Tuyển tập viết văn năm 2022 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

Tuyển tập viết văn năm 2022

Tuyển tập viết văn năm 2022 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

101 phút đọc  · lượt xem.

Tuyển tập viết văn năm 2022 là một tập hợp những tản văn đầy cảm xúc, được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt một năm qua.

Mỗi bài viết trong tuyển tập viết văn này là một lát cắt tinh tế của cuộc sống, mang đến góc nhìn mới mẻ, sâu sắc và đôi khi đầy bất ngờ về những điều tưởng chừng rất đỗi quen thuộc. Đây không chỉ là một dự án cá nhân mà còn là bước đệm quan trọng trước khi nhavantuonglai chính thức đưa những tác phẩm này đến với độc giả qua một ấn phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.

Đọc trọn các bài tinh tuyển tập viết văn năm 2022

Hy vọng rằng từng con chữ trong tuyển tập này sẽ chạm đến trái tim bạn, khơi gợi cảm xúc, và rất mong nhận được những lời góp ý chân thành từ những tâm hồn yêu văn chương.

Bài viết ngày 31 tháng 10 năm 2022

khi nói với nhau về khoảng cách thế hệ, việc khó và thường gặp nhất của bạn bè mình là đối thoại để hiểu nhau hơn. nói kiểu gì, giao tiếp ra sao để ba mẹ, ông bà hay những đứa trẻ bên cạnh hiểu tâm tư, suy nghĩ hoặc lựa chọn của bản thân là điều không hề đơn giản. vì không đơn giản, nên mọi người thường bỏ cuộc giữa chừng, giữa lúc đang rất cố gắng nói cho những người họ yêu thương đôi ba điều để hiểu hơn về chính mình, và chấp nhận dựng lên bức tường ngăn cách ở giữa.

những khi nghe chuyện, mình chia sẻ rằng, mọi người có xu hướng hành xử với nhau dựa trên kinh nghiệm. bạn tâm sự những chuyện này với mình vì bạn biết mình sẽ có lời khuyên dành cho. bạn im lặng với ba mẹ vì bạn biết họ sẽ không chấp nhận, không hiểu những điều bạn muốn họ hiểu.

nhưng vấn đề không chỉ nằm ở đó, mà còn ở việc mọi người cũng hành xử với bạn dựa trên kinh nghiệm của họ. mình biết bạn kỳ vọng nhận lời khuyên nên sẽ cố tìm ra và gửi đến bạn. ba mẹ biết bạn sẽ chia sẻ mọi thứ bằng giọng bất cần nên cũng chẳng muốn dành nhiều lời để hiểu xem bạn thật sự đang muốn gì.

chung quy lại, chúng ta luôn hành xử với nhau dựa trên hiểu biết, hiểu về tâm tính và biết phản ứng khi đối thoại với nhau. cách hành xử này giúp chúng ta tin tưởng và biết cách giao tiếp với nhau tốt hơn; nhưng nếu hiểu sai, hoặc không hiểu đúng như điều đối phương muốn, thì việc đối thoại sẽ rơi vào ngõ cụt và không thể nào cứu vãn được.

nên rằng, cách giải quyết cho vấn đề này, là quên đi những kinh nghiệm khi giao tiếp với nhau và thực hiện lại từ đầu, với người mà bạn muốn đối thoại nhưng không thể; nếu người kia cũng muốn như vậy, họ sẽ thấy được sự thay đổi trong cách bạn bắt đầu câu chuyện, và điều chỉnh lại hành vi cho phù hợp, để mở lòng đón nhận sự hiểu biết mới mẻ này thêm lần nữa.

những ấn tượng ban đầu, trải nghiệm khi gặp gỡ hay đôi ba lần trò chuyện cũng dễ khiến mọi người cảm thấy hiểu rõ về người khác; nhưng cái hiểu ấy có giống với điều mà đối phương muốn người khác hiểu về mình hay không, lại là chuyện khác. nên rằng, nếu họ thật sự quan trọng và bạn không thể đối thoại như cách đôi bên muốn, hãy quên những kinh nghiệm và mở lòng thêm một lần nữa, lần nữa… để nói chuyện với nhau như cách cùng muốn.

Bài viết ngày 31 tháng 08 năm 2022

vào mùa đông, mọi người có xu hướng ở yên trong nhà, muốn cuộn mình trong chăn hơn là ra ngoài lúc giá rét – nên ban ngày bị rút ngắn, đêm giãn ra trong bầu không khí ảm đạm, thật hợp để ngủ. vào mùa hè, thời tiết ít thất thường, thiên nhiên trong lành thu hút mọi người ra ngoài trải nghiệm, nên ngày dài hơn – dài từ lúc chưa ai tỉnh cho đến khi người nào đó rong chơi một buổi dài mà vẫn chưa kết thúc.

có lẽ rằng, thời tiết thay đổi theo hoạt động của con người, và thời tiết trong mùa hè như sinh ra cho những cuộc dạo chơi và khám phá. bởi vậy, chúng luôn có nhiều màu sắc, mùi vị lẫn thanh âm trong cuộc sống, hiếm lẫn với mùa nào trong năm. những điều ấy, mình gọi đơn giản là hương mùa hè.

hương mùa hè bắt đầu từ sáng sớm, khi các loài hoa trong vườn tản hương. khác với hoa mùa xuân là được điều chỉnh để nở vào dịp ấy mà chưng Tết, hoa mùa hè thường gắn liền với phát triển tự nhiên. vì khi nắng ấm và không có mưa gió khắc nghiệt, quá trình thụ phấn sẽ diễn ra dễ dàng hơn. điều tuyệt vời khi thức dậy cùng hương mùa hè ấy, là biết rằng đêm hôm trước đã có thêm vài bông hoa mới nở.

hương mùa hè thay đổi khi tới giờ trưa, mẹ bày ra tô canh me nấu với cá. me là me đất trong vườn, thân như cỏ ba lá nhưng không phải cỏ ba lá. hạt mầm chúng sống dai trong đất, nên khi ai muốn xin ít bụi đem về trồng thì lại được chỉ ra vườn, cứ cào đất đem về là được rồi. hương mùa hè ấy có vị chua ngọt vì đã bỏ thêm ít lát dứa, thỉnh thoảng được đổi bằng vị đắng mát của canh rau má nấu với nấm.

hương mùa hè sẽ thật tẻ nhạt nếu lỡ chặt hết cây quả trong vườn. bởi tháng 5 có chôm chôm, muốn ăn phải trèo lên tận cành, hái hết những quả đỏ kẻo chim sóc tới giành; tháng 6 thì nhãn vào vụ, ẩn ẩn hiện hiện dưới tán lá nhưng cũng không làm khó được lũ quỷ bay trên trời; tháng 7 thì có vải, ăn tới khi nào sưng mặt vì nhiệt làm mọc mụn thì thôi. tháng 8 là vào vụ thanh trà, chiều ngủ dậy phải hái một quả ăn cho tỉnh người…

hương mùa hè muốn kể thì vẫn còn nhiều lắm, nhưng ham kể thì còn đâu thời gian mà tận hưởng? tựu trung thì, hương mùa hè rất đa dạng, cả sắc lẫn mùi và vị, chúng tạo ra những câu chuyện tuyệt vời, để năm nào khi mùa hè đến thì mình cũng háo hức đón nhận đầy nhiệt thành.

Bài viết ngày 31 tháng 03 năm 2022

mỗi lần một ai đó hỏi có ý định mua máy film để chụp, mình lại khuyên hãy thử với 1, 2 cuộn trước, hoặc nhiều hơn nếu có thể. nếu chịu được kiên nhẫn, để đợi xem ảnh sau vài tuần hoặc vài tháng; nếu chịu chi cho từng cuộn, khi giá film ngày một tăng; nếu chấp nhận được cuộn tâm huyết, bỗng một ngày lab báo về film hỏng nhé em… chịu được hết tất cả, chịu đi qua vài lần cảm xúc như thế thì hãy mới tính đến chuyện mua máy về chụp.

khuyên thật tình thế, bởi mình không muốn bạn lại giống những bạn khác quanh mình, cảm hứng và niềm đam mê thì có đấy, nhưng kiên nhẫn và thời gian cho những lần bấm máy thì không phải khi nào cũng đong đầy. sau tất cả, các bạn lại dừng lại, máy để yên trong tủ hoặc nhượng cho người khác khi còn nhiều thứ đang dang dở xung quanh. như vậy là phí cả một hành trình, một chiếc máy ảnh vô cùng.

trong hơn 3 năm qua, với 40 cuộn đã chụp (chưa tính vài cuộn đã hỏng), trên mười mấy triệu tiền mua film và tráng; mình nghĩ vậy đã đủ để (tạm) dừng lại mà tìm cảm hứng mới, trải nghiệm mới. quyết định này không thay đổi cách mình chia sẻ những điều đang, và sắp viết trong tương lai ở nơi này. kho ảnh film vẫn đủ cho thêm vài năm nữa, với tốc độ đăng như hiện tại. viết ra nhiều thế không phải có lý do, mà để nói rằng mình đã làm được, đã theo đuổi được, và sẽ sớm quay lại với những tấm ảnh film…

Bài viết ngày 30 tháng 04 năm 2022

mình định dành ít chữ để viết về Quỳnh, nhưng viết hoài viết mãi mà không thành ý. có lẽ, bao nhiêu chữ định viết, cũng đều viết ra cả. bởi rằng, những khi muốn viết gì mà không tìm được ý bắt đầu, mình sẽ vin vào những lần gặp gỡ, những cuộc trò chuyện với bạn bè; nhiều nhất trong số ấy, chính là với Quỳnh.

những cuộc trò chuyện mà tụi mình có, hay những điều đã xảy ra, những khi em nghe được chuyện hay rồi đem kể lại; chúng đều cảm hứng để một đoạn nào đó thành chất liệu vừa vặn cho những gì mình muốn chia sẻ.

mình không giải thích được tại sao lại thế, như cách sao chúng mình lại thân thuộc ngày từ lần đầu mới gặp của 7 năm về trước. dịp ấy, biết sinh nhật 2 đứa sát ngày nhau, hôm qua là của mình thì nay là của em, thì tụi mình đã hẹn với nhau rằng một sớm nào đó sẽ tổ chức. mà nhiều chuyện đã xảy ra quá, khiến mãi đến gần đây, khi những tấm hình film đầu chụp cho em, thì điều ấy mới trọn vẹn.

hiện tại, mình không còn cầm máy film để chụp hình nữa, máy cũ nay đã trao cho em, cùng với những gì mình cho là hiểu rõ nhất mỗi lần bấm chụp một tấm hình. đó có lẽ là sự kế thừa, hoặc thêm một cảm hứng khác mà mình đã gửi lại cho em, hoặc cũng là một điểm chung nay đã tìm thấy. điều tuyệt vời, đáng nhớ nhất sau chừng ấy thời gian, cũng chỉ gói gọn trong chừng ấy mà thôi.

Bài viết ngày 29 tháng 11 năm 2022

mùa đông năm ngoái đến sớm, khi chưa ra đường cũng đã thấy lạnh, ra đường rồi là ngập tràn màu sắc Giáng Sinh. ở trên văn phòng, hết bàn công việc thì mọi người lại hỏi nhau nên hay không mua cây thông về để trang trí, còn mình lại băn khoăn nên hay không mua Tùng Thơm về để trong phòng.

tính chưa xong thì như bị đánh úp, công ty dính dịch. văn phòng được 10 người thì dính hết 7, những ai bị thì lên khu dã chiến, còn người chưa phải cách ly ở nhà. thời gian ấy, trời mưa thì ít mà lạnh lại nhiều, bạn than trời này chỉ muốn ngủ chứ nào muốn dậy đi làm, nghe vậy mình kể chuyện mình đang phải cách ly như thế nào xong bạn bảo thôi để dậy đi làm, ra ngoài đường có vẫn còn hơn không. những hôm ấy, sáng thức dậy rồi pha cafe, từ tốn ăn mấy mấy chiếc bánh ngọt xong nhìn ra cửa sổ mà ước chi được ra ngoài, trời mùa đông này dạo chơi là thích phải biết.

thong thả vậy mà cũng đến hôm được ra ngoài, thêm vài hôm nữa thì mọi người trên văn phòng dần quay lại làm việc. ai cũng như cũ mà ai cũng thở phào nhẹ nhõm bởi đã qua cơn nạn. dù vậy, chẳng ai còn nhớ hôm nào đó đã bàn với nhau gì, đã tính ra sao về những cây Thông; và mình những hôm ấy cũng quên luôn chuyện phải đi mua Tùng Thơm, duy chỉ có ở ngoài đường – hôm mình nhận giấy hoàn thành cách ly rồi lấy xe chạy ra để hít thở không khí, bầu không khí Giáng Sinh vẫn ở đó, vẫn ngập tràn lung linh như chẳng hề có chuyện gì đã xảy ra.

Bài viết ngày 27 tháng 12 năm 2022

…anh đã dồn hết nỗ lực để nhanh chóng đến với cái chết. nhưng ở đây lại có một cặp vợ chồng hoàn toàn chẳng vội vã gì với cái chết. những cánh hoa đào rơi rụng đâu đó ngoài vườn được gió cuốn đi, trong căn phòng là bóng râm của buổi trưa mát mẻ và những trang thơ Đường được lật giở trên bàn tay trắng trẻo của ông lão. những người này đang thong thả dùng thời gian và dệt nên cái chết của mình như đang lặng lẽ đan chiếc áo len để chuẩn bị cho mùa đông sắp đến…

Bán mạng (Yukio Mishima) bắt đầu khi sau tự tử bất thành, nhân vật chính quyết định rao bán mạng sống, ai muốn anh chết thế nào thì trả tiền để anh thực hiện theo cách họ muốn. việc anh tự tử, hay bán mạng, nguyên do là bởi cảm thấy chán chường với thực tại, và muốn thông qua hành trình tìm đến cái chết để hy vọng sẽ thấy điều gì đó thú vị hơn trong cuộc sống.

trước có giai đoạn, mình nghĩ nhiều về cái chết nhưng không biết nghĩ vậy để làm gì. đọc xong Bán mạng và nhớ đoạn trích ở trên, mình cho rằng, nghĩ về cái chết là nghĩ về một cuộc sống khác, đoạn tuyệt với hiện tại để bắt đầu cuộc sống mới; thay vì thế, sao không nghĩ về khoảnh khắc trước khi chết, là cái khoảnh khắc cuối cùng của cuộc sống này?mình từng đọc đâu đó, không rõ chính xác được bao phần, đại ý là ngay trước lúc người ta mất, trong khoảnh khắc mà như toàn bộ ký ức sẽ tạo thành đoạn film tua nhanh, chiếu để họ xem cả cuộc đời đã sống như thế nào, có gì vui và có gì buồn, liệu chúng có đẹp như họ muốn, hay còn gì phải luyến tiếc.

như ông bà già trong đoạn trích trên, hẳn cũng đã nghĩ nhiều về khoảnh khắc ấy, nghĩ về những chuyện đã qua và ngay trong hiện tại, bởi vậy tự bản thân họ cảm thấy hài lòng với cuộc đời, chẳng gì phải luyến tiếc thêm nên thôi cứ thong thả đợi cái chết cận kề.

không biết trong khoảnh khắc ấy có diễn ra đúng như người ta nói hay không. dù sao thì, cũng hãy nên dành thời gian để tạo đoạn film như thế cho riêng mình, tua từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại và xem cuộc sống ấy đã đủ làm mình hài lòng hay chưa. một đoạn film tua nhanh không tạo ra cảm giác cận kề cái chết, ngược lại, chúng hình thành sự chiêm nghiệm về cuộc sống và những trải nghiệm, để biết điều gì còn thiếu sót mà sống tiếp cho thêm phần trọn vẹn.

