Để trở thành nhà văn | Chương 02
Thu Giang, hiệu của Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998), là học giả, nhà văn, biên khảo kỳ cựu Việt Nam thế kỷ 20, quê Mỹ Tho, Tiền Giang.
· 21 phút đọc.
Thu Giang là hiệu của Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang và mất năm 1998 tại TP.Hồ Chí Minh.
Tự giới hạn vấn đề
Lại nữa, có điều mà nhà văn cần phải để ý, nhất là các nhà văn trẻ tuổi, phần đông còn quá hăng hái… chưa biết tự giới hạn vấn đề, họ cũng chưa biết tiết kiệm lời nói. Họ thao thao bất tuyệt, chỉ sợ nói không hết lời, và thường hay giành hết quyền sáng tác của độc giả.
Trước đây bàn về sách hay, tôi cũng đã có nói rồi, này xin lặp lại một lần nữa để cho dễ nhớ: Sách hay phải chăng là sách mà tác giả biết hạn chế vấn đề, biết tiết kiệm lời nói. Trái lại, quyển sách dở là quyển sách mà trong đó tác giả đã không còn để thiếu sót cái gì cả, không để cho độc giả cùng bàn góp thêm được phần nào ý kiến của mình.
Cần nói nửa lời thôi, nhưng là những lời nói khêu gợi. Phải biết giúp cho người suy nghĩ, đừng suy nghĩ thế cho người.
Sách hay, tức là sách bắt ta suy nghĩ, bắt ta hoài nghi, bắt ta thương xác và đặt lại vấn đề.
Người ta bảo, vì Pascal chết sớm nên sự nghiệp văn chương của ông bị gián đoạn. Nhưng theo tôi, chính nhờ ông chết sớm mà sách vở của ông có tính cách giáo dục nhiều hơn cả, bởi một lẽ rất giản dị là nhờ nó bị gián đoạn mà Pascal chưa kịp nói hết lời. Tiếng đàn hay là hay ở dư âm… Lời nói hay là lời nói vắn tắt mà hậu ý thâm trầm man mác… Voltaire cũng nói: Cái mật pháp để làm cho dễ chán là nói tách bạch ra tất cả.
Trong Tỳ Bà Hành có câu:
Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt.
Ngưng tuyệt bất thông thanh tạm yết.
Biệt hữu u tình ám hận sinh.
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.
Tạm dịch:
Doanh lạnh ngắt tơ mành như đứt,
Đứt chẳng thông tạm ngớt cung tơ.
Như sấu như ngẩn như ngơ,
Tứ riêng hay gấp tiếng tơ muôn phần.
Bàn về văn chương thì mỗi loại đều có tính cách riêng, không thể nhất luật được. Một quyển sách về phép luyện văn cũng đủ cho ta có một ý niệm về câu văn hay hoặc dở. Văn hay có nhiều thứ: Có thứ hay vì súc tích gọn gãy, hay vì bóng bẩy nhẹ nhàng, hoặc hay vì cân phân nhạc điệu… Nhưng hay nhất, bất luận về loại văn nào, là văn sáng sủa, giản dị và tự nhiên.
Câu văn sáng sủa là đọc lên hiểu liền, không phải dừng lại để tìm nghĩa của từng chữ, hay của câu văn phiền phức lê thê, cầu kỳ lập dị. Sáng sủa là nhờ giản dị, và giản dị là nhờ tự nhiên. Tuy ba, mà chung quy vẫn một. Muốn viết một câu văn gồm đủ ba đức tính ấy, ý văn phải được hàm dưỡng sâu xa. Văn giản dị tự nhiên, đọc lên như nghe nói chuyện, không thấy có sự đẽo gọt, cố gắng để làm văn, không có những sự cân đối, nhịp nhàng, giả tạo, kiểu cách, dùng nhiều điển tích lạ lùng. Jean Jacques Rousseau nói: … nói hoặc viết là để cho người ta hiểu mình muốn nói gì; nếu mình làm cho người ta hiểu được ý mình, đó là mình đạt mục đích làm văn của mình rồi, nếu lại nói được một cách rõ ràng thì càng hay hơn (…) Tôi muốn đi xa hơn nữa (…) Tôi chủ trương rằng nếu phải viết sai văn phạm để cho câu văn được rõ ràng hơn, thì cứ viết sai bừa đi, có sao!
