Thích Nhất Hạnh | Con đã có đường đi | Chương 16
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 20 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Có một cô bé năm 14 tuổi đi sang Mỹ du học. Cô đã tốt nghiệp Đại học và về Việt Nam, trở thành một doanh nhân. Năm nay cô mới 24 tuổi. Bố mẹ cô là nhà giáo dạy ở trường đại học, cả hai cùng là doanh nhân. Năm 2008, tôi cùng với phái đoàn Làng Mai về Việt Nam, có tổ chức một ngày tu cho giới doanh nhân ở tại Hội An, hai cha con cô gái này đã tới tham dự ngày tu. Ban đầu cô không muốn đi, sợ mất thì giờ. Nhưng vì người bố năn nỉ nên cuối cùng cô cũng tới tham dự, học được một ngày rưỡi, nhưng thu được rất nhiều lợi lạc. Những điều tôi giảng cô tiếp nhận được rất ít do đây là lần đầu tiên được nghe những bài giảng như vậy. Cái mà cô tiếp nhận nhiều là sự có mặt của Tăng thân. Cô thấy Tăng thân đi, đứng, nằm, ngồi rất nhẹ nhàng, bình an, thanh thản.
Về nhà cô cảm thấy thân tâm được lắng dịu. Tuy là một doanh nhân trẻ nhưng cô cũng gặp những khó khăn, những bức xúc của đời sống doanh nhân. Vì vậy một hôm cô quyết định đi sang Pháp để tham dự khoá tu mùa hè ở Làng Mai. Đây là lần đầu tiên cô đi Âu Châu, nhưng khi tới Paris cô không dừng lại, mà đi thẳng về Làng Mai. Cô ở xóm Hạ trong mấy tuần của một khóa tu mùa hè. Cô nói rằng lần đầu nghe Thầy giảng về chuyện bố mẹ có mặt trong từng tế bào của cơ thể mình thì cô chỉ hiểu bằng trí năng thôi chứ cô không chứng thực được. Nhưng cô cứ nghe riết, rồi tới một hôm, cô đi ra vườn rau làm việc với các sư cô xóm Hạ, tối về thức khuya, trong khi ngồi thiền, cô bắt đầu thấy thấm, thấy trong cô có bố mẹ thật. Cô đã bật khóc, khóc rất nhiều. Đã đến giờ đi ngủ rồi, tuy mình cũng phải đi ngủ giống mọi người, nhưng cô không ngủ được mà đắp mền khóc tiếp. Khóc cho tới 12 giờ đêm, rồi lại khóc thêm nữa vào buổi khuya. Trước đó, cô nghĩ rằng người làm cho mình khổ đau nhất trên đời này là bố mẹ. Và cô cũng biết rằng đối với bố mẹ thì người làm khổ bố mẹ nhiều nhất chính là con cái mình. Nhưng từ khi cảm thấy bố mẹ không phải là những thực thể ở ngoài mà là có ngay trong con người của mình thì trong cô đã có một sự chuyển đổi. Cô bắt đầu thương bố mẹ thật sự. Sau khi rời Làng Mai, từ Pháp trở về, cô bắt đầu có những cái thấy mới, cô rất mong được bố mẹ đi đón. Ngày trước cô không muốn bố mẹ đưa đi đón về, có bố mẹ bên cạnh cô cảm thấy mất tự do, đi một mình thích hơn. Nhưng từ khi được tu tập ở Làng cô bắt đầu biết thương bố mẹ, biết thèm bố mẹ, biết muốn có bố mẹ ở bên cạnh. Nhưng hôm ấy bố mẹ bận, chỉ có anh tài xế của gia đình đến đón cô thôi, tự dưng lúc ấy cô thấy tủi thân vô cùng, cô đành lủi thủi leo lên xe về một mình.
Ngày xưa đi đâu cô cũng không cần bố mẹ đưa đón. Bố mẹ có hỏi: Để bố mẹ ra đón con nhé, thì cô nói: Dạ thôi, con tự về được, bố mẹ không phải đón đâu. Bố mẹ bận rộn nên nghe con nói như vậy thì cũng yên tâm. Bố mẹ cũng vậy, mỗi khi bố mẹ đi đâu xa gọi điện về cô cũng hỏi: Bố mẹ có cần con đi đón không? thì bố mẹ cũng nói Thôi, đón làm chi. Ấy là cái cách ngày xưa, còn bây giờ khi trở về tự nhiên cô thấy muốn có bố mẹ đi đón. Bố mẹ không đi đón thì lại buồn, lại tủi thân. Cô chợt phát hiện ra, như vậy có nghĩa là khi bố mẹ nói không cần mình đi đón nhưng thực ra trong lòng của bố mẹ cũng thèm trông thấy con mình đứng đợi ở sân bay lắm. Nghĩ đến đây cô không cảm thấy giận mà thương bố mẹ nhiều hơn.
