Biên niên ký chim vặn dây cót | Chương 27
Biên niên ký chim vặn dây cót kể về tiếng chim vang lên trong khoảnh khắc quyết định, khi con người tỉnh thức tiếng lòng thầm kín.
· 64 phút đọc · lượt xem.
Kasahara May suy tư về cội nguồn kinh tởm của cái nóng.
– Chào Chim vặn dây cót!
– giọng phụ nữ nói. Áp chặt ống nghe vào tai, tôi nhìn đồng hồ. 4 giờ chiều. Lúc điện thoại reo tôi đang nằm trên sofa, mình mẩy đẫm mồ hôi. Đó là một giấc chợp mắt ngắn, khó chịu. Lúc này vẫn còn lại cái cảm giác như thể ai đó đã ngồi đè lên người tôi suốt trong thời gian ngủ. Cái kẻ chẳng biết là ai đó đã chờ khi tôi thiếp đi thì đến ngồi lên người tôi, rồi ngay trước khi tôi thức giấc thì đứng dậy bỏ đi.
– A-lôôô, – giọng nữ kia thỏ thẻ, gần như tiếng thì thầm. Tiếng nói dường như đi qua một thứ không khí cực mỏng nào đó rồi mới đến tai tôi.
– Kasahara May gọi đây…
– Chào, – tôi cố nói, nhưng miệng tôi vẫn chưa chịu cử động như tôi muốn.
Cái chữ thoát ra nghe như một tiếng rên thì đúng hơn.
– Anh đang làm gì đấy? – cô hỏi, giọng quan tâm.
– Chả làm gì cả, – tôi vừa nói vừa đưa đầu nối của ống nghe ra xa để hắng giọng.
– Chả làm gì. Đang ngủ.
– Em phá giấc ngủ của anh à?
– Ừ thì có, nhưng không sao. Chỉ chợp mắt tý thôi mà.
Kasahara May có vẻ ngần ngừ một chút. Rồi cô nói: Này Chim vặn dây cót, anh qua nhà em được không? Tôi nhắm mắt lại. Trong bóng tối treo lơ lửng những ánh sáng nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau.
– Được thôi, – tôi nói.
– Em đang tắm nắng ngoài vườn, anh cứ vào qua ngõ sau ấy.
– Ok.
– Này Chim vặn dây cót, anh có giận em không?
– Anh không biết, – tôi nói.
– Nhưng dù thế nào anh cũng đi tắm, thay đồ một cái rồi qua em ngay. Anh có chuyện cần nói với em.
Tôi mở vòi nước lạnh xối toàn thân một lát cho tỉnh người, sau đó chuyển sang nước nóng để kỳ cọ, rồi lại mở nước lạnh. Làm vậy xong tôi cũng tỉnh hẳn ra, nhưng cơ thể tôi vẫn thấy ù lỳ, nặng trịch. Chân tôi bắt đầu run, trong khi tắm tôi phải vịn lấy giá treo khăn tay hay ngồi lên thành bồn tắm mấy lần. Có lẽ tôi kiệt sức hơn mình tưởng.
Ra khỏi bồn tắm và lau khô người xong, tôi đánh răng rồi nhìn mình trong gương. Vết bầm màu xanh sẫm vẫn còn đó trên má phải, không sẫm hơn cũng không nhạt hơn trước. Hai nhãn cầu tôi chằng chịt những đường đỏ li ti, dưới mắt có quầng thâm. Hai má tôi hóp vào, tóc tôi bờm xờm, phải tỉa.
Tôi trông như một xác chết còn mới vừa sống lại, tự đào mồ chui lên.
Tôi mặc áo phông, quần soóc, đội mũ, mang kính râm. Ra khỏi nhà, đi dọc theo con ngõ, tôi nhận ra rằng cái nóng còn lâu mới dứt. Mọi sinh vật trên mặt đất – mọi sinh vật mắt nhìn thấy được – đều há hốc miệng chờ mưa, nhưng trên trời không có lấy một cụm mây. Một màn không khí hầm hập, tù đọng trùm lên con ngõ. Nơi này vắng tanh vắng ngắt, như mọi khi. Tốt thôi.
Vào một ngày oi bức thế này, và với cái bản mặt tôi trông gớm ghiếc thế này, tôi không muốn gặp ai hết.
Trong vườn căn nhà hoang, con chim đá vẫn nhìn đăm đăm lên trời như trước, mỏ nghếch lên trên. Nó trông còn bẩn thỉu hơn cả lần trước, còn bệ rạc thảm hại hơn. Thế nhưng vẫn có cái gì đó căng thẳng trong cái nhìn của nó. Dường như nó đang nhìn chằm chặp một cái gì đó cực kỳ u ám đang trôi trên bầu trời. Giá như có thể, con chim hẳn đã dời cái nhìn sang chỗ khác, nhưng mắt nó như đã bị khoá chặt vào một chỗ, nó không còn cách nào khác, đành phải nhìn thôi. Những ngọn cỏ dại cao nghệu vây quanh bức tường vẫn bất động, như dàn đồng ca trong bi kịch Hy Lạp đang nín thở chờ sấm truyền ban xuống. Chiếc Ăng-ten truyền hình trên mái nhà chĩa những cái xúc-tu bằng bạc vào cái nóng ngạt thở. Dưới ánh sáng mùa hè thiêu đốt, mọi thứ đều khô xác và kiệt sức.
Sau khi quan sát vườn căn nhà hoang, tôi đi vào vườn nhà Kasahara May.
Cây sồi già hất bóng râm mát mẻ lên bãi cỏ, nhưng Kasahara May rõ là cố tình tránh bóng râm mà nằm dài ngay dưới cái nắng như thiêu như đốt. Cô bé nằm ngửa trên ghế xếp, mặc một bộ bikini nhỏ xíu màu sôcôla, hai mảnh vải bé tý nối với nhau bằng mấy mẩu dây. Tôi không khỏi tự hỏi mặc như thế liệu người ta có bơi được không. Cô vẫn đeo cặp kính râm như khi chúng tôi gặp nhau lần đầu, những giọt mồ hôi to lấm tấm trên mặt. Dưới ghế xếp cô nằm là một tấm khăn tắm màu trắng, một hộp đựng kem chống nắng và mấy tờ tạp chí. Nằm bên cạnh là hai lon sprite rỗng, một lon được cô dùng làm gạt tàn thuốc. Một ống nước nhựa có đầu phun nằm trơ trên bãi cỏ, ai đó dùng xong cũng không buồn cuộn lại.
Khi tôi đến gần, Kasahara May ngồi dậy với tay tắt radio. Da cô rám nắng hơn nhiều so với lần trước. Đây không phải là cái rám nắng bình thường như khi người ta đi tắm biển cuối tuần. Từng phần cơ thể cô – từ đầu đến ngón chân – được nung chín đều khắp. Dường như suốt ngày cô chỉ làm mỗi một việc là tắm nắng, kể cả suốt thời gian tôi ở dưới giếng. Tôi nhìn quanh vườn một chút. Vườn trông chẳng khác gì lần trước, bãi cỏ rộng xén tỉa chỉn chu, cái hồ vẫn cạn nước và khô ran đến nỗi tôi nhìn thấy là thấy khát nước rồi.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế xếp bên cạnh ghế của Kasahara May, rút trong túi ra một chiếc kẹo chanh. Nóng bức làm cho giấy gói dính bết vào kẹo.
Kasahara May nhìn tôi một lát, không nói gì.
– Anh sao vậy hả Chim vặn dây cót? Cái gì trên mặt anh vậy? Có phải vết bầm không?
– Chắc là vậy. Có thể. Nhưng anh không biết làm sao lại thế. Anh soi gương thì đã thấy nó ở đấy rồi.
Kasahara May chống một cùi chỏ nhỏm dậy, nhìn chằm chằm vào mặt tôi.
Cô gạt mấy giọt mồ hôi đọng dưới mũi rồi đẩy kính râm lên một chút về đúng chỗ của nó. Cặp tròng kính thẫm che kín mít cặp mắt cô.
– Anh hoàn toàn không biết à? Không hề biết bị khi nào hay tại sao à?
– Hoàn toàn không.
– Không á?
– Anh ra khỏi giếng, lát sau anh soi gương thì nó đã ở đó rồi. Thật đấy. Chỉ có vậy thôi.
– Có đau không?
– Không đau, không ngứa. Nhưng có hơi âm ấm.
– Anh đi bác sĩ chưa? Tôi lắc đầu.
– Chắc chỉ phí thời giờ thôi.
– Chắc vậy, – Kasahara May nói.
– Em cũng chúa ghét bác sĩ.
Tôi bỏ mũ và kính ra rồi rút khăn mùi soa lau mồ hôi trên trán. Nách chiếc áo phông xám tôi mặc đã đen nhẻm mồ hôi.
– Bộ bikini đẹp lắm, – tôi nói.
– Cảm ơn.
– Trông cứ như bằng mấy mẩu vải ghép lại ấy. Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi của nước ta.
– Khi xung quanh không có ai thì em cởi phần trên ra.
– Ừ, – tôi nói.
– Ở dưới đâu có gì nhiều để phô ra đâu, – cô nói, như để thanh minh.
Mà thật, bộ ngực cô sau mảnh trên bộ bikini vẫn còn khá nhỏ, chưa phát triển.
– Em đã bao giờ mặc thế này mà bơi chưa? – tôi hỏi.
– Chưa bao giờ. Em không biết bơi. Còn anh, Chim vặn dây cót?
– Ờ, anh thì biết bơi.
– Bao xa?
– Xa.
– Mười cây số?
– Chắc thế… Hiện giờ không có ai ở nhà à?
– Cả nhà đi từ hôm qua rồi, đến nhà nghỉ mùa hè của nhà em ở Izu. Ai cũng thích đi bơi vào cuối tuần. Cả nhà tức là ba mẹ và thằng cu em của em ấy.
