Để trở thành nhà văn | Chương 03

Thu Giang, hiệu của Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998), là học giả, nhà văn, biên khảo kỳ cựu Việt Nam thế kỷ 20, quê Mỹ Tho, Tiền Giang.

 · 25 phút đọc  · lượt xem.

Thu Giang, hiệu của Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998), là học giả, nhà văn, biên khảo kỳ cựu Việt Nam thế kỷ 20, quê Mỹ Tho, Tiền Giang.

Thu Giang là hiệu của Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang và mất năm 1998 tại TP.Hồ Chí Minh.

Phê bình kẻ khác là chính mình phê bình mình.

– William Shakespeare

Người ta luôn luôn được khen hay bị chê, nhưng không mấy ai được người ta hiểu…

F. Nietzsche

I.

Phê bình, dễ; nghệ thuật, khó [19]. Nói thế có đúng, mà cũng có sai. Đúng, là khi người ta phê bình theo lối các nhà phê bình cẩu thả, thiếu lương tâm, phê bình theo cao hứng của lòng ưa ghét tự nhiên: Hễ thuận với trình độ hiểu biết của mình thì cho là đúng, nghịch với trình độ hiểu biết của mình thì cho là sai. Sai, là muốn xứng đáng là nhà phê bình, phải là một kẻ sành sỏi trong nghề viết văn, một bậc thầy, hay ít ra là một người bạn đồng tài với tác giả mà mình muốn phê bình. Phê bình ở đây cũng ngang hàng với sáng tác.

Phê bình văn học là nghệ thuật phê phán một tác phẩm văn học. Phê bình gia là kẻ, sau khi đọc xong một tác phẩm văn học, có một thái độ chê khen rõ rệt về giá trị của tác phẩm ấy.

Vì văn hóa rất bao la, không ai có thể thông suốt được tất cả, nên phê bình mới có chia ra từng ngành chuyên môn: Phê bình văn chương, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, hay kịch trường…

II.

Nhà phê bình có nhiều hạng, nhưng để được đơn giản hơn, xin tạm chia làm hai hạng: Hạng phê bình nệ nguyên tắc và hạng phê bình tự do.

Nói rằng tự do không có nghĩa là phê bình không nguyên tắc, vì không sao phê bình được nếu không dựa vào một nguyên tắc nào, mà thực sự là phê bình không câu chấp theo một nguyên tắc nhất định tuyệt đối nào cả, một cách máy móc.

Nói đến phê bình nệ nguyên tắc, là muốn ám chỉ hạng nhà phê bình mà tiếng Pháp gọi là critiques dogmatiques. Đó là những nhà phê bình có sẵn một mớ nguyên tắc tiên thiên mẫu về văn chương cũng như về tư tưởng một chiều và tuyệt đối, nghĩa là họ đã có sẵn một mớ thành kiến cũ hay mới, hữu thần hay vô thần, duy tâm hay duy vật về luân lý, chính trị, văn chương… dùng làm điển hình. Sự phê bình của họ thường câu chấp hẹp hòi và cuồng nhiệt. Nhân danh một nguyên tắc mà họ xem là lý tưởng tuyệt đối, họ bắt buộc mọi người cùng ở trong một khuôn khổ hoạt động tư tưởng và tình cảm như họ, nếu có ai đi lạc ra ngoài khuôn khổ ấy, sẽ bị họ chỉnh huấn lại, và bị đàn hặc lên án, không tiếc lời mạt sát.

Lối phê bình này mà đi quá độ là lối phê bình của các nhà văn mà bao giờ cũng lấy nghệ thuật vị nhân sinh, duy vật sử quan, giai cấp đấu tranh làm tiêu chuẩn. Họ làm cái việc của anh chàng Procuste trong thần thoại Hy Lạp. Procuste là một tướng cướp rất lợi hại và vô cùng độc ác. Y có một cái giường mà người ta gọi là giường của anh Procuste (lit de Procuste). Bất cứ bắt được tù nhân nào, anh cũng đem đặt lên giường ấy: Nếu vừa vặn thì được, trái lại, nếu dài thì bị chặt bớt đi, còn nếu ngắn hơn thì bị kéo dài ra cho đúng với khuôn khổ. Bởi vậy, có một số phê bình gia thích dùng thủ đoạn kém lương thiện này là chuyên môn cắt xén đoạn mạch của bài văn hoặc câu văn để bắt tác giả nói lên những gì họ không có nói, để mà mỉa mai, chế nhạo, để mà xuyên tạc vu cáo và lên án đàn hặc.

