Biên niên ký chim vặn dây cót | Chương 12
Biên niên ký chim vặn dây cót kể về tiếng chim vang lên trong khoảnh khắc quyết định, khi con người tỉnh thức tiếng lòng thầm kín.
· 48 phút đọc.
Trung úy Mamiya bắt đầu kể.
Tôi được đưa tới Mãn Châu bằng tàu thủy vào đầu năm 1937. Lúc ấy tôi là một thiếu úy mới toe. Người ta bổ nhiệm tôi tới Bộ Tổng Tham mưu đạo quân Quan Đông ở Tân Kinh. Hồi ở đại học tôi theo chuyên ngành địa lý nên rốt cuộc tôi được điều về Cục bản đồ quân sự, chuyên trách vẽ bản đồ.
Điều đó thật lý tưởng đối với tôi vì rằng, nói thật, công việc tôi được giao là một trong những việc nhẹ nhàng nhất người ta có thể mong được làm trong quân đội.
Ngoài ra, tình hình ở Mãn Châu tương đối bình yên, hay ít nhất là ổn định.
Sự cố Trung Hoa(14) vừa xảy ra đã đẩy vũ đài quân sự Mãn Châu vào lãnh thổ Trung Hoa. Lực lượng viễn chinh Trung Hoa mới là lực lượng đang tham chiến, còn đạo quân Quan Đông thì đang thảnh thơi. Thật ra vẫn có những chiến dịch lẻ tẻ nhằm vào các đơn vị du kích kháng Nhật nhưng chỉ diễn ra ở những vùng sâu, nói chung là giai đoạn xấu nhất đã qua. Nhiệm vụ duy nhất của đội quân Quan Đông lúc này là duy trì trật tự ở nước Mãn Châu bù nhìn độc lập vừa thành lập, đồng thời để mắt canh chừng phía Bắc.
Nhưng dù tình hình có vẻ bình an đi nữa thì vẫn đang là thời chiến, nên vẫn phải thường xuyên luyện tập. Cũng may, tôi không phải tham gia những buổi tập như vậy. Người ta phải luyện tập trong những hoàn cảnh thật kinh khủng. Nhiệt độ tụt xuống đến bốn mươi, năm mươi độ dưới không. Bước nhầm một bước trong những buổi tập kiểu đó là có thể mất mạng. Mỗi khi có buổi tập như vậy là y như rằng hàng trăm người phải vào bệnh viện vì tê cóng hoặc được đưa đến suối nước nóng để điều trị. Tân Kinh không phải là một thành phố lớn nhưng vẫn là một chốn lạ xứ người, thành thử nếu anh muốn vui chơi thì chẳng thiếu gì trò tiêu khiển. Cánh sĩ quan trẻ độc thân như tôi không sống trong doanh trại mà ở một thứ kiểu như nhà nghỉ. Nó như là kéo dài quãng đời sinh viên vậy. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, cứ đinh ninh rằng chẳng có gì phải than phiền nếu thời gian quân dịch của tôi cứ đều đều như vậy, bình an, ngày này qua ngày khác.
Dĩ nhiên, thì đó chỉ là bình an giả tạo. Ngay ngoài rìa cái vòng tròn ánh nắng nhỏ nhoi của chúng tôi, một cuộc chiến khốc liệt vẫn đang diễn ra.
Hầu hết người Nhật đều hiểu rằng cuộc chiến với Trung Hoa có thể biến thành một vũng lầy mà chúng ta sẽ không bao giờ thoát ra được. Ít nhất là người Nhật nào có cái đầu đều nhận ra điều đó. Dù chúng ta có thắng bao nhiêu trận thì cũng thế: Nhật Bản không có cách gì để tiếp tục chiếm đóng và cai trị một đất nước khổng lồ như vậy. Điều đó thật hiển nhiên, chỉ cần nghĩ cho tỉnh táo là thấy ngay. Mà rõ ràng là vậy, chiến sự càng tiếp diễn, số người chết và bị thương càng nhân lên. Quan hệ với Hoa Kỳ đã tệ càng tồi tệ. Bóng ma chiến tranh cứ ngày một u ám ngay cả tại quê nhà Nhật Bản.
Đó là những năm đen tối, 1937, 1938. Thế nhưng khi sống cuộc đời sĩ quan vô lo ở Tân Kinh, hầu như ta chỉ muốn tự hỏi: Chiến tranh? Chiến tranh nào kia? Tối nào chúng tôi cũng kéo nhau đi chè chén và bù khú, lại hay đến những quán cà phê có các cô gái người Bạch Nga.
Thế rồi, một ngày cuối năm 1938, một sĩ quan cấp cao ở Bộ Tổng Tham mưu gọi tôi lên giới thiệu tôi với một người mặc thường phục tên là Yamamoto. Y cắt tóc ngắn, để ria mép. Y không cao lớn lắm, trạc ba tư, ba lăm tuổi, có vết sẹo trên cổ trông như vì một thứ lưỡi bén nào đó. Viên sĩ quan nói với tôi: – Ông Yamamoto là thường dân. Ông ấy được quân đội thuê tiến hành khảo sát đời sống và tập tục của người Mông Cổ sống ở Mãn Châu. Lần này ông ấy sẽ đến thảo nguyên Hulunbuir gần biên giới Ngoại Mông, chúng tôi sẽ cử một đội vũ trang tháp tùng theo ông ấy. Anh sẽ là một thành viên trong nhóm này.
Tôi không tin một lời nào ông ta nói. Gã Yamamoto này mặc thường phục thật đấy, nhưng chỉ cần liếc qua ai cũng biết y là một quân nhân chuyên nghiệp. Cái nhìn trong mắt y, cách y nói, kiểu dáng đi đứng của y, lầm sao được. Tôi cho rằng y là một sĩ quan cao cấp có quan hệ với tình báo, đang thi hành một điệp vụ bí mật nên phải giấu nhẹm việc mình là nhà binh. Có cái gì đó có vẻ chẳng lành trong toàn bộ chuyện này.
Được phân công đi theo Yamamoto có ba người, kể cả tôi. Để có một đội hộ tống vũ trang hữu hiệu thì thế là quá ít, tuy rằng nếu đông người hơn thì có thể gây chú ý cho các đơn vị quân đội Ngoại Mông đang triển khai dọc biên giới. Người ta cũng có thể coi đây là trường hợp giao phó một nhiệm vụ bí mật cho một nhóm người đặc tuyển, nhưng sự thật thì hoàn toàn khác.
