuân Thu lại phất tay áo năm cái, năm tia lửa bắn về phía năm người bọn Khang Quảng Lăng, chỉ chừa Tiết Mộ Hoa ra. Khang Quảng Lăng phóng song chưởng ra đẩy ngọn lửa trở lại, nhưng chỉ làm ngọn lửa lung lay một chút, Huyền Nạn đại sư cũng phất tay áo hất hai ngọn lửa tạt ra chỗ khác. Còn Phùng A Tam và Phạm Bách Linh thì đã bị lửa bắn vào mình. Chỉ trong khoảnh khắc, bọn Lý Quỷ Lỗi ba gã kêu gào thảm khốc!
Bọn đệ tử Đinh Xuân Thu thấy vậy thi nhau tang bốc sư phụ: Sư phụ mới hiển lộ một chút công phu đã biến bọn chúng thành heo quay, không hiểu sao chúng chưa chịu quì xuống đầu hàng? Sư phụ tài năng nghiêng trời lệch đất, tiền vô cổ nhân hậu vô lai giả, xuất quỷ nhập thần, vô tiền khoáng hậu. Hôm nay bọn chó lợn Trung Nguyên nếm mùi thủ đoạn phái Tinh Tú. Sư phụ đã thần thông quảng đại như thế thì đánh đâu mà chẳng được? Anh hùng hảo hán bốn phương Đông Tây Nam Bắc đều phải quy thuận như gió theo chiều.
Bao Bất Đồng hét lên: Thúi lắm! Thúi lắm! Chao ôi! Da thịt ta tê rồi. Đinh lão tặc, da mặt ngươi thật là dày! Bao Bất Đồng chưa dứt lời bỗng thấy hai tia lửa bắn tới rất lẹ, Đặng Bách Xuyên cùng Công Dã Càn đã vận kình lực sẵn, đều phóng chưởng ra. Cả hai phát chưởng đều đánh vào một chỗ, bật hai tia lửa đi, nhưng hai người ruột đau như dao cắt, rú lên thất thanh rồi lùi lại ba bước. Nguyên Đinh Xuân Thu dùng nội lực rất thâm hậu để phóng lân hỏa, chỉ có nội lực của Huyền Nạn đại sư là đánh bật được ra ngoài mà không bị tổn thương gì. Còn Đặng Bách Xuyên và Công Dã Càn thì nội lực còn kém xa Tinh Tú Lão Quái, nên hai người cảm thấy đau đớn không chịu nổi.
Huyền Nạn đại sư tiến đến trước Lý Quỷ Lỗi phóng ra một chưởng. Chưởng phong đi là là lướt qua mình Lý Quỷ Lỗi, quạt tắt ngấm vùng lửa xanh lè đồng thời xé rách áo gã ra.
Một tên đệ tử Tinh Tú Lão Quái nói: Chưởng lực lão trọc kia khá đấy, có thể bằng một phần mười sư phụ ta. Một tên khác nói: Ối chà! Chỉ bằng một phần trăm chưởng lực sư phụ ta là cùng.
Huyền Nạn lại phóng ra hai chưởng dập tắt lân hỏa trên mình Phạm Bách Linh và Phùng A Tam. Lúc đó Đặng Bách Xuyên, Công Dã Càn, Khang Quảng Lăng đều xông ra chiến đấu với bọn đệ tử phái Tinh Tú.
Đinh Xuân Thu vuốt chòm râu dài nói: Cao tăng Thiếu Lâm quả nhiên công lực phi thường, hôm nay lão phu xin được lãnh giáo. Nói xong lão từ từ bước tới rồi đột ngột phóng chưởng ra đánh Huyền Nạn.