– Không có em à? Cô khẽ nhún vai. Rồi cô lấy từ trong nếp gấp khăn tắm ra một gói Hope và hộp diêm rồi châm một điếu.
– Anh trông kinh quá, Chim vặn dây cót à.
– Dĩ nhiên là anh trông kinh rồi, mấy ngày ngồi dưới đáy giếng hầu như không ăn, không uống thì có ai trông không kinh? Kasahara May bỏ kính ra quay mặt lại tôi. Cô vẫn còn vết cắt sâu gần mắt.
– Này Chim vặn dây cót, anh điên em lắm phải không?
– Anh không biết. Anh đã có hàng đống chuyện để nghĩ rồi, hơi đâu mà điên với em.
– Vợ anh đã về chưa? Tôi lắc đầu? – cô ấy có gửi thư cho anh. Nói là không bao giờ về nữa.
– Tội nghiệp Chim vặn dây cót, Kasahara May nói. Cô ngồi dậy nhoài người, đặt tay lên đầu gối tôi.
– Tội nghiệp Chim vặn dây cót, tội quá. Anh Chim vặn dây cót này, có thể anh không tin, nhưng rốt cuộc em cũng đã định cứu anh lên khỏi giếng đấy. Em chỉ muốn làm anh sợ một chút thôi, hành hạ anh tí ti. Em muốn xem liệu em có làm anh ghét lên được không.
Em muốn xem phải đợi bao lâu thì anh mới cuống cuồng kêu la loạn lên.
Tôi không biết trả lời thế nào nên chỉ gật đầu.
– Anh có nghĩ khi em bảo sẽ để anh chết dưới đó là em nói nghiêm chỉnh không? Thay vì trả lời ngay, tôi vo tròn mảnh giấy gói kẹo thành viên tròn. Rồi tôi nói: – Thật sự là anh không biết. Em nói nghe thì cứ như thật, nhưng lại cũng nghe như em chỉ muốn doạ cho anh sợ thôi. Khi mình đã xuống dưới giếng mà nói chuyện với ai đó ở trên miệng giếng thì giọng nói nghe lạ lắm, mình không thật sự nắm bắt được nét biểu cảm trong giọng người kia. Nhưng nói gì thì nói, vấn đề không phải thật ra em nói thật hay nói đùa. Ý anh là thực tại được tạo nên từ nhiều lớp. Thành thử có thể trong thực tại kia em muốn giết anh thật, nhưng trong thực tại này thì lại không. Nó còn tuỳ em ở thực tại nào còn anh ở thực tại nào.
Tôi nhét mẩu giấy gói kẹo đã vo tròn vào lỗ hộp Sprite.
– Này Chim vặn dây cót, anh làm giúp em một việc được không?
– Kasahara May nói, tay chỉ ống nước trên bãi cỏ.
– Anh lấy cái đó xịt cho em được không? Nóng quá là nóng! Nếu không xối cho ướt từ đầu đến chân thì óc em chắc khô quắt lại mất.
Tôi rời khỏi ghế xếp, đi tới nhặt chiếc ống nước bằng nhựa màu xanh dương nằm trên bãi cỏ. Nó ấm sực, nhũn ra vì nóng. Tôi ra đứng sau lùm cây rồi mở vòi. Đầu tiên chỉ có nước đã bị hun nóng ở trong vòi vọt ra, nhưng vòi mát lên dần cho đến khi chỉ còn phun nước lạnh. Kasahara May duỗi dài trên bãi cỏ, tôi bèn hướng một làn nước mạnh mẽ mát rượi vào cô.
Cô nhắm mắt để cho nước xối tràn lên thân thể.
– Ôi, dễ chịu quá! Anh cũng nên làm vậy đi, Chim vặn dây cót à.
– Nhưng bộ này đâu phải đồ tắm, – tôi nói, song Kasahara May có vẻ hết sức khoan khoái nhờ kiểu tắm này còn cái nóng thì lại gay gắt đến nỗi tôi không cưỡng lại được. Tôi cởi chiếc áo phông sũng mồ hôi ra, cúi người về phía trước, để dòng nước lạnh tràn qua đầu. Tôi nuốt một ngụm nước. Vừa lạnh vừa ngon.
– Này, nước giếng đấy à? – tôi hỏi.
– Chứ sao nữa! Lấy lên bằng bơm. Quá tuyệt phải không? Lạnh ơi là lạnh.
Uống luôn cũng được. Nhà em nhờ một tay ở Bộ Y Tế đến kiểm nghiệm chất lượng nước, ông ta bảo nước này hoàn toàn ổn, hầu như khắp cả Tokyo chả bao giờ tìm được nước sạch thế. Ông ta ngạc nhiên lắm. Nhưng nhà em vẫn hơi sờ sợ không uống. Bao nhiêu là nhà xúm quanh thế này, ai mà biết được có những thứ gì lẫn vào nước.
– Nhưng em không thấy lạ à? Giếng nhà Miyawaki khô như đá, nhưng giếng nhà em thì nước ngon lành tươi nguyên thế này. Thế mà chỉ bên kia ngõ thôi. Sao lại khác nhau đến thế được? Kasahara May nghiêng đầu.
– Chắc có gì đó làm cho mạch nước ngầm chuyển hướng một chút, khiến cho giếng bên kia cạn còn bên em thì không. Em không biết chắc lý do tại sao.
– Đã có chuyện không hay nào xảy ra trong nhà em không? – tôi hỏi.
Kasahara May nhăn mặt, lắc đầu.
– Điều không hay duy nhất xảy ra ở cái nhà này trong mười năm qua là nó chán chết được ấy.
Kasahara May lau mình rồi hỏi tôi có muốn uống bia không. Tôi bảo muốn.
Cô vào nhà mang ra hai lon Heineken. Cô uống một lon, tôi uống một lon.
– Này Chim vặn dây cót, nói em nghe, dự định của anh từ nay trở đi là gì?
– Anh chưa quyết định được, – tôi nói – Nhưng chắc anh sẽ đi khỏi đây. Có khi anh đi khỏi Nhật không chừng.
– Đi khỏi Nhật? Là đi đâu?
– Đến Crete.
– Crete? Có phải là liên quan đến cô tên là Creta gì gì ấy không?
– Ừ, phần nào đấy.
Kasahara May ngẫm nghĩ một chút.
– Có phải cô Creta gì gì ấy cứu anh lên khỏi giếng không?
– Kano Creta, – tôi nói.
– Ừ, cô ấy đấy.
– Anh có nhiều bạn lắm phải không hở Chim vặn dây cót?
– Có đâu mà nhiều. Anh bị mang tiếng là ít bạn thì có.
– Mà làm sao Kano Creta tìm được anh ở dưới giếng nhỉ? Anh đâu có bảo ai là anh xuống đó phải không? Thế làm sao cô ta đoán được anh đang ở đâu chứ?
– Anh không biết, – tôi nói.
– Nhưng mà anh sẽ đi Crete à?
– Anh chưa quyết định có đi hay không. Có khả năng thế thôi. Trước hết anh phải giải quyết xong chuyện Kumiko đã.
Kasahara May cho một điếu thuốc lên môi rồi châm lửa. Đoạn cô đưa đầu ngón tay út sờ lên vết sẹo gần mắt.
– Anh biết không, Chim vặn dây cót, suốt thời gian anh ở dưới giếng, em toàn ở đây tắm nắng. Em ngắm vườn căn nhà hoang, vừa tự nướng mình dưới nắng vừa nghĩ tới anh đang ở dưới giếng, bụng đói meo, tiến dần từng tí một tới cái chết. Em là người duy nhất biết anh đang ở dưới đó và không lên được. Và khi nghĩ thế, em cảm nhận một cách rõ rệt đến khó ngờ anh đang cảm thấy thế nào: đau đớn, rối trí, sợ hãi. Anh có hiểu ý em không? Nhờ làm vậy, em thấy được gần gũi anh lắm lắm ấy! Em thật không có ý để anh chết đâu. Thật mà. Đúng vậy đó. Nhưng em vẫn muốn làm tới. Đến tận phút chót. Kỳ đến khi nào anh rụng rời chân tay, sợ vãi linh hồn ra, hết chịu nổi nữa mới nghe. Em tin thế là tốt nhất cho cả em và anh, thật đấy mà.
– Anh thì bảo em thế này, – tôi nói.
– Anh nghĩ nếu em đã thật sự làm tới đến phút chót thì có khi em sẽ muốn đẩy đến tận cùng luôn. Có khi sẽ dễ hơn em tưởng nhiều đấy. Nếu em đã đi xa đến mức đó thì chỉ cần ẩy thêm một cái cuối cùng là xong. Sau đó có khi em sẽ nghĩ thế là tốt nhất cho cả anh và em không chừng. – tôi nhấp một ngụm bia.
Kasahara May vừa nghĩ một chút vừa cắn môi.
– Có thể anh nói đúng, – cô nói.
– Em cũng không biết nữa.
Tôi nốc cạn bia rồi đứng dậy. Tôi đeo kính, mặc chiếc áo phông sũng mồ hôi vào.
– Cảm ơn em cho uống bia nhé.
– Này Chim vặn dây cót, anh biết không, – Kasahara May nói, – đêm qua, khi cả nhà em lên đường nghỉ hè cả rồi, em đã xuống chỗ cái giếng. Em ở đó phải tới năm, sáu tiếng đồng hồ, chỉ ngồi yên thôi.
– Thế em chính là người đã tháo thang dây mang đi.
– Vâng, – Kasahara May nói, hơi cau mày.
– Em đấy.
Tôi quay ra nhìn bãi cỏ rộng. Đất ấm toả một làn hơi nước trông như khói vì nóng. Kasahara May nhét mẩu đầu thuốc lá vào một lon Sprite rỗng.