Trong nhóm chỉ có mình tôi là sĩ quan, mà tôi thì kinh nghiệm chiến đấu chẳng có gì. Người duy nhất mà cả nhóm có thể trông cậy nếu xảy ra chạm súng là một viên trung sĩ tên Hamano. Tôi biết rõ anh ta vì anh này được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho bộ tổng tham mưu. Anh ta là một tay gan lì, đã từ những cấp bậc thấp nhất leo lên đến hàm hạ sĩ quan, từng tỏ ra xuất sắc trong các trận đánh ở Trung Hoa. Anh ta cao lớn, rắn rỏi, không biết sợ là gì, nói gọn là, tôi tin chắc chúng tôi có thể trông cậy vào anh ta trong những lúc dầu sôi lửa bỏng. Nhưng sao người ta lại đưa cả hạ sĩ Honda vào nhóm thì tôi chịu không hiểu được. Cũng như tôi, anh ta mới chân ướt chân ráo từ Nhật sang và dĩ nhiên là chưa hề biết mùi đánh đấm. Anh ta là một tay mềm mỏng, ít nói, xem ra lúc lâm trận thì sẽ chẳng được tích sự gì. Đã vậy anh ta vốn là người của Sư đoàn Bảy, nghĩ là Bộ Tổng Tham mưu đã phải cất công sang bên đó điều động anh ta về chỉ để tham gia sứ mệnh này. Vậy ra anh ta là một người lính có giá trị lắm, nhưng mãi về sau chúng tôi mới thấy rõ tại sao.
Tôi được chọn làm trưởng nhóm hộ tống bởi nhiệm vụ chính của tôi là nghiên cứu địa hình biên giới phía Tây của Mãn Châu quốc trong lưu vực sông Khalkha. Việc của tôi là kiểm tra xem các bản đồ chúng tôi hiện có về khu vực này hoàn chỉnh đến đâu. Thậm chí tôi từng đến vùng này mấy lần bằng máy bay. Hẳn rằng tôi có mặt là để sứ mạng được hoàn thành êm đẹp.
Nhiệm vụ thứ hai của tôi là thu thập thêm thông tin chi tiết về địa hình khu vực này nhằm nâng độ chính xác của bản đồ. Một hòn đá trúng hai con chim, như người ta đã nói. Thành thật mà nói, những bản đồ chúng tôi có hồi đó về Thảo nguyên Hulunbuir giáp giới với Nội Mông chỉ là những thứ bản thô, chẳng hoàn thiện hơn là mấy so với các bản đồ cổ từ thời nhà Thanh. Đạo quân Quan Đông đã tiến hành mấy đợt vẽ bản đồ từ sau khi Mãn Châu quốc được thành lập. Họ muốn vẽ những bản đồ chính xác hơn, nhưng khu vực mà họ muốn bao quát lại quá rộng, miền Tây Mãn Châu thì chỉ là một sa mạc vô tận. Ở những vùng hoang địa mênh mông thế kia thì biên giới quốc gia chẳng có ý nghĩa gì lắm. Những người du mục Mông Cổ đã sinh sống ở đó hàng trăm năm chẳng cần tới biên giới, thậm chí không hề có ý niệm biên giới là gì.
Tình hình chính trị cũng gây cản trở cho việc vẽ bản đồ chính xác hơn. Có nghĩa là, nếu chúng tôi vội đơn phuơng đưa ra một bản đồ chính thức trình bày đường biên giới quốc gia theo ý của riêng mình thì có thể sẽ nổ ra xung đột toàn diện cấp quốc tế. Cả Liên Xô và Ngoại Mông, những nước có chung biên giới với Mãn Châu quốc, cực kỳ nhạy cảm về vấn đề xâm phạm biên giới, đã từng có mấy trường hợp giao tranh đẫm máu vì chuyện này.
Vào thời điểm đó quân đội chúng ta không có ý định đánh nhau với Liên Xô. Toàn bộ lực lượng của chúng ta đã dồn vào cuộc chiến với Trung Hoa, chẳng còn lại gì để có thể giáp chiến trên quy mô lớn với Liên Xô. Chúng tôi không có đủ sư đoàn, không đủ xe tăng, pháo binh lẫn máy bay. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh của Mãn Châu quốc vốn vẫn là một thực thể chính trị tương đối mới. Việc xác định biên giới phía Bắc và Tây Bắc có thể để sau, ý của phía quân đội là vậy. Họ muốn câu thời gian bằng cách cứ để mọi chuyện không rõ ràng. Ngay cả đạo quân Quan Đông hùng mạnh cũng theo quan điểm này và giữ thái độ chờ để xem. Hệ quả là người ta để mặc mọi chuyện bị bao trùm trong một sự mơ hồ.
Tuy nhiên, nếu dù lãnh đạo có tính toàn kỹ đến đâu đi nữa mà vẫn có sự kiện bất ngờ nào đó làm chiến tranh nổ ra (trên thực tế đã diễn ra như vậy ở Nomonhan một năm sau đó) thì phải có bản đồ mới đánh nhau được. Không phải loại bản đồ dân sự thông thường mà là bản đồ tác chiến thứ thiệt kia.
Trong chiến tranh ta cần có những bản đồ chỉ rõ phải đóng quân ở đâu, chỗ nào bố trí hỏa lực hữu hiệu nhất, bộ binh phải mất bao nhiêu ngày để đi đến chỗ kia, nguồn nước ở đâu, cần bao nhiêu thức ăn cho lũ ngựa: bao nhiêu là thông tin chi tiết cần phải có. Không có bản đồ như vậy thì không thể tiến hành chiến tranh hiện đại được. Chính vì vậy công việc của chúng tôi phần nhiều lại chồng chéo với công việc của bên tình báo, chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi thông tin với với bộ phận tình báo của đạo quân Quan Đông hay đơn vị đặc nhiệm của quân đội ở Hailar. Hai bên ai cũng biết nhau, nhưng tay Yamamoto này thì tôi chưa gặp bao giờ.
Sau năm ngày chuẩn bị, chúng tôi rời Tân Kinh đến Hailar bằng xe lửa. Từ đó chúng tôi chuyển sang xe tải, qua khu vực chùa phật giáo Tây Tạng Khan-buo thì đến trạm quan sát biên giới của đạo quân Quan Đông gần sông Khalkha. Tôi không nhớ chính xác chúng tôi đã đi bao xa, khoảng hơn ba trăm cây số gì đó. Ấy là một vùng cực hoang vu, hoàn toàn trơ trụi, nhìn ngút mắt cũng không thấy bất kỳ một cái gì. Công việc của tôi đòi hỏi phải thường xuyên đối chiếu bản đồ với địa hình thực, nhưng không có gì để tôi đối chiếu cả, chẳng có cái gì là địa thế đặc biệt may ra có thể dùng làm mốc định hướng. Đâu đâu cũng toàn những đồi gò nham nhở đầy cỏ dại kéo dài mãi không hết, đường chân trời bất tận, những đám mây trôi trên bầu trời.
Tôi chịu chẳng cách nào xác định được mình đang ở đâu trên bản đồ. Chỉ có thể đoán chừng dựa trên quãng thời gian mình đã đi mà thôi.
Đôi lúc, những khi lặng lẽ đi qua một vùng đất bao la hoang vắng đến nhường đó, ta có thể bị một ảo giác choán ngợp rằng bản thân ta, một con người riêng lẻ, đang dần dần bị tiêu biến đi. Không gian xung quanh rộng lớn đến nỗi càng lúc càng khó giữ cho cân bằng bản thân sự tồn tại của ta.
