Biên niên ký chim vặn dây cót | Chương 14
Biên niên ký chim vặn dây cót kể về tiếng chim vang lên trong khoảnh khắc quyết định, khi con người tỉnh thức tiếng lòng thầm kín.
· 30 phút đọc · lượt xem.
Từ Tháng 7 tới Tháng 10 năm 1984
Đề tài ăn ngon miệng trong văn học.
Đêm đó Kumiko không về. Tôi thức đến nửa đêm, lúc đọc sách khi nghe nhạc để đợi nàng về, nhưng rốt cuộc tôi chịu thua, đành đi ngủ. Tôi thiếp đi không tắt đèn. Khi tôi dậy thì đã 6 giờ. Ngoài cửa sổ trời sáng bạch. Bên ngoài tấm rèm mỏng chim hót líu lo. Không thấy bóng dáng vợ tôi đâu.
Chiếc gối trắng bên cạnh tôi vẫn phẳng phiu, phồng lên. Vậy là suốt đêm chẳng có ai đặt đầu lên đó. Bộ pijama mới giặt, gấp lại gọn gàng của Kumiko vẫn nằm nguyên trên bàn ngủ. Chính tôi đã giặt bộ đó. Chính tôi gấp nó. Tôi tắt cây đèn bên cạnh gối mình rồi hít một hơi dài, như để điều chỉnh lại dòng thời gian.
Tôi cứ mặc nguyên pijama mà đi một vòng quanh nhà. Đầu tiên tôi xuống bếp, sau đó kiểm tra phòng khách rồi phòng của Kumiko. Tôi kiểm tra buồng tắm, thử nhòm cả vào trong tủ quần áo cho chắc. Chẳng thấy tăm hơi nàng đâu. Nhà có vẻ im ắng hơn mọi ngày. Tôi cảm thấy cứ đi tới đi lui thế này là tôi đã mang tội phá vỡ sự hài hòa tĩnh lặng của chốn này mà chẳng có lý do nào chính đáng.
Tôi chẳng còn gì khác để làm. Tôi xuống bếp, lấy đầy ấm nuớc rồi bật bếp gas. Khi nước sôi, tôi pha cà phê rồi ngồi nơi bàn bếp nhấp một ngụm. Rồi tôi nướng bánh mì và ăn ít salad khoai tây còn trong tủ lạnh. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua tôi ăn sáng một mình. Thử nghĩ mà xem, ngoài một chuyến công tác xa duy nhất, còn thì kể từ ngày cưới vợ chồng tôi chưa lần nào bỏ một bữa ăn sáng cùng nhau. Bữa trưa chúng tôi hay ăn riêng, đôi khi bữa tối cũng không ăn cùng, nhưng bữa sáng thì không bao giờ vắng nhau. Có một thứ thỏa thuận ngầm, gần như là một nghi thức giữa hai chúng tôi về việc cùng ăn bữa sáng. Dù muộn giờ đến mấy đi nữa, chúng tôi vẫn luôn cố dành thời gian đủ để làm một bữa sáng đâu ra đó và thư thả ăn cùng nhau.
Nhưng sáng hôm đó vắng Kumiko. Tôi uống cà phê và ăn bánh mì nướng một mình, lặng lẽ. Tôi nhìn mãi chiếc ghế trống trước mặt. Tôi vừa ăn vừa nhìn chiếc ghế mà miên man nghĩ tới thứ nước hoa nàng đã xức sáng hôm qua. Tôi nghĩ đến người đàn ông ắt hẳn đã tặng món nước hoa đó cho nàng.
Tôi hình dung nàng nằm trên giường với hắn, hai vòng tay quấn lấy nhau.
Tôi thấy hai bàn tay hắn ve vuốt tấm thân trần truồng của nàng. Tôi thấy tấm lưng trắng ngần trơn láng như bằng sứ của nàng mà tôi đã thấy sáng qua, làn da mịn màng của nàng dưới chiếc khóa tôi đang kéo.