– Trong mấy tiếng đầu tiên em không cảm thấy gì đặc biệt. Dĩ nhiên, ngồi trong tối như hũ nút thế kia thì cũng không khoái lắm, nhưng em không sợ, không hãi, không gì cả. Em không như mấy đứa con gái hơi một tý là ré lên. Nhưng em biết đó không phải chỉ là bóng tối. Anh Chim vặn dây cót đã ở dưới đó hàng mấy tiếng liền, anh biết chẳng có lý do gì để sợ cả. Thế nhưng sau khoảng hai, ba tiếng, em càng lúc càng cảm thấy ít biết được chính mình hơn. Ngồi im lặng dưới kia trong bóng tối, em có thể nghe có cái gì đó bên trong em – bên trong cơ thể em ấy – đang càng lúc càng lớn ra. Cảm thấy như cái vật gì đó ấy đang mọc dần lên trong em, như rễ cây trong chậu, khi nào đủ lớn nó sẽ xé toang em ra. Đến khi đó thì em coi như là hết, như cái chậu vỡ nát ra thành hàng triệu mảnh vậy. Nó là cái gì chịu không biết được, nhưng khi em còn ở dưới ánh mặt trời thì nó vùi bên trong em, còn trong bóng tối thì nó được hút một thứ dưỡng chất đặc biệt nào đấy rồi lớn lên nhanh ơi là nhanh, đến phát sợ lên ấy! Em cố kìm nó xuống mà không được. Chính khi đó em mợi thực sự sợ. Chưa bao giờ trong đời em sợ đến thế. Cái gì đó ở bên trong em, cái vật trăng trắng kinh tởm ấy nó đang chiếm lĩnh dần, chiếm lĩnh em, ngốn dần thân thể em. Lúc đầu thì cái thứ kinh tởm ấy nó bé lắm, Chim vặn dây cót ạ.
Kasahara May ngừng nói một chút, nhìn chăm chăm vào hai tay mình, như đang hồi tưởng lại những gì đã xảy ra với mình ngày hôm đó – Em sợ thật đấy, sợ chết điếng, – cô nói.
– Có lẽ trước kia em muốn anh sợ chính là sợ như thế này đây. Em đã muốn anh phải nghe thấy tiếng cái vật kia đang nhai nuốt mình.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế xếp, ngắm thân thể Kasahara May chỉ che hờ bằng bộ bikini bé xíu. Cô đã mười sáu tuổi nhưng dáng người chỉ như cô bé mười ba, mười bốn tuổi. Ngực và đùi cô còn xa mới nảy nở đầy đủ. Thân hình cô gợi cho tôi nhớ tới những bức hoạ chỉ dùng một số nét tối thiểu nhưng vẫn cho ta một cảm thức sống động về thực tại. Thế nhưng, đồng thời ở nó vẫn có một cái gì đó cho ta ấn tượng già cốc đế.
Rồi bỗng tôi buột miệng hỏi cô: – Em đã bao giờ có cảm giác mình bị cái gì đó làm cho ô uế không?
– Ô uế? – cô nheo mắt nhìn tôi.
– Ý anh là ô uế về thể xác ấy à? Anh định nói là bị hiếp?
– Về thể xác. Về tinh thần. Hoặc thế này hoặc thế kia.
Kasahara May nhìn xuống thân thể mình, rồi lại nhìn sang tôi.
– Về thể xác thì không. Em vẫn là gái tân. Em có cho một cậu trai sờ mó.
Nhưng vẫn mặc nguyên quần áo.
Tôi gật đầu.
– Về tinh thần… ừm… em không biết. Em thật không hiểu bị ô uế về tinh thần nghĩa là thế nào.
– Anh cũng chẳng biết, – tôi nói.
– Vấn đề là mình có cảm thấy điều đó từng xảy ra với mình hay không. Nếu em không cảm thấy thì hẳn có nghĩa là em chưa bị ô uế.
– Sao anh hỏi em thế?
– Bởi vì một vài người mà anh biết có cảm giác ấy. Nó làm sinh ra đủ thứ phức tạp. Nhưng có chuyện này anh muốn hỏi em. Vì sao em luôn nghĩ đến cái chết thế? Cô cho một điếu thuốc lên môi rồi khéo léo mồi lửa bằng một tay. Đoạn cô kéo kính râm lên.
– Anh thì không hay nghĩ đến cái chết à, hở Chim vặn dây cót?
– Dĩ nhiên là anh có nghĩ đến cái chết. Nhưng không phải luôn luôn. Chỉ thỉnh thoảng thôi. Như hầu hết thiên hạ.
– Em thì em nghĩ thế này Chim vặn dây cót, – Kasahara May nói.
– Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một cái gì đó riêng biệt nằm ở sâu bên trong người đó. Và cái đó ấy, dù là cái gì đi nữa, trở thành một nguồn nhiệt điều khiển mỗi con người từ bên trong. Dĩ nhiên em cũng có. Như mọi người khác. Nhưng đôi khi nó bị rối loạn. Nó phình lên rồi co lại bên trong em, nó làm em lộn tùng phèo lên. Thật sự là em chỉ muốn truyền đạt cái cảm giác đó cho người khác. Nhưng dường như em không làm nổi. Người ta không hiểu. Dĩ nhiên có thể tại em không biết giải thích sao cho thật rõ, nhưng cũng tại người ta không chịu lắng nghe nữa. Họ vờ nghe, nhưng thật ra họ có nghe đâu. Vì thế mà đôi khi em nổi điên lên rồi làm những việc rồ dại.
– Những việc rồ dại á?
– Như là nhốt anh dưới giếng chẳng hạn, hoặc như khi đang ngồi trên yên sau xe máy thì choàng tay che mắt anh chàng đang đèo mình.
Khi nói vậy, cô đưa tay sờ vết thương trên mặt.
– Chính vì vậy mới xảy ra tai nạn phải không? – tôi hỏi.
Kasahara May nhìn tôi với vẻ dò hỏi, như thể cô không nghe thấy tôi nói gì.
Tôi không nhìn ra được nét cảm xúc trong mắt cô sau cặp kính râm dày, nhưng một sự vô cảm nào đó hình như đã lan ra trên khắp mặt cô như dầu rót lên mặt nước lặng.
Điếu thuốc ngậm giữa hai môi, Kasahara May vẫn nhìn tôi. Hay đúng hơn, cô vẫn tiếp tục nhìn vết bầm của tôi.
– Em có phải trả lời câu hỏi ấy không, hở Chim vặn dây cót?
– Không, nếu em không muốn. Chính em khêu chuyện ấy ra mà. Nếu em không muốn nói tới chuyện đó thì đừng nói.
Kasahara May trở nên hết sức trầm lặng. Hình như cô phân vân không biết phải làm gì. Đoạn cô hít khói thuốc vào đầy phổi rồi từ từ thở ra. Bằng một động tác nặng nề, cô gỡ kính rồi quay mặt về phía nắng, hai mắt nhắm tịt.
Quan sát cô, tôi thấy như dòng chảy thời gian đang dần dần chậm lại, như thể dây cót của thời gian đang bắt đầu chùng xuống.
– Anh ta chết, – cuối cùng cô nói, giọng vô cảm, như thể cô vừa miễn cưỡng chấp nhận một cái gì đó.
– Chết à? Kasahara May bập bập tàn thuốc. Đoạn cô nhặt khăn tắm dưới đất lên lau mồ hôi trên mặt, lau tới lau lui mấy lần. Cuối cùng, như thể sực nhớ ra một việc quan trọng quên thực hiện, cô nói một cách vắn tắt, kiểu sự vụ: – Lúc đó bọn em đi khá nhanh. Chuyện xảy ra ở gần Enoshima.
Tôi nhìn cô không nói một lời. Cô cầm mỗi tay một mép chiếc khăn tắm mà ấn khăn vào khăn mặt. Khói trắng tuôn ra từ điếu thuốc giữa những ngón tay cô. Không có gió nên khói bốc thẳng lên, như từ một đống lửa báo hiệu thu nhỏ. Cô hình như đang phân vân không biết nên cười hay nên khóc. Ít nhất là tôi cảm thấy vậy. Cô phân vân trên lằn ranh hẹp chia cách khả năng này với khả năng kia, nhưng rốt cuộc cô không ngả về bên nào cả. Kasahara May lấy lại vẻ mặt cũ, đặt khăn tắm xuống đất rồi rít một hơi thuốc. Đã gần 5 giờ chiều, nhưng cái nóng chẳng có vẻ gì là dịu đi.
– Em đã giết anh ấy, – cô nói.
– Dĩ nhiên em không có ý định giết anh ấy.
Em chỉ muốn đẩy tới những giới hạn. Bọn em vẫn làm như vậy luôn. Như là trò chơi ấy. Em bịt mắt hoặc cù lét anh ấy trong khi cả hai đang đi xe máy. Nhưng chẳng chuyện gì xảy ra cả. Cho đến hôm đó… Kasahara May ngẩng mặt lên nhìn thẳng vào tôi.
– Dù sao thì em cũng không có cảm giác mình bị ô uế đâu, Chim vặn dây cót à. Em chỉ muốn đến càng gần hơn càng tốt cái vật khốn nạn ấy. Em muốn dụ nó ra khỏi em rồi đập nát nó thành từng mảnh. Mà muốn dụ nó ra được thì mình phải thực sự đẩy đến tận cùng. Không có cách nào khác. Anh phải có một miếng mồi ngon để nhử nó? – cô chậm rãi lắc đầu.
– Không, em không nghĩ là mình đã bị làm ô uế. Nhưng mặt khác em cũng không được cứu vớt. Không ai có thể cứu vớt em lúc này được, Chim vặn dây cót ạ. Thế giới có vẻ hoàn toàn trống rỗng đối với em. Mọi thứ em thấy quanh mình đều có vẻ giả tạo. Cái duy nhất không giả tạo là cái thứ kinh tởm nằm ở trong em ấy.
