Haruki Murakami | Biên niên ký chim vặn dây cót | Chương 09
Biên niên ký chim vặn dây cót với tiếng hót của con chim vặn dây cót chỉ vang lên vào những thời khắc quyết định, khi con người tỉnh thức những tiếng lòng thầm kín.
· 36 phút đọc.
Kasahara May khảo cứu bản chất của tóc giả.
Sáng hôm sau, tiễn Kumiko đi làm xong, tôi đi đến hồ bơi. Bơi buổi sáng là tốt nhất, bởi vắng người. Đi bơi về tôi đun ít cà phê rồi ngồi uống trong bếp, vừa uống vừa ôn lại câu chuyện kỳ quặc chưa kể hết của Kano Creta, cố nhớ lại từng chi tiết trong cuộc đời cô theo trình tự thời gian. Tôi càng nhớ lại thì câu chuyện càng có vẻ kỳ quặc, nhưng hoạt động của bộ não tôi mỗi lúc một chậm dần, tôi bắt đầu buồn ngủ rũ. Tôi bèn lên phòng khách, nằm xuống sofa, nhắm mắt lại. Chẳng mấy chốc tôi đã thiếp đi. Và tôi nằm mơ.
Tôi mơ thấy Kano Creta. Tuy nhiên, trước khi cô ta xuất hiện, tôi mơ thấy Kano Malta. Malta đội chiếc mũ kiểu Tyrol gắn một cái lông chim to màu sắc sặc sỡ. Xung quanh cô có rất nhiều người (tuồng như một cái đại sảnh nào đó), nhưng tôi nhận ra ngay Kano Malta nhờ chiếc mũ của cô. Cô đang ngồi một mình nơi quầy bar. Trước mặt cô là một ly cocktail Tropical, nhưng tôi không nhớ liệu cô có uống không.
Tôi mặc comple, đeo cà vạt chấm hạt đỗ. Ngay khi nhìn thấy Kano Malta, tôi đã cố đi về phía cô, nhưng đám đông cứ ngáng đường tôi. Đến khi tôi tới được chỗ quầy bar thì cô đã đi mất. Ly cocktail Tropical vẫn còn nguyên trên quầy, trước mặt chiếc ghế cô ngồi ban nãy. Tôi ngồi vào ghế bên cạnh rồi gọi một ly Scotch có đá. Người phục vụ quầy bar hỏi tôi muốn uống loại Scotch nào, tôi liền bảo Cutty Sark. Thật ra thì với tôi loại nào cũng được, nhưng Cutty Sark là cái tên đầu tiên nảy ra trong đầu tôi.
Anh ta chưa kịp đưa ly rượu thì tôi cảm thấy có một bàn tay nắm lấy tay tôi từ phía sau, cái đụng chạm nhẹ nhàng đến nỗi dường như người đó đang nắm một vật gì rất đỗi mỏng manh, có thể vỡ vụn ra bất cứ lúc nào. Tôi quay lại và thấy một người đàn ông không có mặt. Có thật là anh ta không có mặt hay không, tôi không biết, nhưng ở chỗ lẽ ra là khuôn mặt chỉ bao trùm một bóng tối đen ngòm, và tôi không thể biết có cái gì đằng sau nó. – Lối này, thưa ông Okada, – hắn nói. Tôi có nói, nhưng chưa kịp mở mồm thì hắn đã bảo: Mời ông đi với tôi. Chúng ta có ít thời gian lắm. Xin ông vội lên cho. Vẫn nắm tay tôi, hắn rảo bước len qua đám đông, bước ra một hành lang. Tôi đi theo hắn dọc hành lang, không cưỡng lại. Nói gì thì nói, hắn biết tên tôi. Cũng chẳng phải tôi đang để một kẻ hoàn toàn xa lạ dẫn đi đâu tùy ý. Phải có nguyên nhân và mục đích nào đó trong chuyện này.
Đi dọc hành lang một lúc, người không mặt dừng lại trước một cánh cửa.
Con số ghi trên cánh cửa là 208.
– Cửa khóa.
– Xin ông hãy mở ra. – tôi làm theo, mở cửa ra. Phía sau cánh cửa là một căn phòng rộng. Xem ra nó là một phần của dạng phòng suite trong khách sạn kiểu xưa. Trần cao, treo một chùm đèn kiểu cổ. Đèn không thắp sáng. Một ngọn đèn tường hắt ra ánh sáng lờ mờ, nguồn sáng duy nhất trong phòng. Các rèm cửa kéo kín mít.
– Nếu ông muốn whisky thì bao nhiêu cũng có, thưa ông Okada. Ông thích Cutty Sark phải không? Xin mời, uống bao nhiêu cũng được.
– Hắn chỉ về phía một cái tủ âm cạnh cửa ra vào rồi lặng lẽ đóng cửa lại, để tôi một mình. Tôi đứng giữa phòng một hồi lâu, không biết phải làm gì.
Một bức tranh sơn dầu lớn treo trên tường. Đó là tranh vẽ một dòng sông.
Tôi nhìn nó một lát, hy vọng sẽ trấn tĩnh lại. Trăng đang lên trên dòng sông.
Ánh trăng tỏa xuống phía bên kia sông, nhưng trăng mờ đến nỗi tôi không nhìn rõ được cảnh trí ở đó. Chỉ thấy những đường viền mơ hồ nhập nhoạng mà thôi.
