Biên niên ký chim vặn dây cót | Chương 31

Biên niên ký chim vặn dây cót kể về tiếng chim vang lên trong khoảnh khắc quyết định, khi con người tỉnh thức tiếng lòng thầm kín.

 · 34 phút đọc.

Biên niên ký chim vặn dây cót kể về tiếng chim vang lên trong khoảnh khắc quyết định, khi con người tỉnh thức tiếng lòng thầm kín.

Kẻ về nhà Từ ga xe điện ngầm Akasaka tôi đi theo một con phố sầm uất hai bên san sát nhà hàng và quán bar để đến nơi tọa lạc tòa cao ốc văn phòng, hơi lên dốc một quãng ngắn. Đó là một tòa nhà chẳng có gì đặc biệt, không mới không cũ, không to không nhỏ, không sang trọng chẳng tồi tàn. Một hãng du lịch chiếm một phần tầng trệt, khung cửa số lớn trang hoàng hai tấm áp phích quảng cáo, một là cảnh hải cảng trên đảo Mykono, một là xe cáp treo ở San Francisco. Cả hai đều bạc phếch vì treo ngoài cửa sổ lâu ngày. Ba nhân viên hãng đang miệt mài làm việc sau tấm kính, người nói chuyện qua điện thoại, kẻ gõ bàn phím máy tính. Giả vờ xem các tấm poster, tôi giết thời giờ bằng cách quan sát cảnh văn phòng trong khi đợi đồng hồ điểm 4 giờ. Vì lý do nào đó, cả Mykono lẫn San Francisco đều dường như cách chỗ tôi đứng đến hàng năm ánh sáng.

Càng nhìn tòa nhà này, tôi càng nhận thấy nó tầm thường đến mức nào.

Dường như nó được xây theo nguyên xi bản vẽ bằng bút chì của một đứa trẻ con nếu như người ta bảo nó vẽ một tòa nhà; hoặc dường như người ra cố tình thiết kế sao cho nó không nổi bật giữa môi trường xung quanh. Dẫu trong khi đi tìm tôi đã kiểm tra các số nhà cẩn thận đến mấy, suýt nữa tôi đã bỏ qua tòa nhà này mà không biết, nó bình thường quá. Lối vào khiêm nhường của nó ở ngay cạnh cửa vào của hãng du lịch. Nhìn qua các bảng tên, tôi có cảm tưởng rằng thuê văn phòng ở đây hầu hết là những giải pháp nhỏ – văn phòng luật, kiến trúc sư, nhà nhập khẩu, nha sĩ. Một vài bảng tên sáng choang đến độ tôi có thể soi rõ mặt mình trên đó, nhưng bảng tên cho phòng 602 thì đã mờ xỉn vì năm tháng, chuyển sang một màu khó xác định. Hẳn người đàn bà này đã thuê văn phòng ở đây từ lâu. Hãng thiết kế thời trang Akasaka, tấm biển đề. Vẻ cũ kỹ của tấm bảng làm dịu đi nỗi nghi hoặc của tôi.

Giữa sảnh đợi và thang máy là một cánh cửa bằng kính khóa chặt. Tôi bấm chuông phòng 602 rồi nhìn quanh tìm ống kính camera mà chắc hẳn đang truyền hình ảnh của tôi vào màn hình ở bên trong. Có một thiết bị nhỏ trông như camera trên một góc trần sảnh đợi. Chẳng mấy chốc chuông reo, khóa cửa mở ra, tôi liền bước vào buồng thang máy.

Tôi đi trên cái buồng thang máy tuyệt đối không trang hoàng gì để lên tầng sáu, rồi sau một hồi loanh quanh trong cái hành lang tuyệt đối không trang hoàng, tìm thấy cảnh cửa số 602. Sau khi kiểm tra xem có đúng là trên cánh cửa có biển đề Akasaka Fashion Design, rồi mới bấm chuông đúng một tiếng.

Mở cửa cho tôi là một thanh niên mảnh dẻ tóc cắt ngắn, đường nét gương mặt thật căn đối. Có lẽ y là gã đàn ông điển trai nhất tôi từng gặp. Nhưng đập vào mắt tôi còn mạnh mẽ hơn cả khuôn mặt là quần áo của y. Y vận một chiếc áo sơ-mi trắng đến nhức mắt, thắt cà vạt màu xanh thẫm có họa tiết tinh tế. Không chỉ bản thân cà vạt rất đúng mốt mà nút thắt cũng không chê vào đâu được. Từng nếp gấp đều đúng hệt như thường thấy trong tạp chí thời trang dành cho nam giới. Tôi chẳng bao giờ thắt cà vạt được như vậy, và bỗng dưng tôi tự hỏi y làm cách nào. Có phải đó là tài năng thiên bẩm của y, hay là kết quả sự dày công khổ luyện? Y mặc quần xanh thẫm và mang giày đế phẳng màu nâu có trang trí núm tua. Mọi thứ y mặc đều mới tinh, như thể y mặc lần đầu tiên mới cách đây vài phút.