Stendhal bàn về văn tự nhiên giản dị có nói: Kẻ nào ăn mặc thật khéo là kẻ mà sau khi rời phòng khách, không một ai để ý và nhớ họ đã ăn mặc như thế nào. Về văn chương cũng thế. Một câu văn hay là câu văn mà ai ai đọc đến, chỉ thấy có cái từ mà không để ý đến hình thức câu văn của nó.
Người đàn bà trang sức khéo là người biết trang sức một cách tế nhị kín đáo, đến đỗi không ai dè có trang sức. Vì vậy, mới có câu: Không trang sức gì cả là một cách trang sức rất khéo. Cho nên ta cũng có thể nói rằng: Nhà viết văn hay mà còn để cho người thấy được cái hay cái đẹp của văn từ mình trước hết, cũng chưa phải là người khéo về văn chương.
André Maurois cũng nói: Kẻ nào muốn viết cho thật hay lại càng viết ít hay. Ông lại cho rằng sở dĩ văn chương của Flaubert trong tiểu thuyết thua xa văn của ông ấy trong thư tín, là vì văn trong khi viết thư, Flaubert không để cho ta thấy có những gò ép, đẽo gọt nên còn giữ được vẻ hồn nhiên, giản dị. Đẽo gọt cũng cần đẽo gọt nhưng đẽo gọt cách nào để đừng cho ai thấy đẽo gọt, đó mới thật là tài hoa và khéo léo .
Đạt đến giản dị và tự nhiên, là đạt đến mức cao nhất của nghệ thuật làm văn rồi vậy.
Văn tự nhiên và giản dị cũng cần phải gột sạch gốc ngoại lai
Như đã nói trên, văn tự nhiên và giản dị cũng cần phải gột sạch gốc ngoại lai, để được cái giọng thuần túy Việt Nam.
Hiện này ít có nhà văn nào tránh khỏi cái nạn viết văn lai căng ấy, vì không lai Tàu thì cũng lai Tây.
Nhà văn Nhất Linh, trong quyển Viết Và Đọc Tiểu Thuyết có đưa ra một nhận xét sau này: Phần đông những nhà văn không giỏi Pháp văn lại thích viết theo lối làm câu của văn Pháp, không giỏi chữ Nho lại hay dùng chữ Nho. Sự nhận xét ấy kể ra cũng có phần xác đáng là vì phần nhiều những nhà văn bị tự ti mặc cảm thường dễ sa vào cái tật xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ. Họ tin rằng có học tiếng Tây tiếng Tàu mới ra người có học. Ngoài ra, kẻ học chữ Nho hay chữ Pháp thật sành sỏi thường cũng dễ bị lôi cuốn nói và viết theo cú pháp của Hán văn và Pháp văn, như trường hợp các nhà Hán học hay Tây học thời trước. Họ thường suy nghĩ theo câu văn Pháp trước, rồi sau mới diễn tả bằng cách dịch lại theo tiếng Việt. Cho nên, người sành Hán văn cũng như Pháp văn mà viết văn được tự nhiên theo văn Việt thuần túy, phải công phu lắm mới được.
Trước đây, sau khi ra trường, không bao giờ tôi nói được một câu tiếng Việt cho suôn mà không đệm vào một vài tiếng ngoại quốc. Có khi pha trộn nửa Ta nửa Tây, rất là quái dị. Tôi đã phải cố gắng hết sức mới viết được một câu văn Việt ra hồn. Tôi cũng chưa chắc, hiện thời, sau ba mươi năm cầm bút, tôi đã thoát khỏi cái nạn nói và viết lai căng ấy chưa?
Lại còn vấn đề chính tả
Vấn đề vẫn gay go, phần nhiều các Từ điển chính tả chưa được nhất trí. Tuy vậy tám mươi phần trăm tiếng Việt đã được các nhà ngữ ngôn học đồng ý. Ta có thể lấy một quyển Việt Nam Từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức làm cơ sở, đợi ngày thiết lập xong Hàn lâm viện Việt Nam và có một bộ Từ điển Việt Nam sẽ hay.