Kasahara May ngồi một lát, thở từng hơi nhỏ đều đặn. Không có âm thanh nào khác, không tiếng chim, không tiếng côn trùng. Một sự tĩnh mịch khủng khiếp trùm lên khu vườn, như thể cả thế giới này đã trở nên trống rỗng.
Kasahara May ngoảnh lại đối diện tôi. Dường như lúc đó cô vừa nhớ ra điều gì đấy. Giờ đây mọi nét biểu cảm đều biến mất khỏi mặt cô, như thể cô vừa được gội sạch chẳng còn lại gì.
– Này Chim vặn dây cót, nói em nghe, anh đã ngủ với cô Kano Creta gì đó chưa? Tôi gật đầu.
– Đến Crete rồi anh có viết thư cho em không?
– Kasahara May hỏi.
– Có chứ. Nếu anh đi.
– Này Chim vặn dây cót biết không, – ngần ngừ một lát cô nói, – em nghĩ có khi em sẽ đi học lại đấy.
– Ồ, thế ra em đổi ý về chuyện trường học rồi à? Cô khẽ nhún vai.
– Đó là chuyện khác. Em không chịu về trường cũ đâu. Trường mới thì ở xa đây. Thành thử chắc là em sẽ không gặp anh một thời gian.
Tôi gật đầu. Rồi lấy trong túi ra một viên kẹo chanh cho vào miệng.
Kasahara May đưa mắt nhìn quanh rồi châm một điếu thuốc.
– Này Chim vặn dây cót, ngủ với nhiều đàn bà khác nhau thì cũng thú phải không?
– Còn phải nói.
– Ờ, cái đó thì em có nghe rồi.
– Đúng, – tôi nói, nhưng không biết nói gì hơn.
– Mà thôi, quên đi. Nhưng này Chim vặn dây cót, anh biết không, chính vì gặp anh mà rốt cuộc em mới quyết định đi học lại đấy. Không đùa đâu.
– Sao vậy? – tôi hỏi.
– Ừ, tại sao nhỉ?
– Kasahara May nói. Rồi cô nheo nheo đuôi mắt mà nhìn tôi.
– Có thể là em muốn quay trở lại một thế giới bình thường hơn. Nhưng được gần anh, em thật sự rất vui, Chim vặn dây cót à. Không đùa đâu. Anh là một người cực kỳ bình thường, nhưng anh lại làm những chuyện chẳng bình thường chút nào. Và anh lại rất ư là – nói thế nào nhỉ?
– không thể đoán trước được. Thành thử la cà bên anh thế này không hề chán chút nào.
Anh không biết được ở gần anh em thấy dễ chịu đến thế nào đâu. Mà không thấy chán có nghĩa là không phải nghĩ về bao nhiêu là chuyện ngu ngốc.
Đúng không nào? Cho nên về chuyện ấy thì em rất vui khi có anh. Nhưng phải nói thật, gần anh em cũng thấy lo lo là.
– Lo lo thế nào kia?
– Nói sao nhỉ? Đôi khi, nhìn anh, em có cảm giác như anh đang chiến đấu rất dữ với một cái gì đó vì em. Em biết nói thế nghe lạ lắm, nhưng mỗi khi như vậy, em thấy mình đang ở bên anh, đang đổ mồ hôi cùng anh. Hiểu ý em không? Anh luôn luôn có vẻ bình thản, như thể dù có gì xảy ra đi nữa thì cũng chẳng liên quan gì đến anh, nhưng thật ra anh không phải vậy.
Theo cách riêng của anh, anh đang chiến đấu hết sức mình, mặc dù thoạt nhìn người ta không biết đâu. Nếu không vậy thì anh đã chẳng chui xuống giếng như thế, đúng không? Nhưng dù sao đi nữa, anh cũng không phải đang chiến đấu vì em, dĩ nhiên. Anh đang gồng hết sức mình vật lộn với cái gì đó rất to lớn, mà lý do duy nhất khiến anh làm vậy là để tìm cho bằng được Kumiko. Thành thử chẳng có lý do gì để em phải vã mồ hôi vì anh cả.
Em biết rõ thế, nhưng dẫu vậy em cũng không khỏi cảm thấy anh đang chiến đấu vì chính em, Chim vặn dây cót ạ – rằng theo cách nào đó có lẽ anh đang chiến đấu vì nhiều người khác đồng thời với chiến đầu vì Kumiko. Có lẽ chính vì vậy mà đôi khi anh có vẻ như một gã lơ ngơ láo ngáo. Em nghĩ như vậy đó, Chim vặn dây cót à. Nhưng mỗi khi thấy anh làm vậy, em thấy căng thẳng, lo lo, rốt cuộc thì chẳng còn hơi sức nào nữa.
Em thấy như thể anh chắc sẽ không thắng nổi. Nếu phải đặt cược thì em sẽ cược anh thua. Rất tiếc, nhưng nó là vậy. Em thích anh lắm, nhưng em không muốn trắng tay.
– Anh hoàn toàn hiểu.
– Em không muốn thấy anh sa cơ, cũng không muốn phải vã mồ hôi thêm vì anh nữa. Chính vì vậy em mới quyết định quay về một thế giới bình thường hơn một chút. Nhưng giá như em không gặp anh ở đây – ở đây, ngay trước căn nhà hoang này – thì chắc mọi sự đã không thành ra như thế. Hẳn em đã chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi học trở lại. Em sẽ nấn ná mãi trong một thế giới chẳng bình thường cho lắm. Thành thử theo nghĩa đó thì chính là do anh cả, Chim vặn dây cót ạ. Anh không hoàn toàn là kẻ vô ích đâu.
Tôi gật đầu. Đã lâu lắm rồi lần đầu tiên mới có người nói điều gì đó tốt đẹp về tôi.
– Lại đây, chim vặn dây cót, – Kasahara May nói. Cô nhổm dậy trên chiếc ghế xếp.
Tôi đứng dậy, đi về phía cô.
– Ngồi đây, chim vặn dây cót, – Kasahara May nói.
Tôi làm theo, ngồi xuống cạnh cô.
– Cho em xem mặt anh nào, chim vặn dây cót.
Cô nhìn tôi đăm đăm một hồi. Thế rồi, một tay đặt trên đầu gối tôi, cô ấn lòng bàn tay kia lên vết bầm trên má tôi.
– Tội nghiệp Chim vặn dây cót, – Kasahara May nói, giọng gần như thì thầm.
– Em biết rồi anh sẽ gặp đủ thứ chuyện. Mà thậm chí anh chẳng biết vậy nữa cơ. Và anh cũng không thể lựa chọn gì hết. Kiểu như mưa rơi trên đồng ấy. Giờ nhắm mắt lại nào, chim vặn dây cót. Nhắm thật chặt vào. Như là bị dán keo ấy.
Tôi nhắm chặt mắt lại.
Kasahara May chạm môi vào vết bầm của tôi – môi cô nhỏ và mỏng, như không phải môi thật mà là một thứ bắt chước làm cực khéo. Rồi cô hé môi ra và miết lưỡi lên khắp vết bầm của tôi – thật chậm rãi, từng li từng tý một.
Suốt thời gian đó bàn tay vẫn để nguyên trên đầu gối tôi. Cái đụng chạm ấm áp, ẩm ướt của bàn tay đó như thể đến với tôi từ xa, từ một nơi thậm chí còn xa hơn cả những cánh đồng xa nhất trên thế giới. Đoạn cô cầm lấy tay tôi, đặt nó chạm vào vết thương bên cạnh mắt cô. Tôi vuốt ve vết sẹo dài chỉ hơn một centimet ấy. Khi tôi làm vậy, những làn sóng của ý thức cô rung qua đầu ngón tay tôi mà nhập vào tôi, như tiếng vang vi tế của một niềm ham muốn. Một ai đó cần phải ôm người con gái này vào tay, siết cô thật chặt. Hẳn là ai khác chứ không phải tôi. Ai có đủ phẩm chất để cho cô một cái gì.
– Tạm biệt chim vặn dây cót. Hẹn ngày nào đó gặp lại anh.
16 Điều đơn giản nhất
Trả thù dưới dạng tinh vi
Vật trong thùng đàn ghita Ngày hôm sau tôi gọi điện thoại cho ông cậu, báo cho ông biết trong vài tuần tới tôi sẽ dọn đi. Tôi xin lỗi đã nói chuyện này với ông đột ngột như vậy, nhưng giải thích ấy là vì Kumiko đã bỏ tôi mà đi cũng đột ngột như thế. Chẳng việc gì phải giấu giếm nữa. Tôi bảo ông cậu rằng nàng đã viết thư nói nàng sẽ không về nữa, và tôi muốn đi khỏi nơi này ngay lập tức, dẫu rằng đi bao lâu tôi cũng chưa biết. Nghe xong bài giải thích đơn sơ của tôi, cậu tôi im lặng một hồi ở đầu dây bên kia. Hình như ông đang ngẫm nghĩ điều gì đó. Rồi ông nói: Ít lâu nữa cậu đến chơi được không? Cậu muốn tận mắt thấy đang có chuyện gì. Mà cũng đã lâu rồi cậu chưa về lại nhà đó.
…
Hai hôm sau cậu tôi đến vào buổi tối. Ông nhìn vết bầm trên má tôi nhưng không nói gì. Có lẽ ông chẳng biết nói gì. Ông nheo mắt nhìn có vẻ hiếu kỳ, chỉ có thế. Ông mang đến cho tôi một chai Scotch và một gói bánh bột tôm mua ở Odawara. Chúng tôi ngồi ngoài hiên, vừa ăn bánh vừa uống rượu.
– Lại về ngồi trên hàng hiên này thật thích quá, – cậu tôi nói, đầu gật gật mấy lần.
