Thích Nhất Hạnh | Nghệ thuật thiết lập truyền thông (Chương 01)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 46 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Hiện đại hoá đạo Phật không có nghĩa là thế tục hóa đạo Phật. Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó. Mất đi những đặc tính siêu việt này thì đạo Phật không còn là đạo Phật. Cho nên sự có mặt của những hình thức và những danh từ đạo Phật trong cuộc đời không được coi như là sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời. Chỉ khi nào người ta thấy bản chất của đạo Phật thấm nhuần trong mọi sinh hoạt của cuộc đời người ta mới có thể nói đến sự có mặt của đạo Phật trong cuộc đời như một thực tại có sinh khí. Cẩn thận mà suy xét, ta sẽ thấy rằng đạo Phật, trong chân tinh thần của nó, phải có cả hai mặt xuất thế và nhập thế. Không xuất thế thì không có gì khả dĩ hơn được cuộc đời, không có gì khả dĩ hướng dẫn được cho cuộc đời và làm đẹp cho cuộc đời.
Còn không nhập thế thì không phải là đạo Phật nữa, bởi vì từ bi và trí tuệ, bản chất của đạo Phật trong trường hợp này, sẽ không có chỗ sử dụng. Hơn nữa, theo đạo Phật, xuất thế và nhập thế có liên hệ mật thiết đến nhau. Xuất thế có nghĩa là nắm được chân lý của cuộc đời làm chủ động được mình, được tình thế, và không còn bị sai sử, lung lạc và chìm đắm bởi cuộc đời. Xuất thế không phải là chống đối với cuộc đời mà là cao hơn cuộc đời. Một sự chạy trốn, ghét bỏ xa lánh thì không thể gọi là cao hơn. Có thể thấp hơn cũng chưa biết chừng. Chân lý (hoặc chân tướng) của cuộc đời không thể tìm thấy ngoài cuộc đời. Những tu viện cách biệt với chợ búa làng xóm không phải là những dấu hiệu xuất thế. Những tự viện ấy cũng có giá trị tương đương với những phòng thí nghiệm của các nhà bác học.
Nếu những nhà bác học phải tự giam mình trong các phòng thí nghiệm tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác để có thể hoàn tất một công cuộc nghiên cứu hay phát minh, thì những tăng sĩ trong dòng Thể Nhập cũng phải sinh hoạt lâu tháng lâu năm trong các tự viện để hoàn tất những công cuộc thí nghiệm và đạt đến kết quả tu chứng của mình. Đối tượng nghiên cứu của hai bên, của nhà bác học cũng như của nhà tu sĩ, là một đối tượng hết sức rộng rãi: đó là bản thân của sự sống. Phòng thí nghiệm cũng như thiền thất là những nơi thuận tiện cho công phu tìm tòi, thực chứng; nhưng không phải là tất cả những phát minh khoa học đều được thực hiện ở phòng thí nghiệm cũng như tất cả những công trình đắc đạo đều được thực hiện ở trong thiền thất.
Nhà bác học có thể đón nhận sự phát minh khi nhìn thấy một trái táo rơi. Nhà thiền học có thể ngộ đạo khi đi ngang chợ nghe tiếng nói của một người bán thịt lợn hay khi nghe tiếng hót của một con chim hoàng oanh. Nếu xuất thế được hiểu theo nghĩa thấy được mặt mũi xưa nay (bản lai diện mục) của thực tại, của cuộc đời rồi thì xuất thế cũng là nhập thế. Vì xuất thế theo nghĩa trên không phải là lìa bỏ cuộc đời, mà chỉ là không bị lôi kéo sai sử bởi cuộc đời. Với lại nhập thế là để thiện hóa mỹ hóa thế tục mà không phải để cho thế tục hóa.
Hiện đại hóa đạo Phật đã không phải là thế tục hóa đạo Phật mà còn là bồi dưỡng và phát triển giá trị xuất thế của đạo Phật để đạo Phật có đủ năng lực giác ngộ đưa đường chỉ lối cho cuộc đời. Hiện đại hóa đạo Phật đòi hỏi một mặt công trình tu chứng, một mặt công trình khảo sát về thực trạng của cuộc đời, để thực hiện công cuộc hành đạo đem đạo Phật vào cuộc đời. Công trình trước có tính cách xuất thế, công trình sau có tính cách nhập thế và giữa hai công trình có những tương quan mật thiết. Phải hiện đại hóa đạo Phật nếu chúng ta muốn đạo Phật có thể đóng góp thiết thực và hữu hiệu vào công cuộc xây dựng xã hội chúng ta.
Hiện đại hóa đạo Phật tức là khai triển những tiềm lực của đạo Phật mà chúng ta biết, như ở trong trường hợp Việt Nam và ở nhiều nước á Châu, là rất phong phú và có thể biến cải một cách tốt đẹp tình trạng hiện thời của đất nước. Tiềm lực ấy sẽ không có tác dụng nào cả nếu không được khai triển. Sự tiêu hoại dần dần các tiềm lực ấy chứng tỏ sự suy đồi của bản chất đạo Phật; hiện đại hóa đạo Phật tức là vừa duy trì vừa phát triển chúng. Nói một cách khác hơn, đạo Phật phải được thường xuyên hiện đại hóa nếu muốn còn là đạo Phật. Nhờ có những cuộc cách mệnh giáo lý và giáo chế xuất hiện trong lịch sử mà sinh lực đạo Phật đã được tiếp nối từ thời đại này sang thời đại khác. Những giai đoạn suy trầm nhất trong lịch sử đạo Phật đã được tiếp nối từ thời đại này sang thời đại khác. Những giai đoạn suy trầm nhất trong lịch sử đạo Phật là những giai đoạn thiếu khai triển, thiếu sáng tạo, nói tóm lại, thiếu công trình hiện đại hóa.
Hiện đại hóa để được sống mãi, để được linh động mãi, để đừng bị chết khô trong hình thức và khuôn khổ. Muốn tiêu diệt đạo Phật thì cũng không cần đàn áp, bởi vì có thể càng bị đàn áp sức sống của đạo Phật càng vươn mạnh. Muốn tiêu diệt đạo Phật thì phải tiêu diệt sinh khí đạo Phật. Mà muốn tiêu diệt sinh khí đạo Phật thì chỉ cần khen ngợi khuyến khích tinh thần ỷ lại, bảo thủ, thói quen ôm ấp hình thức và sợ hãi thay đổi, sợ hãi sáng tạo._ Bởi vì bất cứ sự thay đổi hay sáng tạo nào cũng hàm chứa những đớn đau của thời kỳ sinh nở. Trong một bài báo nhan đề là Nói chuyện về vấn đề đóng góp, chúng tôi đã có dịp nói rõ rằng chúng tôi tin đạo Phật có thể đóng góp rất nhiều cho tình trạng, nhưng với điều kiện là đạo Phật phải là đạo Phật trước đã. Mà nếu muốn đạo Phật là đạo Phật thì phải để đạo Phật được thường xuyên hiện đại hóa – hiện đại hóa để bản chất đạo Phật được duy trì, phát triển, lưu lộ và thấm nhuần vào mọi hình thái của sự sống.
