Nhận thức sinh viên nghệ thuật về LGBT | Tổng quan nghiên cứu

Nghiên cứu về nhận thức LGBT của sinh viên Đại học Nghệ thuật – Huế, tài trợ bởi Đại học Sư phạm – Huế.

 · 19 phút đọc  · lượt xem.

Nghiên cứu về nhận thức LGBT của sinh viên Đại học Nghệ thuật – Huế, tài trợ bởi Đại học Sư phạm – Huế.

Nghiên cứu khoa học về LGBT với nhóm sinh viên trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, tập trung vào nhận thức của sinh viên về LGBT. Nghiên cứu được tài trợ bởi trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế vào năm 2015. Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về LGBT, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về giới tính cho giới trẻ hiện nay, hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị đối với nhóm cộng đồng LGBT.

Tổng quan tình hình nghiên cứu khoa học về LGBT

Trên thế giới

Từ sau năm 1994, khi nhiều nhà khoa học cho rằng đồng tính không phải là bệnh, mà là hiện tượng một thiên hướng tình dục bình thường, chứ không phải một căn bệnh thuộc nhóm bệnh lệch lạc giới tính và có liên quan đến các biểu hiện suy đồi đạo đức như trước đây người ta đã quan niệm. Nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến đồng tính, vì thế, trong những thập niên gần đây rất được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức và thái độ của cộng đồng đối với cộng đồng LGBT. Những nghiên cứu về nguyên nhân gây ra đồng tính, song tính hoặc chuyển giới được khá nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, xem đó như là nền tảng cơ bản nhằm đánh tan những nhận thức sai lệch, thiếu chính xác cũng như thái độ kỳ thị về cộng đồng LGBT.

Một nghiên cứu lớn tiến hành trên 3.826 cặp sinh đôi cùng giới (7.652 cá nhân) ở Thuỵ Điển đã cho thấy, những yếu tố thuộc về bẩm sinh như yếu tố di truyền và môi trường xung quanh sự hình thành và phát triển của bào thai (môi trường tử cung sớm) trước khi đứa trẻ ra đời (trong đó bao gồm quá trình sinh học như tiếp xúc hormone khác nhau trong bụng mẹ) chiếm chủ yếu trong việc hình thành thiên hướng tình dục đồng giới. Trong khi đó, các tác nhân như môi trường gia đình, xã hội, giáo dục con cái không ảnh hưởng hoặc hoặc ảnh hưởng không đáng kể tới sự hình thành thiên hướng tình dục đồng tính. Nghiên cứu này đưa ra các số liệu: yếu tố gen di truyền có ảnh hưởng khoảng 35% ở nam và 18% ở nữ, yếu tố môi trường phát triển thai nhi trong bụng mẹ (môi trường không chia sẻ) chiếm tỷ lệ chủ yếu tới 64% ở cả nam và nữ. Trong khi đó, yếu tố môi trường gia đình, xã hội, giáo dục (môi trường chia sẻ) chỉ giải thích 16% trong sự hình thành xu hướng tình dục đồng tính nữ và không có ảnh hưởng (phương sai ảnh hưởng 0%) tới sự hình thành xu hướng tình dục đồng tính nam.

Tất cả các tổ chức y tế chuyên nghiệp lớn nhất đều đã đi đến khẳng định đồng tính luyến ái không phải là một bệnh hay rối loạn tâm thần. Năm 1973, Hội đồng Quản trị của Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực tâm thần học lớn nhất thế giới đã loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Hành động này được thực hiện sau khi xem xét các tài liệu khoa học và tư vấn của chuyên gia trong lĩnh vực này, các chuyên gia thấy rằng đồng tính luyến ái không đáp ứng các tiêu chuẩn để được coi là một bệnh tâm thần. Có giai đoạn đồng tính luyến ái từng được coi là kết quả của những tác động, biến cố, khó khăn từ môi trường gia đình, xã hội hay gặp lỗi trong phát triển tâm lý. Tuy nhiên, những nhận định trên được xác định là đã dựa trên những thông tin sai lệch và định kiến.