– Khu nhà cậu ở hiện giờ không có hàng hiên, dĩ nhiên rồi. Nhiều khi cậu thật tình nhớ cái nhà này. Ngồi ngoài hiên này mình có một cảm giác đặc biệt mà không đâu khác có.
Ông ngồi im một hồi rồi nhìn trăng, một mảnh trăng lưỡi liềm trắng mảnh trông như ai đó vừa mài sắc xong. Một vật như thế mà có thể trôi trên bầu trời hầu như là một sự thần kỳ đối với tôi.
Thế rồi cậu tôi bỗng hỏi, vẻ như hoàn toàn vô tình: – Sao cháu có cái vết bầm kia vậy?
– Cháu cũng chả biết nữa, – tôi nói rồi nhấp một ngụm whisky.
– Tự dưng có đó. Đâu như cách đây một tuần thì phải? Giá như có thể giải thích rõ hơn thì hay biết mấy, nhưng cháu chẳng biết giải thích ra sao cả.
– Cháu đi khám bác sĩ chưa? Tôi lắc đầu.
– Cậu chả muốn chõ mũi vào chuyện người khác làm gì đâu, nhưng cho cậu nói điều này: cháu cần phải ngồi xuống mà suy nghĩ cho tới nơi tới chốn xem điều gì là quan trọng nhất đối với cháu.
Tôi gật đầu.
– Cháu nghĩ mãi đấy chứ, – tôi nói.
– Nhưng mọi chuyện phức tạp quá, cứ rối tung lên. Cháu không sao tách bạch ra từng chuyện một được. Cháu chả biết làm cách nào gỡ rối cả.
Cậu tôi mỉm cười.
– Cháu biết cậu nghĩ gì không? Theo cậu, đầu tiên cháu hãy nghĩ về những chuyện đơn giản nhất, hãy bắt đầu từ đấy. Chẳng hạn, cháu có thể đứng ở góc phố nào đó ngày này sang ngày khác mà nhìn người qua kẻ lại. Cháu chẳng việc gì phải vội quyết định điều gì cả. Có thể khó đấy, nhưng đôi khi cháu cần phải dừng lại, cứ từ từ, thong thả. Cháu phải tự rèn cho mình biết cách nhìn sự vật bằng chính mắt mình, cho đến khi một cái gì đó trở nên rõ ràng. Đã muốn vậy thì đừng sợ mất thời gian. Một khi ta không tiếc thời gian vào một cái gì, ấy có thể là hình thức trả thù tinh vi nhất đó.
– Trả thù? Ý cậu là thế nào? Trả thù? Trả thù ai?
– Rồi cháu sẽ hiểu thôi, không lâu nữa đâu, – cậu tôi mỉm cười đáp.
…
Nói xong, chúng tôi vẫn ngồi uống rượu ngoài hiên thêm hơn một tiếng đồng hồ. Rồi cậu tôi nói ông đã nán lại quá lâu, bèn đứng dậy ra về. Còn lại một mình, tôi ngồi ngoài hiên, tựa vào một cây cột, nhìn đăm đăm khu vườn dưới ánh trăng. Một hồi, tôi hít thở sâu vào ngực bầu không khí thực tại hay cái gì gì đó mà cậu tôi để lại, và cảm thấy – lần đầu tiên sau một thời gian rất dài – một cảm giác thật sự là nhẹ nhõm.
Nhưng chỉ vài tiếng sau cái không khí đó lại bắt đầu tan đi, và một bức màn u uất nhợt nhạt lại bao trùm lên tôi. Rốt cuộc tôi lại ở trong thế giới của mình còn cậu tôi ở trong thế giới của ông.
…
Cậu tôi đã nói, trước hết tôi hãy nghĩ đến những điều đơn giản, nhưng tôi thấy không thể nào phân biệt cái gì là đơn giản cái gì là phức tạp. Thế là sáng hôm sau, khi đã hết giờ cao điểm, tôi đáp xe đến khu Shinjuku. Tôi quyết định chỉ đứng đó nhìn mặt thiên hạ. Tôi chẳng biết làm thế liệu có ích gì không, nhưng có lẽ còn hơn là chẳng làm gì. Nếu nhìn mặt thiên hạ cho tới khi phát chán lên là ví dụ tiêu biểu về một việc đơn giản thì thử một lần cũng chẳng hại gì. Còn nếu làm vậy mà có tác dụng thì hẳn nó sẽ chỉ tôi biết thế nào là những điều đơn giản đối với tôi.
Ngày đầu tiên tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ trên bức tường thấp bằng gạch dọc mép bồn hoa bên ngoài ga Shinjuku mà nhìn mặt những người qua lại.
Nhưng người quá đông mà lại đi quá nhanh nên tôi không thể nhìn kỹ mặt người nào được. Đã vậy, tôi ngồi đó được một hồi thì vài gã vô gia cư lại gần kiếm cớ cà khịa. Chốc chốc lại có một tay cảnh sát đi qua nhìn nhìn tôi.
Thế nên tôi đành bỏ khu đông người ngoài nhà ga và quyết định tìm một chỗ thích hợp hơn sao cho có thể thong dong khảo sát người qua kẻ lại.
Tôi đi dọc theo lối bộ hành bên dưới các tuyến đường ray khu phía Tây nhà ga, loanh quanh một hồi thì gặp một quảng trường nhỏ lát đá bên ngoài một tòa nhà cao tầng lắp kính. Nó có một bức tượng nhỏ và vài băng ghế xinh xinh nơi tôi có thể ngồi ngắm thiên hạ bao nhiêu tùy thích. Số người đi qua đây chẳng hề nhiều như ngoài cửa chính nhà ga, cũng không có gã vô gia cư nào với chai rượu nhét trong túi áo. Tôi ngồi đó suốt ngày, buổi trưa ăn quấy quá vài cái bánh vòng và uống cà phê ở quán Dunkin_s Donuts rồi về nhà trước khi đến giờ cao điểm chiều.
Thoạt tiên những người duy nhất đập vào mắt tôi là những người đàn ông hói, nhờ tôi đã được tập huấn khi cùng Kasahara May làm điều tra cho hãng tóc giả. Hễ gặp một mái đầu hói là cái nhìn của tôi bất giác dán vào ngay và tôi hầu như vô thức phân loại y ra thành A, B hay C. Cứ kiểu này thì chắc tôi có thể gọi Kasahara May để tình nguyện đi làm điều tra với cô lần nữa.
Tuy nhiên, chỉ sau mấy ngày là tôi đã có thể chỉ ngồi quan sát khuôn mặt thiên hạ mà trong đầu chẳng nghĩ gì. Hầu hết những người đi qua đều là nam nữ công nhân viên làm việc ở các văn phòng trong tòa nhà cao tầng đó.
Đàn ông mặc áo sơ-mi trắng, thắt cà vạt, tay xách cặp, đàn bà thì hầu hết mang giày cao gót. Ngoài ra tôi còn thấy chủ các nhà hàng cửa hiệu bên trong tòa nhà, những gia đình kéo cả bầu đoàn đi lên đài quan sát trên tầng thượng, vài ba người thì chỉ đi ngang, từ điểm A đến điểm B. Hầu hết mọi người có xu hướng không đi quá nhanh. Tôi chỉ việc quan sát tất cả, không có mục đích gì rõ rệt. Thi thoảng có đôi người thu hút sự chú ý của tôi vì lý do nào đó, nhưng rồi tôi lại tập trung vào những khuôn mặt khác và đưa mắt nhìn theo.
Ngày nào tôi cũng đáp xe đến Shinjuku lúc 10 giờ sáng, sau giờ cao điểm, ngồi ở băng ghế trên quảng trường, ngồi đó hầu như không động đậy đến 4 giờ chiều, chỉ nhìn mặt thiên hạ. Chỉ khi đã thử làm việc đó tôi mới nhận ra rằng bằng cách luyện cho mắt mình nhìn hết khuôn mặt này đến khuôn mặt khác đi qua, tôi có thể làm cho đầu óc hoàn toàn trống rỗng, như là lôi cái nút chai ra khỏi chai vậy. Tôi chẳng trò chuyện với ai, cũng chẳng ai trò chuyện với tôi. Tôi chẳng nghĩ gì, chẳng cảm gì. Tôi thường có cảm giác mình đã trở thành một phần của băng ghế đá kia.
Tuy nhiên, có lần cũng có người nói chuyện với tôi – một người đàn bà trung niên mảnh dẻ ăn mặc tươm tất. Bà ta vận áo váy màu hồng tươi bó sát người, đeo kính râm sẫm màu gọng đồi mồi, đội mũ trắng, mang xắc tay bằng vải lưới màu trắng. Bà có đôi chân đẹp, mang đôi xăng-đan trắng sạch như lau như li thoạt nhìn đã biết là đắt tiền. Bà trang điểm đậm nhưng có chừng mực. Bà hỏi tôi liệu có đang gặp khó khăn gì không. Chẳng có gì cả, tôi đáp. Hình như ngày nào tôi cũng gặp anh ở đây, bà ta nói, rồi hỏi tôi đang làm gì vậy. Tôi bảo tôi nhìn mặt thiên hạ. Bà ta hỏi tôi làm vậy có mục đích gì không, tôi bảo là không.
Bà ngồi xuống cạnh tôi, rút trong xắc tay ra một gói Virgina Slims rồi mồi một điếu bằng chiếc bật lửa nhỏ bằng vàng. Bà mời tôi một điếu, nhưng tôi lắc đầu. Đoạn bà gỡ kính rồi chẳng nói chẳng rằng nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Chính xác hơn, bà nhìn chằm chằm vào vết bầm trên má tôi. Đáp lại, tôi cũng nhìn chằm chằm vào mắt bà. Nhưng tôi không đọc được cảm xúc nào ở đó. Tôi chẳng thấy gì hơn ngoài hai con ngươi đen dường như đang vận hành đúng như chúng phải vận hành. Bà có cái mũi nhỏ, nhọn. Môi bà mỏng, màu son tô cực cẩn thận. Thoạt nhìn bà trẻ hơn tuổi, nhưng các nếp nhăn dọc hai bên sống mũi có cái vẻ mệt mỏi đặc biệt sao đó.