Thực ra muốn biết một tổ chức sinh hoạt nào đó có phải là đạo Phật không thì chỉ cần xem xét giá trị của từ bi của khoan dung của phá chấp có thể hiện và lưu lộ trong tổ chức ấy không. Điều đó ai cũng biết và ai cũng có thể thực nghiệm. Khác hơn hết thẩy mọi tôn giáo mọi truyền thống, đạo Phật không phải là một bó giáo điều cứng cỏi; đạo Phật chịu đựng được mọi thử thách và luôn luôn tùy duyên để được thực sự bất biến. Nhờ tinh thần phóng khoáng ấy mà đạo Phật đã lột xác nhiều lần trong lịch sử và đã luôn luôn cố gắng vươn tới để có mặt._ Vì thế không có lý do gì mà chúng ta lại sợ hãi sự đau đớn, sợ hãi sự sáng tạo để cứ ngủ yên và chết mòn trong những cái vỏ cứng thiếu sinh khí. Không có lý do gì mà chúng ta để cho rêu mọc và phủ kín một ngôi cổ tháp. Trong tập sách này chúng tôi sẽ xin cố gắng trình bày một cách đơn giản những nguyên tắc và những nét đại cương của công cuộc hiện đại hóa đạo Phật, với những đề nghị có tính cách cụ thể và khả hành để mong có thể đóng góp một phần nào cho sự xây dựng một nền Phật giáo hiện đại trong viễn tượng bồi đắp và phát triển nền văn hóa dân tộc và đẩy mạnh những tiến bộ xã hội Việt Nam.
Cố nhiên những ý kiến của chúng tôi có thể sẽ được một số các Phật tử xuất gia và cư sĩ xem như là táo bạo, hoặc là phá hoại. Điều đó tất nhiên là một sự kiện phải xảy ra, cũng như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản … Những bạn Phật tử nào bền chí trong công cuộc hiện đại hóa đạo Phật sẽ thấy những chống đối ác liệt và dai dẳng đó là phản ứng tất nhiên của lớp người bảo thủ và sẽ không thối chí mà lùi bước. Những chống đối kia lắm lúc lại còn làm tỏ thêm những nét sáng tạo cần thiết của phong trào hiện đạo hóa đạo Phật nữa. Những vùng vẫy của cá nhân để thoát ra ngoài những kiềm chế vô lý của cơ cấu đại gia đình đã gây ra không biết bao nhiêu là bi kịch trong suốt bốn mươi năm nay mà vẫn chưa được kết thúc. Thứ thơ mà ta quen gọi là thơ mới cũng không phải là trong một sớm một chiều mà chiếm được địa vị vững chãi trên thi đàn.
Ngay cả đến việc để răng trắng không nhuộm cũng phải tốn từ mười đến hai mươi năm mới được dư luận chấp nhận. Vậy những đau đớn do phong trào hiện đại hóa đạo Phật giáo thế nào cũng phải xảy đến và những người hữu tâm hãy chuẩn bị để mà phấn đấu. Có thể nhờ những biến chuyển lớn lao của thời đại và nhờ nhận thức luôn luôn thay đổi của con người thời nay mà cuộc khủng hoảng sẽ nhẹ bớt và thời gian chịu đựng sẽ ngắn lại; nhưng cũng có thể công cuộc hiện đại hóa đạo Phật sẽ vấp phải vô số khó khăn và phải kéo dài đến mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cũng không biết chừng. Phần lớn các học giả trên thế giới đồng ý với nhau rằng đạo Phật sẽ có thể thoát xác được trong cuộc khủng hoảng vĩ đại này của văn hóa thế giới, bởi vì trong lịch sử văn hóa, đạo Phật đã chứng tỏ khả năng thoát xác vững chãi và hùng mạnh của mình. Giáo sư Horace Friess, dạy về triết học và tôn giáo ở Đại học đường Comlombia Nữu Ước gần bốn mươi năm, có nói với chúng tôi khi vuốt mái tóc bạc phơ của ông: Chắc chắn là đạo Phật sẽ được thoát xác trong lúc thâu hóa văn hóa quốc tế và chuyển biến để tự tạo cho mình một sinh lực mới. Tuy nhiên, chưa có những dấu hiệu nào đáng để cho chúng ta biết rằng công cuộc thoát xác ấy đang được thể hiện.
Trong chúng ta ai cũng tin rằng đạo Phật rất cần cho cuộc đời đầy chém giết hận thù này. Thế nhưng ta trông cậy vào khu vực văn hóa nào trên thế giới trong công cuộc hiện đại hóa đạo Phật để đạo Phật đóng góp phần tối đa của mình? Đó là một vấn đề cần phải xét kỹ. Các nước Tây phương như Đức, Pháp, Anh, Mỹ nhờ có phương pháp sử học nên đã bước được những bước dài vững chãi trên con đường nghiên cứu Phật học, ta công nhận điểm đó. Nhưng ta cũng biết rằng Phật giáo ở các nước trên chỉ mới là Phật học và đất đai đạo Phật ở đây không có đủ để mà làm mọc lên được những bông hoa hiện đại hóa. Nhìn lại Đông phương ta thấy Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Nam Hàn và các nước theo Phật giáo Nam phương như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia…
Sự nghiên cứu đạo Phật ở Ấn Độ cũng gây được nhiều thích thú và tin tưởng, nhưng tiềm lực đạo Phật trong quần chúng thật là quá ít ỏi. Trung Hoa lục địa hiện thời bị xã hội chủ nghĩa ngự trị không có thì giờ và phương tiện làm công việc đó, tuy rằng tiềm lực đạo Phật trong quần chúng không dễ gì bị tiêu diệt được trong vài ba chục năm. Nhật Bản bây giờ có thể được xem là đi xa nhất trong các nước Đông phương về vấn đề học Phật theo phương pháp sử học, trên bình diện sinh hoạt có nhiều nét biến chuyển táo bạo nhưng vẫn chưa chứng tỏ được một sinh khí mới, chưa sáng tạo được một giáo lý mới, một giáo chế mới khả dĩ đưa đạo Phật vào ngay giữa lòng xã hội.
