Con đã có đường đi | Chương 14
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 18 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Mọi sinh hoạt của xã hội con người đang đi về hướng toàn cầu hóa. Những giá trị tâm linh và đạo đức nào trong gia sản văn hóa của nhân loại cần được xét nghiệm và nhận diện để chúng ta có thể sử dụng mà hình thành nên một nền đạo đức và tâm linh chung cho cả hành tinh chúng ta? Mỗi truyền thống đạo đức tâm linh đều có những viên ngọc quý có thể đem ra để đóng góp cho một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu. Đạo Bụt là một nguồn tuệ giác đã có mặt trên 2500 năm có thể đóng góp được gì? Đó là chủ đề của cuốn sách này.
Ngày 20.1.2009 là ngày tổng thống Obama nhậm chức, đó là một ngày rất vui của nước Mỹ. Các nhà báo ở Châu Âu có nói rằng toàn thể nước Mỹ đang đứng sau lưng tổng thống Obama. Điều đó chứng tỏ rằng nước Mỹ có hy vọng, vì từ tổng thống cho tới toàn dân đều có ý chí muốn đoàn kết để xây dựng lại đất nước.
Tổng thống Obama sau khi tuyên thệ đã nói một bài diễn văn, tương đương với một bài pháp thoại. Những người nghe ông rất chăm chú. Ở bài pháp thoại đó cũng có Tứ diệu đế. Tức là nói về những khó khăn, những khổ đau hiện thực của nước Mỹ, và những nguyên do đưa tới những khó khăn, những khổ đau ấy. Tổng thống Obama nói: Chúng ta kỳ vọng là nước Mỹ sẽ có thể đứng dậy để đối phó với những thách thức mới, đưa nước Mỹ và thế giới tới một giai đoạn sáng sủa hơn. Người Mỹ phải chấm dứt những thói quen, tật xấu như tiêu thụ không có trách nhiệm, kỳ thị, chia rẽ, chỉ trích nhau. Đó chính là nội dung của Tứ diệu đế trong đạo Bụt. Có rất nhiều người lắng nghe đã khóc. Họ lắng nghe với thái độ của một người tín đồ, giống như là đang nghe pháp thoại vậy.
Khi tôi nghe một nhà báo Pháp nói rằng là tất cả những người Mỹ hiện bây giờ đang đứng sau lưng của tổng thống, lập tức tôi nghĩ đến sự thực tập của chúng ta. Chúng ta thực tập như là một cá nhân, một gia đình, một cặp vợ chồng, một Tăng thân hay là một quốc gia? Ngày 20.1.2009 vừa qua chính là một ngày quán niệm của nước Mỹ, tất cả mọi người đều tới để thực tập ngồi xuống và lắng nghe.
Hợp nhất năm uẩn
Chúng ta đang thực tập với tư cách là một cá nhân, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang thực tập như là một cộng đồng, một Tăng thân, một gia đình. Mỗi người chúng ta đều được làm bằng những yếu tố gọi là năm uẩn, đó là hình hài, cảm giác, tri giác, tâm hành, và nhận thức.
Khi chúng ta sống trong đời sống hàng ngày và thực tập thì năm uẩn đó có đứng sau lưng chúng ta để yểm trợ chúng ta hay không? Hay là trong năm uẩn đang có tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược? Trong thân tâm ta có thể có sự chia rẽ, rời rạc, chống đối nhau. Và năm uẩn của chúng ta không thực sự đứng sau lưng của chúng ta. Chính vì vậy mà chúng ta không có sức mạnh. Chúng ta muốn tu nhưng những lo lắng muốn kéo chúng ta đi về một hướng, những giận hờn kéo chúng ta đi về một hướng khác, những sợ hãi muốn kéo chúng ta đi về một hướng khác nữa, lại còn những ham muốn, đam mê cũng có một hướng đi riêng của chúng. Nhưng may mắn là nhiều khi chúng ta có những tâm hành tinh tấn siêng năng kéo chúng ta đi về hướng tu học. Vì vậy cho nên những yếu tố làm nên năm uẩn không hẳn đã đứng sau lưng để yểm trợ chúng ta hoàn toàn. Đó là lý do khiến chúng ta thất bại trong sự tu học.