Phần đông những nhà phê hình nệ nguyên tắc này đều có một số tác phẩm nào, hay một lý thuyết nào mà họ cho là hoàn toàn lý tưởng dùng làm điển hình tuyệt đối, nghĩa là họ không thể chấp nhận có được một quan niệm nào khác. Và mỗi khi nghiên cứu một tác phẩm nào mới ra đời, họ đem ra so sánh với những tác phẩm điển hình ấy, ký chú những dị đổng, rồi đem ra sắp xếp thành hạng loại và phê phán.

Những nhà phê bình này thường có những phê phán của một vị quan tòa xử án, của một giám khảo chấm thi để kiểm soát sự hiểu biết của thí sinh có thuộc lòng bài vở trong chương trình hay không, để rồi cho điểm thứ.

Nhà phê bình nệ nguyên tắc thường hay lấy sự ưa thích riêng của mình để chống đối lại sự ưa thích riêng của kẻ khác. Hoặc vì tính khí, hoặc vì bị giáo dục, bị ảnh hưởng của học thuyết này học thuyết nọ, họ có những hiếu ố cá nhân rất hẹp hòi câu nệ. Là vì họ có một cái vốn văn hóa rất kém, thiếu chiều rộng, nên họ không thể thưởng thức nổi những gì họ không ưa thích. Họ thường là những chiến sĩ hẹp hòi mù quáng của một chủ nghĩa hay lý thuyết nào. Tuy bị gò bó trong những thành kiến triết học hay chính trị, nhưng lắm khi nhờ đó họ cũng có can đảm thoát ly khuôn sáo của thời đại, vượt lên xa nhãn thức lầm lạc hẹp hòi của những kẻ đồng thời và dám nhìn việc đời một cách sâu xa bao quát hơn, nhờ biết suy nghĩ theo một hệ thống tư tưởng cao siêu và cách mạng.

Nhà phê bình nệ nguyên tắc cần phải nhớ kỹ điều này: Đời là một cuộc biến chuyển bất tận (không biết phải thật là một cuộc tiến hóa bất tận chăng, nhưng chắc chắn là một cuộc chuyển biến mới lạ mãi. Như vậy, nhà văn là kẻ sống trong dòng nước chảy và chảy mãi không ngừng. Như vậy, đừng ràng buộc họ phải lưu lại ở một bến nào.

Nhà phê bình tự do, không phải là nhà phê bình không nguyên tắc, mà là nhà phê bình ít bị nô lệ theo một nguyên tắc nhất định tuyệt đối nào cả. Họ là người có một cái vốn học thức cực kỳ rộng rãi, có một đầu óc tương đối, nhìn thấy được tất cả bề mặt bề trái của sự đời. Phê bình của họ là lối phê bình tương đối có tính cách lịch sử.

Họ không phải là vị quan tòa xử án theo một đạo luật hình thức nào, theo một tiêu chuẩn truyền thống tư pháp nào. Họ không phải là một vị giám khảo như những vị giám khảo của một cuộc thi giải thưởng văn chương mà nơi đây thể thức đã được quy định trước, để tuyên truyền hay để phê phán, lên án một chính kiến nào… Guy de Maupassant có nói: Nhà phê bình xứng đáng với danh từ cao đẹp của nó phải là người không thuộc về khuynh hướng nào cả, không có những ưa thích riêng tư nào cả, không thiên kiến gì cả, và như nhà chuyên môn xem tranh, họ chỉ đánh giá các bức tranh theo giá trị nghệ thuật của mỗi thứ. Sự thông hiểu của họ thật rộng rãi, họ có thể tạm thời quên hẳn cá tính của họ, cái bản ngã của họ với tất cả tấm lòng ưa ghét riêng tư của họ để mà thẩm định cái chân giá trị của những tác phẩm mà họ phê bình. [20]

Voltaire, trong quyển Dictionnaire Philosophique, cũng có nói: Nhà phê bình hay nhất là một nghệ sĩ có học nhiều và có nhãn thức rộng không thành kiến, cũng không tật đố. Như thế cũng khó mà tìm ra được rồi!