Bỗng nhiên tôi thấy thèm whisky ghê gớm. Tôi toan mở chiếc tủ âm để lấy rượu theo lời gã đàn ông không mặt, nhưng không mở được. Cái giọng như là cửa tủ hóa ra chỉ là những cánh cửa giả làm rất khéo. Tôi thử hết kéo lại đẩy những chỗ lồi ra, nhưng tủ vẫn đóng im ỉm.
– Không dễ mở đâu, thưa ông Okada, – Kano Creta nói. Tôi nhận ra rằng cô đang đứng đó, vẫn trong bộ y phục đầu thập niên 1960.
– Phải mất một thời gian nữa nó mới mở. Hôm nay thì không được đâu. Ông đừng cố làm gì.
Cô trút hết quần áo dễ dàng như mở một hộp đậu rồi đứng đó trần truồng trước mặt tôi, không hề báo trước hay giải thích. _Chúng ta có ít thời gian lắm, thưa ông Okada, hãy cố làm cho xong việc này càng nhanh càng tốt.
Tôi xin lỗi vì phải vội vã thế này, song tôi có lý do riêng. Tới được đây cũng đã khó khăn lắm rồi._ Thế rồi cô lại gần tôi, mở khóa quần tôi, thế rồi, như thể đó là việc tự nhiên nhất trên đời, cô lôi dương vật của tôi ra. Cụp đôi mắt đeo lông mi giả xuống, cô ngoạm nó vào miệng gọn lỏn. Miệng cô rộng hơn tôi tưởng nhiều. Bên trong miệng cô, tôi lập tức cương cứng. Khi cô cử động lưỡi, những đuôi tóc loăn xoăn của cô khẽ rung rung như trong làn gió nhẹ, mơn man hai bắp đùi tôi. Tôi chẳng thấy gì khác ngoài mái tóc và hai hàng mi giả của cô. Tôi ngồi trên giường, cô thì quỳ gối, vùi mặt vào chỗ đũng quần tôi.
– Dừng ngay, – tôi nói.
– Wataya Noboru sẽ đến bất cứ lúc nào. Tôi không muốn gặp hắn ở đây.
Kano Creta rút miệng ra khỏi dương vật tôi rồi nói: Đừng lo. Chúng ta còn nhiều thì giờ, ít nhất là để làm việc này.
Cô đánh đầu lưỡi lên dương vật tôi. Tôi không muốn xuất tinh, nhưng không cách nào kìm lại được. Tôi cảm thấy như bị hút hết tinh khí ra khỏi mình. Môi và lưỡi cô ta quấn lấy da thịt tôi như những sinh thể nhớp nháp trơn nhẫy. Tôi không chịu được nữa, tôi xuất tinh. Tôi mở mắt ra.
Thế đấy. Tôi xuống buồng tắm, giặt cái quần lót vấy bẩn rồi đứng hồi lâu dưới vòi hoa sen nóng, cẩn thật gột cho sạch hết cái cảm giác dinh dính mà giấc mơ để lại. Đã bao nhiêu năm rồi từ khi tôi gặp mộng tinh lần cuối? Tôi cố nhớ lại chính xác nhưng đành chịu thua, đã lâu quá rồi.
Tôi vừa ra khỏi phòng tắm, đang lau người thì điện thoại reo. Ấy là Kumiko. Sau một giấc mơ ân ái với người đàn bà khác, tôi cảm thấy hơi căng thẳng khi phải nói chuyện với nàng.
– Giọng anh lạ lắm, – nàng nói.
– Có chuyện gì vậy?
– Sự nhạy cảm của nàng đối với những chuyện như thế này thật đáng sợ.
– Có gì đâu, – tôi nói.
– Anh đang ngủ. Em gọi làm anh thức dậy.
– Thế à? – nàng nói. Tôi cảm thấy rõ sự hoài nghi của nàng qua ống nghe, điều đó khiến tôi càng căng thẳng hơn.
– Thôi được, em xin lỗi, em chỉ muốn báo rằng hôm nay sẽ về muộn một tí, – Kumiko nói.
– Có thể tới 9 giờ rưỡi mới về. Em sẽ đi ăn ngoài.
– Được thôi, – tôi nói.
– Anh ăn tối một mình vậy. Đừng lo cho anh.
– Em xin lỗi mà, – nàng nói, như thể sau khi ngẫm nghĩ điều đó. Nàng ngừng một lát, rồi mới gác máy.
Tôi nhìn cái ống nghe thêm vài giây. Rồi tôi xuống bếp gọt một quả táo.
…
Suốt sáu năm từ khi lấy Kumiko, tôi chưa hề ngủ với người đàn bà nào khác. Nói vậy không có nghĩa là tôi không bao giờ thèm muốn hoặc có cơ hội ngủ với một người đàn khác. Đơn giản là tôi không bao giờ để mình bị cuốn theo dù có cơ hội đi nữa. Tôi không biết tại sao, có lẽ vì dục tính không nằm trong số những việc ưu tiên trong đời tôi.
Tôi chỉ có một lần duy nhất tình cờ qua đêm với một người đàn bà khác. Cô ta thuộc tuýp đàn bà tôi thích, và tôi cũng biết cô ta sẵn sàng ngủ với tôi nếu có dịp. Nhưng rốt cuộc tôi chẳng làm gì cô ta cả.