Y thấp hơn tôi. Trên môi y thấp thoáng nụ cười, như thể y vừa nghe một mẩu chuyện khôi hài và lúc này y đang mỉm cười một cách tự nhiên nhất.

Chẳng phải một mẩu chuyện khôi hài dung tục đâu: đó là loại hài hước thanh lịch mà cách đây một thế hệ ngài bộ trưởng ngoại giao hẳn đã nói với hoàng thái tử trong một bữa tiệc ngoài trời, khiến những người nghe xung quanh cười khe khẽ đầy lịch sự. Tôi toan tự giới thiệu, nhưng y đã khẽ lắc đầu ý nói tôi không cần phải nói gì. Tay giữ cửa mở, y để tôi vào, đoạn đảo mắt nhìn khắp hành lang rồi đóng cửa lại. Suốt thời gian đó y không hé môi, chỉ nheo nheo mắt nhìn tôi như thể xin lỗi rằng y không thể nói năng gì bởi có con báo đen nóng nảy đang ngủ ngay bên cạnh. Nói thế không có nghĩa là quả thật có con báo đen nào đang ngủ cạnh y, đơn giản là gã thanh niên này có cái vẻ như vậy.

Giờ tôi đang đứng ở một phòng tiếp khách có một chiếc đi-văng và ghế da trông khá tiện nghi, một giá treo quần áo bằng gỗ theo kiểu cổ và một cây đèn chân đế. Bức tường đằng xa có một cánh cửa, ý chừng để dẫn sang phòng bên cạnh. Bên cánh cửa này, quay lưng lại tường, là một chiếc bàn làm việc đơn giản bằng gỗ sồi trên đó là một chiếc máy vi tính lớn. Chiếc bàn kê phía trước đi-văng hẳn chỉ đủ lớn để đặt một cuốn danh bạ điện thoại. Sàn phòng trải một tấm thảm màu lục nhạt trông dịu mắt. Từ những chiếc loa dấu kín phát ra nho nhỏ một bản tứ tấu đàn dây của Haydn. Trên tường có mấy bức tranh dễ thương vẽ hoa lá và chim chóc. Nhìn qua cũng biết đây là một căn phòng không chê vào đâu được, không một chút bừa bộn. Các giá sách trên tường chất toàn những mẫu vải và tạp chí thời trang.

Đồ đạc trong căn phòng không xa hoa cũng chẳng mới, nhưng lại mang vẻ ấm áp, xưa cũ và quen thuộc làm ta bình tâm.

Người thanh niên dẫn tôi lại chỗ đi-văng, còn chính mình thì đi về phía bên kia bàn làm việc rồi ngồi xuống đối diện tôi. Chìa hai lòng bàn tay về phía tôi, y ra hiệu rằng phải đợi một lát. Thay vì nói Xin lỗi đã bắt ông phải đợi, y chỉ khẽ mỉm cười, và thay vì nói Không lâu đâu, y giơ một ngón tay lên. Dường như y có khả năng diễn đạt ý mình mà không cần lời nói.

Tôi gật đầu một lần để tỏ ý hiểu. Mở mồm nói khi có mặt y hẳn sẽ không đúng chỗ và thô bỉ.

Y nhặt một cuốn sách nằm cạnh máy vi tính, cẩn thận như đang cầm trong tay một vật dễ vỡ, rồi lật tới trang đang đọc dở. Đó là một cuốn sách dày màu đen không có bìa ngoài nên tôi không nhìn ra tựa đề. Mở sách ra là y toàn tâm toàn ý vào việc đọc, dường như quên hẳn rằng tôi đang ngồi đó.

Lẽ ra tôi cũng muốn đọc một cái gì cho qua thời gian, nhưng chẳng có gì để đọc. Tôi bắt tréo chân, ngồi cho thoải mái trên đi-văng mà nghe nhạc Haydn (mặc dù, nếu hỏi ra thì tôi cũng không dám chắc đó là Haydn). Nhạc thì hay, song đó là loại nhạc dường như vừa xuất phát từ nguồn là lập tức tan biến vào không trung. Trên bàn làm việc của gã thanh niên, ngoài chiếc máy vi tính là một cái điện thoại bình thường màu đen, một khay đựng bút và một cuốn lịch.

Tôi vẫn mặc đúng lễ bộ đã mặc ngày hôm trước: áo khoác bóng chày, áo len có mũ trùm đầu, quần bò xanh, giày tennis. Trước khi ra khỏi nhà tôi đã vớ được gì thì mặc nấy. Trong căn phòng ngăn nắp chỉn chu không chê vào đâu được này, có mặt chàng thanh niên đẹp trai tươm tất không chê vào đâu được kia, đôi giày tennis của tôi trông càng bẩn thỉu, càng cũ rích. Cả năm qua ngày nào tôi cũng mang đôi giày này, trèo qua bức tường sau nhà không biết mấy lần, thỉnh thoảng dẫm lên phân chó trong khi đi về theo con ngõ, lại còn chui xuống đáy giếng nữa. Chẳng lạ là chúng bẩn thỉu, cũ mèm.

