Thu Giang | Để trở thành nhà văn | Chương 06
Thu Giang là hiệu của Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang và mất năm 1998 tại TP.Hồ Chí Minh…
· 20 phút đọc.
Thu Giang là hiệu của Nguyễn Duy Cần, một học giả, nhà văn, nhà biên khảo và trước tác kỳ cựu vào bậc nhất Việt Nam giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang và mất năm 1998 tại TP.Hồ Chí Minh.
Cái hôn lần đầu
Em tuổi ngây thơ chửa biết tình,
Lòng em trong trẻo cảnh bình minh;
Mặt hồ lặng lẽ, xuân êm ái,
Man mác ngày xuân với tuổi xanh.
Em không náo nức chẳng thương yêu,
Đầy đặn lòng em, mặt nước triều,
Ánh sáng tưng bừng, em chẳng cảm,
Mặc chùm hoa nở, tiếng chim kêu!
Một hôm gió gợn mặt hồ xao
Ngọn sóng lòng em bỗng dạt dào.
Ánh sáng tưng bừng, em hớn hở.
Chim kêu, hoa nở, cảnh vui sao!
Em biết thương yêu cảnh tốt xinh.
Rồi em cảm thấy biết yêu anh.
Gió xuân ôm cánh hồn ân ái.
Em thấy lòng em phơi phới tình.
Rồi cánh tay tình anh ẵm em,
Chim non nằm dưới tổ êm đềm.
Lòng anh ấm áp, em sung sướng
Tình ái êm đềm như tổ chim.
Mắt anh âu yếm nét nên thơ.
Hồi hộp nhìn anh, em ngẩn ngơ
E ấp môi em kề cạnh má,
Ái tình ngan ngát vị say sưa.
…
Cô gái xuân
Trong xóm làng trên, cô gái thơ,
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ.
Gió đông mơn trớn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.
Lững thững lên trường buổi sớm chiều,
Tập tành nghiên bút, học may thêu,
Quần đen, áo trắng, khăn hồng nhẹ,
Ngọn xõa ngang vai, tóc bỏ đều.
Lá rợp cành xoài, bóng ngả ngang.
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán; Gió mát, lòng cô cũng nhẹ nhàng.
Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh, Lòng cô phấp phới biết bao tình, Vội vàng để vở lên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.
Áo trắng, khăn hồng gió phất phơ, Nhẹ nhàng, vui vẻ nét ngây thơ, Trông cô hớn hở như đàn bướm, Thong thả trời xuân mặc nhởn nhơ.
Đàn bướm bay cao, cô trở về; Sửa khăn, cắp sách lại ra đi.
Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc, Vì bướm ngày xuân chẳng thiếu chi.
(…)
Cũng xóm làng trên, cô gái thơ, Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ.
Gió đông mơn trớn bông hoa nở, Lòng gái xuân kia náo nức chờ.
Tưng bừng hoa nở bóng ngày xuân, Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.
Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng, Đợi chờ tưởng nhớ bóng tình quân.
Tình quân cô ấy sự thương yêu, Đằm thắm, xinh tươi lắm mỹ miều. Khao khát đợi chờ cô chửa gặp, Lòng cô cảm thấy cảnh đìu hiu?
Một hôm chợt thấy hóng tình quân, Gió lộng mây đưa thoáng đến gần, Giăng cánh tay tình cô đón bắt, Vô tình mây gió cuốn xa dần.
_Gót ngọc phăng phăng cô đuổi theo Tình quân em hỡi, hỡi người yêu? Gió mây xin để tình quân lại: Chậm chậm cho em nói ít điều.
Than ôi! Mây gió vẫn vô tình; Cuồn cuộn bay lên ngọn núi xanh. Nhìn ngọn núi xanh mây khói tỏa, Mắt cô đôi giọt lệ long lanh.
Lá rợp cành xoài, bóng ngả ngang. Cô em dừng bước nghỉ bên đường, Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán; Gió mát lòng cô những cảm thương.
Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ, Chốn này, đuổi bướm bắt ngày xưa, Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ.
Đàn bướm bay qua bãi cỏ xanh,
Lòng cô phấp phới biết bao tình.
Vội vàng để vở bên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh…
Đàn bướm bay cao cô trở về:
Sửa khăn, cắp sách lại ra đi.
Thản nhiên, cô chẳng lòng thương tiếc,
Vi bướm ngày xuân chẳng thiếu chi.
