Để trở thành nhà văn | Chương 04
Thu Giang, hiệu của Nguyễn Duy Cần (1907 – 1998), là học giả, nhà văn, biên khảo kỳ cựu Việt Nam thế kỷ 20, quê Mỹ Tho, Tiền Giang.
· 19 phút đọc.
Thu Giang là hiệu của Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang và mất năm 1998 tại TP.Hồ Chí Minh.
Phê bình kẻ khác là chính mình phê bình mình.
– William Shakespeare
…
Người ta luôn luôn được khen hay bị chê, nhưng không mấy ai được người ta hiểu…
F. Nietzsche
IV.
Dưới đây xin liệt kê một vài nguyên tắc chính để có thể viết được một bài phê bình đứng đắn
A – Bài phê bình đứng đắn, xứng đáng với danh từ tốt đẹp của nó, trước hết, phải có một giọng tao nhã, dễ thương và hoạt bát.
Lễ độ và tinh túy của văn minh, dù ở bất cứ trường hợp nào, nhất là văn chương, theo cái nghĩa của danh từ, thì trước hết phải thật là thanh lịch. Lời mà thô lỗ, cộc cằn, mất dạy không còn phải là văn chương nữa. Joubert nói: Một ít hiền lành nhã nhặn cũng phải có, dù là trong bài phê bình công kích; nếu tuyệt nhiên thiếu nó thì không còn phải là văn chương nữa (…) Ở đâu mà không có sự thanh nhã gì cả là không có văn chương. Huống chi tác phẩm của một nhà văn là sinh mạng của họ. Không phải muốn chửi mắng là chửi mắng, muốn bôi lọ là bôi lọ, muốn xuyên tạc là xuyên tạc, muốn vu cáo là vu cáo cho hả cái lòng oán ghét ganh tị của mình. Họ nào có biết làm thế là tự họ làm nhục lấy mình, làm nhục lây đồng nghiệp. Chẳng những đó là một việc làm bất chính đối với lương tâm của mình, không liêm sỉ đối với độc giả phần đông quá tin cậy nơi lòng lương thiện của mình.
Bài phê bình cũng phải là một tác phẩm văn chương, cần phải tránh những gì có thể làm chướng ngại cho một tài hoa sắp nở hay đang nở, có thể làm giảm lòng tự tin hoặc giết chết một cao vọng chân chính nhưng còn vụng về, cần được nhiều nâng đỡ. Giết chết những mầm sống đang đâm chồi này lộc là một tội ác đối với tiền đồ văn học.
B – Phê bình phải tỏ ra chính đáng, căn cứ vào những lý lẽ vững vàng, chứ không nên vu vơ ngụy biện. Đừng bao giờ phê phán một điều gì mà không có đủ lý lẽ để chứng minh.
C – Nhãn quang của nhà phê bình phải cho rộng rãi; phải tỏ ra có những tài lực ngang hàng với tác phẩm của mình phê bình. Phê bình một tác phẩm về Phật học phải ít ra là người uyên thâm về Phật học hoặc có sở đắc về cái học ấy ít nhiều.
D – Bài phê bình phải đi sâu vào tinh thần của tác phẩm, nắm cho kỳ được cái ý chính, tức là cái hồn duy nhất của tác phẩm, đừng hời hợt nhìn cái vỏ của nó bên ngoài: Đó là việc làm quan trọng nhất của nhà phê bình. Phân tích là để mà đi đến sự tổng hợp, chứ phân tích để mà phân tích, thì sự phê bình chỉ có công dụng phá mà không có xây.
E – Phê bình cũng phải tỏ ra nhân đạo hơn là công bình. François Mauriac nói: Cái điều ghê tởm nhất trong đời, là công lý rời với nhân đạo.
Lắm khi sự quá công bình lại biến thành sự quá bất công: Summum jus, summa injuria. [23]. Nhân đạo, từ thiện, thành thật, là ba đức tính cần thiết để cho sự phê bình được xây dựng và đứng đắn. Dù có chỉ trích những chỗ sai lầm hay vụng về, cũng chỉ nên chỉ trích với những lời lẽ ôn tồn trang nghiêm, không mỉa mai, không hằn học… Đừng bao giờ tỏ ra mình là kẻ bị tự ti mặc cảm mà có cái giọng móc lò.
Tuy nhiên, nhân đạo, từ thiện không có nghĩa là thiên tư, dễ dãi. Bài phê bình không nên có cái giọng quá thân mật bè bạn như giọng ăn nói sỗ sàng giữa bồ bịch, mà phải trang nghiêm, mực độ, tỏ ra có một tinh thần cương quyết, độc lập, không ai có thể ảnh hưởng và mua chuộc.