Không phải đợi đến khi thôi việc tôi mới quan tâm đến chuyện mình đang mang đôi giày ra sao. Xem xét đôi giày kỹ thế này, tôi càng thấm thía mình cô đơn đến nhường nào, cảm thấy thế giới đã bỏ xa tôi đến mức nào. Đến lúc phải mua giày mới rồi, tôi tự nhủ. Đôi này thật kinh khủng quá sức.

Chẳng mấy chốc, nhạc Haydn kết thúc – một cái kết đột ngột, chẳng đâu vào đâu. Sau một quãng lặng ngắn, một tác phẩm dành cho harpsichord của Bach lại cất lên (tuy cả lần này nữa tôi cũng không dám chắc là của Bach).

Tôi bắt tréo chân này rồi lại đổi chân kia. Điện thoại reo. Gã thanh niên dùng một mẩu giấy đánh dấu chỗ đang đọc dở, đặt sách qua một bên rồi nhấc ống nghe. Y áp ống nghe vào tai rồi khẽ gật đầu. Nhìn sang cuốn lịch để bàn, y lấy bút chì đánh dấu. Đoạn y giữ ống nghe gần mặt bàn rồi gõ gõ đốt ngón tay hai lần lên lớp gỗ như đang gõ cửa. Sau đó y gác máy. Cuộc gọi chỉ kéo dài khoảng hai mươi giây, suốt thời gian đó gã trai không nói một câu nào. Thực ra, y đã không hề thốt một tiếng từ khi mời tôi vào phòng. Tại sao y không nói chuyện được nhỉ? Rõ là y có thể nghe được, cứ xem cách y trả lời điện thoại và lắng nghe những gì người ta đang nói ở đầu bên kia phòng thì đủ biết.

Y ngồi nhìn chiếc điện thoại một hồi như đang suy nghĩ. Rồi y đứng dậy không một tiếng động, đi vòng qua bàn làm việc, tiến thẳng tới chỗ tôi đang ngồi và ngồi xuống cạnh tôi. Rồi y đặt hai tay lên đầu gối, đều tăm tắp.

Những ngón tay y thanh mảnh, tuyệt đẹp, đúng như ta có thể hình dung một khi đã nhìn thấy mặt y. Các đốt ngón và khớp nối có rất ít nếp gấp; ngón tay thì thể nào cũng phải có nếp gấp, ít ra cũng phải vài nếp, không thì ngón không gập được. Song những ngón tay y không có nhiều nếp gấp, không nhiều quá mức tối thiểu cần thiết. Tôi cố nhìn những ngón tay y sao cho không quá sỗ sàng. Gã trai này hẳn là con của người đàn bà kia, tôi nghĩ.

Những ngón tay y có hình dáng như ngón tay của bà ta. Khi ý nghĩ đó nảy ra trong đầu, tôi bắt đầu nhận ra thêm những điểm giống nhau khác: cái mũi nhỏ khá nhọn, cặp mắt sáng như pha lê. Nụ cười thích thú lại bắt đầu nở trên môi y, hiện ra rồi lại biến đi hoàn toàn tự nhiên như một cái hang bên bờ biển lộ ra rồi lại chìm vào những cơn sóng. Chẳng mấy chốc gã trai đứng dậy, cũng nhanh nhẹn như lúc y ngồi xuống, và môi y động đậy: Mời đi lối này. Mặc dù y tuyệt không phát ra một tiếng nào, nhưng tôi hiểu rõ điều y muốn nói. Tôi đứng dậy đi theo y. Y mở cánh cửa trong rồi mời tôi vào.

Sau cánh cửa là một căn bếp nhỏ có bồn rửa, sau đó nữa lại là một căn phòng khác, rất giống căn phòng tiếp khách nơi tôi ngồi nãy giờ, song nhỏ hơn một chút. Thảm trải sàn cũng cùng một màu như ở phòng kia. Giữa phòng là một cái bàn làm việc chuyên dụng trên đó có kéo, hộp dụng cụ, bút chì, tạp chí thiết kế, tất cả đều sắp xếp ngay ngắn. Có hai con ma-nơ canh mà các thợ may vẫn dùng. Cửa sổ không chỉ treo mành mà treo tới hai bộ rèm, một bằng vải một bằng ren, cả hai đều khép kín. Đèn trần không bật nên phòng tranh tối tranh sáng như buổi chiều hôm nhiều mây. Bóng đèn duy nhất của chiếc đèn chân đế bên cạnh chiếc sofa cũng không bật sáng.

Một bình hoa bằng thủy tinh đựng hoa lay-ơn đặt trên bàn cà phê phía trước sofa. Hoa còn tươi, như thể vừa mới cắt vài phút trước, nước trong bình vẫn trong. Ở phòng này không nghe thấy tiếng nhạc, cũng chẳng có bức tranh hay cái đồng hồ nào ở trên tường.

Gã thanh niên lại im lặng ra dấu, lần này để bảo tôi ngồi xuống sofa. Khi tôi đã ngồi như y bảo, y liền lấy trong túi quần ra cái gì đó trông như cặp kính bơi rồi giương ra trước mắt tôi. Đó đúng là cặp kính bơi, chỉ là kính bơi thông thường làm bằng cao su và nhựa, y như những cặp kính tôi vẫn dùng khi đi bơi. Tại sao y lại mang theo vào đây, tôi chịu không hiểu.