…
Ái tình nào phải bướm ngày xuân,
Tình ái, ngày xuân, chỉ một lần.
Một thoáng bay qua không trở lại,
Gái xuân rỏ lệ khóc tình quân.
Xuân Giang
(7/4/1934)
…
Phê bình bài Cái Hôn Lần Đầu và Cô Gái Xuân của thi sĩ Xuân Giang
Theo lời ông Đông Hồ ở trong số báo Việt Dân ra ngày 7/4/1934, thời một nhà thi sĩ sành về thơ cũ, ông Xuân Giang, có một tập thơ tên là Nguồn Thi Cảm Mới.
Hai bài Cái Hôn Lần Đầu và Cô Gái Xuân, trích tập thơ này đăng ở báo Việt Dân có cái giọng thật là mới mẻ. Tôi không ngại gì mà không thú thật rằng, khi đọc qua ngâm lại, tôi đã buông ra lời: In giọng Sully Prud‟homme. Nhưng đó là cái ý riêng của tôi, không đủ khinh trọng.
Ở đây tôi muốn dẹp lại những vấn đề, lý luận cùng học phái. Tôi không muốn động đến vấn đề thơ cũ, thơ mới, dẫu cho tôi hết sức hoan nghênh lối thơ sau, hết sức hoan nghênh bát bất chủ nghĩa của Hồ Thích, hết sức hoan nghênh tập Les Douze Poètes của bộ tùng thơ Horizon.
Tôi chỉ muốn đứng về phương diện nghệ thuật. Không, tôi còn muốn thu hẹp ranh cấp hơn nữa: Tôi chỉ muốn đứng về phương diện kỹ thuật, muốn vào trong công trường, vào trong trung điện mật nhiệm của nhà nghề để xem cái tay thợ đang kiến trúc.
Tôi sẽ xem được hay không, tôi xem mà sẽ thấy hay không? Mặc kệ, cứ bước sấn tới thử xem.
Trước hết, tôi không muốn để chữ Quốc Ngữ nó làm lầm tôi, vì tôi đã quen với sự in lầm nhiều lắm rồi. Nghề in đôi khi cũng là bất tiện quá!
Hai bài thơ trích tập Nguồn Thi Cảm Mới, thể chất và cách điệu cùng như nhau. Hai bài cũng chỉ có một chủ chỉ là cuộc nổi dậy, do ái tình phiến động, làm khuynh đảo tâm hồn đương yên tĩnh êm đềm của người con gái, hoặc nói của con người cũng được.
Tác giả dùng lối bồi thần, tả hai cái hiện tượng tương tiếp nhau của một cái bản thể duy nhất, để làm cho càng biểu lộ những nét tế vi của nó ra.
Vẽ cái bản thể của ái tình là điều có phải dễ dàng đâu. Tác giả, trờ qua phía khác, mà cứ ở hiện tượng. Cái hiện tượng của ái tình, ở đây lại khéo mượn vật cụ thể để dụ dẫn, làm cho người đọc dễ cảm xúc. Hoặc lấy nước hổ khi bằng phẳng mà tỏ tâm hồn người chưa biết ái tình!
Mặt hồ lặng lẽ xuân êm ái…
Lại lấy nước hồ khi gợn sóng mà tả tâm hồn người đã vào ái tình:
Một hôm gió gợn mặt hồ xao,
Ngọn sóng lòng em bỗng dạt dào…
Hoặc lấy bóng râm, gió mát, bướm bay mà tỏ cái tâm hồn người chưa biết ái tình còn thưởng cảnh vật thiên nhiên một cách thản nhiên:
Lá rợp cành xoài, bóng ngả ngang.
Cô em dừng bước nghỉ bên đường;
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán;
Gió mát lòng cô củng nhẹ nhàng.
(…)
Vội vàng để vở lên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh.
Rồi lại lấy bóng râm, gió mát, bướm bay mà tả cái tâm hồn người đã vướng ái tình đối cảnh mà tình tha thiết:
Lá rợp cành xoài, bóng ngả ngang.
Cô em dừng bước nghỉ bên đường,
Cởi khăn phẩy giọt mồ hôi trán;
Gió mát lòng cô những cảm thương.