Tóm lại, nhà phê bình tự do là người tìm hiểu và cố làm cho kẻ khác cùng hiểu, nghĩa là họ là người có một cái tài thông cảm đặc biệt, biết ra khỏi con người của mình và thoát khỏi cái bản ngã bẩn chật cùng thành kiến và lòng ưa ghét riêng mình để hiểu biết những cái hay, cái dở của kẻ khác qua tác phẩm của họ. Như vậy, nhà phê bình này phải có một khiếu lịch sử, nghĩa là một đầu óc hiểu biết vượt thời gian và không gian, không thuộc người của một nước nào, một dân tộc nào, của một thế hệ hay thời buổi nào.

Ngoài hai hạng trên, lại còn có một hạng mà tôi cho là ngoại hạng vì họ không có một lý thuyết nào rõ ràng vững chắc, họ lại cũng không có tài thông cảm và vượt lên trên mọi học thuyết tư tưởng.

Họ là hạng lầm lẫn phê bình với chống đối. Họ là hạng tật đổ, hạng bất tài chuyên dùng những thủ đoạn tiểu nhân xuyên tạc, chê dè kẻ khác để nâng cao mình lên. Họ là hạng bị tự ti mặc cảm: Bất cứ một nhà văn nào có tên tuổi hoặc có tài ba hơn họ, đều bị nọc độcbúa rìu của họ. Nếu là cùng bè, cùng nhóm thì họ khen đáo khen để; trái lại nếu không là bè phái thì họ tìm đủ thủ đoạn để dìm xuống tận bùn lầy. Những nhà phê bình này tai hại không nhỏ đối với nền văn học nước nhà đang phôi thai.

Không riêng gì ở nước nhà, và cũng không riêng gì ở đâu và ở thời buổi nào, hạng phê bình gia này là những tai họa thường xuyên mà không một nhà văn nào tài hoa trên thế giới lại thoát khỏi nanh vuốt của họ. Trước đây, tôi có lần nhắc đến Napoléon đệ nhất đã dùng biện pháp nào chặn đứng lại bọn họ: Những tờ báo hiện này lại không phải phê bình để làm cho người ta chán cái dở, ưa cái hay, ghét cái xấu, ưa cái tốt, không phải phê bình để hướng dẫn những kẻ còn thiếu kinh nghiệm, nâng đỡ khuyến khích những tài năng chớm nở, để phục hồi danh dự xứng đáng cho những tác phẩm đứng đắn mà bị chìm trong sự lạnh lùng và quên lãng của dân chúng; tất cả những gì họ phê bình đểu để làm nản chí, để mà phá hoại.

Montesquieu, tác giả Vạn Pháp Tinh Lý, cũng phải mất bình tĩnh đối với họ: Về những nhà văn thiếu tài kích bác tôi kia, tôi xin nói: Tôi là cây sồi to, dưới gốc có những con cóc bò đến để phun nọc độc của chúng.

Chateaubriand thư cho bà de Stael thân mật bảo: Sách của bà sắp được xuất bản, thế là bà lại sắp chịu một cơn giông tố dữ tợn. Đó là ông muốn ám chỉ sẽ bị các nhà phê bình đang chực để mà mạt sát.

Racine, tâm lý hơn, nói: Tất cả những bài phê bình ấy là của bốn năm nhà văn bất tài bất hạnh, tự mình không làm sao được người ta chú ý đến. Họ chờ cơ hội có một quyển sách nào thành công để xúm nhau công kích. Tuyệt nhiên không phải vì tật đố. Họ căn cứ vào đâu để được ganh tị chứ? Họ làm thế với lòng mong ước sẽ được người ta trả lời, và nhờ thế họ sẽ được đưa ra ánh sáng, vì bấy lâu này sách vở của họ đã dìm họ mãi suốt đời trong bóng tối.