Ông có hiểu ý tôi không? Ý thức trương nở ra để lấp đầy toàn bộ cảnh quan, bị tan hòa đến độ ta không còn khả năng gắn kết nó vào nhục thể của ta. Tôi đã cảm nhận chính mình như vậy giữa lòng thảo nguyên Mông Cổ. Mênh mông quá! Giống đại dương hơn là giống cảnh sa mạc. Mặt trời mọc ở chân trời phía Đông, chậm rãi băng qua bầu trời rồi lặn xuống chân trời phía Tây.
Đó là sự thay đổi duy nhất nhìn thấy được xung quanh chúng tôi. Và trong sự chuyển động đó của mặt trời tôi cảm nhận được một cái gì khó gọi tên, một tình yêu lớn lao, có tính vũ trụ.
Ở chốt biên giới của quân đội Mãn Châu quốc, chúng tôi chuyển từ xe tải sang cưỡi ngựa. Người ta đã chuẩn bị cho chúng tôi đủ mọi thứ: bốn con ngựa để cưỡi, thêm hai con ngựa thồ mang sẵn thức ăn, nước uống và vũ khí. Chúng tôi trang bị vũ khí nhẹ. Tôi và gã tên Yamamoto chỉ mang súng lục. Hamano và Honda thì mỗi người ngoài súng lục còn mang một khẩu súng trường bộ binh M38 và hai quả lựu đạn.
Trên thực tế chỉ huy nhóm của chúng tôi là Yamamoto. Y quyết định mọi chuyện, cũng y là người ra lệnh. Bởi bề ngoài y được coi là dân thường nên theo luật nhà binh thì tôi là sĩ quan chỉ huy, song trên thực tế chẳng ai nghi ngờ rằng chính hắn mới có quyền ra lệnh. Một mặt, hắn là loại người sinh ra để làm chuyện đó, mặt khác, dù tôi mang lon trung úy nhưng kỳ thực tôi chỉ là một cây cạo giấy chưa hề biết thế nào là trận mạc. Cánh quân nhân nhìn ra ngay ai thực sự là kẻ có năng lực, và chỉ kẻ đó họ mới vâng lời mà thôi. Ngoài ra, cấp trên đã lệnh cho tôi phải tuân theo chỉ thị của Yamamoto mà không thắc mắc gì hết. Việc tôi tuân lời hắn là một điều gì đó vượt ngoài lề luật và phép tắc thông thường.
Chúng tôi đi về phía sông Khalkha rồi men theo dòng sông về phía Nam.
Dòng sông dềnh lên vì tuyết mới tan. Chúng tôi nhìn thấy những con cá lớn trong dòng nước. Đôi khi ở đằng xa thấp thoáng những con sói. Có lẽ đó không phải là sói thuần chủng mà một phần lai chó rừng, nhưng dù sao vẫn nguy hiểm. Chúng tôi phải cắt người canh gác hàng đêm để bảo vệ lũ ngựa trước bầy sói. Chúng tôi thấy nhiều chim, hầu hết là chim di trú trên đường trở về Siberia. Yamamoto và tôi thường thảo luận với nhau về các đặc điểm địa hình. Chúng tôi đối chiếu bản đồ với con đường đang đi, ghi chép cẩn thận vào sổ mọi chi tiết nhỏ mình nhận thấy. Tuy nhiên, ngoài những cuộc trao đổi chuyên môn đó, Yamamoto hầu như không nói chuyện với tôi. Y lặng lẽ thúc ngựa đi, ăn một mình chứ không ăn cùng chúng tôi, đêm thì đi ngủ mà không nói một lời. Tôi có cảm giác đây không phải là lần đầu tiên y đến vùng này. Y am hiểu địa hình, phương hướng, vân vân… một cách chính xác đến kỳ lạ.
Sau khi tiến về phương Nam được hai ngày không xảy ra sự cố gì, Yamamoto gọi riêng tôi ra bảo rằng sáng hôm sau chúng tôi sẽ vượt sông Khalkha. Tôi nghe mà sững sờ. Bờ bên kia đã là lãnh thổ Ngoại Mông.
Ngay cả bờ sông nơi chúng tôi đang đứng cũng là khu vực nguy hiểm bởi vấn đề tranh chấp biên giới. Người Mông Cổ khăng khăng rằng đấy là đất của họ. Mãn Châu quốc cũng tuyên bố đây là lãnh thổ của mình, vì vậy mà hai bên thường xuyên xung đột vũ trang. Nếu chúng tôi bị quân đội Ngoại Mông bắt ở bờ bên này thì ít ra sự bất đồng ý kiến kia giữa hai bên còn là một cái cớ để du di cho chúng tôi. Thực ra thì ít có nguy cơ chạm trán quân đội Ngoại Mông ở đây vào mùa này, bởi tuyết đang tan nên rất khó vượt sông. Nhưng bờ bên kia thì khác hẳn. Nhất định là bên kia có quân tuần tra Mông Cổ. Nếu chúng tôi bị bắt ở bên kia thì chẳng có cớ gì thanh minh được. Rõ ràng đây sẽ là một vụ xâm phạm biên giới, có thể dấy lên đủ thứ rắc rối về chính trị. Chúng tôi có thể bị bắn ngay tại chỗ, chính phủ cũng chẳng bảo vệ được. Ngoài ra, sĩ quan cấp trên không hề nói rằng chúng tôi có thể vượt qua biên giới. Dĩ nhiên người ta đã bảo tôi phải tuân lệnh Yamamoto, nhưng tôi không cách nào biết được liệu có cần phải tuân lệnh y ngay cả trong một việc nghiêm trọng như là xâm phạm biên giới không.
Thứ hai, như tôi đã nói ban nãy, sông Khalkha đang tràn bờ, dòng chảy quá mạnh khó lòng vượt qua, ấy là chưa nói nước lạnh cắt da cắt thịt. Ngay cả các bộ lạc du mục cũng chẳng vượt sông vào mùa này trong năm. Họ thường chỉ vượt sông trong mùa đông khi sông đã đóng băng, hoặc vào mùa hè khi dòng chảy êm, nước ấm.
Khi tôi nói hết những điều đó với Yamamoto, y nhìn tôi chằm chằm một lát.
Đoạn y gật gật đầu mấy cái. – tôi hiểu nỗi lo của anh về việc xâm phạm biên giới, – y nói, vẻ có phần kẻ cả.
– Với một sĩ quan có những người cấp dưới trong tay thì cân nhắc vấn đề trách nhiệm trong những chuyện như thế là điều tự nhiên. Anh không bao giờ muốn cho thuộc cấp của mình phải nguy hiểm đến tính mạng nếu không có lý do chính đáng. Nhưng anh cứ để chuyện ấy cho tôi. Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc này. Tôi không thể giải thích nhiều với anh, nhưng việc này đã được thông qua ở cấp cao nhất của quân đội. Về chuyện vượt sông thì anh đừng lo, chúng ta chẳng bị trở ngại gì về mặt kỹ thuật cả. Có một chỗ kín đáo, ít người biết, ở đó ta có thể vượt sông. Quân đội Ngoại Mông đã xây dựng một số điểm như vậy. Chuyện đó thì hẳn anh cũng biết rõ. Bản thân tôi đã vượt sông mấy lần tại điểm đó vào mùa này. Năm ngoái tôi đã vào lãnh thổ Ngoại Mông cũng vào mùa này, chính tại chỗ đó. Anh chẳng việc gì phải lo.