– Cậu có tiền không? – bà ta hỏi.
Tôi đâm ra cảnh giác.
– Tiền á? Bà hỏi tôi có tiền không là có ý gì? – tôi chỉ hỏi cậu có tiền hay không thôi? Cậu có đang kẹt tiền không?
– Không. Hiện giờ tôi đang không kẹt tiền, – tôi nói.
Bà ta hơi dẩu môi qua một bên như để nếm thử điều tôi vừa nói, rồi tiếp tục tập trung chú ý nhìn chăm chăm vào tôi. Đoạn bà ta gật đầu. Rồi bà lại đeo kính vào, thả điếu thuốc xuống đất, duyên dáng đứng dậy bỏ đi, không hề nhìn về phía tôi. Tôi sửng sốt nhìn bà ta biến mất vào đám đông. Có lẽ bà ta hơi dở người chăng. Nhưng chuyện đó cũng khó tin, bà ta phục sức không chê vào đâu được như thế kia mà. Tôi giậm chân lên điếu thuốc bà ta vừa bỏ, dụi cho nó tắt, rồi chầm chậm nhìn quanh bốn phía. Quanh tôi lại vẫn là thế giới thực tại thông thường. Thiên hạ vẫn đang di chuyển từ chỗ nọ đến chỗ kia, mỗi người có mục đích riêng. Tôi không biết họ là ai, họ cũng chả biết tôi là ai. Tôi hít một hơi dài rồi trở lại nhiệm vụ nhìn vào khuôn mặt những người đó, đầu chẳng nghĩ ngợi gì.
Tôi vẫn ngồi như thế suốt mười một ngày sau đó. Ngày nào cũng vậy, tôi ăn bánh vòng, uống cà phê rồi chẳng làm gì khác ngoài nhìn mặt những người qua lại. Ngoại trừ mẩu đối thoại vô nghĩa với người đàn bà ăn mặc đẹp đã lại gần tôi kia, tôi không nói chuyện với bất cứ ai trong suốt mười một ngày đó. Tôi chẳng làm gì đặc biệt, cũng chẳng có việc gì đặc biệt xảy ra với tôi.
Tuy nhiên, ngay cả sau cái khoảng chân không mười một ngày đó, tôi vẫn không rút ra được kết luận nào cả. Tôi vẫn lạc trong một mê cung rối bời bời, không giải quyết nổi ngay cả vấn đề đơn giản nhất.
Nhưng đến chiều ngày thứ mười một thì một chuyện rất lạ lùng xảy ra.
Hôm đó là Chủ nhật, nên tôi nán lại đó để ngắm khuôn mặt mọi người lâu hơn mọi khi. Những người đến khu Shinjuku vào ngày Chủ nhật khác với đám đông lui tới nơi này vào ngày thường, cũng không phải giờ cao điểm.
Tôi nhìn thấy một gã thanh niên mang chiếc hộp đàn ghita màu đem. Vóc người y trung bình. Y đeo kính gọng nhựa màu đen, tóc dài tới vai, mặc áo khoác vải thô và quần jean màu xanh dương, lê đôi giày thể thao cũ rích. Y đi ngang qua tôi, mắt nhìn thẳng ra phía trước lộ vẻ ưu tư. Khi nhìn thấy y, một cái gì đó khiến tôi ngẩn ra. Tim tôi giật thót lên. Mình biết kẻ này, tôi nghĩ. Tôi đã gặp y ở đâu đó rồi. Nhưng phải mất mấy giây tôi mới nhớ ra y là ai – tay ca sĩ tôi đã gặp đêm hôm đó trong quán bar ở Sapporo. Không nghi ngờ gì nữa: chính y.
Tôi bật dậy khỏi ghế, lật đật đuổi theo y. Vì y chỉ đi thủng thỉnh nên tôi đuổi kịp y chẳng khó gì. Tôi theo sau y khoảng mười bước, vừa đi vừa điều chỉnh nhịp bước của mình cho khớp với của y. Tôi cân nhắc xem có thể nói với y những gì. Tôi có thể nói chẳng hạn như: Ba năm trước anh có hát ở Sapporo phải không? Tôi có nghe anh hát ở đó. Ồ, thế à? y sẽ nói. Cảm ơn ông nhiều lắm. Rồi sao nữa? Liệu tôi có nên nói: Tối hôm đó vợ tôi đi phá thai. Và cô ấy đã bỏ tôi mới đây không lâu. Cô ấy đã ngủ với người khác? Tôi quyết định chỉ theo y để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể trong khi đi tôi sẽ nghĩ ra cách gì đó đặng tùy cơ ứng biến.
Y đang rời khỏi nhà ga. Y đi ngang qua một dãy nhà cao tầng, băng qua Xa lộ Ome rồi hướng về phía Yoyogi. Y có vẻ đang đắm mình suy nghĩ. Rõ là thông thuộc khu này như lòng bàn tay, y không một lần nào do dự hay nhìn quanh. Y luôn bước đều nhịp, mắt hướng thẳng về phía trước. Tôi theo sau y mà nghĩ về cái ngày Kumiko đi phá thai. Sapporo vào đầu tháng Ba. Đất lạnh cứng, thi thoảng vài bông tuyết rơi xuống. Tôi lại quay lại những con phố đó, phổi tôi đầy khí lạnh. Tôi thấy hơi thở trắng tỏa ra từ miệng mọi người.
Thế rồi tôi bỗng ngộ ra: rằng chính lúc đó mọi việc đã thay đổi. Phải, chắc chắn vậy. Đó chính là bước ngoặt. Từ đó trở đi, dòng chảy quanh tôi đã bắt đầu tỏ dấu hiệu thay đổi. Giờ đây nghĩ lại, tôi mới nhận ra rằng việc phá thai đó đã là một sự kiện hệ trọng đối với hai chúng tôi. Tuy nhiên, tại thời điểm đó tôi đã không hiểu được tầm quan trọng đích thực của nó. Tôi đã quá bối rối bởi bản thân hành động phá thai, trong khi điều thực sự hệ trọng có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác.
Em phải làm chuyện đó, nàng đã nói. Em cảm thấy mình làm vậy là đúng, rằng làm vậy là tốt nhất cho cả hai ta. Nhưng còn một cái gì khác nữa, cái gì đó mà anh không biết, cái gì đó mà em chưa thể nói thành lời. Em không giấu anh điều gì cả. Em chỉ không biết chắc liệu đó có phải là một cái gì có thực không. Chính vì vậy em chưa thể nói thành lời được.
Hồi ấy nàng không biết đó có phải là một cái gì có thực hay không. Và một cái gì ấy, không nghi ngờ gì nữa, có liên quan với việc mang thai hơn là với việc phá thai. Có thể nó có gì đó liên quan đến đứa trẻ trong bụng nàng. Nó có thể là cái gì? Cái gì đã khiến nàng hoang mang đến vậy? Phải chăng nàng có quan hệ với người đàn ông khác nên từ chối cho đứa bé ra đời? Không, không thể có chuyện ấy được. Chính nàng đã tuyên bố là không thể có chuyện ấy. Nó là con tôi, điều đó chắc chắn. Thế nhưng, vẫn có cái gì đó nàng không thể nói với tôi. Và chính một cái gì ấy có liên quan mật thiết đến việc nàng quyết định bỏ tôi. Mọi chuyện đều bắt đầu từ đó.
Nhưng bí mật đó là gì, cái gì bị che giấu ở đó, tôi hoàn toàn không biết. Tôi là kẻ duy nhất bị bỏ rơi, một mình trơ trọi trong bóng tối. Tôi chỉ biết chắc mỗi một điều là chừng nào tôi chưa giải được bí mật của một cái gì kia thì Kumiko sẽ không bao giờ trở lại với tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi căm giậm câm lặng dâng lên trong tôi, căm giận cái gì đó vẫn đang vô hình đối với tôi. Tôi vươn thẳng lưng, hít một hơi dài, cố trấn an nhịp tim đập thình thịch. Nhưng dù có vậy, nỗi căm giận, giống như nước, vẫn thẩm thấu vào từng ngóc ngách thân thể tôi. Đó là một cơn giận chìm trong u buồn. Tôi không có cách nào quật nó vào một cái gì cho nó vỡ tan ra, không thể làm gì để xua nó đi được.
…
Gã đàn ông vẫn đi bằng nhịp chân đều đều. Y băng qua những đường ray của tuyến xe điện Odakyu, đi qua một dãy cửa hiệu, qua một đền thờ, qua một mê cung nhiều con ngõ. Tôi theo sau y, cố giữ một khoảng cách sao cho y không phát hiện ra tôi. Và rõ là y không phát hiện ra tôi. Y không một lần quay lại. Ở gã đàn ông này rõ ràng có cái gì đó khác người thường. Y không chỉ chẳng hề quay lại mà cũng chẳng bao giờ nhìn sang hai bên. Y quá đỗi tập trung; y đang nghĩ gì vậy? Hay đúng hơn, y hầu như không nghĩ về bất cứ cái gì? Chẳng mấy chốc gã đàn ông bước vào một khu tĩnh mịch, phố xá vắng tanh hai bên là những dãy nhà hai tầng có khung bằng gỗ. Đường đi nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, len giữa hai dãy những căn nhà xập xệ chen chúc chụm vào nhau. Ở đây vắng người đến kỳ lạ. Hơn một nửa những căn nhà này không có người. Có những thanh ván nẹp ngang qua cửa chính những căn nhà không người ở, bên ngoài dán những lá đơn xin phép quy hoạch. Đây đó, như những chiếc răng bị khuyết, có những lô đất trống mọc tràn cỏ dại mùa hè, xung quanh rào lưới mắt cáo. Hẳn là có một kế hoạch giải tỏa toàn bộ khu này trong thời gian sắp tới để xây dựng vào tòa nhà cao tầng mới.