Có khi năm uẩn của chúng ta rất hòa thuận, phối hợp với nhau đoàn kết (năm uẩn là tăng, phối hợp tinh cần). Nhưng có khi sắc, thọ, tưởng, hành, thức không cộng tác với nhau, chúng chia rẽ, chống đối nhau, tạo ra một trạng thái hỗn loạn trong con người và làm chúng ta khổ. Vì vậy làm thế nào để chúng ta có thể làm được như Obama, nói lên một bài diễn thuyết rồi khiến cho tất cả toàn dân Mỹ đều lắng nghe và gây niềm tin, rồi cùng đứng phía sau lưng tổng thống? Tổng thống Obama đã thành công trong ngày đầu tiên, đó là khiến cho tất cả những người dân Mỹ đều muốn đứng sau lưng tổng thống.
Trước đó mấy ngày tổng thống Obama có khen ngợi thượng nghị sỹ John McCain và mời Thượng nghị sỹ John McCain với đảng Cộng Hoà cùng tham dự tái thiết nước Mỹ. Đó là một hành động rất khôn khéo. Tại vì nếu nước Mỹ bị chia đôi, hai đảng chống phá nhau, thì không thể nào làm được công việc mà toàn dân nước Mỹ mong muốn. Vì vậy phải làm thế nào để đưa những thành phần trước kia chống đối trở về với mình.
Ở trong con người chúng ta cũng vậy. Chúng ta có ý chí, có tâm tu học, muốn chuyển hoá, muốn tự do, nhưng trong con người mình những yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức không đồng ý với nhau, chúng muốn đi về những hướng khác nhau, và chúng ta không hoàn toàn được năm uẩn yểm trợ trong công tác tu học. Trong trường hợp đó chúng ta phải làm như thế nào? Chúng ta có tới 51 tâm hành. Mà cái nào cũng muốn được chú ý hết. Cái ham muốn cũng muốn được chú ý, cái giận hờn cũng muốn được chú ý, cái sợ hãi cũng muốn được chú ý. Giống như là tất cả mọi người đều muốn lên tiếng một lần, đều muốn tất cả những người khác đi theo mình. Và nhao nhao lên, không ai chịu lắng nghe ai hết.
Trong tình trạng đó chúng ta phải làm sao? Trong đạo Bụt có nói tới niệm, định, tuệ. Định tức là sự tập trung. Làm thế nào để tất cả những thành phần trong ngũ uẩn đều quay về một hướng thì gọi là định. Có một nhà sinh học người Mỹ tên là Thomas Louis, ông ta nói rằng mỗi khi trong ông có tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì ông nghĩ rằng là âm nhạc là phương tiện hay nhất để có thể khuyến dụ tất cả những yếu tố trong con người của mình cùng đi về một hướng. Vì vậy những lúc đó là lúc nên chơi nhạc, hoặc nghe nhạc.
Khi một bản nhạc cất lên thì mình mời tất cả những yếu tố của năm uẩn đều tham dự vào hết. Điều này tại Làng Mai đã làm từ lâu. Trong mỗi buổi tụng kinh trước pháp thoại chúng ta đều đọc lời quán nguyện rằng: Xin Tăng thân hãy tập thở như một cơ thể, lắng nghe như một cơ thể, và tập đi như một dòng sông chứ không phải là những giọt nước riêng rẽ. Khi tất cả tăng thân đều lắng nghe như một cơ thể thì tự nhiên đi tới một trạng thái gọi là định. Mà một khi đã có định thì thế nào cũng đạt tới một cái thấy, đạt tới giải thoát, an lạc.