Huyền Nạn đại sư chưa từng giao đấu với phái Tinh Tú, nhưng cũng biết Hóa Công Đại Pháp của Đinh Xuân Thu lợi hại vô cùng. Nhà sư còn nghe đồn Tinh Tú Lão Quái có thể dùng tà thuật làm đối phương tiêu tan công lực một cách vô hình, nên lại càng thận trọng. Huyền Nạn đề tụ chân khí phóng song chưởng ra đánh tới tấp vào Đinh Xuân Thu một lúc mười tám chiêu liên hoàn, tay trái chưa thu về, tay phải đã phóng ra mau lẹ dị thường. Đinh Xuân Thu thấy chưởng lực đối phương liên tiếp đánh tới, không được rảnh tay dùng tà pháp để phá công lực đối phương. Khoái chưởng của phái Thiếu Lâm cực kỳ lợi hại, Huyền Nạn phóng ra mười tám chưởng liên hoàn, Đinh Xuân Thu phải lùi lại mười tám bước để tránh. Huyền Nạn đánh xong mười tám chưởng liền phóng Uyên Ương cước nhanh như gió đá một lúc ba mươi sáu cước. Cước ảnh mịt mờ, đứng ngoài không phân biệt được chân phải hay chân trái đá ra. Đinh Xuân Thu thi triển thân pháp cực kỳ mau lẹ, nhưng vừa tránh xong ba mươi sáu cước bỗng nghe hai tiếng chát chát, bả vai lão đã bị Huyền Nạn đánh trúng hai quyền. Thì ra trong liên hoàn tam thập lục cước, hai cước sau cùng có kèm cả quyền đánh ra, Đinh Xuân Thu chỉ tránh được cước mà không tránh được quyền. Lão bèn la lên: Thật là lợi hại!, lảo đảo người hai cái.
Nhưng Huyền Nạn cảm thấy đầu óc hơi choáng váng, dường như bị mất thứ gì, liền biết là không ổn rồi. Thì ra trên áo của Đinh Xuân Thu có chất kịch độc, vừa rồi lão tăng đánh trúng lão hai quyền đã mắc phải ám toán. Huyền Nạn liền thở ra một hơi dài để chân khí luân chuyển, tay trái phóng quyền ra đánh.
Đinh Xuân Thu liền đưa hữu chưởng ra đỡ phát quyền, còn tả chưởng vận kình phản công. Huyền Nạn sau khi trúng độc đã kém phần linh hoạt, khó mà tránh né, đành đưa tay phải ra đỡ, hai tay cao thủ đã thành thế tỉ thí nội lực, Huyền Nạn cả kinh lẩm bẩm: Ta không nên tỉ thí chân lực với gã!, tuy nghĩ như thế nhưng không vận động chân lực mà đỡ thì chân lực đối phương đánh tới phủ tạng mình tan nát mất. Thế là đại sư đành phải vận kình, cảm thấy chân khí cuồn cuộn tuôn ra ngoài không ngớt, muốn ngưng tụ lại cũng không được nữa.
Thời gian chừng uống cạn tuần tra, Đinh Xuân Thu cười ha hả, nhún vai một cái, Huyền Nạn lập tức ngã ra, chân khí trong người đã thoát đi hết. Nhà sư cố gượng ngồi dậy cũng không được nữa.
Đinh Xuân Thu đánh ngã Huyền Nạn rồi đảo mắt nhìn chung quanh, thấy Công Dã Càn nằm dưới đất run lên bần bật vì trúng phải hàn độc chưởng của Du Thản Chi, chỉ còn Đặng Bách Xuyên, Tiết Mộ Hoa đang đánh nhau ác liệt với bọn đồ đệ mình. Bên phái Tinh Tú cũng có người bị thương nằm đó.
Đinh Xuân Thu nổi lên một tràng cười, phất tay áo một cái nhảy xổ tới sau lưng Đặng Bách Xuyên phóng chưởng đánh ra, rồi thuận chân đá Bao Bất Đồng một cước. Đặng Bách Xuyên cũng phóng chưởng ra đỡ, nhưng tựa hồ đã mắc trọng bệnh, toan ngưng thần điều dưỡng thì Đinh Xuân Thu lại phóng ra một chưởng nữa. Đặng Bách Xuyên bất đắc dĩ phải phóng chưởng ra cản, bàn tay y lập tức thấy mát lạnh rồi khí lực trong người tiêu tán, trước mắt chỉ thấy một màn sương trắng. Một tên đệ tử phái Tinh Tú chạy tới giơ tay ra gạt, Đặng Bách Xuyên liền ngã lăn ra.