Y nói đúng ở một điểm. Quân đội Ngoại Mông, vốn biết rõ khu vực này như lòng bàn tay, từng cử các đơn vị chiến đấu – tuy không nhiều lắm – đến phía bên này sông trong mùa tuyết tan. Đã vậy thì họ cũng có thể đưa sang hàng đạo quân nếu muốn. Và một khi họ đã có thể vượt sông thì gã Yamamoto này cũng vượt được, và chẳng có lý nào những kẻ còn lại trong bọn tôi thì không.
Hiện chúng tôi đang đứng tại một trong những điểm vượt sông bí mật mà quân đội Ngoại Mông đã xây dựng. Nó được ngụy trang khéo léo, thoạt nhìn khó nhận ra. Một cây cầu bằng ván ghép chìm dưới nước, hai đầu buộc chắt bằng thừng để trụ lại giữa dòng nước xiết, nối liền hai chỗ cạn ở hai bên bờ sông. Xe chở lính, xe thiết giáp, xe tăng chỉ cần ngập bánh dưới nước một chút là có thể vượt sông bằng cây cầu này. Do cầu được phủ kín dưới nước nên máy bay thám thính không bao giờ phát hiện được. Chúng tôi băng qua dòng nước xiết bằng cách bám theo dây thừng. Yamamoto đi đầu để kiểm tra xem có lính tuần canh của Ngoại Mông hay không, chúng tôi theo sau y. Chân chúng tôi tê dại trong nước lạnh cắt da, nhưng người ngựa vẫn cố sang tới được bờ bên kia sông Khalkha. Bờ bên kia cao hơn nhiều, đứng ở đó chúng tôi có thể trông xa hàng nhiều dặm về sa mạc bao la phía bên này sông. Đây là một lý do khiến quân đội Xô Viết đã luôn luôn có lợi thế hơn khi trận Nomonhan nổ ra. Sự khác biệt về cao độ cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của hỏa lực. Dù thế nào đi nữa, tôi nhớ mình đã thật sửng sốt thấy cảnh quan hai bên bờ khác nhau đến vậy. Tôi cũng nhớ, mất một hồi lâu lắm mới lại có cảm giác ở đôi chân phải ngâm quá lâu trong làn nước băng giá. Thậm chí mãi một hồi tôi mới lên tiếng lại được.
Nhưng, tình thật, duy sự căng thẳng khi nhớ ra mình đang ở trên lãnh địa kẻ thù cũng đủ khiến chúng tôi quên phắt cái lạnh.
Chúng tôi men theo dòng sông về phía Nam. Như con rắn ngoằn ngoéo uốn khúc, dòng Khalkha chảy phía dưới chúng tôi, về bên trái. Ngay sau khi vượt sông, Yamamoto khuyên chúng tôi lột bỏ hết quân hàm, chúng tôi liền làm theo. Hẳn là vì những thứ này sẽ chỉ gây thêm rắc rối nếu chúng tôi bị địch bắt. Vì lý do đó, tôi tháo đôi ủng sĩ quan và chuyển sang đi ghệt.
Tối hôm đó chúng tôi đang cắm trại thì một người đàn ông từ xa cưỡi ngựa đến gần chúng tôi. Y là người Mông Cổ. Người Mông Cổ dùng thứ yên ngựa cao khác thường cho nên dễ nhận ra họ từ xa. Vừa nhác thấy kẻ đang lại gần, trung sĩ Hamano liền chộp ngay khẩu súng trường, nhưng Yamamoto bảo anh ta đừng bắn. Hamano chầm chậm hạ súng xuống, chẳng nói chẳng rằng. Bốn chúng tôi đứng đó, đợi người kia lại gần. Y đeo ngang lưng một khẩu súng trường của Liên Xô, một khẩu súng Mauser giắt ở lưng. Mặt y râu quai nón xồm xoàm, đầu đội mũ có che tai. Bộ quần áo bẩn thỉu của y giống của dân du mục, nhưng nhìn phong thái của y có thể biết ngay rằng y là quân nhân chuyên nghiệp.
Gã đàn ông xuống ngựa nói với Yamamoto bằng một thứ tiếng tôi cho là tiếng Mông Cổ. Tôi biết chút ít cả tiếng Nga lẫn tiếng Trung Hoa, nhưng đây không phải tiếng này cũng chẳng phải tiếng kia, vậy ắt là tiếng Mông Cổ. Yamamoto trả lời người kia cũng bằng thứ tiếng đó. Điều này càng khiến tôi tin chắc Yamamoto là sĩ quan tình báo.
Yamamoto bảo tôi: – Này Trung úy Mamiya, tôi sẽ đi cùng người này. Tôi không biết sẽ đi bao lâu, nhưng tôi muốn các anh chờ ở đây, dĩ nhiên là phải luôn luôn cảnh giác. Nếu trong vòng ba mươi sáu giờ mà tôi chưa trở về, các anh phải báo cáo với bộ tham mưu. Hãy cử một người vượt sông trở về chốt quan sát của quân đội Mãn Châu quốc.
Nói xong, y lên ngựa cùng với người Mông Cổ ruổi về phía Tây.
Dựng trại xong, ba chúng tôi dùng bữa tối đạm bạc. Chúng tôi không thể nấu nướng hay đốt lửa. Thảo nguyên mênh mông này nhìn đâu cũng chỉ thấy rặt những gò cát thấp, không có một cái gì che chắn chúng tôi, nên chỉ cần một làn khói nhỏ cũng đủ để chúng tôi bị tóm cổ lập tức. Chúng tôi dựng lều thấp dưới các đụn cát, chỉ ăn bánh quy khô và thịt hộp nguội. Khi mặt trời đã lặng dưới chân trời, bóng tối nhanh chóng trùm lên chúng tôi, bầu trời nhiều sao đến mức khó tin. Xa xa có tiếng sói tru lẫn trong tiếng gầm gào của dòng sông Khalkha. Chúng tôi nằm dài trên cát nghỉ ngơi sau một ngày kiệt lực.
Trung sĩ Hamano bảo tôi: – Xem ra chúng ta đặt chân vào hiểm địa rồi đây, trung úy à.