G – Bài phê bình phải nhắm vào mục đích duy nhất này là phá để mà xây, sửa chữa những lỗi lầm, giúp cho tác phẩm được hay hơn, hoàn hảo hơn, hợp lý hơn.
Bổn phận của nó là dẫn dắt dư luận, giúp cho độc giả biết yêu những tác phẩm hay, biết chống lại với những cái dở dang tồi tệ. Như Napoléon đệ nhất đã nói: Phê bình là để làm cho người ta chán cái dở, ưa cái hay, ghét cái xấu, ưa cái tốt, hướng dẫn những nhà văn còn thiếu kém kinh nghiệm, nâng đỡ khuyến khích những tài năng chớm nở, để trả lại danh dự xứng đáng cho những tác phẩm có giá trị mà bị thời nhân vô tình bỏ rơi hay khinh bạc.
…
Trở lên là nói về những điều kiện phải có của một bài phê bình.
Nhà phê bình xứng đáng với danh từ tốt đẹp này, dĩ nhiên phải gồm các đức tính sau đây:
- Có nhãn thức rộng rãi;
- Có học thức cao thâm;
- Thật thông minh nhạy cảm;
- Thật sâu sắc tế nhị;
- Và có óc độc lập tân kỳ.
Nhà phê bình phải tỏ ra là người ham mê văn nghệ dưới mọi hình thức, có óc tò mò ham hiểu biết, nhạy cảm đối với bất cứ phong trào tư tưởng mới nào, có óc so sánh và phân tích.
Nhất định không nên có tính đố kỵ, nhỏ nhen, nóng này, bất công và tự phụ về sự hiểu biết của mình, mà trái lại, phải lễ độ, liêm sỉ, trung thành với nghệ thuật và biểu diễn tư tưởng mình một cách thanh nhã, khéo léo và mực độ.
…
Nói về sự liêm sỉ, cần phải phân biệt hai thứ liêm sỉ này:
Liêm sỉ đạo đức, tức là biết vượt lên khỏi cái bản ngã của mình, tức là những hiếu ố riêng tư để thông cảm kẻ khác.
Liêm sỉ trí thức, là sự thành thực, hễ biết thì gọi là biết, không biết thì nhận là không biết, không xuyên tạc, không vu cáo, không làm cái việc cắt xén đoạn mạch hay văn mạch để bắt tác giả nói những gì người ta không có nói. Liêm sỉ trí thức bắt buộc ta phải thật khách quan và công bình trong khi trình bày tư tưởng trong các tác phẩm, không được trích sai, trích thiếu. Trong quyển Les Techniques de la Critique, Gustave Rudler có viết: Văn mạch là cần thiết nhất (…) Các nhà bút chiến thường có tật chặt bớt một câu trong một đoạn, để thay đổi ý nghĩa chung của nó và bắt tác giả nói những gì họ không có nói. Hãy đưa cho tôi hai hàng chữ một người nào, tôi sẽ làm cho hắn bị xử giảo cho xem… Cái thủ đoạn thô thiển và bất lương ấy thường ăn độc giả lắm. Nhưng nhà phê bình cũng có thể sa vào sai lầm ấy một cách chân thành, nếu họ không để ý đến văn mạch.
Sở dĩ tôi nhấn mạnh về đức liêm sỉ này bởi nó là tất cả nền tảng của một công trình phê bình đứng đắn có tính cách khoa học của ngày này, lối phê bình sử học: Phê bình sự thành thực và chính xác của một tài liệu. Thiếu tư cách này, không thể làm một nhà phê bình lương thiện và chân chính được.
…
Và như trước đây có nói, trong các đức tính chính của nhà phê bình, khó nhất là biết giữ được sự độc lập của tinh thần. Nhà phê bình mà có tinh thần độc lập, không bao giờ để cho một học thuyết, một chế độ, một nghệ thuật, một phong trào tư tưởng, chính trị hay văn nghệ nào lung lạc, cám dỗ, làm mất sự bình tĩnh sáng suốt và cá tính đặc biệt của mình, làm cho mình chạy theo một thị hiếu nhất thời nào của quần chúng và a dua một quyền thế bất cứ do phía nào đến.
Phê bình là một nghệ thuật tổng hợp; nó đòi hỏi hai điều kiện dường như mâu thuẫn này mà thật sự không mâu thuẫn, là một mặt phải có cái thiên tư nhạy cảm biết vượt ra khỏi cái người của mình để theo dõi mà không làm méo mó tư tưởng kẻ khác; mặt khác, là bao giờ cũng giữ được mãi dấu vết của một bản ngã tân kỳ độc đáo của mình mặc dù trong lúc mình buông lỏng tâm hồn theo tư tưởng kẻ khác [24].