Bài viết ngày 27 tháng 02 năm 2022

tầm hơn một năm về trước, mình lập Trạm cứu hộ tinh thần, mục đích chính là share bài từ đây sang Facebook, để bạn bè đọc thì ít mà kiếm follow thêm là nhiều. thực tế, nó không hiệu quả, bởi người ta từ đây tìm sang Trạm thì có chứ ngược lại thì chẳng ai. dẫu thế, không hẳn là thất bại, bởi đó không là mục đích duy nhất.

điều sau nữa, đúng như tên gọi của – hỗ trợ tinh thần cho người khác. mình xem và muốn mọi người cảm thấy Trạm là nơi an toàn để bày tỏ nỗi lòng, để được thấu hiểu và biết nên làm gì tiếp theo. hồi đại học, mình học Tâm lý, không đủ nhiều để trở thành nhà tham vấn, nhưng cũng đủ để mình hiểu tại sao chúng ta lại nhiều nỗi buồn đến thế.

có vẻ rằng, mục đích sau ấy lại thành công hơn hẳn, theo cách mình không ngờ tới.

bạn hỏi sự tồn tại của Trạm đang thế nào, mình kể rằng nó khác thường nhưng đúng bản chất. em biết sau Trạm là ai đang trở lời, nhưng hãy nghe em như một người lạ hơn là người bạn anh đã biết… đó không phải mẫu chung mọi cuộc trò chuyện, nhưng nó sẽ diễn ra như thế. bạn tìm đến và lơ rằng phía sau Trạm chính là mình; mình lắng nghe và lơ rằng ấy là người bạn mới vui vẻ trước đó. trước mặt mình, bạn năng lượng và nhiều cảm xúc tích cực; thông qua Trạm, bạn mệt mỏi, lắm phiền muộn và đầy tù túng.

dù mỗi người là một chuyện, một sắc thái được gửi gắm; nhưng điều chung khi chia sẻ lại, thì mình tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi. (một là) ổn không cần phải ngụy tạo để mọi người xung quanh cảm thấy; đa số các vấn đề tinh thần chúng ta gặp phải, là cố gắng chống chế cho sự bất ổn của chính mình, đó là điều không tốt bởi nó sẽ kéo theo nhiều sự bất ổn khác. (hai là) đứa trẻ 5 tuổi cảm thấy không ổn vì không được cho kẹo là chuyện thường, và bản thân khi 25 tuổi cảm thấy không ổn vì công việc cũng bình thường nốt; trưởng thành, tự lập không có nghĩa đương đầu được hết mọi chuyện trong cuộc sống, mà là chấp nhận chúng như một điều phải giải quyết.

mình tin rằng không ai mạnh mẽ hoàn toàn, cũng chẳng ai yếu đuối trọn vẹn. thể hiện ra bên ngoài đầy cứng rắn, can trường chẳng có gì sai, bởi đó có thể là lựa chọn để đối mặt với cuộc sống. nhưng nếu mạnh mẽ được, cũng hãy chấp nhận rằng chúng ta yếu đuối được. và hẳn nhiên, cũng là ngược lại.

Bài viết ngày 26 tháng 01 năm 2022

trước lúc về nhà ăn Tết, cùng bạn hẹn đi ăn tổng kết một năm nhìn lại, vu vơ bạn hỏi thời điểm nào muốn quay lại nhất? mình trả lời là năm nhất đại học. bởi lúc ấy như xuất phát điểm, bao cơ hội và trải nghiệm từ những lựa chọn của lúc đó mà thành; thêm nữa, nếu sống thêm một lần của quãng ký ức cũ (hẳn là không thể), mình sẽ không chần chừ rồi bỏ lỡ thời gian ở bên cạnh những người mình thương mình quý, và nói thật lòng điều ấy cho họ biết.

khi nói như vậy, mình nhớ nhiều nhất là Nghĩa. mình thương không phải bằng tình cảm yêu đương hay khái niệm nào tương ứng, mình thương như cách em mình diễn tả, em thương anh ấy bởi không ai chịu hiểu cùng. mình quý nhưng sau này mới nhận ra là quý, bởi không có cậu ấy, thì tuổi trẻ ở Sư phạm mà mình để lại là trải nghiệm vô cùng nhàm chán. à thật ra thì, thương dành cho thì cũng mãi sau mới nhận ra, bởi trước ấy chỉ ham làm tổn thương nhau mà thôi.

trọn vẹn những cảm xúc ấy được ít lâu, đứa em của đoạn trên trở lại thành phố sau những tháng ngày phong tỏa. hẹn đi ăn, mình bảo hôm nào đó sẽ tìm số nhà của Nghĩa, rồi hỏi xem nay lưu lạc ở phương nào rồi. 4 năm từ lần gặp cuối, thêm ít lâu sau là biến mất hoàn toàn, mình dường như mất phương hướng trong việc tìm xem cậu ấy giờ đang ở đâu. mình không thể nào chịu được, với suy nghĩ rằng phải thêm 10, 20 năm nữa mới có cơ hội gặp lại; hoặc có khi là, chẳng thể nào gặp lại. suy nghĩ sau cùng kia, mình giữ cho riêng bởi chẳng biết nói thế nào là phải.

sáng nay khi gặp bạn, tự nhiên nỗi lo sợ ấy xuất hiện. nói với bạn điều ấy, mình không lo bạn sẽ rời đi, bởi rồi ai cũng sẽ như vậy; mình chỉ sợ bạn tự nhiên biến mất, và mình chẳng thể nào tìm ra. nhiều lần mình trải qua cảm giác đó, tự nhiên có, hoặc cũng là lối đi của bạn; nhưng như mình từng viết, con đường của bạn thì mình luôn ủng hộ bằng mọi cách, nhưng khi bạn rời đi thì không phải lúc nào mình cũng chấp nhận được…

giờ thì năm sắp cùng và tháng gần tận, nhìn lại tình cảm bạn bè trong năm, mình không hối tiếc vì cách đối xử với xung quanh. đó là sự tiến triển so với năm trước, và những năm trước đó nữa. có lẽ, dần mình nhận ra điều gì quan trọng, đâu là tình cảm chân thật, của mình, của bạn, đã dành cho nhau.

Bài viết ngày 25 tháng 06 năm 2022

thi thoảng đôi ba lần đứng ngoài cuộc trò chuyện, mình nghe vọng vào những lời tâm sự của người lạ với nhau về những chuyện đau buồn trong quá khứ; sau cùng thì, mọi người lại an ủi với nhau rằng, thôi chuyện chi qua cứ để nó qua, giữ lại trong lòng nhiều làm gì cho thêm nặng nề.

rồi thi thoảng đôi ba lần trong cuộc trò chuyện, khi mở lòng kể những điều không vui, còn neo mãi trong lòng với bạn, mình cũng được nghe những điều tương tự – hãy tha thứ những gì có thể, vì giữ mãi một điều không tốt trong lòng thì mãi là không tốt.

những khi ấy, mình dừng lại và tự nghĩ, liệu mọi người có thật sự hiểu, thật sự cảm nhận nỗi đau mà người khác phải nhận, để đến hiện tại là không thể buông bỏ chúng, và tha thứ những người đã gây ra hay không?

mình đồng ý rằng, tha thứ và bỏ qua những chuyện buồn giúp chúng ta sống tốt và tích cực hơn, bởi lòng đã bớt phiền muộn và tinh thần cũng chẳng còn tối tăm như trước, giúp tâm hồn ta như cái giếng trong – múc lên những gáo nước ngọt lịm mát lành. nhưng mình không tin rằng, chúng là cách giải quyết tốt nhất, và mọi chuyện mọi điều dù không hay đến thế nào thì đều có thể tha thứ; bởi nếu tha thứ nói ra và quyết định dễ dàng đến như thế, thì những vết thương còn lại sẽ chóng lành nhanh như vậy không?

với mình, những vết thương lòng mà người khác gây nên, dù vô tình hay hữu ý thì đều là dấu hiệu cho thấy chúng ta học được những bài học, để biết đâu là không gian nguy hiểm, đâu là người nên né tránh. vì vậy, nếu quá dễ buông bỏ và tha thứ, cũng là lúc chúng ta chấp nhận nhiều hơn rủi ro bị thương như vậy thêm lần nữa, hoặc là tệ hơn thế (thêm lần nữa). đó hẳn không phải là cách tốt nhất để cái giếng của mình trở nên trong lành ngọt lịm, chỉ trừ khi một thứ gì khác quan trọng hơn cái điều ấy.

nên rằng, tha thứ một ai với những lỗi lầm của họ chỉ nên giới hạn khi chúng rộng bằng gang tay, còn tấm lòng bạn là gang rưỡi. việc tha thứ chỉ nên như vậy, chỉ nên ôm bằng sự bao dung có giới hạn, không nên rộng hơn, cũng không nên cố gắng giãn to hơn; và cũng đừng nghĩ quá về chuyện không thể tha thứ, bởi khi ấy – cũng là lúc chúng ta đang coi trọng cảm xúc, tinh thần và thân thể của mình hơn thảy mọi điều đang diễn ra trước mắt.

Bài viết ngày 25 tháng 03 năm 2022

bạn kể chuyện, vào mùa hè thành phố hay cúp điện, những lúc đang dở dang công việc thì bạn ôm hết đống dang dở đó chạy lên núi, đem thêm chiếc ghế xếp rồi tìm góc nhìn xuống cả thành phố lộng gió mà tiếp tục công việc.

nghe kể thế, mình quyết định dẫn bạn lên Sơn Trà tịnh viên. dạo một hồi, bạn gật gù thôi nay đổi địa điểm khi thành phố cúp điện.

bạn cảm thán vậy, mình trả lời lại đầy hào hứng rằng, chưa một ai chê khi họ được dẫn đến đây cả. sau thêm vài chuyến dẫn bạn bè lên nữa, thì cái sự cao ngạo kia vẫn còn đó; có lẽ vì họ là bạn của mình, nên mặc nhiên những điều mình thích thì họ cũng vậy; hoặc đơn giản hơn, nơi ấy hiếm tìm được người chê.

Sơn Trà tịnh viên là một nơi kỳ lạ. lạ theo cách bạn thắc mắc, đất trên núi đâu dễ mà sở hữu, mà sở hữu rồi cũng đâu dễ để biến thành nơi cư ngụ có mảnh vườn rộng thế này. vốn đã có thể đem thắc mắc ấy hỏi sư thầy khi được dịp trò chuyện, nhưng mình đã dấu đi để được thầy kể những chuyện khác, đủ hấp dẫn và thú vị hơn nhiều.

thầy kể rằng, cứ mỗi lần nghe đâu trên khắp nước có giống tre trúc mới phát hiện, hoặc đã cũ vì hiếm xuất hiện, thầy lại lặn lội chạy tới tìm, xin giống về cho bằng được. hành trình đầy miệt mài đầy kỳ công ấy, đủ để mình mở đầu giới thiệu với bạn mỗi lúc cùng bước chân vào ngõ tịnh viên – đây là rừng tre trúc đa dạng nhất Việt Nam, của một sư thầy người Huế gây dựng. nói là đa dạng, bởi nơi ấy không rộng hơn những rừng tre trúc khác từng biết, mà ở đây có nhiều loài mình chưa bao giờ hay.

mình không rõ Sơn Trà tịnh viên đã có từ bao giờ, bởi từ lâu lâu lắm – mọi người đã mặc định đó như trạm dừng chân mỗi lúc bộ hành lên núi và thoát ly thực tại mỗi dịp cuối tuần, nên lần nào đến thì ở đó cũng có người cả, khi thơ thẩn dạo hoặc lúc thong thả cho cá trong hồ ăn.

mình cũng không biết Sơn Trà tịnh viên sẽ tồn tại được thêm bao lâu nữa, bởi sư thầy đang ngày một già đi, và nơi đây cũng chỉ có sư với đàn chó quây quần; nên những khi đứng dưới tán trúc và nhìn xung quanh, nhìn vào thành quả mà sư gây dựng, mình thật mong những ngày còn ở Đà Nẵng, thì đây vẫn còn như lúc ban đầu mới ghé qua.

Bài viết ngày 24 tháng 12 năm 2022

một dịp tiện đường, mình ghé qua tiệm gốm của bạn để mua ít đồ. không hẹn mà đến, nên cũng không biết quán đóng cửa vì bạn bận đi ra ngoài xíu rồi lát quay lại, gọi hỏi thì bạn bảo vậy. dù sao cũng đã đến, mình vừa ngồi ở hàng ghế trước hiên đợi vừa lấy phần gà chiên mua trước đó ra ăn và chờ.

thong thả ăn được một lúc thì có 2 sư cô bước vào, cũng cùng mục đích mua gốm và cũng đành ngồi đợi như mình. thấy các sư cô ngồi bên, mình ngại phần gà đang ăn dở nên cố nhai hết miệng rồi giấu đi. thấy vậy, một sư cô mỉm cười bảo, không sao đâu, cứ tự nhiên ăn, mấy sư không phiền đâu. dù bảo không phiền, thì mình cũng không thể tự nhiên ăn tiếp như lời sư cô bảo.

chuyện hôm ấy không phải là bước ngoặc, nhưng thêm củng cố cho điều mình nghĩ, rằng liệu khác biệt về tôn giáo có tạo nên khác biệt khi ứng xử giữa người này và người khác hay không? câu trả lời cho mọi lần mình chứng kiến, luôn là không.

lúc trước, học ở Huế và những khi đi trong Sư phạm hay sang trường khác chơi, mình nhìn thấy những bạn tu sĩ hoặc sư cô sư thầy đang rảo bước đến giảng đường, lại có đôi lần mọi người cùng trò chuyện hay ôn bài với nhau. còn trong lớp mình học, có bạn đến từ nội viện và cũng có bạn từ chùa sang, mọi người ngồi cùng bàn, làm bài tập rồi giành điểm cao trong lớp như bao người khác. những khi ấy, ai tin hay không thì cứ kệ, niềm tin riêng từng người là để soi chiếu riêng mỗi người mà thôi.

lại có những hôm khác, những hôm hẹn nhau đi chơi, có hôm lên chùa hay hôm sang nhà thờ, để đi qua những gian nhà kiến trúc lạ, ăn những bữa như ở đó vẫn thường ăn; ai hiểu biết thì ra sức giải thích và trả lời hết mọi câu tụi mình hỏi về nơi họ thuộc về. những khi ấy, không gian hay quy tắc sinh hoặc vốn không không thân quộc nay đã ngập tràn hiểu biết và tụi mình đang thực hành cùng nhau.

cũng bởi vậy, mình thích bầu không khí Giáng Sinh đem đến, đó là bầu không khí của tất cả mọi người, ai cũng có phần và ai cũng được nhận. với người theo Đạo, đó rõ là sự kiện quan trọng và dịp để họ hướng về. với người không theo, đó cũng là dịp để họ hướng về, hướng đến những người thương quý và bạn xung quanh. và như điều giản đơn, một ngày lễ thắp lên tình yêu thương, là ngày lễ dành cho mọi người.