Trong Nghị quyết về Giới tính và tình dục học đa dạng ở trẻ em và thanh thiếu niên học đường được thông qua tháng 4/2014, Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association) tổ chức nghiên cứu về tâm lý học lớn nhất thế giới và Hiệp hội quốc gia các nhà tâm lý học (the National Association of School Psychologists) đã khẳng định: Con người có sự thể hiện đa dạng trong thiên hướng tình dục, bản sắc giới tính và biểu hiện giới tính. Đồng tính luyến ái, sự hấp dẫn cảm xúc, tình yêu và tình dục đồng giới là một biến thể bình thường và tích cực của tính dục con người, đồng thời Lĩnh vực tâm lý có vai trò, nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của bản sắc cá nhân, bao gồm: thiên hướng tình dục, biểu hiện giới tính và bản sắc giới tính của tất cả các cá nhân.

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã loại bỏ đồng tính luyến ái trong danh mục bệnh từ ngày 17 tháng 5 năm 1990. Ngày 17 tháng 5 hàng năm đã được chọn là _Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (Tiếng Anh: International Day Against Homophobia and Transphobia, viết tắt: IDAHO).

Gần đây, khá nhiều nghiên cứu về thái độ và nhận thức về cộng đồng LGBT của giới trẻ, một đối tượng được xem cởi mở và dễ tiếp thu, chấp nhận cái mới được tiến hành. Tiêu biểu là nghiên cứu có quy mô rất lớn của Feng Y, Lou C, Gao E, Tu X, Cheng Y, Emerson MR, Zabin LS (2012) về nhận thức và thái độ của trẻ vị thành niên và thanh niên trẻ ở ba nước Châu Á (Hà Nội – Việt Nam, Thượng Hải – Trung Quốc và Taipei – Đài Loan), những nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Khổng giáo. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ vị thành niên và thanh niên trẻ có cái nhìn tích cực về đồng tính (chẳng hạn như cho rằng hiện tượng này bình thường, có thể chấp nhận được) là khá thấp, đặc biệt ở Hà Nội và Thượng Hải. Nhận thức và thái độ về đồng tính đồng thời có liên quan chặt chẽ với rất nhiều đặc trưng về nhân khẩu học (nông thôn, thành thị, độ tuổi,, giới tính, tình trạng học vấn, tình trạng kinh tế…) cũng như kiến thức về sức khỏe sinh sản, kiến thức về tình dục, giá trị của gia đình, giá trị về vai trò của giới… Nghiên cứu khác của Sholeh I. Mireshghi and David Matsumoto (2008) trên sinh viên Iran và Hoa Kỳ cũng cho thấy sinh viên Iran có cái nhìn tiêu cực về đồng tính hơn là sinh viên viên Hoa Kỳ. Yếu tố văn hóa – xã hội được xem là tham tố có tính dự báo lớn đối với thái độ và nhận thức của giới trẻ đối với vấn đề đồng tính.

Một nghiên cứu khác của Okal Cem Circ Akoglu trên 344 sinh viên Đại học Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy sinh viên vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm về đồng tính. Những sinh viên đã tiếp xúc với LGBT thì có thái độ tích cực hơn và cởi mở hơn. Ngoài ra, kết quả khảo sát cho thấy sinh viên quan niệm rằng nguyên nhân gây ra LGBT xuất phát từ một số nguồn sau: rối loạn (rối loạn nhiễm sắc thể, rối loạn di truyền…); khó khăn tâm lý (không tự tin, không tin tưởng người khác giới, thất tình sâu sắc với người khác giới…); khẳng định bản thân, tìm kiếm cảm giác (muốn trở nên khác biệt, không muốn bị phủ nhận, tẩy chay bởi nhóm…).

Trong nước

Mặc dù cần thiết, chưa có nhiều nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của đồng tính luyến ái ở Việt Nam . Hiện nay, trong chương trình đào tạo chưa có bài giảng chuyên sâu về lĩnh vực này.