Khi cô ta phải thôi việc để lấy chồng (cô phải chuyển đến Kyushu, nơi chồng cô ta đang làm việc), tôi cùng một số đồng nghiệp mời cô đi uống bữa rượu chia tay. Sau đó cô ta và tôi đi cùng một chuyến tàu về nhà, và do đã khuya nên tôi tiễn cô ta về tận căn hộ nơi cô ở. Đến trước cửa, cô mời tôi vào uống một tách cà phê. Tôi thì chỉ lo nhỡ chuyến tàu cuối, nhưng tôi biết có thể hai chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại nhau, mà tôi thì cũng thích uống chút cà phê cho tỉnh rượu, thế là tôi quyết định vào. Nhà cô ta thật điển hình cho căn hộ của gái độc thân. Nó có một cái tủ lạnh hơi quá to so với một người, một chiếc máy nghe đĩa đặt trên giá sách. Một người bạn đã tặng cô chiếc tủ lạnh này. Cô thay bộ đồ khác cho thoải mái ở phòng bên rồi pha cà phê dưới bếp. Chúng tôi ngồi trên sàn nhà trò chuyện.
Đến một lúc, khi hai chúng tôi không còn chuyện gì để nói, cô chợt hỏi, như thể ý nghĩ đó vừa nảy ra với cô: – Anh thử nói em nghe, anh có sợ nhất một cái gì không, một cái gì cụ thể ấy?
– Chắc là không, – tôi nghĩ một chút rồi nói. Tôi vốn sợ đủ thứ trên đời, nhưng sợ nhất một cái gì đó thì không.
– Còn em?
– Em sợ những ống ngầm, – cô nói, hai tay bó gối.
– Chắc anh biết ống ngầm chứ?
– Kiểu như cống thoát nước phải không? – tôi không biết định nghĩa thế nào cho thật chính xác.
– Vâng, nhưng ở dưới lòng đấy ấy. Ống dẫn nước thải dưới lòng đất. Cống nước thải, phía trên có nắp đậy, nước chảy ở dưới, đen kịt.
– Anh hiểu. Ống ngầm thoát nước.
– Em sinh trưởng ở vùng quê, tỉnh Fukushima. Có một dòng suối chảy ngay cạnh nhà em, một dòng chảy nhỏ, chỉ là một cái rãnh tiêu nước ngoài đồng.
Đến một quãng, nó chảy vào một cống ngầm chui xuống lòng đất. Hình như chuyện đó xảy ra khi em đang chơi với vài đứa trẻ khác. Lúc đó em mới hai, ba tuổi gì đó. Mấy đứa kia cho em vào một cái thuyền con rồi thả theo dòng suối. Có lẽ trò ấy chúng chơi suốt, nhưng hôm ấy trời mưa, nước dâng rất cao. Thuyền rời xa chúng và đưa em thẳng tới chỗ miệng cống ngầm.
Nếu như không có một bác nông dân tình cờ đi ngang qua trông thấy thì chắc em đã bị hút tọt vào trong đó rồi, chừng đó thì chẳng ai còn tìm thấy em nữa.
Cô di di ngón tay trỏ trên miệng như để kiểm tra xem mình có còn sống không.
– Tới giờ em vẫn còn nhớ như in chuyện đó. Em nằm ngửa, bị dòng nước cuốn đi băng băng. Hai bên bờ suối sừng sững phía trên em như hai bức tường đá cao chót vót, trên đầu là trời xanh. Trời trong, xanh đến nhức mắt.
Em bị dòng nước cuốn phăng đi. Càng lúc càng xa, càng lúc càng nhanh.
Mãi em vẫn không hiểu như thế là thế nào. Nhưng rồi đột nhiên em bừng hiểu: rằng đằng kia là bóng tối. Bóng tối thực sự. Chẳng mấy chốc nó sẽ xộc tới hút em xuống. Em cảm thấy một bóng tối lạnh ngắt bắt đầu vây bọc lấy mình. Đó là ký ức đầu đời của em.
Cô nhấp một ngụm cà phê.
– Em sợ đến chết được, – cô nói.
– Sợ không thể nào chịu nổi. Sợ giống như ngày đó, khi em bị dòng nước cuốn phăng phăng đến đó, mà đã đến đó rồi thì không ra được nữa.
Cô lấy trong xắc tay ra một điếu thuốc, cho vào giữa miệng, dùng diêm châm lửa rồi thở một hơi dài, chậm rãi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy cô hút thuốc.
– Em đang nói về đám cưới của em phải không? – tôi hỏi.
– Đúng vậy, – cô đáp.
– Về đám cưới.
– Có vấn đề gì đặc biệt không? – tôi hỏi.
– Một vấn đề gì cụ thể? Cô lắc đầu.
– Vấn đề gì cụ thể thì không; toàn những chuyện vặt vãnh ấy mà… – cô nói.
Tôi không biết nói gì với cô, nhưng trong tình thế này tôi cần phải nói gì đó.
– Anh nghĩ là bất cứ ai khi sắp lấy vợ lấy chồng đều có cảm giác đó, không nhiều thì ít. Trời, nhỡ ra mình đang phạm một sai lầm nghiêm trọng thì sao! Chuyện ấy bình thường lắm, không cảm thấy thế mới là lạ. Dù gì thì chọn một người để sống suốt đời với nhau là một quyết định lớn. Thành thử cảm thấy sợ cũng tự nhiên thôi, nhưng không nên sợ thái quá như vậy.