Các nước theo Phật giáo Nam phương đang chứng kiến những hoang mang của lớp người trẻ tuổi trước truyền thống hầu như bất di dịch của đạo Phật trong nước họ và cũng đang thắc mắc trước vấn đề khai triển tiềm lực đạo Phật để phụng sự cho tiến bộ quốc gia. Nam Việt Nam chúng ta trong những điều kiện chính trị văn hóa hiện tại có thể làm được gì? Ai cũng thấy rằng nếu đạo Phật Việt Nam đã được trưởng thành nhiều hơn trên mọi phương diện sinh hoạt văn hóa và xã hội thì đã có thể cứu được đất nước ra khỏi tình trạng bi đát hiện tại.
Chúng ta không nên nói rằng chỉ có đạo Phật Việt Nam mới có thể dẫn đầu được phong trào hiện đại hóa Phật giáo thế giới, vì địa lý và lịch sử Việt Nam cho ta những điều kiện mà không có quốc gia nào có thể có. Nói như thế tức là chủ quan, tự hào và không lượng sức mình, dù rằng cuộc vận động chống độc tài năm 1963 vừa qua của đạo Phật Việt Nam là một cuộc vận động không tiền khoáng hậu của đạo Phật trong lịch sử Phật giáo thế giới. Tuy nhiên chúng ta phải công nhận rằng với những tiềm lực đang có, với những yếu tố tâm lý, lịch sử, văn hóa, đạo Phật Việt Nam có thể đóng góp rất đáng kể cho công cuộc hiện đại hóa đạo Phật thế giới, biến đạo Phật thành một nền văn hóa mới tràn đầy sinh lực.
Những gì ta có thể đóng góp được sẽ tùy thuộc những cố gắng và những hy sinh của chúng ta. Chúng tôi tin tưởng trước hết ở truyền thống cởi mở và tự do của tinh thần đạo Phật và tiếp theo đó là kho năng lực dồi dào của quần chúng Phật tử Việt Nam._ Đa số trí thức và thanh niên Việt Nam hiện đang thấy ở đạo Phật một khả năng xây dựng cho tương lai xứ sở: lớp trí thức văn nghệ sĩ và lớp thanh niên khát khao xây dựng ấy mà bắt tay vào với niềm tin và nhiệt tình của họ thì không có việc gì mà không thực hiện được. Hãy xây dựng cho đạo Phật không phải như xây dựng cho một cơ sở một thế lực tôn giáo mà xây dựng cho một lực lượng cải tạo xã hội đáng kể, bên cạnh các lực lượng văn hóa và tôn giáo khác.
Để xây dựng đạo Phật của hôm nay ta phải thẳng thắn và can đảm đừng sợ khổ đau nhìn vào hiện trạng với một cặp mắt phân tích khoa học không bị mờ ám bởi phần tình cảm và luyến tiếc. Những sự phân tích và tìm hiểu đó phải được coi như là cần thiết cho sự thu thập kiến thức và kinh nghiệm để làm nền tảng cho những chương trình thực hiện mà không nên nhận là những sự chỉ trích đả phá chỉ gây thêm chia rẽ và hiểu lầm. Trong suốt thời gian cần thiết để hiện đại hóa đạo Phật, luôn luôn phải có một cuộc đối thoại giữa những người chủ trương hiện đại hóa và những người bảo thủ. Ta phải xác nhận ngay rằng những người bảo thủ bao giờ cũng có những lý lẽ của họ mà ta phải kính trọng. Họ thuộc về thế hệ trước và bối cảnh giáo dục, xã hội của họ ít khi cho phép họ cùng có một nhận thức như ta. Hơn nữa, cả thế hệ trước vẫn đang còn đây và cần đi hết quãng đường còn lại của họ.
Hiện đại hóa không phải là một công trình đập phá, chỉ trích; hiện đại hóa là công trình làm mọc lên những chồi măng sung sức trong rừng tre đã vượt qua giai đoạn xanh tốt, để khi nào rừng tre gần tàn tạ thì những chồi non đã trưởng thành vững chãi để nắm lấy sứ mạng lịch sử. Cho nên nếu nhận thức khôn khéo thì cả bên phía cũ lẫn bên phía mới đều cảm thấy rằng họ cần có nhau. Thiếu phía cũ thì cơ cấu hiện tại sụp đổ, thiếu phía mới thì tương lai đen tối tiêu diệt. Nhưng đồng thời phải công nhận: sự có mặt của phái mới gây đau nhức và bực dọc cho phái cũ và sự có mặt của phái cũ cũng gây khó khăn chật chội và trở lực cho phái mới. Không thể có một cuộc cách mệnh mà không gây đau xót.
Công cuộc hiện đại hóa đạo Phật chắc chắn sẽ gây va chạm hoặc chỉ vừa phải thôi, hoặc rất dữ dội: điều này tùy thuộc rất nhiều ở sự khôn khéo, ở những nhận định về các bài học kinh nghiệm lịch sử, ở sự hy sinh địa vị quyền lợi (dù là tinh thần) và ở thiện chí của cả đôi bên. Làm thế nào để tránh được những sự mất công mất thì giờ và những đổ vỡ không cần thiết, đó là tất cả vấn đề. Công cuộc hiện đại hóa đạo Phật của chúng ta sẽ được thực hiện tốt đẹp nếu những người trong phía bảo thủ chịu khó tìm hiểu thực trạng tâm lý và xã hội đương thời và đừng tự mình bưng bít trong nhận thức chủ quan của mình. Về phía những người mới – nhưng người mới không hẳn là những người trẻ – phải biết tôn trọng những giá trị tinh thần truyền thống đừng cực đoan để không nhận thấy những căn bản truyền thống tốt đẹp có thể là miếng đất chung của sự cộng tác giữa hai thế hệ.
Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có một điều quan trọng có thể làm nẻo xuất phát cho công cuộc hiện đại hóa đạo Phật. Ấy là chỗ nói về sự bảo đảm sự tự do duy trì và phát triển các sắc thái đặc biệt của những truyền thống Phật giáo. Điều này rất phù hợp với tinh thần tự do của đạo Phật và khiến cho những cố gắng phát triển của đạo Phật về mọi hướng được khích lệ, bởi vì như thế trong cùng một khu vườn sẽ có không biết bao nhiêu là kỳ hoa dị thảo. Như vậy các màu sắc riêng biệt tạo nên một sự hòa hợp lớn, và tính cách hòa nhi bất đồng có thể lên giá trị tự do và dung hợp của đạo Phật.