Bài viết ngày 23 tháng 11 năm 2022

không biết có phải vì cuối năm, hay đã qua cơn dịch bất ổn, mà quanh mình nhiều bạn đang lên kế hoạch chuyển sang một thành phố khác. người đơn giản thì cần tìm cảm hứng, người thực dụng thì ưa thử thách bản thân, còn ai tham vọng lại muốn tiến xa hơn thành phố họ sắp đến. mình lâu rồi không đi đâu xa, với cũng chưa nhiều hứng thú cho hành trình mới, nên những khi nghe chuyện cũng chỉ biết gật đầu ủng hộ và chúc bạn thêm vững vàng.

nhưng thi thoảng, mình cũng góp được đôi ba tiếng sau những gì bạn chia sẻ, đó là những lúc mọi người cảm thấy lo lắng với hành trình sắp đến, lo nơi ấy có hợp với bản thân không, lo xem nếu không lúc này thì lúc nào mới hợp… lời mình chia sẻ với bạn, gọn ghẽ viết trong những dòng dưới đây.

giữa 2019, mình quyết định Nam tiến vì cảm thấy Đà Nẵng không còn hợp cho sự phát triển, và cần môi trường mới để thử thách bản thân. dù lòng quyết tâm, mình vẫn lo ngại với quyết định, lo là bởi môi trường phức tạp và xa nhà, nhỡ có chuyện gì thì bất tiện trăm bề; ngại là vì thời tiết Sài Gòn thiên về nắng nóng, mình thì thích không khí lạnh của mùa đông hơn.

nhưng mình cũng biết rằng, lo không hợp và thật sự không hợp là 2 điều khác nhau hoàn toàn. lo ngại là nghi vấn từ suy nghĩ, còn thật sự không hợp là câu trả lời của thực tế; nên nếu không dấn thân thì sẽ không biết thực tế là như thế nào, là hợp hay là không. thế nên, thay vì ngồi yên ôm nỗi lo và chấp nhận suy nghĩ, mình quyết định lên đường để kiểm chứng.

sau 1 năm rưỡi trải nghiệm cuộc sống, câu trả lời nhận được là thật sự không phù hợp khi chọn Sài Gòn; dù vậy, mình chưa bao giờ xem hành trình đấy là thất bại. bởi đơn giản, khi trở về thì mình cảm thấy yêu Đà Nẵng, muốn sống ở Huế nhiều hơn và đang từng bước chuẩn bị cho điều ấy; Sài Gòn lại rất năng động, nhiều thử thách nên năng lực bản thân cũng dần được cải thiện theo thời gian, giúp mình tự tin tìm việc ngon lương tốt khi trở về.

từ trải nghiệm của bản thân, mình chốt ý với bạn, mọi hành trình đều là thử thách vì luôn ẩn chứa mới mẻ, mọi nỗi lo đều vô căn cứ khi chưa trải nghiệm; và hãy nên giữ chặt niềm háo hức và cởi trói tinh thần để đón nhận hành trình phía trước, thành quả bạn nhận sẽ không chỉ là hợp hay không nữa đâu.

Bài viết ngày 22 tháng 04 năm 2022

khi nghĩ về sự thay đổi mà đại dịch đem đến sau 2 năm vừa qua, điều tích cực rõ nhất mình thấy, là việc mọi người dần mở rộng khái niệm không gian làm việc, không chỉ giới hạn tại một vị trí địa lý là văn phòng như trước. đó hẳn là xu hướng, khi bạn quanh mình đôi người thì bỏ phố về quê để làm việc từ xa; một số khác xách ba lô lên và đi Đà Lạt để tận hưởng màn sương sớm rồi cuồng quay với công việc; và thêm bạn hỏi mình nên thuê nhà thuê trọ ở Huế như thế nào cho hợp lý để hiện thực kế hoạch về đó làm.

nói chuyện về Huế làm việc từ xa, mình nghĩ đó là câu trả lời hợp lý trong hiện tại để vừa cân bằng cho chuyện phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống cá nhân.

thời điểm này của 6 năm về trước, mình cùng vài bạn nữa đang bận rộn cho chiến dịch #welovecities – kêu gọi bình chọn cho Huế trở thành kinh đô xanh toàn cầu. kết quả thì không như ý, nhưng cũng đủ mở đường cho Huế trở thành thành phố xanh đầu tiên của cả nước.

sau chừng ấy thời gian, Huế đã có nhiều sự thay đổi, tích cực và thân thiện với môi trường hơn. đề án chỉnh trang thành phố và đôi bờ sông Hương giờ đã hoàn thành, đem đến một diện mạo mới, trong lành và khuyến khích mọi người vận động nhiều hơn. trước mình nghĩ, sống về đêm là cuộc sống của người trẻ, còn sống ban sớm là của người già, nhưng về Huế thì nhận ra điều ấy sai đến thế nào. theo chân bạn lúc 5h sáng ra cầu Bán Nguyệt để thưởng trà và ngắm hoàng hôn, mới hay rằng cũng nhiều người bằng tuổi chung dự định như thế.

duy chỉ có những hàng cây là không thay đổi, 6 năm trước thế nào thì bây giờ vẫn vậy, vẫn là những con đường đi rợp hết bóng mặt trời, vẫn những hàng lá còn mùi sương đêm trên những con đường tụi mình trở về, và cả những tiếng ve điếc tai của mùa hè mà lỡ đi quá xa là không thể nào nghe thấy. những điều ấy, bằng một cách nào đó vẫn được giữ nguyên, trường tồn năm này qua tháng khác, bão bùng làm gãy đôi ba cây rồi mọi thứ lành lặn như lúc ban đầu.

với mình, tất cả những điều ấy là vừa đủ, vừa trọn vẹn cho một trải nghiệm, một lựa chọn cho những ai sẵn sàng. đó cũng là điều dễ khiến bạn mình hối hận, khi không quyết định về sớm hơn, và hẳn lúc mình can đảm quyết định – chắc rồi cũng không khác bạn là bao.

Bài viết ngày 22 tháng 02 năm 2022

thời gian ở Sài Gòn, anh trưởng phòng lúc đó cũng thích chụp ảnh, nên cứ cuối tuần không bận rộn thì tụi mình lại xách máy đi tìm cảnh mà chụp. trong balo của anh, có đủ loại lens cho mọi mục đích, từ chân dung, phong cảnh đến các loại mình không biết. mình bảo với anh rằng, thông số lens em chịu, hỏi em khẩu tốc như thế nào trong hoàn cảnh nào em cũng chịu nốt; em chỉ biết đưa máy lên, căn và bấm chụp một cách đầy cảm hứng.

lúc ấy, anh không tỏ vẻ ngạc nhiên, bảo rằng đôi lúc lại cũng muốn như mình – trong tay chỉ có duy nhất một cái lens, và rõ nó không phải đa dụng trong mọi hoàn cảnh; lựa chọn đó khó chụp đẹp hơn, khiến mình phải sáng tạo và cần nhiều cảm hứng hơn trong mỗi khi bấm chụp.

trở về Đà Nẵng, từ lúc nào không rõ thì mình với bạn lại hẹn cùng nhau xem film mỗi tối cuối tuần. dù là film mình chọn, hay bạn gợi ý từ trước, thì tụi mình cũng không tránh khỏi những cuộc tranh luận, rằng film này hay và dở thế nào. bạn bảo, gu thưởng thức bạn cao hơn, nên film mình thấy hay thì bạn chưa chắc đã như vậy; mình lại đơn giản, film chỉ là film thôi, cứ xem và tận hưởng. và hơn cả, mình quan tâm góc máy, lời thoại nhiều hơn là mạch truyện. những lúc đó, mình ghi nhớ và trầm trồ riêng góc quay đẹp, cách đạo diễn làm bật chủ thể và phân vân đâu là ý đồ thực trong từng khung hình.

hai trải nghiệm ấy, đủ cho câu trả lời lúc một đó hỏi – chụp ảnh là chụp như thế nào?về cơ bản, mình nhìn mọi thứ như đang xem một bộ film (theo đúng nghĩa đen), đó là góc nhìn mà mình làm đạo diễn và kiểm soát mọi khung hình. cho nên, khi mình đưa máy lên tầm mắt, căn chỉnh và bấm chụp – cũng là lúc mình đóng băng khung hình ấy và chia sẻ đến với mọi người.

vốn dĩ, tư duy hình ảnh không khó, không trừu tượng như mọi người nghĩ, nó chỉ là góc nhìn của bản thân với mọi sự vật diễn ra xung quanh. nên rằng, một tấm hình cần câu chuyện hơn là tính thẩm mỹ – vốn là điều không phải ai cũng đồng tình được với nhau.

và cuối cùng thì, khi một ai chưa biết nên bắt đầu chụp ảnh như thế nào, hoặc tìm đâu để ra cảm hứng, mình lại khuyên hãy dành thời gian để xem film; hãy xem và cảm nhận từng khung hình, chắt lọc cảnh quay rồi học theo nó, học để tạo ra những thước film như họ đang nhìn thấy.

Bài viết ngày 20 tháng 01 năm 2022

khi phong tỏa được dỡ vài hôm, thì cũng là lúc đông dần đến, trời lạnh, ít nắng và mưa nhiều hơn. bạn ở nhiều năm trong thành phố, nắng mưa bao mùa đều trải qua đủ cả. thấy mình về chưa được lâu bèn rủ sáng nào đó chạy xe lên đèo Hải Vân ngắm mây tà tà bay xuống núi. bạn đi rồi và bảo cảnh ấy tuyệt đẹp, như lời Đen Vâu viết, đất nước mình còn đẹp cần chi đâu nước ngoài chính là đây. mà nếu nhớ Đà Lạt với những lần săn mây vậy, sao không thử trải nghiệm gần hơn một chút. bạn nói như thể hiểu lòng mình muốn gì. có lẽ bạn biết lòng mình muốn gì thật, nhưng cũng có lẽ bạn chưa biết điều bạn rủ rê mình đã trải nghiệm nhiều lần lắm rồi.

trải nghiệm của bạn tóm tắt đơn giản là kiếm một quán café và tìm một góc thật ưng ý, đợi mây bay lất phất và trầm trồ trải nghiệm. còn trải nghiệm của mình lại khác, cũng một chút như bạn và thêm một ít đi qua chúng.

đó là những hôm mùa đông nhớ mùi vị Huế, tan ca làm chiều thứ 6 mình lại vượt đèo trở ra để thêm một hôm ở lại mà cảm nhận, hít hà cái không khí lành lạnh, âm ấm vị khoai nướng xôi hấp khắp các con đường.

khi bắt đầu ôm góc cua cuối để vượt đoạn đèo, sương dần phủ và bay lất phất trước mặt. xa xa ở trên kia là Hải Vân quan, những hàng quán vẫn chong đèn giữa đêm mời khách dừng chân nghỉ lại, tạo nên quầng sáng mờ màu vàng chìm chìm khuất sau vách núi. càng lên cao, quầng sáng ấy càng rõ trong tầm mắt rồi vụt qua khi lên đến đỉnh, và ở sau lưng khi dần xuống đèo.

với mình, cái quầng sáng ấy mang tính kế thừa của lịch sử, bởi đóng vai trò như thay thế những tín hiệu của ngày canh trước, để báo nơi này là ranh giới, sang bên kia đã là địa phận của một tỉnh khác. mình vượt qua nó, là bước một chân về lại với Huế, đơn giản vậy mà thôi.

nhưng trải nghiệm này đến đây là chưa hết, khi sương tùy lúc mà phủ trên đường đèo dài đến bao nhiêu. mình vẫn nhớ chuyến xe máy về nhà ăn Tết 4 năm trước, qua Hải Vân quan một đoạn rất dài mà sương vẫn còn đó. thời điểm ấy hẳn trời rất là lạnh, nhưng cũng hẳn là một trải nghiệm đầy lưu luyến của đất trời tạo nên.

Bài viết ngày 19 tháng 10 năm 2022

dạo này hay nói chuyện với bạn bè về cái chết, không biết có phải vậy mà mấy hôm liền gần đây cứ hay mơ về chúng. trong giấc mơ gần nhất, mình được báo tin một người cực thân họ mất đi, dự đám tang giữa chừng rồi tỉnh giấc mà lòng nặng trĩu. nặng vì chưa sẵn sàng tinh thần khi họ biến mất thật sự.

cũng vì nói chuyện nhiều mà dạo này cứ nghĩ vu vơ, ơ thế nếu chẳng may mình chết đi, thì bản thân có buồn lắm không, có hối tiếc gì nhiều không? tự hỏi vậy thôi chứ câu trả lời rõ là có, vì mình ham sống ham tận hưởng cuộc sống lắm, và ngoài kia còn bao điều dang dở với bao kế hoạch chưa khám phá hết, vội chết để sống cuộc đời khác không phải rất phí phạm hay sao.

nhưng nhỡ biết rồi sẽ chết, không chóng thì chầy cũng chết khi dang dở thì sẽ đối diện như thế nào? tự hỏi vậy thôi chứ mình bối rối thật sự, nghèo nàn trải nghiệm đón nhận cái chết (của người khác) khiến mình chưa bao giờ nghĩ nhiều về nó, chưa bao giờ sẵn sàng tính đến chuyện gì xa xôi hơn.

mà dù ít phải chứng kiến, mình vẫn thích được chết như ông nội – một cái chết vì tuổi già đúng nghĩa, thong thả sống những ngày cuối đời rồi thong thả chết, chẳng phiền đến ai chẳng phiền đến con cháu. mình không thích phải chết như bà nội – một cái chết vì bệnh tật, bị giày vò từ lúc sống cho đến khi từ giã cõi đời vẫn chưa yên. hay thôi chết như ông ngoại, khi mình còn quá nhỏ để biết đeo khăn trắng để làm gì…

thấy mình nghĩ vu vơ nhiều mà chẳng biết nghĩ nhiều thế để làm gì, bạn liền hát cho mình nghe vài đoạn nhạc Trịnh, toàn những đoạn những bài mà ông Trịnh Công Sơn viết về cái chết, hết cuộc đời có bao lâu mà hững hờ… trong Mưa hồng, lại đến cho trăm năm vào chết một ngày… của Cát bụi, mà vẫn có thể lòng không buồn mấy… ở Bên đời hiu quạnh. hát xong thì bạn bảo, cái chết trong ca từ nhạc Trịnh không phải để mọi người sẵn sàng đón nhận chúng, mà để chúng ta thêm trân trọng những tháng ngày còn được sống, còn được trên cõi (tạm) này.

dù hiểu thông điệp bạn truyền tải, nhưng việc nghĩ vu vơ không để làm gì vẫn còn đó. có lẽ mình cần thêm thời gian rõ mục đích sao lại nghĩ thế, hoặc vu vơ ấy dần nhạt nhoà. nhưng trong hiện tại cũng cần phải viết ra, để sau là biết có những ngày những khi nghĩ như thế này…

Bài viết ngày 19 tháng 03 năm 2022

bạn đến công tác nên tình cờ gặp, giữa dịp trò chuyện bạn hỏi nơi này có món gì thú vị để thử? đôi ba cái tên được mình kể, bạn xua gần hết, bảo chán lắm, vị của chúng nhạt nhẽo và không hợp miệng chút nào.

nghe bạn nói, mình nghĩ đơn giản là bạn chọn sai chỗ mà tìm đến, bởi vùng bạn sống và nơi này ít có xa lạ như khi bạn nếm đồ. chọn nhầm một quán đồ ăn dở cho lần đầu thưởng thức, khiến bạn nghĩ món ấy thật sự không ngon và không hợp với bản thân cho những lần kế tiếp.

nói xong điều ấy rồi dẫn đến quán ngon để thử, nhận định lúc ban đầu trong bạn nay chẳng còn nữa. sau bữa ăn, mình bảo đó là hiện tượng mối tình đầu – quen ai đầu tiên rồi cũng lấy họ làm tiêu chuẩn cho những mối quan hệ tiếp theo. đúng sai với suy nghĩ ấy là tùy người lựa chọn, nhưng đem cách nghĩ ấy vào đồ ăn thì phải cẩn trọng rất nhiều. vì nếu đâu gặp mình và mở lòng thêm lần nữa, hẳn những điều bạn nghĩ vẫn sẽ mãi là thế mà thôi.

khi đến một vùng đất mới, dù để sống hoặc chỉ ghé ngang, mình cũng cố tìm một người sống lâu ở đó để hỏi xem họ thường ăn gì, ăn ở đâu nhằm trải nghiệm tương tự. nếu ai thắc mắc điều ấy có thật sự đáng – thì mình trả lời luôn là không phải lúc nào cũng thế, nhưng đa số lần là mình biết nên chọn đâu để ăn được món ngon, đâu để có hương vị đích thực.

khi trở về Huế để dẫn bạn phương xa dạo quanh thành phố, đến bữa ăn mình dẫn bạn đến những quán nhìn qua là dưới mức bình thường, bởi nó nhếch nhác, lụp xụp thiếu bảng hiệu. bạn chần chừ rồi e ngại theo mình ghé vào, nhưng đổi thái độ ngay lập tức lúc thử từng món được bưng ra. mình kể rằng nay Huế làm du lịch tốt lắm, mọi người làm quán đẹp và khách dễ tìm hơn những gợi ý; nhưng có những quán như nơi này – vốn không dành cho khách du lịch, mới là điều bạn nên tìm kiếm, để trải nghiệm sống như một người bản địa đang sống.

với mình, đó mới là du lịch đích thực, để khám phá và cảm nhận những điều thú vị mà chỉ nơi ấy có, hành trình vì thế cũng sẽ đáng và giá trị hơn rất nhiều. nó sẽ khác, và là không bao giờ tìm thấy trong những câu chữ hướng dẫn du lịch mà bạn thường đọc trên mạng trước lúc lên đường.