(…)
Ái tình nào phải bướm ngày xuân,
(…) Một thoáng bay qua không trở lại…
Trước sau, cảnh một mà tình hai: Hiện tượng vẫn hai mà bản thể vẫn một. Cái bản thể một không phải hai do tác giả biểu xuất được rất nhiều thần tình là nhờ cái kỹ thuật _trùng phụ_c, đem lời tả cảnh trước mà tả lại cảnh sau. Trước sau lời dẫu có như nhau mà kỳ trung vẫn khác. Khác ở ý nghĩa, khác ở chỗ đổi thay, thêm bớt hình dung từ hoặc trạng từ:
Ánh sáng tưng bừng em chẳng cảm,
Mặc chùm hoa nở, tiếng chim kêu…
là tâm hồn trước khi biết ái tình, mà sau khi biết ái tình thời:
Ánh sáng tưng bừng, em hớn hở,
Chim kêu hoa nở, cảnh vui sao!
Thời cũng người ấy, cảnh ấy, bản thể ấy, cũng:
Trong xóm làng trên, cô gái thơ
mà tình chưa nhồi sóng, khi:
Tuổi xuân mơn mởn vẻ đào tơ
Thời tấm lòng yên tĩnh:
Gió đông mơn trớn bông hoa nở.
Lòng gái xuân kia vẫn hững hờ.
mà tình chợt dậy rồi, thời:
Cũng xóm làng trên, cô gái thơ
Thời tấm lòng mất yên tĩnh, mà:
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ,
nó lại không hững hờ với gió đông được nữa:
Gió đông mơn trốn bông hoa nở,
Lòng gái xuân kia náo nức chờ.
Chờ… rồi chợt thấy, gần như được. Nhưng nào ngờ lại thành ra một chuyện bắt bướm hụt, mà: Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ,
Cô buồn, cô tiếc, cô ngùi ngậm,
Cô nhớ ngày xuân, nhớ tuổi thơ!
Là cái tuổi trong trẻo, bình minh, còn lững thững lên trường buổi sớm chiều, mỗi mỗi lượt thấy bướm bay qua bãi cỏ xanh là mỗi một lượt lòng phấp phới:
Vội vàng để vở lên bờ cỏ,
Thoăn thoắt theo liền đàn bướm xinh!
Đó là hai chỗ xuất sắc trong kỹ thuật tác giả.
Một là dùng phép bồi thần, lại là dùng phép trùng phục. Phép nào tác giả dùng, tác giả cũng làm chủ nó được, điều khiển nó được cả.
Ngoài ra, còn những cái đặc sắc mà tôi không nỡ bỏ qua không nhắc đến. Như khéo dùng âm hưởng cho kêu câu văn:
Tuổi xuân hơn hớn vẻ đào tơ…
Khéo dùng vật cụ thể dụ dẫn sự vô hình:
Chim non nằm dưới tổ êm đềm.
Lòng anh ấm áp, em sung sướng
Tình ái êm đềm như tổ chim.
Nhất là khéo dùng hình ảnh linh hoạt và có thể sắc làm thành những bức tranh nhỏ thần tình:
Ánh sáng tưng bừng…
Hồi hộp nhìn em ngẩn ngơ…
Quần đen, áo trắng khăn hồng nhẹ
Tác giả lại có cái tài khéo dùng tiếng nói chuyện thường ngày mà để vào chỗ hạp tình hạp tiết, thành ra có duyên, như những tiếng:
Lòng em trong trẻo…
Em không náo nức;
Lững thững lên trường…
Lòng em phấp phới
Kỹ thuật được như vậy, thi tứ dồi dào, khéo mà luyện tập cho nên.
Tiếc vì, về tự nghĩa sao chừng như tác giả không chắc cho mấy, hay là không lưu tâm đến mấy. Tôi không hiểu như nước triều mà tác giả dùng, nghĩa ra làm sao? Cứ như câu:
Đầy đặn lòng em mặt nước triều.
Ở đây chữ triều có nghĩa là yên lặng. Mà thuở này thời cái nghĩa của nó là lưu động, xem như câu Truyện Kiều nói:
Ngọn triều non bạc trùng trùng.
Còn về cái tổ ấm chim thì có thể dùng tiếng dưới mà chỉ cái đáy nó hay không, mà nói: Chim non nằm dưới tổ êm đềm?
Lại có tiếng mơn trớn, tác giả hiểu nghĩa nào mà nói là: Gió đông mơn trớn bông hoa nở? Tôi cũng lại không biết ngẩn ngơ tác giả hiểu làm sao mà:
Hồi hộp nhìn anh, em ngẩn ngơ.