Nghệ thuật dẫn dụ
Khi ta tập thở mà hơi thở của ta nương theo âm nhạc, thì nó có thể dẫn dụ, hấp dẫn, khiến cho tất cả những tâm hành khác, những yếu tố khác trong ngũ uẩn đi theo hơi thở. Trong khi thở vào phải làm sao cho tất cả những tế bào trong cơ thể đều tham dự vào hơi thở vào. Khi thở ra phải làm thế nào để tất cả những tế bào trong cơ thể đều tham dự vào hơi thở ra. Cũng giống như khi tổng thống Obama lên Capitol Hill để nhậm chức. Tất cả mọi người Mỹ đều hướng về đó lắng nghe.
Khi thở vào, chúng ta theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối. Thở ra, ta theo dõi hơi thở ra từ đầu cho tới cuối. Trong quá trình đó, làm thế nào để cho tất cả những tế bào trong cơ thể đều đi theo tham dự hết vào hơi thở. Chứ không phải mình chỉ thở bằng phổi và lỗ mũi còn những thành phần khác của cơ thể đi làm việc khác, cái đó gọi là định. Việc này rất đơn giản, ai cũng làm được. Nếu hơi thở vào mà có phẩm chất, có sự hoà điệu thì nó là một bản nhạc. Trong truyền thống của Làng Mai, khi thở vào thở ra chúng ta thường kết hợp với một bài thi kệ. Thi kệ đó tức là nhạc. Chúng ta có rất nhiều bài thi kệ, những bài thi kệ đó nhiều bài đã được phổ thành nhạc, ví dụ như bài: Thở vào thở ra. Là hoa tươi mát. Là núi vững vàng. Nước tĩnh lặng chiếu. Không gian thênh thang Chúng ta có thể thở như là chơi nhạc vậy, nếu chúng ta làm cho tất cả những tế bào trong cơ thể mình hợp tác và đi theo dòng nhạc đó thì tự nhiên sẽ có định. Cách thực tập của Louis Thomas rất đúng. Ăn thua là nhạc đó hay hay không.
Một hơi thở vào có thể đem lại an lạc, hạnh phúc, đoàn kết. Nó cũng như là một bài diễn văn của Obama vậy. Nó làm cho người ta chú ý và có niềm tin trong tương lai. Nhưng Obama phải tiếp tục nói và làm như vậy thì mới được, còn chỉ nói có một ngày, làm một bữa thì không được. Chúng ta cũng vậy. Trong khi thở vào, thở ra chúng ta thở như thế nào để có thể mời được tất cả các tế bào cùng tham dự vào hơi thở đó. Khi đang thở vào và biết là mình đang thở vào thì trong hơi thở đó không chỉ có những tế bào trong cơ thể tham dự, mà cả những tri giác, những tâm hành đều đi theo. Tâm hành như là: niệm, định, tuệ, như là tưởng, như là xúc, như là tác ý, như là buồn bực, lo lắng… Tức là trong hơi thở vào, ra phải thở như thế nào để có sự tham dự của toàn thân và toàn tâm. Có nghĩa là hướng hết tất cả năm uẩn tới hơi thở của mình thì mới thành công. Tôi làm được như vậy và nhiều vị ở trong Tăng thân cũng làm được như vậy. Chắc chắc quý vị cũng làm được. Trong khi thở vào, thở ra thì chuyện thở vào, thở ra là chuyện quan trọng nhất. Mình đem tất cả con người của mình, cả sắc, thọ, tưởng, hành và thức tới tham dự vào hơi thở.
Bạn thử tưởng tượng giống như một người đang chơi vĩ cầm. Đây là hơi thở vào, đây là hơi thở ra, hơi thở vào nối tiếp hơi thở ra không hề đứt đoạn. Bạn đang thở vào, và tất cả con người bạn đang thở vào. Bạn đang thở ra, và tất cả con người của bạn đều thở ra. Hơi thở vào là sự tiếp nối của hơi thở ra. Hơi thở ra là tiếp nối của hơi thở vào.