Hình như cà phê có vị xà phòng. Tôi thật không tin được. Ngay khi nhấp ngụm đầu tiên tôi đã cảm thấy dư vị khó chịu. Tôi tự hỏi phải chăng cảm giác của tôi đang đánh lừa tôi, nhưng ngụm thứ hai cũng có cái vị đó. Tôi đổ hết cốc cà phê uống dở vào chậu rửa rồi rót thêm cà phê vào một cốc sạch. Lại vẫn mùi xà phòng. Thật không hiểu nổi tại sao. Ấm đun cà phê tôi đã rửa sạch, nuớc cũng không có vấn đề gì. Nhưng cái vị – hay mùi – thì không lầm được: chỉ có thể là xà phòng, cũng có thể là mỹ phẩm chống khô da. Tôi đổ cà phê đi rồi toan đun thêm ít nước, nhưng lại thấy chẳng bõ công. Tôi rót đầy một cốc nước máy rồi uống. Thật ra tôi cũng chẳng thèm cà phê đến như vậy.
…
Tôi đợi đến 9 giờ rưỡi rồi gọi đến cơ quan của Kumiko. Một phụ nữ trả lời điện thoại.
– Cho tôi nói chuyện với Okada Kumiko được không ạ? – tôi hỏi.
– Xin lỗi, chị ấy chưa đến.
Tôi cảm ơn rồi gác máy. Sau đó tôi đi là sơ mi như tôi vẫn làm mỗi khi bứt rứt không yên. Là hết sơ mi rồi, tôi quay sang bó báo và tạp chí cũ thành từng bó, lau chùi chậu rửa bát và các kệ tủ, rửa sạch phòng vệ sinh và buồng tắm. Tôi đánh bóng các tấm gương và cửa kính. Tôi tháo hết đèn trần ra rồi lau sạch những tấm kính mờ. Tôi tháo ga trải giường bẩn ném vào máy giặt rồi thay ga mới.
Đến 11 giờ tôi lại gọi lên cơ quan của Kumiko. Cũng người phụ nữ đó trả lời, và một lần nữa cô ta nói Kumiko chưa đến? – cô ấy có định nghỉ làm hôm nay không? – tôi hỏi. – tôi không biết ạ, – cô ta nói, giọng hoàn toàn vô cảm. Cô ta chỉ đơn thuần thông báo sự việc.
Nếu 11 giờ mà Kumiko chưa đến cơ quan thì có gì không ổn rồi. Hầu hết các nhà xuất bản đều làm việc theo giờ giấc không bình thường, nhưng chỗ Kumiko thì không. Do tạp chí này đề cập đến lối sống lành mạnh và thức ăn thiên nhiên, nên cộng tác viên của họ – các nhà sản xuất thực phẩm, nông dân, bác sĩ – đều là những người thường xuyên đi sớm về muộn. Để thích ứng với giờ giấc của cộng tác viên, Kumiko và các đồng nghiệp phải đến cơ quan đúng 9 giờ sáng và rời cơ quan lúc 5 giờ chiều, trừ phi có lý do đặc biệt phải ở lại muộn hơn.
Tôi gác máy rồi vào phòng ngủ, xem kỹ tủ quần áo của nàng. Nếu Kumiko bỏ nhà đi, hẳn nàng phải mang theo quần áo. Tôi kiểm tra các áo dài, áo cánh và váy treo trong tủ. Dĩ nhiên không phải bất cứ cái gì nàng mặc tôi cũng biết – ngay quần áo của chính mình tôi cũng có biết hết từng cái đâu – , nhưng bởi tôi thường mang quần áo của nàng đến hiệu giặt là rồi mang về nên tôi biết khá rõ nàng hay mặc những chiếc áo nào nhất, những chiếc áo nào quan trọng nhất đối với nàng, và xét theo chỗ tôi biết, tất cả đều đang nằm trong tủ.
Ngoài ra, nàng cũng đâu có cơ hội mang theo nhiều quần áo. Tôi cố nhớ lại càng chính xác càng tốt lúc nàng rời khỏi nhà ngày hôm trước – quần áo nàng mặc, túi xách nàng đeo. Nàng chỉ mang chiếc túi xách đeo vai vẫn thường mang để đi làm, trong đó chỉ có sổ sách, mỹ phẩm, chiếc ví, bút, khăn mùi xoa, khăn giấy. Làm gì còn chỗ để đựng quần áo thay.
Tôi kiểm tra các ngăn kéo của nàng. Những đồ lặt vặt như túi xách, thắt lưng, tất dài, kính râm, quần lót, may ô thể thao, tất cả đều yên vị, xếp hàng ngay ngắn. Nếu có cái gì biến mất, tôi cũng không thể biết được. Dĩ nhiên, tất dài và quần lót thì nàng có thể cho vào túi đeo vai, nhưng thử nghĩ mà xem, tội gì phải thế chứ? Những thứ đó mua đâu chẳng được.