Những chậu bìm bìm cùng mấy loài hoa khác xúm xít trong khoanh đất bé xíu đằng trước dăm căn nhà ít ỏi còn người ở. Bên cạnh khoảnh đất đó một chiếc xe đạp ba bánh nằm lăn lóc, một chiếc khăn tắm và một bộ đồ tắm trẻ con phơi trên cửa sổ tầng hai. Mèo nằm nhan nhản khắp nơi, dưới cửa sổ, nơi ngưỡng cửa các nhà, chúng theo dõi tôi bằng cái nhìn uể oải. Tuy chỉ mới xế chiều nhưng khu này không một bóng người. Địa thế của nơi này làm tôi bối rối. Tôi không biết đây là phía Bắc hay phía Nam. Tôi đoán chừng đây là một vùng tam giác nằm giữa Yoyogi, Sendagaya va Harajuku, nhưng không chắc lắm.
Dù thế nào đi nữa, đây là một khu vực bị lãng quên của thành phố. Hẳn là người ta đã quên bẵng nó bởi đường sá ở đây quá hẹp nên ôtô khó lòng qua được. Bàn tay các nhà thầu xây dựng chưa vươn tới đây. Bước chân tới chốn này, tôi có cảm giác như thời gian đã quay lại hai mươi, ba mươi năm về trước. Tôi nhận ra rằng đến một lúc nào đó, tiếng gầm gào triền miên của động cơ ôtô đã bị nuốt chửng, lúc này thì đã hoàn toàn biến mất. Xách chiếc hộp đàn ghita, gã đàn ông len lỏi qua mê cung những con phố cho tới khi đến một căn nhà khung gỗ gồm nhiều căn hộ cho thuê. Y mở cửa, bước vào rồi đóng cửa lại sau lưng mình. Theo như tôi thấy thì cửa không khóa.
Tôi đứng đó một lát. Kim đồng hồ của tôi chỉ 6 giờ 20. Tôi tựa lưng vào hàng rào mắt cáo của lô đất trống bên kia đường mà quan sát căn nhà. Nó là một căn nhà chuyên cho thuê điển hình, có hai tầng, khung bằng gỗ. Nhìn cửa ra vào và cách bố trí các phòng là thấy ngay. Hồi còn sinh viên tôi từng sống trong một căn nhà như thế này. Nơi tiền sảnh có một cái tủ đựng giày, một toilet dùng chung, một gian bếp nhỏ, chỉ có sinh viên và những người đi làm độc thân mới sống ở đó. Tuy nhiên, căn nhà này lại chẳng có vẻ gì là có người ở. Không âm thanh, không động tĩnh. Trên cánh cửa bọc nhựa không có tấm bảng tên người nào. Trước kia thì có bảng tên nhưng ai đó đã bóc đi, chỉ còn trơ lại một khoảng trống dài, hẹp. Mọi cửa sổ đều đóng im ỉm, rèm che kín mít, dù cái nóng cuối buổi chiều vẫn chưa dứt.
Căn nhà cho thuê này, cũng như các căn nhà kế cận, hẳn nằm trong kế hoạch giải tỏa, nên không còn ai sinh sống nữa. Nhưng nếu đúng vậy thì gã đàn ông ôm hộp đàn ghita làm gì ở đây? Tôi đã có ý chờ xem sau khi y vào thì có cánh cửa sổ nào mở ra không, nhưng chẳng có động tĩnh gì.
Tôi không thể cứ quanh quẩn ở cái phố hẹp vắng tanh này mãi. Tôi liền đi đến chỗ cửa chính căn nhà, đẩy thử. Tôi đã đoán đúng: cửa không khóa, mở vào trong dễ dàng. Tôi đứng nơi ngưỡng cửa một lát, cố gắng có một cảm nhận về nơi này, nhưng hầu như không nhìn rõ được gì trong cảnh tranh tối tranh sáng. Mọi cửa sổ đều đóng kín mít, không khí trong nhà nồng nực, tù hãm. Cái mùi ẩm mốc làm tôi nhớ tới các mùi dưới đáy giếng. Nách tôi vã mồ hôi trong cái nóng. Môt giọt mồ hôi chảy xuống phía sau vai tôi. Sau một thoáng do dự, tôi bước vào rồi nhẹ nhàng đóng cửa lại đằng sau. Tôi đã nghĩ đến chuyện xem thử có tên người nào dám trên thùng thư hay tủ đựng giày để biết liệu có ai vẫn đang sống ở đây chăng, nhưng chưa làm vậy thì tôi đã nhận ra rằng có ai đó ở trong nhà. Có ai đó đang quan sát tôi.
Bên phải lối vào có cái gì đó cao cao giống như tủ giày, và ai đó kia đang đứng ngay phía sau nó, như đang ẩn nấp. Tôi nín thở nhìn chòng chọc vào cái hơi ấm tranh tối tranh sáng kia. Người đứng đó là gã trai mang hộp đàn ghita. Rõ ràng là ngay sau khi vào phòng y đã núp sau tủ giày. Y làm gì ở đây? Đợi tôi chăng? Chào đằng ấy, tôi cố buộc mình lên tiếng. Tôi đang muốn hỏi anh… Nhưng mấy chữ ấy vừa buột khỏi mồm tôi thì một cái gì đó đã quật mạnh vào vai tôi. Rất mạnh. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Trong khoảnh khắc đó điều duy nhất tôi cảm thấy lực đánh mạnh đến tối tăm mặt mũi. Tôi đứng đực ra đó, hoang mang. Nhưng ngay một giây sau đó tôi hiểu điều gì đang diễn ra. Nhanh như khỉ, gã đàn ông đã nhảy phóc ra từ sau chiếc tủ giày mà đánh tôi bằng một cây gậy bóng chày. Trong khi tôi đang đứng đó choáng váng, y lại vung gậy lên giáng vào tôi. Tôi cố tránh nhưng không kịp. Lần này gậy đập vào tay trái tôi. Trong một khoảnh khắc, tay mất hết cảm giác. Không đau đớn, không gì cả. Cứ như toàn bộ cánh tay đã tan biến vào không trung vậy.
Tuy nhiên, chưa kịp nghĩ gì thì tôi đã tung chân đá hắn, như một phản xạ có điều kiện. Tôi chưa bao giờ theo học khóa võ thuật chính quy nào, nhưng một thằng bạn tôi hồi trung học biết karate đến đẳng gì đấy đã dạy tôi những đòn cơ bản. Hết ngày này sang ngày khác, cậu ta dạy tôi những đòn đá – chẳng cầu kỳ gì cả, chỉ là tập đá sao cho càng mạnh, càng cao, càng thẳng chân càng tốt. Đây là thứ hữu ích duy nhất cần biết trong những tình huống nước sôi lửa bỏng, cậu ta bảo. Cậu ta có lý lắm. Gã đàn ông đang mải mê vung gậy nên không hề ngờ trước rằng y có thể sẽ bị đá. Tôi cũng đang hoảng loạn như y nên không hề nghĩ xem mình đã vào đâu, cú đã cũng chẳng lấy gì làm mạnh, nhưng hình như cú sốc nó gây ra cũng đủ cho gã kia tắt điện. Y không vung gậy nữa, và như thể đúng khoảnh khắc đó thời gian dừng lại, y nhìn trân trân vào tôi bằng cặp mắt trống rỗng. Chộp lấy cơ hội, tôi bồi thêm một cú đá mạnh hơn, chính xác hơn vào bụng dưới y, và khi y gập người lại vì đau, tôi giằng cây gậy khỏi tay y. Rồi tôi đá mạnh vào mạng sườn y. Y cố túm chân tôi, thế là tôi lại đá y. Rồi lại đá nữa, cũng vào chỗ đó. Đoạn tôi vung gậy phang thẳng cánh vào đùi y. Y rống lên một tiếng đùng đục rồi đổ vật xuống sàn nhà.
Ban đầu tôi đá và đánh y hoàn toàn là do khiếp sợ, đánh để chính mình không bị đánh. Nhưng khi y đã ngã xuống sàn, tôi nhận thấy nỗi khiếp sợ của tôi đã chuyển thành giận dữ, thực sự là giận dữ. Giận dữ vẫn còn nguyên đó, nỗi giận dữ lặng lẽ vốn đã tràng dâng trong thân thể tôi trước đó, khi tôi vừa đi vừa nghĩ đến Kumiko. Giờ đây được tuôn ra, nó bùng lên không sao kìm chế được thành cái gì đó gần như là nỗi căm hận dữ dội. Tôi lại vung gậy quật vào đùi gã đàn ông. Y rớt dãi nơi khóe miệng. Vai và tay trái tôi, chỗ bị y đánh ban nãy, bắt đầu đau nhói. Cái đau càng khiến tôi điên tiết. Mặt gã đàn ông méo xệch vì đau, nhưng y vẫn cố gượng dậy khỏi sàn.
Tôi không điều khiển được tay trái, thế nên tôi quẳng gậy xuống đất mà giẫm lên người y, giã túi bụi vào mặt y bằng tay phải. Tôi nện liên hồi kỳ trận. Tôi nện cho đến khi mấy ngón tay phải tôi tê dại rồi trở nên đau nhói.