Trong 5 năm trở lại đây, một số ít tác giả đã quan tâm nghiên cứu về nhận thức, thái độ của cộng đồng, đặc biệt là sinh viên về LGBT. Có thể kể đến trong khuynh hướng này một tác nghiên cứu tiêu biểu như Quan điểm về đồng tính của sinh viên y tế công cộng Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh của Tô Minh Ngọc, Trương Phi Hùng và Phạm Hằng Hà (2010) ; Thái độ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng với tình dục đồng giới của nhóm tác giả sinh viên Ðặng Kim Hoàn, Nguyễn Thị Thanh Phượng, Ðinh Thị Huyền Trang (2012) ;_ Nhận thức sinh viên Ngoại thương vấn đề đồng tính (2013) ; Thái độ của sinh viên trường Học viện công nghệ bưu chính viễn thông đối với đồng tính luyến ái của Dương Bảo Việt (2014) . Các kết quả nghiên cứu đều cho thấy khá nhiều sinh viên hiện nay có những nhận thức đúng đắn về đồng tính luyến ái, tuy nhiên nhận thức tiêu cực, chưa đầy đủ vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, vẫn còn khá nhiều sinh viên cho đây là một căn bệnh, một hiện tượng lệch chuẩn đạo đức xã hội cần phải ngăn chặn. Thậm chí ngay cả sinh viên Trường Đại học Y tế cộng đồng Thành phố Hồ Chí Minh cũng thiếu kiến thức và hiểu biết về cộng đồng LGBT. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết sinh viên hiếm tìm hiểu các thông tin, kiến thức có tính chuyên sâu hơn, có tính khoa học, lý luyết về vấn đề này, mà thường chỉ nghe qua, không chú ý nhiều.

Như vậy, có thể thấy khá nhiều nghiên cứu tập trung làm rõ về nguyên nhân gây nên LGBT nhằm để giúp cộng đồng hiểu hơn về bản chất của hiện tượng này. Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc hiểu biết về LGBT một cách chính xác và có thái độ tích cực đối với LGBT lại là một vấn đề khác (Okal Cem Colakoglu, 2006). Nâng cao hiểu biết cũng như thái độ của cộng đồng đối với LGBT có lẽ lại là một cuộc cách mạng lâu dài và kiên trì. Vì thế, có thể thấy việc nghiên cứu để nâng cao nhận thức của cộng đồng về cộng đồng LGBT một cách hiệu quả có thể cần phải được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai (Feng và cộng sự, 2012).

Tính cấp thiết của đề tài

Ở Việt Nam nói chung, và ở thành phố Huế nói riêng – nơi luôn đề cao và bảo vệ các giá trị truyền thống và nề nếp, gia phong, việc phân biệt, kỳ thị và thậm chí xa lánh cộng đồng LGBT dường như vẫn còn tương đối phổ biến. Hậu quả của việc kỳ thị và xa lánh dẫn đến những tác hại to lớn về mặt tinh thần cho người đồng tính, một số người không chịu nổi áp lực từ gia đình, cộng đồng phải tìm đến cái chết hoặc bỏ đi biệt xứ.

Để cải thiện sự kỳ thị của cộng đồng về vấn đề này, các cá nhân cần phải có kiến thức khoa học và hiểu biết đúng đắn về những vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những vấn đề liên quan đến LGBT thường khá nhạy cảm nhưng lại khá phức tạp nên không nhiều cá nhân thực sự tìm hiểu chúng một cách nghiêm túc từ những kênh thông tin khoa học và đáng tin cậy. Hiện nay, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về LGBT, vì thế, là một vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn và thiết thực. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức cho giới trẻ về vấn đề này càng có vai trò quan trọng hơn, bởi giới trẻ là những người ham học hỏi, khám phá và có sự tiếp thu, lĩnh hội rất nhanh nhạy cũng như có tư duy cởi mở, họ có thể đóng vai trò tiên phong trong công cuộc thay đổi cái nhìn của cộng đồng về người đồng tính.

Trên bình diện thực tiễn như vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng kiến thức, hiểu biết cũng như quan điểm, thái độ của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về cộng đồng LGBT. Kết quả nghiên cứu này nhằm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu, đặc biệt là về giáo dục giới tính, quyền bình đẳng giới

Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận và đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về LGBT, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về giới tính cho giới trẻ hiện nay, hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị đối với nhóm cộng đồng LGBT.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Nghiên cứu cơ sở lý luận về cộng đồng LGBT.

Khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về LGBT.

Đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về giới tính cho giới trẻ hiện nay.

Đối tượng và khách thể nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về LGBT.

Khách thể nghiên cứu: sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế.

Phạm vi nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu: 150 sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế.

– Trong đó, phỏng vấn bao gồm 13 sinh viên, phát phiếu trực tiếp là 21, phát phiếu qua mạng xã hội là 116. Có 87 sinh viên đến từ T.T. Huế, 63 sinh viên đến từ các nơi khác, chủ yếu là miền Trung và Tây Nguyên. Về giới tính, nghiên cứu bao gồm nam 92 và 41 nữ, ngoài ra còn 17 không công khai giới tính.