– Đừng sợ, – gã thanh niên nói. Đúng ra, y chẳng hề nói gì. Y chỉ khẽ động đậy môi và cử động mấy ngón tay còn nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng tôi vẫn hiểu hoàn toàn chính xác y định nói những gì. Tôi gật đầu.

– Xin hãy mang kính vào. Đừng tự tháo ra. Tôi sẽ tháo. Ông cũng không được xê dịch kính. Ông hiểu không? Tôi gật.

– Nó chẳng hại gì cho ông đâu. Mọi chuyện sẽ ổn. Đừng lo.

Tôi gật.

Gã thanh niên đi vòng lại phía sau sofa và đeo cặp kính bơi vào mắt tôi. Y kéo căng sợi dây cao su qua đầu tôi rồi điều chỉnh hai tròng kính sao cho lớp đệm mút khớp vào quanh hai mắt tôi. Điểm duy nhất mà cặp kính này khác với những cặp kính tôi vẫn dùng là tôi không nhìn thấy gì qua nó cả.

Người ta đã phết một lớp dày cái gì đó ra ngoài lớp nhựa trong suốt. Một bóng tối hoàn toàn – và nhân tạo – vây quanh tôi. Tôi chẳng thấy gì hết. Tôi không biết cây đèn chân đế đang chiếu sáng ở chỗ nào nữa. Tôi có cái ảo giác như ai đó đã sơn lên khắp người tôi một lớp dày của cái gì đó.

Gã thanh niên khẽ đặt tay lên vai tôi như để khích lệ tôi. Y có những ngón tay thon mảnh, tinh tế, song hoàn toàn không yếu ớt chút nào. Chúng có sức mạnh đầy quyết đoán của các ngón tay một nghệ sĩ dương cầm đặt trên mặt phím, thông qua những ngón tay này tôi có thể cảm thấy một thiện chí nào đó, hoặc nếu không hẳn là thiện chí thì cũng rất gần như vậy. Không sao cả, đừng lo, những ngón tay bảo tôi vậy. Tôi gật đầu. Đoạn y rời khỏi phòng. Trong bóng tối, tôi nghe những bước chân y xa dần, sau đó là tiếng cửa mở ra rồi đóng lại.

Tôi tiếp tục ngồi trong tư thế đó một hồi lâu sau khi gã thanh niên đi khỏi.

Bóng tối nơi tôi đang ngồi có cái gì đó thật kỳ lạ. Tối như hũ nút, không nhìn thấy bất cứ cái gì, về điểm đó thì cũng như bóng tối nơi đáy giếng kia, song ngoài ra bóng tối này có cái gì đó nữa hoàn toàn khác. Nó không có hướng, không chiều sâu, không trọng lượng, không thể nắm bắt. Nó không chỉ là bóng tối mà đúng hơn là hư vô. Đơn giản người ta đã làm tôi mù tạm thời bằng cách nhân tạo. Tôi nghe cơ bắp mình căng cứng, miệng và cổ họng tôi khô khốc. Chuyện gì sẽ còn xảy ra với tôi đây? Nhưng rồi tôi nhớ lại cái đụng chạm của những ngón tay gã thanh niên. Đừng lo, chúng đã bảo tôi vậy. Chẳng hiểu vì lý do gì, tôi cảm thấy có thể tin được vào lời nói đó.

Căn phòng im lặng hoàn toàn đến nỗi khi nín thở, tôi bị tràn ngập bởi cảm giác rằng thế giới đã hoàn toàn ngưng lại giữa chừng và vạn vật sẽ bị nuốt chửng, chìm xuống những đáy nước sâu vĩnh viễn. Nhưng không, rõ ràng thế giới vẫn đang chuyển động. Chẳng mấy chốc một người đàn bà mở cửa, sẽ sàng bước vào phòng.

Tôi biết đó là đàn bà qua mùi nước hoa tinh tế. Đây không phải là thứ mùi của đàn ông. Hẳn đó là loại nước hoa đắt tiền. Mùi thơm có vẻ quen thuộc, tôi cố nhớ ra nhưng không được. Dường như khi đã bị tước đi thị giác thì khả năng ngửi của tôi cũng bị mất thăng bằng. Điều duy nhất tôi biết chắc, ấy là mùi thơm tôi đang ngửi thấy lúc này khác với mùi nước hoa của người đàn bà ăn mặc đẹp đẽ đã chỉ cho tôi đến đây. Tôi nghe tiếng sột soạt của quần áo người đàn bà khi cô ta bước ngang qua phòng rồi se sẽ ngồi xuống sofa, bên phải tôi. Cô ta ngồi xuống đệm sofa hết sức nhẹ nhàng, gần như không trọng lượng, rõ ràng đấy là một phụ nữ có thân hình bé nhỏ.