– Nói thì dễ, Ai cũng cảm thấy như vậy. Ai cũng như nhau, – cô nói.
Đã quá mười một giờ. Tôi phải tìm cách nào đó kết thúc cuộc trò chuyện này cho êm đẹp rồi đi khỏi đây. Nhưng tôi chưa kịp nói gì thì bỗng nhiên cô yêu cầu tôi ôm lấy cô.
– Tại sao? – tôi hỏi, đâm ra cảnh giác.
– Để sạc pin cho em, – cô nói.
– Sạc pin cho em?
– Cơ thể em hết điện rồi. Đã mấy hôm nay em không ngủ được. Hễ sắp thiu thiu ngủ là em sực tỉnh, sau đó thì không thể nào ngủ lại được nữa. Mà cũng không suy nghĩ gì được. Mỗi khi em như vậy, cần phải có người nạp pin cho em. Nếu không em sẽ không sống nổi. Thật đấy.
Tôi nhìn thẳng vào mắt cô, tự hỏi liệu cô có còn say không, nhưng đấy vẫn là cặp mắt bình thản, thông minh của cô. Còn lâu cô mới say.
– Nhưng tuần sau em lấy chồng rồi. Em có thể bảo anh ấy ôm em bao nhiêu tùy ý. Đêm nào cũng ôm. Có vậy người ta mới lấy nhau chứ. Em sẽ chẳng bao giờ hết điện nữa.
– Vấn đề là em cần ngay bây giờ, – cô nói.
– Không phải ngày mai, không phải tuần sau, tháng sau. Em đang hết điện ngay bây giờ đây.
Môi mím chặt, cô nhìn đăm đăm hai bàn chân mình. Hai bàn chân đều tăm tắp. Nhỏ nhắn, trắng muốt, mười móng chân xinh xắn. Dường như cô quả thực đang muốn ai đó ôm mình, thế là tôi dang tay ôm cô vào lòng. Thật kỳ quặc. Với tôi, cô chỉ là một đồng nghiệp có năng lực, dễ mến. Chúng tôi làm việc trong cùng một cơ quan, hay kể chuyện cười cho nhau nghe, thỉnh thoảng rủ nhau đi uống vài ly. Nhưng ở đây, ngoài công việc, trong căn hộ của cô, thân thể cô nằm gọn trong vòng tay tôi, hai chúng tôi chẳng gì hơn là những khối thịt nồng ấm. Chúng tôi vẫn thường đóng những vai mình được phân trên sân khấu công ty, nhưng khi bước xuống khỏi sân khấu, vứt bỏ lại những hình ảnh mà chúng tôi phóng chiếu lên ở đó, hai chúng tôi chỉ còn là những khối thịt bất định, vụng về, những lúc thịt ấm được trang bị thêm hệ tiêu hóa, tim, não và cơ quan sinh dục. Tôi vòng tay ôm quanh lưng cô, cặp vú cô ép chặt vào ngực tôi. Cặp vú to và mềm hơn tôi vẫn hình dung. Tôi ngồi trên sàn nhà, lưng tựa vào tường, cả thân thể cô tì vào người tôi. Chúng tôi ôm nhau trong tư thế đó một hồi lâu, không nói một lời.
– Được chưa? – tôi hỏi, bằng một giọng nghe như không phải của tôi. Như thể ai đó đang nói thay cho tôi vậy.
Cô không nói gì, nhưng tôi cảm thấy cô gật đầu.
Cô đang mặc áo len dệt kim và váy mỏng dài đến gối, nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra rằng bên dưới cô hoàn toàn chẳng mặc gì. Thế là tôi gần như là tự động cương cứng lên. Hình như cô cũng biết điều đó. Tôi nghe hơi thở ấm áp của cô trên cổ mình.
Rốt cuộc tôi đã không ngủ với cô. Nhưng tôi vẫn phải sạc pin cho cô mãi tới 2 giờ sáng. Cô nài tôi ở lại cho tới khi nào cô ngủ được. Tôi bế cô vào giường, ấn cô vào trong chăn. Nhưng mãi mà cô vẫn thức. Cô thay đồ ngủ, và tôi vẫn cứ ôm cô, sạc pin cho cô. Trong vòng tay tôi, tôi cảm thấy hai bầu má cô nóng bừng, tim cô đập mạnh. Tôi không biết mình làm vậy có đúng không, nhưng tôi chẳng biết phải làm gì khác trong tình thế này. Việc đơn giản nhất hẳn là ngủ với cô ta, nhưng tôi ra sức xua cái khả năng đó ra khỏi tâm trí. Bản năng mách bảo tôi chớ làm vậy.
– Xin anh đừng ghét em vì chuyện này, – cô nói.
– Điện của em còn ít quá.
Em không chịu nổi.
– Đừng lo, – tôi nói.
– Anh hiểu mà.
Tôi biết mình nên gọi điện về nhà, nhưng tôi có thể nói gì với Kumiko đây? Tôi không muốn nói dối, nhưng tôi biết việc sẽ không thể nào giải thích chuyện này cho nàng hiểu. Vả chăng, gọi cũng chẳng ích gì. Điều gì tới thì sẽ tới. Tôi rời căn hộ của cô ta lúc 2 giờ sáng, về đến nhà thì đã 3 giờ. Khó khăn lắm mới tìm được taxi.