Lững thững bên đường cô ngẩn ngơ.
Mà đó chỉ là những chỗ sơ lậu cỏn con, không có nghĩa gì, không có phương hại gì cho cái thi tài của tác giả là người thật có biệt tài. Tôi chưa được dịp biết thi sĩ nào trong làng văn chữ Nho, hay Quốc Ngữ, mà lìa bỏ được những cái phóng từ mơ màng đuổi rượt những cái tư tưởng vu vơ theo gió trăng non nước, cùng những cái tư tưởng thông thường về nhân tình thế sự, nghĩa là ha bỏ được cái ngoại giới mà quay trở về mình, chú lực vào trong thân, trong mình, để miêu tả nội giới hay không? Thật tôi chưa từng thấy có, mà cũng có lẽ tại kiến văn tôi cô lậu thật.
này thấy ông Xuân Giang là một. Cái ráng sức mà nội tỉnh đó, cái ráng sức mà phân tích những nỗi u uẩn trong tâm hồn đó là điều rất đáng hoan nghênh và tưởng lệ. Giá thử tôi mà có văn tài thế lực thời tôi không ngại gì giới thiệu ông Xuân Giang một cách sốt sắng, về phương diện kỹ thuật mà thôi. Tôi nói về phương diện kỹ thuật vị tất là khen người về phương diện khác, một là bởi không bằng cứ được ở kỹ thuật nghệ thuật mà biết người, một là bởi không bằng cứ được ở nơi sự thành tựu của một người phụng sự một cái chủ nghĩa nghệ thuật nào mà dám quyết rằng người ấy sẽ thành tựu khi phụng sự một chủ nghĩa nghệ thuật khác, nhất là cái chủ nghĩa nghệ thuật có hàm lý tưởng xã hội.
Phan Văn Hùm
(3/5/1934)
…
Chú ý: Hai bài phê bình trên đây của Phan Văn Hùm, có thể xem là những bài phê bình đứng đắn gồm được vừa đủ những đức cần thiết để có thể gọi là những bài phê bình gương mẫu: Tìm hiểu, làm cho kẻ khác cùng hiểu, soi sáng và truyền bá. Lời văn lại hết sức là thanh lịch.
Sau khi đọc xong bài phê bình, chính tác giả của hai bài Cái hôn lần đầu và Cô gái xuân (tức thi sĩ Đông Hồ, giả thác là Xuân Giang) lên tiếng cảm ơn phê bình gia một cách hậu trọng như thế này: Xin trân trọng cảm ơn Phan Quân đã phê bình chỗ sở trường cũng như chỗ sở đoản, rất là ngay thẳng thành thực, và phê bình một cách phân minh cẩn thận, khảo hạch phân tích một cách thấu đáo tinh vi, chẳng những có bổ ích cho thi giới nước ta mà riêng phần tôi cũng lĩnh hội được nhiều ích lợi cho văn nghiệp, cho học vấn… [28]
Phê bình gia mà được như thế, quả là một ân huệ của trời ban, vinh dự cho văn học giới nước nhà không biết chừng nào!
Tư Tưởng
Không ai giúp ai được, vì không ai giống ai cả. – Jules Payot.
Quá khứ luôn luôn có mặt nơi hiện tại. – Maurice Maeterlinck.
Kẻ chết thống trị người sống. – Auguste Comte.
Sự thù ghét sẽ giúp cho ta giải phẫu và phân tích rõ một tác phẩm hơn, nhưng chỉ có lòng thương mới có thể giúp ta thông cảm được cái hay của tác phẩm mà thôi. – André Siegfried.
Óc hẹp hòi là những đầu óc không thể hiểu được, hoặc không chịu tìm hiểu những gì mình không ưa thích. – P. Masson-Oursel.
Chỉ có những ai không biết lo ngại đến sự thành công của mình đối với quần chúng, mới dám nói thẳng những chân lý nghịch lại với thời đại. – J.J. Rousseau.
Cố gắng để mà viết ra những tư tưởng của mình là phương pháp rất hay để suy nghĩ. – Miguel de Unamuno.
Tất cả mọi người đều có thể thành nhà văn cả, khi nào họ có điều muốn nói. Viết ra, không khó khăn gì cả; cái hiếm có, cái khó khăn là phải có trong đầu óc những câu chuyện gì đáng kể để kể, những ý tưởng gì đáng nói để nói ra. – Jérôme và Jean Tharaud.