Người đàn bà ngồi nhìn thẳng vào tôi. Tôi có thể cảm thấy cặp mắt cô ta nhìn vào mặt tôi; và tôi chợt nhận ra rằng người ta có thể cảm thấy cái nhìn của người khác mà không cần đến mắt. Người đàn bà không nhúc nhích, cứ nhìn tôi chằm chặp. Tôi cảm thấy tiếng thở khẽ khàng, chậm rãi của cô ta, nhưng hầu như không nghe thấy được. Tôi vẫn giữ nguyên tư thế, hướng thẳng về phía trước. Vết bầm trên má tôi dường như bắt đầu nóng lên, màu của nó hình như cũng trở nên sống động hơn bình thường. Người đàn bà chìa tay, khẽ đặt mấy đầu ngón tay lên vết bầm của tôi, thật cẩn trọng như thế đó là vật gì quý báu và dễ vỡ. Rồi cô ta bắt đầu vuốt ve vết bầm.

Tôi không biết phải phản ứng ra sao hoặc cô ta muốn tôi phản ứng ra sao.

Tôi chỉ có một cảm nhận hết sức xa xôi về thực tại. Tôi cảm thấy mình đang ở một thế phân ly lạ lùng, như thể tôi đang cố nhảy từ một chiếc xe đang chạy sang một chiếc xe khác chạy với vận tốc khác. Tôi hiện hữu ở khoảng trống giữa hai bên, một căn nhà trống rỗng. Bây giờ tôi là một căn nhà bỏ trống, như căn nhà của gia đình Miyawaki trước kia. Người đàn bà này đã bước vào căn nhà trống đó, và, vì lý do nào đó, đang lướt tay dọc tất cả các bức tường và thân cột. Dù lý do của cô ta là gì đi nữa, bởi tôi là căn nhà trống (và tôi là vậy, căn nhà rỗng, không gì hơn) nên tôi không thể làm gì (mà cũng không cần làm bất cứ cái gì). Khi ý nghĩ đó hiện lên trong tâm trí, tôi cảm thấy phần nào nhẹ nhõm.

Người đàn bà không nói không rằng. Ngoài tiếng quần áo sột soạt, căn phòng chìm trong im lặng sâu thẳm. Người đàn bà miết đầu ngón tay trên da tôi như cố đọc ra một thứ chữ viết nhỏ xíu bí mật nào đã được viết lên đó từ lâu lắm.

Cuối cùng cô ta thôi vuốt ve vết bầm của tôi. Cô ta đứng dậy, đi vòng về phía sau tôi, rồi bắt đầu dùng lưỡi thay vì các đầu ngón tay. Cũng như Kasahara May đã làm trong vườn hồi mùa hè năm ngoái, cô ta liếm vết bầm của tôi. Tuy nhiên, cô ta làm thành thạo hơn nhiều so với Kasahara May.

Lưỡi cô ta di động, riết chặt lấy thịt tôi. Lúc mạnh lúc nhẹ, dưới nhiều góc độ khác nhau, bằng nhiều động tác khác nhau, nó nếm, mút và kích thích vết bầm của tôi. Tôi cảm thấy nóng bỏng, giần giật nơi bụng dưới. Tôi không muốn cương cứng. Thật hoàn toàn vô nghĩa! Tôi không tự ngăn mình được.

Tôi cố sức áp đặt hình ảnh chính mình lên hình ảnh căn nhà bỏ trống. Tôi nghĩ về mình như một cây cột, bức tường, trần nhà, sàn nhà, mái nhà, cửa sổ, cửa ra vào, tảng đá. Dường như đó là điều hợp lý nhất nên làm.

Tôi nhắm mắt lại và tách ra khỏi cái vỏ bằng nhục thể này, với đôi giày tennis cũ rích, cặp kính bơi kỳ quặc, cơn cương cứng vụng về của nó. Tách khỏi xác thịt mình không đến nỗi khó. Tôi thấy dễ chịu hơn nhiều, ít nhất việc này cũng cho phép tôi rũ bỏ cảm giác vụng về mà tôi đang cảm thấy.

Tôi là một khu vườn um tùm cỏ dại, một con chim đá không bay, một cái giếng cạn khô. Tôi biết rằng một người đàn bà đang ở trong căn nhà trống vốn là bản thân tôi. Tôi không nhìn thấy cô ta, song điều đó chẳng làm tôi bận lòng nữa. Nếu cô ta đang tìm cái gì đó ở trong kia, tôi có thể cho cô ta cái đó.

Tiến trình thời gian càng ngày càng trở nên không rõ ràng. Xung quanh tôi lúc này có nhiều loại thời gian, tôi không biết mình đang ở thời gian nào trong số đó. Ý thức dần dần trở lại với thể xác tôi, và đến lượt mình người đàn bà dường như cũng rời khỏi đó. Cô ta ra khỏi phòng cũng êm ru như lúc vào. Tiếng quần áo sột soạt. Mùi nước hoa phảng phất. Tiếng cửa mở ra đóng lại. Một phần ý thức tôi vẫn nằm ở đó như một căn nhà trống. Đồng thời tôi vẫn ở đây, chính tôi trên chiếc sofa này. Tôi nghĩ: Mình nên làm gì bây giờ? Tôi không thể nào quyết đâu là thực tại. Từng tý một, cái từ ở đây dường như tách làm hai ở bên trong tôi. Tôi ở đây, nhưng tôi cũng ở đây. Cả hai đều có sự như nhau đối với tôi. Ngồi trên sofa, tôi dấn vào sự phân đôi kỳ lạ đó.