Bài viết ngày 18 tháng 05 năm 2022

cách đây vài tuần, mình nhận cuộc gọi của chị cố vấn từ CECR, hỏi có muốn quay trở lại làm không, hiện tại đang có dự án mới và cũng cần tuyển người phụ trách. mình từ chối vì công việc hiện tại đang rất ổn. nghe vậy, chị bảo hôm nào tiện thì qua văn phòng chơi, nay không gian mới và cũng có những người mới ở đó, mình vui vẻ đồng ý rồi cúp máy.

nếu có gì để kể về CECR, mình sẽ gọi đó là một phần của tuổi trẻ. 2 năm đầu tiên làm fulltime là 2 năm kinh nghiệm NGOs, và CECR chiếm hơn 1 năm làm việc của mình. mới hôm nào còn gõ cửa từng nhà lấy số liệu, vận động từng cửa hàng dùng túi nilon thân thiện với môi trường, thì nay chỉ còn là ký ức và những dòng chữ viết về.

đem theo đoạn trên vào từng câu kể khi gặp lại, mình bảo rằng mọi thứ trôi qua nhanh quá, thoáng chốc đã 3 năm kể từ lúc mình rời CECR. nói rồi mở máy, mình cho mọi người xem tấm hình chụp khi dự án tổng kết và mọi người đứng cạnh nhau, ai cũng rạng rỡ và như thở phào nhẹ nhõm vì đã xong dự án khó. lúc ấy, mình bận ở chỗ làm mới nên không thể ở lại lâu hơn, sau này thì đó là quyết định khiến mình hối tiếc rất nhiều.

nghe xong chị cố vấn bảo, thời gian nếu không chú ý thì trôi qua nhanh lắm; nên thế mới cần vạch ra từng kế hoạch cho từng chặng đường; ví dụ, 5 năm vừa qua đã làm gì và nhận được chi, 5 năm tiếp theo tập trung vào đâu và muốn có gì trong tay. nếu không có kế hoạch, thời gian trôi qua và mọi thứ tiếp nối, chúng ta sẽ lại bỡ ngỡ vì thêm một lần 5 năm nữa vừa đến.

nghe vậy rồi chợt nghĩ, thế 5 năm trước mình đã lên kế hoạch gì, và bây giờ đã thành công được bao nhiêu phần? chợt nghĩ rồi chợt nhớ, năm nào đó khi nghĩ về kế hoạch dài hạn cho bản thân, mình đã sợ hãi rồi không nghĩ nữa bởi không biết chúng sẽ dẫn mình theo lối nào.

giờ thì cũng đã 5 năm đi làm fulltime, thêm vài ngày nữa là tròn 5 năm kể từ lúc bước chân vào Đà Nẵng để bắt đầu cuộc sống mới. mà thật sự thì, trong hiện tại, khi nghĩ về những gì muốn làm trong 5 năm nữa, mình vẫn thấy mông lung, bởi không biết chúng sẽ dẫn mình theo lối nào. nhưng đâu đó, mình không sợ nhiều lắm, bởi với những gì đã xảy ra trong 5 năm vừa qua, mình tin vào bản thân hơn một chút, tin vào những lối mình đi qua, và những ngã mình sắp rẽ đến.

Bài viết ngày 18 tháng 04 năm 2022

những lúc trở lại Huế, mình lại dành đôi chút thời gian ghé qua Sư phạm. học càng về cuối khoá, trường càng dỡ bớt, xây mới nhiều hơn. bởi vậy, những gì mình nhớ, là sự đan xen giữa cũ kỹ và mới mẻ, cổ kính và hiện đại khi hiện diện trong cùng tầm mắt.

điều mình nhớ, và thích nhất ở trường, là tòa nhà đối diện giảng đường lớn, trước mặt có dãy cây bàng với tán rộng, và sang bên kia khoảng sân là dãy nhà Y vốn là biểu tượng của trường. tòa nhà ấy vốn trước là thư viện, tầng dưới là kho sách, tầng trên là phòng đọc. sau trường cơ cấu lại, xây mới thư viện, khang trang và rộng rãi hơn. thư viện kia thành lỗi thời, dần gọi là thư viện cũ.

theo thời gian, trường tiếp tục cơ cấu, đem bàn ghế lên tầng, làm lại hệ thống điện, biến đây thành hội trường nhỏ. ngày dùng để học các môn chung, đêm mở cửa đón các khoa và câu lạc bộ trong trường đến tổ chức hoạt động. theo thời gian, các tán cây xung quanh dần lớn, phủ kín dãy tường, làm hè thì mát, đông lại ấm, học hay chơi gì ở đó cũng không quá vất vả.

không rõ dịp nào nhưng cứ mỗi năm, thư viện cũ lại mở kho sách bán theo ký một lần, kéo dài chừng 1 tuần. những dịp ấy, mình lại thấy nơi này thật mâu thuẫn, bởi nó vừa thật kín kẽ để ngăn ẩm mốc mối mọt, lại vô cùng thoáng mát dù đi vào sâu thật sâu. ở trong này, thời gian có thể làm các lớp giấy dần ngả vàng, sần nhẹ khi khẽ lướt qua trang, nhưng chất lượng đóng tập vẫn nguyên như một cuốn sách mới.

cũng những dịp ấy, mình lại vài bạn đồng điệu mê sách, những người đến thật sớm để tìm cuốn giáo trình cũ vẫn còn giá trị cho bài học, những tập thơ văn từ thế hệ trước cho bài luận cuối kỳ, hay cả những tài liệu tiếng Nga, Pháp để nâng trình chuyên môn.

sinh viên thì ai cũng biết là nghèo, nhưng sinh viên Sư phạm lại còn nghèo hơn nữa – bởi nhiều người chọn bước chân vào là để nhà đỡ tiền học phí mỗi kỳ; nên những cuốn sách bán rẻ trong thư viện mỗi lúc mở kho, là cả gia tài mà tụi mình phải rất may mắn mới có được. chỉ tiếc rằng, năm cuối cùng ở trường, cũng là thời điểm trường hoàn thành việc dỡ bỏ thư viện cũ, xây mới tòa nhà khang trang và rộng rãi hơn trước. nên những chuyện mà mình đang kể, sẽ mãi là ký ức và không thể nào tái hiện thêm một lần nào khác ở trường.

Bài viết ngày 17 tháng 06 năm 2022

đầu hè, cây Sala trong chùa Thiên Mụ vào vụ trổ bông. ngang tầm mắt ở trên thân, và hướng lên khi nhìn vào cành, hoa sắc đỏ từng chấm điểm nổi bật giữa màu xanh của lá. những mùa còn đi học, thi thoảng mình lại lên chùa, rẽ lối qua bụi chè tàu được cắt gọn, vào trong nhặt những bông đem chụp rồi khoe với bạn.

những khi ấy, đôi ba người hướng đi từ rừng thông ngoái lại nhìn, không phải vì chuyện mình băng vào vườn nội viện, mà bởi thấy bông hoa mọc trên thân trông kỳ dị quá. nếu có hứng và rõ mặt thân thiện, mình sẽ ngoái ra và giải thích sự tồn tại của nó. người lên chùa thường là khách du lịch, nên những khi được đà giới thiệu, mình lại gợi ý tiếp vài điểm hay ho khi dừng chân, chút trải nghiệm nên có khi đến Huế.

hôm rồi về Huế và dẫn em mình đi chơi, cũng lên chùa, chụp ảnh và gặp đôi ba khách du lịch tò mò hỏi chuyện. chỉ khác là anh bạn tò mò của lần gặp này nán lại hỏi hơi lâu, bởi đã ở Huế tầm hơn tuần mà chưa đi được bao nhiêu. cảm giác như anh không biết nên bắt đầu như thế nào, nên mình cũng dành thêm thời gian trong lúc men lối ra cổng để chia sẻ với anh đôi điều về Huế, mong giúp hành trình của anh thêm phần rõ ràng và xứng đáng với những gì bỏ ra.

khi đôi ba dòng chia sẻ chưa hết ý, tụi mình phải tạm biệt vì rẽ 2 lối khác nhau, mình ra bờ sông ngắm cảnh hoàng hôn như đã kế hoạch, còn anh tiếp tục lang thang trong chùa. đoạn đường ra, mình quay sang nói với em rằng, hiểu biết hữu ích trong những trường hợp như vậy – giúp người nơi khác đến thêm hiểu và có cái nhìn tích cực về quê hương mình.

đó là một quá trình, biết từng chút, hiểu từng chút một, bồi tụ dần theo thời gian chứ không phải ngay mà rõ hết được. dù tốn thời gian, nhưng rõ sự tốn kém ấy là xứng đáng, và được trả công dần theo năm tháng, khi đón bạn muôn phương tìm đến.

nói xong cũng là lúc tụi mình ra đến cổng, tìm đường có bậc thềm rồi đi xuống, hướng về phía mặt trời lặn mà tìm tới. nhưng hôm ấy nắng với mây thất thường, đoạn trời lặn cũng là lúc nó khuất sau mấy lớp mây. dẫu cảnh xám xịt không như ý, nhưng khi nhìn lên phía chùa và nghĩ đến anh khách người Bắc đang hứng khởi trong hành trình mới, mình lại thấy an ủi được đôi ba phần, coi như không bõ một chuyến lên chùa hôm ấy.

Bài viết ngày 15 tháng 09 năm 2022

trong Doreamon, khi buồn chuyện gì thì Nobita lại ra ngọn núi sau trường để tìm kiếm sự bình yên. đoạn còn nhỏ, đọc truyện mình ước rằng phải chi cũng có nơi như vậy, để tìm đến mỗi lúc không vui. mãi sau này, khi trưởng thành, mình mới phát hiện ra rằng, trong thế giới tuổi thơ, mình cũng có không gian như thế, là nhà của ông bà nội.

nhà ông bà trên ngọn đồi cao, ở chính giữa khu vườn với hàng chè tàu luôn được ông cắt gọn dẫn lối. nhìn từ phía cổng sẽ thấy cả vùng rộng ngập màu xanh, tới mùa lúa gặt là chấm điểm những màu vàng; nhìn từ phía vườn là thấy những đoạn thoai thoải trồng đậu với bắp, xen kẽ những đoạn cây cao mọc thành rừng chắn tầm nhìn.

vườn đoạn bên trái lối vào trồng nhiều mít và ổi, nên khi vào vụ thì mùi mít mật với mít ướt nứt da thơm cả lối ngay chưa bước vào. vườn đoạn bên phải trồng nhiều chè, có những cây lâu năm cao gấp đôi cả thân mình; những hôm sáng sớm, những mùa hè nóng nực bà lại ra đấy tuốt nắm lá già vào đun với nước, uống giải khát được mùa dài. khu vườn rộng ở phía sau, trồng đủ loại cây cao với bụi thấp, gom lại như khu rừng nhỏ, vừa hấp dẫn để khám phá mà lại lắm lạ lẫm để không dám ở lâu.

theo thời gian, bà mất rồi ông cũng mất, ngôi nhà sụp xuống và khu vườn cũng lụi tàn, cây dại mọc hoang xoá nhoà từng khoảng, vết còn lại chỉ là cái giếng cũ có hàng gạch xếp tròn xung quanh, nay đã cạn và cây dại mọc từ đáy lên thấu trên thành. khu vườn từng là tuổi thơ ấy, mình nào có trân trọng, bởi đâu nghĩ rằng chúng sẽ biến mất và không thể nào tìm lại.

niềm an ủi còn sót, là ngọn đồi của thuở nhỏ vẫn còn đó; những cánh đồng, khu vừng thay đổi thế nào thì vẫn giữ được màu xanh vốn có; ông bà dù mất thì vẫn chọn ở trên đồi, nơi hướng nhìn vẫn là cả vùng rộng ngập màu xanh. nên, những khi về nhà, mình tranh thủ dịp lên đồi thắp hương, xong ra phía trước bình phong, ngồi xuống bậc tam cấp mà lắng nghe những âm thanh vọng lại từ phía xa, tiếng máy đập lúa, tiếng xe chạy, tiếng người í ới gọi nhau… vang giữa vùng rộng mà vọng lên tận đỉnh đồi. những âm thanh ấy, khi nhắm mắt và lặng yên, cảm tưởng như được quay trở lại quá khứ, quay lại những trưa hè nằm trên giường và liếc mắt ra vườn, nhìn thấy cả vùng đầy cây và ngập tràn là nắng.

Bài viết ngày 15 tháng 07 năm 2022

con sông dùng dằng, con sông không chảy,

sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…

kể rằng mình muốn giảm cân, bạn khuyên hãy thử chạy bộ. bởi nếu chưa chạy, nhịp tim lúc bình thường sẽ rơi vào tầm 60 – 70 mỗi phút; còn khi chạy rồi, tim quen vận động, nhịp sẽ tăng dần lên 100 – 120. khi tim đập nhanh hơn, thì sẽ tốn nhiều calories hơn, năng lượng tiêu thụ nhiều thì mỡ thừa cũng sẽ đốt cháy nhiều không kém. nghe vậy, mình chợt nhận ra trước giờ đã hiểu sai, rằng người béo phì thường gặp vấn đề về tim mạch; chúng phải ngược lại mới đúng – vì gặp vấn đề về tim mạch, nên mới dễ béo phì.

cái phải ngược lại mới đúng ấy, rõ nhất là khi ai đó nói rằng, những thành phố có sông nước là những thành phố phát triển kinh tế. cái đúng phải là, kinh tế phát triển mạnh hơn ở đôi bờ những dòng sông, bởi nơi đó giao thương thuận lợi, đánh bắt nuôi trồng hay tưới tiêu cấp nước cũng đều dễ dàng hơn những vùng khác.

nhắc điều ấy khi đang cùng bạn trên đồi Vọng Cảnh nhìn về phía ban chiều đang dần tan dưới nhịp chậm của sông Hương, mình chỉ tay về hướng ngược lại và nói thêm rằng, đó là nơi bắt đầu của dòng sông.

từ thượng nguồn là đỉnh Bạch Mã, chúng tách thành 2 nhánh là sông Tả và Hữu, vội vã băng qua bao con đèo, gầy nên bấy con suối rồi gặp nhau ở ngã ba Tuần mà tạo thành sông Hương. từ điểm bắt đầu ấy, chúng chậm rãi, chậm như trong thơ của Thu Bồn:

con sông dùng dằng, con sông không chảy,

sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…

vốn điều ấy có thể giải thích bằng địa lý, bởi Huế bằng phẳng ít đồi núi gập ghềnh, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường lại cho rằng, đó là …điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế, (chỉ) có thể cảm nhận được bằng thị giác qua trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy…

thế mà từ bao giờ chẳng biết, điệu slow kia đã nhuốm màu vào cách sống, nếp nghĩ của người Huế, biến họ trở nên trầm mặc, từ tốn, thơ mộng và đầy cảm xúc; để khiến người ta khi tìm đến là đến tìm sự chậm rãi, sâu lắng của một thành phố cổ trăm năm.

nhưng cũng có thể, như những phải ngược lại mới đúng được nhắc đôi lần ở trên kia – một nếp sống chậm, đã làm cả con sông chảy chậm theo…

Bài viết ngày 15 tháng 02 năm 2022

khi nói về khoảng cách thế hệ, mình lại liên tưởng đến những cuộc xung đột dẫn đến cãi vã trong gia đình, tâm điểm là ông bà và những đứa trẻ, còn ba mẹ thì đứng giữa can ngăn. hình ảnh đó ví dụ sinh động cho khác biệt ý thức hệ, của các thế hệ trong một gia đình.