Tôi lại xuống phòng tắm kiểm tra lần nữa. Ở đó cũng chẳng thấy có gì thay đổi: chỉ rất nhiều hộp mỹ phẩm và đồ lỉnh kỉnh khác của Kumiko. Tôi mở chai nước hoa Christian Dior ngửi một lần nữa. Cũng cái mùi như trước: hương thơm của một bông hoa trắng thơm ngát vào buổi sáng mùa hè. Tôi lại nhớ đến đôi vai và tấm lưng trắng muốt của nàng.
Tôi lên phòng khách duỗi dài trên ghế sofa. Tôi nhắm mắt lắng nghe. Gần như âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng đồng hồ tích tắc đếm thời gian. Không có tiếng ồn xe hơi, không có tiếng chim. Tôi không biết làm gì bây giờ. Tôi quyết định lại gọi điện đến cơ quan của nàng, đã nhấc ống nghe lên và quay mấy chữ số đầu tiên, nhưng nghĩ đến chuyện phải nói chuyện cũng với người đàn bà kia là tôi lại ngán ngẩm, đành đặt ống nghe xuống. Tôi chẳng còn gì làm nữa. Tôi chỉ có thể chờ. Có thể Kumiko đã bỏ tôi, vì lý do gì tôi không biết, nhưng ít nhất chuyện đó cũng có thể. Tuy nhên, dù đúng vậy đi nữa, Kumiko cũng không phải loại nguời bỏ đi mà không nói một lời. Nàng hẳn sẽ nói thật lý do mình ra đi, nói càng chính xác, càng rõ ràng càng tốt. Gì chứ điều đó thì tôi tin chắc trăm phần trăm.
Mà cũng có thể nàng bị tai nạn. Có thể nàng bị một chiếc xe hơi chẹt, người ta phải đưa nàng đến bệnh viện. Nàng có thể mê man bất tỉnh, người ta tiếp máu cho nàng. Ý nghĩ đó khiến tim tôi đập thình thịch, nhưng tôi biết nàng có mang theo bằng lái, thẻ tín dụng và sổ địa chỉ. Bệnh viện hay cảnh sát hẳn phải liên lạc với tôi rồi chứ.
Tôi ra ngồi ngoài hiên nhìn khu vườn, nhưng kỳ thực tôi chẳng nhìn gì hết.
Tôi cố suy nghĩ, nhưng không thể tập trung tư tưởng vào bất cứ cái gì.
Trong đầu tôi cứ trở đi trở lại hình ảnh tấm lưng Kumiko khi tôi kéo khóa áo cho nàng – tấm lưng, và mùi nước hoa sau đôi tai nàng.
Ngay sau 1 giờ trưa, điện thoại reo. Tôi đứng dậy nhấc ống nghe.
– Xin lỗi, đây có phải là nhà của ông Okada không ạ?
– một giọng phụ nữ hỏi. Ấy là Kano Malta.
– Đúng, – tôi nói.
– Tên tôi là Kano Malta. Tôi gọi điện là về việc con mèo.
– Con mèo? – tôi nói, trong dạ hơi bối rối. Tôi đã quên bẵng mất chuyện đó.
Giờ thì dĩ nhiên tôi nhớ ra, nhưng có cảm giác như chuyện đó là từ thuở xa xưa nào kia.
– Con mèo mà bà Okada đang tìm đấy ạ, – Kano Malta giải thích.
– Phải, phải, tôi biết, – tôi nói.
Kano Malta im lặng, như đang cân nhắc điều gì. Âm sắc giọng nói của tôi hẳn đã làm cô ta cảnh giác. Tôi hắng giọng rồi chuyển ống nghe sang tay kia.
Ngừng một chút, Kano Malta nói: – Ông Okada ạ, tôi phải nói rằng theo tôi, hầu như chắc chắn ông sẽ không bao giờ tìm thấy con mèo. Nói ra điều này thật tôi không muốn, nhưng có lẽ tốt nhất là ông nên chấp nhận thực tế. Nó đã đi vĩnh viễn rồi. Trừ phi có một thay đổi lớn nào đó, bằng không con mèo sẽ không trở về nữa.
– Một thay đổi lớn nào đó? – tôi hỏi. Nhưng cô ta không trả lời.
Kano Malta im lặng một hồi lâu. Tôi chờ cô ta nói gì đó, nhưng cố lắm tôi cũng không nghe thấy dù chỉ một hơi thở nhẹ ở đầu dây bên kia. Ngay lúc tôi bắt đầu ngờ rằng điện thoại hỏng thì cô ta nói tiếp.