Phong trào hiện đại hóa đạo Phật có thể bắt đầu bằng những hình thức sinh hoạt hiện hữu ngay trong phạm vi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và nếu lớn mạnh sẽ có thể trở thành sinh lực chính yếu của Giáo Hội. Mà cố nhiên nếu phong trào không thực hiện được chân tinh thần của đạo Phật thì phong trào sẽ không bao giờ trở thành sinh lực chính yếu của Giáo Hội được cả. Sinh hoạt như một chi phần của Giáo hội, phong trào sẽ không bị kết án, ít nhất ngay từ lúc đầu, là chia rẽ Giáo Hội hoặc phá hòa hợp tăng, những danh từ mà người thuần thành vừa nghe đã le lưỡi, giật mình. Công cuộc hiện đại hóa đạo Phật đòi hỏi một tinh thần cởi mở, chín chắn. Khởi xướng phong trào phải có những Phật tử tăng sĩ và cư sĩ trí thức biết lo cho tương lai của đạo Phật và của văn hóa nhiều hơn là cho địa vị và quyền lợi của chính mình.
Chúng tôi sẽ nói đến những khía cạnh của công cuộc hiện đại hóa đạo Phật, nhưng chúng tôi thiết tưởng cần phải mở cuộc đối thoại ngay từ bây giờ. Người trí thức, người văn nghệ sĩ và người thanh niên của thời đại thấy không có chỗ đứng cho họ trong đạo Phật, đó là lý do trước tiên để chúng ta phải hiện đại hóa đạo Phật. Đã đành rằng sự đóng góp của các giới khác, nhất là giới lao động, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đạo Phật có thể là những đóng góp lớn lao nhất nhưng để cho giới trí thức, giới văn nghệ sĩ và giới thanh niên đứng ngoài tức là chặn đứng những phát triển văn hóa của Phật giáo.
Sự đóng góp của giới trí thức, văn nghệ sĩ và thanh niên là sự đóng góp có tính cách khởi xướng, sáng tạo và hướng dẫn, trong khi sự đóng góp của các giới Phật tử khác tuy vĩ đại thực nhưng vẫn chỉ có tính cách của một sức mạnh đẩy tới, của một năng lượng. Không có sự tham gia của trí thức và thanh niên thì không có ai chịu mang đạo Phật đi vào các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, nói tóm lại, vào những mạch sống của của xã hội. Nếu bình tâm mà xét, ta sẽ thấy trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội, một người trí thức, một nhà văn nghệ, một người thanh niên không thể tìm ra chỗ đứng thích ứng của mình để phụng sự, dù người ấy muốn liên hệ cuộc đời mình với lý tưởng đạo Phật.
Để sáng tỏ vấn đề, ta hãy lấy trường hợp của một thanh niên. Anh sinh năm 1942, năm nay hai mươi ba tuổi, học trường Sư phạm. Anh đọc sách Phật, thương lý tưởng đạo Phật và muốn phụng sự cho lý tưởng ấy Anh suy nghĩ về những trường hợp sau đây:
Gia nhập đoàn Sinh viên Phật tử.
Đem kiến thức chuyên môn ra đời để phụng sự cho lý tưởng đạo Phật.
Đi tu, làm tăng sĩ.
Gia nhập đoàn Sinh viên Phật tử thì anh đã gia nhập rồi. Anh có đi nghe một số các thầy giảng về Phật pháp, có thầy giảng dễ hiểu có thầy giảng khó hiểu. Mỗi thầy giảng một cách khác nhau. Anh cũng có lên chùa lễ Phật mỗi ngày chủ nhật, và với kiến thức sư phạm của anh, anh có quan sát sinh hoạt sáng chủ nhật của các em đoàn sinh Gia đình Phật tử. Anh cũng có tham gia một ít công tác từ thiện xã hội của đoàn và làm đều đặn những công tác ấy, anh thấy anh vẫn có cảm giác lạc lõng, tự thấy vẫn còn ở ngoài đạo Phật. Anh thấy sự học hành có tính cách chấm câu của anh không đáp ứng được ý nguyện tha thiết và thành khẩn của anh đối với việc đem lý tưởng đạo Phật làm đẹp cho cuộc đời. Chỉ còn sáu tháng nữa anh ra trường thôi và thời gian hai năm trời sinh hoạt trong đoàn không đủ đốt lên trong anh một ngọn lửa ấm để cho anh có cảm tưởng anh sống vì lý tưởng đạo Phật. Mai mốt anh sẽ được bổ về dạy ở tỉnh nào anh cũng không biết và cuối cùng đối với đạo Phật anh vẫn là kẻ đứng ngoài.
Anh yêu nghề dạy học cho nên anh mới vào trường sư phạm. Anh nghĩ rằng nếu anh vào đạo Phật, anh cũng ưa đem theo kiến thức chuyên môn của anh vào mà phụng sự. Nhưng không có chỗ nào trong đạo Phật để anh có thể đứng với kiến thức chuyên môn của anh. Xin về dạy trong một trường Bồ Đề cũng chưa chắc là dễ bởi vì trường Bồ Đề cũng phải có quen (đôi khi là có thế lực) mới vào dạy được. Mà có phải anh vào Bồ Đề dạy là để sinh nhai đâu. Anh chỉ muốn đứng phụng sự trong hàng ngũ Phật tử, chứ muốn sinh nhai thì anh cứ đợi sự vụ lệnh gửi anh đi dạy trường công cho khoẻ, tội gì mà đi xin việc. Trường Bồ Đề đã ít mà cách thức tổ chức của nhà trường, từ hình thức đến nội dung, anh nhận thấy cũng không có gì biểu lộ được sinh khí và đường hướng đạo Phật. Anh có xin vào được để dạy trong trường thì cũng chỉ để tính giờ lấy lương thôi, không có dịp nào để cho anh học Phật và soi tỏ giáo lý Phật học trong đường hướng giáo dục mà phụng sự cho lý tưởng Phật giáo cả. Dạy ở các trường Bồ Đề không bắt buộc phải có một chứng chỉ triết học Phật giáo nào cả, cũng không bắt buộc phải có một chứng chỉ Sư phạm Phật giáo nào cả. Thế thì anh sẽ học thế nào và hành thế nào trên bước đường sự nghiệp lý tưởng của anh?