Dĩ nhiên là Kumiko nổi giận đùng đùng. Nàng đang ngồi bên bàn bếp, vẫn thức chong chong, đợi tôi. Tôi nói tôi ra ngoài uống rượu và chơi mạt chược với mấy tay đồng nghiệp ở cơ quan. Gọi điện về nhà nhắn một tiếng, có khó gì đâu, sao anh không gọi? nàng hỏi. Chả hiểu thế nào mà anh không nghĩ ra, tôi nói. Nàng không tin, và lời nói dối thấy ngay là quá lộ liễu. Đã nhiều năm nay tôi không chơi mạt chược, lại nữa tôi vốn dĩ không biết nói dối trong bất kỳ trường hợp nào. Rốt cuộc tôi đành thú nhận sự thật.
Tôi kể cho nàng toàn bộ câu chuyện từ đầu tới cuối – dĩ nhiên là trừ chi tiết cương cứng – , cố lặp đi lặp lại và nhấn mạnh rằng tôi tuyệt chẳng làm gì cô kia.
Kumiko không nói năng gì với tôi suốt ba ngày liền. Thực sự là không một lời nào. Nàng ngủ ở phòng khác, ăn cũng một mình. Đây là cuộc khủng hoảng căng nhất từ khi chúng tôi lấy nhau. Nàng quả thật giận tôi lắm, và tôi rất hiểu tâm trạng này ra sao.
Sau ba ngày không hé răng, Kumiko hỏi tôi: Nếu anh ở vào địa vị của em thì anh nghĩ sao?
– Đó là câu đầu tiên của nàng.
– Nếu như em cũng mãi ba giờ sáng Chủ nhật mới về nhà mà thậm chí không thèm gọi điện thoại? Em đã nằm trên giường suốt với một gã đàn ông, nhưng anh đừng lo, em chẳng làm gì hết, tin em đi mà. Em chỉ sạc lại pin cho anh ta thôi. Thôi nào, mình ăn sáng rồi đi ngủ nhé. Nếu em nói thế, liệu anh có nổi điên lên không? Liệu anh có tin em không? Tôi lặng thinh.
– Mà anh thì còn tệ hơn thế!
– Kumiko nói tiếp.
– Anh đã nói dối em. Anh bảo nào là anh uống rượu, nào là anh chơi mạt chược. Nói dối như cuội! Sao anh có thể nghĩ rằng em sẽ tin anh không ngủ với ả đó cơ chứ?
– Anh xin lỗi là đã nói dối, – tôi nói.
– Lẽ ra anh không bao giờ nên làm vậy.
Chỉ vì anh thấy giải thích sự thật thì khó quá. Anh muốn em tin một điều: thực sự là anh đã không làm gì sai cả.
Kumiko tựa đầu lên bàn. Tôi cảm thấy như không khí trong phòng đang dần dần mỏng đi.
– Anh không biết nói gì nữa, – tôi nói.
– Anh không biết giải thích cách nào hơn là xin em hãy tin anh.
– Thôi được. Nếu anh muốn em tin anh thì em tin, – nàng nói.
– Nhưng em muốn anh nhớ một điều: rồi sẽ có lúc em làm một chuyện tương tự như thế.
Chừng đó thì em muốn anh hãy tin em. Em có quyền đó.
Kumiko chưa hề sử dụng cái quyền đó. Thỉnh thoảng tôi lại thử hình dung mình sẽ cảm thấy ra sao nếu nàng làm vậy. Hẳn là tôi sẽ tin nàng, nhưng phản ứng của tôi chắc chắn cũng sẽ phức tạp, khó lường như phản ứng của Kumiko. Sao cứ phải làm một việc như thế, để làm gì chứ? Đó chính là điều mà hôm đó Kumiko đã nghĩ về tôi.
…
– Chim vặn dây cót ơi, – có tiếng gọi tôi từ ngoài vườn. Đó là Kasahara May.
Vừa lau tóc tôi vừa ra ngoài hiên. Cô bé đang ngồi vắt vẻo trên ban công mà cắn móng tay. Cô vẫn đeo cặp kính hoa râm như khi tôi gặp lần đầu, mặc quần vải bông màu kem, áo phông đen. Tay cô cầm một chiếc dập ghim.
– Em trèo qua đó, – cô vừa nói vừa chỉ bức tường bêtông. Rồi cô phủi bụi bám vào quần.
– Em cứ đoán hú họa: chắc nhà này đây. May quá, đúng là nhà anh! Thử nghĩ mà xem, nhỡ em trèo vào nhầm nhà thì sao! Cô rút trong túi ra một gói Hope, châm một điếu? – công việc thế nào hở Chim vặn dây cót?
– Làng nhàng thế thôi.
– Em sắp đi làm đây, – cô nói.
– Đi với em đi? Bọn em làm việc theo nhóm hai người, mà nếu em cặp với một người quen thì tố-ố-ốt quá! Phải một tay lạ hoắc thì thể nào cũng hạch hỏi đủ thứ, nào Em mấy tuổi rồi, rồi lại Sao không đi học? Mệt lắm! Mà nhỡ ra gặp một thằng bệnh hoạn tính dục thì gay to. Chuyện gì cũng có thể xảy ra mà, anh biết đấy! Nào, đi với em nhé. Chim vặn dây cót. Làm ơn đi mà!
– Có phải đó là công việc mà em có lần kể với anh không, điều tra gì gì đó cho hãng làm tóc giả ấy?