Tôi đành phải đồng ý với anh ta. Cho tới khi đó, ba chúng tôi – trung sĩ Hamano, hạ sĩ Honda và tôi – đã khá hiểu nhau. Thói thường, một hạ sĩ quan dày dạn súng đạn như hạ sĩ Hamano sẽ giữ thái độ xa cách và khinh khỉnh đối với một sĩ quan trẻ non nớt như tôi, nhưng trường hợp chúng tôi thì khác. Anh ta tôn trọng tôi vì tôi có học vấn, đã tốt nghiệp một trường không phải là trường nhà binh, tôi thì thực lòng quan tâm đến kinh nghiệm trận mạc và óc phán xét đầy thực tiễn của anh ta mà không coi trọng chuyện cấp bậc. Chúng tôi còn dễ nói chuyện với nhau bởi anh ta quê ở Yamaguchi còn tôi ở Hiroshima, không xa Yamaguchi. Anh ta kể tôi nghe về cuộc chiến ở Trung Hoa. Anh ta là người lính từ đầu đến chân, học vấn võ vẽ hết cấp tiểu học, nhưng anh ta cũng có nỗi hoài nghi về cái cuộc chiến trần ai tưởng như không bao giờ dứt này ở đại lục. Anh ta bộc bạch với tôi. – tôi không nề hà chuyện đánh nhau. Tôi là người lính. Tôi sẵn sàng chết trên chiến trường vì tổ quốc, bởi vì đó là việc của tôi. Nhưng cái cuộc chiến mà chúng ta đang lâm vào ấy, trung úy à, nó không chính đáng đâu. Nó không phải là cuộc chiến thật, không có chiến tuyến nơi ta giáp mặt quân địch mà đánh tới nơi tới chốn. Chúng ta tiến, còn địch thì rút lui không đánh. Rồi lính Trung Hoa họ cởi hết quân phục mà trà trộn vào dân thường, thế là chúng ta chẳng còn biết kẻ thù là ai nữa. Vậy nên chúng ta giết nhiều người vô tội với cái cớ là tiêu diệt bọn nổi loạn hay đám tàn quân và tịch thu thực phẩm. Chúng ta buộc phải cướp đồ ăn của họ vì chiến tuyến di chuyển quá nhanh nên hậu cần của ta không theo kịp. Và ta buộc phải giết tù binh vì không biết giam chúng ở đâu hay lấy gì cho chúng ăn. Thế là sai, trung úy ạ. Chúng ta đã làm những chuyện kinh khủng ở Nam Kinh. Chính đơn vị tôi làm. Chúng tôi quẳng hàng tá người xuống giếng rồi ném lựu đạn xuống theo. Có những chuyện chính mình đã làm mà bây giờ không sao mở miệng nói ra được. Trung úy ạ, tôi nói với anh rằng đây là một cuộc chiến hoàn toàn không có Lý do Chính đáng nào hết. Chỉ là hai bên giết nhau thôi. Những người chịu chết chóc đau thương hóa ra toàn là đám nông dân nghèo khổ, họ thì có biết chính trị hay ý thức hệ là cái gì đâu. Với họ thì chả có Quốc dân đảng, chả có Thống chế Trương(15), chả có Bát lộ quân nào hết. Có cái ăn là họ hạnh phúc rồi. Tôi biết cảm nghĩ họ ra sao, vì chính tôi là con một ngư dân nghèo. Những người thấp cổ bé họng làm quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ vừa đủ cầm xác. Tôi không tin, giết những người như vậy mà hoàn toàn không có lý do gì hết thì liệu có tốt lành gì cho nước Nhật.
Khác với trung sĩ Hamano, hạ sĩ Honda chẳng có gì nhiều để nói về mình.
Nói chung, anh ta là một tay ít nói. Anh ta thường im lặng nghe chúng tôi nói chuyện mà không chêm nhận xét của mình vào. Nhưng bảo rằng anh ta ít nói vậy thôi, chứ thật ra anh ta không phải là loại người bản tính lầm lì khó chịu hay rầu rĩ. Chỉ là anh ta ít khi tự mở miệng. Thực sự là điều đó khiến tôi thỉnh thoảng lại tò mò không biết anh ta đang nghĩ gì, nhưng anh ta hoàn toàn không phải là kẻ khó gần. Thậm chí, chính phong thái bình thản của anh ta nhiều khi lại làm người khác thấy nhẹ lòng. Anh ta quả thật là điềm tĩnh. Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, anh ta không hề đổi sắc mặt. Tôi được biết anh ta quê ở Asahikawa, ở đó cha anh ta có một nhà in nhỏ. Anh ta kém tôi hai tuổi. Sau khi học xong, anh ta cùng các anh trai làm việc cho nhà in của cha. Anh ta là em út trong ba anh em, người anh cả thì đã bị giết ở Trung Hoa hai năm về trước. Anh ta thích đọc sách, hễ rảnh được phút nào là y như rằng tôi thấy anh ta cuộn tròn một góc mà đọc cuốn sách nào đó về đề tài Phật giáo.
Như tôi đã nói, Honda hoàn toàn không có kinh nghiệm chiến đấu thực tế, nhưng dù chỉ mới được huấn luyện một năm, anh ta đã là một người lính kiệt xuất. Trong mỗi trung đội luôn luôn có một hai người như vậy, những người luôn luôn nhẫn nại, bền gan, thực hiện đến cùng nghĩa vụ của mình không một lời ta thán. Thể chất khỏe mạnh, phản xạ tuyệt hảo, họ hiểu ngay lập tức những gì được chỉ bảo và áp dụng chính xác vào thực tế. Honda là một người như vậy. Và do được đào tạo về kỵ binh nên anh ta là người biết rõ nhất về loài ngựa; anh ta lãnh phần chăm sóc cả sáu con mà chúng tôi mang theo. Đôi khi chúng tôi cảm thấy dường như anh ta hiểu tâm trạng lũ ngựa đến từng chân tơ kẻ tóc. Trung sĩ Hamano thừa nhận ngay khả năng của hạ sĩ Honda và giao phó cho anh ta ngần ấy việc mà không chút băn khoăn.
Vậy nên tuy đơn vị chúng tôi khác thường, chắp vá là vậy nhưng chúng tôi hết sức hiểu nhau. Và chính bởi không phải là một đơn vị bình thường nên chúng tôi không hề câu nệ những thứ quy tắc nhà binh theo sách vở. Chúng tôi rất thoải mái, cởi mở với nhau, gần như là Nghiệp quả đã đưa chúng tôi đến với nhau vậy. Chính vì thế trung sĩ Hamano mới có thể nói thẳng với tôi những gì vượt ngoài cái khuôn phép bất di bất dịch giữa sĩ quan với hạ sĩ.
– Trung úy này, – có lần anh ta hỏi, – ông nghĩ thế nào về tay Yamamoto kia? – tôi dám đánh cuộc là mật vụ, – tôi nói.
– Nếu không phải chuyên gia thì làm sao nói tiếng Mông Cổ như thế được. Lại còn thông thạo vùng này như lòng bàn tay nữa. – tôi cũng nghĩ như vậy. Ban đầu tôi cứ nghĩ hắn là một trong những bọn đạo tặc chuyên cưỡi ngựa thông đồng với đám sĩ quan chóp bu, nhưng hóa ra không phải. Lũ ấy tôi còn lạ gì. Chúng nó đã mở mồm là nói rạc tai, mười phần hết năm phần là bịa. Rút súng thì nhanh như chớp. Nhưng tay Yamamoto này thì không phải hạng xoàng. Hắn là tay tổ đấy. Sĩ quan cao cấp, rất cao nữa là khác. Chuyện ấy thì đứng xa một dặm tôi cũng ngửi ra.