Chẳng bao lâu sau cửa mở, ai đó bước vào phòng. Qua tiếng bước chân tôi biết đó là gã thanh niên. Y vòng lại sau lưng tôi tháo kính bơi ra. Căn phòng vẫn tối, ánh sáng duy nhất là từ bóng đèn đơn của cây đèn chân đế. Tôi lấy lòng bàn tay dụi mắt, để làm quen với thế giới thực tại. Lúc này gã thanh niên đã vận com-lê, pha một chút ánh lục, là sự phối màu hoàn hảo với màu chiếc cà vạt y đeo. Mỉm cười nhẹ nhàng, y nắm lấy tay tôi, giúp tôi đứng dậy rồi đưa tôi về phía cánh cửa ở đầu bên kia phòng. Y mở cửa, phía bên kia là một buồng tắm. Buồng có bệ xí, đằng sau là một góc tắm hoa sen nhỏ. Nắp bệ xí đang đậy, y cho tôi ngồi lên đó rồi mở vòi hoa sen. Y đợi cho nước nóng bắt đầu chảy rồi ra hiệu cho tôi tắm dưới vòi. Y mở giấy gói một bánh xà phòng mới đưa cho tôi. Rồi y ra khỏi buồng tắm, đóng cửa lại.

Tại sao tôi phải tắm hoa sen cơ chứ? Thật không thể hiểu.

Cuối cùng, khi cởi quần áo thì tôi hiểu. Tôi đã xuất tinh dưới quần lót. Tôi bước vào dưới vòi hoa sen nóng rồi tắm rửa bằng bánh xà phòng mới màu xanh. Tôi gột sạch chỗ tinh dịch bết vào lông dương vật. Tôi ra khỏi vòi hoa sen rồi lau mình bằng chiếc khăn tắm lớn. Ngoài khăn tắm ra tôi còn thấy một chiếc quần lót và một chiếc áo thun hiệu Calvin Klein, cả hai đều còn nguyên giấy gói và đều đúng cỡ tôi. Có thể họ đã tính trước rằng tôi sẽ xuất tinh trong quần. Tôi nhìn đăm đăm vào chính mình trong gương một lát, nhưng đầu tôi không nghĩ được gì cho ra đầu ra đũa. Tôi vứt chiếc quần lót vấy bẩn vào sọt rác rồi mặc chiếc quần lót mới trắng tinh, chiếc áo thun mới trắng, sạch bong. Rồi tôi mặc quần bò và áo len có cổ qua đầu. Tôi đi tất rồi mang đôi giày tennis bẩn, cuối cùng là chiếc áo khoác bóng chày. Rồi tôi ra khỏi buồng tắm. Gã thanh niên đang chờ tôi ở ngoài, liền dẫn tôi ra phòng đợi ban đầu.

Căn phòng nom vẫn như trước. Trên bàn làm việc vẫn là cuốn sách để mở, cạnh đó là chiếc máy vi tính. Bản nhạc cổ điển không biết của ai vẳng ra từ loa. Gã thanh niên bảo tôi ngồi xuống sofa rồi đem tới cho tôi một cốc nước khoáng mát lạnh. Tôi uống nửa cốc. Tôi mệt làm sao đó, tôi nói. Giọng nói nghe như không phải của tôi. Chẳng phải tôi định nói điều gì như vậy.

Mấy chữ đó bật ra chẳng biết từ đâu, ngoài ý chí của tôi. Tuy nhiên, giọng nói thì dĩ nhiên là của tôi.

Gã thanh niên gật đầu. Y lấy từ trong túi áo khoác của mình ra một chiếc phong bì trắng rồi dúi vào túi trong chiếc áo khoác bóng chày của tôi. Rồi y lại gật đầu lần nữa. Tôi nhìn ra ngoài. Trời đã tối đường phố lấp lánh những bảng hiệu nê-ông, ánh đèn tử cửa sổ các cao ốc văn phòng, những ngọn đèn đường, những đèn pha ô-tô. Ý nghĩ phải nán lại thêm chút nào trong cái phòng này trở nên không thể chịu nổi. Chẳng nói chẳng rằng, tôi đứng dậy, băng qua căn phòng, mở cửa bước ra ngoài. Gã thanh niên đứng ở bàn làm việc nhìn theo tôi, vẫn im lặng như bao giờ, không giữ tôi lại.

Chuyến tàu Akasaka Mitsuke chật ních người đi làm về nhà. Không có lòng dạ nào chui vào xe điện ngầm, tôi quyết định đi bộ càng xa càng tốt. Tôi đi bộ qua cung điện dành cho các phái bộ nước ngoài đến tận ga Yotsuya. Rồi tôi đi dọc theo đại lộ Shinjuku và ghé vào một quán nhỏ không đông khách, gọi cốc bia. Ngụm đầu tiên khiến tôi nhận ra mình đang đói cồn cào, thế là tôi gọi bánh snack. Tôi nhìn đồng hồ mới biết đã gần 7 giờ tối. Song thử nghĩ mà xem, thời gian còn có quan trọng gì với tôi đâu.