ấy vậy, chưa bao giờ mình nghĩ khoảng cách đó lại gần đến thế, ngay trong gia đình; giữa ba mẹ, mình và bé út.

mẹ sinh em khi mình lên cấp 3, mong nhà có tiếng con trẻ lúc 2 đứa con học xa nhà. mình sống trọn với em trong những năm tháng đầu đời, gặp mỗi tuần khi lên đại học, và mỗi tháng lúc đi làm, đến khi rời Đà Nẵng thì lần gặp được tính bằng năm. càng gần hiện tại, mình lại càng thấy em lớn và khác trước. có lẽ, em lớn chậm từng ngày, còn thời gian mình dành cho lại tình bằng tháng và năm nên mới vậy.

mình gặp khó trong việc trò chuyện với ba mẹ, nhưng cuộc trò chuyện dài và dai dẳng nhất, là em đang lớn thế nào. sinh sau đẻ muộn, nên những gì tốt nhất mà tụi mình không được thì lại dành phần cho em. bởi vậy, mình từng mong em khi lớn sẽ sống khác mình, sẽ mở lòng và đón nhận thế giới ngoài kia hơn.

cũng bởi vậy, mình dành thái độ rất nghiêm, cố chỉnh em từng chút; miệng đang ăn thì không nói, ăn xong thì rửa tay mới làm việc khác, ra đường thì bỏ điện thoại sang một bên… nhiều, nhiều lắm, nhiều đến độ em nói mình khó. bạn bè bảo tính khó thì mình chẳng quan tâm, nhưng em than thế mình lại buồn lòng và rất muốn nói rằng vậy để em tốt hơn (mà không thể).

dạo gần đây, mình bớt chỉnh và chỉ nhìn em, nhìn vào kỳ vọng của bản thân và ba mẹ gửi gắm; mình phát hiện đó như là trách nhiệm mà em không hề biết. trách nhiệm phải sống một cuộc đời như người khác muốn. nhìn vào đứa em bé bỏng trước mặt, mình (và cả ba mẹ mình nữa, cũng đều) sợ nếu không chuẩn bị trước thì em sẽ bối rối khi bước vào đời.

nhưng các bạn biết không, mình quên rằng bản thân là một đứa cứng đầu, em kế mình cũng vậy, và bé út cũng tiềm tàng không kém; tụi mình cứ tự nhiên bước ra ngoài kia, vấp ngã rồi chạy về nhà khóc bù lu bù loa, rồi lại bước ra tiếp, cứ vậy mà dần trưởng thành. mình quên, đó là đứa em của mình; quên rằng, em sẽ nếm nhiều thất bại, sẽ phải khóc lóc nhiều, nhưng cũng tự tin vào bản thân em nhiều không kém.

Bài viết ngày 14 tháng 11 năm 2022

đoạn Sư Ông mất, mấy chị em bạn mình quyết định xuất gia tại chùa, trở thành lứa đệ tử cuối cùng và hiện thực lý tưởng mà các bạn hướng đến. đang chơi vui mà các bạn rẽ hướng, không còn gặp gỡ không thể trò chuyện như trước khiến mình khá hụt hẫng và buồn nhiều. dù vậy, mình hiểu là nỗi buồn ấy không phải lỗi của các bạn, và mọi người vẫn ở đó chứ chưa hề đi đâu cả, nên theo năm tháng thì mọi chuyện cũng dần nguôi ngoai.

cuối tuần rồi trở lại Huế, mình ghé lên chùa thăm dịp sinh nhật muộn, kể lại chuyện trên thì sư cô chị bảo, có bạn tu học là điều may mắn, anh Lân ạ. nghe chừng hàm ý mà không hiểu hết, mình kể tiếp đoạn còn dang dở, là sau khi các sư cô lên chùa rồi, mình được dịp gặp và kết nối nhiều hơn với những bạn cũ, người thân thiết của các sư cô; như một hành trình khép lại thì muôn lối khác được mở ra, mình có nhiều hơn những cuộc trò chuyện sâu sắc và những việc dang dở trước mà mọi người để thì nay lại được tiếp tục.

dù vậy, khác với trước thì hiện tại, những người bạn đến rồi đi thì mình không còn nặng nề, khắt khe như trước. với những ai đến thì thoải mái mở lòng đón nhận và mở cửa cho xem thế giới của riêng mình, kể cả đồng điệu hay là không. với những ai rời đi thì cứ tự nhiên để họ rời đi; không níu giữ, không trách mình trách bạn tại sao lại thế, tại sao không khác đi… như lúc trước.

và như một người đột ngột mất người thân và họ phải thay đổi để thích ứng, mình cũng phải thay đổi quan điểm về bạn bè và sự kết nối xung quanh sau quyết định của các sư cô. có lẽ, sự khác biệt giữa chưa và dần nguôi ngoai trong câu chuyện này là việc mình dần nhận ra: phải nên chấp nhận việc một ai đó đến và đi như một lẽ thường tình, và nếu quá bám víu vào quyết định ấy (của họ) sẽ khiến bản thân trở nên lệ thuộc, không tốt cho chính mình.

mà nói nhiều vậy chứ thật ra, mình chưa biết may mắn của người có bạn tu học là gì, mình chỉ cảm thấy có gì đó đã thay đổi, theo hướng tích cực và cũng biết rằng do mấy sư cô tạo nên. nghe hết mọi điều mình nói rồi sư cô chị mỉm cười bảo, ấy là một điều may mắn, anh Lân ạ…

Bài viết ngày 14 tháng 08 năm 2022

hôm gặp nhau, bạn vu vơ rằng dự định sắp tới là mở tiệm cafe nho nhỏ. nghe vậy, mình hỏi chúng phải chăng là tiệm có nhiều cây với vách gỗ, có nhiều hoa và nuôi nhiều mèo, phát những bản indie ban ngày và Hà Anh Tuấn hát ban đêm? bạn ngạc nhiên sao đoán được những gì đang nghĩ hay thế, mình trả lời bởi mọi người luôn mơ những giấc giống nhau.

cụ thể, chúng ta luôn muốn có tiệm cafe, trà bánh hay homestay nào đó cho riêng mình để thỏa lòng chia sẻ những niềm vui cá nhân và kiếm tiền từ chúng. nhưng không phải lúc nào, không phải ai cũng hiện thực được, nên sẽ luôn tìm kiếm và đến những nơi như vậy để xoa dịu cảm giác trong lòng. vì vậy, xem những nơi bạn đến, nghe những gì đã chia sẻ và biết về dự định kinh doanh, thì mình dễ dàng xâu chuỗi và đoán được chúng trong mắt bạn sẽ như thế nào.

mình kể tiếp, ở Huế lúc trước mình hay ghé Lagom để chơi. đó là tiệm homestay đối diện bờ sông, lâu lâu lại có thuyền đánh cá lửng thửng chạy ngang; các nhà gần đó hay tỉa lối, cuốc đất và rào dậu để trồng rau với hoa màu trên nền đất trống, nên chỉ nhìn từ trong nhà ra thôi cũng đã rất thơ.

bẵng một thời gian với nhiều lý do, tiệm dẹp và mọi thứ từng có ở nơi đó được đem đi nơi khác. chị bé quản lý lúc tình cờ gặp, mình bảo rất tiếc vì không còn một nơi như thế, và hỏi sẽ bao giờ mở lại; chị trả lời đại ý rằng, những điều em nhớ không gắn liền với không gian ở nơi em từng đến, mà là tinh thần của những con người ở đó tạo ra. nên là, không còn Lagom ở đấy, thì vẫn còn tinh thần Lagom ở một nơi khác, ví dụ ở ngay trước mắt em lúc này.

xong chuyện, mình kết luận với bạn rằng, bất kỳ tiệm nào bạn ghé cũng đều mang dấu ấn, giá trị mà người chủ muốn truyền tải; nhưng cả khi không có tiệm, thì chúng vẫn gắn liền với bản thân họ, tỏa ra mỗi lúc mà bạn tiếp xúc.

vì vậy, có riêng mình một tiệm để thể hiện cá tính mình muốn thì cũng được; nhưng không có thì đâu sao, đâu nghĩa rằng chúng sẽ mãi không được nhìn thấy. sự hiện hữu của bạn, sự bày tỏ lòng quan tâm cùng niềm hạnh phúc với những thứ bạn đang hướng đến cũng là cách để tỏa ra những giá trị mà bạn muốn chia sẻ; đó có thể là cách khởi đầu hợp lý cho mọi dự tính bạn đang hướng đến, và hãy nên luôn như vậy.

Bài viết ngày 14 tháng 01 năm 2022

mình có anh bạn, khi còn học ở Huế, mỗi lúc vào Đà Nẵng có việc lại sang nhà anh ngủ tạm. năm này qua tháng khác rồi cũng đến lúc mình ra trường, anh đi làm và mình cũng vậy. bẵng một thời gian, đủ dài để khi gặp là vô vàn chuyện để nói. dịp gặp nhau gần đây, anh kể, năng lượng từ chỗ làm (cũ) quá tiêu cực, nên anh nghỉ, yên lặng từ đó đến nay cũng đã gần nửa năm.

sau vài năm không gặp, sau mấy tháng không làm gì, mình cảm giác anh như một con người khác – khác với trước nay từng biết. nói đơn giản thì, áp lực công việc khiến trong giây lát, mình ước chi cũng được như anh – không cần đi làm và vẫn sống khỏe; nhưng chỉ giây lát thôi, bởi năng lượng anh tỏa ra, lại yếu ớt và đơn điệu, còn tinh thần thì nghèo nàn và vô định đến bất ngờ.

nếu có gì để nói về cuộc gặp ấy, thì nhàm chán; không thêm gì nữa.

nhưng đó không là cuộc gặp gỡ dư thừa thời gian, bởi dư âm để lại, đủ giải đáp cho điều mình thắc mắc bấy lâu: giữa một công việc nhẹ nhàng ít ưu tư, và một công việc đầy áp lực thử thách; thì đâu là lựa chọn tốt hơn? giờ thì mình nghiêng về vế sau, bởi đó là lựa chọn cho sự phát triển. một trải nghiệm đơn giản, không cầu kỳ, ít phải suy nghĩ luôn là hướng đi an toàn, khó thất bại. nó không cần nhiều, và cũng tự triệt tiêu nỗ lực của mỗi người, bởi thành quả là điều dễ nắm trong tầm tay.

nhưng để nói về sự phát triển của bản thân, thì đó không là gợi ý đúng đắn. điều mà trước nay mình ít nhận ra là, một trải nghiệm đầy phức tạp và khó khăn – là một cơ hội để biết rõ giới hạn, và chứng tỏ giá trị của bản thân mình.

khi còn làm ở NGOs, yêu cầu về thu thập, hệ thống và phân tích dữ liệu giúp mình nhận ra bản thân có năng khiếu, và yêu thích hệ thống hóa đến thế nào. đó là một trải nghiệm đắm chìm hoàn toàn, quên thời gian với những con số, phép tính chỉ để tìm ra câu trả lời là thành tố kết quả mà dự án đang cần.

rồi khi vào Sài Gòn và dần dấn thân vào nghề viết, mình cũng nhận ra viết lách còn hơn cả niềm đam mê, hay định hướng của bản thân. nó giống như cách để mình giao tiếp với thế giới bên ngoài.

những điều ấy, nếu chọn một trải nghiệm đơn giản hơn để tiếp cận, thì có lẽ mình sẽ tốn rất nhiều thời gian, hoặc sẽ không bao giờ nhận ra sự tồn tại của chúng.

Bài viết ngày 13 tháng 05 năm 2022

nhận cuộn film mới khi sắp gặp nhau, mình quyết định đem theo để bạn xem cùng. bên bàn trà nước, bạn xem mình lắp film vào máy rồi cảm thán, thú vui này thú vị nhỉ, mà cũng tốn kém ha; được đoạn thì tự than thở, em chẳng có thú vui nào cả. nghe vậy, nhớ lời bạn từng kể nên hỏi, thế bể cá thì sao? bạn trả lời như tự hỏi chính mình, nuôi cá cũng là một thú vui à ư?

đôi ba câu gợi mở tiếp theo, mình biết rằng bạn từng xem đó là niềm yêu thích cho riêng mình. nhưng, cảm giác nó đơn giản quá (bạn nói vậy), nên người ta chê chúng tẻ nhạt, rằng nó chưa đủ mức để gọi thành tên. nhiều lần nghe, nhiều người nói, nên dần bạn tin, tin rằng mình chẳng có một thú vui nào cả.

biết được vậy nên mình kiếm chuyện kể bạn nghe, chuyện về người bạn khác của mình, họ thích sưu tầm tem. mỗi tuần mỗi tháng, mỗi dịp sự kiện lớn, bạn ấy lại ra bưu điện mua từng con tem mới, đem về dán cẩn thận vào sổ. lâu lâu gặp bạn quý, cuốn sổ kia được đem ra khoe, những con tem mới đầy màu sắc và được dán thẳng hàng ngay lối với nhau…

nhưng nó thật sự là niềm vui, một sự kiên trì đáng ngưỡng mộ, không phải ai cũng theo đuổi được, còn nuôi cá thì… đang kể thì bạn cắt ngang, cãi lại. nhưng em nào có biết (mình nói tiếp), họ cũng nhiều lần được nghe, được nói thẳng mặt rằng sưu tầm tem là vô bổ, nhàm chán, tốn kém, nhạt nhẽo, không thú vị, hay nhiều câu chê bai khác. dù thế, bạn ấy vẫn hào hứng mỗi lần VN Post thông báo phát hành bộ tem mới. niềm vui kia có lẽ nhàm chán trong mắt người khác, nhưng nhờ chúng mà bạn tìm được thêm đôi ba người đồng điệu, đôi người tìm đến để biết nên bắt đầu sưu tầm tem như thế nào. hoặc đơn giản hơn, đó chỉ là niềm vui đơn thuần, tức ở trong sự yêu thích ấy, bạn được là chính mình, được vui vẻ tận hưởng hạnh phúc của đam mê.

bởi lẽ vậy, mình không nghĩ bất kỳ niềm vui, sở thích nào là nhạt nhẽo, nhàm chán hay vô bổ cả. tất cả chúng, tất cả những ai theo đuổi những niềm đam mê của riêng mình, cũng đều đang nhìn thấy và tìm kiếm thêm những thú vị ở trong đó. khi một ai chưa đủ kiên nhẫn, chưa dành nhiều thời gian nhìn sâu nhìn lâu vào những gì mà mọi người xung quanh đang theo đuổi từng ngày, họ sẽ gọi đó là nhạt nhẽo. nên đôi lúc, thái độ đó mới đúng là nhạt nhẽo.