– Ông Okada ạ, tôi biết nói ra điều này thì thật thất lễ, nhưng ngoài chuyện con mèo, liệu có việc gì khác mà tôi có thể giúp ông không? Tôi không thể trả lời ngay. Cầm ống nghe trong tay, tôi tựa lưng vào tường.
Phải mất một lúc mới tìm ra lời.
– Mọi chuyện vẫn chưa rõ lắm đối với tôi, – tôi nói. – tôi không biết chắc điều gì cả. Tôi đang cố nghĩ cho rành mạch. Nhưng có lẽ vợ tôi đã bỏ tôi. – tôi giải thích với cô ta rằng đêm hôm trước Kumiko không về nhà, sáng nay cũng không đến cơ quan làm việc.
Dường như cô ta ngẫm nghĩ về điều tôi nói.
– Hẳn là ông đang bối rối lắm, – cô nói.
– Ngay lúc này tôi chưa thể nói gì, nhưng chẳng bao lâu nữa mọi chuyện sẽ rõ. Giờ ông chỉ còn cách đợi thôi.
Hẳn là việc ấy chẳng dễ dàng gì với ông, nhưng cái gì cũng có lúc của nó.
Như triều lên triều xuống vậy. Không ai có thể làm gì để thay đổi chúng.
Khi nào cần đợi thì phải đợi.
– Nào, nào, cô Kano! Tôi rất cảm ơn cô đã vất vả vì con mèo của nhà tôi, nhưng ngay lúc này tôi chả có bụng dạ nào để nghe những lý luận chung chung kiểu đó. Tôi đang rối bời đây. Rối tinh rối mù đây. Tôi có dự cảm sẽ xảy ra một điều gì đó kinh khủng. Nhưng tôi không biết phải làm gì cả. Tôi hoàn toàn không biết mình phải làm gì. Nói thế rõ không? Tôi thậm chí không biết sau cuộc gọi này mình sẽ làm gì nữa. Tôi cần bây giờ là cần những gì cụ thể. Những sự việc cụ thể. Vặt vãnh cũng được, ngớ ngẩn cũng được, tôi nhận hết, tôi nói thế đã rõ chưa? Tôi cần một cái gì đó có thể nhìn bằng mắt, sờ bằng tay.
Ở đầu dây bên kia tôi nghe vật gì đó rơi xuống sàn nhà – cái gì đó không nặng lắm, có lẽ một hạt ngọc trai rơi xuống sàn gỗ. Sau đó có tiếng sột soạt, như thể ai đó cầm một tờ giấy can bằng mấy đầu ngón tay mà giật mạnh.
Những chuyển động đó hình như diễn ra không gần cũng không xa chiếc điện thoại lắm, nhưng xem chừng Kano Malta chẳng buồn để ý. – tôi hiểu, – cô ta nói bằng giọng bình thản, vô cảm.
– Một cái gì đó cụ thể.
– Đúng rồi. Càng cụ thể càng tốt.
– Ông hãy đợi một cú điện thoại.
– Ngoài đợi điện thoại ra tôi còn biết làm gì nữa.
– Sắp tới sẽ có một người tên bắt đầu bằng chữ O gọi cho ông.
– Người đó có biết gì về Kumiko không?
– Cái đó thì tôi không rõ. Tôi nói vậy vì ông đã bảo ông muốn một trong những sự việc cụ thể, sự việc nào cũng được. Đây là một sự việc nữa: sắp tới đây, một vầng bán nguyệt sẽ kéo dài trong vài ngày.
– Bán nguyệt? – tôi hỏi.
– Ý cô là trăng trên trời phải không?
– Vâng, trăng trên trời, thưa ông Okada. Dù thế nào đi nữa, việc ông cần làm là chờ đợi. Chờ đợi là tất cả. Tạm biệt ông. Tôi sẽ hầu chuyện ông sau, sớm thôi.
– Đoạn cô ta gác máy.
…
Tôi đi lấy cuốn sổ điện thoại trên bàn làm việc, giở ra vần O. Ở đó có 4 mục tên O, được Kumiko ghi bằng nét chữ nắn nót. Mục đầu là Okada Takao, cha tôi. Sau đó là một bạn học cũ của tôi tên Onoda, một nha sĩ tên Otsuka, và Omura, chủ cửa hàng rượu bia gần nhà.
