Phép lạ của sự thức tỉnh | Chương 07
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng lập Làng Mai, truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân, chánh niệm, giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc, hòa hợp thiên nhiên.
· 8 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ngày nào cũng thực tập quán niệm, giờ nào cũng thực tập quán niệm… Nói thì dễ nhưng thực hành cho được thường xuyên là chuyện không dễ… Vậy cho nên tôi đề nghị những người trong lớp thiền tập nên để dành một ngày trong tuần để khởi sự thực tập. Đã đành trên nguyên tắc ngày nào cũng là ngày của mình, giờ nào cũng là giờ của mình, nhưng trên thực tế mình hoàn toàn chưa thể nào chủ động được và mình có cảm tưởng gia đình, sở làm và xã hội chiếm mất hết thì giờ của mình. Vì vậy tôi đề nghị họ lấy một ngày trong tuần làm ngày của mình. Ngày này sẽ là bàn đạp tạo nên thói quan tốt đẹp của sự thực tập quán niệm.
Tác viên xã hội ai cũng có quyền có 1 ngày như vậy mỗi tuần, nếu không ta sẽ tự đánh mất mình một cách dễ dàng trong cuộc đời náo động. Ta tạm gọi cái ngày thứ bảy kia là ngày quán niệm. Muốn tổ chức ngày quán niệm ta hãy chuẩn bị làm sao khi thức dậy trong buổi sáng, ta có thể nhớ ngày dó là ngày quán niệm. Treo một cái gì ở trên trần nhà hay ở trong mùng. Ví dụ như một chữ quán hay một cành thông chẳng hạn, để khi thức dậy là ta có thể trông thấy và biết đây là ngày quán niệm, ngày của mình.
Nhớ ra như vậy rồi, ta nên mỉm cười để chứng tỏ rằng ta đang có ý thức trọn vẹn và cũng là nuôi dưỡng ý thức trọn vẹn đó. Nằm trên giường ta bắt đầu theo dõi hơi thở, điều phục hơi thở, thở những hơi chậm, dài và ý thức. Rồi ta từ từ vén chăn ngồi dậy (đừng tung chăn chồm dậy như thường nhật). Nuôi dưỡng quán niệm trong từng cử chỉ. Ta xúc miệng đánh răng, chải đầu, cạo râu hay điểm trang một cách nhẹ nhàng, thong thả, cử động nào cũng được nhiếp phục trong quán niệm. Theo dõi hơi thở, nắm lấy hơi thở, đừng để tâm loạn động. Khi làm những cử động thể dục buổi sáng cũng vậy. Các cử động thể dục nên làm thong thả, đi đôi với nhịp thở dài và nhẹ. Trong khi tập thể dục, duy trì nụ cười hàm tiếu trên môi.
Nên để ra ít nhất là nửa giờ để tắm gội thong thả trong chánh niệm. Đôi khi tắm xong là ta đã thấy nhẹ nhàng khoan khoái rồi. Sau đó ta có thể đi làm việc nội trợ, giặt áo quần, chùi nhà, lau bàn, sửa bếp, xếp dọn sách vở. Những công việc ấy phải được làm thật khoan thai, nhẹ nhàng trong chánh niệm. Làm tức là tu, đừng mong cho chóng xong. Bí quyết là làm thong thả. Để tâm ý vào đó, ưa thích nó, đồng nhất với nó. Phải tìm được sự an lạc trong khi làm những việc đó. Nếu không thì ngày quán niệm đó xem như là thất bại. Những người mới tập thì nên giữ im lặng trong ngày quán niệm. Vận tốc của các cử động dưới ảnh hưởng của quán niệm được giảm xuống rất nhiều. Hãy nhìn những vị thiền sư. Họ đi đứng khoan thai, nhất cử nhất động đều nhẹ nhàng, không vụt chạc hay nóng nảy. Nói như thế không có nghĩa là trong ngày quán niệm ta không nên nói chuyện. Ta cũng có thể nói chuyện và cũng có thể hát nữa. Nhưng ta chỉ nên nói hay hát ít thôi, trong khi duy trì ý thức minh mẫn về những gì ta đang nói hoặc đang hát. Cố nhiên ta có thể vừa hát vừa quán niệm. Biết rõ là ta đang hát và ta đang hát gì. Tuy thế nên biết rằng trong khi ta hát, tình tiết và âm diệu có thể đưa ta lạc ra ngoài chánh niệm nếu năng lực tập trung của ta còn yếu kém. Buổi trưa ta có thể tự nấu cơm. Việc ăn cơm, rửa bát, nghỉ ngơi, tất cả cũng đều được thực hành trong chính niệm. Buổi sáng sau khi nhà cửa đã được dọn hay chăm bón, vun mấy khóm hoa. ta pha trà và ngồi uống trà trong chánh niệm. Để dành thật nhiều thì giờ cho công việc này. Đừng uống trà như người ta ăn hủ tiếu, cà phê ngoài tiệm trước khi đi làm, nghĩa là hấp tấp quá. Uống trà thật thảnh thơi, khoan thai, như nhịp đi của bốn mùa, như nhịp quay của Trái Đất, thong thả, đều đặn, không hấp tấp. Không đi tìm tương lai. Sống với giờ phút hiện tại. Chỉ có giờ phút hiện tại mới là sự sống. Đừng đồng nhất sự sống với tương lai. Đừng luôn nghĩ tới chuyện phải đi về tương lai. Đừng luôn luôn nghĩ tới chuyện khởi hành. Ngày xưa trong Bướm bay vượn cải hoa vàng, tôi viết :
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu,
Là nụ cười,
Là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
Tôi đứng đây, chúng ta không còn khởi hành.
Quê hương chúng ta đẹp như quê hương của tuổi thơ.
Xin đừng ai xâm phạm. Tôi vẫn còn hát ca…_
Buổi chiều ta có thể đọc kinh, chép kinh, viết thơ cho bạn, làm bất cứ việc gì mà ta thích từ công việc trong tuần. Tôi nhắc em là làm gì cũng làm trong chánh niệm. Buổi tối ăn ít thôi, khoảng 10 – 11 giờ ta ngồi thiền đến nửa đêm sau khi bách bộ chừng một giờ để thở không khí trong lành, theo dõi hơi thở bằng quán niệm, đo chiều dài hơi thở bằng quán niệm, đo chiều dài hơi thở bằng bước chân ta về phòng và đi ngủ trong chánh niệm.
Thiều ơi!
Thế nào mình cũng tìm cách để tôn trọng tuyệt đối ngày quán niệm của tác viên. Ngày ấy cần thiết quá và ảnh hưởng tốt đến những ngày khác trong tuần rất nhiều.
Mười mấy năm về trước, nhờ ngày bình tĩnh quán niệm ấy mà chú Văn và các anh chị trong dòng Tiếp Hiện đã hướng dẫn được trường đi qua nhiều giai đoạn bão táp.
Thực tập ngày quán niệm được trong vòng ba tháng thì ta đã có sự thay đổi quan trọng trong đời sống của chúng ta rồi. Từ ngày quán niệm, sự thực tập sẽ lan qua những ngày khác trong tuần và ta sẽ có thể tu không phải một ngày trong một tuần mà bảy ngày trong một tuần. Thiều đã thấy ra ngày quán niệm là một bàn đạp quan trọng hay chưa.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 01 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 02 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 03 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 04 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 05 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 06 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 07 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 08 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 09 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 10 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 11 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 12 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 13 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 14 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 15 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 16 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 17 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 18 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 19 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, chương 20 tại đây.
Đọc Phép lạ của sự thức tỉnh, toàn tập tại đây.