Còn nếu đi tu làm tăng sĩ thì anh cũng không tìm ra chỗ đứng cho thích hợp với anh. Anh đã có vào thăm và ở lại các chùa để tìm hiểu. Các chú tiểu trong chùa chỉ được học rất ít, học không có phương pháp, không có thầy giỏi dạy. Mà học những gì? Một ít kinh chữ Nho theo kiểu thuộc lòng. Các chú phải quét chùa, tụng kinh và để cho các Thầy sai vặt, hầu hạ. Lắm khi phải dọn cơm bưng nước cho thập phương bổn đạo nữa. Hành đạo như các chú trong tu viện xưa của Tổ Hoàng – Nhẫn, thì họa may ra anh còn làm được, chứ bây giờ đi vào các chùa làm giống như các chú tiểu bé nhỏ thì anh biết là anh không có căn cơ thích hợp. Anh cũng có đến Phật học viện ấn Quang và Hải Đức, và sau khi tìm hiểu, anh thấy chương trình học vẫn nệ cổ và thiếu hẳn phương pháp. Kiến thức của một người học xong tám năm Phật học viện có thể không sâu sắc bằng kiến thức của một sinh viên được nghiên cứu hai năm dưới sự hướng dẫn của một vị giáo sư có kiến thức vững chãi về khoa học và Phật học.
Và dầu cho anh có học xong một chương trình bốn năm tại viện Cao Đẳng Phật học Sài Gòn, cơ sở giáo dục mà anh hài lòng nhất ấy, thì liệu anh đã có chỗ đứng chưa? Anh sẽ tu như thế nào? Về Huế để tu trong một ngôi chùa cổ kính như chùa Thiền Tôn để cầu đạt đạo chăng? Anh chưa muốn như thế. Anh thấy giới luật Tỳ Kheo 250 giới, không hoặc chưa thích hợp với anh; cả giới Sa di (10 giới) cũng thế. Anh cũng không muốn làm một vị trụ trì lo về công việc hướng dẫn nghi lễ và cai quản một ngôi chùa. Tóm lại anh không tìm thấy chỗ đứng nào thích hợp với khả năng anh, chí hướng anh, với những điều kiện tâm lý và xã hội của anh.
Anh nhận thấy rằng các bạn anh, nam cũng như nữ, cả một thế hệ thanh niên yêu mến đạo Phật mà đều không tìm được chỗ đứng của mình trong đạo Phật. Những khuôn khổ sẵn có hiện thời không thích hợp với họ. Giáo lý thì không nói rồi. Nhưng giáo chế và giáo sản mà còn giữ mãi những khuôn khổ ấy thì các anh các chị không bao giờ có cảm tưởng là mình có thể dấn thân trọn vẹn vào đạo Phật. Căn cơ của các anh các chị không thể thích ứng được với khuôn khổ đó. Phải có những khuôn khổ mới thích hợp với các anh, các chị hơn, nếu đạo Phật muốn có bàn tay xây dựng đắc lực của các anh các chị.
Ta hãy lấy thí dụ trường hợp của một văn nghệ sĩ, một nhạc gia chẳng hạn. Anh có kiến thức khá vững về nhạc dân tộc và nhạc tôn giáo. Anh thương đạo Phật, thương dân tộc và muốn phụng sự dân tộc bằng đạo Phật. Anh nhận thấy nền lễ nhạc hiện tại của Phật Giáo Việt Nam quá suy vi, so với lễ nhạc cổ điển. Anh ý thức được sứ mệnh trọng đại của lễ nhạc trong sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt tâm linh. Và với kiến thức của anh về đạo Phật về dân tộc, anh thấy rằng lễ nhạc Phật Giáo Việt Nam đang đi tới chỗ phá sản.
Nói chuyện với một người bạn chuyên về kiến trúc, anh thấy kiến trúc và lễ nhạc Phật giáo có liên hệ với nhau mật thiết và trong trường hợp Việt Nam cả hai đều đang đi đến một khúc đường phiêu lưu nguy hiểm? Lối xây dựng pha trộn các nét Trung Hoa, ấn Độ, Pháp và Mỹ khiến cho nhiều ngôi chùa mang những nét dị kỳ không thể chấp nhận được. Có những ngôi chùa trông như những chiếc building có vẽ rồng vẽ phụng._ Lối thờ tự, hành lễ mất hết trang nghiêm trong khuôn khổ những kiến trúc đó. Còn các bài tụng thì mất hết thiền vị, nhất là trong những buổi lễ hỗn hợp giữa cư sĩ và tăng sĩ.
Những bài hát ngô nghê vừa mang tính chất ngoại lai vừa mang nội dung trữ tình tầm thường được mang vào trong chính điện. Các điệu tán lễ cổ điển dần dần thất truyền. Điệu kinh và nhạc lễ được sáng tác bừa bãi không căn cứ trên một nguyên tắc nào cả và không chú trọng đến một nội dung tâm linh nào cả. Anh tìm đến, bày tỏ thắc mắc của anh nhưng ít có vị nào có thẩm quyền trong giáo hội để ý đến những việc nhỏ mọn đó cả. Giáo hội chưa có một trường âm nhạc tôn giáo, cũng không có được đến một lớp học về lễ nhạc, dầu ở ngay trong Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn. Anh đã có yêu mến và thiết tha đến nền lễ nhạc của Phật giáo bao nhiêu thì cũng đành chịu. Phải chi anh được dạy trong một tôn giáo nhạc viện Phật giáo hoặc làm việc trong một ban nghiên cứu và sáng tác về lễ nhạc đạo Phật. Dù biết là nền lễ nhạc Phật giáo có thể phong phú (vì đã phong phú) về giá trị tâm linh và có thể nuôi dưỡng nhân loại trong sinh hoạt tâm linh giải thoát anh vẫn không thể phụng sự nó được và phải ngày ngày đi dạy từng giờ để cho thời gian trôi qua và để nhìn thấy lễ nhạc Phật giáo càng lúc càng trở nên nghèo nàn và phản bội lại cả tinh thần đạo Phật.
Nhưng anh biết làm gì hơn? Trong những khuôn khổ hiện có của đạo Phật, không hề có chỗ thích hợp cho anh. Thiếu gì những văn gia, những họa gia có tâm trạng như anh, thương dân tộc và Phật giáo thì có thương, mà phụng sự thì chỉ có thể phụng sự theo kiểu phát tâm, khi công việc làm ăn hơi rỗi rảnh (mà có bao giờ thực rỗi rảnh?) mới viết cho được một bài, sáng tác cho được một khúc nhạc, vẽ cho được một cái bìa sách. Không được nuôi dưỡng nhiều trong sinh hoạt tâm linh không có thì giờ để thở không khí đạo Phật, làm sao những sáng tác ấy tỏ lộ được tinh thần và giá trị tâm linh của đạo Phật? Thiện chí nhiều như nhạc sĩ Thẩm Oánh mà cũng chỉ có thể viết cho đạo Phật những bài như bài Thập phương chúng sinh và A Di Đà Phật mà thôi. Bao giờ cho những tâm hồn Phật tử ấy có được điều kiện để phụng sự cho lý tưởng đạo Phật không phải như những người bạn của Phật giáo ủng hộ cho Phật giáo mà là như những người Phật tử phụng sự cho lý tưởng đạo Phật của mình?