Chỗ cửa hàng rượu bia thì tôi có thể loại ngay. Nó ngay gần nhà tôi, đi bộ mười phút là tới, và trừ năm thì mười họa chúng tôi gọi điện đặt một két bia mang tới nhà, còn thì vợ chồng tôi chẳng có việc gì dính tới họ. Ông nha sĩ cũng chẳng liên quan gì. Cách đây hai năm tôi có tới chỗ ông ta để chữa cái răng hàm, nhưng Kumiko thì chưa đến đó bao giờ. Thực sự là từ khi cưới tôi Kumiko không đến nha sĩ lần nào cả. Bạn cũ Onoda thì đã nhiều năm rồi tôi không gặp. Sau khi tốt nghiệp đại học cậu ta đi làm cho một ngân hàng, đến năm thứ hai thì được thuyên chuyển về chi nhánh ở Sapporo, từ đó cậu ta sống hẳn ở Hokkaido. Hiện nay cậu ta chỉ là một trong những người hàng năm trao đổi thiệp chúc mừng Năm Mới với tôi. Tôi không nhớ nổi cậu ta đã gặp Kumiko bao giờ chưa.
Chỉ còn lại cha tôi, nhưng không thể có chuyện Kumiko có mối quan hệ đặc biệt nào đó với ông. Sau khi mẹ tôi mất cha tôi đã tục huyền, từ đó đến nay đã nhiều năm tôi không gặp ông, không thư từ cũng chẳng nói chuyện qua điện thoại với ông. Thậm chí Kumiko chưa bao giờ gặp ông nữa là.
Lật cuồn sổ địa chỉ, tôi mới nhận ra hai vợ chồng tôi ít giao du với người khác thế nào. Ngoại trừ dăm ba cuộc tụ tập cần thiết với đồng nghiệp, suốt sáu năm kể từ ngày cưới chúng tôi hầu như không có quan hệ với người ngoài mà khép mình vào cuộc sống riêng tư, chỉ có Kumiko và tôi.
Tôi quyết định làm lại món spaghetti để ăn trưa. Đói thì tôi chẳng đói một chút nào. Nhưng tôi không thể ngồi chết dí trên sofa chờ điện thoại reo được. Tôi phải vận động thân thể, phải làm cái gì đó, hướng đến mục đích nào đó. Tôi lấy nước đầy ấm đun, bật bếp gas, rồi trong khi đợi nước sôi tôi vừa làm sốt cà chua vừa nghe đài FM. Đài đang phát một bản xô-nát cho violon không nhạc đệm của Bach. Diễn tấu thì xuất sắc, nhưng có cái gì đó làm tôi khó chịu. Chẳng biết là do lỗi của nhạc công hay vì tâm trạng của chính tôi, nhưng tôi tắt nhạc đi rồi tiếp tục nấu nướng trong im lặng. Tôi đun dầu ôliu, ném vào ít tỏi và hành xắt nhỏ. Khi dầu bắt đầu sôi, tôi cho vào chỗ cà chua mà tôi đã xắt lát, thái nhỏ. Cắt, thái, chiên xào các thứ như thế này thật thích. Nó cho tôi cảm giác mình đang hoàn thành một công việc cụ thể, có thể cảm nhận được trong tay mình. Tôi thích những âm thanh, những mùi xào nấu.
Khi nước sôi, tôi cho muối và một nắm spaghetti vào. Tôi hẹn giờ là mười phút rồi rửa các thứ trong chậu rửa. Tuy nhiên, ngay cả khi đĩa spaghetti nóng sốt đã đặt ngay trước mắt, tôi vẫn không muốn ăn chút nào. Cố lắm tôi mới ăn hết một nửa, chỗ còn lại thì đổ đi. Chỗ xốt còn thừa tôi trút vào lọ rồi cất trong tủ lạnh. Cái chính là không muốn ăn thì biết làm thế nào? Tôi nhớ đã lâu rồi tôi có đọc câu chuyện một người đàn ông cứ ăn liên tục trong khi đợi một điều gì đó xảy ra. Nghĩ hồi lâu tôi mới nhớ ra, đó là truyện Giã từ vũ khí của Hemingway. Nhân vật chính (tôi quên tên anh ta rồi) tìm cách trốn từ Ý sang Thụy Sĩ bằng thuyền và nán lại ở thị trấn Thụy Sĩ bé nhỏ đó để chờ vợ sinh, suốt thời gian đó anh ta thường xuyên sang quán cà phê bên kia đường để ăn uống. Tôi hầu như chẳng nhớ cốt truyện thế nào nữa. Trong kí ức tôi chỉ in đậm mỗi một đoạn gần cuối truyện trong đó nhân vật chính đi ăn hết bữa này đến bữa khác trong khi đợi vợ sinh ở xứ người. Lý do khiến tôi nhớ rõ đoạn đó đến vậy là vì tính hiện thực mãnh liệt của nó. Tôi cảm thấy, xét về mặt văn chương, việc nhân vật chính càng lo lại càng ăn ngon có vẻ thật hơn nhiều so với nếu anh ta vì lo mà ăn mất ngon.