Jules Lachelier khuyên ta: Muốn biết rõ một học thuyết nào, điều kiện đầu tiên là phải vào trong đó, và điều kiện kế đó là phải ra khỏi đó. Có nhập rồi phải có xuất, đó là chỗ khó khăn và uyển chuyển nhất của nhà phê bình.
…
Phê bình là để chống lại cái nạn máy móc tâm hồn của độc giả thường sống vô tâm và quá máy móc theo những thành kiến, chỉ chịu nhận những gì hạp với lòng ưa thích riêng tư của mình thôi. Nhà phê bình là người luôn luôn sáng suốt, có bổn phận đánh thức độc giả để giới thiệu, làm cho họ hiểu được những việc hết sức tấm thường của cuộc đời. Sự ưa thích của quần chúng thiếu học thường là sự ưa thích một chiều và hạn định trong một hệ thống tư tưởng nào. Nhà phê bình làm nới rộng nhãn quan của họ, hướng dẫn họ vào những chân trời mới lạ…
…
Nhưng, trước khi tự mình làm được công việc giải thoát con người ra khỏi sự máy móc tâm hồn [25] thì trước nhất phải chống lại với máy móc ngay chính ở tâm hồn của mình. Nghĩa là hãy chống lại với thành kiến của mình, nhất là cái thành kiến tự tôn tự đại cho rằng chỉ có mình là có lý mà thôi. Cái thói cho mình là có lý, cái hình ảnh méo mó và đẩy kiêu căng của thứ con người luôn luôn cho mình là có lý: có lý khi đứng, có lý khi nằm, có lý khi uống, ai cùng một ý với ta là phải, ai không cùng một ý với ta là quấy (…). Nhà phê bình chỉ đem những gì kẻ khác đã nói để mà bàn trong vài trăm hàng chữ một công trình mà tác giả của nó đã phải cần cù nhẫn nại làm việc suốt trên hai ba năm, hoặc năm mười năm mới xong. Họ phê phán theo những gì mà tác giả đã chỉ dạy cho họ biết, họ leo lên vai người ta để mà giảng dạy lại, lên giọng thầy đời; nhờ ở địa thế đó (nhờ đứng trên vai người) mà họ đã làm cho ai ai cũng tưởng dường như họ là người cao lớn hơn, hiểu biết hơn, có thể làm còn giỏi hơn nhiều. [26]. Nói thế, Albert Thibaudet muốn bảo rằng những nhà phê bình có thói cho rằng mình bao giờ cũng có lý và thích làm thầy đời ấy, bắt chước thằng lùn leo lên vai người cao lớn lại còn vỗ vào đầu anh khổng lồ mà bảo: Tao cao hơn và ngó xa hơn mày!
Đối với hạng nhà phê bình trên đây, học lỏm những điều nghiên cứu học hỏi của người, để rồi lên mặt thầy của người mà sửa dạy lại, Socrate đã phải mắng họ như thế này: này anh bạn! Anh dốt đặc lại còn đi dạy ai nữa, cái học mà anh đã phải đi học của người ta! Anh đi dạy người thông thái ư? Hay đi dạy người dốt nát? Cái việc mà anh có thể giúp được kẻ dốt nát hơn anh đó là anh dạy họ dốt thêm bằng ba cái dốt của trước kia. Là vì trước hết, họ cũng vẫn dốt; kế đó, tưởng rằng anh đã biết, họ đâu có dè là anh cũng dốt như họ; và sau cùng, tưởng rằng anh đã dạy họ được điều gì thì té ra họ cũng vẫn còn là dốt.
Montesquieu, trong bài tựa quyển Vạn Pháp Tinh Lý (l‟Esprit des lois), có viết: Tôi xin mọi ân huệ mà tôi sợ người ta không ban cho tôi: là đừng có phê phán một công trình hai mươi năm bằng sự chỉ đọc qua trong một lúc.
Chính nhà phê bình Brunetière, trong tờ Le Temps, ngày 5 tháng 2 năm 1905, cũng tự thú một cách ngạo nghễ rằng: Tôi đọc sách nhiều lắm, tôi đọc mau và tôi lại nhớ dai lắm. Như sáng này… tôi đã đọc trong hai tiếng đồng hồ tác phẩm của ông Anatole France vừa xuất bản chiều hôm qua, tên là Sur la Pierre Blanche. Tôi đã đọc nó để có thể kịp trình bày, nghĩa là để phân tích nó, bình giảng nó, phê bình nó.