Can đảm ly khai tập khí xấu
Trong khi ngồi thiền, mình nương vào âm nhạc An ban thủ ý thì sẽ có định. Tất cả những người Mỹ đứng sau lưng Obama được một ngày, nhưng không biết ngày thứ hai, thứ ba có được như vậy không? Nếu được 100 ngày như vậy thì thành công sẽ rất lớn. Tại vì trong trạng thái định, mình có một sức mạnh vũ bão.
Sau khi nhậm chức được mấy hôm, tổng thống Obama đã điện thoại cho thủ tướng Do Thái và thủ tướng của Palestine để bàn về vấn đề Trung Đông. Khi có sức mạnh của định thì tiếng nói sẽ hiệu quả hơn gấp bội. Chúng ta cũng vậy, khi năm uẩn của chúng ta phối hợp ăn ý với nhau thì chúng ta có định, và mỗi bước chân, mỗi hơi thở giúp chúng ta nếm được an lạc, đạt tới thảnh thơi, đưa tới sự chuyển hoá.
Trong bài diễn văn của mình Obama đã nói:
Chúng ta có những thói quen xấu phải thay đổi ví dụ như thói quen hưởng thụ, thói quen chỉ nghĩ tới lợi ích của mình mà không nghĩ tới cái an lạc, hạnh phúc của người khác… Chúng ta phải đứng dậy, phải phủi bụi, phải chiến thắng chính mình thì mới mong làm được việc lớn. Còn nếu chúng ta cứ để những tập khí, những thói quen xấu điều khiển thì chúng ta không thể nào tái thiết lại nước Mỹ được.
Đó là đạo đế, là con đường vượt thắng giai đoạn khó khăn này để xây dựng lại nước Mỹ. Trong bài diễn thuyết, tổng thống Obama cũng nói rõ thêm rằng:
Chúng ta phải xét lại những chương trình: kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục… chương trình nào đang đáp ứng được những nhu yếu của đất nước thì chúng ta tiếp tục, còn chương trình nào không đáp ứng được thì chúng ta phải có can đảm chấm dứt để làm chương trình khác. Đây chính là một phần của đạo đế, sự thật thứ tư.
Con người chúng ta cũng vậy. Chúng ta có những thói quen xấu, và chúng ta có quyền ly khai với những thói quen đó nhưng chúng ta cứ chần chừ, do dự không muốn đi tới quyết định. Và chúng ta cũng biết quá rõ rằng những đam mê, những thói quen tiêu thụ, lề lối ứng xử này sẽ gây tàn hại tới chính mình và làm khổ những người xung quanh. Nhưng có những sợ hãi bên trong khiến chúng ta không dám dứt khoát khước từ. Ví dụ như việc chấm dứt chiến tranh ở Iraq. Chuyện này có thể làm được nhưng các nhà lãnh đạo cứ tiếp tục trì hoãn, tiếp tục kéo dài khổ đau cho người dân nước mình và nước khác.
Chúng ta phải dũng cảm đi tới quyết định ly khai những thói hư tật xấu của chính mình. Nếu chúng ta không thể tự mình làm được thì phải nương tựa vào Tăng thân. Năng lượng của Tăng thân sẽ giúp ta dễ dàng thành công. Như đi thiền hành chẳng hạn, khi các bạn thiền sinh tới Làng Mai lần đầu, họ chưa hề biết đi thiền hành, họ quen đi đứng hấp tấp, vụt chạc, nhưng khi thấy hàng trăm người, hàng ngàn người ai cũng đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng trong im lặng thì họ bị ảnh hưởng. Họ cũng trở nên nhẹ nhàng, họ có muốn đi nhanh cũng không được vì phía trước họ, phía sau họ, bên phải, bên trái, ai cũng chú ý tới bước chân, ai cũng đi có chánh niệm, đi một cách rất thong dong thảnh thơi. Vì vậy họ được năng lượng bình an ôm lấy, đó là sức mạnh của tập thể. Năng lượng tập thể là một yếu tố rất quan trọng. Nó bảo hộ cho tất cả Tăng thân cùng đi thiền hành.