Gustave Flaubert nói: … Cần gì phải để ý đến những tiếng kêu ré của những con sáo ấy? Thật mất thời giờ để đọc những nhà phê bình (…) Tôi đã có đủ sức để chứng minh trong một luận đề rằng từ trước chưa có một bài phê bình nào ra hồn, rằng việc đó không lợi ích gì cho ai cả, mà chỉ cốt để quấy rầy tác giả và làm u mê người đọc, rằng người ta sở dĩ đi làm nhà phê bình khi nào người ta không làm văn nghệ được, cũng như khi người ta không làm được chiến binh, người ta đi làm cái nghề điểm chỉ.

Shelley thì cho rằng: Một nhà văn thất bại biến thành một nhà phê bình, cũng như một tay đi ăn trộm thất bại biến thành một tay đi bắt trộm. William Shenstone lại nói: Rượu lạt để lâu ngày biến thành giấm; nhà thơ thất bại trong nghề thường lại dễ biến thành những nhà phê bình chua chát.

Jules Payot, trong quyển Le Travaiỉ Intellectuel et la Volouté, có viết: Tôi có thể quả quyết rằng, về phần tôi, tôi đã đọc có trên mấy trăm bài phê bình sách của tôi, nhưng trừ vài ba bài có tính cách ngoại lệ, hầu hết đều chứng tỏ rằng chưa có một ai đọc kỹ sách tôi. Bởi vậy Herbert Spencer đến phải cấm nhà xuất bản của ông không cho gửi sách của ông cho các nhà báo (…). Họ (các nhà phê bình) vì phải đọc hối hả một quyển sách mà có khi công phu xây dựng có trên vài ba mươi năm, lại chỉ được đọc qua loa trong vài tiếng đồng hồ (…) Thay vì sáng tác, họ đi làm cái việc phê bình những sáng tác của kẻ khác và cũng không sao dẹp nỗi lòng ganh tị ngấm ngầm của họ. Cái tính đố kỵ ấy, ngay nhà phê bình Sainte Beuve cũng còn mắc phải: Ông ta chỉ thích khen những nhà văn tầm thường, mà đối với các bậc anh tài thì ông tỏ ra rất hằn học chua chát.

Mark Twain, trong quyển Tiểu Sử Tự Thuật của ông, lại còn đi quá xa, đến nỗi dám hạ một câu vô cùng cay độc này: Cái nghề phê bình về văn thơ nhạc kịch là cái nghề hèn hạ nhất trong tất cả các nghề.

Tại sao lại có hiện trạng xấu xa bỉ ổi ấy, mà phần đông nạn nhân đều là những bậc tài hoa như Racine, Montesquieu, Gustave Flaubert, Disraeli, Guy de Maupassant, Shelley, Mark Twain…?

Dale Carnégie trong quyển How To Stop Worrying có nói: Địa vị càng cao bao nhiêu, thì đời càng thích mạt sát bấy nhiêu. Ông Hoàng xứ Galles, bây giờ là công tước Windsor… khoảng 14 tuổi, đang học trường Hải quân Dartmouth ở Devonshire. Một hôm, các sĩ quan thấy ông khóc, liền hỏi duyên cớ. Mới đầu ông giấu, sau ông thú rằng bị các bạn học đá đít. Sĩ quan hiệu trưởng bèn quở rầy bọn kia và bảo họ rằng hoàng tử không mách, nhưng ông muốn hiểu tại sao họ không đá đít những học sinh khác mà lại nhè hoàng tử mà xử như vậy?Họ thú rằng họ làm vậy là để sau này giữ chức thuyền trưởng trong hải quân của Hoàng gia họ có thể khoe rằng hồi nhỏ đã đá đít Hoàng đế. Ông lại nói: _Schopenhauer trước kia đã viết: Những kẻ hèn kém thấy thỏa thích vô cùng khi họ vạch ra được những lỗi lầm cùng những tật nhỏ của hạng người xuất chúng.