Tôi nghe nói quân ta muốn kết hợp đơn vị tác chiến bí mật nào đó với những người Mông Cổ thuộc quân đội do Liên Xô đào tạo, và người ta đã đưa sang một số chuyên viên mật vụ để lo chiến dịch này. Có thể Yamamoto có liên quan đến vụ này.
Hạ sĩ Honda đang cầm súng đứng canh ở cách chúng tôi một quãng. Tôi đặt khẩu Browning ngay bên cạnh để có thể chộp lấy bất cứ lúc nào. Trung sĩ Hamano đã tháo ghệt ra và đang xoa bó chân.
– Dĩ nhiên là tôi chỉ đoán thế thôi, – anh ta nói thêm.
– Gã Mông Cổ mà chúng ta gặp có thể là một sĩ quan quân đội Mông Cổ đang chống người Liên Xô và cố tiếp xúc bí mật với quân đội Nhật.
– Cũng có thể, – tôi nói.
– Nhưng anh nhớ giữ mồm giữ miệng, kẻo người ta chặt đầu đấy.
– Nào, nào, trung úy, tôi đâu có ngu thế. Chuyện này chỉ giữa hai chúng ta thôi, – anh ta nhe răng cười với tôi, rồi trở nên nghiêm trang.
– Nhưng nếu đúng vậy thật thì nguy hiểm lắm. Khéo mà chiến tranh như chơi.
Tôi gật đầu đồng tình. Ngoại Mông về hình thức là một nước độc lập, nhưng thực chất là một xứ vệ tinh của Liên Xô. Theo nghĩa đó thì nó chẳng khác là bao so với Mãn Châu quốc, nơi quyền hành thực sự nằm trong tay người Nhật. Nhưng ai cũng biết, ở Ngoại Mông có một nhóm chống Liên Xô, nhóm này đã bí mật liên hệ với quân đội Nhật ở Mãn Châu quốc, các thành viên nhóm này đã dấy lên nhiều cuộc nổi loạn. Hạt nhân của thành phần nổi loạn này là các quân nhân Mông Cổ bất mãn với sự chuyên quyền của quân đội Xô Viết, tầng lớp địa chủ chống lại chính sách tập trung hóa cưỡng bức trong nông nghiệp và các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng – số này có tới hàng trăm người. Thế lực nước ngoài duy nhất mà nhóm chống Liên Xô này có thể xin trợ giúp là quân đội Nhật đang đóng quân tại Mãn Châu quốc. Vả lại so với người Nga thì rõ ràng người Nhật chúng ta gần gũi họ hơn bởi đều là người châu Á, đồng chủng da vàng. Một năm trước đó, 1937, một kế hoạch nổi dậy quy mô lớn ở thủ đô Ulan Bator đã bị lộ, hậu quả là xảy ra những cuộc thanh trừng quy mô lớn. Hàng ngàn quân nhân và tu sĩ Phật giáo bị hành hình như những phần tử phản cách mạng cấu kết với quân đội Nhật, nhưng tâm trạng chống Nhật vẫn cứ âm ỉ nơi này nơi khác.
Thành thử nếu có một sĩ quan tình báo Nhật vượt sông Khalkha để bắt liên lạc với một sĩ quan chống Liên Xô thuộc quân đội Ngoại Mông thì cũng chẳng có gì lạ. Để ngăn chặn việc đó, quân đội Ngoại Mông đã cử các đơn vị tuần tra thường xuyên đi tuần và tuyên bố toàn bộ dải lãnh thổ cách biên giới Mãn Châu quốc từ mười tới mười hai cây số là vùng cấm. Tuy nhiên vùng này quá rộng nên dẫu có tuần tra cũng không thể nào để mắt tới từng li từng tí một.
Cho dù cuộc nổi dậy của họ có thành công đi nữa, chắc chắn quân đội Liên Xô sẽ lập tức can thiệp để bóp chết hoạt động phản cách mạng của họ. Nếu điều đó xảy ra, những người nổi dậy sẽ yêu cầu quân đội Nhật giúp đỡ, đó sẽ là cái cớ để đạo quân Quan Đông của Nhật can thiệp. Chiếm Ngoại Mông thì chẳng khác nào thọc dao vào mạng sườn của Liên Xô ở Siberia.
Bộ tổng tham mưu ở Tokyo hẳn sẽ cố kiềm chế cơn hăng đó, nhưng đây là một cơ hội mà bộ tham mưu đạo quân Quan Đông vốn đầy tham vọng chẳng dễ gì bỏ qua. Hậu quả sẽ không chỉ là xung đột biên giới mà là chiến tranh tổng lực giữa Liên Xô và Nhật. Nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra trên vùng biên giới Mãn Châu – Liên Xô, Hitler có thể đáp trả bằng cách chiếm Ba Lan hay Tiệp Khắc. Đó chính là tình huống mà hạ sĩ Hamano đã nói khi nhận xét về khả năng xảy ra chiến tranh.
Sáng hôm sau, mặt trời đã mọc mà Yamamoto vẫn chưa trở về. Tôi là người cuối cùng canh gác. Tôi mượn súng trường của trung sĩ Hamano, ngồi trên một đụn cát có phần cao hơn mà ngắm bầu trời phía Đông. Bình minh ở Mông Cổ là một điều kỳ diệu. Chỉ trong khoảnh khắc, chân trời trở thành một dải sáng mờ treo trong bóng tối, rồi cái dải sáng ấy dâng lên, mỗi lúc một cao hơn. Dường như có một bàn tay vĩ đại tự trên trời vươn xuống chầm chậm kéo tấm màn đêm ra khỏi mặt đất. Cảnh tượng đó thật kỳ vĩ, một cảnh tượng mà, như tôi đã nói, lớn lao hơn rất nhiều so với tất cả những gì tôi có thể lĩnh hội được với những giác quan hạn hẹp của con người. Tôi ngồi đó ngắm nhìn, trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác rằng chính sự sống của tôi đang dần dần tiêu biến thành hư vô. Ở cõi hư vô đó không có dấu vết gì của những thứ vô nghĩa như những việc làm nhỏ nhặt của con người. Cũng một cảnh tượng này từng xảy ra hàng triệu lần, hàng trăm triệu lần, từ thời thái cổ, từ rất lâu trước khi tồn tại bất cứ thứ gì gọi là sự sống trên Trái Đất. Quên khuấy rằng mình đang đứng gác, tôi như bị thôi miên, ngắm mãi cảnh bình minh của một ngày mới.