– Về tôn giáo, có 46 sinh viên theo đạo Phật, 32 theo đạo Thiên Chúa, 3 theo đạo Cơ Đốc và 57 không theo đạo nào, ngoài ra còn có 12 không công khai tôn giáo tín ngưỡng của mình. Về thành phần dân tộc, 147 sinh viên tham gia khảo sát là dân tộc Kinh và 3 không công khai dân tộc bản thân.

Nội dung nghiên cứu:

– Nhận thức của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về những khía cạnh liên quan đến cộng đồng LGBT (khái niệm LGBT; nguyên nhân xuất hiện cộng đồng LGBT; những vấn đề liên quan khác);

– Thái độ của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế về cộng đồng LGBT;

– Các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về giới cho sinh viên và giới trẻ hiện nay.

Giả thuyết khoa học

Mức độ nhận thức về những khía cạnh liên quan đến cộng đồng LGBT của sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế chưa thực sự cao. Nếu đánh giá chính xác thực trạng nhận thức của họ về LGBT sẽ đề xuất được các biện pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức về giới tính cho giới trẻ hiện nay.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu lý luận

Sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết cụ thể để tiến hành phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa lý thuyết để xác lập những vấn đề lý luận của đề tài nghiên cứu: khái niệm LGBT, đặc điểm cộng đồng LGBT, nguyên nhân xuất hiện LGBT, nhận thức và thái độ của cộng đồng và sinh viên Việt Nam đối với cộng đồng LGBT.

Phương pháp nghiên cứu thực tiễn

Phương pháp quan sát

Mục đích: Đánh giá khách quan về khách thể (sinh viên Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế) trong các tình huống được đưa ra.

Xây dựng tình huống:

– Bạn của khách thể là gay nhưng giấu kín điều đó, khách vô tình phát hiện ra điều này, phản ứng của khách thể sẽ là gì?

– Chị họ khách thể muốn sống chung cùng một cô gái, bỏ mặc lời khuyên, phản đối từ gia đình. Khách thể sẽ có hành động, lời nói gì?

Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Mục đích: Nhằm thu thập các thông tin cần thiết về khách thể nghiên cứu về đối tượng được nghiên cứu.

Bảng hỏi gồm 3 phần:

– Phần thứ nhất: thông tin chung về cá nhân như họ tên, quê quán, nghành học, dân tộc, tôn giáo…

– Phần thứ hai: tìm hiểu về nhận thức của sinh viên nghiên cứu với đối tượng được nghiên cứu qua các vấn đề: khái niệm giới, phân biệt giới, nguồn gốc LGBT… Kết quả lựa chọn là những nhận định tồn tại về vấn đề được nói đến, sinh viên trong nghiên cứu có thể lựa chọn nhiều phương án cho mỗi câu hỏi để làm rõ vấn đề mà mình muốn đề cập đến.

– Phần thứ ba: tìm hiểu về thái độ của khách thể nghiên cứu với đối tượng được nghiên cứu qua các vấn đề: thái độ ứng xử đối với cộng đồng LGBT, quan điểm về hôn nhân đồng giới.

Điều tra bằng bảng hỏi:

– Phiếu hỏi được phát thông qua hai cách: trực tiếp tại trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế và qua biểu mẫu online.

– Sinh viên tham gia trả lời trắc nghiệm và bảng hỏi một cách độc lập. Nhóm nghiên cứu sẵn sàng trả lời những vấn đề chưa hiểu rõ cho sinh viên nghiên cứu. Tất cả các câu trả lời phải đầy đủ. Trong trường hợp vẫn bị bỏ sót nhiều, phiếu sẽ bị loại.

Phương pháp phỏng vấn

Mục đích: Thu thập thông tin chi tiết về một vấn đề liên quan đến nghiên cứu ở một vài sinh viên đại diện, nhằm làm rõ nội dung nghiên cứu.

Nội dung thực hiện: Phỏng vấn sâu các sinh viên về các vấn đề nhận thức, thái độ đối với cộng đồng LGBT. Trong đó, các câu hỏi được tìm hiểu chuyên sâu về các vấn đề: lý do lựa chọn, thể hiện quan điểm cá nhân, phân tích vấn đề được đặt ra.

Phương pháp thống kê toán học

Mục đích: Xử lý các số liệu thu được từ các phương pháp điều tra, đồng thời kiểm tra lại độ tin cậy của các trắc nghiệm.