Dự án làm phim Mười sáu hơi thở cứu độ nhân gian
Ở Việt Nam có một hãng làm phim tên là hãng Senafilm. Vào một buổi nói chuyện với văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, một vị ở trong ban giám đốc hãng phim thưa với Tôi: _Thưa Thầy, chúng con muốn làm một bộ phim về 16 hơi thở của Bụt. Chúng con thấy cuộc đời có nhiều khổ đau quá, nếu người ta nắm được một vài hơi thở của Bụt thì người ta sẽ bớt khổ rất nhiều. Cho nên chúng con muốn làm bộ phim với nhan đề là Mười sáu hơi thở cứu độ nhân gian. Nhân gian tức là nơi ta đang sống. Cụ Nguyễn Du nói Trăm năm trong cõi người ta, cõi người ta tức là nhân gian, là cõi có nhiều khổ đau, hệ luỵ, có nhiều chìm đắm, cho nên Bụt đưa ra mười sáu hơi thở để cứu độ con người thoát khỏi những chìm đắm ấy.
Cảm hứng này bắt nguồn từ vị đạo diễn của hãng làm phim. Có lần khi làm một bộ phim gần xong thì ông gặp những khó khăn rất lớn, những bức xúc xảy ra khiến cho bộ phim đó không thể thành tựu được. Trong nội bộ lục đục với nhau, bộ phim nằm chết dí một chỗ, không có cách gì tiến triển được. Nhưng rồi không biết nhờ phước đức nào của tổ tiên mà ông may mắn vớ được cuốn sách Con đường chuyển hoá( the Path of Transformation). Ông đọc và thấy ở trong đó Bụt dạy về phương pháp thở. Ông sung sướng khám phá ra một kho tàng châu báu tâm linh trong đó. Ông liền đem ra thực tập ngay và lập tức tháo gỡ được những khó khăn, những giận hờn, những bức xúc của mình. Rốt cuộc là ông nói chuyện lại được với những người trong tổ chức của ông, dàn xếp lại được nội bộ, tái lập truyền thông. Và ông đã thành công được, hoàn tất được cuốn phim. Vì vậy ông đề nghị với hãng phim, nếu đồng ý, ông sẽ thực hiện phim Mười sáu hơi thở cứu độ nhân gian.
Trong buổi nói chuyện với giới văn nghệ sĩ, người ta hỏi tôi chuyện đó có thể làm được không? Tôi trả lời rằng: chuyện đó có thể làm được. Và tôi đã đề nghị làm thế nào để có những tư liệu cho cuốn phim đó. Bộ phim này sẽ giúp cho tất cả mọi người, như là với giới trẻ chẳng hạn, họ có những bức xúc, có những khó khăn với bố mẹ, với công việc, với chuyện học hành, ngày nay các bạn trẻ tự tử rất nhiều. Phần đầu có thể nói về phương pháp thực tập cho giới trẻ, đưa ra những trường hợp rất cụ thể của những người trẻ đang có khó khăn với bố mẹ. Rồi đưa ra những pháp môn thở để giúp cho những người trẻ đó thoát ra khỏi tình trạng bế tắc và làm hòa được với bố mẹ. Chúng ta đã từng có những khoá tu cho người trẻ. Chúng ta đã từng thấy những người trẻ tu tập thành công trong việc làm hòa với bố mẹ rồi. Nên chúng ta có thể lấy rất nhiều trường hợp điển hình đó đưa ra để cho người khác rút kinh nghiệm. Về phía bố mẹ cũng có những lo lắng, khó khăn, buồn khổ vì con cái. Chúng ta cũng thấy được những người bố mẹ thực tập tháo gỡ khó khăn thành công. Chúng ta có thể đưa ra những trường hợp đó để cho người coi phim có thể thấy và làm theo được như những người trong phim. Đối với các nhà giải pháp, khi họ gặp những khó khăn, lo lắng, sợ hãi thì phải cư xử như thế nào, thực tập như thế nào để họ có thể lợi dụng được phương pháp thực tập mà đi ra khỏi những giai đoạn khó khăn đó. Hãng phim này dự tính trước hết làm ra bộ 10 đĩa VCD để cho người ta dễ mua. Mỗi đĩa như vậy chú trọng về một giới, thí dụ như là giới trẻ, giới phụ huynh, giới giải pháp, giới nghệ sĩ, giới giáo viên …