– Đấy đấy, – cô nói.
– Anh chỉ phải làm mỗi một việc là đếm số người hói đầu ở khu Ginza, từ một giờ đến bốn giờ. Dễ như ăn ớt ấy! Mà cũng có ích cho anh nữa. Cứ cái kiểu này thì lúc nào đấy anh cũng sẽ hói đầu thôi; bây giờ tạm thời còn tóc, anh nên tìm hiểu một chút đi là vừa.
– Ừ, nhưng còn em? Lỡ giám thị trường đi kiểm tra học sinh trốn học mà nhìn thấy em làm việc này ở Ginza giữa giờ học thì em tính sao?
– Có sao đâu, em sẽ bảo là em đang điều tra thực địa để nghiên cứu xã hội học. Em nói thế bao nhiêu lần rồi, hiệu nghiệm lắm đấy.
Do chưa định làm gì vào buổi chiều nên tôi quyết định đi cùng cô bé xem sao. Kasahara May gọi điện về công ty báo rằng chúng tôi sẽ tới. Trên điện thoại, cô chuyển thành một phụ nữ trẻ rất đoan trang nền nã: – Vâng, thưa ông, tôi muốn lập nhóm với anh ấy, đúng vậy, vâng, cảm ơn ông rất nhiều, vâng, tôi hiểu, vâng, chúng tôi sẽ đến vào đúng giữa trưa.
Tôi để lại mấy chữ cho Kumiko nhắn rằng tôi sẽ về trước 6 giờ, phòng trường hợp nàng về sớm, rồi ra khỏi nhà cùng với Kasahara May.
Hãng làm tóc giả nằm ở khu Shinbashi. Trên xe điện ngầm, Kasahara May giải thích cho tôi cách tiến hành điều tra. Chúng tôi sẽ đứng ở một góc phố mà đếm tất cả những người hói (hay những người đang rụng tóc) đi ngang qua. Chúng tôi phải phân loại cho tùy theo mức độ hói: C là những người mới rụng chút ít, B là đã rụng nhiều, A là hoàn toàn hói. May rút trong cặp hồ sơ ra một cái bìa gấp rồi mở ra chỉ cho tôi xem ảnh mẫu của ba giai đoạn.
– Anh hiểu rồi chứ, đầu nào xếp vào loại nào ấy mà? Em không đi vào chi tiết đâu. Phải mất cả ngày đấy. Nhưng anh cũng hiểu đại khái chứ, đầu nào xếp loại nào ấy?
– Tàm tạm, – tôi nói, nhưng chẳng tỏ ra tự tin cho lắm.
Bên cạnh Kasahara May có một quý ông béo núc ních ra dáng dân công sở, cái đầu dứt khoát là thuộc loại B; quý ông cứ liếc mãi cái bìa có những tấm ảnh mẫu trên tay Kasahara May, vẻ bồn chồn ra mặt, nhưng cô bé dường như hoàn toàn không chú ý đến ông ta.
– Em sẽ đảm nhiệm việc phân loại, còn anh đứng cạnh em cầm tờ điều tra.
Anh chỉ việc ghi vào A, B hay C, em bảo gì anh ghi nấy. Chỉ có vậy thôi.
Dễ mà, phải không?
– Nói chung thì dễ, – tôi nói.
– Nhưng điều tra như vậy rồi thì để làm gì?
– Em chả biết, – cô nói.
– Họ làm vậy ở khắp Tokyo – ở Shinjuku, Shibuya, Aoyama. Chắc họ muốn tìm hiểu xem khu nào có nhiều người hói nhất.
Hoặc họ muốn biết tỷ lệ A, B, C trong dân số. Ai mà biết được? Họ có nhiều tiền quá không biết xài đâu cho hết ấy mà. Cho nên họ mới vung tiền ra làm mấy trò như vậy. Nghề tóc giả lãi ối tiền đấy. Nhân viên của họ được hưởng lương hậu hỹ hơn mấy công ty kinh doanh thương mại nhiều. Anh biết vì sao không?
– Không. Vì sao?
– Tóc giả đâu có dùng được lâu. Em cá là anh không biết: tóc giả chỉ dùng được hai năm, cùng lắm là ba năm. Tóc giả làm càng tốt, chất lượng càng cao thì càng chóng phải thay. Nói gì thì nói, nó là sản phẩm tiêu dùng ấy mà. Ấy là vì nó vừa khít đầu của người ta quá thành thử tóc bên dưới lại càng mọc thưa hơn nữa. Mà hễ tóc thưa hơn thì lại phải mua bộ tóc giả mới cho khớp. Anh cứ thử nghĩ xem: Giả dụ anh đội tóc giả, thế rồi hai năm sau không dùng được nữa, liệu anh có nghĩ: Chà, tóc giả này hết xài được rồi.
Không đội được nữa. Nhưng mua cái mới thì đắt quá, nên từ mai mình sẽ đi làm không đội tóc giả. Liệu anh có nghĩ thế không? Tôi lắc đầu.
– Chắc là không, – tôi nói.