Nội dung thực hiện:

– Sau khi thu lại phiếu điều tra chúng tôi tiến hành làm sạch dữ liệu, loại bỏ những phiếu không hợp lệ để đảm bảo tính chính xác kết quả nghiên cứu. Số phiếu mà chúng tôi phát ra là 172, số phiếu thu lại đạt tiêu chuẩn là 151 phiếu. Dữ liệu sau làm sạch được xử lý thông qua phần mềm thống kê toán học SPSS, phiên bản 15.0.

– Các thông số và phép toán thống kê được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu này là thống kê mô tả.

Tài liệu tham khảo

– [1] Don Colby, Cao Hữu Nghĩa và Serge Doussantousse, (2004), Men who have sex with men and HIV in Vietnam, AIDS Education and Prevention, 16, 45 – 54.

– [2] Tô Minh Ngọc, Trương Phi Hùng, Phạm Hằng Hà, (2010), Quan điểm về đồng tính của sinh viên y tế công cộng Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.

– [3] Đặng Kim Hoàn, Nguyễn Thị Thanh Phượng, Đinh Thị Huyền Trang, (2012), Thái độ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng với tình dục đồng giới.

– [4] Nhận thức sinh viên Ngoại thương vấn đề đồng tính, (2013).

– [5] Mạch Thị Hải, Bùi Thị Xuân, Hoàng Thị Nhàn Phương, Dương Bảo Việt, Lê Đình Tú, Nguyễn Thành Công, Trần Văn Hùng, (2014), Thái độ của sinh viên trường Học viện công nghệ bưu chính viễn thông đối với đồng tính luyến ái.

– [6] iSEE, (2015), Bảng đối chiếu thuật ngữ LGBT.

– [7] Wikipedia, LGBT, (2015).

– [8] Võ Văn Nam, Gia tăng tội phạm đồng tính trong giới trẻ, 15/12/2015.

– [9] Trần Tuấn, Giả đồng tính để chứng tỏ… sành điệu, 15/12/2015.

– [10] Crompton, Louis (2003), Homosexuality and Civilization, Cambridge, Massachusetts: Belknap Press.

– [11] Bagemihl, Bruce (1999), Biological Exuberance: Animal Homosexuality and Natural Diversity, London: Profile Books, Ltd.

– [12] Roughgarden, Joan (5/2004), Evolution_s Rainbow: Diversity, Gender, and Sexuality in Nature and People, Berkeley, CA: University of California Press.

– [13] Driscoll, Emily V, (7/2008), Bisexual Species: Unorthodox Sex in the Animal Kingdom, Scientific American.

– [14] Rosario, M., Scrimshaw, E., Hunter, J., & Braun, L. (2/2006), Sexual identity development among lesbian, gay, and bisexual youths: Consistency and change over time.

– [15] Appropriate Therapeutic Responses to Sexual Orientation, 15/10/2015.

– [16] Rosario, M., Scrimshaw, E., Hunter, J., & Braun, L. (2/2006), Sexual identity development among lesbian, gay, and bisexual youths: Consistency and change over time.

– [17] Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 4, (1994), American Psychiatric Association.

– [18] Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders 5, (2013), American Psychiatric Association.

– [19] Robert Ernest Hales, Stuart C. Yudofsky, Glen O. Gabbard, (2008),The American Psychiatric Publishing textbook of psychiatry, American Psychiatric Publishing.

– [20] Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội và Môi trường và Học viện Báo chí và Tuyên truyền, (2008), Đặc điểm kinh tế xã hội của nam giới có quan hệ tình dục đồng giới tại Việt Nam.

– [21] Khoa Mác Lênin, Giáo trình Bộ môn Triết học, Trường Đại học Khoa học Bách khoa Hà Nội.

– [22] Nhiều tác giả, (2005), Nhận thức, Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ Điển Bách Khoa.

– [23] Phạm Quang Uẩn, (2007), Tâm lý học hoạt động, NXB Sư phạm Hà Nội.

– [24] Chương 5: Lý luận nhận thức, Giáo trình khoa Mác Lênin, Trường Đại học Mỏ – Địa chất.

– [25] Viện Xã hội học và Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường, Quan điểm xã hội với hôn nhân cùng giới, (15/12/2015).

nhavantuonglai

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »

Chia sẻ điều cần nói

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.