Khi ấy lại có một người đặt một câu hỏi khác: Thưa thầy, tấm lòng chúng con rất lớn nhưng kẹt một nỗi chúng con chưa có tiền, vậy thì phải làm sao?* Tôi trả lời: *Ăn thua là ở cái tâm mình, tâm của mình mạnh thì tiền sẽ tới sau._
Sau đấy độ chừng vài tháng hãng phim này tổ chức một buổi họp báo ở Sài Gòn, họ mời thân hữu tới để tham dự. Họ cũng có mời ba vị từ Tu viện Bát Nhã là thầy Trung Hải, thầy Pháp Cầu, và sư cô Kỳ Nghiêm. Phóng viên của các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Giác ngộ, và một số tờ báo khác, cùng với các văn nghệ sĩ, các nhà làm phim và một số bạn trẻ tới tham dự.
Cô doanh nhân 24 tuổi kể trên cũng tới buổi họp cùng với bố. Cô đã phát biểu, chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi tu tập ở Làng Mai, nói về kinh nghiệm được làm vườn rau với các sư cô ở xóm Hạ. Cô vừa nói vừa khóc, và rất mong những người trẻ ở trong nước có được cơ hội học hỏi như cô để có thể nối lại tình thâm với bố mẹ, thoát ra khỏi những lo lắng, buồn khổ. Một phóng viên, một ký giả của báo Tuổi trẻ, tờ nhật báo khá lớn ở Sài Gòn đứng lên phát biểu. Anh ta nói rằng anh ta rất bức xúc khi thấy rằng đạo Phật là truyền thống ở Việt Nam mà tại sao phải qua tận bên trời Tây mới học được. Chuyện đó thật đáng buồn. Tới các chùa chỉ thấy cúng kiếng, tụng kinh, cầu nguyện thôi chứ không có những phương pháp thực tập như vậy. Sao một truyền thống của Việt Nam có độ dài một nghìn tám trăm năm vậy mà mình phải đi qua tận bên Pháp mới học được? Anh ta đặt ra câu hỏi như vậy. Trong buổi họp báo đó còn có một số thanh niên đã từng lên Bát Nhã tu học. Có anh làm hướng dẫn viên du lịch. Anh ta kể rằng nghề làm hướng dẫn du lịch giống như làm dâu rất trăm họ, rất vất vả. Nếu thực tập được theo dõi hơi thở thì sẽ không còn thấy khổ nữa. Có lần anh ta hướng dẫn đoàn người đi du lịch và anh ta đề nghị những người đó vừa đi vừa theo dõi thở thì họ cũng rất thích thú và cảm thấy khỏe khoắn hơn. Buổi họp báo kết thúc bằng việc thầy Trung Hải hướng dẫn mọi người thở trong vòng một phút.
Khi xem lại DVD về buổi họp báo đó thì thấy rằng điều mà mình gọi là đạo Phật đi vào cuộc đời đang xảy ra ở Việt Nam. Các nhà giải pháp, các nhà làm phim, các văn nghệ sĩ, thanh niên bắt đầu chú tâm đến chuyện thực tập. Và như vậy Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân) đã trở thành ra một sự thật. Nếu ở đây, có bạn thiền sinh nào rất thích sự thực tập và cũng ưa làm phim thì đây là một cơ hội để liên lạc với các bạn ở Việt Nam để cùng thực hiện việc này.
Thực chứng Vô ngã
Chúng ta hãy tưởng tượng đây là dòng thời gian đang trôi chảy. Bạn ngồi đây và đang thực tập bài thở: Thở vào, tôi thấy bố tôi đang có mặt trong từng tế bào trong cơ thể tôi. Thở ra, tôi cười với bố tôi trong từng tế bào của cơ thể tôi. Thực tập như vậy ban đầu mình có thể chưa cảm được nhưng cứ thực tập một hồi thì mình dần dần cảm được. Mình thấy rằng sự có mặt của bố, của mẹ ở trong mình rất là thật, chứ không phải chỉ là trong ý tưởng.