Phần tôi, tôi học viết chính tả bằng cách tra Từ điển, hoặc cậy các bạn sành chính tả soát hộ những bản thảo và sửa lại bằng mực đỏ… Những chữ thường hay viết sai, tôi chép vào một tập sổ tay. Mỗi khi viết mà tay thấy còn ngượng, thì lật sổ tay ra xem lại. Lâu ngày thành thói quen, hễ nhìn thấy một chữ viết sai là nhận thấy liền không cần suy nghĩ. Cũng như học chữ Hán, tôi tập viết quen đến đỗi cầm viết là viết liền, một cách máy móc và mau lẹ.
Viết cho đúng chính tả chưa đủ, phải biết dùng danh từ cho thật chính xác. Dùng tiếng cho đúng là yếu tố quan trọng nhất để cho câu văn được sáng sủa.
Gustave Flaubert bảo: Dù ta muốn nói điều gì cũng chỉ là một tiếng thôi để diễn tả điều đó… cần phải tìm cho ra tiếng ấy và đừng vội bằng lòng, khi ta mới tìm được những tiếng tương tự mà thôi.
Ở đây lại cũng phải luôn luôn dùng đến Từ điển. Bất cứ một danh từ nào mà mình thấy còn phân vân, chưa thực rõ nghĩa, thì lật ngay Từ điển ra mà tra. Chỉ có thế thôi.
3 phần của một tác phẩm
Giờ xin bàn qua phép cấu tạo một tác phẩm. Cũng như một bài văn, tác phẩm nào cũng có ba phần: Phần vào đề, thân bài và phần kết thúc.
Khó nhất là phần vào đề. Khéo đặt, thì vô dễ mà ra cũng dễ. Pascal nói: Cái điều cuối cùng khi viết một tác phẩm là phải biết nên viết cái gì trước. Nhiều nhà văn có tiếng khuyên ta nên vào đề ngay, đừng bận đến phần nhập đề. Hoặc cứ viết bừa đi, rồi sau cùng, xé nó đi và viết lại.
Có nhiều nhà văn lão luyện, họ vào đề ngay khúc giữa câu chuyện, có khi lại bắt đầu ngay ở đoạn kết, để rồi lần lần kéo trở lại đoạn đẩu. Đó là cách làm cho câu chuyện được hấp dẫn ngay. Vào đề mà bắt đẩu tuần tự kể lể, trình bày từ nhân vật thì luộm thuộm, mất cả hứng thú và dễ chán người đọc.
Một khi đề tài đã được lựa chọn, nhà văn không nên do dự đắn đo gì nữa. Hãy bắt đầu vào việc. Cứ khai bút ngay. Văn sĩ André Maurois khuyên ta hãy làm như người lội, đừng sợ nước, đừng sợ lạnh… cứ nhảy bừa xuống nước đi. Rồi một khi ở trong nước, tự nhiên hoàn cảnh bắt buộc phải xoay trở… rồi đâu sẽ vào đấy. Nếu do dự, không chịu khai bút, thì không bao giờ làm gì được.
Còn lại một cái khó nữa là đoạn kết. Một bản nhạc cũng thế. Đoạn kết mà dở sẽ làm mất cả ấn tượng hay ho của khúc nhạc. Tùy đề, tùy loại, cách kết luận mỗi khác. Nếu suốt tác phẩm mình có một chủ trương cần phải bênh vực, thì khi kết luận phải quả quyết bằng một sự giải quyết tạm thời hay dứt khoát, như trong các bài nhạc của Beethoven.
Về sử ký hay truyện ký, tiểu sử thì khi kết luận cần tóm lại tất cả đề tài và cột chặt lại như trong các bài nhạc của Wagner. Trái lại, trong một quyển tiểu thuyết hay các tác phẩm thuộc về tưởng tượng, nhất là thi văn, thì thiết tưởng tác giả nên kết luận bằng một vài nét tượng trưng để giúp cho óc tưởng tượng độc giả tiếp tục mơ màng bất tận, sau khi bài văn chấm dứt… Tiếng đờn hay là hay ở dư âm. Một quyển tiểu thuyết hay không cần phải chứng minh một cái gì cả…
Hãy để cho cuộc đời tiếp tục diễn tiến với những bất ngờ, và câu văn cũng nên để nhiều dấu chấm… như những câu nhạc cuối cùng của Chopin, một chân đụng đất, một chân trên không. Tuy vậy, không phải đó là một nguyên tắc tuyệt đối. Nhưng văn sĩ cũng có nhiều khía cạnh giống như nhạc sĩ.
