Thích Nhất Hạnh | Trồng một nụ cười
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân, khai sáng chánh niệm giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với thiên nhiên.
· 8 phút đọc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà sư, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình nổi tiếng trên thế giới. Ông là người sáng lập tông phái Làng Mai, được coi là nguồn cảm hứng chính cho Phật giáo dấn thân. Ông cũng là người đưa ra khái niệm chánh niệm, một phương pháp tu tập và sống đời giúp con người tĩnh tâm, hạnh phúc và hòa hợp với bản thân, với mọi người và với thiên nhiên.
Tìm mua Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại đây, hoặc tại Tuyển tập sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trong tất cả những điều chúng ta trao truyền cho học sinh, có một điều vô cùng quan trọng nhưng thường bị lãng quên chính là bài học về sự có mặt đích thực. Một phần vì áp lực hoàn thành chương trình giảng dạy cũng như trách nhiệm quản lý học sinh khiến chúng ta chưa thực sự có mặt cho học trò của mình. Thiền sư Nhất Hạnh đã giúp chúng ta nhận ra một khía cạnh sâu sắc hơn trong mối liên hệ giữa ta với học trò, dựa trên hai nhu yếu căn bản và phổ quát của con người, đó là nhu yếu được hiểu và được thương. Chúng ta biết rằng sự có mặt đích thực của thầy cô giáo trong lớp học chính là một bài giảng không lời. Vì vậy, sự thay đổi và chuyển hóa của chúng ta thông qua sự thực tập nuôi dưỡng chánh niệm sẽ là khởi đầu cho những thay đổi và chuyển hóa nơi học đường cũng như trong xã hội. – Chia sẻ của Adele Caemmerer, một giáo viên đã từng tham dự khóa tu dành cho các nhà giáo dục do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn tại Ấn Độ năm 2008
Hiện nay, vai trò của chánh niệm trong giáo dục ngày càng được công nhận một cách rộng rãi. Sự thực tập chánh niệm giúp học sinh tăng cường khả năng chú tâm, ý thức và làm chủ được các hoạt động của thân, điều phục các cảm xúc mạnh cũng như phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong mối liên hệ giữa mình với mọi người. Nhưng quan trọng hơn hết, chánh niệm giúp các em phát triển một cách toàn diện và lành mạnh, nuôi lớn niềm vui, sự bình an và tự tin nơi chính mình, thông qua những phương pháp thực tập làm lắng dịu căng thẳng, lo lắng và bạo động trong tự thân.
Thực tế là hệ thống giáo dục của chúng ta thường đặt trọng tâm vào thành tích thi cử mà chưa chú trọng đầy đủ đến việc dạy cho các em cách chăm sóc những cảm xúc của mình, cũng như các phép ứng xử cần thiết khi giao tiếp với xã hội. Lẽ tất nhiên là trường học cần trang bị cho các em những kỹ năng và kiến thức cần thiết, nhưng việc giúp các em có thêm sức mạnh và sự vững chãi khi đối diện với những cơn bão cảm xúc, cũng như khả năng chấp nhận và bao dung trước những khác biệt trong nhận thức, lối sống của con người trong xã hội cũng quan trọng không kém. Sự thực tập chánh niệm có công năng rất lớn trong việc giúp các em phát triển những kỹ năng chế tác và nuôi lớn bình an trong tự thân, góp phần vào sự bình an của môi trường xung quanh mình.
Cách đây một vài năm, hiệu trưởng của trường nữ sinh Welham (Welham Girls_ School) ở Dehra Dun, Ấn Độ có mời tôi chia sẻ một vài phương pháp thực tập chánh niệm với học sinh của trường nhằm giúp các em bớt căng thẳng trong các kỳ thi. Trong buổi chia sẻ đó, tôi nhận ra rằng những bài thực tập đơn giản về hơi thở ý thức và bước chân chánh niệm đã có thể giúp các em lấy lại được sự bình an, lắng dịu và bớt lo lắng.
Theo lời mời của hiệu trưởng trường American Embassy School tại Delhi, tôi cũng đã hướng dẫn một khóa học về chánh niệm cho các giáo viên trong mười tuần. Đến bây giờ, những thầy cô giáo đã từng tham gia khóa học vẫn tiếp tục gặp nhau mỗi tuần một lần để chia sẻ sự thực tập. Dù khá bận rộn, các thầy cô giáo vẫn ưu tiên dành thời gian để đến và thực tập với nhau, bởi vì họ nhận ra sự thực tập chánh niệm có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với hạnh phúc của bản thân cũng như của các em học sinh. Cheryl Perkins, một giáo viên của trường American Embassy School với hơn ba mươi năm kinh nghiệm giảng dạy đã chia sẻ: Trong đời tôi, chưa bao giờ tôi sử dụng một công cụ giảng dạy nào có khả năng làm cho học sinh trong lớp học trở nên lắng dịu như tiếng chuông chánh niệm.
Tôi đến Làng Mai lần đầu tiên vào năm 1989 và từ đó đến nay tôi vẫn thường xuyên đến Làng tu học. Mùa hè nào, Thiền sư Nhất Hạnh cũng tổ chức khóa tu cho các gia đình. Trong những khóa tu này, thiền sinh – đủ các độ tuổi – cùng nhau thực tập trở về với chính mình để ý thức rõ mình là ai, mình đang làm gì, nói gì, đang có những cảm xúc hay suy nghĩ gì, ý thức về những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh mình. Cuốn sách này chính là hoa trái tu học của tứ chúng Làng Mai, được hình thành dựa trên kinh nghiệm thực tập cùng với trẻ em trong mấy chục năm qua.
Trong cuốn sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng quý thầy, quý sư cô Làng Mai và nhiều cư sĩ đã hiến tặng tuệ giác của mình và đóng góp những câu chuyện, những phương pháp thực tập cụ thể mà các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến trẻ em đều có thể áp dụng. Những phương pháp thực tập vô cùng hữu ích này có thể được áp dụng trong gia đình, trường học, các đoàn thể địa phương một cách linh hoạt, sao cho nó thực sự có ý nghĩa và tạo hứng thú cho trẻ em.
Cuốn sách này là một cuốn cẩm nang dành cho tất cả những ai muốn thực tập và chia sẻ chánh niệm với trẻ em. Để có thể chia sẻ từ kinh nghiệm của chính mình, chúng ta cần thực tập trước tiên. Nếu chúng ta áp dụng những phương pháp thực tập trong cuốn sách này với gia đình và trẻ em trong cộng đồng nơi chúng ta ở thì cả trẻ em và người lớn đều được hưởng năng lượng bình an, tươi vui và hòa điệu mà sự thực tập mang lại.
Mỗi cá nhân đều có ảnh hưởng đến những thành viên khác trong cộng đồng. Vì vậy, khi có một vài nhóm nhỏ thực tập chánh niệm trong trường học hay trong cộng đồng, năng lượng bình an từ những nhóm người này sẽ có tác động lan tỏa rất lớn. Sự gắn kết, hòa điệu giữa con người với nhau cũng như với môi trường thiên nhiên xung quanh nhờ đó mà lớn dần lên. Chính trong bầu không khí an lành này, trẻ em mới có thể vui vẻ, thoải mái phát huy mọi tài năng vốn có của mình.
– Shantum Seth, một giáo thọ cư sĩ thực tập theo truyền thống Làng Mai, viết tại Delhi, Ấn Độ, năm 2010.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 01 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 02 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 03 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 04 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 05 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 06 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 07 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 08 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 09 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 10 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, chương 11 tại đây.
Đọc Trồng một nụ cười, toàn tập tại đây.