– Dĩ nhiên rồi. Một khi đã phải đội tóc giả là cứ phải đội mãi. Như là số trời bắt vậy rồi. Cho nên hội làm tóc giả mới phất to thế. Nói thì em cũng chả muốn nói, nhưng thật ra họ chẳng khác gì bọn buôn lậu thuốc phiện. Đã mắc câu của họ thì cứ thế làm khách hàng của họ cả đời. Anh đã bao giờ nghe nói tới anh chàng hói nào bỗng dưng lại mọc tóc chưa? Em thì chưa bao giờ nghe. Tóc giả tệ lắm cũng nửa triệu yên một bộ, oách thì phải tới một triệu. Thế mà cứ hai năm anh phải mua một bộ mới! Trời ạ! Ngay cả xe hơi cũng xài được lâu hơn thế, những bốn, năm năm. Anh lại còn có thể đổi xe mới nữa chứ!
– Anh hiểu, – tôi nói.
– Thế đã hết đâu, họ còn có cửa hiệu làm tóc nữa. Họ giặt tóc giả và cắt tóc thật cho khách hàng. Cứ tưởng tượng mà xem: làm sao anh có thể tới hiệu cắt tóc bình thường, ngồi xuống ghế, lột tóc giả ra rồi bảo người ta tỉa tóc cho anh được! Chỉ cần mấy cửa hiệu đó không thôi cũng đủ cho họ hốt bạc rồi!
– Chuyện gì em cũng rành quá nhỉ!
– tôi nói, thật sự khâm phục cô. Ông bạn làm công sở thuộc loại B ngồi bên cạnh May lắng nghe chúng tôi như nuốt từng chữ.
– Có gì lạ đâu, – cô nói.
– Mấy người ở công ty thích em lắm. Họ kể với em đủ thứ chuyện. Ngành kinh doanh này lãi khủng khiếp. Họ làm tóc giả ở Đông Nam Á và những nơi tương tự, vì nhân công rẻ. Họ mua cả tóc ở đó nữa, ở Thái Lan hay Philippin. Phụ nữ ở mấy xứ đó bán tóc cho các công ty làm tóc giả. Ở một số nơi, họ làm vậy để có tiền làm của hồi môn. Thế giới này kỳ quặc thật! Cái tay ngồi cạnh anh thật ra đang mặc tóc thật của cô nàng nào đó ở Indonesia đấy.
Một cách bản năng, cả quý ông công chức (loại B) lẫn tôi đều ngoài cổ nhìn những người khác ở trong toa.
…
Chúng tôi dừng ở văn phòng công ty tại Shinbashi để lấy một phong bì to đựng phiếu điều tra và bút chì. Công ty này hẳn phải đứng hàng thứ hai trong số các hãng làm tóc giả, nhưng lại có vẻ yên ắng khác thường, thậm chí nơi cửa chính chẳng có lấy một cái biển tên để khách ra vào khỏi bở ngỡ. Cả phong bì lẫn mấy tờ phiếu điều tra đều không thấy đề tên công ty.
Ở phòng phụ trách điều tra, tôi điền tên, tuổi, địa chỉ, trình độ học vấn vào một mẫu đăng ký làm bán thời gian. Cái văn phòng này im ắng đến lạ.
Chẳng ai thét lác vào điện thoại, chẳng ai xắn tay áo lên hì hục gõ bàn phím. Mỗi nhân viên đều ăn mặc tươm tất, lặng lẽ tập trung làm việc của mình. Vốn là một công ty làm tóc gia nên quả thật chẳng ai ở đây bị hói đầu cả. Cũng có thể vài ba người đang đội sản phẩm của công ty, nhưng tôi chịu không phân biệt được ai tóc thật ai tóc giả. Trong tất cả các công ty tôi từng đến, đây là công ty kỳ lạ nhất.
Chúng tôi đi xe điện ngầm đến khu Ginza. Vẫn còn sớm và lại đang đói, nên chúng tôi ghé quán Dairy Queen làm một cái hamburger.
– Này Chim vặn dây cót, nói em nghe, nếu bị hói thì anh có đội tóc giả không?
– Kasahara May hỏi.
– Anh chưa biết, – tôi nói.
– Anh không thích những việc rầy rà, mất thì giờ.
Thành thử nếu bị hói chắc anh cũng để mặc thôi.
– Hay đấy, – cô vừa nói vừa dùng khăn giấu lau xốt cà chua dính trên miệng.
– Thử nghĩ mà xem, người hói trông cũng đâu đến nỗi xấu như họ nghĩ.
Theo em, chẳng việc gì phải lo sốt vó về nó như vậy.
– Ừ, – tôi nói.
…
Suốt ba tiếng đồng hồ sau đó chúng tôi ngồi nơi lối xuống xe điện ngầm gần Tòa nhà Wako mà đếm những người đàn ông hói đi ngang qua. Nhìn xuống những cái đầu lên xuống cầu thang là cách chính xác nhất để xác định mức độ hói của bất kỳ cái đầu nào. Kasahara May thì nói A, B hay C, tôi thì ghi vào phiếu. Rõ là cô bé đã làm việc này nhiều lần rồi. Cô chẳng bao giờ lúng túng, ngập ngừng hay tự đính chính, mà phân loại từng cái đầu một cách cực kỳ nhanh chóng và chính xác, phát âm các chữ cái bằng giọng khe khẽ để người qua kẻ lại không để ý. Mỗi khi có một đám nhiều cái đầu hói cùng xuất hiện thì cô tuôn một tràng dài CCBABCAACCBBB như súng liên thanh. Đến một lúc, một ông cụ dáng người lịch lãm (bản thân ông có cả một đầu tóc bạc phơ như tuyết) dừng lại xem chúng tôi tác nghiệp.