Đến một lúc, tôi nhận ra có cái gì đó ở túi trong áo khoác. Tôi đã quên bẵng chiếc phong bì gã thanh niên đưa tôi khi tôi ra về. Đó chỉ là một chiếc phong bì trắng bình thường, nhưng cầm trong tay, tôi nhận ra nó nặng hơn nhiều so với thoạt nhìn. Mà không phải chỉ nặng, trọng lượng của nó có gì đó là lạ, như thể có cái gì đó bên trong đang cố ghìm hơi thở. Sau một thoáng lưỡng lự, tôi xé phong bì ra, sớm muộn gì thì tôi cũng phải làm việc đó cơ mà. Bên trong là một tập giấy bạc mười ngàn Yên gói chặt, mới cứng, không có lấy một vết gấp hoặc nếp nhăn. Tiền mới quá, trông như không phải thật, mặc dù tôi chẳng có lí do gì không tin là tiền thật. Có hai mươi tờ tất cả. Tôi đếm lại lần nữa cho chắc. Phải chẳng nghi ngờ gì nữa: hai mươi tờ. Hai trăm ngàn Yên.

Đoạn tôi nhặt chiếc nĩa trên bàn lên mà nhìn nó chăm chăm chẳng vì lí do gì. Điều đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là nên dùng số tiền này để mua một đôi giày mới. Đó chính là điều tôi cần hơn hết thảy. Tôi trả tiền ăn uống rồi quay lại đại lộ Shinjuku nơi có một hiệu giày lớn. Tôi chọn một đôi giày điền kinh rất bình thường màu xanh dương rồi cho người bán biết cỡ chân của mình mà không hỏi giá tiền. Nếu vừa thì tôi có thể mang luôn về nhà, tôi nói. Người bán (hẳn cũng là chủ hiệu) luồn cặp dây giày trắng vào các lỗ trên hai chiếc giày rồi hỏi: Còn đôi cũ thì làm sao đây? Tôi bảo ông ta vứt đi, nhưng rồi nghĩ lại, liền bảo tôi sẽ mang về nhà.

Ông ta mỉm cười tử tế với tôi. Giày cũ mà tốt thì dù nhếch nhác một tí vẫn được việc, ông ta nói, như muốn hàm ý rằng những đôi giày bẩn thỉu đến thế ông vẫn thường gặp luôn. Đoạn ông cho đôi giày cũ vào cái hộp vốn đựng đôi giày mới, lại cho hộp vào một cái túi mua hàng. Nằm trong hộp mới đôi giày tennis cũ trông như xác chết của hai con vật nhỏ. Tôi trả tiền bằng một trong các tờ một vạn Yên mới cứng đựng trong phong bì, nhận tiền trả lại gồm một vài tờ một ngàn Yên không mới lắm. Xách chiếc túi đựng đôi giày cũ, tôi lên tuyến xe điện Odakyu để về nhà. Tôi níu chặt vào vòng tay vịn, hoà mình vào đám đông đang trở về nhà mà nghĩ về những thứ mới mình đang có trên người – quần lót mới, áo thun mới, giày mới.

Về nhà, tôi lại ngồi bên bàn dưới bếp như mọi khi, vừa uống bia vừa nghe nhạc trên radio. Bỗng dưng tôi muốn nói chuyện với ai đó, nói về thời tiết, về sự ngu xuẩn của chính phủ, về cái gì cũng được. Chỉ cần được trò chuyện với ai đó, nhưng tôi không nghĩ ra được ai, không một người nào tôi có thể cùng trò chuyện. Ngay cả con mèo tôi cũng chẳng có.

Sáng hôm sau, khi cạo râu, tôi kiểm tra vết bầm trên mặt như mọi khi.

Không thấy có gì thay đổi. Tôi ngồi ngoài hiên, và đã lâu lắm tôi mới lại dành cả ngày trời chẳng làm gì, chỉ ngồi ngắm khu vườn nhỏ ngoài kia.

Buổi sáng thật đẹp trời, buổi trưa cũng đẹp. Lá trên cây đu đưa trong làn gió nhẹ đầu xuân.

Tôi rút cái phong bì đựng mười chín tờ giấy bạc mười ngàn Yên ra khỏi túi áo khoác rồi cho vào ngăn kéo bàn làm việc. Nó vẫn có vẻ nặng đến kỳ lạ trong tay tôi. Cái sức nặng này hẳn hàm chứa một ý nghĩa nào đó, nhưng tôi không thể hiểu đó là gì. Đột nhiên tôi hiểu ra: nó nhắc tôi nhớ lại một cái gì đó. Việc tôi đã làm nhắc tôi nhớ lại một cái gì đó. Nhìn chăm chăm vào cái phong bì trong ngăn kéo, tôi cố nhớ ra là cái gì mà không được.