Khủng khiếp chưa?
…
Mặc dù, cũng có nhiều nhà phê bình văn nghệ tinh thâm lắm, chỉ trong một cái nhìn qua là đã nhận thấy ngay chỗ hay, chỗ dở cùng những khiếm khuyết của một tác phẩm như các nhà phê bình hội họa, chúng ta không nên quá tin tưởng nơi cái khiếu phê bình nhạy cảm phi thường ấy của các nhà nghệ sĩ lão luyện. Ta cần nhiều thận trọng, để đừng bất công đối với bất cứ một tác phẩm nào. Muốn có được luồng mắt sâu sắc tinh tế, các nhà phê bình lão luyện đã tốn không biết bao nhiêu công phu mới đến mức sành sỏi như thế. Một nhà phê bình thơ, ít ra phải là người rất thích làm thơ và đã vất vả nhiều trong nghề làm thơ. Vậy muốn làm nhà phê bình, trong khi tập sự, không nên có những thái độ ngạo nghễ tự thị như những kẻ lành nghề.
…
Lại còn một vấn đề nữa mà nhà phê bình không nên xem thường: Vấn đề thành công. Nghĩa là tác phẩm có được người đồng thời hoan nghênh hay không? Có nhiều tác phẩm tầm thường, thế mà vừa xuất bản là bán chạy rất mau, trái lại, có nhiều quyển sách giá trị lại bị kẻ đồng thời không ai để ý.
Không thể vịn vào lẽ bị kẻ đồng thời thờ ơ lãnh đạm mà vội cho rằng tác phẩm không giá trị gì cả. Cũng không thể vịn vào việc sách bán chạy mà cho rằng tác phẩm là hay. André Maurois nói: Được hoan nghênh hay không được hoan nghênh cũng không chứng minh rằng tác phẩm ấy là hay hoặc dở gì cả. Như trường hợp của Stendhal (1783-1842). Ông viết: Tôi sẽ có độc giả vào khoảng 1880, là lối 50 năm về sau. Nhưng sự thật đến này, sau hơn một thế kỷ, độc giả của ông vẫn càng ngày càng tăng vùn vụt. Quyển Le Rouge et le Noir của ông bị kẻ đồng thời im hơi lặng tiếng đâu phải vì nó là một tác phẩm dở, không giá trị gì cả, mà trái lại là khác!_
Francisque Sarcey, trong Quarante ans de Théâtre có viết: Đối với tôi, một tác phẩm được hoan nghênh không đủ chứng minh nó có giá trị, nhưng ít ra nó cũng chỉ cho ta thấy rằng giữa tác phẩm và lòng ưa thích của quần chúng có nhiều quan hệ bí mật mà ta cần phải chú ý để tìm ra. Nghĩa là sự được hoan nghênh của một tác phẩm ít ra cũng chứng tỏ cho ta biết rõ trình độ độc giả của đương thời hoặc xu hướng chung của thời buổi là như thế nào. Một quyển sách mà bán chạy là vì nó đã đáp đúng những câu hỏi cấp thời của quần chúng, và có lẽ cũng chỉ có thế mà thôi. Muốn đánh giá nó, phải đứng về một khía cạnh khác.
…
Nhà phê bình cần phải biết vượt lên những ưu thích riêng tư của mình để xét đoán những tác phẩm mà mình không ưa thích, nghĩa là nhà phê bình không nên đọc sách như một độc giả thường kia. Độc giả thường chỉ chịu đọc những gì họ thích; họ không bao giờ có đủ can đảm đọc những gì họ không ưa.
Nhà phê bình đứng đắn và xứng đáng với danh từ ấy không nên quan niệm sự tận thiện của một tác phẩm tiểu thuyết theo những loại tiểu thuyết mà mình ưa thích, và căn cứ vào sự ưa ghét riêng của mình về một loại tiểu thuyết nào đó để chống đối một văn nghệ sĩ có một quan niệm mới lạ. Lòng thông cảm của họ phải mở rộng đối với tất cả mọi văn phẩm, và phải biết khen những tác phẩm mà riêng họ tuy không thích, nhưng có giá trị thực sự.
Có nhiều nhà phê bình lại đi làm cái việc của một độc giả thường kia thôi, nghĩa là nếu họ không thích thì họ rầy rà đủ điểu: Chê nào là lạc hậu, là phong kiến, là phản tiến hóa, là không kịp thời… vân vân và vân vân. Người đọc sách mà chỉ tìm những gì mình ưa thích theo cái chiều hướng tự nhiên của tâm hồn mình, dĩ nhiên sẽ đòi hỏi nhà văn phải đáp ứng với lòng nguyện ước của họ: họ sẽ khen đáo để những quyển sách nào thỏa mãn được họ, và chê không tiếc lời những sách họ không ưa thích.