Tuy nhiên, trái ngược với Giã từ vũ khí, tôi hoàn toàn mất cảm giác ăn ngon trong khi dõi theo những chiếc kim đồng hồ trong căn nhà câm lặng này, chờ một điều gì đó xảy ra. Đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ rằng tôi ăn mất ngon là bởi trong tôi thiếu cái cảm thức về thực tại văn chương đó. Tôi cảm thấy hình như mình đã trở thành một phần của một cuốn tiểu thuyết viết tồi, và ai đó đang chỉ trích rằng tôi đây hoàn toàn không có tính hiện thực. Có lẽ đúng vậy thật.
…
Cuối cùng, ngay trước 2 giờ trưa điện thoại cũng reo.
– Đây có phải là nhà của ông Okada không ạ? – một giọng đàn ông lạ hỏi.
Giọng một thanh niên, trầm và khá dễ nghe.
– Phải, – tôi đáp, giọng hơi căng thẳng.
– Khu số 2, nhà số 26?
– Đúng vậy.
– Cửa hàng rượu bia Omura gọi đây ạ. Chúng tôi rất cảm ơn ông đã là khách hàng thường xuyên của chúng tôi. Tôi sắp đi thu tiền, nên tôi gọi để xem liệu lúc này có tiện cho ông không.
– Thu tiền ấy à?
– Vâng ạ, ông còn phải thanh toán hai két bia và một két nước quả.
– Ờ, được. Tôi còn ở nhà thêm một lát nữa, – tôi nói cho xong chuyện.
Gác máy xong, tôi tự hỏi liệu cuộc trò chuyện vừa rồi có hàm chứa thông tin gì về Kumiko không. Nhưng xét từ mọi góc độ, nó chẳng qua chỉ là cuộc trao đổi ngắn gọn và thực tế của một cửa hàng rượu bia về việc thu tiền. Tôi đã đặt mua của họ bia và nước quả, họ đã giao hàng cho tôi, điều đó thì đúng. Nửa giờ sau anh chàng kia đến, tôi liền trả tiền hai két bia và một két nước quả cho anh ta.
Anh chàng dễ mến vừa mỉm cười vừa ghi biên lai.
– Ông Okada này, nhân thể, ông có nghe nói về vụ tai nạn gần nhà ga sáng nay không? Lúc khoảng chín rưỡi ấy.
– Tai nạn à? – tôi hỏi, sững cả người.
– Ai bị vậy?
– Một con bé con, – anh ta đáp.
– Nó bị một chiếc xe tải nhỏ đang lùi chẹt phải. Nghe nói bị thương khá nặng. Tôi đi ngang đó thì tai nạn vừa xảy ra xong. Mới sáng sớm mà đã thấy cảnh đó thì sợ thật. Cái lũ lau nhau ấy thì tôi sợ chết khiếp, vì chúng bé quá, mình nhìn kính chiếu hậu có thấy chúng đâu. Ông biết ông chủ hiệu giặt là ở gần nhà ga chứ? Tai nạn xảy ra ngay trước hiệu ấy. Người ta dựng xe đạp cả ở đó, bao nhiêu là hộp chất đống lên, nhìn chả thấy gì hết.
Anh ta đi rồi, tôi cảm thấy không thể nấn ná ở nhà thêm một phút nào nữa.
Bỗng dưng nơi này trở nên nóng bức, ngột ngạt, ẩm thấp, chật chội. Tôi mang giày rồi hấp tấp ra khỏi nhà. Thậm chí tôi không khóa cửa. Tôi để cửa sổ mở, không tắt đèn dưới bếp. Tôi đi lang thang quanh khu nhà mình, miệng mút kẹo chanh. Khi ôn đi ôn lại trong đầu những lời của tay nhân viên cửa hàng rượu bia, dần dần tôi mới nhớ ra mình có gửi mấy món đồ nơi hiệu giặt gần nhà ga, vẫn chưa lấy. Áo cánh và váy của Kumiko. Biên nhận đang nằm ở nhà, nhưng nếu tôi cứ tới hỏi thì chắc ông chủ cũng đưa cho tôi thôi.