Và sau đây ta lấy ví dụ một nhà trí thức, một kinh tế học gia. Anh biết rằng kinh tế là huyết mạch, và đạo Phật chỉ có thể thực sự đi vào cuộc đời nếu đạo Phật có chủ thuyết xã hội của mình. Đạo Phật không thể nằm trong lòng cuộc đời nếu đạo Phật chỉ dạy những bài học luân lý đạo đức khô khan! Trong tình trạng hiện thời của đất nước, đạo Phật muốn đóng góp phần của mình thì phải có lập trường rõ rệt đối với các chủ thuyết kinh tế, phải có một đường lối và kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế và cải tiến xã hội của mình. Đạo Phật sẽ không thể đóng được một vai trò chủ yếu nào cả nếu chỉ bằng lòng với một ít những công tác từ thiện lẻ tẻ. Tuy biết rõ như vậy nhưng anh không thể đem tài năng của anh ra để phụng sự cho đạo Phật được. Trước hết, anh thiếu một không khí thuận tiện để tìm học về những nguyên lý căn bản của Phật giáo được coi như là những phương tiện chỉ dẫn anh tìm đến một quan niệm Phật giáo về các vấn đề xã hội và kinh tế như vấn đề quyền tư hữu, vấn đề sản xuất, vấn đề đấu tranh giai cấp, …
Sau nữa, anh không thấy ở xã hội vụ của Viện Hóa Đạo một dự định nào cả về vấn đề cải tiến xã hội, phát triển kinh tế mà chỉ thấy có một vài dự định về công tác cứu trợ, bố thí, hoàn toàn có tính cách từ thiện. Dù anh muốn hiến cả cuộc đời anh và kiến thức chuyên môn của anh cho lý tưởng Phật giáo, anh cũng như người sinh viên sư phạm và người nhạc sư trên kia, không tìm thấy được một chỗ ngồi trong tổ chức đạo Phật hiện tại. Anh cũng phải lo việc sinh sống cho gia đình; nếu có thể anh cũng chỉ nhận lời mời để diễn thuyết tại một chùa nào đó về vấn đề kinh tế mà thôi. Nhưng thực ra chẳng có chùa nào lại mời thuyết pháp về kinh tế và chính trị cả.
Thế cho nên nếu cần xây cất nhiều chùa, đúc nhiều chuông, hoặc đứng dậy để bảo vệ cho đạo Phật để chong lại bạo quyền thì chúng ta đã có cả khối Phật tử thuần thành ủng hộ một cách sốt sắng nồng nhiệt. Nhưng nếu cần đưa đạo Phật đi sâu vào sự xây dựng cho cuộc đời về mọi mặt văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, y tế, kinh tế, xã hội, thì chúng ta còn cảm thấy lúng túng. Lúng túng vì trong hàng ngũ chúng ta, chưa có mặt người trí thức, người văn nghệ sĩ và người thanh niên.
Hình ảnh của người Phật tử lý tưởng, theo ý muốn của một số các bậc Thượng Tọa bây giờ, là hình ảnh của một người Phật tử thuần thành. Thuần thành ở đây có nghĩa là biết vâng lời, và có thể là vâng lời một cách tín thành, vâng lời gần như vô điều kiện. Những Phật tử như thế thì thường được các Thầy thương (ai mà lại không thương?), nhưng như thế thì người Phật tử chỉ có thể đóng góp bằng đức tin và bằng sức lao động (dù là lao động trí óc) của mình mà không được đóng góp bằng lý tưởng và bằng trí thông minh của mình. Người trí thức, người văn nghệ sĩ và người thanh niên ít khi nhận chịu một sự đóng góp thuần thành như thế.
Và cũng bởi lý do đó cho nên sự vắng mặt của họ trong hàng ngũ Phật tử thực hành lại càng dễ chứng minh. Trong phong trào hiện đại hóa đạo Phật, người trí thức, văn nghệ sĩ và thanh niên sẽ có mặt như những bộ óc đi kèm với những trái tim; và Phật sự sẽ được thực hiện dưới ánh sáng của trí tuệ chứ không phải chỉ là bằng động lực của tình cảm. Có thể sự khác biệt của đạo Phật với nhiều tôn giáo khác là ở điểm quan trọng ấy.
Vậy thì thanh niên và trí thức đòi hỏi một chỗ đứng thích ứng với họ. Thanh niên và trí thức có thể hiến trọn cuộc đời họ cho lý tưởng đạo Phật một khi lý trí và tình cảm của họ tìm được những môi trường thích ứng. Họ sẽ không đòi hỏi quyền lợi như khi họ đứng ở bên ngoài nữa. Trong đời sống phụng sự, lý tưởng được thực hiện tức là một quyền lợi cao nhất. Vì thương đạo Phật họ đòi hỏi chỗ đứng ấy và họ xứng đáng được có chỗ đứng ấy. Và nếu nhận thức được sự cần thiết của sự hiện diện họ, chúng ta đừng bắt buộc họ phải đến như những Phật tử thuần thành, và nhất là đừng bắt buộc họ nằm gọn trong những khuôn khổ không khế hợp với họ. Họ không muốn và cũng không thể nằm trong những khuôn khổ đó. Phải tạo ra những khuôn khổ mới cho họ, cũng như khi một người thợ mộc đến, chúng ta phải đưa cho họ cái bào mà không phải là một cái bay.
Tổ chức gia đình Phật tử thật có thể gọi là một nét son trong công cuộc hiện đại hóa đạo Phật. Nhìn vào tổ chức ấy, ta thấy đạo Phật đã để ý đến việc giáo dục thanh thiếu niên – một lo lắng cho sự sống, cho tương lai, không giống với rất nhiều những công việc khác chỉ lo đến phần những người già và người chết. Phong trào Gia đình Phật tử có được cũng là nhờ ở thanh niên trí thức, nhưng vẫn chưa đạt đến ước vọng chân thực của nó là tinh luyện nên một phương thức giáo dục linh động và hữu hiệu cũng vì môi trường sinh hoạt của nó chưa thích hợp mấy cho thanh niên trí thức. Nạn khan hiếm huynh trưởng là do ở đấy. Nhiều nơi, ta nhận thấy đoàn thể các em oanh vũ, thanh niên thiếu nữ Phật tử chỉ là để trang điểm cho những buổi lễ của đạo Phật, những buổi đón đưa các vị thượng khách, và để giúp đỡ các Ban đại diện Tỉnh, Quận, Xã trong các công tác tổ chức…_ mà thôi.