Muốn trở thành một nhà phê bình đứng đắn, cần nên tránh xa lối phê bình ganh tị này do tự ti mặc cảm gây ra. Sainte Beuve một phê bình gia trứ danh của văn học giới Pháp, có một sức học rất rộng, một nhãn thức sâu sắc tinh tế, dẫn đầu một cuộc cách mạng về một nghệ thuật phê bình thế kỷ thứ 19, thế mà cũng không tránh được lòng ganh ghét, nhỏ nhen, thiên lệch, ích kỷ trước sự thành công rực rỡ của những bè bạn của ông mà một số tác phẩm phê bình của ông đã đánh giá sai lầm về Musset, Balzac, Stendhal, Baudelaire… Thật đáng tiếc không biết chừng nào!

III.

Giờ đây, xin bàn rộng hơn và sâu hơn về những điều kiện thiết yếu để có thể trở thành một nhà phê bình xứng đáng.

Nhà phê bình, trước hết, phải là người rất thích đọc sách, đọc sách thật nhiều, đọc sách đủ loại, và hơn nữa, phải là người rất sành phép đọc sách, để có thể hướng dẫn kẻ khác cách đọc sách. Đó là sứ

mạng quan trọng và chính yếu của nhà phê bình. Sainte Beuve nói: Nhà phê bình là người biết đọc sách và dạy kẻ khác cách đọc sách.

Hàn Dũ cũng nói: Việc được, thì gièm pha nổi lên; đức cao, thì chê bai kéo đến. Bởi vậy, lời chỉ trích mà bất công, thường là lời khen gián tiếp, bởi có tài mới có được người người ghen tị, Dale Carnegie kết luận: Được người ta chỉ trích bất công, không nên buồn mà cần xem đó là một điều nên hãnh diện.

Xét đoán một bậc vĩ nhân, cũng như xét đoán một tác phẩm vĩ đại, không nên quá lo vạch lá tìm sâu tìm kiếm những khía cạnh nhỏ nhặt… không đâu! Vì một biển rộng chứa cả bọt, bèo nhơ bẩn, mà không bao giờ dơ.

Goethe nói rất đúng: Người ta nói rằng không có ai là bậc anh hùng đối với anh bồi phòng của mình. Thật vậy, chỉ có bậc anh hùng mới biết được kẻ anh hùng, chứ anh bồi phòng thì chắc chắn chỉ biết rõ hạng người bồi phòng như họ mà thôi. Một văn hào khác cũng nói: Phê bình kẻ khác, chính là phê bình mình đấy! [21] Hạng tầm thường không làm sao hiểu nổi hạng người vĩ nhân phi thường, nên họ thường chỉ thấy được những tiểu tiết, những cái tầm thường giống họ mà thôi. Không thể dùng một thứ tầm thường chung để đo lường và đánh giá những bậc vĩ nhân hay những tác phẩm vĩ đại với những bậc tầm thường hay những tác phẩm tầm thường.

Người biết đọc sách là người biết tạm quên mình, quên cả những thành kiến cùng lòng ưa ghét của mình, nghĩa là phải có một cơ sở học vấn càng rộng càng hay, nhãn thức càng sâu càng tốt, để có thể thưởng thức và đánh giá một cách công bằng tất cả mọi hình thức văn nghệ phẩm đủ các loại khác nhau, nghĩa là phải có một chân học thức và một nhãn thức rộng rãi và bao trùm.

Nếu gặp phải những nhà văn đang tập sự, họ sẽ không bao giờ dùng lời mỉa mai chế nhạo để làm mất lòng tự tin, giết chết mọi ý kiến mới mẻ, đang rụt rè phát hiện, mà trái lại họ nâng đỡ, hướng dẫn, vỗ về bằng những lời khuyên khéo léo, thiết thực và thích đáng.

Không có gì khó bằng biết quên mình, tạm thời biết dẹp bỏ thành kiến cùng lòng ưa ghét riêng tư của mình, để đi vào tâm hồn kẻ khác. Vì vậy Tăng Xán mới khuyên ta: Đem những điều mình ưa thích đi chống lại với những gì mình không ưa thích, đó là căn bệnh trầm trọng nhất của tâm hồn. Óc hẹp hòi là điều cấm kỵ nhất đối với nhà phê bình: Kẻ hẹp hòi là người không thể thưởng thức được những gì họ không ưa thích [22]. Brunetière cũng nói: Đức đầu tiên của nhà phê bình là biết tìm cách thông cảm những gì ta không ưa thích. Đó là điều kiện cần thiết nhất để được công bằng.