Khu nhà tôi ở trông khang khác. Những người tôi đi ngang qua trên phố đều có cái nhìn không tự nhiên, thậm chí giả tạo nữa. Đi ngang qua ai, tôi đều quan sát kỹ gương mặt họ mà tự hỏi họ là loại người nào. Họ sống trong những loại nhà nào? Họ có gia đình như thế nào? Họ sống theo lối nào? Họ có ngủ với những người đàn bà khác ngoài vợ mình hay những người đàn ông khác ngoài chồng mình không? Họ có hạnh phúc không? Họ có biết trông bộ dạng họ phi tự nhiên và giả tạo đến nhường nào không? Bên ngoài hiệu giặt là vẫn còn thấy rõ dấu vết vụ tai nạn lúc sáng: trên mặt đất là vệt phấn của cảnh sát; gần đó môt chủ cửa hiệu vẫn đang bàn tán về vụ tai nạn, vẻ mặt nghiêm trọng. Nhưng bên trong hiệu giặt thì vẫn như mọi khi. Vẫn chiếc máy nghe nhạc màu đen phát cũng loai nhạc êm dịu đó, vẫn chiếc máy điều hòa nhiệt độ kiểu cũ kêu ro ro ở đằng sau, vẫn những làn mây hơi nước bay nghi ngút từ bàn là lên tới trần nhà. Bài hát đang phát là bài Triều xuống. Robert Maxwell, chơi thụ cầm. Tôi chợt nghĩ giá bây giờ được ra biển thì tuyệt biết mấy! Tôi hình dung mùi bãi biển và tiếng sóng vỗ bờ. Những con hải âu. Lon bia lạnh như đá.
Tôi chỉ nói với chủ hiệu rằng tôi quên biên nhận. – tôi mang tới cho ông đâu như thứ Năm hay thứ Sáu tuần trước. Một áo cánh, một váy.
– Okada… Okada…
– anh ta vừa nói vừa lật một các trang cuốn vở học sinh.
– Ừ, đây rồi. Một áo cánh, một váy. Nhưng bà Okada lấy rồi.
– Lấy rồi? – tôi sững sờ.
– Sáng hôm qua. Tôi nhớ rõ chính tôi đã đưa cho bà ấy mà. Bà ấy đang trên đường đi làm thì ghé qua. Mang theo cả biên lai nữa.
Tôi không biết trả lời anh ta như thế nào nữa. Tôi chỉ còn biết trân trối nhìn anh ta.
– Ông về hỏi bà nhà xem. Bà ấy lấy rồi mà, chắc chắn.
Anh ta rút một điếu trong hộp thuốc lá trên quầy, cho lên môi rồi bật lửa châm.
– Sáng hôm qua? – tôi hỏi.
– Không phải chiều chứ?
– Buổi sáng, chắc chắn mà. Lúc tám giờ đúng. Hôm đó vợ ông là người mở hàng cho tôi. Chuyện như vậy tôi không quên đâu. Khi mà khách hàng đầu tiên của mình là một thiếu phụ trẻ thì mình thấy dễ chịu lắm chứ, phải không nào? Tôi không rặn nổi một nụ cười để đáp lại anh ta, giọng nói tôi phát ra nghe như không phải giọng tôi.
– Ồ thôi, vậy là được rồi. Xin lỗi, tôi không biết cô ấy đã lấy rồi.
Anh ta gật đầu, liếc tôi rồi dụi tắt điều thuốc chỉ mới phì phèo hai ba hơi, lại đi là quần áo. Hình như anh ta bắt đầu thấy quan tâm đến tôi, muốn nói với tôi điều gì đó như rốt cuộc lại quyết định không nói gì hết. Tôi cũng có những điều muốn hỏi anh ta. Khi Kumiko đến lấy đồ giặt trông nàng như thế nào? Nàng mang theo cái gì? Nhưng tâm trí tôi rối bời, lại còn khát cháy cổ. Điều tôi muốn nhất bây giờ là ngồi xuống đâu đó uống một cái gì mát lạnh. Tôi cảm thấy đó là cách duy nhất để may ra tôi lại có thể nghĩ ngợi về một điều gì.