Bài viết ngày 11 tháng 07 năm 2022

hãy cứ nghĩ đơn giản, những chuyện xảy ra đôi khi vì suy nghĩ phức tạp của mình – mà người khác cũng phải phức tạp theo, rồi rối rắm với nhau trong mớ bòng bong mà cả 2 tạo nên…

mỗi khi bạn gặp chuyện không hay, mình đều khuyên như vậy, tùy người tùy hoàn cảnh mà thêm thắt đôi ba câu. điểm chung là, mọi người đều lắng nghe và xem đó là một lời khuyên hữu ích, tìm cách làm theo lời mình nói. nhưng mâu thuẫn lại là, mình là một đứa suy nghĩ cực kỳ phức tạp, và đôi khi còn nghĩ thay cho người khác – dù chưa biết họ có thật sự cần hay không. tất nhiên, kể cả những khi cần hoặc không thì, mình và người kia cũng đều rối rắm trong mớ bòng bong, do mình tạo nên.

có lẽ vì sự tự tin, hay đúng hơn là cái tôi cho rằng hiểu biết đủ nhiều, khiến mình tin rằng có thể kiểm soát mọi chuyện, bởi nếu đã tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà người khác đem đến, thì của mình cũng có là gì đâu. dần mình nhận ra, đó là một điều tệ hại, bởi không phải lúc nào, chuyện nào cũng xảy ra đúng như những gì đã nghĩ.

biết vậy, nên mình nghĩ khác đi, không cho bản thân hiểu đủ nhiều, và cũng không nghĩ thay cho mọi người nữa, dù vẫn ở bên cạnh bạn bè mỗi khi họ cần.

đó là một quá trình đầy nhẫn nại với bản thân, và cũng cần sự nhẫn nại từ người khác, bởi đâu phải ai cũng cho mình cơ hội sửa sai, sửa lại mớ bòng bong đã tạo ra đâu. nhưng dù sao thì, mình từng thích truyện Hoàng Tử Bé vì câu chuyện, rồi nhận ra bản thân hời hợt thế nào bởi chưa nhận ra được ẩn sau đó là vô vàn bài học thú vị, thì giờ cũng đã đến lúc quay trở lại những điều đơn giản đã từng nghĩ.

Bài viết ngày 10 tháng 09 năm 2022

đoạn năm ngoái, dính lockdown nên mọi thứ đều rơi vào trầm lắng. một mùa hè nhiều bất ổn, nhưng cũng nhiều yên lặng; một kỳ nghỉ lễ đúng mực, và cũng yên đúng mực không kém; và một mùa trung thu thiếu đèn lồng múa lân, nên tất nhiên cũng yên lặng như ngày thường.

những năm trước đó, trung thu là dịp mình gặp vài người bạn, khi đến thì mình đem bánh, các bạn người nước người trà, xong kiếm chỗ có khoảng sân rộng khi ngước lên trời mà pha trà cắt bánh mời nhau. vốn ngày thường, kiếm dịp pha trà cắt bánh mời nhau đâu có khó, nhưng những dịp ấy lại thiếu trăng sáng treo trên đầu, và ngoài hiên rộn ràng tiếng lân múa. bánh ngọt trà ngon mà thiếu chút thi vị, thì vị ngon ngọt ấy tự nhiên kém đi mấy phần.

vì thế, không muốn một mùa trung thu trôi qua vô vị, mình quyết định mua bánh tặng bạn, bạn mua bánh tặng mình, tụi mình ai cũng có bánh bởi tặng nhau, xong tự pha trà cắt bánh, nếm trong đêm trăng rằm yên lặng, sau rất nhiều biến động, để mong sớm đi qua hết mọi biến động.

Bài viết ngày 10 tháng 03 năm 2022

mình có người bạn, lâu ngày gặp nên không biết bạn đang bán mỹ phẩm, nhưng chỉ người quen hoặc được giới thiệu là biết. bạn kể, người ta tìm tới và hỏi tư vấn; sau một hồi cảm thấy họ không hợp, với sản phẩm hoặc bản thân thì bạn xua tay, thôi không bán. điều bạn muốn, là tạo ra kết nối với người mua, và không muốn bán cho họ trong sự nghi hoặc.

mình có bạn khác, ngày dự định mở quán café đã chia sẻ với mình. nghe xong, mình nghi ngờ về ý tưởng, bảo chúng thú vị, nhưng sẽ khó để mọi người đón nhận. 2 năm sau, bạn đã chứng minh mình sai như thế nào. nay quán đã có nhóm khách hàng riêng, với cái tiếng ngoài tỉnh cũng biết. lần gặp lại thì bạn kể, quán đó ai đến mà thấy không hợp thì sẽ tìm cách cho họ rời đi; không gian của bạn, cá tính bạn tạo ra, là điều bạn muốn chia sẻ với những người bạn tin là phù hợp.

chuyện bạn xong thì kể chuyện bản thân. bạn thắc mắc, nay là thời thông tin thụ động (video, audio…), liệu mọi người có sẵn sàng dừng lại, dừng suy nghĩ để chủ động đọc bài mình viết trong 3 – 5 phút, bởi lượng nội dung đâu chỉ vuốt nhẹ màn hình là nắm hết ý? mình trả lời rằng đó là thử thách với mọi người, nhưng cũng là lựa chọn của họ, nếu họ cảm thấy bỏ ra chừng ấy thời gian để đọc là xứng đáng, thì có nghĩa mình đã viết thành công.

đây không phải câu chuyện về những người đi ngược, mà về những người ý thức được đang làm gì và kiên định với nó ra sao. khi nói về quán café đã tạo ra, bạn mình chia sẻ, mở rộng quán đủ góc checkin – bạn làm được, xem quán họ có gì để mình có đó – bạn cũng làm được, nhưng tất cả chúng – bạn không làm. sẽ rất dễ tạo ra không gian như số đông đang có, nhưng là khó để nhắc với họ rằng ở đây có gì đặc biệt, là đặc trưng bất biến.

mình không hay xem film Việt, nhưng mình nhớ lời anh đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chia sẻ lúc còn sống, (người nghệ sĩ) phải khẳng định bản thân trong lĩnh vực nhất định rồi mới tính đến thử sức lĩnh vực khác. mình nghĩ, nếu ta tin vào giá trị của bản thân, và đầu tư cho nó sự tập trung xứng đáng, thì đến lúc nào đó – thành quả nhận được sẽ lớn hơn nhiều những gì ta nghĩ nhiều.

tất nhiên, đó là con đường khó. nhưng tin mình đi, làm nội dung hợp thời nhưng không hợp thân là điều không bao giờ mình chọn.

Bài viết ngày 10 tháng 02 năm 2022

hết 4 năm đại học, mình nhận ra nay mùa hè đã biến mất, bởi không còn đi học thì cũng đâu còn quãng nghỉ dài giữa các năm; đi làm rồi, nghỉ ngơi nhất là những ngày phép và cuối tuần.

hết 4 năm tiếp theo, mình nhận ra thêm, thời gian dài nhất ở Huế có lẽ là những ngày Tết. chọn một thành phố khác, với cuộc sống khác, thì nơi ấy đành ở riêng một góc.

trong nhiều cuộc trò chuyện với bạn, khi nói về tương lai, mình vẫn luôn kể lúc nào đó sẽ trở lại Huế; nhưng mình cũng nói thêm, đó là quyết định chưa chắc chắn. điều khiến băn khoăn, không phải nơi ấy có đủ cơ hội hay vòng tay nồng ấm chào đón hay không, mà bởi sẽ cảm nhận chúng như thế nào – và có làm mất đi sự chiêm nghiệm vốn đã dành?

lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng, đó chỉ là chuyến tập huấn ngắn ngày, nên những lúc không bận rộn mình lấy xe đạp và rong ruổi qua những con phố và hàng cây; rồi cảm nhận nơi này thật tuyệt vời, đúng kiểu thành phố đáng sống mà người ta hay nói. thêm vài chuyến trở lại và cảm nhận vẫn nguyên thế. ấy mà lúc xách đồ vào đây để sống, cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai và những điều đáng sống trước khi giờ sao vớ vẩn quá.

về cơ bản, cũng tương tự một người với 2 tính cách, khi làm việc và lúc vui chơi thường rất khác nhau. môi trường quyết định thái độ, và cách ta nhìn vào thế giới xung quanh. khi mình chưa nhận ra điều ấy, trải nghiệm lúc ban đầu sống và làm việc ở Đà Nẵng thật đáng buồn và đáng quên. và khi nhận ra rồi, mình lại lo liệu kế hoạch trong tương lai đã vạch thì có tránh được cảm giác ấy không…

nhưng nghĩ vậy thì xa xôi quá, xa cả quá khứ lẫn tương lai, còn hiện tại thì mọi thứ vẫn đang ổn, một công việc như mong muốn ở Đà Nẵng, và mình vẫn dành thời gian mà tận hưởng những lúc về Huế. 2 tuần trở về, mình lên chùa thăm bạn, ở nhà làm việc rồi về phố đổi không khí, không làm thì phụ ba mẹ dọn dẹp xong quây quần, dành thời gian để đi chơi cùng bé út và cũng dành thời gian lang thang một mình.

đó là những trải nghiệm đơn giản và không thú vị, nhưng với mình vậy cũng đủ để sống cùng. chúng có lẽ khác trước, khi mình luôn tự hỏi đâu là cơ hội tốt nhất, nơi nào là phù hợp nhất. mà hiện tại thì những vấn đề ấy cũng quan trọng đó, nhưng quan trọng hơn thì vẫn là hiện tại mà thôi.

Bài viết ngày 09 tháng 12 năm 2022

khi ở Đà Lạt, mình sống giữa một thung lũng và xa thành phố, muốn đến đó phải đi xuống những con dốc cao. nên những sáng chạy lên đỉnh dốc thật sớm và ngoái lui sau nhìn, trước mặt như cả ly kem khói khổng lồ, đã nuốt trọn mọi nóc nhà lẫn lối mòn cũ mà trước đó, dưới kia nắng chiếu từng tia hiu hắt xuống.

những dịp có việc cần vào thành phố, mình thường đi cùng anh tài xế là người Đà Lạt, những dịp vậy, để đường xa bớt gập ghềnh quanh co nhiều khúc, tụi mình lại tầm phào với nhau đôi ba câu kiểu như ở nơi này thế nào, ở nơi kia có gì thú vị. một dịp nào đó, khi nhìn ra cửa sổ và nhìn hoài nhìn miết, mình quay sang hỏi anh, sao Đà Lạt thông trồng nhiều đến vậy nhỉ?anh tài xế bảo rằng, thông ở đây trồng ban đầu để khai thác nhựa, khi hết nhựa sẽ đốn hạ để thu hoạch gỗ. nghe vậy rồi mình lại quay ra khung cửa sổ và nhìn hoài nhìn miết vào những hàng thông thẳng lối nhưng ngả nghiêng theo chiều gió rừng mà nghĩ, thông ở đây cũng kỳ lạ thật đấy, được trồng như một loài cây công nghiệp, nhưng lại sống như biểu tượng của cả thành phố từ lúc nào chẳng hay.

nghĩ vậy rồi nên khi về đến thung lũng, hay như những lúc không phải làm việc và tự do làm những gì mình muốn, mình lại men lối sau lưng nhà để vào rừng. những dịp ấy, đi dưới những tán cây thẳng và cao vút không ngả nghiêng đầy gió như ở ngoài rìa, trong lòng mình trào lên cảm giác nhớ nhà thân quen, và chút vô minh không trọn vẹn giữa thiên nhiên.

nói nhớ nhà nhưng thật ra là nhớ rừng cây cao su ở nhà. bởi cũng được trồng trên rừng với những đoạn phủ đầy sương lúc ban sớm, cũng là cách rạch những vết bài bản trên thân để nhựa cây chảy ra, cũng những lối mòn thẳng tắp nối cánh rừng này với cánh rừng kia như ở nơi đây.

nói vô minh là bởi, dưới tán thông rừng và trong tầm mắt luôn ngập tràn sự thân thuộc, nhưng cũng khe khẽ bên tai cảm giác nguy hiểm cận kề. dù vậy, nếu thêm một lần bước vào rừng, thì mình lại thêm một lần quên trước đó đã hoảng thế nào nếu ngoái lui và thấy cả con đường mòn xa lạ.

cảm giác ấy, thân thuộc chẳng kém những ngày hè ở quê, những ngày được dịp chạy sâu vào rừng theo những lối mòn cũ mà khám phá xem nơi này có hoa gì lạ, cỏ gì hay để đem về như chiến tích không ai dũng cảm có được.

Bài viết ngày 09 tháng 11 năm 2022

hôm rồi đi lấy túi mèo đựng laptop, chị bé may túi đi vắng nên nhờ anh trai của chị đưa giúp, nhận đồ rồi mình ướm luôn tại chỗ. thấy chiếc máy đang dùng, anh hỏi vài câu nghe cũng rành rõ công nghệ nên mình tiếp đôi ba câu. hết chừng ấy chuyện thì anh kể, nay đang làm công chức ở phường và muốn đổi môi trường mà không biết nên bắt đầu từ đâu. thấy mình làm content và cũng muốn dấn thân, nên anh hỏi xem là mình có gợi ý nào không.

thêm vài câu thì không biết nên bắt đầu từ đâu của anh có nghĩa là, ở độ tuổi mà bạn cùng lứa đã ổn định sự nghiệp, thì đổi môi trường với anh là một bước lùi, một thử thách tốn nhiều thời gian, nói chung là một rủi ro. anh thì, anh biết mức độ phù hợp, biết làm content là làm những gì và làm ra sao, nhưng vẫn băn khoăn – liệu đổi môi trường có phải là một lựa chọn đúng?nghe thế, mình kể với anh, mình là một đứa 3 không: không bằng đại học, không chuyên ngành viết, không giỏi ngoại ngữ; mình cũng rời giảng đường tầm 5 năm có lẻ vài tháng; nhưng trừ lúc đầu khi đổi thành phố thì mọi lúc mình đều được chào đón và tìm được công việc như ý. việc hiện tại không đến mức tuyệt vời hoàn hảo, nhưng cũng đủ khiến mình hài lòng với những gì nhận lại và cố gắng mỗi ngày.

kể vậy để biết, mình nói tiếp, thiếu cái này hụt cái kia không là lý do cho sự thất bại (nếu có) mà anh phải nhận khi thử điều gì mới. gương thành công thì muôn vàn, ngậm thìa vàng có, xuất phát điểm bằng 0 cũng có, hay người bình thường như anh cũng có luôn. còn gương thất bại thì chỉ có một, là không tin vào chính mình, không sẵn sàng dấn thân hết mình vào lựa chọn mà mình hướng đến, và đấy là điều chưa bao giờ mình nghĩ tới.

vậy cho nên, anh an toàn trong công việc hiện tại, hay dám chấp nhận rủi ro khi thử môi trường mới cũng đều được cả. nhưng dù trong lựa chọn nào, nếu anh không tin vào lựa chọn ấy, cứ mãi băn khoăn và rối trí trong chuyện tiến sau thoái trước, thì một ngày nào đó chuyện anh không muốn cũng sẽ xảy ra mà thôi.

tạm biệt anh khi vọng tiếng gọi chồng vào nấu cơm, mình chào và không quên chúc anh vững tin thêm chút nữa. mình không biết khi gặp lại anh sẽ nói gì, nhưng ngày ấy vẫn còn xa xôi; bởi túi mèo vẫn trông khá đẹp và bền, ít nhất là thêm vài năm.