Nhà phê bình muốn được đứng đắn, cần phải có đủ ít nhất những yếu tố sau đây:

  1. Phải có một hoặc nhiều tác phẩm của nhà văn mình định phê bình.

  2. Phải có một hoặc nhiều tác phẩm của nhà văn khác cùng loại để có thể so sánh. Trong số các tác phẩm này, có thể chia ra làm hai loại: tác phẩm của các bậc danh gia có thể xem là những tác phẩm điển hình, – và tác phẩm của các văn sĩ khác và đồng thời để cân nhắc sự hơn kém đồng dị.

  3. Phải biết thật rành rẽ những nguyên tắc làm văn, những phương pháp để xây dựng một quyển sách về loại mà mình định phê bình.

  4. Phải biết rõ những nguyên tắc chung về phép phê bình.

Tôi không dám cho đây là bài học đầy đủ về phép phê bình, vì nó là một sự hiểu biết mà có khi công phu của suốt cả một đời người chưa đủ. Theo La Bruyère thì đó là công trình của nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và quan sát.

Tôi chỉ xin đưa ra một số nguyên tắc tối thiểu để giúp cho các bạn thanh niên chưa từng nghiên cứu về vấn đề này một ý niệm khái quát về một nhà phê bình xứng đáng với danh từ ấy mà thôi.

Tôi xin trở lại bốn nguyên tắc chính đã nêu trên.

Theo nguyên tắc, nhà phê bình có quyền lựa chọn sách để phê bình, dĩ nhiên có quyền lựa chọn sách để phê bình theo khả năng của mình. Sách xuất bản phần nhiều là tiểu thuyết, thi ca rồi mới đến các sách thuộc về nghiên cứu phê bình và văn chương thuần túy. Như vậy, ta phải để ý đến sự phát hành chung tương đối của các tác phẩm để có thể nhận định sự quan trọng của từng tác phẩm trong hạng loại của nó.

Muốn phê bình một quyển tiểu thuyết, một quyển thi văn, một quyển văn chương hay biên khảo và phê bình, cần nhất là phải có một cái gì để so sánh. Nghĩa là, để có được một ý niệm rõ ràng về giá trị của một tác phẩm, ta phải có biết qua những tác phẩm đồng loại với nó để so sánh. Về phép so sánh, phải đem so sánh những gì đồng loại, đồng tính với nhau. Đừng đem những sách thuộc về loại tình cảm như thi ca so sánh với những sách thuộc về loại tư tưởng và biên khảo. Tôi có thấy một nhà phê bình chê quyển Kim Vân Kiều của Nguyễn Du dở hơn quyển Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Đó là bắt con ngựa mà so sánh với con voi…

Muốn so sánh, trước hết đem so sánh với những tác phẩm của các bậc có thể gọi là bậc thầy trong văn học giới hay là những tác phẩm có thể gọi là danh tiếng nhất để làm cái mẫu tận thiện tận mỹ. Rồi đến lượt so sánh với các tác phẩm cùng loại, tuy không phải là kiểu mẫu, ít ra cũng có ít nhiều giá trị. Và để được cụ thể, cần phải trích ra một vài đoạn tiêu biểu nhất của các tác phẩm để giải rõ những điểm dị đồng. Nhưng trích, không có nghĩa là cắt xén văn mạch hay đoạn mạch của tác phẩm.

Như vậy, nhà phê bình văn học phải có một sự hiểu biết rộng rãi và sâu xa về các tác phẩm đồng loại với tác phẩm của mình đang phê bình; biết rõ các tác phẩm điển hình của các bậc thầy, các bậc đàn anh; biết rõ những tác phẩm chính cùng loại của bất cứ thời buổi nào, xưa cũng như này, dù là những tác phẩm rất tầm thường…

Nhưng, như thế cũng chưa đủ. Nhà phê bình lắm khi cũng phải biết truy nguyên đến nguồn gốc tư tưởng ngược lại trong thời gian và không gian, tôi muốn nói nguồn hứng trong nền cổ học. Nghĩa là ít ra họ phải có một cái vốn học cổ điển tạm gọi là thông kim bác cổ. Nếu biết được văn học ngoại quốc nhiều thì lại càng hay.