Đơn giản là điều khó khăn nhất trong đời: Ấy là tiếng nói cuối cùng của kinh nghiệm và tài hoa. – George Sand.
Không có cái gì là dễ; nhưng cái gì rồi cũng sẽ trở nên dễ, nếu ta biết trì chí kiên tâm. – André Maurois.
Phê bình bằng cách chế nhạo, thường là do sự nghèo nàn cằn cỗi của tâm hồn. – La Bruyère.
Theo tôi, dường như nhà văn cũng cần phải can đảm như người chiến binh ngoài mặt trận; họ cần không nên nghĩ đến các nhà báo, như người chiến binh đừng nên nghĩ đến nhà thương. – Stendhal.
Sách mà có người đọc, là sách lâu dài; sách mà người ta đọc đi đọc lại, là sách bất tử. – A. Dumas fils
Rất ít người có ngày giờ để đọc sách thật kỹ. – Voltaire.
Người ta càng biết nhiều chừng nào lại càng ít dám quả quyết chừng này. – Cách ngôn Ý.
Ước chi tuổi trẻ hiểu được; Ước chi tuổi già làm được! – Henri Estienne.
Công kích một tác phẩm dễ hơn là phê bình, thưởng thức nó. – Vauvenargues
Khi đọc một tác phẩm nào, tôi tự đặt cho mình một quy tắc, là nhìn nhận và theo dõi tư tưởng của tác phẩm mà không bao giờ đem tư tưởng riêng của mình hay của kẻ khác pha vào, và không nên bao giờ cãi lại… Phương pháp ấy không phải là không có chỗ hại, tôi vẫn biết thế, nhưng nó đã giúp tôi học thêm rất nhiều. – Charles Baudouin.
Cái gì nó đẹp, thì đâu cần phải cố mà trang sức thêm. Còn phải lo trang sức là vì chưa thực đẹp. Một ý tưởng hay và đẹp cũng thế. – Félix Hemon.
Thuật hùng biện không cần đến thuật hùng biện. – Fénelon.
Chỉ khi nào người ta thật thông thái mới có thể giản dị được mà thôi. – Vinet.
Lễ phép chẳng những ảnh hưởng cử chỉ của ta mà thôi, nó cũng ảnh hưởng luôn cả tư tưởng và tình cảm của ta nữa. Nó làm cho ý kiến của ta, cũng như tình cảm và lời nói của ta, trở thành ôn hòa và mực thước. – Joubert.
Người ta luôn luôn được khen hay chê, nhưng không ai được hiểu. – Nietzsche.
Hãy thay vào lối phê bình nghèo nàn vô bổ của sự chê bai cái dở, cái xấu bằng lối phê bình phong phú và ý vị của sự nêu ra những cái hay cái đẹp của tác phẩm. – Chateaubriand.
Nghề phê bình quả thật là một cái nghề cũ kỹ lắm: Bất cứ ở thời nào, có những kẻ không đủ tài hành động hay sáng tác họ tự cho có phận sự rất quan trọng là đi phê bình hành vi và tác phẩm của kẻ khác. – Marcel Pagnol.
Đến tuổi trưởng thành, tức là đến tuổi sống cô đơn. – Jean Rostand.
Ta phải xé nát lòng ta để mà viết ra quyển sách, cũng như con chàng bè tự xé ruột gan để nuôi con. Chúng ta chỉ là những con chàng bè của nghệ thuật đó thôi! – Édouard Bourdet.
Sáng suốt và rõ ràng, đó là cái Lễ của nhà văn. – Jules Renard.
Một câu nói mỉa mai, châm biếm, dù hay ho đến đâu cũng chưa từng cải thiện được một ai cả! – Victor de Laprade.
Dạy, là học lại lần thứ hai. – Joseph Joubert.
Khen mà không dám khen hết lời là tâm tính của những kẻ tầm thường. – Vauvenargues.
Câu khen quá đáng của người bạn lại còn hại hơn là câu chê quá đáng của kẻ thù. – Ly Mã Bao
Danh dự của nhà phê bình chẳng phải ở chỗ chê hay khen, mà chính ở chỗ thông cảm và hiểu biết; và tài hoa của họ là khéo làm sao cho kẻ khác cùng hiểu được cái mà họ đã hiểu. – André Suarès.