Bài viết ngày 08 tháng 12 năm 2022

chụp film tới tấm cuối thì đứt lõi vì lỡ kéo mạnh tay quá, bạn mình vừa tiếc bởi cuộn ấy chụp cả đoạn dài với bao khoảnh khắc kỷ niệm, lại vừa lo tráng sẽ không thành công. nghe vậy mình liền động viên chỉ cách, miễn là không tiếp xúc ánh sáng, thì lấy film ra vẫn tráng ổn, mà run tay thì thôi cầm đến tiệm lab nhờ họ lấy ra giúp.

hồi hộp làm theo rồi thấp thỏm chờ đợi trong hy vọng, hôm nhận mail bạn như không tin vào mắt mình, cuộn tráng thành công và mọi tấm vẫn ổn như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra. xem xong những tấm chụp nhau của cuộn ấy, mình ngỡ rằng nếu tráng không thành thì mình sẽ không nhớ từng khoảnh khắc bấm máy, bởi chúng cũng là chuyện đã từ rất lâu.

tấm hình này là chiếc máy film hiện tại, và cũng là chiếc máy thứ 3 của mình; đó là một chiếc máy đẹp và thao tác chụp khó như sự già đầu của nó, nhưng trải nghiệm chụp·rất tuyệt để mỗi khi cần thì mình lại không hề đắn đo để cẩm theo, và bỏ công chờ đợi thành quả sau mỗi lần kéo cần bấm nút chụp.

Bài viết ngày 07 tháng 07 năm 2022

nếu mình dạo quanh trường, lâu lâu sẽ có người kéo lại, anh bạn đồng tính ơi, cho xin tài liệu về đọc với… lý do là, đoạn ấy đang làm nghiên cứu, khảo sát xem mọi người nghĩ gì về cộng đồng LGBT. vào năm 2014, đề tài ấy khá mới và lạ, nên ai khi biết cũng tò mò xem quanh mình mọi người đang nghĩ gì.

bạn hỏi sinh viên có gì thú vị nên mình đem chuyện ấy ra kể. xong thì bạn hỏi, thế người trong cộng đồng có phải đang được đề cao quá mức? mình bảo đó là một tiến trình phát triển, với nhiều giai đoạn.

ban đầu, là chưa định nghĩa được. 20 năm trước, sự tồn tại của đồng tính chỉ là những bài báo, kể về sự lạc lõng của họ trong thường ngày. đó như màn sương sớm, chưa tan và đầy mờ ảo.

tiếp theo, là biết, và sợ hãi, ghê tởm. người ta biết đồng tính là bệnh tâm lý, đua đòi mà thành, có thể chữa khỏi… với người trong cộng đồng, đó là hiểu biết đáng sợ; với người ở ngoài, không chỉ sợ, họ còn thấy ghê tởm.

tiếp nữa, là dấn thân, và biết đúng hơn. tối nay bê đê về diễn nè, đi xem không? hội chợ về làng, tụi nhỏ lại kháo nhau như thế. lúc ấy, đồng tính không còn ghê tởm, bệnh hoạn hay sợ bị lây nữa. đó là kết quả của sự dấn thân, dần bước ra ánh sáng và thể hiện mình. nhưng, bê đê, giả gái vẫn gắn liền với trò tiêu khiển, mua vui, chưa được xem là bình thường.

rồi đến, đấu tranh và được chấp nhận. tháng 6 là tháng tự hào – tôn vinh đa dạng giới tính. đây chưa là kết quả, bởi vẫn còn nhiều thứ mà những người trong cộng đồng đang làm. cũng từ giai đoạn này, người ta biết gọi đúng hơn – cộng đồng LGBT.

hiện tại, được chú ý và coi trọng. ở ngoài xã hội, giới tính không chỉ là nam và nữ. trong các công ty, chính sách tuyển dụng cởi mở hơn. ở trên truyền thông, Hương Giang Idol, Lynk Lee không phải tất cả, nhưng là những đại diện tiêu biểu.

vậy tiếp theo, sẽ là gì? sự hiện diện của Trần Đức Bo là câu trả lời. mình không chấp nhận được cậu ấy, bởi thật lố lăng, gây khó chịu. nhưng nếu, người khác chấp nhận được thì sẽ ra sao? họ sẽ xem đó là bình thường nhỉ. nếu Trần Đức Bo được chấp nhận, thì những người trong cộng đồng, cũng như thế nhỉ? đó là hành trình dài, phức tạp khác mà người trong cộng đồng LGBT cần kiên trì theo đuổi – để biến những bất thường thành bình thường.

Bài viết ngày 06 tháng 10 năm 2022

tầm 3 năm trước, một người bạn rất thân và hiện tại cũng như thế, chia sẻ với mình rằng muốn tự tử, lý do là bởi bạn mất động lực vào cuộc sống, hay chính xác hơn – không biết tại sao phải tiếp tục sống trong thế giới này. nghe thế, mình bảo với bạn, nếu cảm thấy cuộc sống này khó khăn quá, thì lựa chọn một giải pháp dễ chịu hơn với bản thân cũng không có gì là xấu.

bạn ngạc nhiên hỏi sao không cản lại, như những người khác nghe chuyện? mình trả lời tiếp, hiểu và chấp nhận nỗi đau của người khác trải qua mà mình chưa là vô cùng khó, huống chi là nỗi lòng mà bạn không thể thể hiện hết ra. đó rõ là một lời khuyên không phải về mặt đạo đức, nhưng lời đúng đạo cũng là quá sáo rỗng và không giúp được gì cho bạn.

gần đây, đem chuyện ấy kể với người khác, trong một cuộc trò chuyện vẩn vơ nhiều chủ đề không nhớ hết; bạn ấy chia sẻ, vốn dĩ tự tử là chấm hết cuộc sống, là quyết định không thể đảo ngược, và chúng ta không biết gì sẽ xảy ra tiếp theo, với chính mình và những người ở lại; nhưng nếu chọn sống tiếp, chúng ta có thể thay đổi quyết định, và cũng biết luôn mọi điều kế tiếp sẽ như thế nào.

chính vậy, nếu phải ở trong trường hợp đó, bạn vẫn sẽ cố gắng sống tiếp, không vì động lực sống, mà vì niềm tin rằng mọi thứ có thể thay đổi. và bạn cũng nói thêm rằng, vì không ở trong hoàn cảnh người khác thì bạn không thể hiểu hết, nên việc khuyên ai đó nghĩ lại khi họ đã có ý định là thật sự không có ý nghĩa gì.

nhưng cũng rõ không kém, là chẳng ai muốn liên can đến cái chết của người khác, dù chỉ là gián tiếp khi không cản họ lại. vậy nên làm thế nào, ngoài việc chấp nhận vấn đề của họ? lời khuyên được bạn mình đưa ra là, khuyến khích họ hoàn thành một điều gì đó còn dang dở, và khi điều ấy xong thì lại tiếp tục hoàn thành một điều khác. cơ bản thì, ý định thì vẫn giữ nguyên, nhưng kế hoạch thực hiện được giãn ra, kéo dài từng chút một, giúp họ dần tìm được lý do chính đáng hơn cho việc sống.

dù không hệ thống hoá được giải pháp ấy, nhưng may mắn khi mình đã rủ bạn đợi xem xong Endgame (2019) rồi hẵng nghĩ đến chuyện bạn muốn. may mắn là vì, theo thời gian thì kế hoạch bạn nghĩ dần không cần thiết, và như đoạn mở đầu câu chuyện – tụi mình vẫn thân thiết như ngày nào.

Bài viết ngày 06 tháng 05 năm 2022

trong một lần đi phỏng vấn người dân để lấy số liệu cho dự án đang làm tình nguyện, mình được dịp ghé qua vùng quê nọ ở Tây Bắc. đó là một không gian bình lặng, yên ả như những thước phim cũ chiếu trên tivi hồi nhỏ từng xem.

sau vài hôm đi khắp làng, lân la từng ngõ và né tiếng chó sủa để xin phỏng vấn, mình nhận ra nơi đây thiêu thiếu gì đó, một sự thiếu thốn không đúng nghĩa và không thể gọi tên. ở đây thiếu trai tráng thanh niên, mà phải thời chiến đâu mà làng thiếu sinh khí thế này nhỉ? bạn đi cùng đoàn trả lời cho sự vẩn vơ của mình, cũng sau vài hôm lân la khắp làng.

thêm vài hôm và vài cuộc phỏng vấn, mình mới tìm được câu trả lời cho điều bạn thắc mắc. (ở đây) thanh niên người ta đi hết, đi vào nam, đến khu công nghiệp, lên thành phố, kiếm nơi có việc để chúng nó làm, chứ ở quê đây biết làm gì mà ăn, lấy gì mà giàu… câu chép miệng như hiển nhiên của ông bác, có thằng con rời quê khi mới học xong cấp 3 để đổi đời (theo như lời bác kể), gói đủ gọn cho thứ mình cần. vốn dĩ nơi này chẳng có gì cả, một làng quê nghèo – xếp vừa đủ chữ cho câu chó ăn đá gà ăn sỏi thì đâu có gì để níu thanh niên ở lại?

cũng thêm một vài hôm và vài cuộc phỏng vấn khác, mình nghe phong thanh đâu đó, mình nhìn thấy tia hy vọng trong ánh mắt và giọng kể, rằng ở bên kia làng có một nhà máy sắp xây. nhà máy to, có nhiều cổng, đủ cho mọi làng mở đường mà đến, người trong làng kháo với nhau thế. nhưng bác ơi, làng mình nghèo mà cháu thấy đủ sống, rau vườn nhiều và lúa đầy kho, sao lại mừng khi có thêm nhà máy ạ; không phải nó sẽ xới tung mấy mẩu ruộng và hoa màu của nhà hay sao? không giấu được tò mò, buộc mình hỏi trong cuộc bàn. trả lại là im lặng, không vì khó chịu mà dường như không biết diễn tả sao cho phải. đó là sự im lặng đầy bối rối, sự bối rối khiến mình không dám tìm thêm câu trả lời nào khác trong ngôi làng ấy.

mãi sau này, khi nhớ về khuôn mặt và ánh mắt của ba mẹ, khi kể kế hoạch nam tiến lúc sắp rời đi, mình lại thấy chúng tương đồng lạ kỳ với những gì từng thấy ở ngôi làng xa xôi nọ. phải thêm một thời gian dài nữa, mình mới nhận ra chúng, sự bối rối ấy – cũng chỉ vì không biết điều gì sẽ biến mất và điều gì để lại, trong mong muốn những đứa con sẽ ở gần mình hơn…

Bài viết ngày 06 tháng 01 năm 2022

em thương mến,

Huế dạo này đã bắt đầu đổ cơn mưa đúng mùa. anh đi học ban tối từ trường Ngoại Ngữ, chạy vào thành phố, đi qua những con đường quen với anh và lạ với chúng ta, đi ngang cây cầu bắt qua sông Như Ý mà có lần anh dừng bước để chỉ em xem người ta tung lưới đánh cá trên sông là thế nào. dọc cả hành trình, chiếc áo mưa vẫn im lìm trước giỏ xe, anh chẳng buồn đụng đến. có vẻ rằng mưa không đủ nặng hạt, đủ làm anh thấy cần thiết để lấy ra; hoặc như rằng anh vẫn thích dầm mưa như thế này hơn cả.

trong cơn mưa, Huế khoác lên cho một vẻ im lìm quá mức cần thiết, dẫu lúc thường thì sự im lìm ấy cũng khó phân biệt biết bao nhiêu. không cần giá lạnh, thì cảnh vật cũng đã đóng băng trong tầm mắt; hoặc nếu có, thì cũng chỉ là những chuyển động vô cùng chậm rãi. thời tiết thế này, người ta ngại ra đường hẳn, chiếc chăn ấm với người ta thương cũng đủ ngăn mọi ý định ra ngoài khung cửa sổ; nhưng anh nghĩ họ cần thêm một chút nữa, một động lực lớn lao để vùng mình đứng dậy, lao ra ngoài này và xem mọi thứ đang diễn ra thế nào, hẳn khi ấy họ sẽ quý điều đang trong tầm tay đến nhường nào.

một dịp chung chuyến xe với đoàn khách đến Huế, anh tình cờ nghe họ kể về những trải nghiệm khi đến Huế, những lần lầm lỡ nhỡ đặt phòng vào giữa mùa mưa. suốt chuyến ấy, họ chỉ ngồi trong phòng và nhìn ra bầu trời mưa trắng xóa, nhìn như xuyên qua và nghĩ đến những cảnh sắc mà họ dự tính đặt chân đến. anh thấy xót xa cho họ, cho cái lựa chọn mà tự bản thân cũng không biết làm thế nào để giải quyết. mùa năm ấy đã vào thu, lá thì đang rụng và trời cũng dần se lạnh; thêm lần nữa đến và xem chừng nay người ta đã biết phải làm thế nào.

tình cờ mấy hôm nay mọi người nói về Thư tình gửi một người, mình chợt nhớ xưa cũng từng viết đôi lá thư (tình) gửi ai đó, là những dòng trên đây. sau mấy năm, người ta cũng đã sắp lấy chồng, và thư chẳng còn thơ như ngày nào đã viết. có lẽ vậy, mà khi đọc lại, mình cảm giác lạ lẫm, như chẳng phải của mình. điều duy nhất khiến mình nhận ra đây là văn tự viết, vì nhắc đến Huế rất nhiều, nhiều đến độ nếu lược qua những đoạn tình cảm dạt dào, thì đây vẫn là bức thư có thể gửi cho một ai khác. mình lược ra, để gửi đến ai đang nhớ Huế, như mình hiện tại.

Bài viết ngày 04 tháng 07 năm 2022

bạn hẹn khi mình mới xuống Sài Gòn được ít lâu. đó là một buổi chiều vừa mưa xong, trên cao nắng ráo trong lành, và trong không gian có không khí hối hả mình chưa quen.

gặp nhau, mình mở lời trước, kể sơ chuyện xuống Sài Gòn mà có nhiều lối vì chưa biết đi thế nào, bạn nghe trong im lặng rồi tìm ghế đá ngồi xuống. phía đường chân trời có vài gợn ửng hồng từ đám mây còn sót lại sau cơn mưa, mình chỉ về phía đó rồi hỏi nếu chiều nay không mưa thì mây hoàng hôn hẳn sẽ đẹp lắm nhỉ?

lặng yên bạn không đáp, không gian cũng lặng yên, như để mình nghe tiếng thở mạnh dần. bạn từ từ mếu máo, nhẹ không thành lời rồi nặng từng tiếng nấc. mình bối rối, cuống lên bảo đừng khóc, có chuyện chi hãy thong thả kể. được giây lát, mình giật mình chữa lời, nếu muốn khóc thì cứ khóc đi, khóc cho thoã lòng. như chiếc bong bóng thổi căng hết cỡ rồi lấy chiếc kim đâm vào, mọi cảm xúc dồn nén từ bao giờ như bùng nổ trong lòng bạn, xối xả hơn trận mưa rào trước lúc tụi mình gặp nhau.