Đây là con đường thời gian. Bạn đang ngồi ở đây, mình không nói đây là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Bạn chỉ cần thực tập theo lời tôi đề nghị là Thở vào, con mời đức Thế Tôn thở vào với con, xin Ngài hãy dùng lá phổi của con mà thở. Thở ra, con mời đức Thế Tôn ngồi bằng cái lưng của con. Con thấy Ngài đang ngồi rất thẳng bằng cái lưng của con. Cha mẹ cho mình hình hài. Đức Thế Tôn cho mình giới thân, huệ mạng. Nếu cha mẹ có mặt trong từng tế bào của mình thì đức Thế Tôn cũng có mặt trong từng tế bào của mình. Đâu phải chỉ có cha mẹ cho mình hơi thở. Chính đức Thế Tôn cho mình. Vì vậy cho nên trong tế bào mình có cha mẹ, có đức Thế Tôn. Mình cũng có thể mời Thầy ngồi bằng cái lưng của mình. Phép thực tập này rất dễ, ai cũng làm được. Ban đầu thì mình có cảm tưởng cái này chỉ là lý thuyết, hiểu theo nguyên tắc là như vậy. Tại vì không có Thầy chỉ cho phương pháp thì làm sao có cái chuyện mình đang ngồi đây để thở? Thầy cũng là một thứ cha, một thứ mẹ. Mình cảm thấy trong mình có cha, có mẹ, có Bụt, có Thầy. Cái hay của sự thực tập Làng Mai là không chú trọng nhiều tới danh từ. Có những cánh cửa mở ra để giúp hành giả đi thẳng vào tuệ giác của đạo Bụt mà không cần đi ngang qua ngôn từ nhiều như là vô ngã. Vô ngã là tinh hoa của giáo lý đạo Bụt. Nhưng vô ngã với tính cách một triết lý thì mình chỉ có thể tiếp cận bằng trí năng, bằng lý luận thôi chứ không chứng thực được vô ngã như là một sự thật.
Tại Làng Mai, khi thực tập bài: Thở vào, tôi thấy bố tôi đang có mặt trong từng tế bào cơ thể tôi. Thở ra, tôi thấy bố tôi đang thở bằng lá phổi của tôi thì nhờ quán chiếu như vậy mà mình tiếp xúc được với sự thật vô ngã chứ không phải chỉ là lý thuyết. Với những pháp môn thực tập cụ thể như thế này mình chứng thực được chân lý vô ngã. Mình không phải là một cái ta riêng biệt mà mình được làm bằng chất liệu bố, mẹ, Bụt, Thầy, không khí, nước, hơi ấm … Thấy được như vậy tức là mình đã nếm được hương vị của vô ngã.
Cánh cửa tiếp xúc với vô ngã
Cô doanh nhân trẻ 24 tuổi nói trên đã được sống với quý sư cô ở xóm Hạ hai tuần lễ trong khóa tu mùa hè. Cô cũng khởi sự bằng ý niệm, ban đầu khi nghe pháp thoại cô không hiểu, nhưng sau thì thấm. Và một lúc nào đó cô thấy được bố mẹ thực sự ở trong mình. Thấy được như vậy thì bao nhiêu buồn tủi, giận hờn đều tiêu tan hết. Cô gái đó làm được thì tại sao mình lại không thể làm được?