Sau khi mặt trời đã hiện rõ phía trên chân trời, tôi châm điếu thuốc, nhấp một ngụm nước trong biđông và đi tiểu. Rồi tôi nghĩ về nước Nhật. Tôi hình dung thành phố quê hương vào đầu tháng Năm – hương hoa, tiếng rì rào của dòng sông, những đám mây trên bầu trời. Bạn cũ. Gia đình. Vị ngọt của chiếc bánh gạo nong nóng gói trong lá sồi. Tôi vốn không ưa của ngọt, nhưng sao sáng hôm đó tôi thèm một cái bánh mochi đến chết được. Giá như khi đó có thể trả nửa năm lương sĩ quan để mua một cái thì tôi cũng mua. Và khi nghĩ đến nước Nhật, tôi đâm ra cảm thấy mình đã bị bỏ rơi ở bên lề thế giới. Tại sao chúng tôi phải liều mạng chiến đấu cho cái mảnh đất trơ trụi không có chút giá trị về quân sự hay công nghiệp này, cái vùng đất nơi không gì sống được ngoài cỏ dại và trùng độc này? Tôi, tôi cũng sẵn sàng chiến đấu và chết để bảo vệ quê hương. Nhưng hy sinh mạng sống chỉ có một này cho cái rẻo đất hoang vu nơi không thứ hạt nào có thể nảy mầm thì thật quá vô nghĩa.
…
Sáng tinh mơ ngày hôm sau thì Yamamoto trở về. Lúc ấy tôi cũng là người cuối cùng đứng gác. Tôi đang đứng xoay lưng lại dòng sông, mắt dõi về phía Tây thì nghe một âm thanh như tiếng ngựa hí ở đằng sau. Tôi quay lại nhưng chẳng thấy gì. Tôi nhìn chăm chăm về phía âm thanh đó phát ra, trong tư thế sẵng sàng nổ súng. Tôi nuốt nước bọt, cái âm thanh từ trong chính cổ họng mình to đến nỗi tôi rùng mình. Ngón tay đặt lên cò súng của tôi run run. Từ trước đến nay tôi chưa từng phải bắn ai cả.
Chỉ mấy giây sau, một con ngựa lảo đảo đi qua triền cong một đụn cát, trên lưng nó là Yamamoto. Tôi nhìn quanh, ngón tay đặt trên cò súng, nhưng không còn ai khác xuất hiện – gã Mông Cổ không, quân địch cũng không.
Vầng trăng to tướng trắng bệch treo trên nền trời phía Đông như một tảng đá mang điềm gở. Tay trái của Yamamoto hình như bị thương. Chiếc khăn mùi xoa hắn dùng buộc quanh cánh tay bê bết máu. Tôi đánh thức hạ sĩ Honda dậy trông nom con ngựa. Rõ ràng con vật đã phải phi nước đại suốt một quãng đường dài, nó thở hổn hển, toàn thân đầm đìa mồ hôi. Hamano gác thay tôi, còn tôi lo sơ cứu vết thương cho Yamamoto.
– Đạn chỉ sượt qua thôi, máu ngừng chảy rồi, – Yamamoto bảo. Y nói đúng: viên đạn chỉ xé rách thịt mà không phạm vào xương. Tôi tháo chiếc khăn mùi xoa ra, dùng cồn sát trùng miệng vết thương rồi băng lại. Trong suốt thời gian đó Yamamoto thậm chí không nhíu mày, duy có môi trên y đọng một lớp mồ hôi mỏng. Y uống ừng ực nước trong biđông, đốt một điếu thuốc và rít với vẻ khoan khoái ra mặt. Đoạn y rút khẩu Browning ra, kẹp dưới nách, tháo băng đạn và khéo léo dùng một tay nạp ba viên đạn vào.
– Này, Trung úy Mamiya, chúng ta rời khỏi đây ngay. Vượt sông đi về phía chốt quan sát của quân đội Mãn Châu quốc.
Chúng tôi nhanh chóng dỡ trại, hầu như không nói một lời, lên ngựa ruổi về phía chỗ vượt sông. Tôi không hỏi Yamamoto xem chuyện gì đã xảy ra với y, ai đã bắn y. Vị trí của tôi không cho phép, nhưng thậm chí dù tôi có quyền hỏi đi nữa, vị tất y đã trả lời. Ý nghĩ duy nhất của tôi lúc đó là làm sao đi khỏi lãnh địa của kẻ thù càng sớm càng tốt, vượt sông Khalkha sang bờ bên kia nơi tương đối an toàn.
Chúng tôi lầm lũi đi, thúc ngựa qua bình nguyên đầy cỏ. Không ai nói năng gì, nhưng tất cả đều nghĩ cùng một điều: liệu chúng tôi có thể vượt sông hay không? Nếu một toán tuần tiễu Mông Cổ đã tới chỗ cây cầu trước chúng tôi thì mạng chúng tôi coi như xong. Nếu đánh nhau thì chẳng có cách nào chúng tôi thắng được. Tôi nhớ khi đó mồ hôi chảy ròng ròng dưới hai cánh tay tôi, mãi không khô.
– Này Trung úy Mamiya, anh đã bắn bao giờ chưa?
– Sau một hồi im lặng, Yamamoto hỏi tôi.
– Chưa bao giờ, – tôi đáp.
– Anh đã bắn ai bao giờ chưa?
– Chưa bao giờ, – tôi lại đáp.
Tôi chịu không biết những câu trả lời của tôi gây ấn tượng thế nào với y, cũng không biết y hỏi vậy có mục đích gì.
– Trong này có một tài liệu cần chuyển cho ban tham mưu, – y vừa nói vừa đặt tay lên túi yên ngựa.
– Nếu không chuyển được thì phải hủy đi – đốt cũng được, chôn cũng được, nhưng dù trong hoàn cảnh nào cũng không được phép rơi vào tay địch. Không được phép, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là ưu tiên số một của chúng ta. Tôi muốn anh hiểu rõ điều đó. Quan trọng lắm, hết sức quan trọng. – tôi hiểu, – tôi nói.
Yamamoto nhìn thẳng vào mắt tôi.
– Nếu rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, việc đầu tiên anh phải làm là bắn tôi.
Không được chần chừ. Nếu tự làm được thì tôi đã làm. Nhưng tay tôi bị thế này thì tôi không làm được. Trong trường hợp đó, anh phải bắn tôi. Mà đã bắn là phải chắc chết.
Tôi lẳng lặng gật đầu.
…
Khi chúng tôi đến chỗ vượt sông ngay trước khi mặt trời mọc, nỗi sợ đã dày vò tôi trên suốt đường đi tỏ ra hoàn toàn có cơ sở. Một toán nhỏ quân Mông Cổ đã triển khai ở đó. Yamamoto và tôi leo lên một đụn cát cao, chuyền nhau ông nhòm để quan sát bọn họ. Có tám người tất cả, không đông lắm, nhưng so với một toán tuần tra biên giới thì nhóm này được trang bị quá nhiều. Một người mang súng máy nhẹ, lại còn một súng máy hạng nặng đặt trên một mô đất cao, chung quanh chất bao cát, nòng hướng về phía đông.
Hiển nhiên là họ bố trí ở đây để ngăn không cho chúng tôi băng sang bờ bên kia. Họ đã neo lều bên bờ sông và buộc mười con ngựa ở gần đó. Xem ra họ sẽ lưu lại đây cho tới khi nào tóm được chúng tôi mới thôi.
– Liệu ta có thể dùng chỗ cạn nào khác để vượt không? – tôi hỏi.
Yamamoto rời mắt khỏi ống nhòm nhìn tôi mà lắc đầu.