ôm bạn và nghe tiếng khóc, rồi cảm giác như chiếc kim nào đó đang đâm vào lòng, mình cũng mếu máo khóc theo. lát sau, bạn nhận ra điều ấy; thêm giây lát nữa, bạn ngừng rồi hỏi tại sao lại khóc? mình bảo, chắc cũng giống như ngáp, khóc đôi khi cũng lây lan… hôm ấy, bạn kể quá nhiều chuyện để mình không biết đâu là nguồn cơn vỡ oà; phần mình cũng kể thêm nhiều chuyện khác, nhưng cũng chẳng biết đâu là chuyện khiến mình buồn đến mức phải khóc theo bạn.

chuyện trôi qua cũng gần 3 năm, mình nghĩ đã quên vì nó quá sức buồn. rồi đến hôm nọ, một bạn khác hẹn ra biển, ngồi tâm sự đôi câu rồi chợt bật khóc; mình cũng như lần trước, bối rối bảo đừng khóc, rồi lại chữa thôi cứ khóc đi cho thoải mái. chỉ khác là, dù lòng có rất nhiều vấn đề, mình muốn khóc theo, nhưng có điều gì đã chặn lại.

một hôm khác, quá là buồn, quá là mệt mỏi bởi có quá nhiều chuyện đang đè lên đầu, mình cũng muốn khóc để giải toả nhưng không được. dẫu thế, vẫn nhắn với bạn, mới khóc xong nè; đang nói chuyện vui bỗng bạn chùn xuống, bảo mệt lắm đúng không, khóc được thì cứ khóc đi. khi ấy, mình nói rằng khóc giờ hay không cũng không còn quan trọng nữa, bởi lời bạn nói là hơn tất cả những gì mình cần, hơn cả trận mưa xối xả đang ở trong lòng.

Bài viết ngày 04 tháng 02 năm 2022

2 tuần trước, hành trình trở lại Huế đón Tết không có tín hiệu nào rõ ràng, trừ bầu trời sáng đầu tiên đầy sương và se se lạnh, để báo tin rằng Tết nay sẽ khác mọi năm nhiều.

khác đầu tiên, là một chuẩn bị ít kỳ vọng hơn. mình không mua Đào, chẳng Mai như mọi năm, chỉ đôi nhành Tuyết mai để cắm trong bình, mỗi ngày châm ít nước và đợi hoa bung cành. bánh thì vẫn gói chục đòn lấy không khí, chỉ khác là năm nay đem củi với nồi ra sân mà thổi lửa, canh trước một đêm đón giao thừa. bánh trái kẹo mứt thì vừa đủ, gói trong chừng đó chứ không thêm gì. cơ bản thì, mọi năm nhà mình đón Tết đã đơn giản, thì năm nay còn đơn giản hơn.

khi mình trở về, cho đến hiện tại, mỗi ngày Huế vài trăm ca mắc mới, mọi người ngại dịch nên ít đi, thế nên mình có thời gian ở nhà nhiều hơn. sự khác biệt tiếp theo, có lẽ vậy mà thành. ngay lúc mình trở về, Sư ông mất, ít hôm sau thì các bạn của mình theo lý tưởng mà xuất gia. chuỗi sự kiện ấy diễn ra nối tiếp, không cho mình thời gian để chuẩn bị, để lại khoảng trống đầy bối rối trong lòng mình. mọi sự diễn ra không sắp đặt, nên chăng cách diễn ra cũng khác những gì mình nghĩ.

sự chuẩn bị đơn giản và ít tham vọng, giúp mình và gia đình đón nhận Tết đúng như bản chất của nó – sung vầy và đầm ấm. mình dành thời gian bên gia đình nhiều hơn – điều mà trước thì khá vội vã để gọi tên. mình cũng sẵn sàng cho những cuộc trò chuyện mà trước đó là chưa thể bởi biết khi nói ra là ba mẹ sẽ buồn, thì nay cũng đủ can đảm; nét buồn dù trên mặt, mình cũng nhìn thấy sự nhẹ lòng trong đôi mắt họ cho những điều mình có thể bày tỏ.

không ra ngoài nhiều, giúp mình có thời gian cho bản thân, để tận hưởng khoảnh khắc theo đúng nghĩa. 2 tuần chậm lại, hít thở sâu và không làm gì nhiều hơn, dường như là chưa đủ cho những tháng ngày bị cuốn theo nhịp sống vội vã. cơ bản thì, mình cố gắng sống như một người có trách nhiệm, nhưng những ngày của hiện tại lại cố gắng không kém để thoát ly những trách nhiệm ấy.

vậy cho nên, Tết năm nay với mình thật khác, tích cực có, tiêu cực đầy buồn bã cũng có. với những nỗi buồn – mình sẽ dành thời gian cho bản thân để đắm chìm vào. và những niềm vui, đó sẽ là bước đầu để chuẩn bị một cái Tết tiếp theo thật trọn vẹn và đủ đầy.

Bài viết ngày 03 tháng 04 năm 2022

khi một ai cần lời khuyên chuyện tình cảm yêu đương, mình đều chia sẻ quan điểm rằng, rồi một lúc nào đó – chúng ta sẽ tìm được một người, mà những tiêu chuẩn trước đã vạch ra thì nay đều trở nên vô nghĩa; tự bản thân lúc ấy, điều duy nhất muốn là ở bên cạnh họ, bằng bất kỳ giá nào, dù phải hạ cái tôi xuống, hay chấp nhận hy sinh bản thân ít hoặc rất nhiều. rõ ràng, đó là một phần của tình yêu, là sự đắm say của cảm xúc, điều mà ai cũng phải u mê một đôi lần trong đời.

nhưng mà, đó không phải lựa chọn đúng. vì mê muội ấy tạo ra sự đánh đồng cảm xúc, của đối phương cũng là của mình, hạnh phúc họ nhận được cũng là của chung; và quên đi rằng bản thân mình cũng cần cảm giác riêng, và hạnh phúc cũng nên thế. về cơ bản, nếu ta không biết hạnh phúc là gì, thì không thể hiểu để đem điều ấy đến cho một người khác được.

cho nên, điều trước tiên, và quan trọng nhất, là phải tự mình hạnh phúc trước đã, phải tự thương mình rồi nghĩ đến chuyện thương người. hạnh phúc trong thế giới của bản thân trước, rồi mới có thể lan tỏa đến xung quanh, đến người mình thương mình quý. một người không biết chọn sao cho phải, để thấy cuộc sống này dù khó khăn lắm nhưng cũng dễ chịu và dễ thương nhiều; thì sẽ khó để chấp nhận một ai khác, với một thế giới quan mà họ đang hướng về.

đọc đến đây, hẳn bạn sẽ thắc mắc, đó có phải là ích kỷ, khi luôn nghĩ về bản thân trước tiên? với mình, nếu chọn sống sao mà không gây hại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến người khác thì không thể gọi là ích kỷ. còn nếu cái không gây hại, không tiêu cực ấy là một vệt sáng tối lập lờ, khó phân định rạch ròi, hãy xem thử lựa chọn đó sẽ tạo ra nguồn năng lượng như thế nào, với bản thân, và cho mọi người xung quanh.

cảm xúc, hạnh phúc là một nguồn năng lượng có tính chia sẻ. bởi nếu sống bên cạnh một người luôn vui vẻ, lạc quan yêu đời, ta phần nào cũng sẽ bị ảnh hưởng mà vui lây. còn nếu sống cạnh người luôn ủ rũ, u sầu ngày này qua tháng khác, ta sẽ như có cục tạ đè nặng trong lòng, dù có thể chuyện họ lo là chuyện chẳng liên quan đến mình.

vì vậy, muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, đầu tiên cần hạnh phúc trước đã. còn làm thế nào để hạnh phúc trước, một ngày nào đó, một bài nào đó, mình sẽ dốc lòng kể bạn nghe…

Bài viết ngày 02 tháng 08 năm 2022

chuyến đi Huế của tháng trước, không đi riêng mà mình đi cùng vài bạn nữa. đó là một trải nghiệm thú vị, nhiều tiếng cười, lắm chuyện để nhớ. khi trở về, mọi người chia sẻ ảnh đã chụp, mình xem và dành thời gian nhiều trong những tấm hình của cậu bạn trong nhóm; chúng được chụp bởi chiếc máy cũ kỹ, sản xuất từ lâu và giá bây giờ cũng rất rẻ. những bức ảnh đều có những câu chuyện được kể, và cảm hứng hiện rõ trong từng khoảnh khắc mà cậu ấy ghi lại.

đoạn đó, mình chợt nhớ về chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời, được tặng sau khi thi xong đại học. đó là chiếc máy đơn giản, không nhiều tính năng, nhỏ gọn trong lòng bàn tay nên cũng dễ bỏ vào túi để đem đi khắp mọi nơi, và chụp mọi lúc. có lẽ, cảm hứng chụp đơn giản là từ đó mà thành, bởi trước đấy có thích chụp, và chụp khắp mọi nơi như hiện tại đâu.

sau đó, mình mua những chiếc máy ảnh khác, nhiều công nghệ và chụp tốt hơn, đáp ứng đủ những kỳ vọng mà chiếc lúc ban đầu chưa thể làm được. nhưng có lẽ vì quá quan trọng những thiết bị, nên niềm vui và sự hào hứng như lần đầu đã không còn nhiều. lúc bấy giờ, chụp đơn giản là chụp, không hơn không kém.

phải đến khi, thử chụp những tấm film đầu, chân trời mới như rộng mở và nhìn thấy điều gì đó, mình quyết định bán máy số để chuyên tâm vào máy ảnh film. đó là một quyết định cần nhiều thời gian để làm quen, lắm bất tiện khiến đôi lần chùn bước băn khoăn, nhưng cũng ngập tràn cảm hứng – theo một cách khác vì cảm hứng trước kia đã nhường sân khấu cho một thế giới.

quay trở lại đầu bài, thời điểm đó cũng là lúc mình vừa mới bán máy film cũ, với dự định sẽ nâng cấp lên chiếc máy tốt hơn. trong thời gian chờ đợi, mình quay lại với ảnh số cùng chiếc máy tốt nhất từ trước đến nay. dẫu thế, nó vẫn chỉ giúp được mình trong khía cạnh kỹ thuật – khi yêu cầu trong từng bức ảnh ngày một khắt khe hơn; còn cảm hứng thì vẫn cứ mông lung và chưa thể tìm thấy trọn như những lần bấm chụp ảnh film.

và cách cậu bạn kia chụp, tìm bắt những khoảnh khắc trong khung hình, khiến mình nhận ra sự cầu toàn dần tăng lên của bản thân trong những lần bấm máy, đôi khi khiến cảm hứng mà mình từng có lại không còn trọn vẹn như trước. chính xác hơn, chụp đơn giản là chụp, không nên hơn không nên kém.

Bài viết ngày 01 tháng 06 năm 2022

đem tâm tình vào từng câu chữ để kể bạn nghe về Huế trong lòng là thế nào, bạn thắc mắc: nhạc có câu vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, thế vẻ đẹp Huế là sao mà chẳng nơi nào có? vừa hay khi ấy đang thong thả, được đà hỏi nên mình bày ra vài điều để giải đáp, tóm gọn lại là thế này…

có 2 hướng tiếp cận khi nói về vẻ đẹp của một nơi nào đó, là vẻ đẹp nội tại và ngoại tại.

vẻ đẹp nội tại là những điều đã có và đang hiện hữu, chúng đặc trưng và bất biến trong mọi cách diễn giải; thể hiện qua nếp sống, lối nghĩ, phong cách, đôi khi là kiến trúc, không gian và màu sắc đặc trưng của mỗi vùng đất. ví dụ: phố người Hoa cứ 3 bước là gặp tiệm thuốc bắc, cồn Hến chia từng nhà làm từng nguyên liệu để góp thành tô cơm hến, chợ Đồng Xuân là mạch sống của phố cổ, cà phê sáng ở Đà Lạt mở đầu ngày mới…

vẻ đẹp ngoại tại là cái nhìn và đánh giá từ bên ngoài, là sự điều chỉnh những gì đã có để phù hợp với hiện tại và thị hiếu, kỳ vọng của số đông hơn. chúng phục vụ chủ yếu cho người từ nơi khác đến, giúp họ hiểu nhanh và thoải mái nhất về nơi nào đó. ví dụ: lắp cáp treo lên đỉnh núi, làm homestay với đủ tiện nghi, xây dựng chợ đêm công cộng… chúng thường mang tính công nghiệp, phổ quát và dễ dàng sao chép, và thi thoảng là sự biến đổi từ vẻ đẹp nội tại mà thành.

một điều không cần bàn cãi rằng, bất kỳ vùng đất, thành phố nào cũng sẽ có vẻ đẹp chẳng nơi nào có được, tạo từ những đặc điểm, đặc trưng chẳng pha lẫn với bất kỳ đâu. nhưng khi nói vậy, thì đó phải là vẻ đẹp nội tại. vì trước tiên – chúng phục vụ cho riêng cộng đồng ấy, với tất cả những gì thuộc về; chứ không phải sinh ra để làm hài lòng người của nơi khác đến.

vậy tóm lại thì, Huế có vẻ đẹp gì mà chẳng nơi nào có? vẻ đẹp nội tại thì nhiều, nhưng rõ và bao quát nhất với mình chính là chiều sâu, cả về văn hoá, lịch sử, kiến trúc lẫn con người. bởi vậy, nên sống như một người Huế đích thực, ngay tại Huế để cảm nhận và hiểu câu trả lời cho trọn vẹn. không chỉ là ở trong khu vườn của ngoại ô, ngồi trong mâm bữa ăn gia đình nào đó, mà còn là quan sát và sống theo từng nhịp họ đang sống, chứ không phải như một người khách du lịch tìm đến.

khó không? hẳn rồi, đâu phải dễ, nên bởi thế cũng dễ tìm được ở nơi nào nữa đâu.

Đọc thêm các tuyển tập viết văn khác

Tuyển tập viết văn 2018

Tuyển tập viết văn 2019

Tuyển tập viết văn 2020

Tuyển tập viết văn 2021

Tuyển tập viết văn 2023

Tuyển tập viết văn 2024

Tuyển tập viết văn 2025

nhavantuonglai

Share:

Có thể bạn chưa đọc

Xem tất cả »
Tuyển tập viết văn năm 2021

Tuyển tập viết văn năm 2021

Tuyển tập viết văn năm 2021 là tập tản văn được chắt lọc từ những bài viết đăng tải trên Instagram cá nhân của nhavantuonglai trong suốt năm vừa qua.

Liên lạc trao đổi

Liên lạc thông qua Instagram

Thông qua Instagram, bạn có thể trao đổi trực tiếp và tức thời, cũng như cập nhật những thông tin mới nhất từ nhavantuonglai.

Tức thời

Bạn có thể gửi và nhận tin nhắn nhanh chóng, trực tiếp, giúp những vấn đề cá nhân của bạn được giải quyết tức thời và hiệu quả hơn.

Thân thiện

Vì tính chất là kênh liên lạc nhanh, nên bạn có thể bỏ qua những nghi thức giao tiếp thông thường, chỉ cần lịch sự và tôn trọng thì sẽ nhận được sự phản hồi đầy thân thiện, thoải mái từ tác giả.

Trao đổi trên email

Thông qua email cá nhân, bạn có thể trao đổi thỏa thuận hợp tác, kết nối chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp.

Tin cậy

Trong một số trường hợp, email được dùng như một tài liệu pháp lý, chính vì vậy mà bạn có thể an tâm và tin cậy khi trao đổi với tác giả thông qua email.

Chuyên nghiệp

Cấu trúc của email đặt tính chuyên nghiệp lên hàng đầu, nên những thông tin, nội dung được viết trong email từ tác giả sẽ luôn đảm bảo điều này ở mức cao nhất.