Chứng thực được vô ngã thì những sợ hãi, đau khổ, ganh tị, hay lo lắng sẽ không còn nữa. Vô ngã là một danh từ khiến cho người ta dễ ngần ngại khi đề cập đến. Mình có thể dùng danh từ khác giúp cho mình hiểu được vô ngã mà không cảm thấy sợ hãi nữa, đó là chữ duyên sinh, hay duyên khởi – Interbeing. Nhờ quán chiếu về duyên sinh, bố là một duyên, mẹ là một duyên, Bụt là một duyên, Thầy là một duyên … Nhờ nhiều duyên như vậy mới hình thành nên cái gọi là mình. Thở vào, tôi ý thức sự có mặt của hình hài tôi. Mình tưởng rằng hình hài này là một cái gì bình thường mà mình đã biết rõ về nó rồi, nhưng kỳ thực mình chưa biết nó đủ đâu. Cái hình hài này chứa đựng bố, chứa đựng mẹ, chứa đựng Bụt, chứa đựng Thầy, chứa đựng trăng sao, chứa đựng quá khứ, tương lai. Thấy được như vậy là nhờ quán chiếu về duyên khởi. Vì vậy cho nên duyên khởi là cánh cửa mở ra cho mình tiếp xúc với thực tại vô ngã. Duyên khởi là sự thực tập chứ không phải là lý thuyết. Khi thở vào mình thấy được rằng những tế bào trong cơ thể mình có chứa đựng bố, chứa đựng mẹ, có chứa đựng tổ tiên, có chứa đựng trăng sao, thì lúc đó mình bắt đầu tiếp cận được vô ngã. Điều này rất rõ ràng, cụ thể. Tới sống trong một trung tâm tu tập như ở Làng Mai thì công việc chính của mình là để làm chuyện đó, quán về tính duyên khởi. Dù đang nhặt rau, rửa bát, uống trà cũng phải sử dụng con mắt duyên khởi để soi chiếu. Cái thấy này sẽ giúp mình vượt thoát khỏi cái ảo tưởng mình là có một cái ta riêng biệt, vì tưởng rằng mình là một cái ta riêng biệt nên mới giận dữ, mới buồn khổ, trách móc.
Tại Làng Mai, trước khi tụng kinh mọi người sẽ được nghe đọc lời quán nguyện: Xin đại chúng hãy thở như là một cơ thể, tụng như là một cơ thể, lắng nghe như một cơ thể, đi như một dòng sông để vượt thoát được khỏi mặc cảm hơn người, kém người và bằng người. Ba mặc cảm đó là do cái ngã mà ra hết. Cho rằng mình hơn người là vì có ngã nên mới hơn được. Cho rằng mình thua người cũng là vì có cái ngã nên mới thấy mình thua người. Mà bằng người cũng vậy, có cái ngã nên mới thấy mình bằng người ta. Ngã là một cái vô minh, một cái ảo tưởng. Người tu cần phải quán chiếu thường xuyên, liên tục điều này. Khi chứng thực được vô ngã rồi thì thấy mình là bất sinh bất diệt, thầy của mình cũng là bất sinh bất diệt. Thấy được như vậy rồi thì dù cho Thầy có tịch ngay bây giờ hay tịch sau vài năm nữa thì cũng giống hệt nhau thôi.
Vượt thoát sinh tử
Khi thực tập được thành công như vậy rồi, thì bạn mang bố mẹ, mang Bụt, mang thầy đi về tương lai. Ví dụ giả sử bố của bạn đang còn sống, thì có thể bố của bạn sẽ mất ở chỗ này
phía trước mặt bạn. Hoặc nếu bố của bạn đã mất rồi thì nghĩa là bố bạn nằm ở chỗ này, phía sau lưng bạn. Nhưng nếu bạn có bố trong người mình rồi thì bố mất chỗ này hay bố mất chỗ kia cũng không khác nhau là bao nhiêu. Vấn đề là bạn có thấy được bố trong mình hay không, còn bố mất trước đó hay là sau đó cũng không quan trọng mấy. Điều này cũng áp dụng cho Bụt. Nếu mình có Bụt trong lòng rồi, thì dù Bụt nhập diệt 2.500 năm về trước hay là Bụt chưa đản sanh thì cũng vậy, không quan trọng mấy. Nó hay ở chỗ đó. Vượt thoát thời gian. Điều này cũng đúng với Thầy. Thế nào mai mốt họ cũng làm đám ma Thầy, họ thiêu, họ làm thơ phúng điếu. Nhưng nếu mình có Thầy ở trong lòng rồi thì Thầy tịch trong quá khứ hay Thầy tịch trong tương lai cũng vậy thôi. Điều quan trọng nhất là mình đã có Thầy ở trong mình, mình sẽ đem Thầy đi về tương lai. Đây là những điều không có khó khăn mấy, mình có thể hiểu và làm được.
Đọc Con đã có đường đi, chương 01 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 02 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 03 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 04 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 05 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 06 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 07 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 09 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 10 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 11 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 12 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 13 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 14 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 15 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 16 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 17 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 18 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 19 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, chương 20 tại đây.
Đọc Con đã có đường đi, toàn tập tại đây.