Thế mà so với hình thái nguyên thủy của tổ chức nhi đồng Phật tử, tổ chức Gia đình Phật tử đã được coi như là tiến bộ vượt bực rồi. Ngày xưa các bác trong Tỉnh hội và Chi Hội Phật giáo cho con em của mình tới chùa, lập ra một Ban đồng ấu tập tụng kinh, cầm hoa sen trên tay đi hộ niệm (nghĩa là đi đám) và hát bài điếu phúng cuộc hồng trần xoay vần quá ngán, kiếp phù sinh tụ tán mấy mươi hồi
Hoạt động đạo Phật ngày ấy chỉ là cầu an cầu siêu, tạo lập nghĩa địa, làm chay đưa đám. Ngày nay, những công tác ấy vẫn còn là những công tác chính – Xoay quanh ta thấy thêm việc thuyết pháp, việc ấn tống kinh, việc tu bát quan trai, việc cứu tế từ thiện.
Tuy vậy những việc kể sau chỉ được thực hiện ở một số rất ít các chùa mà thôi. Và cũng do những người lớn tuổi làm cho những người lớn tuổi. Kinh ấn tống là để tụng cầu phước, còn tu bát quan trai là để dành cho người tuổi đã cao. Dù sao ta phải công nhận rằng cho đến nay (kể từ hồi đạo Phật suy đồi) vai trò chủ yếu của Phật giáo Việt Nam chỉ mới là cung cấp và làm thỏa mãn một số nhu yếu tín ngưỡng của giới bình dân mà thôi – Dù giới này chiếm một đại đa số trong quần chứng. Kể ra đạo Phật Việt Nam phải làm phận sự ấy bởi vì căn cơ và sinh hoạt tín ngưỡng của quần chúng bình dân đòi hỏi như vậy. Sự thờ cúng ông bà, tổ chức đàn chẩn tế cô hồn.… vẫn không có trong hình thức sinh hoạt của Phật giáo nguyên thủy, nhưng vì cần khế cơ nên đạo Phật đã thiết lập hoặc chấp nhận. Vì thỏa mãn được nhu yếu đại chúng, vì thích nghi với căn cơ đại chúng nên tất nhiên đạo Phật được đại chúng yêu mến bảo vệ. Nhưng trong xã hội ngày nay, vai trò của người trí thức trở nên cần thiết hơn xưa nhiều, bởi vì chúng ta phải đưa đạo Phật qua khỏi một khúc quanh lịch sử rất lớn lao mà khả năng của đại chúng bình dân không đủ để làm việc ấy.
Cho nên người trí thức phải thấy ở đạo Phật không phải chỉ những nhu yếu tín ngưỡng mà còn là một nẻo thoát cho dân tộc cho nhân loại. Vì thế khai triển phần triết học và đạo học trong đạo Phật cho họ, mà không nên cuộc hạn đạo Phật vào phạm vi tín ngưỡng, phạm vi có thể coi như là thấp nhất của đạo Phật, nhất là tín ngưỡng khế cơ cho giới bình dân. Người trí thức yêu mến đạo Phật vì những phần cao siêu thâm diệu nhất của đạo Phật chứ không phải vì phần tín ngưỡng. Hiện đại hóa đạo Phật là khai triển các phần thâm sâu ấy để dùng làm động cơ tiến bộ cho xã hội về mọi mặt văn hóa và xã hội. Xã hội dù muốn dù không cũng phải tiến bộ; giới bình dân sẽ cũng như giới trí thức nhận ra rằng cần phải khai thác mọi khả năng của đạo Phật làm động lực cho xã hội tiến bộ. Họ sẽ có những nhu yếu mới và sẽ bớt những nhu yếu cũ mà họ nhận ra là hơi ấu trĩ, vô lý. Họ sẽ dần dần nhận ra rằng đạo Phật là một kho tàng giàu có mà lâu nay họ chỉ thừa hưởng một phần rất nghèo nàn: tin nhân quả tội phước, cầu an, cầu siêu, xin một cái bùa hộ mạng cho con …
Những vị đang lãnh đạo giới Phật tử đại chúng vẫn phải tiếp tục phận sự của mình, vẫn phải tổ chức thuyết pháp, cầu an, cầu siêu, làm chay, cúng vía. Xã hội ta trong hiện tại nếu không nhờ sinh hoạt đó thì có thể tan rã bởi vì trong khi nền tảng một nền văn hóa mới chưa được xây dựng, những sinh hoạt kia vẫn được xem như là những chiếc rễ cái rễ con còn có thể giúp cho cây đại thụ đứng vững được trong cơn giông tố, và dù một số các rễ đã long khỏi mặt đất. Công cuộc hiện đại hóa không bao hàm một sự phá đổ những sinh hoạt kia nhất là trong giai đoạn mà cơ sở văn hóa mới chưa được xây dựng xong. Công cuộc hiện đại hóa sẽ là sự nỗ lực làm mọc lên những mầm non thật khỏe, thật mạnh trong một môi trường sinh hoạt mới thích hợp cho sự phát triển của đạo Phật như một niềm tin mới, một ý thức hệ mới một sinh lực mới. Cố nhiên đứng về phương diện này, đối diện với cuộc khủng hoảng văn hóa thế giới, đạo Phật phải thực sự hiến mình trong lò luyện thép để tái hiện một cách bi hùng như một nền văn hóa mới.
Đạo Phật sẽ không thuần túy là một tôn giáo tín ngưỡng mà phải là một đạo lý nhân sinh – nhân sinh hiểu theo mọi khía cạnh, từ sinh hoạt tâm linh đến sinh hoạt kinh tế – có thái độ, có quan niệm, có kế hoạch của mình về mọi phương diện sinh hoạt nội tâm và xã hội, kinh tế, chính trị. Như thế ngoài những nhu yếu thực nghiệm và thăng hóa của đời sống tâm linh để làm phát lộ và tuôn chảy nguồn đạo đức vô hành, chúng ta còn có những nhu yếu nghệ thuật hóa, xã hội hóa và khoa học hóa sinh hoạt đạo Phật. Không có lý do gì mà đạo Phật ngần ngại không tự phát triển trong môi trường nghệ thuật, xã hội và khoa học, bởi vì không những tinh thần đạo Phật chính là tinh thần nghệ thuật, xã hội và khoa học mà đạo Phật còn là động cơ thúc đẩy sự phát triển những bộ môn sinh hoạt ấy về hướng chân thiện mỹ nữa.