Muốn thành một nhà văn hay, cần phải thường viết
Muốn thành một nhà văn hay, cần phải thường viết. Có rèn mới thành người thợ rèn. Nghề dạy nghề, không còn nguyên tắc nào hay hơn nữa.
Trần Nghiêu Tư làm quan đời nhà Tống, bắn cung giỏi có tiếng, đời bấy giờ không ai bằng. Ông cũng lấy thế làm kiêu căng. Ông thường bắn trong vườn nhà. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy ông đang bắn, đặt gánh xuống, ngấp nghé xem mãi. Ông lão thấy ông Nghiêu Tư bắn mười phát trúng được tám chín thì gật gù, mỉm cười. Nghiêu Tư gọi vào hỏi:
_ – Nhà ngươi cũng biết bắn ư? Ta bắn chưa được giỏi sao?_
Ông lão nói:
_ – Chẳng giỏi gì cả. Chẳng qua là quen tay thôi!_
Nghiêu Tư giận lắm, bảo:
_ – À, nhà ngươi dám khinh ta bắn không giỏi à?_
Ông lão nói:
_ – Cứ xem tôi rót dầu thì rõ._
_Nói đoạn, lấy một cái bầu đặt xuống đất, để đồng tiền lên miệng, rồi lấy cái môi từ từ rót dầu qua lỗ đồng tiền mà không dây một tí dầu nào ra ngoài đồng tiền cả. Rồi nói: Tôi cũng chẳng phải giỏi gì cả, chỉ quen tay mà thôi.
Nghiêu Tư cười cho là phải.
Nhà viết văn sở dĩ viết được một cách dễ dàng, hồn nhiên là nhờ rất nhiều công phu cũng như đã được nhiều công hàm dưỡng. Một người thợ lặn tài, lội trong nước mà không hay là có nước, phải đâu nhất đán mà được: họ đã nhiều tập luyện. Ban đầu cũng phải tranh đấu với nước, lúc tập dượt cũng phải tuân theo nhiều thể thức… nhưng lâu ngày thành thói quen, nên lội trong nước như các loài thủy tộc.
Khi nào ta thấy một người viết văn dễ dàng, giản dị và tự nhiên, nên biết rằng nghệ thuật của họ đã lên thật cao rồi, chắc chắn vì đã tốn nhiều công phu tập luyện đến thành như một thiên tính thứ hai.
Sau khi in xong tác phẩm của mình, nhà văn nào cũng mong có độc giả, dù số độc giả ấy ít hay nhiều.
Nhưng độc giả quan trọng nhất của nhà văn là những nhà phê bình. Họ là người môi giới giữa tác phẩm và độc giả. Một lời khen, một tiếng chê có khi làm nên hoặc làm hỏng một tác phẩm. Tôi có biết nhiều nhà văn trẻ, tỏ ra vô cùng đau khổ khi thấy bị một nhà phê bình chê dè trên mặt báo, dù là sự chê dè bất công. Đó là một việc rất thường tình. Dư luận là điều đáng lo ngại, nhưng cũng không nên quá nô lệ nó, đến mất cả tinh thần tự tin.
Đừng quá lo sợ dư luận của kẻ đồng thời. Miễn là ý tưởng của mình chân thành, thì phải có đủ can đảm vượt lên trên dư luận, nếu mình biết nó là bất công. Trái lại, nếu lời chỉ trích và công kích xét ra đúng lý, thì mình lại có được một cơ hội tốt để học thêm và sửa đổi cho tác phẩm càng thêm hay, chứ có hại gì!
Nhưng thiết tưởng ta cũng cẩn nhớ lời khuyên này của văn hào Alfred de Vigny: … Kẻ biết tự trọng chỉ nên có một việc này nên làm thôi: Cho in xong, rồi đừng thăm hỏi gì ai nữa cả, và quên phứt tác phẩm của mình đi . Stendhal cũng nói: Theo tôi, dường như nhà văn cũng cần có cái can đảm của người chiến binh; họ không nên lo nghĩ đến các nhà báo như người chiến binh không nên nhớ đến nhà thương vậy.
Nhà văn cẩn nên nhớ rằng, quyển sách chưa in là của mình, nhưng khi đã in xong là của dư luận. Nếu không đủ can đảm để chịu mổ xẻ, chịu búa rìu của dư luận, thì tốt hơn đừng bao giờ viết sách và làm văn.