Nhà phê bình không nên đọc sách như thế, mà cần đòi hỏi nơi tác giả phải cho ta những tác phẩm hợp với thiên tài, hợp với lập trường tư tưởng và tính khí của họ một cách tài hoa. Nhà phê bình phải biết thưởng thức cái đẹp của mỗi loài hoa và đòi hỏi cây nào phải trổ hoa này với những mùi thơm và màu sắc đặc biệt của chúng với cả những gai nhọn của chúng nếu có.
Tóm lại, nhà phê bình văn học không phải là một vị quan tòa; cũng không phải là một nhà giáo, thích dạy học và cho điểm tốt những học sinh nào vừa lòng hợp ý mình và rẩy la mắng chửi nếu chúng tỏ ra cứng đầu, khó dạy. Sự thật, sứ mạng của họ là phục vụ, và có thể tóm lại trong ba điểm này: hiểu biết, soi sáng và truyền bá [27].
Bấy nhiêu cũng đủ thấy làm được một nhà phê bình đứng đắn đâu phải là một chuyện dễ, và ai ai cũng có thể làm được. Mà trái lại, nó phải là công phu quan sát và học hỏi của suốt một đời người, thành công rất ít mà thất bại rất nhiều. Là vì, muốn xứng đáng là một nhà phê bình, chẳng những phải có tài cao mà cũng cần đức rộng.
Chú thích
Jérôme et Jean Tharaud – Présface du roman d‟André Demaison; Diato. P., Albin Michel.
André Gide, Journal – Bibliothèque de la Pléiade, p. 27-28, 1939.
Ernest Renan, Discours et Conférences, Réponse au discours de M. de Les-seps, Oeuvres complètes, édition définitive, P. Calmann-Lévy, t.I (1947), p. 800.
André Maurois, Comment devenir écrivain. P. Lecture pour Tous. (Avril 1961).
André Maurois, Lecture pour Tous (Avril 1961).
André Gide, Journal, 3 Déc, 1909. P. Gallimard (1940), La Pléiade, p. 278.
Charles Braibant, Le Métier d_Écrivain. P. Corréa, 1951, p. 16.
La Bruyère, Les Caractères, Des ouvrages de l‟ésprit, I.
Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean.
Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes, P. Gallimard, La Pléiade, 1948.
Tôi Tự Học (cùng một tác giả).
J.J. Rousseau, Correspondance générale, éd. Dufort, t. III, P.A. Colin, 1930, p. 220 – 221.
Stendhal, Mémoires d‟un touriste, édition publiée par Yves Gandon. P. Crès, 1927, 2 vol, t. II, p. 322.
Sainte-Beuve phê bình La Buyère có viết: L‟art chez lui est grand très grand, mais il riest pas suprême, car il se sent. (Nghệ thuật của ông thì cao, cao lắm, nhưng chưa phải là tuyệt, vì người ta còn cảm thấy có cái nghệ thuật ấy.)
Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes: Un homme qui se respect n‟a qu‟une chose à faire: publier, ne voir personne et oublier son livre.
Stendhal, Racine et Shakespeare, texte établi et annoté par Henry Debraye et Louis Royer, P. Martino (1925) 1.I, p. 54.
Trường hợp của Corneille: ông đã bỏ ba năm không thèm cầm bút nữa, sau khi bị công kích thậm tệ và mạt sát không tiếc lời.
[18] Paul Léautaud, Entretiens avec Robert Mallet, P. Gallimard, p. 151. Un écriv-ain qui reçoit un prix littéraire est déshonoré.
[19] Philippe Néricault Destouches, Le Glorieux, Acte II, sc. V: La critique est aisée, et lart est difficile
[20] Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean. P. Ollendorff, p. 4-6. [21] William Shakespeare: Juger autrui, c‟est se juger.
[22] Charles Baudouin.
[23]… Excès de justice, excès d‟injustice. (Quá công bình, quá bất công.)
[24] René Lalou – P. éd. Rieder, Paris, 1937, p. 30.
[25] Tâm hồn của kẻ sống vô tâm như bộ máy (thường gọi là cơ tâm).
[26] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.
[27] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.
[28] Trích trong Luận Tùng (trang 110).
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 01 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 02 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 03 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 04 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 05 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 06 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, toàn tập tại đây.