Thế là bọn thủ hạ nhà Mộ Dung, quần tăng Thiếu Lâm do Huyền Nạn thống lĩnh, cùng Hàm Cốc Bát Hữu do Khang Quảng Lăng cầm đầu đều bị Đinh Xuân Thu cùng Du Thản Chi chia nhau đánh ngã. Du Thản Chi nội lực thâm hậu nhưng võ nghệ tầm thường. Mấy bữa nay gã được Đinh Xuân Thu dạy cho cách vận chưởng phóng quyền đã tiến bộ rất nhiều, nhưng vẫn chưa được thuần thục. Bọn Công Dã Càn đánh nhau với gã, chưởng pháp thì tinh diệu hơn nhiều, song chỉ một lúc là bị gã phát huy chất hàn độc của băng tằm đánh ngã lăn ra.
Bên này chỉ còn một mình Tiết Mộ Hoa lành mạnh. Tiên sinh cũng tả xung hữu đột, nhưng bọn đệ tử Tinh Tú đều mỉm cười né tránh chứ không trả đòn. Đinh Xuân Thu cười nói: Tiết hiền điệt! Thì ra võ công của ngươi cao hơn bọn sư huynh đệ nhiều. Ngươi có muốn tỉ thí với sư thúc không?
Tiết Mộ Hoa thấy huynh đệ đồng môn đều nằm lăn dưới đất, chỉ có mỗi mình là chưa việc gì, hiểu rằng thủ hạ Đinh Xuân Thu cố ý để mình chữa thuốc cho nhà sư béo kia. Tiên sinh thở dài đáp: Đinh lão tặc! Ngươi muốn bức bách ta trị bệnh cứu người, nhưng không ăn thua gì đâu.
Đinh Xuân Thu vẫy tay nói: Tiết hiền điệt! Lại đây! Tiết Mộ Hoa đáp: Muốn giết thì cứ giết, ngươi nói bất luận điều gì ta cũng không nghe đâu. Lý Quỷ Lỗi reo lên: Tiết ngũ có nghĩa khí ngất trời xanh, Như Tô Vũ chăn dê thuở nọ, Ở nước Hồ mười chín năm đằng đẵng, vẫn bảo toàn danh tiết Trung Nguyên.
Đinh Xuân Thu cười khẩy, bước đến cạnh Tiết Mộ Hoa. Lão nhè nhẹ đặt tay lên vai y, tủm tỉm cười hỏi: Tiết hiền điệt! Hiền điệt luyện võ đã bao lâu? Tiết Mộ Hoa đáp thõng: Bốn mươi lăm năm. Đinh Xuân Thu thở dài nói: Công trình vất vả bốn mươi lăm năm trời không phải là ít! Ta nghe nói hiền điệt dùng y thuật chữa bệnh cho người để đổi lấy võ công, nên hiền điệt biết rất nhiều tuyệt nghệ của các môn phái, có đúng thế không? Tiết Mộ Hoa đáp: Chẳng có chi đáng kể, nhất là đối với ngươi lại càng không ăn thua gì.
Đinh Xuân Thu lắc đầu nói: Không phải thế! Nhưng người luyện võ phải lấy nội lực làm căn bản, chiêu thức làm ngọn ngành. Thành thực mà nói, nội lực Tiết hiền điệt hơi kém, nên chiêu thức dù tinh diệu đến đâu cũng không phát huy được. Hiền điệt đã hiểu nhiều tuyệt nghệ, giá tỉ qui đầu làm môn hạ phái Tinh Tú thì ta sẽ dạy cho bí pháp luyện thần công, khi nội lực đã thâm hậu thì chẳng khác gì hổ thêm cánh, tung hoành Trung Nguyên dễ như trở bàn tay.
Tiết Mộ Hoa phẫn nộ quát lên: Ta đã có sư phụ, thà đập đầu vào tường cho chết còn hơn làm môn hạ của mi. Đinh Xuân Thu vẫn mỉm cười, nói tiếp: Nếu muốn đập đầu cho chết thì cũng phải có sức lực mới đập được. Giả tỉ nội lực Tiết hiện điệt bị tiêu hủy hết sạch thì biến thành phế nhân, bước một bước cũng đã khó, còn nói gì đến chuyện đập đầu?