Cũng có khi một quyển sách vừa ra đời, lại bị kẻ đồng thời công kích dữ dội. Nhưng nếu tự mình biết là bất công, thì càng không nên lo sợ. Rất có thể vì mình có những ý kiến táo bạo, đi ngược với thành
kiến chung của kẻ đồng thời. Nên biết rằng, khi nào người ta không thể hiểu nổi một học thuyết nào cao xa hoặc mới lạ, họ công kích dữ dội lắm. Socrate sở dĩ bị bắt uống độc dược cũng như Jésus bị đóng đinh trên cây Thập Ác, phải chăng vì hai vị ấy đã dám nói lên những chân lý không hợp với thời thượng.
Những nhà văn có những tư tưởng khác với thời thượng cũng phải có can đảm đợi chờ những hình phạt nguyền rủa nặng nề của xã hội đương thời. Nhưng, ta cần phải có cái can đảm của Galilée, tương truyền sau khi bị tòa án Inquisition xử, bắt buộc không được nói lên những sự thật trái với kinh điển, là Trái Đất xoay chung quanh mặt trời, vẫn nện chân bảo: Nhưng, nó vẫn xoay!
Được ca ngợi, được quảng cáo ầm ĩ bằng những phương tiện kém liêm sỉ như kết bè, kết phái, lập những văn đoàn để bênh vực, tâng bốc nhau quá đáng, rất có hại cho những nhà văn đang cần nhiều cố gắng để đào tạo tài năng thực sự.
Sự phê bình nghiệt ngã bất công có tính cách bôi lọ, phá hoại của một số phê bình gia thiếu lương tâm, thật rất tai hại đối với nhưng kẻ mới bước chân vào làng văn, vì dễ làm mất lòng tự tin và hăng hái. Tôi biết có nhiều nhà văn tỏ ra ê chề chán nản sau khi bị phê bình gia chỉ trích một cách nặng nề chua chát. Có khi họ bỏ luôn cả nghề văn để sang qua nghề khác, hoặc bỏ cả năm mười năm không thèm cầm bút . Nhưng sự phê bình dua nịnh, tâng bốc của bạn bè phe phái một cách quá đáng, lại cũng tai hại không kém, vì như thế sẽ gây cho họ tấm lòng tự mãn tự đắc, có khi làm chặn đứng mọi tiến bộ sau này. Rồi thời gian có công dụng đào thải những tác phẩm không giá trị. Một vài giải thưởng văn chương tổ chức một cách bừa bãi, mục đích tuyên truyền hay quyến rũ độc giả, có khi rất hại đối với những kẻ được giải thưởng ấy. Có lẽ vì thế mà Paul Léautaud mới nói: Nhà văn nào lãnh một giải thưởng văn chương là bị bêu xấu [18].
Hoàng đế Napoléon đệ nhất là một bậc trị nước sáng suốt và chu đáo, khi ông ra lệnh riêng cho Tổng trưởng Nội vụ can thiệp vào việc phê bình báo chí thời ấy:
_(…) Còn một phương tiện khác mà ông Tổng trưởng không nói đến là cần phải có một tờ báo đứng đắn mà sự phê bình sáng suốt, có thiện ý xây dựng vô tư và tuyệt nhiên không dùng đến sự mạt sát thô lỗ như ta đang thấy bày trò trên các tờ báo hiện có ở đây, rất trái nghịch với phong độ cổ hữu của nước nhà.
Những tờ báo bây giờ lại không phải phê bình để làm cho người ta chán cái dở ưa cái hay, ghét cái xấu ưa cái tốt, không phải để hướng dẫn những kẻ còn thiếu sót kinh nghiệm, nâng đỡ khuyến khích những tài năng chớm nở, để trả lại danh dự xứng đáng cho những tác phẩm danh tiếng, tất cả những gì họ phê bình đều để mà làm nản chí, để mà phá hoại.
Như vậy, ông Tổng trưởng cũng cần phải can thiệp để bố cứu tình trạng ấy. Nhưng ta không nên quên rằng, khi tránh một cái cực đoan này, ta lại phải sa vào một cái cực đoan khác: rất có thể rồi đây không còn ai dám phê bình gì nữa cả, người ta rồi lại sa vào một thứ quá lạm khác không kém quan trọng là sự tán dương quá đáng, lại sẽ tưởng rằng mình là thần thánh, là những bậc thiên tài, và sự thành công quá dễ dàng ấy sẽ còn lôi kéo nhiều người bắt chước.
