Nguyễn Nam Trân | Đồ Nhiên Thảo
Những tùy bút cổ điển của Nhật Bản mà mình yêu thích vì nhờ đó mà đã đọc được những người Nhật mỗi ngày gặp nhau ngoài đường phố dù không cần trao đổi qua lời nói.
· 5 phút đọc.
Thuở nhỏ, khi còn ngồi trên ghế trường trung học, người dịch đã cảm thấy gần gũi với thể loại văn chương gọi là bút ký vì qua đó, tác giả như nói lên được tình cảm trung thực họ muốn gửi gắm. Khi đọc những tùy bút và ký sự cổ xưa, có cảm tưởng đang nghe người muôn năm cũ nói chuyện trực tiếp với mình, trong lòng không khỏi dậy lên một niềm cảm khái. Ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là những tác phẩm như Vũ Trung Tùy Bút, Tang Thương Ngẫu Lục hay Thượng Kinh Ký Sự. Rồi người dịch lẩn thẩn tự đặt câu hỏi: Thế thì tâm tình người Việt Nam vài trăm năm sau ra sao khi họ cầm trong nay những Sài Gòn Năm Xưa, Thương Nhớ Mười Hai hay Hương Rừng Cà Mau của hôm nay?
Đến khi có cơ hội tiếp xúc với văn học nước ngoài, dù là Đông hay Tây, tình cảm gắn bó với thể loại văn chương bút ký vẫn trọn vẹn. Từ đó nảy ra ý định giới thiệu với độc giả Việt Nam những tùy bút cổ điển của Nhật Bản mà mình yêu thích vì nhờ đó mà đã đọc được những người Nhật mỗi ngày gặp nhau ngoài đường phố dù không cần trao đổi qua lời nói. Mảng văn học bút ký vốn dĩ rất phong phú ở Nhật và có truyền thống lâu đời trên mười thế kỷ. Chúng có một giá trị nhất định khiến cho đến ngày nay vẫn còn được người trên đảo quốc gối đầu giường, đọc trên xe điện, giảng dạy cho thanh thiếu niên ở cấp cơ sở và hãnh diện khi chúng được dịch ra tiếng nước ngoài.
Vâng, mười thế kỷ đã trôi qua từ lúc cuốn Makura no Soshi (Ghi Nhanh Bên Gối), tập tùy bút tối cổ, ra đời. Tám thế kỷ từ ngày có Hojoki (Cảm Nghĩ Trong Am) và bảy thế kỷ từ khi người ta nhặt nhạnh lại được bản thảo của Tsurezuregusa (Buồn Buồn Phóng Bút) mà tác giả của nó chép trên những mảnh giấy dán tường hay sau những cuốn kinh. Tuy ngày nay chúng ta đã bước vào thời đại du hành vũ trụ, thông tin vi tính và kinh tế toàn cầu, thế nhưng những tình cảm yêu, thương, hờn, giận, ghét bỏ, đam mê, chắc vẫn không khác bao nhiêu so với người xưa, nếu không nói họ còn tinh tế và bén nhạy hơn chúng ta nhiều. Qua những trang tùy bút của hai nhà ẩn sĩ trung cổ Nhật Bản là sa di Chomei và tu sĩ KenKo sau đây (xin được giới thiệu Makura no Soshi của nữ học sĩ Sei Shonagon trong một dịp khác), chúng ta sẽ thấy hình bóng của con người muôn thuở nhưng đang thủ hai vai trên hai sân khấu khác mà thôi.
Đây là dấu ấn của hai tâm hồn cao đẹp – chứ không hẳn là hai bậc thánh hiền – để lại cho chúng ta. Nó phản ánh nhân cách độc đáo của hai ông. Ta thấy đôi khi họ có những ngoan cố, sai lệch, lầm lẫn cũng như mâu thuẫn nhưng nội dung của những điều viết ra luôn luôn dào dạt tình người và đau đáu một nỗi lo đời. Cũng qua hai tác phẩm, ta có thể hình dung xã hội Nhật Bản trung cổ với tất cả tập tục cung đình và dân gian. Chúng hiện trước mắt ta như một cuốn phim sống động. Ngoài giá trị triết lý, văn chương, hai tập tùy bút này còn là một kho tư liệu về sử học và dân tộc học giúp ta hiểu nhân sinh quan của người Nhật đã được hình thành từng bước một như thế nào.
Quyển sách này được soạn ra trước hết để khỏa lấp chuỗi ngày giờ trống vắng của người viết trong những năm tháng lưu lạc trên xứ người. Mục đích thứ hai là đem đến cho quý độc giả mến yêu chút giải khuây, mua vui cũng được một vài trống canh trong cuộc sống tất bật hằng ngày, hay như cách nói của Lý Thiệp, nhà thơ đời Đường, có được nửa ngày nhàn hạ giữa đời phù du.
Thiển nghĩ dịch thuật là dịch văn hóa nên người viết đặt nặng phần chú thích để làm sáng tỏ ý nghĩa lồng dưới mỗi câu chữ mà khi chuyển qua một ngôn ngữ khác, văn bản sẽ mất đi nhiều thông tin. Kính xin độc giả lượng thứ những chỗ rườm rà cũng như vui lòng dạy bảo về mọi khiếm khuyết mà người viết, dù với tất cả cố gắng và thiện chí, vẫn không sao tránh khỏi.
Cuối cùng xin gửi một lời cảm ơn trân trọng đến những thân hữu nhất là các bạn trong Nhóm Dịch Thuật Văn Học Nhật Bản đã khích lệ và góp công trong việc hiệu đính bản thảo, các tiền bối và bầu bạn đã không quở trách còn ưu ái hạ bút cho lời giới thiệu cũng như nhà xuất bản đã tận tụy làm việc để quyển sách này sớm được góp mặt với đời.
Gác trọ nhìn ra vịnh Tokyo, mùa bão 2007.
Nguyễn Nam Trân.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 01 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 02 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 03 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 04 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 05 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 06 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 07 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, chương 09 tại đây.
Đọc Đồ Nhiên Thảo, toàn tập tại đây.