Tiết Mộ Hoa toát mồ hôi trán, thấy bàn tay lão đặt trên vai mình từ từ phát ra nhiệt khí, giả tỉ lão vận dụng Hóa Công Đại Pháp thì công trình rèn luyện vất vả bốn mươi lăm năm trời của mình tan thành mây khói. Y nghiến răng đáp: Ngươi là đồ mặt người dạ thú dám hạ sát cả sư huynh, thì bây giờ sát hại tám sư huynh đệ ta có chi là đáng kể? Công trình bốn mươi lăm năm vất vả bị tiêu tan dĩ nhiên đáng tiếc, nhưng tính mạng còn chẳng giữ được thì còn kể gì đến công phu?
Bao Bất Đồng đang nằm dưới đất cũng reo lên: Tiết tiên sinh nói mấy câu này thật là có khí phách. Phái Tinh Tú làm sao có được nhân vật anh hùng như thế?
Đinh Xuân Thu nói: Tiết hiền điệt! Ta không giết hiền điệt, chỉ hỏi tám câu: Hiền điệt có chữa cho nhà sư béo kia không. Ngừng một lát lão nói tiếp: Câu thứ nhất hiền điệt trả lời không chữa thì ta lập tức hạ sát đại sư huynh của hiền điệt là Khang Quảng Lăng. Câu thứ hai hiền điệt trả lời không chữa thì ta giết nhị sư huynh hiền điệt là Phạm Bách Linh. Cứ thế, đến câu thứ bảy thì ta giết bát sư đệ hiền điệt là Lý Quỷ Lỗi. Lão tủm tỉm cười hỏi tiếp: Đến câu thứ tám hiền liệt vẫn không chịu chữa thì có biết ta sẽ làm gì không?
Tiết Mộ Hoa nghe đến thủ đoạn thảm khốc như vậy, sắc mặt xám ngắt đáp: Bấy giờ ngươi sẽ giết ta, có gì quan trọng đâu? Đinh Xuân Thu cười hề hề nói: Ta không vội giết hiền điệt như vậy. Tới câu thứ tám mà hiền điệt vẫn trả lời không chữa, ta sẽ đi hạ sát một người tự xưng là Thông Biện tiên sinh, tên gọi Tô Tinh Hà!
Tiết Mộ Hoa gầm lên: Đinh lão tặc! Ngươi dám động đến sư phụ ta ư? Đinh Xuân Thu lạnh lùng đáp: Có gì mà không dám? Trước nay Tinh Tú Lão Tiên làm việc gì đều tự ý mình, không biết sợ ai. Lời ta nói bữa nay, sáng mai ta lại quên cũng không sao. Ta đã hứa với Tô Tinh Hà là nếu y câm miệng lại không nói gì nữa thì ta tha chết, nhưng hiền điệt mà chọc giận ta thì mũi không phải lái chịu đòn. Ta muốn giết y là ta giết, thiên hạ có ai làm gì nổi ta?
Tiết Mộ Hoa ruột rối như tơ vò, biết rõ lão sư thúc này việc tàn ác đến đâu cũng làm được, nếu mình không chữa cho Tuệ Tịnh thì sư phụ mình là Thông Biện tiên sinh tất chết về tay lão. Nhưng tiên sinh lại e rằng dụng ý của lão còn hiểm độc gấp mười, mình chữa cho nhà sư kia là giúp cho kẻ ác làm điều tàn bạo. Tiết Mộ Hoa trầm ngâm một lúc rồi nói: Nếu ta chữa cho vị hòa thượng đó rồi, ngươi không được làm khó dễ các bằng hữu ở đây cũng như sư phụ và sư huynh đệ ta.
Đinh Xuân Thu cả mừng đáp: Được lắm! Ta tha mấy cái mạng kiến ruồi của chúng. Đặng Bách Xuyên nói: Ai cần ngươi tha mạng? Đại trượng phu chẳng may trúng phải gian kế thì đành chết có sao? Nhưng ta tin chắc ngươi sẽ gặp báo ứng tàn khốc hơn nhiều.
Thanh âm Đặng Bách Xuyên vốn oang oang như chuông đồng, song lúc này chân khí bị tiêu tan nên tuy luận điệu khẳng khái mà giọng nói phều phào.