Nương vào tăng thân
Cũng như một bầy chim di cư về phương Nam, chúng bay theo từng đàn cả hàng ngàn con. Khi bầy chim bay chung với nhau như một Tăng thân thì chúng ít phí sức hơn là khi bay một mình. Điều này các nhà khoa học đã nghiên cứu và thấy được. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta đi thiền hành cùng với Tăng thân, hay là ngồi thiền cùng với Tăng thân, thì năng lượng tập thể được chế tác và giúp cho từng người ở trong niệm, trong định dễ dàng hơn. Vì vậy chúng ta phải biết phối hợp năng lượng niệm, định và tuệ của cá nhân với năng lượng niệm, định và tuệ của tập thể, như vậy thì chúng ta sẽ ít phí sức hơn và sẽ thành công được. Cho nên, trong khi nghe tụng kinh, trong khi ngồi thở, trong khi đi, chúng ta phải biết nương vào Tăng thân. Ở trong một nước cũng vậy, chúng ta phải biết nương vào nhau. Nếu mình chỉ quan tâm đi tìm sự thịnh vượng của riêng mình mà không để ý tới người khác thì không thể thành công một cách dễ dàng được.
Ở trong chùa thường tụng kinh nhiều. Trong đời sống hàng ngày mỗi người lo mỗi việc khác nhau. Nhưng đến giờ tụng kinh thì tất cả phải lên Phật đường. Và tất cả mọi người đều tụng một bài kinh. Ai cũng đều để tâm tới lời kinh. Và có thể giờ tụng kinh là giây phút đẹp nhất trong chùa. Nhưng Làng Mai không chỉ là một cái chùa, Làng Mai là một trung tâm tu học. Vì vậy cho nên chúng ta không những hợp nhất với nhau trong giờ ngồi thiền, trong giờ tụng kinh, mà chúng ta còn hợp nhất với nhau trong giờ thiền hành, trong giờ nấu ăn, trong lúc làm vệ sinh… Ở mọi lúc, mọi nơi, chúng ta vẫn tiếp tục tập thở hơi thở có ý thức, làm việc có ý thức, chấp tác trong ý thức. Khi đi ra dọn dẹp thiền đường thì chúng ta dọn dẹp thiền đường trong chánh niệm. Vì vậy cho nên âm nhạc của sự thực tập theo ta suốt ngày, làm cho tất cả những tế bào trong cơ thể, tất cả những tâm hành luôn luôn xuôi về một hướng. Cũng như toàn dân Mỹ có mặt sau lưng tổng thống Obama trong ngày nhậm chức.
Sự thực tập của chúng ta phải khéo léo, phải dễ chịu thì mới hấp dẫn được tất cả năm uẩn cùng xuôi về một hướng. Và sự thực tập phải được duy trì từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác mới được. Đó là ý của niệm, định và tuệ. Cũng như bài diễn văn của Obama, phải nói trúng được tâm trạng của con người, phải có khả năng làm phát sinh niềm tin và sự cộng tác thì mới có đông người ủng hộ được.
Nếu các nhà chính trị có được một chiều hướng tâm linh thì sẽ có sức mạnh nhiều hơn. Và trong tổng thống Obama cũng có rất nhiều chất liệu tâm linh. Trong bài diễn văn của mình ông cũng có dùng chữ chánh niệm (mindfulness). Người ta nói rằng phong thái của ông ta, cách đi đứng của ông ta cũng bình tĩnh.
Đọc Con đã có đường đi, chương 01 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 02 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 03 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 04 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 05 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 06 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 07 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 09 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 10 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 11 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 12 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 13 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 14 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 15 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 16 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 17 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 18 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 19 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 20 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, toàn tập tại đây.