Ta thấy rằng sự hiểu biết của nhà phê bình không được hời hợt nông cạn. Nhà phê bình phải biết rõ tác giả, chẳng những về tác phẩm hiện thời của họ, bởi nếu tác giả trước đây là một nhà văn tên tuổi, có nhiều tác phẩm xuất bản trước, thì nhà phê bình cũng phải đọc hết để đặt lại địa vị của tác phẩm hiện thời trong hệ thống tư tưởng và tình cảm chung của tác giả, để đánh dấu sự tiến triển, sự dừng lại, hay sự thoái hóa của tác phẩm trong hệ thống tư tưởng của tác giả, nếu có. Nhà phê bình cũng phải dò theo những khuynh hướng thâm sâu, những biến chuyển bất thường trong tâm hồn của tác giả ngay trong những cuộc bút chiến mà tác giả có nhúng tay vào hoặc tự mình gây ra, nếu có. Nghĩa

là nhà phê bình phải hiểu rõ những tác phẩm của tác giả với tất cả những đề tài, những nhân vật, những tính tình cùng văn chương của tác giả.

Như trên đây đã nói, nhà phê bình chẳng những phải cần hiểu biết một cách sâu sắc tư tưởng của tác giả, lại cũng cần biết sành phương thuật xây dựng một tác phẩm giá trị. Villemain nói: Muốn thành một nhà phê bình giỏi, phải có thể là một nhà văn hay.

Jules Janin, phê bình gia trứ danh của Journal des débats lại còn đi xa hơn nữa: Kẻ nào làm công việc phê bình mà chính mình không viết được một tác phẩm nào cả là một kẻ không liêm sỉ._ Lời nói thật cũng có phần quá đáng, nhưng tựu trung đều có ý muốn nhấn mạnh về điểm quan trọng này: nhà phê bình phải thật sành về môn loại của mình phê bình.

Tuy vậy, muốn thành một phê bình gia đứng đắn, chẳng những phải hiểu biết nhiều về tác phẩm mà mình định phê bình, đọc qua những tác phẩm khác của tác giả, soát lại những tác phẩm đổng loại của các danh gia xưa và này, sành sỏi những nguyên tắc làm văn và những phương thuật xây dựng một tác phẩm giá trị… mà còn phải có được cái khiếu đặc biệt này là khiếu phê bình. Với cái khiếu đặc biệt này ta có thể thoáng qua là nhận thấy được liền giá trị độc đáo của tác phẩm, thấy rõ những ưu khuyết điểm và cả giá trị sau này của tác phẩm mà ít có người thấy được.

Khiếu phê bình thường được xem như là một thiên tư, chưa dễ ai ai cũng đều có được. Nhưng sự thực thì nó là một thứ linh cảm, một thứ trực giác do công phu đào luyện lâu ngày theo một lề lối phê bình có nguyên tắc vững vàng.

Chú thích

Jérôme et Jean Tharaud – Présface du roman d‟André Demaison; Diato. P., Albin Michel.

André Gide, Journal – Bibliothèque de la Pléiade, p. 27-28, 1939.

Ernest Renan, Discours et Conférences, Réponse au discours de M. de Les-seps, Oeuvres complètes, édition définitive, P. Calmann-Lévy, t.I (1947), p. 800.

André Maurois, Comment devenir écrivain. P. Lecture pour Tous. (Avril 1961).

André Maurois, Lecture pour Tous (Avril 1961).

André Gide, Journal, 3 Déc, 1909. P. Gallimard (1940), La Pléiade, p. 278.

Charles Braibant, Le Métier d_Écrivain. P. Corréa, 1951, p. 16.

La Bruyère, Les Caractères, Des ouvrages de l‟ésprit, I.

Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean.

Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes, P. Gallimard, La Pléiade, 1948.