Ý thức về sự cần thiết của sự có mặt người trí thức văn nghệ sĩ và thanh niên trong hàng ngũ Phật tử trong công việc xây dụng đạo Phật, ta sẽ phải khai thị những giáo lý và giáo chế mới phù hợp với thời đại và căn cơ của họ. Số lượng các vị tăng sĩ nhận thức về sự cần thiết đem đạo Phật vào văn hóa, vào kinh tế và vào nghệ thuật rất là ít ỏi, có thể đếm trên những lóng tay. Ta không thể tưởng tượng rằng với số lượng đó mà Giáo Hội Phật Giáo có thể thực hiện được gì đáng kể. Phải có thêm trong hàng ngũ những người sống vì lý tưởng đạo Phật, hàng chục ngàn người nữa, trong đó số thanh niên học thức chiếm phần quan trọng. Mà muốn được như vậy không có cách chi hơn là cách mệnh giáo chế. Công trình hiện đại hóa đạo Phật sẽ phải lấy cách mệnh giáo chế làm tâm điểm.
Nhưng cách mệnh ở đây không phải là lật đổ, là đả phá. Nếu có lật đổ đả phá thì cũng chỉ là lật đổ và đả phá những thái độ những quan niệm cố chấp, lỗi thời và phản lại tinh thần tự do và tiến bộ của đạo Phật. Chỉ cần có một quan niệm cởi mở dung hợp là cánh cửa giáo chế được mở rộng và những chân trời mới sẽ dàn trải trước mắt ta. Đạo Phật, nhất là đạo Phật Bắc phương, đã chứng tỏ tinh thần phóng khoáng cầu tiến ấy một cách rõ rệt. Những nhà cách mạng giáo lý và giáo chế như Đại Thiên, Long Thọ, Thế Thân, Thân Loan, Thái Hư…_ tuy có phải chịu đựng nhiều đau khổ nhưng quả thực đã đem tới cho đạo Phật bao nhiêu là sinh lực mới là giác sắc mới. Ngày xưa Phật giáo Bắc phương đã tự cải biến những hình thái sinh hoạt của mình để vươn tới và hòa đồng trong văn hóa của các nước như Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa…
Từ chế độ khất thực đi đến chế độ tự viện bất tác bất thực, từ chiếc áo vàng đến những chiếc áo nâu mang màu sắc đơn giản và nghèo khổ của quần chúng lam lũ, từ sinh hoạt đơn giản của tham thiền và hành hóa đi đến sự chấp nhận ruộng ký linh, sự thờ cúng ông bà, trai đàn chẩn tế…_ đã có những chuyển biến lớn lao để khế thời và khế cơ Không lẽ nằm trong truyền thống phóng khoáng đó mà hôm nay chúng ta lại để cho thân thể mọc rêu đóng vẩy và sợ hãi những sự cải tiến những sự sáng tạo hay sao? Nghiên cứu về sự phát hiện của lý tưởng Bồ Tát trong lịch sử tư tưởng Phật giáo chẳng hạn, ta sẽ thấy nếu mẫu người Bồ Tát không xuất hiện đứng vào ngày giờ ấy trong lịch sử thì chưa chắc Phật giáo đã là chất liệu chủ yếu của văn hóa Á Châu chúng ta trong ngày hôm nay.
Tình trạng khẩn trương của đất nước và những biến động trong những năm vừa qua chắc chắn đã lay chúng ta tỉnh thức và do đó chúng tôi tin chắc rằng cuộc đối thoại sẽ thiết lập dễ dàng hơn và hy vọng có nhiều thông cảm hơn. Giữa những người cùng mang một lý tưởng xây dựng cho đạo Phật, những nhận thức bất đồng sẽ có thể đem đối chiếu trong một tinh thần cởi mở. Đó là nguồn an ủi độc nhất mà cũng là lớn lao nhất cho chúng tôi cũng như cho các bạn nào cùng mang ý nguyện hiện đại hóa đạo Phật. Trong quá trình sinh thành của hạt lúa thành cây lúa, hạt lúa nằm dưới đất ý thức được sự hiện diện mới của mình nơi bông lúa và bông lúa ý thức được rằng mình là một hiện sinh mới của hạt lúa nằm dưới gốc. Được như thế, sự từng trải khôn ngoan sẽ khiến cho hòa điệu được bảo vệ dù những đau đớn của việc nứt mầm nẩy lộc là những đau đớn không thể nào tránh khỏi.
Sau hết, trước khi đi vào những vấn đề cụ thể, ta nên nhắc cho nhau nhớ tính cách quan trọng của thái độ tự do vô trước mà người Phật tử, khi dấn thân vào công việc thiết lập những nề nếp sinh hoạt văn hóa phải có. Tất cả những hiến chế, giới luật, giáo lý đều chỉ nên được xem như là cần thiết cho một giai đoạn lịch sử sinh hoạt của con người. Không thể xem chúng như những luật lệ nghìn đời những giáo điều bất di bất dịch. Với thái độ vô chấp ấy, ta luôn luôn mở rộng cửa để đón nhận những biến đổi, những bổ túc, những cải thiện, để cho dòng sinh hoạt ngày nào cũng mới, giờ nào cũng mới và do tính cách nhật tân ấy mà đạo Phật sẽ duy trì được sinh khí và bản chất mình, mà đạo Phật mãi mãi còn là đạo Phật. Khi nào chúng ta mắc kẹt trong hiến chế, luật lệ, trong tổ chức khắt khe thì chúng ta bắt đầu làm tiêu khô bản chất linh động của đạo Phật. Chúng ta sẽ sa vào vũng lầy hình thức khô héo. Tổ chức khéo quá, chặt chẽ quá, tinh vi quá thì thế nào bản chất càng suy trầm, mà thiếu tổ chức thì không thể tạo nên cho mình được một sức mạnh.
Giữa hai thái cực, ta sẽ chọn một trung đạo: tổ chức thì tổ chức, và có thể là tinh vi, nhưng với tinh thần phá chấp và vô trước. Phải cương quyết bảo vệ cho đặc tính tự do và sáng tạo của đạo Phật, điều đó là điều phải khắc cốt ghi tâm. Nhìn vào hiến chế, ta có thể thấy ngay các đặc tính ấy. Phải khuyến khích mọi tự do phát triển, tự do sáng tạo, có như thế ta mới trung thành được với bản ý của ta khi tình nguyện lên đường phụng sự lý tưởng đạo Phật.
Đọc Nghệ thuật thiết lập truyền thông, chương 01 tại đây.
Đọc Nghệ thuật thiết lập truyền thông, toàn tập tại đây.