Khó mà tư tưởng một cách tự do và cao thượng khi bị bắt buộc phải tư tưởng như thế này hay thế kia… để mà sống. Tôi muốn nói sống bằng nghề văn. Để có thể dám nói thẳng những sự thật, những chân lý to tát thì cần phải đừng nô lệ đến sự thành công của mình theo dư luận của độc giả, nghĩa là đừng nô lệ sự hoan nghênh của độc giả… Tôi đưa quyển sách tôi ra mắt đồng bào và nhân loại với một tấm lòng chân thành là để giúp ích, nhưng nếu có những ai không bằng lòng nó, mặc họ! Tôi đâu có cần đến sự chấp thuận của họ mới sống được! – Jean-Jacques Rousseau – Confessions, livres VIII & IX.
Không có một tác phẩm nào có thể tồn tại được với những lời phê bình khắc nghiệt của các phê bình gia; và nếu chính tác giả cũng tin nơi các lời phê bình ấy, chắc chắn tác phẩm họ cũng sẽ bị tiêu hủy luôn, vì nhà phê bình nào cũng muốn mình phải bôi bỏ những đoạn mà họ không mấy vừa lòng. – La Bruyère.
Phê bình là một thứ thuế mà lòng tật đố dùng để đánh trên những tác phẩm tài hoa. – Duc de Lévis.
Chú thích
Jérôme et Jean Tharaud – Présface du roman d‟André Demaison; Diato. P., Albin Michel.
André Gide, Journal – Bibliothèque de la Pléiade, p. 27-28, 1939.
Ernest Renan, Discours et Conférences, Réponse au discours de M. de Les-seps, Oeuvres complètes, édition définitive, P. Calmann-Lévy, t.I (1947), p. 800.
André Maurois, Comment devenir écrivain. P. Lecture pour Tous. (Avril 1961).
André Maurois, Lecture pour Tous (Avril 1961).
André Gide, Journal, 3 Déc, 1909. P. Gallimard (1940), La Pléiade, p. 278.
Charles Braibant, Le Métier d_Écrivain. P. Corréa, 1951, p. 16.
La Bruyère, Les Caractères, Des ouvrages de l‟ésprit, I.
Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean.
Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes, P. Gallimard, La Pléiade, 1948.
Tôi Tự Học (cùng một tác giả).
J.J. Rousseau, Correspondance générale, éd. Dufort, t. III, P.A. Colin, 1930, p. 220 – 221.
Stendhal, Mémoires d‟un touriste, édition publiée par Yves Gandon. P. Crès, 1927, 2 vol, t. II, p. 322.
Sainte-Beuve phê bình La Buyère có viết: L‟art chez lui est grand très grand, mais il riest pas suprême, car il se sent. (Nghệ thuật của ông thì cao, cao lắm, nhưng chưa phải là tuyệt, vì người ta còn cảm thấy có cái nghệ thuật ấy.)
Alfred de Vigny, Journal d‟un poète, dans Oeuvres complètes: Un homme qui se respect n‟a qu‟une chose à faire: publier, ne voir personne et oublier son livre.
Stendhal, Racine et Shakespeare, texte établi et annoté par Henry Debraye et Louis Royer, P. Martino (1925) 1.I, p. 54.
Trường hợp của Corneille: ông đã bỏ ba năm không thèm cầm bút nữa, sau khi bị công kích thậm tệ và mạt sát không tiếc lời.
[18] Paul Léautaud, Entretiens avec Robert Mallet, P. Gallimard, p. 151. Un écriv-ain qui reçoit un prix littéraire est déshonoré.
[19] Philippe Néricault Destouches, Le Glorieux, Acte II, sc. V: La critique est aisée, et lart est difficile
[20] Guy de Maupassant, Le Roman, Préface de Pierre et Jean. P. Ollendorff, p. 4-6. [21] William Shakespeare: Juger autrui, c‟est se juger.
[22] Charles Baudouin.
[23]… Excès de justice, excès d‟injustice. (Quá công bình, quá bất công.)
[24] René Lalou – P. éd. Rieder, Paris, 1937, p. 30.
[25] Tâm hồn của kẻ sống vô tâm như bộ máy (thường gọi là cơ tâm).
[26] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.
[27] Albert Thibaudet, Physiologie de la Critique, 1930. P. éd. de la Nouvelle Critique, p. 153 – 154.
[28] Trích trong Luận Tùng (trang 110).
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 01 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 02 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 03 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 04 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 05 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, chương 06 tại đây.
Đọc Để trở thành nhà văn, toàn tập tại đây.