Tôi đi thẳng từ hiệu giặt là tới quán cà phê cách đó mấy căn rồi gọi một cốc trà đá. Trong quán khá mát mẻ, tôi lại là người khách duy nhất. Những chiếc loa nhỏ gắn trên tường đang phát bản Tám ngày một tuần của Beattle biên soạn lại cho dàn nhạc. Tôi lại nghĩ đến biển. Tôi hình dung mình chân trần bước men theo mép bãi biển. Cát nóng rẫy, gió mang nặng mùi thủy triều. Tôi hít sâu vào ngực rồi nhìn lên bầu trời. Duỗi hai bàn tay ra, lòng bàn tay ngửa lên trời, tôi cảm thấy nắng hè nóng bỏng tuôn vào đó. Một làn sóng lạnh giá vỗ vào chân tôi.
Xét theo cách nào đi nữa, việc Kumiko ghé lấy đồ giặt trên đường đi làm thật là lạ. Một mặt nàng sẽ phải chen lên tàu điện chật ních người trong khi tay cầm mấy chiếc áo váy vừa là xong, còn treo nguyên trên móc. Rồi nàng còn phải lặp lại như thế một lần nữa trên đường về nhà. Làm thế nàng không chỉ thêm bận tay mà công phu là ủi thẳng thớm của người ta sẽ hóa thành vô ích, áo váy sẽ nhàu hết. Gì chớ những chuyện ấy thì Kumiko kỹ tính lắm, tôi khó lòng hình dung nàng sẽ làm một việc vô ích như vậy. Nàng có thể ghé lấy trên đường đi làm về cơ mà. Hoặc nếu về muộn, nàng có thể nhờ tôi lấy. Chỉ có thể có một lý do thôi: nàng đã biết trước là nàng sẽ không về nhà. Cầm áo cánh và váy trong tay, nàng có thể đi bất cứ đâu.
Bằng cách đó nàng sẽ có ít nhất một bộ đồ để thay, những thứ còn lại nếu cần thì đều có thể mua được. Nàng có thẻ tín dụng, thẻ rút tiền, lại có tài khoản ngân hàng riêng. Nàng có thể muốn đi đâu cũng được.
Và nàng đi với một người nào đó – một người đàn ông. Không có lý do nào khác để nàng bỏ nhà đi cả.
Thế này thì nghiêm trọng đây. Kumiko biến mất, để lại toàn bộ quần áo, giày dép. Nàng xưa nay vẫn thích mua sắm quần áo, nàng dành cho việc đó bao nhiêu là tâm trí và công sức. Bỏ nhà ra đi mà hầu như không mang theo một thứ gì, nàng ắt hẳn phải có một quyết tâm dứt khoát lắm. Đã vậy còn hầu như chẳng chút do dự – ít nhất là tôi cảm thấy vậy – , nàng đi khỏi nhà chỉ mang theo mỗi một chiếc áo cánh và một chiếc váy. Không, hẳn là lúc ra đi, quần áo là thứ nàng ít nghĩ tới hơn cả.
Tựa mình vào ghế, lơ đãng nghe thứ nhạc nền sạch sẽ đến khó chịu, tôi hình dung Kumiko đi trên tàu điện chật ních người, tay ôm áo váy vẫn còn nguyên móc áo gói trong túi nhựa của hiệu giặt. Tôi nhớ lại màu chiếc áo váy nàng mặc, mùi nước hoa sau tai nàng, tấm lưng mịn màng trắng muốt của nàng. Hẳn là tôi kiệt sức rồi. Tôi cảm thấy nếu nhắm mắt lại, tôi sẽ trôi đến nơi nào khác; tôi sẽ rơi vào một chỗ hoàn toàn khác.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 01 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 02 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 03 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 04 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 05 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 06 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 07 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 08 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 09 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 10 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 11 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 12 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 13 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 14 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 15 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 16 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 17 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 18 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 19 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 20 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 21 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 22 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 23 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 24 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 25 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 26 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 27 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 28 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 29 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 30 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 31 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 32 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 33 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 34 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 35 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 36 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 37 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 38 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 39 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 40 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 41 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 42 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 43 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 44 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 45 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 46 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 47 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 48 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 49 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 50 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 51 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 52 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 53 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 54 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 55 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 56 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 57 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 58 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 59 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 60 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 61 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 62 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 63 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 64 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 65 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, chương 66 tại đây.
Đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, toàn tập tại đây.