Bao Bất Đồng nói: Mẹ kiếp! Tiết tiên sinh chớ có mắc bẫy. Không thể tin tưởng thằng chó chết này được đâu. Tiết Mộ Hoa nói: Phải lắm!
Đinh Xuân Thu nói: Tiết hiền điệt! Ta hỏi câu thứ nhất: Hiền điệt có chịu chữa cho nhà sư béo không? Lão vừa nói vừa đưa chân phải nhằm vào huyệt thái dương Khang Quảng Lăng, tựa hồ Tiết Mộ Hoa chỉ nói nửa tiếng không, là lão phóng chân đá chết Khang Quảng Lăng lập tức. Trống ngực ai nấy đang đánh thình thình thì nghe tiếng la lớn: Không chữa! Người la lên không phải Tiết Mộ Hoa mà là Khang Quảng Lăng.
Đinh Xuân Thu cười nhạt nói: Ngươi tưởng chỉ nói vậy là ta đá chết ngay ư? Không dễ thế đâu. Lão quay lại nhìn Tiết Mộ Hoa hỏi tiếp: Phải chăng hiền diệt muốn mượn chân ta để giết chết đại sư huynh? Tiết Mộ Hoa thở dài nói: Thôi, ta đành ưng thuận chữa cho nhà sư kia là xong! Khang Quảng Lăng liền mắng Tiết Thần Y: Tiết lão ngũ! Ngươi thật chẳng ra gì. Đinh lão tặc là đại thù của sư môn ta, mà ngươi tham sinh úy tử chịu khuất phục lão ư?
Tiết Mộ Hoa đáp: Lão giết bọn sư huynh đệ chúng ta thì chẳng có chi quan hệ. Nhưng đại ca không nghe lão dọa xúc phạm tới sư phụ hay sao? Bọn Khang Quảng Lăng nghĩ đến sư phụ liền không dám nói gì nữa.
Bao Bất Đồng lên tiếng: Bọn ngươi toàn là… Gã định mắng:… _ toàn là đồ hèn nhát.,_ nhưng nói dở câu thì bị Đặng Bách Xuyên đưa tay bịt miệng lại. Bao Bất Đồng vẫn đem lòng kính nể đại huynh, đành nuốt giận không mắng nữa.
Tiết Mộ Hoa nói: Lão họ Đinh kia! Ta đã theo lời ngươi, hứa chữa cho nhà sư béo. Vậy ngươi phải đối đãi với bằng hữu ta cho lịch sự. Đinh Xuân Thu nói: Cứ theo lời ngươi.
Lão tặc bèn sai đệ tử khiêng Tuệ Tịnh vào. Tiết Mộ Hoa hỏi nhà sư mập: Ngươi bị hàn độc xâm nhập vào lục phủ ngũ tạng, thế thì trước đây đã tiếp xúc với loại độc vật gì? Tuệ Tịnh đáp: Đó là băng tằm trên núi Côn Luân. Tiết Mộ Hoa lắc đầu không hỏi thêm nữa, dùng kim châm cứu rồi lấy hai viên thuốc màu đỏ cho y uống. Sau đó Thần Y bắt đầu cứu chữa các bệnh nhân khác, nào là nối xương, nào là trị độc, bận rộn cho đến trời sáng mới xong. Những người bị thương đều có chỗ riêng biệt, kẻ thì nằm giường, kẻ nằm trên cánh cửa nghỉ ngơi điều dưỡng. Gia nhân nhà họ Tiết làm thức ăn cho mọi người điểm tâm.
Đinh Xuân Thu ăn hai bát miến rồi quay lại nhìn Tiết Thần Y cười hì hì: Hiền điệt quả là thức thời, không bỏ thuốc độc vào thức ăn. Tiết Mộ Hoa nói: Dụng độc thì khắp thiên hạ chẳng ai bằng ngươi. Ta có muốn thế cũng chỉ múa rìu qua mắt thợ.
Đinh Xuân Thu cười ha hả nói: Hiền điệt kêu gia nhân đi kiếm cho ta mười cỗ xe lừa. Tiết Mộ Hoa nói: Ngươi dùng làm gì? Đinh Xuân Thu trợn mắt lên nói: Sao hiền điệt lại hỏi việc của ta? Hiền điệt quen biết nhiều người, thuê mười cỗ xe lừa có khó khăn gì? Tiết Mộ Hoa không nói gì được, đành kêu người nhà đi thuê xe.