– Có, nhưng rất xa. Đi ngựa phải mất hai ngày. Ta không có nhiều thời gian như thế đâu. Ta chỉ có thể vượt sông ở đây, bằng bất cứ giá nào.
– Nghĩa là ta sẽ vượt sông vào ban đêm?
– Đúng. Đó là cách duy nhất. Ta để ngựa lại đây. Ta sẽ thanh toán tên lính gác, bọn còn lại thì hẳn đang ngủ say. Đừng lo, dòng sông sẽ ỉm đi hầu hết tiếng động. Tôi sẽ lo phần tên gác. Từ giờ đến đó ta chẳng có gì làm cả, nên tốt nhất là đi ngủ, tranh thủ chút cơ hội mà nghỉ ngơi.
Chúng tôi ấn định chiến dịch vượt sông sẽ diễn ra lúc ba giờ sáng. Hạ sĩ Honda dỡ hết hành trang khỏi lưng ngựa, dẫn ngựa đến một chỗ xa rồi thả chúng ra. Chúng tôi đào một cái hố sâu, chôn xuống đó chỗ đạn dược và thức ăn thừa. Mỗi người chỉ còn mang một biđông nước, phần ăn đủ một ngày, một khẩu súng, vài viên đạn. Nếu trạm trán quân Mông Cổ thì với hỏa lực vượt trội của bọn họ chúng tôi không cách gì thắng được dù có nhiều đạn đến mấy. Tạm thời thì chúng tôi cố ngủ được chút nào hay chút ấy, bởi khi đã vượt sông thì chắc hẳn sẽ không còn thì giờ đâu mà ngủ nữa. Hạ sĩ Honda gác đầu tiên, kế đó trung sĩ Hamano sẽ thay.
Duỗi dài trong lều, Yamamoto thiếp đi ngay lập tức. Xem ra đã suốt một thời gian dài y không hề chợp mắt. Cạnh gối y là một chiếc vali da, y đã cất tài liệu bí mật vào trong đó. Chúng tôi ai cũng kiệt sức, nhưng tôi căng thẳng quá nên không ngủ được. Tôi nằm đó hồi lâu, buồn ngủ đến chết được nhưng vẫn thức chong chong, trong đầu cứ hình dung cảnh chúng tôi giết tên lính gác và bị khẩu súng máy nã đạn như vãi trấu khi vượt sông.
Hai lòng bàn tay tôi nhớp nháp mồ hôi, thái dương tôi giần giật. Tôi chẳng biết liệu đến khi đó mình có khả năng hành xử cho đáng mặt sĩ quan không.
Tôi bò ra khỏi lều, đến ngồi cạnh hạ sĩ Honda đang ngồi gác.
– Honda này, anh biết đó, chúng ta đến chết cả nút ở đây thôi.
– Khó mà nói được, – anh ta đáp.
Chúng tôi ngồi một lát, không ai nói gì. Nhưng có cái gì đó trong câu trả lời của anh ta khiến tôi băn khoăn – có một giọng điệu nào đó hàm ý biết chắc chắn. Linh cảm vốn không phải là thế mạnh của tôi, nhưng tôi biết câu nhận xét mơ hồ của anh ta có ý che giấu điều gì đó. Tôi quyết định gặng hỏi anh ta.
– Nếu anh có gì để nói với tôi thì đừng giữa kín nữa, – tôi bảo.
– Đây có thể là lần cuối cùng chúng ta trò chuyện với nhau, có thể nói vậy.
Honda cắn môi, vuốt vuốt lên chỗ cát dưới chân. Tôi biết anh ta đang vật lộn với những tình cảm mâu thuẫn nhau.
– Trung úy ạ, – lát sau anh ta nói. Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi, – Trong bốn chúng ta, trung úy sẽ là người sống lâu nhất, lâu hơn trung úy tưởng nhiều.
Trung úy sẽ chết ở Nhật.
Giờ đến lượt tôi nhìn anh ta. Anh ta nói tiếp: – Hẳn trung úy đang tự hỏi làm sao tôi biết, nhưng điều đó thì chính tôi cũng không giải thích được. Tôi biết, thế thôi.
– Anh có khả năng ngoại cảm à?
– Có thể, có điều cái ấy không chính xác lắm với những gì tôi cảm nhận được. Nó hơi quá to tát. Như tôi vừa nói, tôi biết, chỉ có thế thôi.
– Xưa nay anh có luôn cảm thấy như thế không?
– Luôn luôn, – anh ta đáp rành mạch.
– Nhưng tôi giấu mãi không cho ai biết, cho tới khi đủ lớn để hiểu đó là cái gì. Nhưng đây là chuyện sinh tử, trung úy ạ, và bởi tự trung úy hỏi nên tôi mới kể thật với trung úy.
– Còn những người khác thì sao? Anh có biết những người khác thì chuyện gì sẽ xảy ra với họ không? Anh ta lắc đầu.
– Có điều tôi biết, có điều không. Nhưng có lẽ trung úy không biết thì hơn, trung úy ạ. Kẻ như tôi mà lại đi nói chuyện to tát thế này với người có học như trung úy thì có lẽ hơi hồ đồ, nhưng vận mệnh con người, ta chỉ có thể ngoái nhìn khi nó đã đi qua chứ không thể nhìn trước được. Tôi có ít nhiều kinh nghiệm về những chuyện như vậy, còn trung úy thì không.
– Dù sao thì, như anh nói, tôi sẽ không chết ở đây sao? Anh ta vốc đầy cát vào bàn tay rồi để cát trôi đi qua những kẽ ngón tay.
– Chuyện đó thì tôi nói được, trung úy ạ. Trung úy sẽ không chết trên đại lục này đâu.
Tôi còn muốn hỏi nữa về chuyện đó, nhưng hạ sĩ Honda không chịu tiết lộ thêm. Dường như anh ta đắm vào những suy tư hay chiêm nghiệm của mình. Súng cầm tay, anh ta nhìn đăm đăm ra thảo nguyên mênh mông. Anh ta như không nghe thấy những gì tôi nói nữa.
Tôi trở lại chỗ cái lều buộc thấp dưới bóng một đụn cát, nằm xuống cạnh trung sĩ Hamano, nhắm mắt lại. Lần này giấc ngủ đến ngay lập tức, một giấc ngủ sâu hoắm như thể nắm gót chân tôi mà lôi tuột xuống đáy biển.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 01 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 02 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 03 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 04 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 05 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 06 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 07 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 08 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 09 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 10 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 11 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 12 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 13 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 14 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 15 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 16 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 17 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 18 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 19 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 20 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 21 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 22 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 23 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 24 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 25 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 26 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 27 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 28 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 29 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 30 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 31 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 32 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 33 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 34 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 35 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 36 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 37 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 38 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 39 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 40 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 41 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 42 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 43 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 44 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 45 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 46 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 47 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 48 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 49 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 50 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 51 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 52 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 53 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 54 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 55 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 56 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 57 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 58 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 59 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 60 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 61 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 62 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 63 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 64 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 65 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 66 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, toàn tập tại đây.