– Xin lỗi, – một hồi sau ông nói, – cho phép tôi hỏi quý vị đang làm gì đấy?
– Làm điều tra, – tôi đáp.
– Điều tra gì kia?
– ông hỏi.
– Nghiên cứu xã hội học, – tôi đáp.
– CACABC, – Kasahara May nói.
Cụ ông lịch lãm xem chừng chẳng tin là mấy, nhưng ông chỉ quan sát chúng tôi thêm một lát rồi phẩy tay bỏ đi.
Khi cái đồng hồ Mitsukoshi phía bên kia đường chỉ đúng 4 giờ, chúng tôi kết thúc buổi điều tra và trở lại quán Dairy Queen làm một tách cà phê.
Công việc này không tốn sức nhiều, thế mà cổ và vai tôi tê cứng đến là lạ.
Có thể vì tính chất công việc, chúng tôi đếm những cái đầu hói một cách vụng trộm, nên tôi mang cảm giác có lỗi thế nào đó. Suốt quãng thời gian ngồi xe điện ngầm trở lại văn phòng công ty ở Shinbashi, tôi chợt nhận ra mình đang tự động phân loại A, B, C bất cứ cái đầu hói nào lọt vào tầm mắt, điều đó khiến tôi hầu như buồn nôn. Tôi muốn dừng ngay, nhưng cái quán tính nào đó đã bắt đầu vận hành rồi, không cưỡng lại được. Chúng tôi nộp các phiếu điều tra rồi nhận tiềng công, khá là hậu hỹ so với thời gian và công sức bỏ ra. Tôi ký biên nhận rồi đút tiền vào túi. Kasahara May và tôi đón xe điện ngầm đến Shinjuku, từ đó chuyển sang tuyến Odakyu để về nhà. Giờ cao điểm chiều đã bắt đầu. Khá lâu tôi mới đi lại trên một chuyến tàu đông khách thế này, song tôi chẳng có cảm giác bồi hồi gì mấy? – công việc không tồi chứ hở, – đứng cạnh tôi trên tàu, Kasahara May nói. – Việc nhẹ nhàng, thù lao lại khá.
– Ừ, – tôi nói, miệng mút keo chanh.
– Lần sau lại đi với em nhé? Mỗi tuần một lần.
– Sao lại không? – tôi nói.
– Này Chim vặn dây cót, anh biết không, – Kasahara May nói sau một thoáng im lặng, như thể có một ý nghĩ vừa đột ngột đến với cô, – em cá rằng sở dĩ người ta sợ bị hói là do hói đầu khiến họ nghĩ mình sắp tới số rồi. Ý em là, khi tóc bắt đầu rụng, người ta thấy như đời mình cũng đang tàn dần đi… như thể mình đã xoải một bước dài về phía cái chết, về phía miệng lỗ vậy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát.
– Chắc hẳn cũng có một số người nghĩ thế, – tôi nói.
– Anh biết không, Chim vặn dây cót, thỉnh thoảng em tự hỏi chết dần từng tí một suốt một thời gian dài đằng đẵng thì như thế nào. Anh nghĩ sao? Chưa hiểu cô muốn nói gì, tôi liền đổi thế nắm quai treo giữ thăng bằng mà nhìn thẳng vào mắt cô.
– Chết dần từng tí một… nghĩa là sao? Em cho một ví dụ cụ thể được không?
– Em chả biết nữa… Ví như anh bị nhốt trong bóng tối, tối như hũ nút, anh trơ trọi một mình, không đồ ăn, không nước uống, thế là anh chết từ từ…
– Thế thì kinh khủng lắm, – tôi nói.
– Rất đau đớn. Anh chẳng muốn chết vậy tí nào.
– Nhưng chẳng phải đời là vậy sao, hở Chim vặn dây cót? Chẳng phải tất cả chúng ta đều bị nhốt trong bóng tối ở đâu đó, người ta lấy đi hết đồ ăn nước uống của chúng ta, thế là chết từ từ, chết dần chết mòn…? Tôi phá lên cười.
– Em còn trẻ quá mà sao lại pessimistic thế, – tôi nói, dùng chữ tiếng Anh.
– Pessi… cái gì cơ?
– Pessimistic. Nghĩa là bi quan, chỉ nhìn vào khía cạnh đen tối của sự vật.
– Pessimistic, pessimistic…
– cô lặp lại từ tiếng Anh mấy lần, rồi nhìn lên tôi với ánh mắt giận dữ.
– Em mới có mười sáu tuổi, em chưa biết nhiều về thế giới này, nhưng có một điều em biết chắc chắn. Nếu như em bi quan thì những người lớn nào không bi quan trên đời này thảy đều là một lũ ngốc.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 01 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 02 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 03 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 04 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 05 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 06 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 07 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 08 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 09 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 10 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 11 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 12 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 13 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 14 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 15 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 16 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 17 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 18 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 19 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 20 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 21 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 22 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 23 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 24 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 25 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 26 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 27 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 28 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 29 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 30 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 31 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 32 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 33 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 34 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 35 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 36 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 37 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 38 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 39 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 40 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 41 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 42 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 43 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 44 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 45 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 46 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 47 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 48 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 49 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 50 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 51 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 52 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 53 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 54 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 55 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 56 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 57 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 58 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 59 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 60 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 61 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 62 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 63 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 64 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 65 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 66 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, toàn tập tại đây.