Tôi đóng ngăn kéo lại, xuống bếp pha ít trà rồi đứng trước bồn rửa mặt mà uống; đúng vào lúc đó tôi sực nhớ. Việc tôi đã làm hôm nay cũng giống như việc mà Kano Creta đã làm trong vai gái gọi. Người ta gọi tới đâu thì tôi đi tới đó, ngủ với một người xa lạ, rồi được trả tiền. Thật ra tôi không ngủ với người đàn bà đó (tôi chỉ xuât tinh trong quần), nhưng ngoài cái đó ra thì thực chất là một. Vì cần một số tiền lớn, tôi đã bán mình cho người khác để được tiền. Tôi vừa uống trà vừa ngẫm nghĩ về điều đó. Một con chó sủa đằng xa. Rồi có tiếng máy bay. Song những ý nghĩ của tôi không thể nào mạch lạc cho được. Tôi lại ra ngoài hiên ngắm khu vườn tắm dưới ánh nắng chiều. Khi đã chán, tôi nhìn hai lòng bàn tay mình. Liệu có cần thế chăng: tôi đã thành một tên đĩ đực! Ai có thể tưởng tượng nổi rằng có ngày tôi đem thân mình ra bán lấy tiền? Và với số tiền đó, việc đầu tiên tôi làm là đi mua đôi giày mới? Tôi muốn hít thở không khí ngoài trời, bèn quyết định đi mua sắm. Tôi đi bộ xuôi theo phố, chân đi đôi giày mới. Tôi có cảm giác như đôi giày mới kia đã biến tôi thành một con người mới, khác với con người của tôi trước kia. Quang cảnh đường phố, những khuôn mặt người mà tôi đi qua trông cũng khác. Ở siêu thị khu vực, tôi mua rau, trứng, sữa, cá và hạt cà phê, trả tiền bằng mấy tờ giấy bạc mà tối qua người ta trả lại tôi ở hiệu giày. Tôi muốn kể cho người phụ nữ trung niên có bộ mặt tròn đứng bên quầy rằng tôi đã kiếm được món tiền này hôm trước bằng cách bán mình. Tôi đã kiếm được hai trăm ngàn Yên. Hai trăm ngàn Yên! Có làm việc hùng hục như khổ sai ở hãng luật, làm thêm giờ tất cả các ngày trong tháng, tôi cũng chỉ đem về nhà được hơn trăm năm mươi ngàn Yên một chút. Tôi muốn nói với bà ta vậy. Nhưng dĩ nhiên tôi chẳng nói gì. Tôi đưa tiền rồi nhận một túi giấy đầy các thứ đã mua.

Có điều này thì chắc chắn: mọi việc đã bắt đầu chuyển động. Tôi vừa cuốc bộ về nhà, tay xách túi đựng thức ăn, vừa tự nhủ mình như vậy. Giờ tôi chỉ còn một việc phải làm là trụ thật vững để không bị quật ngã. Nếu làm được vậy thì ít nhất tôi cũng đến được chỗ nào đó, một nơi nào đó khác nơi tôi đang ở hiện nay.

Linh cảm của tôi không sai. Khi tôi về đến nhà, con mèo ra đón tôi. Ngay khi tôi mở cửa trước, nó kêu meo một tiếng rõ to như thể đã đợi tôi suốt cả ngày rồi chạy ùa đến với tôi, chót đuôi quặp dựng đứng lên. Vâng, chính là Wataya Noboru, đi lạc đã gần một năm nay. Tôi đặt túi đồ ăn xuống rồi ôm nó vào lòng.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 01 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 02 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 03 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 04 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 05 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 06 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 07 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 08 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 09 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 10 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 11 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 12 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 13 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 14 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 15 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 16 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 17 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 18 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 19 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 20 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 21 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 22 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 23 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 24 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 25 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 26 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 27 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 28 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 29 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 30 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 31 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 32 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 33 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 34 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 35 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 36 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 37 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 38 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 39 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 40 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 41 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 42 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 43 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 44 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 45 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 46 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 47 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 48 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 49 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 50 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 51 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 52 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 53 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 54 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 55 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 56 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 57 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 58 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 59 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 60 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 61 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 62 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 63 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 64 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 65 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 66 tại đây.

Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:
Quay lại.

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Gián điệp mạng | Chương 52

Gián điệp mạng | Chương 52

Gián điệp mạng kể về nhà khoa học chuyển nghề thành chuyên gia mạng truy tìm hacker tại Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley California Mỹ.

Hỏi đáp từ trái tim

Hỏi đáp từ trái tim

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Mùa xuân vắng lặng | Chương 12

Mùa xuân vắng lặng | Chương 12

Mùa xuân vắng lặng gây chấn động xã hội Mỹ cảnh tỉnh về môi trường buộc Tổng thống Kennedy lập ủy ban điều tra thuốc diệt sinh vật.

Niên lịch miền gió cát | Chương 13

Niên lịch miền gió cát | Chương 13

Niên lịch miền gió cát hòa quyện lịch sử tự nhiên nghệ thuật miêu tả phong cảnh và triết học qua ghi chép về sinh vật tại trang trại Wisconsin.

Trồng một nụ cười | Chương 03

Trồng một nụ cười | Chương 03

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.