Tôi Tự Học (cùng một tác giả).

J.J. Rousseau, Correspondance générale, éd. Dufort, t. III, P.A. Colin, 1930, p. 220 – 221.

Stendhal, Mémoires d‟un touriste, édition publiée par Yves Gandon. P. Crès, 1927, 2 vol, t. II, p. 322.

Sainte-Beuve phê bình La Buyère có viết: L‟art chez lui est grand très grand, mais il riest pas suprême, car il se sent. (Nghệ thuật của ông thì cao, cao lắm, nhưng chưa phải là tuyệt, vì người ta còn cảm thấy có cái nghệ thuật ấy.)

Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes: Un homme qui se respect n‟a qu‟une chose à faire: publier, ne voir personne et oublier son livre.

Stendhal, Racine et Shakespeare, texte établi et annoté par Henry Debraye et Louis Royer, P. Martino (1925) 1.I, p. 54.

Trường hợp của Corneille: ông đã bỏ ba năm không thèm cầm bút nữa, sau khi bị công kích thậm tệ và mạt sát không tiếc lời.

[18] Paul Léautaud, Entretiens avec Robert Mallet, P. Gallimard, p. 151. Un écriv-ain qui reçoit un prix littéraire est déshonoré.

[19] Philippe Néricault Destouches, Le Glorieux, Acte II, sc. V: La critique est aisée, et lart est difficile

[20] Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean. P. Ollendorff, p. 4-6. [21] William Shakespeare: Juger autrui, c‟est se juger.

[22] Charles Baudouin.

[23]… Excès de justice, excès d‟injustice. (Quá công bình, quá bất công.)

[24] René Lalou – P. éd. Rieder, Paris, 1937, p. 30.

[25] Tâm hồn của kẻ sống vô tâm như bộ máy (thường gọi là cơ tâm).

[26] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.

[27] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.

[28] Trích trong Luận Tùng (trang 110).

Đọc Để trở thành nhà văn, chương 01 tại đây.

Đọc Để trở thành nhà văn, chương 02 tại đây.

Đọc Để trở thành nhà văn, chương 03 tại đây.

Đọc Để trở thành nhà văn, chương 04 tại đây.

Đọc Để trở thành nhà văn, chương 05 tại đây.

Đọc Để trở thành nhà văn, chương 06 tại đây.

Đọc Để trở thành nhà văn, toàn tập tại đây.

nhavantuonglai

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Gieo trồng hạnh phúc | Chương 08

Gieo trồng hạnh phúc | Chương 08

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Giếng thở than | Chương 09

Giếng thở than | Chương 09

Montague Rhodes James là tác giả nổi tiếng với những truyện ma kinh điển tiếng Anh trong đó có tác phẩm Giếng thở than.

Con đã có đường đi | Chương 18

Con đã có đường đi | Chương 18

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập Làng Mai truyền cảm hứng Phật giáo dấn thân chánh niệm giúp con người tĩnh tâm hạnh phúc hòa hợp thiên nhiên.

Giếng thở than | Chương 10

Giếng thở than | Chương 10

Montague Rhodes James là tác giả nổi tiếng với những truyện ma kinh điển tiếng Anh trong đó có tác phẩm Giếng thở than.

Hiểu về trái tim | Chương 34

Hiểu về trái tim | Chương 34

Hiểu về trái tim giúp hiểu và chữa lành trái tim tâm hồn của mình để mọi người cùng được sống trong hạnh phúc và yêu thương.

Mùa xuân vắng lặng | Chương 06

Mùa xuân vắng lặng | Chương 06

Mùa xuân vắng lặng gây chấn động xã hội Mỹ cảnh tỉnh về môi trường buộc Tổng thống Kennedy lập ủy ban điều tra thuốc diệt sinh vật.

Gián điệp mạng | Chương 50

Gián điệp mạng | Chương 50

Gián điệp mạng kể về nhà khoa học chuyển nghề thành chuyên gia mạng truy tìm hacker tại Phòng Thí nghiệm Lawrence Berkeley California Mỹ.

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.

nhavantuonglai · Ghiblis Music Piano Playlist