Vào giờ ngọ, mười cỗ xe lừa lục tục kéo đến. Đinh Xuân Thu nói: Giết hết phu xe đi! Tiết Mộ Hoa cả kinh hỏi: Sao? bỗng thấy bọn đệ tử phái Tinh Tú phóng chưởng ra một loạt, cả mười tên phu xe lăn ra chết ngổn ngang dưới đất. Tiết Mộ Hoa cả giận nói: Đinh lão tặc! Bọn phu xe có tội lỗi gì mà ngươi giết họ? Ngươi… ngươi… thật là độc ác!
Đinh Xuân Thu nói: Phái Tinh Tú giết mấy mạng người chẳng cần tính chuyện phải quấy, bàn đến lý lẽ chi hết. Bọn ngươi lên xe cả đi, không lưu lại một người nào! Lão lại giục Tiết Thần Y: Tiết hiền điệt! Hiền điệt dọn hết sách vở thuốc men cùng những đồ tùy thân đem đi! Ta sắp đốt nhà đây!
Tiết Thần Y lại càng kinh hoàng, nhưng tiên sinh biết lão này tàn ác vô kể, nói nhiều cũng vô ích. Bao nhiêu sách thuốc tiên sinh đã thuộc lòng hết, không cần đem đi nữa, nhưng những thứ cao đơn hoàn tán quí giá đã tốn công điều chế đều phải gói ghém lại. Tiên sinh tức quá mà không làm gì được, vừa rủa thầm tên độc ác, vừa thu nhặt dược liệu. Sau đó bọn đệ tử phái Tinh Tú bèn phóng hỏa đốt nhà.
Bọn Tuệ Kính, Hư Trúc sáu hòa thượng Thiếu Lâm vốn đã nhận lệnh của Huyền Nạn cố trốn về chùa báo tin, nào ngờ Đinh Xuân Thu đã bố trí chặt chẽ, chạy không xa đã bị bắt lại hết. Thế là bảy vị tăng Thiếu Lâm đứng đầu là Huyền Nạn, bốn thủ hạ của nhà Mộ Dung Cô Tô, cùng với tám sư huynh đệ Hàm Cốc Bát Hữu, tổng số mười chín người, chỉ sót một mình Tiết Mộ Hoa không sứt mẻ gì, còn lại mười tám người đều không động đậy được. Người thì bị hóa tán nội công, người bị chưởng lực của Đinh Xuân Thu đả thương, người trúng hàn độc băng tằm của Du Thản Chi, người lại trúng kịch độc của bọn đệ tử phái Tinh Tú. Thêm vào đó còn gia quyến của Tiết Mộ Hoa, tổng số mấy chục nhân mạng bị chia ra nhét vào mười cỗ xe.
Mấy tên đệ tử phái Tinh Tú thân hành ngồi đánh xe, số còn lại đều cưỡi ngựa đi theo áp tải. Bọn chúng buông rèm kín mít lại dùng dây buộc chặt, nên trong xe tối thui, mà cũng không thấy được cảnh vật bên ngoài.
Trong lòng bọn Huyền Nạn nghi ngờ khôn xiết, đều tự hỏi: Tên lão tặc này dẫn bọn ta đi đâu? Nhưng ai cũng hiểu mình có hỏi thì cũng chẳng ai trả lời, chỉ tổ bị mắng nhiếc nhục nhã, đành nghĩ thầm: Đành phải nhẫn nại, đến nơi sẽ biết.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 01 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 02 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 03 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 04 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 05 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 06 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 07 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 08 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 09 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 10 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 11 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 12 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 13 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 14 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 15 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 16 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 17 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 18 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 19 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 20 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 21 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 22 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 23 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 24 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 25 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 26 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 27 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 28 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 29 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 30 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 31 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 32 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 33 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 34 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 35 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 36 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 37 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 38 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 39 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 41 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 42 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 43 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 44 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 45 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 46 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 47 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 48 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 49 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, chương 40 tại đây.
Đọc Thiên long bát bộ, toàn tập tại đây.