Tôi muốn dần y cho đến khi bất tỉnh mới nghe. Tôi túm cổ y, dập đầu y xuống sàn nhà bằng gỗ. Chưa bao giờ trong đời tôi phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay với ai. Tôi chưa bao giờ vận hết sức bình sinh đặng đánh kẻ nào khác. Nhưng lúc này tôi chỉ làm được mỗi một việc là đánh, đánh mãi, chừng như không sao dừng được. Trí óc bảo tôi dừng lại: thế là đủ rồi.
Đánh nữa sẽ là quá tay. Gã này sẽ không dậy nổi nữa. Nhưng tôi không dừng được. Tôi nhận ra rằng lúc này có đến hai tôi. Tôi đã tách làm hai, nhưng cái tôi này không còn đủ sức ngăn cái tôi kia. Ý nghĩ đó làm tôi lạnh sống lưng.
Thế rồi tôi nhận thấy gã đàn ông đang mỉm cười. Cho dù tôi đang đánh y, y vẫn đang cười vào mặt tôi – tôi càng đánh tợn thì nụ cười càng ngoác ra, cho tới khi máu tuôn xối xả từ mũi và cặp môi nát toét của y, và tới khi y sặc vì nước dãi của chính y, thì y bật ra một tiếng cười lảnh lót, mỏng dính.
Y điên rồi, tôi nghĩ. Tôi bèn ngừng đánh y mà đứng thẳng dậy.
Tôi nhìn quanh thì thấy chiếc hộp đàn ghita dựng bên hông cái tủ đựng giày. Tôi để mặc gã đàn ông nằm cười sằng sặc đó mà lại gần chiếc hộp đàn. Tôi hạ nó xuống sàn, mở khóa rồi nhấc nắp hộp lên. Bên trong chẳng có gì hết, không đàn, không nến. Gã đàn ông nhìn tôi, vừa cười vừa ho khục khặc. Tôi cảm thấy khó thở. Đột nhiên, bầu không khí oi nồng, sực hơi nước trong căn nhà này trở nên không thể chịu nổi. Mùi ẩm mốc, mồ hôi nhớp nháp của chính tôi, mùi máu và nước dãi, nỗi giận dữ và căm hận trong tôi: tất cả bỗng trở nên quá sức chịu đựng của tôi. Tôi đẩy bật cửa bước ra ngoài, khép cửa lại đằng sau. Cũng như trước, không hề có dấu vết một ai ở chốn này. Sinh vậy duy nhất là một con mèo to màu nâu đang chậm rãi băng qua lô đất trống, chẳng buồn để ý đến tôi.
Tôi muốn rời khỏi nơi này trước khi có người phát hiện ra tôi. Tôi không biết đi lối nào, nhưng tôi cứ đi, chẳng mấy chốc cũng tìm được một trạm xe buýt có biển đề Đến ga Shinjuku. Tôi cố thở đều lại và sắp xếp cho đâu vào đấy trong đầu trước khi xe buýt đến, nhưng cả hai đều không xong – hơi thở hổn hển, trong đầu vẫn rối tung lên. Mình chỉ muốn nhìn vào mặt thiên hạ thôi mà, tôi cứ nhắc đi nhắc lại trong đầu vậy! Tôi chỉ nhìn mặt người qua kẻ lại trên đường mà thôi, như lời cậu tôi bảo. Tôi chỉ đang cố gỡ rối những rắc rối đơn giản của đời tôi, chỉ có thế. Khi tôi lên xe buýt, hành khách quay lại nhìn tôi. Ai đấy đều tỏ vẻ kinh hoàng rồi ngoảnh đi chỗ khác. Ban đầu tôi nghĩ ấy là do vết bầm trên mặt tôi. Mãi một lúc tôi mới nhận ra đó là vì những vết máu loang lổ trên ngực áo tôi (chủ yếu là máu mũi của y) và cây gập bóng chày mà tôi vẫn đang nắm chặt trong tay.
Rốt cuộc tôi đã tha cây gậy suốt dọc đường về nhà rồi ném vào trong tủ.
Đêm đó tôi thức trắng đến tận sáng. Vai và tay trái tôi, những chỗ bị gã kia đánh bằng gậy bóng chày, giờ đây sưng vù lên, đau tê tái, còn nắm tay phải tôi vẫn còn nguyên cảm giác nện tới tấp vào gã đó, nện liên hồi kỳ trận. Tôi nhận ra rằng bàn tay vẫn nắm chặt thành quả đấm, sẵn sàng đánh. Tôi cố duỗi bàn tay ra nhưng nó không chịu nghe. Còn không ngủ được thì không hẳn vì không thể ngủ mà đúng hơn là không muốn ngủ. Nếu cứ trong tình trạng này mà ngủ, tôi sẽ chẳng có cách nào thoát khỏi mơ những giấc mơ khủng khiếp. Tôi cố trấn tĩnh, ngồi bên bàn bếp, vừa nhấp chỗ whisky ông cậu tôi để lại vừa nghe nhạc êm dịu phát ra từ máy cát-xét. Tôi muốn nói chuyện với một ai đó. Tôi muốn một ai đó nói chuyện với tôi. Tôi đặt điện thoại lên bàn rồi nhìn nó hàng giờ liền. Ai đó hãy gọi tôi đi nào, làm ơn hãy gọi cho tôi, ai cũng được, kể cả người đàn bà bí ẩn trên điện thoại kia cũng được; ai tôi cũng sẵn lòng nghe. Dù cho là cuộc nói chuyện bẩn thỉu và vô nghĩa nhất, cuộc đối thoại độc địa và ghê tởm nhất. Không sao hết. Tôi chỉ cần một người nào đó hãy nói chuyện với tôi.
Nhưng điện thoại không reo. Tôi uống nốt nửa chai Scotch còn lại, rồi khi trời đã sáng, tôi bò vào giường đi ngủ. Xin đừng để tôi mơ, xin hãy cho giấc ngủ tôi là một giấc ngủ trống trơn, không mộng mị, dù chỉ hôm nay thôi.
Nhưng dĩ nhiên tôi đã mơ. Và đúng như tôi đã sợ, đó là một giấc mơ khủng khiếp. Trong mơ có gã đàn ông mang hộp đàn ghita. Trong giấc mơ tôi cũng làm những việc như đã làm trong thực tại – đi theo y, mở cửa trước căn nhà có hộ cho thuê, cảm thấy tác động từ cú đánh, rồi nện gã đàn ông, nện mãi, nện mãi. Nhưng sau đó thì khác. Khi tôi thôi đánh hắn và đứng dậy, gã đàn ông vẫn chảy rớt dãi và cười như điên dại như trong thực tại, nhưng y lại rút từ trong túi ra một con dao – một con nhỏ sắc lẻm. Lưỡi dao phản chiếu ánh chiều yếu ớt tuôn vào qua rèm cửa, hắt ra một ánh trăng trắng giống như xương. Nhưng gã đàn ông không dùng con dao để tấn công tôi.
Thay vào đó y cởi hết quần áo ra rồi bắt đầu tự lột da mình như lột vỏ quả táo. Y làm rất nhanh mà vẫn không ngớt cười sằng sặc. Máu phụt ra xối xả từ mình y, làm thành một cái ao đen sịt, khủng khiếp trên sàn nhà. Y dùng bàn tay phải lột da cánh tay trái, rồi dùng bàn tay trái đã lột da đẫm máu để lột da cánh tay phải. Cuối cùng y trở thành một súc thịt đỏ hỏn, nhưng ngay cả khi đó y vẫn tiếp tục cười sằng sặc từ cái lỗ đen ngòm vốn là cái miệng hả hoác của y, cặp nhãn cầu trắng dã lộn lên lộn xuống như điên trên mớ thịt đỏ hỏn vốn là bộ mặt y. Chẳng mấy chốc, như thể đáp lại độ lớn phi tự nhiên của tiếng cười y, bộ da đã lột của gã đàn ông bắt đầu trườn trên sàn nhà mà lại gần tôi. Tôi muốn bỏ chạy, nhưng chân tôi không cục cựa. Bộ da chạm tới chân tôi rồi bắt đầu bò ngược lên. Nó bò lên trên da tôi, bộ da sũng máu của gã đàn ông dán chặt lên da tôi làm thành một lớp bọc ngoài.
Đâu cũng mùi máu nồng nặc. Chẳng mấy chốc mà chân tôi, mình tôi, mặt tôi bị lớp màng mỏng của bô da gã đàn ông hoàn toàn phủ kín. Rồi mắt tôi không nhìn được nữa, và tiếng cười của gã đàn ông vang vọng trong bóng tối rỗng hoác. Đến đó thì tôi thức dậy.
Bàng hoàng và khiếp đảm tràn ngập tôi. Trong một lát, tôi thậm chí không còn cảm nhận được sự hiện hữu của chính mình. Các ngón tay tôi run rẩy.
Nhưng đồng thời tôi biết mình đã đi đến một kết luận.
Tôi không thể – và không nên – chạy trốn, không trốn đến Crete, cũng chẳng trốn đi đâu hết. Tôi phải đưa bằng được Kumiko trở về. Bằng đôi tay mình, tôi phải lôi nàng trở lại thế giới này. Bởi nếu tôi không làm vậy, đó sẽ là chung cục của chính tôi. Con người này, cái kẻ mà tôi xem là tôi, kẻ đó sẽ mất đi vĩnh viễn.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 01 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 02 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 03 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 04 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 05 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 06 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 07 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 08 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 09 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 10 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 11 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 12 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 13 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 14 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 15 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 16 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 17 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 18 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 19 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 20 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 21 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 22 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 23 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 24 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 25 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 26 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 27 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 28 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 29 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 30 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 31 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 32 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 33 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 34 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 35 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 36 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 37 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 38 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 39 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 40 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 41 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 42 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 43 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 44 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 45 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 46 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 47 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 48 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 49 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 50 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 51 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 52 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 53 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 54 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 55 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 56 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 57 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 58 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 59 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 60 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 61 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 62 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 63 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 64 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 65 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 66 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, toàn tập tại đây.