Những nhận xét trên đây của Napoléon đệ nhất có thể tóm lại được những ý kiến đã trình bày nơi trên: Sự mạt sát bất công cũng như sự tán dương quá đáng đều có hại cho cả tác giả và nhà phê bình, cũng như cho cả nền văn học của một nước.
Một con sâu làm rầu nồi canh, có lẽ cũng vì lo ngại sợ mang tiếng chung mà các nhà phê bình túc học chân chính ít chịu đi vào ngành chuyên môn này.
Tóm lại, làm được nhà văn không phải khó, mà cũng không phải dễ. Không phải khó, nếu ta hết sức chân thành và tin tưởng những gì mình viết. Không phải dễ, là vì thành thực với mình rất khó. Những kẻ có một tâm hồn nô lệ: nô lệ tiếng khen chê của phê bình gia và quần chúng, nô lệ thành kiến của phần đông, của xã hội, của luân lý xã hội sẽ không bao giờ dám thành thực với mình, thẳng thắn trình bày tư tưởng của mình.
Ta có thể lấy câu nói này của Romain Rolland làm câu châm ngôn cho nhà văn xứng đáng với danh từ cao quý ấy!
Khi ta cảm được một cái gì hùng vĩ, thì phải (can đảm) nói ra, dù phải trả với một giá nào, dù ta biết chắc rằng sẽ không có một ai hiểu cho.
Chú thích
Jérôme et Jean Tharaud – Présface du roman d‟André Demaison; Diato. P., Albin Michel.
André Gide, Journal – Bibliothèque de la Pléiade, p. 27-28, 1939.
Ernest Renan, Discours et Conférences, Réponse au discours de M. de Les-seps, Oeuvres complètes, édition définitive, P. Calmann-Lévy, t.I (1947), p. 800.
André Maurois, Comment devenir écrivain. P. Lecture pour Tous. (Avril 1961).
André Maurois, Lecture pour Tous (Avril 1961).
André Gide, Journal, 3 Déc, 1909. P. Gallimard (1940), La Pléiade, p. 278.
Charles Braibant, Le Métier d_Écrivain. P. Corréa, 1951, p. 16.
La Bruyère, Les Caractères, Des ouvrages de l‟ésprit, I.
Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean.
Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes, P. Gallimard, La Pléiade, 1948.
Tôi Tự Học (cùng một tác giả).
J.J. Rousseau, Correspondance générale, éd. Dufort, t. III, P.A. Colin, 1930, p. 220 – 221.
Stendhal, Mémoires d‟un touriste, édition publiée par Yves Gandon. P. Crès, 1927, 2 vol, t. II, p. 322.
Sainte-Beuve phê bình La Buyère có viết: L‟art chez lui est grand très grand, mais il riest pas suprême, car il se sent. (Nghệ thuật của ông thì cao, cao lắm, nhưng chưa phải là tuyệt, vì người ta còn cảm thấy có cái nghệ thuật ấy.)
Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes: Un homme qui se respect n‟a qu‟une chose à faire: publier, ne voir personne et oublier son livre.
Stendhal, Racine et Shakespeare, texte établi et annoté par Henry Debraye et Louis Royer, P. Martino (1925) 1.I, p. 54.
Trường hợp của Corneille: ông đã bỏ ba năm không thèm cầm bút nữa, sau khi bị công kích thậm tệ và mạt sát không tiếc lời.
[18] Paul Léautaud, Entretiens avec Robert Mallet, P. Gallimard, p. 151. Un écriv-ain qui reçoit un prix littéraire est déshonoré.
[19] Philippe Néricault Destouches, Le Glorieux, Acte II, sc. V: La critique est aisée, et lart est difficile
[20] Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean. P. Ollendorff, p. 4-6. [21] William Shakespeare: Juger autrui, c‟est se juger.
[22] Charles Baudouin.
[23]… Excès de justice, excès d‟injustice. (Quá công bình, quá bất công.)
[24] René Lalou – P. éd. Rieder, Paris, 1937, p. 30.
[25] Tâm hồn của kẻ sống vô tâm như bộ máy (thường gọi là cơ tâm).
[26] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.
[27] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.
[28] Trích trong Luận Tùng (trang 110).
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 01 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 02 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 03 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 04 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 05 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 06 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, toàn tập tại đây.